Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4: Phẩm 31 - 35

17/05/201320:02(Xem: 10975)
Phần 4: Phẩm 31 - 35

Kinh Hiền Ngu

Phần 4:
Phẩm 31 - 35

Thích Trung Quán

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch

Phẩm thứ ba mươi mốt

ĐẠI KIẾP TÂN NINH

CHÍNH tôi được nghe: Một thời Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Về phương nam nước Xá Vệ có một nước tên là Kim Địa, ông vua đó tên là Kiếp Tàn Ninh, con trai ông tên là Đại Kiếp Tân Ninh. Trí óc thông sáng sức lực khỏe mạnh, sau khi nhà vua băng hà, Thái Tử Đại Kiếp Tân Ninh lên nối ngôi, thống trị ba vạn sáu nước, quân lính rất nhiều, thiên hạ vô địch, tiếng anh hùng đã lừng lẫy bốn phương. Nhưng xứ Trung Quốc họ không tùng phục.

Bấy giờ có một người lái buôn đến nước Kim Địa buôn bán, đem dâng vua bốn thứ lụa Bạch Điệp rất tốt. Vua nhận rồi hỏi rằng:

- Vật này mua ở xứ nào?

- Tâu Bệ Hạ! Mua ở Trung Quốc!

- Trung Quốc tên chi?

- Tâu Bệ Hạ! Tên là La Duyệt Kỳ, Xá Vệ, và còn nhiều nước khác nữa.

- Các vua xứ Trung Quốc, tại sao không đem lụa này dâng ta?

- Tâu Bệ Hạ, đối với lực lượng họ cũng chẳng kém gì nên họ không dâng!

Vua Kim Địa thầm nghĩ như vầy:

- Thế lực của ta có thể toàn thu được thiên hạ về một mối, họ không chịu thần phục ta, ta sẽ cử đại hùng binh sang đánh!

Nghĩ xong hỏi lái buôn rằng:

- Các nước xứ Trung Quốc, nước nào lớn hơn và hùng mạnh hơn?

- Tâu Bệ Hạ, nước Xá Vệ lớn nhất, và hùng mạnh nhất!

Nhà vua nói:

- Tốt lắm, Trẫm nhận lẽ này cho anh, và cho anh ra!

- Dạ! Tâu Bệ Hạ, con xin cáo lui.

Nhà vua thảo tờ chiếu chỉ, sai người mang sang cho vua Ba Tư Nặc như sau:

- Ba Tư Nặc! Ông nên biết: Nước ta hùng mạnh khắp cõi Diêm Phù Đề đều biết, Khanh tuyệt giao với ta; Ta sai người mang chiếu chỉ này, bảo cho Khanh biết: Nếu Khanh đương nằm nghe thấy chiếu chỉ của ta đến, thì phải ngồi dậy ngay! Nếu đương ngồi phải đứng dậy ngay! Nếu đương ăn phải nhổ ra ngay! Nếu đương tắm phải quấn tóc lại ngay! Nếu đương đứng phải chạy đến đỡ lấy ngay, sau bảy ngày nữa sẽ biết ta! Nếu không theo đúng lời nói đây, ta sẽ đem đại hùng binh sang tiêu diệt nước của nhà người!

Vua Ba Tư Nặc tiếp được tờ chiếu chỉ vua Kim Địa, sợ toát mồ hôi! Bối rối không biết nghĩ sao liền đi cầu Phật giải quyết.

Bạch Phật rằng: - Kính lạy đức Thế Tôn! Vua Kim Địa cậy sức hùng mạnh, hẹn bảy ngày nữa đem binh sang đánh, con vừa nhận được thơ. Cúi xin đức Thế Tôn đoán cho!

Phật dạy: - Nhà vua không lo! Về bảo sứ giả rằng: Ta cũng có một ông Đại Vương nước lớn, ông đó theo Phật giáo, cũng gần đây, vậy nhà ngươi mang tờ chiếu này đến cho Đại Vương ta coi!

Sứ giả đi cùng vua Ba Tư Nặc đến rừng Kỳ Hoàn.

Đức Thế Tôn tự biến ra vua Chuyển Luân, sai ông Mục Kiền Liên làm một vị đại tướng cầm quân, cơ nào đội ấy rất hùng mạnh, biến rừng Kỳ Hoàn ra một cái thành lớn, bằng thất bảo, chung quanh thành có bảy lần hào lũy, thành có bảy lần hàng cây cũng bằng thấy bảo, dưới hào có hoa sen, đủ các sắc, quang minh sáng sủa, các cung điện trong thành thuần bằng thất bảo. Vua Chuyển Luân ngồi trên bảo điện tôn nghiêm đáng sợ.

Sứ Giả vào tới thành, nhìn thấy vua Chuyển Luân, lẫm liệt như ông Thiên Đế Thích trên cung trời Đao Lợi, tâm hồn kinh ngạc, sợ hãi! Thầm nghĩ như vầy:

- Vua Kim Địa vô cố lại chiêu cái họa vào thân!

Vừa run, vừa sợ! Không biết tính cách gì nói cho tiện, quỳ xuống dâng lá thơ thưa rằng:

- Kính tâu Đại Vương! Con là sứ thần của vua Kim Địa, tuân mạng dâng bức thơ này lên Đại Vương!

Vua Chuyển Luân, vất tờ thơ ấy xuống, đất, đạp lên trên nói:

- Ta làm một ông Đại Vương thống trị bốn thiên hạ, chúa nhà ngươi điên cuồng sao dám vô lễ, về ngay bảo cho chúa nhà ngươi biết rằng: Mau mau lại đây triều cống nước ta, đương nằm nghe thấy lời của ta đến, phải ngồi dậy ngay! Đương đứng phải bước lại ngay! Hẹn bảy ngày nữa phải đến! Nếu trái lệnh ta, khi chịu chết đừng có hối hận!

- Dạ muôn tâu Đại Vương! Hạ thần xin phụng mạng!

Sứ Giả về nước nhà! Tâu vua Kim Địa những lời nói trên, và trình bày thế lực cho nghe. Kim Địa nghe xong núng thế, tự trách mình đã quá kiêu ngạo, rồi thảo thơ đi mời các vua nước nhỏ đến, để điyết kiến vua Chuyển Luân (Phật).

Song hãy còn ngờ sai sứ đến tâu rằng:

- Tâu Bệ Hạ! Tiểu Vương Kim Đại phái hạ thần đến đây, kêu với Bệ Hạ đưa ba vạn sáu ngàn vua các nước đến yết kiến, hay đi một nữa, xin cho hạ thần được rõ?

- Đại Vương đáp: "Cho để lại một nữa, tới đây một nữa?"

Sứ Giả về tâu rằng:

- Tâu Bệ Hạ! Đại Vương cho để lại một nữa, sang một nữa!

Vua Kim Địa sửa soạn binh nhung đầy đủ lương thực, và đưa một vạn tám ngàn vua nước nhỏ sang. Tới nơi thấy thành quách trang nghiêm thuần bằng thất bảo, quân đội hùng mạnh, vua Chuyển Luân như ông trời Đế Thích, oai phong lẫm liệt, cảm giới không khác thiên cung. Song lại nghĩ như vầy:

Đức tướng và cảnh giới tuy hơn, nhưng lực lượng chưa chắc đã hơn ta.

- Vua Chuyển Luân biết ý nghĩ của ông như vậy, sai quân lấy cung cho vua Kim Địa giương thử. Kim Địa cầm cung giương không nổi.

Thấy giương không nổi, vua Chuyển Luân cầm lấy cung giương lên như bỡn, rồi Ngài trao cho Kim Địa bắn thử, nhưng bắn không nổi.

Vua Chuyển Luân cầm lấy cung, bắn tiếng kêu, làm chấn động ba ngàn thế giới, lại bắn thêm một phát nữa, hóa ra năm mũi tên, các đầu tên đều tảo ra vô số quang minh, trên đầu tia sáng đều có các hoa sen lớn, to như vành bánh xe, trên mỗi một hoa, đều có một ông Chuyển Luân Vương ngồi tòa thất bảo, ngọc nữ đông đủ. Những tia sáng của hoa làm đoạt ánh sáng mặt trời, mặt trăng, trong ba ngàn cõi, hào quang ấy làm cho tất cả chúng sinh trong năm thú được lợi ích.

Trên các cõi trời, những người được thấy ánh hào quang, và được nghe thuyết pháp, thân tâm họ đều được thanh tịnh an vui! Rồi có người đắc quả thứ hai, hoặc thứ ba; cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, dự vào ngôi bất thoái.

Những chúng sinh ở đạo người được thấy hào quang, và nghe tiếng thuyết pháp, ai nấy đều vui mừng! Sau có người đắc nhị quả hoặc tam quả, cũng có người phát tâm xuất gia, và phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ Đề, dự vào ngôi bất thoái.

Trong loài ngạ quỷ được thấy hào quang này và nghe tiếng thuyết pháp, đều tiêu hết nghiệp, thân tâm an lạc, nhiệt não tiêu tan, phát sinh tâm tôn kính Đức Phật, họ đều được giải thoát loài ngạ quỷ, sinh lên thiên đường hoặc sinh cõi nhân gian.

Loài súc sinh được gặp ánh quang minh này, lòng tham dục, sân si tự nhiên tiêu diệt, sinh lòng tôn kính Đức Phật, đều thoát khỏi loài súc sinh, hóa sinh về cõi người cõi trời.

Những người trong địa ngục, được gặp ánh quang minh này, kẻ rét được ấm áp, kẻ nóng được mát mẻ, kẻ đau khổ được an lành, thân tâm vui sướng kính mến Phật, liền thoát khoải địa ngục sinh về cõi người, cõi trời.

Đại Kiếp Tân Ninh và các ông vua thuộc xứ Kim Địa, thấy phép thần biến như vậy, vui sướng, tôn kính, cảm phục, sợ hãi vua Chuyển Luân có thần biến và đức độ vô biên, ngay lúc ấy tâm của các ông vua đều giũ hết mọi trần cấu Đắc Pháp Nhãn Tịnh.

Đức Phật thấy các ông đã chuyển tâm quy hướng, nên Ngài thu nhiếp thần lực, hiện lại nguyên hình, các đệ tử vây quanh trước sau.

Kim Địa và các ông vua thấy Phật, oai đức phi thường thần thông hiển hách, sinh tâm cung kính, cùng nhau quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con tuy làm nhân chúa, còn mê muội chịu ách luân hồi sinh tử, muốn trút bỏ kiến thức hẹp hòi của chúng sinh, ràng buộc, cúi xin ngài từ bi cho xuất gia học đạo!

Đức Phật khen ngợi! Và nói lên rằng:

- Thiện Lai Tỷ Khưu!

Nói dứt lời râu tóc các ông đều rụng hết, áo Cà Sa thấy mặc tại mình, nghe Phật thuyết pháp được hết lậu nghiệp thành ngôi La Hán.

Thấy thế, tôi (A Nan) tới trước quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Vua Kim Địa, trước tu hạnh gì, nay được làm nhân chúa, lại được gặp Thế Tôn, đắc quả La Hán cúi xin nói cho chúng con, và chúng sinh đời vị lai được rõ?

Phật dạy: - A Nan, tất cả chúng sinh do tạo, công đức lành đời trước mà được hưởng quả báo tốt đời này. Đây cũng một thời quá khứ sau, Phật Ca Diếp nhập Niết Bàn, có một ông Trưởng giả, bỏ tiền ra xây tháp, làm chùa, và các phòng xá, cúng dàng chư Tăng, nào áo mặc, thuốc thang giường tòa, các món ăn, sau khi ông chết trải qua lâu năm, chùa tháp hư hỏng và các món ăn cũng không còn nữa, nên các sư phải đi xứ khác. Con ông ta đi xuất gia làm Tỷ Khưu, trở về nhà thấy thế, ra khuyến hóa nhân dân, tu sửa chùa tháp, đặt các giường tòa, và các đồ ăn dùng cúng dàng chư Tăng đầy đủ, rồi phát nguyện rằng:

- Nguyện công đức này, đời mai sau cho con được phú quý tràng thọ, gặp Phật nghe pháp và đắc đạo quả!

A Nan ông nên biết, con Trưởng giả ở thời đó, chính là vua Kim Địa tên là Đại Kiếp Tân Ninh, còn những người dân góp tiền của chúng dàng, nay là một vạn tám ngàn các ông vua nước nhỏ bây giờ.

Nghe Phật nói xong ai nấy vui vẻ! Phát tâm cầu đạo tu phúc, tuân theo lời vàng ngọc, tạ lễ lui ra.

Phẩm thứ ba mươi hai

TỶ KHƯU NI VI DIỆU

CHÍNH tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại tinh xá Kỳ Hoàn, sau khi vua Ba Tư Nặc đã băng hà, Thái Tử Lưu Ly chấp chính, bạo ngược tham tàn, thả voi đạp chết nhân dân vô kể.

Bấy giờ các con gái trong nhà quý phái, thấy thế chán đời, rủ nhau đi xuất gia tu đạo để cầu giải tháot rất đông.

Nhân dân họ thấy các cô hoặc họ Thích, hoặc các nhà Hầu Tước, là những dòng họ tôn sang bỏ sự vinh hoa sung sướng, xuất gia tu đạo, cả thảy năm trăm người, nên họ rất tôn kính, tranh nhau cúng dàng.

Một hôm các cô ấy bàn nhau như vầy:

- Chúng ta tuy được xuất gia, mang danh là Tỷ Khưu Ni, song đối với Phật Pháp chưa hiểu biết gì; chưa được uống Pháp Dược, để tiêu những tập chướng Dâm, Nộ, Si từ đời vô thuỷ. Bây giờ phải đến bà Thâu Lan Nan Đà Tỷ Khưu Ni xin học hỏi, và để bà truyền pháp Bát kính cho. Các cô cùng nhau đến làm lễ và thưa rằng:

- Kính thưa bà, chúng con không biết có phúc duyên gì, được hạnh phùng Tam Bảo xuất gia tu đạo, làm Tỷ Khưu Ni, song đối với giáo lý cao siêu của đức Phật chưa hiểu biết gì, hôm nay chúng con cả thảy năm trăm người, đến đây cầu xin bà từ bi thí Pháp Nhũ, cho chúng con được ân triêm công đức!

Bà Thâu Lan Nan Đà nói:

- Các cô sinh trưởng nơi tôn sang, tôn vinh phú quý, vinh hoa thiếu chi, đương tầm tuổi trẻ, xuất gia học đạo làm gì cho khổ một đời tươi trẻ! Thôi đem áo bát cho tôi, trở về lấy chồng, hưởng cuộc đời êm ấm nơi khuê các, cho khoái lạc, tội chi làm Tỷ Khưu Ni ở nơi chốn chùa chiền khô quạnh, chôn dìm cuộc đời như đống tro tàn lạnh lẽo!

Các cô nghe bà nói xong, lòng dạ hoang mang, sa nước mắt tạ lễ lui ra. Trong khi đi bảo nhau rằng:

- Chúng ta muốn thoát khỏi con đường tình ái, ngu si, mê muội của thế gian, đến đây bà đã không khuyên bảo lũ ta được gì, lại đem những lời lẽ lôi kéo chúng ta vào nơi hang hầm miệng sói, trụy lạc đời đời. Vậy chị em ta đến bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu, cầu bà tế độ.

Năm trăm cô đến chỗ bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu, cúi đầu lễ sát đất thưa rằng:

- Kính thưa bà, chúng con ở tại tập tục mê muội, tuy đã đi xuất gia, nhưng tâm ý vẫn còn tham ái, lòng dục vẫn thường phát khởi như lửa đốt, không cách gì ngăn cản nổi, xin bà thuyết pháp để giải thoát cái tội căn ấy cho lũ chúng con!

Bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu đáp rằng:

- Trong ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai, các cô muốn hỏi gì?

- Dạ! Kính thưa bà, đời quá khứ, và đời vị lai, còn viễn vọng, chúng con không dám hỏi, xin hỏi bà: Cái tội thắt chặt của sự dâm dục đời hiện tại, nó xấu hay tốt, nó hay hay nó dở, có kết quả gì cho mình không? Có lợi ích hay không có lợi cho tương lai, xin bà giải thích!

- Các cô muốn biết rõ hãy để ý nghe!

- Dạ chúng con xin chú ý nghe!

- Các cô nên biết! Tất cả trời người, cho đến vạn vật có hình thức trên vũ trụ này, loài nào cũng do nghiệp ái dục mà sinh ra; Dâm dục ví một dám lửa cháy dữ dội nó có thể đốt tiêu hủy núi rừng, cây, cỏ, gỗ, đá cho đến vũ trụ bao la, kẻ mắc phải dâm dục, cũng như bị giặc vào phá nhà; kẻ đó sẽ đọa xuống tam đồ ác đạo, không có kỳ hẹn được ra.

Những ai luyến gia nghiệp, đó là tham sự sum họp ân yêu vui vầy! Vì nhân duyên ấy nên sanh già bệnh chết, biệt ly, huyễn quan xúc não! Đương yêu nhau bị ly biệt, thương tiếc khóc than! Luyến ái tổn hại đến tâm can ngất đi sống lại, tâm ý trói buộc như lao ngục. Tôi vốn là một con nhà dòng Phạm Chí, cha tôi là một người được tôn quý nhất trong nước. Buổi đó ông Trưởng giả dòng Phạm Chí, có người con trai xinh đẹp trí óc thông minh. Thấy ta xinh đẹp lại dòng quý phái, nên ông nói với cha mẹ ta, cưới ta về cho con trai ông. Sau khi đã thành gia thất, vợ chồng ăn ở với nhau được một đứa con trai, đã lâu ngày xa cha cách mẹ, lòng nhớ mong không tả xiết? Giữa lúc ta đang có mang, sợ sinh tử vô thường nên ta, xin phép chồng về nhà thăm cha mẹ; chồng ta ưng thuận cho đi. Buổi sáng ấy, hai vợ chồng ẵm con và mang đồ hành lý ra đi, đi chừng được nữa đường trời vừa sẩm tối, vợ chồng nằm nghỉ dưới gốc cây to, không may lúc canh khuya ta đau bụng sinh, huyết chảy ra lênh láng, các loài rắn độc, thấy mùi tanh tìm lại, cắn chết chồng ta! Đương lúc ngủ say! Ta gọi mãi không thấy trả lời. Trời vừa tảng sáng, cầm tay kéo dậy, thấy lạnh buốt ngay đờ như cục gỗ, không còn tri giác, xem kỹ biết rằng rắn cắn, thương quá! Tời ơi! Khổ chi đến nỗi thế này! Khi đó hồn phách ta không biết bay đâu? Ngất đi mê mết! Thằng nhỏ ngồi bên vừa gọi vừa khóc! Dần dần tỉnh dậy. Rồi ta cõng thằng nhỏ trên vai, tay ẵm đứa con mới nở, vừa đi vừa khóc! Qua quãng đường vắng, tới một con sông lớn, nước không sâu lắm, không có thuyền qua, ta phải để thằng nhỏ trên bờ, ẵm đứa bé bơi qua sông, sang tới bờ đễ đứa bé bên này, lại ngồi sang đón thằng nhỏ, không may, thằng nhỏ té xuống sông lúc nào mất, ta lại bơi sang bờ sông bên này, thì đứa bé mới sinh đã bị hổ tha, chỉ thấy những giọt máu chảy ròng ròng trên mặt đất, ta buồn khổ quá! Chết ngất đi hồi mới tỉnh lại. Thơ thẩn một mình bước trên đường đi, vừa được vài dặm, gặp một người bạn thân của cha ta, ông hỏi rằng:

- Con đi đâu về? Sao bác coi con nhem nhuốc tiều tụy như vậy?

- Thưa bác! Hôm qua vợ chồng nhà con ẵm cháu về thăm cha mẹ, đêm qua không may chồng con bị rắn cắn chết, sáng hôm nay mất hai đứa cháu: Một đứa lăn xuống sông, một đứa bị hổ tha, thực là đau khổ cho con quá!

- Ôi thế ư! Hôm qua nhà con bị phát hỏa, cha mẹ con, và cả nhà con đều bị chết hết rồi, còn gì đau khổ hơn cho con nữa!

Nghe xong như sét đánh bên tai, ta ngã lăn ra đất, chết ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại! Hết khóc lại than, thực là một sự vô cùng thảm khốc! Ông ấy thương ta đau khổ! Đưa ta về nhà nuôi nấng coi ta như con đẻ.

Qua thời gian lâu, ta dần dần nguôi cơn đau khổ, nơi đó có người con trai, cũng dòng Phạm Chí, thấy ta xinh đẹp, cậy người mối lái, muốn cùng ta kết bạn trăm năm. Thôi cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem cuộc thế xoay vần đến đâu? Ta cùng người ấy kết duyên với nhau, thấm thoát đã có mang mãn tháng nọ ngày tới kỳ hoa nở, hôm đó giữa lúc canh khuya, ta đau bụng sanh, thì chồng của ta đi ăn uống nhậu nhẹt, hay cờ bạc ở đâu về, gõ cửa gọi, giữa giờ phút sanh cháu nhỏ, nên không ra mở cửa được, anh chàng tức giận phá cửa vào, đánh đập liên hồi, ta kêu van và nói:

- Thưa anh, em đương đau bụnh sanh, chứ không phải lười hay khinh mà không ra mở cửa cho anh! Kẻ vũ phu nổi giận giết tươi đứa con của ta mới sanh, rồi bắt ta phải ăn sống đứa con ấy. Ta không chịu ăn, vì đánh đau quá! Nên ta nhắm mắt ăn liều, ăn xong tự hối hận trong lòng: "Đời mình bạc phúc, gặp kẻ bất nhân". Sáng ngày hôm sau, bỏ nhà ấy đi đến nước Ba La Nại, ngồi ở ngoài thành, con trai ông Trưởng giả tại đây mới chết vợ, hàng ngày ra viếng mộ ở ngoài thành, thấy ta anh hỏi:

- Cô ở đâu tới, tại sao ngồi một mình ở đây?

Khi đó ta nói thật những chuyện như trên cho anh nghe, anh bảo ta rằng:

- Cô cùng tôi vào nơi quán uống nước!

Khi ngồi chơi uống nước chuyện trò vui vẻ, anh hỏi:

- Bây giờ có người muốn kết duyên cùng cô, vậy cô có đồng ý không?

- Thưa anh, em thấy ngán lắm! Vui không được bao nhiêu, mà sự khổ đưa lại dồn dập, kẻ hiền lương không gặp, gặp kẻ bất nhân, lại gây thêm phần đau khổ.

- Đời ở một mình sao?

- Em không ở một mình, nhưng nếu gặp hiền nhân, có đạo đức có học vấn.

- Thôi cô ơi! Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chính tôi con trai ông Trưởng giả thành này vừa mới chế vợ, thấy cô là người hiền đức, muốn làm bạn trăm năm cô nghĩ sao?

Ta thấy có vẻ tướng hiền hòa, lại dòng quý phái, nên đồng ý kết duyên cùng anh. Nhưng cũng không may cho ta, vợ chồng ăn ở với nhau chưa được ba năm, anh mắc bệnh chết.

Luật ấy, "nếu vợ chết thì chồng được phép lấy vợ khác, nhưng nếu chồng chết thì chôn theo cả vợ". Như thế, ta cũng bị chôn luôn với chồng một huyệt! Nhưng ta chưa chết hẳn, tối hôm đó tụi cướp đến đào mả để lấy những trang vật vàng bạc của ta, anh tướng cướp thấy ta xinh đẹp bắt về làm vợ, anh giặc này chưa được bao ngày, bị họ bắt được chém mất đầu, bọn bộ hạ của anh cướp lấy xác mang về bắt ta đem chôn sống cùng anh giặc một thể. Vừa được ba ngày các con hổ bới mả định ăn thịt, trời tang tảng sáng chúng thấy người đi chợ đông, bỏ chạy, nhân thế ta dùn mả lên, ngồi than một mình rằng:

- Chẳng biết kiếp trước ta làm tội gì, mà nay gặp nhiều tai nạn như vậy? Chết đi sống lại mấy lần, làm thân nữ nhi thực là tội nghiệp. Xét rằng: Muôn vàn các bạn gái khác, chồng con cũng chẳng qua dưới ách nô lệ, của tâm hồn mê muội ngu si, không biết nhận thức một hạnh trong sáng thanh cao, bước lên con đường chân chính, tìm hiểu chân lý, tu hành cho thoát khỏi nơi phàm tục! Đó cũng chỉ vì nghiệp tham ái vô minh che tối, khi mới biế nhận thức con người, đã ngăm ngăm trong đáy lòng toan tính những đường duyên nợ, chịu chết nơi sào huyệt của dục vọng cám dỗ, vì thế mới chìm đắm nơi biển cả sinh tử luân hồi, ta sực nhớ rằng: Trước đây có người họ Thích xuất gai tu đạo, nay đã thành Phật, vậy đến đó để nương thân cho thoát khổ. Đứng dậy bước đi, dạ đói thân đau, đường xa nhiều hiểm trở, vừa đi vừa hỏi thăm, đến nơi rừng Kỳ Hoàn trời vừasẩm tối, xa xa nhìn thấy đức Như Lai sáng rực như quả núi vàng, oai phong lẫm liệt, đầy vẻ từ bi, sung sướng quá! Ta quỳ xuống một lòng thành kính hướng về Ngài, tha thiết ân cần cầu tế độ. Ngài đến tận nơi, khi đó hình thể ta lõa lồ ngồi dưới đất, thẹn hổ phải lấy tay che vú, Phật sai Ngài A Nan đem cho ta tấm áo, ta tới trước đức Thế Tôn cúi đầu lễ dưới chân, và trình bày những thống khổ vừa qua và xin xuất gia tu đạo.

Ngài sai ông A Nan đem ta giao cho bà Đại Ái Đạo dạy bảo, theo lời dạy bà thọ giới Tỷ Khưu, rồi bảo ta pháp "Tứ Đế" là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Vô Thường, Vô Ngã.

Ta chăm chỉ tu hành chẳng bao lâu đã chúng được đạo quả, hiểu biết đời quá khứ, và đời vị lai, coi thấy những tội ta đã tạo từ đời quá khứ, nên phải chịu ác báo không sai một tí nào!

- Kính thưa bà, đời quá khứ bà phạm tội gì, đời này bị quả báo như vậy? Xin bà nói cho chúng con được rõ?

- Muốn biết các cô hãy để ý nghe!

- Dạ, chúng con xin chú ý nghe!

- Đời ấy cách đây đã quá lâu, thuở đó có ông Trưởng giả nhà giàu, nhưng không có con, sau ông lấy một người vợ lẽ; vì có sắc đẹp nên ông mến lắm! Hai người với tình yêu khắng khít, chẳng bao lâu sinh được đứa con trai; từ đó ông lại càng đằm thắm hơn xưa, thấy thế người vợ cả thầm nghĩ như vầy:

- Công ta khó nhọc, làm ăn chắt bóp nên được giàu có, sau này đứa con vợ lẽ nó hưởng tất, thật là luống công vô ích cho ta, chi bằng ta giết quách nó đi là xong!

Định kế như vậy rồi lấy một cái kim dài, chờ lúc vắng người, cấm ngập vào giữa đỉnh đầu đứa bé. Cách ít ngày đứa trẻ ấy chết, vợ nhỏ thương con khóc suốt ngày đêm không ngớt tiếng! Rồi tự nghĩ rằng:

- Con ta không ốm không đau, tự nhiên mà chết, chắc rằng chị cả giết nó đây!

- Hỏi: - Con tôi có tội gì, mà chị nỡ giết nó?

Vợ lớn đáp: - Ô hay! Cô nói quàng nói điên như vậy? Tôi thề rằng nếu tôi giết con cô, thì đời đời chồng tôi bị rắn cắn chết, có con thì bị nước ngập hổ tha, lang bắt, còn thân tôi sẽ bị chôn sống, và tôi tự ăn thịt con tôi, cha mẹ và cả nhà tôi sẽ vị chết cháy trong đống lửa. Các cô nên biết người vợ lớn của ông Trưởng giả thuở đó chính là tiền thân của ta; vì ta không biết tin tội phúc báo ứng, ác tâm giết đứa con trai của người vợ bé ngày đó, rồi lại tự thề như vậy, cho nên kiếp này chịu lấy quả báo đau khổ, cũng đúng như lời thề ngày xưa không khác.

- Kính thưa bà! Bà tu công đức gì, kiếp này được gặp Phật và đắc đạo giải thoát, xin bà nói cho chúng con được biết?

- Các cô để ý nghe: Đời quá khứ đã xa xưa, ở nước Ba La Nại có một quả núi lớn gọi là Tiên Sơn, trong núi có nhiều những vị Bích Chi Phật, Thanh Văn và ngoại đạo thần tiên. Khi đó có vị Duyên Giác vào thành khất thực bà Trưởng giả thành ấy hoan hỷ cúng dàng, Ngài dùng cơm xong bay lên hư không hiện ra các phép thần biến. Thấy thế bà Trưởng giả chắp tay cung kính, hướng lên Ngài mà khấn rằng:

- Kính lạy Đức Tôn Giả! Xin cho con đời sau cũng được đắc đạo như Ngài!

- Các cô nên biết: Bà Trưởng Giả ngày đó, chính là tiền thân của ta, vì sự thành kính cúng dàng vị Thánh Tăng, và phát nguyện nên đời nay được gặp Phật, đắc quả La Hán! Thân ta bây giờ tuy đắc quả La Hán nhưng thường thường bị đau nhói một cái từ đầu xuống chân không khác chi cái kim đâm đau thấu tận xương! Như thế đó, tội báo mặc dầu cho lâu kiếp đến đâu cũng không thể xóa nhòa được.

Năm trăm Ni Cô nghe bà kể lại lịch kiếp tiền sinh như vậy, ai nấy trong lòng run sợ, tự quan sát cái căn bản của dâm dục, cũng như một đám lửa cháy hừng, tâm tham dục mất hẳn. Coi những nỗi đau khổ của thế gian, khác chi lao ngục, trần cấu tự nhiên tiêu hết, tâm ý sáng tỏ, hiểu thấu đạo mầu. Bình tĩnh thâm tâm, nhập định Diệt Tận, thành ngôi La Hán, khi xuất định thưa với bà Vi Diệu rằng:

- Thưa bà, chúng con bị triền miên với lòng dâm dục không gỡ nổi, hôm nay nhờ ơn bà đã được giải thoát.

Phật khen bà Vi Diệu rằng:

- Quý hóa, bà Vi Diệu thuyết pháp lợi mình lợi người, chính là đệ tử của Tam thế chư Phật!

Các cô, và đại chúng dự thính ai nấy đều hoan hỷ tạ lễ mà lui.

Phẩm thứ ba mươi ba

LÊ KỲ DI

CHÍNH tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thấi Tử Kỳ Đà. Tại bản triều vua Ba Tư Nặc có ông quan đại thần tên là Lê Kỳ Di, nhà giàu, sinh được bảy người con trai; sáu cậu đã lập gia đình xong xuôi, còn cậu thứ bảy chưa có vợ, ông tự nghĩ:

Tuổi đã già yếu, còn đứa con trai út, nếu lập gia đình cho nó thì phải tìm nơi xứng đáng, và con người xinh đẹp.

Một hôm có người bạn thân dòng Phạm Chí đến chơi, trong lúc chuyện trò vui vẻ! Ông nói:

- Thưa bác! Tôi còn thằng cháu trai út, muốn lấy vợ cho nó, nhưng chưa tìm được nơi đâu xứng đáng. Bác từ trước đến nay đi du lịch các nước đã nhiều, vậy phiền bác nơi đâu con nhà tử tế, có nết tinh khiết, hiền hậu hòa nhã, để bác giới thiệu cho cháu một người!

- Dạ! Việc chi chứ việc ấy, tôi có thể giúp được.

Qua thời gian sau, ông bạn thân này sang nước Đặc Xoa Thị Lợi, gặp năm trăm đồng nữ đi hái hoa. Ông theo sau để quan sát, tới một suối nước chảy cô nào cô ấy đều tụt giày dẹp lội qua, duy có một cô để cả giày lội theo, đi một lát tới con sông nhỏ, các cô kia đều vén quần lội qua, nhưng cô nói trên, không vén để cả quần lội theo, khi đi tới rừng cây, các cô kia đều trèo lên cây hái hoa, bắt trái, cô này không trèo, đợi các cô kia xuống, xin được rất nhiều, ông tới trước hỏi cô kia rằng:

- Thưa cô, tôi xin hỏi cô một vài điều có được không?

- Dạ, xin ông cứ hỏi, không sao!

- Vừa đây qua suối, các cô kia đều tụt giày dép lội qua riêng cô không tụt là có ý gì?

- Thưa ông, sở dĩ giày dép, chính là để giữ cho cái chân, khỏi dẫm phải gai góc mảnh sành, và các vật có thể làm hại chân; trên mặt đất, còn có thể trong thấy mà tránh, dưới nước làm sao trông thấy, những gai góc độc trùng mà tránh, vì thế nên tôi không tụt!

Ông hỏi tiếp: - Qua sông, các cô kia đều vén quần lội, riêng cô để cả quần là ý nghĩa chi?

- Thưa ông người con gái, phải có sự kín đáo nhiệm nhặt, lõa lồ thân thể, thô con mắt bàng quang, và tự thẹn cho mình nên tôi không vén!

Ông hỏi tiếp: - Các cô kia đều trèo cây, tại sao cô không trèo?

- Thưa ông leo cây sợ càng gãy, làm nguy hai cho mình, vì thế nên tôi không trèo?

Xin lỗi cô tên chi, cha mẹ cô thế nào!

- Thưa ông tên tôi là Tỳ Xá Ly, mẹ tôi là em vua Ba Tư Nặc tên là Đàm Ma La Tiện. Phạm tội trốn sang nước này, làm bạn với ba tôi sinh ra tôi.

- Cha mẹ cô bình sinh cả chứ?

- Dạ, thưa ông, cha mẹ cháu hãy còn bình sinh cả!

- Tôi muốn theo cô về thăm ông bà có được không?

- Dạ, thưa ông được!

- Cô đưa ông về tới nhà, rồi vào thưa với cha rằng:

- Thưa cha, có người Bà La Môn muốn vào thăm cha!

Ba cô bước ra nhà khách, hai người gặp nhau, chuyện trò vui vẻ! Ông Bà La Môn thưa rằng:

- Thưa ông, cô gái này là con ông phải không?

- Dạ, thưa phải cháu ngoan lắm!

- Ông đã lập gia đình cho cháu chưa?

- Dạ, chưa có, cháu còn đi học!

- Thưa ông, nước Xá Vệ có quan Đại thần là Lê Kỳ Di ông có quen không à?

- Dạ, chính tôi quen ông ấy đã lâu.

- Thưa ông, cậu con trai út của ông Lê Kỳ Di, người thông minh lắm muốn để xin cô gái của ông cho cậu ấy, có được không ạ?

- Dạ, được lắm, tôi rất bằng lòng, là vì ông ấy với tôi là bạn thân, hơn nữa nhà ông ấy là dòng quý phái, đôi bên đều xứng đôi cả.

- Dạ, xin ông tôi cáo lui.

Ông định về báo tin cho ông Lê Kỳ Di nhưng lại gặp một người bạn thân về nước Xá Vệ, ông biên thơ gửi cho ông Lê Kỳ Di.

Được thơ rồi, ông Lê Kỳ Di sắm sửa lễ vật, và tiền bạc lên xe sang nước Đặc Xoa Thị Lợi, đến nơi ông sai người vào hỏi han các công việc trước.

Ông Đàm Ma La Tiện tiếp đãi rất trịnh trọng. Lê Kỳ Di tới sau, chủ khách tương kiến hai họ vui vẻ! Hỏi han trao đổi ý kiến, thỏa thuận cuộc hôn thú của hai nhà, công việc đã xong, họ trai đưa cô dâu về nước Xá Vệ. Khi bước ra đi bà mẹ dặn cô rằng:

- Con về nhà chồng luôn phải mặc áo mới đẹp, ăn uống cho ngon lành, ngày nào cũng phải soi gương, chớ quên lời mẹ dặn!

- Dạ, lạy mẹ con xin vâng lời mẹ dăn không dám trái.

Ông Lê Kỳ Di nghe thấy bà dâu gia dặn con gái như vậy, tự hậu để tâm và thầm nghĩ rằng:

- Nhân sinh nhất thế, khổ, vui, áo mặc, miếng ăn ngon đâu có nhất định, ngày nào cũng soi gương, thực là cả một sự vô lý.

Sau khi hai họ từ biệt bước lên đường, cô dâu cùng chàng rể, ngựa võng nghênh ngang, người đông như hội, pháo nổ vang trời, cũng hình như một đám rước thần. Nửa đường tới một nhà hàng có hiên mát mẻ, những người đi trước đều vào nhà này nghĩ, cô dâu tới sau thưa với bố chồng rằng:

- Thưa cha! Nhà này không nghỉ được, mau mau phải ra ngoài nghỉ!

Ông cũng phải theo ý cô ra nghỉ một nơi khác, cũng có số người không chịu đi, một lát có đàn voi tới, cọ vào cột làm đổ nhà đè chết mấy người. Ông Lê Kỳ Di thầm nghĩ rằng:

- Mình thoát chết là nhờ con dâu!

Rồi lại bắt đầu đi, tới một bờ khe suối, mọi người dừng chân đứng nghỉ. Cô đến sau nói rằng:

- Nghỉ ở đây không hay, phải lên ngàn cao kia mới được!

Khi đó mọi người đều phải theo lời cô, lên tới ngàn cao, chỉ trong chốc lát mây kéo đen, sấm sét vang dội, mưa như trút nước xuống, chảy tràn ngập cả bờ khe suối ấy, ông Lê Kỳ Di tự niệm rằng:

- Ta thoát chết hai lần là do con dâu cứu sống!

Lại bắt đầu đi, lúc về tới nhà, họ hàng thân quen kẻ xa người gần, tấp nập đến chào mừng.

Hôm đó ông Lê Kỳ Di thiết đãi họ hàng ăn uống rất linh đình vui vẻ! Cuộc nghinh hôn tới đây đã xong.

Một hôm ông Lê Kỳ Di họp gia đình lại nói rằng:

- Các con, bây giờ cha đã già yếu, việc gia đình cha không thể kham nổi, tất cả cơ nghiệp tài sản này, kho tàng chìa khóa, con nào đảm đang nổi, cha sẽ giao phó cho?

Sáu cô dâu đều từ chối không dám nhận, cô Tỳ Xá Ly thứ bảy, đứng lên thưa rằng:

- Thưa cha các chị con không ai dám nhận, vậy con xin nhận để đỡ cha!

Ông Lê Kỳ Di vui vẻ giao phó cho cô tất cả công việc trong gia đình. Từ đó cô chăm chỉ thức khuya dậy sớm, bảo ban thầy tớ các công việc rất chu đáo, tới bữa dâng cơm cha mẹ ăn trước, sau đến các anh các chị cháu trai cháu gái, rồi đến các gia nhân, phân phó công việc được ổn thỏa, rồi cô mới đi ăn cơm, thường thường cứ như thế.

Ông thấy cô là một người trung kiên cẩn thận, khác hẳn những người thường, và quái sao? Không thấy cô theo lời mẹ dặn lúc bước ra đi.

Ông hỏi: - Trước khi con về làm dâu, mẹ con có dặn: Phải mặc áo mới đẹp, ăn thức ăn ngon lành, và ngày nào cũng soi gương, thế sao con không theo lời của mẹ con đã dặn?

Cô quỳ xuống thưa rằng:

- Thưa cha! Mẹ con dặn mặc áo mới đẹp nghĩa là: Áo mặc bao giờ cũng phải cho sạch sẽ, lúc khách tới nhà quan chiêm cho khỏi thô con mắt. Dặn con ăn thức ăn ngon lành: Không phải ăn những thứ thịt ngon béo, ý mẹ con dặn bao giờ cũng phải ăn sau, lúc đói gặp thứ ngon cũng tốt cả. Còn soi gương, là không phải gương bằng đồng bằng kính, ý nói phải dậy sớm bao phất trong nhà những giường ghế cho sạch sẽ cẩn thận, chăn chiếu mền mùng cho gọn gàng. Mẹ con dặn là ý như vậy!

- Ừ, hay lắm! Mẹ con là người có đức lớn, cha cũng phải kính phục.

Ông mừng thầm con dâu có tài, có đức, tinh thần minh mẫn, biệt đãi hơn trước, từ đó công việc trong gia đình ông cứ thản nhiên, không phải nghĩ tới.

Một hôm nhà vua cùng triều thần văn võ bá quan, đương ngồi trên bảo điện để bàn việc nước, tự nhiên thấy những chùm lúa tám cánh rơi xuống sân rồng, họ nhìn lên trời thấy một đàn chim nhạn bay qua, thấy thứ lúa quý, nhà vua giao cho mỗi ông quan một ít về trồng.

Ông Lê Kỳ Di đem về giao cho cô Tỳ Xá Ly là con dâu thứ bảy, đặn rằng: - Lúa này nhà vua giao cho đem về trồng, con hộ cha việc đó.

Sau một thời gian Vương Phu Nhân mắc bệnh, các thầy lang chẩn mạch xong tâu với vua rằng:

- Tâu Bệ Hạ, bệnh của phu nhân, phải dùng thứ lúa tám cánh ở bãi biển thì khỏi!

Nhà vua triệu các quan vào nói rằng:

- Trước đây tôi có giao cho các ông thứ lúa tám cánh, đem về trồng, nay lúa đã chín chưa?

Các ông kia tâu rằng: - Tâu Bệ Hạ! Vì không hợp thủy thổ, lúa có lên, nhưng không kết quả. Ông Lê Kỳ Di về nhà hỏi con dâu rằng:

- Con trồng lúa tám cánh có tốt không? Nhiều hột không? Nhà vua đương cần làm thuốc cho Hoàng Hậu!

- Thưa cha mùa này con trồng được nhiều lúa, tốt lắm, nếu dùng làm thuốc thì cấp cho toàn quốc cũng đủ!

- Con đem cho cha một ít vào dâng vua?

- Dạ, để con cho người xay giã cẩn thận đã.

Hôm sau ông đem gạo tám cánh vào dâng vua rồi tâu rằng:

- Tâu Bệ Hạ, tuân theo thánh chỉ, hạ thần trồng được rất nhiều, nay xin dâng Hoàng Thượng một mớ gạo tám cánh đã làm cẩn thận!

- Tốt lắm, Khanh khéo tay trồng cấy!

Vua sai người đem gạo ấy nấu cơm.

Hoàng Hậu ăn xong thì khỏi bệnh.

Thời đó nước Đặc Xoa Thị Lợi với nước Xá Vệ có sự xích mích về việc thương mãi, nên thường hay xảy ra cuộc xung đột giữa hai nước.

Tuy thế nhưng vua nước Đặc Xoa Thị Lợi vẫn còn e dè, sợ nước Xá Vệ có nhiều nhân tài, nên nhà vua lập thế để thử xem có hay không thì biết.

Lần đầu sai người mang sang nước Xá Vệ hai con ngựa cái, để xem có thể phân biệt được con nào là mẹ: con nào là con? Vì hai con đều lớn bằng nhau.

Khi đó tất cả vua quan triều thần văn võ bá quan đều không thể phân biệt nổi, đâu là mẹ, đâu là con.

Ông Lê Kỳ Di về nhà có vẻ buồn!

Cô dâu hỏi: - Thưa cha, hôm nay cha vào triều có chuyện chi? Thấy cha không vui!

- Con ơi! Nước Đặc Xoa Thị Lợi, cử người mang sang hai con ngựa cái, để xem con nào là mẹ, con nào là con, tất cả triều thần văn võ bá quan đều không ai biết, nếu không giảng nổi, họ sẽ đem quân sang đánh, vì thế nên cha buồn!

- Thưa cha việc ấy không khó! Chỉ lấy một bó cỏ ngon, cho ăn, nếu thấy con nào ăn thong thả và nhường, là mẹ, con nào ăn dành và hốp tốp là con.

Cha nghe có lý, vào tâu vua như lời cô nói. Nhà vua sai người lấy cỏ cho ngựa ăn thử, quả thấy như lời cô nói là đúng. Nhà vua kêu sứ thần đến chỉ vào con ngựa ăn chậm là mẹ, con ăn bốp là con, Sứ thần chịu nhận là phải. Sau khi sứ ra về, nhà vua rất mừng! Phong thưởng tước lộc cho ông Lê Kỳ Di rất nhiều.

Sứ thần về tới nước nhà tâu vua đúng sự thật như trên. Nhà vua lại mang sang hai con rắn, dài bằng nhau, lớn bằng nhau, đố biết con nào đực, con nào cái.

Tuân lệnh lần thứ hai, Sứ thần mang rắn sang hỏi vua Ba Tư Nặc, lần này từ vua đến quan tịt mít, không ai giải đáp nổi.

Ông Lê Kỳ Di về nhà nói với con dâu rằng:

- Con ơi: Hôm nay nước Đạc Xoa Thị Lợi, mang sang hai con rắn hỏi con nào đực, con nào cái, tất cả vua quan trong triều không ai đoán quyết nổi, vậy con có cách gì biết, nói cho cha rõ?

- Thưa cha, việc ấy cũng không khó! Chỉ lấy một thước lụa rất nhẵn, mềm, nhũn trải trên một cái nong, bỏ nó vào rồi nhìn xem: con nào nằm im, con hay chạy thì biết: vì con cái thuộc âm tính, thấy mát êm bụng, lòng dục phát động, nên nó nằm im; con đực thuộc dương tính (nóng động tính) thấy người thì sợ muốn tìm lối tẩu thoát nên chạy lung tung.

Ông nghe có lý, vào tâu vua như lời nói trên. Vua sai người lấy lụa làm đúng, quả nhiên thấy rõ sự thực.

Một diệu kế này biết đúng, nên nhà vua sai người gọi Sứ đến bảo cho biết. Sứ thần phải phục cái tài của nhà vua nhận xét đúng sự thật.

Sau khi Sứ thần ra về, nhà vua rất hài lòng và thưởng cho ông Lê Kỳ Di rất nhiều vàng bạc.

Sứ thần về tâu vua Đặc Xoa Thị Lợi sự nhận xét đúng của vua Ba Tư Nặc, nhà vua vẫn còn chưa tin hẳn, nên lại bắt sứ thần mang sang cây gỗ dài một trượng, gốc ngọn bằng nhau nhẵn trơn không óc dấu, vết, đố biết gốc ngọn?

Sứ thần tuân mạng mang sang nước Xá Vệ, lần này cũng không ai biết. Ông Lê Kỳ Di lại về hỏi con dâu:

- Con ơi! Lần này nước Đặc Xoa Thị Lợi mang sang một cây gỗ nhẵn trơn không có mấu vết, đố biết gốc ngọn, trong triều không ai quyết đoán nổi, vậy con có cách gì nói cho cha hay?

- Thưa cha, việc ấy càng không khó, chỉ đem bỏ xuống sông thì biết: đầu nào chìm là gốc; đầu nào nổi là ngọn; vì gốc bao giờ cũng nặng, nên chìm; ngọn bao giờ cũng nhẹ, nên nổi.

Ông Lê Kỳ Di tâu vua như lời nói trên, vua sai đem ra sông bỏ, quả nhiên một đầu chìm, và một đầu nổi, vua gọi Sứ ra nói rằng:

- Sứ thần ông nên biết: đầu chìm kia là gốc, đầu nổi là ngon.

Sứ thần nói: - Dạ Tâu Bệ Hạ, đúng như lời Ngài nói, hạ thần xin chịu!

Sứ thần về bản quốc tâu vua rằng:

- Tâu Bệ Hạ! Lần này vâng lệnh Bệ Hạ đưa gỗ sang, họ đều nói đúng cả, như vậy biết rằng nước Xá Vệ có rất nhiều nhân tài, theo như hạ thần nhận thấy.

Nhà vua nghe nói cũng phải cảm phục, và thôi việc gây chiến với nước Xá Vệ. Muốn để hai nước có tình thân mật, nên nhà vua nước Đặc Xoa Thị Lợi sai người mang vàng bạc và các của quý sang biếu vua Ba Tư Nặc rồi gởi lời nói:

- Chúng tôi đáng khen ngợi trong nước của nhà vua, lắm hiền tài vậy từ nay nên gắng công tu nghĩa hiếu, và dạy dân theo chánh giáo.

Khi đó vua Ba Tư Nặc triệu ông Lê Kỳ Di bào cung hỏi rằng:

- Các việc giải đáp vừa qua, tại sao Khanh biết?

- Tâu Bệ Hạ! Đó là con dâu của hạ thần, chứ tiểu thần đâu có trí tuệ siêu nhân, hơn các hàng nam tử văn khoa nhà vua nghe nói rất quý kính, rồi tặng cho có chức "Đệ tam muội".

Qua một thời gian nữa, cô Tỳ Xá Ly đẻ được ba mươi quả trứng, bửa ra được ba mươi hai cậu con trai, cậu thứ nhất, đoan nghiêm đặc sắc, sau lớn tuổi, sức lực hùng mạnh vô song, có thể đánh nổi ngàn người, cha mẹ rất yêu quý! Trong nước ai cũng kính nể. Sau cưới vợ cho các cậu, nguyên những con gái các nhà hào hiền trong nước.

Bà Tỳ Xá Ly vốn là người tín sùng ngôi Tam Bảo, thường hay đi nghe Phật thuyết pháp. Hôm ấy bà thỉnh Phật và chư Sư về cúng trai. Khi Phật dùng cơm xong thăng tòa thuyết pháp, cả nhà người lớn người nhỏ đều đắc quả Tu Đà Hoàn, duy có cậu con út của bà, sự hiểu biết kém, nên không đắc đạo quả gì. Cậu hãy còn có tính hung hăng, ngày ngày cỡi voi trắng đi chơi, hôm đó đi qua một cái cầu gỗ lớn, giữa cầu con trai quan Phụ Tướng ngồi trên xe, hai cậu tranh nhau: cậu nào cũng cậy ta là con nhà quan lớn, không chịu tránh. Cậu con bà Tỳ Xá Ly nổi giận, trên mình voi nhảy xuống, đẩy đổ xe và con quan con Phụ Tướng xuống hào lầy, thấy trược cả thân thể, máu me chảy đầm đìa trở dậy vừa đi vừa khóc, về nhà thưa với cha rằng:

- Thưa cha, con ứt của bà Tỳ Xá Ly vô cớ đẩy xe và con xuống hào; làm con bị đau đớn như thế này!

Quan Phụ Tướng thấy con đau quá nổi giận nói:

- Nó sức lực khỏe mạnh, hơn nũa lại thân với nhà vua, thôi con đừng khóc nữa, để cha trả thù cho!

Ông quan Phụ Tướng này mượn người làm ba mươi hai cái roi ngựa bằng thất bảo, trong ruột roi, cắm một con dao nhọn, rồi ông mang đi tặng cho con trai bà Tỳ Xá Ly mỗi cậu một cái.

Các cậu này còn ít tuổi, tính khí nông nổi, được roi vui mừng thường mang roi đi chơi, vô tâm, không hiểu cái thâm ý của quan Phụ Tướng.

Luật nước cấm ngặt khi vào nhà vua không được đeo dao, nếu ai trái lệnh sẽ bị tội tử hình.

Những con bà Tỳ Xá Ly ra vào nhà vua, là chuyện thường, không ai được cấm đoán, vì nhà vua rất yêu đãi đối với bà Tỳ Xá Ly.

Hôm đó quan Phụ Tướng vào tâu vua rằng:

- Tâu Bệ Hạ, ba mươi con bà Tỳ Xá Ly, khỏe mạnh lắm, một người có thể địch được ngàn người, chúng đương mưu kế để hại nhà vua!

Nhà vua nghe ông nói, nhưng cũng chưa lấy gì làm tin; ông lại thưa rằng:

- Tâu Bệ Hạ, việc này hạ thần quan sát có sự thật, và có bằng chứng lắm! Vì hạ thần thấy mỗi cậu có một cái roi; trong roi đều có một con dao nhọn ở trong ruột!

Nhà vua liền sai người lấy roi xem, quả nhiên thấy con dao ở trong roi thực, chứng tỏ như thế, nhà vua sai các lực sĩ, gọi ba mươi hai cậu vào trong cung, thu hết roi, rồi xử tử ngầm không cho ai biết, chặt đầu ba mươi hai cậu bỏ vào hòm gỗ niêm phong cẩn thận, mang lại cho bà Tỳ Xá Ly.

Giữa ngày hôm ấy, bà Tỳ Xá Ly mời Phật và chư Sư về nhà cúng trai, trong nhà đương nhộn nhịp; kẻ bưng cơm người rót nước tấp nập, bà thấy người nhà vua khiêng một cái hòm đến, tự mừng thầm và nói rằng:

- Hôm nay có lẽ nhà vua cho người mang các món ăn tốt đến giúp ta cúng dàng hẳn!

Bà sai người mở xem.

Phật nói: - Hãy khoan! Để ta dùng cơm xong rồi sẽ mở!

Khi thụ trai xong, đức Phật gọi bà lên ngồi một bên Ngài nói rằng:

- Thân này vô thường, nó chịu đựng những sự đau khổ! Rồi lại thành không, chính là không có ta; kiếp sống rất nhiều nguy hiểm tai nạn, sợ hãi mà nó không tồn lập được bao lâu; nó trói buộc bằng mọi sự phiền não, chua xót khó tả xiết, ân ái có ngày biệt ly! Thương luyến lẫn nhau, làm thân mình và thức tâm mệt nhọc, không ích gì cho đạo, ta nói đây, chỉ riêng những người có trí tuệ, mới nhận thức được pháp thiết yếu này.

Nghe Phật nói xong bà tín ngộ, liền chứng được quả A Na Hàm, vui mừng chắp tay bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn, con xin bốn đều như sau:

1. Con xin cúng dàng các vị Tỷ Khưu bệnh, và các món ăn tùy theo bệnh.

2. Con xin cúng dàng các vị khán bệnh.

3. Các vị Tỷ Khưu ở xa tới con xin cúng dàng trước.

4. Các vị Tỷ Khưu đi xa con xin cúng dàng lương thực.

Lạy Đức Thế Tôn! Các vị bệnh hoạn vì không có thuốc tốt và món ăn ngon lành nên bệnh lâu khỏi, hoặc khó chữa, hoặc nhân thế mà bị mạng chung. Các vị khám bệnh phải trông nom bệnh nhân, nên không đi khất thực được, vì thế nên con xin cúng. Các vị ở nơi xa mới tới, chưa quen biết ai, đi khất thực gặp chó dữ hoặc gặp kẻ bất nhân làm thương tổn đến thân thể, hoặc sỉ nhục, vì thế nên con xin cúng dàng trước. Các vị đi xa phải có bè bạn, nếu không có lương thực đem theo hoặc đi không kịp, đường sá nguy hiểm, nhiều độc thú, đi một mình, sợ mắc tai nạn, vì thế nên con xin cung cấp lương thực.

Đức Thế Tôn thấy bà xin bốn việc ấy nên Ngài khen rằng:

- Quý hóa có tâm như thế công đức rất lớn, như thế cũng khác chi cúng Phật!

Nói xong đức Phật và chư sư trở về rừng Kỳ Hoàn.

Sau khi đức Phật đã về, bà sai người mở hòm xem nhà vua cho cái gì, trái lại thấy ba mươi hai cái đầu lâu người, chính là con trai của bà. Vì bà đã hiểu biết đời là vô thường, và đắc quả A Na Hàm, tâm ái luyến thế gian đã đoạn hết, nên không có ảo não khóc than gì mà chỉ nghĩ thoáng câu:

- Đau khổ thay! Thương xót thay có sinh tất có tử; nổi chìm trong năm thú; khổ gì đến như thế!

Bấy giờ ba mươi hai nhà vợ, nghe biết con rể chết về tay nhà vua, họ nói rằng:

- Nhà vua vô cớ giết oan người lương thiện!

Lòng thương con rể phẫn uất nổi lên cực độ! Họ đem quân đến vây kinh thành nhà vua để báo thù.

Vua Ba Tư Nặc chạy sang với Phật, họ đuổi theo, sang vây rừng Kỳ Hoàn. Khi đó tôi (A Nan) ra mời họ vào để hỏi nguyên ủy là câu chuyện gì.

Ba mươi hai ông bố vợ của con bà Tỳ Xá Ly vào lễ Phật xong lui về một bên, tôi quỳ thẳng bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Ba mươi hai người con của bà Tỳ Xá Ly, đời quá khứ có tạo ác gì với nhà vua không? Mà nay bị ông giết, cúi xin Ngài chỉ giáo cho chúng con được rõ?

Phật dạy: - Truyện oan trái tiền khiên này, về đời quá khứ, cách đây đã lâu lắm. Thuở bấy giờ có ba mươi hai người chơi thân với nhau, một hôm đi bắt trộm được một trâu, để ăn uống cùng nhau cho thỏa chí. Gần đấy có một bà lão nhà nghèo, lại không có con, nên các anh này đưa trâu để giết nhờ. Bà cũng vui vẻ cho giết, trong nhà bà có đủ củi đóm, nồi nấu, dao, quạt, cho mượn. Lúc sắp giết, con trâu quỳ xuống nói rằng:

- Xin các anh tha tôi! Nếu các anh giết tôi đời sau tôi cũng không tha các anh đâu, dầu cho các anh tới ngày được đạo giải thoát, tôi quyết định trả thù bằng được.

Mấy anh thấy trâu nói, nhưng lòng bất nhân không nghe, xúm nhau lại vật trâu ra giết, mổ, sả, xào xáo, chưng kho, ăn uống no say. Bà lão hôm đó cũng được bữa no, rồi nói rằng:

Nhờ các anh được bữa thịt nên thân, hết thèm thuồng.

A Nan ông nên biết: Con trâu thuở đó, nay là vua Ba Tư Nặc, các anh ăn trộm trâu, ngày đó, nay là ba mươi hai người con của bà Tỳ Xá Ly. Bởi quả báo ấy nên trong năm trăm đời thường bị ông giết lại, cho đến ngày nay không thôi. Bà lão là người giúp đỡ và vui mừng trong cuộc giết trâu, nên trong năm trăm đời phải làm mẹ những người này, mà chịu lấy sự thống khổ chua xót ấy!

Nghe xong biết rõ câu chuyện oán báo của đôi bên, tôi lại hỏi Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Những người này có phúc gì được sinh vào nhà giàu sang và thân thể khỏe mạnh, cúi xin Ngài chỉ bảo cho?

Phật dạy: - A Nan ông nên biết: Đây cũng là một đời quá khứ, thời đức Phật Ca Diếp, có một bà lão biết tin kính ngôi Tam Bảo, nhà rất giàu một hôm bà lấy các thứ hương hoa với dầu để sơn tháp, đi nữa đường gặp ba mươi hai cậu con trai, nhân dịp bà khuyên các cậu ấy rằng:

- Các cậu đi đâu? Đây có một việc phúc đức lắm, hôm nay tôi đi sơn tháp Phật, nếu các cậu sơn giúp tôi, thì đời được sức lực khỏe mạnh và đẹp đẽ!

- Thế ư cụ? Vâng cụ đã dạy, các cháu xin đi. Sơn xong các cậu ấy đều thưa rằng:

- Thưa cụ! Do cụ khuyên các cháu trồng phúc lành, xin đem công đức này, nguyện cho cháu sinh nơi nào cũng được tôn vinh phú quý, và đời đời chúng cháu được làm con cụ; cụ là mẹ chúng cháu, và được gặp Phật nghe pháp chóng đắc đạo quả!

Bà lão nói: - Quý hóa! Các cậu phát nguyện như thế! Nhờ công đức Tam Bảo gia hộ, sau này thế nào chả được như nguyện!

A Nan ông nên biết: Bà lão thuở đó nay là bà Tỳ Xá Ly, ba mươi cậu con trai này đó, nay làm con trai bà.

Khi đó những quan quân vây rừng Kỳ Hoàn, nghe Phật nói xong họ biết rằng đó là do sự oan báo trả nợ của đôi bên, nên lòng căm giận của họ tự nhiên tiêu mất, rồi tự đến trước vua Ba Tư Nặc tạ lỗi.

Tới đây đức Thế Tôn, nhân vì bốn chúng đệ tử, nói rộng các thiện nghiệp nên tu, ác nghiệp nên bỏ, và giảng giải rõ ràng pháp Tứ Diệu Đế.

Đức Phật thuyết xong, tất cả mọi người ai nấy đều vui mừng, tạ lễ lui ra.

Phẩm thứ ba mươi tư

THIẾT ĐẦU LA KIỆN NINH

CHÍNH tôi được nghe: Một thời đức Thế Tôn ở nước La Duyệt Kỳ, tại vườn Trúc. Khi đó tôi mặc áo chỉnh tề, tới trước quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Nhóm ông Kiều Trần Như đời trước có nhân gì tốt với Ngài, trống Pháp bắt đầu kêu, bọn ông được nghe trước, nước Cam Lồ được uống trước, cúi xin nói rõ cho chúng con và chúng sinh đời sau được biết nguyên do?

Phật dạy: - A Nan ông nên biết: năm người này, đời xưa ăn thịt của ta trước tiên, nên được lành mạnh, qua lúc đói khổ, vì nhân duyên ấy, nên đời nay được nghe pháp của ta trước, và được giải thoát đầu tiên!

Tôi lại thưa rằng: Kính lạy Ngài! Đời trước bọn ông ấy ăn thịt của ta trước tiên, nên được lành mạnh, qua lúc đói khổ, vì nhân duyên ấy, nên đời nay được nghe pháp của ta trước, và được giải thoát đầu tiên!

Tôi lại thưa rằng: Kính lạy Ngài! Đời trước bọn ông ấy ăn thịt Ngài, câu chuyện đó tại nhân duyên sao! Cúi xin Ngài dạy bảo cho chúng con được biết?

Phật dạy: A Nan ông nên biết: Từ khi đó tới nay đã lâu lắm, có tới vô lượng vô kiếp A Tăng Kỳ, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua nước lớn, tên là Thiết Đầu La Kiện Ninh, thống trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức tụ lạc, hai muôn phu nhân thể nữ. Nhà vua rất có từ bi, luôn luôn thương dân chăm làm những việc lợi ích cho quốc gia xã hội, ít có sự lợi ích cho riêng mình, gia đình mình, nên họ yêu quí ông như một người cha lành.

Thời ấy gặp hỏa tinh xuất hiện, các nhà thiên văn học tâu vua rằng:

- Tâu Bệ Hạ! Điềm bỏa tinh xuất hiện là triệu chứng đại hạn, có lẽ kéo dài mười hai năm. Vậy Bệ Hạ nên làm thế nào cho dân tránh khỏi sự chết đói?

Nghe lời các nhà thiên văn nói thế, nhà vua lo buồn quá! Đến nỗi ngày quên ăn, đêm quên ngủ! Như thế thì nhân dân sống sao? Quốc gia sẽ bị điêu đứng.

Liền triệu tập tất cả văn võ bá quan để cứu xét về việc này:

- Bây giờ các ông tính sao? Có cách gì làm mưa được, hay có biện pháp gì cho dân qua lúc hạn hán này mà sống được.

Các quan tâu vua rằng:

- Tâu Bệ Hạ! Bây giờ thông cáo cho các nước tính số dân hiện có bao nhiêu, và tính xem trong mười hai năm mỗi người ăn hết bao nhiêu?

Xong cuộc hội nghi này, theo sắc lệnh tính nhân khẩu và thóc biết rằng mỗi người dân, chỉ được một thăng gạo. Vì thế nên bị chết đói rất nhiều.

Nhà vua thương dân ngày đêm không ngớt nước mắt! Riêng mình được an vui! Nhìn thấy nhân dân đau khổ, không nỡ lòng như vậy. Nhân lúc phu nhân thể nữ, Thái Tử đi du ngoạn nơi viên quán, nhà vua cúi đầu lễ bốn phương khấn rằng:

- Kính lạy thập phương tam thế chư Phật! Hiện nay nhân dân bị chết đói rất nhiều, con xin bỏ thân này, nguyện làm một con cá lớn, để cung cấp thịt cho dân ăn qua lúc đói khát!

Khấn xong trèo lên cây đâm đầu xuống đất mà chết! Thần thức của ông hóa làm con cá lớn, mình dài năm trăm do tuần.

Khi đó có năm người thợ mộc, vác búa ra bờ sông đốn củi. Con cá nhìn thấy bảo họ rằng:

- Lũ các ông có đói thì lấy thịt tôi mà ăn, ăn no và cho đem về, sau này tôi thành Phật, tôi sẽ lấy pháp thực cứu thoát cho bọn các ông trước, và gọi nhân dân ra lấy thịt của tôi về mà ăn.

Nghe cá nói, năm người vui mừng quá! Đương đói, vác búa ra bổ lấy một tảng lớn đem củi đốt lửa thui ăn; ăn no, lại mang về, mách bảo mọi người lấy thịt cá.

Họ ồ ạt tranh nhau, kẻ vác búa, người cầm dao, kẻ cầm rổ, người mang thúng ra bổ xa lấy thịt, vì thế nên nhân dân hết nạn chết đói. Khi lấy hết một nửa mình bên hữu, cá xoay lại mình bên tả, cho lấy; lấy hết mình bên tả thì mình bên hữu đã mọc đầy thịt! Cứ như thế hết bên nọ lại chuyển sang bên kia, tất cả nhân dân, Châu Diêm Phù Đề tâm từ bi, sau khi chết được sinh lên Trời.

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

- A Nan, ông nên biết vua Thiết Đầu La Kiền Ninh thuở đó, chính là tiền thân ta đấy! Năm người thợ mộc được ăn thịt cá đầu tiên, nay là nhóm ông Kiều Trần Như năm người; các nhân dân lúc đó, nay là tám vạn chư thiên, và các đệ tử được độ.

Lúc đó bọn ông được ăn thịt ta mà sống, vì thế nay ta bắt đầu thuyết pháp bọn ông được nghe trước, ta chỉ lấy một chút thịt của pháp thân, để trừ khỏi sự đói khát tam độc của họ ngày đó.

Khi đó tôi và tất cả hàng đệ tử nghe Phật nói xong, ai nấy đều tôn kính lòng từ bi bố thí của Ngài đã thực hành được, cúi đầu lễ tạ lui ra.

Phẩm thứ ba mươi lăm

A DU CA

CHÍNH tôi được nghe: Một thời đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc cây của Kỳ Đà.

Một buổi sớm ấy đức Phật và tôi vào thành khất thực, gặp lũ trẻ con, đương nô nghịch đất giữa đường, nó đắp một cái thành, có đủ nhà cửa kho tàng thóc lúa bằng đất. Một đứa nó nhìn thấy Phật có hào quang sáng, tự phát tâm cung kính, vui mừng! Khi Phật đi tới nơi, nó chắp tay vái, và dâng một mẩu đất cúng dàng.

Phật cầm lấy giao cho tôi, và dặn tôi mang về bôi trên thềm nhà chỗ Ngài ngủ. Khi trở về rừng Kỳ Hoàn, tôi đem đất làm theo lời Ngài dạy. Ngài bảo rằng:

- A Nan vừa rồi đứa nhỏ hoan hỷ cúng đất công đức ấy sau khi ta vào Niết Bàn, khoảng độ trăm năm; nó sẽ được làm vua tên là A Du Ca còn các trẻ nhỏ đồng bạn, được làm quan đại thần cai trị tất cả các nước Châu Diêm Phù Đề; làm hưng long cho ngôi Tam Bảo phân phát Xá Lợi, xây tám vạn bốn ngàn ngọn tháp, khắp Châu Diêm Phù Đề cúng dàng ta.

Tôi vui mừng bạch Phật rằng:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Đời quá khứ Ngài tu công đức gì, mà được phú báu nhiều tháp như thế? Cúi xin chỉ bảo cho chúng con được rõ?

- Phật dạy: - A Nan ông muốn biết hãy nghe cho kỹ ta sẽ nói cho hay!

- Dạ, lạy đức Thế Tôn con xin chú ý nghe!

- A Nan, thuở đời quá khứ đã xa xưa, có một ông vua nước lớn tên là Ba Tắc Kỳ, cai trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, thời đó có đức Phật tên là Phất Sa ra đời. Nhà vua và nhân dân tôn sùng đạo Phật, thường ngày dâng lên bốn món cúng dàng thức ăn uống, áo mặc, giường tòa, thuốc thang rất trịnh trọng. Nhà vua nghĩ thầm như vầy:

- Đức Phật là phúc điền cõi nhân gian thiên thượng, ai trồng nhân lành gì được kết quả ấy, nhân dân nước ta thường được thấy Phật lễ Phật; cúng dàng Phật, còn các nước nhỏ ở xa xôi, nhân dân không biết nương đâu tu phúc, vậy ta hãy thuê người vẽ hình tượng Phật, ban phát cho các nước để cúng dàng cầu phước.

Nghĩ thế rồi gọi họa sĩ đến chốn Phật, nhìn vẽ cho đúng tướng của Ngài. Song họ vẽ mãi không thành. Sau đức Phật Phất Sa, Ngài sẽ tự vẽ lấy một kiểu để cho họ họa lại.

Các họa sĩ cứ thế phóng ra được tám vạn bốn ngàn bức rất đẹp, cũng giống như bức tranh Ngài vẽ.

Vua Ba Tắc Kỳ đem tranh ấy ban cho mỗi nước một bức, và truyền lệnh cho nhân dân các nước đem hương hoa âm nhạc nghinh thỉnh rước về.

Vua quan nhân dân các nước, tuy được bức tranh, nhưng lòng tôn kính cúng dàng như thấy đức Phật hiện tại không khác.

- A Nan ông nên biết: Vua Ba Tắc Kỳ thuở đó chính là tiền thân của ta đấy, do thời đó thuê một thợ vẽ tám vạn bốn ngàn hình tượng đức Phật Phất Sa, ban phát cho nhân dân các nước cúng dàng lễ lạy. Bởi công đức ấy đời đời được làm Đế Chúa trong cõi nhân thiên, sinh xứ nào thân thể cũng được đẹp đẽ tốt tươi, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, đến nay thành Phật cũng do một trong công đức ấy; và sau khi vào Niết Bàn được quả báo tám vạn bốn ngàn tháp.

Tôi và tất cả mọi người nghe Phật nói xong, ai nấy đều vui vẻ phát tâm tu phúc cúng dàng, cúi đầu tạ lễ lui ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567