Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ mười một. Hạnh Bồ Tát

17/05/201312:04(Xem: 11159)
Phẩm thứ mười một. Hạnh Bồ Tát

Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)

Phẩm thứ mười một
Hạnh Bồ Tát

Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải

Nguồn: Tủ sách Rộng mở tâm hồn


Lúc ấy, Phật đang thuyết pháp trong vườn cây Am-la. Cảnh đất ấy bỗng nhiên trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp. Tất cả chúng hội đều ánh lên màu vàng ròng.

A-nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành ứng hiện: Cảnh này bỗng trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp. Tất cả chúng hội đều ánh lên màu vàng ròng?”

Phật bảo A-nan: “Đó là Duy-ma-cật và Văn-thù Sư-lỵ với đại chúng cung kính vây quanh, phát ý muốn đến đây, cho nên trước tiên ứng hiện ra điềm lành ấy.”

Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với Văn-thù Sư-lỵ: “Chúng ta nên cùng đến viếng Phật, cùng với chư Bồ Tát lễ kính và cúng dường Phật.”

Văn-thù Sư-lỵ nói: “Lành thay! Nên đi lắm, nay đã phải lúc lắm vậy.”

Duy-ma-cật liền dùng sức thần nâng hết cả đại chúng với tòa sư tử của mỗi vị, đặt lên lòng bàn tay phải của mình, rồi đi đến chỗ Phật ngự. Tới nơi, người để đại chúng với tòa sư tử trên mặt đất, đỉnh lễ sát chân Phật, đi quanh Phật bảy vòng theo tay mặt, một lòng chắp tay cung kính, rồi đứng sang một bên. Chư Bồ Tát mà người đưa đến, thảy liền rời khỏi chỗ ngồi, đỉnh lễ sát chân Phật, cũng đi quanh Phật bảy vòng theo tay mặt, rồi đứng sang một bên. Các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm vương, Bốn thiên vương... cũng đều rời khỏi chỗ ngồi, đỉnh lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn y theo pháp mà hỏi han chư Bồ Tát, rồi bảo mọi người trở lại chỗ ngồi. Vâng lời Phật dạy, ai nấy đều ngồi lại chỗ sẵn định của mình.

Phật bảo Xá-lỵ-phất: “Ông có thấy Bồ Tát Đại sĩ hiện sức thần tự tại chăng?”

“Dạ, con đã thấy.”

“Ý ông thế nào?”

“Bạch Thế Tôn! Con thấy đúng là không thể nghĩ bàn, vượt quá sức tưởng tượng, vượt ngoài sự đo lường.”

Lúc ấy, A-nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay có một hương thơm chưa từng có. Đó là hương thơm gì vậy?”

Phật bảo A-nan: “Ấy là hương thơm nơi lỗ chân lông của các vị Bồ Tát kia tỏa ra.”

Bấy giờ, Xá-lỵ-phất bảo A-nan rằng: “Từ nơi các lỗ chân lông của chúng tôi, giờ cũng phát ra mùi thơm ấy.”

A-nan hỏi: “Mùi thơm ấy từ đâu đến?”

Xá-lỵ-phất đáp: “Trưởng giả Duy-ma-cật đây đã xin món cơm thừa của Phật từ nước Chúng Hương mà đem về. Những ai đã ăn cơm ấy tại nhà ông thì từ nơi tất cả các lỗ chân lông đều có mùi thơm như vậy.”

A-nan liền hỏi Duy-ma-cật: “Mùi thơm ấy sẽ còn được bao lâu?”

Duy-ma-cật đáp: “Cho đến khi cơm ấy tiêu hết.”

Lại hỏi: “Bao lâu cơm ấy sẽ tiêu hết?”

Đáp: “Hiệu lực của cơm ấy duy trì tới bảy ngày, sau đó mới tiêu hết.

“Lại nữa, A-nan! Vị Thanh văn nào chưa vào chánh vị, chưa đắc quả A-la-hán, nếu ăn cơm ấy thì sau khi đắc nhập chánh vị cơm mới tiêu hết. Người đã vào chánh vị, nếu ăn cơm ấy thì sau khi được tâm giải thoát, cơm mới tiêu hết. Người chưa phát ý Đại thừa, nếu ăn cơm ấy, cho tới khi phát ý rồi cơm mới tiêu hết. Người đã phát ý, nếu ăn cơm ấy, cho tới khi đắc Vô sinh nhẫn rồi cơm mới tiêu hết. Người đã đắc Vô sinh nhẫn, nếu ăn cơm ấy, đến khi được địa vị Nhất sinh bổ xứ rồi cơm mới tiêu hết. Tỷ như có một chất thuốc tên là Thượng vị, những ai uống thuốc ấy, chỉ khi các thứ độc trừ dứt thuốc mới tiêu hết. Cơm ấy cũng vậy, trừ dứt tất cả các độc phiền não xong, sau đó mới tiêu hết.”

A-nan bạch Phật rằng: “Chưa từng có vậy! Thế Tôn, như thứ cơm ấy ắt có thể làm Phật sự?”

Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! A-nan, hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng quang minh của Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng chư Bồ Tát mà làm Phật sự. Có cõi dùng người biến hóa của Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng cây Bồ-đề mà làm Phật sự. Có cõi dùng y phục của Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng cơm và đồ ăn của Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng vườn hoa, rừng cây, đền đài mà làm Phật sự. Có cõi dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp mà làm Phật sự. Có cõi dùng thân Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng hư không mà làm Phật sự, chúng sinh muốn nương theo duyên ấy mà vào luật hạnh. Có cõi dùng những ví dụ, như: chiêm bao, ảo hóa, bóng dáng, tiếng dội, hình lộ trong gương, mặt trăng dưới nước, dợn sóng khi trời nắng... mà làm Phật sự. Có cõi dùng âm thanh, lời nói, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh dùng những việc: tịch mịch, không lời, không thuyết, không chỉ, không ghi, không làm, vô vi mà làm Phật sự.

“A-nan! Như vậy đó, mọi cách đi đứng, nằm ngồi, tới lui của Phật, thảy thảy hành vi, không chi chẳng là Phật sự.

“A-nan! Có bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn thứ phiền não, làm cho chúng sinh phải nhọc nhằn mệt mỏi. Chư Phật liền dùng những pháp ấy mà làm Phật sự. Đó gọi là vào pháp môn của tất cả chư Phật.

“Bồ Tát đã vào pháp môn ấy, nếu thấy tất cả các Phật độ sạch đẹp thì chẳng vui, chẳng ham, chẳng kiêu. Nếu thấy tất cả Phật độ chẳng sạch, thời chẳng buồn, chẳng ngại, chẳng lui. Chỉ đối với chư Phật sinh lòng thanh tịnh, hoan hỷ cung kính, cho là chưa từng có vậy. Công đức của chư Phật Như Lai vẫn là bình đẳng, nhưng vì giáo hóa chúng sinh nên các ngài hiện ra những cõi Phật khác nhau.

“A-nan! Ông thấy các nước Phật, đất đai nhiều thứ khác nhau, nhưng hư không chẳng có nhiều thứ. Cũng như vậy, ông thấy chư Phật, sắc thân nhiều dạng khác nhau, nhưng cái huệ vô ngại của các ngài thì chẳng khác nhau.

“A-nan! Về sắc thân của chư Phật, với oai tướng, chủng tánh, giới, định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực vô sở úy, pháp bất cộng, đại từ, đại bi, các sở hành oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, cùng là thọ mạng của chư Phật, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sinh, làm cho trong sạch cõi Phật, đầy đủ các Phật pháp, thời các ngài đều bình đẳng như nhau. Cho nên gọi các ngài là Tam-miệu Tam-phật-đà, cũng gọi là Đa-đà-a-già-độ, cũng gọi là Phật-đà.

“A-nan! Nếu ta nói rộng nghĩa ba danh xưng ấy, dầu cho người sống đến trọn kiếp cũng không thể nhận lãnh hết. Tỷ như trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, dẫy đầy các chúng sinh cũng đều đa văn bậc nhất như A-nan và được Niệm tổng trì, lại sống đến trọn kiếp, cũng không thể thọ nhận cho hết nghĩa lý trên!

“A-nan! Như vậy, A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của chư Phật là không có hạn lượng, trí huệ biện tài của các ngài là không thể nghĩ bàn.”

A-nan bạch Phật rằng: “Từ nay con chẳng dám nhận mình là đa văn nữa.”

Phật dạy A-nan: “Đừng có ý nghĩ thối lui như vậy. Tại sao vậy? Ta nói ông đa văn bậc nhất, là đối với hàng Thanh văn, chứ chẳng phải với hàng Bồ Tát.

“Thôi đi, A-nan! Những người có trí chẳng nên hạn độ chư Bồ Tát. Tất cả biển rộng vực sâu còn có thể đo lường, nhưng thiền định, trí huệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức của Bồ Tát đều chẳng thể đo lường cho xiết.

“A-nan! Các ông hãy bỏ đi việc lượng định sở hành của hàng Bồ Tát. Duy-ma-cật đây, một khi hiện sức thần thông, dầu tất cả Thanh văn và Bích-chi Phật dùng hết sức biến hóa trong trăm ngàn kiếp cũng chẳng làm được như người.”

Lúc ấy, các vị Bồ Tát từ thế giới Chúng Hương đến đồng chắp tay bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Khi mới thấy cõi này, chúng con có ý cho là thấp kém. Bây giờ chúng con tự hối trách, lìa bỏ ý nghĩ ấy. Tại sao vậy? Pháp môn phương tiện của chư Phật là không thể nghĩ bàn. Vì độ chúng sinh, cho nên các ngài tùy theo chỗ thích hợp của họ mà hiện ra các nước Phật khác nhau.

“Dạ, kính bạch Thế Tôn! Xin ngài ban cho chút ít Phật pháp. Khi trở về, chúng con sẽ nhớ tưởng Như Lai.”

Phật dạy các vị Bồ Tát: “Có pháp môn giải thoát gọi là Dứt và Không dứt, các ông nên tu học. Sao gọi là dứt? Đó là pháp hữu vi. Sao gọi là không dứt? Đó là pháp vô vi. Như Bồ Tát là chẳng dứt hữu vi, chẳng trụ vô vi.

“Sao gọi là Bồ Tát chẳng dứt hữu vi? Đó là: chẳng lìa đức đại từ, chẳng bỏ đức đại bi. Phát khởi sâu vững tâm Nhất thiết trí, không hề xao lãng đối với chí quyết thành Phật. Giáo hóa chúng sinh chẳng hề mệt chán. Thường xét nghĩ việc tùy thuận thi hành bốn pháp thâu nhiếp. Hộ trì chánh pháp chẳng tiếc thân mạng. Gieo trồng các căn lành chẳng hề mệt chán. Tâm trí thường được an ổn, vững chãi, đem phương tiện hướng về Phật quả. Cầu pháp chẳng biếng nhác. Thuyết pháp chẳng hiểm tiếc. Siêng cúng dường chư Phật. Vào chốn sinh tử nhưng không sợ sệt chi cả. Đối với sự vinh nhục lòng không lo buồn, không mừng vui. Chẳng khinh kẻ chưa tu học. Kính trọng người tu học như Phật. Đối với kẻ chìm đắm trong phiền não, khiến họ phát sinh chánh niệm. Lánh xa những cuộc vui chơi, chẳng cho đó là quý. Chẳng tham trước việc sung sướng cho riêng mình, mừng cho kẻ khác được sung sướng.

“Tại các cảnh thiền định, tưởng đó như các tầng địa ngục. Đối với cuộc sinh tử luân hồi, tưởng đó như vườn cảnh điện đài. Thấy kẻ đến thỉnh cầu, tưởng họ như bậc thầy hiền. Thí xả những vật sở hữu của mình, đủ đầy cái tâm tưởng cầu quả vị của đấng có trí hiểu biết tất cả. Thấy kẻ phá hủy giới cấm, khởi lên cái tư tưởng cứu hộ. Đối với các ba-la-mật, tưởng như cha mẹ. Đối với các pháp đạo phẩm, tưởng như quyến thuộc. Nảy nở các căn lành, không hề có giới hạn. Lấy những việc nghiêm sức cõi nước trong sạch để thành tựu cõi Phật của mình. Làm việc bố thí không có kỳ hạn, đủ đầy những tướng chánh và tướng phụ trang nghiêm thân mình. Trừ bỏ mọi việc xấu ác, giữ sạch thân, miệng, ý. Trải vô số lần sinh tử, tâm ý vẫn dũng mãnh.

“Nghe vô lượng công đức của Phật, chí quyết như vậy mà chẳng mệt mỏi. Dùng gươm trí huệ chém phá giặc phiền não. Đem ấm, nhập, giới ra gánh vác chúng sinh, khiến họ được giải thoát mãi mãi. Đem đức tinh tấn lớn, đánh dẹp binh ma. Thường cầu đức tánh vô niệm, trí huệ thật tướng. Thi hành lẽ biết đủ, ít tham cầu, nhưng chẳng bỏ pháp thế gian. Chẳng chê bỏ oai nghi cốt cách, nhưng có thể tùy tục mà khởi ra huệ thần thông, dìu dắt chúng sinh. Được Niệm tổng trì, nghe rồi chẳng quên. Khéo phân biệt các căn lanh lợi hoặc chậm lụt, dứt tuyệt chỗ nghi hoặc của chúng sinh. Đem lòng vui vẻ mà biện thuyết, diễn giảng pháp giáo một cách không ngăn ngại. Mười điều lành được thanh tịnh, thọ hưởng phước lạc ở cõi trời và cõi người. Tu bốn tâm vô lượng, mở đường lên cảnh Phạm thiên. Khuyên thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ xưng tán việc lành, được âm thanh của Phật. Thân, miệng, ý trở nên hiền lành, được oai nghi của Phật. Tu các pháp lành một cách sâu vững, sở hành ngày càng tốt đẹp. Nương giáo pháp Đại thừa thành Bồ Tát Tăng. Tâm ý không phóng dật, chẳng bỏ mất các việc lành.

“Thi hành những pháp như vậy, gọi là Bồ Tát chẳng hết hữu vi.

“Sao gọi là Bồ Tát chẳng trụ vô vi? Đó là, tu học lẽ không, nhưng chẳng lấy lẽ không làm chứng đắc. Tu học vô tướng, vô tác, nhưng chẳng lấy vô tướng, vô tác làm chứng đắc. Tu học vô khởi, nhưng chẳng lấy vô khởi làm chứng đắc. Quán lẽ vô thường, nhưng chẳng chán cội lành. Quán những nổi khổ thế gian, nhưng chẳng ghét việc sinh tử. Quán lẽ vô ngã, nhưng dạy người chẳng chán. Quán lẽ tịch diệt, nhưng chẳng tịch diệt mãi mãi. Quán lẽ xa lìa, nhưng thân tâm tu thiện. Quán lẽ không có chỗ về, nhưng quay về các pháp lành. Quán lẽ không sinh, nhưng đem việc sinh sống mà gánh vác tất cả chúng sinh. Quán lẽ không có phiền não, nhưng chẳng đoạn tuyệt các phiền não. Quán lẽ không có sở hành, nhưng đem việc hành pháp mà giáo hóa chúng sinh. Quán lẽ không không, nhưng chẳng bỏ đức đại bi. Quán chánh pháp vị, nhưng chẳng theo Tiểu thừa. Quán các pháp là hư vọng, không có bền chắc, không có ta và người, không có chủ tể, không có tướng trạng. Bổn nguyện chưa tròn, nhưng phước đức, thiền định, trí huệ chẳng phải là hư luống.

“Tu các pháp như vậy, gọi là Bồ Tát chẳng trụ vô vi.

“Lại nữa, nhờ có đủ phước đức, nên Bồ Tát chẳng trụ vô vi. Nhờ có đủ trí huệ, nên chẳng dứt hữu vi. Nhờ đại từ bi, nên chẳng trụ vô vi. Nhờ tròn bổn nguyện, nên chẳng dứt hữu vi. Nhờ tụ hội các phương thuốc pháp, nên chẳng trụ vô vi. Nhờ khéo tùy bệnh mà cho thuốc, nên chẳng dứt hữu vi. Nhờ biết bệnh của chúng sinh, nên chẳng trụ vô vi. Nhờ trị dứt bệnh của chúng sinh, nên chẳng dứt hữu vi. Các vị chánh sĩ Bồ Tát, khi đã tu xong các pháp ấy thì chẳng dứt hữu vi, chẳng trụ vô vi. Đó là pháp môn giải thoát Dứt và Không dứt. Các ông nên tu học pháp môn ấy.”

Lúc ấy, các vị Bồ Tát kia nghe Phật thuyết thời pháp ấy rồi, đều rất hoan hỷ. Liền dùng các hoa mầu nhiệm với nhiều thứ màu sắc, nhiều thứ mùi thơm, rảy khắp cõi thế giới tam thiên đại thiên, cúng dường Phật với kinh pháp này, cũng cúng dường chư Bồ Tát cõi này. Rồi đó, các ngài đỉnh lễ nơi chân Phật, khen là chưa từng có, và nói rằng: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã có thể ở cõi này mà thực hành phương tiện một cách khéo léo.”

Nói xong, bỗng nhiên các ngài mất dạng, trở về nước kia.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com