- Lời nói đầu
- Nghi thức tụng niệm
- Quyển thứ nhứt
- Phần chú giải quyển thứ nhất
- Quyển thứ hai
- Phần chú giải quyển thứ hai
- Quyển thứ ba
- Phần chú giải quyển thứ ba
- Quyển thứ tư
- Phần chú giải quyển thứ tư
- Quyển thứ năm
- Phần chú giải quyển thứ năm
- Quyển thứ sáu
- Phần chú giải quyển thứ sáu
- Quyển thứ bảy
- Phần chú giải quyển thứ bảy
- Quyển thứ tám
- Phần chú giải quyển thứ tám
- Quyển thứ chín
- Phần chú giải quyển thứ chín
- Quyển thứ mười
- Phần chú giải quyển thứ mười
- Phần phụ lục
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Đức Phật nói Kinh Hồng Danh Lễ Sám
Phần chú giải quyển thứ ba
Nguồn: Việt dịch từ Dịch từ Tục Tạng Kinh (Ấn Độ soạn thuật)
Chuyển Luân Thánh Vương: Tchakravartin (S). Hay Chuyển Luân Vương hay Chuyển Luân Thánh Đế hay Luân Vương, lại là bậc Thánh Vương vì pháp lý mà cai trị khắp bốn châu. Ngài có 32 tướng tốt cũng như Phật, song ít tỏ rõ hơn. Bậc Chuyển Luân Thánh Vương khi tức vị thì có đủ bảy báu nầy: 1. Luân bảo (xe báu). 2. Tượng bảo (voi báu); 3. Mã bảo (ngựa báu). 4. Ma Ni Châu (châu báu). 5. Nữ bảo (ngọc nữ). 6. Chủ tạng thần (vị quan lo giữ gìn kho tàng). 7. Chủ binh thần (vị quan nắm giữ binh quyền). Ngài ngự trên xe báu (luân bảo), đi hàng phục tứ phương. Thế nên gọi là Chuyển Luân Vương.
Bốn châu thiên hạ: Quatre regions du monde terreste (F). Cõi thế chia ra 4 châu thiên hạ. Cũng gọi tứ đại châu: 1. Bắc Câu Lư Châu = Uttarakura. 2. Nam Thiệm Bộ Châu: Jambudvipa. 3. Tây Ngưu Hóa Châu = Godana và 4. Đông Thắng Thần Châu = Purva-videha.
Bảy thứ của báu: Đã giải ở số 33, quyển thứ nhất.
Tứ không: Bốn nơi Không ở bốn cõi trời Vô Sắc: 1. Không Vô Biên Xứ. 2. Thức Vô Biên Xứ. 3. Vô Sở Hữu Xứ và 4. Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.
Ngưu Đầu: Tức là đầu trâu. Một loại đầu trâu mặt ngựa ở chốn minh đồ mà trong sách sử thường ghi chép.
Chánh nhơn Phật tánh: Cause fondamentale (F) Chánh nhơn Phật tánh là một trong ba nhơn Phật tánh. Cái sức chánh do nơi đó mà phát sanh Phật tánh ở trong yếu tố chính, mà ai ai cũng đều có, nhờ đó mới kết thành duyên nhơn và liễu nhơn Phật tánh.
Vô vi tịch chiếu: Vắng lặng hằng soi, chỉ Pháp thân vô vi của Phật. Pháp thân mà chư Phật chứng được sâu xa, an nhiên, tịch tĩnh. Nó rời khỏi các nhơn duyên tạo tác, các nhơn duyên sanh diệt, nhưng nó thường chiếu soi.
8 & 9. Lìa tứ cú, dứt bách phi: Hai danh từ siêu thoát nầy nói lên mỗi đấng giác ngộ đạo quả giải thoát, các Ngài không còn chấp trước mảy may, dứt bỏ tất cả, xa lìa bài kệ bốn câu, mà cũng tịch nhiên luôn trăm điều phải trái, chỉ còn chơn tâm trong sạch.
Phiền não chướng: Đã giải ở quyển thứ nhất, số 25.
Quán sổ tức: Ấy là pháp quán thứ năm trong ngũ đình tâm quán. Phép quán đếm hơi thở, ‘hô hấp’ đặng ngăn chận không cho loạn động. Nhờ đó, người tu hành mới vào các pháp thiền định cao.
Quán bất tịnh: Đây cũng là một trong ngũ đình tâm quán. Hành giả thật hành đạo lý và thiền định phải quán bất tịnh. Phép quán nầy để ngăn lòng tham sắc dục, dễ bề tiến tu đạo nghiệp.
Bảy phương tiện: 1. Ngũ đình tâm. 2. Biệt tướng niệm. 3 Tổng tướng niệm. 4. Noản vị. 5. Đảnh vị. 6. Nhẫn vị và 7. Thế đệ nhất vị.
Ba quán nghĩa: Rõ nghĩa của ba quán. Trois meditations, ba nghĩa quán tưởng. Ấy là không quán: Xét ra sự vật đều không có thật tánh, thật tướng, mọi pháp vốn không. Giả quán: Xét rằng muôn vật đều thay đổi, vô thường, giả tạm cả và Trung quán: Phải quán cho ra nghĩa trung đạo, không phải không, chẳng phải giả. Đó là chỗ trọng yếu của Phật giáo.
Tứ niệm xứ: Bốn chỗ hành giả phải suy nghĩ luôn. Ấy là: Quán thân bất tịnh; quán thọ thị khổ; quán tâm vô thường, và quán pháp vô ngã.
Đệ nhất pháp: Những pháp giáo, những pháp môn, những công việc trổi thẳng của bậc xuất gia, của hàng giải thoát, của hàng Thánh giả gọi là đệ nhất pháp. Đối với thế pháp, đệ nhất pháp thì ý nghĩa chẳng dời đổi, chẳng hư hoại, chẳng tiêu diệt, một bề trong sạch như nhiên.
Giải trung đạo: Juste milieu; La voie moyenne (F). Giải nghĩa đạo trung hòa. Trung nghĩa là hòa hiệp, chẳng phân hai; ở chánh trung, chẳng nghiêng, chẳng lệch, chẳng thái quá, chẳng bất cập. Khi thành đạo xong, Phật đến thành Ba La Nại (Bénarès) vào vườn Lộc, giải lý trung đạo cho 5 vị tỳ kheo. Ngài cũng giảng thêm đạo bát chánh. Nghe xong, 5 vị ấy đều đắc quả La-Hớn.
Bát chánh đạo: Đã giải ở quyển thứ hai, số 23.
Thất giác chi: Saptabodhyanga (S) Sept états d’Esprit constitutifs de l’Eveil (F).
Bảy phần giác ngộ. Cũng gọi Thất Giác Ý; Thất bồ đề phần; Thất giác phần; kêu tắt: Thất giác: 1. Trạch pháp. 2. Tinh tấn. 3. Hỷ. 4. Khinh an. 5. Niệm. 6. Định và 7. Xả.
Bát giải thoát: Tám phép thiền định giải thoát:
Nội hữu sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát. 2. Nội vô sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát. 3. Tịnh giải thoát thân chứng. 4. Không xứ giải thoát. 5. Thức xứ giải thoát. 6. Vô sở hữu xứ giải thoát. 7. Phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ giải thoát. 8. Diệt tận định xứ giải thoát.
Cửu không: Chín điều không thật: 1. Nội không. 2. Ngoại không. 3. Nội ngoại không. 4. Không không. 5. Đại không. 6. Đệ nhất nghĩa không. 7. Hữu vi không. 8. Vô vi không và 9. Tất cảnh không.
Mười trí tam muội: Mười trí thiền định: 1. Thế tục trí. 2. Pháp trí. 3. Loại trí. 4. Khổ trí. 5. Tập trí. 6. Diệt trí. 7. Đạo trí. 8. Tha tâm trí. 9. Tận trí và 10. Vô sanh trí.
Tam minh: Trois connaissances (F). 1. Túc mạng minh có nghĩa là biết các đời trước của người và của mình luân chuyển như thế nào. 2. Thiên nhãn minh là thấy đời của mình và của người về sau sẽ luân chuyển thế nào. 3. Lậu tận minh là biết những cảnh khổ trong đời hiện tại của mình và diệt hết các phiền não.
Lục thông: Abhijna (S). Six pouvoirs surnaturels (F) Sáu phép thần thông. Trong Phật giáo, người tu hành đắc quả A-La-Hớn, được giải thoát dứt phiền não thì được sáu phép thần thông: 1. Thiên nhãn thông. 2. Thiên nhĩ thông. 3. Túc mạng thông. 4. Tha tâm thông. 5. Thần túc thông và 6. Lậu tận thông.
Tứ vô ngại: Trí tuệ có 4 đức không bị trệ ngại. Đó là bốn trí biện tự tại thuyết pháp của bậc đại Bồ Tát: 1. Pháp vô ngại trí = cái trí tuệ biết hết các pháp và tên của pháp, biết và diễn giải không ngăn ngại. 2. Nghĩa vô ngại trí = Trí tuệ hiểu biết nghĩa lý của các pháp, tùy theo tên của mỗi pháp mà giảng nghĩa, không hề bị ngăn ngại. 3. Từ vô ngại trí = Trí tuệ hiểu biết các danh tự, các ngôn từ một cách không trệ ngại, cho nên diễn giảng, luận biết rất thông. 4. Lạc thuyết vô ngại trí = Trí tuệ biết căn tánh của chúng sanh, vui thuyết không hề bị chướng ngại, không thoái lui, không sợ sệt, không bị đốn phá.
Lục độ: Six vertus cardinals (F), cũng gọi là lục ba-la-mật. Sáu phương pháp độ thoát cho đời, ấy là: Bố thí trừ tham lam keo sẻn; trì giới trừ tà ác; nhẫn nhục trừ giận hờn; tinh tấn trừ biếng nhác; thiền định trừ tán loạn và trí huệ trừ ngu si.
Tứ đẳng: Bốn tâm bình đẳng: Từ, bi, hỷ, hộ, đã có giải ở số 91, quyển thứ nhất.
Tứ nhiếp pháp: Bốn phương pháp chiết phục lòng người: Bố thí; ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Tứ hoằng thệ nguyện: Quatre grands voeux (F). Người tu hành theo Phật giáo phải phát bốn lời thệ nguyện rộng lớn: 1. Chúng sanh không số lường, thệ nguyện đều độ khắp. 2. Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch. 3. Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học. 4. Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.
Thập hạnh: Mười nết hạnh: 1. Hoan hỷ hạnh. 2. Nhiêu ích hạnh. 3. Vô sân hận hạnh. 4. Vô tận hạnh. 5. Ly si loạn hạnh. 6. Thiện hiện hạnh. 7. Vô trước hạnh. 8. Tôn trọng hạnh. 9. Thiện pháp hạnh và 10. Chơn thật hạnh.
Thập hồi hướng: Mười sự hồi hướng: 1. Hồi hướng cứu hộ chúng sanh, trong khi ấy lìa khỏi tướng chúng sanh. 2. Hồi hướng chẳng hoại. 3. Hồi hướng bằng hết thảy chư Phật. 4. Hồi hướng tới hết thảy mọi nơi. 5. Hồi hướng kho công đức vô tận. 6. Hồi hướng tùy thuận căn lành bình đẳng. 7. Hồi hướng tùy thuận quán tất cả chúng sanh như nhau. 8. Hồi hướng tướng chơn như. 9. Hồi hướng giải thoát không bị buộc, không dính mắc và 10. Hồi hướng nhập vào cõi pháp vô lượng.
Thập nguyện: Mười lời nguyện từ nhứt giả lễ kính chư Phật; nhị giả xưng tán Như Lai; tam giả quảng tu cúng dường; tứ giả sám hối nghiệp chướng; ngũ giả tùy hỷ công đức; lục giả thỉnh chuyển pháp luân; thất giả thỉnh Phật trụ thế; bát giả thường tùy Phật học; cửu giả hằng thuận chúng sanh và thập giả phổ giai hồi hướng.
33, 34 & 35. Nói chung bậc thập địa: Đã giả ở quyển thứ Nhứt, số 96.
36. Phiền não và vô tri kiết tập: Hành giả nếu không thường sám hối, đương nhiên tội chướng càng sâu dày, phiền não và các sự không hiểu biết mỗi ngày mỗi kết tập tăng thêm.
37. Thánh đạo vô lậu: Thánh đạo vốn thanh tịnh, không bị cấu nhiễm. Ấy là vô lậu dứt sạch phiền não, trở thành chơn như. Thánh đạo vô lậu nói lên sự dứt hết phiền não trở về đường Thánh.
PHẦN CHÚ GIẢI QUYỂN THỨ BA
HẾT