Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 81 - Chuyện 90

13/05/201313:10(Xem: 12447)
Chuyện 81 - Chuyện 90

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 81 - Chuyện 90

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 81
Trút giận sang người khác

Lời dẫn: Ở đời thường có những người làm sai, lại trút giận sang người khác, bản thân mình bất tài không làm được việc gì, lại đùn đẩy trách nhiệm lên vai người khác. Chúng tôi nói thí dụ "tự mình không có năng lực để tiến thân, lại đổ thừa chính trị không tốt, xã hội không được an ninh trật tự, có nhiều hiểm nguy rình rập; lại có rất nhiều kẻ ác, mọi người cạnh tranh nhau, người tốt khó làm việc được v.v…". Họ che đậy sự bất tài của mình, đùn đẩy công việc cho người khác.
Thời Tam Quốc có Tào Tháo, phụ thân của ông bị bọn thổ phỉ vùng Từ Châu giết chết. Ông ta lại trút giận vào nhân dân Từ Châu, chỉ huy một đại binh kéo đến Từ Châu giết sạch hết dân chúng. Như thế có đúng không?
Hồng Tú Toàn nói: "Trời sinh muôn vật để nuôi người, con người không có chút đức để báo đáp trời. Giết! Giết! Giết". Ông ta hạ lịnh bảy lần giết. Ông đi đến đâu đều giết sạch hết nhân dân. Người này có còn nhân tính không? Dân chúng có đáng giết không? Là mệnh lịnh của trời, ông ta đi giết người phải không? Tự mình muốn làm việc xấu đều mượn cớ làm theo ý trời.
Ngày xưa có một nông dân cần cù chăm chỉ làm việc đồng áng. Một hôm, ông dắt con trai đi thăm ruộng nhà. Ông có dụng ý vừa muốn con trai biết ruộng nhà, vừa đi giải khuây. Vô tình, hai cha con đi vào rừng, người cha ngồi bên gốc cây nghỉ ngơi, con trai lại đi thẳng vào rừng sâu. Bỗng chú bé chợt thấy mèo rừng, cáo rừng, lại thấy con cọp đuổi theo heo rừng; cuối cùng chú gặp một con gấu đen, vì sợ quá nên chú bỏ chạy. Do chú bỏ chạy, gây lên tiếng động, con gấu biết có người nên đuổi theo, nó lao tới vồ trên vai chú bé. Chú sợ hãi chạy lao về phía trước, vừa chạy vừa la lớn: "Gấu đen đến rồi! Gấu đen đến rồi! Hãy cứu tôi với!".
Chú bé la vang cả khu rừng, gặp cha chú thở hổn hển nói:
- Cha ơi! Con vừa bị gấu đen vồ trên vai. Cha xem thử trên vai con có bị chảy máu không?
Người cha nhìn thấy trên bả vai con bị thú dữ cào bị thương, ông ta tức giận vô cùng liền cầm cung tên đi thẳng vào rừng. Ông không thấy loài thú dữ nào mà gặp tiên nhân tu đạo, râu tóc dài trắng xóa. Ông ta không hỏi rõ đầu đuôi, liền lắp tên vào cung chuẩn bị bắn vào tiên nhân. Chú bé chạy theo sau, liền ngăn lại nói:
- Cha ơi! Vị này không phải thú dữ đã hại con bị thương.
Người cha hỏi:
- Chẳng phải người này râu, tóc dài đó sao?
- Cha à! Bờm, lông dài là loài thú. Ông này là người, lại là người tốt tu đạo. Tại sao cha lạị giết một người tốt như thế?
Gã nông dân này không biết lại hồ đồ, hoặc trút giận vào người khác. Ông muốn giết tiên nhân mà không phân biệt đúng sai.

Bài học đạo lý

Thế gian có người tốt, cũng có người xấu. Do đó, có một số người xấu thường đổ lỗi cho xã hội. Họ nói: "Xã hội này thật đen tối, đều là người xấu, tôi muốn bào thù; cho nên tôi làm những việc ác muốn báo thù hết mọi người".
Mỗi quốc gia, khó tránh được chuyện các quan chức tham ô, cũng là chuyện xảy ra ở khắp trên thế giới, nhưng người bị hại thì trút giận hết vào quốc gia. Mỗi gia đình đều có hàng xóm, trong gia đình thì có con cái, những đứa bé chơi đùa qua lại là chuyện bình thường; nhưng khi bọn chúng cãi nhau lại dẫn đến người lớn chửi nhau. Từ đó, người lớn trở thành bất hòa, ở đâu cũng có chuyện này.
Giữa người với người sống với nhau; nói năng, làm việc, mỗi người đều có cá tính của mình. Mỗi người có tư tưởng và hiểu biết đều khác nhau, nên khó tránh được chuyện va chạm xảy ra và xung đột. Từ chuyện cá nhân, lại trút giận vào xã hội; hoặc từ xóm làng với xóm làng, cho đến quốc gia với quốc gia tạo thành oán thù muôn đời, chuyện này đâu đâu cũng có. Vì chút sĩ diện mà con người gây nên chiến tranh, người chết như núi, chuyện này ở đâu cũng thấy. Vì sao con người thích đánh nhau như thế, vì sĩ diện phải không? Giành được sĩ diện, lại như thế nào? Họ phải trả giá rất lớn.
Có người không kiềm chế hành vi của mình, khi bị người khác phê bình; hoặc bị người sỉ nhục; họ không kiểm điểm lại mình mà trút giận vào người khác; hoặc đi trả thù cả xã hội, người bị hại đều là người tốt vô tội. Trút giận vào xã hội như thế có công bằng không?
Mỗi đoàn thể có qui luật và ràng buộc của đoàn thể, mọi người phải tuân thủ theo, nếu một người nào làm sai thì phá hoại danh dự cả tập thể. Tất nhiên người đó phải chịu trừng phạt theo qui luật, nhưng người chịu hình phạt thường trút tức giận vào tập thể và phỉ báng, phá hoại. Con người thật sự quá đáng thương! Chúng ta làm theo phương diện tốt thì ảnh hưởng rất ít, nhưng làm việc phá hoại thì ảnh hưởng rất nhiều. Trút giận vào người khác cũng thật là đáng thương.

Chuyện 82
Người rừng gieo lúa

Lời dẫn: Người làm ruộng có phương pháp của nghề làm ruộng. Người buôn bán có phương pháp của nghề buôn bán. Người không biết phương pháp càng ra sức làm thì càng hỏng.
Thời đại nguyên thủy, thức ăn của con người đều lấy từ thiên nhiên. Khi đói, con người đi hái rau hay nhặt trái cây về ăn, thiên nhiên cung cấp thức ăn đầy đủ. Nhưng khi con người ngày càng đông thì thức ăn trong thiên nhiên càng thiếu và tâm ích kỉ của con người càng tham nặng, họ lại đem thức ăn cất giấu, ăn không hết thì bị hư thối. Do đó, thức ăn trong thiên nhiên hư hao rất nhiều, không đủ cung cấp cho con người. Cho nên, thần nông chỉ dạy cho mọi người tự trồng trọt. Mọi người ra sức trồng trọt mới có thức ăn để sống. Nếu người không chịu làm việc thì chịu cảnh đói khát, cũng từ đó sinh ra hành vi trộm cắp, cướp giật, tất cả chuyện đúng, sai cũng từ đây mà phát sinh ra.
Thuở xưa có một người rừng không biết cách làm ruộng. Một hôm, hắn xuống vùng người kinh, hắn nhìn thấy đồng ruộng lúa non xanh mơm mởm thẳng cánh cò bay thật là đẹp mắt. Hắn vô cùng ngưỡng mộ, tự nói: "Đồng lúa này thật là xinh đẹp, nhất định có người gieo trồng, mới đẹp như thế. Nếu như ta học cách gieo lúa thì sẽ có một đồng lúa xanh mơm mởm như thế chăng?". Do đó, hắn đi tìm nông dân để chỉ bày phương pháp làm ruộng.
Người nông dân nói:
- Việc này chỉ cần anh cày ruộng, ban đất cho bằng phẳng, gieo lúa giống xuống, rồi bón phân. Nếu khi có cỏ mọc thì anh phải nhổ sạch cỏ, qua một thời gian lúa sẽ lớn lên, xanh mơm mởm.
Người rừng nghe nói như vậy rất vui mừng. Hắn trở về nhà, bắt đầu cày ruộng, ban cho bằng phẳng, đất bằng phẳng rồi, đáng lẽ gieo lúa giống xuống thì hắn lại thuê rất nhiều người đến giẫm đạp xuống, lại dùng khúc gỗ tròn lăn trên đất, làm cho đất cứng lại.
Việc gieo lúa giống xuống, đối với người nông dân rất dễ dàng; nhưng hắn lại suy nghĩ rất nhiều thời gian. Hắn cho rằng tự mình lội xuống ruộng gieo lúa giống sẽ để lại nhiều dấu chân, lại sợ đạp lún lúa giống xuống, nên hắn không dám lội xuống ruộng. Hắn đi thuê bốn người khiêng một cái giường, hắn ngồi trên đó gieo lúa giống xuống ruộng. Hắn không biết tuy mình không lội xuống ruộng, nhưng bốn người khiêng chiếc giường có tám chân phải lội xuống ruộng khiêng hắn, tất nhiên phải giẫm đạp xuống. Như thế ruộng có bằng phẳng không? Đất càng giẫm càng cứng, lúa giống gieo xuống khó mà nảy mầm được, phơi nắng tất nhiên sẽ chết.

Bài học đạo lý

Con người là động vật rất kì lạ, dạy họ làm việc rất đơn giản bình thường, học việc có ích đối với mọi người thì rất khó. Nhưng học việc không có lợi, làm hư hại thì rất dễ dàng. Chúng ta bảo họ làm việc xấu, vừa hỏi họ biết liền, dạy làm việc tốt nói rất nhiều lần cũng không hiểu. Đây là đặc tính của nhân loại, hay tạo hóa trêu người?
Đức Phật dạy: "Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường, thói quen, tiêm nhiễm làm việc xấu rất nhiều, việc tốt thì ít". Cho nên, chủng tử tốt ít, nên tính xấu thì nhiều mà tính tốt thì ít. Do đó, họ học việc tốt thì rất khó mà việc xấu lại rất dễ; bởi vì, chủng tử xấu nhiều, nên dễ đưa đến thói hư tật xấu, làm nhiều việc xấu. Tính tốt ít nên dẫn phát tâm tốt, làm việc tốt cơ hội rất ít.
Nếu chúng ta biết nương theo Phật pháp tu hành, luôn luôn vun bồi thói quen tốt gợi ra chủng tử tốt thì mới có thể làm việc tốt, tương lai sẽ thu hoạch quả ngọt.
Con người có khôn-ngu, hiền-dữ. Vì sao mọi người không thể làm người hiền lành, lương thiện? Bởi vì, chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường, thời gian đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh quá lâu; cho nên tiêm nhiễm thói xấu quá nhiều, cơ hội sinh lên cõi trời, cõi người rất ít. Vì thế, người thông minh, trí huệ, tính tình từ bi cũng rất ít. Chúng ta muốn có trí huệ và tâm từ bi thì phải nương theo Phật pháp tu hành, vun bồi dần dần; hoặc được thầy chỉ dạy thì mới có thể thường sinh trí huệ và tâm từ bi.
Mọi người đều thích trí huệ và tâm lương thiện, có ai thích ngu si và hung dữ không? Nhưng do bẩm sinh lôi kéo, có cách gì không? Đã nói bẩm sinh lôi kéo, tức là thói quen đã nhiễm nhiều đời, nhiều kiếp ở quá khứ. Đã tiêm nhiễm thói xấu từ đời quá khứ, vì sao hiện tại chúng ta không không chọn thử việc tốt để học tập, vun trồng dần dần phần từ bi, trí huệ và đạo đức? Có người nói như thế là quá chậm, chỉ cần chúng ta tin theo thượng đế toàn năng. Hoặc một vị thần chúa tể của chúng ta, ngài có thể ban cho chúng ta tất cả, ban phúc cho chúng ta, chuộc tội lỗi của chúng ta, chẳng phải quá dễ dàng hay sao?
Sự thật, thần có thể ban cho chúng ta trí huệ và tâm lương thiện không? Có thể ban phúc cho chúng ta và chuộc tội lỗi của chúng ta không? Trên thực tế, chúng ta và thần cùng sinh ra đều có những tâm xấu như tham, sân, si, ngã mạn, nghi ngờ, ganh tị v.v…Khi thượng đế sáng tạo ra con người, vì sao không ban tặng cho con người từ bi, trí huệ, đạo đức và tâm lương thiện giống nhau? Nếu như con người có những tâm tốt thì họ sẽ không đến nỗi lưu lạc cho đến ngày nay. Vị thần nào đó, thật sự ban cho chúng ta tâm tốt; hoặc ban phúc và chuộc tội của chúng ta? Là ban cho tất cả mọi người, hay chỉ người tin theo thần. Nếu như người cầu thần thì thần mới có thể chuộc tội, hay ban cho họ tâm lương thiện. Như thế, vị thần này khác nào quan chức tham ô ở thế gian?

Chuyện 83
Mạnh hiếp yếu

Lời dẫn: Từ xưa đến nay, bất luận ở đâu chuyện vợ chồng cãi nhau xảy ra như cơm bữa. Nếu như đánh nhau, người phụ nữ chân yếu tay mềm bị thua là chuyện tất nhiên. Khi bị chồng đánh, có chị cho rằng số phận như vậy, nên im lặng cam chịu, nuốt lệ vào lòng. Có chị kể lể với hàng xóm, hay bạn bè để trút nỗi u buồn. Có chị đánh con cái để trút nỗi oán hận trong lòng. Tục Ngữ có câu: "Cấp trên quản cấp dưới, cái cuốc quản cái ki."
Làm trong công ty, tổng giám đốc bị chủ tịch hội đồng quản trị quở trách, tổng giám đốc tìm giám đốc trút giận, giám đốc tìm trưởng phòng rầy la, trưởng phòng tìm nhân viên mắng. Như thế, cấp trên quản lý cấp dưới. Trong quân đội, cục cảnh sát; hoặc tất cả đoàn thể nhân dân cũng cấp trên quản lý cấp dưới. Đây là mạnh hiếp yếu phải không? Hoặc muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; hoặc trút nỗi tức giận trong lòng. Chúng tôi nghĩ chuyện này ở đâu cũng có.
Ngày xưa, có một người nuôi một con khỉ. Khỉ là động vật rất thông minh và lanh lợi, chỉ cần chúng ta đối xử tốt và thân thiện với nó thì nó hiểu được. Bất kì chúng ta dạy nó mặc áo, đội mũ; hoặc phụ trèo cây hái trái, nó đều làm rất tốt; cho nên, chủ nhân rất hài lòng nó. Ông chủ này trồng rất nhiều cây ăn trái, nên ông huấn luyện khỉ trèo cây hái trái, nó cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Con khỉ biết quan sát sắc mặt vui-buồn của ông chủ. Có lúc trèo hái cây, nó chuyền từ cây này sang cây khác, nghịch ngợm vui đùa với ông chủ, không chịu làm việc. Khi đó, nếu như ông chủ nạt một tiếng, nó ngừng đùa giỡn, vội đi hái trái cây.
Khi hái trái cây, nó biết phân biệt trái nào chín, trái nào sống. Một hôm, nó cố ý hái trái sống, ông chủ liền cầm trái cây gọi nó xuống, nó nhìn qua biết ông chủ đang giận, biết mình phạm lỗi nó vội tụt xuống, ông chủ cầm hai trái đặt trước mặt nó nói: "Ngươi xem! Trái cây này còn sống, vì sao lại hái xuống?". Ông chủ véo mạnh vào tai nó, nó đành phải ôm đầu chạy. Người có tâm oán hận, con khỉ thông minh cũng như vậy. Nó cũng đành chịu, nhưng trong lòng luôn nhớ.
Lúc trở về nhà, có chú bé chạy ngang qua, khỉ còn giận, nên véo vào tai chú bé hai cái. Đây có phải là mạnh hiếp yếu không?

Bài học đạo lý

Con người và tất cả động vật, nếu họ càng thông minh; hoặc chức vụ con người càng cao thì họ không chịu đựng để người khác bắt nạt. Người hiểu biết kém cỏi; hoặc động vật ngu si thì cam chịu người khác ức hiếp. Bậc Cổ đức dạy: "Bậc đại trí trông như ngu đần". Người quá ngu si, hay người thông minh cực kì đều có thể chịu đựng người khác ức hiếp. Chỉ có người nửa khôn nửa dại thì bất cứ việc gì cũng tính toán thiệt hơn. Nhưng người có trí huệ và đức hạnh lại rất ít. Người quá ngu si, hoặc người có lương tâm cũng không nhiều. Ở đời phần đông là người vừa khôn vừa ngu, vừa thiện vừa ác thì chiếm số đông; cho nên, thế gian có chuyện tranh cãi thị phi rất nhiều.
Con người giống nhau, vì sao có sự sai khác người khôn, kẻ dại, người mạnh, kẻ yếu, người đức hạnh, kẻ gian ác, và tính tình tốt-xấu? Như thế, ai ức hiếp ai? Vấn đề này có không phải là nên hay không nên, mà là vấn đề ai có đạo đức, ai không có đạo đức, ai thiếu nợ ai v.v…Người có tu dưỡng, có đạo đức thì không nên dùng quyền thế bắt nạt người, mạnh hiếp yếu, cao đè thấp. Những người ngu si hạ tiện, bị người sai khiến, hoặc bị người ức hiếp, cho đến đền trả nghiệp đời trước. Vì thế, mới có sự sai khác mạnh-yếu, sang-hèn; vả lại, nhân quả xoay vần, mãi mãi luân chuyển không dứt. Chúng ta biết có thoát ra khỏi bánh xe luân hồi hay không, thì hãy nhìn việc làm của mình.

Chuyện 84
Nguyệt thực đánh chó

Lời dẫn: Tục Ngữ có câu: "Heo đến nhà thì nghèo, chó đến nhà thì sang, mèo đến nhà thì xây nhà lớn". Nếu như heo vô duyên vô cớ chạy đến nhà thì nhà này sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo khổ. Bỗng nhiên, chó ở đâu chạy đến muốn ở lại nhà chúng ta thì sẽ phát tài nhanh chóng. Còn nếu mèo tự nhiên chạy đến nhà chúng ta muốn ở lại thì nhất định sẽ xây nhà cao cửa rộng. Đây là quan niệm mê tín chung của mọi người. Không chỉ những điềm trên mà còn "Chim khách kêu là điềm lành, quạ kêu là điềm dữ". Có người khi đi xa, hay sáng sớm thức dậy, nghe tiếng chim khách kêu là có điềm lành sắp đến nhà; hoặc điềm báo trước vận may.
Bất kì lúc nào, khi mọi người nghe tiếng quạ kêu là có điềm dữ, nhất định có tai nạn gì; hoặc việc không may xảy ra; cho nên, mọi người cho rằng quạ là chim dữ. Những loài chó, mèo, chim khách, quạ đen sẽ báo tin cho chúng ta điềm lành-dữ; hoặc đem đến cho chúng ta vận tốt-xấu có đúng không? Tất nhiên là một loại mê tín. Nhưng "Một người nói không thật, trăm người nói thành sự thật". Mọi người đều nói như thế, việc không giả cũng trở thành sự thật. Làm sao phá trừ mê tín này? Chúng ta phải "thấy điềm kinh dị không sợ thì điềm đó trở thành bình thường". Hoặc lấy "một điều chánh khắc phục vạn điều tà". Tâm có chính tâm, chính niệm thì muôn điều tà không xâm nhập được. Đây là pháp bảo phá trừ mê tín.
Thuở xưa ở một địa phương nọ, nếu gặp lúc nguyệt thực thì liền đánh chó làm cho mọi người không hiểu gì cả. Vì sao họ lại đánh chó? Theo truyền thuyết, chó ăn mặt trăng; cho nên mới bị nguyệt thực. Tại sao chó nuốt được mặt trăng? Đây là một loại truyền thuyết mê tín.
A-tu-la là người, đại biểu hung ác và tàn bạo nhất thế gian, phúc báo của họ cũng rất lớn, chuyện cơm ăn, áo mặc, đi đứng họ giống như người ở cõi trời, chỉ là tâm sân hận và ganh tị thì rất nặng. Thần thông của họ có thể lớn thu nhỏ, nhỏ hoá lớn. Vì thế, mỗi lầm họ đánh nhau với chư thiên; nếu bị thua, họ ẩn trốn trong lỗ ngó sen dưới đáy nước, mới thoát được khổ nạn bị chư thiên đuổi theo giết chết.
Nếu a-tu-la không đánh với chư thiên thì phúc báo của họ lớn vô cùng. Có lúc, vua a-tu-la mời thần đến cung điện uống rượu, nghe nhạc và nghe con gái của a-tu-la ca hát, nhảy múa, cũng là cách hưởng thú vui.
Một hôm, a-tu-la ở trong cung đang xem ca múa, bất giác mơ màng ngủ mê, bỗng nhiên tỉnh lại, cảm thấy mặt trăng chiếu thẳng vào mắt. A-tu-la liền lớn tiếng bảo: "Mặt trăng chiếu thẳng vào mắt ta, các người mau đi che lại cho ta". Bộ hạ của vua a-tu-la và các hạ thần vội vàng đến che mặt trăng.
Mặt trăng chiếu sáng khắp trần gian, bỗng nhiên bị tối sầm lại, mọi người nhìn thấy đám mây đen giống như con chó nuốt mặt trăng; cho nên bảo nhau: "Chó cõi trời nuốt mặt trăng, trăng sáng mới bị nguyệt thực". Do đó, mọi người liền đánh chó. Nhưng chó cõi trời nuốt mặt trăng có liên quan gì đến chó cõi người không? Từ đó, ở trần gian trở thành phong tục tập quán "Nguyệt thực đánh chó".

Bài học đạo lý

Nhân gian có rất nhiều truyền thuyết, đều là chuyện vu vơ. Nhưng vẫn truyền từ xưa đến nay, cũng trở thành một phong tục tập quán. "Một người nói không thật, trăm người nói thành sự thật". Có người nói: "Lời nói bịa đặt một trăm lần cũng trở thành sự thật". Cho nên, dân gian có rất nhiều truyền thuyết, đều là chuyện vớ vẩn.
Ngày nay, thời đại công nghệ thông tin, kiến thức con người đạt đến tầm nhìn xa trông rộng, mà vẫn còn rất nhiều truyền thuyết mê tín lưu truyền lại. Thế gian có rất nhiều chuyện kì lạ không thật, cũng có rất nhiều chuyện phù hợp cuộc sống, lại có những chuyện không thể nghĩ bàn. Mọi người đều nói: "Thà tin là có, còn hơn không tin". Chuyện mê tín vẫn tiếp tục lưu truyền, từ đời này sang đời khác. Có những chuyện ngay bản thân mình không hiểu gì cả, cũng y theo phong tục tập quán mà làm. Họ cho rằng, dù sao cũng chẳng tổn hại lớn lao gì, y theo đó mà làm. Nhưng tâm lý mê tín này, chúng ta có thể dẫn ma vào nhà đó nhé!
Tín ngưỡng tôn giáo là thiện tâm. Tín ngưỡng là nơi an ủi và gửi gắm tinh thần, nhưng tín ngưỡng mà không có lý trí thì tạo cơ hội cho bọn gian trá, chúng chờ sơ hở để lợi dụng, cũng có khi tạo thành yêu ma quỉ quái, cô hồn cõi âm chờ cơ hội. Những người đó tổn thất của cải là việc nhỏ, giao kết bọn bất lương, cũng là giao kết cô hồn cõi âm, tương lai có tốt đẹp không? Thế gian có rất nhiều người nghèo khổ; hoặc không may họ bị tán gia bại sản. Chúng ta hãy phát tâm Bồ-đề cứu giúp, nhưng không phải nịnh họ, hoặc cầu xin họ. Đạo lý giống nhau, chúng ta sợ cô hồn cõi âm thì nó tìm đến chúng ta gây phiền phức. Nhưng nếu chúng ta nịnh theo nó thì trở thành đầu cơ trục lợi cho nó. Ai có lỗi? Tất cả phong tục mê tín ở dân gian, cũng là cô hồn dựa vào để đầu cơ trục lợi. Chúng ta vì bình yên nhất thời mà nhượng bộ với họ, tức là nhượng bộ cùng với bọn lưu manh ở thế gian, là đồng lõa đút lót của cải cho bọn xấu, có gì khác nhau? Cho nên mê tín chính là tạo cơ hội cho bọn gian tà.

Chuyện 85
Đau khổ vì bệnh mắt

Lời dẫn: Muôn sự muôn vật ở thế gian đều có cách nhìn và nhận xét của mỗi người, có chính kiến, có tà kiến, có lẽ phải, cũng có lẽ trái. Nhận xét đúng thì lời nói, việc làm mới đúng đắn, tạo nên hạnh phúc, an vui cho con người, vun bồi đức hạnh tôn quý và cao thượng. Kẻ tà tri, tà kiến, hành động thấp hèn, tạo thành nhân cách của kẻ tiểu nhân, gây nên ác nghiệp, sẽ đọa vào đường ác vô biên.
Ngày xưa, có một phụ nữ, vì không được sự giúp đỡ của gia đình, nên không được học hành đến nơi chốn, chẳng có nghề nghiệp để mưu sinh. Do đó, nàng sống qua ngày bằng nghề ai thuê gì làm nấy. Nhưng không may nàng mắc bệnh đau mắt rất nặng, rốt cuộc việc đi làm thuê cũng không làm được. Thường ngày, nàng bị mọi người mắng chửi, ức hiếp đau khổ vô cùng, nhưng không biết tỏ nỗi lòng cùng với ai.
Một hôm, nàng gặp một cô gái có học vấn, hiểu biết, liền than thở:
- Em ơi! Làm người có đôi mắt sáng, thật hạnh phúc biết bao!
Cô gái khuyên:
- Này chị! Không hẳn là như thế. Người có đôi mắt sáng, hàng ngày nhìn thấy những chuyện giả dối, lừa đảo tạo ác nghiệp ở thế gian; nhìn thấy những kẻ gian trá, nham hiểm mà muốn tránh xa; lại thấy những kẻ quan chức tham ô tự đánh mất nhân cách và đạo đức, ba ngày ăn cơm không nổi. Chi bằng không thấy là tốt hơn.
- Em ơi! Chị mong ước được có đôi mắt sáng để nhìn mặt tốt đẹp cuộc đời, ai nấy đều lương thiện, ai cũng đối xử với nhau tình cảm đậm đà, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn. Còn những kẻ làm chuyện phạm pháp, gian trá thì chị như không nhìn thấy, để họ "ngựa dữ gặp kị sĩ hung". Chị luôn thương xót họ, tương lai phải chịu báo ứng; lại còn, nhiều đời nhiều kiếp khó mà được siêu thăng. Em nói đi, họ có đáng thương không?
- Em là người sáng mắt, nhưng vẫn hay bị đau, thường đau dữ dội.
- Em bị đau mắt suốt cả ngày, hay đau từng cơn?
- Tất nhiên là không đau liên tục, có lúc đau, có lúc không.
- Sự thật có mắt phải có bệnh, nhất định phải đau đớn. Chuyện này không còn biện pháp, có thân, có tâm thì có khổ, giống như có sinh thì có tử. Nhưng con người có thể nhờ đôi mắt mà xem kinh, ngắm nhìn tượng Phật, nhìn thấy mặt tốt ở đời. Nếu như thấy mặt xấu, những chuyện phạm pháp thì cũng làm cho mình thức tỉnh. Vì thế, mắt giúp chúng ta rất nhiều, đúng không?
- Chị à! Người có mắt sáng tuy có đau khổ thời gian ngắn, nhưng người mù lại đau khổ suốt đời.
- Em ạ! Người có đôi mắt sáng nhìn về tương lai rộng lớn, dự định làm những việc lâu dài cho tương lai. Người bị mù chỉ thấy việc hiện tại, nhưng không biết tương mình sẽ ra sao; đó là nỗi đau khổ nhiều đời nhiều kiếp ở tương lai .
Nói như thế, người mắt sáng tốt? Hay người mù tốt? Chúng tôi nghĩ kẻ ngu cũng biết chọn cho mình phải không?

Bài học đạo lý

Đôi mắt sáng giúp cho chúng ta nhìn thấy tất cả sự vật ở thế gian, nhưng thấy việc tốt làm cho chúng ta vui vẻ, thấy việc xấu làm cho chúng buồn bã; lại có thể lôi kéo chúng ta tạo ác nghiệp, và cũng có thể giúp chúng ta tu hành làm nghiệp thiện. Đôi mắt như thế là tốt hay xấu, là thiện hay ác? Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Chúng ta muốn làm việc lành, việc dữ; muốn thấy tốt, thấy xấu, thấy thiện, thấy ác đều là ý nghĩ của chúng ta; không nên đỗ lỗi cho mắt thấy chuyện tốt, xấu phải không?
Người có đôi mắt thì phải có bệnh, có thân thì có khổ. Như thế, chúng ta cũng không làm chủ được bản thân phải không? Thân có thể làm cho chúng ta an vui, cũng có thể làm cho chúng ta đau khổ; đồng thời,, còn có sự liên quan hạnh phúc hay khổ đau nhiều đời nhiều kiếp ở tương lai, chỉ do chúng ta biết cách ứng dụng nó như thế nào mà thôi. Ứng dụng thích hợp thì làm cho chúng an vui; ứng dụng không đúng thì làm cho chúng ta đau khổ. Như vậy, mắt sáng và trí huệ là rất quan trọng. Đúng không?
Phật giáo là tôn giáo trí tuệ. Đức Phật là Đấng giác ngộ, có trí huệ thâm diệu mới thành Phật. Vì thế, Ngài thấy rõ tất cả sự vật ở thế gian. Cho nên, những điều Ngài dạy chúng ta đều là những việc kinh nghiệm nhiều đời nhiều kiếp, phát xuất từ trí huệ của Ngài. Tại sao chúng ta không y theo Phật pháp tu hành? Phật pháp như kim chỉ nam trong biển khổ, như thầy thuốc đưa thuốc hay cho bệnh nhân. Người có duyên, có căn lành mới gặp được, cũng mới có thể nương theo pháp mà tu hành. Bằng không thì biển khổ vô cùng; chúng ta giống như người mù đi trên con đường, biết đến khi nào về đến quê nhà bình yên.

Chuyện 86
Quý của hơn con

Lời dẫn: Làm người, ai mà không muốn mình kiếm được nhiều tiền? Có tiền của ai mà không ra sức giữ gìn nó? Vấn đề kiếm tìm bằng cách nào? Và chúng ta giữ gìn tiền của như thế nào? Có người lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi mà kiếm được tiền. Có người bỏ sức lao động rất ít mà được lợi rất nhiều. Có người tham ô bòn rút của công. Có kẻ lường gạt của cải người khác. Có kẻ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v…để được lợi ích; thậm chí có người đốt nhà, giết người cướp của. Vì có được tiền của hại người như thế sao? Hay là lòng người nham hiểm, gian trá? Con người chỉ vì được của cải ngay trước mắt mà bất chấp tất cả, chỉ mong có được tiền, lại càng muốn giữ gìn nó.
Ngày xưa có hai cha con. Một hôm, họ nghiên cứu bàn bạc cách làm ra tiền như thế nào? Người con trai nói:
- Thưa cha! Con nghĩ làm nghề buôn bán dễ kiếm lời nhanh nhất.
Người cha bảo:
- Cách kiếm tiền tốt nhất là chúng ta bán kẹo.
- Là sao hả cha?
- Bởi vì, chúng ta bán kẹo vốn ít mà lời nhiều, gánh kẹo đến các thôn quê bán, trẻ con rất thích ăn kẹo, chỉ cần bỏ ít tiền vốn mà dễ kiếm được nhiều tiền lời.
Người làm nghề buôn bán, xuất nhập hàng hóa, có người thách giá bán rất cao; từ đó suy ra, cha con họ nghiên cứu là có kinh nghiệm. Trẻ con ở thôn quê đều thích ăn kẹo, họ đem kẹo bán ở thôn quê, chẳng những bán giá đắt mà còn bán rất chạy; cho nên kiếm được nhiều tiền lời. Sau khi, hai cha con bàn bạc xong; họ liền quyết định làm nghề bán kẹo. Thật sự, nghề buôn bán rất dễ phát tài, buôn bán tuy ít, nhưng được lợi nhuận cao. Do đó, không bao lâu, hai cha con kiếm được rất nhiều tiền.
Một hôm, hai cha con bỏ kẹo trong túi vải mang đi, họ muốn đến làng quê để bán. Đến chiều tối, họ đang trên đường trở về. Bỗng gặp bọn thổ phỉ hung ác. Một tên hỏi:
- Bọn mày làm nghề gì?
Người cha đáp:
- Cha tôi bán kẹo lặt vặt.
- Buôn bán lặt vặt hay buôn lậu đều giống nhau, bọn mày đi lừa gạt, bóc lột tiền của dân chúng, lòng dạ độc ác so với bọn cướp chúng ta nào có khác gì. Hôm nay, bọn mày gặp chúng tao là còn may đó. Này nhé! Bọn tao bảy phần, mày ba phần, cùng chia của ăn cướp mà.
- Đây là kẹo của chúng tôi, làm sao chia cho các ông được?
- Bọn tao bảy phần, mày ba phần, kể ra chúng ta còn khách sáo với mày. Mày không biết tốt xấu, bọn tao ăn hết.
Bọn thổ phỉ giật lấy hết kẹo. Lúc đó, người cha nhìn thấy trên tai con trai có đeo hoa tai bằng vàng, không thể để cho bọn chúng cướp đi, nên ông bẻ mạnh đôi hoa tai, nhưng cái móc rất chặt không gãy; trong lúc hốt hoảng, ông cầm dao chặt đầu con trai. Trong đêm tối, bọn chúng không thấy hành động của ông. Chúng lấy hết kẹo và của cải cướp vừa được, vui mừng hò hét kéo nhau đi.
Người cha cẩn thận bế thân con trai lên, đem đầu đặt lại, nhưng thân con đã mềm nhũn, ông buông tay, đầu con rớt xuống đất. Ông lại đặt đầu lại lên cổ, cũng rớt xuống lại thì ông mới biết con trai đã chết rồi.

Bài học đạo lý

Bậc cổ đức dạy: "Tham lợi nhỏ mà sai lầm việc lớn". Thông thường mọi người có thói quen tham chút lợi, vì tham chút lợi mà sai lầm việc lớn, ở đâu cũng có chuyện này. Con người vì tham chút lợi mà nói dối đủ điều, nơi nào cũng có. Vì họ nói dối mà đánh mất nhân cách, bị mọi người xem thường, cũng mất đi tình cảm và sự giúp đỡ của người khác; nghiêm trọng hơn là đánh mất tiền đồ tốt đẹp. Không phải vì tham lợi nhỏ mà sai lầm việc lớn hay sao?
Bậc cổ đức dạy: "Giang sơn muôn dặm, ngày ăn ba bữa". Tương lai mọi người muốn ăn ba bữa cũng không khó lắm. Nhưng vì muốn ăn sơn hào hải vị, nên tìm khắp thiên hạ, lặn xuống biển, đi cùng khắp chân trời góc biển; hoặc rừng sâu, đồng trống, cho đến chúng sinh ở dưới hang cũng đào bắt ăn cho được. Cho nên, họ tạo rất nhiều ác nghiệp, kết nhiều oán thù. Khi ăn chúng ta luôn nhớ nghĩ "ăn qua ba tấc lưỡi biến thành phân". Nếu chúng ta vì ăn cho sướng miệng mà lao tâm khổ tứ, từ năm này qua năm khác, tương lai sẽ kết oán thù với chúng sinh, nhiều đời nhiều kiếp oan khiên không dứt, vậy tại sao chúng ta không dừng lại tham chút nhỏ mà đánh mất lợi lớn?
Bất kì mọi người làm nghề sĩ, nông, công, thương, chỉ cần làm một ngày mà có thể ăn nhiều ngày, thậm chí có thể ăn nhiều tháng. Bởi vì "nuôi con cậy lúc về già, tích chứa lúa gạo phòng khi đói", hay "trời nắng ráo để dành lương thực khi mưa". Vốn là tính đặc biệt của con người. Nhưng lòng người càng tham nhiều thì càng độc ác, tạo ác nghiệp cũng nhiều. Kết quả, tính toán tranh giành, kết oán thù nhiều đời nhiều kiếp, tương lai báo thù lẫn nhau không ngừng, luân hồi không dứt và khổ não vô biên. Há chẳng phải chỉ vì tham chút nhỏ mà đánh mất lợi lớn, tham lợi nhỏ mà sai lầm việc lớn.

Chuyện 87
Kẻ cướp có nghĩa

Lời dẫn: Người hiền nhất thế gian, cũng có khi làm việc thất đức. Kẻ gian ác khét tiếng cũng có lúc làm việc thiện; làm người chẳng ai mà hoàn hảo. Chúng ta xem xét người tài, người giỏi, người trí tuệ nên dùng họ thích hợp thì mới xác định thiện hay ác. Như một tên cướp khét tiếng, lòng dạ độc ác, có lúc hắn làm những việc rất có tình nghĩa. Vợ chồng, anh em thân thiết nhất thế gian, nhưng có lúc vì chút lợi nhỏ mà xảy ra chuyện ẩu đả. Vì thế, tài năng, trí huệ, đạo đức của con người biết ứng dụng thích hợp là người tài giỏi; ứng dụng không thích hợp trở thành kẻ gian ác. Cả đời người, có lúc làm thiện, có lúc làm ác; quả báo có phúc, có họa; khởi tâm động niệm có thiện, có ác nên mới có khổ vui.
Thuở xưa, có một bọn cướp khét tiếng. Bọn cướp này đều là cướp đoạt tài sản của người khác. Chẳng những bọn chúng mạnh mẽ, gan dạ, dũng cảm không sợ chết mà còn độc ác. Vì thế, trong đó có một tên cảm thấy làm nghề này trái với lương tâm, nhưng không làm thì không dễ gì nghỉ được. Một hôm, bọn chúng sắp đi cướp của thì tên này nói:
- Thưa thủ lĩnh! Các anh gan dạ, lại lanh lợi; còn em thì chậm chạp, em đi với các anh chỉ gây phiền phức; chi bằng để các anh đi, cho em ở lại giữ trại tốt hơn. Xin đại ca định đoạt.
Tên tướng cướp nói:
- Được rồi! Chúng ta đi cũng phải có người ở nhà giữ trại, ngươi ở lại nhé!
- Dạ! Em đội ơn đại ca.
Đêm hôm đó, bọn chúng thi hành phi vụ, đối tượng là một gã nhà giàu nứt đố đổ vách, chẳng những hắn trùm sò keo kiệt mà còn làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Nếu thấy người nghèo khổ đến xin thì hắn ghét cay ghét đắng; còn hắn bố thí chút ít, giống như cắt thịt thân hắn. Cho nên, mọi người trong thôn gọi hắn là trùm sò keo kiệt. Nửa đêm, bọn cướp mò vào nhà hắn, bắt hắn trói chặt lại, tên tướng cướp bảo:
- Này trùm sò! Thường ngày ngươi ức hiếp dân lành. Hôm nay, đến lượt bọn tao cho mày nếm mùi cay đắng. Nếu mày biết điều hãy đem hết của cải ra đây nộp cho bọn tao, bằng không bọn tao không tha mạng đâu nhé!
Tên tướng cướp kề dao ngay cổ hắn, làm cho hắn hồn xiêu phách lạc. Hắn run rẩy nói:
- Ông…ông trói tôi chặt cứng thế này, làm sao tôi lấy của cải được?
- Được! Bọn tao mở trói cho mày.
Tên tướng cướp ra lịnh mở trói cho hắn. Hắn ngoan ngoãn đem hết của cải trong nhà, mãi đến khi hết sạch, bọn cướp khoái chí, liền trói hắn lại bảo:
- Này trùm sò! Trước đây mày ỷ thế có tiền áp bức dân lành. Sau này, thế nào? Vẫn chứng nào tật ấy phải không?
Hắn van xin:
- Nay tôi đã trắng tay rồi, xin các ông hãy mở trói cho tôi. Từ nay về sau, tôi không dám ỷ thế hiếp người.
- Bọn tao không cho mày bài học thì mày không biết lễ độ.
Vì thế, hắn bị bọn cướp ẵm ném xuống hầm phân. Trước khi hắn sắp chết, vô cùng hối hận nói với người nhà: "Thường ngày ta chưa hề làm điều gì lợi ích cho ai, cho nên mới có quả báo ngày hôm nay. Ta nguyện kiếp sau làm nhiều việc thiện có lợi ích cho mọi người". Trăn trối xong, hắn trút hơi thở cuối cùng. Dân chúng nghe tin, vô cùng hả dạ. Cho nên, bọn cướp có lúc cũng làm việc tốt.
Bọn cướp lần này trúng mánh đậm, chúng cướp rất nhiều tiền của, châu báu; nhưng bọn chúng phân chia của cải cướp được cũng rất công bằng. Tên ở lại giữ trại cũng được chia một phần. Còn lại một bộ y phục vải lụa rất quý, tuy màu sắc sặc sỡ, nên không ai lấy, tên tướng cướp cho tên giữ trại. Chẳng bao lâu, gã đem ra chợ bán; không ngờ, bán được giá tiền rất cao. Kể ra, lần này gã được chia của cải cũng rất nhiều.

Bài học đạo lý

Mọi người thường cho rằng, kẻ cướp là tên đê tiện, đáng ghét, độc ác nhất thế gian; cũng là kẻ mọi người căm thù nhất. Lại còn có những kẻ gian thần, ác độc, lừa đảo, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, hay bọn lưu manh, xã hội đen, buôn lậu, bán ma túy v.v…cũng là những kẻ đáng ghét nhất trên đời; ai ai cũng muốn giết bọn chúng. Nhưng nếu bọn người này, chống đối lẫn nhau, triệt hạ lẫn nhau, cũng làm hả hê mọi người. Chuyện này nói về tên nhà giàu bất nhân, bị bọn cướp hãm hại, được mọi người ca ngợi. Trời sinh muôn vật, vật này triệt hạ vật kia, sát hại lẫn nhau, cùng nhau sinh tồn. Đây là báo ứng theo lẽ trời chăng? Hay là chúng sinh có oan khiên lẫn nhau? Vẫn là nhân quả tuần hoàn. Mỗi người đều có nhận xét khác nhau.
Kẻ ác có nghĩa, người thiện dối trá; muôn vật cũng có triệt hạ lẫn nhau. Ai thiện, ai ác, chúng ta phải biết vì sao bị giết, vì sao bị hại, thấy rõ động cơ như thế nào để xác định. Chúng ta không thể nói việc gì cũng theo ý trời, trời giết người không có tội. Như thế có công bằng không? Chúng sinh từ đời quá khứ vô thỉ đến nay, có oan khiên lẫn nhau, cũng có ân huệ với nhau. Oan khiên tức là giết hại lẫn nhau; ân huệ là giúp đỡ lẫn nhau, làm lợi ích cho nhau. Người cố ý giết người, họ sẽ bị báo thù giết lại; người vô ý giết cũng bị báo thù. Chúng sinh cùng cộng nghiệp, cùng chịu quả báo. Cá nhân mình tạo nghiệp thì riêng mình chịu quả báo, cứ mãi tạo nghiệp thì phải chịu báo ứng; tạo nghiệp không liên tục thì chịu báo ứng gián đoạn; không tạo nghiệp thì thoát khỏi báo ứng. Đây là lẽ rất công bằng.
Do đó, kẻ cướp tuy có nghĩa, nhưng làm kẻ cướp thì chịu báo ứng của kẻ cướp; nghĩa cử cứu người thì được thiện báo cứu người. Chúng ta không thể nói: "Nghĩa cử cứu người sẽ tiêu trừ tội báo làm kẻ cướp". Mỗi tội ác là một báo ứng của điều ác; mỗi việc thiện là một báo ứng của điều thiện, tuyệt đối không thể tiêu trừ được. Trừ khi chúng ta nỗ lực sám hối tu hành thì mới tiêu trừ tội nghiệp.

Chuyện 88
Khỉ bắt chước người

Lời dẫn: "Người phải vươn lên, nước thì chảy xuống". Mỗi người đều mong muốn danh vọng, địa vị càng cao càng hay; của cải càng nhiều càng tốt. Có ai thích làm người nghèo khổ không? Người đời ai cũng muốn được sung sướng, luôn chú trọng đến tài, sắc, danh, thực, thùy; cho nên họ chạy theo tài sắc chiếm cho bằng được; giống như mèo thích ăn thịt mỡ. Có ai ngăn được mèo thích ăn thịt mỡ không? Thông thường ai mà không thích tài sắc? Tài sắc, giàu sang làm cho mọi người nghĩ tìm trăm mưu nghìn kế, dốc hết tinh thần và sức lực để tìm cầu. Chúng ta có thể thấy tài sắc lôi cuốn mọi người rất mạnh. Khi mọi người đắm vào tài sắc, danh lợi thì khó mà buông bỏ được. Từ đó, tạo ra ác nghiệp, do đắm tài sắc có nhiều ít mà tạo tội nghiệp có nhiều ít.
Ngày xưa có một con khỉ sống trong rừng sâu, khi đói nó tha hồ hái trái cây ăn thỏa thích, khi mệt nó nằm ngủ trên cây, cuộc sống của nó trôi qua bình yên vui vẻ. Nhưng con người có tính kỳ lạ " động quá muốn tĩnh, tĩnh quá muốn động". Con khỉ này cũng không ngoại lệ, nó muốn kết bạn với con người. Một hôm, nó nghĩ: "Nếu như ta được sống chung với con người cao thượng thì hay biết mấy". Vì thế, trước đây nó sống trong rừng sâu, nay nó dời đến ở ngoài bìa rừng. Bởi vì, ở ngoài bìa rừng, nó dễ dàng tiếp cận chỗ ở của con người.
Mọi người ở đây, đa số sinh sống bằng nghề nông. Con khỉ nhìn kỹ thấy con người đi bằng hai chân, nó cũng bắt chước đi bằng hai chân; nó thấy họ cầm liềm cắt cỏ, nó cũng làm theo; nó thấy ai ai cũng mặc y phục nó cũng mặc theo. Mỗi khi nó thấy có người đến thì rất vui mừng, nó chạy theo bên cạnh làm theo hành động của người đó.
Gần đó, có một anh nông dân đang làm ruộng, nhìn thấy con khỉ bắt chước người đi đường và làm theo động tác của mọi người, liền nói lẩm bẩm: "Con khỉ này, trước đây ở trong rừng sâu; nay vì sao lại xuống đồng bằng? Ngày nay ở thế gian có rất nhiều người ác độc, không ngờ con khỉ này lại muốn làm người". Từ đó, anh nông dân và con khỉ thường gần gũi nhau. Mỗi khi, anh nông dân làm ruộng mệt, lên bờ ngồi nghỉ thì con khỉ cũng lặng lẽ đến ngồi bên anh ta. Anh ta vuốt ve thân thiện và nói với nó: "Thế gian này có rất nhiều người độc ác, nham hiểm không có tâm địa trong sáng, thuần khiết như loài súc sinh; ta muốn kết bạn với ngươi". Con khỉ nghe anh ta nói, dường như nó hiểu nên vẫy đuôi vui mừng rồi ra về.
Một hôm, nó thấy anh nông dân gieo đậu xuống đất, nó cũng bắt chước hốt đậu định gieo ở bìa rừng. Nhưng nó sơ ý làm rơi mất một hạt vì lo tìm hạt đậu mà số đậu đang cầm trong tay nó thả tay ra rớt xuống đất hết. Không ngờ nó tìm một hạt đậu không ra mà số đậu nó thả ra trên đất bị chim mổ ăn hết. Cho nên, rốt cuộc khỉ vẫn khỉ, không thể thông minh như con người.

Bài học đạo lý

Con người có giàu-nghèo, sang-hèn, khôn-ngu, hiền-dữ. Người nghèo cùng, ai mà không muốn mình giàu sang, trừ phi kẻ ngu si không có tài cán gì. Ai mà không muốn mình có trí tuệ, có tài năng? Nhưng vì tài năng có giới hạn, đành phải thấy người giàu sang mà tự trách mình thấp kém. Người có chí thì nghĩ: "Người kia cũng là người, ta cũng là người. Vì sao họ làm được, ta làm không được? Ta phải nỗ lực vươn lên". Cổ đức dạy: "Giàu to nhờ trời, giàu nhỏ nhờ cần kiệm". Chúng ta nỗ lực bao nhiêu thì thành công bấy nhiêu.
Chúng ta học làm người thì nhất định làm người, học làm thần thì tương lai có thể làm thần, học làm ma thì tất nhiên tương lai sẽ làm ma, học cờ bạc thì sẽ thành kẻ nghiện cờ bạc, học làm kẻ cướp thì làm kẻ cướp, chúng ta học nghề gì thì làm nghề đó; đây là điều tất nhiên. Như thế, chúng ta học Phật lẽ nào tương lai không thành Phật? Có người mang danh học Phật đã lâu mà thực hành theo ngoại đạo thì tương lai thành tà ma ngoại đạo, việc này chúng ta có thể biết trước. Tục ngữ có câu: "Treo đầu dê, bán thịt chó", ở đâu cũng có.
Vinh hoa ở thế gian chỉ hiện ra bề ngoài, điều quan trọng là chánh-tà trong tâm mình. Trong tâm như thế nào thì quả báo tương lai như thế ấy. Vì thế, Đức Phật dạy: "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu". "Nhân không chân thật thì quả hư dối". Chúng ta trồng nhân gì thì gặt quả đó, sự việc rất công bằng. Con khỉ muốn học làm người; như vậy, có phải con người học theo thánh hiền? Hay là học lừa gạt, trộm cắp? Tương lai muốn sinh về cõi trời, hay đọa địa ngục? Mỗi người đều tự chọn.

Chuyện 89
Phúc họa do tâm

Lời dẫn: Tục Ngữ có câu: "Rượu không say người, người tự say", "Sắc không mê hoặc người, người mê sắc". Tham sắc đẹp, nghiện rượu làm cho người ta điên đảo. Người không nghiện rượu có khả năng tự làm chủ mình, rượu không làm say người, người tự say rượu; người thấy sắc đẹp liền tham đắm, vì trong tâm háo sắc. Người không háo sắc thì sắc làm sao mê hoặc người được? Con người chẳng phải Thánh hiền, ai mà không có tâm háo sắc? Chánh-tà đều do tâm tạo. "Người biết núi có cọp mà vẫn bước xông vào". Chúng ta biết rượu, sắc đẹp mê hoặc người mà vẫn để nó lôi kéo; như thế, còn gì để nói?
Xưa kia có một người bán dưa. Hàng ngày, hắn gánh rất nặng đi rao bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Một hôm, hắn gánh bán đến thôn nọ, gặp những kẻ rảnh rỗi thấy hắn liền hỏi:
- Này anh bán dưa! Dưa anh bán có ngọt không?
Người bán dưa đáp:
- Dạ, dưa tôi bán rất ngọt.
- Có trái nào hư thối không?
- Nhất định không có.
- Anh nói có thật không? Con người có người tốt, người xấu. Vì sao dưa không có trái thối?
- Trong nghìn vạn người mới chọn được vài người là Thánh hiền, dưa của tôi cũng chọn lựa như vậy; cho nên, tuyệt đối đều là trái ngon ngọt.
- Thật không? Nhất định không có trái nào hư phải không?
- Đúng vậy!
- Nếu đúng như lời anh nói thì đúng là một kẻ ngu xuẩn.
- Vì sao?
- Bởi vì nghìn vạn trái dưa chỉ chọn được một vài trái ngọt; như thế, những trái hư thối ai mua cho hết?
- Trái dưa nào chưa chín để đợi cho nó chín, trái nào hư thì bỏ. Con người không chịu học theo Thánh hiền thì không phải là người.
- Vậy chúng tôi thế nào?
- Các anh đều học Thánh hiền, nhưng không ai dám bảo đảm mình làm đúng.
Gã bán dưa gánh đi, vừa đi hắn vừa suy nghĩ: "Con người chưa phải Thánh hiền, ai mà không có lỗi lầm? Có người làm việc chăm chỉ. Có người lười biếng lao động. Có người làm việc rất có trách nhiệm. Có người làm qua loa, sơ sài. Làm người có ưu điểm, có khuyết điểm, có thô, có tế, giống như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Thế gian có người tốt, có người xấu, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Bạn cho người kia xấu, nhưng người khác nói là người tốt thì sao? Bạn cho người đó tốt, nhưng người khác bảo là người ấy xấu, không thể theo cách nhìn của mình mà đánh giá tất cả mọi người".
Hắn vừa gánh dưa đi, vừa miên man suy nghĩ. Bỗng nhiên, hắn chợt thấy bên đường có con chuột vàng chiếu sáng lấp lánh. Hắn cúi xuống nhặt lên, cẩn thận bỏ vào trong bọc. Khi hắn nhặt được con chuột vàng thì vui mừng khôn xiết. Hắn nghĩ: "Từ nay, ta không cần gánh dưa đi bán nữa, có được số tiền vốn lớn như thế, ta tha hồ kinh doanh mua bán, như mở quày hàng bán lúa gạo, hay mở cửa hàng tạp hóa, tự mình làm chủ, rồi thuê người làm những việc lặt vặt thay ta, cuộc sống sung sướng thoải mái biết bao".
Hắn cứ suy nghĩ mãi, càng nghĩ tâm hồn càng bay bổng lâng lâng. Bất ngờ khi đến bên bờ sông, hắn cởi y phục muốn lội qua sông, nên cẩn thận đặt con chuột vàng trên bờ thì việc kỳ lạ xuất hiện, con chuột vàng bỗng biến thành con rắn. Hắn vô cùng kinh ngạc, suy nghĩ: "Con chuột vàng bỗng biến thành rắn độc, cho dù rắn độc ta cũng không bỏ, ta thà chịu nó cắn chết, vẫn phải mang nó về nhà". Khi hắn nghĩ như thế, con rắn lại biến thành con chuột vàng.

Bài học đạo lý

Việc này, có hai ý nghĩa:
Một: Do tham nên mới vừa được con chuột vàng, vì sao biến thành rắn độc? Chúng tôi e rằng là có ảo giác nhất thời, mong muốn có thể biến thành con chuột vàng; vì bỏ chuột vàng không được nên phải mang nó về nhà.
Hai: Nhờ lòng nhân hậu sợ rắn cắn chết người khác; thà hi sinh thân mình, chứ không muốn người khác bị thương nên đem nó về. Rốt cuộc, chính là tâm lý để bạn đọc tự đoán nhé!
Thế gian có rất nhiều ngoại đạo thấy chân lý Phật pháp nhiều như thế, lại chịu không nổi giới luật Phật giáo trói buộc, đành phải chọn lấy những điều cần thiết, làm thành bề ngoài của mình; hoặc giả tu đạo, mong muốn được thí chủ cúng dường. Hoặc tự xưng Phật này tái thế, Bồ-tát kia tái sinh v.v…Họ mượn danh tiếng của Phật giáo mà lừa gạt thí chủ cúng dường; việc này ở đâu cũng có. Đây là hiện tượng thời mạt pháp; hay là nghiệp chướng của chúng sinh, thật tâm tu hành, hay giả dối lừa gạt, tất cả đều do tâm.

Chuyện 90
Được rồi lại mất

Lời dẫn: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, khó mà nói hết được", "ai cũng có một nỗi khổ riêng". Hay nói cách khác "ba năm một vận tốt hay vận xấu xoay vần nhau", "gió nước theo sự di chuyển". "Kẻ ăn xin cũng mong ba năm gặp vận tốt". Vì thế, con người "có lúc trăng sáng, có lúc sao sáng". Ai cũng phải trải qua một giai đoạn khổ nhọc nỗ lực phấn đấu vươn lên. Khi cơ hội tốt đến, lại giống như sao sáng xẹt qua; nếu như lúc đó, chúng ta không nỗ lực chợp lấy thời cơ thì "mỗi năm hoa nở một lần, tuổi xuân trôi qua nhanh chóng".
Ngày xưa có một người rất nghèo khổ, hàng ngày hắn đi xin ăn khắp đầu đường xó chợ mà vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, tạm lây lất sống qua ngày.
Một hôm, có người hỏi hắn:
- Anh còn trẻ, mạnh khỏe, vì sao không tìm việc làm, lại phải chấp nhận cuộc sống ăn xin như vậy?
Hắn đáp:
- Việc gì tôi cũng không biết làm, người nào dám thuê tôi?
- Nếu như anh không sợ cực khổ thì tôi sẽ tìm cho anh một công việc.
- Chỉ cần có việc làm thì tôi sẽ làm hết sức mình không sợ khổ nhọc. Anh yên tâm, tôi nhất định làm theo sự chỉ dẫn của anh.
Chẳng bao lâu, người này tìm được cho hắn một công việc làm. Quả nhiên có được công việc, hắn làm rất tốt. Công việc hàng ngày của hắn là gánh rau từ thôn quê bán cho người trong thành phố. Mặc dù công việc cực nhọc, nhưng hắn cảm thấy cuộc sống rất thoải mái nên không hề thấy mệt mỏi; vì thế, hắn rất hài lòng cuộc sống hiện tại. Có người hỏi:
- Anh gánh rau đi suốt cả ngày, đi và về mười mấy dặm. Anh không thấy mệt sao?
Hắn đáp:
- Trước đây, tôi đi xin ăn cũng đi suốt cả ngày, nhưng cuộc sống bấp bênh bữa no, bữa đói. Hôm nay có việc làm cuộc sống ổn định, làm sao tôi thấy mệt được?
Con người ở đời, rất ít người hài lòng với cuộc sống hiện tại nên đau khổ nhiều. Đức Phật dạy: "Biết đủ thường vui" chính là ý này.
Một hôm, hắn đang gánh rau, giữa đường phát hiện một túi đựng rất nhiều vàng; hắn vui mừng khôn xiết, vội mở ra xem và đếm thử được bao nhiêu vàng. Trong lúc, hắn đang say sưa đếm vàng, bỗng người chủ mất vàng chạy đến thấy la toáng lên:
- A! Đây là vàng của tao! Ngươi ở đâu đến, dám lấy trộm vàng của tao. Ngươi hãy đi theo tao đến gặp quan.
Hắn sợ hãi van xin:
- Xin lỗi ông! Túi vàng này tôi lượm nó ở đây, tôi không hề lấy trộm. Tôi trả lại cho ông đầy đủ, xin đừng bắt tôi đến quan.
Hắn tha thiết, cầu khẩn van xin mới được chủ vàng tha thứ. Sự việc xảy ra, chẳng những làm hắn mừng hụt mà suýt tí nữa bị bắt đến quan oan uổng và suốt cả đời không thể nào rửa sạch tội danh ăn trộm. Kiếp sống con người thật mong manh quá!

Bài học đạo lý

Mỗi người chúng ta đều phải trải qua một thời gian chịu khổ cực nhọc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, cũng có lúc "hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai". Những ngày chúng ta trải qua gian khổ sẽ cảm nhận cuộc sống sâu sắc và trưởng thành hơn, một giờ như trải qua mấy ngày. Ai cũng hi vọng tương lai tốt đẹp, lại mong cực khổ qua rồi được hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc hơn; cho nên, khi làm việc cực nhọc, họ không thấy vất vả. Hay nói cách khác, cuộc sống an vui sẽ trôi qua rất nhanh; một ngày như một giờ, một năm như vài ngày. Vì sao như thế?
Giống như người ăn ngon mặc đẹp, ngày nào họ cũng ăn sơn hào hải vị, nên không thưởng thức được vị ngon của thức ăn. Nếu như một năm, họ ăn món ngon chỉ vài, ba lần thì sẽ cảm nhận vị ngon tuyệt vời và cảm thấy rất thú vị. Có người hàng ngày không làm việc gì, thân thể không hoạt động không ra mồ hôi nên có ăn món gì cũng chẳng thấy ngon. Người lao động cực nhọc, thân thể vận động suốt ngày, mồ hôi chảy ra nên ăn món gì cũng thấy ngon miệng. Vì sao? Bởi vì thần kinh của con người cần phải hoạt động; nếu không hoạt động thì như tê cứng. Cho nên, người hằng ngày thích ăn ngon nhưng thần kinh không hoạt động thì chẳng bao giờ cảm thấy được vị ngon, gặp món ăn dở mà thần kinh hoạt động thì sẽ cảm thấy ngon. Hàng ngày, chúng ta không lao động chân tay và trí óc thì thần kinh cũng bất động tê cứng, có ăn gì cũng không thấy ngon. Thân thể lao động cũng rất cần uống nước nhiều, bồi dưỡng đủ chất và thần kinh cũng cần hoạt động thì chúng ta ăn món gì cũng đều thấy ngon.
Lý luận này chứng minh một việc "làm người có thân thì có khổ". Thân thể cần cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, đi lại và phải lao động, có lao động chân tay và trí óc thì mới được mạnh khỏe, minh mẫn; bằng không sẽ sinh nhiều bệnh tật. Vì thế, chúng ta cần phải trải qua những ngày cực khổ thì mới được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc; bằng không thì đừng mong mình được an vui. Chẳng phải con người sinh ra là trả nghiệp là gì? Không phải chịu khổ hay sao? "Con người sống ở đời mười việc hết tám, chín việc không như ý". Như thế đủ để chứng minh đời người vui ít khổ nhiều. Chúng ta phải làm thế nào để được an vui nhiều? Trừ phi tu học Phật pháp, tiêu trừ nghiệp chướng thì mới có được cuộc sống cứu cánh an lạc. Bằng không thì được-mất, khổ-vui mãi mãi xoay vần.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]