Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Tát

10/05/201320:15(Xem: 10955)
Bồ Tát

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Bồ Tát

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Bồ-tát Di-lặc


Bồ-tát Di-lặc đã được thọ ký còn một đời sẽ thành Phật, xem như nắm chắc quả vị Vô thượng Bồ-đề trong tay. Nhưng vẫn còn kẽ hở qua câu vấn nạn của Duy-ma-cật. Một đời, đời ấy là đời nào? Để đánh bật ý tưởng quả vị Phật dựa vào thời gian mà có. Thành Phật ở đây không lệ thuộc thời gian vì “tất cả chúng sinh đều thành Phật”. Trên lý tánh bình đẳng, hễ ngài Di-lặc được quả Vô thượng Bồ-đề thì tất cả chúng sanh cũng đều được quả ấy, thế thọ ký dành cho riêng ai? Câu vấn nạn này không nhằm làm khó dễ Bồ-tát Di-lặc, mà nhằm nâng cao tinh thần chúng sanh, đặt chúng sanh ngang vào vị trí Bồ-tát và Phật. Phần lặp đi lặp lại câu “… nếu Bồ-tát Di-lặc… tất cả chúng sanh…” với mục đích nhấn mạnh âm hưởng đó.
Kế đến, Duy-ma-cật nói Bồ-tát Di-lặc đừng đem pháp về Bồ-đề, về Giác ngộ, về Bất thối chuyển mà dẫn dụ các thiên tử, vì đối với pháp Vô thượng Bồ-đề không có gì để phát tâm hay là lui sụt. Nghĩa là đã sẵn có tánh tướng Bồ-đề nơi mọi sự vật, nơi mọi chúng sanh, cho đến trong các pháp giả danh như huyễn cũng mang đầy tính giác ngộ. Người đạt đạo nhìn đâu cũng trúng, người không đạt đạo dù ở ngay trong đạo cũng lọt ra. Chỉ cần mở con mắt thanh tịnh, con mắt tỉnh thức thì “Xúc mục là Bồ-đề”, Thiền Lão thiền sư nói: “Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây bạc lộ toàn chơn” là vậy.

2- Đồng tử Quang Nghiêm


Đồng tử là đối với Phật, công hạnh của Bồ-tát chưa viên mãn nên gọi là đồng tử.
Đồng tử Quang Nghiêm gặp Duy-ma-cật trên đường vào thành Tỳ-da-ly, có nghĩa là Duy-ma-cật đang ở ngoài thành, ngoài thành có phải là đạo tràng không? Theo quan niệm thường thì đạo tràng là một nơi trang nghiêm, ở vị thế tốt, được nhiều người biết…
Để trả lời câu hỏi: “Đạo tràng là nơi nào?”, Duy-ma-cật nêu lên một số đức tính và hành động, thực hiện chúng thì ở đâu cũng là đạo tràng. Thí dụ khi làm việc mệt nhọc, nhưng mình nhẫn chịu không khởi lòng bực bội, thì chính nơi làm việc ấy, chính tấm lòng ấy là đạo tràng. Chúng ta cũng có thể hiểu đạo tràng là nơi đức Phật thành Đạo, nơi Bồ-tát hành Đạo, vậy thì khi gặp việc khổ đau, khi đối diện với người xấu trong tâm mình khởi được những ý niệm Từ - Bi - Hỉ - Xả, ngay chính người việc đó là đạo tràng. Ta như thế không cần chọn lựa. Duy-ma-cật đã nêu lên “Các phiền não là đạo tràng” “Chúng sanh là đạo tràng” cho đến “Tất cả pháp là đạo tràng” “Ba cõi là đạo tràng”, vậy thì có gì ngoài đạo tràng, ngay cả một hành động giở chân cất bước cũng đã đứng tại đạo tràng.
Phần Bồ-đề ở trước và phần Đạo tràng ở đây cùng nối liền một ý. Bồ-đề là nói về người, đạo tràng là nói về nơi chốn.

3- Bồ-tát Trì Thế


Bồ-tát đang ở trong thất tĩnh lặng, ma vương đem mười hai ngàn thiên nữ đến đảnh lễ, Bồ-tát lại khởi tưởng là Đế thích đến cúng dường. Đây cũng là bài học, mình tu hành thanh tịnh dù có ai đến cũng đừng khởi tưởng, khởi tưởng là lọt vào lưới ma.
Khi Duy-ma-cật xuất hiện phá vỡ màn kịch, cũng là lúc để chúng ta thấy lợi thế của cư sĩ, sống chung đụng với mọi thành phần nên dễ dàng nhận diện, Bồ-tát thì thanh tĩnh cách ly quá nên không rõ mặt thật của cuộc đời. Duy-ma-cật mượn ma để giáo hóa ma, nên xin mười hai ngàn thiên nữ rồi dạy Phật pháp cho, khiến trở về cung ma thắp sáng ngọn đèn Vô Tận, lúc ấy ma hết còn là ma.

4- Trưởng giả tử Thiện Đức


Trưởng giả tử Thiện Đức được xếp vào trong phẩm Bồ-tát vì ông đang thực hành một hạnh Bồ-tát, theo truyền thống gia đình. Thực hiện một đại hội bố thí trong bảy ngày, theo tuần tự từ Sa-môn - ngày thứ nhất - đến kẻ ăn xin - ngày thứ bảy.
Nói là cúng dường tất cả, nhưng chúng ta không biết là có gì sai biệt giữa cách cho, đồ vật cho, cũng như tâm niệm xảy ra bên trong của người cho kẻ nhận. Một đại thí hội như thế có làm cho mọi người đều khởi tâm an vui, thí dụ mình là người có mặt trong thành phần dự hội? Có lẽ sẽ có nhiều vấn đề bàn cãi nên Duy-ma-cật khuyên trưởng giả tử bố thí bằng cách cùng một lúc cúng dường tất cả chúng sanh. Ấy là gì? Là khởi tâm tu tất cả pháp lành, được tất cả trí huệ, phát khởi tất cả pháp hỗ trợ Phật đạo… Thành tựu pháp thí như thế là vị Đại thí chủ. So sánh giữa việc đem tiền của ra cho (mình là người ban ơn) với việc kiên trì tu tập các pháp lành, việc sau khó làm hơn.
Đoạn cuối Duy-ma-cật đã đem xâu chuỗi anh lạc chia làm hai phần, một phần cho kẻ ăn xin hạ tiện nhất, còn một phần dâng lên đức Phật Nan Thắng. Nan thắng và tối hạ: Bình đẳng. Rồi những kẻ ăn xin đều phát tâm đến quả Vô thượng Bồ-đề, điều này chứng minh cho ý nghĩa bình đẳng trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567