Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31 - 34

06/05/201311:17(Xem: 13376)
31 - 34
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


31 - 34

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông


XXXI. VẤN ĐỀ SẮC TÂM QUA CÁI NHÌN CỦA BÁT NHÃ BA LA MẬT

(Từ tiết mục XXXI về sau, thuộc về Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh)

XÁ LỢI PHẤT! SẮC CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC SẮC. SẮC LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ SẮC. THỌ CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC THỌ. THỌ LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ THỌ. TƯỞNG CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC TƯỞNG. TƯỞNG LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ TƯỞNG. HÀNH CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC HÀNH. HÀNH LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ HÀNH. THỨC CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC THỨC. THỨC LÀ KHÔNG, KHÔNG LÀ THỨC.

XÁ LỢI PHẤT! CÁI GỌI LÀ KHÔNG CỦA NGŨ UẨN, CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG SANH, KHÔNG DIỆT, KHÔNG NHƠ, KHÔNG SẠCH, KHÔNG THÊM, KHÔNG BỚT.

THẾ CHO NÊN, CÁI KHÔNG ĐÓ LÀ KHÔNG SẮC, KHÔNG THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, NGHĨA LÀ NGŨ UẨN ĐỀU KHÔNG.

TRỰC CHỈ

Theo giáo lý Phật, vạn pháp cấu tạo hình thành theo quy luật DUYÊN SANH, Y THA KHỞI. Dù hình dạng của sự vật nghìn sai muôn khác, nhưng căn bản của chúng, vẫn phát xuất từ ngũ uẩn mà sanh ra.

SẮC UẨN: Đó là cái từ gọi chung tất cả vật chất, từ vô tình đến hữu tình, cụ thể như núi sông, nhà đất, cỏ cây hoa lá, cho đến khái niệm trừu tượng, như được phước, có đức, như phạm giới, sợ tội v..v..

THỌ UẨN: Đây là loại tác dụng tâm lý phụ thuộc, phát xuất từ ý thức tâm vương.

TƯỞNG UẨN: Cũng như thọ uẩn, là tác dụng tâm lý phụ thuộc, phát xuất từ ý thức tâm vương.

HÀNH UẨN: Hành uẩn là tính năng động, vừa hằng vừa chuyển. Nó là sự biểu hiện tánh vận động vô thường của vật chất lẫn ý thức tâm vương.

THỨC UẨN: Là tác dụng nhận thức chủ thể, nó trực tiếp ghi nhận sự phản ảnh của thế giới khách quan, thông qua sáu giác quan: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý căn.

Tổng hợp ngũ uẩn ta sẽ thấy:

SẮC UẨN (sắc chất) : I
HÀNH UẨN(1/2 sắc, 1/2 tâm : I
THỌ UẨN (Tâm sở) : I
TƯỞNG UẨN (Tâm sở) : I
THỨC UẨN (Tâm vương) : I
Với giáo lý: Bát Nhã Ba La Mật Đa khi hành thâm rồi thì hành giả quán chiếu thấy "NGŨ UẨN GIAI KHÔNG". Điều đó cho người đệ tử Phật thấy rằng: Đức Phật đã phủ định TÂM PHÁP gấp ba lần rưỡi. SẮC PHÁP chỉ phủ định một lần rưỡi thôi.

Nhìn vấn đề SẮC TÂM qua nhận thức của Bát Nhã, người ta có thể phê phán Đức Phật, nghiêng về bên VẬT, Ngài quả là người duy vật thời xưa! Vì Ngài đã đánh đổ mạnh về ý niệm MÊ TÂM. Các thứ DUY TÂM siêu hình, duy tâm chủ quan, khách quan....hẳn là không có chỗ đứng trong nền giáo lý Phật.

Người đệ tử Phật hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, dõng dạc mà rằng:

...."Tam thế cầu tâm, tâm bất đắc

"Tương tâm mích vọng, vọng nguyên vô"...

Nhãn quan của Bát Nhã Ba La Mật, nhận thức vấn đề tâm vật là thế.

Còn cái gọi là KHÔNG. Đạo Phật không chủ trương có cái KHÔNG, không gì hết, như lông rùa sừng thỏ vĩnh viễn không. Người tu mong đạt đến cái KHÔNG đó để làm gì?

Vả lại, KHÔNG đối với CÓ. Nếu tất cả là ngoan không thì cái KHÔNG đó không còn lý do tồn tại. Dù tồn tại với danh nghĩa KHÔNG.

KHÔNG của Bát Nhã là: ĐƯƠNG THỂ TỨC KHÔNG. SẮC là KHÔNG. KHÔNG là SẮC. KHÔNG, mà không rời SẮC. Chính nơi SẮC mà thấy KHÔNG. Vì nhận thức rằng:

...."Chúng nhơn duyên sanh pháp

"Ngã thuyết tức thị KHÔNG"...

Tánh tướng của vạn pháp là NHƯ THỊ. Rằng các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, mục đích nhằm diễn đạt tánh NHƯ THỊ SANH, NHƯ THỊ TRỤ, NHƯ THỊ DỊ, NHƯ THỊ DIỆT....của vạn pháp. Rằng chúng có sanh, nhưng không phải thật sanh, vì sanh để rồi diệt. Chúng có diệt, nhưng không phải thật diệt, vì diệt để lại sanh....cho nên nào có thêm bớt cấu tịnh!

*****


XXXII. MƯỜI HAI NHẬP, MƯỜI TÁM GIỚI VẪN LÀ PHÁP DUYÊN SANH Y THA KHỞI

XÁ LỢI PHẤT! KHÔNG CÓ NHÃN CĂN, NHĨ CĂN, TỶ CĂN, THIỆT CĂN, THÂN CĂN, Ý CĂN:

KHÔNG CÓ SẮC TRẦN, THANH TRẦN, HƯƠNG TRẦN, VỊ TRẦN, XÚC TRẦN, PHÁP TRẦN.

KHÔNG CÓ NHÃN CĂN GIỚI, NHĨ CĂN GIỚI, TỶ CĂN GIỚI, THIỆT CĂN GIỚI, THÂN CĂN GIỚI, Ý CĂN GIỚI.

KHÔNG CÓ SẮC TRẦN GIỚI, THANH TRẦN GIỚI, HƯƠNG TRẦN GIỚI, VỊ TRẦN GIỚI, XÚC TRẦN GIỚI, PHÁP TRẦN GIỚI.

CHO ĐẾN KHÔNG CÓ NHÃN THỨC GIỚI, NHĨ THỨC GIỚI, TỶ THỨC GIỚI, THIỆT THỨC GIỚI, THÂN THỨC GIỚI, Ý THỨC GIỚI, KHÔNG GÌ HẾT.

TRỰC CHỈ

Sự tồn tại của hiện tượng vạn pháp, nhìn qua hình mạo, ta thấy ngàn sai muôn khác. Nhưng gom lại, chúng nằm gọn trong mười tám giới: Lục căn, lục trần, lục thức. Phật học gọi là "thập bát giới".

Thế mà, qua cái nhìn của Bát Nhã Ba La Mật thì:

..."Vô nhãn giới, nải chí vô ý thức giới"

Có nghĩa là 18 giới: KHÔNG CÓ GÌ. Vì tánh chất DUYÊN SANH của nó. Đã là duyên sanh thì không có một sự vật nào tự nó đứng yên bởi nó. Nếu nhìn một cách hời hợt với tâm trạng giản đơn, ta thấy nó có đứng yên tương đối, nhưng nó luôn luôn chuyển hóa từng sát na, theo luật vô thường vận động. Đó là nghĩa KHÔNG của Phật học nói. Đừng hiểu nghĩa KHÔNG của đạo Phật như cái không của sừng thỏ lông rùa, mà phỉ báng Như Lai!

Dù đạo Phật có đề cập nghĩa KHÔNG như thế, nhưng không được chấp có cái KHÔNG bất cứ dạng nào.

...."Khí hữu trước vô bệnh diệc nhiên

Thí như tỵ nịch nhi đầu hỏa".....

Bỏ cái CÓ đi tìm cái KHÔNG, cũng là một thứ chết khổ, như sợ chết nước, đâm đầu vào chết lửa, chẳng hơn kém chút nào!

Mà phải hiểu:

..."Diệc Vi thị giả danh"....

Cái KHÔNG cũng là giả danh. Vì không có cái thật không ở trên cõi đời này. Vì KHÔNG vẫn là một PHÁP. Đã là một PHÁP tức là một hình thức CÓ

Nếu nó không là CÓ, làm sao bạn biết nó là KHÔNG?

Phải hiểu:

..."Chúng nhơn duyên sanh pháp
"Ngã thuyết tức thị KHÔNG
"Diệc vi thị giả danh
"Diệc thị trung đạo nghĩa"...
Thế thì:
SẮC tức thị KHÔNG
KHÔNG tức thị SẮC
SẮC là KHÔNG
KHÔNG là SẮC, vậy.

Thử tìm nghĩa DUYÊN SANH qua mười tám giới, ta thấy:

Thập bát giới là do =

6 căn + 6 trần + 6 thức thành 18 giới: nếu tách riêng CĂN, TRẦN, THỨC thì chẳng còn gì để gọi.

Tóm lại, Phật phủ định thập nhị nhập, thập bát giới là nhằm khẳng định lý: "VẠN PHÁP DUYÊN SANH". Tất cả hiện tượng đều cùng một tính: Y THA KHỞI. Vì có nhân duyên nên Như Lai nói: "Thập nhị nhập, thập bát giới đều KHÔNG".

*****


XXXIII. PHÁP TỨ ĐẾ, THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN CHỈ LÀ PHƯƠNG THUỐC DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC CỦA NHƯ LAI

XÁ LỢI PHẤT! KHÔNG CÓ VÔ MINH, HÀNH, THỨC, DANH SẮC, LỤC NHẬP, XÚC, THỌ, ÁI, THỦ, HŨU, SANH, LÃO, TỬ.

KHÔNG CÓ HẾT VÔ MINH, HẾT HÀNH, HẾT THỨC, HẾT DANH SẮC, HẾT LỤC NHẬP, HẾT XÚC, HẾT THỌ, HẾT ÁI, HẾT THỦ, HẾT HỮU, HẾT SANH, HẾT LÃO TỬ.

KHÔNG CÓ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO.

KHÔNG CÓ TRÍ CHỨNG VÀ CŨNG KHÔNG CÓ SỞ ĐẮC.

TRỰC CHỈ

Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Đó là vấn đề hiện thực của kiếp con người. Trừ vô minh, mười một chi còn lại, làm nhân duyên cho nhau, tác động lẫn nhau, hình thành một con người, không còn có gì đáng chê trách.

Con người không có gì đáng chê trách.

Bởi vì:

Thanh văn, Duyên giác là ai?

_ Là con người.

Bồ tát là ai?

_ Là con người.

Phật là ai?

_ Là con người.

...."Tâm Phật cập chúng sanh

Thị tam vô sai biệt".....

  • Rời con người chúng sanh, không có Phật, không có tâm
  • Rời tâm, không có chúng sanh, không có Phật.
  • Rời Phật, không có chúng sanh, không có tâm

Do đó, không thể gán cho con người là tội lỗi xấu xa. Không có gì đáng chê trách con người, dù con người có sanh, lão tử. Nhàm chán, chê trách sanh, lão tử vẫn là vô minh che lấp. Đó là người bi quan yếm thế. Người như vậy, chẳng những tu tam A tăng kỳ kiếp mà có tu "tứ", "ngũ", "lục" A tăng kỳ kiếp cũng không bao giờ biết Phật là gì. Họ không bao giờ tìm đâu cho ra Phật.

Trúc Lâm sơ tổ đã gặp Phật xuất hiện ở tại đất nước Việt Nam, ông Phật của chính mình qua chân lý:

..."Nhất thiết pháp bất sanh
"Nhất thiết pháp bất diệt
"Nhược năng như thị giải
"Chư Phật thường hiện tiền
"Hà khứ lai chi hữu".....


Thành Phật, không cần phải đi đâu, đến đâu cả. Phật vẫn hiện tiền, khi hành giả thể nhập được: sự sanh diệt của các pháp là sanh diệt trong cái không sanh diệt. Cái không sanh diệt, hiện hữu trong cái sanh diệt.

Sanh, lão, tử là một công lệ hiển nhiên, là qui luật chung của vũ trụ nhơn sinh. Sống trong vũ trụ nhơn sinh mà chê chán vũ trụ nhơn sinh, lại gởi gắm tâm hồn trong cảnh hư vô, không dựa vào thực tế là sai lạc vào "không vô biên xứ", "vô sở hữu xứ định" sẽ vĩnh viễn triền miên trong đau khổ, không có ngày biết Phật là ai!

A Nan, Ca Diếp, Xá Lợi Phất...là người thế nào?

_ Vẫn không rời sanh, lão, tử, không rời vũ trụ nhân sinh.

Phật Thích Ca là người thế nào?

_ Vẫn là con người sanh, lão, tử, không rời vũ trụ nhân sinh.

Khi được các thứ Niết bàn có phải chăng các Ngài bay đến một cảnh giới nào xa lạ?

_ Không. Các Ngài có Niết bàn ở tại cõi đời nầy. Phật có Bồ đề vẫn ở tại cõi đời nầy.

Theo giáo lý Phật, cái làm cho con người đáng chê trách là: VÔ MINH. CHÍNH VÔ MINH làm cho con người trở thành đáng chê đáng chán. Chính VÔ MINH làm cho cảnh giới nầy trở thành cảnh giới khổ đau.

Khổ vui là người, chớ không phải cảnh giới. Mê ngộ là ý thức tâm vương chứ không phải là người.

Các bạn muốn biết VÔ MINH là gì. Nó ở đâu phải không?

Vô minh thì "vô tại vô bất tại", không ở đâu mà không đâu chẳng ở.

Nó ở xa các bạn vô vàn vũ trụ bao la. Nhưng nó đến với bạn rất nhanh trong chớp mắt, khi bạn bất chợt lươn lẹo vật tư của xí nghiệp, nếu bạn là công nhân viên hay là một ông giám đốc. Bạn bày ra trò nương sao giải hạn với ba bộ "tam sên", với năm bảy nô tỳ giấy, với con ngựa "thiên lý mã xương tre" là vô minh đến với bạn rồi đó, nếu bạn là trụ trì ở một ngôi chùa.

Nói như vậy, chứ vô minh chẳng có gì nguy hiểm lắm đâu.

Với người đạt đạo, nói thẳng thừng rằng:

"Thật tánh vô minh là Phật tánh"

Cho nên, VÔ MINH còn không có, làm gì có HẾT VÔ MINH.

*Nói về tứ đế cũng vậy.

Không phải hễ con người là KHỔ, không phải cõi đời là KHỔ.

Tôi nói vậy, các bạn ngạc nhiên lắm phải không?

Các bạn hãy thành thật với lòng, trả lời vấn đề tôi nêu ra, tự khắc các bạn sẽ hết ngạc nhiên:

Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Phật Thích Ca là người hay không là người?

Khi được Bồ Đề Niết Bàn, các Ngài là người hay hết là người?

Khi các Ngài được Bồ Đề, Niết bàn ở tại cõi đời này, hay các Ngài đến một cảnh giới nào xa xăm khác?

Các bạn trả lời đi! Các bạn hiểu rồi chứ?

Nếu chưa hiểu, mời các bạn tụng một bài kinh:

...."Nhất thiết chư pháp
"Vô vi Phật pháp
"Nhi ngã bất liễu
"Tùy vô minh lưu
"Thị tắc ư Bồ Đề Trung
"Kiến bất thanh tịnh
"Ư giải thoát trung
"Nhi khởi triền phược"....

Tứ đế chỉ là pháp duyên sanh; vì có nhân duyên. Như Lai nói, nhưng đó là phương chước: DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC của bậc Vô Thượng Y Vuơng!

TRÍ để chiếu phá VÔ MINH. Mà Vô Minh thì không tự thể. Vô Minh không có, thì Phật tánh bản nhiên tự hiện. Người xưa nói:

"Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt.
Vạn lý vô vân, vạn lý thiên"
(Bao sông có nước bao trăng hiện
Mấy dặm không mây mấy dặm trời)
Bấy giờ TRÍ và ĐẮC không còn công dụng:
KHÔNG TRÍ CŨNG KHÔNG ĐẮC là như vậy.

*****


XXXIV. BÁT NHÃ BA LA MẬT LÀ DUYÊN NHƠN CỦA VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC

XÁ LỢI PHẤT! VÌ KHÔNG SỞ ĐẮC MÀ BỒ TÁT HÀNH SỬ TỐT BÁT NHÃ BA LA MẬT, NHỜ VẬY TÂM KHÔNG QUÁI NGẠI. VÌ KHÔNG QUÁI NGẠI MÀ KHÔNG CÓ SỰ KINH HÃI SỢ SỆT, XA LÌA MỘNG TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO, CỨU CÁNH NIẾT BÀN.

BA ĐỜI CHƯ PHẬT, HÀNH SỬ TỐT BÁT NHÃ BA LA MẬT MÀ ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

CHO NÊN, BÁT NHÃ BA LA MẬT LÀ CHÚ ĐẠI THẦN, LÀ CHÚ ĐẠI MINH, LÀ CHÚ VÔ THƯỢNG, LÀ CHÚ TUYỆT LUÂN KHÔNG GÌ SO SÁNH. NÓ HAY TRỪ TẤT CẢ KHỔ, CHÂN THẬT BẤT HƯ. VÌ VẬY MÀ GỌI BÁT NHÃ BA LA MẬT LÀ CHÚ:

GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA

(Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề tát bà ha)

TRỰC CHỈ

Hành sử tốt Bát Nhã Ba La Mật, được thể hiện qua con người KHÔNG SỞ ĐẮC. Nói ngược lại, KHÔNG SỞ ĐẮC là biểu hiện của sự hành sử tốt Bát Nhã Ba La Mật. Hành sử tốt Bát Nhã Ba La Mật cũng có nghĩa là QUÁN CHIẾU Bát Nhã đạt đến mức độ HÀNH THÂM.

"HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG" thì còn có sở đắc gì?

Vì KHÔNG SỞ ĐẮC, nên không có sự mắc mứu, vướng víu trong lòng, cho nên Bồ tát không còn gì để sợ sệt kinh hãi. Do vậy, xa rời tất cả mộng tưởng điên đảo, có Niết Bàn, đạt được Niết bàn.

Bồ tát đã vậy, Phật cũng vậy thôi. Cũng dựa vào Bát Nhã Ba La Mật mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có Niết bàn.

Niết bàn của Bồ tát có khác với Niết bàn Phật ở chỗ: vẫn cứu kính nhưng hữu thượng. Còn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và Niết Bàn Phật thì vô thượng.

Cái yếu tố kết hợp hình thành Bồ đề, Niết bàn là Bát Nhã Ba La Mật. Bát Nhã Ba La Mật là DUYÊN NHÂN Phật tánh.

Bát Nhã không phải là kinh, càng không phải là CHÚ. Nhưng vì phàm phu ngoại đạo họ chấp mắc, tự hào với những thứ chú: ĐẠI THẦN, ĐẠI MINH của họ. Trong khi Bát Nhã Ba La Mật Đa, tuyệt diệu hơn, lợi lạc chúng sanh hơn gấp hằng hà sa số vạn ức tỷ lần. Vì lợi ích chúng sanh, vận dụng phương tiện, Phật phải nói lời so sánh:

Rằng: Bát Nhã Ba La Mật Đa là: Chú ĐẠI THẦN, là chú ĐẠI MINH, và còn hơn thế nữa, là: Chú VÔ THƯỢNG và Chú VÔ ĐẲNG ĐẲNG, hết đường so sánh. Và nó có khả năng trừ hết khổ lụy chúng sanh. Nó là thứ chú: Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha.

Đừng cắt nghĩa giải thích gì câu ấy cả. Nếu có thể làm được, ngất lịm đi trong chừng một phút khi đọc:

Gate, gate paragate parasamgate bodhi svaha

HẾT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]