Kinh Đại Bát Niết Bàn
Quyển thứ 10:
Phẩm nhất thiết đại chúng sở vấn
Phẩm hiện bệnh
Nguồn: Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm - Việt dịch: Cư Sĩ Tuệ Khai - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích
Đỗng Minh
PHẦN XVII:
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ diện môn của ngài phóng ra đủ thứ ánh sáng, xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía... chiếu soi thân của ông Thuần Đà. Ông Thuần Đà gặp ánh sáng ấy rồi thì cùng với các quyến thuộc mang những đồ ăn ngon lành, mau chóng đến chỗ đức Phật, muốn dâng đức Như Lai và Tỳ kheo Tăng bữa cúng dường sau cùng. Họ mang đến chỗ đức Phật đủ chủng loại đồ vật đầy đủ dồi dào. Lúc bấy giờ, có nhiều người trời uy đức lớn ngăn ông ấy lại ở trước và vây quanh giáp vòng rồi nói với ông Thuần Đà rằng :
- Hãy dừng lại, ông Thuần Đà! Ông chớ dâng đồ cúng dường ngay!
Bấy giờ, đức Như Lai lại phóng ra vô lượng vô biên đủ thứ ánh sáng. Chư thiên, đại chúng gặp ánh sáng ấy rồi, liền để cho ông Thuần Đà đến trước chỗ đức Phật mà dâng lên đồ cúng dường của ông ấy. Bấy giờ, trời, người và các chúng sinh mỗi mỗi đều tự lấy đồ cúng dường của mình mang theo, đến trước đức Phật, quì dài mà bạch đức Phật rằng :
- Nguyện xin đức Như Lai cho phép các vị Tỳ kheo nhận những đồ cúng dường này.
Các vị Tỳ kheo biết đã đúng lúc nên sửa áo, mang bát một lòng an tường. Bấy giờ, ông Thuần Đà vì đức Phật và chúng Tăng bố thí đủ thứ loại tòa báu Sư tử, treo tràng phan bảo bằng lụa ngũ sắc, hương hoa, chuỗi ngọc... Bấy giờ, ba ngàn đại thiên thế giới trang nghiêm vi diệu giống như đất nước An Lạc ở phương Tây. Bấy giờ, ông Thuần Đà đứng ở trước đức Phật, ưu bi buồn bã, bạch đức Phật một lần nữa rằng:
- Nguyện xin đức Như Lai rũ lòng thương xót chúng con, sống lâu một kiếp hay giảm một kiếp!
Đức Phật bảo rằng :
- Này Thuần Đà! Ông muốn cho ta trụï thế lâu dài thì cần phải mau chóng dâng lên Đàn Ba la mật đầy đủ tối hậu!
Lúc bấy giờ, tất cả Đại Bồ tát, trời, người đủ loại, khác miệng đồng âm xướng lên như vầy rằng :
- Lạ thay! Ông Thuần Đà đã thành tựu đại phước đức nên có thể khiến cho đức Như Lai nhận sự cúng dường Vô thượng sau cùng của ông ấy. Chúng ta vô phước nên sự thiết bày đồ cúng dường trở thành uổng phí!
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn khiến cho nguyện vọng của tất cả chúng sinh được thỏa mãn nên ở trên thân mình, mỗi một lỗ chân lông hóa ra vô lượng đức Phật. Mỗi một đức Phật đều có vô lượng những Tỳ kheo Tăng. Các đức Thế Tôn và vô lượng chúng này đều thị hiện nhận đồ cúng dường của những người ấy. Đức Thích Ca Như Lai tự thọ nhận sự dâng bày cúng dường của ông Thuần Đà. Bấy giờ, đồ ăn nấu chín bằng gạo ngon của ông Thuần Đà đựng đầy tám hộc nước Ma Dà Đà (dụng cụ đo lường của nước ấy) nhờ thần lực của đức Phật nên đều cung ứng sung túc cho tất cả đại hội. Bấy giờ, ông Thuần Đà thấy việc đó rồi thì lòng sinh vui mừng, hớn hở không lường. Tất cả Đại chúng cũng lại như vậy. Bấy giờ, đại chúng vưng thánh chỉ của đức Phật, đều nghĩ rằng : "Đức Như Lai nay đã thọ sự cúng dường của chúng ta thì chẳng bao lâu nữa nhất định sẽ vào Niết Bàn". Họ nghĩ thế rồi, lòng phát sinh buồn vui lẫn lộn. Bấy giờ, rừng cây với khu đất nhỏ hẹp ấy, do thần lực của đức Phật, dù là chỗ nhỏ như đầu mũi kim cũng đều có vô lượng các đức Phật Thế Tôn và quyến thuộc ngồi thọ thực mà đồ ăn cũng không sai khác. Lúc đó, trời, người, a tu la.v.v... bi thán gào khóc mà nói lên rằng :
- Đức Như Lai ngày hôm nay đã thọ nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng ta mà thọ cúng dường rồi thì sẽ Bát Niết Bàn. Chúng ta sẽ lại cúng dường ai nữa đây! Chúng ta nay vĩnh viễn lìa khỏi đấng Điều Ngự Vô thượng! Mù tối không tròng mắt con ngươi (không mắt)!
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn an ủi tất cả đại chúng mà nói kệ rằng :
Các ông chớ buồn than
Pháp chư Phật ứng vậy
Ta vào với Niết Bàn
Đã qua vô lượng kiếp
Thường thọ vui thắng hơn
Mãi ở chỗ yên ổn.
Ông nay nghe hết lòng
Niết Bàn ta sẽ nói :
Thực tưởng ta lìa xong
Trọn không hoạn đói khát
Nay sẽ vì các ông
Nói thuận theo nguyện ấy
Khiến tất cả chúng sinh
Đều được vui yên ổn.
Ông nghe nên tu hành
Pháp chư Phật thường trụ.
Giả sử quạ cùng chim
Đồng chung một cây đậu
Giống như anh em thân
Vậy mới Niết Bàn mãi.
Tất cả, Như Lai xem
Như La Hầu La vậy.
Thường được chúng sinh tôn
Sao vĩnh viễn Niết Bàn?
Giả sử rắn, chồn, chuột
Đồng ở chung một hang
Yêu nhau như huynh đệ
Vậy mới mãi Niết Bàn.
Như Lai nhìn tất cả
Như La Hầu La đó
Thường được chúng sinh tôn Sao vĩnh viễn Niết Bàn?
Giả sử hoa bảy cánh
Chuyển thành Bà sư hương
Ca Lưu thành Trấn Đầu
Vậy mới mãi Niết Bàn.
Như Lai nhìn tất cả
Như La Hầu La đó
Sao từ bi tiêu tan
Vào Niết Bàn vĩnh viễn?
Giả sử Đại Tà Kiến (Nhất xiển đề)
Hiện thân Phật đạo thành
Mãi ở Đệ nhất lạc
Vậy mới vào Niết Bàn.
Như Lai nhìn tất cả
Như La Hầu La đó
Sao mà bỏ từ bi
Vào Niết Bàn vĩnh viễn?
Giả sử tất cả chúng
Nhất thời Phật đạo thành
Xa lìa những lỗi hoạn
Vậy mới vào Niết Bàn.
Như Lai nhìn tất cả
Như La Hầu La đó
Thì sao bỏ từ bi
Vào Niết Bàn vĩnh viễn.
Giả sử nước muỗi, ve
Ngấm tan vào trong đất
Sông, hang, biển tràn trề
Vậy mới vào diệt độ (Niết Bàn)
Lòng bi nhìn tất cả
Đều như La Hầu La
Thường được chúng sinh kính
Sao Niết Bàn vĩnh viễn?
Do đó nên các ông
Nên ưa sâu chánh pháp
Chẳng nên sinh ưu phiền
Mà kêu gào khóc lóc.
Nếu muốn chánh hạnh mình
(Thì) Tu Như Lai thường trụ
Pháp như vậy xét xem
Trường tồn chẳng biến dị.
Lại nên suy nghĩ rằng :
Tam Bảo đều thường trụ
Thì đại hộ được thành
Cầu cây khô ra quả (trái).
Đó gọi là Tam bảo
Bốn chúng nên lắng nghe
Nghe rồi nên hoan hỷ
Liền phát tâm Bồ Đề.
Nếu hay kể Tam Bảo
Thường trụ đồng chân đế
Thì đây là thề nguyền
Tối thượng của chư Phật.
Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di có thể dùng thệ nguyện tối thượng của Như Lai mà phát nguyện thì phải biết người đó không có ngu si, kham thọ cúng dường do quả báo công đức của nguyện lực này, ở đời thì tối thắng như A la hán. Nếu có người chẳng thể quan sát rõ Tam Bảo thường trụ như vậy thì chính là Chiên đà la. Nếu có người có thể biết Tam Bảo thường trụ thì nhân duyên thật pháp nên lìa khỏi khổ được an vui không ai nhiễu hại có thể lưu nạn.
Lúc bấy giờ, đại chúng người, trời, a tu la.v.v... nghe pháp này rồi, lòng sinh vui mừng hớn hở vô cùng. Lòng họ điều hòa nhu nhuyến, giỏi diệt hết các sự che lấp. Lòng không cao thấp, uy nghi thanh tịnh, nhan mạo vui vẻ, biết Phật thường trụ. Vậy nên họ thiết bày sự cúng dường của chư thiên, tung lên đủ thứ hoa, hương bột, hương xoa... tấu lên kỹ nhạc, nhà trời để cúng dường đức Phật.
Lúc bấy giờ, đức Phật lại bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :
- Này thiện nam tử! Ông có thấy việc hy hữu của chúng này không?
Ngài Ca Diếp đáp rằng :
- Thấy rồi, thưa đức Thế Tôn! Con thấy các Như Lai nhiều vô lượng vô biên, chẳng thể xưng kể thọ bữa ăn mà các đại chúng người, trời dâng lên cúng dường. Con còn thấy đại thân trang nghiêm của chư Phật mà chỗ ngồi của các ngài như một mũi kim khâu với nhiều chúng vây quanh mà chẳng chướng ngại nhau. Con lại thấy đại chúng đều phát thệ nguyện, nói mười ba bài kệ. Con cũng biết đại chúng, lòng từng người đều nghĩ rằng : "Đức Như Lai hôm nay riêng thọ đồ cúng dường của một mình ta". Giả sử đồ ăn dâng cúng của ông Thuần Đà nghiền nát như vi trần mà dâng một hạt bụi đó cho một đức Phật còn chẳng cùng khắp được. Nhưng nhờ thần lực của đức Phật nên đồ cúng của ông Thuần Đà đều làm sung túc tất cả đại chúng. Chỉ những vị Đại Bồ tát như ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử.v.v... mới có thể biết việc hy hữu như vậy là do đức Như Lai phương tiện thị hiện. Con biết đại chúng Thanh Văn và A tu la.v.v... đều biết Như Lai là pháp thường trụ.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ông Thuần Đà rằng :
- Ông nay có thấy là việc này hy hữu đặc biệt kỳ lạ không?
- Thật vậy, thưa đức Thế Tôn! Con trước đã thấy vô lượng những đức Phật với thân trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nay thấy hết những vị Đại Bồ tát với thân lớn sai khác, nhan mạo không gì sánh. Con chỉ thấy thân đức Phật ví như cây thuốc được sự vây quanh của những Đại Bồ tát.
Đức Phật bảo ông Thuần Đà rằng :
- Sự thấy vô lượng đức Phật của ông trước đó chính là do sự biến hóa của ta, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ đượcvui mừng! Những đại Bồ tát như vậy đã có thể tu hành chẳng thể nghĩ bàn, có thể tạo tác vô lượng những Phật sự. Này Thuần Đà! Ông nay đều đã thành tựu hạnh đại Bồ tát, được trụ ở Thập Địa, sở hạnh của Bồ tát đã hoàn thành đầy đủ.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời của đức Phật! Ông Thuần Đà đã tu thành Bồ tát hạnh, con cũng tùy hỷ! Hôm nay đức Như Lai muốn vì vô lượng chúng sinh đời vị lai tạo tác ánh sáng lớn nên nói Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn này. Thưa đức Thế Tôn! Tất cả Khế kinh nói thì có nghĩa khác hay không nghĩa khác vậy?
- Này thiện nam tử! Lời ta nói thì cũng có nghĩa khác, cũng không nghĩa khác!
Ông Thuần Đà bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói :
Những vật sở hữu
Bố thí hết đi
Chỉ được khen ngợi
Không hủy tổn gì!
Thưa đức Thế Tôn! Nghĩa đó ra sao? Trì giới, hủy giới có gì sai biệt?
Đức Phật dạy rằng :
- Chỉ trừ một người, còn tất cả những người bố thí đều được khen ngợi.
Ông Thuần Đà hỏi rằng :
- Sao gọi là "chỉ trừ một người"?
Đức Phật dạy rằng :
- Như đã nói trong Kinh này, là người phá giới!
Ông Thuần Đà lại thưa :
- Con nay chưa hiểu được! Nguyện xin đức Phật nói rõ cho!
Đức Phật bảo ông Thuần Đà rằng :
- Người phá giới gọi là Nhất xiển đề (Đại tà kiến)! Ngoài ra tất cả sự bố thí của những người khác đều được khen ngợi, thu hoạch được quả báo lớn!
Ông Thuần Đà lại hỏi :
- Nhất xiển đề thì nghĩa ấy ra sao?
Đức Phật bảo rằng :
- Này Thuần Đà! Nếu có Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di phát khởi lời thô ác bài báng chánh pháp. Họ đã tạo nghiệp nặng đó mà vĩnh viễn chẳng lòng hối cải, không có tàm quí. Những người như vậy thì gọi là những kẻ hướng đến con đường nhất xiển đề. Nếu kẻ phạm bốn trọng cấm, ngũ nghịch tội, tự biết nhất định phạm việc nặng như vậy mà lòng không chút kinh sợ, tủi thẹn, chẳng chịu phát lộ, đối với chánh pháp của Phật vĩnh viễn không có lòng hộ trì, nuối tiếc, kiến lập, lời nói hủy báng khinh miệt, nhiều tội lỗi. Những người như vậy cũng gọi là kẻ hướng về con đường nhất xiển đề. Nếu người nào nói không có Phật, Pháp, Tăng thì những người ấy cũng gọi là hướng về nhất xiển đề. Chỉ trừ bọn nhất xiển đề như thế này, ngoài ra những người bố thí khác, tất cả đều được khen ngợi.
Lúc bấy giờ, ông Thuần Đà lại bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Sở dĩ gọi là phạm giới thì nghĩa ấy thế nào?
Đức Phật bảo ông Thuần Đà rằng :
- Như người phạm bốn trọng cấm và ngũ nghịch tội, bài báng chánh pháp... những người như vậy gọi là Phá Giới!
Ông Thuần Đà lại hỏi :
- Kẻ phá giới như vậy có thể cứu vớt chăng?
Đức Phật bảo ông Thuần Đà rằng :
- Nếu có nhân duyên thì có thể cứu vớt! Nếu người mặc pháp phục còn chưa rời bỏ mà lòng thường mang tủi thẹn, kinh sợ, tự khảo trách : "Chao ôi! Sao ta bị phạm trọng tội ấy! Lạ thay! Sao ta lại tạo nghiệp khổ ấy!", rồi tự hối cải sâu sắc, sinh lòng hộ pháp muốn kiến tạo chánh pháp và nghĩ rằng : "Nếu có người hộ pháp thì ta sẽ cúng dường. Nếu có người đọc tụng Kinh điển Đại Thừa thì ta sẽ hỏi han thọ trì, đọc tụng, đã thông lợi rồi ta lại vì người khác phân biệt nói rộng rãi". Ta nói (đức Phật nói) người đó chẳng gọi là Phá Giới. Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Ví như mặt trời mọc có thể diệt trừ tất cả tối tăm của bụi che ngăn. Kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu này xuất hiện, hưng thịnh ở đời cũng lại như vậy, có thể trừ hết mọi tội đã làm trong vô lượng kiếp của chúng sinh. Vậy nên Kinh này nói rằng, hộ trì chánh pháp được quả báo lớn, cứu vớt phá giới. Nếu có người hủy báng chánh pháp này mà có thể tự cải hối quay trở về với pháp, tự nghĩ rằng, việc làm tất cả điều bất thiện như người tự hại mình, lòng sinh ra khủng bố kinh sợ, tủi thẹn, trừ chánh pháp nay ra lại không có gì cứu hộ. Vậy nên cần phải quay trở về chánh pháp". Nếu người có thể đúng như lời nói như vậy mà qui y thì bố thí cho người này được phước không lường, cũng gọi là bậc ứng thọ cúng dường của thế gian. Nếu người phạm tội nghiệp ác như trên mà hoặc qua một tháng hay mười lăm ngày, chẳng phát sinh lòng qui y, phát lồ. Nếu bố thí cho hạng người này thì quả báo rất ít. Người phạm ngũ nghịch cũng lại như vậy, có thể sinh lòng hối hận, bên trong mang tủi thẹn rằng : "Nay ta đã làm nghiệp bất thiện rất là khổ lắm! Ta sẽ kiến lập và hộ trì chánh pháp!" thì đó chẳng gọi là tội ngũ nghịch vậy. Nếu bố thí cho người này thì được phước không lường. Đã phạm tội nghịch rồi chẳng sinh lòng hộ pháp, qui y thì có bố thí cho người đó thì pước chẳng đủ nói. Lại, này thiện nam tử! Về người phạm trọng tội thì ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói rộng rãi! Ông nên sinh tâm này : "Gọi là Chánh pháp tức là vi mật tạng của Như Lai. Vậy nên ta phải hộ trì kiến lập". Bố thí cho người này thì được thắng quả báo. Này thiện nam tử! Ví như người con gái mang thai gần sinh, gặp nước loạn lạc, tránh xa đến nước khác. Ở tại một ngôi miếu thờ trời, nàng liền sinh con và nuôi dưỡng. Về sau, nghe nước cũ yên ổn, giàu thịnh, nàng mang con mình muốn trở về quê cũ. Đường đi phải qua sông Hằng, nước lớn chảy xiết mà phải bồng con, chẳng thể qua sông được, nàng liền tự nghĩ rằng : "Ta thà cùng con chung mạng chung một chỗ, chứ chẳng bỏ con mà qua sông một mình". Nghĩ thế rồi nàng cùng con đều chìm chết. Sau khi mạng chung nàng liền sinh lên trời. Do từ niệm đến con, muốn khiến cho con được qua sông mà người con gái vốn tính tệ ác đó, nhờ lòng thương con nên được sinh lên trời. Người phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián mà sinh lòng hộ pháp cũng lại như vậy, tuy trước có làm nghiệp bất thiện, nhưng do hộ pháp nên được làm ruộng phước vô thượng của thế gian. Người hộ pháp này có phước báo không lường như vậy.v.v...
Ông Thuần Đà lại bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Nếu nhất xiển đề có thể tự cải hối cung kính, cúng dường, khen ngợi Tam bảo thì thí cho người như vậy có được đại quả báo không?
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử! Ông nay chẳng nên nói lời như vậy! Này thiện nam tử! Ví như có người ăn trái cây Am La, nhả hạt xuống đất mà lại nghĩ rằng : "Trong hạt trái này chắc có vị ngọt!" Hắn liền lấy trở lại, đập vỡ mà ăn. Vị của hạt ấy rất đắng, lòng sinh ra hối hận. Hắn sợ mất giống trái cây liền thu thập lại những hạt vỡ ấy, rồi gieo vào đất, siêng năng gia công sửa trị, dùng váng sữa, dầu và sữa để tùy lúc tưới bón. Ý ông thế nào? Có chắc những hạt ấy mọc được không?
- Thưa đức Thế Tôn! Không vậy! Giả sử trời mưa xuống nước cam lộ vô thượng còn cũng chẳng mọc được!
- Này thiện nam tử! Nhất xiển đề kia cũng lại như vậy, đã thiêu đốt, tiêu diệt hết căn lành thì sẽ ở chỗ nào mà được trừ diệt tội. Này thiện nam tử! Nếu người sinh lòng thiện thì đó chẳng gọi là nhất xiển đề vậy. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên tất cả sự bố thí mà quả báo sở đắc chẳng phải không sai biệt. Vì sao vậy? Vì bố thí cho Thanh Văn thì quả báo sở đắc khác, bố thí cho Bích Chi Phật được quả báo cũng khác, chỉ có cúng dường cho Như Lai là thu hoạch được quả Vô thượng. Vậy nên nói rằng, tất cả sự bố thí chẳng phải không sai khác.
Ông Thuần Đà lại nói rằng :
- Vì sao đức Như Lai nói bài kệ này?
Đức Phật bảo ông Thuần Đà rằng :
- Vì có nhân duyên nên ta nói bài kệ này! Trong thành Vương Xá có một người Ưu bà tắc, lòng không tịnh tín, phụng sự giáo phái Ni-Kiền mà đến hỏi ta về ý nghĩa của Bố thí. Do nhân duyên này nên ta nói bài kệ đó, ta cũng vì những vị đại Bồ tát nói nghĩa của bí tạng. Như bài kệ ấy thì nghĩa ấy thế nào? Tất cả là một phần ít tất cả! Ông phải biết rằng, đại Bồ tát là kẻ hùng trong loài người, nhiếp lấy kẻ trì giới mà bố thí sự cần dùng cho họ, xả bỏ kẻ phá giới như trừ bỏ cỏ bông kê.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như ta thuở xưa đã nói kệ rằng :
Tất cả sông nước
Ắt có khúc quanh
Tất cả rừng rậm
Ắt cây có danh
Tất cả người nữ
Ắt lòng dối quanh (siểm khúc)
Tất cả tự tại
Ắt thọ an lành (lạc an).
Lúc bấy giờ, đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi liền đứng dậy, trật áo vai phải, gối phải quì xuống đất, trước lễ dưới chân đức Phật mà nói kệ rằng :
Chẳng phải mọi
Khúc quanh ắt có
Chẳng phải mọi rừng
Đều có danh mộc
Chẳng phải nữ nhân
Đều dạ siểm khúc
Mọi Tự Tại Tôn
Chẳng ắt thọ lạc.
Bài kệ đức Phật đã nói, nghĩa ấy có khác. Nguyện xin ngài rũ lòng thương xót nói lên cái nhân duyên ấy! Vì sao vậy? Thưa đức Thế Tôn! Ở ba ngàn đại thiên thế giới này có châu tên là Câu Gia Ni. Châu ấy có sông ngay thẳng chẳng quanh co tên là Ta Bà Gia. Nó giống như sợi dây thẳng, chảy vào biển phía Tây. Như vậy tướng dòng sông này khác với trong Kinh mà đức Phật chưa từng nói. Nguyện xin đức Như Lai nhân trong Kinh Phương Đẳng A Hàm này, nói có nghĩa khác khiến cho các Bồ tát tín giải sâu sắc vấn đề đó. Thưa đức Thế Tôn! Ví như có người trước biết quặng vàng mà sau chẳng nhận thức được vàng. Đức Như Lai cũng vậy, biết hết pháp rồi mà sự diễn nói có cái khác chẳng hết. Đức Như Lai tuy nói lời nói khác như vậy nhưng cần phải phương tiện lý giải ý thú của vấn đề ấy. Tất cả rừng rậm nhất định là cây cối nhưng rừng đó cũng có cái khác. Vì sao vậy? Vì đủ thứ cây báu như vàng, bạc, lưu ly... đó cũng gọi là rừng. Tất cả nữ nhân nhất định mang lòng dua nịnh quanh co. Điều này cũng có khác. Vì sao vậy? Vì cũng có nữ nhân giỏi gìn giữ cấm giới, thành tựu công đức, có đại từ bi. Tất cả đấng tự Tại nhất định hưởng thọ an vui. Điều này cũng có khác. Vì sao vậy? Vì có đấng Tự Tại là vua Chuyển Luân Thánh, là pháp vương Như Lai chẳng thuộc phạm vi ma chết, chẳng thể diệt tận. Còn Phạm Vương, Đế Thích, Chư Thiên... tuy được tự tại nhưng đều là vô thường. Nếu được thường trụ, không biến dị thì mới gọi là tự tại như là Đại Thừa Đại Bát Niết Bàn.
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử! Ông nay giỏi được biện tài lạc thuyết! Nhưng ông hãy dừng lại, lắng nghe! Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như ông trưởng giả, thân mắc bệnh khổ. Lương y chẩn bệnh, rồi vì ông hòa hợp thuốc cao. Khi đó, người bịnh tham muốn uống nhiều thuốc. Vị lương y nói với người bệnh rằng : "Nếu người có thể tiêu hóa thì có thể uống tùy ý. Ông nay thân thể gầy yếu, chẳng nên uống nhiều. Ông phải biết thuốc cao này cũng gọi cam lộ mà cũng gọi là thuốc độc. Nếu uống nhiều mà chẳng tiêu hóa thì gọi là độc dược!". Này thiện nam tử! Ông nay chớ cho là lời nói của vị thầy thuốc đó trái với nghĩa lý, làm tổn thất thế lực của thuốc cao. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, vì các quốc vương, hậu phi, thái tử, vương tử, đại thần... nhân vương tử, hậu phi... của vua Ba tư Nặc có lòng kiêu mạn mà vì muốn điều phục nên thị hiện sự khủng bố như vị lương y kia, nên nói kệ rằng :
Tất cả sông nước
Ắt có khúc quanh
Tất cả rừng rậm
Ắt cây có danh
Tất cả người nữ
Ắt lòng dối quanh
Tất cả Tự Tại
Ắt thọ an lành.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông nay phải biết, lời nói của Như Lai không có sai lầm. Như đất đai này có thể làm cho lật úp, nhưng lời nói của Như Lai nhất định không sai lầm! Do nghĩa này nên lời nói của Như Lai, tất cả hữu dư.
Lúc bấy giờ, đức Phật khen ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :
- Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ông biết ý nghĩa như vậy đã lâu nhưng vì thương xót tất cả, muốn khiến cho chúng sinh được trí tuệ nên rộng hỏi Như Lai về ý nghĩa của bài kệ như vậy!
Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử lại ở trước đức Phật mà nói kệ rằng :
Với lời người khác
Chẳng nghịch, thuận tùng
Cũng chẳng quán khác
Tác dùng bất tác
Chỉ tự quán thân
Hành thiện, bất thiện.
Như vậy, đức Thế Tôn nói pháp dược này chẳng phải là chánh thuyết mà chỉ đối với lời nói người khác thuận theo, chẳng nghịch lại thôi! Nguyện xin đức Như Lai rũ lòng thương nói lời chân chánh! Vì sao vậy? Thưa đức Thế Tôn! Vì ngài thường nói, tất cả chín mươi lăm thứ ngoại học, đều hướng đến con đường ác. Các đệ tử Thanh Văn đều hướng về đường chánh như hộ trì cấm giới, nhiếp lấy oai nghi, giữ gìn cẩn thận các căn. Nhưng người như vậy ưa thích Đại pháp sâu sắc, hướng đến Thiện đạo mà vì sao đức Như Lai ở trong chính bộ Kinh, thấy có người hủy báng người khác thì liền quở trách? Như vậy ý nghĩa bài kệ là hướng đến chỗ nào?
Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :
- Này thiện nam tử! Ta nói bài kệ này cũng chẳng vì hết tất cả chúng sinh! Bấy giờ ta chỉ vì vua A Xà Thế. Các đức Phật Thế Tôn, nếu không nhân duyên thì nhất định chẳng nói nghịch, vì có nhân duyên nên mới nói vậy! Này thiện nam tử! Vua A xà Thế hại cha ông ấy rồi đi đến chỗ của ta, muốn chiết phục ta mà hỏi như vầy : "Thưa đức Thế Tôn! Thế nào? Nhất thiết trí này chẳng phải là Nhất thiết trí sao? Nếu là Nhất thiết trí thì ông Điều Đạt thuở xưa, trong vô lượng đời, thường mang lòng ác, theo đuổi đức Như Lai, muốn làm nghịch hại ngài mà vì sao đức Như Lai còn cho ông ấy xuất gia?" Này thiện nam tử! Do nhân duyên này nên ta vì vị vua đó mà nói kệ này :
Với lời người khác
Chẳng nghịch, thuận tùng
Cũng chẳng quán khác
Tác dùng bất tác
Chỉ tự quán thân
Hành thiện, bất thiện.
Phật bảo rằng : "Này đại vương! Ông nay hại cha, đã tạo tác tội nghịch vô gián rất nặng nên phải phát lồ để cầu thanh tịnh thì còn duyên vào đâu mới lại thấy tội lỗi của người khác?" Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên ta vì vị vua đó mà nói bài kệ này. Lại nữa, này thiện nam tử! Cũng vì hộ trì người chẳng hủy cấm giới thành tựu uy nghi, thấy lỗi người khác mà ta nói bài kệ đó. Nếu lại có người thọ lời dạy bảo của người khác, xa lìa mọi ác, lại dạy người khác xa lìa mọi ác thì người như vậy tức là đệ tử của ta!
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì ngài Văn Thù Sư Lợi, lại nói kệ rằng :
Tất cả sợ gậy, dao
Không ai chẳng yêu mạng
Lấy mình mà suy ra
Chớ giết, chớ đánh trượng.
Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi lại ở trước đức Phật mà nói kệ rằng:
Phi tất cả yêu mạng
(Phi tất cả : chẳng phải tất cả...)
Lấy mình mà suy ra
Siêng làm Thiện phương tiện.
Đức Như Lai nói ý nghĩa câu pháp này cũng là chưa hết! Vì sao vậy? Vì như A la hán, Chuyển Luân Thánh Vương, ngọc nữ, voi ngựa, chủ tạng đại thần mà những trời, người và a tu la cầm gươm bén có thể hại họ được thì không có điều này. Dũng sĩ, liệt nữ, vua ngựa, chúa thú, Tỳ kheo trì giới, tuy đến đối mặt nhau mà chẳng kinh sợ. Do nghĩa này nên đức Như Lai nói kệ cũng là hữu dư. Nếu nói rằng, suy mình ra có thể làm ví dụ thì tức là cũng hữu dư. Vì sao vậy? Vì nếu khiến A la hán lấy mình ví cho người kia thì có ngã tưởng và cả mạng tưởng. Nếu có ngã tưởng và cả mạng tưởng thì nên ủng hộ. Phàm phu cũng nên thấy A la hán đều là người tu hành. Nếu như vậy thì tức là tà kiến. Nếu có tà kiến thì mạng chung ứng sinh vào địa ngục A Tỳ. Lại, A la hán giả sử đối với chúng sinh phát sinh lòng hại thì không có điều này. Vô lượng chúng sinh cũng lại không thể hại A la hán.
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử! Nói ngã tưởng là nói đối với chúng sinh phát sinh lòng đại bi, không có tư tưởng giết hại; là nói A la hán có lòng bình đẳng. Ông chớ cho là đức Thế Tôn không có nhân duyên mà nói nghịch vậy. Ngày xưa ở trong thành Vương Xá của vị vua này có người thợ săn bậc thầy giết nhiều bầy nai, mời ta ăn thịt. Bấy giờ, ta tuy nhận lời mời của người đó, nhưng đối với các chúng sinh phát sinh lòng từ bi như thương La Hầu La mà nói kệ rằng :
Sẽ khiến ngươi trường thọ
Mãi mãi trụ thế gian
Thọ trì pháp chẳng hại
Như thọ mạng Thế Tôn.
Vậy nên ta nói bài kệ này :
Tất cả sợ gậy dao
Không ai chẳng yêu mạng
Lấy mình mà suy ra
Chớ giết, chớ đánh trượng.
Đức Phật dạy rằng :
- Hay thay! Hay thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Ông vì các vị đại Bồ tát nên hỏi han Như Lai về mật giáo như vậy!
Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi lại nói kệ rằng :
Sao gọi kính cha mẹ
Thuận theo mà trọng tôn?
Pháp này sao tu tập
Mà đọa ngục Vô gian (Vô gián)?
Đến đây, đức Như Lai dùng kệ đáp :
Nếu mẹ là tham ái
Vô minh lấy làm cha
Thuận theo tôn trọng đó
Thì đọa ngục A tỳ.
Lúc bấy giờ, đức Như Lai lại vì ngài Văn Thù Sư Lợi, một lần nữa nói kệ rằng :
Tất cả thuộc người
(lệ thuộc người khác)
Thì gọi là khổ
Do mình tất cả
Tự tại lạc an
Tất cả kiêu mạn
Thế (lực) rất bạo tàn.
Những người hiền thiện
Tất cả yêu thương.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Lời nói này của đức Như Lai cũng chẳng hết! Nguyện xin đức Như Lai lại rũ lòng thương xót nói về nhân duyên ấy. Vì sao vậy? Vì như con ông trưởng giả khi theo thầy học thì có bị lệ thuộc thầy không? Nếu lệ thuộc thầy thì nghĩa chẳng thành tựu, nếu chẳng lệ thuộc thì cũng chẳng thành tựu, nếu được tự tại cũng chẳng thành tựu. Vậy nên lời nói của Như Lai hữu dư! Lại nữa, thưa đức Thế Tôn! Ví như vị vương tử không có sự tập quen mọi việc, khi chạm đến việc thì chẳng thành. Đó cũng là tự tại nhưng ngu tối thường khổ. Như vậy vương tử đó nếu nói tự tại thì nghĩa cũng chẳng thành, hoặc nói rằng lệ thuộc người khác thì nghĩa cũng chẳng thành. Do nghĩa này nên nghĩa của lời nói đức Phật gọi là hữu dư. Vậy nên tất cả lệ thuộc người khác chẳng nhất định là thọ khổ và tất cả tự tại chẳng nhất định là thọ lạc (vui). Tất cả kiêu mạn thế lực rất bạo ác là cũng hữu dư! Thưa đức Thế Tôn! Như các liệt nữ lòng kiêu mạn nên xuất gia học đạo, hộ trì cấm giới, thành tựu uy nghi, nhiếp giữ các căn chẳng cho dong ruỗi tán loạn. Vậy nên tất cả kết sử kiêu mạn chẳng nhất định là bạo ác. Người hiền thiện được tất cả ái niệm là cũng hữu dư. Như người, bên trong phạm bốn trọng cấm rồi mà chẳng bỏ pháp phục, kiên trì uy nghi người hộ trì Chánh pháp thấy được rồi thì chẳng ái niệm người đó, sau khi mạng chung còn bị đọa vào địa ngục. Nếu có người tốt phạm bốn trọng cấm rồi mà người hộ pháp thấy liền đuổi ra, bãi đạo hoàn tục. Do nghĩa này nên tất cả hiền thiện chẳng nhất định là đều được ái niệm.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :
- Có nhân duyên nên Như Lai nói đến nghĩa hữu dư này. Lại có nhân duyên nên các đức Phật Như Lai nói pháp này. Ở thành Vương xá có một người con gái tên là Thiện Hiền, trở về nhà cha mẹ, nhân đến chỗ ta, qui y với ta và Pháp cùng chúng Tăng mà nói lên rằng : "Thế của tất cả nữ nhân chẳng tự do còn tất cả nam tử tự tại vô ngại". Bấy giờ, ta biết lòng của người con gái này, liền vì cô ấy tuyên nói bài kệ tụng như vậy. Này Văn Thù Sư Lợi! Hay thay! Hay thay! Ông nay có thể vì tất cả chúng sinh hỏi về mật ngữ như vậy của Như Lai!
Ngài Văn Thù Sư Lợi lại nói kệ rằng :
Tất cả những chúng sinh
Đều nương ăn uống sống (còn)
Tất cả có sức lớn (to)
Lòng ấy không ghét ghen.
Tất cả nhân ăn uống
Mà bịnh khổ vương mang.
Tất cả tu tịnh hạnh
Mà được thọ lạc an.
Như vậy, thưa đức Thế Tôn! Hôm nay ngài thọ bữa ăn cúng dường của ông Thuần Đà thì chúng sẽ không có sự kinh sợ cho đức Như Lai sao?
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại vì ngài Văn Thù mà nói kệ rằng:
Chẳng phải mọi chúng sinh
Đều nương ăn uống sống.
Chẳng phải mọi sức lớn
Lòng đều không ghét ghen.
Chẳng phải mọi nhân ăn
Mà bị các khổ bệnh.
Chẳng phải mọi tịnh hạnh
Đều được thọ lạc an.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu ông bị bệnh thì ta cũng như vậy, mà bịnh khổ theo. Vì sao vậy? Vì các A la hán và Bích Chi Phật, Bồ tát, Như Lai thật ra không có sự ăn uống, nhưng vì muốn hóa độ những chúng sinh kia nên thị hiện thọ dụng vô lượng vật bố thí của chúng sinh, khiến cho những người ấy đầy đủ Đàn Balamật, cứu vớt địa ngục, súc sinh và ngã quỉ. Nếu nói rằng, Như Lai sáu năm khổ hạnh, thân hình gầy còm thì không có điều này. Các đức Phật Thế Tôn một mình cứu vớt các cõi mà chẳng đồng với hạng phàm phu thì sao mà được tấm thân gầy yếu vậy? Các đức Phật Thế Tôn tinh cần tu tập, thu hoạch được thân Kim Cương chẳng đồng với tấm thân nguy khốn dễ tan vỡ của người đời. Những đệ tử của ta cũng lại như vậy, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng nương vào ăn uống. Tất cả đại lực không ghen ghét thì cũng là nghĩa hữu dư. Như người thế gian trọn đời vĩnh viễn không có lòng ganh ghét mà không có đại lực. Tất cả bệnh khổ nhân ăn uống có được thì cũng là nghĩa hữu dư. Vì ta cũng thấy có người bị bệnh do khách quan như là dao, gươm,, mâu, kích đâm chém. Tất cả người tịnh hạnh đều thọ yên vui thì cũng là nghĩa hữu dư. Thế gian cũng có người ngoại đạo tu hành phạm hạnh, chịu nhiều khổ não. Do nghĩa này nên lời nói của Như Lai tất cả là hữu dư. Đó gọi là Như Lai chẳng phải không nhân duyên mà nói kệ này. Vì có nhân duyên nên nói! Ngày xưa ở nước Ưu Thiền Ni này, có vị Bàlamôn tên là Cổ Đê Đức đi đến chỗ của ta, muốn thọ lần thứ tư pháp Bát Giới Trai. Lúc bấy giờ, ta vì ông ấy nói bài kệ này.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là nghĩa vô dư vậy? Sao gọi là nghĩa tất cả?
- Này thiện nam tử! Tất cả là chỉ trừ người trợ đạo, thường ưa thiện pháp. Đó gọi là tất cả, cũng gọi là vô dư, là muốn khiến cho các thiện nam tử ưa pháp biết nghĩa hữu dư và vô dư này.
Bồ tát Ca Diếp, lòng rất vui mừng, hớn hở không lường, trước bạch đức Phật rằng :
- Rất lạ thay! Đức Thế Tôn bình đẳng nhìn chúng sinh như La Hầu La!
Bấy giờ, đức Phật khen Bồ tát Ca Diếp rằng :
- Hay thay! Hay thay! Sự thấy của ông hôm nay thậm thâm, vi diệu!
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Như Lai nói về công đức sở đắc của Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn này!
Đức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :
- Này thiện nam tử! Nếu có người được nghe danh tự kinh này thì công đức sở đắc chẳng phải là điều có thể tuyên nói của các Thanh Văn, Bích Chi Phật, chỉ có Phật mới có thể biết. Vì sao vậy? Vì chẳng thể nghĩ bàn, vì chính là cảnh giới của Phật. Huống gì là công đức của người thọ trì, đọc tụng thông lợi và ghi chép thành kinh quyển.
Lúc bấy giờ, chư thiên, người đời và A tu la liền ở trước đức Phật, khác miệng đồng âm, mà nói kệ rằng :
Chư Phật khó nghĩ bàn Ø Pháp, Tăng lại cũng vậy
Vậy nên nay mời khuyên Nguyện xin chút dừng trụ
Đợi tôn giả A Nan Và ngài Đại Ca Diếp
Quyến thuộc hai chúng trên Chẳng bao lâu sẽ đến.
Cùng A Xà Thế Vương Quốc chủ nước Ma Kiệt
Kính tin Phật hết lòng Nơi này còn chưa đến
Nguyện xin Phật Thế Tôn Rũ lòng thương xót trụ,
Ở trong chúng này, xin Đoạn con những nghi võng (lưới nghi).
Lúc bấy giờ, đức Như Lai vì các đại chúng mà nói kệ rằng :
Chư Phật khó nghĩ bàn
Pháp, Tăng lại cũng vậy
Vậy nên nay mời khuyên
Nguyện xin chút dừng trụ
Đợi tôn giả A Nan
Và ngài Đại Ca Diếp
Quyến thuộc hai chúng trên
Chẳng bao lâu sẽ đến.
Cùng A Xà Thế Vương
Quốc chủ nước Ma Kiệt
Kính tin Phật hết lòng
Nơi này còn chưa đến
Nguyện xin Phật Thế Tôn
Rũ lòng thương xót trụ,
Ở trong chúng này, xin
Đoạn con những nghi võng (lưới nghi).
Lúc bấy giờ, đức Như Lai vì các đại chúng mà nói kệ rằng :
Trưởng tử pháp Thế Tôn
Tên là Đại Ca Diếp
Và A Nan tinh cần
Hay đoạn mọi nghi hoặc
Các ông xem kỹ càng
A Nan đa văn sĩ
Tự nhiên sẽ giải thông
Thường và vô thường đó!
Do vậy mà chẳng nên
Lòng mang ưu não lớn!
Lúc bấy giờ, đại chúng đem đủ thứ đồ vật cúng dường đức Như Lai. Cúng dường đức Phật rồi, họ liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và vô lượng vô biên hằng hà sa số những Bồ tát .v.v.. được trụ ở bậc Sơ địa. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng với ngài Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Ca Diếp và cùng với ông Thuần Đà mà thọ ký biệt. Trao ký biệt xong, đức Phật nói như vầy :
- Này các thiện nam tử! Các ông hãy tự sửa lấy lòng mình, cẩn thận chớ buông lung! Bệnh đau lưng của ta hôm nay làm toàn thân đều đau nhức. Ta nay muốn nằm nghỉ như đứa trẻ kia và như người bệnh hoạn thường. Này Văn Thù! Các ông phải vì bốn bộ chúng diễn nói Đại Pháp rộng rãi. Nay ta đem pháp này phó chúc cho ông! Cho đến khi Ca Diếp và A Nan đến thì ông lại phải đem chánh pháp như vậy phó chúc cho họ.
Bấy giờ, khi đức Như Lai nói lời này rồi, vì muốn điều phục các chúng sinh nên ngài hiện thân có bệnh, nghiêng hông phải mà nằm như người bệnh vậy.
PHẨM HIỆN BỆNH
PHẦN XVIII:
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn! Đức Như Lai đã khỏi tất cả bệnh tật, hoạn khổ đều trừ, không kinh sợ nữa. Thưa đức Thế Tôn! Tất cả chúng sinh có bốn mũi tên độc tức là nguyên nhân của bệnh. Những gì là bốn? Đó là tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn. Nếu có nguyên nhân bệnh thì có bệnh sinh ra. Như là bệnh phổi nóng thì hơi trên thổ ra nghịch, thân thể đau đớn, tâm thần mê loạn, bệnh lị, bệnh nôn ọe, bệnh tiểu tiện ra máu, bệnh đau một bên mắt và tai, bệnh lưng, bụng trương đầy, bệnh điên cuồng khô tiêu bị quỉ mỵ bắt... đủ thứ những bệnh về thân tâm như vậy mà các đức Phật Thế Tôn đều không có nữa. Hôm nay đức Như Lai vì duyên gì mà quay gọi Văn Thù Sư Lợi bảo rằng: "Ta nay đau lưng, các ông phải vì đại chúng nói pháp!" Theo con thì có hai nhân duyên, tức là ngài không có bệnh khổ. Những gì là hai? Một là thương xót tất cả chúng sinh. Hai là ngài muốn cung cấp bố thí cho người bệnh thuốc chữa bệnh. Đức Như Lai thuở xưa, đã ở trong vô lượng ức kiếp, tu đạo Bồ tát, thường hành ái ngữ làm lợi ích chúng sinh, chẳng khiến họ khổ não, ngài đã bố thí cho người bệnh tật đủ thứ thuốc chữa bệnh thì vì nhân duyên gì đến hôm nay tự nói rằng, có bệnh? Thưa đức Thế Tôn! Người đời có bệnh, hoặc ngồi, hoặc nằm chẳng yên chỗ của mình, hoặc đi tìm đồ ăn thức uống, dạy bảo người nhà sửa trị sản nghiệp, còn vì sao đức Như Lai mặc nhiên mà nằm, chẳng dạy bảo những người đệ tử Thanh Văn về Thi Ba la mật, các thiền giải thoát Tam ma bạt đề, tu các chánh cần? Vì nhân duyên gì ngài chẳng nói Kinh điển Đại Thừa thậm thâm như vậy? Vì sao đức Như Lai chẳng dùng vô lượng phương tiện dạy ngài Đại Ca Diếp, bậc vua voi trong loài người và các bậc đại nhân.v.v... khiến cho những vị ấy chẳng thoái lui Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao đức Như Lai chẳng sửa trị các vị Tỳ kheo ác nhận nuôi tất cả vật bất tịnh. Thưa đức Thế Tôn! Quả thật ngài không có bệnh mà sao ngài mặc nhiên nghiêng hông phải mà nằm? Các Bồ tát, phàm đã cấp thí cho người bệnh thuốc chữa bệnh thì thiện căn thu được đều bố thí cho chúng sinh mà chung hồi hướng về Nhất Thiết Chủng Trí, vì trừ diệt những phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng của chúng sinh. Phiền não chướng là tham dục, sân nhuế, ngu si, phẩn nộ, triền cái, tiều não (thiêu đốt, não hại), tật đố, san lận, gian trá, dua nịnh, không tàm, không quí (không tủi thẹn), mạn, mạn mạn, chẳng như mạn, tăng thượng mạn ngã mạn, tà mạn, kiêu mạn, phóng dật, cống cao, oán giận, tranh tụng, tà mạng, nịnh hót, trá hiện tướng khác, lấy lợi cầu lợi, cầu xấu, cầu nhiều, không có cung kính, chẳng theo lời dạy bảo, gần gũi bạn xấu, tham lợi không chán, trói buộc khó mở, muốn với ác dục, tham với ác tham, thân kiến, hữu kiến và cả vô kiến, luôn bày tỏ vừa lòng, ngủ ngáp chẳng vui, ham muốn ăn uống, lòng ấy tối tăm, lòng duyên vào dị tưởng, chẳng khéo tư duy, thân miệng nhiều ác, ưa thích nhiều lời, các căn ám độn, phát ngôn nhiều hư dối, thường bị sự che trùm của dục giác, sân nhuế giác và độc hại giác... Đó gọi là phiền não chướng. Nghiệp chướng là năm tội vô gián, bệnh trọng ác. Báo chướng là sinh tại địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, bài báng chánh pháp và nhất xiển đề (Đại tà kiến). Đó gọi là báo chướng. Ba chướng như vậy gọi là đại bệnh mà các Bồ tát, ở vô lượng kiếp, khi tu Bồ Đề đã cấp cho tất cả người bệnh tật thuốc chữa trị, thường phát nguyện này : "Xin khiến cho các chúng sinh vĩnh viễn đoạn dứt bệnh nặng ba chướng này"! Lại nữa, thưa đức Thế Tôn! Đại Bồ tát khi tu Bồ Đề cấp cho tất cả người bệnh thuốc trị bệnh thường phát nguyện này : "Nguyện khiến cho chúng sinh vĩnh viễn đoạn dứt các bệnh, được thành thân Như Lai Kim Cương". Lại nguyên : "Vì tất cả vô lượng chúng sinh làm vua Diệu Dược, đoạn trừ tất cả những trọng bệnh ác. Nguyện cho các chúng sinh được thuốc A dà đà, nhờ dược lực này có thể trừ tất cả ác độc không lường". Lại nguyện cho chúng sinh đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không có thoái chuyển, mau chóng được thành tựu Phật dược Vô thượng, tiêu trừ tất cả mũi tên độc phiền não. Lại nguyện cho chúng sinh siêng tu tinh tấn, thành tựu tâm Như Lai Kim Cương làm thuốc vi diệu trị liệu mọi thứ bệnh, chẳng khiến cho có người sinh ra tranh tụng tưởng. Cũng nguyện chúng sinh làm cây thuốc lớn trị liệu tất cả những trọng bệnh ác. Lại nguyện chúng sinh nhổ ra tên độc, được thành ánh sáng Vô thượng của Như Lai. Lại nguyện cho chúng sinh được vào pháp tạng vi mật đại dược trí tuệ của Như Lai. Thưa đức Thế Tôn! Bồ tát như vậy đã ở vô lượng trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp phát thệ nguyện này, khiến cho những chúng sinh đều không có các bệnh thì vì duyên cớ gì đức Như Lai cho đến hôm nay xướng lên rằng : có bệnh. Lại nữa, thưa đức Thế Tôn! Người đời có bệnh thì chẳng thể ngồi dậy, cúi, ngước, tiến, dừng, ăn uống chẳng ngăn, nước uống chẳng xuống, cũng lại chẳng thể dạy răn các con sửa trị gia nghiệp. Bấy giờ, cha mẹ, vợ con, anh em, thân thuộc, bạn bè đều đối với người này sinh tư tưởng ắt chết. Thưa đức Thế Tôn! Đức Như Lai hôm nay cũng lại như vậy, nghiêng bên phải mà nằm mà không có luận nói gì thì những người ngu của cõi Diêm phù đề này sẽ nghĩ rằng, đức Như Lai Chánh Giác ắt sẽ Niết Bàn mà sinh ra diệt tận tưởng. Nhưng mà tính Như Lai thật ra chẳng rốt ráo vào Niết Bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường trụ không biến dị. Do nhân duyên này, chẳng nên nói rằng, ta nay đau lưng.
Lại nữa, thưa đức Thế Tôn! Người đời có bệnh thì thân thể hao gầy, hoặc nằm, hoặc nghiêng thì nằm xuống giường nệm. Bấy giờ lòng mọi người sinh ra khinh rẻ, khởi lên tư tưởng ắt chết. Đức Như Lai nay cũng lại như vậy, sẽ bị sự khinh nhờn của chín mươi lăm thứ ngoại đạo và phát sinh vô thường tưởng. Những ngoại đạo kia sẽ nói rằng : "Chẳng như chúng ta do tính của ngã nên người, tự tại, thời tiết, vi trần, các pháp.v.v... là thường trụ, không có biến dị. Sự biến thiên vô thường của ông Samôn Cù Đàm là pháp biến dị. Do nghĩa này nên, thưa đức Thế Tôn! Hôm nay ngài chẳng nên mặc nhiên nghiêng bên phải mà nằm. Lại nữa, thưa đức Thế Tôn! Người đời có bệnh thì bốn đại tăng tổn chẳng điều hòa thích hợp hổ tương nhau, gầy yếu thiếu thốn. Vậy nên người bệnh chẳng thể tùy ý ngồi dậy, nằm xuống giường nệm. Đức Như Lai, bốn đại không gì chẳng điều hòa thích hợp, thân lực đầy đủ cũng không gầy yếu, tổn hao, thưa đức Thế Tôn! Như sức mười con trâu nhỏ chẳng bằng sức của một con trâu lớn. Sức mười con trâu lớn chẳng bằng sức của một con trâu xanh. Sức mười con trâu xanh chẳng bằng sức một con phàm tượng. Sức mười con voi thường chẳng bằng sức một con voi hoang. Sức mười con voi hoang chẳng bằng sức của một con voi hai ngà. Sức của mười con voi hai ngà chẳng bằng sức một con voi bốn ngà. Sức mười con voi bốn ngà chẳng bằng sức một con voi trắng của núi Tuyết. Sức mười con voi trắng núi Tuyết chẳng bằng sức một con Hương tượng. Sức mười con Hương tượng chẳng bằng sức một con voi xanh. Sức mười con voi xanh chẳng bằng sức một con voi vàng. Sức mười con voi vàng chẳng bằng sức một con voi đỏ. Sức mười con voi đỏ chẳng bằng sức một con voi trắng. Sức mười con voi trắng chẳng bằng sức một con voi núi. Sức mười con voi núi chẳng bằng sức một con voi Ưu bát la. Sức mười con voi Ưu bát la chẳng bằng sức một con voi Ba đầu ma. Sức mười con voi Ba đầu ma chẳng bằng sức một con voi Câu vật đầu. Sức mười con voi Câu vật đầu chẳng bằng sức một con voi Phân đà lợi. Sức mười con voi Phân đà lợi chẳng bằng sức một lực sĩ trong loài người. Sức mười lực sĩ trong loài người chẳng bằng sức một Bát kiện đề. Sức của mười Bát kiện đề chẳng bằng sức một bát tý (cánh tay) Na la diên. Sức của mười Na la diên tám tay chẳng bằng sức một chi tiết của một Bồ tát Thập trụ. Những chi tiết trong thân của tất cả phàm phu chẳng đụng đến nhau. Đầu chi tiết của lực sĩ trong loài người đụng đến nhau. Các chi tiết trong thân của Bát kiện đề tiếp liền nhau. Đầu chi tiết trong thân của Na la diên móc vào nhau. Những xương đốt của Bồ tát Thập trụ như rồng cuộn bung ra liên kết nhau. Vậy nên sức ấy của Bồ tát rất lớn. Khi thế giới thành, từ cõi bờ Kim cương dấy lên tòa ngồi Kim cương lên đến dưới gốc cây Bồ Đề Đạo Tràng, đức Bồ tát ngồi rồi thì lòng tức thì chứng được mười lực. Đức Như Lai hôm nay chẳng nên như đứa hài nhi trẻ nít kia. Hài nhi trẻ nít ngu si vô trí thì không gì có thể nói. Do nghĩa này nên trẻ nít tùy nằm nghiêng không người chê trách. Còn đức Như Lai Thế Tôn có đại trí tuệ soi sáng tất cả, con rồng lớn của loài người đầy đủ đại uy đức, thành tựu thần thông, bậc tiên nhân vô thượng đoạn trừ vĩnh viễn lưới nghi, đã nhổ bỏ mũi tên độc, tiến lùi an tường, uy nghi đầy đủ, được vô sở úy thì hôm nay ngài vì sao nghiêng hông phải mà nằm, khiến cho những người, trời sầu bi khổ não?
Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp liền ở trước đức Phật mà nói kệ rằng :
Đấng Cù Đàm thánh đức
Diệu pháp nguyện nói lên
Chẳng nên như đứa trẻ
Người bệnh nằm trên giường.
Điều Ngự, Thiên Nhân Sư
Nằm tựa Song Thọ gian
Phàm phu ngu hèn thấy
Sẽ nói ắt Niết Bàn!
Chẳng biết điển Phương Đẳng
Sở hạnh Phật thậm thâm.
Chẳng thấy vi mật tạng
Như mù chẳng thấy đường
Chỉ có các Bồ tát
Như Văn Thù vân...vân..
Giải được thậm thâm đó
Như người giỏi bắn tên.
Ba đời các đức Phật
Đại bi làm cội nguồn
Đại từ bi như vậy
Nay ở đâu Thế Tôn?
Nếu Đại bi không có
Thì chẳng gọi Thế Tôn (Phật)?
Niết Bàn nếu Phật quyết
Thì chẳng gọi là thường.
Nguyện xin đấng Vô thượng
Thượng nhận thỉnh chúng con
Chúng sinh được lợi ích
Ngoại đạo bị diệt tan.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, lòng đại bi xông tỏa, biết ý niệm của mỗi một những chúng sinh, sắp muốn thuận theo sự lợi ích rốt cùng. Đức Phật liền trở dậy ngồi kiết già, nhan mạo tươi vui như vàng lỏng tụ lại, mặt mày đoan nghiêm giống như vầng trăng tròn đầy, hình dung thanh tịnh không có những cấu bẩn, phóng ra ánh sáng lớn soi đầy khắp hư không. Ánh sáng ấy thịnh đại hơn trăm ngàn mặt trời, soi đến các giới ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng phương trên, phương dưới, ban cho chúng sinh đuốc Đại Trí khiến cho họ diệt được hết vô minh hắc ám, khiến cho trăm ngàn ức na do tha an dừng ở tâm Bồ Đề chẳng thoái lui. Lúc bấy giờ, lòng đức Thế Tôn không tư lự nghi ngờ như vua Sư tử, ngài dùng ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân, tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm thân mình. Tất cả lỗ chân lông ở trên thân ấy mà mỗi một lỗ chân lông trổ ra một đóa hoa sen. Hoa ấy vi diệu đều đủ một ngàn cánh mà sắc thuần màu vàng ròng, thân bằng lưu ly, tua bằng Kim Cương, đài bằng ngọc mai khôi, hình dáng lớn tròn trịa giống như bánh xe. Những hoa sen đó đều phát đủ thứ màu sắc xen nhau như xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, pha lê... Những ánh sáng đó đều soi khắp đến địa ngục A Tỳ, địa ngục Tưởng, địa ngục Hắc Thằng (dây đen), địa ngục Chúng Hợp, địa ngục Khiếu Hoán (kêu la), địa ngục Đại Khiếu Hoán, địa ngục Tiều Nhiệt (đốt nóng), địa ngục Đại Tiều Nhiệt. Chúng sinh trong tám địa ngục ấy thường bị sự bức thiết của các khổ như là đốt cháy, nung nấu, nướng trên lửa, chặt, đâm, lột da.... Họ gặp ánh sáng ấy rồi thì mọi khổ như vậy diệt hết, không còn, yên ổn, mát mẻ, khoái lạc không cùng cực. Trong ánh sáng ấy tuyên nói tạng bí mật của Như Lai rằng, các chúng sinh đều có Phật tính. Chúng sinh nghe rồi liền mạng chung sinh vào trong cõi trời, người. Cho đến tám thứ địa ngục lạnh giá (bàn băng) như là địa ngục A Ba Ba, địa ngục A Tra Tra, địa ngục A La La, địa ngục A Ta Ta, địa ngục Ưu Bát La, địa ngục Ba Đầu Ma, địa ngục Câu Vật Đầu, địa ngục Phân Đà Lợi. Chúng sinh trong những địa ngục đó thường bị sự bức bách não hại của khổ lạnh, như là cắt xé thân thể nát vụn, tàn hại lẫn nhau... Họ gặp ánh sáng ấy rồi thì những khổ như vậy cũng diệt không còn, liền được điều hòa ấm áp, thích hợp với thân thể. Trong ánh sáng này cũng nói tạng bí mật của Như Lai rằng, các chúng sinh đều có Phật tính. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi người, trời. Lúc bấy giờ, ở cõi Diêm phù đề này và các thế giới khác mà có địa ngục thì đều trống không, không có người thọ tội, trừ nhất xiển đề. Ngã quỉ, súc sinh bị sự bức bách của đói khát, dùng tóc buộc thân, ở hàng trăm ngàn năm chưa từng nghe danh tự nước uống mà gặp ánh sáng ấy rồi thì đói khát liền tiêu trừ. Trong ánh sáng đó cũng nói lên tạng bí mật của Như Lai rằng, các chúng sinh đều có Phật tính. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi người, trời, khiến cho loài ngã quỉ cũng đều trống không, trừ loài quỉ bài báng chánh điển Đại Thừa Phương Đẳng. Chúng sinh súc sinh giết hại lẫn nhau, tương tàn ăn thịt nhau mà gặp ánh sáng ấy rồi thì lòng sân nhuế đều diệt. Trong ánh sáng đó cũng nói lên tạng bí mật của Như Lai rằng, các chúng sinh đều có Phật tính. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi người, trời. Đang khi ấy loài súc sinh cũng hết, trừ kẻ bài báng chánh pháp. Mỗi một hoa đó đều có một đức Phật với hào quang tròn tỏa sáng một tầm màu vàng rực rỡ, vi diệu đoan nghiêm, tối thượng vô tỷ. Thân các đức Phật đó trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Những đức Thế Tôn đó, hoặc có vị ngồi, hoặc có vị đi, hoặc có vị nằm, hoặc có vị đứng hoặc dậy tiếng sấm, hoặc tuông mưa to, hoặc phóng ra ánh chớp, hoặc quát gió lớn, hoặc phát ra khói lửa thân như đám lửa, hoặc thị hiện bảy báu, những núi, ao, suối, sông, nước, núi rừng, cây cối..., hoặc lại thị hiện bảy báu, đất nước, thành ấp, tụ lạc, cung điện, nhà cửa, hoặc lại thị hiện voi, ngựa, sư tử, cọp, sói, khổng tước (công) phượng hoàng, các loài chim..., hoặc lại thị hiện khiến cho chúng sinh sẵn có trong cõi Diêm phù đề đều thấy địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, hoặc lại thị hiện sáu trời cõi Dục. Lại có đức Thế Tôn, hoặc nói ấm, giới, các nhập có nhiều những lỗi hoạn. Hoặc lại có vị nói pháp bốn Thánh Đế. Hoặc lại có vị nói nhân duyên của các pháp. Hoặc có vị nói các nghiệp phiền não đều do nhân duyên sinh. Hoặc có vị nói ngã cùng vô ngã. Hoặc có vị nói hai pháp khổ và vui. Hoặc lại có vị nói thường, vô thường.v.v... Hoặc lại có vị nói tịnh cùng bất tịnh. Lại có đức Thế Tôn vì các vị Bồ tát diễn nói việc tu hành sáu Ba la mật. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của các vị Đại Bồ tát. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của những đức Phật Thế Tôn. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của người Thanh Văn. Hoặc lại có vị nói thuận theo Nhất thừa. Hoặc lại có vị nói về Tam thừa thành đạo. Hoặc có đức Thế Tôn mà hông trái tuông ra nước, hông phải phát ra lửa. Hoặc có vị thị hiện : sơ sinh, xuất gia, ngồi ở dưới gốc cây Bồ Đề Đạo Tràng, chuyển bánh xe diệu pháp, vào đến Niết Bàn. Hoặc có đức Thế Tôn tạo tiếng rống Sư tử khiến cho trong hội này có người được một quả, hai quả, ba quả cho đến quả thứ tư. Hoặc lại có vị nói lên vô lượng nhân duyên lìa khỏi sinh tử. Lúc bấy giờ, chúng sinh sẵn có trong cõi Diêm phù đề này gặp ánh sáng ấy rồi thì người mù thấy được hình sắc, người điếc nghe được tiếng, người câm có thể nói, người què có thể đi, người nghèo được của, người san tham có thể bố thí, người sân nhuế phát từ tâm, người chẳng tin thì tin... Như vậy thế giới không có một chúng sinh tu hành pháp ác, trừ nhất xiển đề. Lúc bấy giờ, tất cả trời, rồng, quỉ thần, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, la sát, kiền đà, ưu ma đà, a bà ma la, người, chẳng phải người.v.v... đều chung đồng thanh xướng lên rằng :
- Hay thay! Hay thay! Đấng Vô Thượng Thiên Tôn nhiều sự lợi ích!
Nói lời đó rồi, họ nhảy nhót vui mừng, hoặc ca, hoặc múa, hoặc thân chuyển động... dùng đủ loại hoa tung lên đức Phật và chúng Tăng. Những hoa đó là hoa Thiên Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi, hoa Mạn đà la, hoa đại Mạn đà la, hoa Mạn thù sa, hoa đại Mạn thù sa, hoa Tán đà na, hoa đại Tán đà na, hoa Lô chỉ na, hoa đại Lô chỉ na, hoa Hương, hoa Đại hương, hoa Thích ý, hoa Đại thích ý, hoa Ái kiến, hoa Đại ái kiến, hoa Đoan nghiêm, hoa Đệ nhất đoan nghiêm. Họ lại còn tung lên các thứ hương như hương trầm thủy đa dà lâu, hương hòa hợp đủ thứ Chiên đàn uất kim, hương tụ bên bờ biển (long diên hương)... Họ lại dùng tràng phan bảo cái trên trời, các kỹ nhạc nhà trời như đàn tranh, sáo, sênh, đàn sắt, đàn không hầu... tấu thổi lên để cúng dường đức Phật mà nói kệ rằng :
Con nay cúi lạy Đại Tinh Tấn
Vô thượng Chánh Giác Lưỡng Túc Tôn
Trời, người, đại chúng đều chẳng biết
Chỉ có Cù Đàm mới hiểu thông.
Thế Tôn vì con nên thuở trước
Tu khổ hạnh nhiều kiếp không lường
Mà sao một sớm bỏ bổn thệ
Liền bỏ mạng thân vào Niết Bàn
Tất cả chúng sinh chẳng thể thấy
Bí mật tạng của Phật Thế Tôn
Do nhân duyên này khó ra khỏi
Đường ác và sinh tử chuyển vần.
Như lời Phật nói, A la hán
Tất cả đều phải đến Niết Bàn
Hành xử Phật thậm thâm như vậy
Phàm phu ngu, ai có thể thông
Cho các chúng sinh pháp cam lộ
Vì họ đoạn trừ các não phiền
Nếu có người uống cam lộ ấy
Thì sinh, già, bịnh, chết chẳng còn.
Như Lai Thế Tôn đã trị liệu
Trăm ngàn chúng sinh nhiều không lường.
Khiến những trọng bệnh sở hữu ấy
Tất cả tiêu diệt hết, không còn.
Đã lâu Thế Tôn xả bệnh khổ
Nên được gọi đệ thất Thế Tôn (đệ thất Phật)
Nguyện xin hôm nay mưa pháp vũ
Thấm nhuần giống công đức chúng con.
Các đại chúng và người, trời đó
Thỉnh như vậy rồi đứng mặc nhiên.
Khi nói bài kệ này thì tất cả các đức Phật trong đài hoa sen từ cõi Diêm phù đề khắp đến cõi trời Tịnh Cư đều nghe hết. Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :
- Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ông đã đầy đủ trí tuệ vi diệu thậm thâm như vậy thì chẳng bị sự phá hoại của những ma ngoại đạo. Này thiện nam tử! Ông đã an trụ chẳng bị sự khuynh động của tất cả những cơn gió tà ác. Này thiện nam tử! Ông đã thành tựu biện tài "lạc thuyết", đã từng cúng dường vô lượng hằng hà sa số những đức Phật Thế Tôn đời quá khứ. Vậy nên ông có thể hỏi Như Lai Chánh Giác về cái nghĩa như vậy. Này thiện nam tử! Ta vào thuở xa xưa, vô lượng vô biên ức na do tha trăm ngàn vạn kiếp đã trừ hết bệnh căn, vĩnh viễn lìa khỏi dựa, nằm. Này Ca Diếp! Thuở quá khứ vô lượng atăngkỳ kiếp, có đức Phật ra đời, hiệu là Vô Thượng Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Ngài đã vì các Thanh Văn nói Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn này, khai thị, phân biệt, hiển phát nghĩa của Kinh ấy. Ta vào lúc ấy cũng vì đức Phật đó mà làm Thanh Văn, thọ trì Kinh điển Đại Niết Bàn như vậy. Ta đọc tụng thông lợi, ghi chép thành Kinh quyển, rộng vì người khác mà khai thị, phân biệt, giải nói nghĩa của Kinh ấy, rồi đem thiện căn này hồi hướng về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Ta từ đó đến nay chưa từng có nghiệp duyên phiền não ác đọa vào ác đạo, bài báng Chánh pháp làm nhất xiển đề, thọ thân huỳnh môn, không có căn hay hai căn, phản nghịch cha mẹ, giết A la hán, phá tháp, hoại Tăng, làm chảy máu thân Phật, phạm bốn trọng cấm... Từ đó đến nay thân tâm ta yên ổn, không có các khổ não. Này Ca Diếp! Ta nay quả thật không có tất cả bệnh tật. Sở dĩ vì sao? Vì các đức Phật Thế Tôn xa lìa tất cả bệnh lâu rồi. Này Ca Diếp! Những chúng sinh chẳng biết lời mật giáo của Đại Thừa Phương Đẳng liền cho là Như Lai có bệnh chân thật.
Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai là sư tử trong loài người mà Như Lai thì thật chẳng phải là sư tử. Lời nói như vậy tức là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai là Đại Long trong loài người, mà ta đã ở trong vô lượng kiếp đã lìa bỏ nghiệp này. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai là người, là trời, mà ta chân thật chẳng phải là người, chẳng phải là trời, cũng chẳng phải là quỉ thần, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, chẳng phải là Ngã, chẳng phải là mạng, chẳng phải có thể nuôi dưỡng, chẳng phải sĩ phu người, chẳng phải tác, chẳng phải bất tác, chẳng phải thọ, chẳng phải chẳng thọ, chẳng phải là Thế Tôn, chẳng phải là Thanh Văn, chẳng phải nói, chẳng phải chẳng nói... Những lời nói như vậy đều là lời dạy bí mật của Như Lai.
Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như vua núi Tu Di, biển cả mà Như Lai thì thật chẳng phải vị mặn, đồng với núi đá. Ông phải biết, lời nói đó cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai như hoa Phân Đà Lợi, mà ta thật chẳng phải là hoa Phân Đà Lợi. Lời nói như vậy tức là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như cha mẹ, mà Như Lai thì thật chẳng phải là cha mẹ. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai là Đại Thuyền Sư (người lái thuyền giỏi) mà Như Lai thì thật chẳng phải là Thuyền sư. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như thương chủ (người chủ buôn bán), mà Như Lai thì thật chẳng phải là thương chủ. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai có thể tiêu diệt, hàng phục ma, mà Như Lai thì thật không có ác tâm muốn khiến cho người khác phục. Lời nói như vậy đều là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như nói rằng, Như Lai có thể trị ung thư, ghẻ lớn, mà ta thật chẳng phải là thầy trị ung thư, ghẻ lở. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Như lời nói trước đây của ta, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân giỏi có thể sửa trị nghiệp của thân, miệng, ý thì khi bỏ mạng, tuy có thân tộc thủ lấy thi hài của mình hoặc dùng lửa đốt, hoặc ném vào nước lớn, hoặc bỏ vào nghĩa địa.... chồn, sói, cầm thú tranh nhau ăn nuốt, nhưng tâm ý thức liền sinh vào đường thiện. Tâm pháp đó thật không đi, lại, cũng không chỗ đến, những là trước sau tương tợ, nối tiếp nhau, hình mạo như nhau chẳng khác. Lời nói như vậy tức là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca Diếp! Hôm nay ta nói bệnh cũng lại như vậy, cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Vậy nên, việc ta bảo với Văn Thù Sư Lợi, ta nay đau lưng, các ông hãy vì bốn chúng nói pháp, này Ca Diếp! Như Lai Chánh Giác thật không có bệnh, nghiêng hông phải mà nằm, cũng chẳng rốt cùng vào Niết Bàn. Này Ca Diếp! Đại Niết Bàn này tức là Thiền định thậm thâm của chư Phật. Thiền định như vậy chẳng phải là hành xử của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Này Ca Diếp! Vấn đề ông hỏi ở trước là, vì sao đức Như Lai dựa nằm, chẳng dậy, chẳng đòi ăn uống, răn bảo gia thuộc sửa trị sản nghiệp? Này Ca Diếp! Tính của hư không cũng không ngồi dậy, tìm đòi ăn uống, dạy bảo gia thuộc sửa trị sản nghiệp, cũng không đi, lại, sinh-diệt, lão-tráng, hiện ra - mất đi, thương - phá, giải thoát - trói buộc, cũng chẳng tự nói, cũng chẳng nói người khác, cũng chẳng tự mở, cũng chẳng mở cho người khác, chẳng phải an, chẳng phải bệnh... Này thiện nam tử! Các đức Phật Thế Tôn cũng lại như vậy, giống như hư không thì làm sao sẽ có những bệnh khổ vậy?
Này Ca Diếp! Người đời có ba bệnh khó trị, một là bài báng Đại Thừa, hai là tội ngũ nghịch, ba là nhất xiển đề. Trong đời, ba thứ bệnh như vậy rất nặng mà chẳng phải Thanh Văn, Duyên Giác có thể trị liệu được. Này thiện nam tử! Ví như có thứ bệnh nhất định chết không trị được, hoặc có xem bệnh tùy ý cho thuốc trị bệnh, hoặc không xem bệnh tùy ý cho thuốc trị bệnh như vậy nhất định chẳng thể chữa trị. Ông phải biết, người đó nhất định chết, chẳng nghi ngờ gì. Này thiện nam tử! Ba thứ người này cũng lại như vậy, nếu có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát hoặc thuyết pháp, hoặc chẳng thuyết pháp thì cũng chẳng thể khiến cho những người ấy phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Ca Diếp! Ví như người bệnh, nếu có xem bệnh theo ý cho thuốc trị bệnh thì có thể khiến hết bệnh còn nếu không thì người này chẳng thể hết bệnh. Thanh Văn, Duyên Giác cũng lại như vậy, theo Phật, Bồ tát được nghe pháp rồi liền có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu họ chẳng nghe pháp thì chẳng thể phát tâm vậy. Này Ca Diếp! Ví như người bệnh, nếu có xem bệnh theo ý cho thuốc trị bệnh, hoặc không xem bệnh theo ý cho thuốc trị bệnh đều có thể hết bệnh. Có một thứ người cũng lại như vậy, hoặc gặp Thanh Văn hay chẳng gặp Thanh Văn, hoặc gặp Duyên Giác hay chẳng gặp Duyên Giác, hoặc gặp Bồ tát hay chẳng gặp Bồ tát, hoặc gặp Như Lai hay chẳng gặp Như Lai hoặc được nghe pháp hay chẳng được nghe pháp mà tự nhiên được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là có người hoặc vì tự thân, hoặc vì thân người khác, hoặc vì bố úy (kinh sợ), hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì dua nịnh, hoặc vì lừa dối người khác mà ghi chép Kinh Đại Niết Bàn như vậy rồi thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính vì người khác diễn nói.
Này Ca Diếp! Có năm thứ người có bệnh hành xử đối với Kinh điển Đại Thừa Đại Niết Bàn này mà chẳng phải là Như Lai. Những ai là năm? Một là người đoạn được ba kết sử chứng quả Tu Đà Hoàn, chẳng còn đọa vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, trở lại cõi người, trời bảy lần rồi đoạn trừ vĩnh viễn các khổ mà vào với Niết Bàn. Này Ca Diếp! Đó gọi là người thứ nhất có bệnh hành xử. Người này đời vị lai qua tám vạn kiếp sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Ca Diếp! Người thứ hai là người đoạn dứt ba kết sử, giảm bớt tham, sân, si, chứng quả Tư Đà Hàm, một lần trở lại cõi người, trời rồi đoạn dứt các khổ mà vào với Niết Bàn. Này Ca Diếp! Đó gọi là người thứ hai có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai qua sáu vạn kiếp sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Người thứ ba là người đoạn dứt năm hạ kết, chứng quả A Na Hàm, chẳng trở lại cõi này, đoạn trừ vĩnh viễn các khổ, vào với Niết Bàn. Đó gọi là người thứ ba có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai, qua bốn vạn kiếp, sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Ca Diếp! Người thứ tư là người đoạn trừ vĩnh viễn tham dục, sân nhuế, ngu si, chứng quả A La Hán, phiền não không còn, vào với Niết Bàn, cũng chẳng phải là hạnh Kỳ lân độc nhất. Đó gọi là người thứ tư có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai, qua hai vạn kiếp sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Ca Diếp! Người thứ năm là người đoạn trừ vĩnh viễn tham dục, sân nhuế, ngu si, chứng được đạo Bích Chi Phật, phiền não không còn, vào với Niết Bàn, thật sự là hạnh Kỳ lân độc nhất. Đó là người thứ năm có bệnh hành xử. Người này, vào đời vị lai, qua mười ngàn kiếp sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Ca Diếp! Đó gọi là người thứ năm có bệnh hành xử, chẳng phải là Như Lai vậy.
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
- Quyển thứ mười hết -