Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

QUYỂN 34

18/04/201316:34(Xem: 8650)
QUYỂN 34

Đại Tạng No. 1425

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch:
Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La(Người Thiên Trúc) cùng
Sa Môn Pháp Hiển dịch vào đời Đông Tấn.

Việt dịch:Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa:Thích Đỗng Minh


Phật lịch: 2545 - 2000

--- o0o ---

Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri

Quyển thứ ba mươi bốn

-ooOoo-

NÓI RÕ PHẦN ÐẦU CỦA OAI NGHI

TÁC PHONG CỦA THƯỢNG TỌA THỨ NHẤT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-kheo Tăng tập hợp để bố tát; trong lúc mọi người tập trung đông đủ, thì vị Thượng tọa của Tăng là Nan-đà không đến. Khi ấy có đàn việt đem phẩm vật đến chờ chư Tăng tập hợp đông đủ để cúng dường, liền hỏi các Tỉ-kheo:

- Dạ thưa Tăng đã tập hợp đông đủ chưa?

- Tập hợp chưa đông đủ.

- Ai không đến vậy?

- Vị Thượng tọa của Tăng không đến.

Ðàn việt liền chê trách: "Ta chờ Tăng tập họp đông đủ để cúng dường nhưng Thượng tọa lại không đến". Vì đã chờ đợi lâu, nên thí chủ đem phẩm vật cúng dường, rồi ra về.

(499b) Ðến lúc chiều tối, Thượng tọa mới tới, nên không phát thẻ, không hỏi việc các Tỉ-kheo không đến hãy thuyết dục thanh tịnh, liền nói tóm tắt 4 việc (4 Ba-la-di) rồi giải tán.

Bấy giờ vị Tỉ-kheo trẻ tuổi bèn hỏi chư Tăng:

- Thưa, Thượng tọa đã đến chưa?

- Thượng tọa đến rồi lại về.

Tỉ-kheo trẻ tuổi liền trách móc: "Vì sao Thượng tọa đến cũng không cho ai biết, đi cũng chẳng nói ai hay?"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan-đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, vị Thượng tọa của chúng Tăng phải biết các việc sau đây: Phải biết về phép tắc của Thượng tọa, kỳ này Bố-tát vào ngày 14 hay ngày 15, hay trung gian Bố-tát, Bố-tát ban ngày hay ban đêm; đồng thời phải biết nơi chốn, hoặc tại phòng sưởi, giảng đường hay trong rừng. Phải tụng đầy đủ 5 thiên giới bổn, tối thiểu là tụng 4 Ba-la-di và các bài kệ, rồi tuyên bố: "Ngoài ra các giới khác chư Tăng đã thường nghe". Nếu trong thành ấp xóm làng có Tỉ-kheo thì Thượng tọa nên sai người loan báo: Kỳ này Tăng Bố-tát vào ngày 14, hoặc ngày 15, hoặc trước bữa ăn, sau bữa ăn, vào lúc bóng người ngang chừng ấy sẽ Bố-tát tại mỗ xứ. Trước hết nên sai người quét tước giới trường, rải đất bằng phẳng, rải các loại hoa. Thượng tọa còn phải dự liệu xem ai nên chú nguyện, tụng giới, ai phát thẻ. Nếu lúc tụng giới Tăng chưa tập họp mà có đàn việt đến thì Thượng tọa nên thuyết pháp rồi ủy lạo họ. Nếu Thượng tọa không thể làm được, thì nên mời Thượng tọa thứ hai, hoặc pháp sư thuyết pháp. Khi đến giờ Bố-tát nên hỏi đàn việt muốn ở lại hay đi về. Nếu họ nói rằng đi về, thì nên chú nguyện rồi tiễn họ ra đi. Nếu họ nói "ở lại" thì nên bảo họ rời khỏi giới trường rồi mới Bố-tát. Nếu có khả năng thì nên dùng nước thơm nấu nóng rửa thẻ rồi mới phát. Nếu đại chúng ngồi trong giới trường thưa thớt thì nên một người phát thẻ, rồi một người thâu lại. Khi đưa thẻ không được trùm đầu, choàng khăn trên vai, đồng thời phải bỏ giày dép, trật vai áo phải mà phát thẻ. Người nhận thẻ cũng phải làm như thế. Khi phát thẻ phải phát cho người thọ Cụ túc trước rồi mới phát cho Sa-di. Khi phát xong phải bạch: Chừng ấy người thọ Cụ túc, chừng ấy Sa-di, cộng tất cả được chừng ấy người. Vị Thượng tọa của Tăng phải tụng giới; nếu không thể tụng, thì vị Thượng tọa thứ hai phải tụng; nếu cũng không tụng được thì lần lượt đến người nào tụng được, phải tụng. Khi tụng, nếu trời sắp tối, mưa gió xảy đến, hoặc có người già bệnh không thể ngồi lâu, trú xứ ở xa, hoặc có nạn vua, nạn giặc, thì bấy giờ được phép tụng tóm lược. Nếu thời giờ còn sớm không có các nạn kể trên thì phải tụng đầy đủ, hoặc Thượng tọa tự tụng, hoặc người khác tụng, hoặc hòa hợp thuyết pháp, bàn luận, hỏi đáp, chú nguyện cả đêm. Phép tắc Bố-tát của Thượng tọa phải như thế. Nếu không làm như vậy (499c) thì vượt pháp oai nghi.

TÁC PHONG CỦA THƯỢNG TỌA THỨ HAI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-kheo tập họp để Bố-tát, thì Thượng tọa thứ nhất đến, nhưng Thượng tọa thứ hai không đến; lúc ấy, có đàn việt đem phẩm vật đến định cúng dường, bèn hỏi các Tỉ-kheo:

- Dạ thưa chúng Tăng đã tập họp đầy đủ chưa?

- Tập hợp chưa đầy đủ.

- Vị nào không đến vậy?

- Thượng tọa thứ hai không đến.

Ðàn việt liền trách móc: "Ta định cúng dường ít phẩm vật, nhưng Thượng tọa thứ hai lại không đến".

Ðợi hồi lâu không thấy đến, đàn việt bèn đem phẩm vật cúng dường, rồi ra về. Ðến chiều tối, Thượng tọa thứ hai mới tới, Thượng tọa thứ nhất bèn chê trách: "Thế Tôn chỉ chế định riêng tôi còn Thượng tọa thứ hai không hỏi đến chăng?"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, khi Bố-tát thì Thượng tọa thứ hai cũng phải biết tất cả mọi việc như Thượng tọa thứ nhất đã được nói rõ ở trên chỉ có tên gọi Thượng tọa thứ hai là khác mà thôi. Nếu Thượng tọa thứ nhất của Tăng không thể chu toàn, thì Thượng tọa thứ hai phải đảm trách. Nếu không làm được như thế thì vượt pháp oai nghi.

TÁC PHONG CỦA TĂNG CHÚNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ Tỉ-kheo Tăng tập họp để Bố-tát, thì đệ nhất Thượng tọa, đệ nhị Thượng tọa đến, nhưng các người khác thì lề mề không tập họp đúng giờ. Ðệ nhất và đệ nhị Thượng tọa liền chê trách: "Phải chăng đức Thế Tôn chỉ chế định riêng chúng tôi, không chế định cho những người khác?"

Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỉ-kheo ấy đến. Khi họ tới rồi, Phật liền hỏi:

- Các ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, việc Bố-tát tất cả chúng Tăng đều phải biết. Ðó là các việc như sau: Hôm nay là ngày mồng một, mồng hai trong tháng cho đến ngày 14, ngày 15 Bố-tát đều phải biết, hoặc Bố-tát chính thức, Bố-tát trung gian, Bố-tát tại nơi nào đều phải biết. Nếu có người hỏi "Hôm nay là ngày thứ mấy", thì không được hỏi ngược lại "Hôm qua là ngày thứ mấy" mà cần phải biết. Nếu sợ quên thì phải làm thẻ xâu lại, treo trước giảng đường, hay trước nhà bếp. Người trực nguyệt, tri sự cứ mỗi ngày qua đếm một thẻ. Ngày Bố-tát phải tụng đầy đủ 5 thiên giới; nếu có nạn tai thì tụng 4 Ba-la-di và các bài kệ, rồi nói: "Ngoài ra các giới khác như Tăng đã thường nghe". Tất cả mọi việc trong phần Thượng tọa ở trên đã nói rõ chỉ khác là chữ tất cả mà thôi. Nếu đệ nhất, đệ nhị Thượng tọa không biết thì tất cả những người khác đều phải biết. Nếu không biết như thế thì vượt pháp oai nghi.

CÁCH THỨC CHÚ NGUYỆN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ có đàn việt đến tinh xá Kỳ Hoàn cúng dường trai phạn cho Tỉ-kheo Tăng, thì vị Thượng tọa thứ nhất (là Nan-đà) không đến, khiến cho cơm canh nguội lạnh, đàn việt bèn hỏi các Tỉ-kheo:

- (500a) Tỉ-kheo Tăng đã tập họp chưa?

- Chưa tập họp.

- Ai không đến.

- Thượng tọa đệ nhất không đến.

Ðàn việt bèn than phiền: "Ta bỏ cả việc nhà đến đây để cúng dường trai phạn cho chư Tăng, thế mà Tỉ-kheo không tập trung". Ðến giờ Thượng tọa mới tới không tán thán thức ăn, cũng không chú nguyện, vội vã ăn xong rồi bỏ đi. Vị trẻ tuổi hỏi: - Thượng tọa đến chưa?

- Ðã đến, nhưng ăn rồi bỏ đi.

Lúc ấy, vị trẻ tuổi liền trách móc: "Thượng tọa đến cũng không cho ai biết, đi cũng chẳng nói ai hay".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan-đà đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, vị Thượng tọa của Tăng phải biết các việc sau đây: Hôm nay ai cúng dường thức ăn, cúng cho hai bộ chúng hay một bộ chúng, hay mời từng phòng riêng, tại thôn xóm hay tại tinh xá, đều phải biết. Nếu có người mời ngày mai cúng dường cơm cho chúng Tăng, thì vị Thượng tọa trong Tăng không nên nhận liền mà phải biết người đến mời đó tên họ là gì, người quen hay lạ, nhà ở con đường nào. Vì e có kẻ đùa bỡn Tỉ-kheo cho nên không được nhận liền. Nếu có người biết rõ người đàn ông, đàn bà mời kia là ai thì được nhận lời mời. Sau khi nhận lời mời, không được tùy tiện đi đến, mà sáng sớm hôm sau nên sai người trực nguyệt, hoặc người làm vườn, hoặc Sa-di đến đó xem, xem họ có bị quan huyện, nước lửa, trộm cướp, sinh đẻ, tử vong mà không chuẩn bị được chăng. Nếu có các tai nạn như thế thì Tăng nên tự lo việc ăn uống. Nếu không thể lo được thì nên bảo mọi người đi khất thực. Khi sứ giả đến hỏi chủ nhân đã chuẩn bị thức ăn xong chưa, nếu họ hỏi: "Người nào? Thức ăn gì?", thì biết đó là kẻ điên cuồng. Bấy giờ, nếu tăng-già-lam có thức ăn thì nên sửa soạn để ăn. Còn nếu như không có thì nên tuyên bố rằng Tỉ-kheo Tăng bị kẻ điên cuồng lừa gạt, mỗi người nên tự đi khất thực lấy. Trái lại, nếu người chủ mời nói: "Thưa tôn giả, con đang sửa soạn đây", thì lúc ấy, Thượng tọa phải biết thời giờ. Nếu vào mùa Ðông thì mọi người nên tập họp đông đủ rồi cùng đi. Nếu vào mùa Xuân, mùa Hạ thì nên kẻ trước, người sau mà đi. Nếu đến nhà người đã mời mà còn sớm, cơm chưa dọn, muốn đi tới chỗ nào thì phải thưa với Tỉ-kheo khác rằng: "Tôi muốn đến nhà mỗ giáp, khi cơm dọn xong đừng đợi tôi". Ði rồi, phải trở về sớm. Khi vào nhà đàn việt, Thượng tọa phải biết ngồi ở bên phải hay bên trái. Nếu đàn việt tổ chức ngày lễ Khánh tiết, đặt ghế ngồi ở bên phải thì nên ngồi. Nếu họ mở hội cúng thí thực ngạ quỉ, đặt ghế ngồi ở bên trái thì cũng nên ngồi. Nếu họ trải tọa cụ dài còn mới, có vẻ gấp gáp, thì nên dùng tay ra hiệu bảo phải từ từ, rồi ngồi xuống chầm chậm kẻo bị hư hỏng. Nếu không có việc gì gấp thì không được ngồi xuống liền, vì e ở dưới có khí cụ gì khác, hoặc là trẻ con đang ngủ. Cho nên trước hết nên dùng một bàn tay sờ vào chỗ ngồi. Không được đem bình bát cấu bẩn và bánh trái đặt lên trên đó. Không được dùng tay mà chùi. Thượng tọa phải biết ai coi chừng phòng, ai bệnh, để bảo (500b) đàn việt đưa thức ăn. Nếu đàn việt tiếc của thì nên bảo: "Này lão trượng, theo phép thì phải cho, không được không cho". Nếu ngày còn sớm thì nên xếp hàng mà nhận lấy vật cúng dường. Nếu ngày giờ đã trễ mà họ đưa ai trước thì nhận trước rồi bảo họ đi tiếp. Vị Thượng tọa của Tăng phải biết thí chủ cúng dường vì mục đích gì mà chú nguyện đúng chuyện. Khi đàn việt dọn thức ăn, nếu dọn cho Thượng tọa nhiều, thì Thượng tọa nên hỏi: "Tất cả chúng Tăng đều được như thế chăng?". Nếu đáp: "Chỉ có Thượng tọa được như vậy", thì nên bảo họ cúng dường tất cả bình đẳng. Nếu họ nói: "Tất cả đều được như vậy", thì nên nhận. Nếu cần ít thì lấy ít, những người ngồi dưới thì nên bảo đưa nhiều hơn. Nếu có các món ăn ngon như sữa, sữa chua, bánh, thịt, sữa đóng váng, thì nên bảo thí chủ dọn bình đẳng cho tất cả. Phép tắc của vị Thượng tọa trong chúng Tăng là không được nhận xong liền ăn, mà phải đợi dọn đủ tất cả, rồi tuyên bố rằng "cúng dường bình đẳng", bấy giờ mới được ăn. Cách ăn của Thượng tọa là phải ăn từ từ, không được ăn vội vàng cho xong rồi ngồi nhìn, khiến những người trẻ phải vội vã ăn không no, nên trông chừng nhau mà ăn. Không được ăn xong rồi bỏ đứng dậy trước, mà nên đợi họ đưa nước uống, tùy thuận chú nguyện xong rồi mới đứng dậy. Nếu thí chủ cúng dường cầu phúc cho người chết, thì không nên chúc lành bằng câu:

"Lành thay đã vô thường,
Hôm nay ngày tốt lành.
Bày các thức trân quí,
Cúng dường hàng phước điền".

mà nên chú nguyện như sau:

"Tất cả mọi chúng sinh
Có sinh mạng đều chết.
Tùy theo nghiệp dữ lành,
Tự chuốc lấy quả báo.
Làm ác xuống địa ngục,
Tạo thiện lên cõi trời.
Nếu có thể tu hành,
Hết lậu, được Niết-bàn".

Nếu họ sinh con, thiết lễ ăn mừng thì không nên chú nguyện như sau:

"Ðồng tử bỏ nghĩa địa,
Mút tay, bảy ngày sống,
Không bị ruồi nhặng hại,
Do công đức đồng tử".

mà nên chú nguyện như sau:

"Ðồng tử qui y Phật,
Như Lai Tì-bà-thi,
Thi-khí, Tì-diệp-bà,
Câu-lâu, Câu-na-hàm,
Ca-diếp và Thích-ca.
Bảy đời các Thế Tôn.
Ví như bậc cha mẹ,
Luôn thương nhớ con mình.
Các niềm vui trên đời,
Ðều mong con mình được
(500c) Muốn con hưởng phước đức,
Hơn tất cả kẻ khác,
Thân quyến khắp cả nhà
Ðều chung vui bất tận".

Nếu thí chủ về nhà mới, thiết trai cúng dường, thì không nên chú nguyện rằng:

"Khi nhà bị lửa thiêu,
Của cải đem ra được.
Tất cả tài sản mình
Ðều không bị thiêu rụi"

mà nên chú nguyện như sau:

"Cửa nhà che nắng mưa,
Muốn chi đều toại ý.
Các hiền thánh cao quí,
Ðều trú ở trong này.
Kẻ thông minh trên đời,
Hẳn biết rõ nơi đây.
Mời bậc gìn giới hạnh,
Bày ẩm thực, làm phước.
Tăng dùng lời chú nguyện,
Thần nhà ắt hân hoan.
Sinh thiện tâm gìn giữ,
Trọn đời được an trụ.
Nếu đi vào xóm làng,
Hay đến nơi hoang dã.
Ban ngày hay ban đêm,
Thiên thần đều bảo hộ".

Nếu thương khách sắp khởi hành, thiết lễ cúng dường cầu phước, thì không nên chú nguyện thế này:

"Tất cả mọi phương diện,
Nạn giặc không nên đi.
Giờ đây thật đúng lúc,
Xuất gia tu phạm hạnh".

mà nên chú nguyện như sau:

"Mọi nơi đều an ổn,
Chư thiên ban điềm lành.
Nghe rồi tâm hoan hỷ,
Mong chi đều được cả.
Loài hai chân an ổn,
Loài bốn chân cũng an.
Lúc ra đi an lạc,
Khi trở về bình yên.
Ngày yên, đêm cũng yên,
Chư thiên thường bảo hộ.
Bạn bè đều hiền lành,
Tất cả thảy an ổn
Khang kiện và tốt đẹp,
Tay chân đều vô bệnh.
Thân thể được bảo toàn,
Chẳng bệnh, chẳng khổ đau.
Tất cả mọi mong cầu,
Ðều toại tâm mãn nguyện.

Ở phương Ðông có bảy ngôi sao thường bảo hộ thế gian, làm cho họ được như nguyện, đó là: Ngôi thứ nhất tên Cát-lợi-đế; ngôi thứ hai tên Lộ-ha-ni; ngôi thứ ba tên Tăng-đà-na; ngôi thứ tư tên Phân-bà-tủy; (501a) ngôi thứ năm tên Phất-thi; ngôi thứ sáu tên Bà-la-na; ngôi thứ bảy tên A-xá-lợi. Ðó gọi là bảy ngôi sao ở phương Ðông thường bảo hộ thế gian. Nay chúng sẽ bảo hộ ông khiến cho an ổn, được lợi ích và trở về sớm; tất cả tinh tú đều góp phần bảo hộ ông.

Lại nữa, phương Ðông có tám Thiên nữ: Người thứ nhất tên Lại-xa-ma-đề; người thứ hai tên Thi-sa-ma-đề; người thứ ba tên Danh Xưng; người thứ tư tên Da-thâu-đà-la; người thứ năm tên Hảo Giác; người thứ sáu tên Bà-la-thấp-ma; người thứ bảy tên Bà-la-phù-đà; người thứ tám tên A-tì-ha-la. Ðó là tám Thiên nữ ở phương Ðông thường bảo hộ thế gian. Lại có Thiên Vương tên Ðề-đầu-lại-tra vua của Kiền-thát-bà và tất cả Chư Thiên thường hộ trì các ngươi, khiến tất cả đều được an ổn, lợi ích mà trở về sớm.

Phương Ðông có Chi-đề tên Cung trượng thường tỏa ánh sáng, chư thiên cung kính cúng dường. Tất cả các vị Thiên cúng dường ấy sẽ hộ trì ngươi khiến được tài lợi, an ổn mà trở về sớm.

Phương Nam có bảy ngôi sao thường hộ trì thế gian: Ngôi thứ nhất tên Ma-già; ngôi thứ hai và thứ ba cùng tên là Phả-cầu-ni; ngôi thứ tư tên Dung-đế; ngôi thứ năm tên Chất-đa-la; ngôi thứ sáu tên Tư-bà-đế; ngôi thứ bảy tên Tì-xá-khư. Ðó là bảy ngôi sao ở phương Nam thường bảo hộ thế gian, nay sẽ bảo hộ ngươi khiến được an ổn, lợi ích mà trở về sớm. Ðồng thời tất cả tinh tú đều sẽ hộ trì ngươi.

Ở phương Nam có tám thiên nữ: Người thứ nhất tên Lại-xa-ma-đế; người thứ hai tên Thi-sư-ma-đế; người thứ ba tên Danh Xưng; người thứ tư tên Danh Xưng Trì; người thứ năm tên Hảo Giác; người thứ sáu Hảo Gia; người thứ bảy tên Hảo Lực; người thứ tám tên Phi Ðoạn, thường bảo hộ thế gian. Ðồng thời, có Thiên Vương tên Tì-lưu-đồ vua của Quỉ Thần Câu-ma-đồ, cùng bảo hộ ngươi được lợi ích mà trở về sớm.

Phương Nam có Chi-đề tên A-tì-bát-thi thường phóng ra ánh sáng, chư Thiên cung kính cúng dường. Tất cả chư Thiên cúng dường Chi-đề sẽ hộ trì ngươi được an ổn, lợi ích mà trở về sớm.

Ở phương Tây có bảy ngôi sao thường bảo hộ thế gian: Ngôi thứ nhất tên Bất diệt; ngôi thứ hai tên Thệ-tra; ngôi thứ ba tên Mâu-ra; ngôi thứ tư tên Kiên Cường tinh tấn; ngôi thứ năm và thứ sáu cùng tên là A-sa-đồ; ngôi thứ bảy tên A-tì-xà-ma, bảy ngôi sao này thường bảo hộ thế gian, sẽ bảo hộ ngươi được lợi ích mà trở về sớm. Ðồng thời tất cả tinh tú cũng đều bảo hộ ngươi.

Ở phương Tây có tám Thiên nữ: Người thứ nhất tên A-lam-phù-bà; người thứ hai tên Tạp-phát; người thứ ba tên A-lợi-tra; người thứ tư tên Hảo-quang; người thứ năm tên Y-ca-đề-xá; người thứ sáu tên Na-bà-tư-ca; người thứ bảy tên Ký-sắc-ni; người thứ tám tên Sa-đà-la. Ðó gọi là tám Thiên nữ. Ðồng thời có Thiên Vương tên Tì-lưu-bác-xoa thường hộ trì thế gian. Lại có Long Vương tên Bà-lưu-ni và tất cả loài rồng (501b) sẽ hộ trì ngươi được lợi ích mà trở về sớm.

Phương Tây có núi tên Nhiêu Ích, nhật, nguyệt ở trong đó. Nếu ai có mong cầu điều chi thì sẽ được mãn nguyện.

Ở phương Bắc có bảy ngôi sao thường bảo hộ thế gian: Ngôi thứ nhất tên Ðàn-ni-tra; ngôi thứ hai và thứ ba cùng tên là Thế-đà-đế; ngôi thứ tư tên Bất-lỗ-cụ-đà-ni; ngôi thứ năm tên Li-bà-đế; ngôi thứ sáu tên A-thấp-ni; ngôi thứ bảy tên Bà-la-ni; bảy ngôi sao này thường bảo hộ thế gian, sẽ bảo hộ ngươi được lợi ích và trở về sớm. Nói chung, tất cả tinh tú đều bảo hộ ngươi.

Phương Bắc có tám Thiên nữ: Người thứ nhất tên Ni-la-đề-tì; người thứ hai tên Tu-la-đề-tì; người thứ ba tên Câu-tra-tì; người thứ tư tên Ba-đầu-ma; người thứ năm tên Ha-ni; người thứ sáu tên Ba-lợi; người thứ bảy tên Già-la-ni; người thứ tám tên Ca-ma. Ðó gọi là tám Thiên nữ. Ðồng thời có Thiên vương tên Bà-lưu-na, thường bảo hộ thế gian, sẽ bảo hộ ngươi được lợi ích mà trở về sớm.

Phương Bắc có núi tên Chỉ-la-tô, quỉ thần ở trong đó. Tất cả các quỉ thần sẽ bảo hộ ngươi được lợi ích mà trở về sớm.

Hai mươi tám ngôi sao cùng nhật nguyệt, ba mươi hai Thiên nữ và Tứ Ðại Thiên Vương thống trị thế gian đều có danh tiếng. Ở phương Ðông có Ðê-đầu-la-tra Vương, ở phương Tây có Tì-lưu-bác-xoa Vương, ở phương Nam có Tỳ-lưu-đồ-vương, ở phương Bắc có Bà-lưu-na Vương, tám Sa-môn, tám Bà-la-môn, tám vị Sát-lợi của tám nước lớn, tám con gái của Ðế thích sẽ hộ trì ngươi khiến được lợi ích mà trở về sớm".

Nếu thí chủ cưới vợ mở hội cúng dường, thì không nên chú nguyện thế này:

"Sông khô không có nước,
Nước không vua không hộ.
Gái có mười anh em,
Cũng gọi không che chở".

mà nên chú nguyện như sau:

"Tín nữ chăm trì giới,
Người chồng cũng như thế.
Vì nhờ có niềm tin,
Nên tu hành bố thí.
Hai người đều trì giới,
Tu tập về chánh kiến.
Hân hoan cùng làm phước,
Chư Thiên thường tùy hỉ.
Kết quả của nghiệp này,
Như đi không mang lương".

Nếu người xuất gia cúng dường thì không nên chú nguyện thế này:

"Mong cháu con đông đúc
Nô tì và tiền tài,
Bò dê cùng lục súc
Tất cả đều sung túc".

mà nên chú nguyện như sau:

"(501c) Cầm bát xin nhà nhà,
Gặp sân hay hoan hỷ.
Ðều giữ gìn tâm ý,
Xuất gia bố thí nan".

Vị Thượng tọa của Tăng phải biết các việc như vậy. Nếu không biết như vậy thì vượt pháp oai nghi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, đàn việt đến cúng dường trai phạn, Nan-đà là hàng Thượng tọa đến ngồi trước. Thế nhưng, Ưu-ba-nan-đà và các Tỉ-kheo khác không đến đúng giờ. Thượng tọa bèn khiển trách: "Ðức Thế Tôn chỉ chế định riêng tôi, không chế định cho những người khác chăng?'. Cho đến Phật nói: "Từ nay về sau, tất cả phải tập trung đầy đủ rồi thọ trai. Thượng tọa phải biết các việc như trên đã nói. Ở trong đây chỉ có tên gọi Thượng tọa thứ hai và tất cả là khác thôi. Cuối cùng nên để dành chỗ ngồi ở kề bên. Nếu thấy người dọn cơm đi qua, không được im lặng ngồi nhìn, mà người ngồi chỗ ấy nên nói: "Ðể xuống chỗ này". Khi được thức ăn, không được ăn liền mà phải chờ dọn đủ tất cả rồi mới ăn. Nếu thì giờ đã trễ thì dọn tới đâu ăn tới đó không có tội.

Thượng tọa nên chú nguyện, nếu không thể chú nguyện được thì vị Thượng tọa thứ hai nên chú nguyện. Nếu Thượng tọa thứ hai cũng không chú nguyện được thì các vị ngồi dưới ai chú nguyện được nên chú nguyện. Như vậy tất cả vấn đề ăn uống Thượng tọa cần phải biết. Nếu không biết như vậy thì vượt pháp oai nghi.

BỔN PHẬN CỦA ÐỆ TỬ ÐỒNG HÀNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Ưu-ba-nan-đà độ người xuất gia cho thọ Cụ túc rồi không dạy dỗ để nghinh ngang như trâu trời, dê trời, không đủ oai nghi, không biết phép phụng sự Hòa thượng, A-xà-lê và các trưởng lão Tỉ-kheo, lại không biết phép tắc vào xóm làng, vào nơi rừng vắng, nhập chúng, mặc y, cầm bát.

Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu-ba-nan-đà đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, Hòa thượng phải dạy đệ tử đồng hành như sau: Khi thọ Cụ túc rồi phải dạy đọc hai bộ Luật. Nếu không thể dạy đọc hai bộ thì dạy đọc một bộ. Nếu một bộ cũng không thể dạy được thì nên dạy đọc kỹ năm thiên giới. Nếu cũng không thể dạy được, thì nên dạy đọc bốn thiên, ba thiên, hai thiên, ít nhất là dạy đọc bốn việc (Ba-la-di). Mỗi ngày dạy ba lần: sáng sớm, buổi trưa và buổi chiều. Những vấn đề cần phải dạy là A-tì-đàm, Tì-ni. A-tì-đàm tức là chín bộ Kinh, Tì-ni tức là giới bổn, hoặc dạy đầy đủ, hoặc tóm lược. Nếu không thể dạy được, thì nên dạy họ biết tội nặng nhẹ, biết ý nghĩa của Kinh, của Luật, của ấm, giới, nhập, của nhân duyên, dạy về oai nghi, nếu trái oai nghi thì nên ngăn cản, đồng thời nên dạy giờ nào đọc kinh, giờ nào tụng chung, giờ nào ngồi thiền. Ðó gọi là dạy. Nếu không đọc kinh, cùng tụng kinh, ngồi thiền thì ít nhất cũng nên dạy họ đừng phóng dật. Nếu Hòa thượng không thể dạy (502a) đệ tử đồng hành như vậy thì vượt pháp oai nghi.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, đệ tử đồng hành của Ưu-ba-nan-đà ít khi đến chỗ Hòa thượng, do đó Ưu-ba-nan-đà than phiền: "Ðức Thế Tôn chỉ chế định cho riêng ta mà không chế định cho đệ tử. Ðệ tử có đến thì ta mới dạy, còn đệ tử không đến thì ta dạy ai đây?"

Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo đệ tử ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Này Tỉ-kheo! Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay về sau, đệ tử đồng hành phải phụng sự Hòa thượng như thế này: Buổi sáng phải dậy sớm, trước hết bước chân phải vào cửa phòng của Hòa thượng. Khi vào xong, cúi đầu, đảnh lễ dưới chân, hỏi xem Hòa thượng ngủ có ngon giấc không. Rồi nhận Kinh, hỏi han công việc, đem đổ bô tiểu tiện, ống nhổ, xong rồi để lại chỗ cũ. Tiếp đến, lấy nước rảy trên nền nhà, rồi quét, lau nền nhà. Ðoạn, rửa tay sạch, rồi trao nước, bàn chải đánh răng, cầm bát đi lấy cháo cho thầy. Khi thầy ăn xong, rửa bát, cất lại chỗ cũ. Nếu có nhà nào mời thầy thọ trai, thì đến đó lấy thức ăn. Khi thầy muốn vào thôn xóm, thì trao y thường mặc vào thôn xóm, rồi xếp y thầy mặc trong viện lại, treo vào chỗ cũ. Lúc vào thôn xóm, nên đi theo sau thầy. Nếu muốn khất thực, nên bạch với Hòa thượng. Hòa thượng nên nhắc nhở đệ tử phải làm đúng pháp, đừng có phóng dật. Nếu mình về trước, nên trải giường ngồi cho Hòa thượng, rồi lấy nước sạch, rải cỏ lá đợi Hòa thượng về. Khi Hòa thượng về, nên đưa y mặc trong Thiền viện cho Hòa thượng, rồi lấy chiếc y mặc vào thôn xóm đập giũ, xếp lại, treo vào chỗ cũ. Nếu trời nóng thì nên đưa nước tắm cho thầy. Nếu trời lạnh, thì nên đốt lò lửa. Nếu được thức ăn ngon thì nên dâng cho Hòa thượng. Hòa thượng xem xong nên hỏi: "Ông được thức ăn ngon này ở đâu vậy?". Nếu đáp: "Con được tại nhà dâm nữ mỗ giáp, nhà quả phụ, nhà đại đồng nữ, nhà người bất năng nam, tại chỗ Tỉ-kheo ni, Sa-di ni mang tiếng xấu", thì Hòa thượng nên nói: "Ðấy là những nơi không nên đến, chẳng nên lấy thức ăn của họ". Nếu nói: "Do thuyết pháp mà được", thì Hòa thượng nên nói: "Không được lấy thức ăn của người ta bằng việc tà mạng".

Khi Hòa thượng ăn, nên đưa nước rửa tay rồi đưa thức ăn. Nếu thời tiết nóng thì nên đưa nước lạnh, rồi cầm quạt quạt cho thầy. Khi Hòa thượng ăn xong, dọn bát, nhặt cỏ lá, rửa bát rồi cất lại chỗ cũ.

Nếu Hòa thượng muốn vào rừng ngồi thiền thì nên lấy tọa cụ vác lên vai, mang bình nước rửa đi theo Hòa thượng. Ðến nơi rồi, hoặc học kinh, hoặc hỏi nghĩa. Khi đã được chỉ dạy, nên tìm một chỗ ngồi tu tập. Nếu muốn tụng đọc với người khác thì nên bạch với Hòa thượng. Hòa thượng nên hỏi: "Ông tụng đọc với ai? Nếu đáp: "Tụng đọc với mỗ giáp", thì Hòa thượng nên xem xét, nếu thấy người ấy giữ luật lỏng lẻo thì nên nói: "Ðừng đi, không (502b) nên giao du với kẻ ấy". Nếu thấy người ấy giữ luật nghiêm chỉnh thì nên cho phép cùng tụng đọc chung. Khi về nên mang tọa cụ trên vai, cầm bình nước theo Hòa thượng trở về.

Khi Hòa thượng muốn lễ tháp, nên đưa nước rửa tay, đưa hoa. Khi lễ tháp xong, nên trải giường ngồi, đưa nước rửa chân và dầu thoa chân. Khi Hòa thượng muốn ngủ thì nên lau chùi giường nệm, trải gối, đốt ��èn, đem ống nhổ, bô đựng nước tiểu vào để dưới giường. Khi Hòa thượng đã yên ổn thì mới học kinh, hỏi nghĩa. Khi được chia phòng theo thứ tự, nên hỏi trước Hòa thượng, rồi mới nhận.

Nếu hai người cùng nhận một phòng thì Hòa thượng nên hỏi: "Ông được ở chung phòng với ai?" Nếu đáp: "Cùng ở với mỗ giáp", thì Hòa thượng nên xem xét người ấy, nếu thấy giữ giới lỏng lẻo, thì nên bảo đừng ở chung mà sinh ra rắc rối. Nếu thấy người ấy hiền thiện thì nên bảo cứ ở chung. Sau đó, nếu có Thượng tọa nào đến, rồi ra đi, thì nên bạch với Hòa thượng.

Ðối với Hòa thượng, đệ tử đồng hành phải thực hiện những việc kể trên. Nếu không làm thì vượt pháp oai nghi. Nếu Hòa thượng có nhiều đệ tử, thì mỗi người tối thiểu cũng phải lau giường Hòa thượng một lần. Ðó gọi là phận sự của đệ tử.

BỔN PHẬN CỦA ÐỆ TỬ Y CHỈ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà nhận đệ tử y chỉ mà không dạy bảo, để họ buông lung như trâu hoang, dê hoang. Phận sự đệ tử phải làm các việc như ở phần Hòa thượng trên đây đã nói rõ, chỉ có tiếng gọi thầy y chỉ là khác thôi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà nhận đệ tử y chỉ mà đệ tử không đến, họ bèn than phiền: "Ðức Thế Tôn chỉ chế định cho riêng ta mà không chế định cho đệ tử. Ðệ tử không đến thì ta biết dạy ai đây?" Như trường hợp đệ tử đồng hành ở trên đã nói rõ, ở đây chỉ có đệ tử y chỉ là khác mà thôi.

Kệ tóm tắt:

"Việc Bố-tát, ẩm thực,
Thượng tọa cần phải làm.
Vị đệ nhị Thượng tọa,
Và mọi người cũng thế.
Hòa thượng dạy điều chi,
Người đồng hành phải nghe.
Thầy y chỉ dạy bảo,
Ðệ tử phải phụng hành
Kết thúc phần thứ nhất".

VẤN ÐỀ BẢO QUẢN GIƯỜNG NỆM.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn ở thành Xá-vệ; lúc ấy, đức Như Lai cứ năm hôm đi quan sát phòng của các Tỉ-kheo một lần, thấy giường bỏ ngổn ngang trên đất, bị gió thổi xiêu vẹo, nắng táp mưa sa, mối mọt gặm nhấm và chim chóc ỉa lên trên, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Ðây là giường của ai mà để ngổn ngang trên đất, khiến chim chóc ỉa lên trên thế này?". Ðoạn, Phật nói với các Tỉ-kheo: "Kể từ hôm nay, vấn đề giường nệm cần phải biết như thế này: Không được thấy giường chõng bỏ ngổn ngang dưới đất, (502c) bị mối mọt ăn, nắng táp mưa sa, gió thổi xiêu vẹo, chim chóc ỉa lên trên mà cứ để mặc như thế. Nếu thấy bỏ ngổn ngang đây đó thì nên đem chất lại một chỗ. Nếu nghiêng thì sửa cho ngay lại. Nếu bị nắng táp, mưa gió xiêu vẹo thì phải đem cất vào trong phòng. Nếu bị mối mọt ăn thì phải tra chăn lại cho vững. Nếu bị chim chóc ỉa trên đó thì phải đập giũ rồi cất vào trong phòng. Không được thấy phòng ốc bị dột mà không sửa chữa. Nếu phòng được lợp bằng cỏ thì nên dùng cỏ giọi (lợp) lại. Nếu được lợp bằng ngói, thì nên dùng ngói giọi lại. Nếu được lợp bằng xi-măng thì nên dùng xi-măng giọi lại. Nếu được phủ bằng đất, thì nên dùng đất phủ lên. Nếu tường vách bị hỏng hóc thì nên sửa chữa rồi tô đất lại. Giường nệm của chúng Tăng không được để yên như thế mà sử dụng, vì chúng chỉ được bọc có một lớp mỏng, cho nên phải dùng hai lớp tọa cụ phủ lên trên. Khi ngủ, nên dùng vật gì lót ngọa cụ, đừng để nó chạm vào thân mình. Nếu tấm nệm dày thì không được gấp lại, khiến hư hỏng vật của chúng Tăng. Nệm gối được xếp lại, nếu có dơ bẩn thì nên đem giặt. Nếu nó bị rách thì nên vá lại cho lành. Cần phải giữ gìn, bảo quản giường nệm, ngọa cụ của chúng Tăng như vậy. Nếu không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ BẢO QUẢN TRÚ XỨ.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn ở thành Xá-vệ, bấy giờ vào tháng cuối mùa Xuân mà các Tỉ-kheo không sửa chữa phòng ốc. Ðức Như Lai vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần. Năm việc lợi ích đó là: 1- Xem các đệ tử Thanh văn có tham luyến các việc hữu vi hay không; 2- Xem họ có bàn phiếm chuyện đời hay không; 3- Xem họ có ham mê ngủ nghỉ hay không; 4- Vì để thăm viếng các Tỉ-kheo bệnh; 5- Ðể cho các Tỉ-kheo trẻ tuổi có niềm tin trông thấy oai nghi đĩnh đạc của đức Như Lai mà phát tâm hoan hỷ. Ðó gọi là vì năm việc mà đi tuần hành các phòng. Khi thấy các phòng xá bị hỏng hóc mà không sửa chữa, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo:

- Phòng này của ai bị hư hỏng mà không sửa chữa?

- Bạch Thế Tôn! Ðến lúc an cư Tỉ-kheo nhận phòng sẽ tự sửa chữa lấy.

- Từ nay về sau, đến lúc an cư phải sửa chữa phòng ốc bằng cách: Sắp xếp mùa an cư không được thấy phòng ốc bị hư hại không sửa chữa mà nói: "Người nào an cư nhận phòng sẽ tự sữa chữa lấy". Nếu phòng lợp bằng cỏ thì dùng cỏ để giọi lại, cho đến, nếu phòng trét đất thì nên dùng đất để sửa chữa, hoặc bức tường bị trống thì nên dùng đất tô lại các lỗ chuột đục, lấp kín dưới nền. Các vật dụng trong phòng nên cất dồn lại một chỗ. Người nào hội đủ năm điều kiện sau đây thì cử làm người chia phòng: 1- Không thiên vị; 2- Không giận dữ; 3- Không sợ sệt; 4- Không ngu si; 5- Biết ai được phòng, ai chưa được. Ðó gọi là năm điều kiện. Người làm yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe, Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu năm pháp, nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cử mỗ giáp làm người chia phòng. Ðây là lời tác bạch.

(503a) Một lần bạch, một lần Yết-ma cho đến "Tăng bằng lòng cho nên im lặng. Việc này cứ như thế mà thi hành".

Vị Tỉ-kheo đã được pháp Yết-ma rồi phải sửa chữa phòng sưởi, phòng ăn, giảng đường, phòng tắm, nhà che giếng, nhà vệ sinh, nhà ngõ, chỗ đi kinh hành dưới gốc cây; đồng thời phải ghi chép tất cả xem nhiều hay ít. Nếu những trú xứ ở A-luyện-nhã cách xa nhau thì nên chia phòng vào ngày 12, 13 tháng tư. Nếu ai không nhận thì nên đi đến nơi khác. Nếu phần lớn đều ở gần nhau thì đợi đến ngày 14, 15 chia phòng và đọc biên bản ở giữa chúng Tăng như sau: "Xin đại đức Tăng lắng nghe, tinh xá mỗ giáp có chừng ấy phòng, chừng ấy giường nệm, chừng ấy thức ăn, ăn đến ngày ấy, có chừng ấy y an cư".

Thượng tọa nên bảo người chia phòng tổ chức một bữa cúng dường. Khi chia phòng nên chia từ Thượng tọa cho đến Tỉ-kheo chưa có tuổi hạ, nhưng không được chia phòng cho Sa-di. Nếu Hòa thượng, A-xà-lê bảo cứ chia để tôi sẽ chăm sóc cho, thì hãy chia. Nếu có nhiều phòng thì nên chia mỗi người hai phòng. Nếu người ấy nói: "Tôi không cần hai phòng, chỉ cần một phòng là đủ", thì nên bảo: "Không phải chia để ở mà là chia để trông nom". Nếu phòng ít thì chia hai người, ba người một phòng. Nếu chia như vậy mà không đủ, thì chia năm người, sáu người một phòng. Nếu cũng không đủ mà có giảng đường rộng, thì tất cả mọi người nên vào ở trong giảng đường. Nếu cũng không đủ, thì Thượng tọa kê giường lớn, Hạ tọa kê giường nhỏ. Nếu cũng không đủ, thì Thượng tọa kê giường nhỏ, Hạ tọa ngồi nệm cỏ. Nếu cũng không đủ thì Thượng tọa nên ngồi kiết già, Hạ tọa nên đứng, hoặc ra ngoài gốc cây. Chia phòng vào mùa Ðông thì vừa để ở mà vừa để coi sóc. Nếu có Thượng tọa đến bảo giao phòng lại thì phải ra đi. Nếu chia phòng vào mùa Xuân thì cũng như vậy. Còn chia phòng vào mùa Hạ thì vừa để trông coi mà vừa để ở. Nếu Thượng tọa đến bảo phải ra đi, thì không nên đi.

Vào tháng cuối mùa Xuân, các Tỉ-kheo nên sửa chữa phòng ốc như trên đã nói. Nếu không sửa chữa như thế thì vượt pháp oai nghi.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn, nơi thành Xá-vệ, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm đức Thế Tôn đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần, Ngài thấy phòng ốc bị dột nát, hỏng hóc mà không sửa chữa, nước mưa đọng lại từng vũng trong phòng, cửa ngõ bị mối mọt ăn, giường nệm thì lên mốc xanh, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Ðây là những phòng của ai, bị dột nát, hư hỏng thế này mà không sửa chữa?" Thế rồi, Phật dạy: "Từ nay về sau, trong mùa Hạ an cư nên sửa chữa phòng ốc, giường nệm, không được thấy phòng ốc giường nệm bị hư hỏng (503b) mà không sửa chữa. Nếu phòng được lợp bằng cỏ thì nên dùng cỏ để giọi, cho đến nếu được phủ bằng đất thì dùng đất để đắp lại, đồng thời khai thông các vũng nước đọng ra đến dòng nước. Nếu gối nệm của giường nằm, giường ngồi lên mốc thì phải đem phơi nắng cho khô. Nếu trong phòng ẩm thấp thì nên kê giường cách bức tường, tra chân giường cho chắc, đừng để mối mọt ăn. Ðồng thời phải quét sạch bồ hóng và lưới nhện. Mỗi nửa tháng nên dùng khăn lau nhà một lần. Nếu sàn nhà khô thì nên rấm nước rồi lau. Nếu sàn nhà ẩm ướt thì nên lau không mà thôi. Nếu trong phòng ẩm ướt thì không được rửa tay, rửa chân, rửa bát trong đó, cũng không được đóng kín cửa mà phải thường thường mở cửa cho gió lọt vào. Không được đun khói trong phòng. Vào dịp Hạ an cư, Tỉ-kheo nên sửa chữa phòng ốc như vậy. Nếu không sửa chữa như vậy thì vượt pháp oai nghi.

TRÚ XỨ A-LUYỆN-NHÃ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ-kheo an cư tại A-luyện-nhã xong, không gởi gấm trú xứ cho ai mà bỏ đi hết. Sau đó bị lửa tự nhiên thiêu cháy hết phòng ốc. Các Tỉ-kheo bèn đem việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Tỉ-kheo an cư xong nên bảo quản phòng ốc bằng cách: Nếu an cư tại A-luyện-nhã xong, đến mùa Ðông muốn dời đến nơi ấm áp thì không nên đi tất cả, mà nên yêu cầu vài ba người có thể kham nhẫn ở lại trông coi, và nên để lại thức ăn đừng để bị thiếu thốn. Nếu họ nói: "Không được; vì sao tôi phải ở lại nơi hoang vắng này để làm gì?", nếu không một ai ở lại cả, thì phải đem tất cả các thứ giường nệm, mền gối, đồ đồng, đồ sắt vào trong tinh xá ở thôn xóm mà gởi. Giường ngồi, giường nằm nên kê cách vách, và dùng vật gì lót dưới chân để mối khỏi ăn. Khi an cư xong, không được thấy phòng ốc dột nát, hư hại, không sửa chữa mà ra đi. Nếu phòng lợp bằng cỏ, thì dùng cỏ giọi lại cho đến nếu phủ bằng đất thì dùng đất để đắp lại. Ðồng thời tô lại phòng và quét vôi vào vách. Nếu xung quanh đó thỉnh thoảng có đốt lửa thì nên gởi gấm với các mục đồng rằng: "Ông thường thường trông chừng phòng ốc giùm tôi". Các trú xứ nơi thôn xóm cũng phải bảo quản như thế. Nếu phòng sưởi, giảng đường, nhà ăn có hư hao cũng phải sửa chữa như vậy. Nếu tại tinh xá có đàn việt đang ở thì nên bảo họ sửa chữa; hoặc sai người khác sửa chữa. Nếu trú xứ không có chủ, cũng không sai ai được, thì tất cả Tăng chúng phải sửa chữa. Nên chia đồng đều mỗi người một khuỷu tay, hai, ba khuỷu tay để cùng làm cho chu đáo. Nếu giường nằm, giường ngồi sút xổ thì nên đóng lại, buộc lại cho chắc chắn. Nếu nệm, gối xếp dơ bẩn thì nên đem giặt cho sạch, nếu có bị rách thì nên vá lại. Các vật dùng trong phòng nên xếp đống lại một chỗ.

Tỉ-kheo an cư xong, nên sửa chữa bảo quản phòng ốc, giường nệm như vậy. Nếu không sửa chữa như vậy thì vượt pháp oai nghi.

BỔN PHẬN CỦA TỈ-KHEO KHÁCH.

(503c) Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ đức Thế Tôn vì 5 việc lợi ích nên cứ năm hôm đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần, trông thấy giường ghế bỏ ngổn ngang chỗ này chỗ kia trên đất, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi một Tỉ-kheo:

- Giường chõng của ai mà bỏ ngổn ngang không cất thế này?

- Bạch Thế Tôn! Ðó là chỗ ở của cựu Tỉ-kheo, còn con là khách.

- Từ nay về sau, khách Tỉ-kheo phải biết như thế này: Không được thấy giường ghế bỏ ngổn ngang bị mối mọt ăn mà cứ để yên. Nếu thấy bỏ ngổn ngang thì phải thu lại cất vào một chỗ. Nếu thấy ngã nghiêng thì phải sắp lại cho ngay ngắn, rồi dùng vật gì kê dưới chân để mối khỏi ăn. Khi khách Tỉ-kheo đến nơi nào thì không được đột nhiên đem đồ đạc mình vào trong phòng mà phải để đồ vật lại một chỗ, đi tìm cựu Tỉ-kheo để xin phòng. Khi được phòng rồi, nếu mặt đất không bằng phẳng thì nên lấp cho bằng. Nếu có hang chuột thì nên lấy đất lấp lại. Nếu có bồ hóng, mạng nhện thì nên quét dọn. Giường ghế nếu sút sổ thì nên nêm lại, buộc lại cho chặt chẽ. Ðồng thời phải đập giũ gối nệm rồi lấy nước rưới lên sàn nhà, lau quét sạch sẽ. Nếu cái giá móc y bằng gỗ thì nên dùng vật gì lau cho sạch. Nếu nó bằng tre, trơn tru thì nên dùng tay mà chùi, nên xem nếu nó vững chắc thì nên treo bát lên trên. Nếu chỉ ở lại có nửa đêm thì cũng phải làm các việc như thế xong rồi mới đi.

Nếu khách Tỉ-kheo không bảo quản như thế thì vượt pháp oai nghi.

BỔN PHẬN CỦA CỰU TỈ-KHEO.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn nơi thành Xá-vệ, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm đức Như Lai đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần; cho đến, vị Tỉ-kheo ấy nói: "Bạch Thế Tôn! Ðó là vị khách Tỉ-kheo bày biện ra chứ chẳng phải con - cựu Tỉ-kheo". Phật dạy: "Từ nay về sau, cựu Tỉ-kheo phải biết các việc như sau: Cựu Tỉ-kheo không được thấy giường chõng bỏ lổn ngổn chỗ này chỗ kia bị mối mọt ăn mà cứ để yên như vậy. Nếu thấy bỏ ngổn ngang nơi này nơi kia thì phải đem chất đống lại một chỗ. Nếu thấy bị mối mọt ăn thì phải dùng vật gì kê dưới chân cho chắc. Phép của cựu Tỉ-kheo là không được chọn ở căn phòng tốt, còn giường nệm mền gối bị hư rách, bụi bặm thì đợi khách Tỉ-kheo đến tự lo liệu sửa chữa lấy, mà chính mình phải tu bổ, sửa chữa cho tốt rồi đợi khách Tỉ-kheo.

Cựu Tỉ-kheo phải biết các việc như thế. Nếu không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.

BỔN PHẬN SỬA CHỮA VẬT DỤNG.

Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm đức Như Lai đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần. Cho đến, Phật thấy thế, tuy biết nhưng vẫn hỏi một Tỉ-kheo:

- Này Tỉ-kheo! Cái giường này ai trải ra vậy?

- Bạch Thế Tôn! Ðó là vị cựu Tỉ-kheo trải ra, còn con mới đến ở.

- Từ nay về sau, khi thấy giường chõng trải ra, thì tất cả Tỉ-kheo đều phải biết như sau: Tất cả Tỉ-kheo không được để giường nệm bừa bãi chỗ này chỗ kia (504a) bị mưa nắng và mối mọt ăn hỏng. Nếu thấy bỏ rải rác trên đất thì phải đem chất lại một chỗ. Nếu thấy bị mưa sa nắng táp thì phải đem cất vào trong chỗ che khuất. Nếu bị mối ăn thì phải kê ở dưới chân. Nếu phòng ốc bị dột thì phải lợp lại. Nếu phòng được lợp bằng cỏ thì dùng cỏ giọi lại, cho đến, nếu được phủ bằng đất, thì dùng đất đắp vào. Nếu bức vách bị nứt vỡ thì nên dùng đất tô trét lại. Nếu giường nệm mền gối dơ bẩn, rách nát thì không được để yên như vậy xem mà phải đem giặt giũ may vá lại. Nếu lông bông trong gối nệm lòi ra thì phải nhồi lại, ghế dây bị giãn thưa ra thì phải ken lại cho chặt. Khi đánh kiền chùy tập trung để sửa chữa giường nệm thì không được từ từ đi đến mà phải tập họp nhanh chóng. Sau khi tập họp, phải cùng nhau sửa chữa, người thì se dây, kẻ thì đan, buộc, phải hợp sức cùng làm. Nếu chia công việc, thì mỗi người nên tự đem về làm. Nếu đánh kiền chùy để tập trung sửa chữa giường nệm như vậy thì không được nói tôi là người ở A-luyện-nhã, tôi khất thực, tôi là đại đức, tôi là Thượng tọa không thể làm, ở trong đây, ai sử dụng thì phải tự sửa chữa lấy, mà tất cả đều phải tập trung, cùng nhau sửa chữa, người thì se dây, kẻ thì đan dệt, người thì sơn màu. Tất cả Tỉ-kheo đều phải tập họp cùng nhau sửa chữa như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ ÐẠI TIỆN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, các Tỉ-kheo đi đại tiện khắp nơi, bị người đời chê trách rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như bò, như lừa, đi đại tiện không có chỗ nhất định?"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau nên làm nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh không nên làm hướng Ðông, hướng Bắc mà nên làm ở hướng Tây, hướng Nam, chỗ có gió thoáng. Cách làm là: hoặc đào hầm, hoặc làm trên bờ cao. Nếu dưới đáy hầm có mạch nước thì trước hết phải bảo tịnh nhân lấp kín, rồi Tỉ-kheo mới làm. Nếu ở dưới bờ cao có dòng nước chảy, thì đặt một tấm ván, để khi đi cầu phân rơi xuống tấm ván trước rồi mới rơi xuống nước sau. Nên làm hai lỗ, ba lỗ, chiều rộng của lỗ cầu một khuỷu tay, chiều dài một khuỷu tay rưỡi. Trong nhà cầu nên ngăn cách ra, để hai người ngồi hai bên không thấy nhau. Ở bên cạnh nhà cầu để một thanh tre, trong nhà cầu nên để một cái giá treo áo".

Bấy giờ có một Tỉ-kheo đã ngồi trước trên cầu rồi, sau đó có một Tỉ-kheo khác, vì bắt đi cầu gấp liền vào trong cầu, định đi cầu ngay chỗ vị Tỉ-kheo trước đang đi. Tỉ-kheo ấy bèn kêu lên: "Trưởng lão chớ làm bẩn tôi".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, cần phải biết phép đi cầu như sau: Không được để cho đau bụng quá gấp rồi mới đi cầu, mà khi mới bắt đi cầu thì nên đi liền. Khi tới đó, không được làm thinh bước vào mà nên khảy móng tay. Nếu bên trong cầu có người cũng phải gảy móng tay đáp lại. Nếu bị đau bụng quá gấp, thì nên ngồi châu đít lại với người ngồi trước mà cùng đi. (504b) Khi chưa đến cầu, không được vén y phục trước mà đi, nên ngồi trên cầu rồi, vừa vén, vừa đi cầu. Không được mang ngọa cụ của Tăng vào cầu tiêu. Khi ngồi vào cầu không được xỉa răng, trùm đầu, che vai áo bên phải, mà nên trật vai áo, cũng không được đọc Kinh, thiền định, quán bất tịnh và ngồi ngủ, khiến làm trở ngại người khác. Khi đứng dậy, không được xăn y quá cao đứng dậy, mà phải vừa đứng dậy, vừa buông y xuống".

Lại nữa, lúc bấy giờ, các Tỉ-kheo dùng thẻ tre làm vật chùi đít, khiến hậu môn bị thương tổn. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng thẻ tre, thẻ cây lau, thẻ gỗ và xương mà nên dùng vật mềm, vật tròn, đồng thời không được dùng xong rồi bỏ vào trong cầu, mà nên bỏ vào trong sọt đặt tại một chỗ. Nhưng nếu hầm cầu sâu ở trên bờ cao thì bỏ xuống đó không có tội. Khi đại, tiểu tiện và khạc nhổ nên nhắm ngay giữa lỗ, không được làm bẩn hai bên mép. Nếu người trước làm bẩn thì nên dùng thẻ gỗ gạt bỏ cho sạch. Không được đi đại, tiểu tiện xong không dùng nước rửa sạch mà sử dụng tọa cụ, giường nệm của Tăng chúng. Bên cầu nên đặt một thùng nước; nếu hầm cầu đào chỗ đất bằng thì không được đổ nước chảy xuống hầm cầu; nếu cầu làm ở bờ sông thì được dùng. Nên dùng gỗ, đá, ngói làm nắp thùng. Tỉ-kheo trẻ nên theo thứ tự đổ nước cho đầy thùng và phải súc thùng thường xuyên. Nếu nắp bằng ván thì không được để ngoài nắng khiến nó bị hư. Nếu nắp bằng sành, đá thì được để ngoài nắng. Bên cạnh cầu tiêu nên để tro, giẻ lau. Nếu trong thùng nước có sinh trùng thì không được nói: "Trong này có sinh trùng", mà nên bỏ một nắm cỏ ở trên để kẻ khác biết là trong nước có trùng. Không được dùng nhiều nước mà phải dùng có chừng mực. Nếu thùng nước hết nên báo người phụ trách biết, để sai người đổ vào cho đầy, hoặc tự mình đổ vào, ít nhất là một ca đủ cho một người sử dụng. Nếu bộ phận dưới bị bệnh trĩ thì không được rửa mà nên dùng vật mềm để lau, hoặc là vải, hoặc lá cây. Nếu không có nhà vệ sinh thì nên lau ở phía sau phòng. Nếu ngồi đại tiện nơi triền núi thì không được xỉa răng và trùm đầu, trùm vai mà nên trật vai áo. Nếu bắt đi cầu vào ban đêm thì nên dùng chậu, âu đựng rồi đem đổ. Nếu không có đồ đựng thì nên đi cầu chỗ đường nước chảy rồi sáng sớm dọn sạch. Nếu đang ở tại nhà sưởi, giảng đường mà muốn đi cầu thì phải ra ngoài. Nếu bắt đi cầu quá gấp không thể đi kịp thì phải đi cầu tại một chỗ, chứ không được làm như bò vừa đi vừa phóng uế, rồi sáng sớm dọn dẹp, dùng nước rửa sạch, dùng dầu để lau, ít nhất là dùng giẻ lau mà lau. Khi đang nhiễu tháp mà thấy đau bụng thì nên đi cầu. Nếu quá bức bách thì nên đi tại một chỗ, chứ không được vừa đi vừa phóng uế dơ bẩn cả chân như loài bò. Khi đi xong phải dọn dẹp, lấy nước rửa, rắc bột hương, rồi lau chùi. Nếu tại A-luyện-nhã không có bột hương thì nên dùng dầu mà lau.

Khi muốn vào thôn xóm (504c) nên đại tiện trước rồi mới đi. Khi vào thôn xóm rồi mà bắt đi cầu thì nên đến cầu tiêu dành cho đàn ông, không nên vào cầu tiêu của phụ nữ. Nếu không có thì nên hỏi người ta nơi nào có thể đi cầu được. Khi hỏi, không nên hỏi những cô gái trẻ, vì khi nghe vậy họ sẽ cười, mà nên hỏi người lớn tuổi đứng đắn. Nếu cũng không có thì nên vào những ngôi nhà trống. Khi vào rồi, không được ngồi ở chỗ quá trống trải, cũng không nên ngồi chỗ quá kín đáo khiến người ta nghi mình là kẻ trộm. Nếu cũng không có ngôi nhà trống thì nên đi cầu ở bên bờ tường nơi mé đường. Nếu có bạn thì bảo họ ngồi châu lưng lại để che khuất.

Nếu khi đi đường cùng với khách buôn mà muốn đại tiện thì nên đi ở mé đường cuối hướng gió, đừng đi ở đầu gió khiến mùi hôi bay đến người khác. Nếu ban đêm muốn đi cầu thì không được lặng thinh mà đi, mà phải nói cho khách buôn biết, để họ không nghi mình là kẻ trộm, đồng thời cũng phải đại tiện ở dưới hướng gió, chứ không được đại tiện ở trên hướng gió.

Khi đi thuyền với khách buôn mà muốn đi cầu thì nên đến chỗ đại tiện mà đi, đồng thời nên dùng một miếng gỗ gạt xuống để cho phân rơi trên miếng ván trước rồi mới rơi xuống nước sau. Nếu không có miếng gỗ thì ít nhất đi trên nùi cỏ; nếu cũng không có nùi cỏ, thì nên dùng cái bô đựng rồi đem đổ.

Nếu thấy phân uế nơi tháp, nơi Tăng viện thì nên dọn sạch. Nếu hai người cùng đi mà thấy thế, thì Hạ tọa nên dọn dẹp. Nếu Hạ tọa giữ giới lỏng lẻo thì bản thân mình phải dọn. Nếu bị trúng độc mà thầy thuốc bảo phải uống nước phân, thì không nên uống nước phân của chính mình mà nên dùng nước phân của kẻ khác.

Tỉ-kheo phải biết các phép vệ sinh kể trên. Nếu không biết những việc như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ TIỂU TIỆN.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo tiểu tiện khắp nơi, bị người đời chê trách rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như bò, lừa tiểu tiện khắp nơi? Ðây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!". Cho đến, Phật dạy: "Từ nay về sau nên làm chỗ đi tiểu. Cách làm như sau: Không được làm ở hướng Bắc, hướng Ðông mà nên làm ở hướng Tây, hướng Nam, chỗ thoáng gió".

Lúc ấy có Tỉ-kheo đi tiểu, rồi Tỉ-kheo khác cũng đến đó để tiểu. Vị Tỉ-kheo trước nói: "Trưởng lão chớ làm bẩn tôi".

Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, phép tiểu tiện phải biết như sau: Không được để cho bức bách rồi mới đi mà khi muốn đi tiểu thì phải đi liền. Trước khi vào cầu tiểu phải khảy móng tay; nếu trong đó đã có người thì cũng phải khảy móng tay đáp lại. Nếu quá gấp thì nên đứng quay lưng với người trước, và người trước nên nhường chỗ cho nhau. Khi tiểu tiện không được trùm đầu, che vai và xỉa răng, mà nên vén áo bên phải mà tiểu. Lúc đang tiểu không được thiền định, ngủ, tụng kinh và quán bất tịnh làm trở ngại người đi sau. Khi tiểu xong phải ra ngay. (505a) Nếu không có chỗ tiểu tiện thì nên dùng cái bình để đựng; trên bình nên để một cái âu có lỗ thông dưới đáy, tiểu tiện vào trong cái âu đó rồi mở nút cho chảy vào trong bình. Nếu không có âu thì nên dùng cái muỗng để rót vào bình. Không được đại tiện và khạc nhổ vào trong bình. Tỉ-kheo trẻ phải theo thứ tự đổ cái bình ấy. Khi đổ, phải đổ ở chỗ khuất, không được đổ trên thượng lưu của tháp, viện. Sau khi đổ phải dùng nước rửa sạch rồi úp xuống đất. Nếu không có bình thì mỗi người nên tìm đồ đựng riêng. Nếu đồ đựng bằng đất thì khi rửa xong đem úp xuống đất. Nếu đồ đựng bằng gỗ thì khi đổ xong nên để trong mát cho khỏi bị hư; đồng thời nên buộc dây mà xách. Ban đêm nên đem nó đặt dưới giường. Nếu không có đồ chứa thì (ban đêm) nên đi tiểu ở chỗ rãnh nước. Nhưng rãnh nước đó không được chảy về hướng tháp, phòng sưởi và giảng đường.

Khi muốn đi tiểu thì nên đi ngay. Nếu cấp bách quá không đi kịp, thì nên tiểu tiện tại một chỗ. Khi tiểu xong, dùng nước rửa, dầu bôi, rồi lau chùi sạch.

Nếu đang nhiễu tháp mà bắt đi tiểu thì phải đi ngay. Nếu cấp bách quá, cũng không được vừa đi, vừa tiểu mà nên tiểu tại một chỗ. Khi tiểu xong, dùng nước rửa rồi bôi hương thơm. Nếu ở nơi hoang vắng không có hương thơm, thì nên dùng dầu bôi lên.

Nếu muốn đi vào thôn xóm thì nên tiểu tiện trước rồi mới đi. Khi đang ở nơi thôn xóm mà muốn tiểu tiện thì nên tiểu tiện ở chỗ khuất. Nếu cấp bách quá không đến chỗ khuất kịp thì hướng vào bờ tường mà tiểu. Nếu có đồng bạn thì nên bảo họ xoay lưng lại để che mình.

Nếu đi đường với khách buôn mà muốn tiểu tiện thì nên đi ở hướng cuối gió, không được đi ở đầu gió. Nếu nghỉ lại ban đêm, khi đi tiểu tiện cũng phải đi ở hướng cuối gió. Lúc muốn đi phải nói cho họ biết, để họ khỏi ngờ mình là kẻ trộm.

Nếu đi thuyền thì nên đến chỗ tiểu tiện mà tiểu. Nếu không có chỗ đi tiểu thì nên tiểu vào trong đồ đựng rồi đem đổ.

Tỉ-kheo bệnh, nếu thầy thuốc bảo phải uống nước tiểu thì không được lấy nước tiểu lúc đầu và lúc cuối mà nên lấy nước tiểu ở khoảng giữa, hoặc lấy nước tiểu của chính mình, hoặc xin nước tiểu của người khác mà uống.

Phép tiểu tiện phải làm như trên; nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ TĂM XỈA RĂNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo dùng cây xỉa răng chưa chuốt vót, bị người đời chê bai rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử mà giống như kẻ hung ác, cầm nguyên cả cành cây mà xỉa răng?". Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng cây xỉa răng".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy nhân dịp đại hội, đức Thế Tôn thuyết pháp, thì có Tỉ-kheo hôi miệng nên ngồi ở phía cuối hướng gió. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi các Tỉ-kheo:

- Tỉ-kheo nào mà ngồi riêng một chỗ như người có điều chi oán hận vậy?

- Bạch Thế Tôn! Vì Thế Tôn chế giới không cho phép xỉa răng, vị này bị hôi miệng sợ ảnh hưởng (505b) đến các bậc phạm hạnh nên phải ngồi ở cuối gió.

- Ta cho phép dùng tăm xỉa răng nhưng phải ước lượng mà dùng, dài nhất là 16 lóng tay.

Lại nữa, lúc ấy có đàn việt trồng cây tại nơi hoang vắng, rồi Tỉ-kheo nhổ cây ấy làm cây xỉa răng. Chủ nhân thấy thế lòng không vui bèn đi đến chỗ Phật trình bày việc ấy lên Thế Tôn. Phật tùy thuận thuyết pháp khiến tâm ông ta hoan hỷ, rồi ông lễ Phật mà cáo lui. Ðoạn Phật bảo gọi vị Tỉ-kheo kia đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Vì sao ông dùng cây có hoa trái làm tăm xỉa răng? Từ nay về sau, Ta không cho phép ông dùng cây có hoa trái làm tăm xỉa răng. Hơn nữa, khi xỉa răng không được ở tại phòng sưởi, giảng đường, phòng ăn và ở trước chư Tăng, trước Hòa thượng, A-xà-lê, trước tháp, trước tượng. Khi xỉa cũng không được trùm đầu, che vai mà phải vén áo phải, ở tại chỗ khuất. Nếu ở phòng Tăng thì nên dùng ve, hộp mà đựng tăm. Khi tăm xỉa rồi không được bỏ lại vào trong hộp, không được vứt nơi chùa, tháp và nơi thường đi lại. Khi nạo lưỡi không được làm như kẻ dâm dật. Nạo xong, phải rửa cây nạo rồi cất vào một chỗ. Nếu cây xỉa răng khó tìm, thì khi xỉa xong, cắt bỏ chỗ đã xỉa, đem rửa rồi cất để ngày mai dùng lại.

Lại nữa, bấy giờ có một Tỉ-kheo đang xỉa cây tăm đã cùn, trông thấy đức Thế Tôn đi đến, vì lòng kính trọng nên thầy nuốt khúc tăm vào, khiến khúc tăm mắc nơi cổ, làm cho thầy ảo não. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng cây xỉa răng quá cùn; dài nhất là 16 lóng tay, và ngắn nhất là 4 lóng tay trở lên. Khi xỉa nên ở nơi vắng vẻ, rửa tay sạch rồi mới xỉa răng. Khi xỉa xong, đem rửa cây tăm rồi mới vứt. Khi dùng không được làm như bọn phóng đãng, vì xỉa răng là để trừ bỏ hôi miệng mà thôi. Khi xỉa răng không được nuốt nước xỉa răng, nhưng nếu lỡ nuốt phải thì không có tội.

Khi Tỉ-kheo bị bệnh nếu thầy thuốc bảo phải nuốt nước xỉa răng (nước nhăm cây tăm) mới lành bệnh thì nên vâng lời mà nuốt. Nếu không có cây xỉa răng thì nên dùng tro, muối, đất, gạch, gừng, đá, cỏ, cây làm cho sạch miệng rồi mới ăn.

Nếu tại nơi chùa, tháp, thấy có tăm xỉa răng thì nên lượm vứt đi. Nếu cả hai người cùng thấy, thì người nhỏ nên lượm vứt. Nếu thấy Hạ tọa giữ giới lơ mơ thì tự mình nên lượm vứt đi. Phép dùng tăm xỉa răng phải như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

Kệ tóm tắt:

"Trải giường, cuối tháng Xuân,
An cư, sắp chỗ ngồi.
Tỉ-kheo khách và cựu,
Tất cả đều như vậy.
Cầu tiêu, đại tiểu tiện
Dùng tăm, hết phẩm hai".

VẤN ÐỀ VÁ Y.

(505c) Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm đức Như Lai đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần, trông thấy vị Tỉ-kheo đang trải y trên đất để vá, Phật liền dạy: "Từ nay trở đi nên sắm chiếu. Cách làm chiếu là dùng tre, sậy dài chừng 10 khuỷu tay, bề ngang chừng 6 khuỷu tay mà làm. Khi muốn vá y thì nên đem chiếu trải ở giảng đường hoặc phòng sưởi, phòng ngồi thiền, rồi xổ y ra trên đó mà vá, đồng thời phải rửa chân rồi mới ngồi. Nếu không rửa chân thì phải xếp chân lại mà ngồi lên trên, đừng để bàn chân chạm vào chiếu. Không được phơi ngũ cốc, phơi y, nhuộm y trên chiếu; cũng không được để cho nắng táp, mưa sa, hoặc chim muông làm dơ bẩn chiếu. Khi vá y xong phải cuốn lại đem cất vào chỗ che khuất. Nếu không có chiếu thì nên vá y trên giường. Nếu cũng không có giường, thì nên dùng khăn lau sạch phòng sưởi, giảng đường, rồi đem y ra vá. Khi vá y phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ NGĂN CHỖ NẰM.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo ngồi thiền xong trở về, đạp nhằm bàn chân lạnh của thầy vào người khác khiến vị Tỉ-kheo ấy cảm thấy giật mình, không an. Do thế, các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Từ nay về sau nên dùng vật gì để ngăn chỗ nằm ra. Phương pháp làm bằng cách dùng tre, nứa, lau dựng đứng bốn góc rồi dùng dây buộc lại. Khi ngồi thiền trở về thì mở ra, lúc vào trong rồi thì đóng lại. Ban ngày nên mở ra, không nên đóng lại, còn ban đêm thì nên buông xuống. Phương pháp ngăn chỗ nằm phải làm như vậy. Nếu ai không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ LAU PHÒNG.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, vì 5 việc lợi ích nên đức Thế Tôn cứ 5 hôm đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần, trông thấy phòng ốc bị dột nát mà không sửa chữa, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Phòng này của ai mà để dột nát như thế này? Từ nay về sau, việc phòng ốc phải xử trí như thế này: Không được thấy phòng ốc bị dột nát mà không sửa chữa. Nếu phòng được lợp bằng cỏ thì dùng cỏ giọi lại, cho đến nếu được phủ bằng đất thì dùng đất đắp lên. Ðồng thời nên thường thường quét mạng nhện và bụi bặm, nên lấp bằng những chỗ lồi lõm, dùng đất bịt kín các hang chuột, và mỗi nửa tháng nên dùng giẻ lau nhà một lần. Nếu nền nhà khô thì nên tẩm khăn lau cho ướt để lau; còn nền nhà ướt thì chỉ nên lau bằng khăn khô. Nếu nền nhà được sơn xanh thì nên dùng vật gì bọc chân giường lại đồng thời không được đốt đèn, đi kinh hành hay bỏ giày dép trên đó, cũng không được khạc nhổ mà nên dùng ống nhổ để đựng. Nếu ngôi nhà giữa thì được rửa chân, rửa tay, rửa mặt hoặc rửa bát tại đó. Nếu ngôi nhà dưới thì được đốt đèn, đi kinh hành, rửa tay, chân, rửa mặt và rửa bát tại đó. Về vấn đề phòng ốc phải xử dụng như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ KHẠC NHỔ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, vì 5 việc lợi ích nên cứ 5 hôm đức Thế Tôn đi tuần hành qua phòng các Tỉ-kheo một lần, (506a) thấy trên các bức tường của phòng ốc, giảng đường có những bãi nước miếng chảy nhiểu xuống đất, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ-kheo: "Kẻ nào nhổ nước miếng bẩn thỉu như thế này? Từ nay về sau, khi khạc nhổ phải làm thế này: Bức tường có được tô hay không tô đều không được nhổ trên đó. Nếu dưới nền nhà không tô thì được nhổ tại một chỗ rồi dùng bàn chân chà đi chứ không được nhổ lung tung dơ bẩn. Nơi nền nhà nên đặt một ống nhổ, trong ống nhổ nên bỏ cát hoặc tro, dưới ống nhổ kê một hòn đá cứng, thỉnh thoảng phải đem đổ, đừng để hôi thối, trùng sinh, nên dùng nước trong rửa sạch rồi úp xuống cho khô. Không được vứt tăm xỉa răng vào trong đó. Ở trong khuôn viên chùa, khi muốn nhổ thì nhổ xong phải dùng gót giày chà đi. Nếu nền nhà có lót thảm thì nên dùng ống nhổ. Nếu đang ăn mà muốn nhổ thì không được nhổ toẹt xuống đất khiến cho Tỉ-kheo ngồi bên cạnh nhờm gớm, mà nên nhổ ở giữa hai chân mình, rồi dùng gót chân chà đi. Nếu đàm ra liên tục nhiều quá thì nên ra ngoài nhổ xong rồi vào ngồi lại. Nếu đang ở trước Hòa thượng, A-xà-lê mà muốn nhổ, thì nên đến chỗ kín đáo mà nhổ. Nếu đang ở nơi thôn xóm mà muốn khạc nhổ, thì nên nhổ ở cạnh chân mình, rồi dùng chân chà đi. Nếu chỗ đó là đất bũn (mịn) thì nhổ xuống đó không có tội. Nếu thấy những bãi nước bọt ở nơi tháp, nơi tăng viện thì nên dùng chân chà đi. Nếu hai người cùng thấy một lúc, thì người nhỏ hơn nên làm. Nếu người nhỏ giữ giới hời hợt thì tự mình nên chà. Tỉ-kheo khi khạc nhổ phải biết như thế. Nếu ai không biết như thế thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ SỬ DỤNG BÁT.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có vị Tỉ-kheo để cái bát tại chỗ lỗ trống, bị cơn gió lốc thổi làm rơi xuống đất vỡ bể, đến lúc nghe tiếng bảng đánh báo hiệu dùng cháo, thầy đi lấy bát thì than ôi chỉ còn một đống mẻ sành. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi thầy Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay trở đi, vấn đề bát phải biết như sau: Không được đem bát để ở chỗ lỗ hổng, bên cạnh bờ, chỗ nguy hiểm; không được để ở chỗ cánh cửa mở và nơi thường đi lại; không được dùng tro chùi bát khiến nó phai màu, mà nên dùng nước lá cây, nếu không có cát thì nên dùng khăn mà lau. Khi rửa, không được ngồi ở triền bờ, chỗ nguy hiểm, trên tảng đá, trên đống gạch. Không được ngồi dưới cây đa-la, dưới cây Ca-tì-đà, dưới cây na-lê. Rửa bát nên ngồi chòm hổm, hoặc quì gối cách đất chừng một gang tay. Nên rửa bát Hòa thượng, A-xà-lê trước rồi mới rửa bát mình sau. Không được đem nước thừa trong bát của mình đổ vào bát của Hòa thượng, A-xà-lê mà nên dùng nước thừa trong bát của Hòa thượng, A-xà-lê để rửa bát mình. Khi bát khô, dọn cất thì cũng phải dọn bát của Hòa thượng, A-xà-lê trước. (506b) Khi cất bát vào túi xách phải cất bát của Hòa thượng, A-xà-lê trước. Ðồng thời nên ngồi chòm hổm, lấy cái đai túi xỏ qua cánh tay, đặt trên đầu gối, rồi cất bát vào, đoạn, đem để trên giường hoặc trên ghế. Túi đựng bát nên may hai hay ba lớp. Khi muốn treo bát nên lay cây trụ xem có vững chắc hay không rồi mới treo. Nếu không có chỗ treo thì nên để bát trên giường, nếu nơi ấy có rổ đựng rau che chở thì được để, hoặc có sóng bát thì được để, nhưng đừng để chúng úp ngược lại nhau. Sóng bát nên làm vành. Không được lấy bát trong bóng tối; không được lấy bát khi tay bẩn, mà phải rửa tay sạch rồi mới lấy. Khi lấy bát, một tay cầm hai cái, một tay cầm một cái, không được cầm tới bốn cái. Khi trao bát không được đưa đột ngột mà nên hỏi: "Thầy lấy bát chưa?", nếu đáp: "Lấy", thì mới đặt bát xuống. Không được đem bát đựng những vật ô uế cũng không được dùng đựng nước để cạo đầu, rửa tay chân, rửa mặt, hay dùng trong nhà tắm và dùng múc nước rửa tiểu tiện. Phải giữ gìn bát như giữ gìn đôi mắt. Nếu không làm như vậy thì vượt pháp oai nghi.

VẤN ÐỀ DÙNG CHÁO.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ nhóm sáu Tỉ-kheo chê bai cháo, nếu thấy cháo lỏng liền nói: "Ðây không phải là cháo mà là sông Diêu-phù-na". Nếu thấy cháo đặc, liền nói: "Ðây không phải là cháo mà là cơm cứng làm gãy răng người ta".

Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay trở đi, vấn đề cháo nên biết như thế này: Khi nghe tiếng bảng đánh báo hiệu ăn cháo thì phải biết đó là cháo đãi cho hai bộ Tăng hay cho một bộ Tăng, hay cho thầy trò quyến thuộc. Khi biết rồi thì nên đi, đến nơi rồi thì không được nhìn vào hình thức để khen chê đặc lỏng mà có sao thì nhận vậy; cũng không được lấy vượt thứ tự của mình. Khi lấy không được trùm đầu, trùm vai, mang giày dép mà nên cởi giày, vén vai áo bên phải để lấy. Nếu người đưa cháo đi qua nhanh thì ít nhất nên tháo gót giày để lấy. Nếu không kịp tháo giày thì đợi họ đi trở lại rồi lấy, hoặc nhờ người khác lấy. Nếu ngồi thì lấy theo thứ tự. Nếu thấy cháo lỏng thì không được nói: "Trong quá, giống như sông Diêu-phù-na, thấy cả bóng trăng". Nếu thấy cháo đặc thì không được nói: "Ðây là cơm cứng, làm gãy răng người ta", mà hễ cho sao thì nên nhận vậy. Vấn đề cháo nên xử trí như vậy. Nếu ai không làm như vậy, thì vượt pháp oai nghi.

OAI NGHI KHI ÐỨNG.

Khi Phật an trú tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá, lúc ấy có một Tỉ-kheo đang ngồi thiền trong hang đá Ðế-thích bên triền núi, rồi một Tỉ-kheo khác đến đứng trước cửa hang (506c) khiến cho tâm vị Tỉ-kheo ngồi thiền không được định. Các Tỉ-kheo bèn đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy tới rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!

- Từ nay trở đi khi đứng phải làm như sau: Không được đứng trước vị Tỉ-kheo đang ngồi thiền; không được đứng trước chúng Tăng; không được đứng trước chỗ mọi người đang ngồi; không được đứng trước Hòa thượng, A-xà-lê và các trưởng lão Tỉ-kheo; cũng không được mang giày, đeo đai, trùm đầu hoặc buông thõng hai tay đứng bên cạnh các ngài. Nhưng nếu bị bệnh thì không có tội, không được đứng trước dâm nữ, trước kẻ đánh bạc, trước quán rượu, trước kẻ đồ tể, trước nhà lao và trước kẻ sát nhân. Không được đứng chỗ che khuất kín đáo. Vấn đề đứng phải biết xử trí như thế. Nếu ai không làm như thế thì vượt pháp oai nghi.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ ba mươi bốn

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn TT. Thích Phước Sơn và ĐĐ. Giác Đồng đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ luật này. (Thích Nguyên Tạng, 01/03/2001)

--- o0o ---

Trình bày: Minh Thông - Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]