Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

QUYỂN 4

18/04/201316:06(Xem: 8440)
QUYỂN 4

Đại Tạng No. 1425

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hán dịch:
Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La(Người Thiên Trúc) cùng
Sa Môn Pháp Hiển dịch vào đời Đông Tấn.

Việt dịch:Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa:Thích Đỗng Minh


Phật lịch: 2545 - 2000

--- o0o ---

Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri

Quyển thứ tư

-ooOoo-

3. GIỚI: SÁT SINH.

PHẦN ÐẦU CỦA GIỚI THỨ BA, TRONG 4 GIỚI BA LA DI

Khi Phật ở tại Tỳ Xá Ly, có một Tỳ kheo bị bệnh lâu ngày không bớt. Thầy Tỳ kheo nuôi bệnh đâm ra mỏi mệt chán ngán, liền nói với Tỳ kheo có bệnh: "Trưởng lão! Tôi nuôi bệnh đã lâu ngày, không được phụng sự Hòa thượng, Thầy Giáo thọ, cũng không được thọ trì Kinh, tụng Kinh và tư duy hành đạo. Trưởng lão mang bệnh đã lâu ngày, chữa trị cũng không hết, tôi cũng khổ sở lây". Thầy Tỳ kheo có bệnh nói: "Thế thì phải làm sao? Tôi cũng đau đớn thống khổ không sao chịu nổi. Nếu thầy có thể giết tôi chết thì hay lắm". Thầy Tỳ kheo ấy liền giết vị kia. Các Tỳ kheo hay được liền đem đầy đủ mọi tình tiết bạch lên Thế Tôn.

Thế Tôn dạy: "Gọi Tỳ kheo ấy đến".

Khi thầy ấy đến rồi, Phật bèn hỏi kỹ các việc trên: "Tỳ kheo! Ông có làm việc ấy thực chăng?"

Ðáp: "Có thực, bạch Thế Tôn".

Phật khiển trách: "Này kẻ ngu si! Ông không từng nghe ta dùng nhiều phương tiện ca ngợi những người sống phạm hạnh có thân từ ái, miệng từ ái và ý từ ái, cúng dường cung cấp những thứ cần thiết cho họ là gì? Nay vì sao ông tự tay sát hại mạng sống của người? Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được".

Bấy giờ, Phật ra lệnh cho các Tỳ kheo đang sống tại Tỳ Xá Ly phải tập họp lại tất cả, vì mười điều lợi ích mà chế giới cho các Tỳ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

- Nếu Tỳ kheo tự tay mình sát hại mạng người, thì phạm tội Ba La Di, không được sống chung với Tăng chúng.

Lại nữa, khi Phật ở tại Tỳ Xá Ly, có một Tỳ kheo bị bệnh, chữa trị lâu ngày mà không dứt. Thầy Tỳ kheo nuôi bệnh mệt mỏi, chán ngán, bèn nói với Tỳ kheo có bệnh: "Trưởng lão! Từ ngày tôi nuôi bệnh đến nay đã lâu mà không được phụng sự Hòa thượng, thầy Giáo thọ, không được thọ trì Kinh, tụng Kinh, tư duy hành đạo. Trưởng lão mang bệnh đã lâu ngày chữa trị không dứt, mà tôi cũng khổ lây". Thầy Tỳ kheo có bệnh nói: "Thế thì phải làm sao? (254a) Tôi cũng đã chán nỗi thống khổ này không thể chịu nổi. Nếu thầy có thể giết tôi chết thì rất tốt". Thầy Tỳ kheo ấy nói: "Ðức Thế Tôn chế giới không được tự tay mình giết người". Tỳ kheo có bệnh nói: "Nếu thầy không thể tự tay mình giết tôi, thì thầy có thể vì tôi đi tìm một kẻ cầm dao đến đây". Lúc ấy, thầy Tỳ kheo nuôi bệnh bèn đi đến chỗ một ngoại đạo là Lộc Trượng, nói: "Lão trượng, ông có thể giết vị Tỳ kheo mỗ giáp kia, thì tôi cho ông y bát". Y bèn theo lời, giết thầy ấy rồi lấy y bát.

Các Tỳ kheo biết được việc đó, liền đem đầy đủ mọi sự tình bạch lên Thế Tôn.

Phật bảo: "Ði gọi thầy Tỳ kheo nuôi bệnh đến đây".

Khi Tỳ kheo ấy đến, Phật hỏi: "Có thực ông làm việc đó chăng?"

Ðáp: "Ðúng vậy!"Phật khiển trách: "Ngươi chẳng từng nghe ta dùng vô lượng phương tiện khen ngợi những người sống phạm hạnh có thân từ ái, miệng từ ái, ý từ ái, cúng dường cung cấp những vật cần thiết cho họ là gì? Nay vì sao ông tìm người cầm dao giết chết mạng người? Ðó là việc phi pháp, phi luật, chẳng phải điều ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được".

Thế rồi Phật ra lệnh cho các Tỳ kheo sống chung quanh Tỳ Xá Ly phải tập họp lại đầy đủ. Ngài bèn vì mười lợi ích chế giới cho các Tỳ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

- Nếu thầy Tỳ kheo tự tay giết người, hoặc tìm người cầm dao đến giết, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung (với tăng chúng).

Lại nữa, khi Phật ở tại Tỳ Xá Ly, có một Tỳ kheo bị bệnh lâu ngày. Rồi thầy Tỳ kheo nuôi bệnh nói với Tỳ kheo bị bệnh dai dẳng ấy như sau: "Tôi không thọ trì Kinh, tụng Kinh, tư duy hành đạo được. Lại phải đi đến người ta tìm kiếm những thức ăn uống, thuốc thang phù hợp với người bệnh khiến thiên hạ đều chán ngấy tôi. Tôi cũng khổ sở chẳng kém". Thầy Tỳ kheo bệnh nói: "Thế thì phải làm sao? Tôi cũng chán nỗi đau đớn này, không thể chịu nổi nữa. Nếu thầy giết tôi chết thì tốt lắm". Tỳ kheo ấy liền nói: "Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được tự tay giết người hay sao?". Tỳ kheo bệnh nói: "Nếu vậy thì thầy vì tôi đi gọi giúp người cầm dao đến đây". Tỳ kheo ấy lại nói: "Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được đi tìm người cầm dao về giết người hay sao?"Tỳ kheo bệnh nói: "Thế thì thầy bảo phải làm sao?" Tỳ kheo nuôi bệnh đáp: "Thầy chỉ cầu được sống không muốn chết, chứ nếu muốn chết thì thầy có thể tìm dao dể tự sát, hoặc là uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc nhảy xuống hố, lao vào lửa, hoặc ôm đá dìm mình xuống sông, phương pháp tự sát thật là đa dạng". Ca ngợi như thế rồi, thầy bèn ra khỏi trú xứ. Sau đó Tỳ kheo có bệnh bèn tự sát. Các Tỳ kheo bèn đem (254b) việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Thế Tôn dạy: "Hãy gọi Tỳ kheo nuôi bệnh đến đây".

Khi vị ấy đến, Phật hỏi kỹ sự việc trên: "Ông có làm thực như thế chăng?"

Ðáp: "Thật như thế."

Phật nói: "Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện khen ngợi những người sống phạm hạnh, có thân từ ái, miệng từ ái và ý từ ái, và khuyên cúng dường cung cấp cho họ những thứ cần thiết là gì? Nay vì sao ông lại ca ngợi sự chết? Ðiều đó là phi pháp, phi luật, không đúng lời ta dạy. Không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp".

Thế rồi Phật ra lệnh cho các Tỳ kheo sống xung quanh Tỳ Xá Ly tập họp lại tất cả, những ai nghe rồi cũng phải nghe lại và căn cứ mườilợi ích mà chế giới cho các Tỳ kheo như sau:

- Nếu Tỳ kheo tự tay mình giết người, hoặc đi tìm người cầm dao đến giết, hoặc bảo họ chết, ca ngợi sự chết, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung với chúng tăng.

Lại nữa, khi Phật ở tại Tỳ Xá Ly, nói rộng như trên... Khi Lộc Trượng ngoại đạo giết Tỳ kheo rồi, lòng rất sầu não, suy nghĩ "Ta nay vì sao lại giết người sống phạm hạnh, tạo tội ác như thế? Sau khi ta mệnh chung, làm sao khỏi rơi vào đường ác, sa vào địa ngục?"

Bấy giờ, Thiên Ma Ba Tuần thường tạo điều kiện để làm tăng trưởng các việc ác, liền từ trên không trung nói với ngoại đạo: "Ông chớ nên ưu sầu lo sợ đọa vào đường ác. Vì sao thế? - Việc làm của ông hôm nay là khiến cho người ta thoát được khổ hoạn, những ai chưa được độ thì được độ, thực là công đức vô lượng". Khi đó, ngoại đạo ấy suy nghĩ: "Ta giết Tỳ kheo, ắt thu được phước lớn, cho nên Chư Thiên tùy hỷ khen là việc tốt". Suy nghĩ thế rồi, y bèn cầm dao bén đi đến các tăng phòng và những chỗ kinh hành rao lớn cho các Tỳ kheo nghe: "Ai muốn thoát khổ, ai muốn được độ, ta sẽ làm cho hết khổ, ta sẽ độ cho".

Bấy giờ, đức Thế Tôn giảng về pháp môn Bất tịnh quán cho các Tỳ kheo . Các Tỳ kheo tu pháp bất tịnh quán chán ngấy nỗi khổ của thân, trong số họ có người dùng dây thắt cổ, có người uống thuốc độc, có kẻ dùng dao tự sát, có kẻ nhảy xuống hố, kẻ lao vào lửa, tự vẫn rất đông. Họ còn bị Lộc Trượng ngoại đạo trước sau giết không phải một người, hai người, ba, bốn, năm người, mười người mà cả thảy sáu mươi người. Lúc ấy vào ngày rằm hằng tháng, đức Thế Tôn đang ngồi giữa chúng tăng, định làm lễ Bố tát. Ngài nhìn xung quanh thấy chúng Tăng thưa thớt, bèn hỏi A Nan: "Hôm nay chúng Tỳ kheo vì sao mà ít thế? Vì sao không thấy Tỳ kheo A, B,.v.v...?"

A Nan liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Trước đây Thế Tôn đã vì các Tỳ kheo giảng về pháp Bất tịnh quán, ca ngợi công đức tu tập pháp Bất tịnh quán (254c). Các Tỳ kheo siêng năng tu pháp Bất tịnh quán... Sau khi tu pháp quán Bất tịnh họ rất chán cái thân này. Do thế có người cầm dao tự sát. Thậm chí có người còn nhờ Lộc Trượng ngoại đạo giết mình; chỉ trong nửa tháng mà mất sáu mươi người. Những ai không đến đều đã mệnh chung, rất mong Thế Tôn dạy cho pháp khác, để các Tỳ kheo khỏi chán xác thân mà tự sát, hầu các bậc Hiền thánh còn tồn tại lâu ở thế gian, đem lại lợi ích cho trời, người".

Thế rồi, Phật bảo A Nan: "Có pháp thiền định khác khiến các Tỳ kheo thích thú, siêng tu mà không nhàm chán xác thân. Ðó là pháp niệm hơi thở vô và hơi thở ra. A Nan! Thế nào là Tỳ kheo tu tập pháp niệm hơi thở vô hơi thở ra, được thành tựu, chứng ngộ, du hí trong an lạc? Ðó là, nếu Tỳ kheo cư trú nơi thành ấp, xóm làng, khi đến giờ, khoác y, cầm bát vào thành khất thực, thu nhiếp thân, khẩu, ý, khéo nghĩ nhớ đến thân mình, không để tâm dong ruổi, thường giữ chánh định, nhiếp trì các căn mà đi khất thực. Khất thực xong, trở về trú xứ tìm một chỗ vắng vẻ mà ngồi yên. Nghĩa là tìm một chỗ trống, khe suối, hang núi hay nghĩa trang mà ngồi thiền rồi đoạn trừ tham dục, sân hận, ngủ nghỉ, trạo cử, hoài nghi và diệt trừ các chướng ngại, trí tuệ sáng tỏa, buộc niệm tại hơi thở, khi hít vào biết là hít vào, khi thở ra biết là thở ra.

1- Khi hít vào dài biết là hít vào dài, khi thở ra dài biết là thở ra dài.

2- Khi hít vào ngắn biết là hít vào ngắn. Khi thở ra ngắn, biết là thở ra ngắn.

3- Khi hơi thở vào khắp thân thể, biết là hơi thở vào khắp thân thể. Khi hơi thở ra khắp thân thể, biết là hơi thở ra khắp thân thể.

4- Khi hơi thở vào thân buông xả, biết là hơi thở vào thân buông xả. Khi hơi thở ra thân buông xả, biết là hơi thở ra thân buông xả.

5- Khi thở vào hoan hỷ, biết là thở vào hoan hỷ. Khi thở ra hoan hỷ, biết là thở ra hoan hỷ.

6- Khi thở vào an lạc, biết là thở vào an lạc. Khi thở ra an lạc, biết là thở ra an lạc.

7- Khi thở vào có ý thức, biết là thở vào có ý thức. Khi thở ra có ý thức, biết là thở ra có ý thức.

8- Khi thở vào có ý hành xả, biết là thở vào có ý hành xả. Khi thở ra có ý hành xả, biết là thở ra có ý hành xả.

9- Khi thở vào có tâm hiện diện, biết là thở vào có tâm hiện diện. Khi thở ra có tâm hiện diện, biết là thở ra có tâm hiện diện.

10- Khi thở vào tâm vui vẻ, biết là thở vào tâm vui vẻ. Khi thở ra tâm vui vẻ, biết là thở ra tâm vui vẻ.

11- Khi thở vào tâm định tĩnh, biết là thở vào tâm định tĩnh. Khi thở ra tâm định tĩnh, biết là thở ra tâm định tĩnh.

12- Khi thở vào tâm giải thoát, biết là thở vào tâm giải thoát. Khi thở ra tâm giải thoát, biết là thở ra tâm giải thoát.

13- Khi thở vào vô thường, biết là thở vào (255a) vô thường. Khi thở ra vô thường, biết là thở ra vô thường.

14- Khi thở vào đoạn diệt, biết là thở vào đoạn diệt. Khi thở ra đoạn diệt, biết là thở ra đoạn diệt.

15- Khi thở vào không tham dục, biết là thở vào không tham dục. Khi thở ra không tham dục, biết là thở ra không tham dục.

16- Khi thở vào tịch diệt, biết là thở vào tịch diệt. Khi thở ra tịch diệt, biết là thở ra tịch diệt.

Như thế đó A Nan, suy nghĩ như vậy, gọi là thích thú, khéo học, không nhàm chán xác thân, khiến cho các bậc hiền thánh an trú lâu ở thế gian, làm lợi ích cho trời, người. Rồi Phật ra lệnh cho các Tỳ kheo sống xung quanh Tỳ Xá Ly tập họp lại hết, ai nghe rồi cũng phải nghe lại, vì mười lợi ích chế giới cho các Tỳ kheo như sau:

-- Nếu Tỳ kheo tự tay giết người, hoặc tìm người cầm dao đến giết, hoặc xúi giục tự tử, hoặc ca ngợi sự chết, như nói: "Ôi! Kẻ nam tử, sống với cái thân nhơ uế để làm gì, chết còn hơn sống". Dùng phương tiện ca ngợi rằng chết là thích thú, với ý nghĩ như thế, tư tưởng như thế chứ không có gì khác, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung với tăng chúng.

Giải thích

Tỳ kheo:(Ðã chú thích ở giới thứ nhất)

Tự tay mình:Ðó là: Tự thân, thân phần, thân thế lực.

Tự thân:Dùng cả toàn thân mình đè lên để giết người thì phạm Ba La Di. Ðó gọi là tự thân.

Thân phần:Hoặc dùng tay, cùi chỏ, gót chân, đầu gối, hoặc các bộ phận khác để giết người, thì phạm Ba La Di. Ðó gọi là thân phần.

Thân thế lực:Hoặc dùng gậy, dùng đá, dùng gạch, từ xa để ném giết người thì phạm Ba La Di. Ðó gọi là thân thế lực.

Người:Thuộc loài người, có mạng sống.

Giết chết:Khiến cho tứ đại của người ấy bị phân tán, mạng sống không còn tiếp tục. Ðó gọi là giết chết.

Ði tìm:Là đi tìm người cầm dao hoặc là nam, nữ, lớn, nhỏ, hoặc xuất gia, tại gia.

Dao:Hoặc là kiếm kích, hoặc dao dài, dao ngắn, hoặc xà mâu, vòng sắt, tất cả những khí giới sắt bén cho đến cây kim.v.v...

Khen ngợi sự chết:Tức là nói: Sống với cái thân ô uế để làm gì, chết còn hơn sống. Ý nghĩ như vậy là ý nghĩ sát hại, tư tưởng như vậy là tư tưởng sát hại. Khen ngợi chết là thích thú để mong người ấy chết, chứ không có lý do nào khác. Do đó mà họ chết, thì Tỳ kheo ấy phạm Ba La Di, không được sống chung.

Ba La Di:(Ðã giải thích ở giới thứ nhất)

(255b) Tỳ kheo giết người: Hoặc dùng dao giết, hoặc dùng thuốc độc giết, hoặc bôi thuốc lên mình, hoặc cho mửa ra, cho đại tiện, hoặc làm đọa thai để giết, hoặc nói về tướng trạng, hoặc ca ngợi sự tự sát.

Giết bằng dao:Hoặc dùng gươm, dao lớn, dao nhỏ, cho đến dùng kim.v.v... Khi có tâm sát hại mà thân động thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi chạm đến thân họ, thì phạm tội Thâu lan giá. Do đó mà họ chết chứ không có lý do nào khác, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng dao.

Giết bằng thuốc độc:Thuốc độc có ba loại, là: Thuốc độc sống, thuốc độc bào chế, chất độc của loài vật.

Thuốc độc sống:Có những nước, đất ở đó sinh ra cây thuốc độc, như nước Nghê Lâu Sinh có cây thuốc độc thắng cừ, nước Uất Xà Ni sinh có cây thuốc độc già la. Ðó gọi là thuốc độc sống.

Thuốc độc bào chế:Như trường hợp thợ săn dùng rễ, cành, hoa, lá hợp lại chế thành thuốc độc. Ðó gọi là thuốc độc bào chế.

Chất độc của loài vật:Như chất độc của rắn, chất độc của loài Na Câu La, chất độc của mèo, chất độc của chuột, chất độc của chó, chất độc của gấu, chất độc của người (?). Các chất độc như thế gọi là chất độc của loài vật.

Bôi lên mình:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người bèn dùng tay cầm ba loại thuốc độc, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu bôi lên mình họ thì phạm tội Thâu lan giá. Người ấy do thế mà chết, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng thuốc.

Bôi thuốc mà giết:Nếu Tỳ kheo muốn giết người, tự tay cầm thuốc độc thì phạm tội Việt Tỳ Ni, thoa thuốc vào thân phần người khác, phạm Thâu Lan Giá. Nếu người ấy do đó mà chết, phạm tội Ba La Di.

Cho thuốc mửa ra:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên chế ra thuốc mửa, suy nghĩ: "Ta đưa loại thuốc này cho người ấy uống để cho y mửa ra máu huyết, gan mật", thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi đưa thuốc cho người ấy thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Người ấy vì uống thuốc mửa đó mà chết, thì phạm tội Ba La Di.

Cho thuốc đại tiện:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên chế ra thuốc đại tiện, và suy nghĩ: "Ta đưa thuốc này cho người ấy uống, để y đại tiện ra máu huyết và gan mật", thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu đưa thuốc cho người ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu người ấy do thuốc đó mà chết thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là dùng thuốc đại tiện để giết.

Làm đọa thai để giết:Nếu Tỳ kheo muốn giết bà mẹ mà làm cho đọa thai, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Hoặc muốn làm đọa thai mà bà mẹ chết, thì cũng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu muốn giết người mẹ mà người mẹ chết, thì phạm tội Ba La Di.

Nếu muốn làm đọa thai mà một phần của thai nhi, hoặc cả thai bị trục ra, thì phạm tội Ba La Di.

Nếu làm đọa thai loài vật thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Ðó gọi là làm đọa thai để giết.

Nói tướng trạng:Nếu Tỳ kheo nói với người kia rằng: "Theo chỗ thấy của tôi hiện giờ thì ông nhất định sẽ chết. Ông nên tự sát, chứ sống khổ sở để làm gì!"Người ấy do thế mà chết, (255c) thì Tỳ kheo này phạm tội Ba La Di.

Hoặc nói: "Như tôi thấy trong mộng thì nay ông nhất định sẽ chết"

Hoặc nói: "Tôi nghe tiếng chó sói, chim cú, chim quạ kêu. Nay tôi thấy trên mũi ông hiện lên sắc đen, ông chắc chắn sẽ chết. Ông nên tự sát, chứ sống khổ sở để làm gì!"Người đó do thế mà chết, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di.

Hoặc hỏi: "Ông bao nhiêu tuổi?". Ðáp: "Tôi chừng ấy tuổi". Lại nói: "Tôi rất rành số mạng. Năm nay ông chắc chắn sẽ chết, chi bằng ông tự sát là hơn, chứ để cái thân ô uế này sống mà làm gì!" Người đó do thế mà chết, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di.

Hoặc hỏi: "Ông thuộc về sao gì?" Ðáp: "Tôi thuộc về sao như thế". Lại nói: "Tôi hiểu rõ sao đó, nên biết năm nay ông nhất định sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa. Vì sao ông không tự sát mà sống khổ sở để làm gì?"

Hoặc hỏi: "Ông tên gì?". Ðáp: "Tôi tên là A". Lại nói: "Tôi biết tất cả các tên tuổi. Ông nhất định sẽ chết".

Lại hỏi: "Ông họ gì?". Ðáp: "Tôi họ mỗ". Lại nói: "Tôi biết rất rành các dòng họ, năm nay ông nhất định sẽ chết".

Lại hỏi: "Ông ăn thứ gì?". Ðáp: "Tôi ăn thức ăn như thế". Bèn bảo họ mửa ra. Mửa rồi, liền nói: "Ông ăn thức ăn như thế chắc chắn sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa".

Lại hỏi: "Ông ăn tại đâu?". Ðáp: "Ăn tại chỗ đó". Bèn bảo họ mửa ra. Mửa rồi, liền nói: "Chỗ đó có chất độc. Nay ông chắc chắn sẽ chết, sao không tự sát cho rồi, chứ sống khổ sở để làm gì?" Người đó do thế mà chết, thì Tỳ kheo ấy phạm tội Ba La Di.

Tóm lại, nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên cố ý nói về tướng trạng, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Người đó nghe lời dùng phương tiện định tự sát, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu họ đã tự sát, thì phạm tội Baladi. Ðó gọi là nói tướng trạng để giết.

Ca ngợi sự tự sát:Nếu Tỳ kheo hỏi một người bố thí, hoặc trì giới có kết quả: "Ông có bố thí không?". Ðáp: "Có bố thí". Tỳ kheo nói: "Ông đã tạo được công đức, ắt sinh vào cõi thiện, sao không tự sát đi mà sống khổ sở để làm gì?". Ðó là trường hợp bố thí.

Hoặc Tỳ kheo hỏi một người trì giới: "Ông có giữ giới không?". Ðáp: "Có giữ giới".

Lại nói: "Ðức Thế Tôn dạy rằng: Kẻ trì giới sẽ sinh về hai nơi, hoặc trên trời, hoặc cõi người; sao ông không tự sát mà còn sống khổ sở để làm gì?" Ðó gọi là ca ngợi kết quả giữ giới. Tỳ kheo lại nói: "Ông đã được quả Tu đà hoàn, không còn đọa vào đường ác, tối đa là sinh lại trong cõi trời người bảy lần nữa rồi chấm dứt khổ đau, đóng cửa ác thú, sao không tự sát mà còn sống khổ sở để làm gì?".

Hoặc nói: "Ông đã được quả Tư đà hàm, còn một lần sinh lại thế gian rồi chấm dứt khổ đau, sao không tự sát mà sống khổ sở để làm gì?"

Hoặc nói: "Ông đã được quả A na hàm, không còn trở lại thế gian nữa (256a), mọi khổ đau đã kết thúc sao không tự sát, mà còn sống khổ sở để làm gì?"

Hoặc nói: "Ông đã được quả A la hán, sạch hết dâm, nộ, si, không vướng phiền não, tâm được tự tại, sao không tự sát mà còn sống khổ sở để làm gì?"

Tóm lại, nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên ca ngợi kết quả của sự bố thí, trì giới, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Khi người ấy tìm phương tiện để tự sát, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu họ đã tự sát thì phạm tội Ba La Di.

Lại có các trường hợp giết người khác:Hoặc đi, hoặc đặt cạm bẫy, hoặc dùng Tỳ Ðà La chú, hoặc thuốc bột, hoặc ô mãn thổ, hoặc hầm hố, hoặc a ba khâm mãn, hoặc chỉ đường, hoặc chỉ sông, hoặc đại thần, hoặc Tăng phường, hoặc cọp, hoặc ngoại đạo...

Giết khi đi:Hoặc 10 người, hoặc 20 người cùng đi trên đường, rồi Tỳ kheo vì trước đó có thù oán, muốn hại người đi trước mà hại lầm người đi giữa, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Hoặc muốn hại người đi giữa mà hại lầm người đi sau cũng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Hoặc muốn hại người đi sau mà hại lầm người đi giữa cũng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Hoặc muốn hại người đi giữa mà hại lầm người đi đầu cũng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nhưng muốn hại người đi đầu mà hại đúng người đi đầu thì phạm tội Ba La Di.

Hoặc muốn hại người đi giữa mà hại đúng người đi giữa cũng phạm tội Ba La Di.

Hoặc có ý muốn giết tất cả, thì tùy người nào bị giết liền phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết khi đi.

Giết bằng đặt cạm bẫy:Nếu Tỳ kheo có tâm giết hại, làm cạm bẫy, thì khi đem cạm bẫy đặt ở giữa đường liền phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người ấy bị đau đớn, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu người ấy chết, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng đặt cạm bẫy.

Giết bằng tỳ đà la chú: Nếu Tỳ kheo muốn giết người, bèn làm tỳ đà la chú thì khi làm chú, phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người ấy đâm ra sợ hãi, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khi người ấy chết thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là dùng chú Tỳ đà la để giết.

Giết bằng thuốc bột:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên làm thuốc bột. Khi làm nghĩ rằng: "Ta sẽ đem món thuốc này đến giết người ấy", thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu thuốc đó chạm đến người ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu người ấy chết, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng thuốc bột.

Giết bằng ô mãn thổ:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên làm ô mãn thổ (?) giữa đường, thì khi làm liền phạm tội Việt Tỳ Ni. Người ấy vì thế mà đau đớn, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu y chết, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng ô mãn thổ.

Giết bằng hầm sập:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên đào hầm ở giữa đường, rồi đặt các thứ hung khí sắc bén, dùng cỏ, đất phủ lên trên, để người đó rơi xuống chết, thì khi làm liền phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người đó bị đau đớn (256b) thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu y chết thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng hầm sập.

Giết bằng a ba khâm mãn:Nếu Tỳ kheo vì muốn giết người nên làm a ba khâm mãn (?) ở giữa đường, thì khi làm liền phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người ấy bị đau đớn, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu y chết thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng a ba khâm mãn.

Giết bằng cách chỉ đường:Nếu Tỳ kheo đang đi kinh hành ở bên đường có người đến hỏi: "Trưởng lão! Tôi muốn đến khu làng như thế, phải đi đường nào?"Tỳ kheo vì trước đó có mối thù với người ấy, liền suy nghĩ: "Ta nay gặp được kẻ này, nên chỉ con đường nguy hiểm, khiến cho y chỉ có chết mà thôi". liền chỉ những con đường nguy hiểm như: nạn vua, nạn sư tử, hổ báo, nạn rắn độc... thì khi chỉ những con đường hiểm như thế, phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu người ấy bị thống khổ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu y chết, thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng cách chỉ đường.

Giết bằng chỉ lối qua sông:Nếu Tỳ kheo đang đi kinh hành ở bên sông có người đến hỏi: "Trưởng lão! Tôi muốn đi đến chỗ như thế, nên đi lối nào?"Tỳ kheo này trước đây vốn có mối thù với người ấy, liền suy nghĩ:"Nay ta gặp được kẻ này, nên chỉ y đi qua chỗ hiểm trở, khiến cho y không thể nào thoát chết", liền chỉ các lối đi hiểm trở như: chỗ nước xoáy, chỗ đá ngầm, chỗ đất sụp, lòng chảo.v.v.. hoặc đoạn bờ sông vua cấm, hoặc có bọn cướp sông, hoặc có nạn sư tử, hổ báo, trùng độc.v.v... khi chỉ cho người ấy lối đi hiểm trở thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người ấy bị thống khổ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Khi y chết thì phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là giết bằng chỉ lối qua sông.

Ðại thần:Nếu có quan đại thần bạo ngược vô đạo, tham lam lấy của người đem về cho mình, không sợ hình phạt, buông lung phóng túng, suy nghĩ như sau: "Thà làm con quạ hôm nay hơn là làm con công ngày mai". Vua nghe được lời ấy, bèn bắt y giam vào tù để trị tội. Y sợ chết, nên dùng tất cả tài sản để chuộc mạng. Khi ấy có một Tỳ kheo thường lui tới nhà đó, bèn đến an ủi hỏi han những nổi vui buồn của gia đình họ. Người vợ nói: "Nhà tôi vừa gặp chuyện rắc rối đang bị giam trong tù, thì làm sao vui được? Thầy có biết không? Hiện giờ nhà tôi sợ tội phải bị tử hình, nên đem tất cả của cải để chuộc lấy tính mạng. Nếu tiền của hết thì phải bần cùng, không còn gì để sống nữa". Tỳ kheo nói: "Bà chớ sầu não! Ta sẽ bảo chồng bà không nên dùng đến tài sản", bèn đến nhà giam an ủi ông ta: "Lão trượng! Không bệnh chứ?". Viên đại thần thấy Tỳ kheo đến, lòng rất hoan hỷ (256c) nói: "Thầy ở ngoài có nghe điều gì chăng?". Tỳ kheo đáp: "Nghe ông sắp phải chết, nên muốn dùng hết gia tài để chuộc lấy tính mạng. Nếu như thế thì vợ con ông sau này sẽ đói khát khốn cùng phải đi ăn xin, mà tiếng xấu gia đình ông sẽ còn truyền mãi". Viên đại thần hỏi: "Thế thì phải làm sao?". Tỳ kheo nói: "Tên vua này vô đạo, giả sử có thu hết tài sản của ông cũng chẳng để ông sống đâu, cẩn thận, chớ giao của cho hắn mà phải tính toán cho kỹ lưỡng". Nếu viên đại thần đó nghe theo lời ấy, thì Tỳ kheo phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu y phải chịu thống khổ, thì Tỳ kheo phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu y chết, thì Tỳ kheo phạm tội Ba La Di. Nhưng nếu vị đại thần nghe Tỳ kheo ấy nói bèn đáp rằng: "Thầy là bạn tri kỷ của tôi mà tiếc tiền của không muốn tôi sống, nếu tôi chết rồi giả sử mặt trời mặt trăng không mọc nữa, thì cũng chẳng phải điều mà tôi lo, huống gì việc khác. Thầy hãy về suy nghĩ những lời Phật dạy, còn việc cát hung tốt xấu không liên quan gì đến thầy", thì Tỳ kheo phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu sau đó vị đại thần suy nghĩ: "Ðúng như Tỳ kheo nói, tên vua này vô đạo, giả sử cho hết tài sản, chung cục hắn cũng giết ta. Ta chết đã vô ích mà vợ con còn bị đói khát, không lấy gì để sống, gia đình bị sỉ nhục; Ôi! Cái chết thật đau đớn! Ta nay chịu lấy một mình, không đem cho tài sản". Thế rồi ông bị chết. Dù ông không lập tức nghe lời của Tỳ kheo, nhưng vì trước đó Tỳkheo đã bày kế ấy, nên phạm tội Thâu Lan Giá.

Có người vi phạm quốc pháp, viên chức hình sự bắt trói đem đến trình vua. Vua bảo đem y ra tra xét, tùy tội xử trị. Lúc ấy, viên chức tư pháp bèn dùng hoa già tỳ la trang điểm lên đầu tội nhân, trói chặt hai tay, đánh trống, thổi tù và, loan báo sắc lệnh khắp nơi. Loan báo lệnh xong bèn đem y ra khỏi cửa thành, đến nơi pháp trường. Bấy giờ, có Tỳ kheo Ma Ha La (bán thế xuất gia), chưa rành giới luật, thương kẻ tội nhân ấy đau khổ, bèn nói với tên đao phủ rằng: "Người này thật đáng thương, đừng làm cho ông ta đau đớn. Ông chỉ nên chém y một nhát". Nếu lúc ấy tên đao phủ đáp: "Tôi sẽ y lời", rồi cầm dao bén chém phắt một nhát, thì Tỳ kheo ma ha la phạm tội Ba La Di. Nếu tên đao phủ trả lời với Tỳ kheo rằng: "Ông nên biết mình phải làm gì. Tôi sẽ làm theo mệnh lệnh của vua (257a). Ông hãy trở về mà suy nghĩ những lời Phật dạy đi", thì Tỳ kheo phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu sau đó tên đao phủ suy nghĩ, rồi mới áp dụng lời nói của Tỳ kheo, chém tội nhân một nhát mà không làm ngay lập tức, thì Tỳ kheo Ma Ha La phạm tội Thâu Lan Giá. Ðó gọi là đại thần.

Tăng phường:Có Tỳ kheo khách đến chùa, theo thứ tự nhận phòng ở. Thầy Tỳkheo tri khách vì trước đó có hiềm khích với vị này, bèn suy nghĩ: "Ta nay gặp được ngươi, phải cho ngươi căn phòng đổ nát, để ngươi chết toi mạng", bèn giao cho căn phòng hư, tường cột đổ nát hư hoại, gần chỗ tỳ đa la (?) đáng sợ, chỗ các loài ác quỉ phú đơn na, gần chỗ rắn rít. Khi giao phòng cho người kia, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Khi người kia bị thống khổ, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu thầy ấy chết, thì phạm tội Ba La Di.

Tỳkheo khách buổi sáng dậy sớm hỏi vị Tỳkheo cựu trú vật rửa tay ở chỗ nào? Tỳkheo cựu trú lấy bình chứa đầy ong nọc, rít, rắn độc, rồi đậy nắp lại, nói với vị Tỳkheo khách rằng: "Bình này có chứa nước rửa tay. Ngài cứ tự ý sử dụng". Khi vị khách cầm đến bình đó thì phạm tội Việt Tỳ Ni, khi bị đau đớn, phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu chết phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là dùng tăng phường để giết.

Cọp:Các nơi hoang vắng thường có cọp làm hại người. Lúc ấy, chúng tăng bèn tập họp lại bàn bạc: "Này các trưởng lão! Tại nơi hoang vắng này có cọp, sợ nó làm hại người, vậy ai có thể trừ được con cọp này?"Bấy giờ, trong chúng có Tỳkheo A, vốn có hiềm khích với Tỳkheo B, bèn nói với mọi người: "Tôi có thể trừ được cọp". Rồi vào lúc chiều tối, Tỳkheo A này mang cung tên ra đi, khi ấy thầy Tỳkheo B mặc y vàng, đầu có màu đen, đi đến chỗ cầu tiêu, rồi Tỳkheo A định giết Tỳkheo B nhưng giết nhầm cọp, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Hoặc định giết cọp nhưng giết nhầm Tỳkheo B, cũng phạm tội Việt Tỳ Ni. Nhưng nếu muốn giết Tỳkheo B mà giết đúng Tỳkheo B, thì phạm tội Ba La Di. Nhưng nếu muốn giết cọp mà giết đúng cọp thì phạm tội Ba Dật Ðề. Nếu định giết cả hai, thì tùy theo giết đối tượng nào, phạm tội theo đối tượng đó: Giết Tỳkheo phạm tội Ba La Di, giết cọp phạm tội Ba Dật Ðề. Ðó gọi là cọp.

Ngoại đạo:Có các ngoại đạo thờ mặt trời, mặt trăng, nên mỗi khi nhật thực, nguyệt thực thì những người Bà La Môn này tụ tập đồ đảng, tay cầm khí giới, lớn tiếng gọi nhau đi cứu mặt trời mặt trăng. Do đó, họ đi ngang qua gần tinh xá, vừa trông thấy các Tỳkheo, liền nổi giận mắng: "Bọn Sa môn Thích tử kia là bè đảng của A Tu La, nay phải giết chúng". Khi các Tỳkheo nghe những lời thô ác ấy, liền đánh kiền chùy (257b) tập họp Tăng chúng. Rồi một Tỳkheo nói: "Hôm nay chúng ta phải cùng nhau lập thệ ước trừng trị bọn ngoại đạo tà ác này, không để một mạng nào sống sót". Vì thề nguyền phi pháp, cho nên tất cả chúng tăng đều phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu bọn họ phải chịu đau khổ thì tất cả chúng Tăng phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu bọn họ chết thì tất cả Tăng chúng phạm tội Ba La Di.

Nếu cùng nhau thề nguyền: "Không nên làm cho chúng chết mà chỉ làm chúng đau khổ để cải ác làm lành", thì tất cả chúng Tăng phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu bọn họ chịu đau khổ thì tất cả Tăng chúng phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu lúc ấy các Tỳkheo bảo nhau: "Các trưởng lão! Không nên hại bọn chúng cũng không nên làm cho họ đau khổ, vì đức Thế Tôn đã dạy: "Nếu Tỳkheo bị bọn giặc hung bạo dùng cưa, dao cắt đứt thân thể, thì lúc ấy tâm không nên khởi lên niệm ác, miệng không nên nói lời ác độc với chúng mà phải khởi tâm từ bi, tâm lợi ích, tâm nhẫn nhục". Do đó các Tỳkheo cùng suy nghĩ "Trong Kinh Cú Ðạo Dụ, Thế Tôn đã dùng phương tiện dạy ta phải nhẫn nhục". Thế rồi, các thầy đóng chặt các cửa ngõ, lớn tiếng la vang để bọn ngoại đạo khiếp sợ, thì không có tội. Tất cả chúng Tăng đều cùng phát thệ như thế, thì tất cả Tăng không có tội.

Có một Tỳkheo đánh con của Bà La Môn gần chết liền tự suy nghĩ: "Người này nếu chết, thì pháp Sa môn Thích tử sẽ bị hoen ố. Giờ đây ta phải đi tìm thuốc cứu hắn sống lại". Rồi có một Tỳkheo khác hỏi Tỳkheo ấy: "Thầy đang làm gì thế?" Ðáp: "Tôi đánh người Bà La Môn này gần chết, rồi tôi suy nghĩ: "Nếu kẻ này chết thật thì pháp Sa môn Thích tử sẽ bị hoen ố. Giờ đây ta phải đi tìm thuốc cứu hắn sống lại". Nếu Tỳkheo kia nói: "Thầy cứ đi tìm thuốc, để tôi giữ hắn cho". Thế rồi sau khi Tỳkheo đánh người đi khuất, vị Tỳkheo kia bèn kết liễu sinh mạng của hắn. Trong trường hợp này, Tỳkheo trước đánh người, phạm tội Thâu Lan Giá. Tỳkheo sau giết người, phạm tội Ba La Di. Ðó gọi là ngoại đạo. Nếu một Tỳkheo vì định giết người mà cầm dao thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu chạm đến thân người ấy, thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu người ấy chết, thì phạm tội Ba La Di.

Nếu hai, ba cho đến nhiều người vì muốn giết người mà cầm dao, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến người ấy chết, thì phạm tội Ba La Di. Một Tỳ kheo được (người khác) sai đi giết người, bèn sai lại một Tỳkheo khác cầm dao, thì phạm tội Việt Tỳ Ni... cho đến chết phạm tội Ba La Di.

Như thế, sai người thứ hai (257c) thứ ba cho đến sai nhiều Tỳkheo cầm dao, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cho đến chết, phạm tội Ba La Di.

Tóm lại giết bằng thuốc độc, giết bằng bôi thuốc lên mình, giết bằng thổ (mửa) hay tả (đi cầu), giết bằng làm đọa thai, giết bằng nói tướng trạng, giết bằng khen ngợi sự chết cũng đều thế cả. Trường hợp giết người hội đủ năm điều kiện sau đây, thì phạm tội Ba La Di. Ðó là:

1- Ðúng là người.
2- Tưởng là người.
3- Tạo phương tiện
4- Có tâm giết hại.
5- Kết thúc mạng sống.

Ðó gọi là năm điều kiện.

Hoặc sai đầy tớ giết, hoặc sai người làm công, hoặc bạn bè, hoặc làm thử, hoặc chưa từng làm, vô trí, không biết xấu hổ, tưởng là làm không sao, đều phạm tội. Trái lại, nếu vì cuồng tâm, loạn trí mà giết người thì không phạm tội. Thế nên nói:

Nếu Tỳkheo tự tay mình giết người, hoặc tìm người cầm dao đến giết, hoặc khuyên họ chết, ca ngợi sự chết, nói: Ôi nam tử! Ðể cái thân ô uế này sống làm gì, chết còn hơn sống. Có ý nghĩ như thế, có tư tưởng như thế, dùng phương tiện khen ngợi rằng chết là thú vị, khiến cho người ấy chết, chứ không có lý do nào khác; thì Tỳkheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung.

Lúc ấy, đức Thế Tôn đang trú tại thành Tỳ Xá Ly, trước bữa ăn, Ngài ngồi quay mặt về hướng Bắc, bóng mặt trời xiên độ một người rưỡi, ngày mồng chín, nửa tháng thứ ba mùa Ðông sau khi thành đạo sáu năm, vì những Tỳkheo nuôi bệnh đã nhờ Lộc Trượng ngoại đạo giết các Tỳkheo, mà chế giới này.

Những gì Phật đã chế phải tùy thuận chấp hành, đó gọi là pháp tùy thuận.

(Hết giới thứ 3)

4. GIỚI: ÐẠI VỌNG NGỮ.

PHẦN ÐẦU CỦA GIỚI THỨ TƯ, TRONG 4 GIỚI BA LA DI.

Phật ở tại thành Xá vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tại một làng kia có hai Tăng đoàn an cư. Lúc an cư xong, một nhóm về thành xá Vệ thăm viếng đức Thế Tôn, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Ðức Thế Tôn tuy biết mà vẫn hỏi: "Này các Tỳkheo, các thầy an cư ở đâu rồi đến đây?"

Ðáp: "An cư tại làng ấy".

Phật lại hỏi: "Các thầy an cư có vui không? Khất thực có dễ không? Hành đạo có đúng pháp không? Sau khi an cư xong có được y an cư không? Các Ưu bà tắc có thường lui tới chăng?"

Các Tỳkheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Hạ an cư vui, hành đạo đúng pháp nhưng khất thực khó được, y vật không đủ, các Ưu bà tắc không thường lui tới".

Phật bảo với các Tỳkheo: "Người xuất gia đâu có thể nhận được của thế gian hoài! Các Tỳkheo nên biết: Ở đời có tám pháp (258a) thường theo sát người ta, và người đời cũng thường theo sát tám pháp này. Tám pháp này là:

1- Lợi.
2- Không lợi.
3- Khen.
4- Không khen.
5- Ca ngợi.
6- Phỉ báng.
7- Vui.
8- Khổ.

Những Tỳkheo nào ngu si, phàm phu, ít nghe, ít biết ở trong chánh pháp mà tâm không điều phục, ở trong pháp của hiền thánh mà trí không mở mang, khi thế lợi sinh khởi không khéo quán sát rằng: Thế lợi sinh khởi tức là pháp vô thường, hoại diệt, nên tuy có sinh khởi chúng sẽ chóng hoại diệt, không thể còn mãi. Nếu không quán sát ý nghĩa của pháp đúng như thế, thì đó là kẻ phàm phu, không thật có trí tuệ, tùy thuận thế pháp. Cũng thế, từ sự không có lợi cho đến vui, khổ cũng không biết quán sát rằng: Niềm vui tuy phát sinh, nhưng nó là pháp vô thường hoại diệt, mà đã mang tính chất vô thường hoại diệt, thì nó sẽ chóng tàn, không thể còn mãi.

Nếu ai không biết quán sát ý nghĩa chân thật như thế thì đó là kẻ phàm phu, không thật có trí tuệ, tùy thuận theo thế pháp. các Tỳkheo nên biết rằng, những ai đối với thế pháp này không quán sát, nên khi thế lợi phát khởi thì sinh ra tham trước, nếu nó không sinh khởi, thì đâm ra lo âu, cho đến các khía cạnh vui, khổ kia cũng thế.

Này các Tỳkheo, như vậy là ba thọ tăng trưởng. Ba thọ đã tăng trưởng; thì bốn thủ sẽ lừng lẫy. Bốn thủ lừng lẫy thì có sinh duyên. Do đó mà khổ ấm tập khởi tăng trưởng mạnh mẽ, sinh lão bệnh tử, ưu bi khổ não, tâm loạn phát cuồng. Các Tỳkheo nên biết: Các đệ tử hiền thánh, đa văn trí tuệ thì ở trong chánh pháp tâm khéo điều phục, ở trong pháp của hiền thánh, tâm được mở mang, khi thế lợi phát sinh, thì nên khéo quan sát rằng: Thế lợi tuy sinh khởi, nhưng nó là pháp vô thường hoại diệt mà đã vô thường hoại diệt thì nó sẽ chóng tàn, không thể còn mãi, cho đến hai yếu tố vui, khổ kia cũng lại như vậy.

Các Tỳkheo nên biết: Khi quán sát như thế, thì lúc thế lợi sinh khởi sẽ không tham trước; lúc thế lợi không sinh khởi, tâm không sầu não; cho đến vui, khổ kia cũng thế. Do đó yêu ghét không sinh, cảm nhận tùy nghi, lìa mọi sầu khổ; cho đến vui khổ các uẩn đều diệt tận, liền được Niết bàn.

Khi Thế Tôn thuyết pháp ấy rồi, bèn lập lại bằng thể kệ:

"Lợi suy và hủy dự,
Xưng cơ cùng khổ vui.
Tám pháp thường xen nhau,
Qa lại đổi thay luôn.
Tám pháp này biến hóa,
Tan hoại có bền đâu.
Thế nên Thánh đệ tử,
Cầm gương vô thường soi.
(258b) Xem kỹ tám pháp ấy,
Khoảnh khắc không tạm dừng.
Trong bốn thứ lợi lạc,
Chưa từng bị dao động.
Nếu gặp người hủy báng,
Lòng không thấy khổ đau.
Nếu lìa tám pháp này,
Mới là kẻ trí tuệ.
Ra khỏi sông ái dục,
Vượt qua biển sinh tử".

Khi các Tỳkheo nghe Phật dạy như thế đều rất hoan hỷ, liền bạch Phật rằng: "Lành thay đức Thế Tôn, đã dùng phương tiện thiện xảo nói về tám pháp ở đời, thực là chưa từng có".

Phật nói với các Tỳkheo: "Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, tam đạt vô ngại năng lực trí tuệ như ánh trăng rằm, nói về tám pháp ở đời có chi là kỳ lạ. Ngày xưa Ta làm chim oanh vũ trong loài súc sinh, vì các loài chim khác, nói tám pháp ấy, thế mới là kỳ đặc".

Các Tỳkheo liền bạch Phật rằng: "Ðã từng có thế sao?"

Phật đáp:

- Ðúng thế. Trong thời quá khứ có một vị vua nuôi hai con chim oanh vũ, một con tên La Ðại, một con tên Ba La đều hiểu được tiếng người, nên vua rất yêu thương, nhốt trong lồng vàng, cho ăn thức ngon. Lúc ấy, có một đại thần đem hiến cho vua một con khỉ con, tình đời vốn chuộng của mới, nên vua rất yêu thích cho ăn uống nuôi dưỡng còn kỹ hơn oanh vũ. Bấy giờ, oanh vũ Ba La bèn nói với La Ðại bằng bài kệ:

"Trước đây ăn cùng vua
Vị ngon nhất thế gian.
Bây giờ, khỉ cướp mất,
Ðành phải chịu thiếu thốn".

Lúc ấy, La Ðại nói: "Việc đó rồi cũng vô thường, chẳng bao lâu nữa con khỉ con này cũng sẽ mất phần lợi dưỡng mà thôi", bèn đáp Ba La bằng bài kệ:

"Lợi suy và hủy dự,
Xưng cơ cùng khổ vui.
Ðều là pháp vô thường.
Có gì đâu buồn vui!"

Thế rồi Ba La lại đọc kệ:

"Gặp chi cũng chẳng vui,
Không có gì thích thú.
Chỉ nghe tiếng chê bai,
Không được ai khen ngợi.
Ta nay được làm chim,
Vì sao chịu khổ này?"

Lúc khỉ con còn nhỏ, sắc lông mượt mà, nhảy nhót vui nhộn nên ai cũng thích đùa với nó. Ðến lúc lớn lên, sắc lông xơ xác, ai thấy cũng chán ghét. Nó lại còn vểnh tai chu miệng, đe dọa trẻ con. Khi ấy, oanh vũ La Ðại bèn nói với Ba La (258c) bằng bài kệ này:

"Vểnh tai nhăn mặt lại,
Chu miệng nhát trẻ con.
Tự mình gây tội lỗi,
Chẳng bao lâu hết lợi".

Con khỉ ấy lớn lên, lòng thương của vua liền dứt, nên vua ra lệnh kẻ tả hữu đem nó buộc ngoài cột chuồng ngựa. Lúc ấy hoàng tử còn bé tay cầm thức ăn đến bên con khỉ. Khỉ đòi thức ăn, hoàng tử không cho, nó bèn nổi giận cào mặt khiến hoàng tử bị thương và rách cả y phục. Hoàng tử kinh hãi, kêu la inh ỏi. Vua bèn hỏi kẻ tả hữu vì sao con mình kêu khóc. Kẻ tả hữu bèn đem sự việc ấy tâu lên nhà vua. Vua rất giận dữ, bèn sai người đập chết, đem vứt bên hào để cho Kỳ Ðà ăn. Khi ấy oanh vũ Ba La bèn nói với La Ðại bằng bài kệ:

"Bạn là bậc trí tuệ,
Thấy trước việc chưa đến.
Anh em ta chưa chết,
Mà khỉ đã chết rồi".

Phật bèn nói với các Tỳkheo:

- Khi ấy chim oanh vũ La Ðại nào phải ai khác mà chính là ta đây, còn chim oanh vũ Ba La chính là A Nan vậy. Khi ta làm chim oanh vũ mà còn vì thầy ấy nói về tám pháp vô thường chuyển biến ở đời không thể còn mãi, huống chi ngày nay đã thành Chánh Giác lại còn nói về tám pháp ấy, thì có chi là kỳ lạ.

Khi ấy, tăng đoàn thứ hai an cư xong, cũng đi đến hầu thăm, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Ðức Thế Tôn tuy biết mà vẫn hỏi: "Các Tỳkheo an cư ở đâu rồi đến đây?"

Ðáp: "Bạch Thế Tôn! An cư tại chỗ ấy".

Phật liền hỏi các Tỳkheo: "An cư có vui không? Hành đạo có vất vả không? Khất thực có dễ dàng không? Sau khi an cư xong, có được y an cư không? Các Ưu bà tắc có thường lui tới không?"

Các Tỳkheo bạch Phật rằng: "Hạ an cư vui vẻ, hành đạo không vất vả, khất thực dễ dàng, có nhiều y an cư, các Ưu bà tắc lui tới đông đúc".

Phật lại hỏi: "Vì lý do gì hai chúng cùng an cư tại một làng mà chỉ có một chúng được cúng dường nhiều, còn một chúng không được?"

Các Tỳkheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Chúng con dùng vô lượng phương tiện ca ngợi Tam bảo, cũng thường ca ngợi các đại đệ tử của Phật như tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên.v.v.. và tự ca ngợi về công đức tu tập của chính mình".

Phật hỏi các Tỳkheo: "Những điều các thầy ca ngợi có thật như thế không?"

Ðáp: "Bạch Thế Tôn! Tam Bảo và tôn giả Xá Lợi Phất mà chúng con ca ngợi là có thật, còn tự ca ngợi mình thì không thật".

Phật khiển trách: "Này các Tỳkheo! Ðó là việc ác (259a). Tại sao chỉ vì lợi dưỡng cho bản thân mà lại ca ngợi những điều mình không thực có? Thà ăn tro bụi, nuốt phân đất, dùng dao bén mổ bụng, chứ không nên dùng lời dối trá ca ngợi mình có pháp hơn người (quá nhân pháp) để được cúng dường". Rồi Phật nhấn mạnh: "Ta thường khen ngợi ít muốn, biết đủ, vì sao các thầy lại đa dục không thỏa mãn, cầu nhiều không biết chán? Ðó là điều phi pháp, phi luật, không phải việc ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp".

Sau khi Thế Tôn dùng các biện pháp khiển trách các Tỳkheo ấy rồi, các Tỳkheo an cư tại làng ấy khi vào làng khất thực, những ai tự ca ngợi mình thì khất thực dễ dàng còn những ai không tự ca ngợi thì khất thực rất khó khăn. Lúc ấy, một trưởng lão Tỳkheo tự suy nghĩ: "Vì sao ta lại dùng lời dối trá tự ca ngợi mình được pháp hơn người để được nuôi sống? Từ nay trở đi ta không được dùng lời dối trá để tự khen mình nữa". Rồi vào buổi sáng sớm thầy khoác y, cầm bát vào làng khất thực. Khi ấy có người hỏi thầy: "Trưởng lão đối với quả thánh, thầy có đạt được gì không?" Thầy Tỳkheo này không tự ca ngợi mình, nên đi khất thực chỗ này chỗ kia đều không được. Mặt trời sắp xế bóng, đói khát khốn đốn, thầy bèn tự ca ngợi, khất thực liền được.

Có vị Tỳkheo khác nghe vị trưởng lão ấy lúc thì nói thật, lúc thì nói dối, liền đến bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao trưởng lão Tỳ kheo ấy tâm chí bạc nhược, không giữ được kiên cố, khinh suất như vậy?"

Phật nói với Tỳkheo ấy: "Vị trưởng lão ấy không những ngày nay tâm chí bạc nhược, khinh suất không giữ được kiên cố, mà trong đời quá khứ cũng đã như thế".

Các Tỳkheo lại bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Ðã từng có như vậy sao?"

Phật đáp: "Ðúng như thế! Trong thời quá khứ có trận mưa trái mùa liên tục bảy ngày không dứt. Các mục đồng không ra khỏi nhà suốt bảy ngày. Lúc ấy, có con chó sói đói, thất thểu đi tìm thức ăn khắp xóm làng, đi đến bảy thôn mà không được thứ gì cả. Rồi nó tự bảo: "Chi bằng hôm nay ta giữ chay lạt mà an trụ"bèn trở về rừng núi, ẩn mình trong hang, phát nguyện: "Mong tất cả chúng sinh đều được yên ổn". Thế rồi, nó nhiếp thân an tọa, nhắm mắt suy nghĩ. Lịch trình của Ðế Thích cứ vào các ngày chay hằng tháng như ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm, cưỡi rồng trắng y la xuống quán sát thế gian, xem thử chúng sinh nào hiếu thuận với cha mẹ, cúng dường Sa môn, Bà la môn, bố thí, giữ giới tu phạm hạnh, thọ trì bát trai giới. Khi Thích Ðề Hoàn Nhân quan sát khắp nơi liền đến hang núi ấy, thấy con chó sói kia đang nhắm mắt tư duy, bèn suy nghĩ: "Ôi, con chó sói này là loài muông thú mà thật là kỳ đặc. Con người còn không có tâm như thế, huống gì chó sói (259b) mà được như vậy". Bèn muốn thử xem để biết hư thực. Ðế Thích liền biến thành một con dê, đứng trước hang, lớn tiếng gọi đàn. Khi ấy, chó sói thấy dê liền nghĩ: "Kỳ thay, phước báo chay lạt bỗng dưng đến. Ta ruồng cả bảy thôn tìm thức ăn mà không được, nay tạm thời giữ chay lạt thì thức ngon tự nhiên đến. Thức ăn nhà bếp đã đưa đến, giờ phải ăn thôi, ăn xong rồi hãy giữ chay lạt". Sói bèn ra khỏi hang, lao đến chỗ dê. Dê thấy sói đến kinh hãi bỏ chạy. Sói liền đuổi theo, dê chạy không dừng. Ðuổi một đoạn xa, dê liền biến ra chó, miệng vuông, tai lớn, quay lại đuổi sói, sủa lên inh ỏi. Sói thấy chó rượt, sợ hãi chạy lui. Chó đuổi gấp theo, sói chạy thoát được, trở về lại hang, bèn suy nghĩ: "Ta muốn ăn thịt nó, ngược lại, nó đòi xơi ta". Khi ấy, Ðế Thích bèn giả làm con dê què, kêu be be trước mặt chó sói. Sói nghĩ: "Trước kia là con chó, mà ta vì đói hoa mắt lại tưởng lầm là dê. Giờ đây thấy rõ, con này mới đúng là dê". Sói bèn định thần xem kỹ, thì thấy sừng tai lông đuôi hoàn toàn là dê thực. Sói bèn ra khỏi hang đuổi theo, dê sợ bỏ chạy. Sói sắp chụp được, thì dê lại hóa thành chó, đuổi ngược lại sói, cũng như lần trước. Sói nghĩ: "Ta muốn ăn hắn, mà rồi hắn lại muốn xơi ta". Lúc ấy, Ðế Thích liền hóa thành con dê con, đứng trước sói kêu mẹ, gọi bầy. Sói nổi giận nói: Ngươi biến thành cục thịt, ta cũng không ra khỏi hang, huống là hóa thành dê con để hòng gạt ta!"Rồi sói giữ chay lạt trở lại, lắng lòng suy nghĩ. Khi ấy, Ðế Thích biết tâm niệm của sói muốn giữ chay lạt trở lại, nên vẫn mang hình thức dê con đứng trước hang sói. Thế rồi, sói đọc kệ:

"Nếu quả thực là dê,
Ta cũng không thèm ra.
Huống gì là giả dạng,
Khủng bố ta như trước.
Thấy ta giữ trai giới,
Ngươi lại đến thử ta.
Giả sử là cục thịt,
Ta cũng không thể tin.
Huống gì giả dê con,
Làm bộ kêu be be".
Bấy giờ, Thế Tôn đọc kệ:
"Nếu có người xuất gia,
Giữ giới cách hời hợt,
Không thể bỏ lợi dưỡng,
Như sói giữ trai giới".

Khi ấy, Thế Tôn nói với các Tỳkheo: "Chó sói lúc ấy đâu phải ai khác mà chính là thầy Tỳkheo này. Ngày xưa làm sói, tâm chí không kiên cố mà ngày nay tuy đã xuất gia (259c) vẫn cứ khinh suất.

Bấy giờ, Thế Tôn truyền lệnh cho các Tỳkheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, ai nghe rồi cũng phải nghe lại, và vì mười lợi ích chế giới cho các Tỳkheo như sau:

-- Nếu Tỳkheo chưa biết, chưa chứng, mà tự xưng là đã được pháp hơn người, có tri kiến thù thắng của bậc thánh, biết như vậy, thấy như vậy, thì Tỳkheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung.

Lại nữa, khi Phật ở tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Lúc ấy có hai Tỳkheo sống nơi rừng núi hoang vắng. Một Tỳkheo tạm thành tựu Căn lực, Giác chi, Thánh đạo, Tham sân không sinh khởi, bèn nói với vị Tỳkheo thứ hai:"Trưởng lão là thiện tri thức, người mà tôi kính trọng, nay muốn nói với trưởng lão một việc bí mật". Vị kia hỏi: "Thầy muốn nói điều chi?"

Ðáp: "Trưởng lão! Tôi đã chứng A La Hán".

Vị kia nói: "Trưởng lão! Ðức Thế Tôn còn tại thế, chúng ta đích thân lãnh thọ giáo pháp, tinh tấn siêng tu, thành tựu đạo quả là chuyện đương nhiên".

Thầy Tỳkheo ấy sau đó du hành các làng mạc buông thả các căn, bỏ tu chỉ quán, liền khởi phiền não, si ái phát sinh, bèn nói với bạn: "Trước đây tôi tưởng đã chứng đắc, hóa ra chưa chứng. Vì sao biết được? Vì tôi tự thấy trong tâm phiền não vẫn còn".Vị Tỳkheo kia nói: "Trưởng lão đã nói dối rằng mình được pháp hơn người nên phạm tội Ba La Di". Tỳkheo này nói: "Không phải là tôi biết mà cố nói dối, mà vì tôi tưởng là thật chứng".

Các Tỳkheo đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn! Tỳkheo mỗ giáp nói dối rằng mình được pháp hơn người".

Phật gọi thầy ấy đến. Khi đến rồi, Phật hỏi: "Tỳkheo, có phải thầy hư vọng tự xưng mình được pháp hơn người chăng?".

Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! Không phải con tự xưng mình được pháp hơn người, mà vì con tưởng là đã thực chứng, do đó nên mới nói".

Phật bèn hỏi thầy: "Vì lý do gì mà thầy nói như thế?"

Tỳkheo liền bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Khi con sống nơi rừng vắng, tu tập căn, lực, giác chi, thánh đạo, thì phiền não không sinh khởi, nên con tưởng là đã đắc quả A La Hán, bèn nói với bạn là mình đã chứng đắc. Nhưng sau đó con du hành các làng mạc không thu nhiếp các căn, nên phiền não sinh khởi, liền sinh nghi ngờ bèn trình bày với Tỳkheo ấy, chứ không phải nói dối".

Bấy giờ Thế Tôn bảo với các Tỳkheo: "Thầy Tỳkheo ấy không phải cố ý vọng ngữ nói mình được pháp hơn người nhưng nên biết rằng Tỳkheo ấy chính là người Tăng thượng mạn".

Rồi Phật bảo Tỳkheo ấy:

- Vì sao đối với chánh pháp, ông có lòng tin từ bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia mà còn khởi tâm tăng thượng mạn? Ông phải khéo léo đoạn trừ tăng thượng mạn, mới đạt được A La Hán.

Khi đó Tỳkheo ấy rất xấu hổ liền ngay trước Phật (260a) vận dụng sức tinh tấn, tu tập chỉ quán, đoạn trừ tăng thượng mạn, chứng quả A La Hán.

Các Tỳkheo liền bạch với Phật: "Thật là ly kỳ bạch Thế Tôn! Thầy Tỳkheo này nương đức từ bi của Phật, siêng năng tu tập chỉ quán, mà trừ được tăng thượng mạn, chứng quả A La Hán.

Phật nói với các Tỳkheo: "Tỳkheo ấy không những ngày nay nương nhờ ơn ta, vận dụng tinh tấn, tu tập chỉ quán, trừ tăng thượng mạn, chứng quả La Hán, mà đời quá khứ, cũng đã nhờ ta, siêng tu không nhác, được quả báo lớn".

Các Tỳkheo lại bạch Phật: "Ðã từng có như vậy sao?"

Phật nói với các Tỳkheo: "Ðúng thế. Trong thời quá khứ có một nước tên Ca Thi, thành phố tên Ba La Nại. Bấy giờ, trong nước dân chúng giàu có, ba độc mãnh liệt, có một người Bà La Môn bần cùng, từ ngoài thôn đi vào thành phố. Nhân ngày lễ hội, nên dân chúng trong thành có người cưỡi voi, có kẻ cưỡi ngựa, có người đi xe, có người đi kiệu. Họ tắm rửa sạch sẽ, thoa ướp hương thơm, mặc y phục mới, tha hồ hưởng thụ năm thứ dục lạc, các môn giải trí. Khi ấy, ông Bà La Môn, tâm khát ái phát sinh bèn hỏi người khác: "Những bọn người ấy đã tạo nhân duyên gì mà hưởng được khoái lạc như thế?". Ðáp: "Bà La Môn! Ông không biết sao?". Ông trả lời: "Không biết!". Người ấy bèn nói với Bà La Môn: "Những người ấy đời trước tu hành công đức, đời này lại chăm chỉ gầy dựng cơ nghiệp, nên được khoái lạc như thế". Lúc ấy, Bà La Môn liền suy nghĩ: "Những hạng người này thân thể tay chân chẳng khác gì ta. Nay ta cần phải gắng công nỗ lực sẽ được tài sản, tha hồ vui chơi, chẳng khác chi họ". Ông bèn về nhà nói với bà vợ: "Tôi muốn đi xa, gắng sức cầu tài". Vợ ông đáp rằng: "Ông đi tìm kiếm các thức ăn uống cho vợ con ở gần đây cũng được, việc gì phải đi xa". Bà La Môn nói: "Vì việc đó không thực hiện được, nên ta phải đi xa". Bà vợ suy nghĩ:"Ông ấy nhất quyết muốn đi, biết làm sao được!". Bèn nói với ông Bà La Môn: "Ði, ở tùy ý ông, nhưng phải tự bảo trọng". Bà La Môn bèn ra lệnh cho vợ: "Bà phải cẩn thận trông chừng thằng bé". Thế rồi, Bà La Môn ra đi, đến một khu làng ven biển thấy các khách buôn tụ họp tại một đình làng, truyền lệnh như sau: "Có ai ra biển tìm trân bảo chăng?". Bà La Môn đáp: "Tôi muốn ra biển". Khách buôn hỏi: "Ông có tiền bạc hàng hóa gì không?". Ðáp: "Tôi không có tiền bạc hàng hóa gì cả, chỉ muốn theo các ông xin ăn và chú nguyện giúp các ông". Khi ấy, các thương khách vì cầu phước, nên bảo ông lên thuyền. Thuyền gặp gió thuận, đi đến một khu làng nơi bờ biển. Lúc ấy, Bà La Môn vào xóm khất thực, (260b) dốc sức tìm tiền bạc, được vàng ròng 32 dật, 14 hạt ngọc ma ni, rồi theo bè bạn trở lại Diêm Phù Ðề. Khi thuyền cập bến, Bà La Môn khoác lác với các khách buôn rằng: "Ðem hàng hóa đi, nay được của cải trở về thì có gì là kỳ lạ. Trước đây ta đi tay không, nay được châu báu thế này, mới gọi là kỳ đặc". Rồi ông ta vui mừng quá mức tay cầm châu báu, nhảy nhót không ngừng; bất đồ, châu báu rơi tõm xuống biển. Lúc ấy, Bà La Môn rất là sầu não, than thở: Ta đã quá cực khổ mới được châu báu thế này, vì sao bỗng chốc lại rơi cả xuống nước! Ta phải dùng sào khều lên để tìm lại châu báu. Ông bèn lên bờ tìm được một khúc cây, đem đến thợ mộc, nói: "Phiền ông làm giúp tôi một cái muỗng". Thợ mộc làm xong. Ông lại đem đến thợ tiện nhờ tiện giúp, rồi đem đến thợ sắt nhờ họ bịt sắt. Xong đâu đó, ông trở lại biển, vén tay áo lên, rồi dùng cái muỗng khều nước biển. Khi ấy, có vị thần biển, thấy thế suy nghĩ: "Ông Bà La Môn này định làm gì thế, ta hỏi thử xem". Bèn biến hình dạng một Bà La Môn, đến cạnh ông ta, dùng kệ mà hỏi:

"Xắn áo lên tận vai,
Vội vàng tợ việc gấp.
Nên tôi đến hỏi ông,
Ðịnh làm việc gì thế?"
Bà La Môn dùng kệ đáp lại:
"Nước biển cả này đây,
Sâu rộng, chúa trăm sông.
Nay tôi dùng phương tiện,
Chỉ muốn múc cho hết".
Khi ấy thần biển lại đọc kệ:
"Biển lớn chứa trăm sông,
Có lỗi gì với ông?
Mà ông dùng phương tiện,
Mong múc hết sạch không?"
Bà La Môn lại đọc kệ:
"Tôi trải qua khổ cực,
Vượt biển tìm châu báu.
Ðược băm hai dật vàng,
Ma ni mười bốn hạt.
Ðịnh rời thuyền lên bờ,
Gói đồ rơi xuống biển.
Vì tìm lại bảo vật,
Muốn múc cạn biển này".
Bấy giờ, thần biển lại đọc kệ:
"Biển lớn quá rộng sâu,
Chúa tể cả trăm sông.
Giả sử trăm nghìn năm,
Múc hoài vẫn không hết".

(260c) Bà La Môn lại nói kệ đáp:

"Nhật nguyệt chiếu soi không tận cùng,
Muỗng cây cán sắt khó hư hoại,
Chuyên cần nổ lực không ngơi nghỉ
Biển cả lo gì chẳng cạn vơi".

Khi Bà La Môn nói kệ xong, bèn múc nước biển, đổ lên bờ, nước lại chảy xuống. Lúc ấy, thần biển xem xét tâm ý Bà La Môn biếng nhác hay kiên cố thì thấy ông ta rất chuyên cần, không hề thối chí. Thần biển liền suy nghĩ: "Giả sử múc nước biển này trải qua trăm năm thì nước cũng không suy giảm, như nước thấm lông tóc mà thôi. Nhưng vì cảm động đức tính chuyên cần của Bà La Môn, nên thần biển hoàn lại châu báu và đọc kệ:

"Tráng sĩ thật siêng năng,
Tâm chí không ngơi nghỉ.
Vì cảm đức chuyên cần,
Tuy mất rồi lại được".

Phật bảo với các Tỳkheo: "Thần biển khi ấy nào phải ai khác đâu mà chính là Ta đây, còn Bà La Môn chính là Tỳkheo này. Trong đời quá khứ ông đã nhờ ta, ra sức siêng năng nên được quả báo lớn. Ngày nay cũng lại nhờ ta, tinh cần chăm chỉ, tu tập chỉ quán, trừ tăng thượng mạn mà đạt được A La Hán".

Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳkheo sống tại thành Xá Vệ đều tập hợp tất cả, ai nghe rồi cũng phải nghe lại, và vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳkheo như sau:

- Nếu Tỳkheo chưa biết, chưa chứng, mà tự xưng mình được pháp hơn người, có tri kiến thù thắng của bậc thánh, biết như thế, thấy như thế; sau đó, vị này bị kiểm tra, hoặc không bị kiểm tra, nhưng sợ phạm tội và muốn được thanh tịnh nên nói như sau: - Thưa Trưởng lão! Tôi không biết mà nói rằng biết, không thấy mà nói rằng thấy. Ðó là lời nói hư dối không thật. Trừ trường hợp tăng thượng mạn ra, Tỳkheo này phạm tội Ba La Di, không được sống chung với tăng chúng.

Giải thích

Tỳkheo:(Ðã giải thích ở giới thứ nhất).

Chưa biết:Vì không có trí.

Chưa liễu (chứng):Vì chưa đoạn trừ (các lậu hoặc).

Tự xưng:Nói về bản thân mình.

Nhân pháp (pháp của người):Ðó là: 5 dục, 5 hạ phần kiết, 6 thú, 6 cơ sở tranh cãi, 7 sử, 8 tà vạy ở đời, 8 pháp, 9 mạn, 9 não, 10 thiện hành tích, 10 ác hành tích.

Nhân pháp còn có:Như các thiên nhân dùng kệ hỏi Phật:

"Người nào sinh đường thiện?
Ai được sinh, cõi trời?
Kẻ nào suốt ngày đêm,
Nuôi lớn các công đức?"

(261a) Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng kệ đáp các thiên nhân:

"Ðào giếng bên đường đi,
Trồng cây bố thí trái.
Rừng cây cho bóng mát,
Cầu đò đưa người qua.
Bố thí tu tịnh giới,
Trí tuệ bỏ xan tham.
Công đức ngày đêm tăng,
Thường sinh cõi trời người".
Ðó là nhân pháp.

Lại nữa, hiếu thuận cha mẹ, cúng dường Sa môn, Bà La Môn và các bậc tu phạm hạnh đáng tôn kính, đó là nhân pháp.

Pháp hơn người (quá nhân pháp):Thập trí, pháp trí, vị tri trí, đẳng trí, tha tâm trí, khổ tập diệt đạo trí, tận trí, vô sinh trí, diệt tận giải thoát, tăng thượng thiện tâm, thuần thục thiện căn, tịnh bất tịnh giải thoát, hiểu rõ quả Tu đà hoàn và pháp thiền định tùy thuộc, khéo nhập, xuất trụ và thể nghiệm các pháp thiền định gọi là chỉ quán tam tam muội, tam minh; tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ thánh đạo, tứ thánh chủng, tứ thánh đế, tứ Sa môn quả; ngũ chi định, ngũ căn, ngũ lực, ngũ giải thoát xứ; lục vô thượng pháp, lục thánh pháp, lục xuất yếu giới, lục niệm, lục thông; thất tài, thất vô trước pháp, thất tam muội, thất lậu tận lực, thất giác chi; bát chánh đạo, bát thắng xứ,, bát giải thoát, bát hướng đạo tích; cửu tưởng, cửu hoan hỷ pháp, cửu tịnh hạnh mãn túc, cửu thứ đệ định; Thập hiền thánh trụ xứ, thập nhất thiết nhập, thập ly xí nhiên pháp, thập vô học pháp, thập chủng lậu tận lực. Ðó gọi là pháp hơn người.

Thánh tri kiến:Tri kiến của Phật và đệ tử Phật; hoặc tự xưng biết mà không thấy, hoặc tự xưng thấy mà không biết, hoặc tự xưng vừa biết vừa thấy, hoặc không biết không thấy.

Biết mà không thấy:Như nói: Tôi biết khổ tập diệt đạo, mà không nói: Tôi có thiên nhãn thanh tịnh, thấy người chết ở đây rồi sinh đến cõi thiện, cõi ác kia hoặc quí, hoặc tiện; Lại cũng không nói: Tôi được thiên nhĩ hơn người, nghe được tiếng người, tiếng loài phi nhân, hoặc gần hoặc xa; Lại cũng không nói: Tôi biết được tâm người khác, có thần túc bay trên hư không tự biết được đời trước.v.v... Ðó gọi là biết mà không thấy.

Thấy mà không biết:Tự nói: Tôi được thiên nhãn thanh tịnh, cho đến tự biết túc mạng mà không nói. Tôi biết tứ thánh đế. Ðó gọi là thấy mà không biết.

Vừa biết vừa thấy:Như nói: Tôi biết bốn Thánh đế, cho đến tự biết được túc mạng; Ðó gọi là vừa biết vừa thấy.

Không biết không thấy:(261b) Không nói: Tôi biết bốn thánh đế, cho đến tự biết túc mạng. Ðó gọi là không biết không thấy.

Ðược sự thù thắng:Biết như vậy, thấy như vậy, hoặc thật không biết mà nói biết, không thấy mà nói thấy. Về sau được kiểm tra, hoặc không kiểm tra.

Kiểm tra:Có người hỏi: "Trưởng lão! Ngài được quả thánh chăng? Theo pháp sư nào mà học được quả ấy? Ngài đạt được tại đâu? Khi đạt được như thế nào?"Ðó gọi là kiểm tra.

Không kiểm tra:Không ai hỏi. Nếu không thật sự được pháp hơn người mà nói là mình được, thì dù có ai kiểm tra hay không kiểm tra cũng phạm tội Ba La Di.

Cầu thanh tịnh:Vì muốn được thanh tịnh, nên nói: Tôi không biết mà nói rằng biết, không thấy mà nói rằng thấy.

Hư: Trống không.

Cuống:Không đúng sự thật.

Vọng ngữ:Tự nói một cách hư dối.

Trừ tăng thượng mạn:Thế Tôn thể tất.

Ba La Di:(như trên đã nói)

Lại có Ba La Di không phải do nói dối mà do thoái hóa, đọa lạc. Ðó gọi là Ba La Di.

Lại có Ba La Di: Tội đã vi phạm không thể phát lồ sám hối, gọi là Ba La Di.

Nếu Tỳkheo tự nói: "Tôi là bậc pháp trí chăng?"thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu nói: "Tôi là bậc pháp trí", thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu nói: "Tôi đã được pháp trí", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu Tỳkheo nói: "Tôi đoạn trừ như vậy, tu tập như vậy, chứng ngộ như vậy.v.v..."cho đến nói: "Tôi là bậc lậu tận lực chăng?"thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu nói: "Tôi là bậc lậu tận lực", thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu nói: "Tôi được lậu tận lực", thì phạm tội Ba La Di. (hoặc nói): Ðoạn như vậy, tu như vậy, chứng như vậy.v.v..., cũng như thế.

Nếu Tỳkheo chuyên đi giáo hóa, đến nhà đàn việt, nói với người đàn bà rằng: "Này Ưu Bà Di, các Tỳkheo an cư tại chỗ ấy đều chẳng phải là phàm phu", thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu nói: "Tôi cũng ở trong số đó", thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu họ hỏi: "Trưởng lão đã được pháp ấy sao?"

Ðáp: "Ðã được", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu Tỳkheo nói: "Này Ưu Bà Di! Các Tỳkheo an cư tại chỗ kia đều được quả A La Hán", cho đến nói: "Tôi cũng được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Hoặc Tỳkheo nói: "Các Tỳkheo an cư tại chỗ kia đều được pháp thù thắng", cho đến nói: "Tôi được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Hoặc nói: "Các Tỳkheo an cư tại chỗ kia đã xong..."cũng như vậy.

Nếu Tỳkheo nói với Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di rằng: "Các Tỳkheo tự tứ tại chỗ kia đều chẳng phải phàm phu, đều là A La Hán, đều được pháp thù thắng"; cho đến nói: "Tôi được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu Tỳkheo nói với Ưu Bà Di: "(261c) Các Tỳkheo trú tại tự viện kia đều chẳng phải phàm phu, đều là A La Hán, đều được pháp thù thắng", cho đến nói: "Tôi được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu Tỳkheo nói với Ưu Bà Di: "Các Tỳkheo thượng tọa ở tại chỗ kia đều chẳng phải phàm phu, đều là A La Hán, đều được pháp thù thắng". Rồi người ấy hỏi: "Trưởng lão có được pháp ấy chăng?". Ðáp: "Tôi cũng được pháp ấy"thì phạm tội Ba La Di. Tại nhà quốc vương, nhà đại thần, nhà trưởng giả, nhà cư sĩ ở trong thành, trong viện, cũng như vậy.

Nếu Tỳkheo nói: "Các Tỳkheo ở nhà ông, các Tỳkheo thọ trai nhà ông, các Tỳkheo dạy Kinh cho bà con của ông, đều không phải là phàm phu, mà là A La Hán, đã được pháp thù thắng", cho đến nói: "Tôi đã được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu nói:"Tỳkheo cầm bát như thế, mặc y như thế, ăn thức ăn như thế, đi như thế, đứng như thế, nằm như thế, đều không phải là phàm phu, mà là A La Hán, đã được pháp thù thắng", cho đến nói: "Tôi đã được pháp ấy", thì phạm tội Ba La Di.

Nếu nói: "Các Tỳkheo trên đây đều được pháp trí, tôi cũng được pháp trí chăng?"thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu nói: "Tôi là bậc pháp trí", thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu nói: "Tôi đã chứng đắc pháp trí", mà không thật chứng, thì phạm tội Ba La Di.

Hoặc nói: "Tôi biết như thế, tôi đoạn như thế, tôi tu như thế", nói như thế, cho đến "được lậu tận lực, đã chứng đắc", cũng như vậy.

Nếu Tỳkheo dùng ngôn ngữ thủ đô nói với người ở biên thùy, hoặc dùng ngôn ngữ ở biên thùy nói với người ở thủ đô, hoặc dùng ngôn ngữ thủ đô nói với người ở thủ đô, hoặc dùng ngôn ngữ biên thùy nói với người ở biên thùy, chỉ nói nghĩa mà không nói ẩn ý, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu nói ẩn ý mà không nói nghĩa, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Nếu nói cả ẩn ý lẫn nghĩa, thì phạm tội Ba La Di. Nếu không nói nghĩa cũng không nói ẩn ý mà hiện tướng thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nói nghĩa không nói ẩn ý: Tự xưng nói về mình (ngã) mà không xưng nói La Hán.

Nói ẩn ý không nói nghĩa: Xưng nói về La Hán mà không xưng nói về mình.

Nói cả nghĩa lẫn ẩn ý: Tự xưng nói "Ta là La Hán".

Không nói nghĩa cũng không nói ẩn ý: Hiện tướng La Hán, hoặc nhắm mắt lại, dùng tay chỉ vào mình, nói với Ưu Bà Di: "Bà là kẻ ngu si không biết bậc đáng tôn kính, ví như hoa Ưu đàm bát, lâu lắm mới xuất hiện một lần mà không biết trân quí". Làm ra tướng trạng như vậy, thì phạm tội Việt Tỳ Ni.

Nếu Tỳkheo viết ra chữ hoặc bằng dấu hiệu, hoặc ra dấu tay, hiện nghĩa mà không hiện ẩn ý, thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Hoặc hiện ẩn ý không hiện nghĩa cũng phạm tội Việt Tỳ Ni tâm niệm sám hối. Nếu hiện cả nghĩa lẫn ẩn ý, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

Nếu không hiện nghĩa cũng không hiện ẩn ý, thì không có tội. Trừ căn, lực, giác chi, thánh đạo, chủng, còn các thứ thiện pháp thế gian (262a), các oai nghi nhỏ nhặt không nên tán thán mà chỉ tán thán Phật, Pháp, Tăng, các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thì không có tội. Không nên tự ca ngợi bản thân mình. Chỉ khi nào (ai) đồng ý hỏi, mình nói sự thật, thì không có tội. Thế nên, nói:

- Nếu Tỳkheo chưa biết, chưa chứng mà tự xưng được pháp hơn người, được Thánh tri kiến thù thắng, biết như vậy, thấy như vậy. Về sau, hoặc bị kiểm tra, hoặc không bị kiểm tra, biết là mình phạm tội, muốn cầu thanh tịnh, nên nói như sau: "Thưa Trưởng lão! Tôi không biết mà nói rằng biết, không thấy mà nói rằng thấy, lời nói trống không, dối trá, không thật", trừ trường hợp tăng thượng mạn ra, Tỳkheo ấy phạm tội Ba La Di, không được sống chung với Tăng chúng.

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại thành Xá vệ, sau bữa ngọ trai, Ngài ngồi quay mặt về hướng Ðông, bóng mặt trời xế độ ba người rưỡi, ngày mười ba, nửa tháng thứ tư của mùa Ðông, sáu năm sau khi thành đạo, vì các Tỳkheo sống nơi làng mạc, và các Tỳkheo tăng thượng mạn mà chế giới này. Những gì Phật đã chế phải tùy thuận chấp hành.

Ðó gọi là pháp tùy thuận.

(Kết thúc giới vọng ngữ).

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ tư.

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn TT. Thích Phước Sơn và ĐĐ. Giác Đồng đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ luật này. (Thích Nguyên Tạng, 01/03/2001)

--- o0o ---

Trình bày: Minh Thông - Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com