Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Chương Hai : Tương Ưng Ràdha

17/04/201320:15(Xem: 8726)
23. Chương Hai : Tương Ưng Ràdha

Kinh Tương Ưng Bộ

23. Chương Hai : Tương Ưng Ràdha

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

I. Phẩm Thứ Nhất

a. Màra (Tạp 6, Đại 2,39b) (S.iii,188)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ràdha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Màra, Màra", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là Màra?

4) Nếu có sắc, này Ràdha, thời có chết (Màra) hay có sát giả (Màretà), hay có sự chết (Miiyati). Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy sắc là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy sắc như vậy là thấy chơn chánh.

5-7). .. Thọ... tưởng... các hành...

8) Nếu có thức, này Ràdha, thời có chết, hay có sát giả, hay có bị chết. Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy thức là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh hoạn, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy thức như vậy là thấy chơn chánh.

9) Bạch Thế Tôn, chánh quán với mục đích gì?

- Chánh quán, này Ràdha, với mục đích nhàm chán.

10) Bạch Thế Tôn, nhàm chán với mục đích gì?

- Nhàm chán, này Ràdha, với mục đích ly tham.

11) Bạch Thế Tôn, ly tham với mục đích gì?

- Ly tham, này Ràdha, với mục đích được giải thoát.

12) Bạch Thế Tôn, giải thoát với mục đích gì?

- Giải thoát, này Ràdha, với mục đích Niết-bàn.

13) Bạch Thế Tôn, Niết-bàn với mục đích gì?

- Này Ràdha, Ông đi quá xa với câu hỏi này, không thế nắm được giới hạn của câu hỏi. Nhập vào Niết-bàn, này Ràdha, là sự thực hành Phạm hạnh; Niết-bàn là mục tiêu cuối cùng; Niết-bàn là cứu cánh.

b. Chúng Sanh (Tạp 6, Đại 2,40a) (S.iii,189)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Chúng sanh, chúng sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh?

4) Này Ràdha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là sattà (chúng sanh).

5-7). .. thọ... tưởng... các hành...

8) Dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh.

9) Ví như, này Ràdha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy.

10) Nhưng khi nào các đứa con trai hay các đứa con gái ấy đối với những nhà bằng đất kia, lòng tham đã thoát ly, lòng dục đã thoát ly, lòng ái đã thoát ly, lòng khát đã thoát ly, lòng nhiệt tình đã thoát ly, lòng khát ái đã thoát ly, thời với tay và với chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.

11) Cũng vậy, này Ràdha, Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc.

12-14). .. thọ... tưởng... các hành...

15). .. Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập và không chơi với thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với thức.

16) Đoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết-bàn.

c. Sợi Dây Tái Sanh (Tạp 6, Đại 2,37c) (S.iii,190)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Đoạn diệt sợi dây tái sanh. Đoạn diệt sợi dây tái sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là sợi dây tái sanh, bạch Thế Tôn? Thế nào là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh?

4) Này Ràdha, phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với sắc, như vậy gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.

5-7)... đối với thọ... với tưởng... với các hành...

8) Phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với thức, đó gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.

d. Sở Biến Tri (Tạp 6, Đại 2,37c) (Parinneyya) (S.iii,191)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Thế Tôn nói với Tôn giả Ràdha đang ngồi một bên:

- Này Ràdha, Ta sẽ thuyết về các pháp cần phải biến tri, sự biến tri. Và Ông đã được biến tri. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.

4) Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ràdha vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Này Ràdha, thế nào là pháp cần phải biến tri? Sắc, này Ràdha, là pháp cần phải biến tri. Thọ, này Ràdha, là pháp cần phải biến tri. Tưởng, này Ràdha, là pháp cần phải biến tri. Các hành, này Ràdha, là pháp cần phải biến tri. Thức, này Ràdha, là pháp cần phải biến tri. Những pháp này, này Ràdha, là những pháp cần phải biến tri.

5) Và này Ràdha, thế nào là sự biến tri?

Này Ràdha, sự đoạn diệt tham, sự đoạn diệt sân, sự đoạn diệt si. Như vậy, này Ràdha, gọi là chánh biến tri.

6) Và này Ràdha, thế nào là người đã chánh biến tri? Bậc A-la-hán, cần phải trả lời như vậy. Bậc Tôn giả với tên như thế này, với dòng họ như thế này. Như vậy, này Ràdha, là người đã được chánh biến tri.

e. Sa Môn (S.iii,191)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-4) Thế Tôn nói với Tôn giả Ràdha đang ngồi một bên:

- Này Ràdha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

5) Này Ràdha, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các vị Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các vị Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy không thể ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

6) Nhưng này Ràdha, những Sa-môn, hay Bà-la-môn nào như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn giữa các vị Sa-môn, và được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các vị Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh và mục đích của Bà-la-môn hạnh.

f. Sa Môn (S.iii,192)

1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...

4) Này Ràdha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn... (như kinh trên, chỉ thêm sự tập khởi và sự đoạn diệt vào vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn ).

g. Bậc Dự Lưu (S.iii,192)

1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...

4) Này Ràdha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.

5) Này Ràdha, khi nào bậc Đa văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này. Vị này, này Ràdha, được gọi là vị Thánh đệ tử đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến cứu cánh bồ-đề.

h. Bậc A- La - Hán (S.iii,192)

1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...

4) Này Rdha, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn... thức thủ uẩn.

5) Này Ràdha, khi nào Tỷ-kheo sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí.

i. Dục Tham (S.iii,193)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-4) Thế Tôn nói với Tôn giả Ràdha đang ngồi một bên:

- Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy từ bỏ chúng. Như vậy, sắc sẽ được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

5-7). .. đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...

8) Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, đối với thức, hãy từ bỏ chúng. Như vậy, thức sẽ được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

k. Dục Tham (Siii, 193)

(Như kinh trên, chỉ thêm vào: Phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên ).

II. Phẩm Thứ Hai

a. Màra

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Màra, Màra", bạch Thế Tôn, như vậy được gọi đến. Thế nào là Màra, bạch Thế Tôn?

4) Sắc, này Ràdha, là Màra. Thọ là Màra. Tưởng là Màra. Hành là Màra. Thức là Màra.

5) Do thấy vậy, này Ràdha, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

b. Tánh Chất Của Màra.

(Như kinh trước, chỉ thay Màra bằng tánh chất của Màra (Màradhamma) ).

c. Vô Thường

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Vô thường, vô thường", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô thường?

4) Sắc, này Ràdha, là vô thường. Thọ là vô thường. Tưởng là vô thường. Hành là vô thường. Thức là vô thường.

5) Do thấy vậy... Vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

d. Vô Thường Tánh

(Kinh như trên, chỉ thay vô thường bằng vô thường tánh ).

e. Khổ

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- "Khổ, khổ", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, thế nào là khổ?

4) Sắc, này Ràdha, là khổ. Thọ là khổ. Tưởng là khổ. Các hành là khổ. Thức là khổ.

5) Do thấy vậy... Vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

f. Khổ Tánh

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng khổ tánh ).

g. Vô Ngã

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng vô ngã ).

h. Vô Ngã Tánh

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng vô ngã tánh ).

i. Tận Pháp

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng tận pháp (khayadhamma: chịu sự đoạn tận) ).

k. Diệt Pháp

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng diệt pháp (vayadhamma: chịu sự đoạn diệt) ).

l. Tập Khởi Pháp (Samudayadhamma)

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng tập khởi pháp )

m. Đoạn Diệt Pháp (Nirodhadhamma)

(Như kinh trên, chỉ thay khổ bằng đoạn diệt pháp ).

III. Phẩm Sơ Vấn

a. Về Màra (Tạp quyển 6, Đại 2,40c) (S.iii,198)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, để con sau khi nghe pháp, có thể sống một mình, an tịch, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

4-23) Cái gì là Màra, này Ràdha, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, đoạn trừ lòng tham, đoạn trừ lòng dục và tham. Và cái gì là Màra, này Ràdha? Sắc, này Ràdha, là Màra; ở đây Ông cần đoạn trừ lòng dục, cần đoạn trừ lòng tham, cần đoạn trừ lòng dục và tham. Thọ là Màra, ở đây Ông cần đoạn trừ lòng dục, cần đoạn trừ lòng tham, cần đoạn trừ lòng dục và tham. Tưởng... Các hành... Thức là Màra, ở đây Ông cần đoạn trừ lòng dục, cần đoạn trừ lòng tham, cần đoạn trừ lòng dục và tham.

24) Cái gì thuộc về Ma tánh (Màradhamma), này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, cần phải đoạn trừ lòng tham, cần phải đoạn trừ lòng dục và tham...

25) Cái gì là vô thường...

26) Cái gì là vô thường tánh...

27) Cái gì là khổ...

28) Cái gì là khổ tánh...

29) Cái gì là vô ngã...

30) Cái gì là vô ngã tánh...

31) Cái gì là đoạn tận...

32) Cái gì là đoạn diệt...

33) Cái gì là tập khởi tánh, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, cần phải đoạn trừ lòng tham, cần phải đoạn trừ lòng dục và tham.

b. Đoạn Diệt Tánh (S.iii,199)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, để con sau khi nghe pháp, có thể sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

4) Cái gì là đoạn diệt pháp, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, đoạn trừ lòng tham, đoạn trừ lòng dục và tham. Và cái gì là đoạn diệt pháp, này Ràdha? Sắc, này Ràdha, là đoạn diệt pháp; ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, cần phải đoạn trừ lòng tham, cần phải đoạn trừ lòng dục và tham. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là đoạn diệt pháp; ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục, cần phải đoạn trừ lòng tham, cần phải đoạn trừ lòng dục và tham.

IV. Phẩm Thân Cận

a. Màra (Phẩm III - Sơ vấn)
b. Màra Tánh (Phẩm III - Sơ vấn)
c. Vô Thường (Phẩm III - Sơ vấn)
d. Vô Thường Tánh (Phẩm III - Sơ vấn)
e. Khổ (Phẩm III - Sơ vấn)
f. Khổ Tánh (Phẩm III - Sơ vấn)
g. Vô Ngã (Phẩm III - Sơ vấn)
h. Vô Ngã Tánh (Phẩm III - Sơ vấn)
i. Tận Diệt (Phẩm III - Sơ vấn)
k. Đoạn Diệt (Phẩm III - Sơ vấn)
l. Tập Khởi (Phẩm III - Sơ vấn)
m. Đoạn Diệt Tánh (Phẩm III - Sơ vấn).



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com