- Lời Giới Thiệu của Hòa thượng Thích Đức Nhuận
- 1. Kinh Phạm Võng
- 2. Kinh Sa-Môn Quả
- 3. Kinh Ambattha
- 4. Kinh Sonadanda
- 5. Kinh Kutadanda
- 6. Kinh Mahàli và 7. Kinh Jaliya
- 8. Kinh Kassapa
- 9. Kinh Potthapada
- 10. Kinh Subha
- 11. Kinh Kevaddha
- 12. Kinh Lohicca
- 13. Kinh Tevijja
- 14. Kinh Đại Bổn
- 15. Kinh Đại Duyên
- 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn
- 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương
- 18. Kinh Xà-Ni-Sa
- 19. Kinh Đại Điển Tôn
- 20. Kinh Đại Hội
- 21. Kinh Đế Thích Sở Vấn
- 22. Kinh Đại Niệm Xứ
- 23. Kinh Tệ Túc
- 24. Kinh Ba Lê
- 25. Kinh Ưu Đàm-Bà-La Sư Tử Hống
- 26. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống
- 27. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn
- 28. Kinh Tự Hoan Hỷ
- 29. Kinh Thanh Tịnh
- 30. Kinh Tướng
- 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt
- 32. Kinh A-Sáng-Nang-Chi
- 33. Kinh Phúng Tụng
- 34. Kinh Thập Thượng
Kinh Trường Bộ
34. Kinh Thập Thượng
Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu
Như vầy tôi nghe.
1.Một thời Thế Tôn trú tại Campa (Chiêm-bà) trên bờ hồ Gaggara (Già-già), cùng với đại chúng Tỷ kheo khoảng năm trăm vị. Rồi tôn giả Sàriputta bảo các vị Tỳ kheo: "Này các Hiền giả Tỷ kheo". "Thưa Hiền giả" các vị Tỷ kheo ấy đáp ứng tôn giả Sàriputta, tôn giả Sàriputta nói như sau:
Tôi nói Thập thượng pháp,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Diệt trừ mọi khổ đau,
Giải thoát mọi triền phược.
2. Này các Hiền giả, một pháp có nhiều tác dụng, một pháp cần phải tu tập, một pháp cần phải biến tri, một pháp cần phải đoạn trừ, một pháp chịu phần tai hại, một pháp đưa đến thù thắng, một pháp rất khó thể nhập, một pháp cần được sanh khởi, một pháp cần được thắng tri, một pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là một pháp có nhiều tác dụng? Bất phóng dật đối với các thiện pháp. Đó là một pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là một pháp cần được tu tập? Niệm thân câu hữu với khả ý. Đó là một pháp cần được tu tập.
iii) Thế nào là một pháp cần phải biến tri? Xúc hữu lậu hữu thủ. Đó là một pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là một pháp cần phải đoạn trừ? Ngã mạn. Đó là một pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là một pháp chịu phần tai hại? Bất chánh tác ý. Đó là một pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là một pháp đưa đến thù thắng? Chơn chánh tác ý. Đó là một pháp đưa đến thù thắng.
vii) Thế nào là một pháp rất khó thể nhập? Vô gián tâm định. Đó là một pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là một pháp cần được sanh khởi? Bất động trí. Đó là một pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là một pháp cần được thắng tri? Tất cả loài hữa tình do ăn uống mà an trú. Đó là một pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là một pháp cần được tác chứng? BẤt động tâm giải thoát. Đó là một pháp cần được tác chứng.
Như vậy, mười pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
3. Có hai pháp có nhiều tác dụng, có hai pháp cần phải tu tập, có hai pháp cần phải biến tri, có hai pháp cần phải đoạn trừ, có hai pháp chịu phần tai hại, có hai pháp đưa đến thù thắng, có hai pháp cần được sanh khởi, có hai pháp cần được thắng tri, có hai pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là hai pháp có nhiều tác dụng? Niệm và tỉnh giác. Đó là hai pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là hai pháp cần phải tu tập? Chỉ và quán. Đó là hai pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là hai pháp cần được biến tri? Danh và sắc. Đó là hai pháp cần được biến tri.
iv) Thế nào là hai pháp cần phải đoạn trừ? Vô minh và hữu ái. Đó là hai pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là hai pháp chịu phần tai hại? Ác ngôn và ác hữu. Đó là hai pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là hai pháp hướng đến thù thắng? Thiện ngôn và thiện hữu. Đó là hai pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là hai pháp rất khó thể nhập? Nhơn và duyên làm ác nhiễm các loài hữu tình. Nhân và duyên làm thanh tịnh các loài hữu tình. Đó là hai pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là hai pháp cần được sanh khởi? Tận trí và vô sanh trí. Đó là hai pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là hai pháp cần được thắng tri? Hai giới: hữu vi giới và vô vi giới. Đó là hai pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là hai pháp cần được tác chứng? Minh và giải thoát. Đó là hai pháp cần được tác chứng.
Như vậy hai mươi pháp nài là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
4. Có ba pháp có nhiều tác dụng, ba pháp cần được tu tập... ba pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là ba pháp có nhiều tác dụng? Giao thiệp với thiện nhân, nghe diệu pháp, hành trì pháp và tùy pháp. Đó là ba pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là ba pháp cần phải tu tập? Ba định: Hữu tầm hữu tứ định, vô tầm hữu tứ định, vô tầm vô tứ định. Đó là ba pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là ba pháp cần phải biến tri? Ba thọ: Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Đó là ba pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là ba pháp cần phải đoạn trừ? Ba ái: Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Đó là ba pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là ba pháp chịu phần tai hại? Ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si thiện căn. Đó là ba pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là ba pháp đưa đến thù thắng? Ba thiện căn: Vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn. Đó là ba pháp đưa đến thù thắng.
vii) Thế nào là ba pháp rất khó thể nhập? Ba xuất yếu giới: Xuất ly khỏi các dục vọng, tức là ly dục; xuất lu khỏi các sắc pháp, tức là vô sắc; phàm pháp gì hiện hữu, hữu vi, do duyên khởi, sự xuất ly khỏi pháp ấy tức là diệt. Đó là ba pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là ba pháp cần phải sanh khởi? Ba trí: Trí đối với quá khứ, trí đối với tương lai, trí đối với hiện tại. Đó là ba pháp cần phải sanh khởi.
ix) Thế nào là ba pháp cần được thắng trí? Ba giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Đó là ba pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là ba pháp cần được tác chứng? Ba minh: Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh diệt trí minh, chư Lậu tận trí minh. Đó là ba pháp cần được tác chứng.
Như vậy ba mươi pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
5. Có bốn pháp có nhiều tác dụng, bốn pháp cần được tu tập... bốn pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là bốn pháp có nhiều tác dụng? Bốn bánh xe: Trú ở trung quốc, thân cận thắng nhân, chánh nguyện tự thân, tạo phước trong quá khứ. Đó là bốn pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là bốn pháp cần phải tu tập? Bốn niệm xứ. Này các Hiền giả, ở đây vị, Tỳ kheo quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để diệt trừ tham sân ở đời; quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để diệt trừ tham sân ở đời. Đó là bốn pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là bốn pháp cần phải biến tri? Bốn thực: Đoàn thực loại cứng hay loại mềm, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Đó là bốn pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là bốn pháp cần phải đoạn trừ? Bốn bộ lưu: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộ lưu. Đó là bốn pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là bốn pháp chịu phần tai hại? Bốn ách: Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. Đó là bốn pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là bốn pháp hướng đến thù thắng? Bốn ly ách: Ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách. Đó là bốn pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là bốn pháp rất khó thể nhập? Bốn định: Xả phần định, chỉ phần định, thắng phần định, quyết trạch phần định. Đó là bốn pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là bốn pháp cần được sanh khởi? Bốn trí: Pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí. Đó là bốn pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là bốn pháp cần được thắng tri? Bốn Thánh đế: Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế. Đó là bốn pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là bốn pháp cần được tác chứng? Bốn Sa-môn quả: Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả. Đó là bốn pháp cần được tác chứng.
Như vậy là bốn mươi pháp chân, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
6. Có năm pháp có nhiều tác dụng, có năm pháp cần phải tu tập... có năm pháp cần pháp cần phải tác chứng.
i) Thế nào là năm pháp có nhiều tác dụng? Năm cần chi. Này các Hiền giả, ở đây, Vị Tỷ kheo có lòng tin... (Như kinh Phúng Tụng, II, 1, xvi) Đó là năm pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là năm pháp cần được tu tập? Năm chánh định chi: Hỷ biến mãn, lạc biến mãn, tâm biến mãn, quang biến mãn, quán sát tướng. Đó là năm pháp cần được tu tập.
iii) Thế nào là năm pháp cần phải biến tri? Năm thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Đó là năm pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là năm pháp cần phải đoạn trừ? Năm triền cái: Tham dục triền cái, sân triền cái, thụy miên hôn trầm triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi triền cái. Đó là năm pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là năm pháp chịu phần tai hại? Năm tâm hoang vu. Này các Hiền giả, ở đây, vị Tỷ kheo có lòng nghi đối với bậc Đạo Sư... (như kinh Phúng Tụng, II,1, xix). Đó là năm pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là năm pháp hướng đến thù thắng? Năm căn : Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Đó là năm pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là năm pháp rất khó thể nhập? Năm giới hướng đến giải thoát. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tác ý đến dục... (như kinh Phúng Tụng, II, 1, xxiv). Đó là năm pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là năm pháp cần được sanh khởi? Năm chánh định trí: "Đây là định đưa đến hiện tại lạc và lạc quả tương lại", tự mình khởi trí như vậy. "Định này thuộc bậc Thánh, xuất thế", tự mình khởi trí như vậy. "Định này thuộc hàng hiền thiện thực hành", tự mình khởi trí như vậy. "Định này là thanh lương, thù thắng, hướng đến an tịnh, quy về nhất tâm, không cần nhắc bảo, không bị chống đối, không bị thất bại", tự mình khởi trí như vậy. "Tôi với chánh niệm nhập định này, và với chánh niệm xuất định này", tự mình khởi trí như vậy. Đó là năm pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là năm pháp cần được thắng tri? Năm giải thoát xứ.. Này các Hiền giả, ở đây, bậc Đạo Sư hay một vị đồng phạm hạnh đáng được tôn kính thuyết pháp cho vị Tỷ kheo... (như kinh Phúng Tụng II, 1, xxv). Đó là năm pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là năm pháp cần được tá chứng? Năm pháp uẩn: Giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát, giải thoát tri kiến uẩn. Đó là năm pháp cần được tác chứng.
Như vậy năm mươi pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
7. Có sáu pháp có nhiều tác dụng, có sáu pháp cần phải tu tập... có sáu pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là sáu pháp có nhiều tác dụng? Sáu hòa kính pháp. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo an trú từ thân nghiệp... (như kinh Phúng Tụng II, 2, xiv). Đó là pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là sáu pháp cần phải tu tập? Sáu tùy niệm xứ: Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng tùy niệm, Giời tùy niệm, Thí tùy niệm, Thiên tùy niệm. Đó là sáu pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là sáu pháp cần phải biến tri? Sáu nội xứ: Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Đó là sáu pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào là sáu pháp cần phải đoạn trừ? Sáu ái thân: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Đó là sáu pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là sáu pháp chịu phần tai hại? Sáu bất cung kính pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo sống không cung kính, chống đối bậc Đạo Sư, đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học pháp... đối với bất phóng dật... Sống không cung kính, chống đối sự tiếp đón niềm nở. Đó là sáu pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là sáu pháp hướng đến thù thắng? Sáu cung kính pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo cung kính, không phản đối bậc Đạo sư... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học pháp... đối với bất phóng dật... cung kính, không chống đối sự tiếp đón niềm nở. Đó là sáu pháp hướng đến phù thắng.
vii) Thế nào là sáu pháp rất khó thể nhập? Sáu xuất ly giới. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo nói như sau: "Từ tâm giải thoát của tôi đã được tu tập... (như kinh Phúng Tụng, II, 2, xvii). Đó là sáu pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là sáu pháp cần phải sanh khởi? Sáu hằng trú pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo mắt thấy sắc không có hoan hỷ, không có ưu phiền, an trú xả, chánh niệm tinh giác; tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi niếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức pháp không có hoan hỷ, không có ưu phiền, an trú xả, chánh niệm tinh giác. Đó là sáu pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là sáu pháp cần được thắng tri? Sáu vô thượng chi: Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, giới vô thượng, hành vô thượng, ức niệm vô thượng. Đó là sáu pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là sáu pháp cần được tác chứng? Sáu thắng trí. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo chứng được thần túc sai biệt... với thân có thể đến Phạm thiên giới; với thiên nhĩ thanh tịnh vượt khỏi loài Người, nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, xa và gần; với tâm của mình có thể biết tâm của các loài hữu tình khác, của các loài người khác, như tâm có tham... tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát; nhớ đến rất nhiều các đời trước, như một đời, hai đời... nhớ đến các đời trước với các chi tiết và các hình thức; với thiên nhãn thanh tịnh vượt quá loài Người... biết được cái loài hữu tình tùy theo nghiệp của mình; với sự diệt trừ các lậu hoặc; sau khi tự tri, tự chứng ngay trong đời hiện tại; đạt đến và an trú vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Đó là sáu pháp cần được tác chứng. Như vậy sáu mươi pháp này là chân, thực, như thị, không phải không như thị, không có sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
8. Có bảy pháp có nhiều tác dụng, có bảy pháp cần được tu tập... có bảy pháp cần được tác chứng.
i) Thế nào là bảy pháp, có nhiều tác dụng? Bảy tài sản: Tín tài, giới tài, tàm tài, quí tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Đó là bảy pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là bảy pháp cần tu tập? Bảy giác chi: Niệm Giác chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi, Định Giác chi, Xả Giác chi. Đó là bảy pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là bảy pháp cần phải biến tri? Bảy thức trí. Này các Hiền giả, có những loài hữu tình, thân sai biệt, tưởng sai biệt... (như kinh Phúng Tụng, II, 3, x). Đó là bảy pháp cần được biến tri.
iv) Thế nào là bảy pháp cần được đoạn trừ? Bảy tùy miên: Tham dục tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên. Đó là bảy pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là bảy pháp chịu phần tai hại? Bảy phi diệu pháp. Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm, ác huệ. Như vậy là bảy pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là bảy pháp hướng đế thù thắng? Bảy diệu pháp. Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo có lòng tin, có tàm, có quý, đa văn, tinh cần, niệm hiện tiền, có trí tuệ. Như vậy là bảy pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là bảy pháp rất khó thể nhập? Bảy thượng nhân pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ kheo tri pháp, tri nghĩa, tri ngã, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân. Như vậy là bảy pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là bảy pháp cần phải sanh khởi? Bảy tướng: Vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tượng, quá hoạn tưởng, đoạn trừ tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng. Như vậy là bảy pháp cần phải sanh khởi.
ix) Thế nào là bảy pháp cần phải thắng tri? Bảy thù diệu sự. Này các Hiền giả, ở đây, vị Tỷ kheo tha thiết hành trì học pháp và khát vọng hành trì học pháp trong tương lai... (như kinh Phúng Tụng, II, 3, vii). Như vậy là bảy pháp cần phải thắng tri.
x) Thế nào là bảy pháp cần được tác chứng? Bảy lậu tận lực.
Này các Hiền giả, ở đây, vị lậu tận Tỷ kheo, chánh quán như chân tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi với chánh tuệ. Này các Hiền giả, vị Lậu tận, Tỷ kheo chánh quán như chân với chánh tuệ tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi, chánh quán ấy là sức mạnh của vị Lậu tận Tỷ kheo ấy. Nhờ sức mạnh ấy, vị Lậu tận Tỷ kheo biết được sự diệt tận các lậu hoặc: "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận".
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Lậu tận Tỷ kheo, chánh quán như chân với chánh tuệ các dục vọng như lửa than hừng... "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận". Này các Hiền giả, lại nữa, vị Lậu tận Tỷ kheo tâm hướng xuất ly, tâm thiên xuất ly, tâm nặng về xuất ly, tâm lấy xuất lu làm mục đích, tâm hoan hỷ ly dục, đoạn trừ hoàn toàn mọi lậu hoặc trú. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo... "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận". Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, bốn niệm an trú được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo... "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận". Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, năm căn được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo... "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận".
Này các Hiền giả, lại nữa đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bảy Giác chi đã được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo... "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận". Này các Hiền giả, lại nữa, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bát Thánh đạo đã được tu tập, khéo tu tập. Này các Hiền giả, đối với vị Lậu tận Tỷ kheo, Bát Thánh đạo đã được tu tập, khéo tu tập, như vậy là sức mạnh của vị Lậu tận Tỷ kheo. Nhờ sức mạnh ấy, vị Lậu tận Tỷ kheo biết được: "Các lậu hoặc của ta đã được diệt tận". Như vậy là bảy pháp cần được tu chứng. Như vậy bảy mươi pháp này là chơn, thực như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
II
1. Có tám pháp có nhiều tác dụng... có tám pháp cần phải tu chứng.
i) Thế nào là tám pháp có nhiều tác dụng? Có tám nhân, tám duyên đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được, đưa đến bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được. Này các Hiền giả, ở đây, ai sống gần bậc Đạo Sư, hoặc một vị đồng Phạm hạnh dáng tôn kính được an trú. Như vậy là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được, đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được. Ai sống gần bậc Đạo Sư, hoặc một vị đồng Phạm hạnh đáng tôn kính, nhờ vậy mà tàm quý được sắc sảo, ái lạc và cung kính được an trú. Người này thỉnh thoảng đến các vị ấy và đặt những câu hỏi: "Này Tôn giả, vấn đề này là thế nào? Vấn đề này nghĩa như thế nào?" Và các vị này đối với người ấy, nêu rõ những gì bị che khuất, phơi bày ra những gì bị giấu kín, và diệt trừ mọi nghi ngờ đối với những vấn đề đang còn nghi ngờ. Như vậy là nhân thứ hai, duyên thứ hai đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn nếu đã chứng được. Sau khi đã nghe pháp, vị này được hai sự an tịnh, an tịnh về thân và an tịnh về tâm. Như vậy là nhân thứ ba, duyên thứ ba... đưa đến... Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự giới bổn Patimokka, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong các học pháp. Như vậy là nhân thứ tư, duyên thứ tư... đưa đến... Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo đa văn, ghi nhớ điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe. Với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, gìn giữ, ghi nhớ, nhờ lặp đi lặp lại, tâm ý suy tư, khéo thành đạt chánh trí. Như vậy là nhân thứ năm, duyên thứ năm... đưa đến... Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, vững chắc, kiên trì đối với các thiện pháp. Như vậy là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu... đưa đến... Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỷ kheo có chánh niệm, có chánh niệm tối thượng và phân tích rõ ràng ghi nhận, nhớ rõ điều làm đã lâu ngày, nói đã lâu ngày. Như vậy là nhân thứ bảy, là duyên thứ bảy... đưa đến... Này các Hiền giả, lại nữa vị Tỷ kheo sống quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn: Đây là sắc, đây là tập của sắc, đây là diệt của sắc. Đây là thọ... Đây là tưởng... Đây là hành... Đây là thức. Đây là tập của thức, đây là diệt của thức. Như vậy là nhân thứ tám, duyên thứ tám, đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh nếu chưa chứng được; đưa đến sự bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn, nếu đã chứng được. Như vậy là tám pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là tám pháp cần phải tu tập? Bát Thánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đây là tám pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là tám pháp cần phải biến tri? Tám thế pháp: Đắc và không đắc, không có thanh danh và có thanh danh, chê và khen, lạc và khổ. Như vậy là tám pháp cần phải biến tri.
iv) Thế nào tám pháp cần được đoạn trừ? Tám tà: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà miệm, tà định. Như vậy là tám pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào là tám pháp chịu phần tai hại? Tám giải đãi sự. Này các Hiền giả, vị Tỷ kheo phải làm một công việc... (như kinh Phúng Tụng III, 1, iv). Như vậy là tám pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là tám pháp hướng đến thù thắng? Tám tinh tấn sự. (Như kinh Phúng Tụng, III, 1, v). Như vậy là tám pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là tám pháp rất khó thể nhập? Phạm hạnh trú, tám bất thời bất tiết, (như kinh Phúng Tụng, III, 2, iv), chín phạm hạnh trú, trừ đoạn nói về sanh A-tu-la thân, thành ra chỉ còn tám). Như vậy là tám pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là tám pháp cần được sanh khởi? Tám Đại nhân tầm: Pháp này cho người thiểu dục, pháp này không phải cho người đa dục; pháp này cho người tri túc, pháp này không phải cho người không tri túc; pháp này cho người an tịnh độc cư, pháp này không phải cho người ưa tụ hội; pháp này cho người siêng năng tinh tấn, pháp này không phải cho người giải đãi; pháp này cho người có niệm hiền tiền, pháp này không phải cho người thất niệm; pháp này là cho người có định tâm, pháp này không phải cho người không có định tâm; pháp này cho người có trí tuệ, pháp này không phải cho người có ác tuệ; pháp này cho người không ưa thích lý luận, pháp này không phải cho người ưa thích lý luận. Như vậy là tám pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là tám pháp cần được thắng tri? Tám thắng xứ... (như kinh Phúng Tụng, III, 1, x). Như vậy là tám pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là tám pháp cần được chứng ngộ? Tám giải thoát... (như kinh Phúng Tụng, III, 1, x). Như vậy là tám pháp cần được chứng ngộ.
Như vậy tám mươi pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
2) Có chín pháp có nhiều tác dụng... có chín pháp cần được chứng ngộ.
i) Thế nào là chín pháp có nhiều tác dụng? Chín pháp tư duy về căn pháp. Do chánh tư duy, hân hoan sinh; do hân hoan, hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc, thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tỉnh; do tâm định tỉnh, biết được, thấy được sự vật như chân; do biết, nhờ thấy như chơn, yểm ly sanh; do yểm ly, ly dục sanh; do ly dục, vị ấy được giải thoát. Như vậy là chín pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là chín pháp cần phải tu tập? Chín thanh tịnh cần chi: Giới hạnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi, kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đoạn nghi thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi, giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi. Như vậy là chín pháp cần được tu tập.
iii) Thế nào là chín pháp cần được biến tri? Chín hữu tình trú. (Như kinh Phúng Tụng, III, 2, iii). Như vậy là chín pháp cần được biến tri.
iv) Thế nào là chín pháp cần phải đoạn trừ? Chín ái căn pháp. Do duyên ái, tầm cầu sanh; do duyên tầm cầu, đắc lợi sanh; do duyên đắc lợi, phân biệt sanh; do duyên phân biệt, tham dục sanh; do duyên tham dục, thủ trước sanh; do duyên thủ trước sanh; chấp trì sanh; do duyên chấp trì, xan tham sanh; do duyên xam tham; hộ trì sanh; do duyên hộ trì, chấp trượng, chấp kiến, tránh tụng, tranh luận, tương phản, ly gián ngữ, vọng ngôn, và các ác bất thiện pháp khai sanh. Như vậy là chín pháp cần phải đoạn trừ.
v) Thế nào lá chín pháp chịu phần tai hại? Chín hại tâm. (Như kinh Phúng Tụng, III, 2, i). Như vậy là chín pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là chín pháp hướng đến thù thắng? Chín điều phục hại tâm. (Như kinh Phúng Tụng III, 2, ii). Như vậy là chín pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là chín pháp rất khó thể nhập? Chín loại sai biệt. Do duyên giới sai biệt, xúc sai biệt sanh; do duyên xúc sai biệt, thọ sai biệt sanh; do duyên thọ sai biệt; tưởng sai biệt sanh; do duyên tưởng sai biệt, tư duy sai biệt sanh; do duyên tư duy sai biệt, dục sai biệt sanh; do duyên dục sai biệt, nhiệt tình sai biệt sanh; do duyên nhiệt tình sai biệt; tầm cầu sai biệt, đắc lợi sai biệt sanh. Như vậy là chín pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là chín pháp cần được sanh khởi? Chín tưởng: Bất tịnh
__yểm ly tưởng, nhứt thiết thế gian bất lạc tượng, vô thường tưởng, khổ tâm tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên ngã, đoạn trừ tưởng, vô tham tưởng. Như vậy là chín pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là chín pháp cần được thắng tri? Chín thứ đệ trú. (Như kinh Phúng Tụng III, 2, v). Như vậy là chín pháp cần được thắng trí.
x) Thế nào là chín pháp cần được chứng ngộ? Chín thứ đệ diệt. (Như kinh Phúng Tụng III, 2, vi). Như vậy là chín pháp cần được chứng ngộ.
Như vậy là chín mươi pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
3) Có mười pháp có nhiều tác dụng... có mười pháp cần được giác ngội.
i) Thế nào là mười phát có nhiều có tác dụng? Mười pháp hộ trì nhân pháp. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, i). Như vậy là mười pháp có nhiều tác dụng.
ii) Thế nào là mười pháp cần phải tu tập? Mười biến xứ. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, ii) Như vậy là mười pháp cần phải tu tập.
iii) Thế nào là mười pháp cần phải biến tri? Mười xứ: Nhãn xứ, sắc xứ, tỷ xứ, thanh xứ, nhĩ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ. Như vậy là mười pháp cần được biến tri
iv) Thế nào là mười pháp cần phải đoạn trừ? Mười tà pháp: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát. Như vậy là mười pháp cần được đoạn trừ.
v) Thế nào là mười pháp chịu phần tai hại? Mười bất thiện nghiệp đạo. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, iii). Như vậy là mười pháp chịu phần tai hại.
vi) Thế nào là mười pháp hướng đến thù thắng? Mười thiện nghiệp đạo. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, iv). Như vậy là mười pháp hướng đến thù thắng.
vii) Thế nào là mười pháp rất khó thể nhập? Mười thánh tri. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, v). Như vậy là mười pháp rất khó thể nhập.
viii) Thế nào là mười pháp cần được sanh khởi? Mười tưởng: Bất tịnh tưởng, tư tưởng, thực yểm ly tưởng, nhứt thiết thế gian bất lạc tưởng, vô thường tưởng, khổ tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên khổ, đoạn tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng. Như vậy là mười pháp cần được sanh khởi.
ix) Thế nào là mười pháp cần được thắng tri? Mười đoạn tận sự: Tà kiến do chánh kiến đoạn tận; do duyên tà kiến, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận; do duyên chánh kiến các thiện pháp được tăng cường, viên mãn; tà tư duy do chánh tư duy đoạn tận... tà ngữ do chánh ngữ đoạn tận... tà nghiệp cho chánh nghiệp đoạn tận... tà mạng do chánh mạng đoạn tận... tà niệm do chánh niệm đoạn tận... tà định do chánh định đoạn tận... tà trí do chánh trí đoạn tận... tà giải thoát do chánh giải thoát đoạn tận... do duyên tà giải thoát, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận; do duyên chánh giải thoát, các thiện pháp này được tăng cường viên mãn. Như vậy là mười pháp cần được thắng tri.
x) Thế nào là mười pháp cần được chứng ngộ? Mười vô học pháp. (Như kinh Phúng Tụng III, 3, v). Như vậy là mười pháp cần được chứng ngộ.
Như vậy một trăm pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
Như vậy tôn giả Sàriputta thuyết giảng. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của tôn giả Sàriputta.
Phẩm Pàtìka
Pàtìka, Udumbarika, Cakkavathi và Aggannaka Sampasàdaniya, Pàsàdika, Mahàpurisalakkhanam, Sigàlovàda, Àtànàtiyà, Sangìtì, Dasuttara...
Với mười một kinh này, được gọi là phẩm Pàtika.
Đoạn trừ mọi khổ đau,
Đem lại chân lạc thọ,
Chứng bất tử, an tịnh,
Dưới bậc Đại Pháp Vương.