- Phần mở đầu
- 1. Kinh Pháp môn căn bản (a)
- 2. Kinh Tất cả lậu hoặc
- 3. Kinh Thừa tự Pháp
- 4. Kinh Sợ hãi và khiếp đảm
- 5. Kinh Không uế nhiễm
- 6. Kinh Ước nguyện
- 7. Kinh Ví dụ tấm vải
- 8. Kinh Đoạn giảm
- 9. Kinh Chánh tri kiến
- 10. Kinh Niệm xứ
- 11. Tiểu kinh Sư tử hống
- 12. Đại kinh Sư tử hống
- 13. Đại kinh Khổ uẩn
- 14. Tiểu kinh Khổ uẩn
- 15. Kinh Tư lượng
- 16. Kinh Tâm hoang vu
- 17. Kinh Khu rừng
- 18. Kinh Mật hoàn
- 19. Kinh Song tầm
- 20. Kinh An trú tầm
- 21. Kinh Ví dụ cái cưa
- 22. Kinh Ví dụ con rắn
- 23. Kinh Gò mối
- 24. Kinh Trạm xe
- 25. Kinh Bẫy mồi
- 26. Kinh Thánh cầu
- 27. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi
- 28. Đại kinh Ví dụ dấu chân voi
- 29. Đại kinh Ví dụ lõi cây
- 30. Tiểu kinh Ví dụ lõi cây
- 31. Tiểu kinh Khu rừng sừng bò
- 32. Đại kinh Khu rừng sừng bò
- 33. Đại kinh Người chăn bò
- 34. Tiểu kinh Người chăn bò
- 35. Tiểu kinh Saccaka
- 36. Đại kinh Saccaka
- 37. Tiểu kinh Đoạn tận ái
- 38. Đại kinh Đoạn tận ái
- 39. Đại kinh Xóm ngựa
- 40. Tiểu kinh Xóm ngựa
- 41. Kinh Saleyyaka
- 42. Kinh Veranjaka
- 43. Đại kinh Phương quảng
- 44. Tiểu kinh Phương quảng
- 45. Tiểu kinh Pháp hành
- 46. Đại kinh Pháp hành
- 47. Kinh Tư sát
- 48. Kinh Kosampiya
- 49. Kinh Phạm thiên cầu thỉnh
- 50. Kinh Hàng ma
- 51. Kinh Kandaraka
- 52. Kinh Bát thành
- 53. Kinh Hữu học
- 54. Kinh Potaliya
- 55. Kinh Jivaka
- 56. Kinh Ưu-ba-ly
- 57. Kinh Hạnh con chó
- 58. Kinh Vương tử Vô-úy
- 59. Kinh Nhiều cảm thọ
- 60. Kinh Không gì chuyển hướng
- 61. Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la
- 62. Đại kinh Giáo giới La-hầu-la
- 63. Tiểu kinh Malunkyaputta
- 64. Đại kinh Malunkyaputta
- 65. Kinh Bhaddali
- 66. Kinh Ví dụ con chim cáy
- 67. Kinh Catuma
- 68. Kinh Nalakapana
- 69. Kinh Gulissani
- 70. Kinh Kitagiri
- 71. Kinh Vacchagotta về Tam minh
- 72. Kinh Vacchagotta về lửa
- 73. Đại kinh Vacchagotta
- 74. Kinh Trường Trảo
- 75. Kinh Magandiya (a)
- 76. Kinh Sandaka
- 77. Đại kinh Sakuludayi
- 78. Kinh Samanamandika
- 79. Tiểu kinh Sakuludayi
- 80. Kinh Vekhanassa
- 81. Kinh Ghatikara
- 82. Kinh Ratthapala
- 83. Kinh Makhadeva
- 84. Kinh Madhura
- 85. Kinh Vương tử Bồ-đề
- 86. Kinh Angulimala
- 87. Kinh Ái sanh
- 88. Kinh Bahitika
- 89. Kinh Pháp trang nghiêm
- 90. Kinh Kannakatthala
- 91. Kinh Brahmayu
- 92. Kinh Sela
- 93. Kinh Assalayana
- 94. Kinh Ghotamukha
- 95. Kinh Canki
- 96. Kinh Esukari
- 97. Kinh Dhananjani
- 98. Kinh Vasettha
- 99. Kinh Subha
- 100. Kinh Sangarava
- 101. Kinh Devadaha
- 102. Kinh Năm Ba
- 103. Kinh Như Thế Nào
- 104. Kinh Làng Sama
- 105. Kinh Làng Sama
- 106. Kinh Bất Động Lợi Ích
- 107. Kinh Ganaka Moggallana
- 108. Kinh Gopaka Moggakamma
- 109. Đại Kinh Mãn Nguyệt
- 110. Tiểu Kinh Mãn Nguyệt
- 111. Kinh Bất Đoạn
- 112. Kinh Sáu Thanh Tịnh
- 113. Kinh Chân Nhân
- 114. Kinh Nên Hành Trì Không Nên Hành Trì
- 115. Kinh Đa Giới
- 116. Kinh Thôn Tiên
- 117. Đại Kinh Bốn Mươi
- 118. Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm
- 119. Kinh Thân Hành Niệm
- 120. Kinh Hành Sanh
Kinh Trung Bộ
67. Kinh Catuma
Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Catuma trong rừng cây Kha-lưu-lạc. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỷ-kheo, do Sariputta và Moggallana cầm đầu cùng đến Catuma để yết kiến Thế Tôn. Và các Tỷ-kheo mới đến chào đón các vị cựu trú Tỷ-kheo. Trong khi các sàng tọa được sửa soạn và y bát được cất dọn, nên các tiếng náo động ồn ào khởi lên. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, các tiếng náo động ồn ào kia là các tiếng gì, thật giống như tiếng hàng đánh cá tranh giành cá với nhau.
– "Bạch Thế Tôn, đó là khoảng năm trăm Tỷ-kheo, do Sariputta và Moggallama cầm đầu, đã đến Catuma để yết kiến Thế Tôn. Và các Tỷ-kheo mới đến chào đón các vị cựu trú Tỷ-kheo. Trong khi các sàng tọa được sửa soạn và y bát được cất dọn, các tiếng náo động ồn ào khởi lên.
– "Vậy này Ananda, hãy nhân danh Ta bảo các Tỷ-kheo ấy: "Bậc Đạo Sư cho gọi các Tôn giả".
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến chỗ các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo ấy như sau:
– Bậc Đạo Sư cho gọi các Tôn giả.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
– Này các Tỷ-kheo, các Ông có nghĩ chăng, các tiếng náo động ồn ào thật giống như tiếng hàng đánh cá tranh giành cá với nhau ?
– Bạch Thế Tôn, đó là khoảng năm trăm Tỷ-kheo, do Sariputta và Moggallana dẫn đầu, đã đến Catuma để yết kiến Thế Tôn và các Tỷ-kheo mới đến chào đón các vị cựu trú Tỷ-kheo. Trong khi các sàng tọa được sửa soạn và y bát được cất dọn, các tiếng náo động ồn ào khởi lên.
– Hãy đi đi này các Tỷ-kheo, Ta đuổi các Ông. Các Ông chớ có ở gần Ta.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp lại sàng tọa, cầm lấy y bát rồi ra đi.
Lúc bấy giờ, các Thích tử trú ở Catuma đang hội họp tại giảng đường vì một vài công cụ. Các Thích tử trú ở Catuma thấy các Tỷ-kheo ấy từ xa đi đến, sau khi thấy liền đến gặp các Tỷ-kheo, sau khi đến bèn nói như sau:
– Nay chư Tôn giả đi đâu ?
– Chư Huynh, chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi đi.
– Chư Tôn giả hãy ngồi lại một lát. Chúng tôi có thể làm cho Thế Tôn vui lòng.
– Thưa vâng, chư Huynh.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp các Thích tử trú ở Catuma. Rồi các Thích tử trú ở Catuma đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Thích tử trú ở Catuma bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ở đây, có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, các hạt giống cây nếu không được nước, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, con nghé nếu không được thấy con bò mẹ, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo.
Rồi Phạm thiên Sahampati (Ta bà Chủ) với tâm của mình biết được tâm Thế Tôn. Như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng như vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ở đây, có những tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, các hạt giống cây nếu không được nước, chúng có thể đổi khác, chúng có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây, có những vị tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Ví như, bạch Thế Tôn, con nghé, nếu không được thấy con bò mẹ, nó có thể đổi khác, nó có thể biến dạng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, ở đây, có những tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa được bao lâu, vừa mới đến trong pháp luật này. Không được yết kiến Thế Tôn, họ có thể đổi khác, họ có thể biến dạng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy hoan hỷ với chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy tiếp đón chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, ví như trước kia, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ; cũng như vậy, mong nay Thế Tôn hãy giúp đỡ chúng Tỷ-kheo.
Các thích tử ở Catuma và Phạm thiên Sahampati đã có thể làm Thế Tôn vui lòng với ví dụ hột giống và ví dụ con nghé con. Rồi Tôn giả Mahamoggallana bảo các Tỷ-kheo:
– Chư Hiền, hãy đứng dậy ! Hãy cầm lấy y và bình bát ! Thế Tôn đã được các Thích tử trú ở Catuma và Phạm thiên Sahampati làm cho vui lòng với ví dụ hột giống và ví dụ con nghé con.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahamoggallana, từ chỗ ngồi đứng dậy, cầm lấy y bát, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sariputta đang ngồi một bên:
– Này Sariputta, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi ?
– Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như sau: "Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Chúng con nay cũng được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc.
– Này Sariputta, hãy chờ đợi ! Này Sariputta, hãy chờ đợi ! Này Sariputta, chớ có để tư tưởng như vậy khởi lên Ông nữa.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahamoggallana:
– Này Moggallana, Ông đã nghĩ gì khi chúng Tỷ-kheo bị Ta đuổi ?
– Bạch Thế Tôn, khi chúng Tỷ-kheo bị Thế Tôn đuổi, con nghĩ như sau: "Nay Thế Tôn sẽ được ít bận rộn, sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Vàؠnay con và Tôn giả Sariputta sẽ lãnh đạo chúng Tỷ-kheo.
– Lành thay, lành thay, Moggallana. Này Moggallana, chỉ có Ta hay Sariputta và Moggallana mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ-kheo được.
Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi chờ đợi những ai lội xuống nước. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Này các Tỷ-kheo, bốn điều đáng sợ hãi này chờ đợi những ai lội xuống nước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn điều đáng sợ hãi này, ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình trong Pháp Luật này. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin, xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: "Ông cần phải đi ra như vậy, Ông cần phải đi về như vậy; Ông cần phải ngó tới như vậy, Ông cần phải ngó quanh như vậy; Ông cần phải co tay như vậy, Ông cần phải duỗi tay như vậy; Ông cần phải mang y sanghati (tăng-già-lê), mang y bát như vậy". Vị ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia, chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng dạy, khuyên giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyên giáo chúng ta". Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ sự học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về sóng. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với phẫn não.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: "Ông nên nhai cái này, Ông không nên nhai cái này; Ông nên ăn cái này, Ông không nên ăn cái này; Ông nên nếm cái này, Ông không nên nếm cái này; Ông nên uống cái này, Ông không nên uống cái này. Cái gì được phép, Ông nên nhai; cái gì không được phép, Ông không nên nhai. Cái gì được phép, Ông nên ăn; cái gì không được phép, Ông không nên ăn. Cái gì được phép, Ông nên nếm; cái gì không được phép, Ông không nên nếm. Cái gì được phép, Ông nên uống; cái gì không được phép, Ông không nên uống. Đúng thời, Ông nên nhai, không đúng thời, Ông không nên nhai. Đúng thời, Ông nên ăn; không đúng thời, Ông không nên ăn. Đúng thời, ông nên nếm; không đúng thời, Ông không nên nếm. Đúng thời, Ông nên uống; không đúng thời, Ông không nên uống". Vị ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia chúng ta chưa xuất gia, cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nhai; cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không ăn; cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nếm; cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống; cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai; cái gì không được phép, chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn; cái gì không được phép, chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm; cái gì không được phép, chúng ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống; cái gì không được phép, chúng ta cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai; cái gì phi thời, chúng ta cũng nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn; cái gì phi thời chúng ta cũng ăn. Cái gì đúng thời, chúng ta nếm; cái gì phi thời chúng ta cũng nếm. Cái gì đúng thời, chúng ta uống; cái gì phi thời chúng ta cũng uống. Khi các gia chủ có tín tâm cúng dường chúng ta những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như các món ăn ấy đang bị chận đứng lại trên miệng".
Vị ấy từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập, và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá sấu. Sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Ở đây, vị này thấy gia chủ hay con người gia chủ hưởng thụ một cách đầy đủ, năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ một cách đầy đủ năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thọ tài sản, vừa làm công đức", vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời nói, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây các phụ nữ y phục không đoan chánh, hay y phục mặc lộ liễu. Khi thấy các phụ nữ y phục không đoan chính hay y phục lộ liễu, dục tình phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị dục tình phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này từ bỏ học tập và trở về hoàn tục, được gọi là người bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ. Này các Tỷ-kheo, sự sợ hãi về cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ.
Này các Tỷ-kheo, những điều này là bốn điều đáng sợ hãi ở đây, chờ đợi những người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp luật này.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.