Hành Trình Bồ Tát Đạo:
500 DANH HIỆU BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Xuất xứ:
Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm là tuyển tập 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi danh hiệu tán dương một bản nguyện, hạnh tu, công đức, pháp môn, ứng thân, phương tiện, lời dạy, cảm ứng, xưng tán, hoặc oai lực của Bồ Tát, viết thành một câu khá dài. Hơn một nửa danh hiệu trích dẫn từ Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, còn lại dẫn từ nhiều Kinh khác. Do dẫn nhiều bản Kinh theo thứ tự trước sau nên có những câu tương tự, trong đó 2 câu “Thiên nhãn Chiếu kiến” và “Thiên thủ Hộ trì” lập lại 2 lần (câu 76-77).
Tác giả và thời gian. Theo ý kiến của nhiều Tôn đức, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm do một bậc Cao tăng Việt Nam (Ẩn danh) biên soạn vì không có trong Đại Tạng Kinh. Bản kinh nguyên gốc bằng chữ Hán đã được nhiều Tôn đức dịch ra tiếng Việt. Theo ấn bản năm 2015 do nhà nghiên cứu Quảng Minh dịch, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm đã sớm có từ đời nhà Trần, căn cứ vào câu “Linh cảm Ngũ Bách Danh” trong nghi thức cúng âm linh cô hồn Thủy Lục Chư Khoa thịnh hành từ thời nhà Trần, thế kỷ thứ XIII. Bản gỗ khắc in xưa nhất còn được lưu trữ là vào năm Thành Thái Mậu Tuất, Mùa Hạ 1898, do chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, tỉnh Hà Nội (nay là Tp. Hà Nội) thực hiện. Bản in này ghi là “trùng khắc”, tức là khắc lại từ một bản in trước.
Về hình thức. Bố cục Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm có 3 phần: mở đầu, giảng giải và kết luận.
Phần mở đầu (Câu 1-7). Trước sự Chứng minh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quán Thế Âm thưa trình nhân duyên được Tâm chú Đại Bi, đại nguyện và hạnh tu của Ngài.
Phần giảng giải (Câu 8-497). Dẫn chứng công hạnh của Bồ Tát qua nhiều bản Kinh: Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Chú Ma Ha Ba Đầu Ma Chiên Đàn Ma Ni Tâm Luân, Kinh Bất Không Quyến Sách, Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Bí Mật Tạng Như Ý Luân Đà La Ni Thần Chú, Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Như Ý Ma Ni Đà La Ni, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa…
Phần kết luận (Câu 498-500). Hành giả nguyện ủng hộ Phật pháp hưng thịnh lâu dài bằng cách thực hành lời Phật dạy.
Về nội dung. 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm chính là hành trình Bồ Tát đạo, sắp xếp từ dễ đến khó, từ cụ thể đến thâm sâu, từ tướng mà vào tánh. Trước là kể lại cách tu tập, nguyện lực và hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm (78 câu). Thứ tự tiếp theo là công năng của Bồ Tát trong việc chữa lành bệnh tật (50 câu), trừ tai nạn, trừ chết oan và ác nghiệp (38 câu), đáp ứng lòng chúng sanh mong cầu (27 câu). Đây là các trường hợp cấp bách, cần đáp ứng ngay.
Sau khi giúp chúng sanh khỏi các nạn khổ bức bách, Bồ Tát Quán Thế Âm tùy duyên hướng dẫn Phật pháp cho họ, đặc biệt là phương thuốc Thần chú Đại Bi (139 câu). Ngoài ra, Ngài còn khích lệ Thiên long Bát bộ làm việc thiện bằng cách trợ giúp cho người tu tập (57 câu). Như vậy, tha lực của Bồ Tát là sự kiện hiển nhiên, như người Mẹ hiền chăm sóc đàn con thơ dại.
Tuy nhiên, cốt lõi của 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm chính là hướng dẫn mỗi người nhận ra Phật tánh sẵn có nơi bản thân (18 câu, từ câu 430-447), đúng như lời dạy trong Kinh Pháp Hoa: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Phật tri kiến, Chân tâm, Trí tuệ Bát nhã v.v… là một cách nói khác của Phật tánh. Một khi hành giả hiện rõ Phật tánh thì lục căn biết như thật, thong dong vào đời cứu độ chúng sanh như 32 ứng thân của Bồ Tát trong phẩm Phổ Môn (93 câu). Tổng cộng 500 câu.
Duyên khởi 500 Danh Hiệu. Mở đầu kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Ngài A Nan thuật lại: Một thời Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (câu 1) giáo hóa tại đạo tràng Bảo Trang Nghiêm, trong cung điện của Bồ Tát Quán Thế Âm tại núi Phổ Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm đã xin Đức Phật Thích Ca cho phép Ngài kể lại nhân duyên được chú Đại Bi và hạnh tu của Ngài (câu 2). Lời thỉnh cầu của Bồ Tát được Đức Phật hoan hỷ chấp thuận, chứng minh và giảng giải thêm.
Từ vô lượng kiếp lâu xa về trước, Bồ Tát Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai (câu 7). Vì nguyện lực cứu độ chúng sanh nên Ngài giáng tích làm Bồ Tát (câu 3). Vào thời Phật Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ (câu 5), Bồ Tát được nghe đức Phật tuyên thuyết Đại Bi Tâm chú vi diệu đến mức, Ngài từ sơ quả là Hoan Hỷ địa mà tiến thẳng đến bậc thứ tám là Bất Động địa. Bấy giờ Bồ Tát vô cùng hoan hỷ, dũng mãnh phát lời thệ: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt”. Khi Ngài phát thệ rồi thì nơi thân liền hiện ra một ngàn cánh tay và một ngàn con mắt (câu 6).
Ứng hiện nhiều hình tướng. Tùy theo căn cơ của mỗi loài mà Bồ Tát tùy thuận hiện ra các hình tướng thích hợp để hóa độ. Có khi Bồ Tát hiện ra thân 11 mặt, 12 mặt, thân đầu Ngựa, thân Bồ Tát Chánh Thú, thân Tỳ Câu Chi, thân đắp Y bằng lá sen, thân Như Ý Luân. Có khi Ngài hiện ra thân 84.000 tay, 42 tay, 18 tay, 12 tay, 8 tay, 4 tay, đặc biệt là thân ngàn tay ngàn mắt, trong mỗi bàn tay có một con mắt.
Trừ bệnh tật. Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân Lương Y, có thể trừ rất nhiều loại bệnh hoặc các chứng đau nhức. Chẳng hạn các bệnh từ đầu, não, mặt, mắt, tai, răng, cổ họng, tay chân, lưng, các bệnh phong thấp, kiết lỵ, trĩ, phù thũng, hoặc ngay cả các bệnh nan y như đau tim, bướu trong bụng, phong cùi, ung thư, viêm gan. Ngài không những giúp chữa các bệnh về thân, mà còn các bệnh về tâm như nỗi phiền muộn, oan gia đối đầu, ác quỷ làm hại.
Trừ tai nạn, chết oan và ác nghiệp. Bồ Tát Quán Thế Âm có thể giúp giải trừ 15 loại chết oan trái, hay còn gọi là bất đắc kỳ tử, oan gia đối đầu như đói khát, loạn lạc; giam cầm, đánh đập; thù oán; tử trận; thú dữ cắn xé; rắn, rết cắn; lửa cháy hay chết đuối; nhiễm độc thức ăn nước uống; trùng độc làm hại; điên cuồng; cây gãy rơi trúng hoặc sa xuống hầm hố; trấn ếm, trù ẻo; tà thần, ác quỷ làm hại; ác bệnh; tự tử. Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn khuyến tấn người đời sám hối các điều dữ đã tạo ra và nguyện không tái phạm, nhờ vậy mà có thể thoát khỏi ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Và, chuyển hóa các nghiệp oan gia kiếp đạo, tam tai, cửu hoạnh, ác mộng biến quái trở thành niệm lành (câu 173-188).
Đáp ứng lòng mong cầu. Sở dĩ người đời sùng kính Bồ Tát Quán Thế Âm vì vô số người chứng thực rằng chí thành cầu nguyện Ngài thì được tai qua nạn khỏi, tùy tâm mãn nguyện, dù ở đâu, bất cứ lúc nào. Từ quang Bồ Tát Quán Thế Âm bảo hộ cho đất nước được an ninh, chính trị ổn định, ngăn ngừa chiến tranh, loạn lạc, nhân dân yên ổn, mưa thuận gió hòa, đẩy lùi dịch bệnh và những điều nguy hiểm, hoa màu tươi tốt, thực phẩm sung túc, kinh tế thịnh vượng. Khắp nơi trên thế giới và vũ trụ đều thấm nhuần cam lồ nước tịnh.
Diễn nói chú Đại Bi. Bồ Tát Quán Thế Âm chứng quả nhờ chú Đại Bi nên trải qua vô lượng kiếp, Ngài luôn giảng nói chú Đại Bi và thường trì niệm không bao giờ bỏ sót (câu 374). Chú Đại Bi có công năng giúp người tụng trì tiêu trừ nghiệp chướng, khỏi sa vào các nẻo đường xấu ác, trừ các loại độc, các tội nặng, được người khác kính mến, tài lộc dồi dào.
Chú Đại Bi có 10 Tâm vi diệu là Tâm Đại Từ bi, Tâm Bình đẳng, Tâm Vô Vi, Tâm Không dính mắc, Tâm Không quán, Tâm Cung kính, Tâm Khiêm nhường, Tâm Không rối loạn, Tâm Vô kiến thủ, Tâm Thệ độ tất cả chúng sanh. Hành giả tụng trì chú Đại Bi là đang gieo vào tàng thức 12 hạt giống vi diệu: Cụ Phật thân, Quang Minh thân, Từ bi, Diệu pháp, Thiền định, Hư không, Vô úy, Diệu ngữ, Thường trụ, Giải thoát, Dược vương, Thần thông. 500 Danh Hiệu dành đến 40 câu về ấn thủ nhãn (câu 313-352). Ấn thủ là bắt ấn bằng tay để giúp; nhãn là dùng trí tuệ biết rõ từng hoàn cảnh.
Cách tụng trì chú Đại Bi. Người tụng trì chú Đại Bi trước tiên phải khởi lòng bình đẳng, phát tâm Bồ đề rộng lớn thề độ tất cả muôn loài, và y theo Ngài mà phát nguyện: “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Nguyện Con” mau biết tất cả pháp, mau được mắt trí tuệ, mau độ các chúng sanh, mau được phương tiện khéo, mau lên thuyền Bát Nhã, mau được qua biển khổ, mau được giới định đạo, mau lên non Niết Bàn, mau về nhà Vô Vi, mau đồng thân Pháp tánh (câu 204-213). Mỗi ngày tụng 5 biến chú Đại Bi, miệng tụng rành rẽ, tiếng tăm liên tiếp không gián đoạn, thân và tâm hợp nhất, không nghĩ chi khác.
Nhờ chuyên tâm tụng trì chú Đại Bi mà tâm hành giả lắng yên, chuyển hóa dần các tập khí xấu ác, thoát tội ngũ nghịch, trừ tham sân si, được phú quý, sống lâu, thân tướng trang nghiêm, làm gì cũng có kết quả, tăng trưởng các thiện nghiệp. Cùng với tiến trình lắng yên thân khẩu ý nghiệp, hành giả đồng thời cũng bồi đắp chí nguyện Đại thừa, thực hành Lục độ vạn hạnh, thành tựu tứ quả Thanh văn, quả vị Thập địa. Được tận mắt thấy hiệu lực ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ của Bồ Tát Quán Thế Âm, khai mở tâm Bồ đề, thành tựu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cho đến ngày rốt ráo thành Phật (câu 301).
Khuyến thiện Thiên long Bát bộ. Nhiều khi Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện ra các thân tướng uy vũ để trừ bạo an dân, vô hiệu hóa các ác qủy thần, bùa yểm hoặc hàng phục các hạng chúng sanh cang cường, thiên ma, tà thần. Ngài hàng phục không bằng sát khí sân hận ngập trời mà bằng tâm đức từ bi, khoan hòa, hỷ xả. Chính “tâm từ bi kiên cố, tướng tự tại đoan nghiêm” của Ngài đã cảm hóa các hàng Thiên long Bát bộ quay về đường lành.
Đầy đủ nguyện lực. Bồ Tát Quán Thế Âm thành tựu công hạnh ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp, nhưng chúng sanh không nhận ra Ngài. Ngài căn cứ vào lẽ chơn thật của mọi sự, mọi vật trong vũ trụ mà hóa độ nên lời nói, việc làm nào cũng phù hợp chân lý, không để suy thoái các hạt giống tốt. Ngài có đủ lục thông về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, oai thần không thể nghĩ bàn. Dù ứng hiện nhiều hình tướng và sống thực trong mọi hoàn cảnh khác nhau, nhưng lúc nào Bồ Tát vẫn ở yên trong đại định nên tự tại vô ngại, hoặc ứng xử đúng với chân lý, được ánh sáng của tất cả chư Phật gia hộ.
Trở về Chân tâm. Từ lễ bái hình tượng Chư Phật, Chư Bồ Tát bên ngoài thân, người tu tập ngày càng có dịp quay về với Phật tánh thường trụ nơi tự thân. Thành thử hành giả kính lễ Bồ Tát Quán Thế Âm cũng như đang kính lễ Phật tánh nơi chính bản thân mình. Đó là ý nghĩa của 6 câu danh hiệu: “Kính Lạy Bồ Tát Quán Thế Âm”, Con Kính Lạy Phật Tánh Nơi Con Cũng Như Kính Lạy Ngài. Con trở về Phật Tánh nơi con là trở về Ngài. Con nhận ra Phật tánh nơi con đồng Pháp thân Ngài. Con nhớ Phật tánh nơi con là nhớ Ngài. Con kính thờ Phật tánh nơi con như kính thờ Ngài. Con cúng dường Phật tánh nơi con như cúng dường Ngài.
Bồ Tát đạo là con đường tu hành Lục độ, muôn hạnh tự lợi, lợi tha của Bồ Tát để thành tựu Phật quả. Lời nguyện phát Bồ đề tâm, hành Bồ Tát nguyện thật vô cùng hùng vĩ: “Nay con phát tâm không vì tự cầu phước báo nhân thiên, Thanh văn, Duyên giác, cho đến các bậc Bồ Tát quyền thừa; chỉ y theo tối thượng thừa mà pháp tâm Bồ đề. Nguyện cùng chúng sanh trong pháp giới, một thời đồng chứng đạo quả Vô thượng Bồ đề”. Đó chính là thệ nguyện của Tôn giả A Nan:
“Đời đau khổ con nguyền vào trước
Cứu chúng sanh là báo Phật thâm ân
Dù gian lao chí cả không sờn
Cầu Đại Giác từ bi gia hộ
Nếu còn một chúng sanh chưa hết khổ
Cảnh Niết Bàn con đâu dám tự an” (Tựa chú Lăng Nghiêm).
Hay lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng:
“Địa ngục chưa trống nguyện chẳng thành Phật
Độ hết chúng sanh mới chứng Bồ đề” (Kinh Địa Tạng).
Bồ Tát Quán Thế Âm: “Con nguyện không thành Chánh giác khi tất cả chúng sanh chưa thành” (Tạng Thư Sống Chết).
Khi dịch Kinh Phật Dạy Cách Phát Tâm Bồ Đề, Cố Ân sư Thích Đỗng Tuyên viết lời Bạt thật thống thiết: “Bồ tát đạo là con đường không vướng mắc vào không gian, thời gian, nên Bồ Tát luôn lặn lội trong tam đồ lục đạo, ung dung lui tới trong ba cõi. Không chỗ nào mà không tới, không chúng sanh nào bị từ bỏ. Quả thật không gian là chân trời bao la bát ngát vô hạn; trải qua vô số a tăng kỳ kiếp tưởng chừng chỉ trong một sát na… Thực hành Bồ Tát đạo thật đầy chông gai và thử thách. Càng cực khổ, càng nguy hiểm, càng khó khăn bao nhiêu thì tâm Bồ Tát càng yêu thương, càng hy sinh, càng tinh tấn… thì càng đến gần Giác ngộ, Giải thoát”.
Trong lời Tựa bản dịch Bồ Tát Hạnh, Hòa thượng Thích Trí Siêu khuyến tấn: “Đối với các Phật tử Đại thừa thì mục đích chính của tu hành là phải cầu thành Phật. Chư A La Hán, chư Bích Chi Phật, chư Tổ Thiền đều đã đắc quả giác ngộ giải thoát, nhưng các Ngài vẫn chưa phải là Phật. Nhưng tại sao lại phải cầu thành Phật? Được giác ngộ giải thoát chưa đủ sao?
Chưa đủ! Đủ làm sao được đối với người đã hiểu, đã thấy tất cả chúng sanh chính là mình, mình chẳng khác với chúng sanh; cái khổ của chúng sanh chính là cái khổ của mình và sự giải thoát của chúng sanh cũng là sự giải thoát của mình. Nếu chưa hiểu được vậy thì ít nhất cũng phải suy nghĩ, từ vô thỉ đến nay, trôi lăn trong sanh tử luân hồi, tất cả chúng sanh đều đã ít nhất một lần làm cha mẹ ta, đã nuôi nấng, thương yêu, chăm sóc ta chẳng quản khó nhọc, nhiều khi còn phải hy sinh tánh mạng vì ta. Như thế, ta nỡ lòng nào cầu giác ngộ giải thoát một mình”?
Kết luận
Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho Trí tuệ (Quán) và Từ bi (Thế Âm), những tánh đức của một vị Phật. 500 Danh Hiệu cho thấy cách tu tập rất Việt Nam là Thiền, Tịnh, Mật đồng tu. Mật là trì tụng Tâm chú Đại Bi; Tịnh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây phương Tịnh Độ. Còn Thiền ở đây có hai phần là Chỉ và Quán. Chỉ là tập trung vào chú Đại Bi, không nghĩ chi khác (câu 376), đây chính là Định có tầm có tứ. Với tâm lắng yên, hành giả có thể nhìn sâu, nhìn lâu, nhìn kỹ vào lòng sự vật để hiểu đúng, gọi là Quán.
Sau 500 Danh Hiệu Bồ Tát có phần sám hối ngắn gọn mà thực tế, thiết tha, cảm ứng, chuyển hóa lòng người. Phần thực hành mỗi lần 10 câu, hoặc nhiều câu hơn, hoặc mỗi chữ một lạy, tùy theo sức khỏe và thời gian mỗi người. Lạy chậm rãi, chắp tay đưa lên thì hít vào, cúi xuống thì thở ra, khi trán chạm đất thì thong thả thở vào, thở ra một vài hơi nhẹ nhàng, không nghĩ gì hết, rồi đứng dậy thì hít vào, thở ra. Như vậy, thực hành lễ lạy vừa dẻo dai cơ thể, trừ nhiều bệnh, vừa sám hối ba nghiệp thân, miệng, ý, dần dần đạt đến thân và tâm là một. Vậy là nương tướng mà vào tánh, tâm với cảnh không hai, người lạy và đối tượng lạy đều đồng một thể rỗng lặng, Phật với chúng sanh không khác.
Trong khi cẩn trọng tìm hiểu, đối chiếu kinh sách để việc chuyển ngữ sang tiếng Việt và tiếng Anh khỏi sai lạc ý Phật, ý Tổ, con thường xuyên đảnh lễ 500 Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, mỗi chữ một lạy, nên tâm thường được lặng yên mà biết rõ. Và, nhận ra tha lực của Ngài là những trường hợp “cấp cứu”; qua cơn khổ nạn, mỗi người nên “Tự mình thắp đuốc lên mà
đi, thắp lên với Chánh Pháp”. Chúng sanh vô số lượng, khổ nạn vô cùng tận, cho nên Bồ Tát vận dụng Pháp thí để dạy dỗ, khéo léo hướng dẫn người đời thực hành Lời Phật dạy, lợi mình, lợi người, tự giác, giác tha. Rồi Bồ Tát khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm quý báu đó cho người lân cận.
Trong đời sống hàng ngày, hình ảnh Chư tôn Thiền đức Tăng Ni và Phật tử thường xuyên có mặt bên cạnh các mảnh đời bất hạnh, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật, già yếu, tử vong để xoa dịu nỗi khổ niềm đau chính là cánh tay nối dài của Bồ Tát. Và, hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân năm 1963 tại Việt Nam thật vô cùng bi tráng, linh thiêng: Ngài ngồi trong biển lửa mà gương mặt thanh thản, tự tại, an nhiên, thế ngồi rất thẳng như vào thiền định chính là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm giữa cõi đời đảo điên, thống khổ. Trong không gian, thời gian bất tận, lời ca ngợi Ngài vẫn mãi hoài vang vọng:
“Chỗ người ngồi: Một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ bi“ (Vũ Hoàng Chương).
Nam mô Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng
Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cúng dường Vía Bồ Tát Quán Thế Âm Xuất Gia,
19 tháng 9 năm Giáp Thìn (2024)
Tỳ kheo Thích Thông Đạo cẩn bạch