Nhân ngày Lễ Vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
thử tìm hiểu Địa Ngục có thật hay không ? Và Diêm Vương là ai?
Địa ngục là một khái niệm thuộc thế giới quan, nhằm mục đích trừng ác, răn dè hành vi của con người trong thế giới thực tại.
Quan niệm về địa ngục được hình thành trên cơ sở thuyết luân hồi, luật nhân quả, thuyết báo ứng. Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ các dịch phẩm, khoa nghi, thơ phú, cho đến nghệ thuật tôn giáo, hội họa, bích họa, điêu khắc, phù điêu, đồ họa. Sự ảnh hưởng của kinh tạng Bắc truyền và nền nghệ thuật Phật giáo Đông Á là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy.
Từ triều đại Lê Thánh Tông (1442-1496) có bài “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, trong có đề cập đến thiên đường, địa ngục, Phong Đô, cảnh đói khát dưới chốn âm ty. Bài này dùng để răn dè 10 loại người gồm: thiền tăng, đạo sĩ, quan lại, Nho sĩ, thầy địa lý, thầy thuốc, tướng quân, hoa nương, thương nhân, đãng tử.
Như vậy có thể hiểu được rằng dẫn có những tham khảo nhất định về địa ngục của Phật giáo. Bài này là để cúng xá tội vong linh thuộc khoa Mông sơn thí thực, nó cho thấy triều đình Lê sơ có thể đã lập các đàn tế cúng cô hồn.
Đây là một biểu hiện của giao thoa Phật giáo trong xã hội Nho giáo. Nhưng quá trình giáo hoá có chút thay đổi vì Đạo giáo cho rằng, các Minh Vương vốn tiền thân là các vị Thiên Tôn, sau đó tư tưởng này lại được bổ sung vào kinh điển Phật giáo. Diêm Vương (Diêm La vương) vốn là thần Dạ Ma (Yama, tử thần, thần chết, chúa cõi u minh) thời Phệ Đà của Ấn Độ,
Đặc biệt sau được tiếp thu vào Phật giáo, khi truyền vào Trung Quốc thì đã hòa kết với Đạo giáo mà hình thành nên Diêm La thập điện.
Trong nghệ thuật hội họa, tranh vẽ dân gian người Việt và tranh tín ngưỡng của một số dân tộc phía Bắc đều có vẽ Thập Điện Diêm Vương. Các loại tranh này được vẽ bằng màu trên giấy.
Nhìn lại cả Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận là có địa ngục sau khi người ta qua đời, và Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới ở cõi dục mà con người sẽ thác sinh vào.
Kinh Trường A hàm còn nói rõ vị trí Địa ngục nằm giữa núi Đại Kim cương thứ nhất và núi Đại Kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc.
Luận lập thế A Tỳ Đàm chỉ rõ địa ngục ở ngoài núi Thiết Vĩ, đại địa ngục thì ở phía Nam thiệm Bộ châu.
Luận Đại tỳ bà sa nêu rõ, có Cô địa ngục và Biên địa ngục nằm ở khắp nơi,
Những thập niên gần đây trong bài thơ Khai hồng chung của Hòa thượng Thích Trí Quảng có nói đến “Địa ngục A tỳ thăm thẳm sâu”… Và những chúng sinh trong địa ngục đều có hình tướng xấu xí, kỳ dị, tâm thức luôn bị đau khổ bởi sự hành hạ, luôn đói khát và sợ hãi.
Trong thi đàn Phật Giáo có rất nhiều tác giả đã thi ca hoá 18 tầng địa ngục , nhưng người viết không hiểu vì sao bản thân chưa bao giờ dám nhìn kỹ những bức tranh Thập Điện Diêm Vương hoặc những đoạn mô tả về cảnh địa ngục như trong kinh Chánh Pháp mà chỉ thú vị khi đọc bài thơ vui vui như sau:
Cảnh Địa Ngục (Huy Cận)
Nhớ những trưa hè tuổi bé thơ
Trốn cha, theo bạn rủ lên chùa
Trèo nhăm quả muỗm chua chua lét
Phượng thắm ve sầu, nhịp mõ khua.
Rồi kéo nhau vào trong hậu tự
Xem thôi địa ngục lại thiên đàng,
Thiên đàng cao quá không nhìn rõ,
Địa ngục phơi bày thật thảm thương.
Nhớ mãi đầu bươu thằng quỉ sứ
Mắt thòi ra nửa, lưỡi cong liềm
Tay cầm chày giã đàn bà chửa
Thai phọt ra ngoài đọng máu đen.
Lại có những người bị lửa thiêu
Những đầu nhúng vạc cháy xèo xèo
Những thân cưa dọc như cưa gỗ
Cưa cả mắt nhìn, cả miệng kêu.
Bọn tôi nhìn kĩ mới hay rằng
Họ giống bà con trong xóm làng
Cũng áo quần nâu, gầy guộc mặt
ở đây không thấy kẻ giàu sang.
Tôi sợ nhưng mà sợ ít thôi
Không bằng cái sợ của bà tôi
Đi qua địa ngục bà run gậy
Đâu đó dường như đã thấy rồi…
Trưa hè mây vắng nắng chang chang
Lại gió Lào hun nóng tựa rang
Mà bạn cùng tôi bên địa ngục
Lạnh chân, lạnh ẩm cả thiên đàng.
Nhớ lại trưa hè tuổi bé thơ
Về thăm bạn cũ rủ lên chùa
Tuổi thơ cây muỗm còn y đó.
Địa ngục thiên đàng đã khác xưa.
( 1962)
Hoặc của tác giả có tên là Chàng gió Cô Đơn
Em có sợ không?
Con đường em đi qua kiếp sống
Nếu không phải thiên đường, mà chỉ là địa ngục
Chẳng có chân trời với ánh hào quang
Em có sợ không?
Khi mà em tự tin mình đứng đắn, đàng hoàng
Chưa một lần làm điều gì nên tội lỗi
Địa ngục vẫn mở ra
Em có sợ không?
Khi biết rằng địa ngục ở quanh ta
Con đường em đi dù thế nào cũng tới
Chẳng cần em phải ngập trong tội lỗi
Địa ngục mở ra thiện ác vốn chẳng cần
Địa ngục là khi em chỉ có một mình
Dẫu xung quanh cả triệu người có mặt
Địa ngục là cô đơn, là hoài nghi, lạnh nhạt
Là khi em chán nản, buông lơi
Địa ngục mở ra giữa rộn rã tiếng cười
Ngay cả khi em nghĩ mình chính là người hạnh phúc
Em mải tin yêu, em không thấy được
Địa ngục mở ra sau những dối lừa
Địa ngục là khi dù em đã đi rất xa
Nhưng đằng sau không có dấu chân nào để lại
Là khi em bước hoài, bước mãi
Mệt mỏi rã rời nhưng chẳng chốn dừng chân
Địa ngục là khi em cứ mãi phân vân
Những câu hỏi đúng sai, những ngã đường lựa chọn
Em bước đi sai hay em làm không được
Địa ngục đôi khi mở sẵn đợi em rồi
Có trăm ngàn cái địa ngục giữa đời
Em bước vô bước ra nhiều khi không biết
Em đừng nghĩ địa ngục chỉ là khi em đã chết
Mà quên đi những địa ngục kiếp này
Em có nghĩ đến không?
Khi em vẫn sống mỗi ngày
Và bước vào biết bao nhiêu địa ngục
Nếu tất cả chúng vẫn không thể làm em ngã gục
Thì em sẽ là ai?
Để rồi lại tản mạn lang thang những điều đã sưu tầm về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát nhân ngày vía của Ngài 30tháng bảy âm lịch năm nay rơi vào 6/9/2021 .
Các bạn thân mến ,
Hiện nay một số người vẫn phủ nhận vị Bồ-tát hiện đang hành sự ở cõi U-minh, cứu-độ vong linh thọ tội dù từ đầu thế kỷ thứ VIII, nhân gian truyền nhau rằng: Bồ tát Địa Tạng thị hiện thành Thái tử Triều Tiên tục danh Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), xuất gia tu Phật, rồi vân du sang Trung Quốc, tại núi Cửu Hoa, hóa hiện thần lực nhiếp độ quần sanh.
Và từ đó về sau, Cửu Hoa Sơn trở thành đạo tràng của Bồ tát Địa Tạng. Từ khi Bồ tát Địa Tạng ứng hiện tại Cửu Hoa Sơn, niềm tin về sự cứu độ của Ngài trong lòng Phật tử ngày càng sâu rộng. Khách từ phương xa hành hương đến, chiêm bái và cầu nguyện tại Cửu Hoa Sơn ngày càng đông vì tại đây đang thờ nhục thân xá lợi của Ngài Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), sanh vào thế kỷ thứ VII, năm 696 TL, tại nước Tân La (Silla), hiện nay là Hán Thành, thuộc Nam Hàn.
Tương truyền Sau khi Viên tịch, nhục thân của ngài được đặt trong một động đá. Ba năm sau, Tăng chúng mở động ra, thấy nhục thân vẫn còn nguyên vẹn, tướng mạo giống hệt như lúc sanh tiền.
Đại chúng đem nhục thân đến Bảo tháp trên ngọn Thần Quang Lãnh. Dọc đường, nghe văng vẳng như có tiếng tích trượng vàng khua động theo nhịp chân của mọi người. Kinh dạy: “Bồ tát bị nạn, hình hài vang động ”. Đây là một dữ kiện chân chánh, không chút hoài nghi, chứng minh sự ứng hóa của ngài Bồ Tát Địa Tạng.
Hơn nữa, nếu như cung kính lễ bái nhục thân của ngài Kim Địa Tạng, thì sẽ được lợi ích giống như Kinh Địa Tạng đã nói.
Từ đó đến nay trải qua hàng thiên niên kỷ, Phật tử và mọi người khắp nơi trên thế giới đều không ngại gian lao, đều phát tâm đến Thánh tích Cửu Hoa Sơn, Trung Quốc để cùng chiêm bái nhục thân của ngài Địa Tạng Bồ Tát.
Sau đó từ Trung Quốc, Phật giáo truyền đến Triều Tiên. Qua ngõ Triều Tiên, Phật giáo truyền vào Nhật Bản đầu thế kỷ thứ VI TL. Trước khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản, người dân nơi đây phần lớn tin theo Thần đạo. Họ tôn thờ nhiều vị thần linh.
Khi Phật giáo du nhập và phát triển, dân chúng Nhật Bản đã lưu truyền nhiều câu chuyện về Bồ tát Địa Tạng như là hiện thân của vị Bồ tát chăm lo và cứu giúp những người bất hạnh và khổ đau. Họ tin rằng, Ngài luôn bảo hộ những lữ khách đi đường, phụ nữ có thai, người lính cứu hỏa… đặc biệt trẻ em bất hạnh.
Trở về Sự và Lý của cảnh giới Địa Ngục ta đã từng học giáo pháp . Khi Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới luôn bao gồm “Lý” và “Sự” rất rõ ràng, như đứng trên lập trường Duyên khởi thì, địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là không (vì nó duyên sinh, vô ngã); hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” thì Cực lạc hay địa ngục là tùy theo trạng thái tâm mình hạnh phúc hay đau khổ – nhưng điều ấy chỉ đúng về mặt “Lý”, trong quan niệm về cảnh giới mà thôi. Nếu thiên về “Lý” mà bỏ quên “Sự” sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự (tức những việc làm, hành động cụ thể) phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước…
Do vậy, nếu thành tựu tuệ giác Bát Nhã như Phật hoặc các Thánh Tăng, La Hán thì vạn pháp đều không; còn đối với chúng sinh, phàm nhân do nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều có mà địa ngục là một cõi sống cụ thể.
Riêng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện ( hiện nay được đọc tụng ) do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi, tức là từng trời thứ hai trong sáu từng trời của cõi Dục giới nơi mà Thánh Ma Gia, thân mẫu của Đức Phật đã thác sanh về đây sau khi hạ sanh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, vì cảm ơn đức sanh thành, Đức Phật đã diễn nói kinh Địa Tạng tại pháp hội ở cung trời này. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sanh thành, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.
Đây là một pháp hội vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện đông đủ của chư Phật khắp mười phương thế giới, chư Đại Bồ Tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền… cùng các chúng Trời, Rồng, Quỉ, Thần khắp các cõi. Diễn nói kinh Địa Tạng trong pháp hội này vì thế mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Là bậc Cha lành trong bốn cõi, không một việc làm nào dù nhỏ hay lớn mà Đức Thế tôn lại không nghĩ đến lợi lạc của tất cả pháp giới chúng sanh. Trong pháp hội này Ngài vì thân mẫu mà thuyết pháp nhưng động cơ chính vẫn là lòng từ bi lân mẫn đối với chúng sanh ở cõi ta bà, đặc biệt đối với những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa mà Ngài biết chắc chắn là sẽ “bị đọa vào đường dữ chịu nhiều sự thống khổ”, vì thế trong pháp hội này Ngài đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng nhiệm vụ “gắng độ chúng sanh trong cõi Ta bà đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều đặng giải thoát, khỏi hẵn các điều khổ, gặp Phật, được Đức Phật thọ ký”. (Quyển Thượng – Phẩm Thứ Hai: Phân Thân Tập Hội).
Như vậy nội dung chính yếu của Kinh Địa Tạng xoay quanh chữ Hiếu, nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã qúa vãng, cũng như nêu bật những tội phúc quả báo ở kiếp sống bên kia để người Phật tử nương theo kinh này cùng dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Bồ Tát Địa Tạng để tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sanh đã quá vãng khỏi rơi vào con đường ác.
Bồ Tát Địa Tạng là nhân vật như thế nào mà lại được Đức Phật giao phó một trọng trách lớn lao và khó khăn như thế?
Bồ Tát Địa Tạng là một vị Đại Bồ Tát thường được nhắc nhở đến trong rất nhiều kinh điển Đại thừa vì công năng, oai lực của vị Bồ Tát này vô cùng lớn lao. Nếu chúng ta tôn xưng Đức Từ Phụ là Ta Bà Giáo chủ thì Bồ Tát Địa Tạng cũng đã được tôn xưng như là vị U Minh Giáo Chủ, tức là người tiếp trợ, giúp đỡ các chúng sanh ở thế giới bên kia, tức là cõi âm.
Ngài là nơi nương tựa, nguồn an ủi của những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa đến những linh hồn vì ác nghiệp bị giam giữ và trừng phạt tận các tầng địa ngục.
Tên gọi của Ngài cũng đã mang một ý nghĩa như thế. Địa là đất cũng có nghĩa là dày chắc, Tạng là cất giấu, chứa đủ. Danh hiệu của Ngài hàm ý rằng Ngài là đại địa bao la, nơi ẩn chứa những kho tàng qúy giá, tức thiện căn. Địa Tạng vì thế như là hình ảnh của một người mẹ thiên nhiên ôm ấp, bảo bọc, che chở tất cả muôn loài không phân biệt. Chẳng thế mà Đức Thế Tôn đã lên tiếng tán dương: “Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn.”
Nhưng theo Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền thì Địa Tạng Vương Bồ Tát lại có mật nghĩa hàm chứa như sau
Chơn Tâm hay Như-Lai Tạng-tâm, đủ cá Tánh-thể, Tánh-cụ và Tánh-dụng.
Tánh-thể là Bổn tôn, nên "Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng, thập phương Bồ tát cộng quy y". Về Tánh-cụ (có sẵn) thì "kiên, hậu, quảng hàm tàng, từ nhơn, tích thiện, thệ cứu chúng sanh" sẵn đủ cả Đại-nguyện (grande volonté), Đại-hạnh (grande activité), Đại-thệ (grande détermination).
vậy Kinh chia ra ba phần hay ba quyển: Địa-tạng bổn nguyện, Địa-tạng bổn hạnh, Địa-tạng bổn thệ. Rốt hết là Tánh-dụng. Hai Tánh trước đã lớn lao và đầu đủ vô cùng thì cái Dụng của Chơn Tâm cũng vô cùng, do đó mà chúng-sanh trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nếu biết quy-y Tâm thì được ra khỏi địa-ngục vô-minh, tức là được cứu độ như Kinh nói.
Đạo-hữu Chánh-Trí giảng đúng với giáo nghĩa của Đại-thừa. Theo lý tuyệt-đối (đệ-nhất nghĩa đế), ngoài Tâm không pháp, cho nên sự sự đếu là Tâm, vật vật đếu là Tâm. Tâm tác Thiên đường, Tâm tạo địa ngục, ba cõi chỉ đều do Tâm, mười cõi chỉ đều do Tâm, tất cả đều do Một Tâm (duy Nhứt Tâm), không gì ngoài Nó. Cho nên, có chúng sanh thọ khổ địa-ngục nơi Tự Tâm (en Soi), thì Địa-Tạng Bồ-tát cũng cứu độ trong Tự Tâm. Ngoài Tâm, không có địa ngục, chúng sanh nào khác; ngoài Tâm, không có Địa-Tạng phá ngục dẫn vong nào khác. Đây là cái lý bí ẩn của kinh Đại-thừa mà chúng ta cần khám phá và khai thác để tự lợi, lợi tha. Dùng Bồ-tát Tự-Tánh mà cứu độ chúng sanh của Tự Tâm, lửa đó, nước đó, thật là muôn phần linh tiệp và diệu dụng.
Lại nửa, nếu tự hay nơi mình có Chơn Tâm linh minh sáng suốt làm quan Tòa, thường ngồi tại bàn án, chiếu gương soi nghiệp, xét nét vô tư những điều ẩn khuất nơi cõi lòng, thì chắc chắn đời người sẽ có sự hoán cải, dứt ác làm lành, đổi đen ra trắng.
Dù rằng, từ trước đến đây, diễn-giả đã dẫn kinh để chứng tỏ rằng Địa-Tạng chỉ là một lối tượng trưng để chỉ Chơn Tâm, trong hàng thính- giả hình như còn có người chưa tin. Đạo-hữu Chánh-Trí nói thêm: "Tìm hiểu Địa-Tạng Bồ-tát có thật hay không, không quan hệ bằng tìm biết kinh Địa-Tạng có ích gì cho chúng ta trong việc tu hành."
Có nghĩa là nếu đọc tụng Kinh Địa Tạng sao cho được thấm nhuần sâu vào tiềm thức thì tự tâm ta sẽ hiểu được cặn kẽ ý nghĩa của bài kinh, Kinh Địa Tạng sẽ khiến trí tuệ ta ngày càng sáng suốt, tam độc tham, sân, si ngày càng thưa mỏng.
Nghiệp chướng ngày càng tiêu trừ, những vọng tưởng điên đảo ngày càng giảm thiểu. Lúc ấy, Ngài Bồ Tát Địa Tạng sẽ xuất hiện, cửa địa ngục tham, sân, si sẽ bị phá, cứu vớt chúng ta và tất cả muôn loài chúng sinh khỏi địa ngục.
( trích đoạn trong tạp chí Từ Quang số 70, tháng 11 năm 1957)
Lời kết
Kính mừng lễ Vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Sau rằm Vu Lan chuẩn bị khai kinh Địa Tạng rồi
Đại địch năm này mọi dự định ...phải ngừng thôi
Phong tỏa dài hạn, theo lệnh ban hành ....
Ba mươi tháng bảy mà Chùa không cho phép viếng !
Tìm hiểu kinh sách tự an ủi ...
.........................Địa Ngục chỉ là khái niệm
Thuộc về thế giới quan chỉ trừng phạt tạo tác ác ...hành vi
Quá trình nghiệp quả ....đến bất khả tư nghì
Nội quán được Địa Ngục là hành trình đến cõi Phật !
Thật tánh địa ngục vốn là Không ... cần hiểu như thật
Cửa sẽ bị phá tan khi diệt vọng tưởng khởi mầm
Lắng nghe được tiếng lòng vang vọng thẳm từ Tâm
An nhiên tìm thấy thiên đường ...vui an lạc !
*Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
( thơ Huệ Hương )
Như vây Địa tạng chính là cái cực tôn cực quý trong con người, đủ năng lực phá vỡ vô minh trực tiếp cứu vớt con người ra khỏi cảnh ngục thất tối đen dậy kín ( đại thiết vi) để thoát khỏi vòng khổ đau và dẫn con người trở về cái điện thờ của cái cực tôn cực quỹ chính là Chơn Tâm mình đó
Địa ngục là huyễn mộng vì Ngã huyễn mộng, thật tánh địa ngục là không, liễu ngộ thật nghĩa Địa ngục là liễu ngộ Niết Bàn. Thâm quán Địa ngục là bắt đầu hành trình về cõi Phật, là hành thâm Bát nhã Ba la mật, chính là nội quán.
Niết Bàn vô tướng, nên Địa ngục vô tướng.
Niết Bàn không xứ sở, nên Địa ngục không xứ sở.
Lại nữa, vì sao khi ta niệm Địa ngục, Địa ngục hiện tiền. Khi ta niệm Niết Bàn, Niết bàn lại không hiện hữu? vì niệm chính là Ngã.
Vô niệm là nơi niệm mà không trụ cũng không lìa là vô ngã.
Diệt Ngã là diệt mọi ý niệm về Ngã, phi Ngã, diệt cả ý niệm diệt.
Ngã diệt tận, địa ngục liền diệt tận. Đó là đại định. Không phải tâm phân biệt thiện ác mà là tâm vượt qua, là tâm chí thiện nơi con, thể nhập vào đại dương mênh mông đồng nhất thể, bình đẳng với chư Phật, cũng là chư Phật tận độ chúng sanh.
Khi ấy, dù ta sống nơi Địa ngục, tâm thường lìa Địa ngục. Hiện tướng hoà cùng muôn khổ lụy của chúng sanh.
Tâm thường lìa phiền não, vì ta không còn có ý lựa chọn cho mình một định nghiệp, nên không một định nghiệp nào trói buộc được ta Tâm thường lìa Địa ngục, không trụ Niết bàn, tâm vô trụ là Đại Bát Niết Bàn.
Thế nên người học Đạo hãy thâm quán Địa ngục–Quán đến bao giờ không còn thấy Địa ngục, không còn người quán, không còn thấy quán và không quán, khi ấy Địa ngục trong ta hoá hiện Niết bàn, khi ấy khổ đau không bến bờ hạn lượng của chúng sanh nơi ta hoá thành công đức vô lượng vô biên, được chư Phật 10 phương đồng khen ngợi. Chính là đại nguyện của ta đã thành tựu vậy.
Tâm không vạn sự đều không
Tâm chơn vạn Pháp cũng đồng qui chơn!
Riêng người viết đã đọc được kinh điển Phật giáo cho biết là địa ngục không phải là nơi có các quỷ sứ hiện diện để moi tim, móc ruột, chặt tay, cưa chân hay thả tội hồn vào vạt dầu…Mà Địa Ngục chỉ là nơi tối tăm mà con người khi chết phải vào đó để thọ lãnh những đau khổ mà họ đã tạo tác trong khi còn sinh tiền.
Đó là thái cực của "tâm thức" - là thái cực của (trạng thái).
Địa Ngục khi này sẽ xuất hiện ngay trong đời sống của họ, hằng đêm và hằng giờ. Nó là sự thiêu đốt tâm tà ác trước ánh sáng của thiện lành, của đạo đức, và của Chính Pháp! Trạng thái của Địa Ngục này không phụ thuộc không gian, thời gian, không phụ thuộc vào sanh mạng (sống hay chết), mà chỉ phụ thuộc vào hành động tạo tác!
Khi họ làm điều ác, ngay đêm đó đã thấy được Địa Ngục hiển hiện, khi họ khởi tâm tà, ngay lúc đó Địa Ngục đã mở cửa dẫn lối! Đó là Địa Ngục thống khổ nhất đối với kẻ ác.
Tuy nhiên trong cõi thế gian này Đức Thích Ca Mâu Ni qua kinh Địa Tạng Bản Nguyện đã cho chúng ta biết nếu ai nghe được danh hiệu bồ tát Địa Tạng rồi chí tâm quy y, cúng dường, chiêm ngưỡng, tô vẽ hình tượng, đảnh lễ bồ tát thì. Công Năng, Oai Lực của đức Địa Tạng bao trùm khắp Tam Giới, không thể nghĩ bàn và sẽ được các lợi ích sau đây:
Lợi ích trong cuộc sống hiện tại:
- Những nguyện lớn mau chóng thành tựu.
- Được trí huệ lớn.
- Tiêu Trừ Tai Nạn.
- Thoát Khỏi Hiểm Nguy.
- Tiêu Trừ Tội Chướng, Bệnh Tật.
- Được quỷ thần hộ vệ.
Lợi Ích cho kiếp sau
- Thoát Khỏi Thân Nữ.
- Được Thân Xinh Đẹp.
- Thoát Kiếp Nô Lệ.
Lợi ích lúc lâm chung:
- Khi người thân sắp mất, chúng ta có thể niệm danh hiệu bồ tát hoặc tụng kinh Địa Tạng, làm nhiều việc thiện cho người đó.
- Trong giai đoạn 49 ngày sau khi mất, việc Tụng Kinh Địa Tạng cho vong linh quá cố có thể giúp họ được siêu thoát.
Lợi ích với người đã quá vãng
- Siêu Độ vong linh: trong giấc ngủ nếu gặp ma quỷ, người lạ, các sự quái ác... chúng ta có thể chí tâm tụng kinh Địa Tạng.
- Siêu độ, gặp lại người thân quá vãng
Hy vọng những điều sưu tầm trên sẽ giải đáp được những câu hỏi hoài nghi về cảnh giới Địa Ngục và cũng giúp người xem khuây khỏa bớt nhàm chán trong những ngày phong tỏa do đại dịch .
Nguyện cầu cho Corona đại dịch sớm tận trừ, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc và năm sau vào ngày 30 tháng bảy âm lịch chúng ta sẽ làm lễ vía Đức Địa Tạng Vương Bồ tát trang trọng .
Huệ Hương
Melbourne 5 /9/2021