Nhân ngày Lễ Vía Đức Địa Tạng Bồ Tát (29/7 âm lịch Nhâm Dần- PL2566 nhằm ngày 26/8/2022) kính mời xem lại ý nghĩa Kinh Địa Tạng và những lợi ích khi hành trì.
Kính ngưỡng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Trong suốt mùa Vu Lan báo Hiếu, theo quý Thầy, quý Phật tử trong Tu Viện Quảng Đức thỉnh chuông con đã thuộc lòng những câu kệ khởi thỉnh như sau:
NAM MÔ THIẾT VI SƠN ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
NAM MÔ U MINH GIÁO CHỦ, CỨU KHỔ BỔN TÔN, CỨU BẠT MINH ĐỒ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.
NAM MÔ SIÊU LẠC ĐỘ BỒ TÁT MA HA TÁT.
NAM MÔ SIÊU THẬP ĐỊA BỒ TÁT MA HA TÁT.
Hồng chung khởi thỉnh tiếng ban đầu
Bảo kệ ngâm cao thoát nhiệm mầu
Trên thấu thiên đường vui an lạc
Dưới thông địa ngục diệt khổ đau
Hồng chung khởi thỉnh lần thứ hai
Bảo kệ ngâm cao giọng ngân dài
Trên thấu thiên đường trời niệm Phật
Dưới thông địa ngục, ngục tiêu tai.
Bát bát chung thinh hướng Phật tiền
Thượng thông hạ triệt lạc vô biên
Lục đạo chúng sanh mong thoát khổ
Cửu u thập loại xuất khanh nhiên
THIỀN MÔN HƯNG THỊNH PHẬT PHÁP TRƯỜNG HƯNG
THỔ ĐỊA LONG THẦN AN TĂNG HỘ PHÁP
Gần đây không hiểu do nguyên nhân gì khiến con thích chuyên sâu vào những lời chú giải về kinh Địa Tạng nào là của Cụ Mai thọ Truyền với “Mật Nghĩa Kinh Địa Tạng”, và nhất là những lời dịch của nhóm cư sĩ của Truyenfun.net cho các bài giảng của đại lão HT Tịnh Không.
Mở đầu có đoạn:
Bồ Tát Địa Tạng được sự phó chúc của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài hứa khả dẫn dắt các chúng sanh trong thời mạt Pháp. Chúng ta được biết Địa Tạng Bồ Tát đã phát đại nguyện “Địa Ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề” nghĩa là nếu chưa độ hết chúng sanh thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, nếu sự thọ khổ trong Địa Ngục vẫn còn, Ngài thề không thành Phật.”
Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi Ngài Địa Tạng Bồ Tát là từ bi không thể nghĩ bàn, trí tuệ không thể nghĩ bàn, sức thần thông không thể nghĩ bàn… thế mới biết Ngài tạo lập bao nhiêu phương tiện để độ chúng sanh.
Chúng con tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã nhiều, lại nghe về công hạnh của Ngài cũng nhiều, nhưng đó đều là một phần rất nhỏ trong vô lượng phần mà chúng con biết.
Phật nói vô lượng chư Phật có diễn nói về công hạnh của Ngài Địa Tạng Bồ Tát trong vô lượng kiếp cũng không thể hết được; nay chúng con tự nhủ rằng với phước lành của mình được nghe danh hiệu của Ngài, được học về Ngài và thực hành theo Ngài hẳn đó cũng là một túc duyên hoặc có được thiện căn tạm gọi là sâu dày chút chút.
Lại thêm trên Viber của trangnhaquangduc. có đăng tải bài thơ thứ ba mươi của TT Thích Đồng Bổn-bút-danh-chiêu-đề thôi-kệ-tát-ba-ha-như sau:
Địa Tạng Bồ tát phóng hào quang
Từ trời Đao Lợi xuống nhân gian
Độ hết sanh linh trong ngục tối
Mới nên quả Phật, nguyện khó bàn.
ĐỊA rộng mênh mông và chắc thật
Dày sâu nâng đỡ vạn sanh linh
TẠNG dung chứa hết vô bờ bến
Bao phen nguyện độ tận hữu tình.
Hơn thế nữa, trong chương trình của Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Tổ Sư Về Nguồn Kỳ 12 được tổ chức tại Tu viện Quảng Đức, chúng con lại thấy có ba ngày thọ trì đọc tụng Kinh Địa Tạng từ 9/10/2022 đến 11/10/2022 nên tự nhiên trong con có một chút gì quan tâm và hiểu rằng đây là một bộ kinh rất quan trọng dù rằng nhiều giảng sư thuộc các hệ phái khác vẫn cho rằng kinh địa tạng là mê tín, ngụy tạo.
Từ nhiều năm nay từ lúc phụ thân con mất và một nửa kia ra đi và gần đây nhất từ mẫu cũng khuất núi ...con vẫn tin rằng: Niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ được công đức vô lượng vô biên. Phàm chúng sanh bất cứ khổ nạn gì, chỉ cần chí tâm niệm: Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát. Sẽ được Ngài theo nguyện lực mà âm thầm gia bị cho khỏi khổ được an.
Con đã học và ghi chép Kinh Kim Cang Tam Muội, phẩm Tổng Trì thứ tám, theo đó với những lời giảng rộng cho đại chúng nghe về công đức trì kinh và niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát và kính xin được trình lại rằng:
Vào thế kỷ thứ 7 của triều đại nhà Đường, Kinh Địa Tạng Bồ Tát đã được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc nhờ vào Đại sư Tam Tạng. Người cũng là vị Đại sư đã phiên dịch cho cuốn Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Lăng Già được lưu truyền trong Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ.
Kinh Địa Tạng Bồ Tát đó chính là một bộ hiếu kinh trong Đạo Phật và bao gồm có 13 tác phẩm. Bộ kinh này mang tới nhiều lời dạy của Đức Phật và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc nói về công đức của vị Bồ Tát Địa Tạng, một vị Bồ Tát chuyên cứu độ cho chúng sinh ở trong địa ngục và những trẻ con yếu ớt, chết yểu…
Cuốn kinh này được bắt nguồn bởi lòng hiếu thảo của Địa Tạng Vương với đấng sinh thành.
Nội dung của cuốn Kinh chủ yếu viết về chữ hiếu và bổn phận của những người đang còn sống với người đã mất. Đồng thời Kinh Địa Tạng cũng nói lên nhiều tội phúc quả báo ở kiếp sống bên kia để cho người Phật tử có thể nương theo kinh này và dựa vào những sự oai lực độ trì để độ thoát cho bản thân cũng như người thân và toàn bộ chúng sanh đã quá vãng tránh được tình trạng phải rơi vào con đường ác.
Thường lui tới các tự viện thuộc hệ phái Tịnh độ, được thấy trên chánh điện thường an vị Đức Phật Thích Ca chính giữa, bên tay phải là Bồ Tát Quan Thế Âm và bên trái là Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Con tự nhủ thầm “phải chăng khi nhìn thấy tượng Ngải, hành giả liền nghĩ đến mình phải hiếu thuận cha mẹ, nhắc nhở tôn sư trọng đạo”.
Nào kính mời cùng nghe kinh Địa Tạng Bồ Tát vì tư tưởng của Kinh Địa Tạng Bồ Tát được gói gọn trong 8 chữ đó là “ Hiếu Đạo, Độ Sanh, Bạt Khổ, Báo Ân”. Với 8 chữ này đều mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cụ thể như:
● Hiếu Đạo: Ở đây muốn nói tới đạo lý và sự hiếu thảo đối với cha mẹ của con cái. Chữ Hiếu giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với một gia đình. Bởi chỉ cần có chữ Hiếu thì cả gia đình sẽ được bình an. Bộ Kinh muốn chỉ rằng nếu bạn hiếu thảo đối với cha mẹ mình thì sau này con cái cũng sẽ hiếu thảo lại với bạn. Còn nếu bạn bất hiếu với cha mẹ của mình thì sau này con cái cũng sẽ bất hiếu lại với bạn.
● Độ sinh: Ở đây ý chỉ là độ chúng sinh, độ tất cả 12 loài chúng sinh. Độ Sinh sẽ giúp giáo hóa chúng sinh khiến cho tất cả sẽ phát tâm Bồ Đề và sớm tu thành Phật quả.
● Bạt Khổ: Đây là tư tưởng muốn dạy chúng ta bạt trừ đi mọi khổ não ở trần tục.
● Báo Ân: Đó chính là phải báo đáp công ơn dưỡng dục và sinh thành của cha mẹ và cửu huyền thất tổ
Ngoài ra Kinh Địa Tạng Bồ Tát được trình bày với hình thức là cuộc đối thoại giữa Đức Phật với Địa Tạng Vương Bồ Tát. Cuộc đối thoại này được diễn ra trên cõi Trời Đao Lợi thuộc vào đỉnh núi Meru.
Nội dung của bộ kinh bao gồm có các câu chuyện liên quan tới phương pháp mà Địa Tạng Vương sử dụng để giải thoát cho chúng sinh có thể thoát khỏi địa ngục và kèm theo đó là những chỉ dẫn có liên quan tới việc hồi hướng công đức dành cho những người đã mất hay người đang hấp hối.
Kinh Địa Tạng Bồ Tát mang nhiều ý nghĩa khác nhau dành cho nhiều đối tượng khi theo Đạo Phật. Chẳng hạn như:
● Bài Kinh có liên quan tới việc rời biển khổ và nhận ra được những điều hạnh phúc của Niết Bàn và thành tựu Phật quả mang lại.
● Bài Kinh có liên quan tới quy luật nhân quả và được mô tả dưới những hình ảnh hậu quả mà một người đã tạo ra cho chính bản thân mình khi thực hiện những hành động xấu.
● Bộ Kinh này còn nói đến lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo ở đây không chỉ là giữa bản thân con cái với cha mẹ mà nó còn là quy tắc nghĩa vụ hay là trách nhiệm chung đối với mọi chúng sanh.
Đi sâu vào chi tiết với lời niệm trong bài kệ khai kinh:
Nam mô U Minh Giáo Chủ hoằng nguyện độ sanh:
Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật.
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề.
Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát. (03 lần).
Như vậy tựa đề của Kinh Địa Tạng Bồ Tát đó chính là U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha tát. Trong đó Bổn có nghĩa là Bổn tâm, Tôn có nghĩa là Tôn quý, Địa có nghĩa là Tâm địa và Tạng có nghĩa là Như Lai Tạng.
Ý nghĩa của tựa đề này chính là: chỉ có bổn tâm mới là tôn quý nhất và đó là kho Như Lai Tạng tâm địa, chỉ có bổn tâm mới có thể làm chủ được cõi U Minh, làm chủ được cõi địa ngục tham, sân si của chính mình.
Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát cũng hàm chứa rằng: Nếu tất cả chúng sinh có thể dẹp bỏ được được những tham sân si nơi tự tâm và tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình để từ đó có thể dứt nghiệp từ nơi tự tâm và giải trừ đi những vô minh tăm tối cũng đến từ nơi tự tâm. Cuối cùng sẽ trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính bản thân mình.
Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.
Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm.
Vì một khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình. Chính vì vậy mà càng ngày càng đọc tụng nay con đã hiểu vì sao trong các lễ hiệp kỵ và trai đàn chẩn tế thường tụng kinh Địa Tạng.
Việc trì tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, có công đức vô lượng cho bản thân mà còn hồi hướng giúp cho các linh hồn dưới địa ngục hóa giải những nghiệp chướng giúp cha mẹ người thân, các linh hồn vất vưởng được nhanh chóng siêu thoát khỏi cõi U minh tối tăm.
Cũng xin cần nhắc lại một chút về tiền thân Địa Tạng Vương Bồ Tát – Ksitigarbha Bodhisattva. (Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi).
Do đại nguyện rằng: “Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật” nên Ngài phải phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy.
Và trong dân gian thường kính nhớ đến Ngài như một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục và trẻ con yểu tử.
Đó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt (sa. ūrṇā) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật. Địa Tạng hay cầm Như ý châu (sa. cintāmaṇi) và Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh của Bồ Tát trong Lục đạo (sáu đường tái sinh).
Tại Trung Quốc và các nước Đông nam Á, Địa Tạng được xem là một trong bốn vị Đại Bồ Tát (ba vị khác là Quán Thế Âm, Văn Thù và Phổ Hiền).
Trú xứ của Bồ Tát là Cửu Hoa Sơn và tương truyền rằng, Địa Tạng đã thật sự hiện thân tại đây vào đời Đường dưới dạng một hoàng tử xứ Triều Tiên. Sau khi chết, nhục thân của vị hoàng tử này không tan rữa và người ta đã xây dựng một ngôi tháp để thờ vị này, một bảo tháp mà ngày nay vẫn còn.
Cũng như trước đây vô lượng kiếp, Địa Tạng là một Bà-la-môn và đã thệ nguyện trước một vị Phật thời đó là sẽ quyết tâm tu luyện đạt Phật quả, nhưng sẽ khước từ Phật quả này khi chưa cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi Luân hồi.
Trong một tiền kiếp, Bồ Tát là một cô bé có một bà mẹ thường hay sát sinh để kiếm sống. Sau khi mẹ qua đời, cô bé này ngồi thiền mãi cho đến khi nghe một giọng nói, khuyên cô nên niệm danh đức Phật. Sau đó, cô nhập định, xuống ngay đến cửa địa ngục. Nơi đây, cô được cho biết rằng, chính vì công phu thiền định và niệm Phật mà cô đã cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Nhờ thần thông, Địa Tạng Bồ Tát có thể biến hóa thành nhiều dạng để cứu chúng sinh trong lục độ.
Trong một buổi lễ cầu siêu , thường là ngày thứ 100 sau khi chết, các thân nhân thường thắp hương làm lễ cầu nguyện cho vong linh được Bồ Tát hướng dẫn đến cõi Cực lạc của Phật A-di-đà (Amitābha). Sau đó, có khi một vị Tăng sẽ thuyết linh cho người chết trở về nghe chánh pháp. Lễ này được chấm dứt với sự niệm danh Phật A-di-đà và Bồ Tát Địa Tạng một lần nữa.
Ngoài ra trong Mật Tông Tây Tạng được biết “Việc thực hành tụng niệm thần chú Địa Tạng Vương đặc biệt có lợi cho những người có vấn đề về sức khoẻ nghiêm trọng, những vấn đề nặng nề, khó khăn về tài chính hoặc đang gặp nguy hiểm như thiên tai, động đất…” – Lama Zopa Rinpoche.
Tụng niệm thần chú này 108 lần mỗi ngày sẽ giúp hóa giải mọi khó khăn, đau khổ của một người. Thần chú cũng được dùng cho việc tiêu trừ nghiệp chướng và xóa bỏ những trở ngại trong việc thực hành các phương pháp bí truyền của Mật Tông Tây Tạng.
Có thể thấy thần lực chú Địa Tạng vô lượng vô biên. Vì câu thần chú giải nghiệp của Địa Tạng có một công hiệu vô cùng lớn.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết và trì niệm Thần chú Địa Tạng. Một lần được hành hương Nhật Bản chung với đạo tràng Quảng Đức do TT Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn, chúng tôi đã viếng ngôi chùa linh thiêng “ Địa Tạng không đầu” và cũng học được cách niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát thần chú... (um ha ha vĩ ma lê sóa ha ) (Án, Ha Ha Ha Vĩ Sa Ma Lý Ta Bà Ha) .Oṃ Ha Ha Ha Vismaye Svāhā – Om Ha Ha Ha Win Sam Mo Ti So Ha mà ngày nay trên YouTube đã có đến triệu người tụng.
Tuy nhiên con cũng nghiệm được rằng điều tiên quyết cần chú ý khi trì tụng bất kỳ một thần chú nào đó là sự thành tâm, hướng thiện, hướng về những điều tốt đẹp, ghi nhớ và học theo hạnh của Đức Phật.
Ở Việt Nam, kinh Địa Tạng thường được dùng cho việc cầu siêu, ma chay hay tuần thất (giai đoạn Thân trung ấm 49 ngày).
Hoặc khi mang thai, người mẹ thường tụng kinh Địa tạng để cầu an cho bé với mong muốn hóa giải ân oán kiếp trước, hồi hướng công đức cho đứa trẻ sắp ra đời. Riêng đối với những người mẹ vì một lý do gì đó đã phá thai. Các vị Pháp Sư thường khuyên người ấy nên thường xuyên tụng kinh Địa Tạng sám hối lỗi lầm phá thai, trước là sám hối tội lỗi và sau cố gắng hồi hướng, hóa giải oán thù của linh hồn nhỏ bé bị tước đoạt không thể ra đời.
Tại Nhật Bản, Địa Tạng Vương Bồ Tát được tôn kính như là người bảo vệ trẻ sơ sinh chết non, sẩy thai hoặc bị dị tật. Ngài là vị thần bảo hộ của du khách, người giám hộ của phụ nữ mang thai. Người hạn chế các thiên tai, kéo dài cuộc sống. Ngài xuất hiện dưới nhiều hình tướng để giảm bớt khổ đau cho người sống cũng như người chết.
Lời kết:
Kinh Địa Tạng nghĩa lý rất thâm sâu và vi diệu, đọc qua một hai lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được với những lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Đức Phật dạy để nghĩa thâm sâu của Kinh Địa Tạng càng được vang vọng đi khắp, đi sâu vào tâm thức của mình, làm cho sức mạnh tâm linh vững mạnh, cảm thấy niềm an lạc và tự tâm mình thấu hiểu được ý nghĩa của Kinh Địa Tạng.
Có như thế, trí tuệ ta ngày càng sáng suốt, tam độc tham, sân, si ngày càng thưa mỏng, nghiệp chướng ngày càng tiêu trừ, những vọng tưởng điên đảo ngày càng giảm thiểu.
Cụ Chánh Trí Mai thọ Truyền trong phẩm thứ sáu của kinh địa Tạng đã mật nghĩa Bồ Tát Phổ Quảng (muốn phổ biến sâu rộng) xin Phật đặt tên kinh và dạy phải lưu truyền thế nào?
Kính văn “Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng, kinh này gồm có ba tên: một là “ĐỊA TẠNG BỔN NGUYỆN” cũng gọi là “ĐỊA TẠNG BỔN HẠNH” đây là tên thứ hai, cũng gọi “ ĐỊA TẠNG BỔN THỆ LỰC” đây là tên thứ ba. Bởi từ nhiều kiếp xa xưa đến nay, Bồ Tát đã phát nguyện rộng lớn là làm lợi ích chúng sanh, vậy các ông nên theo nguyện ấy mà lưu truyền Kinh này.
Và Trong Địa Tạng mật nghĩa, đã giải thích thêm:
Đã nói Địa Tạng là Tâm, ai biết quay về với Tâm, cố nghe lời dạy bảo của Tâm, người ấy nhất định sẽ thu hoạch được những lợi ích về tinh thần lẫn vật chất.
Vậy thì muốn quay về Tâm thì thế nào?
1- Phải có ý chí cương quyết (Lòng tự nguyện với lòng): đó là nghĩa của ĐỊA TẠNG BỔN NGUYỆN.
2-Phải thực hành lời nguyện của mình ngay trong Tâm: đó là nghĩa của ĐỊA TẠNG BỔN HẠNH.
3- Nhưng nếu mình sợ nguyện và hành không đầy đủ kiên trì và cương quyết, cho nên mình phải tự mình thề với mình, thề một cách trân trọng và dõng mãnh để cho lời thề ấy trở thành một sức mạnh, một lực thúc đẩy mình mỗi khi mình giải đãi phóng dật. Đó là ĐỊA TẠNG BỔN THỆ.
Và để bắt đầu với câu niệm chí tâm quy mạng lễ “U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát kính xin các bạn cùng nghe lại lời giảng của HT Tịnh Không.
“Địa Tạng Bồ Tát trong vô lượng kiếp qua, dùng vô lượng vô biến hóa thân phóng quang thuyết pháp, phổ độ chúng sanh, thường trụ trong thế giới U Minh …
Ý nghĩa của U Minh pháp giới là dạy chúng ta phải hạ thấp tư thế, làm việc thiện chẳng cần phải để cho người ta biết, chẳng cần phải biểu dương, đây tức là U Minh pháp giới. Làm một cách âm thầm, hết lòng nỗ lực làm, xả bỏ hết thảy danh văn lợi dưỡng tức là ở trong U Minh pháp giới, thành tựu công đức chân thật của mình, niệm niệm đều làm lợi ích cho chúng sanh trong lục đạo.
Kinh này dạy chúng ta biết quan hệ của chúng ta với chư Phật Bồ Tát, quan hệ của chúng ta với lục đạo chúng sanh, phàm phu chúng ta thường tàn hại hết thảy chúng sanh. Những chúng sanh này cũng là phàm phu, cũng đều mê hoặc điên đảo. Mê hoặc điên đảo thì tâm báo phục sẽ chẳng tiêu mất, bạn làm tổn hại chúng nó, tâm oán hận của chúng nó sẽ vĩnh viễn ẩn chứa trong A Lại Da Thức, khi gặp cơ hội làm sao chúng nó không báo thù cho được! Sự báo thù này chính là tai nạn hiện nay trên thế giới, tai nạn to lớn!
HT Tịnh Không cũng cho rằng Bồ Tát, dùng tâm chân thành giúp đỡ cho họ phá mê khai ngộ, giúp họ lìa khổ được vui. Tâm như đại địa, hết thảy pháp và chúng sanh nương nhờ vào đó để trụ trì, sanh trưởng, đảm đương. Bởi vậy nên trong kinh nói: 'Tâm như đại địa, có thể an hết thảy'. Đây là dùng đại địa ví như Tâm, ví như Thức. Ngày nay chúng ta nhìn thấy đại địa, chân đạp trên mặt đất, phải biết hồi quang phản chiếu.
Địa là tâm địa của chúng ta, tâm địa bình đẳng, gánh vác chư pháp, gánh đội cho hết thảy chúng sanh. Người bạn ưa thích, thương mến cư trú trên mặt đất này, người bạn chán ghét, oán hận cũng cư trú trên mặt đất này, đại địa chẳng phân biệt thân, oán, chẳng có tốt, ác, chúng ta phải học bản tính này của đại địa.
Tâm địa của chúng ta vốn cũng giống như đại địa, hiện nay thì trong ấy khởi tâm động niệm, phân biệt tốt ác, phân biệt đẹp xấu, đó là sai lầm. Mặt đất chẳng phân biệt, nói cách khác, chân tâm chẳng phân biệt, vọng tâm còn phân biệt, vọng tâm là sai lầm.
Biết được vọng tâm đang phân biệt thì biết tâm chúng sanh; biết đại địa chẳng phân biệt, thì biết chân tâm. Thế nên lập luận của kinh này là chân tâm và vọng tâm. Đấy là nói về chữ 'Địa'.
--Chữ thứ hai là 'Tạng', Tạng nghĩa là chứa, hàm chứa, người thế gian chúng ta gọi là kho chứa, kho báu. Trân bảo của người thế gian đều phải cất giữ đàng hoàng, những của cải này có thể bảo đảm an toàn cho đời sống của họ. Nếu mất đi tiền tài, của báu, thì họ sẽ cảm thấy lo sợ, đời sống chẳng được bảo đảm, thế nên người thế gian ai cũng hy vọng cất dấu những trân bảo, tiền tài này. Phật dùng việc này để tỷ dụ, trong tự tánh chúng ta có kho báu, đó là 'Tam Đức Bí Tạng' trong chân tâm tự tánh của chúng ta.
1- 'Pháp thân' là chân thân, Tông Môn gọi là 'mặt mũi vốn sẵn có khi cha mẹ chưa sanh ra'. Bổn lai diện mục là Pháp thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng dơ chẳng sạch.
2-Thứ hai là Bát Nhã, Bát Nhã là trí huệ, trí huệ cứu cánh viên mãn trong tự tánh vốn sẵn có đầy đủ, chẳng phải đến từ bên ngoài. Vô lượng vô biên trí huệ, thế giới ấy, phương kia, quá khứ, vị lai không có gì chẳng biết, đó là 'sở tri' (những gì mình biết).
Sở tri hiện tại chẳng biết, chẳng biết thì trở thành chướng ngại. 'Sở tri' là vốn sẵn có, hiện nay có một cái 'chướng', che lấp 'Sở tri' của mình, đó gọi là 'sở tri chướng'. Dụng ý của tên gọi Sở tri chướng và Phiền não chướng khác nhau, phiền não chính là chướng ngại, sở tri chẳng phải chướng ngại, cái chướng gây chướng ngại cho 'Sở tri' gọi là sở tri chướng.
3-Tạng' là hàm chứa trong tự tánh. 'Giải thoát' chính là đại tự tại, tức là 'Sự sự vô ngại' nói trong Hoa Nghiêm, đều là vốn sẵn có trong tự tánh, vốn có sẵn đầy đủ. Đây là ý nghĩa của 'Tạng', đây gọi là 'Tam Đức', tam đức trong tự tánh.
Tại sao gọi là 'Bí Tạng'? Bí là giống như bí mật, phần đông phàm phu chẳng thể cảm giác, lục căn tiếp xúc chẳng đến; chẳng thể cảm giác thì hình như rất 'bí mật', cũng giống như chất chứa ở một chỗ nào đó, 'Tạng' chẳng bị người phát giác.
Nói cách khác tức là chúng sanh chẳng thể minh liễu, chẳng thể lý giải, nên được gọi là Bí Tạng. Trong tâm tánh đích thật bao gồm vô lượng vô biên hết thảy pháp, trong bổn tánh vốn sẵn có đầy đủ, dùng chẳng hết, đó là ý của 'Tạng'. Phật dùng cái này để thí dụ bảo tàng trong tâm địa chúng ta. Hàm tàng của đại địa so với hàm tàng của tâm địa thì chẳng ra gì cả, bảo tạng hàm chứa trong tâm tánh chúng ta là tận hư không, trọn khắp pháp giới, Phật pháp của hết thảy chư Phật, vô lượng thế giới của hết thảy chúng sanh đều hàm chứa ở trong ấy.
Chỉ cần bạn khai phá bảo tàng trong tâm địa, nói cho các bạn biết toàn bộ pháp thế gian, xuất thế gian đều thông đạt, hết thảy đều chẳng có chướng ngại.
Giáo học của Phật pháp là khai phá bảo tạng của tự tánh. Mà chỉ có một xứng tánh, mới có thể khai mở bảo tạng của tự tánh. Công cụ xứng tánh là gì? Đó chính là 'Hiếu' và 'Kính', cho nên 'Địa Tạng' xưng là Hiếu.
Trong Quán Kinh đức Phật giảng về Tam Phước, ba tịnh nghiệp này là 'Chánh nhân Tịnh Nghiệp của ba đời chư Phật'.
Phía sau còn hai chữ 'Bổn Nguyện'. Bổn là căn bổn, nghĩa ở đây là nói nguyện này của Ngài chẳng phải đời này mới phát. Chúng ta biết rằng hết thảy chúng sanh đều có đời quá khứ và cũng có đời vị lai, thế nên gọi là ba đời.
Địa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện này trong đời trước, trước quá khứ còn có quá khứ, quá khứ vô thỉ, vô thỉ kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện này, chúng ta gọi nguyện này là 'BổnNguyện'.
Thế nên nguyện này là có căn bổn, chẳng phải chỉ phát trong đời này mà thôi. 'Nguyện' là một thứ hy vọng, hy cầu; hy vọng, hy cầu này có thể được thỏa mãn thì gọi là Nguyện.
Nếu nói sâu thêm, Bổn chính là chân như bổn tánh, còn Nguyện là từ bản tánh phát sanh ra, đây mới là ý nghĩa chân chánh của 'Bổn Nguyện' trong pháp Đại Thừa.
Người chưa kiến tánh xây dựng tâm nguyện này từ trong Thức. Chúng ta nói có đời quá khứ, trong đời quá khứ còn đời quá khứ trước, nhiều đời nhiều kiếp đều phát nguyện này, đây là nói từ Thức Tâm; sau khi minh tâm kiến tánh thì là từ Bản Tánh, hai nghĩa này đều có thể gọi là Bổn Nguyện, ý nghĩa của Bổn Nguyện có sâu cạn khác nhau.
Nhưng trong Tướng Dụng còn gần hơn. Trên Sự Tướng vô lượng kiếp qua đời đời kiếp kiếp đều có nguyện này, nguyện lực này rất mạnh, chẳng bị cảnh giới bên ngoài di động. Cho dù bị cảnh giới lay động, nó xoay về rất nhanh, nó sẽ giác ngộ, sẽ quay về, sẽ sám hối. Nếu nguyện mới phát trong đời này, hoặc trong đời trước, hai đời trước, sức mạnh của nó rất yếu, rất dễ bị ngoại cảnh mê hoặc; sau khi mê chẳng dễ quay về, chẳng biết sám hối, thế nên chúng ta biết sức mạnh của nguyện.
Nguyện của Pháp Thân Bồ Tát phát từ trong tự tánh, đó mới là bổn nguyện chân thật, nhất định sẽ chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động.
Nhân đây cũng kính mượn một câu chuyện về báo ứng được sưu tầm trên mạng để nói về lợi ích khi đọc kinh Địa Tạng: “Một chàng trai khi nhìn thấy một người bán lươn đã lóc thịt con lươn trước khi mang đi nấu, nên anh đã phát tâm mua lại toàn bộ số lươn và đem phóng sanh và….theo lời anh kể:
Tôi bắt đầu nghiên cứu kinh Phật để hiểu thêm nhiều hơn về thế giới tâm linh và âm thầm cảm ơn những con lươn kia đã dìu tôi bước vào Phật môn. Mới đầu tôi xem Kinh Địa Tạng, rồi từ đó mỗi tháng vào mười ngày trai tôi đều tụng kinh Địa Tạng. Bà tôi vốn không biết chữ và chẳng hiểu gì về mười ngày trai. Nhưng vào mười ngày trai, sau khi tôi tan sở về nhà, là bà luôn hỏi tôi:– Hôm nay có phải con sẽ tụng kinh Địa Tạng không?
Tôi ngạc nhiên hỏi: – Vì sao bà biết?
Bà đáp: – Làm sao mà không biết được! Bà thấy các chúng sinh cõi quỷ ngay từ hồi chiều đã tụ tập đầy trong nhà. Đông hết đếm nổi luôn! Chúng đến để nghe con tụng kinh mà! Có những hôm thấy tối quá rồi mà tôi còn làm việc, bà đến gần bảo: – Đừng làm nữa, lo mà tụng kinh Địa Tạng đi! Không nên để các chúng sinh kia quỳ đợi lâu, rất có tội và không tốt! Cảnh tượng: Chúng quỷ chỉ tụ tập đúng vào mười ngày trai là những ngày tôi chọn để tụng kinh.
Bà còn thấy trong số đó có cả động vật và người. Vong người thì mặc y phục theo thời đại của họ .
Ngài Ấn Quang từng giảng: Quý vị chẳng biết là quỷ cùng người luôn ở chung lẫn lộn hay sao? Bởi không chỗ nào mà không có quỷ! Dù ta không mời quỷ đến, nhưng nhà nào cũng có quỷ. Tính ra, chúng quỷ hiện diện đông hơn người gấp trăm ngàn lần.
Tôi trước đây mê ăn mặn, không ưa ăn chay, nên khiến bà khổ theo, bởi vì tôi mà bà phải giết vật tạo ác nghiệp nhiều. Trong thời gian tôi tụng kinh Địa Tạng, những chúng sinh bị giết ăn kia đều đến nghe kinh, có đủ heo, tôm, gà, cua, cá v.v. Đặc biệt có một lần bầy cua tới, chúng vung vẫy mấy cái càng to, như hướng bà muốn nói là cả nhà tôi từng ăn cua. Tuy vậy khi chúng nghe tụng kinh thì rất hoan hỉ.
Lúc tôi mở DVD phát đĩa kinh, đã chiêu cảm rất nhiều chúng sinh hữu duyên đến nghe, trong số đó có một con rồng. Lần đầu bà tôi nhìn thấy vóc dáng khổng lồ của nó thì đã kinh hoàng hét lên:– Ôi chao! Con rắn này sao mà to khiếp! Bà còn tả là nó nằm phía ngoài sân thượng của gian thờ Phật. Nó còn lượn tới lượn lui ngoài sân canh trộm. Tôi khuyên bà đừng sợ mà hãy nhìn kỹ xem: Con “rắn” khổng lồ bà tả đó, nó có móng hay không? Bà nhìn kỹ rồi đáp có. Tôi giải thích: Đó không phải là rắn, mà là Rồng (là Long thần hộ pháp!).
Năm nay con rồng ấy lại hiện thân, lần này nó nằm trên không, chỗ phát ra Văn Thù Tâm Chú. Trong kinh điển Phật giáo, thường nhắc đến Thiên Long bát bộ, Long Thiên hộ pháp v.v song mọi người đều không hiểu ý này. Phật Thích Ca trước khi nhập Niết bàn, đã dặn dò Long Vương, chư Thiên, nhắc nhở họ hộ trì Phật pháp.
Do đã trải qua hơn hai ngàn năm, nên nhiều người cho đây là chuyện tâm linh phi thực, không tin. Tôi thực cảm ơn chư Thiện tri thức đã chỉ điểm cho trên con đường tu tập hành đạo. Cũng cảm ân đôi mắt âm dương của bà. Cảm ân Long Thiên hộ pháp thị hiện… khiến tôi đối với Phật pháp có đủ lòng tin.
Câu chuyện tôi kể ra hoàn toàn có thực, bạn không tin thì cứ xem như nghe chuyện thần thoại vậy. Còn tôi thì vững tin rằng: Thế giới tâm linh thực sự có rất nhiều cõi giới, nhiều loài mà mắt thịt của con người không nhìn thấu.
Ngẩng đầu ba thước có thần linh, nên chúng ta giờ phút nào cũng phải quan sát và kiểm điểm từng khởi tâm động niệm của mình. Nguyện hồi hướng công đức này đến tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới, nguyện tất cả đồng tu hành, đạt đạo.” (trích trong chuyện báo ứng).
Riêng trong chương 13 của kinh Địa Tạng, Đức Phật đã nói về những lợi ích cho “bất kỳ người nam hay người nữ nào nghe kinh điển này và nghe danh tự của Địa Tạng Bồ tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Địa Tạng Bồ tát. “Lúc Ngài Địa Tạng Bồ tát bạch lời nói trên đó vừa xong, trong pháp hội có một vị Bồ tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Từ khi con đến cung Trời Đao Lợi này nghe đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Ngài Địa Tạng Bồ tát.
Trong đời sau, hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng Trời, Rồng v.v… nghe kinh điển này và nghe danh tự của Địa Tạng Bồ tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Địa Tạng Bồ tát, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi? Cúi mong đức Thế Tôn vì tất cả hàng chúng sinh ở hiện tại và vị lai mà nói lược việc ấy cho”.
Lợi ích của việc tụng kinh Địa Tạng mang lợi ích cho chúng sinh không những
lợi ích cho hiện tại mà nó còn có lợi cho kiếp sau của một người nào đó.
Những lợi ích mà Kinh Địa Tạng Bồ Tát mang đến như:
● Lợi ích cho cuộc sống hiện tại: Những người tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát sẽ giúp mọi người có được cuộc sống an yên, gia đình hòa thuận, giúp xóa bỏ, tiêu tan đi các hoạn nạn và thoát khỏi được những nghiệp chướng, tai ương.
● Lợi ích đối với kiếp sau: Tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát sẽ giúp cho kiếp sau thoát khỏi được kiếp nô lệ, được thân xinh đẹp hơn.
● Lợi ích đối với người quá vãng: Tụng Kinh Địa Tạng để giúp siêu thoát, siêu độ cho các vong linh và gặp lại những người quá vãng.
● Lợi ích đối với trước phút lâm chung: Nếu người thân sắp lâm chung thì hãy đọc Kinh Địa Tạng cho họ nghe. Bởi Kinh Địa Tạng sẽ giúp cho người sắp lâm chung có thể đi đúng đường và không bị dẫn dắt bởi ma quỷ…
● Những lợi ích mà Kinh Địa Tạng Bồ Tát mang lại đều dựa tên tâm của mỗi người mà ra. Vì vậy nếu như chuyên tâm tụng Kinh này sẽ giúp mang tới nhiều lợi ích vượt trội, giúp tiêu tan hoạn nạn và mang tới nhiều may mắn hơn.
Phật bảo: Này Hư Không Tạng Bồ tát! Như hàng Trời, Rồng, Quỉ, Thần ở hiện tại và vị lai nghe danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ tát, hoặc nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Địa Tạng Bồ tát mà ngợi khen chiêm lễ, thời sẽ đặng bảy điều lợi ích:
- Mau chứng bực Thánh.
- Nghiệp ác tiêu diệt.
- Chư Phật đến ủng hộ.
- Không thối thất Bồ Đề.
- Bổn lực được tăng trưởng.
- Việc đời trước đều rõ biết.
- Rốt ráo thành Phật”.
Ngoài ra theo nhiều bản kinh khác được biết có cả thảy “Hai Mươi Tám Điều Lợi” như sau
- Các hàng Trời, Rồng thường hộ niệm.
- Quả lành càng ngày càng thêm lớn.
- Chứa nhóm nhơn vô thượng của Thánh.
- Mãi không còn thối thất tâm Bồ đề
5. Đồ mặc uống ăn dào đầy đủ.
6. Những bịnh tật không đến nơi thân.
7. Khỏi những tai nạn về lửa và nước.
8. Không có bị hại vì trộm cướp.
9. Người khác thấy đến sanh lòng cung kính.
10. Các hàng Quỉ Thần theo hộ trì.
11. Đời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.
12. Đời sau sẽ làm con gái các hàng Vương Giả, Đại Thần.
13. Thân tướng xinh đẹp.
14. Phần nhiều được sanh về cõi trời.
15. Hoặc làm bực vua chúa.
16. Có trí sáng biết rõ việc trong những đời trước.
17. Có mong cầu chi cũng được toại ý.
18. Quyến thuộc an vui.
19. Các tai vạ bất ngờ đều dứt sạch.
20. Các nghiệp về ác đạo đều trừ hẳn.
21. Đi đến đâu cũng đều không bị sự trở ngại.
22. Đêm nằm chiêm bao an ổn vui vẻ.
23. Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.
24. Nếu về đời trước có phước thời được thọ sanh về cõi vui sướng.
25. Các bực Thánh ngợi khen.
26. Căn tánh lanh lợi thông minh.
27. Giàu lòng từ mẫn.
28. Rốt ráo thành Phật
Kính hy vọng những điều con sưu tầm trên sẽ giúp ích đến những ai chưa đặt trọn lòng tin vào Đức Địa Tạng Bồ Tát và bản Kinh Bổn Nguyện này.
Trộm nghĩ có câu “hữu cầu tất ứng”. Lại được nghe “vọng ngữ là đại giới trong nhà Phật, Chư Phật Bồ Tát sao có thể nói lời khi dối người”. Những ai chưa có lòng tin chắc chắn xin nhớ thêm lời dạy này để tăng thêm lòng tin: Mạnh Tử dạy rằng sở dĩ cầu mà được bởi vì điều cầu đó có ở trong tâm ta.
Lục Tổ Huệ Năng trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”, có dạy “nhất thiết phước điền, bất ly phương thốn.” Phương thốn chính là chỉ cho tâm địa của chúng ta. Cát hung họa phước là từ trong tâm chúng ta biến hiện ra, bất ly phương thốn. Tòng tâm nhi mịch cảm vô bất thông, chúng ta cầu cảm ứng thì chỉ từ chân tâm mà cầu.
Ngày nay, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã trở thành tín ngưỡng chung của Phật giáo và dân gian. Và sau Lễ Vu Lan Rằm tháng 7 AL thì các Chùa thường khai kinh Địa Tạng tụng cho đến ngày cúng vía Ngài vào cuối tháng 7 tức ngày 30 hoặc 29.
Việt Nam ta chưa có lưu hành và thọ trì Địa Tạng Sám pháp kinh, hy vọng ngày nào đó chúng ta sẽ có được một ấn bảnViệt Ngữ như các quốc gia bạn.
Kính trân trọng,
Kính mừng Ngày Lễ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Hạnh nguyện vĩ đại Ngài ...ý nghĩa diệu thâm
Toát lên lòng từ bi biểu tượng Bản Tâm
Chuyển hóa được tất cả chủng tử xấu ác
Hình tượng Ngài...
Tích trượng phá tan sáu khoen cửa giải thoát
Đội mão tỳ ly, vầng sáng hào quang
Tay trái Như Ý Châu...mọi đau khổ xua tan.
Nguyện cứu độ tất cả ...Mới Thành Phật !!!
Kính nguyện sẽ thọ trì tụng đọc thường nhật
Trời rồng ủng hộ, bịnh tật giảm thuyên
Tế độ quần mê...thanh tịnh trang nghiêm
Cùng nhau sách tấn ...khai mở kho tàng trân bảo !!
Sẽ...thành tựu đại nguyện chính mình... toàn hảo!!
Nhớ niệm thầm giúp người quá vãng phút lâm chung
Hiện tại riêng ta đúng hướng ...thoát tai ương
Tu tịnh tam nghiệp phước ...dõng mãnh, trân trọng
Kính mừng ngày Lễ Địa Tạng truyền thống.
Nam Mô Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát.
Melbourne 26/8/2022
Huệ Hương