Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

36. Quán Âm ba mặt

06/04/201114:36(Xem: 3411)
36. Quán Âm ba mặt

TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

36. QUÁN ÂM BA MẶT

Xưa thật là xưa, ở thành Lạc Dương, quan lại thì tham ô, thanh thiếu niên thì hư hỏng. Bồ Tát Quán Âm có ý định muốn giáo hóa họ, nên biến thành một người đàn bà nhà quê, tay cầm một cái hộp gấm, trong hộp có một tấm kính bằng đồng đen quý báu, đem đến chợ Lạc Dương bán.

Có người tới hỏi giá, người đàn bà nhà quê đáp:

– Tấm kính của tôi đây là một bảo vật rất quý hiếm có trên thế gian này, giá là một ngàn lượng bạc ròng, dư một hào không lấy, thiếu một hào không bán, không bớt không trừ, già trẻ lớn bé ai muốn mua cũng được. Người nào có mắt tinh đời hãy mau đem tiền tới mua, bỏ lỡ cơ hội này thì về sau có mười vạn tám ngàn lượng bạc cũng không mua được!

Có một thiếu niên muốn kiếm chuyện nên chỏ mồm vô hỏi:

– Tấm kính bằng đồng có chút xíu mà đòi giá cao quá vậy, thật là nói thách quá cỡ! Đâu bà nói cho tôi nghe thử, tấm kính này có cái gì hay?

Người đàn bà nhà quê trả lời:

– Tấm kính của tôi có nhiều cái hay lắm chứ! Thứ nhất, nó có thể soi được tâm người thiện hay ác; thứ hai, có thể chiếu ra tất cả quá khứ và vị lai. Tốt thì chiếu ra tốt, xấu thì chiếu ra xấu, không sai một ly một tí nào. Quý vị nghĩ xem, với hai đặc điểm ấy, không lẽ tấm kính này không đáng giá một ngàn lượng bạc hay sao?

Người thiếu niên kia nói:

– Khoác lác vừa thôi chứ, bà nội! Thế gian này làm gì có một bảo vật như thế, chúng tôi không tin đâu, trừ khi nào bà cho chúng tôi soi thử một cái!

Ngài Quán Âm đáp:

– Soi một cái thì được, nhưng theo lệ thì mượn kính soi một cái phải trả tôi ba đồng.

Thiếu niên nọ bèn móc túi ra ba đồng trao cho Bồ Tát Quán Âm. Ngài Quán Âm lấy kính trong hộp ra, cầm trong tay và nói với thiếu niên nọ:

– Soi đi. Nhưng phải nhớ, không được suy nghĩ loạn xạ lung tung, phải tập trung tinh thần mà soi một cách nghiêm chỉnh, có thế kết quả mới rõ ràng được.

Thiếu niên nghe lời Bồ Tát, soi một cách nghiêm chỉnh. Quả nhiên trong kính hiện ra một cách rõ rệt từng cảnh, từng cảnh đã xảy ra trong quá khứ. Chuyện quá khứ chiếu xong, lại hiện ra đủ thứ các chuyện sẽ phát sinh trong tương lai, cho tới đoạn cuối là thiếu niên chết rồi sẽ đọa vào đường súc sinh, đầu thai thành một con chó cái.

Thiếu niên soi xong, kinh hãi không cùng, không ngờ rằng thành tích xấu xa hư hỏng của mình lại hiện lên hết trong kính, và hắn càng hoảng kinh hơn nữa khi thấy kiếp tới mình sẽ biến thành một con chó cái. May mà những điều hắn thấy người khác lại không trông thấy, người khác chỉ thấy mặt trái của kính, hoàn toàn trống rỗng, không có gì trên ấy cả.

Ngài Quán Âm lấy lại kính và hỏi:

– Sao, đáng giá ba đồng bạc không?

Thiếu niên nọ xuất mồ hôi trán, mặt mày tái mét, trả lời liên thanh:

– Đáng lắm! Đáng lắm!

Người xung quanh hỏi hắn đã thấy được những gì, hắn sợ làm trò cười cho thiên hạ, không dám trả lời sự thật nên chỉ lầu bầu:

– Mấy người đừng hỏi tôi, cứ bỏ ra ba đồng mà tự soi lấy, bảo đảm mấy người sẽ vừa ý.

Cuối cùng người hiếu kỳ rất đông, nghe lời thiếu niên nọ nên tranh nhau thử món đồ chơi mới này. Người này bỏ ra ba đồng, người kia cũng móc ra ba đồng, thay phiên nhau mà soi kính. Người nào chưa được soi thì dành soi trước, nhưng một khi soi rồi thì không khóc lóc thê thảm cũng nhíu mày nhăn mặt, tâm sự trùng trùng. Mọi người ngẩn ngơ nhìn nhau, không ai thốt lên lời nào.

Bồ Tát Quán Âm cười thật tươi đứng thủ đằng trước, nhưng cũng không nói lên một tiếng. Từ giờ thìn đến giờ dậu, thấm thoát ba ngàn người đã soi kính rồi. Trong số ba ngàn người ấy, hơn chín phần mười soi xong thì mặt mày buồn hiu, không tới một phần mười còn lại là vui vẻ hân hoan.

Tri phủ thành Lạc Dương thời ấy là một tên quan rất tham ô, chỉ chạy theo danh lợi, tâm tâm niệm niệm chỉ nghĩ làm sao để thăng quan tiến chức. Nghe nói ngoài đường có người bán kính báu, soi một cái là thấy ngay chuyện hên xui họa phúc của mình, ông rất muốn thử soi một phen, xem mình rồi sẽ được chức quan lớn tới đâu, và phát tài giàu đến chừng nào?

Nghĩ thế ông cũng chạy ra chợ. Khi ông chạy tới thì Ngài Quán Âm cũng vừa đang thu xếp để trở về. Nhưng người mới đến là quan tri phủ đại nhân, đâu có thể không ngó ngàng đến, nên Ngài Quán Âm lại lấy kính ra để ông soi cho kỹ càng.

Lần này Ngài Quán Âm để cho ông soi tha hồ, không gấp gáp, và quan tri phủ mới soi đã kinh hoàng, mồ hôi lạnh toát ra dầm dề.

Trong kính bắt đầu xuất hiện từng cảnh từng cảnh một, lúc ông ăn hối lộ, vi phạm luật pháp, vu oan giá hoạ hại người, kết án người vô tội. Về sau bị oan hồn uổng tử báo thù, chết bất đắc kỳ tử, đọa xuống địa ngục, chịu đủ các cực hình tàn khốc. Sau đó nữa lại tái sinh làm lợn, được nuôi cho mập rồi vào tay đồ tể cắt mổ. Tri phủ càng nhìn càng sợ hãi, trong tâm dần dần có chút tỉnh ngộ. Lúc ấy người đàn bà nhà quê đã lấy lại tấm kính cất vào hộp, và thở dài:

– Một bảo vật như thế chỉ có ngàn lượng bạc, rẻ thế mà chỉ có người soi chứ chẳng có người mua, thế mới biết là ở thành Lạc Dương này thật ra không có ai có mắt tinh đời!

Nói xong bèn cầm hộp lên đứng dậy sửa soạn rời đi.

Khi Ngài Quán Âm đứng dậy thì đột nhiên khuôn mặt người đàn bà nhà quê biến mất nhường chỗ cho pháp tướng của Bồ Tát. Lúc ấy những người đứng nhìn, mỗi người thấy Bồ Tát một cách khác nhau: người ác thì thấy người đàn bà nhà quê kia biến thành một hung thần vô cùng bạo ác, nhìn thấy là kinh hồn khiếp vía. Người bình thường thì thấy bà lộ vẻ giận dữ, cũng đủ khiến họ cũng phải hết hồn. Chỉ có người hiền mới thấy bà mang khuôn mặt dịu hiền từ ái thân thiện, rõ ràng là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ai nấy đều kinh dị, định thần nhìn kỹ, thì không còn thấy người đàn bà nhà quê bán kính ở đâu nữa. Tri phủ như người mê chợt tỉnh, lập tức quỳ xuống đất cáo bạch:

– Trượng thừa Bồ Tát đến giáo hóa, hạ quan đã biết lỗi rồi.

Nghe tri phủ nói thế, mọi người mới vỡ lẽ ra người đàn bà bán kính vừa rồi chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ đó, những kẻ chuyên làm ác đều tỉnh ngộ, bỏ ác làm lành. Những người làm quan đều trở nên thanh liêm, dân chúng cũng theo đó mà trở nên thuần hậu.

Sau đó, bá tánh thành Lạc Dương mới dùng số tiền mà Ngài Quán Âm đã bỏ lại xây lên một cái miếu thờ Bồ Tát Quán Âm và tượng của Ngài được tạc theo mắt thấy của họ, nghĩa là có ba mặt: một mặt Bồ Tát Quán Âm từ bi hiền hậu, một mặt vô cùng giận dữ và một mặt hung tợn, trong tay cầm một tấm kính báu, soi sáng cả đại thiên thế giới.

Bức tượng này, trong Phật giáo gọi là “Quán Âm du hí tam muội” và người phàm thì gọi là “Quán Âm ba mặt”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2017(Xem: 9277)
Giáo lý đạo Phật là gì? Giáo lý đạo Phật là phương tiện để điều trị thân bệnh và tâm bệnh, là dược liệu của sự chân thật giúp cho người bệnh hiểu rõ bản chất của sự thật, của chân tâm để đạt đến sự giác ngộ rốt ráo. Chúng sinh do tâm bệnh nên có thân bệnh phát tác và mãi trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh, chết; là quy luật tất yếu của thế giới sinh – diệt, chúng sinh nào muốn liễu sinh thoát tử, phải điều trị bệnh bằng các bài thuốc mà đức Phật đã chỉ dạy.
28/07/2016(Xem: 4240)
Ở Việt Nam khi nói đến mùa mưa bão, người ta thường nghĩ đến khúc ruột miền Trung thường nhiều hơn. Thế nhưng, từ khi thành phố Đà Nẵng dựng tôn tượng lớn Bồ Tát Quán Thế Âm thì những cơn bảo lớn nguy hiểm ít đi vào vùng đất nầy, có khi đi gần vào đến bờ thì chuyển hướng ra Bắc hoặc vào Nam rồi bão tan. Không p
07/06/2016(Xem: 9046)
Nam Mô Bồ Tát Thường Lắng Nghe, Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe một cách sâu sắc, trọn vẹn những âm thanh, tiếng nói của cuộc sống, cuộc đời. Chữ Quán ở đây hàm nghĩa lắng nghe trong sự hiểu biết cộng với sự quan sát sâu sắc của lòng yêu thương từ ái. Bồ Tát Quan Thế Âm là vị Bồ Tát đã được người đời nghĩ tới và niệm danh hiệu của Ngài vì Ngài đã nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời. Không chỉ
09/04/2016(Xem: 15468)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
21/03/2016(Xem: 4581)
Ở đây chúng ta cũng nên định nghĩa về hai chữ "tình yêu" (Liebe) và "tình thương" (Barmherzigkeit) nó khác nhau hay giống nhau ở điểm nào? Khi người ta nói đến tình yêu, tức giới hạn giữa con người và con người như nam và nữ yêu nhau hay giữa con người và động vật cũng như cảnh vật chung quanh mình. Tình yêu luôn có sự chấp ngã và hay bi lụy về đối tượng mình đang yêu, nhưng khi không được yêu và tự ngã của người nam hay người nữ bị tổn thương thì tình yêu ấy không còn là tình yêu nữa, mà đôi khi còn trở nên thù hận với nhau. Khi người nam yêu người nữ có nghĩa là người đàn ông ấy muốn chiếm hữu riêng người đàn bà kia về cho mình, còn khuynh hướng của người nữ là khuynh hướng nương tựa, nếu đối tượng là người nam mà giới nữ không còn nương tựa được nữa thì tình yêu ấy trở nên xa cách và nguội lạnh dần, không mặn nồng như thuở ban đầu nữa.
09/09/2015(Xem: 8844)
Như cố thi hào Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Đừng nên trách lẫn trời gần, trời xa”. Nghiệp như cái bóng theo hình, một ngày chưa chứng thánh quả A La Hán thì cho dù trên trời, dưới đất, trong hư không nó đều bám theo. Nghiệp quả thật ghê gớm. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, muôn hình vạn trạng, có nặng có nhẹ mà chỉ chư Phật mới thấu rõ hết về chúng. Nếu quý vị muốn biết thì nên đọc qua Thủy Sám Pháp Văn hay Kinh Địa Tạng… thì cũng sẽ thấu hiểu được phần nào.
12/07/2015(Xem: 9647)
Quan Thế Âm Bồ Tát Tầm Thinh Cứu Khổ Phổ Môn Thị Hiện Đồ. Bản dịch của Viên Huệ Dương Chiêu Anh
03/04/2015(Xem: 14975)
Phổ Hiền thập đại nguyện hạnh là nội dung hạt nhân trong việc tin ngưỡng và tu trì của Bồ Tát Phổ Hiền, xuất phát từ Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm. Phật Giáo Hán truyền coi Bồ Tát Phổ Hiền là biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn, cùng với Bồ Tát Quán Âm (biểu tượng cho Từ Bi), Bồ Tát Văn Thù (biểu tượng cho trí tuệ), Bồ Tát Địa Tạng (biểu tượng cho thệ nguyện); cùng hình thành nên nội hàm tín ngưỡng và tinh thần tiêu biểu của bốn tâm hạnh Bi-Trí-Nguyện-Hạnh của Phật Giáo Đại Thừa.
21/01/2015(Xem: 7199)
Phía Tây của Long thành, phía Nam của Tản sơn, thẳng ra ngoài cõi Ai Lao, Xiêm La, có một nơi gọi là Hương Tích Sơn, nằm giữa Bắc kỳ, Nam hải, nơi ấy là động thiên bậc nhất vậy. Núi thì đặc thù, nước thì tú lệ, cảnh trần tịch tĩnh, nơi cầu tự cầu tài, chốn chữa bệnh trừ tai. Mỗi năm Xuân về, không dưới ba vạn người, có người ở gần về dự, có người ở xa ngàn muôn dặm cũng đến. Tiếng linh diệu lớn lao, rung động mắt tai người, rõ ràng là “thần quyền thời đại”, thật lạ thường thay. Ngoài núi non và con người, Hương sơn mà xa cách một ngày như ép buộc đi đến trần cương; ba mươi năm qua trọn chẳng đến một lần, nỗi buồn nào như đây; ngày nay năm mươi sáu tuổi vẫn còn viện cớ. Sức thuyền từ một phen đưa chuyển, kết quả có thể xuyên qua, đến nước lên non, niềm vui có thể nhận biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567