Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

65. Kinh Bhaddàli

19/05/202010:30(Xem: 8910)
65. Kinh Bhaddàli

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]



65. Kinh BHADDÀLI
( Bhaddàli sutta )
 
Như vậy, tôi nghe :
 
          Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ 
          An trú tại Xá-Vệ thành này
              Sa-Vát-Thí  cũng là đây
       Chê-Ta-Va-Ná  hôm mai tịnh, hòa
          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná
          Khu vườn do Trưởng giả tên là
              A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka
       Tức Cấp-Cô-Độc, thuần hòa tín gia
          Mua lại từ Kỳ Đà thái tử
          Để cúng dường Điều Ngự Thế Tôn
              Cùng với Tăng đoàn Sa-môn
       Có nơi hoằng hóa pháp môn nhiệm huyền.
          Lúc bấy giờ Phật liền cho gọi
          Chúng Tỷ Kheo câu hội đủ đều
              Phật gọi : “ Này các Tỷ Kheo ! ”
       Chúng Tăng cung kính vâng theo lời Ngài.
 
    – “ Các Tỷ Kheo ! Như Lai thọ thực
   Chỉ một lần thu thúc ngồi ăn.
              Do Ta ăn chỉ một lần
       Ta thấy ít bệnh, vô ngần an nhiên,
  Ít não phiền, có sức, lạc trú.
          Các Tỷ Kheo ! Hãy tự thực hành
              Hãy ăn chỉ ngồi một lần
       Sẽ thấy ít bệnh, nhiều phần lạc an ”.
 
          Nghe Phật nói, trong hàng thính giả
          Có Tôn-giả tên Phách-Đa-Li   
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   388
 
              Liền bạch Đức Chánh Biến Tri :
 – “ Bạch đấng Thiện Thệ ! Bất kỳ ra sao
          Không thể nào con ngồi thọ thực
          Chỉ một lần duy nhứt trong ngày
              Nếu con chỉ ăn như vầy
       Cảm thấy hối hận, tiếc thay trong lòng ”.
 
    – “ Phách-Đa-Lí ! Vậy ông sắp tới   
          Khi được mời ăn bởi tín nhân 
              Hãy ăn tại chỗ một phần,
 Đem về trú xứ  một phần ăn sau.
          Vậy ông có thể nào làm thế
          Một cách để nuôi sống qua ngày ? ”.
 
        – “ Bạch Phật ! Với cách ăn này
       Con vẫn hối hận, tiếc thay trong lòng ”.
 
          Sau đó, trong khi toàn Đại Chúng
          Các Tỷ Kheo nào cũng chấp hành
              Giữ các học giới tịnh thanh
       Được chế định bởi Cha Lành Thế Tôn,
    Phách-Đa-Li, vị Tôn-giả đó
          Tuyên bố rõ mình bất lực rồi !
 
              Sau đó suốt ba tháng trời
       Sư không diện kiến, xa nơi Cha Lành
          Vì không thể thực hành trọn vẹn
          Học giới trong khuôn phép Phật Đà.
              Sau một thời gian trải qua
       Một số Phích-Khú họp và may y
          Cho đức Chánh Biến Tri Thiện Thệ
   Sớm xong để Phật sắp du hành.
              Vị Tôn-giả thấy đành rành
       Chư Tăng đang mãi thực hành may y.
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   389
 
          Tôn-giả Phách-Đa-Li đi tới
    Chào hỏi với Tỷ Kheo các vì,         
     Một bên ngồi xuống tức thì.
       Chư Tăng bảo Phách-Đa-Li như vầy :
 
    – “ Hiền-giả này ! Tấm y này được  
          May cho đấng Đại Phước Phật Đà
              Thế Tôn sẽ du hành xa
       Hãy khéo tư niệm ‘Đê-Sa-Kam’ này( Desakam )
        ( Tư niệm trường hợp đây đặc biệt )
          Chớ để sau hối tiếc ăn năn
              Khiến Hiền-giả càng khó khăn ”.
 
 – “ Thưa chư Hiền-giả ! Xin vâng theo lời ”. 
 
          Phách-Đa-Li tức thời vâng đáp   
          Rồi đến chỗ Đại Giác viên dung
              Sau khi lễ đấng Đại Hùng
       Một bên ngồi xuống, bạch cùng Thế Tôn :
 
    – “ Bạch Thế Tôn ! Một lầm lỗi lớn
          Chiếm tâm con, nhơ bợn mọi bề,
              Thật là ngu ngốc, si mê,
       Thật là bất thiện, đáng chê trách nhiều !
          Trong khi Chúng Tỷ Kheo an lạc
          Chấp hành các học giới đủ đầy
              Được Phật chế định trước nay,
       Con tuyên bố bất lực ngay điều này.
          Bạch Thế Tôn ! Mong Ngài chấp nhận
          Lỗi lầm vẫn là một lỗi lầm,
              Tương lai được phòng hộ thân ”.
 
 – “ Này Phách-Đa-Lí ! Thật lầm lỗi thay !
          Như ông đã thẳng ngay thú thực,
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   390
 
    Tuyên bố sự bất lực tự thân.
              Trong thời ấy, phải hiểu rằng
 
  *  Ông không ý thức chánh chân điều này :
          Đức Thế Tôn trú ngay Xá-Vệ
          Sẽ biết ta rành rẽ như vầy :
             ‘Tỷ Kheo Phách-Đa-Li đây
       Không thực hành đúng, đủ đầy ở đây
          Các học giới Như Lai chế định’.
Thời ông chính không ý thức vầy.
 
          *  Ông không ý thức điều này :
       Số đông Phích-Khú đến ngày an cư
          Ba tháng mưa do từ Xá Vệ
          Các vị ấy có thể tường tri  
            ‘Tỷ Kheo tên Phách-Đa-Li
       Các học giới không nghiêm trì an như
          Trong giáo pháp Đạo Sư uy đức’.
    Ông đã không ý thức điều ni.
 
         *  Ông không ý thức tức thì :
       Số đông các vị thuộc Tỳ-Kheo-Ni 
          Các Thiện nam, các vì Tín nữ,
Hoặc ngoại đạo Phạm-chí, Sa-môn…
              Đến an cư các làng thôn
Tại Sa-Vát-Thí vẹn tròn mùa mưa.
          Các vị ấy đều thừa biết rõ :
        ‘Tỷ Kheo đó là Phách-Đa-Li
           ( Đệ tử Sa-môn uy nghi
       Một bậc Thượng thủ danh tri Kiều Đàm )
          Không thực hành, không làm phận sự
          Giữ học giới Điều Ngự dạy ghi’.
              Thời ấy, này Phách-Đa-Li
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   391
 
       Ông không ý thức thực thi tinh cần ”.
 
    – “ Bạch Thế Tôn ! Một lầm lỗi lớn
          Chiếm tâm con, nhơ bợn mọi bề,
              Thật là ngu ngốc, si mê,
       Thật là bất thiện, đáng chê trách nhiều !
          Trong khi Chúng Tỷ Kheo an lạc
          Chấp hành các học giới đủ đầy
              Được Phật chế định trước nay,
       Con tuyên bố bất lực ngay điều này.
          Bạch Thế Tôn ! Mong Ngài chấp nhận
          Lỗi lầm vẫn là một lỗi lầm,
              Tương lai được phòng hộ thân ”.
 
 – “ Này Phách-Đa-Lí ! Thật lầm lỗi thay !
          Như ông đã thẳng ngay thú thực,
    Tuyên bố sự bất lực của ông.
              Ông nghĩ thế nào trong lòng ?
      ‘Câu phần giải thoát’ trong vòng nương theo ?
          Ta nói với Tỷ Kheo liên hệ :
         ‘Hãy tới để làm cầu cho Ta
              Để qua đám bùn thối tha !’
       Theo ông, vị ấy tự qua làm cầu ?
          Hay tránh mau thân qua chỗ khác ?
          Hay nói ‘Không !’ dỏng dạc thốt ra ? ”.
 
        – “ Không phải vậy, bạch Phật Đà ! ”.      
 
 – “ Này Phách-Đa-Lí ! Nghĩ qua thế nào ? 
          Khi vị Tỷ Kheo nào an lạc
        ‘Tuệ giải thoát’, ‘thân chứng’ tịnh thanh
             ‘Kiến chí’, ‘tín thắng giải’ lành,
      ‘Tùy pháp hành’, ‘tùy tín hành’ thanh cao.
          Ta liền nói như sau với họ :         
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   392
 
       “ Các ông ! Hãy tới đó làm cầu
              Cho Ta qua khỏi bùn mau ! ”.
       Bọn họ có tự làm cầu cho Ta ?
          Hay tránh mau thân qua chỗ khác ?
          Hay nói ‘Không’ dỏng dạc thốt ra ? ”.
 
        – “ Không phải vậy, bạch Phật Đà ! ”.
 
 – “ Thế nào ông vốn nghĩ qua bao lần
          Ông có phải ‘câu phần giải thoát’ ?
        ‘Tuệ giải thoát’, ‘thân chứng’ tịnh thanh ?
             ‘Kiến chí’, tín thắng giải’ lành,
       Hay ‘tùy pháp’ & ‘tùy tín hành’ đáng tôn ? ”.
 
    – “ Thưa không, bạch Thế Tôn Toàn Trí ! ”.
 
    – “ Phách-Đa-Lí ! Lúc ấy thì ông
              Phạm lỗi, trống không, rỗng không ? ”.
 
 – “ Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn ! Con lầm.
          Con làm một lỗi lầm rất lớn
          Chiếm tâm con, nhơ bợn mọi bề,
              Thật là ngu ngốc, si mê,
       Thật là bất thiện, đáng chê trách nhiều !
          Trong khi Chúng Tỷ Kheo an lạc
          Chấp hành các học giới đủ đầy
              Được Phật chế định trước nay,
       Con tuyên bố bất lực ngay điều này.
          Bạch Thế Tôn ! Mong Ngài chấp nhận
          Lỗi lầm vẫn là một lỗi lầm,
              Tương lai được phòng hộ thân ”.
 
 – “ Này Phách-Đa-Lí ! Thật lầm lỗi thay !
          Như ông đã thẳng ngay thú thực,
    Tuyên bố sự bất lực như vầy.
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   393
 
              Phách-Đa-Li ! Nếu ông nay
       Sau khi thấy lỗi lầm đây chính là
          Một lỗi lầm. Tỏ ra xấu hổ
          Và như pháp phát lộ lỗi này
              Chúng ta chấp nhận điều đây
       Vì rằng phát lộ như vầy của ông
          Lớn mạnh trong giới luật bậc Thánh.
          Bất cứ ai chân chánh, tự tâm
              Thấy lỗi lầm là lỗi lầm
       Như pháp phát lộ, phòng phần tương lai.
 
          Phách-Đa-Lí ! Ở đây thấy rõ 
          Vị Tỷ Kheo không có thực hành
              Trọn vẹn học giới tịnh thanh
       Trong giáo pháp đấng Trọn Lành Đạo Sư.
          Vị ấy có suy tư hư vọng :
        ‘ Ta hãy sống tại chỗ vắng xa :
              Khu rừng, gốc cây hay là
       Sườn núi, hang đá, tha ma mộ phần,
          Chỗ đống rơm, đồng bằng hoang dã,
          Ta là một hành giả, dần dần
              Có thể chứng pháp thượng nhân,
       Tri kiến thù thắng, xứng phần Thánh gia ’.
 
          Vị ấy sống nơi xa vắng ấy
Sống viễn ly như vậy cũng phiền.
              Nhưng Đạo Sư quở trách liền,
       Các đồng phạm hạnh trí hiền rầy la,
          Chư Thiên và tự mình khiển trách.
          Vị ấy bị quở trách mọi phần
              Nên không chứng pháp thượng nhân
       Tri kiến thù thắng Thánh nhân có nào !
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   394
 
          Vì sao vậy ? Do vào vị đó
          Không trì thọ giới luật toàn chu
     Trong giáo pháp bậc Đạo Sư.
 
   *  Này Phách-Đa-Lí ! Còn như có vì 
   Là Tỷ Kheo thọ trì giới luật.
          Vị ấy nghĩ thông suốt như sau :
             ‘Ta hãy sống một nơi nào
       Trú xứ xa vắng, vào sâu trong rừng,
          Chỗ hoang dã, lưng chừng sườn núi,
          Chỗ nghĩa địa, bên suối, ngoài trời,
     Đống rơm hoặc chỗ chơi vơi.
       Rồi vị ấy sống tại nơi chọn này.
          Khi sống viễn ly ngay tại đó
          Bậc Đạo Sư không có quở rầy,
              Các đồng-phạm-hạnh trí này
       Sau khi quán sát, không rầy trách la.
          Chư Thiên và tự mình chẳng trách,
          Thượng-nhân-pháp chứng đắc vẻ vang,
      ‘Tri kiến thù thắng’ rõ ràng,
       Xứng đáng bậc Thánh, thân càng uy nghi.
          Phách-Đa-Li ! Tại sao như vậy ?
          Vì vị ấy trọn vẹn thực hành
              Giới luật đã thọ tịnh thanh
       Trong giáo pháp đấng Trọn Lành Đạo Sư.
 
      *  Rồi vị ấy an như ly dục    
          Bất thiện pháp tiếp tục vĩnh ly,
              Chứng, trú Nhất Thiền tức thì
       Trạng thái hỷ lạc do ly dục thành
      Và sẵn dành có tầm, có tứ.
          Vì sao vậy ? Vì tự thực hành
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   395
 
  Trọn vẹn giới luật tịnh thanh.
 
   *  Rồi Tỷ Kheo ấy diệt nhanh tứ, tầm  
          Đệ Nhị Thiền âm thầm chứng, trú
          Trạng thái tự hỷ lạc, thâm trầm
              Do định sanh, không tứ & tầm, 
       Và được nội tỉnh nhất tâm như vầy.
          Sao vậy ? Vì vị này hướng tới
          Hành trọn vẹn học giới tịnh thanh.
 
          *  Ly hỷ trú xả đạt thành
       Chánh niệm tỉnh giác thì thân cảm liền
          Sự lạc thọ Thánh hiền gọi đủ
          Là ‘xả niệm lạc trú’, an nhiên
      Chứng và trú Đệ Tam Thiền.
       Sao vậy ? Vị ấy cần chuyên thực hành
          Trọn vẹn về tịnh thanh luật giới.
 
      *  Rồi tiếp tới, xả lạc & khổ ngay  
              Diệt hỷ, ưu, cảm thọ này
       Tứ Thiền chứng, trú ; không rày khổ, vui.
          Vì sao vậy ? Không lùi ý chí
      Thọ trì kỹ giới từ Đạo Sư,
              Tâm không cấu nhiễm, an như
       Thuần tịnh, định tĩnh và nhu nhuyến nhiều,
          Không phiền não, dễ điều sử dụng
          Và tâm cũng bình tỉnh, vững vàng.
          *  Vị ấy dẫn & hướng tâm sang  
       Túc-mạng-minh chứng, hoàn toàn thảnh thơi
          Vị ấy nhớ các đời quá khứ
          Một hai đời cho tới nhiều đời
              Đại cương chi tiết mỗi đời
       Với sự hướng dẫn tâm nơi vấn đề
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   396
 
          Về trí tuệ, thuộc về sinh tử
          Của chúng sinh, căn cứ mọi phần
              Xét về duyên nghiệp cõi trần
       Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy liền
          Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả
          Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang
             Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn
       Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ làm.
 
          Gieo ác hạnh về thân, khẩu, ý
          Hoặc phỉ báng các vị Thánh Hiền
             Người này thân hoại, tận duyên     
       Do nghiệp tà kiến, đọa liền súc sinh
          Các cõi dữ, như sinh địa ngục
          Hoặc đọa xứ, thằng thúc nạn tai.
Còn bậc hiền giả, những ai
       Làm những thiện hạnh  ý và lời, thân
          Không phỉ báng Hiền nhân, Thánh hiển
          Tạo nghiệp lành, chánh kiến vô cùng
             Sau khi thân hoại mạng chung 
       Được sinh thiện thú, nhân trung, cõi trời
          Do thiên nhãn, biết đời sống chết
          Người hạ liệt  hay kẻ giàu sang
             Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn
       Người này bất hạnh, kẻ bèn gặp may
          Do hạnh nghiệp kẻ này hành động
          Có kết quả chẳng giống nhau này.
 
      *  Vị Tỷ Kheo thẳng ngay, thuần tịnh
          Tâm định tỉnh, không nhiễm não phiền
             Nhu nhuyến, vững chắc – theo thiền
       Bình thản như vậy, chẳng phiền chẳng ưu
 
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   397
 
          Vị Tỷ Khưu hướng tâm đến với
Lậu tận thông, dẫn tới biết rành
             Lậu Tận Trí, biết ngọn ngành
       Đây là sự Khổ, nguyên nhân đưa vào
          Đây Khổ Diệt, đường nào diệt khổ
          Biết như thật lậu-hoặc loại này
             Nguyên nhân lậu-hoặc là đây
       Diệt trừ lậu-hoặc, biết ngay con đường.
 
          Nhờ hiểu biết, tận tường nhận thức
          Tâm vị ấy rất mực sáng trong
             Dục-lậu, hữu-lậu  thoát xong
       Thoát vô-minh-lậu, khỏi vòng trói trăn
          Liền hiểu rõ : Tự thân giải thoát
          Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành
             Việc cần làm, đã thực hành
       Sau đời hiện tại, Vô sanh hiển bày.
 
          Vì sao mà vị này được vậy ?
          Vì vị ấy trọn vẹn thực hành
              Giới luật trong giáo pháp lành
       Bậc Đạo Sư đã dạy rành, nhớ ghi ! ”.
 
          Phách-Đa-Li được nghe như thế
          Liền bạch đấng Thiện Thệ Toàn Tri :
 
        – “ Do nhân gì, do duyên gì
       Chúng Tăng kết tội những vì Tỷ Kheo ?
          Không kết tội Tỷ Kheo như vậy ? ”.
 
    – “ Phách-Đa-Li ! Ông thấy ở đây
          *  Có những Tỷ Kheo thường hay
       Phạm nhiều giới tội, tâm rày bất minh
          Khi vị khác hỏi mình, tránh trớ
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   398
 
 Hỏi duyên cớ giới tội thuộc về.
              Lái câu chuyện khỏi vấn đề,
       Hoặc sân, phẫn nộ nhất tề khởi ra,
          Bất mãn và không có lắng dịu,
          Không tiên liệu xử sự chánh chân,
              Không chấm dứt giới tội phần
       Không nói : ‘Sao để Chúng Tăng hài lòng ?’.
 
      *  Phách-Đa-Li ! Chính trong một vị
          Tỷ Kheo nghĩ : ‘Phích-Khú đích danh
              Phạm nhiều giới tội chẳng lành
       Khi bị hỏi tới, tinh ranh hoạt đầu
          Tránh né bằng một câu khác hỏi
          Hướng câu chuyện ra khỏi vấn đề,
              Phẫn nộ, bất mãn mọi bề
       Những điều giới tội không hề dứt đi,
          Không nói : ‘Phải làm gì đây nhỉ  ?
   Để Chúng Ta hoan hỷ cho ta ?’.
              Tốt lành thay, nếu Tăng-Già
       Chư vị Tôn-giả điều tra nhiều lần
          Tỷ Kheo này về phần giới tội
          Chớ giải tội một cách nhanh ngay.
              Như vậy, Phách-Đa-Li này !  
       Sau khi Tăng Chúng nơi này điều tra
 Không trải qua giải tội mau lẹ.
 
      *  Nhưng được kể, có vị Tỷ Kheo   
              Thường phạm giới tội các điều
       Khi Tăng Chúng hỏi thì đều nhận ngay
          Không tránh né, không bày khỏa lấp     
          Không phẫn nộ, ẩn nấp hận sân
              Lắng dịu, xử sự chánh chân,
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   399
 
       Có dứt giới tội, có phần ăn năn,
          Có nói : ‘Làm sao Tăng hoan hỷ ?’.
          Phách-Đa-Lí ! Chư Tăng nghĩ ngay :
             ‘Chư Hiền-giả ! Tỷ Kheo này 
       Xử sự như vậy, lành thay, an từ !
          Chư Tôn-giả nếu như cử tội
          Điều tra phạm giới tội nhiều lần
  Hãy giải tội ấy chóng nhanh !’.
       Và các vị giải tội nhanh chóng liền.
 
      *  Phách-Đa-Li ! Cũng duyên có vị      
          Không thường bị phạm giới tội nhiều
              Khi bị hỏi, thường nói điêu
       Tránh né câu hỏi, hướng chiều khác ngay.
          Khởi phẫn nộ hoặc đầy sân hận
          Và bất mãn, không lắng dịu ngay,
              Không xử sự chân chánh vầy,
       Không dứt giới tội, không rày ăn năn.
          Không nói : ‘Làm sao Tăng hoan hỷ ?’.
          Vị ấy bị Tăng Chúng điều tra
              Sau khi nhiều lần điều tra
       Không giải tội ấy trải qua nhanh liền.
 
      *  Phách-Đa-Li ! Căn nguyên có vị
          Không thường bị phạm giới tội nhiều
              Khi bị hỏi, vị này đều
       Không tránh câu hỏi về điều đáng chê,
          Không phẫn nộ, không hề sân hận,
          Không bất mãn, xử sự chánh chân,
              Có chấm dứt giới tội phần,
       Có nói : ‘Phải làm sao Tăng  hài lòng ?’.
          Lành thay ! Nếu thuận đồng Tôn-giả
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   400
 
          Điều tra Tỷ Kheo đã nhiều lần
              Hãy giải tội này cho nhanh’.
       Và các vị giải tội nhanh chóng liền.
 
          Trong Tăng Chúng phải nên mềm mỏng
          Có Tỷ Kheo còn sống trong Tăng
              Với chút lòng tin là nhân,
       Lòng thương một ít rất cần thiết thay !
          Nếu chúng ta thường hay kết tội
    Tỷ Kheo này – bất lợi cho y,
              Chút ít lòng tin diệt đi !
       Lòng thương của vị ấy thì tiêu ma !
          Vậy chúng ta đừng để vị đó
      Mất lòng tin vốn có ít đi.
              Ví như, này Phách-Đa-Li !
  Người có một mắt yêu vì mắt y.
          Các bạn hữu, thân tùy quyến thuộc
  Bảo vệ suốt con mắt người này,
              Và họ suy nghĩ như vầy :
      ‘Chớ để con mắt còn đây đui mù’.
 
          Cũng vậy, như Tỷ Kheo đang sống  
          Trong Tăng chúng, vốn mỏng lòng tin
              Chúng ta hãy nên giữ gìn
       Đừng để chút ít lòng tin diệt dần.
          Phách-Đa Lí ! Do phần nhân ấy,
          Do duyên ấy, Chúng Tăng ở đây
              Hoặc kết tội Tỷ Kheo vầy,
       Hoặc không kết tội vị này Tỷ Kheo ”.
 
    – “ Bạch Thế Tôn ! Dựa theo nguyên ủy 
          Do nhân nào, đích thị duyên nào     
              Xưa, học giới ít biết bao
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   401
 
       Nhưng nhiều Phích-Khú chứng vào pháp siêu,
          Ngộ, nhập chánh trí nhiều hơn hẳn
          Thời hiện nay thì vắng, ít đi ? ”.
 
        – “ Nghe đây, này Phách-Đa-Li !
       Hữu tình các loại một khi biếng lười
          Bị thối thất, mất thời diệu pháp,
          Các giới luật được lập nhiều ra,
              Ngộ chánh trí ít hơn xa,
       A-Sa-Vát-Thá-Ni-Dà Đam-Ma(1)
        ( Hữu lậu pháp - xấu xa ) một số
          Chưa hiện khởi ở chỗ Tăng-Già
              Đạo Sư không chế định ra
       Giới luật nào đó để mà cấm ngăn.
 
          Các đệ tử phải hằng tuân thọ 
          Khi nào có hữu-lậu-pháp này
              Hiện khởi trong Tăng Chúng vầy
       Đạo Sư mới chế định ngay giới này
Đối trị ngay các pháp hữu-lậu.
 
          Pháp hữu-lậu chưa hiện khởi khi
              Tăng Chúng chưa lớn mạnh gì.
       Tăng Chúng lớn mạnh, tức thì xảy ra
Pháp hữu-lậu xấu xa hiện khởi.
          Phách-Đa-Lí ! Do bởi Tăng-Già
              Đã được lớn mạnh, tịnh hòa,
       Một số hữu-lậu-pháp đà khởi lên.
          Thế cho nên Đạo Sư chế định
          Giới thanh tịnh cho đệ tử ngay
Đối trị pháp hữu lậu này.
   __________________________
 
(1) : Asavatthaniya dhamma  – hữu lậu pháp.
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   402
 
       Khi nào Tăng Chúng đêm ngày lao đao    
          Chưa đạt được tối cao quyền lợi,
          Chưa đạt tới tối thượng danh xưng,
              Chưa đạt được sự đa văn,
       Chưa đạt địa vị gia tăng như vầy,
Hữu-lậu-pháp lúc này chưa khởi.  
 
          Khi Tăng Chúng đạt tới điều này : 
              Địa vị kỳ cựu đủ đầy,
       Quả vị tối thượng, sâu dày đa văn,
          Thời sẽ dần khởi lên một số
Hữu-lậu-pháp ở chỗ Tăng-Già.
              Khi ấy Đạo Sư định ra
       Giới cho đệ tử hành qua đêm ngày,
          Đối trị ngay các pháp hữu-lậu.
 
          Phách-Đa-Lí ! Trong giáo pháp Ta  
              Ông còn quá ít trải qua
       Pháp môn Ta đã giảng ra tỏ tường.
Một ví dụ về lương-chủng-mã,
          Ông nhớ không ? Hay đã quên rồi ? ”.
 
        – “ Bạch Phật ! Con không nhớ rồi ! ”.  
 
 – “ Này Phách-Đa-Lí ! Vậy thời do đâu ?
          Do nhân nào xảy ra như vậy ?
 
    – “ Vì trong thời gian ấy, con đây
              Không hành trọn vẹn giới này
       Trong giáo pháp của bậc Thầy chánh chân ”.
 
    – “ Không phải chỉ có nhân như vậy,
          Không chỉ duyên như vậy miệt mài
              Vì trong một thời gian dài
       Ta với tâm của ông đây biết rằng :
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   403
 
          Khi Ta đang thuyết giảng pháp đó
          Kẻ ngu này không có để tâm
              Không có tác ý thâm trầm
       Và không dùng nhất-thiết-tâm để mà
Tư niệm và lắng tai nghe kỹ.
         Phách-Đa-Lí ! Ta sẽ giảng ngay
             Dụ lương-chủng-mã pháp này,
       Hãy nghe, suy nghiệm điều đây kỹ càng ”.
 
    – “ Thưa vâng đấng Từ Hàng Điều Ngự ! ”.
 
          Rồi Phật giảng tuần tự vấn đề :
              Một điều-mã-sư lành nghề
       Nhận một lương mã thuộc về ngựa hay.
          Phải huấn luyện ngựa này thuần thục,
          Luyện liên tục để quen giây cương.
              Nếu nó vũng vẫy, kiên cường
       Nhảy chồm, nhảy ngược, cứ đương cự hoài,
          Vì chưa quen cách này huấn luyện.
 
          Nhưng do được huấn luyện thường xuyên
              Nên tuấn mã thuần thục liền
       Tiếp tục huấn luyện qua yên ngựa này
          Dù chống đối những ngày đầu tập
          Nhưng bất chấp ngựa lồng, vẫy vùng
              Vẫn theo sự huấn luyện chung,
       Do sự huấn luyện, ngựa thuần thục nhanh.
          Khi tuấn mã trở thành thuần thục
          Điều-mã-sư tiếp tục luyện rèn
              Cho lương mã ấy dần quen
       Việc chạy, phi, hí, những phen diễn hành,
          Tập cho rành trò chơi vương giả
          Đầu móng chân đi đã luyện rành
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   404
 
              Tối thượng tốc lực phi nhanh,
       Tối thượng nhanh nhẹn, thiện hành tối cao.  
          Do dựa vào phương pháp huấn luyện
          Mọi phương diện thuần thục ngựa hay
              Khi tuấn mã hiền thiện này
       Được luôn huấn luyện cho hay hoàn toàn,
          Điều-mã-sư lại càng trang sức
Cho ngựa thực đẹp đẽ, uy nghi.
 
              Lại nữa, này Phách-Đa-Li !
       Tuấn mã thành tựu các chi tiết lành,
          Mười đặc tánh trở thành xứng đáng
          Bậc vương giả, xứng đáng báu trân.
              Cũng vậy, Tỷ Kheo tự thân
       Thành tựu mười pháp chánh chân hoàn toàn,
          Đáng kính trọng, cúng dàng, kính ái,
          Đáng lễ bái, đáng được chắp tay,
Ruộng phước cao thượng đời này.
       Thế nào mười pháp như vầy kể ra ?
 
          Tỷ Kheo mà thành tựu phương diện :  
          Vô-học chánh-tri-kiến mọi thì,
              Đạt vô-học chánh-tư-duy ,
       Vô-học chánh-ngữ điều ni tựu thành,
          Rồi tựu thành vô-học chánh-nghiệp,
          Vô-học chánh-mạng tiếp tựu thành,
              Vô-học chánh-tinh-tấn thành,
       Vô-học chánh niệm tựu thành tiếp theo,
          Vô-học chánh-định đều thành tựu,
          Vô-học chánh-trí tựu thành nhanh,
Vô-học chánh-giải-thoát thành.
 
       Này Phách-Đa-Lí ! Được thành tựu ngay
Trung Bộ (Tập 2)  Kinh 65 :   BHADDÀLI           * MLH  –   405
 
          Mười pháp này, Tỷ Kheo xứng đáng   
          Được tôn kính, xứng đáng cúng dường,
              Đáng được chắp tay kính nhường,
       Là phước điền có vô lường phước duyên ”.
 
          Nghe Thế Tôn hiện tiền thuyết giảng
          Để Chúng Tăng viên mãn thọ trì
              Vị Tôn-giả Phách-Đa-Li
       Hoan hỷ tín thọ, nhớ ghi lời vàng ./-
 
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  (3L )
 
 
 
 
*   *   *
 
 
 
 
(  Chấm dứt  Kinh số 65  :  Kinh  BHADDÀLI
–   BHAD DÀLI  Sutta  )
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/07/2022(Xem: 2624)
Mùa hè năm 2000 tôi dẫn hai cậu con trai một lớn, một bé đi nghỉ hè tại một nơi thật đặc biệt tại miền Nam nước Pháp. Nơi có những khu vườn thoai thoải trồng nho bát ngát và sản xuất rượu vang Bordeaux nổi tiếng. Nhưng chúng tôi không đi tìm rượu nho, mà tìm Làng Hồng (Plumvillage) của Sư Ông “Thiền Chánh Niệm“ để dự khóa tu một tuần.
14/07/2022(Xem: 5774)
Bảo Lạc tăng nhân quê Quảng Nam Xuất gia Linh Ứng dưỡng chân tâm Tinh cần sớm tối nghiên kinh kệ Dõng mãnh đêm ngày thắp tuệ ân Nhật Bản du phương tìm mối đạo Úc Châu trụ xứ dựng đàn tràng Khai thông đạo mạch rền âm pháp Hội Chủ bi nguyền hạnh đức lan..!
26/06/2022(Xem: 3036)
Thật là một đai duyên trong buổi sáng thỉnh chuông khuya ngày 25/7/2022, TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức đã bắt đầu khai Kinh Đại Bảo Tích, một bộ kinh mà con đã trân trọng kính thỉnh từ 2009 gồm đầy đủ 9 tập. Thế nhưng có lẽ con chưa đủ căn cơ để nghe và thâm nhập dù rằng vào lúc ấy đã có CD Và MP3 đọc tụng đầy đủ pháp hội vậy mà con vẫn không thể nào khế hợp. Và bộ kinh ấy chỉ nằm trong tủ thờ của con đến nay …..Gần đây bỗng nhiên sau mỗi lần công phu dường như có một chút gì thôi thúc con và con phát nguyện sẽ đọc tụng Bộ Kinh này cho đến khi nào thâm nhập được mới thôi thì dường như Chư Thiên và Long Thần Hộ Pháp đã báo tin vui …
26/06/2022(Xem: 3292)
Từ lâu ta đã được nghe từ Đức Phật dạy: “Ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và làm hạnh phúc cho những người chung quanh, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật”.
23/06/2022(Xem: 2769)
Trong lúc soạn lại các quyền tập đã ghi chép trong lúc mới bắt đầu học Phật, tôi gặp lại một bài viết của Thiền Sư Zengyan Guo Jun (người Canada Trưởng trung tâm Drama Dam Retreat / Pine Bush/ New York hiện trụ trì tại Singapore) tựa đề “Chan Health- Chan Mind “ chợt một chút mừng vui vì thấy từ nhiều năm về trước mình đã có một chút am hiểu về Vũ trụ thiên nhiên, Thực tại và Con người.
20/06/2022(Xem: 3008)
Kính dâng đến vị Thầy mà con quý kính sau nhiều năm cộng tác chung trên trang nhà Quảng Đức, Chủ biên, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm Tổng Thư ký hội đồng điều hành GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan: TT Thích Nguyên Tạng. Dường như vận mệnh tôi gắn liền với chữ Canh cô, Mậu quả lại mang thân người nữ nên chưa bao giờ tôi được kề cận nương tựa vào sự chỉ giáo thật kỹ lưỡng của một bậc Đạo Sư dù rằng tôi đã có một Sư Phụ Viên Minh tuyệt vời và quý Sư Thúc danh tăng, nhưng quý Ngài vẫn cách xa vạn dặm nên trong suốt gần 9 năm trường chỉ hội ngộ hai lần còn thì chỉ qua online thăm hỏi vắn tắt, những buổi trà đạo, những bài pháp thoại để rồi tự mình học lấy điều hay lẽ phải và chiêm nghiệm thêm thôi.
30/04/2022(Xem: 2801)
Chúng tôi là những nữ sinh vào lớp đệ thất khi trường Lê Quí Đôn Nha Trang mới mở. Thầy Võ Hồng dạy hai môn Vạn vật và Việt văn, Thầy cũng là người chỉ đạo coi sóc lớp tôi. Thầy thường chạy chiếc velo đen, cao người, thật hiền và rất tế nhị. Thầy biết hết lý lịch và tánh tình từng học sinh trong lớp.
26/04/2022(Xem: 4680)
Lão trượng qua cầu Hoài sao chẳng tới Chân vẫn bước mau Tâm như hư thái
12/04/2022(Xem: 3353)
Môn học về tiếng mẹ đẻ của một dân tộc là giá trị tiêu biểu về tính nhân văn của con người và đất nước đó. Thử mở chương trình học về ngôn ngữ bản xứ của các nước có gia tài đồ sộ về ngôn ngữ và văn chương sẽ thấy rõ ràng sự nhất quán về danh xưng của môn học tiếng mẹ đẻ từ cấp tiểu học đến đại học của xứ đó: Trung Văn (中文), Anh Văn (English), Pháp Văn (Française)... Việt Văn (Ngữ Văn)! Các danh xưng Trung Văn, Anh Văn, Pháp Văn… đều có lịch sử suốt nhiều trăm năm; chỉ riêng lịch sử Ngữ Văn thì phải tính bằng số chục.
11/04/2022(Xem: 3333)
Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cho rằng Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế (58-75) căn cứ vào sự kiện vua nằm mộng thấy một người thân vàng ròng bay vào cung điện. Có vị cận thần tâu đó là đức Phật ở xứ Thiên Trúc - đấng Giác ngộ trên cả trời người. Vua liền sai người đến Tây Vực tìm cầu Phật pháp. Thật ra, Phật giáo vào Trung Quốc trước cả đời Hán Minh Đế. Lúc bấy giờ, Đạo giáo đang rất thịnh hành. Thời điểm này, Phật giáo chỉ thuần là một loại tôn giáo tế tự, học thuyết đặc thù của Phật giáo chỉ là quỉ thần báo ứng, gần với thuật cúng tế, bói toán của Trung Quốc. Vì thế, tăng sĩ Phật giáo cùng hoạt động song hành với các đạo sĩ của Đạo giáo. Tín đồ Phật giáo yêu chuộng cả đạo sĩ của Đạo giáo, nên cả hai đều hoạt động mạnh mẽ trong hoàng tộc, chứ không ảnh hưởng lớn đến dân chúng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]