Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu tập là phải bảo toàn Đạo Pháp thật tinh khiết

26/12/201404:17(Xem: 6696)
Tu tập là phải bảo toàn Đạo Pháp thật tinh khiết

Ajahn Mun

Muttodaya (Con tim giải thoát)

là một quyển sách góp nhặt một số bài giảng ngắn của nhà sư Thái Lan Ajahn Mun (1870-1849). Quyển sách gồm tất cả 17 chương:


Chương 1: Tu tập là phải bảo toàn Đạo Pháp thật tinh khiết.
Chương 2: Nếu muốn bước theo các vết chân của Đức Phật thì trước hết phải tự mình luyện tập trước đã và sau đó thì mới có thể luyện tập cho kẻ khác.
Chương 3: Nguồn gốc mà mình được thừa hưởng sẽ là vốn liếng giúp mình tự luyện tập.
Chương 4: Nền tảng căn bản của việc luyện tập.
Chương 5: Nguyên nhân cội rễ của tất cả mọi thứ trong vũ trụ.
Chương 6: Căn nguyên khởi động chu kỳ xoay vần của cái chết và sự tái sinh.
Chương 7: Vị thế tối thượng: căn bản giúp mình bước vào con đường, thực hiện kết quả và niết-bàn.
Chương 8: Thành trì bảo vệ sự tu tập của chính mình.
Chương 9: Phương pháp phát huy sự quán thấy sâu xa và loại bỏ tận gốc các uế tạp tâm thần.
Chương 10: Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng ngời thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê.
Chương 11: Phương cách luyện tập của một người hành thiền phải thích nghi với tính khí của người ấy.
Chương 12: Bài giảng về Mulatika (cội nguồn chung của ba thể dạng).
Chương 13: Chỉ có các vị visuddhi deva (các vị thiên nhân tinh khiết) mới thật sự đạt được sự an bình.
Chương 14: Sự bất động là điểm tột cùng của thế giới, vượt lên trên mọi sự giả định và tạo dựng tâm thần.
Chương 15: Năm cõi chúng sinh.
Chương 16: Ý nghĩa trong bài thuyết giảng thứ nhất, trong bài thuyết giảng ở giữa và bài thuyết giảng cuối cùng.
Chương 17: Bất cứ một vị A-la-hán nào nếu muốn đạt được sự Giải Thoát bằng sự tập trung và bằng trí tuệ thì đều phải luyện tập đến chỗ tột cùng của phép tu về ba điểm.

Chương 9 và 10 đã được người dịch chuyển ngữ trước đây (xem link trên). Dưới đây là bản chuyển ngữ của Chương 1.


Tu tập là phải bảo toàn Đạo Pháp thật tinh khiết

Đức Phật dạy rằng nếu đem Đạo Pháp của Ngài đặt vào con tim của một người bình dị thì nhất định là nó sẽ bị biến dạng (saddhamma-patirupa; sad có nghĩa là đúng đắn, dhamma có nghĩa là Đạo Pháp, patipura có nghĩa là lệch lạc, do đó có thể hiểu các chữ saddhamman-patirupa là "Đạo Pháp đúng đắn không bị lệch lạc" hay bóp méo). Trái lại nếu đặt nó vào con tim của một Người Cao Quý (Kalyanamitta) (Kalyanamitta là một từ ghép; kalyana: đạo đức, nhân ái; mitta: bạn hữu, do đó có thể hiểu từ ghép này là "một người bạn đạo hạnh" hay một "người đồng hành đạo đức". Kinh sách bằng các ngôn ngữ Tây Phương thường dịch là Être Noble/Noble One. Kinh sách gốc Hán ngữ dịch là thiện trí thức/shàn zhīshì 善知識, thiết nghĩ cách dịch này không được thích nghi lắm bởi vì ngày nay rất khó hình dung ra những người "thiện trí thức" là những thành phần nào trong xã hội) thì nó sẽ trở nên tinh khiết, và sẽ không bao giờ phai mờ hay u tối.

Vì thế, khi chúng ta còn chỉ biết dồn tất cả thì giờ của mình vào việc nghiên cứu Đạo Pháp trên mặt lý thuyết, thì khi đó Đạo Pháp cũng sẽ chẳng mang lại một sự lợi ích nào cả. Chỉ khi nào chúng ta biết luyện tập con tim mình hầu giúp nó loại bỏ được tất cả những thứ thêm thắt, hủ hóa (upakkilesa/corruption/nguyên nghĩa tiếng Pa-li là ô nhiễm, không tinh khiết) của nó thì khi đó chúng ta mới thừa hưởng được trọn vẹn những gì mà con tim có thể mang lại cho mình (xin hiểu con tim ở đây là vừa con tim và cũng vừa là tâm thức. Trong các ngôn ngữ Á Châu chữ "tâm" thường được xem vừa là tâm thức và vừa là con tim). Và cũng chỉ khi ấy Đạo Pháp đích thật mới được bảo toàn một cách tinh khiết, các nguyên lý nguyên thủy sẽ không bị một sự méo mó hay lệch lạc nào.

Ajahn Mun





Vài lời ghi chú của người dịch

Bài giảng của nhà sư Ajahn Mun thật ngắn và cách diễn đạt cũng hết sức giản dị, thế nhưng thật ra thì lại rất sâu sắc. Đạo Pháp đúng đắn và đích thật là gì? Những thứ lệch lạc, thêm thắt, hủ hóa, không tinh khiết là gì? Nếu muốn hiểu được các điều này thì phải mở rộng vấn đề hơn và ngược trở về dòng lịch sử phát triển của Phật Giáo.

Trong những lời thuyết giảng cuối cùng trước khi nhập diệt Đức Phật có khuyên bảo với các đệ tử một câu như sau: "Sau khi ta nhập diệt, Đạo Pháp sẽ thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch".

Lời khuyên bảo này cho thấy là Đức Phật không chỉ định một vị thừa kế nào cũng không thiết lập một uy quyền lãnh đạo nào để duy trì sự thống nhất của Đạo Pháp. Quyết định này của Đức Phật thật hết sức độc đáo. Các tín ngưỡng thời bấy giờ đều mang chung một nét khá đặc thù là chủ trương sự giải thoát cá nhân: mỗi vị thầy đưa ra một phép tu tập riêng và thu nạp đệ tử cho mình. Các vị thầy thuộc các xu hướng tu tập khác nhau xuất hiện nhan nhản khắp nơi, kể cả bên trong các tôn giáo lớn là Bà-la-môn và đạo Ja-in. Tóm lại tín ngưỡng vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế vô cùng đa dạng. Đối với các tôn giáo hữu thần hình thành bên ngoài đất Ấn sau này cũng thế, tuy thờ chung một vị Trời, thế nhưng sau khi một vị sáng lập qua đời thì sau đó giáo lý của vị này sẽ bị tách ra thành nhiều tôn giáo mới, lãnh đạo bởi các vị tiên tri (prophet) khác nhau, và thường trở nên kình chống nhau.

Thời gian dài năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt là một giai đoạn thật gay go, bởi vì việc bảo tồn giáo huấn chính thống của Đức Phật chỉ duy nhất dựa vào việc học thuộc lòng. Dù đã được chính đốn nhằm mục đích loại bỏ các sự thêm thắt và lệch lạc qua nhiều lần kết tập Đạo Pháp được tổ chức trong thời gian này, thế nhưng cũng đã có gần ba mươi học phái và tông phái khác nhau được hình thành. Trong số này chỉ có một học phái duy nhất còn tồn tại đến nay là Phật Giáo Theravada, nguyên nghĩa của chữ này là "Con Đường của những Người Xưa" (kinh sách gốc Hán ngữ dịch chữ này là "Thượng toạ bộ" hay "Trưởng lão bộ", cách dịch này không được sát nghĩa lắm, có thể là vì nhầm lẫn ý nghĩa của chữ thera, chữ này vừa được dùng để gọi các vị tỳ kheo đã xuất gia hơn mười năm (thượng tọa), nhưng cũng có nghĩa là "những người xưa" hay "những người đi trước").

Mọi hiện tượng đều biến đổi không ngừng, giáo huấn của Đức Phật tức là Đạo Pháp do Ngài đưa ra cũng chỉ là một hiện tượng. Con người, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, văn minh tất cả đều biến đổi. Dù Đạo Pháp cũng chỉ là một "hiện tượng" và dù đã được diễn đạt dưới nhiều góc cạnh khác nhau đưa đến sự hình thành của nhiều tông phái và học phái khác nhau thế nhưng cốt lõi giáo huấn do Đức Phật đưa ra vẫn được bảo tồn. Giáo huấn của Ngài không bị chia năm xẻ bảy để biến thành các tôn giáo khác, cũng không có một đấng tiên tri nào thay mặt Ngài để áp đặt quan điểm của mình cả. Quyết định của Đức Phật trên đây chẳng phải là vô cùng sáng suốt, khéo léo và nhìn xa hay sao?

Cứu cánh trong việc tu tập của Phật Giáo Theravada là Trí Tuệ, giúp người tu tập trông thấy được hiện thực đúng như Đức Phật đã trông thấy khi đạt được Giác Ngộ. Con đường đó là cách giữ giới và thiền định (sáu điều đúng đắn/lục ba-la-mật) giúp mình chủ động thân xác, ngôn từ và tư duy hầu phát huy Trí Tuệ để giúp mình đạt được sự quán thấy tối thượng mà Đức Phật đã đạt được khi ngồi thiền dưới cội Bồ-đề. Giữ giới và thiền định sẽ giúp mình dần dần loại bỏ được tất cả các sự bám víu và dục vọng nhằm thực hiện thể dạng Giải Thoát của người A-la-hán, tức là một thể dạng Đình Chỉ tuyệt đối, không còn hình thành, hủy hoại và tái sinh nữa, nói cách khác là sự hiện hữu này là sự hiện hữu cuối cùng của mình trong thế giới hiện tượng. Phật Giáo Đại Thừa được hình thành sáu thế kỷ sau các học phái xưa, tức là bắt đầu từ thứ thế kỷ thứ I sau Tây Lịch, cho rằng con đường tinh khiết hóa của các học phái này - đại diện bởi Phật Giáo Theravada ngày nay - mang quá nặng tính cách "cá nhân", và do đó đã chủ trương một đường hướng tu tập mở rộng, nêu cao lý tưởng Từ Bi của người Bồ-tát.

Thế nhưng sự phân biệt trên đây thật hết sức là nông cạn, bởi vì tất cả các học phái và tông phái Phật Giáo không phân biệt một học phái hay tông phái nào, bởi vì đối với tất cả thì Từ Bi và Trí Tuệ luôn đi đôi với nhau, không thể tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một sự thật duy nhất: không có Trí Tuệ sẽ không có Từ Bi, và không có Từ Bi sẽ không bao giờ có Trí Tuệ. Cả hai phải luôn kết hợp với nhau để tạo ra Con Đường Phật Giáo. Trí Tuệ đơn thuần chỉ là một sự hiểu biết lạnh buốt và cứng nhắc như một thanh kiếm, Từ Bi đơn thuần chỉ là một cách che dấu sự bám víu thô thiển vào cái tôi mang đầy dục vọng của mình mà thôi.

Điểm khác biệt nổi bật thứ hai là theo Phật Giáo Theravada thì Đức Phật qua các tiền kiếp cũng chỉ là một chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác, nhưng đã từng hành xử như những vị bồ-tát. Trong kiếp nhân sinh cuối cùng trước khi đạt được Giác Ngộ và thành Phật thì Ngài cũng chỉ là một hoàng tử như các vị hoàng tử khác. Sau khi kiếp nhân sinh cuối cùng ấy chấm dứt thì Ngài vĩnh viễn hòa nhập vào Đại Bát Niết Bàn. Trong khi đó đối với Đại Thừa Phật Giáo thì Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ từ trước, sắc thân trong kiếp tái sinh này của Ngài chỉ là thể dạng Ứng Thân hay Hóa Thân (Nirmanakaya) nêu lên tấm gương cho chúng sinh trong thế gian này noi theo. Từ vô lượng kiếp Ngài đã vượt hết mười địa giới trên con đường đường thăng tiến của người bồ-tát và đã đạt được Pháp Thân (Dharmakaya) biểu trưng cho Trí Tuệ tối thượng, nói cách khác là Ngài đã thành Phật từ trong quá khứ trước khi hiện ra với chúng ta trong thế giới này. Ứng thân (Nirmanakaya) chỉ là một thể dạng "hiển lộ" (emantion), một "phương tiện" hữu hiệu mang mục đích cứu độ chúng sinh. Các thể dạng Ứng thân không phải là kết quả tạo ra bởi các thứ cấu hợp thô thiển và thông thường,. Khái niệm về Ứng Thân đã đưa đến sự xuất hiện của vô số chư Phật và các vị Bồ-tát không có trong các học phái Phật Giáo xưa đã mai một và trong Phật Giáo Theravada ngày nay.

Nét đặc thù này của Đại Thừa Phật Giáo không những là một đường hướng tu tập mới mà còn mở ra cả một bầu không gian rộng lớn và "phóng khoáng", đưa đến các sự diễn đạt, triển khai "sâu rộng" hơn về một số các khía cạnh và khái niệm giáo lý do Đấng Thế Tôn đưa ra. Các nỗ lực này tất nhiên cũng đã đưa đến các phương thức tu tập thích nghi và phù hợp. Dưới một góc nhìn khác cũng có thể cho rằng các nỗ lực đó là một cách thích ứng với sự tiến bộ xã hội cũng như các nền văn hóa khác nhau. Sự mở rộng này của Phật giáo Đại Thừa là một lợi điểm rất lớn mang lại một sự hiểu biết sâu sắc trên các bình diện triết học siêu hình, tâm lý học, luận lý học, lô-gic học và cả khoa học về giáo huấn mang tính cách thiết thực của Đức Phật. Điển hình và tiêu biểu nhất cho các nỗ lực này là tư tưởng và các công trình trước tác của Long Thụ, Thế,Thân, Trần Na, v.v... Thế nhưng trên một bình diện khác sự mở rộng đó cũng như lý tưởng Từ Bi của người bồ-tát do Đại Thừa Phật Giáo chủ trương cũng đã đưa đến nhiều hình thức tu tập mang nặng tính cách tín ngưỡng với đủ mọi thứ màu mè và nghi thức, cùng với sự xuầt hiện của vô số các vị Phật, Thánh Nhân và Bồ-tát không mang tính cách lịch xử. Dưới một góc nhìn nào đó thì đấy cũng không phải là một sự lệch lạc mà chỉ là các phương tiện thiện xảo (upaya) nhằm thích nghi với các trình độ khác nhau và tính khí phức tạp của những người tu tập.

Bài giảng của nhà sư Ajahn Mun cảnh giác chúng ta về sự mở rộng đó trên phương diện lý thuyết và cả trên phương diện tu tập dưới các hình thức "phương tiện thiện xảo". Thật vậy, Phật Giáo Đại Thừa khi chủ trương một sự mở rộng tối đa đã không tránh khỏi tạo ra một thế giới lý tưởng mang một số khía cạnh phụ thuộc gây ra một sự hoang mang nào đó cho người tu tập. Các khía cạnh lý tưởng đó của Phật Giáo Đại thừa tương phản với tính cách vô cùng chính xác và thiết thực của Phật Giáo Theravada nêu lên trong Tam Tạng Kinh.

Thiết nghĩ đấy cũng chính là chủ đích và ý nghĩa trong các lời khuyên của nhà sư Ajhan Mun. Một cách thiết thực là người tu tập phải luôn ý thức được rằng mình đang đứng ở vị trí nào trên Con Đường mà Đức Phật đã vạch ra cho mình? Mình đang tu tập các phương tiện thiện xảo để thỏa mãn các đòi hỏi bản năng của mình hay là nhìn vào các vết chân của Đức Phật để bước theo? Một khi chưa thấu triệt và thực hiện được giáo huấn của Phật Giáo Theravada thì việc bước vào Đại Thừa chỉ là chuyện viễn vông.


Bures-Sur-Yvette, 25.12.14
Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2016(Xem: 9075)
Nguyên văn đoạn kinh trong phẩm Phật-đà, Tương ưng bộ, như sau: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Này các Tỳ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”.
11/02/2016(Xem: 4298)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát. Bài viết này sẽ sắp xếp các lý luận sao cho thực dụng, có lợi cho tất cả những người quan tâm và muốn bước vào Thiền Tông. Tính thực dụng trong cách an tâm sẽ trình bày cụ thể, trong mức có thể được. Bản thân người viết tự xét sở học bất toàn, nên sẽ tránh ý riêng tối đa, để chủ yếu dựa vào các kinh Pali phổ biến, có sẵn với các bản Anh văn trên mạng.
24/12/2015(Xem: 4413)
Mỗi người khi sinh ra cũng chỉ với hai bàn tay trắng, rồi tùy theo phước báo và nghiệp lực gieo tạo, mà được trưởng thành trong ấm êm, đầy đủ, vinh danh, hay kiêu mạn, mặc sức thụ hưởng, hoang phí, làm việc thất đức để phải chịu cảnh bần cùng, đọa đày, khổ cực. “Tất cà chúng sanh đều có Phật tánh” kia mà ? Ai ràng buộc chúng ta mà phải cần giải thoát ? tất cả cũng đều do ta gieo tạo, rồi tự thọ nhận lấy quả báo mà thôi! Đời là khổ và con người vì “chấp ngã” tự ràng buộc mình
23/12/2015(Xem: 7925)
Phước báu hay phước đức là quan niệm đặc thù của Đông Phương. Đối với Tây Phương thì chỉ có gia tài, sự nghiệp, di sản để lại cho con cháu chứ không có chuyện phước báu hay phước đức. Quan niệm “phước báu hay phước đức” đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam và Trung Hoa. Người Việt Nam ta ai cũng mong cầu phước đức, lo vun trồng phước đức và rất sợ vô phúc.
19/12/2015(Xem: 4891)
Tâm giác ngộ là lẽ thật thiết yếu, phổ quát. Tư tưởng thuần khiết nhất này là nguyện ước và ý chí đưa tất cả chúng sanh đến sự thực chứng năng lực Giác Ngộ vô thượng. Bồ tát thấy tính bản nhiên như pha lê này hiện hữu trong tất cả chúng ta, và bằng việc nhận ra sự tuyệt đẹp của năng lực con người chúng ta, đã luôn luôn có sự tôn trọng.
29/11/2015(Xem: 4523)
Các thanh niên dòng Da Xá trông thấy tướng hảo giải thoát của các vị Thánh này, nên đã phát tâm xuất gia. Cha mẹ và vợ con của các thanh niên Da Xá tìm đến Lộc Uyển thấy hào quang của Đức Phật và đại chúng trang nghiêm cũng phát tâm quy y Tam bảo. Từ đó, Phật giáo có mặt ở Ấn Độ và trải qua suốt thời gian dài hơn 2500 năm, Phật giáo đã được truyền bá từ nước này sang nước khác, có lúc thạnh, lúc suy. Tìm hiểu nguyên nhân nào làm Phật pháp hưng thạnh, hay suy đồi, để chúng ta giữ gìn và phát triển được đạo pháp.
28/11/2015(Xem: 5331)
“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn. “Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.
28/09/2015(Xem: 5712)
Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.
26/09/2015(Xem: 5664)
Thật vậy, ngay sau khi thành đạo, Đức PHẬT đã tuyên bố “LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN KHỔ” của thế gian một cách rất ngắn gọn, giản dị, và rõ ràng; Chỉ như sự chửa bệnh của một ông Bác sĩ: "Nầy các tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trãi qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử... Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt 4 SỰ THẬT: 1) SỰ THẬT về KHỔ, 2) SỰ THẬT về NGUYÊN NHÂN của KHỔ 3) SỰ THẬT về NIẾT BÀN (lúc khổ tận diệt) 4) SỰ THẬT về CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn khổ đau vì sinh tử nữa."
08/09/2015(Xem: 5117)
Công cuộc giáo hoá độ sanh của Đức Phật thành tựu viên mãn chính nhờ Ngài tu tập Tứ vô lượng tâm đạt đến vô lượng. Tứ vô lượng tâm là Bốn tâm vô lượng bao gồm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm và Xả vô lượng tâm. “Từ” nguyên văn là: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567