Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Ưu Bà Tắc

12/01/201420:39(Xem: 9205)
Kinh Ưu Bà Tắc

Duc_Phat_Thich_Ca (6)


KINH ƯU BÀ TẮC

Tam tạng pháp sư Cù Đàm Tăng Già Đề Bà (người nước Kế-tân)

dịch từ Phạn văn ra Hán văn tại Trung-quốc,

vào đời Đông-Tấn (317-420).

Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn

tại Gia-nã-đại, năm 2012.

Đây là những điều chính tôi được nghe:

Thuở đó đức Phật đang ngự tại tinh xá Cấp-cô-độc, trong rừng cây Kì-đà, ở thành Xá-vệ. Một hôm nọ, trưởng giả Cấp Cô Độc cùng với năm trăm vị ưu bà tắc, đã tìm đến tịnh thất của tôn giả Xá Lị Phất. Các vị cúi đầu đảnh lễ tôn giả, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá Lị Phất đã sử dụng nhiều phương tiện khéo léo để thuyết pháp cho các vị cư sĩ này, đem lại cho họ niềm vui pháp lạc, làm phát khởi nơi họ niềm khát ngưỡng đối với Tam Bảo. Sau đó, tôn giả Xá Lị Phất tới chỗ Phật ngự, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Trưởng giả Cấp Cô Độc và năm trăm vị ưu bà tắc cũng nối gót tôn giả, đi đến chỗ Phật ngự, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi mọi người đã an tọa, đức Phật dạy:

“Này thầy Xá Lị Phất! Thầy nên biết rằng, nếu một vị đệ tử tại gia đạo hạnh, gìn giữ và thực hành năm giới phápmột cách hòan hảo, và tu tập thành tựu bốn tâm tăng thượng, thì có thể an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn gì. Xá Lị Phất! Thầy cũng nên ghi nhận rằng, vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỉ và bàng sinh. Một người như thế là đã đắc quả Tu-đà-hòan, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh-giác, không còn thối đọa vào các nẻo ác; chỉ còn qua lại cõi Trời và cõi Người tối đa bày lần nữa là chấm dứt sinh tử khổ đau.

“Thầy Xá Lị Phất! Người đệ tử tại gia đạo hạnh khéo gìn giữ và thực hành năm giới phápnhư thế nào?

“Vị ấy xa lìa sự giết hại, trừ dứt sự giết hại, buông bỏ dao gậy; biết hổ biết thẹn, tập từ tập bi, bảo hộ cho mọi lòai sinh vật, kể cả các lọai côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại. Đó là giới pháp thứ nhất mà người đệ tử tại gia đạo hạnh đã gìn giữ và thực hành hòan hảo.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy xa lìa sự không cho mà lấy, trừ dứt sự không cho mà lấy, khi nào cho mới lấy; tâm không keo kiệt, thường hay bố thí, vui vẻ trong sự bố thí, bố thí mà không cầu đền đáp; tâm không tham lam, thấy tài vật của người mà không ham lấy về cho mình. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm trộm cắp. Đó là giới pháp thứ hai mà người đệ tử tại gia đạo hạnh đã gìn giữ và thực hành hòan hảo.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy xa lìa sự tà dâm, trừ dứt sự tà dâm. Bất cứ là nam hay nữ, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha hay mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ đã hứa hôn, đối với người nam hay người nữ ở bất cứ chỗ nào trong những trường hợp này, đều không xâm phạm đến. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm. Đó là giới pháp thứ ba mà người đệ tử tại gia đạo hạnh đã gìn giữ và thực hành hòan hảo.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy xa lìa sự nói dối, trừ dứt sự nói dối; chỉ nói sự thật, vui thích sự chân thật, an trú vững chắc nơi sự chân thật; được tin cậy hòan tòan, không bao giờ dối gạt thế gian. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm dối trá. Đó là giới pháp thứ tư mà người đệ tử tại gia đạo hạnh đã gìn giữ và thực hành hòan hảo.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy xa lìa sự uống rượu, trừ dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc tánh thích uống rượu. Đó là giới pháp thứ năm mà người đệ tử tại gia đạo hạnh đã gìn giữ và thực hành hòan hảo.

“Thầy Xá Lị Phất! Người đệ tử tại gia đạo hạnh thành tựu bốn tâm tăng thượng như thế nào thì có thể an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn?

“Trước hết, vị ấy quán niệm về Như Lainhư thế này: Như Lai là bậc Không Dính Mắc, bậc Đẳng Chánh Giác, bậc Minh Hạnh Túc, bậc Thiện Thệ, bậc Thế Gian Giải, bậc Vô Thượng Sĩ, bậc Điều Ngự Trượng Phu, bậc Thiên Nhân Sư, là Phật, là đức Thế Tôn. Quán niệm về Như Lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều bị tiêu diệt, trong tâm vị ấy hòan tòan dứt sạch những niệm bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu. Nhờ niệm tưởng tới Như Lai mà tâm ý vị ấy trở nên trong sạch, có được niềm vui. Như vậy là vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy thành tựu được tâm tăng thượng thứ nhất, được an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy quán niệm về Phápnhư thế này: Giáo pháp đựợc đức Thế Tôn giảng dạy thật khéo léo, chắc chắn đưa tới thành quả giải thóat hòan tòan. Giáo pháp đó đưa tới trạng thái không ưu phiền, không bức não, có tính cách thường hằng, không dời đổi. Quán niệm và biết rõ như thế về Pháp thì những dục vọng xấu xa đều bị tiêu diệt, trong tâm vị ấy không còn những niệm bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu. Nhờ niệm tưởng tới Pháp mà tâm ý vị ấy trở nên trong sạch, có được niềm vui. Như vậy là vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy thành tựu được tâm tăng thượng thứ hai, được an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy quán niệm về Tăngnhư thế này: Thánh chúng của Như Lai là những bậc hướng về nẻo thiện, đi trên đường chánh, thực hành giáo pháp, sống đúng theo giáo pháp. Trong thánh chúng ấy có các bậc A-la-hán và sắp chứng A-la-hán, các bậc A-na-hàm và sắp chứng A-na-hàm, các bậc Tư-đà-hàm và sắp chứng Tư-đà-hàm, các bậc Tu-đà-hòan và sắp chứng Tu-đà-hòan; – tức là có đủ cả bốn đôi tám bậc. Thánh chúng của Như Lai đã thành tựu được Giới, thành tựu được Định, thành tựu được Tuệ, thành tựu được Giải-thóat, và thành tựu được Giải-thóat-tri-kiến. Thánh chúng ấy đáng được tôn kính, đáng được quí trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường; đó là ruộng phước tốt nhất cho thế gian. Nhờ niệm tưởng tới Tăng mà tâm ý vị ấy trở nên trong sạch, có được niềm vui. Như vậy là vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy thành tựu được tâm tăng thượng thứ ba, được an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn.

“Lại nữa, thầy Xá Lị Phất! Vị ấy quán niệm về Giớinhư thế này: Giới luật của Phật không có khuyết điểm, không bị xuyên thủng, vững chắc như đất, không uế trược, không hư vọng, được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận và hành trì. Quán niệm và biết rõ như thế về Giới thì những dục vọng xấu xa đều bị tiêu diệt, trong tâm vị ấy không còn những niệm bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu. Nhờ niệm tưởng tới Giới mà tâm ý vị ấy trở nên trong sạch, có được niềm vui. Như vậy là vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy thành tựu được tâm tăng thượng thứ tư, được an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn.

“Này thầy Xá Lị Phất! Nếu thầy biết rằng một vị đệ tử tại gia đạo hạnh giữ gìn và thực hành năm giới phápmột cách hòan hảo, cùng tu tập thành tựu bốn tâm tăng thượng, có thể an trú nơi niềm vui pháp lạc ngay trong hiện tại, rất dễ dàng, không khó khăn gì, thì, này Xá Lị Phất, thầy cũng nên ghi nhận rằng, vị đệ tử tại gia đạo hạnh ấy sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, hoặc nẻo ác nào khác. Một người như thế là đã đắc quả Tu-đà-hòan, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh-giác, không thối đọa vào các nẻo ác; chỉ còn qua lại cõi Trời và cõi Người tối đa bảy lần nữa là chấm dứt sinh tử khổ đau.”

Bấy giờ đức Phật nói bài tụng rằng:

Kẻ trí sống tại gia

Thấy sợ cảnh địa ngục,

Nên thọ trì Thánh Pháp.

Dứt trừ mọi điều ác.

Biết rõ và hành trì:

Không giết hại chúng sinh;

Chân thật, không dối trá;

Không trộm tài vật người;

Trung kiên đạo vợ chồng,

Thói tà dâm dứt tuyệt;

Nhất quyết không uống rượu

Để tâm chẳng lọan cuồng.

Thường niệm tưởng Chư Phật,

Thường niệm tưởng Chánh Pháp,

Niệm Tăng và niệm Giới,

Do đó tâm an vui.

Muốn thực hành bố thí

Để vun trồng phước đức,

Trước cúng bậc Tịch Tĩnh,

Được phước báo lớn nhất.

Nghe đây Xá Lị Phất!

Ta nói “bậc Tịch Tĩnh”:

Như bò và chim câu,

Tùy lọai chúng sinh ra,

Có con đen, con trắng,

Có con đỏ, con vàng,

Màu đốm hay màu tuyền…

Dù chúng màu sắc gì,

Xấu tốt không đáng kể.

Bò huấn luyện thuần thục,

Có sức mạnh chuyên chở,

Đi nhanh lại về nhanh,

Đó là lòai hữu dụng.

Ở nhân gian cũng vậy,

Người dù thuộc giới nào,

Sát đế lị, phạm chí,

Cư sĩ, hay thợ thuyền…

Những ai trì tịnh giới,

Không đắm nhiễm thế gian,

Trở thành bậc Thiện Thệ,

Cúng dường những bậc ấy,

Được phước báo rất lớn;

Phàm phu không hiểu biết,

Không tu, không trí tuệ,

Cúng dường những kẻ ấy,

Phước báo không đáng kể.

Có sáng mới chiếu soi,

Không sáng lấy gì soi?

Phật tử cần tu tuệ,

Căn lành thêm vững bền,

Chỉ sinh về cõi lành,

Qua lại cõi Trời, Người

Nhiều lắm là bảy lần,

Cuối cùng đạt Niết Bàn.

Đó là những lời đức Phật đã dạy. Tôn giả Xá Lị Phất, các vị tì kheo, trưởng giả Cấp Cô Độc và năm trăm vị ưu bà tắc, sau khi nghe lời Phật dạy, đều hoan hỉ phụng hành.

(Kinh Ưu Bà Tắc, kinh số 128, thuộc bộ Trung A Hàm,

tạng Đại Chánh, quyển 1, trang 616)

LƯU Ý: Xin đừng nhầm lẫn kinh Ưu Bà Tắcnày với kinh ƯU BÀ TẮC GIỚI, thuộc hệ kinh luật đại thừa, do tam tạng pháp sư Đàm Vô Sấm (385-433) dịch từ Phạn văn ra Hán văn vào năm 426, tại nước Bắc-Lương (397-439), Trung-quốc, được thu vào tạng Đại Chánh, quyển 24, mang số 1488, trang 1034.

PHỤ GHI:

Liên quan đến bậc Tu-đà-hoàn, trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy: “Tu-đà-hoàn có hai hạng: một là hạng độn căn; hai là hạng lợi căn. Hạng độn cănthì phải qua lại giữa cõi Người và cõi Trời bảy lần mới chứng quả A-la-hán. Hạng độn căn này lại còn có năm hạng nữa: có hạng thì phải qua lại sáu lần; có hạng thì phải qua lại 5 lần; có hạng thì phải qua lại bốn lần; có hạng thì phải qua lại ba lần; có hạng thì chỉ qua lại hai lần, mới chứng quả A-la-hán. Còn hạng lợi cănthì chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán ngay trong đời hiện tại.”

(Đại Bát Niết Bàn Kinh, phẩm “Ca Diếp Bồ Tát”,

Tam tạng pháp sư Đàm Vô Sấm dịch ra Hán văn

tại nước Bắc-Lương (397-460), thời đại Đông-Tấn Liệt Quốc,

Tạng Đại Chánh, quyển 12, kinh số 374.

Hạnh Cơ trích dịch ra Việt văn.)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2016(Xem: 9148)
Nguyên văn đoạn kinh trong phẩm Phật-đà, Tương ưng bộ, như sau: “Này các Tỳ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Này các Tỳ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”.
11/02/2016(Xem: 4357)
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát. Bài viết này sẽ sắp xếp các lý luận sao cho thực dụng, có lợi cho tất cả những người quan tâm và muốn bước vào Thiền Tông. Tính thực dụng trong cách an tâm sẽ trình bày cụ thể, trong mức có thể được. Bản thân người viết tự xét sở học bất toàn, nên sẽ tránh ý riêng tối đa, để chủ yếu dựa vào các kinh Pali phổ biến, có sẵn với các bản Anh văn trên mạng.
24/12/2015(Xem: 4441)
Mỗi người khi sinh ra cũng chỉ với hai bàn tay trắng, rồi tùy theo phước báo và nghiệp lực gieo tạo, mà được trưởng thành trong ấm êm, đầy đủ, vinh danh, hay kiêu mạn, mặc sức thụ hưởng, hoang phí, làm việc thất đức để phải chịu cảnh bần cùng, đọa đày, khổ cực. “Tất cà chúng sanh đều có Phật tánh” kia mà ? Ai ràng buộc chúng ta mà phải cần giải thoát ? tất cả cũng đều do ta gieo tạo, rồi tự thọ nhận lấy quả báo mà thôi! Đời là khổ và con người vì “chấp ngã” tự ràng buộc mình
23/12/2015(Xem: 8003)
Phước báu hay phước đức là quan niệm đặc thù của Đông Phương. Đối với Tây Phương thì chỉ có gia tài, sự nghiệp, di sản để lại cho con cháu chứ không có chuyện phước báu hay phước đức. Quan niệm “phước báu hay phước đức” đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam và Trung Hoa. Người Việt Nam ta ai cũng mong cầu phước đức, lo vun trồng phước đức và rất sợ vô phúc.
19/12/2015(Xem: 4917)
Tâm giác ngộ là lẽ thật thiết yếu, phổ quát. Tư tưởng thuần khiết nhất này là nguyện ước và ý chí đưa tất cả chúng sanh đến sự thực chứng năng lực Giác Ngộ vô thượng. Bồ tát thấy tính bản nhiên như pha lê này hiện hữu trong tất cả chúng ta, và bằng việc nhận ra sự tuyệt đẹp của năng lực con người chúng ta, đã luôn luôn có sự tôn trọng.
29/11/2015(Xem: 4550)
Các thanh niên dòng Da Xá trông thấy tướng hảo giải thoát của các vị Thánh này, nên đã phát tâm xuất gia. Cha mẹ và vợ con của các thanh niên Da Xá tìm đến Lộc Uyển thấy hào quang của Đức Phật và đại chúng trang nghiêm cũng phát tâm quy y Tam bảo. Từ đó, Phật giáo có mặt ở Ấn Độ và trải qua suốt thời gian dài hơn 2500 năm, Phật giáo đã được truyền bá từ nước này sang nước khác, có lúc thạnh, lúc suy. Tìm hiểu nguyên nhân nào làm Phật pháp hưng thạnh, hay suy đồi, để chúng ta giữ gìn và phát triển được đạo pháp.
28/11/2015(Xem: 5361)
“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn. “Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.
28/09/2015(Xem: 5733)
Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.
26/09/2015(Xem: 5695)
Thật vậy, ngay sau khi thành đạo, Đức PHẬT đã tuyên bố “LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN KHỔ” của thế gian một cách rất ngắn gọn, giản dị, và rõ ràng; Chỉ như sự chửa bệnh của một ông Bác sĩ: "Nầy các tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trãi qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử... Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt 4 SỰ THẬT: 1) SỰ THẬT về KHỔ, 2) SỰ THẬT về NGUYÊN NHÂN của KHỔ 3) SỰ THẬT về NIẾT BÀN (lúc khổ tận diệt) 4) SỰ THẬT về CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn khổ đau vì sinh tử nữa."
08/09/2015(Xem: 5151)
Công cuộc giáo hoá độ sanh của Đức Phật thành tựu viên mãn chính nhờ Ngài tu tập Tứ vô lượng tâm đạt đến vô lượng. Tứ vô lượng tâm là Bốn tâm vô lượng bao gồm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm và Xả vô lượng tâm. “Từ” nguyên văn là: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567