Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giảng Cho Cư Sĩ Về " Năm Điều Nguy Hiểm Khi Phạm Giới"

15/03/202305:20(Xem: 3967)
Phật Giảng Cho Cư Sĩ Về " Năm Điều Nguy Hiểm Khi Phạm Giới"

Phat thuyet phap 1a

PHẬT
GIẢNG CHO CƯ SĨ VỀ

“NĂM ĐIỀU NGUY HIỂM KHI PHẠM GIỚI”

Thích Nữ Hằng Như 

 

I. DẪN NHẬP

Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.

Ngoài đời là thế, trong nhà Phật cũng có nội quy, giới luật cho các Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Giới luật trong nhà Phật cũng nhằm mục đích ngăn cản không để người thọ giới phạm lỗi, nhưng có điều trong nhà Phật không giống như ngoài đời là sẽ xử lý trừng phạt bắt nhốt người phạm lỗi, mà chỉ nêu lên những nguy hại cho chính bản thân của người làm ác mà thôi!

 

II. NĂM GIỚI CĂN BẢN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

            Để giúp người Phật tử có đời sống đạo hạnh, đức Thế Tôn đưa ra năm giới căn bản. Năm giới này chính là hàng rào ngăn cản không cho người Phật tử phạm lỗi lầm đưa đến khổ đau. Năm giới đó được kể như sau:

1) Không sát sanh: Là loài người hay loài thú, loài nào cũng do cha mẹ sinh ra, có anh em, có vợ con, có dòng họ. Con người sống nương tựa, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau như thế nào, thì con vật cũng có cha mẹ anh em yêu thương nhau như thế ấy! Người ta ham sống sợ chết, con vật cũng ham sống sợ chết. Ở ngoài đời, người nào mang tội giết người cướp của, là bị bắt bỏ tù chung thân,  có khi bị xử tử. Đó là nói về con người. Còn về thú vật, thì ngoài những con thú cưng như chó, mèo, được chủ nuôi nấng chăm sóc cẩn thận. Ai mà hành hạ thú vật một cách vô lý, sẽ bị thưa kiện bắt bớ phạt tù. Ngoài những con vật được cưng yêu kể trên cũng có những con vật vô phước như heo, bò, gà, vịt... người ta nuôi từng đàn để rồi giết nó lấy thịt bán. Trên thế giới này, mỗi ngày không biết bao nhiêu con vật bị chết oan bởi nhu cầu thích ăn thịt thú vật của con người.  Là Phật tử, giới thứ nhất chúng ta phải giữ, đó là giới không sát sanh. Không những không sát sanh, mà người Phật tử có lòng từ bi thường hay có hành động phóng sanh. Phóng sanh không phải chỉ làm phước trả tự do cho cá, cua, rùa, ốc, ếch, nhái, chim chốc, gà, vịt... sắp hay sẽ bị giết chết, mà phóng sanh còn bao hàm cả việc giúp đỡ người hoạn nạn đói khát không nhà không cửa sống lạnh lẻo ngoài trời đông giá tuyết, để họ có cuộc sống an toàn hơn, hay cứu giúp những con vật thoát chết khi gặp nạn  v.v...

2) Không trộm cướp: Của cải có được là do sức lao động làm việc khổ cực, phải nói là đổ mồ hôi sôi con mắt, nên người ta quý đồng tiền kiếm được là lẽ dĩ nhiên. Ngay cả bản thân mình cũng vậy! Mình vui mừng cầm trong tay số tiền hợp pháp do chính mình kiếm được để nuôi gia đình, tự dưng bị người khác cướp mất, thử hỏi mình có tức giận, có đau khổ hay không? Cá nhân mình không muốn người ta lấy trộm tiền bạc của mình, thì mình cũng không nên lấy của không cho từ người khác. Đây là giới thứ hai của người Phật tử phải giữ. Không trộm lấy tài sản tiền bạc của người khác, mà người Phật tử chân chánh còn tu hạnh tùy hỷ bố thí. Hạnh bố thí giúp mình buông bớt lòng tham lam, biết sống thiểu dục tri túc.

3) Không tà dâm: Chuyện tình cảm thân mật giữa vợ chồng là sợi dây gắn bó thiêng liêng. Người ta bảo vệ hạnh phúc gia đình bằng lòng thủy chung của đôi bên. Không ai muốn có kẻ thứ ba xen vào phá rối hạnh phúc gia đình của mình. Là người Phật tử chính chuyên phải tuân thủ giới thứ ba là không tà dâm với chính bản thân mình và không tà hạnh với bất cứ người nào khác.

4) Không nói dối: Nói dối, nói lời hung dữ, nói lời chia rẻ, nói lời kém thanh tao sẽ khiến cho mình mất uy tín, mất lòng tin của mọi người xung quanh. Và vì thế không nói dối là giới thứ tư người Phật tử cần phải giữ. Người Phật tử tri thức sẽ chỉ dùng lời nói chân thật đúng đắn dịu dàng, nói những gì cần nói. Tốt nhất vẫn là dùng lời nói chia sẻ Phật pháp để cùng nhau tu học là điều cần thiết.

5) Không uống rượu: Rượu, hay chất ghiền nghiện sì-ke, ma-túy là những chất say nghiện làm tâm trí con người mê muội đưa đến những hành động không kiểm soát, hại mình hại người, rất nguy hiểm. Muốn tinh thần được minh mẩn, giới thứ năm là giới không được uống rượu, người Phật tử cần phải giữ.

 

III. NĂM ĐIỀU NGUY HIỂM KHI NGƯỜI CƯ SĨ PHẠM GIỚI

Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Chương Tám, Phẩm Pãtaligã ghi lại bài kinh đức Thế Tôn giảng cho các nam cư sĩ ở làng Pãtali về việc nguy hiểm của những người có hành động bất thiện vì phạm giới như sau:

“Như vầy tôi nghe;

Một thời, Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đã đến làng Pãtali. Tại đây, các nam cư sĩ ở làng Pãtali đã đến đảnh lễ Thế Tôn và thỉnh cầu Ngài đến giảng đường ban pháp. Thế Tôn đồng ý và đến giảng đường của họ thuyết giảng về “Năm Điều Nguy Hiểm Của Người Cư Sĩ Tại Gia” nguyên văn như sau:

“Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia Chủ, người ác giới phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn; đây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, người phạm giới, tiếng xấu đồn xa; đây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, người phạm giới, khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-La-Môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng; đây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia Chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám; đây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; đây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới” (hết trích)

 

IV. TÌM HIỂU Ý KINH

            Trong thời pháp này, đức Thế Tôn nêu lên năm điều nguy hiểm cho các cư sĩ tại gia vi phạm giới đức, làm những điều bất thiện tức hành giới ác, sẽ gánh lấy những điều không hay cho chính bản thân mình. Ở đây đức Thế Tôn nêu lên năm điều nguy hiểm đó là:

1) Hao mất tài sản lớn: Do nhân duyên phóng dật, người phạm giới tung tiền bạc tài sản phục vụ cho bản ngã trôi lăn theo ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy... nên tài sản dù có nhiều bao nhiêu, thì rất sớm sẽ trắng tay nợ nần khổ sở. Ở một ý nghĩa sâu sắc hơn thì tài sản lớn nhất của người Phật tử chính là Pháp bảo, là lời Phật dạy. Do phóng dật, không còn ghi nhớ lời Phật dạy, tín tâm không còn, thực hành điều xấu ác hại mình hại người không một chút tàm quý. Đây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, phạm giới.   

2) Tiếng xấu đồn xa: Thành ngữ có câu “Hữu xạ tự nhiên hương” ám chỉ người tài giỏi, ăn ở hiền lành, tốt bụng, làm những việc lợi ích cho mọi người không cần khoe khoang, mà danh thơm tiếng tốt vẫn được người ta  ca ngợi lan truyền.  Đối với một người hủy giới làm những điều xấu ác, gây bất lợi trong xã hội, thì “tiếng xấu” cũng bị lan truyền khắp nơi, qua cửa miệng của nhiều người, xa cách mấy cũng có người biết, không làm sao che đậy được. Đây là nguy hiểm thứ hai của người phạm giới.

3) Tâm trạng sợ hãi: Người phạm giới, làm những điều bất thiện như ăn cắp, ăn trộm, hoặc liên hệ bất chính trong vấn đề tà hạnh, hoặc thường nói dối gây chia rẻ trong hội đoàn, nên khi đến tham dự những buổi họp mặt của đạo tràng hay hội đoàn thì cảm thấy ngần ngại, nếu không nói là trong lòng lúc nào cũng sợ hãi. Họ sợ phải đối đầu giáp mặt với những người biết chuyện xấu của mình! Đây là nguy hiểm thứ ba của những người ác giới, phạm giới.

4) Khi chết bị si ám: Người phạm giới, sa vào cuộc sống ăn chơi, bệ rạc,  sống buông lung xả láng, vướng vào đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái...  Hậu quả khó tránh khỏi bệnh hoạn hành hạ thân thể đau đớn, khổ sở. Cuối đời chết trong tối tăm si ám. Đây là nguy hiểm thứ tư của người phạm giới, hành ác.  

5) Bị đọa vào một trong ba đường dữ: Người phạm giới, vì đã tạo quá nhiều nghiệp ác, sau khi thân hoại mạng chung, tùy nghiệp tương ưng mà thần thức bị đọa vào một trong ba đường dữ như súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục. Đây là nguy hiểm thứ năm người làm ác phải nhận hậu quả.

Sau khi giảng năm điều nguy hiểm của người phạm giới, trong kinh có ghi, đức Thế Tôn cũng nêu lên năm điều lợi ích cho những người cư sĩ đầy đủ giới hạnh. Những ai giữ đầy đủ giới, sống đời thanh tao, đạo đức, chuyên làm lành tránh ác, đương nhiên kết quả sẽ trái ngược với năm điều nguy hại nêu trên. Khi thân hoại mạng chung người này được sanh về thiện thú, thiên giới hay trở lại làm người hưởng phước.

Được biết, buổi thuyết giảng của đức Thế Tôn chấm dứt vào đêm khuya. Các cư sĩ vô cùng phấn khởi sau khi nghe pháp thoại của Ngài, và họ đã hoan hỷ  tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

 

V. KẾT LUẬN

Cư sĩ tại gia là những người đã quy y Tam Bảo và thọ nhận năm giới. Họ là những người đặt niềm tin sâu sắc vào Tam Bảo. Họ là những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con tốt trong gia đình và ngoài xã hội. Nhờ nghiêm trì năm giới, làm việc lành tránh việc ác, giữ tâm ý trong sạch nên họ có đời sống an lạc, hạnh phúc vì không phạm tội. Do không phạm tội nên họ sống bình thản, an nhiên, vui vẻ, không ngượng ngùng sợ hãi trốn tránh bất cứ một ai. Đối với đời sống tâm linh, họ giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, họ tu tập thu thúc lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không để lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) lôi kéo vào con đường trụy lạc khởi sanh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...  Những cư sĩ tuân giữ giới luật sống đời đạo đức này, khi thân hoại mạng chung tuy chưa thể nhập Niết-bàn, nhưng quyết sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới hay trở lại cõi người.

Những ai hủy phạm giới pháp mà lòng không biết tàm quý, không biết ăn năn, hối hận, không biết sám hối, không chịu từ bỏ tật xấu ác quay về với con đường thiện lương đạo đức, thì hiện tại dù họ đang sống trên đời, nhưng sống trong thống khổ, vì phải chịu trả giá những tội lỗi của họ gây ra, thí dụ như bị bắt bớ tù tội, hay bị chủ nợ tìm kiếm đe dọa, hoặc bị người đời xa lánh khinh bỉ và vì thế họ luôn sống trong lo âu sợ hãi... chứ không chờ đến khi chết mới chịu cảnh si ám, và bị đọa vào ác xứ, ác thú, đọa xứ hay địa ngục khi thân hoại mạng chung như lời báo trước của đức Thế Tôn.

Tóm lại, qua bài pháp thoại của đức Thế Tôn, giảng cho các cư sĩ thời Phật cách nay hơn hai ngàn sáu trăm năm, chúng ta rút được bài học quan trọng, đó là muốn đi trên con đường tâm linh liễu thoát sinh tử, hay nhắm mắt đi theo con đường đọa lạc trầm luân, đều tùy thuộc vào tâm và hành nghiệp của chúng ta.

Là người Phật tử tại gia, muốn giữ vững huệ mạng, muốn tu học theo Phật, hầu vượt qua dòng sông sinh tử đến bờ bên kia. Điều kiện ắt có và đủ là chúng ta phải luôn lấy Chánh tín làm gốc, phải bám Giới làm thuyền, rồi mới tới Định, Huệ. Nếu chúng ta không quyết tâm giữ chặt khoang thuyền tức không giữ chặt Giới pháp, thì làm sao tránh được những trận bảo to, những cơn sóng lớn... sẵn sàng hất đẩy chúng ta ra khỏi mạn thuyền và nhận chìm vào biển sâu ô nhiễm của trầm luân lậu hoặc, của sinh tử, tử sinh... nói chi đến vấn đề giác ngộ giải thoát xa xôi...

                          

                               Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

                                           THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

                              Thiền Viện Chân Như, Navasota, Texas.

                                    ( An Cư Kiết Xuân, 12/3/2023)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2015(Xem: 11808)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
05/01/2015(Xem: 16752)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
22/11/2014(Xem: 23385)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
20/10/2014(Xem: 27583)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 51746)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
16/06/2014(Xem: 14322)
Tam quy và Ngũ giới là nền tảng xây dựng đạo đức nhân bản vững chắc trong tiến trình tu tập tiến đến Phật quả của người Phật tử. Bất cứ ai muốn trở thành một người Phật tử chơn chánh, điều kiện trước tiên là phải quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm. Đây là cánh cửa khai thông đầu tiên để người Phật tử bước chân vào đạo Phật. Muốn thực tập con đường "Hiểu" và "Thương" cho có hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ, ngoài con đường "Tam quy và Ngũ giới" ra, hẳn là không có con đường nào khác để chúng ta chọn lựa. Có hiểu và thương thì chúng ta mới có thể tiến đến xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Là con người không ai lại không muốn đời mình luôn được an vui và hạnh phúc. Không ai muốn đời mình phải chịu nhiều đắng cay hệ lụy đau khổ bao giờ. Sự chọn lựa một lối đi cho thích hợp với đời sống tâm linh của mình thật hết sức quan trọng.
21/01/2014(Xem: 17804)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
21/12/2013(Xem: 6532)
Đây là danh từ Phật học nên không thể tìm thấy trong những từ điển thông thường thuộc các ngành khoa học tự nhiên hay cũng không thể tìm thấy trong các từ điển thuộc về khoa học xã hội, Kinh tế , văn học, triết học, tôn giáo học… Trong tự điển tiếng Việt của Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam vẫn không tìm thấy từ nầy.
20/12/2013(Xem: 29926)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
17/12/2013(Xem: 18734)
Nhóm Vi Trần vừa hoàn tất xong bộ Danh mục Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng: Kangyur-Tengyur khoảng trên 5000 tên các tác phẩm Kinh Luận thuộc về truyền thừa Nalanda Danh mục bao gồm 4 ngôn ngữ Tạng - Phạn (dạng Latin hóa) - Hoa - Việt Đính kèm là 3 tập tin đã đươc trình bày theo các dạng: 1. Tang-Phạn-Hoa-Việt 2. Phạn-Tạng-Hoa-Việt 3. Hoa-Tạng-Phạn-Viêt
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567