Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.

19/06/201420:22(Xem: 4087)
98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.

Phật lịch 2554

Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889

THÍCH PHƯỚC THÁI

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP

TẬP 2



98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi.

 

Hỏi: Kính bạch thầy, ông xã con là người cũng biết đạo Phật, siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả. Nhưng khi anh ấy về nhà thì bao nhiêu thói hư tật xấu cũ như: đánh bài, uống rượu, kiếm chuyện la rầy cãi cọ với vợ con thì vẫn y nguyên không có chút gì thay đổi. Con có điều thắc mắc xin hỏi là: Tại sao anh ta đã biết tu hành như thế, nhưng khi đụng chuyện thì tánh tình anh ấy lại không có chút gì thay đổi? Như vậy, có phải là do nghiệp quả đời trước hay do tập khí sâu dày của anh ta hiện đời nầy? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.

 

Đáp: Việc siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả là điều rất tốt và đáng khích lệ tán dương. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc làm đó là thật sự tu hành thì chưa đúng hẳn. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ và cho đó là tu hành. Nhưng nếu xét kỹ thì không hẳn như thế. Nếu có, cũng chỉ là một phần rất nhỏ của việc tu hành hay nói đúng hơn là chỉ tạo thêm chút ít phước đức mà thôi. Điều nầy, nếu không xét kỹ, thì người ta sẽ dễ hiểu lầm. Như những câu giải đáp trước, rải rác, chúng tôi cũng có đề cập đến vấn đề nầy. Đi chùa, công quả, tụng kinh, mà không sửa đổi tu tập ở nơi ba nghiệp: thân, ngữ, ý, thì việc làm đó chưa phải là tu. Tại sao thế? Vì những việc làm đó, chẳng qua cũng chỉ là làm theo một thói quen mà thôi. Vậy thế nào mới gọi là tu? Muốn trả lời câu hỏi nầy, trước hết chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ tu là gì?

 

Tu nghĩa là sửa. Nhưng sửa cái gì và sửa ở đâu? Tất nhiên, là phải sửa ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là phải sửa ở nơi thân, ở nơi lời nói và ở nơi ý nghĩ. Sửa ở nơi thân là sửa như thế nào? Nghĩa là chúng ta phải sửa đổi những hành động sái quấy ở nơi thân. Như trước kia, khi chưa biết tu, chúng ta có những hành động thô bạo xấu ác như: đánh đập, sát hại sinh vật, cướp giựt, trộm cắp và làm những điều tồi bại bất lương hãm hiếp tà dâm v.v… Nay biết tu hành, tất nhiên chúng ta phải sửa đổi lại không có những hành động bất thiện sái quấy đó nữa. Đó là người khéo biết tu thân.

 

Còn sửa ở nơi lời nói là sao? Theo lời Phật dạy thì có 4 cách tu tập: Như trước kia chúng ta thường hay nói dối, gian xảo lường gạt, chuyện có nói không, chuyện không nói có, và nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác. Nay biết tu hành chúng ta quyết sửa đổi lại, quyết không nói những lời thô bỉ độc ác tác hại đó nữa. Mà phải nói những lời ái ngữ, chân thật, hiền hòa, dịu dàng v.v… Đó là chúng ta khéo biết tu ở nơi lời nói. Nghĩa là hằng giữ gìn cái khẩu nghiệp cho được trong sạch vậy.

 

Còn sửa ở nơi ý nghĩ thì sao? Trước kia, chúng ta có tánh hay tham lam, tật đố, ganh tỵ, giận dữ, thù hằn, mê muội tối tăm… Nay biết tu hành, thì chúng ta nên sửa đổi lại những tánh xấu ác đó. Nghĩa là khi những tánh xấu ác đó khởi lên, thì chúng ta nên nhận diện khắc phục chuyển hóa chúng ngay. Chúng ta nên chuyển đổi từ tánh tham lam keo kiệt bỏn sẻn, trở thành tánh thi ân bố thí rộng khắp cứu đời giúp người. Chuyển đổi tâm sân hận nóng nảy thành đức tánh từ bi, hỷ xả, hiền hòa, bao dung, tha thứ, tươi mát. Đó là chúng ta khéo biết tu tâm. Nếu không được như thế, thì chưa phải là người thật sự biết tu hành.

 

Nói tóm lại cho dễ hiểu, tu là sửa quấy thành phải, sửa dở thành hay, sửa tà thành chánh, sửa dữ thành hiền, sửa phàm thành thánh …. Có sửa đúng như thế mới gọi là tu. Còn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, công quả, mà không biết tu để chuyển hóa tốt đẹp ở nơi thân tâm, thì đó chưa phải là người thật sự biết tu. Mà những việc làm đó khác nào như một cái máy, chỉ biết phát ra âm thanh và biết hoạt động mà thôi. Nếu chúng ta không khéo vận dụng hiểu biết để tu hành như thế, coi chừng chúng ta sẽ trở thành một cái máy di động khi nào không hay biết!

 

Trường hợp ông xã của Phật tử, tuy ông có siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả, nghĩa là biết làm những điều phước thiện, nhưng luận về tu hành thì ông ta chưa có thật sự tu. Vì sao? Vì ông ấy không có hoán cải sửa đổi ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là tánh nào ông vẫn hoàn tật nấy. Đụng chuyện thì ông vẫn hành động theo bản năng phàm tình của một con người tràn đầy dục vọng. Ông vẫn đam mê cờ bạc rượu chè say sưa… như một người bình thường không biết tu hành.

 

Muốn đánh giá người có tu hay không, là chúng ta hãy nhìn vào ba nghiệp của người đó. Mà hai nghiệp thân và miệng là biểu hiện rõ nét nhứt. Những hành động thô bạo cũng như những thói hư tật xấu của ông ấy như Phật tử đã nói, thì quả đó là do những tập khí lâu đời cũng như những tập khí hiện đời của ông ta vậy. Trong nhà Phật gọi đó là Bản hữu chủng tử và Tân huân chủng tử. Bản hữu là cái đã sẵn có. Như những cội gốc phiền não tham, sân, si v.v… Còn Tân huân chủng tử là những thói quen mới huân tập vào trong hiện đời. Như tánh tình sân hận nóng nảy, chửi mắng, đánh đập, hành hung vợ con v.v… đó là những thứ tập khí sẵn có (bản hữu). Còn cờ bạc, rượu chè say sưa v.v… đó là những thói quen mới huân tập vào (tân huân). Vì lúc mới chào đời không có ai biết những thứ nầy. Lớn lên rồi theo môi trường sống mà huân tập thành thói quen đắm nhiễm. Những thói quen tân huân nầy, nếu chúng ta quyết chí cải thiện thì cũng có thể trừ bỏ được. Chỉ có những thói quen cố hữu lâu đời như tham, sân, si… đó là những tập khí sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Phải là người có công phu tu hành già dặn miên mật lắm mới có thể đoạn trừ,

 

Như vậy, ông xã của Phật tử tuy có siêng năng làm những điều phúc thiện (tất nhiên là có phước) nhưng bảo ông tu thì chưa có tu. Nghĩa là chưa có sửa đổi tánh tình một chút nào cả. Nói theo nhà Phật, thì đó cũng là một nghiệp quả của ông ta khá sâu nặng. Tuy nhiên, nếu ông ý thức và cương quyết tu trì thì cũng có thể giảm trừ những thói quen cũ mới nầy. Vì tu hành là có thể chuyển được nghiệp. Nếu nghiệp lực không chuyển được thì thử hỏi tu hành làm gì?

 

 Có người đi chùa nhưng tánh tình thì vẫn nóng nảy, giận hờn, hết nói xấu chuyện người nầy, lại bươi móc chuyện người kia, hoặc hay dòm ngó chỉ trích phê bình kẻ nầy người nọ v.v… Thử hỏi người đi chùa như thế có tu hay không? Có người đang tụng kinh, nhưng có ai làm trái ý nghịch lòng, thì ôi thôi tam bành lục tặc của họ nổi lên, cũng tía tai đỏ mặt, phùng mang trợn mắt như ai. Thậm chí, có người còn quăng luôn cả chuông mõ. Như vậy, chứng tỏ người đó chỉ có biết tụng kinh mà chưa có tu. Nghĩa là chỉ biết phát ra âm thanh thành tiếng nói ở nơi cái lỗ miệng suông thôi. Có người đang làm công quả giúp cho chùa, bỗng có ai làm trái ý, thì họ la hét lớn tiếng, tay múa chân đá, mặt đỏ mắt trợn, làm hùm làm hổ, ai trông thấy cũng đâm ra sợ hãi phát ớn lạnh. Như vậy, chứng tỏ họ là những người chỉ biết làm mà không biết tu. Do đó, phước đâu không thấy mà thấy toàn là tội lỗi cả.

 

Tóm lại, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật hay làm công quả, tất cả chỉ làm theo một thói quen tốt. Còn nếu bảo đó là tu thì thiết nghĩ, điều đó thật chưa đúng nghĩa. Bởi tu là phải hằng chuyển hóa sửa đổi ở nơi thân tâm. Cổ nhân thường dạy: “Tu tâm sửa tánh” là thế. Tu ở nơi tâm vọng và sửa ở nơi tánh tập nhiễm. Có tu và sửa như vậy, thì cuộc đời mới thăng hoa tiến triển tốt đẹp và mới được an vui giải thoát. Bằng ngược lại, thì chỉ tu cho có lệ trên mặt hình thức mà thôi. Thực chất nội dung thì trống trơn không có. Phật dạy người Phật tử phải hằng tu ở nơi ba nghiệp. “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, thì đồng Phật vãng Tây phương”. Được thế, thì mới xứng danh là người Phật tử vậy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/12/2013(Xem: 20329)
Nhóm Vi Trần vừa hoàn tất xong bộ Danh mục Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng: Kangyur-Tengyur khoảng trên 5000 tên các tác phẩm Kinh Luận thuộc về truyền thừa Nalanda Danh mục bao gồm 4 ngôn ngữ Tạng - Phạn (dạng Latin hóa) - Hoa - Việt Đính kèm là 3 tập tin đã đươc trình bày theo các dạng: 1. Tang-Phạn-Hoa-Việt 2. Phạn-Tạng-Hoa-Việt 3. Hoa-Tạng-Phạn-Viêt
11/12/2013(Xem: 35031)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
10/12/2013(Xem: 24172)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
07/12/2013(Xem: 21705)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
03/12/2013(Xem: 57544)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
16/11/2013(Xem: 27393)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
26/10/2013(Xem: 62355)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 6868)
Đức Phật chỉ ra rằng: mọi vật có hình tượng, có thể chất đều sinh diệt, thay đổi không ngừng. Sự thay đổi của vạn vật là định luật. Định luật này chi phối mọi lãnh vực cuộc sống, không ràng buộc bởi thời gian, không gian.
17/10/2013(Xem: 39748)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 29907)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]