Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Pháp Từ của HT Thích Thái Hòa, chia sẻ trong buổi lễ đêm Hoa đăng tưởng niệm húy nhật Trưởng Lão Hòa thượng Thích Đức Chơn, vào đêm 6/10/Quý mão, nhằm ngày 18/11/2023, tại chùa Viên Quang, Đồng nai.

20/11/202308:43(Xem: 1323)
Lời Pháp Từ của HT Thích Thái Hòa, chia sẻ trong buổi lễ đêm Hoa đăng tưởng niệm húy nhật Trưởng Lão Hòa thượng Thích Đức Chơn, vào đêm 6/10/Quý mão, nhằm ngày 18/11/2023, tại chùa Viên Quang, Đồng nai.

HT-ThichDucChon_04
ht thai hoa
Lời Pháp Từ của HT Thích Thái Hòa,
chia sẻ trong buổi lễ đêm Hoa đăng tưởng niệm húy nhật Trưởng Lão Hòa thượng Thích Đức Chơn,
vào đêm 6/10/Quý mão, nhằm ngày 18/11/2023, tại chùa Viên Quang, Đồng nai.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Nam Mô Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Truyền Giáo, Truyền Giới Khai Sơn Lịch Đại Tổ Sư Hòa thượng tác đại chứng minh;

Nam Mô Khai Sơn Quảng Hương Già Lam Tu viện tác đại chứng minh;

Nam Mô Trùng Kiến Quảng Hương Già Lam Tu viện Húy thượng Nguyên hạ Mỹ tự Đức Chơn hiệu Hải Tánh Tôn sư phủ thùy chứng giám.

 

Thưa toàn thể Môn đồ Pháp quyến, thế quyến, cùng toàn thể Huynh trưởng Đoàn sinh GĐPTVN trực tiếp, gián tiếp trong và ngoài nước, cũng như toàn thể Phật tử các giới, có nhân duyên trong Pháp hội Hoa đăng, tưởng niệm bậc Tôn sư khả kính hiện tiền quý mến!

 

Phụng hành ý chỉ của chư Tôn đức Tăng-già nhị bộ hiện tiền, nhân buổi lễ này, chúng tôi đại lao các Ngài, có vài lời chia sẻ đến toàn thể quý vị trong Pháp hội tưởng niệm Tôn sư hôm nay.

 

Thưa Quý vị !

Nói đến bậc Tôn sư của chúng ta, bản thân của mỗi chúng tôi đều là học trò, và đã thọ ân giáo dưỡng của bậc Tôn sư rất là nhiều, cho nên hôm nay ngồi ở nơi đây với vị trí chứng minh cũng chỉ là Tăng sai, Tăng đã sai thì không thể không phụng hành, do đó mà tôi xin thay mặt cho chư Tôn đức tăng hiện tiền, có vài lời chia sẻ đến toàn thể Huynh đệ, cũng như các Pháp hữu, các Anh chị em GĐPT hiện diện trong và ngoài nước, cùng tất cả các Phật tử đã có duyên với Thầy, bậc Tôn sư của chúng ta.

 

Thưa Quý vị !

Thầy của chúng ta có những đức tính mà chúng ta cần phải học và nguyện thực hành theo những đức tính ấy của Thầy. Thầy của chúng ta có nhiều đức tính mà chúng ta cần phải chiêm nghiệm, thực tập, để chúng ta xứng đáng là học trò của Thầy, được Thầy giáo dưỡng trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức là ngôn giáo, thân giáo, ý giáo hay giáo dục bằng cách thể hiện đạo đức vô hành, vô ngôn của Thầy đối với bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Đức tính thứ nhất của Thầy chúng ta đó là đức tính Kham nhẫn.

Thầy chúng ta rất kham nhẫn, Thầy chúng ta chỉ làm mà rất ít nói. Không kham nhẫn sao được!? đi xuất gia tầm Thầy học đạo ở Tổ đình Báo Quốc Huế, rồi tấn tu đạo nghiệp ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang Trung phần, cùng với chư Tôn đức bấy giờ gánh vác Phật sự, rồi vào Quảng Hương Già Lam gánh vác Phật sự trong giai đoạn lịch sử biến thiên không lường, ấy là giai đoạn mà Thầy tổ của chúng ta khó khăn vô cùng, Anh em chúng ta, mỗi người mỗi hoàn cảnh khó khăn mà Thầy đã phụng hành ý chí của các bậc Tôn sư mà nhất là bậc Tôn sư khả kính của Thầy, đó là Ngài húy thượng Tâm hạ Như, tự Trí Thủ hiệu Đạo Giám đã trao truyền bao nhiêu trách nhiệm cho Thầy chúng ta và từ đó Thầy chúng ta đã đảm nhiệm vai trò Trú trì Tu viện Quảng Hương Già Lam, bên trong phải kham nhẫn, mà bên ngoại lại càng kham nhẫn hơn; kham nhẫn với đồng học; đồng tu; kham nhẫn với các bậc Trưởng thượng; kham nhẫn với những đứa học trò dễ thương; kham nhẫn với những đứa học trò ngỗ nghịch; kham nhẫn với những Phật tử ngoan đạo; kham nhẫn đối với những con người giả danh, giả dạng Phật tử phá đạo; mà Thầy chúng ta vẫn kham nhẫn; bao nhiêu kham nhẫn như vậy, ta học được ở nơi Thầy của chúng ta và đó là phép lạ, mà Thầy chúng ta đã học được từ chư Phật; từ chư Tổ; và cũng từ nơi sự kham nhẫn ấy, mà Thầy của chúng ta đã bưng ngọn đèn Chánh Pháp tỏa rạng, không chỉ một vùng mà khắp mọi vùng; không phải chỉ một nước mà khắp mọi quốc gia trên thế giới; không phải chỉ một thế hệ mà soi sáng cho nhiều thế hệ, trong đó bao gồm cả Tăng và tục; bao gồm cả những Anh em huynh đệ người Việt gốc Sư.

Đó là đức tính thứ nhất mà tất cả Anh em chúng ta cần phải học từ nơi Thầy của chúng ta.

 

Đức tính thứ hai của Thầy là đức tính nối tiếp.

Thầy ta đã tiếp nối từ Thầy tổ của chúng ta, và Thầy của ta đã hun đúc trái tim hiểu biết, thương yêu, đầy trí tuệ và từ bi, để ôm ấp những thế hệ học trò và làm cho những thế hệ học trò ấy, tiếp nối được những gì từ Tam Bảo, tiếp nối những gì từ Thầy tổ, tiếp nối những gì từ các bậc tiền nhân của chúng ta kể cả tổ chức GĐPTVN.

Thầy của chúng ta đã tiếp nối như vậy, cho nên hôm nay là ngày mồng 6 tháng 10 năm Quý Mão, ngày này là ngày Húy nhật của Tổ sư khai sơn Tổ đình Từ Hiếu húy thượng Tánh hạ Thiên hiệu Nhất Định là Tôn phong của Thầy chúng ta, và ngày hôm nay cũng là ngày Húy nhật của Tổ sư khai sơn Chùa Tra Am, hiệu Viên Thành mà Thầy chúng ta đã kế thừa từ nơi Tôn sư Thầy của chúng ta.

Vì vậy, buổi lễ truyền đăng này, tưởng niệm hoa đăng này, thật có một ý nghĩa sâu sắc, ý nghĩa ấy, ngọn đèn Chánh Pháp được trao truyền từ Thầy Tổ của chúng ta, và chúng ta là những thế hệ tiếp nối, cố gắng giữ gìn, phát triển.

Hiện nay, quý Thầy có những Vị đã đi làm Trú trì, có những Vị đã làm Giáo thọ; có những Vị đã đi hoằng Pháp khắp nơi; có những vị ẩn dật tu hành, âm thầm phát huy đạo nghiệp của mình.

Quý vị hãy tiếp nối ngọn đèn từ Thầy tổ của chúng ta; để ngọn đèn ấy rọi vào ở nơi tâm tư của mỗi chúng ta, khiến cho bao nhiêu ngã chấp ở nơi tâm ta rơi rụng; bao nhiêu ái kiến ở nơi chúng ta không còn; để chúng ta có thể xứng đáng tiếp nối những gì mà Thầy chúng ta đã trao truyền cho chúng ta và quý Thầy; quý Huynh Đệ; quý Anh em GĐPT tiếp tục phát huy ngọn đèn Chánh pháp ấy, trong điều kiện của mình có thể, và  luôn luôn quay về bên trong, để khắc cốt ghi tâm, những gì mà Thầy mình đã truyền trao.

Chắc chắn rằng, tất cả các Anh em Huynh đệ, đệ tử của Thầy, học trò của Thầy, dưới nhiều hình thức này hay hình thức khác, chúng ta đến với Đạo; chúng ta đến với Thầy của chúng ta, không phải kế thừa tài sản, mà chúng ta đến với Thầy chúng ta là để kế thừa Pháp; kế thừa Chánh Pháp, đó là sự tiếp nối mà chính chúng ta tiếp nối từ Thầy của chúng ta; Thầy chúng ta tiếp nối từ những bậc Thầy của Thầy chúng ta nữa.

Đức tính thứ ba của Thầy là đức tính duy trì và phát triển.

Thầy chúng ta có khả năng duy trì và tiếp nhận đồ chúng; duy trì Pháp học, pháp hành, cho nên Thầy của chúng ta đi đâu, cũng không bỏ công phu lễ Phật; lạy Phật vào mỗi buổi sáng và công phu lạy Phật vào mỗi buổi sáng đó là từ Thầy tổ của chúng ta, mà Thầy của chúng ta đã tiếp nối; nghĩa là Thầy của chúng ta đã tiếp nối pháp học, pháp hành từ chư Tổ của chúng ta.

Khi Hòa thượng Thích Đức Tâm, trú trì chùa Pháp Hải-Huế viên tịch, năm 1988, Thầy của chúng ta đã ra Cố đô Huế ở lại Chùa Pháp Hải, an ủi vỗ về các môn đệ, môn đồ của Hòa thượng Pháp Hải, và vào buổi khuya bấy giờ trời ở Huế rất lạnh, Thầy chúng ta vẫn thức dậy đi Lễ Phật một mình, lạy 108 lạy, để nhiếp phục thân tâm của mình và để tiếp nối những gì từ Thầy tổ đã trao truyền, đồng thời làm ấm lại không gian tang lễ bấy giờ của Hòa thượng Thích Đức Tâm.

Cho nên, đức tính duy trì pháp học, pháp hành của Thầy chúng ta rất lớn. Mong rằng, các Anh em huynh đệ, sống ở đâu cũng thể hiện và phát huy, duy trì pháp học, pháp hành này. Nếu chúng ta không lạy Phật, không tụng kinh, không hành thiền, không học hỏi, thì chúng ta không có tài sản lớn để hoằng dương Phật Pháp, và chúng ta cũng không có khả năng báo đáp ân đức của Thầy mình. Chúng ta không chỉ nói những lời suông để ca ngợi Thầy mình, mà chúng ta phải biết biến những lời ca ngợi ấy, trở thành đời sống của chính mình. Thầy của chúng ta không phải chỉ chú ý đến lời nói tốt, mà Thầy của chúng ta chú ý đến những việc làm tốt.

Thầy của chúng ta làm ngay trong từng bước chân đi của Thầy, cho nên ngay bước chân đi của Thầy là bước đi của sự Giải thoát; Thầy của chúng ta không chỉ nói mà Thầy của chúng ta làm, làm ngay thế đứng của Thầy. Thầy đã đứng vững và đứng một cách kiên cố ở trong Chánh pháp; Thầy ngồi một cách vững chãi ở trong Chánh pháp; và Thầy nằm, cũng nằm xuống để cho Chánh pháp trường tồn; và để chứng minh rằng, Chánh pháp của đức Thế tôn chứng nghiệm và tuyên bố, được Lịch đại Tổ sư truyền thừa đến Thầy là thiết thực và hữu ích ngay trong đời sống này. Và Chánh pháp ấy biểu lộ sự an lạc hoàn toàn, cho nên Thầy của chúng ta không những kham nhẫn; không những tiếp nối; mà còn duy trì phát triển.

Đó là điều mà tất cả các anh em, huynh đệ, đệ tử xuất gia, đệ tử tại gia, các anh chị em GĐPT các cấp, trong nước, ngoài nước, phải lưu ý mà thực tập, hành trì.

Đức tính thứ tư của Thầy bao dung độ lượng.

Điều này, Htr cấp dũng Nguyên Hoành-Lê Văn San đại diện GĐPTVN và Thế giới đã nói lên một cách rỏ ràng trong bài cảm niệm vừa mới cung đọc trước linh ảnh của Thầy rằng: Có khi gặp nhiều khó khăn của tổ chức Áo lam, Anh em lên thưa với Thầy, Thầy vẫn giữ nụ cười hoan hỷ, tìm đủ mọi cách để mà giúp cho tổ chức GĐPT vượt ra những khó khăn, từ bên trong đến bên ngoài; có khi các anh chị em đến thưa với Thầy, mà thiếu tính cách nghi lễ, mà chỉ thể hiện tính thầy trò cấp bách, Thầy nhận ra được điều này, cho nên hoan hỷ và tùy hỉ không thấy có một cảm giác khó chịu nào, đó là đức tính bao dung độ lượng của Thầy.

Ngay cả Chúng Dược Vương, Thầy cũng tìm cách nâng đỡ, bởi vì chúng Dược Vương đã có từ Sư tổ của chúng ta, mà Thầy chúng ta là người tiếp nối duy trì, thiếu áo Thầy cho áo; thiếu tiện nghi Thầy yểm trợ tiện nghi, nghĩa là Thầy của chúng ta sống với tâm đầy bao dung, độ lượng.

Lại nữa, đối với những người có Giới đức thanh tịnh, Thầy ta hết lòng tôn kính, nhưng đối với Anh em Giới hạnh bị khuyết tật, Thầy ta cũng không từ bỏ và tìm cách nâng đỡ dưới hình thức này, hình thức khác, miễn rằng người ấy, không quên Tam Bảo, không phản bội Tam Bảo. Đối với những người như vậy, Thầy ta đều mỉm cười, hoan hỷ, bao dung, độ lượng để đưa người ấy, trở lại với Chánh Pháp, giữ vững niềm tin Tam Bảo cho họ.

Cho nên, Thầy của chúng ta là một bậc Thầy đầy bao dung, độ lượng một cách thiết thực, chớ không phải ngôn ngữ sáo rỗng.

Thầy của chúng ta “Sinh Như Chơn; Tử Như Chơn”.

Đó là lời xưng tán của Trí Quang Thượng Nhân đối với Thầy của chúng ta.

Thầy ta “Sinh Như Chơn” nghĩa là gì? Thầy ta sống rất chơn thật, đúng với chân lý, đúng với như lý, đúng với đạo pháp; đúng với chân như hải tánh.

Cho nên, đối với gia đình huyết thống: Thầy của chúng ta là một Bậc rất hiếu đạo, thương Mẹ, thương Cha, thương Anh chị em, quý trọng các bậc Tôn trưởng trong gia đình huyết thống; quý trọng những bậc Trưởng thượng trong xóm làng, trong quê Hương xứ sở.

Vì vậy, khi Thầy của chúng ta viên tịch, ở nơi quê hương của Thầy chúng ta, từ làng Quy Lai, xã Phú Thanh cho đến Huyện Phú Vang, tất cả đều cử đại diện vào đến tận Quảng Hương Già Lam, Sài gòn thắp hương cung kính, tưởng niệm Thầy của chúng ta.

Cho nên, Thầy của chúng ta sống một cách trọn vẹn hiếu đạo, đúng như chân và đối với các bậc Tôn trưởng ở trong Sơn môn, ở trong Giáo hội, Thầy của chúng ta vẫn hết lòng tôn kính, không bao giờ có một tâm gì khác, chỉ một tâm tôn kính, tôn trọng mà không hề khởi lên một niệm phân biệt thị hay phi.

Do đó, Thầy của chúng ta đã “Sinh Như Chơn” và Thầy của chúng ta cũng “Tử Như Chơn”.

Thầy của chúng ta đã ra đi một cách nhẹ nhàng, trước khi tịch, chiều hôm ấy, Thầy vẫn chống gậy đi quanh Tu viện nhìn chư Tăng nhìn Anh em của mình, nhìn học trò của mình, nhìn cây, nhìn lá, nhìn hoa, nhìn cá bơi trong hồ, rồi quay về phương trượng trong sự tĩnh lặng của nội tâm, nhiếp tâm niệm Phật và 12h đêm ấy, gọi người Thị giả dậy, nấu miếng cháo cho Thầy dùng. Thầy dùng xong. Thầy lại bảo Thị giả, con hãy nằm nơi võng, để Thầy nằm trên ngựa, thế là Thị giả nằm nơi võng vừa mới chớp mắt, khi mở mắt ra và thấy Thầy của mình đã xả bỏ báo thân an nhiên thị tịch một cách tự tại. Đó là Thầy của chúng ta đã “Tử Như Chơn”. Cái chết của Thầy là cái chết của sự thể nhập chơn như; là cái chết của sự thể nhập pháp tính bất sinh bất diệt.

Thưa tất cả các Anh em Huynh đệ, các anh chị em Htr GĐPT VN, trong và ngoài nước, cùng toàn thể Phật tử các giới có nhân duyên với Thầy, có nhân duyên tu học với Thầy, chúng ta làm tưởng niệm Thầy của chúng ta là chúng ta không phải chỉ nói văn chương; không phải chỉ nói mây ngàn gió nội mà chúng ta phải nhìn sâu vào những gì Thầy ta đang có, để chúng ta tiếp nhận những cái có ấy của Thầy. Và chúng ta nguyện thắp sáng đời sống của mình từ những cái có ấy, khiến cho anh em đã thương nhau thì càng thương nhau hơn; đã quý trọng nhau, thì lại càng quý trọng nhau hơn; ai đã ngã gục trên con đường đi về Giác ngộ, thì mấy Anh em phải bao dung độ lượng, tìm cách xây dựng, khiến không để một ai bị thoái lui trong cõi đời sinh tử.

Cho nên, chúng ta kế thừa sự nghiệp của Thầy chúng ta là chúng ta kế thừa Pháp, mà không phải kế thừa tài sản. Tài sản, đức Thế tôn dạy: nó thuộc về năm nhà, không phải của mình, chỉ có Pháp mới giúp ta vượt qua được sinh tử, hoàn thiện được bản thân mình và chỉ có Pháp mới giúp ta phát khởi được tâm Bồ đề, nguyện Bồ đề, hạnh Bồ đề mà làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, chúng ta kế thừa Pháp chính là chúng ta kế thừa sự nghiệp mà Thầy tổ của chúng ta đã để lại cho tất cả chúng ta.

Cho nên, hôm nay trong buổi lễ Pháp hội hoa đăng này, các Huynh đệ tổ chức rất trọng thể, cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni về đây, góp phần cầu nguyện, chứng minh cho tâm thành của các Anh em huynh đệ cũng như tấm lòng của Anh chị em GĐPTVN đã bộc bạch lên bậc Tôn sư, bậc Ân sư của mình, đó là một cơ hội tốt, để mình thể hiện được tấm lòng của mình muốn trình bạch lên Bậc thầy tôn kính của mình.

Cho nên, tôi thay mặt chư Tôn đức Tăng Ni hiện tiền, có lời tán dương việc làm của toàn thể Quý vị, cầu nguyện Tam Bảo chứng minh, cầu nguyện Lịch đại tổ sư chứng minh và nhất tâm cầu nguyện Tôn sư của chúng ta phủ thùy chiếu giám, chứng minh cho lòng thành của tất cả môn đồ, pháp quyến tại gia, xuất gia, cũng như bà con ở trong thân quyến.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát!

Chùa Viên Quang , Xuân Đông , Cẩm Mỹ, Đồng Nai

Mồng 6 tháng 10 năm Quý Mão , PL 2567 - 18.11.2023

Con Trần Thị Phượng Liên, Pháp Danh Nhuận Pháp Nguyên, kính phiên tả.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2023(Xem: 1214)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
19/04/2023(Xem: 1262)
Năm 1964, Hòa thượng thân làm Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn. Đây chính là tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn chủ trương các tập san như Tin Phật, Bát Nhã để gióng lên cho đời tiếng nói của pháp âm. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, Hòa thượng hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, giao thiệp với nhiều danh Tăng các nước.
11/04/2023(Xem: 1440)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Châu (1931-1998)
09/04/2023(Xem: 2381)
Tôi nhận được bản thảo cuốn sách “Phật pháp vấn đáp” của Hòa thượng Thích Giác Quang dày 500 trang và tôi đoc sơ ngay lập tức bản thảo này. Thú thật rằng là người đọc nhiều, nhưng ngay cả với tôi, nhiều điều được Hòa thượng giảng giải ở đây, bây giờ tôi mới hiểu, hoặc hiểu đúng. Bản thân tôi, dù mới tu tập chưa lâu nhưng vẫn thấy rằng rất nhiều người dân đất Việt, kể cả các Phật tử, nhất là miền Bắc, đang hiểu sai về Đức Phật và các giáo lý của Ngài. Hiểu sai một cách nghiêm trọng, thậm chí đang làm ngược lại cả những gì Đức Phật dạy. Vậy nên tôi đang cố công biên soạn cuốn sách hỏi đáp đơn giản và cơ bản nhất về Đức Phật và đạo Phật. Mừng thay, có bản thảo cuốn sách giá trị này, tôi hơn vớ được vàng.
09/04/2023(Xem: 954)
HT Thích Chí Thiền ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc. Tông Lâm Tế vào Việt Nam từ thế kỷ 12, từng bước đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, HT. Thích Chí Thiền từng bước trả ơn Tam bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh.
09/04/2023(Xem: 1412)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh (1926-2022) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 1405)
Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Tuệ Giác (1960-2021) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 1142)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nguyên Trực (1943-2018)
08/04/2023(Xem: 1794)
#tieusuchutonduc, #phapamphatgiaotoancau ĐỂ XEM THÊM TIỂU SỬ CHƯ TÔN ĐỨC. BẤM VÀO PLAYPLIST: • Tiểu Sử Chư Tôn Đức 🌎 PHÁP ÂM PHẬT GIÁO TOÀN CẦU (Youtube & Facebook) 👉 / @phapamphatgiaoto... 🙏🏻 Chủ trương: Hoà Thượng Thích Thông Hải 🧘🏻‍♀️ Điều hành: Ca Nhạc Sĩ Thuỳ Linh 😀 Chân thành cám ơn quý vị đã ủng hộ và Subcribe cho đài PAPGTC. Trân trọng! Thanks for Subcribing to our channel. 😀 Nhấn chuông để được thông báo ngay khi có video mới nhất của đài PAPGTC. Press the bell to watch right away when we post a new video. 😀 YouTube: Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu 👉 / @phapamphatgiaoto... 👉 Facebook: Pháp Âm Phật Giáo 👉 / @phapamphatgiaoto... 📧 Email: phapamphatgiaotoancau@gmail.com ✏️ Mọi góp ý xin hãy comment bên dưới, chúng tôi sẽ phúc đáp nhanh nhất có thể. 👍 Thank you very much for watching videos. Remember to SUBCRIBE, LIKE, SHARE and COMMENT :-)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567