Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Âm Thầm Tưởng Niệm (Thành kính dâng lên giác linh Sư Bà của con Ni trưởngThích Nữ Như Tuấn viện chủ Phổ Hiền tự - Strasbourg/Pháp)

23/12/202117:22(Xem: 4308)
Âm Thầm Tưởng Niệm (Thành kính dâng lên giác linh Sư Bà của con Ni trưởngThích Nữ Như Tuấn viện chủ Phổ Hiền tự - Strasbourg/Pháp)
su ba nhu tuan
Tác giả, đệ tử Diệu Đạo (bên trái) với Sư Bà Như Tuấn


ÂM THẦM TƯỞNG NIỆM
(Thành kính dâng lên giác linh Sư Bà của con
Ni trưởng Thích Nữ Như Tuấn viện chủ Phổ Hiền tự - Strasbourg/Pháp)


          Không sao diễn tả được tâm trạng của mình lúc này. Vừa ở bệnh viện về nhà vội vả online Net vào trang nhà Quảng Đức đọc cáo phó và chương trình tang lễ do GHPGVNTN/ÂC ra thông báo cũng xem như những hình ảnh, thước phim ngắn trên Facebook trong lễ nhập kim quan của Sư Bà do Thầy TT Thích Nguyên Lộc và các Phật tử thực hiện, nhìn qua hình bữa đầu tiên cúng dường trai phạn cho Sư Bà, cảm thấy lòng đau như cắt tự dưng dòng nước mắt tuôn lã chã vì hồi tưởng lại thời gian Sư bà còn hiện tiền mình thường kề cận nấu súp đút cho Sư ăn và hay kể chuyện về hoạt động của Phật tử, GĐPT cho Sư nghe vì đôi chân rất yếu nên Sư không thể lên xuống lầu thấy những sinh hoạt của Phật tử làm công quả ở chùa được trừ khi nào có buổi lễ quan trọng cần sự chứng minh mới dìu thỉnh Sư xuống chánh điện.

        Tôi nhớ lại từ tuần trước khi mình đem súp lên thì thấy Sư nằm trên giường với vẻ mặt hơi buồn và dáng điệu mệt mỏi. Tôi hỏi đuà:
- Oh, hôm nay con thấy Sư nhõng nhẽo nha, giờ này mà còn nằm hổng ngồi xem phim Phật như thường lệ.
Sư Bà chỉ lắc đầu không nói năng.

Tôi nói:
- Con đỡ Sư ngồi dậy uống nước nghen, nước kỷ tử con vừa nấu còn nóng Sư uống cho ấm bụng. Sư Bà:gật đầu

Tôi bèn nhờ cô cháu Phật tử là người tắm rửa dọn phòng cho Sư giúp tôi đỡ Sư ngồi lên và một tay đỡ lưng một tay nâng tách nước vừa thổi cho giảm nóng để Sư uống từng ngụm nhỏ. Sư uống xong tách nước thì nói hơi mệt và đòi nằm ngay. Ngồi chơi với Sư một chút rồi xuống lầu gặp Nguyên Đức mình nói ngay thấy Sư có vẻ mệt mỏi lắm, tự nhiên chị lo lo sao ấy...

Qua hôm sau sớm thứ hai SC Nhuận Lương phone hỏi:
- Cô DĐ hôm qua cho Sư ăn gì mà Sư giờ tiêu chảy.

Mình hết hồn:
- Thưa Sư Cô con nấu ăn cho Sư Bà lâu nay, con rất cẩn thận chọn những rau cải tươi mới và nấu khẩu vị hợp với Sư ai cũng biết mà.

Sư Cô NL:
- Vậy chắc Ngài mệt nên rối loạn tiêu hóa.

Và mình cũng nghĩ vậy.

         
Nào ngờ... đúng một tuần sau, rạng sáng thứ Hai cậu em Htr. Nguyên Đức báo tin là Sư Bà viên tịch. Bàng hoàng... làm sao đây khi mình đã có lịch hẹn nhập viện để mổ tuyến giáp vào sáng thứ Ba. Mình nhờ Nguyên Đức chở lên chùa xin được tụng kinh, niệm Phật và hồi hướng cho Sư, hai chị em lên chùa chiều hôm đó cùng hai vị Phật tử nữa hướng về giác linh Sư Bà trên lầu mà nhiếp tâm niệm Phật . Sau mình xin Ni Sư trụ trì cho phép lên đảnh lễ Sư Bà vì mình phải nhập viện sáng mai sợ không thể có mặt ở chùa để phụ lo hậu sự cho Sư. Một mình trong phòng Sư Bà quỳ bên cạnh giác linh của Ngài (lại khóc) tâm sự nhanh vì không được phép ở lâu. Rời phòng đi xuống lầu cảm giác bước chân của mình nhẹ tênh, hụt hẫng...

Sư Bà nay đã đi rồi
Để lại cảm xúc bồi hồi trong con
Từ lâu tuy yếu tay chân
Nhưng Sư vẫn khỏe vẫn còn vui tươi
Khi con ghẹo chỉ mỉm cười
Đưa tay cốc nhẹ: "chọc tui...coi chừng!"
Ấy mà con rất vui mừng
Vì Sư còn đó cơm dưng áo cài
Thế mà...  một sớm Thứ Hai
Hay tin Sư đã lên Đài Liên Hoa
Tự dưng nước mắt chan hòa
Sư đi con ở... lệ sa trong lòng
Cảm giác sao thấy trống không
Hồn trầm lặng mắt đoanh tròng lệ rơi
Bây giờ nhớ lại những lời
Từ ái Sư dạy một thời gần bên
Nhớ thương xin nguyện đáp đền
Siêng tu - dạy trẻ trở nên người hiền
Tiễn đưa một cánh hồng liên
Sư về cõi Phật trên miền Lạc An.

       Hôm nay lại nhìn qua hình thấy quý Ôn, quý Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử tụng kinh cung tiễn giác linh Sư Bà về với Phật Di Đà. Lòng cồn cào muốn về chùa nhưng Nguyên Đức không đồng ý, cậu nói chị vừa mổ xong không nên đến chỗ đông người vì Covid đang trở lại... lỡ có gì... ân hận lắm!!! Ở nhà niệm Phật, tụng kinh  cho Sư cũng được. Dầu biết vậy nhưng ở nhà không bằng đảnh lễ và túc trực Niệm Phật hầu cạnh giác linh của Sư Bà như đã từng hầu bên giác linh cố HTT Viện chủ chùa Khánh Anh cách đây 8 năm, mà làm sao bây giờ khi sức khỏe còn yếu và dịch Covid tái phát đã làm cản trở lòng mong ước của mình. Dầu sao cũng tự an ủi và ấm lòng vì sau khi niệm Phật mình đã một mình lên lầu vào phòng Sư được nhìn thấy pháp thể của Ngài trên cái giường quen thuộc và có vài phút tâm sự cùng Sư lần cuối, chắc chắn Sư Bà hiểu lòng của con. Bởi:


Sư Bà như là Mẹ

Mẹ quá cố không còn
Ngày Mẹ mất lòng con
Héo hon từng giây phút

Bây giờ trong mọi lúc
Con được gần gũi Sư
Tuy ít nói lòng từ
Chẳng khác nào như Mẹ

 

         Tôi đã mất Mẹ từ lâu khi đang tỵ nạn bên Pháp, thời gian này chính quyền CSVN chưa mở cửa ngoại giao rộng với nước ngoài, chúng tôi bị gán nhãn hiệu là "phản động" là "phản bội tổ quốc"... và thời đó chưa có đường giây điện thoại viễn liên, chưa có internet, bên Việt Nam chưa có phone nhà,... muốn gì chỉ viết thơ mà thời gian gởi đi và nhận thư phải mất gần 3 tháng. Vì thế, mọi tin tức gia đình dù mới khi nhận đã thành cũ và hơn nữa đang mang thẻ tỵ nạn nên tôi không được phép trở về thọ tang Mẹ vào giai đoạn đó.


         Bởi vậy, từ khi Sư Bà về Strasbourg cùng quý Phật tử trong Hội Phật Giáo đồng ý mua lại căn nhà nhỏ trong khu tiểu công nghiệp ở số 07 rue Guebwiller_Neudorf/Strasbourg để sửa sang thành ngôi Tam Bảo có tên Phổ Hiền và từ lúc đó vào mỗi chủ nhật cuối tuần và những ngày lễ chính của Phật giáo tôi mới lên chùa vì lúc đó tôi đang sinh hoạt cho Hội Thân Hữu Người Việt Tỵ Nạn tại Strasbourg do cố GS Phạm Việt Tuyền làm hội trưởng, tôi và một vài anh chị từng là giáo sư bên Việt Nam sang đây tỵ nạn cùng đến dạy tự nguyện tiếng Việt cho các trẻ em người Việt để giữ gìn tiếng Mẹ đẻ và giúp các em đang học lycée (tức đệ II cấp, VN gọi là cấp III) lấy môn tiếng Việt làm sinh ngữ II để đi thi Tú Tài nhờ vào điểm ấy tăng thêm điểm cho môn tiếng Pháp trong cuộc thi Baccalauréat (tú tài) vì những em đang học trung học tại Việt Nam sang đây chưa hiểu rành văn chương, văn học nước Pháp. Đồng thời tôi cũng dạy tiếng Việt cho những y, nha sĩ hay kiến trúc sư người Pháp muốn về Việt Nam làm ăn hoặc giúp nước Việt phát triển về y tế, xây dựng nhà cửa...

      Đến năm 2006 bác Hội Trưởng Hội Văn Hóa Người Việt qua đời, chúng tôi tiếp tục sinh hoạt được thời gian ngắn thì... như là hết duyên nên hội trường chúng tôi bị Mairie (tòa thị chính) lấy lại để mở rộng đường xe điện trong thành phố. Và thế là các lớp tiếng Việt phải đành ngưng hoạt động.

       Từ sau đó, thấy tôi về chùa thường xuyên hơn Sư Bà gọi lên phòng Ngài mời tôi tham gia với các anh chị trong GĐPT dạy tiếng Việt và dạy cho trẻ em những điệu múa về Phật về quê hương dân tộc cho các em nhớ đến cội nguồn. Tôi nghe lời đề nghị bèn đồng ý liền và mỗi chiều chủ nhật tôi tham gia cùng các ACE huynh trưởng của chùa dạy tiếng Việt và sinh hoạt GĐPT, làm Phật sự ở chùa và còn tham gia vào ban trai soạn đi sang chùa Viên Giác/Đức bán hàng gây quỹ xây dựng chùa mới tức ngôi Tam Bảo Phổ Hiền hiện giờ ở số 311 Route de la Wantzenau-Robertsau/Strasbourg. Trong cuộc đời từ khi thực thụ làm người Phật tử tôi không bao giờ quên được hai vị ân Sư. Đó là cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm người đã truyền giới Bồ Tát tại gia cho tôi và giờ là tân viên tịch Sư Bà Thích Nữ Như Tuấn là người từng truyền ngũ giới cho tôi. Hai Ngài là bậc Sư Phụ rất từ bi không nề gian khổ dù nắng nóng, mưa rơi, gió bão, tuyết lạnh… Với lòng từ bi lân mẫn các Ngài luôn có mặt bất cứ đâu để hướng dẫn lập Niệm Phật Đường hoặc xây dựng chùa mới và luôn đi hoằng pháp đem Đạo Phật đến gần Phật tử ở khắp nơi tại hải ngoại. Điều đáng nói hơn nữa là hai Ngài rất thương yêu giới trẻ, muốn các chùa nên thành lập GĐPT hầu hướng dẫn các em lối sống đẹp của một người Đoàn sinh luôn mở rộng lòng từ bi, vị tha sống theo tinh thần lục hòa và nhất là luôn trọng Tứ Ân và làm Mười Điều Thiện Lành để sau này trở nên một người Phật tử thuần thành là người có niềm tin bất hoại, là người biết trân quí từng giây phút tu tập để không lãng phí cuộc đời của mình.

        Và ngày mỗi ngày, tình cảm giữa Thầy trò chúng tôi rất gắn bó tuy chẳng bao giờ biểu lộ ra qua lời nói nhưng tôi cảm nhận sâu sắc tình thương của Thầy dành cho, chẳng hạn muốn cúng dường tịnh tài cho Sư có lộ phí đi đường hoằng pháp không bao giờ Sư chịu nhận của tôi, Ngài nói con để đó mà mua sắm dụng cụ giảng dạy, mua vải may áo quần văn nghệ cho GĐPT, cố ép thì Sư chỉ lấy một nửa thôi. Hoặc khi đang bận tay làm việc thì Sư đến chìa ra trái quýt đã lột sẵn bảo con nghỉ tay ăn đi. Ở chùa có Nguyên Đức và Diệu Đạo tôi hay nói đùa chọc Sư cười nhưng cậu ấy là nam nên sự chăm sóc ít hơn tôi, hễ có trái cây ngon cúng dường cho Sư, cậu em này thường đưa tôi đem lên đút Sư ăn. Nhớ nhất khi Sư Bà còn khỏe hay đi về Việt Nam và các nước khác ở châu Âu làm Phật sự, mỗi lần Ngài trở về chùa mà thấy mình thì gọi lên phòng chia cho trái cây, bánh kẹo... của quý Phật tử các nơi đã cúng dường. Mà thường thì mình chỉ nhận và cám ơn xong xuống mời người khác ăn giùm vì tôi không thích ăn trái cây, chỉ xay lấy nước hoặc ép thành sinh tố mà uống thôi. Giờ đây, mong được Sư "cốc" đầu yêu khi bị tôi chọc hay gọi cho trái cam, trái quít đã lột sẵn thì đâu còn có nữa... đúng là có những sự việc đơn giản mà rất quý một khi đã mất rồi nghĩ lại dù luyến tiếc mấy cũng không bao giờ có lại được.

 

Sư Bà ơi!!! Con nhớ Sư nhiều
Tìm đâu kỷ niệm đáng yêu bây giờ
Chỉ còn thấy được trong mơ
Tình Sư luôn giữ tôn thờ trong con
Nguyên xin đền đáp công ơn
Khai tâm mở trí không lờn công phu
Giờ đây cách biệt nghìn thu
Phật Đà quang phóng rước Sư lên trời
Đạo Vàng tỏa sáng muôn nơi
Từ bi cứu độ nhân đời lầm than
Liên Hoa Cửu Phẩm Niết Bàn
Sư Bà tiếp độ chúng sanh dương trần
Nén hương tiễn biệt xin dâng
Thành kính tưởng niệm báo ân Sư Bà
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca
Thầy về nước Phật Di Đà Lạc bang

 

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Strasbourg ngày 18.12.2021

Diệu Đạo_Phổ Hiền/Pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2023(Xem: 3996)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
29/10/2023(Xem: 11280)
Như quý vị đã biết, trước bệnh tình nguy ngập của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi, những pháp lữ và những người học trò trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giáo huấn của Người, đã cố gắng trong một thời gian rất ngắn để thực hiện tập Kỷ Yếu này. Do hạn chế về thời gian, Kỷ Yếu chỉ là một tuyển tập đơn sơ gồm những sáng tác văn thơ, nhạc, họa, của chư Tôn Đức và văn thi hữu nhằm biểu lộ niềm tri ân đối với bậc Thầy lãnh đạo nòng cốt còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một học giả Phật học uyên thâm hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Và cũng chính từ giới hạn đó, chúng tôi đã không kịp nhận được đầy đủ bài vở của chư Tôn Đức, văn thi hữu cùng quý Phật tử có lòng quý kính gửi dâng Hòa thượng Tuệ Sỹ.
27/10/2023(Xem: 2637)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 2818)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 3324)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 3707)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 5926)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]