Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Những kỷ niệm khó quên (Thị Tâm Ngô Văn Phát, do Diệu Danh diễn đọc)

17/06/201407:27(Xem: 20669)
20. Những kỷ niệm khó quên (Thị Tâm Ngô Văn Phát, do Diệu Danh diễn đọc)

Những kỷ niệm khó quên 
Kính dâng Sư phụ, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác

nhân dịp mừng khánh tuế 65 năm của Ngài

Bài viết của Thị Tâm Ngô Văn Phát

Do PT Diệu Danh diễn đọc



Trong tháng sáu này, Phật tử chùa Viên Giác cũng như quý vị trong Ban Biên Tập và Cộng Sự Viên báo Viên Giác đón mừng hai việc:

1.- Ngày 28.06.2014, là ngày Sinh Nhựt lần thứ 65 và kỷ niệm 50 năm xuất gia hành đạo của Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác.

2.- Đồng thời cũng kỷ niệm Báo Viên Giác đã tròn 35 tuổi.

Hạnh duyên nào mà tôi đã gặp được Đại Đức Thích Như Điển rồi làm một thành viên trong Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Viên Giác và là một Cộng Sự Viên báo Viên Giác từ đầu năm 1984 cho đến nay?

Số là sau ngày 30.04.1975, Quân Cán Chính miền Nam, trong đó có tôi bị đảng Việt cộng bắt bỏ tù, lao động khổ sai không án mà chúng nó nói là „Học tập cải tạo“. Tôi bị đày ra Bắc ngày 05.07.1976.

Ngày 28.02.1980, tôi được „giải phóng“ khỏi nhà tù nhỏ ở trại Tân Lập (tỉnh Vĩnh Phú) vì bị bệnh phù thủng quá nặng để trở về gia đình chữa bệnh, hoặc nếu có chết thì gia đình lo chôn cất, đảng không phải sử dụng tù đem đi chôn nên khỏi mất ngày lao động và để khỏi mang tiếng là đảng ác ôn! Tôi bị bệnh phù thủng quá nặng nên anh em bạn tù mới đặt cho tôi một biệt danh là „Phát chân voi“ để tránh nhầm lẫn với các anh khác cùng tên.

Cầm „Giấy ra trại“ về đến nhà ngày hôm trước thì ngày hôm sau phải ra trình diện công an Quận 1. Nơi đây, công an báo cho tôi biết là mỗi cuối tháng phải ra trình diện một lần, khi nào hết bệnh sẽ đi vùng kinh tế mới. Tôi nghĩ thầm trong bụng „Vùng kinh tế mới còn lâu“. Tôi bắt đầu uống thuốc, ăn gạo lức, hai chân tôi lần lần xẹp xuống. Bắt đầu ngày thứ hai mươi mốt, tôi ngưng không uống thuốc, hai chân tôi vẫn còn sưng nhưng không còn lo sợ chết nữa! Khi ra trình diện công an Quận, tôi kéo ống quần lên lấy hai ngón tay đè lên hai mắt cá nó lủng sâu vào, khi lấy hai ngón tay ra nó vẫn còn nằm yên vị trí cũ. Tình trạng này chứng tỏ là tôi còn bệnh nên công an ghi vào sổ gia hạn thêm một tháng nữa. Cứ lần lượt như vậy từ tháng này qua tháng khác.

Tôi nghĩ là không thể nào sống chung với con người cộng sản được, bằng mọi cách phải rời khỏi nhà tù lớn. Tôi liền viết thư cho con trai lớn nhứt của tôi là Ngô Ngọc Diệp (SN.1951) đã đi du học tại Tây Đức từ năm 1969, bảo nó bảo lãnh hai vợ chồng tôi và hai em trai nó (SN.1961 và 1967) sang Đức theo thể thức „Đoàn tụ gia đình“.

Thủ tục giấy tờ qua lại đến đầu năm 1982, tôi mới nhận được giấy từ tòa Đại sứ Đức ở Hà Nội chấp nhận cho sang Tây Đức đoàn tụ với con. Tôi đến trình cho công an quận xem tờ giấy này (bạn bè tôi nói đùa là lá bùa hộ mạng). Nơi đây sau khi xem giấy tờ họ cho biết là tôi khỏi phải đến công an trình diện nữa mà phải ra trình diện ở sở „Người Nước Ngoài“ đường Nguyễn Du để làm thủ tục xuất cảnh.

Giấy tờ bổ túc tới lui theo thủ tục „Đầu Tiên“ mà còn kéo dài đến ngày 15.11.1982, gia đình gồm có 4 người mới được cấp „Giấy Thông Hành“ (Laissez-Passez) với ghi nhận là được phép xuất cảnh trước ngày 15.11.1983. Có nghĩa là đảng cho tôi một ân huệ trong vòng một năm, tôi phải cố gắng chữa bệnh phù thủng cho lành thì mới rời khỏi được Việt Nam.

Ngày 22.03.1983, gia đình tôi rời khỏi Việt Nam. Ngày hôm sau chúng tôi đến Frankfurt rồi chuyển máy bay để tiếp tục đến phi trường Langenhagen (Hannover), thủ phủ của Tiểu Bang Niedersachsen. Tại đây con tôi đón đưa về trại tiếp cư Friedland để làm thủ tục và khám lại sức khỏe. Một tháng sau, chúng tôi được chuyển đến Trung Tâm Tạm Cư do ông Roman, Mục Sư Tin Lành quản trị ở Norddeich để học 800 giờ tiếng Đức.

Vào khoảng giữa tháng 06.83, con tôi Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, đệ tử của Đại Đức Thích Như Điển gọi điện thoại cho biết là cuối tuần sẽ chở Thầy trụ trì chùa Viên Giác đến làm lễ và giảng pháp cho Phật tử đang học tiếng Đức ở trại và luôn dịp Thầy sẽ đến thăm gia đình chúng tôi. Thật là hân hạnh, xin mời Thầy, tôi trả lời cho con tôi biết để thưa lại với Thầy.

Khi Thầy đến Norddeich, Phật tử trong đó có gia đình tôi đón tiếp Thầy tại giảng đường. Trong buổi thuyết giảng, Thầy có đề cập đến những người Việt Nam rời bỏ quê hương tỵ nạn cộng sản trong đó có Thầy chấp nhận xứ Đức làm quê hương thứ hai của mình, do đó trước nhứt là mình phải học tiếng Đức để sớm hội nhập vào xã hội Đức, thứ hai là phải gìn giữ phong tục tập quán của mình. Sau buổi thuyết giảng, gia đình tôi mời Thầy về phòng chúng tôi để dùng cơm chay.

Trong cuộc tiếp xúc mạn đàm với Thầy, mặc dù thời điểm đó tôi lớn hơn Thầy 20 tuổi (SN.1929), Thầy rời khỏi Việt Nam đi du học ở Nhựt từ năm 1972, nhưng tôi với Thầy cùng một quan điểm và những nhận xét về hiện tình đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản, nhứt là đồng tâm quyết định không về Việt Nam khi nào còn lá cờ đỏ sao vàng. Lần này, Thầy tặng cho gia đình tôi một hình Phật Thích Ca mà tôi còn thờ cho đến bây giờ.

Lần thứ hai, Thầy đến Norddeich để thuyết pháp thì gia đình tôi học gần xong 800 giờ tiếng Đức, sắp sửa đi về Hannover định cư gần nhà con tôi. Chúng tôi mời Thầy về phòng dùng trà nước. Trong cuộc hàn huyên, Thầy nói tôi về Hannover nhà tôi cũng gần chùa, khi nào sắp xếp xong nhà cửa mời tôi đến thăm chùa.

blankTừ trái: Bác Quang Kính, ĐĐ. Thích Như Điển, cô Hồng
Quang và con, cô Thu Anh, cô Diệu Nhụy, Ngô Văn Phát,
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và con gái của cô Hồng Quang,
Đỗ Thuận Phát.


Vào đầu tháng 02.1984, lần đầu tiên đến chùa, trên đường đi tôi tưởng mái chùa che chở hồn dân tộc mang tên Viên Giác to lớn, có cổng Tam Quan, có hàng cây che mát v.v… như các chùa bên Việt Nam. Thật không ngờ, khi đến nơi, xem kỹ tên đường và số nhà thì đúng, nhưng không thấy cái chùa, mà chỉ thấy có một dãy nhà dài giống như một cái kho hàng vậy! Phía sau kín mít, phía trước chỉ có ba cửa ra vào, bên hông nhà có tấm bảng mang tên „Viên Giác Tự“. Vừa gõ cửa vừa bước vào bên trong, tôi thấy một cô còn trẻ đang đánh máy (là cô Nga bây giờ). Tôi tự giới thiệu chúng tôi là ba mẹ của Diệp vừa mới về Hannover định cư, hôm nay đến viếng chùa, trước là lễ Phật, sau xin được gặp Thầy trụ trì. Nghe tiếng người ngoài văn phòng, một cô lớn tuổi (độ 60) từ phía nhà sau đi lên (cô Diệu Niên). Sau khi nghe câu chuyện, cô trở vào bên trong gõ cửa mời Thầy ra tiếp khách.

Đã có duyên gặp Thầy hai lần ở Norddeich, nên lần này gặp Thầy tôi không thấy bỡ ngỡ. Thầy hướng dẫn chúng tôi lên chánh điện lễ Phật, sau đó giới thiệu cho chúng tôi biết cô Diệu Niên, cô Nga và chỉ các nơi trong chùa và nhứt là cái phòng nhỏ kế bên văn phòng dùng để in báo Viên Giác. Sau đó, Thầy mời chúng tôi xuống nhà bếp dùng cơm chay trưa. Chỉ có 5 người, Thầy, cô Diệu Niên, cô Nga và vợ chồng tôi. Thầy ngồi đầu bàn, cô Diệu Niên và cô Nga ngồi bên trái, còn tôi và Diệu Nhụy (vợ tôi) ngồi bên phải. Trong lúc ăn, Thầy kể chuyện Đạo Đời rất vui vẻ, không khí thật là ấm cúng. Thầy nói mỗi ngày thường trực tại chùa có cô Diệu Niên, còn cô Nga thì sáng đến chiều về. Ngoài ra còn có mấy người đang ở tạm tại chùa sáng đi học, chiều về ngủ để giữ chùa, Thầy vừa nói vừa cười.

Sau cuộc gặp gỡ này, mỗi ngày, tôi đôi khi có vợ tôi thường đạp xe đạp lên chùa làm công quả, tức là làm thợ „đụng“ nghĩa là đụng gì làm đó không có dự trù trước như:

Ủi Y Áo:

Một hôm, cô Diệu Niên nhờ tôi ủi y áo cho Thầy. Tôi vừa cười vừa nói: Cô ơi!, trước kia tôi ủi quần áo kaki không hè, bây giờ ủi y áo của Thầy không biết có bị trở ngại gì không? Nói vậy, nhưng tôi vẫn đi làm. Y áo của Thầy màu vàng và nâu, không phải bằng vải mà bằng polyester. Lần đầu tiên ủi loại này, tôi không biết nên để bàn ủi nóng như tôi từng ủi quần áo kaki, do đó khi vừa đặt bàn ủi lên phía bên trong cái áo vạc hò màu nâu nó kêu lên một cái xèo, khói bay lên khét nghẹt, nhìn thấy một lỗ bị cháy bằng cái đít bàn ủi! Hồn vía lên mây, tôi tắt bàn ủi, đi ra cho cô Diệu Niên biết như vậy, cổ cũng hết hồn như tôi, hai tay cổ chắp lại, miệng nói Mô Phật, Mô Phật… mấy lần rồi đi theo tôi vào phòng xem. Sau khi xem xong, cổ nói không sao, tôi sẽ tìm miếng vải khác thay vào chắc Thầy không để ý đâu. Miếng vải cô thay hơi sậm màu một chút, không biết sau này Thầy có biết không ?

Nấu ăn:

Thường ngày thì cô Diệu Niên nấu cho bốn người ăn. Hôm nào cổ bận đi công việc thì cô Nga thay cổ nấu mì gói cho Thầy và cho tôi và cổ ăn. Khi cô Nga bận việc văn phòng thì tôi thay phiên cho Thầy ăn Pizza. Những lần như vậy, Thầy vừa cười vừa nói: Hôm nay bác Năm cho ăn cơm tay cầm“. Tuy nhiên Thầy rất vui vẻ dùng bữa ăn đạm bạc như vậy. Thỉnh thoảng Thầy đi làm lễ ở Chi Hội hay đi đám tang về, Thầy thường đem thức ăn chay hoặc bánh trái của các Phật tử cúng dường về cho chúng tôi dùng.

Làm Thị Giả:

Đến mùa lễ An Cư Kiết Hạ, lúc đó Thầy chưa có người đệ tử nào xuất gia nên tôi phải tạm làm Thị giả cho Thầy để cúng „xuất sanh“. Đúng 12 giờ trưa cúng quá đường, tôi đứng bên cạnh Thầy, hai tay chắp lại, sau khi Thầy làm phép và chú nguyện chén cơm xuất sanh xong, Thầy đưa cho tôi, hai tay tôi bưng chén cơm bước ra cửa, tay trái nâng chén cơm lên ngang trán, tay phải bắt ấn cam lồ và bắt đầu đọc:

Đại Bàng Kim Sĩ Điểu

Khoáng Dã Quỷ Thần Chúng

La Sát Quỷ Tử Mẫu

Cam Lồ Tất Sung Mãn

Án Mục Đế Tóa Ha (7 lần)

Lần đầu tiên làm một việc ngoài tầm hiểu biết, hơn nữa bài kệ này chưa học thuộc lòng cũng như chưa hiểu nghĩa, nên muốn cho chắc ăn, tôi viết lại chữ to trên một tờ giấy rồi đem dán ngoài cửa. Mỗi lần cúng, tôi nhìn tờ giấy đọc to lên, cô Nga ngồi ở văn phòng kế bên nhìn tôi qua cửa kiến cười ngất. Thật là điếc không sợ súng! Sau này, tôi mới tìm hiểu ý nghĩa và lý do tại sao phải cúng „xuất sanh“? Câu trả lời tôi sẽ trình bày trong số báo kỳ tới. Tôi làm thị giả cho Thầy đến khi Thầy thâu nhận đệ tử xuất gia đầu tiên là chú Thiện Phước ở Phần Lan thì tôi bàn giao lại cái chức vụ này cho chú.

Báo Viên Giác:

Báo Viên Giác đúng 35 tuổi, có mặt trên khắp năm Châu. Tôi là một thành viên trong Tòa soạn mà cũng là một cộng sự viên trong Ban ấn loát kể từ số báo 21 tháng 06.1984 đến nay. Nhân dịp này, tôi xin kể cho quý độc giả nghe một câu chuyện cười khó quên.

Một hôm, tôi và bác sáu Lầu đang in báo số 24 mà cái máy in vì cũ nên cứ hư hoài. Hư rồi sửa; sửa rồi lại hư v.v… May quá khi đó có một chú Phật tử ở vùng Stuttgart lên chùa trước làm công quả, sau nhờ máy in của chùa in tập thơ „Nụ Ân Cần“. Chú nói xếp của chú có trình xin Thầy rồi. Chú này cũng biết chút ít về máy móc. Dịp may hiếm có, tôi nhờ chú sửa dùm, chú OK liền. Sửa tới sửa lui, sửa hoài không được, chú nói với tôi và bác sáu Lầu: „Hai bác để đó chờ con“, rồi chú đi ra ngoài. Hai anh em tôi tưởng chú ra ngoài tìm một cơ phận gì đó để thay thế, nào ngờ đâu độ mấy phút sau, chú trở lại trên tay cầm 3 cây nhang miệng mỉm cười. Chú từ từ đốt 3 cây nhang cắm trên cái máy in, hai tay chắp lại, miệng lép nhép khấn vái, rồi đột nhiên quỳ xuống lạy cái máy in 4 lạy! Tôi và bác sáu Lầu vừa ngạc nhiên vừa bật cười quên mệt! Không biết vị ẩn khuất nào đó có đáp ứng lời khấn vái của chú không? Nhưng sau màn khấn vái đó, chúng tôi tìm tòi một hồi rồi cũng sửa được cái máy in và cũng hoàn tất được công việc. Khi đó chú hãnh diện nói „Hai bác thấy không, nhờ con khấn vái các Hương linh thờ trong chùa mà họ độ cho ba bác cháu mình hoàn thành công việc đó“.

Quy Y & Thọ Giới:

Ngày 28.05.1984, ba cha con tôi quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới cấm. Vị Bổn sư truyền giới cho chúng tôi là Đại Đức Thích Như Điển và đặt cho Pháp danh như sau: Ngô Văn Phát (SN.1929) Thị Tâm; Ngô Ngọc Trung (SN.1961) Thị Đạo và Ngô Ngọc Hiếu (SN.1967) Thị Nhơn. Trong dịp này Thầy tặng cho gia đình tôi một bộ chuông mõ. Từ đó, hằng ngày tôi lễ Phật, đánh chuông, gõ mõ tụng kinh để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc; cho kẻ bất thiện biết tin có luân hồi, có nghiệp báo trả vay để quay đầu hướng thiện; cho người mù được sáng, người điếc được nghe, người nghèo được ấm no, người ốm đau mau bình phục; cho các loài cầm thú, thoát được kiếp ngu si, tái sinh vào cõi người, biết nghe được Phật pháp; cho các vong linh vất vưởng trong cõi giới u huyền, thoát nghiệp đói triền miên quy y và siêu thoát; cho chúng sanh nơi địa ngục, đang bị đọa đày, khởi được tâm từ bi để xa lìa cảnh khổ…

Phương tiện di chuyển:

Khoảng đầu năm 1985, Nha sĩ Tô Vĩnh Hòa ở Norddeich cúng dường cho chùa một chiếc xe Mini Bus 9 chỗ ngồi hiệu Mitsubishi. Nhờ phương tiện này mà một thời gian dài, tôi đã làm tài xế chở Thầy đi làm việc Đạo (thuyết pháp, truyền giới, đám tang, cầu siêu v.v…) lẫn việc Đời (biểu tình đòi Tự Do Dân Chủ, nhân quyền, xóa bỏ án tử hình cho hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu v.v...) khắp Tây Đức và Tây Berlin khi bức tường chưa bị đập đổ, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ, Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Thụy Điển v.v… Tôi lái xe nhưng không biết đường, Thầy cầm bản đồ hướng dẫn tôi lúc nào cũng đi đến nơi về đến chốn. Mỗi lần đi, Thầy trò luôn luôn hồi hướng công đức này cho gia đình đạo hữu Tô Vĩnh Hòa.

Trong các cuộc đấu tranh đòi đảng Việt cộng thực hiện Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyên cho người dân, lần Thầy trò chúng tôi tuyệt thực tại chùa vào ngày 05.12.1988 để yêu cầu đảng hủy bỏ án tử hình cho hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu là cảm động và có hiệu quả nhứt, vì có phóng viên của tờ báo NEUE PRESSE Hannover, thủ phủ của Tiểu bang Niedersachsen phỏng vấn Thầy và chụp hình đăng trên báo lẫn cho phát hình trên TV.
blank
Từ trái: Hàng ngồi trước: Cô Thiện Duyên, cô Nguyên
Quế và con, TT. Thích Như Điển, ĐĐ. Thích Hạnh Tấn, Đh.
Thị Tâm, cháu Phi.
Hàng ngồi sau: Sư Cô Hạnh Ân, cô Diệu Nhụy, Sư Cô
Diệu Niên, Sư Cô Diệu Thái, cháu Nghiệp, phía sau Thầy,
Pt. Đức Hinh, Pt. Đức Thụ, Pt. Thiện Hữu, Pt. Thiện Dũng,
Đh. Thị Chánh, Pt. Đức Lập.
Hàng đứng sau cùng: Cô Huệ Ngọc, Pt. Thiện Ứng,
Pt. Quảng Bảo, cô Thiện Ý, Đh. Nhựt Cảnh, Đh. Minh Tôn,
Bác Sáu Lầu.

Hơn 30 năm, tôi hộ trì Tam Bảo, trong đó có 17 năm làm Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, luôn luôn làm việc gần Thầy, nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, lục căn thông lợi, tam nghiệp thuận hòa, mà đôi khi Thầy trò có quan niệm giải quyết vấn đề không giống nhau. Mỗi lần như vậy, tôi không ngần ngại gặp Thầy trình bày ý kiến và Thầy trò cùng giải quyết nhau trên tinh thần tương kính, Lục Hòa để cuối cùng đi đến một sự đồng thuận vì mục tiêu tối thượng là phục vụ chúng sanh.

Ngày 28.06.2014, Thầy 65 tuổi, 50 năm xuất gia hành đạo. Con thì đã trên 30 năm hộ trì Tam Bảo, làm việc với Thầy. Nhưng Thầy thì đã và đang xóa tan dần gần hết chấp ngã, xa lìa bến Mê, đến gần bờ Giác; còn con, đệ tử của Thầy vẫn còn vướng mắc bụi trần, vấn vương tục lụy, khổ đau theo sự vận hành của nghiệp báo!

Nhân dịp sinh nhựt lần thứ 65 và kỷ niệm 50 năm hành đạo của Thầy, gia đình con thành tâm nguyện cầu chư Phật từ bi gia hộ cho Thầy luôn luôn mạnh khỏe, trẻ mãi không già để độ khắp chúng sanh đền ơn Phật.

Gđ. Thị Tâm, Diệu Nhụy, Thị Chơn,

Thị Đạo, Thị Nhơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2011(Xem: 8315)
Ngài họ Nguyễn húy là Hữu Kê, dòng họ của Đại thần Nguyễn Trãi. Nguyên quán thuộc Tông sơn Gia miêu Ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa. Ngài thọ sanh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Vốn thọ sanh trong gia đình vọng tộc, quý phái, thích lý luận Nguyễn Hữu Độ.
24/06/2011(Xem: 5367)
Ngài Mật Thể, pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể, tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 ở làng Nguyệt Biều, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng Thích Lý của Cụ Nguyễn Hữu Độ. Gia đình Ngài qui hướng đạo Phật, cụ thân sinh và người anh ruột đều xuất gia.
23/06/2011(Xem: 5833)
Đọc Thánh Đăng Ngữ Lục, do Sa môn Tánh Quảng, Thích Điều Điều đề tựa trùng khắc, tái bản năm 1750, ta thấy đời Trần có năm nhà vua ngoài việc chăn dân, họ còn học Phật, tu tập và đạt được yếu chỉ của thiền, như vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Và sự chứng ngộ của các Thiền sư đời Trần thì không thấy đề cập ở sách ấy, hoặc có đề cập ở những tư liệu khác mà hiện nay ta chưa phát hiện được, hoặc phát hiện thì cũng phải tra cứu và luận chứng dài dòng rồi mới kết đoán ra được.
23/06/2011(Xem: 6806)
Đọc sử Phật giáo Việt Nam, hẳn chúng ta đều biết nước mình có một ông vua đi tu ngộ đạo, đó là vua Trần Nhân Tông. Ngài làm vua trong thời gian nước nhà đang bị quân Mông Cổ đem đại quân sang xâm lấn nước ta lần thứ ba.
22/06/2011(Xem: 7473)
Trong sáu thập niên qua, TIME đã không ngừng ghi chép lại những vinh quang cùng khổ nhọc của Á châu. Trong số đặc biệt kỷ niệm thường niên hôm nay, chúng tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình đến những nhân vật nổi bật đã góp phần vào việc hình thành nên thời đại chúng ta. Những thập niên xáo động nhất của một lục địa đông dân nhất trên trái đất này đã sản sinh ra hàng loạt những nhân vật kiệt xuất. Trong sáu mươi năm qua, kể từ khi TIME bắt đầu cho xuất bản ấn bản Á Châu, chúng tôi đã có cái đặc ân là được gặp gỡ đa số những nhân vật ngoại hạng này –theo dấu cuộc vận động hay trên chiến trường, trong phòng hội hay trong phòng thí nghiệm, tại cơ sở sản xuất hay tại phim trường.
16/06/2011(Xem: 5043)
Tôi có duyên lành gặp được ngài một lần khi ngài đến thăm Hòa thượng chùa Đông Hưng, bổn sư của tôi, cũng là y chỉ sư của Hòa thượng Quảng Thạc, một để tử xuất gia của ngài khi còn ở đất Bắc. Cung cách khiêm cung, ngài cùng Hòa thượng tôi đàm đạo về quá trình tu tập cũng như Phật học, hai ngài đã rất tâm đắc về chí nguyện giải thoát và cùng nhau kết luận một câu nói để đời : “Mục đích tu hành không phải để làm chính trị”. Cũng câu nói này, khi chia tay chư tăng miền Nam, ngài đã phát biểu với hàng pháp lữ Tăng ni đưa tiễn. Khi sưu tập tư liệu về cuộc đời của ngài, tôi may mắn gặp được các bậc tri thức cao đồ của ngài kể lại. Nay, nhân có cuộc hội thảo về phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc và công hạnh của ngài, tôi xin được góp thêm đôi điều.
14/06/2011(Xem: 6475)
Thiền sư PHÁP THUẬN (Bính Tý 918): Thiền sư đời Tiền Lê, thuộc dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu Chi, không rõ gốc gác quê quán và tên thật, chỉ biết rằng Sư họ Đỗ, xuất gia từ thuở nhỏ ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa), sau theo học đạo Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thọ, nổi tiếng là uyên thâm đức độ. Tương truyền rằng chính Sư đã dùng nghệ thuật phù sấm, làm cố vấn giúp vua Lê Đại Hành nắm quyền bính, dẹp yên được hỗn loạn trong triều cuối đời nhà Đinh, được vua Lê vô cùng trọng vọng. Năm 990 niên hiệu Hưng Thống thứ 2, Sư không bệnh mà viên tịch, thọ 76 tuổi, để lại cho đời các tác phẩm: “Bồ Tát sám hối văn”, “Thơ tiếp Lý Giác”, và một bài kệ.
14/06/2011(Xem: 6456)
• Thiền sư Chân Không(Bính Tuất -1046): Sư họVương, thế danh Hải Thiềm, quê quán ở làng Phù Đổng (nay là Tiên Sơn-Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình quý tộc. Lúc thân mẫu của ông mang thai, cha ông nằm mộng thấy một vị tăng Ấn Độ trao cho cây tích trượng, sau đó thì ông ra đời. Mồ côi cha mẹ từ thuở niên thiếu, ông siêng chăm đọc sách không màng đến những chuyện vui chơi. Năm 20 tuổi ông xuất gia, rồi đi ngao du khắp nơi để tìm nơi tu học Phật Pháp. Nhân duyên đưa đẩy cho Sư đến chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Gia Lương-Hà Bắc), nghe Thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa mà ngộ đạo, được nhận làm đệ tử, sớm tối tham cứu thiền học, và được sư thầy truyền tâm ấn, thuộc dòng thiền Tì-ni-đa Lưu -chi, thế hệ thứ 16. Sau, Sư lên núi Phả Lại, trại Phù Lan (nay thuộc huyện Mỹ Văn-Hưng Yên) làm trụ trì chùa Chúc Thánh, ở suốt 20 năm không xuống núi để chuyên trì giới luật, tiếng thơm đồn xa đến cả tai vua.
13/06/2011(Xem: 14355)
Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử. Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.
05/06/2011(Xem: 13087)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]