Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa pháp kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán

09/05/201211:17(Xem: 8660)
Ý nghĩa pháp kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán


tolieuquan

Kỷ niệm 266 năm Tổ sư Liễu Quán viên tịch
Ý nghĩa pháp kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán



Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742)  như là một Bồ tát bổ xứ,  thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.


Một là, dòng thiền Lâm Tế khi qua Việt Nam chỉ còn ý nghĩa truyền thừa pháp hệ mà không còn chất liệu sinh động “đánh, hét” một thời. Tổ sư Minh Hoằng-Tử Dung khi trao cho Tổ Liễu Quán một công án và sau ấn chứng sự đắc pháp theo truyền thống Thiền tông Trung Hoa nói chung, không mang bóng dáng đặc thù của thiền Lâm Tế.

Điều đặc biệt là sau khi đắc đạo, Tổ Liễu Quán tự mình biệt xuất pháp kệ để khai sinh một dòng thiền mới, chứng tỏ Tổ có một sự tự tin mạnh mẽ, có tầm nhìn đầy tuệ giác về sức sống và nhu cầu của xã hội đương thời. Tại sao Tổ sư Liễu Quán không thuần túy kế thừa pháp hệ truyền thống Lâm Tế? Chúng tôi nghĩ rằng:

Hai là, mạch nguồn tâm linh Trung Hoa không phù hợp với dòng tâm thức Việt Nam, không đáp ứng được căn cơ và nhu cầu thời đại.

Ba là, bối cảnh lịch sử phức tạp từ Trung Hoa cho đến Việt Nam thời bấy giờ đã làm phai nhạt mối gắn bó pháp hệ chính thống. Cần phải có một pháp hệ mới để nối tiếp mạch nguồn tuệ giác.

Bốn là, với ý thức của người dân Việt, Tổ Liễu Quán muốn định hướng cho dòng thiền của ngài tiếp nối được mạch nguồn tuệ giác đã tạo nên dòng văn hóa Việt.

Do vậy, chúng tôi cho rằng pháp kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán có một ý nghĩa đặc biệt, đó là định hướng đường lối tu học cho các thế hệ đương thời. Chúng ta thử tìm hiểu, với ước mong làm sáng tỏ được phần nào ý hướng của Tổ sư:   

Pháp kệ Liễu Quán        

Thiệt tế đại đạo/Tánh hải thanh trừng.

Tâm nguyên quảng nhuận/Đức bổn từ phong.

Giới định phước huệ/Thể dụng viên thông.

Vĩnh siêu trí quả/Mật khế thành công.

Truyền trì diệu lý/Diễn xướng chánh tông.

Hạnh giải tương ưng/Đạt ngộ chơn không.

Dịch:

Đường lớn thực tại/Biển thể tính trong.

Nguồn tâm thấm khắp/Gốc đức vun trồng.

Giới định phước huệ/Thể dụng viên thông.

Quả trí siêu việt/Hiểu thấu nên công.

Truyền giữ lý mầu/Tuyên dương chính tông.

Hành giải song song/Đạt ngộ chân không.

(Nhất Hạnh dịch)

Khi  tham khảo cả bốn dòng kệ: 1-Tổ Vạn Phong, đời 21 xuất kệ (ngài Liễu Quán kế thừa). 2-Tổ Đạo Mân đời 31 Lâm Tế. 3-Tổ Minh Hải và 4-Tổ Liễu Quán, ta sẽ thấy tính biện chứng và tính thực tiễn của dòng kệ Liễu Quán rất rõ nét, điều đó chứng tỏ Tổ Liễu Quán đã xây dựng con đường tu tập, hành đạo theo một trật tự mà qua đó biểu hiện lộ trình tu chứng và hành đạo của ngài. Đồng thời cũng nói lên ước vọng của ngài về sự phát triển Phật pháp trong tương lai.

Pháp kệ truyền thừa của Tổ sư Liễu Quán mang tính định hướng lộ trình tu hành chứ không chỉ là pháp hệ truyền thừa về mặt hình thức, điều này rất có ý nghĩa đối với tình hình Phật giáo lúc bấy giờ. Đây là điểm đặc sắc của Tổ. Pháp kệ của Tổ Liễu Quán có 48 chữ, 12 câu theo thể tứ cú, toàn kệ có thể chia ra làm sáu phần hoặc lộ trình tu hành gồm sáu bước:

1- Thể tính vắng lặng

2- Tâm thức thánh thiện

3- Công phu hoàn chỉnh

4- Trí tuệ vẹn toàn

5- Hóa độ nhân gian

6- Thành tựu thánh quả

1.Thể tính vắng lặng

Thiệt tế đại đạo/Tánh hải thanh trừng (Đường lớn thực tại/Biển thể tính trong).

Thiệt tế có hai nghĩa, một là nội dung đắc đạo tuyệt đối không hư vọng. Hai là, lý thể chân như. Thiền tông thường dùng từ “Thiệt tế lý địa” chỉ cho thế giới bình đẳng nhất như. Trong ý nghĩa triết học chỉ cho chân lý hay sự thật hoặc thực tiễn, thiền sư Nhất Hạnh dịch là thực tại.

Đầu tiên nói về nền tảng uyên nguyên của vũ trụ, trên nền tảng ấy mà chư pháp hiện hữu. Cái nguyên lý phổ quát ấy vốn thanh tịnh, vô nhiễm ở nơi thánh không thêm, ở nơi phàm không bớt, Phật và chúng sanh đồng dạng, hữu hình vô hình đều cùng một tính chất. Đây là nói đến nguyên lý của sự tồn tại, khẳng định giá trị siêu việt, bình đẳng ở nơi mỗi chúng sinh.

2.Tâm thức thánh thiện

 Tâm nguyên quảng nhuận/Đức bổn từ phong (Nguồn tâm thấm khắp/Gốc đức vun trồng).

Các nguyên lý phổ quát ấy biểu hiện ở nơi con người là nguồn tâm thức rộng lớn. Tâm thức muốn tương ứng với đạo lớn phổ quát ấy phải là nguồn tâm rộng lớn vô lượng mà nền tảng là đức từ bi. Khi tình thương yêu không đủ thì năng lượng giải thoát không mạnh, Phật giáo Việt Nam thường đặt từ bi đi trước trí tuệ, chùa chiền được gọi là cửa từ bi. Khơi dậy mạch nguồn vô lượng bằng tình thương bao la, nhờ vậy mà thấu suốt được nỗi thống khổ của chúng sinh, mới phát khởi đức tinh tấn dõng mãnh để cầu đạo giải thoát. Như vậy, nền tảng của mọi đức hạnh là từ bi, đó là tính chất của nguồn tâm thanh tịnh rộng lớn, ngược lại là tính chất ích kỷ chấp ngã, tâm lượng hẹp hòi, đóng bít cánh cửa đại đồng. Ngọn gió từ bi mà Tổ Liễu Quán nói đến là nội hàm của nguồn tâm.

3. Công phu hoàn chỉnh

Giới định phước huệ /Thể dụng viên thông (Giới định phước tuệ/Thể dụng viên thông).

Động lực cứu đời đã thiết lập, còn lại là việc tu hành dựa trên sự thành tựu giới  định và phước tuệ. Ở đây Tổ muốn nói: Xây dựng hành vi và tâm lý đạo đức sẽ tạo nên phước lớn và tu tập thiền định sẽ đạt được tuệ giác. Đây là con đường tu tập truyền thống mà Đức Phật đã dạy, không riêng cho tông phái nào. Tổ đã thực hiện trọn vẹn cả hai lãnh vực ấy trong quá trình cầu pháp, mọi đạo đức căn bản đều thực hiện vẹn toàn, mà khi đọc về cuộc đời của ngài ta thấy rất rõ.

Thể dụng, thể là điều kiện căn bản để mọi pháp tồn tại. Ở đây chỉ cho giới và định. Dụng là cái vận hành của một pháp. Ở đây chỉ cho phước và tuệ, đầy đủ phước đức và trí tuệ thì sự vào ra trong chốn hồng trần mới an ổn và ích lợi. Phước và tuệ luôn dựa trên giới và định, đây là một quy luật về sự thành tựu tâm linh. Phước có thể tổn, tuệ có thể giảm nếu không có nền tảng căn bản là giới và định. Thể dụng viên thông, chính là công phu tu tập được hoàn chỉnh.

4. Trí tuệ vẹn toàn

Vĩnh siêu trí quả/Mật khế thành công (Quả trí siêu việt/Hiểu thấu nên công).

Sau khi giới định phước huệ đã được trang bị, công phu tu tập đã miên mật sẽ đưa đến một tâm thái sáng rỡ, soi chiếu mọi góc tối của nghiệp, như một tia chớp của một lưỡi kiếm sắc bén, mọi u tối chướng ngại đều bị cắt đứt. Sự thấy biết sắc bén ấy, kinh tạng Nguyên thủy gọi là Liễu tri (cái biết rốt ráo). Cái thấy ấy thông suốt với cái thấy của mọi bậc Thánh, cái thấy đến nơi đến chốn, pháp hiệu của ngài là Liễu Quán, chính là ý nghĩa này. Lúc ấy, mọi hành giả luôn được năng lượng Phật, Bồ tát hộ niệm, sự giác ngộ được khẳng định, nên gọi là Mật khế thành công.

5. Hóa độ nhân gian

Truyền trì diệu lý/Diễn xướng chánh tông (Truyền giữ lý mầu/Tuyên dương Chánh tông).

Thành tựu trí tuệ siêu việt chưa phải là hoàn tất lộ trình giải thoát như nhiều người lầm tưởng, nhất là theo lộ trình tu tập của Bồ tát. Năng lượng từ bi ở nơi nguồn tâm chưa được giải tỏa, Bồ tát không thể hưởng thụ an lạc nội tại, Bồ tát hướng tâm đến nhân gian thực hiện mục tiêu hóa độ chúng sinh. Diệu lý là đạo lý giác ngộ, giải thoát của Phật, Chánh tông là đường lối tu hành của Phật. Thông qua việc truyền trao nguồn tuệ giác cho đời, giữ gìn mạch sống giác ngộ của đạo, đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Sức sống của Phật pháp tùy thuộc vào hai yếu tố: Bảo tồn nguồn mạch tuệ giác và truyền bá Chánh pháp. Vấn đề thứ nhất, cần đào tạo được người để giao cho trọng trách giữ gìn mạch sống của Đạo, điều nầy rất khó, như người xưa thường nói: “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”. Vấn đề thứ hai, phải đem giáo lý truyền bá tuyên dương để lợi ích cho hữu tình, tạo ảnh hưởng vào xã hội nhân sinh. Tổ sư đã tích cực di chuyển từ kinh đô về Phú Yên trong nhiều năm dù đường sá xa xôi. Ngài liên tục thiết lập pháp hội thí giới, mở đạo tràng tiếp dẫn đồ chúng, thuyết pháp độ sanh, những bước đi của ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình.

6. Thành tựu thánh quả

Hạnh giải tương ưng/Đạt ngộ chơn không (Hành giải song song/Đạt ngộ chơn không).

Hóa độ nhân gian là sự thành tựu trọn vẹn của một hành giả Phật tử mà một trong những định nghĩa về Phật là Giác hạnh viên mãn. Bước cuối cùng của lộ trình tu tập là tự giác và giác tha được thành tựu. Ở đây, nói đến hạnh và giải tương ưng tức là trí tuệ và đức hạnh song hành. Biểu hiện của hạnh giải là làm đúng như nói và nói đúng như làm, tri hành hợp nhất. Sự thành tựu của công trình tu tập phải ở nơi đời sống thực tiễn của con người xã hội chứ không phải ở nơi tâm thức hay trong sự vắng lặng của núi non. Sự thành tựu ấy gọi là Diệu hữu, theo chủ trương của Phật giáo Đại thừa, và qua Diệu hữu mà hiển lộ Chơn không. Đạt ngộ chơn không của Tổ sư Liễu Quán đặt sau cuối bài kệ như một sự trở về cội nguồn viên mãn sau một cuộc hành trình dài vô tận.

Như vậy, với lộ trình sáu bước, pháp hệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán có tính cách định hướng đường lối tu tập và hành đạo, qua đó thể hiện ý chí của Tổ một cách rõ ràng rằng, nội dung mà một dòng thiền chuyên chở phải là sự vận hành công đức giải thoát và giác ngộ trong đời sống của xã hội nhân sinh. Đó là một định hướng mở rất phóng khoáng phù hợp với bối cảnh phát triển xã hội của dân tộc Việt vào thế kỷ XVIII.

Thích Viên Giác
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2023(Xem: 3985)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
29/10/2023(Xem: 11270)
Như quý vị đã biết, trước bệnh tình nguy ngập của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi, những pháp lữ và những người học trò trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giáo huấn của Người, đã cố gắng trong một thời gian rất ngắn để thực hiện tập Kỷ Yếu này. Do hạn chế về thời gian, Kỷ Yếu chỉ là một tuyển tập đơn sơ gồm những sáng tác văn thơ, nhạc, họa, của chư Tôn Đức và văn thi hữu nhằm biểu lộ niềm tri ân đối với bậc Thầy lãnh đạo nòng cốt còn lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một học giả Phật học uyên thâm hiếm có của Phật giáo Việt Nam. Và cũng chính từ giới hạn đó, chúng tôi đã không kịp nhận được đầy đủ bài vở của chư Tôn Đức, văn thi hữu cùng quý Phật tử có lòng quý kính gửi dâng Hòa thượng Tuệ Sỹ.
27/10/2023(Xem: 2636)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 2816)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 3317)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 3697)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 5904)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]