Lời dẫn 2021: Cuộc đời Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc nơi đây dịch theo nhiều tài liệu, nhưng phần chính là từ học giả John Stevens. Ngài Bạch Ân ngộ đạo là từ tham công án, dạy pháp cũng là qua công án. Do vậy, đọc tiểu sử của ngài sẽ có lợi cho người học Thiền theo công án. Trong vài thập niên qua, dạy Thiền công án tại Việt Nam phần lớn là từ cố Thiền sư Duy Lực. Người viết xin góp vài ý nơi đây, tuy là bản thân tu và học đều chưa tới đâu: Thiền công án và Thiền thoại đầu đều thích hợp cho hầu hết người tu, bất kể Nam Tông hay Bắc Tông, và không nên xem pháp môn này là cái gì bí mật. Thiền công án là dựa theo một tích trong Thiền sử, trong khi Thiền thoại đầu là từ một câu hỏi trong Kinh hay từ Thiền sử quy về một chữ cho dễ tập trung. Thời của ngài Bồ Đề Đạt Ma (khoảng thế kỷ thứ 5 hay thứ 6), rồi thời của ngài Huệ Năng (638—713) chưa có Thiền công án. Nhiều năm sau, công án xuất hiện dựa vào các tích về Thiền nhằm giúp học trò mượn phương tiện này để ngộ đạo. Thiền Tông Nhật Bản truyền sang Hoa Kỳ phần lớn thuộc 2 tông phái: Thiền Tào Động, còn gọi là Soto; và Thiền Lâm Tế, còn gọi là Rinzai. Cả 2 tông phái đều dạy Thiền công án, nhưng Tào Động chỉ lấy công án làm phụ. Tương tự, Thiền Tông Việt Nam cũng có Tào Động và Lâm Tế, nhưng vẫn có nhiều dị biệt với Nhật Bản. Nơi đây, chúng ta sẽ phân tích ngắn gọn về phương pháp này.
Thiền sư Bạch Ẩn của Nhật Bản thuộc dòng Lâm Tế. Một điểm để suy nghĩ: ngài Bạch Ẩn tập trung dạy Thiền công án, chọn công án để Thiền sinh dứt bặt mọi suy nghĩ tư lường, và để Thấy Tánh. Bạch Ẩn thường cho học trò một câu hỏi làm công án, thường nghe nhất và nổi tiếng nhất là câu: Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?
Công án này phổ biến ở Nhật và Hoa Kỳ. Một bàn tay không thể tạo ra tiếng vỗ, phải cần hai bàn tay mới vỗ ra âm thanh. Đời sau nhiều người phân tích và viết sách, nói rằng câu trả lời phải là thế này, hay thế kia. Thí dụ, một sách tiếng Anh viết rằng, câu trả lời nên là, Thiền sinh nên đứng hay ngồi ngay ngắn trước mặt Thầy, lặng lẽ, từ từ chìa một bàn tay ra phía trước. Xin phép nhận định, câu trả lời trong sách đó là sai rồi. Bởi vì Thiền Tông không phải là để đánh đố hay hỏi đáp với những cạm bẫy ngôn ngữ. Thiền Tông là học Làm Phật, tức là học đi, học đứng, học nằm, học ngồi, học cảm thọ và học lìa tham-sân-si như Phật, chứ không phải để làm trò như thuở còn là chúng sinh nữa. Dựa theo Kinh thì đơn giản hơn: cái tánh nghe vốn không lìa chúng ta, dù là có tiếng vỗ hay không tiếng vỗ. Nhưng chớ nên thuần dựa theo Kinh, vì như thế, chúng ta lại đang tụng đọc Kinh luận chớ không phải học Thiền.
Khi được trao công án “tiếng vỗ của một bàn tay,” chúng ta nên thấy ngay đây là một lối vào của tâm, hễ chú tâm lắng nghe tức là lắng nghe cái bất khả, lắng nghe cái tịch lặng vốn xa lìa tất cả những gì của thế giới tập khởi. Ngay khi chú tâm lắng nghe cái chưa từng khởi lên âm thanh nào chính là đang tự nghe cái tâm chưa từng dấy lên hạt bụi, lắng nghe bản tâm, nơi cội nguồn của tâm là Không nhưng sẽ sinh khởi vô lượng Có. Cảng lặng lẽ lắng nghe, sẽ càng thấy đây là một trong những cách vào định rất nhanh, vì nơi cái âm thanh chưa dấy lên, tức là nơi cái sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp chưa hiển lộ, chưa hiển lộ (nghĩa là, chưa có cái gì để gọi là Có hay Không). Đồng thời, ngay khi lắng nghe cũng là Tuệ giác mở rộng, vì đang tiếp cận với cái tâm tịch lặng lìa tham-sân-si. Bất kỳ ai cũng tham công án này được, dù là nam hay nữ, dù là học cao hay học thấp, dù là vua quan hay nông dân, bởi vì chỉ cần dừng tất cả các niệm trong tâm để chỉ lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Một ngày tham công án là một ngày xa lìa tham sân si. Từ từ sẽ ngộ nhập nhiều công án khác. Đó là hạnh phúc tuyệt vời vậy.
Một công án khác được ngài Bạch Ẩn ưa chuộng là “Không.” Tiếng Nhật là “Mu.” Đọc theo âm Trung Hoa là “Vô.” Sách kể rằng, có một thời gian ngài Bạch Ẩn tập trung vào công án này. Nguyên khởi công án này là từ sách Vô Môn Quan. Trong tắc số 1 của Vô Môn Quan ghi rằng một nhà sư hỏi ngài Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?” Triệu Châu đáp: “Không!”
Nên chú ý lời tụng của ngài Huệ Khai: “Tài thiệp hữu vô, táng thân thất mạng.” Tức là: “Hễ nói có hay nói không, liền vùi thân, mất mạng.”
Công án vừa dẫn cũng là tắc thứ 23 trong sách Niêm Tụng Kệ (gồm 43 công án) của Trần Thái Tông (1218 - 1277), được xếp vào Khóa Hư Lục làm thành sách giáo khoa cho Thiền Tông tại Việt Nam. Ngài Trần Thái Tông ghi lại công án này khác với Vô Môn Quan, và đây là một phương pháp dạy tuyệt vời của ngài, trích toàn văn tắc thứ 23, theo bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ:
"23.- Cử: Vị Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: Không. Tăng lại hỏi, Triệu Châu đáp: Có.
Niêm: Lấy hai so một.
Tụng: Hỏi ngay ở trước, đáp có không.
Cho dù ngay đó dứt nhóm ngông.
Một đời tự phụ người tài giỏi,
Thế ấy vẫn là chẳng trượng phu."
Xin góp ý thế này. Tất cả chúng ta đều có thể thấy Có, nghe Có… nhưng khó thấy được Không, khó nghe được Không. Bởi vì thấy, nghe, hay, biết đều là dựa vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, và chúng ta chỉ lý luận về cái Không khi cái Có biến mất. Đức Phật lại dạy rằng chớ nên giữ bất kỳ một kiến nào trong tâm, hễ có gì tập khởi nơi thấy, nghe… thì gọi là Có, hễ thấy biến diệt thì gọi là Không. Nơi đây, công án không muốn chúng ta lý luận, nhưng chỉ muốn đưa chúng ta vào cái biết tự tâm.
Tắc 23 trong Niêm Tụng Kệ của ngài Trần Thái Tông ghi rằng, lần đầu, Triệu Châu trả lời là Không [Phật tánh], rồi khi tăng hỏi lại thì Triệu Châu lại nói là Có [Phật tánh]. Chúng ta có thể tham công án này bằng cách đi đứng nằm ngồi, nhìn vào tâm mình, vào nơi không vướng vào Có và cũng không vướng vào Không (như Lời tụng của Huệ Khai dạy trong Vô Môn Quan, và như Lời tụng của Trần Thái Tông dạy trong Niêm Tụng Kệ). Chúng ta sẽ nhận ra rằng niệm trong tâm liên tục sinh (tức là, Có) rồi diệt (tức là, Không) và tới một thời gian sẽ tới cái biết lìa cả Có và Không. Cái biết này lúc đó là rỗng không, là lặng lẽ, là ánh sáng tự tâm. Nơi đó là cả định và huệ. Nói là định, vì không bị dao động khi “sắc thanh hương vị xúc pháp” tập khởi hay biến diệt. Nói là huệ vì nhận ra Tâm bất động trong dòng chảy siết của vô thường (như khi mắt thấy mây tụ rồi tan, như khi tai nghe các nốt nhạc khởi lên rồi biến đi, và vân vân… xuyên suốt, gương tâm vẫn liên tục hiện ra sinh diệt đó, hiện ra Có/Không đó, gương tâm không khởi theo Có và cũng không diệt theo Không, gương tâm vẫn rỗng không, vẫn lặng lẽ, vẫn chiếu sáng từ tự tâm). Khi cảm thọ vô thường chảy siết nơi thân tâm mình như thế, cũng là nhận ra pháp ấn vô ngã.
Và sau đây là cuộc đời của ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc, một Thiền sư lớn của Nhật Bản.
…o…
Thiền sư Hakuin Ekaku, tên phiên âm tiếng Việt là Bạch Ẩn Huệ Hạc, sinh năm 1686, viên tịch năm 1768. Chỗ này nên ghi chú rằng, Wikipedia cả tiếng Anh và tiếng Việt đều ghi rằng ngài viên tịch năm 1769. Tuy nhiên, giới sưu tập tranh và thư pháp của ngài Bạch Ẩn ghi theo một số cổ thư rằng ngài viên tịch năm 1768. Công ty đấu giá tranh nghệ thuật Sotheby's cũng ghi rằng Bạch Ẩn viên tịch năm 1768.
Nhiều chi tiết tự truyện đã được tìm thấy trong chính các tác phẩm của Bạch Ẩn, vì sư là một trong vài Thiền sư tự kể lại thời tuổi trẻ và con đường tìm đạo khá chi tiết. Gia đình của Bạch Ẩn điều hành một lữ quán, và còn làm bưu tín viên của Hara, một ngôi làng nằm dưới chân Núi Fuji (Phú Sĩ) và một trạm bên đường trên Tokaido, một xa lộ chạy từ Edo (Tokyo) tới Kyoto.
Ngay từ khi ra đời năm 1686, mẹ sư cảm thấy đứa con thứ năm của bà và là đứa con trai thứ ba của bà rất là đặc biệt. Bà kể lại cho sư, “Con sinh vào năm sửu, tháng sửu, ngày sửu, giờ sửu.” Sửu tức là trâu, là con vật linh thiêng của Tenjin (vị thần được sắc phong từ nhân vật Sugawara no Michizane, 845—903, vị bảo hộ cho văn chương và học thuật), và Bạch Ẩn trở thành kẻ suốt đời sùng mộ vị thần điềm lành này. Vì lý do nào đó, Bạch Ẩn không đi được cho tới năm hai tuổi, nhưng khi ba tuổi, cậu bé đã thuộc lòng tất cả các chữ trong tất cả các bài ru con và bài dân ca mà cậu đã nghe. Năm bốn tuổi, khi thăm bờ biển và thấy sóng xô đi vô tận, và mây trôi dạt đã làm cậu bé đột nhiên khóc – cậu trực giác được tánh vô thường của thế giới.
Cậu bé đã để phần nhiều thời thơ ấu nhiệt tình theo mẹ khi bà tới các ngôi chùa địa phương để nghe giảng pháp, và làm gia đình cậu ngạc nhiên khi lặp lại chính xác những gì cậu đã nghe. Một tu sĩ một lần tới thăm gia đình cậu, tiên tri những điều lớn lao cho cậu bé dị thường, và rồi để lại lời khuyên cho Bạch Ẩn:
(1) Đừng hoang phí thực phẩm; trộn một chút nước nóng với bất cứ gì còn [trong chén của cậu] và ăn hết;
(2) Luôn luôn tiểu tiện khi ngồi xổm;
(3) Hướng bắc là linh thiêng, nên đừng mạo phạm nó bằng việc tiểu tiện, đại tiện, hay ngồi mà lưng hay là duỗi chân về hướng đó. Và đừng bao giờ quên sáu năm Phật đã nhịn đói trong Hy Mã Lạp Sơn và chín năm Bồ Đề Đạt Ma ngồi trong hang tọa thiền. Hãy giữ gìn ba giới này, hãy học định tâm như Phật và Bồ Đề Đạt Ma, và ngươi sẽ được hưởng phước sống trường thọ.
Sau lần gặp vị tu sĩ dị nhân đó, Bạch Ẩn đã trung thành giữ các lời dạy đó suốt đời.
Khi mười tuổi, Bạch Ẩn và bà mẹ sùng đạo dự buổi thuyết pháp sinh động của một vị sư thuộc tông phái Nichiren (tức là Nhật Liên Tông, lấy Kinh Pháp Hoa làm trọng tâm) về các đau đớn ở địa ngục. Ngay cả nhiều năm về sau, Bạch Ẩn cũng kể lại rằng những lời kinh khiếp đó đã làm đóng băng lá gan cậu bé với nỗi sợ hãi, và làm cậu run rẫy kinh hoàng nhiều ngày. Cậu lập tức ngưng đánh nhau với bạn hữu, và ngập tràn ân hận vì đã sát hại các côn trùng và vì đã nghịch phá những con thú nhỏ tới chết. Không lâu sau bài thuyết pháp rực lửa địa ngục đó, Bạch Ẩn tắm vơí mẹ cậu, người thích tắm hơi nước nóng. Các tấm ván rạn nứt, những tia lửa bắn ra, và tiếng nước sôi trào trên kim loại làm gợi nhớ tới địa ngục một cách mãnh liệt, tới nỗi cậu hét lên kinh sợ. Sau khi bình lặng lại, cậu thú nhận với mẹ rằng cậu sợ rớt vào lửa địa ngục. Bà khuyến khích cậu bé cầu nguyện Tenjin, vị thần hộ pháp của cậu, để xin bảo vệ. Sau đó trở đi, Bạch Ẩn đều thức dậy mỗi đêm vào giờ sửu (2 giờ sáng) để cầu nguyện thần Tenjin với nhang, hoa và kinh cầu.
Bất kể chuyên cần cầu nguyện như thế, Bạch Ẩn vẫn lo ngại là Tenjin có thể không bảo vệ được nếu thấy cậu trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó. Một lần, một trong các mũi tên chơi nghịch của cậu bay lạc hướng bia, và ghim vào một bức tranh giá trị đang treo trong phòng giữa nhà. Sau khi bị phạt về việc này, Bạch Ẩn lo ngại, “Nếu Tenjin không thể giúp mình trong chuyện nhỏ như thế, thì làm sao ngài bảo vệ mình khỏi bị tra tấn trong địa ngục?” Đêm đó, cậu nhắm mắt và nói, “Tenjin! Nếu ngài thực sự có năng lực đưa con ra khỏi địa ngục, xin làm cho khói cây nhang đi lên một đường thẳng. Nếu không, xin hãy làm khói bay xoay vòng.” Cậu mở mắt và thấy khói bay lên thẳng một đường. Nhắm mắt lại và tụng một bài kinh tạ ơn, rồi cậu mở mắt lần nữa thì thấy khói tản ra mọi hướng. Hoang mang, cậu mới quyết định thờ chung Tenjin với Quan Âm, vị bồ tát của lòng đại từ đại bi nổi tiếng về công năng cứu độ.
Tuy nhiên, dù thờ chung cả Tenjin và Quan âm, Bạch Ẩn vẫn còn sợ bị đọa địa ngục đời đời. Trong một lễ hội nhà chùa, Bạch Ẩn xem một vở kịch búp-bê về các phép lạ của một nhà sư tông phái Nichiren, sư Nisshin (sinh năm 1407— viên tịch năm 1488), vị này có thể bước đi trong lửa hồng mà không bị phỏng và bị nhấn xuống nước mà không chết chìm. Bạch Ẩn mới suy nghĩ, “Đó là chìa khóa. Nếu ta rời bỏ thế gian và đi tu, mình chắc chắn sẽ được cứu.” Trong khi mẹ cậu chấp thuận, thì cha cậu cho là cậu còn quá non nớt để quyết định xuất gia, nên cậu bé tự tìm tòi học hỏi, trong vòng ba năm đã học thuộc lòng các bộ sách lớn, như Kinh Kim Cương, sách về Thiền Môn ngữ lục (Kuzoshi), và cả kinh điển Nho giáo.
Bạch Ẩn cũng ẩn mình vào núi, tách rời khỏi ồn ào và hỗn loạn của đời thường. Bạch Ẩn tạc tượng Quan Âm từ một thân cây và để nhiều giờ đồng hồ tụng kinh và tọa thiền trước ảnh tượng này. Một lần, một trận lụt cắt lìa Bạch Ẩn khỏi ngôi làng. Khi mực nước không hạ xuống sau hai ngày, chàng Bạch Ẩn mất kiên nhẫn mới cởi bỏ áo quần, cột thành bó và mang trên vai, rồi nhảy vào dòng nước đang cuồn cuộn, tay múa thanh kiếm nhỏ để xua đuổi bất kỳ ma quỷ nào có thể hiện ra. Sau khi về nhà an toàn, chàng mới nói với bố mẹ đang lo sợ, “Con không thể chờ lâu hơn – thời giờ rất quý giá, và con không thể mất một phút nào trong cuộc tìm đạo.”
Năm 1699, khi cậu 13 tuổi, bố mẹ cuối cùng đồng ý, và Bạch Ẩn thọ giới thành một tu sĩ Thiền môn bởi Tanrei (viên tịch 1701), trụ trì của chùa Shoin-ji, một ngôi chùa địa phương từng được hồi phục bởi một ông bác của Bạch Ẩn. Bạch Ẩn phát nguyện sẽ tu học cho tới khi đạt khả năng không bị tổn hại bởi lửa và không bị nhận chìm bởi nước.
Ngay lập tức sau khi thọ giới, Bạch Ẩn được gửi đi học với vị sư học giả Sokudo (viên tịch 1712) ở ngôi chùa gần đó, Daisho-ji. Nơi đây, Bạch Ẩn học Kinh Pháp Hoa, kinh mà chàng xem không hơn gì một tuyển tập truyện thần tiên và các ẩn dụ đơn giản. Không chịu thụ động chấp nhận bất kỳ học thuyết nào, Bạch Ẩn đưa câu hỏi lên Sokudo: “Con xa lìa phụ mẫu để học Phật. Kinh Pháp Hoa được xem là ‘Vua của các kinh Phật,’ nhưng ngoài giáo lý ‘Nhất Thừa’ [trong đó, tất cả pháp Phật đều được hòa hợp] kinh hầu hết chứa đựng những gì có thể gặp trong cổ điển Trung Hoa, sách nhạc, và ngay cả các bài ca kỹ nữ geisha. Vậy thì giá trị Phật Giáo chỗ nào?” Sokudo không có câu trả lời sẵn sàng, nhưng ngài ca ngợi khát vọng của cậu học trò muốn tự khám phá ra sự thực.
Năm 1703, chàng trai 17 tuổi quyết định đi hành hương như một unsui, “một nhà sư dạt theo mây và trôi với nước, trong cuộc lữ hành tìm Đạo.” Trước tiên, sư tới tu viện Zenso-ji, nơi sư nghe vị trụ trì một hôm kể về Thiền sư Yen-t’ou (tên phiên âm tiếng Việt là Nham Đầu; sinh năm 828 và viên tịch năm 87), một Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng. Một lần, Nham Đầu và nhóm tăng sĩ của sư bị bọn cướp phục kích. Trong khi các sư khác kinh hoàng bỏ chạy, sư Nham Đầu lặng lẽ ngồi xuống theo tư thế thiền tọa. Khi ngài bị bọn cướp giết chết, tiếng thét của ngài vang nhiều dặm xa. Bạch Ẩn nói, “Nếu một nhà sư đạo hạnh tôn kính như thế lại chịu khổ đau như thế, thì cái phận nào để cho những kẻ như mình? Chắc chắn là không có gì vô dụng hơn là một nhà sư!” Nghi vấn đã ném Bạch Ẩn vào sự dao động dữ dội, và sư không thể ăn hay ngủ trong nhiều ngày. Cuối cùng, sư kết luận trong tuyệt vọng rằng sư trước sau gì cũng rớt vô địa ngục và không còn gì để lo ngại về số phận mình nữa. Từ đó, sư quá xấu hổ để trở về nhà trong thảm bại đáng khinh, sư quyết định ít nhất phải thành danh về mặt văn chương.
Trong khi Bạch Ẩn tu học ở Zenso-ji, một thiếu nữ địa phương đã say mê chàng ngay sau khi tình cờ gặp sư trong làng. Bố mẹ cô mới đề nghị nhận chàng vào gia đình, và thúc giục sư xả giới tăng sĩ để cưới con gái của họ. Bạch Ẩn thực sự bị lôi cuốn bởi cô này, nhưng sư chống lại cám dỗ đó, tự nhắc nhở bằng các lời nguyện mà sư đã tuyên thệ rằng không bao giờ dao động trên đường tìm đạo. (Thiếu nữ này từ trần vài năm sau, và sau khi Bạch Ẩn xây ngôi chùa Ryutaku-ji, một tấm bia tưởng niệm cô được dựng trong chùa này.)
Năm 1704, Bạch Ẩn nghe về một nhà sư tên Bao (1629-1711), người nổi tiếng là không ai ngang hàng về mặt thi ca. Sư Bao là trụ trì chùa Zuiun-ji, một ngôi chùa nhỏ tại Mino, miền Trung Honshu, và Bạch Ẩn tới đó với một nhóm 12 vị sư. Trong vòng vài tháng, tình hình nghèo nàn của chùa và kỷ luật gay gắt của sư Bao đã đánh bại mọi người, chỉ trừ Bạch Ẩn. Khi các vị sư sửa soạn bỏ đi, sư Bao tới nói với Bạch Ẩn, “Tốt lắm, họ đang bay ra khỏi nhà tù. Còn ngươi thì sao?” Bạch Ẩn nói với sư Bao rằng chàng sẽ không bao giờ chịu thua. Wikipedia ghi rằng vị sư này là Bao Rōjin, và ngôi chùa Zuiun-ji có một tàng kinh các.
Một khi đơn độc với vị thầy nghiêm khắc này, Bạch Ẩn đạt tiến bộ mau chóng với thơ của chàng làm, nhưng lần nữa chàng lại bị tấn công bởi lòng tự nghi vấn: “Ngay cả nếu thơ của mình vượt qua thi hào Lý Bạch (701-62) hay Đỗ Phủ (712-70), thì cũng không giúp mình tí xíu nào khi mình gặp Diêm Vương!” Bạch Ẩn bước ra hàng hiên chùa, nơi sách trong chùa đang được phơi và cầu nguyện, “Chư Phật và chư thiên ơi! Hãy giúp con trong nỗ lực tìm đạo và chỉ ra đường nào con nên theo!” Chàng nhắm mắt và bốc đại lên một cuốn sách. Đó là cuốn Smashing Through the Zen Barrier (Zenkan Sakushin, nghĩa của nhan đề Anh Văn là “Phá Xuyên Cổng Nhà Thiền”). Sư mở sách thấy ngay truyện của nhà sư Trung Hoa Tz’u-ming (Jimyo, 987-1040). Khi sư Tz’u-ming cảm thấy buồn ngủ trong các thời tọa thiền suốt đêm của mình, sư mới lấy mũi khoan ghim vào đùi để tỉnh thức. Khi được hỏi vì sao tự xử nghiêm khắc như thế, sư mới nói, “Với rất mực tinh tấn, chư tổ mới giác ngộ. Nếu không thành tựu gì trong đời, mà chết đi vô ích thì thiệt là uổng phí. Đó là lý do vì sao ta tự đâm vào đùi.” Được sách tấn bởi câu chuyện này, Bạch Ẩn quyết tâm trì chí hơn bao giờ hết.
Trong khi Bạch Ẩn tu học ở chùa sư Bao, bà mẹ của Bạch Ẩn chết, nhưng chàng không thể về dự tang lễ mẹ. Năm 1705, tu sĩ 19 tuổi này rời chùa Zuiun-ji để nhập chúng của Nanzen (1662-1710) trong khóa an cư kiết hạ. Nơi đó Bạch Ẩn trở thành quen thuộc với và ngay lập tức thấy không ưa loại Thiền “Bình Thường” (tức là “Vô Sanh”), một loại Phật Giáo sơ sài, đi-theo-dòng; loại này tránh xa sự nương tựa vào bất kỳ hình thức tu tập theo quy luật hay kỷ luật nghiêm khắc nào.
Năm kế tiếp, Bạch Ẩn khám phá ra cuốn Hư Đường Ngữ Lục, ghi lời dạy của Thiền Sư Trung Hoa từng gợi hứng cho nhà sư Ikkyu. Bạch Ẩn mới đi tới chùa Joko-ji để dự một loạt các bài giảng về cuốn này, giảng bởi sư trụ trì Banri (1650-1713). Xuyên qua các buổi thuyết pháp, chàng biết là có những vị sư khác từng đau đớn vì tu hoài mà không thấy tiến bộ và cứ như là điên dại, nhưng vẫn kiên trì để cuối cùng “niềm vui lớn theo sau nỗi đau lớn.”
Trong mùa hè 1706, Bạch Ẩn về hướng Nam để tu học tại chùa Shoshu-ji ở Shikoku, và sau đó được mời thăm lâu đài của vị lãnh chúa điạ phương. Nơi đây chàng được cho xem một bộ sưu tập các bức thư pháp, và chấn động bởi một kho tàng đặc biệt. Đó là các tấm thư pháp của một Thiền Sư (hoặc là Daigu [Đại Ngu, 1584—1669] hoặc là Ungo [Vân Cư, 1582—1659], tùy theo các lời kể khác nhau) – mạnh mẽ, rực sáng, và lôi cuốn, nhưng hoàn toàn tự nhiên và không tự ý thức tí nào. Cần ghi chú rằng Thiền sư Đại Ngu vừa nói trên, ra đời năm 1584, khác với Thiền sư Ryokan, người cũng có pháp hiệu là Đại Ngu, nhưng sinh năm 1758, cũng nổi tiếng về thư pháp, nhưng cách nhau gần 2 thế kỷ.
Bạch Ẩn nhìn thư pháp, rồi suy nghĩ rằng, “Nét bút này là kết quả của chứng ngộ chân thật; nó không có gì dính dáng tới kỹ thuật cả,” Bạch Ẩn mới trở về chùa và, hoàn toàn bất mãn với cái nỗ lực đỏm dáng của chính mình, đốt tất cả bút và các mẫu thư pháp của mình. Sư sẽ không cầm bút lên một cách nghiêm túc lại cho tới khi gần 60 tuổi.
Thay vào đó, Bạch Ẩn lao mình vào tu tập với nhiệt tâm được làm mới lại: “Ta sẽ như một khúc gỗ trôi toàn lực xuống một dòng sông, không để bị kẹt dọc ven bờ và mục nát mà cũng không dựa vào sự giúp đỡ nào của người hay chư thiên, nhưng là luôn luôn thẳng tiến cho tới khi vào đại dương!”
Bạch Ẩn mới miệt mài lo vượt rào cản lớn đầu tiên của Thiền, công án “Vô.” Trong khi sư tham công án này, Bạch Ẩn cảm thấy như dường mình đã rớt vào hang động đen ngòm. Vào năm 1707, khi nhà sư 21 tuổi này đang đi bộ trong một nơi thắng cảnh bên biển Inland Sea, những người đi cùng thúc giục chàng hân thưởng cảnh đẹp. Nhưng Bạch Ẩn không bận tâm gì, “Ta vẫn chưa đạt Đạo. Làm sao ta có thì giờ nào ngắm cảnh?” Nhưng khi họ tới chùa Kaisei-ji ở Nishinomiya, Bạch Ẩn sáng tác bài thơ lạc quan sau:
Dưới núi, một dòng sông trôi
Miên viễn không ngưng.
Nếu tâm Thiền được như thế
Thấy tự tánh mình không còn xa đâu.
Khi Bạch Ẩn nghe tin sư Bao ngã bệnh, chàng trở về chùa Zuiun-ji để chăm sóc thầy. Suốt ngày, Bạch Ẩn tu thiền trong hành động—lau chùi, làm vườn, nấu bếp, và chăm sóc vị thầy bệnh—và vào đêm, sư tu thiền trong vắng lặng, ngồi giờ này sang giờ kia tọa thiền. Trong các thời khóa thiền, chàng bị gây rối bởi các thị kiến: một số là các ma quỷ hung dữ, và các cảnh khác thì đưa chàng bay lên mây và bay khắp bốn biển. Trong vài tháng, sư Bao hồi phục và, sau khi vắng mặt bốn năm rưỡi, Bạch Ẩn mới về lại quận nhà Hara. Mặc dù chàng bị vây bủa bằng các câu hỏi từ thân nhân và bạn hữu về chuyến hành hương dài, chàng chỉ đáp ậm ừ thôi. Mọi người đồng ý rằng chàng đã thay đổi.
Gần cuối năm 1707, Núi Phú Sĩ phun lửa. Nham thạch phun lên trời, mặt đất lay động dữ dội, và tro núi lửa bay phủ khắp làng. Bạch Ẩn đang ở tại chùa Shoin-ji, và nhiều thân nhân tới để cứu chàng, chỉ để thấy là sư đang ngồi tọa thiền. Bạch Ẩn không chịu dao động: “Nếu ta chứng ngộ, ta sẽ được bảo vệ; nếu ta không, thì không mất mát gì nếu ta ra tro – ta phó thác mình cho đất trời vậy.” Bạch Ẩn thoát được thiên tai này bình an.
Năm 1708, Bạch Ẩn đi tới Echigo, một tỉnh dọc theo Biển Nhật Bản, để dự một chuỗi thuyết pháp về sách Dharma Eye of Men and Gods (Ninten Ganmoku, Pháp Nhãn Của Trời Người). Không hài lòng với sự hiểu biết cạn cợt của giảng sư về bản văn, và bất mãn với những gian nan thiền định của chính mình, Bạch Ẩn tự nhốt mình trong một điện thờ gần ngôi chùa, và bắt đầu nhập thất bảy ngày với nhịn đói và thiền tọa. Sư ghi lại rằng sư thấy mình đóng băng cứng trong một tảng băng dài vạn dặm. Giữa khóa thất, vào nửa đêm, sư nghe tiếng chuông ở nơi xa và cảm thấy “thân và tâm đều buông mất.” Sư thét lớn hết sức, “Nham Đầu [nhà sư bị bọn cướp giết] ở ngay đây, sống động bình an!” Lo sợ có ai trong khu xóm đang bị nạn như ngài Nham Đầu, các vị sư giựt mình chạy tới thì chỉ thấy Bạch Ẩn tràn đầy niềm vui.
Mặc dù Bạch Ẩn xem nhẹ các bài thuyết pháp, thường vẫn có hơn năm trăm người tới nghe Bạch Ẩn giảng. Một hôm, một vị sư trông có vẻ man dã, cao hơn 6 feet tới và mang cây thiền trượng dài. Ai cũng sợ vị này, nhưng Bạch Ẩn đồng ý làm người hướng dẫn cho sư này. Tuy nhiên, khi các bài thuyết pháp bắt đầu, nhà sư khổng lồ tỏ lộ có sự hiểu biết sâu về các vấn đề đang thuyết. Đối với Bạch Ẩn, nhà sư này là hình ảnh của “một trận mưa tươi mát sau cơn nắng hạn dài,” và hai người để ra nhiều giờ nói chuyện thiền với nhau. Nhà sư này có tên là Kaku (1679—1730), đề nghị giới thiệu Bạch Ẩn với thầy sư là Shoju, một vị ẩn tu già, tính cộc lốc, đang sống trong vùng núi Ìyama (bây giờ là quận Nagano). Bạch Ẩn và Kaku rời bỏ các buổi thuyết pháp và tìm tới căn lều xiêu vẹo của Shoju.
Shoju (1642—1721) là môn đồ và là truyền nhân duy nhất của Bunan (1603—76), một thiền sư nghiêm khắc đã sống hầu hết cuộc đời của ngài trong cương vị cư sĩ. Bunan không cho các học trò thì giờ nghỉ ngơi nào, liên tục thúc giục họ:
Hãy chết trong khi sống,
Hãy hoàn toàn chết!
Rồi làm
Những gì ngươi muốn
Và tất cả sẽ tốt lành.
Tới phiên Shoju cũng khét tiếng là tự nghiêm khắc – một lần sư để suốt cả tuần lễ ngồi thiền hàng đêm trong một nghĩa địa vây phủ bởi một đàn chó sói đói.
Shoju được biết nhiều nhất về chuyện “Đánh Bại Kiếm Sư.” Các kiếm sĩ vẫn thường tìm lời khuyên từ các thiền sư với hy vọng khám phá phương pháp hòa hài kỹ thuật và tinh thần. Một lần, một kiếm sĩ như thế tìm tới Shoju, và sư này lắng nghe lịch sự tới các lý thuyết của kiếm sĩ này và đôi khi lạc đề, trước khi đột ngột nhảy lên và đấm liên hồi vào người này không thương tiếc. Kinh nghiệm Thiền trong cung cách mãnh liệt và trực tiếp nhất, kiếm sĩ đó trực ngộ về nguyên lý tối hậu của nghệ thuật [kiếm đạo] của y.
Tin về pháp môn Thiền “không gì ngăn ngại” của Shoju đã gây xôn xao, và ngài được mời tới xem một buổi huấn luyện cho các kiếm sư. Các vị kiếm sư bày tỏ ngưỡng mộ về sự hiểu biết thâm sâu về Thiền của Shoju, nhưng nêu ngờ vực là, có thể nào, không ngạc nhiên gì, có ai đó đánh bại một kiếm sĩ giỏi bằng cách chỉ dựa vào tinh thần.
Shoju mới thách thức, “Hãy thử tấn công ta xem.” Đó là lời mời mà các kiếm sĩ chờ đợi, và họ nhảy xô vào Shoju. Tuy nhiên, không ai có thể đánh trúng sư, nhưng tất cả họ đều bị chiếc quạt của sư đập ít nhất là một phát vào đầu. Rất là khiêm tốn, họ mới hỏi sư về bí mật chiêu pháp.
“Nếu mắt ngươi thấy được chân tướng, và tâm ngươi không bị ngăn trở, thì không có gì mà ngươi không thắng được, kể cả một trận đấu kiếm,” theo lời Shoju giải thích cho họ. Bạch Ẩn sẽ học nhiều từ Shoju, vì chàng đã biểu tỏ một tâm thức tương tự khi chạm trán bởi một võ sĩ đa nghi sau đó trong đời.
Trong buổi phỏng vấn đầu với Shoju, Bạch Ẩn trình lên vị sư già một bài trau chuốt “Thơ của chứng ngộ.” Không liếc mắt vào chút nào, Shoju dùng tay trái vò mảnh giấy bài thơ, thò tay phải đe dọa Bạch Ẩn, và đòi biết, “Ngoài chuyện lõm bõm học theo sách, ngươi đã thành tựu gì?”
“Nếu con có gì trình thầy, con đã đưa ra rồi!” Bạch Ẩn đáp.
Vị thầy mới hỏi sắc bén, “Vậy còn chữ Vô thì sao?”
“Không tay hay chân có thể chạm nó,” Bạch Ẩn đáp một cách tự tin.
Shoju đột ngột thò tay, véo lỗ mũi của Bạch Ẩn thật mạnh, và hét, “Đây là nơi để đặt tay và chân của ta!”
Lúng túng, Bạch Ẩn mới thấy rằng cái ngộ trước kia của mình chưa đầy đủ. Chỗ này, chúng ta có thể dựa theo lời tụng của Trần Thái Tông để ghi chú rằng, Bạch Ẩn nghĩ rằng chữ Vô là cái gì xa lìa thân ngũ uẩn, do vậy vị thầy mới thò tay véo lỗ mũi Bạch Ẩn để thức tỉnh ngay ở khoảnh khắc này, nơi đó không gọi được là Có hay Không; tất nhiên, cũng không thể nào nói có cái gì gọi là “ta là” hay “ta không là” để rồi nói “không tay, chân có thể chạm tới.” Ý này cũng nằm trong Bát Nhã Tâm Kinh.
Shoju mới trao cho Bạch Ẩn công án khác để tham cứu: “Thiền sư Nam Tuyền chết rồi về đâu?” Nam Tuyền là thiền sư Trung Hoa, sinh năm 748, viên tịch năm 834.
Bạch Ẩn sau đó tới trình Shoku bài kệ trả lời, nhưng vị thầy hét lên, “Vọng tưởng, nằm mơ!” và đấm nhiều cú vào Bạch Ẩn tới nỗi chàng ngã gục ngoài hàng hiên.
Chàng Bạch Ẩn tuyệt vọng không giải nổi công án này hay bất kỳ công án khác mà Shoju trao cho. Hoàng toàn tuyệt vọng, Bạch Ẩn mới dùng chiến pháp quen thuộc khi bế tắc: chàng phát nguyện. “Nếu tôi không hiểu tận tường một trong các công án này trong vòng 7 ngày, tôi sẽ tự sát.”
Tuy nhiên, Shoju không bị ấn tượng tí nào, và cứ tiếp tục hành hạ người học trò hoang mang, người mà ngài gọi là “nhà sư khờ khạo rớt trong hang quỷ đen ngòm.”
Kinh hoảng, Bạch Ẩn mới hỏi, “Tại sao mình cứ nghe lão nhà quê này trong mái am xiêu vẹo này? Đất nước này đầy các vị thầy xuất sắc – hẳn là phải có ai tốt hơn cho mình chứ.”
“Tới luôn đi, và lùng sục thế giới cho ra một ông thầy tốt hơn,” Shoju giễu. “Ngươi sẽ cầm chắc là thấy sao mọc giữa trưa.”
Hoàn toàn hoang mang, khi Bạch Ẩn bước đi khất thực vào sáng hôm sau, lòng tràn ngập các vấn đề sinh tử. Khi đứng xuất thần trước cổng của một căn nhà, sư không để ý tới tiếng la “Đi chỗ khác đi! Chúng tôi không có gì để cúng!” từ bên trong. Sau đó, một bà lão sống nơi đây quá giận vì sư cứ đứng một chỗ nên bước ra và lấy chổi tre đánh vào đầu sư. Bạch Ẩn bị ngã xỉu, nhưng khi ngẩng dậy, các lời đáp cho tất cả công án sư đau đớn lâu nay đã trở thành sáng tỏ. Bạch Ẩn nhảy chồm dậy và la hét vui mừng, làm ngạc nhiên các dân làng tới xem nhà sư đang quỳ lạy. “Bà già chắc là đã đánh cho thầy này mất trí rồi,” họ đồng ý. “Tốt hơn là hãy tránh xa nhà sư điên khùng này.” Nhiều năm sau, Bạch Ẩn kỷ niệm giây phút này trong một tấm tranh vẽ cây chổi tre với phụ đề, “Đây là cây chổi đã quét sạch các thứ giác ngộ rẻ tiền!”
Mặc dù nhà sư bình thường nghiêm khắc Shoju mỉm cười khi Bạch Ẩn kể lại các chuyển biến lớn trong ngày, Shoju không xác nhận chính thức gì về sự chứng ngộ của Bạch Ẩn, có lẽ bởi vì sư biết rằng Bạch Ẩn sẽ còn đạt tới những mức cao hơn. Đêm đó, mẹ của Bạch Ẩn xuất hiện nói với Bạch Ẩn trong mơ với tin vui rằng bà không còn lang thang trong cõi đọa lạc nữa. Công đức lớn từ nỗ lực và từ sự chứng ngộ của con bà đã chuyển tới bà, và bà bây giờ đang yên ổn trên cõi trời. Nên ghi chú rằng, việc “hồi hướng công đức” như thế là một yếu tố quan trọng của Phật Giáo Nhật Bản, và nhiều người trở thành sư hay ni cô là để mong cứu độ người thân quá cố vào cõi an lành.
Mặc dù Bạch Ẩn đã ở với Shoju mới 8 tháng, sư bây giờ biết chắc là mình đã đúng đường. Chàng Bạch Ẩn 22 tuổi trở về chùa Shoin-ji vào cuối năm 1708 và không bao giờ gặp lại Shoju (thầy này viên tịch năm 1721), mặc dù Bạch Ẩn luôn luôn xem Shoju như vị “bổn sư” của mình. Bài kệ thị tịch của sư Shoju là:
Lời cuối của ta:
Chết mau thì khó nói.
Hãy nói lời không lời,
Nhưng đừng nói, đừng nói!
Sau khi ở chút xíu tại chùa Shoin-ji, Bạch Ẩn lại ra đi vào đầu năm 1709. Cứ mỗi lần sư nắm được cốt tủy của một trong cả ngàn công án mà sư đã học thuộc, sư lại nhảy múa và cười như điên dại, một thái độ làm người ta gọi sư là một “Thiền sư khùng.” Sau khi trải qua một loạt các chứng ngộ lớn và nhỏ, sự hào hứng thường trực đã làm Bạch Ẩn mất thăng bằng và sư ngả bệnh trầm trọng với điều mà sư gọi là “Thiền bệnh.” Các triệu chứng báo nguy này là:
Lên cơn sốt nóng bỏng và đầu như chẻ ra; phía dưới lưng cảm thấy như quấn trong băng; mắt chảy nước; tai nghe có tiếng o o u u; hoảng sợ khi thấy ánh nắng; ưu trầm lớn khi về đêm; niệm khởi lung tung vào ban ngày; ác mộng về đêm; lơ đãng; kiệt sức; ăn khó tiêu; và các cơn lạnh giá dữ dội.
May mắn, trong hai năm kế tiếp, Bạch Ẩn đã có thể tự chữa chứng bệnh đáng sợ này và tiếp tục tu tập.
Vào cuối năm 1711, Bạch Ẩn trở về chùa Daisho-ji để chăm sóc Sokudo, một trong những vị thầy cũ bấy giờ ngả bệnh. Cũng như trước, Bạch Ẩn để cả ngày chăm sóc thầy và ban đêm để toạ thiền. Năm kế tiếp, Bạch Ẩn được 26 tuổi, bắt đầu thuyết pháp trước công chúng tại chùa Shoin-ji. Khi Sokudo viên tịch vào mùa thu đó, Bạch Ẩn một lần nữa lại đi du phương. Trong một sự kiện điển hình của những ngày sư trên đường, Bạch Ẩn đột nhiên ngộ được ý nghĩa của công án, “Lá sen tròn hơn tấm gương tròn nhất; gai hạt dẻ nước nhọn hơn mũi khoan bén nhất.” Lúc đó trời đang mưa ào ạt, và nhà sư vui sướng ngả ra và lăn vào đám bùn mà cười khoái trá.
Một lần khác, Bạch Ẩn đang ngồi thiền ban đêm, thì tiếng động của tuyết rơi nhẹ đột nhiên làm sư hiểu công án, “Định lực của một bé gái vượt hơn định lực của vị sư trí tuệ nhất của Phật.” Sư làm bài thơ sau để ghi nhận lần chứng ngộ đó:
Nếu chỉ ta có thể chia sẻ nó:
Tiếng động mềm mại cuả tuyết
Rơi đêm khuya
Từ các cây
Ở ngôi chùa cổ này.
Năm 1713, Bạch Ẩn đi về phương nam để tìm gặp Kogetsu (1667—1751), nổi tiếng là Thiền sư hàng đầu bấy giờ, nhưng sư lại đi chệch ra và để một năm tu tập với các Thiền sư Tetsudo (1658—1730) và Egoku (1632—1721). Bất kể trước đó suýt chết vì Thiền bệnh, Bạch Ẩn tự nghiêm khắc với mình hơn bao giờ hết. Sư và một vị sư khác một lần nhập thất tọa thiền liên tục 7 ngày, ngồi đối mặt nhau với cây gậy ngắn đặt giữa hai sư. Nếu có sư nào lộ dấu buồn ngủ, thì vị sư kia phải lấy gậy gõ nhẹ vào giữa hai mắt để tỉnh dậy. Họ đã hoàn tất kỳ thất mà không dùng tới gậy này lần nào.
Năm 1714, Bạch Ẩn tu tập tại chùa Reisho-ji, và rồi để hai năm kế tiếp ẩn tu tại Núi Iwataki. Sư đã tiếp tục hình thức tu tập nghiêm khắc này quá sớm, và sức khỏe lại suy sụp lần nữa. Để hồi phục, sư sống một cách lặng lẽ trong một am thất giữa vùng núi xinh đẹp Iwataki, sống nhờ ăn cháo, và thiền tọa cả ngày và đêm. Giấc mơ đẹp vỡ tan năm 1716, khi một người tớ của phụ thân sư tìm ra sư sau hai năm tìm kiếm. Người tớ này nói, “Cha của sư bệnh rồi, và chùa Shoin-ji trống rỗng và hoang tàn đổ nát. Chúng con muốn sư về nhà.”
Do vậy, vào tháng đầu của năm 1717, Bạch Ẩn, 31 tuổi, tự nhận vai trò sư trụ trì chùa Shoin-ji, chỉ còn là cái vỏ bọc hoang phế. Bạch Ẩn bắt đầu tiến trình mệt nhọc xây lại ngôi chùa và biến nó thành trung tâm tu học. Cha của sư chết vào cuối năm đó.
Năm kế tiếp, Bạch Ẩn được vinh danh với lời mời làm sư thủ chúng trong một khóa thiền mùa đông tại chùa Myoshin-ji ở Kyoto, một trong những Thiền viện lớn nhất và quan trọng nhất tại Nhật Bản. Đây đã có thể là bước đầu tiên để nổi tiếng và phú quý như cương vị một Thiền sư ở thủ đô, nhưng sư trở về lại chùa Shoin-ji ngay khi khóa ba tháng kết thúc, quyết định để sống hết phần đời còn lại làm trụ trì ngôi chùa nhà quê nhỏ bé đó. Điều này được ám chỉ trong pháp hiệu “Bạch Ẩn,” mà sư sử dụng khoảng thời gian này (khi còn trẻ, sư được gọi là Iwajiro, và pháp danh khi mới vào tu của sư là Ekaku). Chữ “Bạch Ẩn” có nghĩa là “ẩn giấu trong màu trắng,” chỉ tới tình trạng ẩn dật trong mây và tuyết của Núi Phú Sĩ (nói cách khác, còn có nghĩa là, trở thành một với Phật Tánh), rồi bị lạc khi tu học ở Thung Lũng Bạch Hạc của chùa Shoin-ji, và hội nhập vào màu trắng của niết bàn, trong đó vạn pháp đều hòa bình an lạc.
Trong thập niên kế tiếp, một nhóm nhỏ các học tăng và cư sĩ bắt đầu tìm tới chùa Shoin-ji để tu thiền theo hướng dẫn của Bạch Ẩn. Tiếng tăm của sư được vang dậy thêm sau một vụ sư bị tố cáo bởi một thiếu nữ địa phương là cha của đứa con hoang của cô. Bạch Ẩn không nói gì để tự vệ, và khi người cha giận dữ của cô gái đòi sư phải nuôi đứa nhỏ, Bạch Ẩn chỉ ẵm em bé về. Sư dịu dàng chăm sóc cho em bé mà không than phiền gì, thu xếp tìm một vú em, và ẵm theo khi đi khất thực, lặng lẽ chịu đựng sự khinh bỉ đổ dồn lên sư bởi các dân làng. Sau đó thiếu nữ ân hận và thú nhận sự thực – rằng một thanh niên hàng xóm là cha em bé, chứ không phải Bạch Ẩn. Người cha kinh hoàng cuả thiếu nữ mới xin tha lỗi, nhưng Bạch Ẩn trả lời dịu dàng, “Đừng bận tâm gì chuyện đó,” và trao em bé lại, không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Theo sách "Zen Flesh, Zen Bones" của Paul Reps và Nyogen Senzaki, sau khi bé sơ sinh ra đời, Bạch Ẩn hàng ngày ẵm em bé đi trong các thôn xóm để xin sữa cho em bé. Hình ảnh nhà sư ẵm em bé đi xin sữa như thế kéo dài khoảng một năm, cô gái kia mới ân hận, thú tội rằng cha em bé là 1 thanh niên làm việc trong một chợ cá.
Một đêm trong năm 1725, Bạch Ẩn có giấc mơ khác với mẹ, lần này bà mẹ trao cho con trai bộ y màu tím. Bộ y này có những chiếc kính trên cả hai tay áo, các kính này phản ánh các chiều kích bên trong và bên ngoài của đời sống với sự chiếu rọi rực rỡ trong khi lấp lánh với mặt biển lặng của niết bàn, như thế trao cho Bạch Ẩn chìa khóa đối với công án, “Người giác ngộ nhìn thấy Phật Tánh bằng chính đôi mắt của mình.”
Năm kế tiếp, Bạch Ẩn, 40 tuổi, đang nghiền ngẫm Kinh Pháp Hoa, một kinh mà sư xem phần lớn là vô dụng, thì một con dế gáy nhẹ nhàng. Bạch Ẩn đột nhiên hiểu được thông điệp ẩn tàng của kinh – “Ngoài tâm, không có Kinh Pháp Hoa; ngoài Kinh Pháp Hoa, không có tâm nào cả” – và bây giờ mới đồng ý rằng kinh này xứng đáng được gọi là “Vua của Các Kinh Phật.” Có một dị bản chỗ này. Theo một tài liệu khác của học giả Barbara O'Brien, sự kiện đó xảy ra năm Bạch Ẩn 42 tuổi, đang ở chùa Shoinji, khi đọc Kinh Pháp Hoa thì nghe tiếng dế gáy ngoài vườn. Lúc đó, các nghi vấn cuối cùng trong tâm đột nhiên biến mất, Bạch Ẩn hét lên và khóc ràn rụa.
Cần ghi nhận điểm này: truyền thống Phật Giáo Việt Nam vẫn chú tâm vào Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Pháp Hoa. Tạm gọi rằng, trong khi Bát Nhã Tâm Kinh chỉ vào Không (Sắc-Không bất dị), Kinh Pháp Hoa lại chỉ vào Có (có Phật Tánh). Trong Thiền sử Việt Nam có ngài Minh Chánh Thanh Đàm đời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ 18, đã viết 2 luận thư --- Pháp Hoa Đề Cương và Bát Nhã Trực Giải --- để giải thích minh bạch hai Kinh này, nhằm nêu tông chỉ và lối đi giải thoát. Tuy Tâm Kinh nói về Không, và Pháp Hoa nói về Có, nhưng vẫn không có gì sai chệch giữa hai Kinh đó.
Các tiểu sử sớm nhất của Bạch Ẩn mô tả sự kiện này như bước chuyển biến của đời sư. Khát vọng giác ngộ đã chiếm nửa đầu sự nghiệp Bạch Ẩn là “hạt giống” của việc sư tu tập, nổi bật bởi sự gần ám ảnh bởi nan đề tự ngã – tránh né địa ngục, kinh nghiệm giác ngộ, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần. Với sự trưởng thành của Bạch Ẩn, nửa đời sau của sư trong cương vị Thiền sư mới là “quả” – không nghĩ gì tới mình, mà cứ tận lực chăm sóc và hướng dẫn người khác.
Không như Ikkyu, người có nhiều học trò nhưng từ chối không nhận ai làm truyền nhân, hay là Ryokan, người không bao giờ giữ chức trụ trì chùa nào và đã viên tịch mà không một đệ tử, Bạch Ẩn là “Vị Thầy Chính“ của Thiền Tông Nhật Bản. Hàng trăm học tăng và cư sĩ tu học dưới hướng dẫn của sư, và sư dường như đã chứng nhận, hay cách khác là bảo trợ, hơn 80 đệ tử trực tiếp của sư để dạy và quảng bá Thiền Tông kiểu Bạch Ẩn khắp nước. Có lẽ sư cũng đã trao ra nhiều văn bằng inka – cho các sư, ni cô, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, và ngay cả cho một cặp vợ chồng – nhiều hơn bất kỳ vị Thiền sư nào trong lịch sử Nhật Bản. Tất cả các phái Lâm Tế lớn hiện nay [của Nhật] đều xuất xứ từ Bạch Ẩn và phần lớn vẫn theo kiểu dạy của sư.
Thiền kiểu Bạch Ẩn dựa vào cuộc tìm cầu lâu dài của sư và vào cá tính mãnh liệt của sư – “Thầy chúng ta di động như một con bò mộng và trừng mắt nhìn như một con cọp,” một trong các đệ tử của sư viết trong kính mộ. “Không bao giờ hài lòng với các tiểu ngộ,” Bạch Ẩn thúc giục học trò như thế. Sư đòi hỏi các học nhân phải chạm trán, đau đớn tìm cầu, và vượt qua cùng các rào cản lớn lao mà sư đã trực diện. Một thiền sinh chân thực cần đại nghi, sư tin như thế. “Nếu ai có nỗi nghi dầy đặc tới mười độ, thì chứng ngộ của người đó cũng như thế.”
Bạch Ẩn đòi hỏi các môn đệ phải vật lộn với các câu hỏi tối hậu bằng cách nhai nó, nuốt nó, và khạc nhổ ra công án mà chính sư đã húc đầu vào, và phải giải quyết công án do chính sư tạo ra: “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” Mục đích đơn độc của học Thiền, theo lời Bạch Ẩn, là kensho, “thấy tự tánh,” là trở thành Phật.
Phương châm của Bạch Ẩn là, “Thiền trong khi động thì một tỉ lần ưu thắng hơn thiền tĩnh tọa.” Shoju, thầy của Bạch Ẩn, một lần nói với sư: “Nếu ngươi có thể giữ tâm trên một đường phố đang sôi động đầy ắp bạo lực, trong một sân hỏa thiêu giữa cái chết và hủy diệt, và trong một rạp hát vây quanh bởi tiếng ồn ào và phân tán, thì và chỉ có khi đó, ngươi là người chân thực tu Thiền.”
Tương tự, Bạch Ẩn viết trong một bài: “Đừng tự đóng mình trong phòng để giữ vàng, ngươi hãy đi ra phố chia sẻ tài sản với người khác... Những gì sẽ xảy ra cho thế giới này nếu các tướng quân và bộ trưởng, các chiến sĩ, các thương gia, các nghệ nhân và các nông dân đều lẩn tránh trách nhiệm để và một nơi nào đó thực tập kiểu ngồi mù quáng và lặng lẽ trong ảo vọng của cuộc tránh né các khó khăn và trôi qua dễ dàng trong đời? Xã hội sẽ sụp đổ!”
Sư dẫn ra các trường hợp cổ nhân đã hiển lộ Thiền của họ bằng cách vác đá gạch, cuốc đất, xách nước, chẻ củi, trồng rau, đo và làm, xoay cửi và đan dệt, học và dạy, trị nước và hộ dân.
Nhà sư trụ trì Trung Hoa Bá Trượng (749—814) trên chín mươi tuổi vẫn ra đồng làm việc, sư Bạch Ẩn nêu lên, và khi các đệ tử ngài giấu cuốc xẻng để cho sư nghỉ ngơi, Bá Trượng mới không chịu ăn: “Không làm, không ăn!” Bạch Ẩn cũng nêu lên các trường hợp của nhiều nam nữ cư sĩ xuất sắc, những người sống ngoài đời thường, nhưng không bao giờ cách ly với Đạo. “Hãy biến mọi thứ trong đời ngươi thành công án,” Bạch Ẩn thúc giục các học trò như thế, cả học tăng lẫn hàng tại gia. “Hãy nghĩ về núi, sông, và đại địa như bục thiền, và vũ trụ như hang động riêng để ngươi ngồi thiền.” Cái trí tuệ đạt được bằng cách tập thiền giữa thế giới của khát dục là không lay động nổi, theo Bạch Ẩn dạy, “như một hoa sen không bao giờ có thể bị phá hủy.” Sư cũng nói, “Một người tu dũng mãnh, cư xử hệt như một chiến sĩ bị bao vây bởi kẻ thù từ mọi phía, có thể thành tựu giác ngộ trong khoảng khắc, nhưng những ai la cà thì phải mất ba a tăng kỳ kiếp mới tỉnh ngộ.”
Giáo pháp của Bạch Ẩn được tóm gọn trong bản văn nổi tiếng nhất của sư, Tọa Thiền Ca (Zazen wasan):
Chúng sinh nguyên thủy là Phật,
Như nước và băng.
Không có băng ngoài nước,
Không có Phật ngoài chúng sinh.
Nhưng chúng sinh không biết bản sự như thế
Và lại đi tìm kiếm nơi xa. Thật buồn!
Cứ y hệt như chết khát
Tại ngay giữa nguồn nước;
Hay con trai một phú gia
Lang thang như gã ăn mày lạc lối.
Chúng ta bị buộc vào cảnh giới luân hồi
Bởi vì si mê giữ chúng ta trong bóng tối.
Đi bộ trong bóng đêm,
Khi nào chúng ta sẽ thoát khỏi sinh và tử?
Thiền Tông của Đại Thừa
Vượt ra ngoài mọi so sánh.
Bố thí, trì giới, tất cả mọi công đức khác,
Tụng kinh, sám hối, tu tập, và
Tất cả mọi thiện pháp
Đều có cội nguồn trong Thiền.
Hãy ngồi chân thật trong thiền định chỉ một lần,
Và nó xóa đi các lớp vỏ của nghiệp dữ.
Không còn trong thung lũng địa ngục,
Tịnh Độ thì quá gần.
Hãy lắng nghe cung kính giáo pháp này
Chỉ một lần,
Hãy ngợi ca và hoan hỉ trong nó,
Và vô lượng thắng pháp sẽ là của ngươi.
Hãy tự hiến dâng mình
Thẳng đường tới chứng ngộ bản tánh;
Khi tự tánh vốn thật vô tự tánh,
Ngươi sẽ giải thoát khỏi cái huyên náo rỗng tuếch này.
Hãy mở cánh cổng của nhân và quả
Và đi thẳng không chần chờ.
Hãy lấy vô tướng làm tướng,
Hãy đi tới mà đừng dừng nghỉ.
Hãy lấy vô niệm làm niệm,
Hãy hát và nhảy múa với Phật Pháp.
Hãy mở cái vô tận của tịch tĩnh không ngăn ngại
Hiển lộ trước ánh sáng rực rỡ của trí tuệ viên mãn.
Vào giây phút này, chúng ta cần tìm gì?
Niết Bàn ở trước mắt ta.
Nơi này là Cõi Hoa Sen,
Thân này là thân của Phật.
Mặc dù Bạch Ẩn rất thô bạo trong các bài viết, tấn công các đối thủ thiền và coi thường các tông phái khác của Phật Giáo – “Thiền để cho người thượng căn, Tịnh Độ để cho các chú lùn” – thực sự, sư lại là một thiền sư dịu dàng và khéo léo dị thường, và là một Phật Tử đại lượng không bao giờ đẩy người khác ra vì niềm tin của họ và là người kết hợp các yếu tố khác của tất cả tôn giáo vào trong thuyết giảng của sư.
Kiến thức của sư uyên bác, và người ta nói rằng sư đã đọc toàn bộ Kinh Phật tới bảy lần. Sư đưa cho mỗi thiền sinh một công án để tham cứu, nhưng sư đưa ra tùy theo tông phái mà thiền sinh đó đang theo, nêu lên một câu hỏi lấy từ truyền thống thích nghi đó – Thiền, Thiên Thai, Chân Tông (Mật Tông), Tịnh Độ, Nhật Liên Tông, Lão Giáo, Khổng Giáo, Thần Đạo.
.
.
Đối với Bạch Ẩn, Thiền ngữ “Thấy Tánh, Thành Phật “ tương đương với “Nhất niệm, ba ngàn thế giới” của Thiên Thai, với “Mẫu tự bí mật A” của Chân Tông, với “Vãng sanh” của Tịnh Độ Tông, với “Diệu pháp” của Nhật Liên Tông, với “Đạo” của Lão Giáo, với “Chí Thiện” của Khổng Giáo, và với “Cõi trời cao” của Thần Đạo.
Nhiều lần sư Bạch Ẩn mở miệng chỉ trích các tông phái khác và các sư khác thực sự chỉ là đùa nghịch với thiện ý. Một người bạn của Bạch Ẩn là Tenkei (1648—1735), một thiền sư Tào Động. Một lần, trên một chuyến đi, Bạch Ẩn tới gần trú xứ của Tenkei và hỏi một người qua đường, “Có thằng cha nào tên Tenkei sống gần đây không?”
“Thưa thầy, có,” người đàn ông trả lời với chút nổi giận. “Vùng này, dân chúng thờ Thiền Sư Tenkei như một vị Phật sống.”
“Có chuyện vậy hả? Ờ thì lần sau, khi ngươi gặp ổng, nói với ổng là có ta nói ổng là một tên ngốc vô dụng!”
Người đàn ông chấn động vì ngôn ngữ như thế, nhưng Bạch Ẩn đã bỏ đi trước khi có thể bị buộc phải rút lời.
Người đàn ông hóa ra là một đệ tử hết lòng của Tenkei và trình lại chuyện đó với thầy mình. Tenkei bật cười nói, “Lão già Bạch Ẩn lại vào chợ nữa rồi. Nghe hệt như lão đang mạnh khỏe. Cảm ơn con về lời nhắn.”
Pháp Thiền Kiến Tánh quyết liệt làm-hay-là-chết của Bạch Ẩn được quân bình bởi giải thích của sư rằng tập thiền phải có cả những đột hứng của tràng cười sảng khoái, hạnh phúc; kiến tánh càng sâu, thì người sẽ càng thêm tràn ngập tiếng cười vỡ bụng. Sư cũng nói, “Hiểu được chuyện tiếu lâm thì có nhiều người; nhưng hiểu được tiếng cười chân thực thì chẳng mấy ai.” Như chúng ta sẽ thấy, yếu tố khôi hài cốt tủy này là chứng cớ rõ nhất trong các tranh hí họa Thiền của sư Bạch Ẩn.
Bạch Ẩn có thể hân thưởng chuyện khôi hài ngay cả khi sư bị đưa ra giễu. Một hôm, gia đình giàu nhất trong huyện mời Bạch Ẩn tới dự bữa tiệc chay.
Bạch Ẩn, khoác trên người bộ áo tràng đen đơn giản và mang dép rơm, đi bộ tới căn dinh thự của họ, nhưng khi đã tới giờ ra về, gia chủ mới nài nỉ rằng sư nên để được kiệu về. Tuy nhiên, khi những người vác kiệu nhấc kiệu lên, Bạch Ẩn, người chưa từng đi kiểu xe sang trọng này bao giờ, đã té ngã ra đất, làm đám đông bật cười.
“Đủ rồi nhé,” Bạch Ẩn nói với một nụ cười. “Ta nên theo lời khuyên của chính mình—luôn luôn giữ chân trên mặt đất!”
.
Trong nhiều đệ tử của Bạch Ẩn còn có nhiều phụ nữ, một số trong đó đến từ khu phố kỹ nữ tại Hara, nhưng sư đối xử với các nữ đệ tử không khác gì với các nam cư sĩ hay các vị sư. Một trong những môn đệ đầu tiên của Bạch Ẩn là một thiếu nữ 15 tuổi tên gọi Satsu; cô đang gặp trở ngại kiếm chồng vì vẻ ngoài không đẹp, nên cha mẹ cô bảo cô cầu nguyện Quan Thế âm Bồ Tát để xin có người chồng thích hợp. Một hôm, cha cô kinh hoàng khi thấy cô đang ngồi trên một cuốn Kinh về Đức Quan Thế âm.
Người cha giận dữ hét lên, “Sao con ngồi lên cuốn kinh linh thiêng đó?”
Cô Satsu nói lặng lẽ, “Có sao đâu. Nhà sư chùa Shoin-ji nói vạn pháp đều có Phật Tánh, nên đâu có gì dị biệt giữa bàn mông của con với bộ Kinh Phật?”
Hoàn toàn sửng sốt, người cha mới trình với Bạch Ẩn, và sư nói với nụ cười, “Con gái của ngươi khá sắc bén ha. Hãy cho nó bài thơ công án này và bảo nó là thơ từ ta gửi nó.”
Trong bóng tối của đêm,
Nếu ngươi có thể nghe tiếng
Của con chim quạ không khóc,
Thì tương lai vô sinh sẽ sáng tỏ
Và ngươi có thể hiểu tình thương của người cha.
Khi được đưa xem thơ này, cô Satsu không lộ ấn tượng gì.
“Có hay ho gì thơ này đâu? Bạch Ẩn không hơn con tí xíu nào!”
Khi cô Satsu sau đó tới gặp Bạch Ẩn, sư đón cô với công án: “Ngươi có nắm tất cả hư không?”
Đáp lại, cô bé Satsu lấy ngón tay vạch vòng tròn trên không.
“Đó mới nửa tấm hình thôi,” Bạch Ẩn trả lời với mắt trừng trừng nhìn.
“Trễ quá rồi. Con đã làm xong việc nắm giữ nó rồi!”
Cô Satsu quả là thứ thiệt, nắm đầy tay rồi. Trong một lần đối thoại, cô xin Bạch Ẩn giải thích một điểm khó hiểu. Ngay khi sư vừa bắt đầu nói, cô Satsu nói, “Cảm ơn thầy,” rồi bước đi để lại ông thầy há hốc mồm kinh ngạc.
Một lần, một nhà sư kiêu căng tìm cách trị cô Satsu: “Trong một đống rác, một tảng đá trắng bị vỡ ra; đó là nghĩa lý gì?”
Không do dự, cô Satsu đập bể tan chén trà của vị sư, và sư này phải rút lui khẩn cấp.
Cô Satsu chống lại các áp lực buộc cô lấy chồng, bởi vì cô muốn tọa thiền toàn thời gian, nhưng Bạch Ẩn nói với cô, “Con hiểu Thiền khá rồi, nhưng con cần đưa nó vào thực tập. Tốt nhất cho con là đi lấy chồng, làm theo sự cặp đôi tự nhiên giữa nam và nữ. Tánh và tướng, chứng ngộ và hành ngộ phải được hòa hài với các hiện thực của đời sống hàng ngày.” Dùng chữ khác, thì kết hôn, giao phối, và sinh con và nuôi con đều là các hình thức xuất sắc của thiền trong đời sống.
Satsu nghe lời khuyên của thầy, nên kết hôn và có một gia đình đông đúc. Nhiều năm sau, sau khi mất một trong nhóm cháu yêu thương, bà Satsu không nguôi ngoai nổi. Một người hàng xóm thô bạo mới nói với bà, “Ta nghe nói là bà đã lãnh giấy chứng nhận giác ngộ do chính thầy Bạch Ẩn trao mà, sao bây giờ bà buồn hoài thôi?”
“Đồ ngốc!” Bà Satsu hét lại. “Nước mắt của ta là đài tưởng niệm tốt hơn là một trăm ông sư tụng kinh sầu thảm. Nước mắt này tưởng niệm tất cả những đứa trẻ chết trên đời này. Đó chính xác là điều ta cảm thấy ngay giây phút này!”
Ohashi, một đệ tử khác của Bạch Ẩn, đã giác ngộ ngay cả khi đang làm kỹ nữ. Là một thiếu nữ dễ thương, đầy tài năng, cô Ohashi tự đưa mình vào một nhà điếm ở Hara để nuôi gia đình, khi người cha kiếm sĩ samurai mất việc vì chủ tướng chết. Cô học Thiền với Bạch Ẩn, thầy khuyên cô hãy xem cuộc đời như công án tối hậu – sự giác ngộ thì có thể ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Mặc dù sợ hãi sấm sét, một hôm cô Ohashi tự ra ngồi nơi hàng hiên giữa lúc một trận bão dữ dội để tự mình bỏ tâm sợ hãi. Một tia chớp đánh vào nền đất trước mặt cô, làm cô ngất xỉu. Khi cô hồi tỉnh, cô cảm thấy như dường vũ trụ là của cô. Bạch Ẩn chứng nhận rằng cô đã Thấy Tánh, điều này cho thấy ngay cả một cô kỹ nữ cũng có thể giác ngộ. Ohashi rồi được một người khách giàu chuộc ra, và kết hôn với cô. Sau đó, với sự cho phép của chồng, cô xuất gia làm ni cô, và nổi tiếng về trí tuệ và từ bi. Khi ni cô viên tịch, thay vì làm một bia mộ theo phong tục, người chồng và các bạn cô mới tạc tượng cô theo hình Quan Thế âm, vị Bồ Tát của lòng từ bi và đưa ảnh tượng này đặt vào chùa của Bạch Ẩn.
Bạch Ẩn rất hiểu nhân tính. Một lần, một tướng quân du hành và dừng nghỉ ở Hara, rồi say mê tuyệt vọng cô con gái của người chủ quán trọ. Bất kể lời thề thốt về tình yêu vĩnh cửu và sự giàu sang, cô gái vẫn không chịu rời bỏ cha mẹ già. Bạch Ẩn mới tạc tượng gỗ theo hình cô gái để tướng quân này giữ bên mình, hy vọng rằng cô một hôm sẽ chịu đi theo. Bất hạnh thay, một thời gian ngắn sau đó, cô từ trần, và tướng quân này đành phải hài lòng với các kỷ niệm về thiếu nữ mà ông thương yêu.
Nhưng một mặt khác, Bạch Ẩn lại giận dữ khi một kiếm sĩ cấp cao xuất hiện với “cô em gái nhỏ” của kiếm sĩ này – nói cách khác, một cô tình nhân – đi kèm bên cạnh. Khi kiếm sĩ tới xin tham vấn Thiền, sư Bạch Ẩn la mắng ông nặng nề: “Tu Thiền đòi hỏi ngươi phải chân thật từ đỉnh đầu cho tới gót chân! Ngay cả lời nói dối nhỏ nhất cũng xóa đi nhiều năm tu tập.” Vị kiếm sĩ lập tức thấy sai lầm của mình và dẫn cô tình nhân tới lạy sư. Cả hai người sau đó đều trở nên các thiền sinh giỏi.
Các “bà già Thiền,” chữ gọi những bà cụ sắc bén ưa gây bối rối cho các vị sư huênh hoang, vẫn xuất hiện thường xuyên trong văn học Thiền, và Bạch Ẩn cũng đụng chạm vài bà già như thế. “Lão Bà San,” một bà cụ như thế, không thể kiên nhẫn để chờ thử sức Bạch Ẩn khi sư tới thăm thị trấn của bà. (Ghi chú: Nơi đây, San là tên riêng, không phải tiếp vĩ ngữ –san để chỉ sự kính trọng.) Trong khi phỏng vấn, Bạch Ẩn đưa một bàn tay lên cao, im lặng thách thức bà cụ nghe âm thanh của nó. Bà cụ hét lớn, “Lắng nghe ‘một bàn tay’ của Bạch Ẩn, đâu có hay bằng vỗ hai bàn tay và làm một số công việc thực sự.”
Bạch Ẩn hét lại, “Nếu ngươi có thể làm việc bằng cách vỗ hai bàn tay, thì không cần nghe tiếng vỗ của một bàn tay,” và sư chụp một mảnh giấy và vẽ lên đó một cây chổi tre. Sư chuyển cho Lão Bà San bảo viết phụ đề. Bà cụ viết:
Cái chổi này
Quét sạch hết
Tất cả những người giả danh ở Nhật –
Trước hết là
Bạch Ẩn vùng Hara!
Cuộc chạm trán này sau đó tự trở thành công án: “Ai thắng? Bạch Ẩn hay Lão Bà San?”
Rồi tới một bà cụ ở Hara nghe được Bạch Ẩn nói trong bài thuyết pháp, “Tâm ngươi là Tịnh Độ, thân ngươi là thân Phật A Di Đà.”
Câu này trở thành công án cho bà cụ, và một buổi sáng bà cụ trải qua kinh nghiệm thấy tánh trong khi dọn dẹp sau buổi điểm tâm. Bà cụ chạy vội tới chùa Shoin-ji và trình với Bạch Ẩn, “A Di Đà Phật đã bao trùm khắp thân con! Cả vũ trụ rực sáng! Kỳ diệu chân thực là bao!”
“Vô nghĩa!” Bạch Ẩn vặn lại. “Vậy có chiếu sáng lỗ đít ngươi không?”
Bà cụ bé nhỏ mới xô tới đánh nhà sư Bạch Ẩn khổng lồ và hét, “Vậy chứ thầy biết gì về giác ngộ?”
Rồi cả hai cười phá lên.
Một chuyện khác kể về một vị nam cư sĩ, tên Harushige, người mất đứa con trai trưởng vì bệnh, nên hoang phí gia sản thừa kế của ông vào rượu và đàn bà, và thất vọng với cuộc đời này. Một hôm, vị này tình cờ đọc cuốn sách gặp một câu mà Bạch Ẩn ưa trích dẫn: “Một người tu quyết liệt... có thể thành tựu giác ngộ trong chớp nhoáng, nhưng những người lười biếng sẽ cần tới ba a tăng kỳ kiếp mới tỉnh ngộ.” Vị sư sĩ này tự giam mình trong buồng tắm, thề là phải thành tựu giác ngộ hoặc là chết. Trong ngày thứ ba ngồi thiền liên tục, thân xác thì đau đớn và tâm thì đầy ảo giác, Harushige đột nhiên kinh nghiệm một bước nhảy. Bạch Ẩn xác nhận Harushige đã thấy tánh, và thường xuyên nhắc tới vị cư sĩ này như một người thành tựu đại sự bằng cách ném bỏ hết để vào công án Thiền. Bạch Ẩn tiếp tục hướng dẫn Harushige, người sau đó tu tỉnh siêng năng làm ăn nuôi gia đình, thành người bạn của dân nghèo, làm người xây đường và cầu, và là một cột trụ của tăng thân.
Một quả phụ trẻ đau đớn đã bị ám ảnh với việc tham công án tới nỗi bà để trọn thời giờ ra ngồi trong thiền đường của chùa Shoin-ji. May mắn, các hàng xóm của bà làm các bữa cơm cho con trai bà khi bà vắng nhà, nhưng khi bà về ghé thăm nhà chút xíu, thì bà nói với con trai, “Ngươi là ai?”
“Con là con trai của mẹ! Mẹ quên con sao?” người con đáp.
Ngay tới Bạch Ẩn cũng nghĩ là như thế là nhất tâm quá độ, bảo bà trình lời giải công án ngay, đừng chần chờ. Bà làm như thế, sư Bạch Ẩn chấp nhận, và vị nữ cư sĩ này tiếp tục cuộc sống bình thường hơn. Một sư trụ trì, bạn của Bạch Ẩn, có một lần gặp phụ nữ này và ghi nhận, “Trong suốt những năm đời tôi, tôi chưa hề gặp ai miên mật tu Thiền như phụ nữ này.”
Một hôm, Bạch Ẩn đang đi bộ trong sân chùa với một cư sĩ, người trước đó thắc mắc về ý nghĩa của chữ “chết,” nguyên đã giao cho cư sĩ này làm công án. Đề nghị ông này làm phương pháp khác, sư Bạch Ẩn mới đọc bài thơ:
Núi Tu Di,
Đỉnh Linh Thứu,
Sụp đổ;
Cõi trời vỡ
Tan thành các mảnh vụn!
“Hiểu không?” Bạch Ẩn hỏi học trò này. Vị nam cư sĩ, như dường đột nhiên thoát được gánh nặng lớn, nhặt lên một viên đá và ném lên cao. Bạch Ẩn mỉm cười chấp nhận.
Một lần, con trai người chủ tiệm cầm đồ tới gặp Bạch Ẩn và trình sư về hoàn cảnh mình: “Con muốn cha con tu học Phật pháp, nhưng cha nói là cha quá bận với sổ sách kế toán tới nổi không để ra được vài giây mà niệm một câu Phật hiệu [trì danh của Phật A Di Đà].”
Bạch Ẩn biết rằng người chủ tiệm cầm đồ là một tay keo kiết, và đó cũng là cớ để tránh né luôn chùa chiền. Sư bảo cậu con kia, “Nói với cha ngươi rằng ta sẽ mua lời niệm Phật của ổng – một xu cho niệm một câu Phật hiệu.”
Người chủ tiệm cầm đồ bủn xỉn mừng rỡ là ông có thể thực sự kiếm lời nhờ tôn giáo. Mỗi ngày, ông trình Bạch Ẩn một hóa đơn đòi tiền trả công niệm Phật, và thiền sư trả tiền thích đáng. Tuy nhiên, tới ngày thứ bảy của hợp đồng, người chủ tiệm cầm đồ miên mật trong niệm Phật tới nổi ông quên đếm. Từ đó ông hết lòng với việc niệm Phật và vẫn niệm mà không đòi tiền, và rồi trở thành một thí chủ rộng rãi cho ngôi chùa của Bạch Ẩn.
Có những lần, người ta thách thức Bạch Ẩn trước công chúng, hô to các công án trong khi sư đang thuyết pháp. Một lần, có người trong thính chúng đòi biết, “Sau khi chết, chúng ta biến mất hay tiếp tục tồn tại?” Bạch Ẩn đáp, “Bây giờ, ngươi đang biến mất hay tiếp tục tồn tại?”
Bạch Ẩn đưa một công án tương tự cho một vị sư già tới xin hướng dẫn: “Ngươi từ đâu tới khi sinh, ngươi sẽ về đâu khi chết?”
Vị sư già này mất tới một năm mới tới trình câu trả lời. Khi Bạch Ẩn lập lại công án, vị sư già đưa lên một ngón tay.
“Thế là chưa đủ tốt! Nói thêm ta nghe!” Bạch Ẩn đòi hỏi với cái nhìn trừng mắt.
Vị sư già lập lại, “Ngươi từ đâu tới khi sinh, ngươi sẽ về đâu khi chết?”
Lần này, Bạch Ẩn chấp nhận.
Một kiếm sĩ tới hỏi, “Trời là gì? Địa ngục là gì?”
“Chuyện gì vậy? Ngươi sợ địa ngục hả?” Bạch Ẩn mới nạt. “Một tên chết nhát rên rỉ như ngươi không đáng học giáo pháp này.”
Nổi giận vì lời xúc phạm của Bạch Ẩn, kiếm sĩ mới rút kiếm và rượt Bạch Ẩn chạy vào chánh điện. Oâng giận dữ vung kiếm vào thiền sư, người đột nhiên biến dạng vào bóng tối.
“Cơn giận này là địa ngục của ngươi,” Bạch Ẩn hét lên.
Kiếm sĩ trầm tỉnh lại và xin lỗi vì lỡ nổi nóng.
“Đây là cõi trời vậy,” Bạch Ẩn nói với kiếm sĩ. (Bởi vì một kiếm sĩ samurai phải miên mật cảnh giác, luôn luôn trang phục tề chỉnh, và sẵn sàng mất mạng bất kỳ lúc nào, nên Bạch Ẩn một lần viết rằng một kiếm sĩ xuất sắc có thể thành tựu trong một tháng những gì mà một nhà sư bình thường thành tựu trong một năm.)
Hara là một trạm thư quan trọng trên Xa Lộ Tokaido, các quan tỉnh đi những chuyến bắt buộc hai lần mỗi năm về Edo thường ghé nơi đó, và nhiều người trong số họ trở thành học trò của Bạch Ẩn. Bạch Ẩn thường mời các tướng quân những chiếc bánh hạt kê đơn giản mà các nông dân tặng sư, và nếu một tướng quân nhích mũi lên vì thức ăn quê mùa như thế, Bạch Ẩn sẽ gay gắt đưa ra bài giảng về đức hạnh của nếp sống bình dị và thức ăn đơn giản.
Một lần, vị tướng quân giàu nhất miền Nam Nhật Bản ngừng chân ở Hara và than phiền về chứng đau bụng với sư Bạch Ẩn. “Ta có thể chữa trị nó,” Bạch Ẩn nói bảo đảm thế. “Đừng ăn điểm tâm ngày mai, mà tới thẳng đây.”
Tướng quân tới thật sớm sáng hôm sau, và Bạch Ẩn nói với ông, “Thuốc chữa này là bí mật, nên ngươi phải theo lời dạy của ta một cách chính xác. Ngươi có thể uống trà này, nhưng ngươi phải ở trong phòng này cho tới khi ta quay lại.”
Bạch Ẩn để vị quan ở lại một mình. Tới trưa, tướng quân đói bi đát. Khoảng ba giờ chiều, Bạch Ẩn vào phòng với một cái chén nhỏ.
“Xin lỗi nha,” Bạch Ẩn xin lỗi. “Nó lâu hơn là ta dự liệu để làm thuốc này. Đây thuốc đây.”
“Cái gì thế này?” tướng quân hỏi, cầm chén lên.
“Cháo lúa mì và chút cơm và hai quả dưa chua ngâm với củ cải,” Bạch Ẩn nói. Vị quan này chưa bao giờ thấy món ăn đó trước giờ, nhưng vì đói nên ăn thấy là ngon.
Bạch Ẩn nói, “Ta hy vọng ngươi đã chữa trị xong. Khi nào mùa màng thua kém, các nông dân trong lãnh địa của ngươi sẽ thấy đói như ngươi đã thấy đói. Đừng bao giờ quên cảm giác đói khi họ tới xin ngươi giúp. Cháo và dưa là những gì họ ăn, và nó thì tốt cho ngươi hơn là thức ăn sang trọng mà ngươi nhồi nhét đầy bụng.”
Bạch Ẩn không bao giờ mệt mỏi khi nhắc nhở từng vị tướng quân tới thăm ông rằng các nông dân là kho tàng của đất nước, và họ xứng đáng được đối xử tử tế. Trong các lá thư của sư, bài viết và tranh vẽ, sư chỉ dạy cho các tướng quân hãy luôn luôn làm phước thiện, hãy sống thanh đạm và nhu hòa – “hãy đối xử người ta với lòng tử tế và gốc rễ của đất nước sẽ mọc lên tươi tốt; nhưng khi hành hạ dân, thì đất nước sẽ trơ trụi liền.”
Thiền sư này thực hành những gì thầy giảng dạy. Bạch Ẩn sống đơn giản như một nông dân. Trong suốt những năm đầu thiếu thốn khi trụ trì chùa Shoin-ji, món cháo của Bạch Ẩn vẫn thường rớt vào những con sâu giòi, bởi vì chùa chỉ có những bánh đậu hũ đã hư mà nông dân bỏ đi. Một lần, một tướng quân giàu có đề nghị cung cấp cho Bạch Ẩn mọi thứ mà sư cần tới. “Được rồi, ta làm vỡ một trong những cái tô trong bếp sáng nay, và ta sẽ mang ơn nếu có cái thay thế,” Bạch Ẩn nói thế với người kia. Khi tướng quân này về lại lãnh địa ở Bizen, một huyện nổi tiếng về nghề sành sứ, ông mới ra lệnh làm nhiều chiếc tô đẹp cho ngôi chùa của Bạch Ẩn. Bạch Ẩn trưng bày một trong những chiếc tô đẹp đó bằng cách treo ngược đầu trên một cành cây thông trong vườn chùa. Cái tô này bây giờ vẫn còn nơi đó, treo cao lơ lửng.
Khi điều kiện khá hơn ở Shoin-ji, Bạch Ẩn mới trữ lương thực và ngũ cốc ở chùa đề phòng nạn đói. Sư cũng trồng hàng trăm cây dọc bờ sông đề ngừa nạn lụt, vất vả thử nghiệm hoài cho tới khi sư kiếm ra đúng loại hạt bắt rễ tốt nhất. Bạch Ẩn có vẻ như là một nhà thực vật sắc bén, bởi vì sư đặt tên nhiều bài viết của sư với tên của các loại cỏ dại -- “Cỏ Ngỗng,” “Cây Gai Ngựa,” “Quả Dâu Rắn,” “Cây Trường Xuân Dại” – và nhiều tấm tranh của sư có vẽ các cây cỏ lạ.
Một ngày mùa đông lạnh giá, một tướng quân thăm chùa Shoin-ji, và Bạch Ẩn cho đem chút rượu sake hâm nóng ra mời. Trong khi họ nói chuyện, Bạch Ẩn ghi nhận người mang mũi giáo của vị quan đang run rẩy nơi túp nhà ở cổng. “Sao ngươi không cho lính gác của ngươi một chén sake nóng này? Kẻ tội nghiệp kia đang lạnh cóng tới chết đó.” Lần sau, khi tướng quân đó và đoàn tùy tùng tới Hara, người lính gác kia, bây giờ là một kiếm sĩ đủ phẩm phục, vào tìm để cảm ơn Bạch Ẩn. “Trong lãnh địa chúng con, nếu vị tướng quân trao tặng người lính một chén sake, thì người kia được thăng lên cấp kiếm sĩ [một phong tục mà Bạch Ẩn biết quá rõ]. Con sẽ suốt đời mang ơn thầy.”
Bạch Ẩn cảnh giác các tướng quân đừng mê đắm nhục dục và thói quen tốn kém của việc kiếm nhiều thê thiếp. Sư chỉ trích thói thường lãng phí các khoản tiền để tìm các kỹ nữ từ Kyoto về phục vụ, các cô này chẳng bao lâu lại bị bỏ rơi hay đổi lấy các cô khác, và bày tỏ phẫn nộ rằng có tới 1/3 ngân sách lãnh địa chỉ để tìm mua và duy trì một đàn thê thiếp.
Hai trong các môn đệ hàng đầu của Bạch Ẩn là Torei (1721—92) và Suio (1717—89). Torei ra đời trong một gia đình thương buôn, và khi còn bé đã có tính nghiêm túc và chín chắn, và không chịu làm tổn thương tới ngay cả loài chí rận. Cậu là một thần đồng kiểu như Bạch Ẩn, và khi lên năm tuổi, vị thiền sư nổi tiếng Kogetsu ở tại nhà của cậu. Cậu bé rất thích cách xử thế dịu dàng của Kogetsu tới nỗi cậu quyết định lúc đó rằng cậu muốn học theo như thế. Ba mẹ cậu làm mọi cách để thuyết cậu, nhưng Torei cuối cùng cũng được ba mẹ cho phép xuất gia làm chú tiểu Thiền Tông vào năm chín tuổi. Cậu học với Kogetsu tại Kyushu vài năm, và rồi, khi 22 tuổi, bắt đầu một thời kỳ tu học gian nan dưới trướng Bạch Ẩn, người mà sư đã gặp trước đó ở Kyoto. Tuy nhiên, sư ngả bệnh trầm trọng, có lẽ với “Thiền bệnh,” và cứ mấp mé bên bờ sự chết; khi hồi phục lại, sư trình lên Bạch Ẩn những gì sư đạt ngộ từ kinh nghiệm này và chút xíu sau đó thì được trao văn bằng inka.
Torei làm việc như cánh tay mặt của Bạch Ẩn trong nhiều năm, và trở thành người nối pháp chính yếu. Sư giữ chức trụ trì ở hai ngôi chùa mà Bạch Ẩn sáng lập nên, chùa Muryo-ji năm 1752 (nơi không thoát nổi các cuộc đàn áp Phật giáo thời thế kỷ 19) và chùa Ryutaku-ji năm 1760 (nơi đã phát triển tới bây giờ, thành một trung tâm dạy Thiền quốc tế). Chính Torei là người kết tập cuốn tiểu sử đầu tiên về Bạch Ẩn, và chính sư là người đã hệ thống hóa sắp xếp các công án cho Thiền Tông kiểu Bạch Ẩn. Torei cũng nghiêm khắc, tỉ mỉ và kiên trì như thầy mình, và cũng gần như một học giả. Sư hiến mình cho việc hòa hài Ba Đại Giáo Pháp và tuyên bố, “Thần Đạo là cội rễ, Khổng Giáo là cành và lá, và Phật Giáo là hoa và trái ngọt.”
Ở một mặt khác, Suio lại mang phong cách phóng khoáng, không có thể nào khác hơn nữa so với Torei (hay Bạch Ẩn). Không ai biết thực sự Suio xuất thân từ đâu—có lời đồn rằng Suio là đứa con hoang của một tướng quân và một kỹ nữ. Ngay cả sau khi trở thành học trò của Bạch Ẩn vào năm ba mươi tuổi, Suio vẫn vui hưởng đàn bà và men rượu sake. Suio không dính dáng gì tới toạ thiền hay lễ nghi bái sám, và chỉ tới chùa Shoin-ji để nghe sư Bạch Ẩn giảng pháp. Hễ bài giảng của Bạch Ẩn kết thúc xong, Suio lại trở về túp lều nhỏ của mình, không bận tâm gì tới việc để thầy mình khảo vấn. Thoảng khi, Bạch Ẩn lại gửi các thị giả theo dõi xem Suio, nhưng rồi cũng vô ích. Mặc dù kiểu Suio không ưa đời sống trong chùa và phong cách gạt bỏ toàn bộ giới luật, Bạch Ẩn vẫn đánh giá cao phẩm cách Thiền của Suio, và đã bổ nhiệm Suio làm người kế nhiệm ở chùa Shoin-ji, khi sư lui về vào năm 80 tuổi. Hai thầy trò có một lúc sứt mẽ, điều này làm Bạch Ẩn đau đớn sâu sắc, nhưng rồi Suio lại trở về làm trụ trì chùa Shoin-ji và ở bên Bạch Ẩn khi Bạch Ẩn viên tịch. Về sau, Suio được chôn kế bên thầy mình. Nhà sư mãnh liệt Bạch Ẩn hẳn là phải có một quả tim rất độ lượng để yêu thương người đệ tử Suio rất mực bướng bĩnh. Và Suio một cách trung thành đã giữ thói nhà Bạch Ẩn khi dùng các bức tranh tuyệt diệu để quảng bá thông điệp Thiền. Trong suốt đời mình, Suio đã bảo hầu hết học trò qua tham học với Torei, nhà sư trụ trì của Ryutaku-ji.
Một cách hứng thú, có một công án về Suio và Torei mà đôi khi vẫn được dùng trong khi tham học bên Thiền Lâm Tế. Suio nói với Torei, “Dạo này, ai cũng cứ lảm nhảm với nhau về ‘Nghe tiếng vỗ của một bàn tay.’ Nhưng sư huynh có nghĩ là họ thực sự nghe?” Công án là: “Torei đã trả lời ra sao?”
Gasan (1727—97), người học tăng cuối cùng của Bạch Ẩn, tới với Bạch Ẩn khi vị thầy đã vào lứa tuổi tám mươi rồi. Sư này là tay cứng đầu, đã học với hơn ba mươi thiền sư; sư này viết rằng sư không bị khiếp đảm bởi uy danh của Bạch Ẩn chút xíu nào, mà cũng không bị uy hiếp bởi tình hình Bạch Ẩn đã có hơn tám trăm thiền sinh. “Ta đã thách thức thầy ba lần, và ba lần thầy đều đánh bại ta. Ta thật kinh hoàng.” Gasan là thầy của Inzan (1754—1817) và Takuju (1760—1833), từ những vị này mà tất cả các trường phái Thiền Lâm Tế [Nhật Bản] chính yếu bây giờ xuất sinh. Theo một tài liệu khác, Gasan về sau có hơn 500 môn đệ, do vậy đã giúp phổ biến rộng Thiền pháp của Bạch Ẩn.
Mặc dù nó chưa bao giờ có ảnh hưởng từ dòng phái Bạch Ẩn, cũng cần nói về dòng Thiền xuất sinh từ Kogetsu. Nhiều học tăng của Bạch Ẩn (kể cả Torei) đã khởi sự tu học theo Kogetsu, rồi mới tới chùa Shoin-ji sau khi sư Kogetsu về hưu, nên có rất nhiều ảnh hưởng tương giao giữa hai phong cách – thí dụ, như Ryosan (1706—86) là người đầu tiên được Bạch Ẩn trao tặng văn bằng inka, sau đó lại quay về với Kogetsu, và được may mắn hưởng lợi từ trí tuệ của hai vị thầy.
Kogetsu ra đời năm 1667, tính ra lớn hơn Bạch Ẩn tới 19 tuổi. Xuất gia học Thiền từ năm 10 tuổi, nhưng vị sư trụ trì đầu tiên mà cậu theo hầu lại có tính nghiện rượu, thế nên chú sư nhỏ bận rộn chăm sóc cho thầy, mà không hy vọng gì học từ kinh điển. Một đêm, sau khi dìu người thầy say rượu vào giường, Kogetsu gặp một người cùi đang khép nép sau chùa. Kogetsu nghe rằng người tội nghiệp này một thời từng là hiệu trưởng của một viện giáo dục chính trong lãnh địa, nhưng đã mất chức khi bị bệnh này. Kogetsu mới dựng nơi trú thân cho người cùi và mang ba bữa ăn một ngày để đổi lấy bài học.
Kogetsu học hoài để trở thành một học giả Thiền Tông hàng đầu bấy giờ, và sư cũng bỏ ra nhiều năm du phương tham học với gần như tất cả Thiền sư lúc đó (kể cả sư Bankei). Y hệt như Bạch Ẩn, sư từ chối lời mời giữ chức cao trong các tu viện ở Kyoto, và để năm mươi năm cuối đời sư ở nơi xa xôi Kyushu, tu học và giảng dạy. Truyền thống Thiền kiểu Kogetsu thì dịu dàng hơn, vắng lặng hơn, và thanh nhã hơn Thiền kiểu Bạch Ẩn. Sengai (1750—1837), đối thủ duy nhất của Bạch Ẩn ở vai trò họa sĩ Thiền, nằm trong dòng Thiền Kogetsu, đã làm cho truyền thống Thiền này sẽ sống vĩnh viễn trong các nét vẽ tuyệt vời trong tranh của sư.
Tu Thiền theo kiểu Bạch Ẩn đòi hỏi sức chịu đựng lớn, và “thể lực Thiền” là một yếu tố quan trọng trong lời dạy của sư. Trích dẫn các y kinh Trung Quốc, Bạch Ẩn dạy cho các môn đệ:
“Chìa khóa để nuôi dưỡng đời sống là làm cho thân khỏe mạnh. Bí mật của việc làm cho thân khỏe mạnh nằm trong việc tập trung tinh thần. Khi tinh thần được tập trung, thì khí lực phát triển. Khi khí lực phát triển, thì tiên dược hình thành. Khi tiên dược hình thành, thân thể trở nên vững vàng. Khi thân vững vàng, tinh thần được toàn hảo... Tiên dược, hay là “hơi thở sự sống,” được hình thành và tập trung ở đan điền, một điểm phía dưới rốn chừng 1 tấc Tây. Khi nó phát triển, vùng này trở nên tròn và đong đưa, một kho chứa khí lực và sức khỏe.”
Bạch Ẩn theo phương pháp này, và nói rằng sư ở tuổi bảy mươi lại có sinh lực gấp mười lần hồi tuổi ba mươi. Không hề mệt mỏi, có thể ngồi tọa thiền suốt ngày, tụng kinh từ sáng tới tối, và nói hay viết trong nhiều giờ đồng hồ. (Nên ghi nhận: Thiền pháp Bạch Ẩn không chỉ tọa thiền, mà còn tụng kinh, và làm mọi phận sự khác.)
Dù vậy, nhiều học trò của sư ngả bệnh, một số bị kiểu “Thiền bệnh” một thời từng làm Bạch Ẩn thê thảm. Cậu thanh niên Bạch Ẩn thấy rõ đã từng bị trầm cảm, và bệnh đó bây giờ sẽ được chẩn đoán là suy sụp tinh thần. Phương pháp mà Bạch Ẩn đưa ra để chữa trị đó được gọi là naikan (nội quán). Bạch Ẩn mô tả naikan trong sách sư viết nhan đề Evening Chat on a Boat (Yasen Kanna; nghĩa tiếng Việt là: Nói Chuyện Trong Đêm Trên Thuyền), và rồi sau đó pháp trị liệu naikan đã được áp dụng bởi các nhà tâm lý học ở cả Nhật Bản và Phương Tây. Mặc dù người ta nói Bạch Ẩn học pháp naikan từ một nhà ẩn tu lớn tuổi tên gọi Hakuyu, các cuộc nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng sư đã tổng hợp các phương pháp trong cuốn Nói Chuyện Trong Đêm Trên Thuyền từ nhiều nguồn, và từ kinh nghiệm riêng của sư và các cuộc thử nghiệm chữa trị tâm lý.
Để chữa căn bệnh đáng sợ đó, Bạch Ẩn cho toa thuốc (bên cạnh phương thuốc tối thượng thừa “nhìn thấy tự tánh và trở thành Phật”) chữa trị như sau:
Hãy tưởng tượng một khối hình như trứng vịt trên đỉnh đầu ngươi; khối này là chất kem ngon nhất, ngọt ngào nhất. Hãy để nó tan chảy dần dần xuống thân thể ngươi, ngấm vào đầy tất cả lỗ chân lông, cuốn trôi đi tất cả bệnh tật đau đớn khi chảy tràn xuống các lòng bàn chân của ngươi. Khi chất kem này xoay vòng trở ngược lên thân thể, các cơ phận nội tạng được thanh lọc, làn da chiếu sáng rực, và sự quân bình của thân và tâm được hồi phục.
Bạch Ẩn cũng khuyến khích sử dụng chính “bệnh” làm một công án. “Trước tiên, đem bệnh của ngươi ra trực diện với cái chết và giải quyết nan đề căn bản đó; thứ nhì, hãy dựa vào hơi thở để nuôi dưỡng sinh mạng ngươi; thứ ba, xem xét về cách ngươi sẽ xử thế ra sao nếu ngươi hồi phục và được cho sống thêm thời gian nữa.”
Bên cạnh kỹ thuật giữ gìn sức khỏe tinh thần như thế, Bạch Ẩn đưa ra một hệ thống thực dụng về xoa bóp để giữ gìn sức khỏe:
(1) Dùng ngón tay cái để xoa các lòng bàn tay.
(2) Gài các ngón của hai tay vào nhau và kéo giãn ra.
(3) Xoa bóp hai bàn tay vào nhau.
(4) Xoa bóp các ngón tay cái.
(5) Xoa bóp các đường gân của từng ngón tay.
(6) Kéo các ngón tay ra.
(7) Giãn hai cánh tay ra và đưa lên cao.
(8) Xoa bóp hai má.
(9) Xoa bóp lỗ mũi phía bên trái và phải.
(10) Xoa bóp trán từ bên này sang bên kia.
(11) Xoa bóp dưới lông mày.
(12) Xoa bóp hai tai theo hướng xuống dưới.
(13) Kéo các tai giãn ra nhẹ nhàng.
(14) Đưa nhón trỏ vào tai và nhẹ nhàng vỗ một lần.
(15) Xoa bóp hai bên thái dương.
(16) Lấy hai tay ôm đầu và nghiêng đầu tận cùng ra sau.
(17) Nghiêng đầu qua trái và phải.
(18) Xoắn thân người ra một hướng, và rồi sang hướng kia, ba lần như thế.
(19) Chín lần lạy toàn thân.
(20) Hai tay nắm vào nhau và đưa cao quá đầu, rồi hạ thấp xuống.
(21) Xoay các vai.
(22) Dùng nắm tay đập nhẹ vào hai đầu gối.
(23) Dùng nắm tay đập nhẹ vào phần thân trên cơ thể.
Bất kể sự quan tâm chu đáo như thế về sức khỏe thể lực và tâm lực cho các môn đệ, nhiều vị sư đã từ trần trong khi tu học ở chùa Shoin-ji – gần 70 bia mộ xếp hàng dài sau nấm mồ của Bạch Ẩn.
Vào thời của Ikkyu, thư pháp và họa pháp đã trở thành phương tiện giảng dạy chính yếu của Thiền Tông. Nhưng chính Bạch Ẩn mới là người tận dụng nghệ thuật Thiền Tông như là “các nét cọ của giác ngộ” tới tròn đầy. Như đã nói ở trên, sau khi xem một tác phẩm thư pháp Thiền, cậu thanh niên Bạch Ẩn đã đốt sạch các cây cọ của cậu trong khi tự trách: “Cách duy nhất để có nét cọ thâm sâu như thế là phải hoàn thiện tâm mình.” Chỉ tới khi gần 60 tuổi, khi sư đã thành thục thiền định trong đời sống, Bạch Ẩn mới bắt đầu vẽ nghiêm túc trở lại.
Mặc dù thấy rõ bẩm sinh tài năng, người ta vẫn chưa rõ Bạch Ẩn học các kỹ thuật dùng cọ như thế từ đâu. Nhiều phần là sư đã học một cách không chính thức với Suio, người họa sĩ xuất sắc, và có lẽ đã được hướng dẫn chút đỉnh từ Ike no Taiga, người từng có khi là học trò của sư và là một trong các họa sĩ lớn của thời đó. Trong ba thập niên cuối đời, Bạch Ẩn đã vẽ rất nhiều họa phẩm trong nhiều đề tài, từ các phong cảnh nhiều màu sắc, với nhiều nhân vật và nhiều chủ đề, cho tới vẽ các tấm ký họa thô sơ. Bên cạnh các chủ đề Thiền Tông truyền thống được vẽ trong nét bút có cá tính nổi bật, tươi mới đáng ngạc nhiên, Bạch Ẩn cũng vẽ với cảm hứng từ các tông phái khác của Phật Giáo, Khổng Giáo, Thần Đạo, Lão Giáo, tôn giáo dân gian, và từ đời sống thường ngày (thường đưa khuôn mặt của chính sư và các Phật tử của sư vào tranh). Thư pháp của sư cũng bao trùm nhiều hơn các lời dạy khó hiểu của Phật và chư Tổ, mang âm vận ru trẻ em, các dân ca được ưa chuộng, thơ khôi hài, và cả các bài ca bỡn cợt từ các xóm kỹ nữ. Các tác phẩm nghệ thuật của Bạch Ẩn là “các tấm tranh giải thoát chúng sinh,” như một trong các dấu ấn của sư khắc. Chúng là các bài giảng bằng hình ảnh có sức ảnh hưởng lớn hơn một bài thuyết pháp dài, hay một bài chú giải về một bản văn khó hiểu. Tất cả các môn đệ và Phật tử của Bạch Ẩn có thể liên hệ trực tiếp tới nghệ thuật của thầy mình, điều có một ảnh hưởng tức khắc và lâu dài trên người xem.
Trong một nghĩa, thì tác phẩm của Bạch Ẩn có tính “vô nghệ thuật,” hệt như Thiền Tông là “vô ngôn.” Tác phẩm của sư vẽ không nhằm cho đẹp hay trang trí. Thực sự, Bạch Ẩn không bao giờ sửa các sai lầm hay các chỗ sơ sót trong tranh thư pháp của sư, và nếu giấy có bị rơi mực lên hay vết chân mèo bước vào, thì lại càng tốt hơn! Trên những tấm lớn, Bạch Ẩn thường làm đường viền trước, nhưng thay vì xóa viền đi, sư lại vẽ chồng lên, tạo ra một loại hiệu ứng ba chiều.
Thư pháp của Bạch Ẩn được dân chúng tin tưởng là có năng lực siêu hình, và các tác phẩm của sư được sưu tầm rộng rãi. Sư viết, “Thay vì treo những tấm hình màu mè trong nhà ngươi, hãy trưng bày các tấm tranh Thiền pháp trong phòng ngươi; hãy gìn giữ truyền thống này với lòng thờ kính và ngươi sẽ được giải thoát khỏi đau khổ.” Tới bây giờ, nhiều tiệm bán cổ vật tại Kyoto có ít nhất một tác phẩm của Bạch Ẩn trưng bày trong tiệm nhằm bảo vệ khỏi bị hỏa hoạn. Bạch Ẩn đi lại nhiều trong tuổi sáu mươi và bảy mươi, và khi sư tới thăm một nhà riêng, sư vẫn thường để lại một hay hai tác phẩm Thiền này như một đền trả. Nếu nơi sư vào trọ là dinh thự của một tướng quân, Bạch Ẩn có thể gọi đem giấy mực tới và vẽ ngay tại chỗ vào liền một tấm màn cuốn hay là cánh cửa giấy.
Bạch Ẩn thích vẽ biếm họa các nhà sư nửa mùa. Bạch Ẩn thường xuyên chế giễu Yoshida Kenko (1283—1350), một nhà văn và là tác giả cuốn Essays in Idleness (Tsurezure-gusa), mô tả vị này như một con khỉ dại khờ tìm cách chụp bóng trăng dưới nước, hay là viết các dòng mở đầu của cuốn sách đó trên một mảnh giấy. Thiền Tông của Yoshida, theo tấm tranh cho thấy, chỉ là giả mạo. Các thiền sư chân thật không sống trong cảnh hưu dưỡng thoải mái, vui chơi lạng qua lại giữa nghệ thuật và tôn giáo. Họ ở trong thế giới thật, thường trực thử nghiệm phẩm chất sự giác ngộ của họ. Đó là lý do vì sao Bạch Ẩn vẽ các tấm tranh mô tả Bố Đại Thiền Sư (Hotei), “vị Phật cười,” như là người chủ tiệm với dòng chữ kế bên: “Các chủ tiệm cũng phải nghe tiếng vỗ của một bàn tay, nếu không thì buôn bán sẽ ế ẩm!”
Để trưng bày trong nhà họ, những người giàu có thể có một tấm thư pháp lớn mang chữ “Đức” khổng lồ với các dòng chữ khuyên răn kế bên:
Nếu ngươi trữ tiền cho kẻ kế thừa, chắc chắn chúng sẽ hoang phí; nếu ngươi trữ sách cho chúng, chúng nhiều phần sẽ không đọc một chữ. Hãy lặng lẽ gom góp công đức—một di sản như thế sẽ bền vững lâu dài.
Các thương gia đối xử gắt gao với nhân viên sẽ nhận bài giảng thư pháp này từ Bạch Ẩn:
“THƯƠNG CẢM”
Họ cũng là các con của ngươi,
Các nhân viên của ngươi;
Hãy nghĩ về họ
Như ngươi nghĩ
Về các đứa con yêu thương của ngươi.
Trong khi đó, các đệ tử đang tu học gian nan sẽ nhận tấm thư pháp ấm lòng:
“KIÊN TÂM”
Một phẩm cách lớn hơn
Bất kỳ giới luật nào
Hay công đức nào:
Sự kiên tâm làm
Con người vĩ đại.
Bạch Ẩn thường xuyên vẽ chữ “Chết” và thêm các dòng chú thích kế bên như:
Thanh niên!
Nếu ngươi không muốn chết,
Thì hãy chết bây giờ; nếu ngươi chết một lần,
Ngươi sẽ không chết lần nữa!
.
Bất kỳ ai thấy
Xuyên qua sự chết
Đều thành quả Thánh
Không Già, Không Chết.
.
Cái chết, động lực lớn
Của chư Tổ thời xưa
Và căn bản của kiếp người.
Có khi, Bạch Ẩn viết lên một công án như “Cái gì là Tánh của thấy, nghe, học và biết?” và bảo đệ tử treo trong phòng người này và hãy tham cứu về nó buổi sáng và buổi tối, cho tới khi ý nghĩa sáng tỏ. Một công án được sư ưa chuộng vẽ chữ là câu của Nham Đầu “Nếu ngươi tán tâm, ngươi chỉ như thây ma,” có nghĩa là, nếu tâm ngươi không toàn lực trong việc đang làm, thì hành vi của ngươi là cái chết.
Các ảnh bán thân khổng lồ Bồ Đề Đạt Ma – một vài tấm cao hơn 6 feet (1.83 mét) – là dấu ấn độc đáo của Bạch Ẩn. Các tấm vẽ Bồ Đề Đạt Ma, thực sự là chân dung tự họa của sư, thường ký tự với Thiền ngữ kiểu Bạch Ẩn: “Thấy Tánh, Thành Phật!” Các câu viết được ưa chuộng khác là: “Mắt ta luôn dòm ngươi [cho nên hãy gấp rút tỉnh ngộ]!” và “Bất cứ ngươi ngó chỗ nào [ngươi không thể thoát mắt nhìn của ta]!” Bạch Ẩn cũng có thể vẽ ra các tranh ảnh dịu dàng của Quan âm, cho thấy sư tự đồng hóa với nguyên lý nữ cũng như nam.
Bạch Ẩn sống trong tình trạng nửa phần về hưu trong ba năm cuối đời sư, và các tác phẩm sáng tạo trong thời kỳ này mang tính trong sáng, rõ ràng và mãnh liệt dị thường – những hiển lộ sinh động của thị kiến thâm sâu của một Thiền sư chân thật. Học giới Tây Phương và Đông Phương bây giờ ngày càng nhìn nhận rằng họa pháp và thư pháp của Bạch Ẩn cũng quan trọng đối với lịch sử văn hóa thế giới cũng như hội họa của Rembrandt. Hàng chục tác phẩm thượng hạng của Bạch Ẩn hiện đang nằm trong các bộ sưu tập Hoa Kỳ và Âu Châu, và các cuộc triển lãm các tác phẩm Bạch Ẩn đã thu hút, gợi hứng và chỉ dạy cho người xem khắp thế giới. Bạch Ẩn cũng là một điêu khắc gia thành tựu và đã khắc nhiều tác phẩm đẹp, trong đó, như người ta nói, có tượng của chính sư đặt ngồi trong chùa Shoin-ji.
Tuy nhiên, đoạn kết sắp tới, và vào mùa đông năm 1768, một bác sĩ chẩn đoán cho vị sư đang xuống sức. Trong khi ông bắt mạch của Bạch Ẩn, bác sĩ nói với nhà sư, “Mọi chuyện có vẻ như tốt cả.” Bạch Ẩn mới càu nhàu, “Có một số bác sĩ. Hắn không thể thấy là trong ba ngày nữa, ta sẽ ra đi.”
Tấm thư pháp cuối cùng của Bạch Ẩn là bản tuyên ngôn đời sư: một chữ “Trung” khổng lồ, với các chú thích kế bên, “Thiền TRONG hành động thì một tỉ lần ưu thắng hơn là thiền trong tĩnh lặng.” Vào rạng sáng ngày thứ 11 của tháng thứ 12, Bạch Ẩn tỉnh dậy từ giấc ngủ bình an, hét lên một tiếng dữ dội, lăn người qua bên phải, và viên tịch.
Sau khi hỏa thiêu, tro của Bạch Ẩn – được chia ra cho các chùa Shoin-ji, Ryutaku-ji và Muryo-ji – được nói là có xá lợi màu sáng dịu như san hô và có hương trầm thơm ngát.
HẾT