Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Karmapa Dudul Dorje

31/03/201107:52(Xem: 3846)
13. Karmapa Dudul Dorje

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999

13
Karmapa Dudul Dorje
(1733-1797)

Vị Karmapa thứ mười ba, DUDUL DORJE, sanh ở Chaba Drony, một ngôi làng cách Lhasa bốn ngày đường, vào tháng 8 năm con Bò Thủy (1733). Ngay sau việc này, Lạt ma Katok Tsewang Norbu có một linh kiến, trong đó ngài thấy chính xác nơi sanh của Karmapa.

Đứa bé có một dấu hiệu chữ A trên lưỡi, và khi lớn lên, em biểu lộ tính chất tâm linh bẩm sinh. Người ta nói vị Karmapa nhỏ tuổi có thể nhớ lại các biến cố từ những đời trước. Còn rất nhỏ, trong một lần, Dudul Dorje có một thị kiến đầy ý nghĩa về hộ pháp Kim Cương áo-choàng-đen, trong vóc dáng một đứa trẻ mặc áo lụa trắng và bưng một cái khay pha lê đầy hoa. Dudul Dorje hỏi: “Ngươi là ai?” Tức thời, vị hộ pháp hiện nguyên hình hung nộ đáng sợ và nói: “Tôi là Kim-Cương-mặc-áo-choàng-đen vinh quang và sư tử hống. Tôi hiện hình dáng hung nộ từ không gian của trí huệ ba la mật. Tôi thi hành bốn hoạt động là làm bình an, làm cho giàu có, làm cho viên mãn và hủy diệt.(1) Đây là cái nhìn rốt ráo.” Theo cách ấy, vị hộ pháp chỉ ra Giáo huấn Đại Ấn rằng không có gì lìa khỏi tâm. Thế rồi thị kiến ấy tan mất trong không gian. Sức mạnh của kinh nghiệm này mạnh đến nỗi nó truyền thông cho mọi người xung quanh Dudul Dorje.

Năm lên bốn tuổi, danh tiếng của em bé đã lan rộng và xa. Gyaltshap Rinpoche gởi một đoàn tìm kiếm đến chỗ đứa bé và đem em về Tsurphu. Ở đây Gyaltshapa chính thức công nhận và làm lễ đăng quang như là Karmapa thứ mười ba. Trong buổi lễ tổ chức tỉ mỉ này, Dudul Dorje nhận chiếc vương miện đen. Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy, Kalzang Gyaltsho và thủ tướng của ngài, Pholha Sonam Thobjay, gởi sự chào mừng đến vị Karmapa mới.

Sau khi lên ngôi không lâu, Dudul Dorje được vị Situ thứ tám rất uyên bác, là Chokyi Jungnay viếng thăm ở Tsurphu. Situpa vui mừng được thấy hậu thân của Changchub Dorje, người cha tinh thần của ngài, và trao truyền cho đứa trẻ một loạt giáo huấn của phái Karma Kagyu. Năm mười bốn tuổi, Dudul Dorje thọ giới Sa di với Situ Rinpoche ở Tsurphu. Buổi lễ diễn ra trước bức tượng Phật nổi tiếng do Karma Pakshi tạo ra.

Sự học tập của vị Karmapa thứ mười ba tiếp tục sau khi thọ giới và chủ yếu là theo truyền thống Kagyu và Nyingma. Ngài nhận các sự truyền pháp về Kalacakra Tantra cùng với các giáo huấn về Tantra này. Sự nghiên cứu và thực hành của ngài cũng gồm các giáo huấn của Dusum Khyenpa và giáo huấn sáu bộ sách được Rigdzin Jatson Nyingpo soạn ra. Vị này là Terton nổi tiếng của phái Nyingma và là học trò của Karmapa thứ mười, người đưa vào giáo pháp giáo trình Konchog Chidu.(2) Thêm vào đó, Dudul Dorje thông thạo Hevajra Tantra, Đại dương của Dakini, triết lý Trung Quán, A Tỳ Đạt Ma, Luật và Kinh. Bằng cách ấy, ngài đã lãnh thọ các dòng quan trọng nhất về tu tập thịnh hành trong thời ngài.

Năm ba mươi mốt tuổi Karmapa thứ mười ba thọ Tỳ Kheo giới với Situ Rinpoche. Sau đó, ngài hoàn thiện việc tu hành Sáu Yoga của Naropa và Đại Ấn và nhận sự trao truyền toàn bộ dòng phái từ Situ Rinpoche. Dudul Dorje hòa hợp cả hai lối sống học giả và thiền giả “vừa trí huệ-vừa điên rồ,” và ngài hiện thân cho tính tự nhiên bi mẫn của sức mạnh giác ngộ. Tình thương đối với loài vật của ngài trở thành huyền thoại. Người ta nói rằng ngài truyền thông pháp yếu cho chim chóc, chuột, mèo, thỏ và ong. Mỗi ngày ngài để nhiều thì giờ với tạo vật, chúng tụ tập bên ngài, cũng như với các đệ tử người của ngài.

Dudul Dorje là chủ đề của một trong những lời tiên tri của Padmasambhava. Một lần, Lhasa bị đe doạ bởi nước lũ của con sông Tsangpo hay Chichu, sông Hạnh Phúc, được biết ở Ấn Độ là sông Brahmaputra. Trong sách tiên tri của Padma-sambhava có nói rằng nếu Lhasa bị lũ lụt đe dọa, thì nên yêu cầu sự ban phước của Karmapa. Theo điều ấy, nhà cầm quyền thủ đô yêu cầu ngài đến càng sớm càng tốt. Dudul Dorje đến Lhasa và làm khỏi hiểm nguy bằng cách cầu Quán Thế Âm và đức Thích Ca.

Năm 1772, Karmapa du hành đến Dege để gặp Situ Rinpoche nay đã già. Ngài du hành qua xứ Kham, chỉ dạy và ban phước. Ngài gặp Shamar Rinpoche thứ mười là Mipham Chodrup Gyaltsho. Ở Danang xứ Kham, Karmapa cử hành một buổi lễ đặc biệt cho chùa Karma. Buổi lễ được đỡ đầu bởi gia đình quý tộc Danang, họ cúng dường Dudul Dorje một bình bằng vàng và bạc. Khi ở lại đây, Karmapa nói với gia đình rằng ngài sẽ trở lại với họ trong tương lai : “Chúng ta sẽ gặp lại rất sớm. Khi điều đó xảy ra các bạn sẽ hiểu nó trong mọi chi tiết. Hãy nhớ điều đó.”

Dudul Dorje sống một lối sống giản dị và đóng góp tài sản mình cho những dự án tôn giáo và những người nghèo. Ngài trợ cấp cho sự xây dựng nhiều trung tâm giáo pháp cũng như in ấn kinh điển.

Trong những năm về sau, một sự hiển thị nổi tiếng về năng lực mầu nhiệm của Karmapa xảy ra. Các sứ giả từ Powo Gyaldzong ở đông nam Tây Tạng đến Tsurphu và mời ngài ban phước cho tu viện của họ. Ngài không thể đi, nhưng vào ngày đã định ngài ban phước trong khi vẫn ở Tsurphu. Đồng lúc ấy, đám đông tụ hội ở Powo Gyaldzong chứng kiến một trận mưa lúa mạch từ trên trời.

Năm 1774, Karmapa có một thị kiến chỉ nơi chốn của hậu thân vị Situ mới sanh ra. Ngài gởi một phái đoàn đến nơi ấy và tìm ra đứa bé. Sau đó, ngài chính thức công nhận và làm lễ lên ngôi cho vị Situ mới, Padma Nyingche Wangpo.

Năm 1797, lúc sáu mươi tư tuổi, trao lá thư tái sanh cho Situ Rinpoche, ngài ra đi. Xá lợi ngài được thờ trong một lầu tháp bằng bạc tại Tsurphu. Chư tăng cũng tạc một tượng bạc của ngài.

Những đệ tử chính của ngài là Situ Padma Nyingche Wangpo, Drukchen Kunzig Chokyi Nangwa, Pawo Tsuglak Chogyal, hoàng tử Ladakhi, Hemi Gyalsay, Khamtrul Jigme Senge và Sangye Nyenpa Tulku.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]