Phật Giáo Khắp Thế Giới
Thích Nguyên Tạng
Melbourne, Úc Châu 2001
---o0o---
Phật Giáo tại Thái Lan
Thái Lan (Thailand), tên cũ gọi là Siam (Xiêm-la), một quốc gia nằm trong vùng Đông Nam châu Á. Phía Bắc và Tây giáp với Miến Điện, Đông Bắc giáp với Lào, Nam giáp với Mã Lai, và vịnh Siam giáp với Campuchia. Thủ đô Bangkok, diện tích: 514.000 km2, dân số 60 triệu (thống kê năm 1999), mật độ dân cư: 108,4 người/km2. Ngôn ngữ chính là Thái ngữ, nhưng tiếng Anh và tiếng Hoa (Tiều châu) cũng rất thông dụng.
Nguyên thủ quốc gia hiện nay là Vua Bhumibol Adulyadej. Sau khi nền quân chủ chuyên chế kết thúc vào năm 1932, đất nước Thái Lan đã lật sang một trang mới. Là một quốc gia mà Phật giáo được xem quốc giáo và là một nước có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng chưa bao giờ biến thành một nước thuộc địa của các đế quốc châu Âu như các nước láng giềng khác, Thái Lan đã có một nền công nghiệp phát triển vào cuối những năm 80 nhờ những nguồn đầu tư từ nước ngoài. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Thái Lan là trên dưới 2000 đô la.
Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan (những tôn giáo nhỏ khác là Ky Tô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo). Thái Lan được biết đến như "vùng đất tự do", "quê hương của nụ cười", "đất nước của những chiếc áo cà sa". Tên gọi cuối cùng này đã mô tả một cách sâu sắc về một tôn giáo lớn mà dân tộc Thái đang tôn thờ.
Lịch sử Thái Lan được chia thành 4 thời kỳ qua các triều đại: Sukhothai, Ayutthaya, Thon Buri và Rattanakosin (Bangkok). Thời kỳ đầu của triều đại Sukhothai (1237-1456), Phật giáo (PG) đã được xem là quốc giáo của dân tộc Thái.
Hiện tại, tổng số 95% dân chúng được ghi nhận là tín đồ PG, hầu hết là theo truyền thống Theravada. Theo sự thống kê gần đây (1998) cho thấy, có trên 30.000 ngôi Chùa ở 75 tỉnh thành của Thái Lan. Con số tăng sĩ Thái Lan không có con số nhất định mà tùy thuộc vào mùa mỗi năm. Con số cao nhất được ghi nhận là 350.000 tăng sĩ hiện diện trong mùa nhằm vào mùa kiết đông an cư của chư tăng Thái, từ tháng 7 đến tháng 9 mỗi năm. Ngoài những vị đã chính thức được truyền Cụ Túc giới (Upasamapada), số còn lại là những tăng sinh tập sự hoặc tu gieo duyên, tuổi từ 6 cho đến 19, con số này đông không thể thống kê được.
Nguồn gốc truyền nhập Phật giáo vào Thái Lan.
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng Phật giáo được truyền vào Thái Lan vào đầu thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch (khoảng năm 241 tr TL) theo sau cuộc truyền bá Chánh pháp quy mô của nhà vua Phật tử Asoka (A Dục) đến Tích Lan và Miến Điện. PG Thái Lan (PGTL) về sau còn tiếp nhận thêm nhiều nhà truyền bá đến từ Miến Điện vào năm 1044 và các pháp sư đến từ Tích Lan vào năm 1155. Hầu hết là theo truyền thống PG Theravada. Tuy vậy, PG chỉ thực sự đặt lại nền móng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothai (1237-1456). Trong thời kỳ này có rất nhiều vị vua tín ngưỡng Phật Pháp, xây dựng chùa chiền, ủng hộ việc đào tạo tăng tài để phát triển Chánh pháp, thậm chí có nhiều vị xuất gia tu học luôn, như Vua Ramkhamheng và Vua Lithai.
Đặc biệt, Vua Lithai là một ông Vua Phật tử anh minh, từ ái, thương dân như con của mình, kể cả những kẻ đối đầu với mình, những người chống lại Thái Lan. Ông đã có công xây chùa và đúc tượng Phật rất nhiều trong thời ông trị vì. Những tượng đồng thật lớn hiện nay vẫn còn tôn thờ ở Chùa Buddhajinarai, Chùa Phrarinatnahadhatu, Chùa Sadassana v.v. đều được đúc từ thời của ông.
Tiếp đến là các triều đại Ayudhya (1350-1766), Thonburi (1766-?) và triều đại Bangkok (1782-cho đến nay) do vua Rama I thiết lập, PG đã tiếp tục phát triển mạnh trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt các vị Vua trong triều đại Bangkok, có nhiều vị đã xuất gia tu học và sáng tác nhiều tác phẩm văn học PG giá trị để cống hiến cho đời.
Có thể nói triều đại Bangkok là một triều đại ủng hộ cho PG phát triển mọi mặt. Nhất là Vua Rama V (vua Mongkut) đã xuất gia tu học ở Chùa Bovoranives, ông đã tổ chức biên tập lại Tam Tạng Thánh Điển PG, bằng tiếng Pali vào năm 1888, đến năm 1893 hoàn thành với 39 quyển. Đây là một bộ Tam Tạng Thánh Điển PG đầu tiên trên thế giới bằng tiếng Pàli được in trên giấy (trước đây chỉ viết trên lá bối). Bộ Tam Tạng này sau đó được ấn tống ra rất nhiều để gởi tặng các PG trên thế giới. Nhà vua cũng cho thành lập hệ phái Dhammayuttika gồm các tu sĩ tu hạnh đầu đà, vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay ở miền Đông Bắc, song song với hệ phái chính là Mahanikaya là hệ phái của đa số tu sĩ Thái.
Đến năm 1934, Vua Rama VII đã cho cải biên lại thành 45 tập, biểu trưng cho số năm hoằng pháp của Phật. Bộ Đại Tạng này đến năm 1940, dưới triều đại của Vua Rama VIII, vị Tăng thống Tissadeva đã tập hợp được hơn 200 vị tăng lầu thông ngôn ngữ Pali để phiên dịch ra tiếng Thái. Cuối cùng bộ Đại Tạng Kinh tiếng Thái cũng đã hoàn tất vào năm 1952, gồm 70 tập, trong đó có 42 tập thuộc Tạng Kinh, 13 tập thuộc Tạng Luật và 25 tập thuộc Tạng Luận, sở phí in ấn công trình vĩ đại này được đóng góp của toàn nhân dân và Chính phủ Thái vào lúc ấy.
Trong triều đại của Vua Bhulmibol Adulyadej (Rama IX) từ 1946 đến nay, PG cũng phát triển đều đặn về các lĩnh vực văn hóa, y tế và giáo dục. Đặc biệt, vị vua này đã ủng hộ cho công trình đưa Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo (Tipitaka) vào cất giữ trong hệ thống điện tử CD-ROM, công trình này bắt đầu thực hiện từ năm 1987 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của ông. Đến nay đã hoàn thành được bốn đĩa CD-ROM, gồm các thứ tiếng Pali, Thái, Miến, Khmer và Tích Lan, tổng cộng có 115 quyển, 50.189 trang, 210 tỷ chữ ( mỗi đĩa chứa khoảng 500 triệu chữ). Địa chỉ vào xem hoặc thỉnh CD-ROM này là: <http://www.mahidol.ac.th/budsir/budsir-main.html> .
Chùa và tăng sĩ đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội Thái trên 700 năm qua. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những vai trò này của họ qua các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa và xã hội sau đây:
* Về giáo dục
Tăng sĩ Thái Lan đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. Ngôi trường đầu tiên được thành lập ở Thái Lan được xây dựng ngay trên khu đất của Chùa và những giáo viên đầu tiên là tăng sĩ. PG đã nắm giữ vai trò này trong một thời gian dài cho đến triều đại của Vua Chulalongkorn (Rama V) thì ngành giáo dục phổ cập chính thức ra đời.
Các trường công lần lượt được mở bên ngoài tu viện, các trường PG dần dần được tiếp quản bởi bộ giáo dục Thái, điều này dẫn tới vị trí của tăng sĩ trong lĩnh vực giáo dục bị thu hẹp dần. Các giáo viên thế gian cũng được thay thế và tăng sĩ hiện nay chỉ còn dạy một ít môn học như giáo lý căn bản, công dân giáo dục....
Ngày nay, tuy vai trò của PG không còn can thiệp nhiều vào ngành giáo dục phổ cập, nhưng những di sản của PG để lại, vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn đứng vững trong lòng của dân tộc Thái. Những tòa biệt thự đồ sộ của bộ giáo dục, những ngôi trường lớn, những tổ chức từ thiện... phần lớn vẫn còn nằm trong khuôn viên của Chùa. Những ngôi trường Trung học và Đại học có uy tín và danh tiếng, có nhiều tiêu chuẩn cao trong việc học và dạy, đều gợi lại cho người ta nhớ đến một quá khứ tốt đẹp thông qua sự hoạt động của tăng sĩ PG Thái.
* Về kinh tế:
Phật giáo cũng đóng một vai trò đáng kể trong môi trường kinh tế của người dân Thái. Nhiều lời Phật dạy về cách chọn nghề chân chính và thực hiện công việc làm ăn chân chính, đã được áp dụng rộng rãi trong mọi gia tầng của xã hội Thái, và người dân Thái biết làm thế nào để duy trì một gia đình hạnh phúc, ổn định về kinh tế qua giáo lý của nhà Phật.
Theo truyền thống, những tăng sĩ Thái thường đóng vai trò người lãnh đạo trong các công trình lớn. Do xuất phát từ trái tim từ bi, vô vị kỷ mà họ được xem là những nhà cố vấn và giám sát công trình thành công nhất, chi phí được giảm xuống, những trục trặc, trở ngại trong tiến trình xây dựng cũng ít xảy ra. Mặt khác, những chùa ở Thái Lan cũng mở trường huấn nghệ cho dân chúng như bào chế thuốc Nam, thợ mộc, thợ nề và nhiều ngành nghề thủ công khác. Nói chung, dân chúng đã nhận được nhiều sự lợi lạc về kinh tế từ nhà Chùa và các tăng sĩ cũng luôn ý thức rằng bổn phận của họ không chỉ có trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc đời sống tâm linh mà còn quan tâm đến đời sống kinh tế cho người dân nữa.
Chùa Ngọc Phật trong màn đêm
* Những lễ nghi:
Sinh hoạt tín ngưỡng PG luôn là một phần quan trọng trong đời sống của người dân Thái, từ lúc mới chào đời, trưởng thành, lễ cưới, ma chay... đều có liên quan đến chùa chiền và tăng sĩ.
Lễ Đặt Tên:Khi sanh con, cha mẹ thường thỉnh y Quý Thầy đặt tên cho con mình, vì họ tin rằng tên được chọn từ các Thầy sẽ vừa đẹp đẽ về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa. Tiếp đó là Quý Thầy sẽ làm lễ đặt tên và tụng một thời kinh cầu an cho đứa bé.
Lễ Thọ Giới: Nghi thức thứ hai này cũng rất quan trọng và bắt buộc đối với mọi thanh niên Thái, kể cả các bậc vua chúa, khi họ ở vào giai đoạn trưởng thành, mười tám đến hai mươi tuổi. Thông thường, họ vào Chùa tu tập ba tháng, một năm hoặc ba năm, tùy theo sở thích và ước nguyện của mỗi người. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ được dự lễ thọ giới này trước khi lập gia đình hoặc khi bắt đầu một nghề nghiệp chính thức. Vì rằng, buổi lễ này sẽ giúp cho người ấy có được một tâm hồn rộng lớn hơn được kèm với giới luật, những lời phát nguyện trong buổi lễ này sẽ khiến cho người ấy phải trân trọng và gìn giữ suốt một đời người. Nó là nền tảng vững chắc cho đời sống tâm linh của người dân Thái.
Theo truyền thống, buổi lễ diễn ra sau một thời gian ngắn người ấy thực tập trong Chùa. Lễ truyền giới được tổ chức trong suốt tháng bảy của mỗi năm. Vào ngày trước khi thọ giới, vị thanh niên ấy được cạo đầu và được mặc một bộ y màu trắng. Quý Thầy lớn tuổi được cung thỉnh về nhà của vị ấy để tụng kinh cầu an và tiếp nhận sự cúng dường. Bạn bè và những người thân cũng được phép tham dự buổi lễ đặc biệt này để cho vị ấy tạ từ trước khi bước vào đời sống mới.
Vào ngày lễ truyền giới, vị Thầy tương lai này được hướng dẫn đi kinh hành vòng quanh tu viện trước khi được đưa vào bên trong điện Phật mà chư giới sư đã hiện diện sẵn. Sau khi trải qua một loạt kiểm tra về những điều luật cần thiết của một tăng sĩ, vị ấy được các bậc trưởng lão giới sư tuyên bố là các vị chính thức trở thành tăng sĩ PG, cho phép gia nhập vào tăng đoàn và ngay lập tức được trao cho ba chiếc y màu vàng nghệ, một chiếc bình bát và những vật dụng cần thiết của một người tăng sĩ.
Sau khi thọ giới Tỳ kheo xong, vị ấy sống tinh cần, thanh tịnh và luôn được đào tạo một cách nghiêm khắc để có thể kiểm soát thân và tâm của mình theo giới luật đã thọ. Vị ấy phải sống nghiêm túc theo giới luật như một tăng sĩ thật sự trong thời gian lưu trú trong tu viện. Tuy nhiên, vị ấy có thể trở về với thân phận của một người thế tục ở bất kỳ thời điểm nào mà vị ấy muốn.
Lễ Cưới:Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong hôn lễ, buổi lễ sẽ giúp cho hai người có một sự kết hợp thiêng liêng trong lễ cưới.
Thông thường, các Tỳ kheo được cung thỉnh đến tụng kinh cầu an trong căn nhà của đôi tân hôn ấy vào buổi chiều trước lễ cưới của họ. Buổi sáng hôm sau cặp vợ chồng này đem thức ăn cúng dường cho chư Tăng trước khi họ tiến hành hôn lễ. Chư Tăngtiếp đó sẽ đọc kinh cầu phúc và rải nước thánh lên cô dâu và chú rễ. Những quan khách tham dự lễ cưới đổ nước thánh từ một vỏ sò xuống bàn tay của đôi vợ chồng. Những bàn tay khác của quan khách được chống lại thành đóa sen búp để tỏ lòng tôn kính và chúc mừng trong khi đôi tân hôn quỳ xuống trên một chiếc ghế thấp, mỗi người được đeo một vòng hoa liên kết với nhau, để tượng trưng cho sự thắt chặt cuộc sống tương lai của họ.
Lễ Tang:Lễ nghi này cũng rất quan trọng trong đời sống của người dân Thái. Tang lễ được tổ chức tùy theo phong tục của từng địa phương, nhưng phần lớn vẫn được áp dụng theo nghi thức Phật giáo.
Sau khi một người đã qua đời, thông thường một nghi thức tắm và thay đồ xảy ra vào buổi trưa đầu tiên. Vị Thầy chủ lễ đến làm phép và rải nước hoa lên nhục thân của người chết, một sợi thiêng liêng được kéo qua ba lần trên thi thể người quá cố, rồi cắt bỏ, tượng trưng cho sợi dây ràng buộc của tham ái, sân hận và si mê nay không còn nữa. Thi hài được nhập tẩm liệm vào buổi chiều và được trang hoàng với nhiều vòng hoa tươi xung quanh quan tài. Quý Thầy và bạn bè thay phiên nhau tụng kinh cầu siêu đến lúc lễ hỏa táng hay địa táng xảy ra. Vào ngày cuối của tang lễ, một buổi lễ cúng dường trai tăng được tổ chức để hồi hướng công đức siêu độ vong linh.
Sau lễ hỏa táng, tro cốt của người mất được thu nhặt lại, một ít được đặt vào bình đựng cốt, thờ tại nhà hoặc Chùa và phần còn lại được rải xuống biển hay được ném vào trong gió, biểu hiện việc làm lợi ích cho môi trường xung quanh.
Mỗi năm đến ngày giỗ của người mất, Quý Thầy và bè bạn được mời đến nhà để tụng kinh siêu độ, ban phúc lành lên tro cốt của người mất và trong dịp này những lễ cúng dường cho Quý Thầy cũng được tổ chức để tạo phước duyên cho người quá cố.
Phật giáo Thái với công tác từ thiện xã hội
Được thấm nhuần từ lời dạy từ bi của Đức Phật, các tăng sĩ PG Thái đã trở nên tích cực, để hết tâm trí vào các vấn đề phúc lợi xã hội.
Một trong những vị sư nổi tiếng về công tác này là Hòa thượng Chamroon, Chùa Thamkrabok ở tỉnh Saraburi thuộc miền Trung Thái Lan, vị này có uy tín trong việc điều trị khỏi chứng nghiện ma túy. Vì nhìn thấy cái khổ triền miên của người nghiện mà Ngài đã cố công nghiên cứu và bào chế ra một loại dược thảo để chữa bệnh và đã thành công. Những kết quả gần đây cho thấy rằng sự điều trị của Trung tâm Ngài có hiệu quả hơn 70%. Hiện tại, nhiều ngàn người đã đổ xô về Trung tâm cai nghiện ma túy của Ngài để tìm sự giúp đỡ, trong đó người ta thấy có cả những con nghiện đến từ Mỹ và châu Âu. Điều đáng kể là tiền lệ phí chữa bệnh và ở nội trú với giá rất thấp. Nhờ thế mà Trung tâm của Ngài ngày càng đông thêm. Chính quyền Thái Lan đã ủng hộ và tài trợ cho Trung tâm này trong nhiều năm qua. Địa chỉ web page là: http://www.thamkrabok.org.au
Các tăng sĩ PG không chỉ đóng vai trò điều trị về thân bệnh mà họ còn phục vụ xuất sắc trong lĩnh vực chữa khỏi tâm bệnh. Những tăng sĩ Thái Lan được xem là những nhà tư vấn về tâm lý hay nhất xưa nay ở xứ sở này.
Ngôi chùa và đời sống của người dân Thái
Chùa, một kho tàng an toàn nhất: Người dân Thái Lan thường cảm thấy bất an khi giữ những đồ quý giá trong nhà của họ, vì thế họ đã gởi vào trong Chùa và xin phép vị trụ trì lưu trữ những vật quý ấy trong Chùa.
Chùa cũng là nơi an toàn: để bảo trì bộ Đại Tạng Kinh viết trên lá bối bằng tiếng Pàli, những bộ sách lịch sử của các Vương triều của Thái Lan, những sách có giá trị thời cổ đại của ngành thương mãi của Thái Lan được viết trên lá cau, lá dừa... vẫn còn bảo trì cho đến ngày nay.
Chùa là nơi để bảo tồn: những pho tượng Phật vô giá của dân tộc Thái, phần lớn tượng được đúc bằng vàng, đồng và ngọc. Theo tín ngưỡng của người dân Thái, những pho tượng lâu đời này có một sức mạnh tâm linh vô cùng đặc biệt, đã có thể báo trước những sự kiện nguy hiểm và tai họa sắp xảy ra cho người dân Thái.
Chùa, nơi tạm trú: Trong quá khứ, khi chưa có nhà trọ hay khách sạn, người du khách từ nơi này đến nơi khác, không có nơi tạm trú một đêm, trong hoàn cảnh đó chỉ có Chùa là nơi họ hướng về. Cánh cửa Chùa luôn rộng mở cho những ai cần đến, luôn sẵn sàng giúp đỡ cho tất cả mọi người dân. Nhiều người nghèo ở nông thôn có con đi học ở Bangkok hay ở những thành phố khác, không có tiền trả ký túc xá, họ đã gởi con vào tạm trú trong Chùa.
Chùa, nơi hội họp: Chùa ở Thái Lan luôn luôn có một phòng hội họp rộng lớn và một sân chơi thể thao. Mỗi khi có hội họp trong làng xã đó, họ thường tập trung về Chùa. Sân thể thao được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, ngoài việc chơi thể thao cho thanh thiếu niên trong vùng, còn là nơi để tổ chức bầu cử quốc hội, nơi tuyển quân ra trận, nơi chích ngừa, nơi có những cuộc meeting lớn....
Mặt tiền Chùa Ngọc Phật, thủ đô bangkok
Chùa là một trung tâm văn hóa: Chùa là nơi bảo tồn những bài hát điệu nhảy, những vở kịch truyền thống có giá trị của Thái Lan. Chùa cũng là nơi duy trì và tồn lại đủ các kiểu kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ của Thái Lan từ xưa cho đến nay.
Một trong ngôi chùa nổi tiếng nhất của Thái Lan là ngôi Chùa Ngọc Phật (The Emerald Buddha Wat) tọa lạc tại bờ đông trên bờ sông Chao Phraya, trong khu dinh thự tráng lệ của Hoàng gia Thái. Ngôi chùa này được Vua Rama đệ nhất xây dựng vào năm 1782 theo kiến trúc của Thái lan, để tôn thờ Đức Phật, và cũng là nơi tu hành, lễ bái của đức vua và quần thần của hoàng gia.
Một số tổ chức Phật giáo tại Thái Lan
Thái Lan được biết đến như là một vùng đất tự do, do đó có nhiều tổ chức Phi Chính phủ đã được thành lập tại đất nước này, trong đó có hai tổ chức Phật giáo Thế giới đều được đặt trụ sở chính tại nơi đây, đó là World Buddhist Followship (viết tắt: WBF, Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới) và International Network of Engaged Buddhists (viết tắt: INEB, tạm dịch: Tổ Chức Quốc Tế Các Phật Tử Dấn Thân).
Về Hội WBF được thành lập vào ngày 25 tháng 5 năm 1950 tại Tích Lan với năm chủ trương như sau: 1) Khuyến khích hội viên học và tu theo lời Phật dạy; 2) Siết chặt tình hữu nghị, đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia Phật giáo; 3) Đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý mầu nhiệm của Phật; 4) Tổ chức và đưa các hoạt động Phật sự vào trong các lĩnh vực như xã hội, giáo dục, văn hóa; 5) Mang lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc đến cho hành tinh này và sẳn sàng liên kết với những tổ chức khác có cùng đường hướng.
Để đạt được mục đích trên, WFB đã cho thành lập nhiều chi nhánh trên khắp thế giới và một Hội đồng trị sự gồm các ban như: Ban Giáo dục, in ấn và nghệ thuật, Ban Hoằng pháp, Ban Từ thiện, Ban Đoàn kếât, Ban Tài chánh.... Trong 30 năm hoạt động, với sự ủng hộ nhiệt thành của các Chính phủ Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, từ 27 chi nhánh ban đầu đã phát triển lên đến 123 chi nhánh, từ 39 quốc gia trên khắp các châu lục. Về trụ sở Trung ương được đặt tại Tích Lan từ năm 1950 đến 1958, sau đó được dời qua Miến Điện, sau sáu năm (1958-1963) đặt tại Miến, trụ sở một lần nữa lại chuyển qua đến Thái Lan từ năm 1963 đến nay. (Địa chỉ liên lạc của hội là: World Fellowship of Buddhists, 616 Benjasiri Park, Soi Medhinivet off Soi Sukhumvit 24, Sukhumvit Road, Bangkok 10110, Thailand. Tel: 662.661.128489. Fax: 662.661.0555). Hội WBF vừa tổ chức đại hội định kỳ lần thứ 20 tại Úc châu và theo kế hoạch Đại hội lần thứ 21 của WFB sẽ được tổ chức tại Tích Lan vào năm 2000. (Xin vào địa chỉ sau đây để biết thêm về hiệp hội này: <http://www.zip.com.au/-lyallg/> )
Về Hiệp hội INEB do đạo hữu người Thái Sulak Sivaraksa kết hợp với Hòa thượng người Nhật Bản Teruo Muruyama thành lập vào tháng hai năm 1989 tại Bangkok theo sau cuộc Hội nghị khoáng đại gồm nhiều đại biểu Phật giáo từ mười ba quốc gia như Úc, Mỹ, Canada, Ý, Đức, Anh, Pháp, Bangladesh, v.v. trên khắp thế giới về dự. Hiệp hội đã cung thỉnh Đại lão Hòa thượng người Thái Buddhadasa, Đức Dalai Lama, người Tây Tạng, Thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh và Hòa thượng Cambốt Maha Ghosananda vào hàng chứng minh và cố vấn tinh thần cho Hội.
Chủ trương của INEB là kết hợp với nhiều tổ chức Tôn giáo trên thế giới để tổ chức các cuộc Hội Thảo về xã hội và tôn giáo, hầu đem lại lợi ích thật sự cho xã hội; Cung cấp những tin tức mới về PG và hỗ trợ cho các nước PG nghèo ở trong vùng Nam Á và Đông Nam châu Á; Vận động các quốc gia giảm bớt chính sách hà khắc của họ đĨi với tôn giáo và dân chủ; Bảo trợ và tổ chức các buổi hội thảo xung quanh chủ đề giảm thiểu khổ đau thông qua các sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế, sinh thái v.v. với mục tiêu tốt đẹp trên, từ 36 hội viên lúc ban đầu, đến nay INEB đã có hơn 400 hội viên từ 33 quốc gia trên khắp thế giới. INEB còn cho phát hành Nguyệt san Seeds of Peace (Hạt giống của Hòa bình) và mở một trang báo điện tử khác để phổ biến chủ trương và giáo lý. Địa chỉ truy cập là: http://www.bpf.org/ineb.html
Kết luận:
Phật giáo đã đóng góp tích cực vào trong đời sống của người dân Thái không những về mặt vật chất, kinh tế mà còn đi sâu vào đời sống tinh thần của họ. Sự hiểu biết và thấm nhuần giáo lý nhân quả nghiệp báo và nhiều giáo lý cốt lõi của PG, đã giúp cho người dân Thái biết sống và sống theo khuôn khổ của Chánh pháp. Bản chất hiền hòa, từ ái, khiêm cung và nhã nhặn của người dân Thái đã thể hiện một phần nào đó từ sự thực hành đạo lý của họ.
Sự thừa nhận và tán dương PG vai trò của nó trong xã hội Thái là một điều cần thiết và không cường điệu để nói lên điều ấy. Thực vậy, Phật giáo đã ăn sâu vào lòng của dân tộc Thái, và đã có mặt trên khắp mọi ngã đường của xứ sở này./.
Tổng hợp theo các tài liệu :
- Insight Guide Thailand/Singapore/1989
- Images of Thailand/Hong Kong/1990
- Bangkok/Singapore/1994
- Thailand Handbook/Bangkok/1999
- Today Magazine, Bangkok/January 1999
---o0o---
Kỹ thuật vi tính:Hải Hạnh, Ðàm Thanh,
Diệu Nga, Tâm Chánh, Nguyên Tâm
Trình bày: Nhị Tường