Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 1: Ngũ Sơn và lâm hạ

14/04/201114:17(Xem: 3732)
Tiết 1: Ngũ Sơn và lâm hạ

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 3
Thiền lan rộng và thẩm thấu 

(thời Muromachi và Azuchi Momoyama) 

Tiết 1- Ngũ Sơn và lâm hạ 

Mạc phủ Muromachi thành hình và vững mạnh 

Thiên hoàng Go- Daigo (Hậu Đề Hồ, thứ 96, 1288-1339, trị vì 1318-39) đứng ra thân chính sau cuộc trung hưng năm Kemmu, 1334-36, thế nhưng lại thực thi một số chính sách không hợp thời, đã gây sự bất mãn trong giới samurai. Tướng Ashikaga Takauji (Túc Lợi Tôn Thị, 1305-58, tại chức Shôgun 1338-1358) [1] chán ngán hành động của thiên hoàng, dấy binh làm phản. Năm 1336, ông đánh bại phe trung thành với Go Daigo do Kusunoki Masashige (Nam Mộc Chính Thành, 1294-1336) cầm đầu trong một trận quyết định, chiếm lấy Kyôto. Sau đó ông phế thiên hoàng cũ và lập Thiên Hoàng Kômyô (Quang Minh, trị vì 1336-48) của Bắc Triều, định ra pháp lệnh gọi là Kemmu Shikimoku, rồi lập mạc phủ ở vùng Muromachi (1336). Thế nhưng Go-Daigo trốn thoát về vùng núi non Yoshino để lập ra Nam Triều, tiếp tục chủ trường sự chính thống của hệ phái mình. Sử Nhật bản gọi đó là giai đoạn Nam Bắc Triều (1336-1392). 

Takauji được phong shôgun năm 1338 và tại chức 20 năm (1338-58) thế nhưng chưa gì đã đối lập với em trai là Naoyoshi (Trực Nghĩa, 1306-52) để xãy ra biến cố gọi là cuộc nhiễu nhương năm Kannô (Kannô no jôran, 1350-52). Naoyoshi bị đầu độc chết. Nhưng tình huống bất ổn cũng cáo chung vào thời shôgun thứ 3 là Yoshimitsu (Nghĩa Mãn, 1358-1408, tại chức 1368-94). Từ đó, chính quyền quân sự của dòng họ Ashikaga được củng cố và vững mạnh. Bắt chước việc làm của các shikken họ Hôjô, mạc phủ Muromachi cử một số gia thần thân tín về khắp các địa phương để coi việc trị an giúp shôgun. Đó là những shugo (hay sugo, thủ hộ) mà sau này, một khi đã bành trướng thế lực sẽ lấn lướt các cấp hành chánh sở tại để trở thành tầng lớp tiểu lãnh chúa (shugo daimyô). Mạc phủ Muromachi lập một biệt phủ gọi là Kamakura kubô (công phương, người đứng đầu thường là con của shôgun) và dùng viên quan võ gọi là Kantô kanrei ("Quan Đông quản lãnh", chức dành cho shugo mạnh nhất) đóng ở vùng Kamakura để cai trị miền đông và như thế, chi phối được toàn quốc. 

Yoshimitsu muốn xây dựng Kyôto thành một thủ đô lộng lẫy với nhiều hoa cỏ (hana no gosho) (1378), đoạt lấy quyền cai trị lẫn ngoại giao từ triều đình và làm giàu bằng cách phát triển kangô bôeki (khám hợp mậu dịch) tức mậu dịch chính thức với sự ưng thuận của nhà nước Trung Nhật đôi bên. Thế rồi, với sức mạnh quân sự rất đáng kể làm hậu thuẫn, ông đã cho dẹp tất cả các mầm mống nổi loạn của một số shugo nhiều tham vọng như Toki Yasuyuki (?-1404), Yamana Ujikiyo (1344-1391) và Ôuchi Yoshihiro (1356-99). (Năm 1390, loạn của họ Toki,1391, loạn năm Meitoku và 1399, loạn năm Ôei). Ông cũng là người hoàn thành việc thống nhất hai triều đình Nam Bắc vào năm1392 và trở thành vị shôgun đầu tiên lãnh chức daijô daijin (Thái Chính Đại Thần), quyền cao nhất nước. 

Đời Yoshimochi (Nghĩa Trì, tại chức 1394-1432) làm chúa tương đối ổn định nhưng tướng quân đời thứ 6 là Yoshinori (Nghĩa Giáo, 1429-1441) lại tỏ ra muốn độc tài chuyên chế, gây ra sự bất mãn nên bị một shugo có thế lực là Akamatsu Mitsusuke ám sát chết (sử chép là cái loạn năm Kakitsu), làm cho quyền lực của mạc phủ bị lung lay. Thế rồi khi shôgun đời thứ 8 là Yoshimasa (Nghĩa Chính, 1436-90, tại chức 1449-73) thì nhân chuyện rắc rối trong việc chỉ định người thừa kế, phải chứng kiến cảnh xâu xé giữa hai bộ hạ là các shugo Hosokawa Katsumoto (1430-73) và Yamana Mochitoyo (tự Sôzen, 1404-73). Từ đó(1467) xảy ra cuộc tranh phong toàn diện có tên là cuộc loạn năm Ônin (1467-77) mà các shugo toàn quốc không ai mà chẳng vướng vào. 

Anh em Takauji, Yoshinao nhà Ashikaga 
và thiền sư Muusô Soseki 

Người đã được cả Ashikaga Takauji, shôgun khai sáng mạc phủ Muromachi năm 1336, em ông là Naoyoshi, chức shikken cuối cùng họ Hôjô là Takatoki lẫn Thiên hoàng Go-Daigo hết sức trọng vọng không ai khác hơn là thiền sư Muusô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch, 1275-1351). Những nhân vật quan trọng nói trên đều tìm đến quy y với sư và nhờ ông chỉ bảo. Do đó, ông đã có nhiều cơ hội đóng góp cho sự hưng thịnh của Phật giáo. 

Trong những kế hoạch được ông đề ra, trước tiên là việc xây một loạt chùa thuộc tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) Ankokuji (An Quốc Tự) và Rishôtô (Lợi Sinh Tháp) [2] vào năm 1336. Mục đích của nó là để an ủi các vong linh nạn nhân trong cuộc chiến tranh giành quyền lực dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Kamakura cũng như cầu xin cho thiên hạ từ nay thái bình. Trên nguyên tắc, sẽ có 60 chùa và tháp như vậy trong toàn cõi nước Nhật. Nhiều chùa lớn ở Nara và Heian (Kyôto) lại xây thêm những Rishôtô, chúng được sự tiến cúng và ngoại viện của các shugo địa phương, điều này tạo cơ hội để họ chứng tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương. Mặt khác An Quốc Tự [[3] ngày xưa đã được chỉ định đổi thành một tự viện Thiền Tông phái Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản) cho nên đã giúp phái này nới rộng ảnh hưởng của mình về các địa phương. 

Thế rồi đến lúc Thiên hoàng Go-Daigo băng, ông lại lập kế hoạch dựng Tenryuuji (Thiên Long Tự), một ngôi chùa lớn làm nơi cúng tế vong linh nhà vua. Để gây quĩ xây chùa, mạc phủ Muromachi, từ năm 1342 trở đi, đã tổ chức nhiều chuyến thuyền buôn gọi là Tenryuuji-bune. Đến năm 1345 thì chùa xây xong [4]. 

lichsuthientong-nhatban-03-01
Muusô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch), 

thiền sư và nhà viên nghệ.

Muusô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch) 

Ông người vùng Ise (tỉnh Mie bây giờ), tên thế tục là Sasaki. Năm lên 4, theo cha mẹ về Kai (tỉnh Yamanashi), đến năm 9 tuổi thì xuất gia. Năm 18, thụ giới ở Tôdaiji. Ban đầu theo học phái Tendai (Thiên Thai Nhật Bản), sau chuyển qua học Thiền, tu tại các chùa lớn như Kenchôji, Kenninji, Engakuji...Trong thời gian đó, giữ chức thủ tòa khi Issan Ichinei (Nhất Sơn Nhất Ninh, 1247-1317) về trụ trì ở Kenchôji nhưng chưa nhận được pháp tự. Kể từ năm 1303 trở đi, ông theo học Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật, 1241-1316) ở Manjuji (Vạn Thọ Tự), rốt cuộc, nhận được pháp tự của thầy. Sau đó, ông sống đời ẩn tu ở Ryuuzan.an (Long Sơn Am) vùng Kai (Yamanashi), Kokeian (Hổ Khê Am, sau này trở thành Kokeizan Eihoji = Hổ Khê Sơn Vĩnh Bảo Tự) vùng Mino (Gifu), Kyuukôan (Hấp Giang Am) vùng Tosa (Kôchi), Taikôan (Thoái Canh Am) vùng Kazusa (Chiba). Đến năm 1325, Thiên hoàng Go-Daigo giáng chỉ gọi ông về trụ trì Nanzenji (Nam Thiền Tự). Sau đó, ông còn trụ trì Engakuji (Viên Giác Tự) nữa. Thời Kemmu no shinsei (1333) tức tân chính quyền thời Kemmu, ông tái nhiệm ở Nanzenji và được vua ban danh hiệu quốc sư. Lại được đón về khai sơn hai chùa Rinsenji (Lâm Xuyên Tự) và Saihôji (Tây Phương Tự) [5]. Trong Rinsenji có tháp (mộ) của ông, chùa trở thành bản sơn của Rinsen-ha tức môn phái ông. Sau khi Thiên hoàng Go-Daigo băng, anh em Takauji và Yoshinao tìm đến quy y với ông và nghe lời ông khuyên mà cho xây dựng các Ankokuji-Rishôtô. Để an ủi hương hồn Thiên Hoàng, ông xin lập Tenryuuji và là người khai sơn chùa đó. Ông đào tạo được rất nhiều học trò giỏi trong đó có Shunnoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba), Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín), Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân)...Họ sẽ là những nhân vật nồng cốt của phái Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản). Vì được nhiều đời thiên hoàng tôn kính nên người ta goi ông là Shichidai Teishi (Thất Đại Đế Sư). Ông đã để lại các trước tác như Muusô Kokushi Goroku (Mộng Song Quốc Sư Ngữ Lục, 1354), Muusô Mondô-shuu (Mộng Song Vấn Đáp Tập, 1344), Kokukyô-shuu (Cốc Hưởng Tập, khoảng 1345), các tập tùy bút về tôn giáo như Seizan Yawa (Tây Sơn Dạ Thoại) và đặc biệt Muuchuu Mondo-shuu (Mộng Trung Vấn Đáp Tập) mà ông đã soạn ra để giảng đạo cho Ashikaga Yoshinao. Đấy là tập pháp ngữ tiêu biểu nhất trong loại viết bằng quốc âm kana và đã được phái Gozan đem ra in lúc ông còn sinh thời. Nhân vì ông có viết về Jôdo-shuu (Tịnh Độ Tông) trong đó nên Chi.en (Trí Viễn) của phái Chinzei (Trấn Tây) thuộc Jôdo-shuu đã phê phán ông qua Muuchuu Shôfuu-ron (Mộng Trung Tùng Phong Luận), xem như " bàn về tiếng thông reo trong giấc mộng". Còn Kokukyô-shuu,"tiếng vọng trong hang" nói ở trên không gì khác hơn là lời phản biện lại lập luận của Chi.en. Tư tưởng Thiền của ông có quan điểm dung hòa, gói trọn cả Tịnh Độ, Mật Giáo và nhiều ngành nghệ thuật, là lý do lớn nhất để dễ được các giới quí tộc và vũ sĩ (cũng có tính quí tộc) của mạc phủ Muromachi tiếp nhận. Nhưng chính ra cũng vì thế mà những người như tăng Lâm Tế Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu, 1282-1337 tức Đại Đăng Quốc Sư) và Thiên hoàng Kameyama (Quy Sơn, thứ 90, 1249-1305, trị vì 1259-74, một người thông hiểu Phật giáo) đánh giá là tư tưởng của ông vẫn còn chưa đạt đến bản lai của Thiền nghĩa là dứt tuyệt khỏi lý luận. 

Việc xây Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) và thiết lập ngũ sơn thập sát 

Năm 1382, Shôgun Ashikaga Yoshimitsu nhân có phát nguyện xây một ngôi thiền tự mới bàn bạc với Shunnoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba, 1311-88), Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín, 1325-88). Chùa Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) được xây lên và hoàn tất vào năm 1392. Đây là nơi mà các shôgun nhà Ashikaga kế tiếp sẽ đến quy y. Shunnoku nhường cho thầy mình (Muusô Soseki) đến khai sơn, chỉ nhận làm đời thứ hai. Lúc đầu, chùa đặt ra nguyên tắc mời sư thập phương đứng đầu mà thôi nhưng đến khi Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân, 1336-1405) đến trụ trì thì vì Yoshimitsu quá tín nhiệm ông, chùa đã đổi qui chế để cho một phái của Muusô được tương thừa (thập phương trụ trì chế đổi qua đồ đệ viện chế). 

Thập phương trụ trì chế (Jippô juujisei) và Đồ đệ viện (Tsuchi.en) 

Theo chế độ thập phương trụ trì, không được ủy thác một ngôi chùa cho môn phái của người khai sơn mà tuyển chọn chức trụ trì từ trong đám tăng sĩ thập phương, bất luận môn phái nào. Ngược với nó là chế độ đồ đệ viện. Ngôi chùa nào chỉ do người cùng một môn phái (nhất lưu đồ đệ) đời đời thay nhau trụ trì được gọi là "nhất lưu tương thừa sát". Chế độ thập phương trụ trì đã được áp dụng ở các chùa nhà nước (quan tự) bên Trung Quốc, và cùng với qui chế ngũ sơn, đã được du nhập vào nước Nhật. Nó được chấp hành nghiêm chỉnh dưới thời Kamakura. Ở Nanzenji, ngôi chùa do Thiên hoàng Kameyama thiết lập, chế độ này cũng được tuân thủ.Thế nhưng Tôfukuji (Đông Phúc Tự), tiếng là ngôi chùa được liệt vào ngũ sơn nhưng vì còn là chùa riêng của dòng họ Fujiwara nữa nên đã được họ đó ủy thác như đồ đệ viện của môn phái Tôfuku Enni (muốn làm trụ trì phải có văn thư của gia đình quan sesshô-kampaku tức người họ Fujiwara (gọi là migyôsho (ngự giáo thư)) lẫn mệnh lệnh của Thiên Hoàng cho phép (gọi là kujô (công thiếp).Theo tiền lệ đó, việc trụ trì chùa Shôkoku kể từ đời Zekkai cũng được giao phó cho mỗi đồ đệ viện của Muusô. Riêng các chùa danh tiếng như Kenchôji, Engakuji, Nanzenji tương đối còn duy trì mãi đến về sau chế độ thập phương trụ trì nhưng ý thức về chùa của môn phái khai sơn cũng bắt đầu để lại dấu ấn trong đầu các tăng sĩ qua hình thức các tacchyuu (tháp đầu) [6] tức là một hình thức đồ đệ viện của những môn phái nổi tiếng. Hơn nữa, đối với nhiều chùa nằm trong thập sát, người trụ trì tuy tiếng là có gốc thập phương nhưng trên thực chất có khi chỉ là người của đồ đề viện. Nói chung, ở Nhật, chế độ thập phương trụ trì không được áp dụng đến nơi đến chốn.Hơn thế, sự liên hệ giữa các chùa do nhà nước dựng ra (quan tự) và các đồ đệ viện có ý nghĩa rất thâm sâu, ví dụ trường hợp của Daitokuji (Đại Đức Tự). Lúc đầu, Daitokuji có liên quan mật thiết với hoàng tộc, chùa này được thiên hoàng Go Daigo và thái thượng hoàng Hanazono khoán cho đồ đệ viện của Shuuhô Myôchô trụ trì. Thế nhưng đến năm 1386, chùa được phong làm một trong thập sát cho nên muốn làm trụ trì không những phải có sắc chỉ của triều đình mà còn phải có giấy phép của mạc phủ nữa. Một ngôi chùa tìm cách trở thành chùa nhà nước (quan tự) là vì muốn duy trì tự viện, nhưng nay nếu tuân thủ luật lệ thì phải mời người phái khác về làm trụ trì.Đặc biệt shôgun Ashikaga Yoshimochi (Túc Lợi Nghĩa Trì, tại chức 1394-1423) tỏ ra muốn khuyến khích việc này cho nên để tránh bị bẽ mặt, người trong chùa phải cam đành mời một đồ đệ phái Đại Ứng, một chi lưu gần gũi với họ, về làm trụ trì. Thiền sư Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Hi, 1376-1458)vì không chấp nhận nỗi chế độ này nên đã đệ đơn xin mạc phủ cho chùa mình thoát ly khỏi hệ thống quan tự.Ông may mắn được chấp nhận và từ đó chức trụ trì của chùa mới trở về với đồ đệ viện của phái Đại Đăng của Đại Đăng Quốc Sư Tông Phong Diệu Siêu (Daitô-ha của Daitô Kokushi Shuuhô Myôchô).Từ đó, Daitokuji đã có một đường lối riêng khác với các chùa Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản), và nhờ đó có dịp bành trướng ảnh hưởng từ đời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản, 1467-1568) cho đến đầu thời cận đại (cuối thế kỷ 16, đầu 17). 

Đến cuối đời Kamakura,người Nhật đã mô phỏng chế độ "quan tự" của nhà Tống mà đặt ra ngũ sơn. Sau cuộc trung hưng thời Kemmu bước qua giai đoạn Nam Bắc Triều, chế độ này dần dần thành hình. Đến khi Tướng Quân Yoshimitsu lên cầm quyền thì sự phân biệt ngũ sơn (gozan), thập sát (jissetsu) và chư sơn (shozan) đã rõ. Những ngôi chùa có tiếng từ thời Kamakura như Kenninji, Kenchôji, Tôfukuji, Engakuji, Nanzenji cũng như các chùa được họ Ashikaga cho dựng lên sau này như Tenryuuji, Shôkokuji đều nằm trong thể chế này.Sau khi đã lập ra được hệ thống ngũ sơn thập sát như các quan tự ở Trung Quốc rồi, người ta bắt đầu đặt ra những phép tắc giống như bên ấy ví dụ chế độ thăng tiến của các thiền sư. Có điều là ở Nhật Bản, ý thức về môn phái và tông phong rất mạnh cho nên một môn phái thường tiếp nối nhau trụ trì ở tự viện mà mình có nhiều ảnh hưởng. Do đó con đường thăng tiến trong một ngôi chùa Trung Quốc và một ngôi chùa Nhật Bản không thể đánh giá cùng một kiểu được. Vào thời đó, các thiền tăng Nhật Bản hãy còn sống trong thế giới của tùng lâm, vượt lên trên khuôn khổ nhà nước. 

Nhân nói về ngũ sơn thập sát Nhật Bản 

Chế độ Ngũ Sơn bắt đầu được du nhập vào Nhật là do Hôjô Sadatoki (Bắc Điều Trinh Thì, con trai Tokimune) dưới thời Kamakura. Về sau, Thiên hoàng Go-Daigo mang nó áp dụng cho Kyôto. Đến đời Muromachi, sau khi Tenryuuji đã xây cất xong, vào năm 1341, cách xếp đặt Ngũ Sơn là như sau đây: 

Ngũ Sơn đệ nhất: 
(Kamakura): Kenchôji (Kiến Trường Tự), (Kyôto): Nanzenji (Nam Thiền Tự). 

Ngũ Sơn đệ nhị: 
(Kamakura): Engakuji (Viên Giác Tự), (Kyôto): Tenryuuji (Thiên Long Tự). 

Ngũ Sơn đệ tam: 
(Kamakura): Jufukuji (Thọ Phúc Tự) 

Ngũ Sơn đệ tứ: 
(Kyôto): Kenninji (Kiến Nhân Tự) 

Ngũ Sơn đệ ngũ: 
(Kyôto): Tôfukuji (Đông Phúc Tự). 

Chuẩn Ngũ Sơn: 
(Kamakura): Jôchiji (Tịnh Trí Tự) 

Sau đó Tướng Quân Ashikaga Yoshiakira (Túc Lợi Nghĩa Thuyên, tại chức 1358-67) nâng cấp chùa Jôchiji ở Kamakura lên hàng Ngũ Sơn và đặt nó vào cùng một vị trí với Manfukuji (Vạn Phúc Tự) ở Kyôto. Đến đời Yoshimitsu (tại chức 1368-94), lúc chùa Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) được dựng xong thì Kamakura và Kyôto, mỗi vùng đều có Ngũ Sơn riêng. Trên tất cả 10 chùa ấy là Nanzenji. 

Ngũ Sơn chi thượng: (Kyôto): Nanzenji (Nam Thiền Tự). 

Ngũ Sơn đệ nhất: 
(Kyôto): Tenryuuji (Thiên Long Tự), (Kamakura): Kenchôji (Kiến Trường Tự). 

Ngũ Sơn đệ nhị: 
(Kyôto): Shôkokuji (Tướng Quốc Tự), (Kamakura): Engakuji (Viên Giác Tự). 

Ngũ Sơn đệ tam: 
(Kyôto): Kenninji, (Kiến Nhân Tự): (Kamakura): Jufukuji (Thọ Phúc Tự). 

Ngũ Sơn đệ tứ: 
(Kyôto): Tôfukuji (Đông Phúc Tự), (Kamakura): Jôchiji (Tịnh Trí Tự). 

Ngũ Sơn đệ ngũ: 
(Kyôto): Manjuji (Vạn Thọ Tự), (Kamakura): Jômyôji (Tịnh Diệu Tự). 

Thể chế sau hoàn thành vào năm 1386. Nhân vì Nanzenji được xem tương đương với Dairyuushô Shuukeiji (Đại Long Tường Tập Khánh Tự) bên Trung Quốc nghĩa là ngôi chùa đặt lên hàng cao nhất cho nên người trụ trì được chọn đến ở đó phải từng là một trụ trì của chùa Ngũ Sơn. Vào đời Edo, có tập quán là người trụ trì Kenchôji trong tương lai sẽ được cất nhắc lên thành trụ trì Nanzenji. Chỉ đến đời Meiji (1868 về sau), sự ngăn cách về thứ bậc giữa các chùa Ngũ Sơn mới hoàn toàn mất đi. Ngoài ra lại có chuyện Manfukuji, một trong ngũ sơn Kyôto, vì bị hỏa tai cho nên vào năm 1434 đã được chuyển vào khuôn viên của Tôfukuji, trở thành một "tháp đầu" (tacchuu) của chùa ấy tuy danh nghĩa Ngũ Sơn của nó hãy còn đó. 

Nếu Ngũ Sơn tập trung ở hai vùng Kyôto và Kamakura thì thập sát được rãi ra trên toàn quốc. Tuy với thời gian có sự thay đổi nhưng nếu tính vào thời điểm năm 1379 thì thập sát là những chùa sau: 

1) Tôjiji (Đẳng Trì Tự, Kyôto). 
2) Zenkôji (Thiền Hưng Tự, Sagami, Kamakura). 
3) Shôfukuji (Thánh Phúc Tự, Chikuzen, Fukuoka). 
4) Tôshôji (Đông Thắng Tự, Sagami) 
5) Manjuuji ( Vạn Thọ Tự, Sagami) 
6) Chôrakuji (Trường Lạc Tự, Ueno, Gunma). 
7) Shinnyoji (Chân Như Tự, Kyôto). 
8) Ankokuji (An Quốc Tự, Kyôto). 
9) Manjuuji (Vạn Thọ Tự, Hôgo, Oita). 
10) Seikenji (Thanh Kiến Tự, Suruga, Shizuoka). 

Thế nhưng đến lúc đó lại có thêm chế độ "chuẩn thập sát" (junjissetsu) tức thập sát thứ yếu và 6 ngôi chùa như Rinsenji (Lâm Xuyên Tự) ở vùng Kyôto đã được liệt vào hạng này. Tiền lệ này tạo ra việc "thập sát" không cần dừng lại ở con số 10. Trên thực tế, con số 10 đó không còn ý nghĩa gì nữa. Như ta sẽ dần dần nhận ra, kể từ năm 1386 trở về sau, trên toàn quốc nhưng đặc biệt ở vùng Kamakura, mỗi nơi đã có những qui định khác nhau. Điều đó làm cho đến cuối đời trung cổ [7], con số đó lên đến trên 60 và những ngôi chùa cấp dưới gọi là "chư sơn" còn nhiều hơn nữa. Chư sơn cuối thời trung cổ đã có tới 230 chùa. Trụ trì Ngũ Sơn gọi là tôdô (đông đường), trụ trì thập sát và chư sơn gọi là seidô (tây đường). Như thế, con số chùa nhà nước (quan tự) đã tăng lên với một nhịp điệu nhanh chóng bởi vì một mặt, nhờ tổ chức như thế mà mức thu nhập của mạc phủ được bảo đảm và chư tăng lại được thêm danh dự. Hai bên do đó đều có mối lợi riêng. Tuy nhiên, các chùa phái Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản) nhưng không đạt được danh hiệu "quan tự" cũng không phải là ít. Con số ấy được suy định có đến cả nghìn. Cũng cần chú ý là vào thời ấy còn đặt ra các chùa sư nữ gọi là "Ni Ngũ Sơn" ở vùng Kyôto và Kamakura. 

Liên hệ giữa Mạc phủ Muromachi và phái Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản) 

Lúc đầu, Mạc phủ Muromachi đặt ra Zenritsu-kata (Thiền Luật Phương [8]), một tổ chức có mục đích kiểm soát tổ chức và nhân sự Thiền Tông và Luật Tông. Đến năm 1379, để đưa phái Ngũ Sơn vào khuôn khổ, shôgun Yoshimitsu lại lập chức "tăng lục" [9] và bổ nhiệm Shunnoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba) vào địa vị này. Năm 1382, chức đó được dành cho người của Rokuon.in (Lộc Uyển Viện) với tư cách "tháp đầu" của chùa Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) (về sau đây là nơi có đặt tháp cho Yoshimitsu). Nhân vì viện chủ Lộc Uyển Viện kiêm nhiệm chức tăng lục cho nên ông ta được gọi là Rokuon Sôroku (Lộc Uyển Tăng Lục). Ông sẽ là người có khả năng nâng cấp một ngôi chùa lên hàng quan tự, giữ độc quyền cấp kujô (công thiếp), một loại công văn (kumon) bổ nhiệm chức trụ trì cho một quan tự cũng như tuyển chọn người điền vào chức đó. Ông còn là người kiểm soát sự tu hành và qui chế sinh hoạt trong chùa, trông coi an ninh cho khu vực nhà chùa, tài phán những cuộc tranh chấp cũng như soạn thảo văn thư ngoại giao. 

Về sau, trong thư viện của Rokuon.in - gọi là Inryôken (Âm Lương Hiên) hay Hiên Bóng Mát - có đặt chức tăng sĩ thường trực gọi là Inryôkenshuu (Âm Lương Hiên Chủ) hay Inryôshôku (Âm Lương Chức). Vì người này còn giữ nhiệm vụ liên lạc với shôgun cho nên ông ta trở thành người phụ tá cho chức sôroku luôn. Dần dần Rokuon.Sôroku nắm thực quyền và minh định được chỗ đứng của mình. Chức Rokuon Sôroku hầu như được các thiền tăng phái Muusô (của Mộng Song Sơ Thạch) đảm nhận, còn như Inryô-shoku thì phần lớn là đồ tôn của phái Issan (của Nhất Sơn Nhất Ninh). Các chức nói trên đã để lại nhiều cuốn nhật ký tức là loại Rokuon Nichiroku (Lộc Uyển Nhật Lục) và Inryôken Nichiroku (Âm Lương Hiên Nhật Lục) mà trong đó, nổi tiếng nhất là Kuuge Nichiyô Kuufushuu (Không Hoa Nhật Dụng Công Phu Tập) của Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín) và Gaun Nikkenroku (Ngọa Vân Nhật Kiện Lục) của Zuikei Shuuhô (Thụy Khê Chu Phượng). Đó là những tư liệu mà người nghiên cứu về lịch sử Thiền Tông của giai đoạn này bắt buộc phải đọc. 

Như thế, cơ quan cai quản phái Ngũ Sơn đã được chính quyền đặt ở chùa Tướng Quốc với sự tham gia của đồ đệ viện phái Muusô. Các "tháp đầu" đều có đặt điện thờ (bodaisho = bồ đề sở) của shôgun và trong trường hợp ấy, tháp có tên là kubô tacchuu (công phương tháp đầu) [10]. Do đó chùa Tướng Quốc trở thành chùa thờ (bodaiji = bồ đề tự) của dòng họ Ashikaga. Phái Musô trở thành thế lực trung tâm quản chưởng ngũ sơn, được nhiều con nhà quí tộc nhập môn cho nên dần dần câu kết chặt chẽ với thế lực chính trị. Sức mạnh ấy trong Ngũ Sơn, không chùa nào sánh kịp. 

Chế độ Ngũ Sơn cũng như quan tự tức các chùa nhà nước tất cả đều phỏng theo mô hình Trung Quốc, với mục đích làm chỗ trước là thờ phượng, nguyện cầu cho quốc gia, gia đình thiên hoàng và tướng quân (là những đàn việt đặc biệt) được an thái, sau làm nơi hành lễ như tống táng, cầu đảo, cầu siêu cho họ. Để thực hành những nghi thức hành lễ đó, một tăng sĩ tên Tenrin Fuuin (Thiên Luân Phong Ẩn (năm sinh năm mất không rõ) đã soạn ra Sho Ekô Shingi (Chư Hồi Hướng Thanh Quy (1566). Nhờ làm những "dịch vụ" cho nhà nước như vậy mà các chùa trở nên giàu có. Ngoài ra, qua việc nâng cấp chùa thành quan tự và cấp phát các công thiếp, họ thu được cho nhà nước một thứ thuế (quan tiền) gọi là shakusen (tá tiền). Khi các shôgun có dịp đến viếng chùa (gọi là onari) thì mượn tiếng cúng kiến để hoàn lại. Do đó các quan tự đóng vai trò trụ cột trong hoạt động tài chánh của mạc phủ. 

Za-kumon (Tọa công văn) 

Nếu là chùa nhà nước thuộc nhóm Ngũ Sơn, người lãnh đạo nó phải có giấy phép gọi là công thiếp (kujô) của mạc phủ mới có quyền trở thành trụ trì (juuji) thế nhưng về sau, dù đã có công thiếp, trên thực tế, người ấy vẫn chưa có quyền nhập tự mà chỉ có tư cách "tiền trụ" (zenjuu) thôi. Công thiếp cấp phát trong dịp này gọi là "tọa công văn" (za-kumon) hay là "cư thành công văn" (inari-kumon). Nó giống như một chứng chỉ hành nghề. Còn như trên thực tế, muốn được vào chùa đàng hoàng thì trong tay phải có "nhập viện công văn" (nyuuin-kumon) tuy rằng về mặt nội dung thì những văn bản này không hề khác nhau. Tuy nhiên, để được tấm công thiếp, tăng lữ bắt buộc phải đóng thuế (quan tiền). Cứ mỗi lần trao đổi giấy tờ như vậy, nhà nước lại có thêm thu nhập. Mặt khác, giới tăng sĩ muốn rút ngắn thời gian các giai đoạn thăng tiến (gọi là thăng trụ) từ chư sơn, qua thập sát, ngũ sơn đến Nanzenji là chỗ cao nhất) nên cũng hoan nghênh chế độ trao đổi za-kumon này. Họ chịu khó chi những món tiền cực lớn cho những việc đó. (Trên thực tế, có trụ trì đi chăng nữa, thời kỳ trụ trì thường rất ngắn nghĩa là "tam niên nhị hạ" (ba năm hai mùa hạ). Tuy nhiên, để làm cho thời gian trụ trì ngắn thêm nữa, loại "nhập viện công văn" càng ngày càng được cấp phát nhiều hơn). Tương tự "tọa công văn" còn có hình thức tiền mua công đức hay"công đức thành" (kudoku-nari), thế nhưng khác ở một điểm là tiền thu được sẽ không bỏ ngay vào ngân khố của mạc phủ mà tạm thời dùng vào việc khác. Nhân vì chế độ này dễ dàng đem tiền vào kho cho nên các giáo đoàn lâm hạ [11] như ở Daitokuji (Đại Đức Tự) cũng sử dụng nó như một phương tiện gây quĩ xây cất hay tu sửa già lam. Tuy những món tiền này lớn hơn cả tiền đóng góp cho Ngũ Sơn nhiều nhưng điều ấy chỉ là bằng chứng các đàn việt muốn tặng cho người thầy mà mình quy y danh hiệu "Tiền trụ Đại Đức Tự" (Daitokuji senjuu) đó thôi. 

Tùng lâm Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản) biến dạng 

Gozan lúc đầu cũng sinh hoạt giống như tùng lâm Trung Quốc nghĩa là dựa trên các nguyên tắc của Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy (Chokushuu Hyakujô Shingi). Họ cũng hành động theo tư tưởng giáo thiền nhất trí và tam giáo nhất trí. Thế nhưng cùng với thời gian, lối sống ấy đã lần hồi thay đổi cho phù hợp với một hình thức Phật giáo đặc thù mang màu sắc dân tộc. Trước tiên, chế độ "nhất lưu tương thừa sát" của Tôfukuji và Shôkokuji, hai chùa trong Gozan và đại biểu cho quan tự, là một bằng chứng rõ ràng. Ở Trung Quốc, thật khó lòng thực hiện được điều đó. Đặc điểm này cho ta thấy Thiền Tông đã quay về với truyền thống Phật Giáo thời Heian, trong một nước Nhật mà quan hệ giữa thầy trò và môn phái được coi trọng, các chùa chiền hồi đó xem việc trò nối nghiệp thầy là một việc bình thường và hợp lý [12]. 

Nếu đó là bản sắc của người Nhật, đương nhiên nó cũng ảnh hưởng đến cả hai chùa lớn ở Kyôto và Kamakura là Nanzenji và Kenchôji vốn chọn chế độ "thập phương trụ trì". Những vị trụ trì trong các chùa Gozan thường sống ở các am dựng trong khuôn viên chùa (am cư) và sau khi họ chết đi rồi, họ vẫn còn "hiện diện" mãi mãi dưới hình thức "tháp viện" (tôin) (còn gọi là tacchuu = tháp đầu). Các tháp viện ấy có chức năng điểm tựa tinh thần cho các đồ đệ trong môn phái của họ. Trong những chùa nổi tiếng, chùa nào cũng đầy dẫy tháp đầu của các danh môn. Trong mỗi tháp đầu lại thường có mộ tháp của người khai sơn ra tháp đầu, chiêu đường (shôdô) để hành lễ cúng tế, khách điện (kyakuden), nhà kho, thư viện, cổng vào...Trung tâm sinh hoạt của thiền tăng đã di chuyển từ bản tự (thất đường già lam) về tháp đầu. Nếu già lam (chùa) xây dựng theo lối Thiền Tông (Zenshuu-yô) nghĩa là kiến trúc đời Tống (vì kiến trúc đã theo chân Tống Thiền vào đất Nhật) thì tháp đầu xây dựng theo kiểu thuần Nhật (Wa-yô) gọi là "nhà kiểu thư trai" (shoinzukuri = thư viện tạo) [13], vô cùng thích hợp với lối sống của người Nhật. 

Thế nhưng, một khi "tháp đầu" phát triển, nó kéo theo sự suy thoái của già lam. Con số tháp đầu cứ thế mà tăng lên trong khi già lam thì chậm trễ trong việc tu sửa nhất là khi hành lang hay tăng đường bị hỏa hoạn, việc tái thiết thường gặp nhiều khó khăn.Việc tu hành tập thể ở tăng đường hầu như không ai làm nữa, nơi này dần dần mất ý nghĩa tồn tại. Người trong chùa có gặp nhau đông đủ thì cũng chỉ vào dịp cần cử hành một nghi thức nào đó ở phật điện hay pháp đường. Một khi sinh hoạt đã Nhật hóa thì tư tưởng cũng Nhật hóa theo, nghĩa là sẽ dẫn đến khuynh hướng thiền mật tham (missan-zen). 

Theo đà đó, lần hồi trong chùa thấy xuất hiện những sở thích có tính văn nhân. Vào thời đại ấy, sự qua lại của tăng sĩ hai nước Nhật Trung rất thường xuyên. Đáng kể có Đông Lăng Vĩnh Dư ( Tôryô Eiyo, 1285-1365) thuộc tông Tào Động phái Hoằng Trí từ Trung Quốc sang Nhật năm 1351 theo lời mời của Ashikaga Naoyoshi. Ngoài ra còn có Tesshuu Tokusai (Thiết Chu Đức Tế, ? -1366, về Nhật khoảng năm 1344), Ryuuzan Tokuken (Long Sơn Đức Kiến, 1284-1358, về Nhật 1350). Zekkai Chuushin (vào đất Minh năm 1368), Chyuuhô Chuushô (Trọng Phương Trung Chính, 1373-1451, vào đất Minh năm 1401) cũng từ bên đó lần lượt trở về. Các tăng sĩ này đã đem theo rất nhiều sách vở cũng như văn hóa phẩm. Những món "hàng ngoại quốc" gọi là karamono (Đường vật) [14] này trở thành đối tượng cho mọi ước mơ của những người trợ giúp họ tức là giới vũ tướng quí tộc của Mạc phủ Muromachi. Sở thích Trung Quốc của giới này đã được thỏa mãn khi họ tiếp xúc với giới tăng lữ du học đầy kiến thức Hán Văn và Chu Tử Học mà họ tôn sùng. Do đó, các thiền tăng Gozan đóng vai trò nhà văn hóa nhiều hơn là nhà tôn giáo. Thế rồi, để nới rộng quan hệ xã giao, người trong tháp đầu tổ chức các buổi bình thơ và nơi đó trở thành địa điểm cho thiên hạ có dịp trổ tài. 

Không đến tăng đường để tu hành nữa thì đương nhiên không có cách đạt được thể nghiệm khai ngộ. Tuy nhiên phái Gozan có dưới tay rất nhiều chùa chiền, việc cung cấp người trụ trì cho những nơi đây là việc cần thiết. Do đó mới có lệ là người đi tu sau một thời gian dài học với thầy, cho dầu chưa được khai ngộ và sức chỉ dừng ở chỗ hiện đang có thôi, cũng có thể nhận pháp tự của thầy. Khuynh hướng ấy hình như đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 14. Thiền sư Chuugan Engetsu (Trung Nham Viên Nguyệt, 1300-75, trở lại Nhật năm 1332) sau khi về nước nhà, vì đã cho biết mình là pháp tự của Đông Dương Đức Huy (người tiền bán thế kỷ 14), một người nhận ấn khả ở Trung Quốc, thế mà bị các đồ đệ của người thầy cũ của mình như Tômyô E.nichi (Đông Minh Huệ Nhật, 1272-1340, đến Nhật năm 1308) xem như kẻ khi sư bội đạo và chực hãm hại nhiều lần. 

Nguyên lai, trong Thiền Tông, việc nhận pháp tự từ người thầy nào có ảnh hưởng tới mình nhiều nhất (hay khai ngộ cho mình) là chuyện đương nhiên. Hành động của Chuugan Engetsu (Trung Nham) không đáng bị chê trách. Hiện tượng này đã xảy ra tại vì thời đó thiên hạ cứ suy nghĩ là nếu tu hành với môn phái nào đó trong một thời gian thì mặc nhiên đã nhận pháp tự từ môn phái ấy rồi. Nói cách khác, người ta hình như muốn tách việc nhận pháp tự ra khỏi thể nghiệm khai ngộ. Nếu đứng ở lập trường của Thiền Tông xưa nay xem sự khai ngộ mới là quan trọng thì chắc phải nói là cách đối xử với Chuugan Engetsu của những người đồng đạo ấy đã chệch khỏi đường lối. Tinh thần Thiền của Gozan thành ra đã bước giật lùi về hướng Phật Giáo truyền thống xưa nay. 

Tuy nhiên vì có sức mạnh kinh tế đáng kể, Gozan đã thực hiện đầy đủ vai trò chấn hưng văn hóa. Chỉ tiếc nó ỷ lại quá nhiều vào thế lực của mạc phủ nên mất đi sức mạnh tinh thần. Vì lý do đó, đến thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản, 1467-1568) khi thế lực mạc phủ thoái hóa để rồi suy tàn, ngay cả các chùa con của Gozan ở các địa phương cũng bị những phái khác lấn chiếm. 

Tháp Đầu (Tacchuu) 

Tháp đầu là một viện nhỏ nằm trong khuôn viên một ngôi chùa, còn có tên là tháp viện (tôin). Các cao tăng sau khi trụ trì xong ở một danh sát rồi thường rút lui về sinh sống ở một cái am nhỏ trong khu vực đất của chùa. Trung Quốc từng có nguyên tắc những người tiền trụ tức là kẻ đã có kinh nghiệm trụ trì ra hai bên đông đường, tây đường tức những ngôi nhà cất cho chư tăng ở để sinh hoạt cùng nhau. Đến đời sau, có sự thay đổi, trong các quan tự đã thấy xuất hiện những cái am nhỏ (tiểu am) mà trên nguyên tắc chỉ có thiền tăng đó được phép sử dụng trong đời mình mà thôi.Phong tục ấy cũng được truyền đến Nhật Bản nhưng bắt đầu chỉ có những "tháp viện" (ở Trung Quốc cũng có tiền lệ như thế) tức là ngôi mộ của danh tăng đã có công lớn đối với nhà chùa như khai sơn chẳng hạn và là chỗ được xây cất vĩnh viễn. Đây là nguồn gốc của tháp đầu cung cách đặc biệt Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là sau khi một thiền sư ra ở am qua đời thì người ta sẽ xây mộ tháp cho ông. Tháp ấy sẽ có một số thí chủ, đất chùa riêng và những thứ đó là tài sản các môn đệ được quyền thừa kế.Như thế, tháp đầu trở thành một ngôi chùa nhỏ nhưng độc lập nằm giữa lòng một ngôi chùa lớn và nổi tiếng (semi-independent sub-temple). Khi môn phái phát triển về địa phương thì lại đẻ ra các chùa con của môn phái gọi là các "mạt tự"(chùa ngọn), ngôi chùa nhỏ nhưng độc lập (chùa nhánh) sẽ đóng vai trò thống suất môn phái. Tuy nhiên người trụ trì của danh sát (bản tự hay chùa gốc)thường là nhân vật được tuyển chọn từ trong đám trụ trì những chùa nhánh trong khuôn viên chùa gốc cho nên người ấy không thể nào hoàn toàn độc lập với bản phường (tháp đầu của mình). Như thế,đa số các chùa lớn trong ngũ sơn đều có nhiều tháp đầu lập san sát bên nhau. Ví dụ ở Engakuji, có tháp đầu của phái Thánh Nhất, phái Đại Chuyết, phái Ngột Am (tức phái Tông Giác), phái Mộng Song, phái Đại Giác, phái Đại Thông, phái Hoằng Trí, phái Phật Nguyên, phái Hoàng Long... Riêng ta còn thấy tháp đầu của phái Mộng Song ở các chùa khác như Tenryuuji (Thiên Long Tự), Shôkokuji (Tướng Quốc Tự), Kenninji (Kiến Nhân Tự) nữa. Do đó, trong cùng bản tự,có khi thấy có sự tranh chấp giữa các tháp đầu về cách quản trị nhà chùa, ngược lại, giữa những chùa khác nhau lại có sự giao lưu thên mật giữa các tháp đầu vì cùng môn phái. Tình trạng này không phải là điều đáng mong muốn cho lắm cho nên Mạc phủ Muromachi đặt ra qui chế bắt các nhóm tăng sĩ phải xin phép nhà nướctrước khi cho xây tháp đầu. Thế nhưng trên thục tế, chế độ này không đạt được hiệu quả bao nhiêu. 

Sự mở mang của các giáo đoàn lâm hạ (ngoài hệ thống quan tự) 

Những quan tự (chùa nhà nước) như ngũ sơn thập sát đóng một vai trò phò tá Mạc phủ Muromachi nhưng trong giáo đoàn Thiền Tông vẫn có những bộ phận không nằm trong hệ thống quan tự. Những tiểu giáo đoàn như nhóm tín đồ thuộc phái Triệt Ông (Tettô-ha) của chùa Daitokuji hay nhóm tín đồ tông Tào Động (Sôtô-shuu) đã phát triển theo hướng độc lập. Những nhóm này được gọi bằng một cái tên chùng là ringe (lâm hạ: dưới bóng rừng). Riêng tiểu giáo đoàn của Daitokuji và Myôshinji vì nằm giữa thành phố Kyôto tức địa điểm trung tâm của Gozan nên không thể gọi là ringe mà được đặc biệt mang tên là sanrinha (sơn lâm phái). Lại nữa, trong số các tín đồ tông Tào Động hãy còn có người trụ trì ở Gozan như trường hợp ngoại lệ của Tokuô Yuuei (Đắc Ông Dung Vịnh), một người sống vào quảng giữa thế kỷ 15. Một môn phái phát triển ở vùng Kyuushuu tên là Kangan (Hàn Nham), lại có quan hệ mật thiết với nhóm Gozan. 

Chùa Daitokuji, nhờ ở Thiên hoàng Go-Daigo, đã có địa vị cao ngang ngửa với Nanzenji nhưng đến đời Muromachi thì nó bị gạt ra ngoài hệ thống quan tự (1341) và bị mạc-phủ làm khó dễ mọi thứ. Chuyện cũng dễ hiểu vì Daitokuji trung thành với Nam Triều trong quá trình chống đối lại một Bắc Triều vốn được mạc phủ ủng hộ. Thế nhưng sau đó nó không bị phế tuyệt mà còn được phục hồi thành ngôi chùa thứ 9 trong thập sát (1386). Tuy vậy mạc phủ vẫn tăng cường sự kiểm soát ví dụ shôgun Ashikaga Yoshimochi (tại chức 1386-1428) đòi hỏi Daitokuji phải theo chế độ thập phương trụ trì dành cho quan tự và phủ nhận vai trò "nhất lưu tương thừa danh sát" của nó. Đến đời Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Hi, 1379-1458) nhân đó mới xin phép mạc phủ cho nó đứng ra ngoài hệ thống quan tự (1431). 

Trong cuộc nội loạn năm Ônin (Ứng Nhân), chùa Daitokuji gánh chịu nhiều thiệt hại nhưng nhờ sự tận tâm của Yôsô Sôi và bạn đồng học của ông với thầy Kesô Sôdon (Hoa Tẩu Tông Đàm) là Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần, 1394-1481) mà được phục hưng. Ikkyuu là người từng công kích mạnh mẻ khuynh hướng thế tục hóa tùng lâm của Yôsô Sôi, bạn mình, nhưng bản thân ông lại có lắm hành tung kỳ dị. Nhưng cũng vì thế, dân địa phương Sakai, một thành phố nổi tiếng về buôn bán gần Kyôto, rất yêu mến ông vì nhân cách độc đáo của một "bồ tát bị đọa". Mãi đến bây giờ, người ta hãy còn nhắc nhỡ nhiều đến ảnh hưởng của ông đối với sự hình thành và phát triển của loại hình văn hóa mới của Nhật Bản, trong đó phải kể đến Sadô (trà đạo) và tuồng Nôgaku (tuồng Nô). 

Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần) 

Tăng Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản), tự là Ikkyuu, thụy hiệu Sôjun. Người ta đồn ông là con rơi của Thiên hoàng Go-Komatsu (Hậu Tiểu Tùng, thứ 100, trị vì 1382-1412). Năm 6 tuổi, xuất gia ở Ankokuji, sau khi đã học thi ca mới thờ Kennô Sôi (Khiêm Ông Tông Vi, ? - 1414) làm thầy. Khi ông này mất,lại theo học thiền với Kesô Sôdon (Hoa Tẩu Tông Đàm). Năm 27 tuổi, một hôm nghe quạ kêu mà đại ngộ. Ông được thầy nhận làm pháp tự nhưng nghe nói ông đem đốt quách giấy chứng nhận ấn khả thầy cho. Sau đó, ông sống đời lang bạt ở các vùng Kyôto, Settsu, Izumi. Lúc về già, nhân Daitokuji bị chiến tranh tàn phá thành ra hoang phế, ông về đấy hợp sức trùng tu và trở thành người trụ trì đời thứ 48. Chùa phục hưng xong, ông mất vào năm 1481, thọ 88 tuổi. Ikkyuu hiệu là Kyôunshi (Cuồng Vân Tử), Muukei (Mộng Khuê), đã trứ tác Kyôun-shuu (Cuồng Vân Tập), Jikai-shuu (Tự Giới Tập) cũng như tập pháp ngữ viết bằng kana là Ikkyuu Ôshô Kana Hôgo (Nhất Hưu Hòa Thượng Giả Danh Pháp Ngữ) vv...Thường vung kiếm gỗ trên đường phố thị trấn Sakai, lại làm thơ mô tả chuyện tình của mình với một người thị giả tên là Shinjisha, đúng là một người tính tình ngông cuồng, sống cuộc đời tùy hứng, hành tung kỳ dị. Những chuyện đáng kinh ngạc về ông sau này đã trở thành đề tài cho các tiểu thuyết thông tục như Ikkyuu Tonchi-banashi (Nhất Hưu Đốn Trí Đốt) [15]. Ikkyuu lại chơi thân với các văn nhân nghệ sĩ như nhà thơ renga [16] chuyên nghiệp Sugihara Sôi (Sâm Nguyên Tông Y, 1418-85), cha con ông cháu soạn giả tuồng Nô (nogakushi) Konparu Zenchiku (Kim Xuân Thiền Trúc, 1405-70), Sôchiku (Tông Quân) [17] và Zenbô (Thiền Phượng), trà đạo gia Murata Juukô (Thôn Điền Châu Quang, 1432-1502)...Ông ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của họ rất nhiều. Trên quan điểm về liên hệ giữa Thiền Tông đối với văn hóa Nhật Bản, Ikkyuu đã thực sự có một đóng góp rất đáng kể. 

Mặt khác, lúc đó bên phía Sôtô - shuu (tông Tào Động) xuất hiện hai thiền sư tên tuổi: Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết, 1277-1350) và Gazan Shôseki (Nga Sơn Thiều Thạc, 1276-1366). Hai ông đều là môn hạ của Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn). Myôhô trụ trì ở Daijôji (Đại Thừa Tự) và Eikôji (Vĩnh Quang Tự) còn Gazan trụ trì Sôjiji (Tổng Trì Tự). Họ đều đào tạo được nhiều học trò ưu tú. Đặc biệt Gazan có 5 đệ tử giỏi gọi là "ngũ triết": Taigen Sôshin (Thái Nguyên Tông Chân, ? -1370), Tsuugen Jakurei (Thông Huyễn Tịch Linh, 1323-1391), Mutan Sokan (Vô Đoan Tổ Hoàn, ?-1387), Daitetsu Sôrei (Đại Triệt Tông Lệnh, 1333-1408), Jippô Ryôshuu (Thực Phong Lương Tú, ?-1405) có những hoạt động lừng lẫy. Mỗi người trong bọn đều dựng được am riêng ở Sôjiji (đó là Phổ Tạng Viện, Diệu Cao Am, Động Tuyền Am, Truyền Pháp Am và Như Ý Am) tức "ngũ viện" (sẽ bị phế bỏ vào năm 1875 để nhập tất cả vào bản tự). Gazan đã đặt ra qui định là việc trụ trì ở Sôjiji sẽ do năm viện chủ luân phiên đảm nhận (thế nhưng có thuyết cho rằng qui tắc ấy chỉ có sau khi ông viên tịch). 

Trong các chùa thuộc tông Sôtô (Tào Động) như Eikôji (Vĩnh Quang Tự), chế độ thay phiên nhau trụ trì (luân trụ chế = rinjuusei) nói trên được đem ra áp dụng là vì nó giúp cho môn phái khỏi bị chia rẽ. Ngoài ra nó còn có điểm son là hun đúc cho những người trụ trì tương lai tinh thần trọng danh dự và ý hướng thi đua trong nghĩa vụ bảo vệ bản tự cũng như duy trì và phát triển giáo đoàn. Tuy nhiên các chùa Sôtô khác với các chùa Rinzai (Lâm Tế) ở điểm là các tacchuu (tháp đầu) không được phát triển bao nhiêu và cho đến về sau, thất đường già lam vẫn tiếp tục là trung tâm sinh hoạt của họ (vì lý do đó cho nên có nhiều tự viện còn giữ được lâu dài khu vực tăng đường và hành lang) [18]. 

Tuy nhiên trong khi giáo đoàn Sôtô phát triển ra bên ngoài thì bên trong, những đặc điểm Nhật Bản của một tông phái được xây dựng bởi Dôgen đã hoàn toàn bị lãng quên. Trên thực tế, thời này , chẳng thấy có ai nhìn lại Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tàng) của ông và hầu như không thấy có một công trình nghiên cứu nào lấy nó làm đề tài. 

Dôgen tỏ ra rất nghiêm khắc đối với tông Lâm Tế nhưng Keizan Jôkin có vẻ hòa hoãn hơn. Khuynh hướng này ngày càng được đẩy mạnh, đến đời của "ngũ triết" thì việc các tăng Tào Động đến học với thầy phái Lâm Tế là chuyện thường. Ta có thể kể đến trường hợp tiêu biểu của người như Sekioku Shinryô (Thạch Ốc Chân Lương, 1345-1423), đệ tử của một trong ngũ triết Tào Động là Tsuugen Jakurei (Thông Huyễn Tịch Linh). Sekioku đã theo học nhiều thầy nhiều phái: phái Đại Giác như Jakushitsu Genkô (1290-1367), phái Phật Quang như Môzan Chimyô (Mông Sơn Trí Minh, đệ tử của Kian Soen tức Quy Am Tổ Viên) và Shizan Myôzai (Thử Sơn Diệu Tại, học trò Kôhô Kennichi tức Cao Phong Hiển Nhật), phái Pháp Đăng như Koken Chinô (Cổ Kiếm Trí Minh, đệ tử của Kohô Kakumyô tức Cô Phong Giác Minh), phái Đại Huệ như Chuugan Engetsu (Trung Nham Viên Nguyệt), phái Huyễn Am như Daisetsu So.nô (Đại Chuyết Tổ Năng, 1273-1337). 

Vì lẽ đó nên không lạ gì tông Tào Động cũng lấy "thiền công án" làm chủ lưu, khiến cho khó thể phân biệt chỗ khác nhau giữa tông phong của họ đối với tông Lâm Tế. Cái gọi là "căn cước" của mình mà tông Tào Động vẫn thường đưa ra là thuyết "ngũ vị" [19]. Thế nhưng lý luận này buổi đầu đã sớm được thiền sư tông Lâm Tế là Thạch Sương Sở Viên (986-1039) cải biên thành Thạch Sương Ngũ Vị. Mãi về sau, thầy trò tăng Nhật Bản phái Thái Nguyên là Kettô Nôshô (Kiệt Đường Năng Thắng, 1355-1427) và Nan.ei Kensuu (Nam Anh Khiêm Tông, 1387-1457) mới phục hồi nguyên hình "Tào Động Ngũ Vị" xưa kia qua tác phẩm Tôjô Ungetsu-roku (Động Thượng Vân Nguyệt Lục) của họ. 

Việc xây dựng Myôshinji (Diệu Tâm Tự). 
Ảnh hưởng đến các giáo đoàn lâm hạ 

Trong thời đại này, việc xây dựng ngôi thiền viện gọi là Myôshinji (Diệu Tâm Tự) đã có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với giáo đoàn gọi là "lâm hạ" (ringe) nghĩa là những ngôi chùa cấp dưới nằm ở địa phương. Chùa này đã được Thái thượng hoàng Hanazono hạ lệnh xây cất vào năm 1337 để đón Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, tức Vô Tướng Đại Sư, 1277-1360), cao đồ của Sôhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu), đến khai sơn. Nhân vì Thái thượng hoàng cho phép chùa trở thành một "nhất lưu tương thừa sát" của phái Kanzan cho nên khi Kanzan mất rồi, đệ tử của ông là Juuhô Shôhitsu (Thụ Ông Tông Bật, 1296-1380) đã kế thừa thầy. Thế rồi đến đời đệ tử của Sôhitsu là Muin Sôin (Vô Nhân Tông Nhân, 1326-1410) thì mọi sự đã vào qui củ. Tuy nhiên, nhân vì bị buộc tội đã đứng về cánh tướng Ôuchi Yoshihiro trong cuộc nội loạn năm Ôei [20] (Ứng Vĩnh, 1399) nên ông bị Shôgun Ashikaga Yoshimitsu bách hại, chùa và đất nhà chùa bị tịch thu, phế bỏ (trong khoảng thời gian 1399-1473). Trong thời gian đó, tăng nhân thuộc phái Kanzan phải về Chính Nhãn Viện trong Nanzenji cũng như các chùa ở địa phương duy trì pháp mạch. Sau đó, phái này nhờ nỗ lực của Nippô Sôjun (Nhật Phong Tông Thuấn, 1368-1448), người khai sơn chùa Suisenji (Thụy Tuyền Tự) ở Inuyama (thuộc Owari tức vùng Nagoya bây giờ) và đệ tử của ông là Giten Genshô (Nghĩa Thiên Huyền Chiếu, 1393-1462) cũng như sự hỗ trợ của chức kanrei [21] là Hosokawa Katsumoto (Tế Xuyên, Thắng Nguyên) mới hưng thịnh trở lại. Katsumoto đã vận động tích cực để Nippô (Nhật Phong) được trụ trì ở Daitokuji, lập ra tiền lệ cho nhà tu xuất thân ở Myôshinji được thăng tiến lên (tấn trụ) hàng lãnh đạo của Daitokuji. Ngoài ra cũng vì Giten mà ông cho xây thêm Ryôanji (Long An Tự) nghĩa là giúp đỡ tận tình để giáo đoàn Myôshinji tìm lại địa vị. Tuy Myôshinji bị cháy trong cuộc loạn Ônin (1467-77) nhưng đệ tử của Giten là Sekkô Sôshin (Tuyết Giang Tông Thâm, 1408-1486) đã tận lực phục hưng nó. Dù sao, giáo đoàn của bản tự Myôshinji cũng vẫn èo uột cho nên để tìm ra sinh lộ, phái này đã phải dồn sức để mở mang về địa phương. 

Ngoài ra, nhiều môn phái trở thành độc lập. Họ lập ra cứ điểm ở địa phương và không phụ thuộc vào một quan tự (chùa nhà nước nào). Có thể kể đến chùa Kôgenji (Cao Nguyên Tự, xây năm 1325) ở Namba (Kyôto) thuộc phái Enkei (Viễn Khê) của Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, 1286-1344), Kokutaiji (Quốc Thái Tự, 1299) ở Ecchyuu (Toyama) thuộc phái Jiun (Từ Vân) của Jiun Myôi (Từ Vân Diệu YÙ, 1274-1345), Hôunji (Pháp Vân Tự, 1354) ở Hitachi (Ibaragi) thuộc phái Fukuan (Phục Am) của Fukuan Sôki (Phục Am Tông Kỷ, 1280-1358), Eigenji (Vĩnh Nguyên Tự, 1361) ở Ômi (Shiga) thuộc phái En.ô (Viên Ứng) của Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang, 1290-1367), Kôgakuji (Hướng Nhạc Tự, 1380) ở Kai (Yamanashi) thuộc phái Bassui (Bạt Đội) của Bassui Tokushô (Bạt Đội Đắc Thắng, 1327-1387), Hôkôji (Viễn Phương Tự, 1384) ở Tôtoumi (Shizuoka) thuộc phái Seikan (Thánh Giám) của Mumon Gensen (Vô Văn Nguyên Tuyển, 1323-90), Buttsuuji (Phật Thông Tự, 1397) ở Aki (Hiroshima) thuộc phái Buttoku (Phật Đức) của Guchuu Shuukyuu (Ngu Trung Chu Cập, 1323-1409), Ryuusenji (Long Tuyền Tự) ở Ueno (Gunma) thuộc phái Hyakugai (Bạch Nhai) của Hyakugai Hôshô (Bạch Nhai Bảo Sinh, 1343-1414). Với sự hậu viện của các lãnh chúa địa phương, họ đã có thể phát triển môn phái của mình theo cách riêng. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]