Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 2: Sự tiếp thu Thiền vào thời Heian

14/04/201114:17(Xem: 3635)
Tiết 2: Sự tiếp thu Thiền vào thời Heian

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 1
Giai đoạn du nhập và tiếp nhận (thời Nara và Heian) 

Tiết 2: Sự tiếp thu Thiền vào thời Heian 

Thiên đô về Heian và sự hình thành của văn hóa quốc phong 

Năm 784, Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ, thứ 50, trị vì 781-806) vì muốn cải cách chính trị nên mới thiên đô về vùng Nagaoka nhưng việc kiến tạo cung điện không tiến hành như ý, đến năm 794, lại thiên đô một lần nữa về Heiankyô (Bình An kinh), mở màn cho thời đại Heian (794-1192). 

Sau khi thiên đô xong, thiên hoàng đặt ra những chế độ như kageyushi (kiểm tra việc bàn giao giữa người cai trị tiền nhiệm và hậu nhiệm) và kondei (thành lập lực lượng hương dõng địa phương) nhằm cải cách để khơi ra lối thoát cho chế độ luật lệnh đã bị tắc nghẽn.Ông cũng muốn đề phòng Phật giáo nhảy vào chính trị cho nên không cho phép dời đền chùa ở thủ đô phía nam (ám chỉ Nara) về kinh đô mới Heian. Tuy nhiên ông lại kính trọng hai vị cao tăng mới từ bên nhà Đường trở về là Saichô và Kuukai (Không Hải, 774-835), muốn dùng giáo lý Thiên Thai và Chân Ngôn do họ đem từ Trung Quốc sang để làm nguyên tắc chỉ đạo cho thời đại mới. Chính sách ấy đã được những Thiên Hoàng về sau như Heizei (Bình Thành, thứ 51, trị vì 806-809) và Saga (Tha Nga, thứ 52, trị vì 809-823), thừa kế và định hướng. 

Fujiwara no Fuyutsugu (Đằng Nguyên Đông Tự, 775-826) được sự tín nhiệm của Thiên hoàng Saga, trở thành ngoại thích của Thiên hoàng Ninmyô (Nhân Minh, thứ 54, trị vì 833-850). Sau đó họ Fujiwara dùng mưu lược lần lượt đánh bật khỏi chính trường các địch thủ như Tomo no Yoshio, (811-868, mất chức năm 866), Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân, 845-903, mất chức năm 901) và Minamoto no Takaaki (914-982, mất chức năm 969) và củng cố vai trò họ ngoại các thiên hoàng. Dần dần họ độc chiếm vai trò sesshô (nhiếp chính) và kampaku (quan bạch) tức là đại thần đứng đầu triều có quyền nghe lời tâu thay vua. Họ lại gồm thu hết các shôen (trang viên hay thực ấp, lãnh địa của quí tộc), làm cho chế độ luật lệnh đi vào ngõ cụt. Thế nhưng riêng cánh nhà Fujiwara thì nhờ chiếm hữu nhiều trang viên đã trở nên cực kỳ giàu sang. Đặc biệt Michinaga (Đạo Trường, 966-1027) và Yorimichi (Lại Thông, 992-1074) là hai quyền thần đã đánh dấu thời đại toàn thịnh của chế độ sekkan, tên tắt của hai chức sesshô và kampaku. 

Trong thời kỳ này, lâu lâu vẫn có những sứ bộ được gửi sang nhà Đường. Hoạt động của các học tăng đi theo họ qua bên đó (nhập Đường tăng) rất đáng kể. Cho đến khi Hoàng Sào nổi loạn (875-884) làm cho vương triều nhà Đường suy vi thì theo lời tâu của Sugawara no Michizane (845-903), năm 894, triều đình Nhật Bản mới quyết định đình chỉ các chuyến đi goi là kentôshi (khiển Đường sứ) này. Tuy vậy liên hệ giữa hai nước vẫn được các thương nhân và thường dân duy trì. Các sách vở kinh văn vẫn được tiếp tục mang sang Nhật và được họ trân trọng nhưng ở Trung Quốc, tình hình hỗn loạn quốc nội thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-960) đã làm cho chuyện đi lại của giới tăng lữ dần dần thưa thớt. 

Song song với những sự kiện kể trên, vào thời này, ở Nhật, người trong nước đã tiếp thu và đồng hóa được văn hóa nhà Đường để có bản sắc dân tộc riêng. Họ trở nên tinh tế. điêu luyện hơn trong cảm xúc và ý thức thẫm mỹ. Thơ waka và dòng văn học cung đình do phụ nữ chủ đạo đã chứng minh có sự hiện hữu của một nền văn hóa nước nhà gọi là "quốc phong". Những tác phẩm như "Tuyển tập thơ Waka xưa nay" (Kokin Wakashuu = Cổ Kim Hòa Ca Tập, 905), soạn theo sắc chiếu đầu tiên, tập tiểu thuyết trường thiên "Truyện Genji" (Genji Monogatari = Nguyên Thị Vật Ngữ, đầu thế kỷ 11) của bà Murasaki Shikibu (Tử, Thức Bộ, thế kỷ 10-11), tập tùy bút "Ghi nhanh bên gối" (Makura no Sôshi (Chẩm Thảo Tử, khoảng năm 1000) của bà Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn, thế kỷ 10-11) xuất hiện lúc đó là những tác phẩm văn học vô cùng quan trọng. 

Đối với giới quí tộc thời Heian, việc cầu đảo khấn nguyện thần thánh (kajikitô =gia trì kỳ đảo) được coi trọng, ngay trong giáo phái Tendai, tỷ lệ của ảnh hưởng của Mật Giáo [11] càng ngày càng lớn. Lại nữa, trong một thời đại nhiều tai ách và đầy dẫy vấn đề trị an như thế, tư tưởng mạt pháp (tận thế), trọng tâm của Tịnh Độ Tông, cũng được truyền bá rộng rãi. Điều đó giải thích sự xuất hiện của các tác phẩm nói về sự cứu rỗi và kiếp sống an lành ở cõi Tây Phương trong một đời sau như Ôjô Yôshuu (Vãng Sinh Yếu Tập, 985) của tăng Genshin và "Ghi chép những câu chuyện vãng sinh về Tây Phương ở Nhật" (Nihon Ôjô Gokurakuki = Nhật Bản Vãng Sinh Cực Lạc Ký, cuối thế kỷ thứ 10) của văn nhân Yoshishige Yasutane (Khánh Từ Bảo Dận, ? - 1002). Thế nhưng sau khi nhà Tống tái thống nhất Trung Quốc (năm 960), hai tăng sĩ Nhật Bản là Chônen (Điệu Nhiên) và Jôjin (Thành Tầm, 1011-81) đã nhập Tống, sự giao lưu giữa hai nước bắt đầu rộn rịp trở lại. Rồi nhân đó, những hiểu biết mới và cách nhìn mới về đạo Phật đã được truyền từ Trung Quốc sang. 

Quyền thi hành chính trị kiểu sekkan (đã nói ở trên) của dòng họ đại quí tộc Fujiwara đi đến chỗ cáo chung dưới triều Thiên hoàng Go-Sanjô (Hậu Tam Điều, thứ 71, trị vì 1068-1072). Sau đó là thời "viện chính" (insei) [12] tức là chế độ chính trị của các cựu hoàng trên danh nghĩa đã nhường ngôi cho người khác những vẫn lập một "chính phủ riêng" (viện sảnh), đứng đằng sau giật giây. Sau thời cựu hoàng Shirakawa (Bạch Hà, thứ 72, trị vì 1072-86, viện chính 1086-1129) là các viện chính liên tục của cựu hoàng Toba (Điểu Vũ, thứ 74, viện chính 1129-1156 ), Go-Shirakawa (Hậu-Bạch Hà, thứ 77, viện chính 1158-92). Chế độ viện chính đã dựa trên các giai cấp quí tộc hạng trung trở xuống và giới "võ sĩ" (samurai) tân hưng như hai họ Minamoto (Nguyên) và Taira (Bình) để duy trì chính quyền. Thế nhưng qua hai cuộc binh biến gọi là loạn năm Hogen (1156) và Heiji (1159), giới võ sĩ càng lấn lướt. Thủ lãnh nhà Taira là Taira no Kiyomori (Bình, Thanh Thịnh, 1118-81) đã nắm chức daijôdaijin (thái chính đại thần) quyền cao cực phẩm. Sau khi đập tan âm mưu đảo chánh hồi loan của Thiên hoàng Go-Shirakawa và bắt giam ông rồi, quyền lực của họ Taira đã đạt đến đỉnh cao nhất. 

Trong thời viện chính tư tưởng của phái Tendai mà cứ điểm là chùa trên ngọn Hieizan được đề cao hơn cả. Phái này khẳng định "Thiên Thai bản giác tư tưởng", xem hiện thực tự thể nó đã là biểu hiện của giác ngộ. Có thể nói quan điểm này bắt nguồn từ tư tưởng Như Lai Tạng [13] nhưng về sau nó không chỉ dừng lại ở lý thuyết nhà Phật mà còn ảnh hưởng đến toàn thể văn hóa Nhật Bản nói chung. 

Phương pháp tu Thiền của tăng Saichô (Tối Trừng) 

Khi bàn về sự tiếp nhận giáo lý Thiền Tông của người thời Heian, trước tiên phải nói đến khả năng thừa kế tư tưởng Ngưu Đầu Tông của Saichô. Như đã nói, Saichô đã được Gyôhyô truyền cho Thiền Bắc Tông, thế nhưng theo tác phẩm Naishô Buppô Sôjô Ukechimyaku Fu narabini Jo (Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ Bình Tự) của chính Saichô thì sau khi ông nhập Đường, vào chùa Zenrinji (Thiền Lâm Tự) trên núi Tendai ngày 13 tháng 10 năm 804 thì đã được tăng Thúc (?) Nhiên (năm sinh và mất không rõ) truyền cho những văn kiện liên quan đến việc "phó pháp" của Ngưu Đầu Tông. Sau khi về nước, ông đã cất giữ nó ở núi Hieizan. Ngoài ra, trên thực tế, trong các mục lục về sau như Esshuu-roku (Việt Châu Lục) khi kể ra các kinh sách Saichô tàng trữ có thấy rất nhiều kinh điển liên hệ đến Thiền Tông. 

Trước hết, kinh điển có thể xem như có liên quan đến Ngưu Đầu Tông là những sách như sau: 

1) Vô Sinh Nghĩa do Phật Quật Duy Tắc soạn. 
2) (Truyện) Pháp Hoa Kinh Danh Tướng do Ngưu Đầu Pháp Dung soạn. 
3) (Truyện) Tuyệt Quán Luận do Ngưu Đầu Pháp Dung soạn. 
4) Đao Đề Ca không rõ ai soạn. 

Cũng trong Esshu-roku - như sẽ trình bày dưới đây - còn thấy cả kinh sách xem như không thuộc Ngưu Đầu Tông, nên khó lòng quả quyết rằng ông chỉ nhận ảnh hưởng giáo lý ở mỗi tông Ngưu Đầu: 

5) (Truyện) Quán Tâm Luận do Thần Tú soạn (Bắc Tông). 
6) Tào Khê Đại Sư Truyện không rõ ai soạn (Nam Tông) 
7) Tây Quốc Phật Tổ Đại Đại Tương Thừa Truyền Pháp Ký (Nam Tông). 
8) Đạt Ma Hệ Đồ không rõ ai soạn (Nam Tông). 
9) (Truyện) Phó Đại Sư Hoàn Thi Thập Nhị Thủ do Phó Hấp soạn (không rõ tông phái). 
10) (Truyện) Song Lâm Đại Sĩ Tập do Phó Hấp soạn (không rõ tông phái) 

Trong những tác phẩm này thì Vô Sinh Nghĩa đã từng được Saichô dùng để dẫn chứng trong tác phẩm của ông. Ông cũng đã nhắc tới cả văn kiện gọi là "phó pháp giản tử" dùng để truyền thừa đạo thống, các bia văn liên quan đến Đạt Ma, Huệ Khả và Đạo Tín nữa. 

Sở dĩ Saichô thu thập sách vở nhà thiền nhiều đến như vậy có lẽ vì ông coi, như chúng ta đã có lần bàn đến, Thiền Tông là một trong bốn loại giáo lý có ảnh hưởng hổ tương mà người đi tu cần có. Ông gọi là "tứ chủng tương thừa". Nhưng thử hỏi tại sao Thiền lại quan trọng đối với ông như thế? Có thể giải thích rằng yếu tố Như Lai Tạng tức Phật tính hàm chứa ở trong Thiền có liên quan đến tư tưởng "nhất tâm thừa" của kinh Pháp Hoa va "nhất tâm giới" của kinh Phạm Võng, là hai yếu tố tạo nên cơ sở chủ trương của Saichô. Đó là tư tưởng gắn bó trực tiếp với sự thiết lập một giới đàn Đại Thừa, mục đích mà ông suốt đời đeo đuổi. 

Tinh thần của Saichô đã được thừa kế đến mức độ nào hãy còn là một câu hỏi nhưng ta có thể suy luận một cách dễ dàng rằng cách Saichô đánh giá vị trí của Thiền Tông có ảnh hưởng đến việc các tăng sĩ Nhật Bản, đa số là người phái Thiên Thai, sau khi du học bên nhà Đường, sẽ mang những sách vở gì về nước. Cần phải nói thêm là từ thời Kamakura (1185-1333) trở đi, trong đám tăng lữ truyền bá Thiền Trung Quốc ở Nhật, con số những kẻ đã từng theo học tông Thiên Thai không phải là ít. 

Nhập Đường Bát Gia và những văn kiện họ mang về 

Tình trạng du nhập kinh sách Thiền Tông kể từ sau thời Saichô bởi nhóm tăng lữ Thiên Thai và Chân Ngôn có tên chung là "nhập Đường bát gia" tức tám học tăng vào đất Đường, đã được biết đến nhờ những thông tin chép trong Tương Lai Mục Lục tức mục lục thiền tịch mang về nước (tương lai = mang về).Sau đây ta có thể đưa ra một số tên, trong dấu ngoặc là tên người đã mang những kinh điển ấy về. 

Trước tiên là những cuốn liên quan đến Hà Trạch Tông: 

1) Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận, Thần Hội soạn (do Engyô = Viên Hành đem về). 

2) Nam Dương Hòa Thượng Vấn Đáp Tạp Trưng Nghĩa, Thần Hội soạn (Ennin = Viên Nhân, Enchin =Viên Trân đem về) 

3) Hà Trạch Hòa Thượng Thiền Yếu, Thần Hội soạn ( Enchin) 

4) (Truyện) Tào Khê Sơn Đệ Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Thuyết Kiến Tính Đốn Giáo Trực Liễu Thành Phật Quyết Định Vô Nghi Pháp Bảo Ký Đàn Kinh, Huệ Năng soạn, Pháp Hải tập hợp (Ennin, Enchin). 

5) (Truyện) Năng Đại Sư Kim Cương Bát Nhã Kinh Quyết, Huệ Năng soạn (Enchin). (Đây không hiểu có phải là cuốn Kim Cương Kinh Giải Nghĩa chăng?) . 

6) Tây Quốc Phật Tổ Đại Đại Tương Thừa Truyền Pháp Ký, không rõ soạn giả (Eun = Huệ Vận). 

7) Đạt Ma Tông Hệ Đồ, không rõ soạn giả (Enchin) (Có phải đây chính là Đạt Ma Hệ Đồ mà Saichô mang về nước không?). 

Sau đến các tác phẩm liên quan sâu xa đến Hồng Châu Tông và các hệ phái cùng một gốc với nó: 

8) Bảo Lâm Truyện , Linh Triệt soạn (đề tựa?) (Ennin). 

9) Bách Trượng Sơn Hòa Thượng Yếu Quyết, Hoài Hải (?) soạn (Enchin). 

10) Truyền Pháp Đường Bi, Bạch Cư Dị soạn (Enchin). 

11) (Truyện) Nam Dương Trung Hòa Thượng Ngôn Giáo, Huệ Trung soạn (Enchin). 

12) Tào Khê Thiền Sư Chứng Đạo Ca, Chân Giác soạn (Ennin). 

13) Tối Thượng Thừa Phật Tính Ca, Chân Giác soạn (Ennin). 

14) Vĩnh Gia Giác Đại Sư Tập, Chân Giác soạn (Enchin). 

Những tác phẩm kể ra dưới đây cũng có thể phỏng đoán được là có liên quan đến Thiền Tông, chỉ có hệ phái là không rõ: 

15) (Truyện) Duy Tâm Quán, Bồ Đề Đạt Ma soạn (Ennin). 

16) (Truyện) Đạt Ma Hòa Thượng Ngộ Tính Luận, Bồ Đề Đạt Ma soạn (Enchin). 

17) (Truyện) Lục Tổ Hòa Thượng Quán Tâm Kệ, Huệ Năng soạn (Enchin). 

18) Thừa Lăng Già Chính Tông Quyết, không rõ soạn giả (Ennin). 

19) Biện Thiền Kiến Giải Tà Chính Luận, không rõ soạn giả (Eun). 

20) Tây Quốc Phó Pháp Tạng Truyền, không rõ soạn giả (Ennin). (Không biết có phải là 6) Tây Quốc Phật Tổ Đại Đại Tương Thừa Truyền Pháp Ký hay không? bởi vì Saichô có lần gọi quyển số 6 ấy là Tây Quốc Phó Pháp Ký). 

21) Thiền Tông Mạch Truyền, không rõ soạn giả (Eun). 

22) Sư Tư Tương Thụ Pháp Truyền, không rõ soạn giả (Eun). 

23) Thiền Môn Thất Tổ Hành Trạng Bi Minh, không rõ soạn giả (Enchin). 

Như thế, thiền tịch đủ loại đã dược các học tăng Engyô (Viên Hành, 799-852, tăng Chân Ngôn, nhập Đường 838-839), Ennin (Viên Nhân, 794-864, tăng Thiên Thai, nhập Đường 838-847) [14] , Eun (Huệ Vận, 798-869, tăng Chân Ngôn, nhập Đường 842-847), Enchin (Viên Trân, 814-891, tăng Thiên Thai, nhập Đường 853-858) ... truyền đến Nhật. Thế nhưng việc chúng đã được tông Thiên Thai và các tông sử dụng như thế nào thì hãy còn chưa biết. 

Godaiin Annen (Ngũ Đại Viện An Nhiên) [15] (năm sinh năm mất không rõ) trong "Tranh cãi về giáo lý" (Kyôjijô = Giáo Thì Tranh) và Luận về tranh cãi giáo lý" (Kyôjijôron = Giáo Thì Tranh Luận), hai cuốn sách phê bình về giáo lý mà ông soạn, khi nói đến Thiền Tông, có dẫn ra tên Bảo Lâm Truyện và Đại Đường Song Phong Sơn Thiền Môn Phó Pháp (chưa rõ nội dung). Đặc biệt trong Kyôjijô, khi luận về những chỗ sâu xa và nông cạn của giáo lý nhà Phật, Annen (An Nhiên) có định vị trí cao hạ của các tông phái như sau: 1) Chân Ngôn, 2) Phật Tâm (Thiền), 3) Pháp Hoa, 4) Hoa Nghiêm, 5) Tam Luận, 6) Pháp Tướng. Từ đó suy ra ta thấy sự quan tâm của người thời Heian đối với Thiền Tông lên rất cao. Tuy nhiên, có lẽ lối đánh giá ấy chỉ có nơi Annen chứ nói chung, người đương thời coi trọng Mật Giáo và Thiên Thai Tông hơn Thiền nhiều. Có thể nói rằng sau khi Saichô mất, tông Thiên Thai (Tendai) trên mặt hình thức chỉ thu nhận Thiền như một thành tố trong "tứ chủng tương thừa" mà thôi. 

Nghĩa Không và Nôkô (Năng Quang) 

Trong giai đoạn trước và sau phong trào "nhập Đường cầu pháp" của những tăng sĩ nói trên, lòng nhiệt thành của các thiền tăng giữa hai nước có thể tóm tắt qua hoạt động của tăng Trung Quốc đến Nhật là Nghĩa Không (Gikuu, năm sinh và mất không rõ) và tăng Nhật Bản nhập Đường là Gaoku Nôkô (Ngõa Ốc Năng Quang, ? - 933). 

Dường như tăng Nghĩa Không đến Nhật là do lời mời của Hoàng hậu Danrin (Đàn Lâm, tên con gái là Tachibana Kachiko), vợ Thiên hoàng Saga, thông qua sứ giả của bà, tăng Egaku (Huệ Ngạc, người sống giữa thế kỷ thứ 9). Nghĩa Không đến Nhật khoảng năm Jôwa (834-848) không cách thời gian Ennin từ bên đó về nước (847) bao nhiêu. Nghĩa Không là đệ tử của Diêm Quan Tế An (? -842) theo hệ phổ: 

Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) -> Diêm Quan Tế An -> Nghĩa Không. 

Nghĩa là ông có gốc gác sơ truyền của Nam Tông và sơ truyền của phái Hồng Châu. 

Hoàng hậu mời ông khai sơn Danrinji (Đàn Lâm Tự). Bà dốc lòng tu hành dưới sự chỉ dạy của ông. Thế nhưng dường như thấy người đương thời chưa biết tiếp thu giáo lý như ý ông muốn, vài năm sau, Nghĩa Không đã bỏ về Trung Quốc. Có thể nói lúc đó đất Nhật chưa hội đủ điều kiện để đón nhận Thiền Tông một cách hoàn toàn. Nghe nói ông có để lại một đệ tử tên gọi Gensho (Nguyên Tư) nhưng không ai rõ về hành trạng của ông này. 

Còn Gaoku Nôkô nhập Đường lúc nào thì không thấy nói, chỉ biết ông đã trở thành pháp tự của Động Sơn Lương Giới (807-869) cho nên có thể bảo ông nhập Đường cùng với khoảng thời gian khi Nghĩa Không qua Nhật. Sau ông chết ở Trung Quốc cho nên không có ảnh hưởng gì đến hệ tư tưởng của Nhật Bản. Một là ông không có ý muốn về nước nữa, hoặc giả không mấy tin tưởng vào sự tiếp nhận Thiền Tông của đồng bào nình? 

Nhà Tống kiến quốc. Giao lưu Trung Nhật gia tăng 

Năm 906, nhà Tống dựng nước. Tình hình ổn định xong, sự giao lưu giữa các tăng lữ Trung-Nhật lại được phát động mạnh trở lại. Đường hướng tu học mới bên nhà Tống đã được truyền đến Nhật. Tăng phái Tam Luận là Chônen (Điệu Nhiên, ? - 1016, nhập Tống 983-986) sau khi về nước, đã tường thuật tình hình bên ấy, đề cao Thiền Tông nhà Tống với triều đình. Lúc đó, ở Trung Quốc, đó là thời kỳ của những đại sư như Thủ Sơn Tỉnh Niệm (926-993), Động Sơn Thủ Sơ (910-990), Hương Lâm Trừng Viễn (908-987)... các tông Lâm Tế và Vân Môn đang trên đường hưng thịnh cho nên hành động của Chô.nen chỉ phản ánh lại những điều mắt thấy tai nghe mà thôi. 

Lại nữa, trong thời chính trị viện sảnh, tăng phái Tendai là Kakua (Giác A, 1143-82) lần đầu tiên đã truyền Thiền nhà Tống về nước. Ông nhập Tống năm 1171, nối pháp tự Hạt Đường Huệ Viễn, một đệ tử của Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135). Sau khi trở lại Nhật (1175), ông lên Hieizan [16] tu hành. Theo quyển đăng sử Genkô Shakusho (1322) của thiền sư Kokan Shiren thì khi Thiên hoàng Takakura (Cao Thương, thứ 80, trị vì 1168-80) hỏi đạo, Kakua chỉ trả lời bằng cách thổi một điệu sáo. Sau đó, không nghe tác giả kể tiếp chuyện gì xảy ra. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]