Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 3: Lý do Thiền nhà Tống tìm được chỗ đứng ở Nhật. Những vấn đề phải giải quyết

14/04/201114:17(Xem: 3802)
Tiết 3: Lý do Thiền nhà Tống tìm được chỗ đứng ở Nhật. Những vấn đề phải giải quyết

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 2 
Giai đoạn Thiền nhà Tống xác định được vị trí ở Nhật 
(thời Kamakura) 

Tiết 3 - Lý do Thiền nhà Tống tìm được chỗ đứng ở Nhật. 
Những vấn đề phải giải quyết 

Lý do Thiền nhà Tống tìm được chỗ đứng 

Dưới triều Heian Thiền vẫn không bám sâu hơn triều Nara, phải đợi đến thời Kamakura, nó mới bắt đầu lôi cuốn được sự chú ý của mọi người và bắt rễ trong xã hội Nhật, nhất là đối với giai cấp trung tâm tức tầng lớp samurai. Lý do của sự hưng thịnh đó có thể giải thích bằng nhiều lý do: 

Trước tiên, so với trước đây, phải nói là bản chất của Thiền đã thay đổi. Thiền của thời này là Tống Thiền tức là Thiền dưới triều Tống. Nó khác Thiền đời Đường rất nhiều. Thiền phát triển mạnh mẽ trong hoàn cảnh loạn lạc cuối đời Đường nên có màu sắc hoang dã. Đến thời Tống thì xã hội đã an định, chính quyền quân chủ chuyên chế, trung ương tập quyền, và mạng lưới quan liêu đã giăng ra, Thiền bắt buộc đi song đôi với chính quyền để duy trì sự hiện hữu của mình trong một xã hội đã được quản lý chặt chẽ. Thêm nữa, trước áp lực của thế lực quân sự những dân tộc kỵ mã phương bắc, Thiền không còn cách chọn lựa nào hơn là tích cực khẳng định quyền lực của vương triều tộc Hán, nhấn mạnh lòng ái quốc. Nói tóm lại, Thiền Tông phải tìm cách phát triển thế nào để không làm hại đến sự tồn vong của quốc gia. 

Thứ đến, khi bị kềm kẹp bởi những qui chế như thế và du vào ngõ cụt, Thiền Tông không còn sức để phát triển ra ngoài. Thiền gia phải quay vào bên trong nghĩa là đặt trọng tâm vào việc tập trung suy nghĩ phương pháp tìm cho ra tâm cảnh giác ngộ (satori). Và từ đó đã phát sinh ra "thiền công án" (kôanzen), một hình thức tu học với phương pháp luận vừa rõ ràng vừa hiệu quả mà người thầy có thể hướng dẫn đệ tử trong thể nghiệm kiến tính. Hơn thế, phương pháp luận này lại dựa trên trạng thái tâm lý phổ quát của loài người cho nên cả người ngoại quốc vốn hấp thụ một nền văn hóa khác cũng có thể tiếp nhận dễ dàng. Vì lẽ đó, ta rất dễ trả lời câu hỏi tại sao Tống Thiền có nhiều thuận lợi khi được du nhập vào đất Nhật. 

Thế nhưng không riêng vì mỗi một lý do Thiền đã thay đổi mà người Nhật tiếp nhận nó một cách dễ dãi hơn. Chính ra về phía kẻ tiếp nhận tức là người Nhật cũng đã có những thay đổi. Vào đúng thời điểm lịch sử đó, giới võ sĩ (samurai) đã thay thế giới quí tộc cung đình trong việc lãnh đạo xã hội. Đặc biệt, sự thực cho thấy giai cấp võ sĩ là những kẻ tiếp thu Tống Thiền trước nhất. 

Cũng như những gì đã xảy ra bên Trung Quốc, ở Nhật cũng vậy, Thiền Tông đã thành công trong việc thu phục giai cấp tân hưng trong xã hội. Có thể giải thích sự thành công đó qua hai lý do:

1) Người samurai lấy việc chiến đấu làm lẽ sống và muốn biện minh cho lẽ sống đó, cần phải dựa vào một tôn giáo mới. Thiền Tông vốn là một tôn giáo của hành động nên đã ăn khớp với đòi hỏi của giai cấp võ sĩ. 

2) Văn hóa Thiền Tông của người samurai giúp họ có một điểm tựa tinh thần để đối kháng văn hóa cung đình mà giới quí tộc, đối thủ của họ, rất tự hào. 

Ngoài ra cũng không nên tác dụng của một yếu tố có tính ngẫu phát là hai lần giặc Nguyên (Genkô = Nguyên khấu) tấn công Nhật Bản. Sự xâm lăng của người Mông Cổ trên quê hương Trung Quốc đã thúc đẩy các danh tăng nhà Tống bỏ nước sang Nhật và tư tưởng mà họ mang theo là sự cổ xúy về lòng ái quốc và lòng trung thành với hoàng đế (nay chuyển qua Thiên hoàng). Nó trở thành thức ăn tinh thần không thể thiếu được cho người samurai đang đối mặt với hiểm họa giặc Nguyên. 

Cho dù sự thực là Tống Thiền đã tìm được chỗ đứng của mình trên đất Nhật là nhờ sự đồng thuận của giới samurai mới hưng thịnh và sự liên kết của Thiền với Mật Giáo, phải nói rằng lúc bấy giờ, các giáo phái khác như Tịnh Độ Tông, Nhật Liên Tông, Tịnh Độ Chân Tông, gọi chung là "tân Phật Giáo Kamakura" đều hoạt động mạnh mẻ cả. Cho nên không thể phủ nhận việc phải có một lý do căn bản khác nằm ngoài những lý do vừa đưa ra. Để hiểu được vấn đề đó, có lẽ nên quan sát sự ra đời của Đạt Ma Tông do Đại Nhật Năng Nhẫn (Dainichi Nô.nin) khai sáng. 

Như ta đã nhắc tới trong những trang trước, Dainichi Nô.nin cùng với Myôan Eisai là hai người được xem như đi tiên phong trong làng Thiền thời Kamakura và hoạt động của hai ông hầu như tương phản. Việc Eisai đem Thiền từ Trung Quốc về Nhật có thể là chuyện tình cờ nhưng đối với Nô.nin thì không phải vậy.Ông là người "vô sư độc ngộ", nhận ấn khả của thiền sư Trung Hoa là Chuyết Am Đức Quang chỉ qua lối "hàm thụ", nghĩa là ông phải nhờ đệ tử sang Trung Quốc du học đem thư trình bày hộ cho. Điều này chứng tỏ rằng ông đã thu nhận Thiền một cách tự nguyện. Chuyện ông "vô sư độc ngộ" thế nào, thật không ai nắm rõ. Tuy nhiên, trong tông phái Đạt Ma của ông, những sách vở được coi như nền tảng là Phá Tướng Luận, Ngộ Tính Luận, Huyết Mạch Luận (về sau được gọi là Đạt Ma Đại Sư Tam Luận hay sơ tổ tam luận) thường được in lại.Phá Tướng Luận, còn có tên Quán Tâm Phá Tướng Luận được xem là một cái tên khác của quyển Quán Tâm Luận, tác phẩm Thần Tú đã viết, đó là điều chúng ta cần chú ý. Như vậy, kể từ đời Heian trở về sau, những người đọc kỹ các văn bản Thiền Tông (như tăng Nô.nin), có thể dựa vào đó để tổ chức cuộc sống tu hành và tự đưa đường cho mình đến chỗ giác ngộ. 

Như vậy, Nô.nin cũng như chư đệ tử đã nhìn thấy được giá trị của một số văn bản Thiền Tông đến lúc đó vẫn có ít ai quan tâm dù chúng cũng là sách vở truyền lại tự đời xưa. Phải nói rằng Nô.nin và học trò đã muốn đi tìm một lối tư duy mới khác với những gì người khác đã có cho đến bây giờ. Có thể hoàn cảnh chiến tranh liên tục từ cuối đời Heian (1185) trở đi đã làm cho người Nhật luôn luôn cảm thấy tính mạng bị đe dọa, nó bắt buộc họ phải đối đầu thường xuyên với vấn đề sinh tử. Tóm lại, có thể là đến thời điểm này, câu hỏi về lẽ sinh tử, tồn tại hay hư vô... mà Thiền Tông thường xuyên đặt ra mới mang một ý nghĩa thiết thân đối với người Nhật hơn trước. 

Thế nhưng ít mấy ai hiểu được ý nghĩa của Thiền là triết lý để giải quyết những vấn đề tâm linh như thế. Trường hợp Thiên hoàng Kameyama chẳng hạn. Sở dĩ ông quy y với thiền sư Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn) là vì muốn hàng phục yêu quái vẫn đến phá quấy ở điện chùa Senrinji (Thiền Lâm Tự) [19] . Rất nhiều người chỉ hâm mộ thiền tăng vì sức mạnh siêu nhiên của họ do sự tu hành khổ luyện, rồi hy vọng vào điều đó nên lâu lâu lại nhờ cậy họ tổ chức các buổi cầu đảo, cúng dường. Sôtô-shuu (tức Tào Động Nhật Bản) từ thời Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn) trở đi, nhờ biết đem vào giáo lý của mình những yếu tố Mật Giáo và tín ngưỡng dân gian mà trở nên hưng thịnh. Sự thành công của tông phái ấy chỉ là do biết cách đáp lại lòng mong mỏi của đại chúng mà thôi. 

Khó thể nói rằng điều đó thể hiện bản chất của tư tưởng Thiền Tông, thế nhưng dù rằng đi lệch đường chăng nữa, người ta cũng có khả năng chấp nhận nó dưới dạng tôn giáo. Ngoài ra, Thiền còn có thể được quan tâm từ bên ngoài phạm vi tôn giáo. Điều đó có nghĩa là người đương thời đã xem Thiền như là một yếu tố tiêu biểu cho văn hóa tiên tiến của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ này thì cho dù là kẻ không có chút tư chất nào để hiểu về tôn giáo hay triết học cũng có thể bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của Thiền. Đây là động cơ đã giúp cho Thiền được phổ cập sâu rộng. Có lẽ chỉ cần nhìn vai trò đảm nhiệm bởi năm chùa Gozan thời Muromachi thì đã đủ hiểu điều đó. 

Những vấn đề đã lộ diện từ khi Thiền tìm được chỗ đứng 

Kể từ lúc Thiền đời Tống du nhập vào, các chùa Nhật Bản cũng theo khuôn mà tổ chức những buổi thượng đường và vấn đáp. Từ đó mới thấy xuất hiện các tập ngữ lục ghi chép nội dung những trao đổi ý kiến. Có thể kể ra Shôichi Hôshi Hôgo (Thánh Nhất Quốc Sư Ngữ Lục) của Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ), Đại Giác Thiền Sư Ngữ Lục của Lan Khê Đạo Long, Phật Quang Quốc Sư Ngữ Lục của Vô Học Tổ Nguyên, Daiô Kokushi Kana Hôgo (Đại Ứng Quốc Sư Ngữ Lục) của Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh), Hottô Kokushi Hôgo (Đại Đăng Quốc Sư Ngữ Lục) của Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu)...Trong số các tác giả tuy có những tăng lữ Nhật Bản nhưng nội dung các ngữ lục hoàn toàn viết bằng Hán văn. Và điều này là một vấn đề trọng đại khi câu hỏi "Người Nhật đã tiếp thu tư tưởng Thiền bằng cách nào?" được đặt ra. 

Nếu là trường hợp các tăng sĩ đến từ Trung Quốc thì không nói làm chi nhưng vào thời bây giờ, trong số tăng sĩ Nhật Bản du học Trung Quốc về nước, có nhiều người thuyết pháp bằng tiếng Hoa như trường hợp Gesshin Keien (Nguyệt Tâm Khánh Viên) ở chùa Kenninji vào giữa thế kỷ 14. Nhân vì người nghe giảng là những tăng sĩ Nhật Bản không thông hiểu tiếng Hoa cho nên sự trao đổi giữa hai bên khó thể nói là không vấp váp. Cuộc vấn đáp khá nổi tiếng giữa Vô Học Tổ Nguyên và Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật) thực ra đã được diễn ra bằng bút đàm. 

Ta có thể phỏng đoán rằng giữa các tăng sĩ Nhật Bản, trong trường hợp thuyết pháp hay vấn đáp, họ chắc đã sử dụng thuật ngữ trong tùng lâm đọc theo kunyomi (huấn độc hay lối đọc theo âm Nhật). Nếu thế thì sự trao đổi về mặt tư tưởng sẽ được thực hiện một cách dễ dàng. Thế nhưng khi chép lại thành ngữ lục bằng Hán văn, sự bất nhất giữa văn nói và văn viết sẽ lộ ra ngay. Nếu đối chiếu việc này vói những gì đã xảy ra lúc Thiền mới thành lập ở Trung Quốc, ta thấy nó rất trái ngược. Vào thời đó, người ta xem việc trở về với cuộc sống thường nhật và sử dụng ngôn ngữ hằng ngày để diễn tả tư tưởng là một sự chuyển hướng quan trọng mà Thiền đã mang lại. 

Dĩ nhiên chúng ta biết rằng "giả danh pháp ngữ" nghĩa là lời thuyết giáo viết bằng văn tự kana, một loại ký hiệu biểu âm vay mượn Trung Quốc, đã xuất hiện từ rất sớm nhưng nó chỉ có mục đích giúp đỡ người không đọc dược chữ Hán hay giới phụ nữ chứ khó lòng kết luận các tăng sĩ đã có chủ tâm sử dụng phương tiện ấy một cách tích cực. Nói tóm lại, tư tưởng của thiền tăng Nhật Bản vào thời ấy chịu ảnh hưởng rất nặng nề của Thiền nhà Tống, trước sau nó chỉ rập khuôn chứ không có gì khác. 

"Giả danh pháp ngữ" 
hay những tập thuyết giáo viết bằng quốc ngữ kana 

Thiền tăng ngày xưa khi muốn trước tác để trình bày điều gì với bên ngoài thường sử dụng Hán văn. Tuy văn tự kana chỉ được thông dụng từ thời cận đại về sau mà thôi nhưng khi các vị ấy muốn truyền đạt cho người thường dân thì họ bắt buộc sử dụng văn tự kana. Những pháp ngữ bằng kana (giả danh pháp ngữ) viết ra dưới thời Kamakura và Muromachi còn được truyền lại là: 

-Về tông Rinzai (Lâm Tế):Thánh Nhất Quốc Sư Pháp Ngữ của Tôfuku Enni,Pháp Đăng Quốc Sư Pháp Ngữ của Shinchi Kakushin, Đại Ứng Pháp Sư Giả Danh Pháp Ngữ của Nampo Jômin, Daitô Kokushi Kana Hôgo (Đại Đăng Quốc Sư Giả Danh Pháp Ngữ) của Shuuhô Myôchô, Koboku-shuu (Khô Mộc Tập, 1283) của Chigotsu Daie, Muuchuu Mondô-shuu (Mộng Trung Vấn Đáp Tập, 1344) của Musô Soseki, Wadei Gassui-shuu (Hòa Nê Hợp Thủy Tập, 1386) [20] và Enzan Kana Hôgo (Diêm Sơn Giả Danh Pháp Ngữ) của Bassui Tokushô (Bạt Đội Đắc Thắng, 1327-1387), Gaikotsu (Hài Cốt) và Ikkyuu Kana Hôgo (Nhất Hưu Giả Danh Pháp Ngữ) của Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần, 1394-1481). 

-Về tông Sôtô (Tào Động): Kômyôzô Sammai (Quang Minh Tạng Tam Muội) của Koun Ejô (Cô Vân Hoài Trang, 1198-1280), Tôkoku Kaizan Hôgo (Động Cốc Khai Sơn Pháp Ngữ) của Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn), Chishuso ni atafuru hôgo (Dữ Trí Thủ Tòa Pháp Ngữ, 1336) của Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết), Gazan Ôshô Hôgo (Nga Sơn Hòa Thượng Pháp Ngữ) của Gazan Jôseki (Nga Sơn Thiều Thạc). 

Bản chép tay của các pháp ngữ kể trên đều đã được in ra vào thời Edo, duy Mộng Trung Vấn Đáp Tập và Hòa Nê Hợp Thủy Tập đã xuất bản lúc trứ giả hãy còn sống. 

Về điểm này phái nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) [21] của tăng Dôgen (Đạo Nguyên). Sách này viết bằng tiếng Nhật và với một văn thể độc đáo. Bởi vì tác giả đặt đối tượng độc giả là những người đã xuất gia cho nên trong nội dung đã triển khai một tư duy triết học ở trình độ cao. Qua đó ta tìm thấy bản chất con người, cá tính, giá trị quan, cái độc đáo của tư tưởng tác giả. Đặc biệt, ta thấy trong đó Dôgen đã chỉ trích mạnh mẻ và nghiêm khắc các quan điểm "Thiền Giáo nhất trí", "Thiền Tịnh song tu", "Công án Thiền" cũng như đưa ra nhận định độc sáng của mình về sự giải thích các công án, đặt câu hỏi về bản chất của Thiền và của Phật Giáo. Chỉ tiếc một điều là Sôtô-shuu, tông phái của ông, trên con đường phát triển đã không biết phát huy được những ý tưởng tân kỳ của ông. 

Về Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) 

Đây là tác phẩm cơ sở của Dôgen Kigen (Đạo Nguyên Hy Huyền, 1200-53). Ông đã có nhiều cơ hội giảng pháp và chư đệ tử thu thập lại trong nhiều tập pháp ngữ khác nhau.Nổi tiếng hơn cả có các tập Bendôwa (Biện Đạo Thoại), Genjô Kôan (Hiện Thành Công Án), Ikka Myôju (Nhất Khỏa[22]Minh Châu), Uji (Hữu Thì), Sansuikyô (Sơn Thủy Kinh), Busshô (Phật Tính) vv..., Buổi vãn niên, Dôgen có ý biên tập lại một công trình từ những quyển đó và thêm vào để đạt mục tiêu là được100 quyển nhưng giữa chừng lại qua đời (ông mất lúc mới 54 tuổi) nên ước vọng không thành. Về sau, các đệ tử đã sắp xếp các di cảo của ông dưới nhiều hình thức khác nhau, có cái 60, cái 75, cái 83 hay 84 quyển. Thời Edo, các đồ tôn ở chùa Eiheiji (Vĩnh Bình Tự), nơi ông từng trụ trì, mới biên tập lại 95 quyển và cho in thành bản Honzan (Bản sơn bản, 1816). Tuy nhiên, trải qua mấy trăm năm bị giữ kín, nó hầu như không được ai nghiên cứu, học hỏi nên coi như không để lại ảnh hưởng gì đến giới Phật Giáo cũng như văn hóa Nhật Bản. Sở dĩ Shôbô Genzô được mọi người chú ý là nhờ sự hưng thịnh của Shuugaku (Tông Học)[23]bắt đầu từ đời Edo mà thôi. Đặc biệt là kể từ thời cận đại trở đi, người ta mới bắt đầu khám phá ra tính độc sáng trong tư tưởng của ông. Dôgen còn viết một tác phẩm cùng tên nhưng bằng Hán Văn gọi là Shinji Shôbô Genzô (Chân Tự (= bằng mana hay chữ Hán) Chính Pháp Nhãn Tạng), trong đó ông thu thập những công án trích từ các sách khác. Quyển sách này có thể xem như tài liệu chuẩn bị cho Shôbô Genzô viết bằng tiếng Nhật sau đó. 

Tư tưởng của Dôgen 

Ông dựa vào tư tưởng gọi là honshô myôshuu hay "bản chứng diệu tu", trong đó "diệu tu" được biểu hiện qua việc zazen (tọa thiền), một hành động để người ta tìm ra con người có Phật tâm của mình (bản chứng) . Ông nhấn mạnh đến phương pháp shikantaza (chỉ quản đả tọa) nghĩa là chỉ có việc"ngồi xuống mà thiền thôi", không nương bám vào vật gì, không cần cả sự hổ trợ của các phương pháp như đếm hơi thở (sổ tức) hoặc quán (minh sát bằng trí huệ). Ông lại thuyết về sự cần thiết của hành động "xuất gia". Đứng trên lập trường coi trọng việc ngồi thiền, ông kịch liệt phê phán chủ trương của tăng Lâm Tế Trung Quốc là Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) [24] vốn lấy "kiến tính" (trực nhận chân lý) làm mục đích của sự tu học. Ông ghét hai chữ "kiến tính" đến nỗi Lục Tổ Đàn Kinh vì chứa đựng hai chữ này nên đã bị ông đánh giá là "ngụy thư". Theo ông, thế giới hiện ra trước mặt ta như một chân lý nên cứ thế mà trực tiếp tìm đến với nó. Đó là tư tưởng "hiện thành công án"[25] ông chủ trương. Ngay cả đối với các công án thông thường gọi là "cổ tắc công án", ông cũng đứng trên lập trường này mà đưa ra những giải thích riêng biệt của mình. Lại nữa, Dôgen không thích sự phân chia tông phái. Ông xem kiểu Thiền của mình là trực hệ của Phật Thích Ca (Phật pháp chính truyền) và phủ nhận giáo ngoại biệt truyền. Ông phê phán cả việc phân chia Thiền ra làm 5 nhà (ngũ gia), ông không thích những danh xưng tông này tông nọ, dù là Tào Động Tông hay Thiền Tông. Dĩ nhiên căn bản tư tưởng Thiền của Dôgen nằm trong sự thể nghiệm cá nhân nhưng mặt khác để hình thành lý luận đó, ông đã sử dụng cả tư tưởng Tendai (Thiên Thai, được xem như giáo lý Phật Giáo tiến xa nhất ở Nhật) lẫn thiền công án của Thủy Giác Môn [26] (hệ chủ lưu của Thiền Trung Quốc), hai phương pháp vốn hoàn toàn đối nghịch, cũng như tư tưởng mặc chiếu thiền...như những nhân tố. Nhìn vào đó, ta thấy rằng tuy trong hệ tư tưởng Thiền nhà Tống và trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản, hãy còn có nhiều vấn đề cần bàn cãi, nhưng phải nhìn nhận Dôgen đã tìm ra một quan điểm độc đáo khi biết vượt lên trên những mâu thuẫn phía dưới [27]. Dĩ nhiên, với con mắt của người ngày nay, ta khó lòng khẳng định là lập luận của ông không có vấn đề nhưng khi đọc tác phẩm của Dôgen, ta đánh giá được ông là một nhà tư tưởng nghiêm túc, tinh tế mà cách suy nghĩ hiện thực ấy 700 năm sau vẫn còn hết sức gần gũi với chúng ta. 

Hệ phổ Thiền Nhật Bản (1) 

a- Chi lưu Myôan Eisai (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1 Myôan Eisai [28] (Minh Am Vinh Tây) -> 2 Eichô (Vinh Triều) -> 3 Zôsô Ryôyo (Tàng Tẩu Lãng Dự) -> 4 Jakuan Jôshô (Tịch Am Thượng Chiêu) -> 5 Ryuuzan Tokken (Long Sơn Đức Kiến) -> 6 Tenshô Ichirin (Thiên Tường Nhất Lân) -> 7 Kôsai Ryuuha (Giang Tây Lưu Phái). Đồng 2 Taikô Gyôyuu (Thái Canh Hành Dũng), 2 Myôzen (Minh Toàn). 

b- Chi lưu Shinchi Kakushin (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1 Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm) -> 2 Kyôô Unryô (Cung Ông Vận Lương) -> 3 Zetsugan Unki (Tuyệt Nham Vân Kỳ). Đồng 2 Kôzan Jishô (Cao Sơn Từ Chiếu). Đồng 2 Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác Minh) -> 3 Bassui Tokushô (Bạt Đội Đắc Thắng) -> 4 Shun.ô Reizan (Tuấn Ông Lệnh Sơn) , đồng 4 Kessô Jigen (Kiệt Tẩu Tự Huyền) -> 5 Zettsugaku So.nô (Tuyệt Học Tổ Năng). Đồng 3 Jiun Myôi (Từ Vân Diệu Ý). Đồng 3 Koken Chinô (Cổ Kiếm Trí Nạp) -> 4 Taigan Nôshuu (Đài Nham Năng Tú). 

c- Chi lưu Dainichi Nô.nin (tăng Nhật Bản tự tu tự học trong nước): 

1 Dainichi Nô.nin (Đại Nhật Năng Nhẫn) -> 2 Tôzan Kakuan (Đông Sơn Giác Án) -> 3 Ekan (Hoài Giám). 

d- Chi lưu Lan Khê Đạo Long (tăng từ Trung Quốc sang Nhật): 

1- Lan Khê Đạo Long (Rankei Dôryuu) -> 2 Dôgen Dôhon (Đồng Nguyên Đạo Bản) -> 3 Ryôdô Soan (Liễu Đường Tố An) -> 4 Daigyô Tôkki (Đại Nghiệp Đức Cơ) ...........Ishin Shuuden (Dĩ Tâm Tông Truyền). Đồng 2 Yakuô Tôken (Ước Ông Đức Kiệm) -> 3 Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang) ->Yaten Eishaku (Di Thiên Vĩnh Thích). Đồng 2 Bikô Dônen (Vi Hàng Đạo Nhiên). Đồng 2 Tôkei Tokugo (Đào Khê Đức Ngộ). 

e- Chi lưu Nanpo Jômin (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1- Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh) -> 2 Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu)-> 3 Tettô Gikyô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 3 Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 2 Butsugai Kajuu (Vật Ngoại Khả Thập), đồng 2 Kaô Sônen (Kha Ông Tông Nhiên). 

f- Chi lưu của Nhất Sơn Nhất Ninh (tăng từ Trung Quốc sang Nhật): 

1- Nhất Sơn Nhất Ninh (Issan Ichinei) -> 2 Sesson Yuubai (Tuyết Thôn Hữu Mai) -> Taisei Sôi (Thái Thanh Tông Vị, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 2 Kankei Ryôsô (Quan Khê Lương Thông) -> 3 Tenjuu Ryuusai (Thiên Trụ Long Tế) ->4 Ten.in Ryuutaku (Thiên Ẩn Long Trạch). 

g- Chi lưu Tôfuku Enni (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1 Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ) -> 2 Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam (Trạm) Nhiên) -> 3 Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện). Đồng 2 Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn)..........--> Keian Genjuu (Quế Am Huyền Thụ). Đồng 2 Nanzan Shiun (Nam Sơn Sĩ Vân) -> 3 Kempô Shitan (Càn Phong Sĩ Đàm). Đồng 2 Zôzan Junkuu (Tàng Sơn Thuận Không) -> 3 Daidô Ichii (Đại Đạo Nhất Dĩ). Đồng 2 Mui Shôgen (Vô Vi Chiêu Nguyên). Đồng 2 Hakuun Egyô (Bạch Vân Huệ Hiểu) -> 3 Kyoshitsu Kihaku (Hư Thất Hy Bạch)......-> Kiyô Hôshuu ( Chi Dương Phương Tú) -> Zôsen Kaigen (Tượng Tiên Hội Nguyên) -> Seigan Shôtetsu (Thanh Nham Chính Triệt). Đồng 3 Chikuzan Shigen (Trúc Sơn Chí Nguyên). Đồng 2 Chigotsu Daie (Si Ngột Đại Huệ). Đồng 2 Mujuu Dôgyô (Vô Trú Đạo Hiểu). 

h- Chi lưu Vô Học Tổ Nguyên (tăng từ Trung Quốc sang Nhật): 

1 Vô Học Tổ Nguyên (Mugaku Sôgen) -> 2 Kôhô Kennichi (Cao Phong Hiển Nhật) -> 3 Muusô Soseki (Mông Song Sơ Thạch, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 3 Tengan Ekô (Thiên Ngạn Huệ Quảng). Đồng 3 Taihei Myôjun (Thái Bình Diệu Chuẩn) -> 4 Daiki Hôkin (Đại Hỷ Pháp Hân) -> 5 Isen Hôei (Vĩ Tiên Phương Duệ) . Đồng 2 Ittô Ingô (Nhất Ông Viện Hào). Đồng 2 Kian Soen (Quy Am Tổ Viên). 

i- Chi lưu Enkei Soô (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1 Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng) -> 2 Ryôan Gengo (Liễu Am Huyền Ngộ) ............-> Genseki Shakkei (Huyền Thất Thích Khuê) -> Ikke Sekiyuu (Nhất Hoa Thạc Do, xem tiếp hệ phổ 2). 

j- Chi lưu Eihei Dôgen (tăng Nhật Bản du học Trung Quốc): 

1 Eihei Dôgen (Vĩnh Bình Đạo Nguyên) -> 2 Koun Ejô (Cô Vân Hoài Trang) -> 3 Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn) -> 4 Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 4 Gazan Jôseki (Nga Sơn Thiều Thạc, xem tiếp hệ phổ 2). Đồng 3 Gien (Nghĩa Diễn). Đồng 3 Hôkei Jakuen (Bảo Khánh Tịch Viên) -> 4 Gi.un (Nghĩa Vân) ......-> Kenshi (Kiến Ty). Đồng 3 Kangan Giin (Hàn Nham Nghĩa Doãn) -> Ninsô Jôki (Nhân Tẩu Tịnh Hi) -> Nôô Gen.e (Năng Ông Huyền Huệ).........-> Ban.an Eishuu (Vạn An Anh Chủng) -> Raizen Shunnyuu (Lại Thiền Thuấn Dung) -> Ryuuban Shôun (Long Bàn Tùng Vân) -> Baihô Jikushin (Mai Phong Trúc Tín). Đồng 4 Tetsuzan Shian (Thiết Sơn Sĩ An). Đồng 2 Ryônen Hômyô (Liễu Nhiên Pháp Minh). Đồng 2 Sen.e (Thuyên Huệ) -> 3 Keigô (Kinh Hào) 

Địa lý Thiền Nhật Bản (1) 

Chủ yếu thời này các chùa Thiền tập trung trên đảo Honshuu, vùng Kamakura, nơi có mạc phủ, vùng Echizen Echigo, ven biển Nhật Bản và nhìn về phía đại lục, cũng như khu vực Kyôto-Nara, chung quanh những kinh đô mới và cũ. Phía bắc đảo Kyuushuu (hướng đại lục) cũng có một số chùa. 

Miền đông đảo Honshuu: 

Vân Nham Tự (Hiển Nhật trụ trì). Vùng Echizen Echigo: Tổng Trì Tự, Vĩnh Quang Tự, Đại Thừa Tự, Vĩnh Bình Tự (Đạo Nguyên), Ba Trước Tự, Trường Lạc Tự (Vinh Triều) Vĩnh Nguyên Tự (Nguyên Quang). Vùng Kamakura: Thọ Phúc Tự, Kiến Trường Tự, Viên Giác Tự, Vạn Thọ Tự. 

Miền tây đảo Honshuu: 

Vùng Kyôto: Tỷ Duệ Sơn (Tối Trừng, Giác A trụ trì), Cao Nguyên Tự (Tổ Hùng), Tam Bảo Tự (Năng Nhẫn), Đàn Lâm Tự (Nghĩa Không), Kiến Nhân Tự, Tông Phúc Tự, Tuyền Dũng Tự, Đại Đức Tự, Nam Thiền Tự, Tam Thánh Tự (Đam Nhiên), Hưng Thánh Tự (Đạo Nguyên), Vĩnh Hưng Tự (Thuyên Huệ, Kinh Hào), Vĩnh Nguyên Tự (Quang Nguyên). Vùng Nara: Bình Thành Kinh Đại An Tự (Đạo Tuyền), Phi Điểu Pháp Hưng Tự (Đạo Chiêu), Đa Vũ Phong, Cát Dã Tỉ Tô Sơn Tự (Đạo Tuyền), Cao Dã Sơn Kim Cương Tam Muội Viện (Hành Dũng), Hưng Quốc Tự (Giác Tâm), An Dưỡng Tự (Đại Huệ). 

Miền nam ( đảo Kyuushuu): 

Tỉnh Fukuoka: Thừa Thiên Tự (Viên Nhĩ trụ trì), Thánh Phúc Tự (Vinh Tây), Sùng Phúc Tự (Thiệu Minh). Đại Từ Tự (Nghĩa Doãn) 



[1] - Unkei (Vận Khánh) là nhà điêu khắc sống đầu đời Kamakura (1185-1333) với nét búa đẽo mạnh mẽ và tả thực. Ông còn để lại nhiều tác phẩm như các tượng Phật ở chùa Kôfukuji và tượng thần hộ pháp ở đông đại môn chùa Tôdaiji. 

[2] - Keiha (Khánh phái): trường phái điêu khắc có từ cuối đời Heian, hoạt động đến tận đời Edo. Họ chuyên môn tạc tượng Phật. Cuối đời Heian sang đầu đời Kamakura, những người trong bọn có tên tuổi đều đặt hiệu với chữ Kei (Khánh) như Kôkei (Khang Khánh, Unkei (Vận Khánh), Kaikei (Khoái Khánh) vv... 

[3] - Kujô Michiie (Cửu Điều ĐạoGia, 1193-1252), quí tộc họ Fujiwara và đại thần đầu triều (kiêm nhiệm Nhiếp Chính & Quan Bạch & Thái Chính Đại Thần) đầu đời Kamakura. Người bảo trợ cho Enni. 

[4] - Hôjô Tokiyori (Bắc Điều Thì Lại, 1227-1268) chức chấp quyền (shikken) của mạc phủ Kamakura, phụ chính cho Shôgun. Mẹ ông cũng là người xuất gia, đạo hiệu là thiền ni Matsushita.Vào thời ông, quyền hành độc đoán của dòng họ Hôjô đã được vững mạnh. Sau xuống tóc, lấy hiệu là Đạo Sùng, thường đi khắp nước quan sát dân tình. 

[5] - Shakuhachi vốn là một nhạc khí có từ đời Đường mà các tăng sĩ có tên là komusô (hư vô tăng) thuộc phái Thiền Phổ Hóa Tông (Fukeshuu) do tăng Phổ Hóa bên Trung Quốc sáng lập, thường hay thổi khi họ trên đường du hành từ vùng này sang vùng khác. Tương truyền phái ấy bắt đầu có ở chùa Tôfukuji (Nhật Bản) với Kakushin từ năm 1254. 

[6] - Bản giác (hongaku) là trí huệ giác ngộ thanh tịnh vốn có sẵn nơi chúng sinh, nếu tu hành thì bản giác ấy sẽ hiện ra (hiện tượng gọi là thủy giác). Đối nghịch với bất giác.Nguyên là điều chép trong Đại Thừa Khởi Tín Luận. Tư tưởng bản giác là một trào lưu tư tưởng của phái Thiên Thai thời trung cổ Nhật Bản, chủ trương bản giác có thể hiện ra ngay trong cuộc đời này (hiện thế bản giác khẳng định thuyết). 

[7] - Hoa Nghiêm là một tông phái Phật giáo Đại Thừa đã được Thẩm Tường truyền từ Trung Quốc qua Nhật năm 740. Đại sư người Nhật đầu tiên của Hoa Nghiêm là Ryôben (Lương Biện, 689-722).(TĐPH, Đạo Uyển) 

[8] - Hôjô Tokimune (Bắc Điều Thì Tông) là con trai Tokiyori, thường được gọi là Sagami Tarô. Năm 1274, 23 tuổi, đã lãnh đạo đẩy lui giặc Nguyên Mông trên bờ biển Hakata (Kyuushuu). Năm 1281, lại đắp lũy ở Bắc Kyuushu, phòng chống được Nguyên Mông lần thứ hai. Đã dựng Enkakuji (Viên Giác Tự) và mời thiền sư Vô Học Tổ Nguyên từ Tống sang khai sơn. Chết năm mới 33 tuổi. 

[9] - Gokenin (ngự gia nhân) đời Kamakura và Muromachi có nghĩa là tầng lớp samurai đời đời thân cận với gia đình Shôgun. 

[10] - Tokuseirei (đức chính lệnh): Lệnh trả lại mà không cần bồi thường cho địa chủ (trong trường hợp này là gokenin) số đất đai đã cầm cố cho mạc phủ với mục đích cứu họ ra khỏi cảnh túng bấn. 

[11] - Jimyôin và Daikakuji đều là tên những ngôi chùa trong thành phố Kyôto. Hoàng tộc thường có người ra đấy tu, nhất là sau khi họ lìa khỏi chính trường. Dòng Jimyôin gọi là dòng Bắc Triều, dòng Daikakuji là dòng Nam Triều (gồm cả các Thiên Hoàng hiện đại). 

[12] - Nam mộc có nghĩa là "gỗ lim". Tên đúng như người, đối với dân Nhật, Kusunoki là biểu tượng của người samurai trung quân ái quốc mọi thời. 

[13] - Mật Am Hàm Kiệt, Phá Am Tổ Tiên và Tùng Nguyên Sùng Nhạc đều là môn đồ tông Lâm Tế phái Hổ Khâu của Hổ Khâu Thiệu Long. Riêng Daibutsu Nônin và Chuugan Engetsu học với phái Đại Huệ của Đại Huệ Tông Cảo nhưng cũng thuộc tông Lâm Tế. 

[14] - Người khai sáng và shôgun đầu tiên của Mạc phủ Muromachi (1338-1568). Họ này vốn là một chi của dòng họ Minamoto. Sau loạn năm Genkô (1331), Takauji theo phò hoàng thất, lập chính quyền mới thời Kenmu (Kiến Vũ,1334-38) dưới trướng Thiên hoàng Kômyô (Quang Minh, thứ 2 của Bắc Triều). Được phong Chinh Di Đại Tướng Quân năm 1338. 

[15] - Tên người Trung Quốc, Triều Tiên gọi cướp biển ở vùng duyên hải của họ hay nhắm những tàu thuyền mậu dịch. Nụy ám chỉ người Nhật tuy thực ra nguồn gốc đa dạng hơn ta tưởng. 

[16] - Nomori no Kagami nghĩa là "cái kính của người đi săn" theo tích Thiên hoàng Yuryaku thời cổ (hậu bán thế kỷ thứ 5) lúc đi săn, theo dấu con chim ưng trốn thoát đã tìm ra nó nhờ thấy bóng nó in trên gương nước hồ. YÙ nói "thấy được cái đáng lý khó lòng nhận ra". 

[17] - Có nơi chép là "Thả hỉ" thay vì "Hỉ đắc". 

[18] - Chùa đại bản sơn của phái Myôshinji (Diệu Tâm Tự) thuộc tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) ở Kyôto, xây năm 1337, trước đó cũng là một ly cung của Thái thượng hoàng Hanazono. 

[19] - Tên chính thức của Eikandô (Vĩnh Quán Đường), chùa tổng bản sơn phái Tào Động Nhật Bản ở Kyôto, xây năm 855. 

[20] - Còn có thể gọi là "hợp thủy hòa nê" (nhào trộn bùn với nước) nghĩa là phương pháp sử dụng lời lẽ để làm rõ thiền lý. 

[21] - Tên sách có nghĩa là "con mắt thấu suốt chân lý bao hàm trong mọi hiện tượng". Nhãn = con mắt, tạng (tàng) : bao trùm cất giữ , chinh pháp = "chân lý" 

[22] - Khỏa có nghĩa là hạt. Nhất khỏa minh châu = một hạt minh châu. 

[23] - Môn học chuyên nghiên cứu giáo lý của các tông môn danh tiếng. 

[24] - Đại Huệ Tông Cảo nhận pháp tự của Viên Ngộ Khắc Cần, tác giả Bích Nham Lục. Ông là một nhà tư tưởng lớn của tông Lâm Tế, có công phổ biến thiền công án. Ông phê phán mặc chiếu thiền của Hoằng Trí Chính Giác và bị Dôgen phê phán ngược lại. 

[25] - Hiện thành là cái bày ra trước mắt, chỉ có mình thấy được nó là gì, không cần đi tìm ở đâu xa. 

[26] - Phái chủ trương cho rằng người ta tự lúc đầu đã có sẳn khả năng giác ngộ rồi. 

[27] - Giáo sư Ibuki dùng chữ shiyô (chỉ dương. Chỉ = ngừng, dương = đưa lên, một từ Nhật tương đương với khái niệm gọi là Aufheben trong triết học Hegel. Đại ý nói trong biện chứng pháp, khi vượt những mâu thuẫn cấp dưới để tiến lên trên thì những gì thực hiện ở bên trên đã bao gồm cả những mâu thuẫn ở phía dưới rồi. 

[28] - Gạch dưới là những nhân vật được biết đến nhiều. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]