Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Mẹ Ðất Ðang Bị Tàn Hoại

25/01/201111:21(Xem: 5018)
II. Mẹ Ðất Ðang Bị Tàn Hoại

Xin Cứu Độ Mẹ Đất
Thích Trí Siêu

Mẹ Đất Đang Bị Tàn Hoại

1/ Màng ozone bị thủng lỗ

Từ đầu kỷ nguyên kỹ nghệ tới nay, con người đã chế tạo ra khoảng sáu triệu hợp tố hoá học, trong số đó có bảy chục ngàn chất được dùng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Cứ mỗi năm trên thị trường tiêu thụ lại xuất hiện khoảng hơn 1.000 chất hóa học mới. Tất cả những chất nầy đều là những chất ngoại lai vì không phải từ Mẹ Đất thiên nhiên mà ra. Trong số những chất ngoại lai nầy có nhiều chất rất độc, thí dụ như những chất sát trùng, sát cỏ DDT, CFC (chlorafluorocarbones). Khi được xịt vào cây cỏ, một số thấm xưống đất, một số bốc hơi lên vùng khí quyển. Hậu quả của nó ra sao, người ta chưa xác định được, nhưng có một điều chắc chắn: những chất nầy là nguyên nhân tạo ra những căn bịnh ung thư và quái thai. Những chất hóa học như CFC và các chất khí gaz khi bốc lên không trung, có tác dụng phá mỏng màng ozone của khí quyển. Vào khoảng các năm 80, các vệ tinh Hoa Kỳ đã phát giác ra một lỗ hổng của màng ozone trên vùng khí quyển Nam Cực. Màng ozone là một lớp khí bao bọc chung quanh và cách xa mặt đất khoảng từ 15 đến 35 cây số, nơi mà ánh sáng mặt trời, khi chiếu đến trái đất, đụng phải các phân tử ốc-xy (oxygène) 02, tạo ra phản ứng hoá học và biến các phân tử oxygène nầy thành ozone (03).

Màng ozone nầy rất quan trọng vì nó lọc và cản lại những quang tuyến ngắn UV-B (ultraviolet). Những quang tuyến nầy nếu lọt qua khỏi vùng ozone thì có thể gây ra các bịnh ung thư da, hại màng mắt và cơ kháng của con người. Tác dụng của nó cũng ảnh hưởng tai hại đến cây cỏ, canh nông và các loài thủy tộc. Trong khi đó thì các xưởng máy kỹ nghệ trên thế giới, nhất là ở Âu Mỹ vẫn tiếp tục nhả những khí hoá học phế thải làm ô nhiễm không khí và phá mỏng màng ozone.

2/ Bầu khí quyển tăng nhiệt

So sánh với hai hành tinh lân cận như Kim Tinh (vénus) và Hỏa Tinh (mars) thì trái đất thật là lý tưởng và đặc biệt. Không nóng quá như ở Kim Tinh (450 độ C) cũng không lạnh quá như ở Hỏa Tinh (trừ 53 độ C). Nhiệt độ trung bình trên mặt đất khoảng 15 độ C vừa đủ hợp cho sinh vật. Đó cũng là nhờ số lượng các khí phân chia đúng mức : 21% oxygène (dư"ng khí), 78% azote (đạm khí) và 0,03% gaz carbonique (thán khí). Nếu chẳng may số dưỡng khí giảm xuống còn 16% thì các loài động vật sẽ bị hụt hơi, ngợp thở, hoặc ngược lại nếu nó tăng lên khoảng 25% thì một tiếng sấm nổ cũng đủ làm bốc cháy các khu rừng vùng nhiệt đới. Nhiệt độ trái đất được giữ ôn hòa đó là nhờ số lượng rất ít của khí carbonique. Chất khí nầy có công năng hấp thụ sức nóng của mặt trời và giữ lại sức nóng của trái đất không cho tản mát vào không gian. Ở Kim Tinh số lượng khí carbonique là 96%, cùng lúc lại gần mặt trời hơn nên nhiệt độ của nó rất nóng. Như chúng ta đã thấy, nếu tỷ lệ các chất khí trên được giữ quân bình thì sự sống trên trái đất sẽ êm ả tiếp tục không có gì đáng nói. Nhưng khổ nỗi hiện nay các số lượng trên đang bị đảo lộn, không phải do ông trời mà do chính con người làm đảo lộn với sự khai thác và đốt cháy quá nhiều nhiên liệu và rừng núi.

Số lượng khí carbonique trên trái đất hiện nay đã tăng thêm 25% kể từ giữa thế kỷ thứ 20 và nếu cứ theo đà kỹ nghệ văn minh tiêu thụ nầy thì đến năm 2.050, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 1,5 đến 4,5 độ C.

Việc trái đất có nóng hơn 1 hay 2 độ C đối với chúng ta hình như không có gì đáng lo vì chúng ta đâu có ý thức được ảnh hưởng tai hại của nó trên toàn bộ sinh môi. Nếu bầu khí quyển tăng nhiệt thì sẽ ảnh hưởng tới mực nước biển. Các tảng băng tuyết ở hai vùng Nam Cực và Bắc Cực sẽ chảy dần và như thế mực nước biển sẽ dâng cao lên khoảng từ 7 đến 165 phân tây (cm). Nước dâng cao thì sẽ gây lụt lội, bão tố, thiệt hại mùa màng, nhất là ở các vùng duyên hải hoặc các vùng thấp gần mực sông như sông Gange (Hằng), sông Nil và các bán đảo Maldives, v.v... Ngay cả các thành phố lớn như Luân Đôn, Nữu Ước, Vọng Các (BangKok) cũng khó tránh khỏi thiên tai. Trong khi ở các vùng duyên hải bị bão lụt thì ở vùng nhiệt đới đã nóng lại nóng thêm và từ đó gây ra hạn hán, cây cỏ chết khô.

Bão lụt, thiên tai, hạn hán mùa màng cây cỏ thiệt hại, lúc đó dù có nhiều tiền đi nữa cũng không tìm đâu ra thức ăn để mà mua.

3/ Rừng cây bị đốn phá

Rừng cây bị đốn phá thì liên quan gì đến chúng ta ?

Phi châu đã mất gần phân nửa số rừng xanh đã có trước đây, Mỹ châu đã mất một phần ba. Hiện tại Á châu cũng đang bắt chước các nước văn minh Âu Tây mà đốn phá rừng núi.

Ai cũng biết con người phải hít thở thì mới sống được. Hít dưỡng khí (oxygène) và thở ra thán khí (gaz carbonique). Trong khi đó thì cây cỏ cũng hít thở để sống, nhưng lạ lùng và may mắn thay chúng không dành lấy dưỡng khí của chúng ta mà ngược lại chúng hít thán khí và thở ra dưỡng khí. Cây cỏ hít thở cùng với chúng ta và cho chúng ta, và như vậy tât cả những rừng cây trên trái đất chẳng khác gì những lá phổi thiên nhiên hay là những máy điều hòa không khí khổng lồ.

Có người bảo nếu không chặt cây đốn rừng thì lấy đâu ra củi để sưởi, lấy gỗ làm nhà. Không ai cấm chúng ta chặt cây đốn rừng cả, vấn đề được nêu ra ở đây là rừng cây (sản phẩm của mấy ngàn năm) đang bị đốn phá với tốc độ quá mức tưởng tượng. Xưa kia khi cần củi để đốt hay gỗ làm nhà thì người tiều phu vác búa vác rìu vào rừng chặt cây đốn củi, nhưng không vì thế mà rừng cây bị tiêu diệt. Ngày nay với máy móc tối tân, chỉ trong chốc lát người ta có thể đốn hàng ngàn cây rừng. Đốn thì cứ đốn, nhưng phải để cho cây cối có thì giờ mọc lại chứ ? Không ! Đàng này con người ỷ vào máy móc mặc tình ra tay đốn cây không biết ngừng. Công trình xây dựng ngàn đời, chỉ một phút chốc tan hoang.

Nếu trong vườn ta có nuôi 10 con gà và mỗi ngày ta quyết ăn một con thì chỉ sau 10 ngày là ta sẽ không còn con nào để mà ăn nữa. "Ăn tham thì chóng hết, ăn chậm thì dài lâu". Nếu ta khôn khéo, biết để cho gà có thì giờ sinh con đẻ trứng, gà con lớn thành gà mẹ thì chắc chắn sau 10 ngày ta vẫn còn gà để ăn. Đối với rừng cây cũng vậy, nếu chúng ta ra tay đốn quá mức, rừng cây sẽ không có thì giờ mọc trở lại và như vậy là chúng ta đã vô tình tàn phá những lá phổi thiên nhiên, những máy điều hòa không khí. Phổi hư, máy hỏng thì con người có còn tiếp tục sống được không ?

Ngoài việc điều hòa không khí, rừng cây còn là một môi sinh quan trọng và tối ư cần thiết cho tất cả mọi loài sinh vật. Rừng cây vừa là nơi trú ẩn vừa là kho thức ăn của thú rừng, của chim chóc. Khi mưa xuống, rừng cây hút nước và giữ đất không để cho nước cuốn trôi đi, tất cả những sinh tố của cây cỏ trở lại hòa lẫn với đất làm giàu khoáng chất. Với đà tiêu thụ rừng cây hiện nay, mặt đất trở nên sơ xác vì bao nhiêu khoáng chất, sinh tố đều bị mưa gió cuốn đi hết. Không còn cây che nắng mùa hè, không còn cây để giữ nước mùa mưa, hậu quả của nó chính là những trận lụt lội và hạn hán thường xuyên xảy ra trên thế giới. Đó là chưa kể có nhiều nơi như ở Nam Mỹ châu vùng Amazonie, họ không đốn rừng lấy gỗ mà lại đốt rừng cho cháy mau hơn để lấy đất trồng cỏ nuôi bò xuất cảng. Sự kiện này lại ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ của khí quyển vì khi bị đốt cháy thì rừng cây tiết ra không biết bao nhiêu mà kể những chất khí carbonique. Chất khí này là một trong những chất làm tăng nhiệt khí quyển. Qua sự đốt rừng, người ta ước chừng mỗi năm riêng ở xứ Brésil (Ba Tây) đã tống lên bầu khí quyển khoảng 400 triệu tấn khí carbonique.

Tham gia vào việc tiêu diệt rừng cây không phải chỉ có sự đốt rừng hay đốn rừng mà còn có một yếu tố khác nữa, đó là những trận mưa á-xít (pluie acide). Những trận mưa này rơi xuống rừng làm cho cây cối tàn úa, mất lá, những rễ cây teo lại, nhỏ dần và tan rã. Sự kiện này đã được ghi nhận xảy ra ở các nước vùng Tây Âu (Anh, Đức, Thụy Điển ... ) và ở vùng Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ, Gia Nã Đại). Nguyên nhân của nó không gì xa lạ, chính là sự gia tăng tiêu thụ xe hơi và máy bay, sự sản xuất hàng ngàn chất liệu hóa học mỗi năm, sự kỹ nghệ hóa canh nông, sự khai thác quá mức các mỏ nhiên liệu, tất cả đã họp nhau lại mà phá hoại thiên nhiên.

Trên đây chỉ là khái lược sơ về ảnh hưởng của sự tiêu diệt rừng cây. Chúng ta không cần phải đi sâu vào chi tiết làm gì, chỉ cần nhớ rằng rừng cây là nguồn sống. Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta thì rừng cây chính là người vú em đã nuôi ta lớn. Rừng cây điều hòa không khí cho chúng ta thở, lọc nước cho chúng ta uống, tạo đất cho chúng ta trồng trọt. Tiêu diệt rừng cây tức là tiêu diệt nguồn sống.

Riêng ở Việt Nam hiện nay rừng cây cũng đang bị đốn phá trầm trọng. Hồi tháng 2 năm 1992 đương kim Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã ký bán và cho phép hãng thầu Đài Loan Franck International Investment Corp. san bằng 350 mẫu rừng trong số 535 mẫu ở Thủ Đức để làm một bãi chơi Golf có tầm vóc quốc tế với đầy đủ thú tiêu khiển và du lịch. Trong khi đó thì mức độ nhiễm ô bầu khí quyển trung tâm và ngoại ô Sàigòn đã tăng gần đến mức của tỉnh Bangkok. Theo các nhà sinh môi Việt Nam thì 535 mẫu rừng ở Thủ Đức là một trong những lá phổi nhỏ còn sót lại của tỉnh Sàigòn, và như thế sự san bằng các mẫu rừng trên sẽ ảnh hưởng tai hại không nhỏ đến sự thăng bằng sinh môi của tỉnh. Hơn nữa, ai là người sẽ giao du các sân golf và những trò tiêu khiển Âu Mỹ nếu không là du khách ngoại quốc và những cán bộ cao cấp ?

Ở Đà Lạt, hồi tháng 9 năm 92 cũng một hãng thầu Đài Loan đã mua và đang xây một sân golf ngay bên cạnh hồ Xuân Hương, một thắng cảnh của đất nước.

Theo thống kê của những chuyên gia thì từ năm 1976, chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã tiêu diệt khoảng 200.000 mẫu rừng hàng năm để khai thác hoặc xuất cảng gỗ. Năm 1943 ở Việt Nam có khoảng 14 triệu mẫu rừng, năm 1975 còn 9,5 triệu và đến năm 1991 chỉ còn 6,4 triệu. Cứ theo đà này thì trong 10 hay 15 năm nữa rừng cây Việt Nam sẽ chẳng còn là bao.

Hậu quả tức thời của sự đốn phá trên là các dân thiểu số sơn cư miền Bắc và miền Trung như người Thái, Nùng, Mường, Chàm sống rất khổ sở thiếu ăn từ 3 đến 9 tháng một năm. Bệnh bướu cổ và bệnh dịch hoành hành, không có nhà thương, bác sĩ, trường học. (Trích Le Monde Diplomatique, tr. 24).

4) Đất mầu thành đất muối

Cuối thập niên 60, hai kỹ sư của Bộ Thủy Lợi Nga Sô đã lập một dự án khổng lồ : đảo ngược dòng hai con sông lớn vùng Trung Á, sông Amou-Daria và sông Syr-Daria, để dẫn nước về vùng đồng bằng khô cằn của hai tỉnh Ouzbekistan và Turmenistan. Mục đích của dự án này là muốn biến 10 triệu mẫu đất, trước đây là đồng cỏ dại, thành những cánh đồng trồng trọt.

Một năm sau, kết quả của dự án dẫn thủy nhập điền trên là hai phần ba vùng đất được tưới nước đã biến thành những cánh đồng muối không thể trồng trọt gì được. Lý do là sự dẫn nước vĩ đại đã làm trồi lên mặt đất những chất muối trước kia nằm dưới lòng đất. Số đất "sống sót" còn lại được khai thác triệt để quá mức đến nỗi nếu không dùng phân bón hóa học thì không thể gặt hái gì được và cùng lúc để bảo vệ số mùa màng hiếm hoi, người ta đã phải xịt hàng ngàn tấn thuốc sát trùng khiến nước uống ở các vùng nầy đều bị nhiễm độc. Tình trạng sức khỏe của dân chúng địa phương cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Một trẻ em trên mười chết lúc còn bé và các trường hợp ung thư cổ họng, duyến giáp trạng (thyroide) cùng các bệnh đau bao tử, cuống phổi đang đà gia tăng.

Vì thiếu nhận thức hoặc bất chấp ảnh hưởng sinh môi, các nhà công doanh Sô Viết đã tàn hoại đất đai và phá sản dân cư ở vùng Trung Nga Á. Khốn khổ thay, trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia cũng đang tái diễn lại cái gương phá sản này.

Làm canh nông, việc dẫn nước về tưới ruộng là đương nhiên, nhưng sau đó phải biết cho đất "nghỉ ngơi" một thời gian để nước mưa có đủ thì giờ cuốn trôi đi số lượng muối trên đất. Ngày nay với tâm lý tiêu thụ, con người muốn gặt hái cho nhiều, cho mau nên dẫn nước cho cố để rồi sau một thời gian ngắn, ruộng đất mầu mỡ trở thành đất chết. Ở Trung Hoa từ năm 1971 đến năm 1985 đã có hơn 900.000 mẫu đất trở thành đất chết vì lý do trên. Dù máy móc, kỹ thuật có tối tân cách mấy đi nữa, nếu không biết để cho đất nghỉ ngơi thì khó tránh khỏi đất mầu thành đất muối.

5) Sông biển thành cống rãnh

Trung bình mỗi năm có hơn 400.000 kílô mét khối nước bốc hơi từ biển lên không trung, sau đó biến thành mưa hoặc tuyết rơi trở xuống, 10% số nước này thấm xuống lòng đất, 90% còn lại chảy về biển cả dưới nhiều hình thức : sông ngòi, lạch, thác, suối v.v... Nhà triết gia cổ Hy Lạp Héraclite có nói : "Một người không thể tắm hai lần trong một giòng sông". Đại ý câu này nói lên tính chất hằng chuyển, vô thường của các giòng nước. Nhờ tính chất hằng chuyển này mà các sông ngòi không bị ứ đọng, sình thối, các chất phế thải ô uế của con người vứt xuống sông đều được cuốn trôi đi và nhờ đó các loại thủy tộc, cá, tôm v.v... mới sinh sống được. Không những cá, tôm sống nhờ nước mà nay cả con người cũng phải nhờ nước mới sống được. Người ta có thể nhịn ăn một tháng nhưng không thể nhịn uống quá một tuần. Trong cơ thể con người có hơn 70 % là nước. Do đó nước là nguồn sống, không có nước là chết. Nước chẳng khác gì sữa của Mẹ Đất. Từ thuở xa xưa con người đã biết tụ họp nhau thành các bộ lạc sống dọc theo hai bờ sông và ngay cả hiện tại các thành phố lớn cũng được dựng trên hai bờ sông : Paris, London, Roma, New York, Bangkok ...

Ngoài việc lấy nước để uống, giặt dũ, tắm rửa, v.v... con người cũng biết tống lại cho giòng nước những chất phế thải ô uế của mình. Khi còn sống thô sơ, giản dị, tiêu thụ ít thì sự phế thải cũng ít, nhờ đó sông có thì giờ cuốn trôi đi những chất ô uế hoặc những chất này có thì giờ tan rã. Nhưng nay với kỹ nghệ khuếch trương, các tỉnh và thành phố lớn dần, sự phế thải của tiêu thụ cũng theo đó mà gia tăng.

Ngoài sự phế thải phân tiểu, rác rến của con người, lại có thêm sự phế thải các chất kim khí, độc tố hóa học của các xưởng kỹ nghệ, hoặc các chất sát trùng từ những cánh đồng do mưa dẫn về. Do đó các giòng nước, sông lạch trở thành ô nhiễm chẳng khác gì cống rãnh, đến nỗi cá tôm không còn oxygène để sống. Không những cá tôm chết mà con người cũng chết. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Chế tạo và gieo vào lòng đất phân bón hóa học, thuốc sát tùng, tống vào giòng nước những thứ ô nhiễm, người lãnh đủ hậu quả không ai khác hơn là con người, vì những chất trên đều là những chất gây ra các chứng bệnh, nhất là bệnh ung thư.

Tệ hại nhất là ngày nay các nước văn minh Âu Mỹ tuy ý thức được vấn đề ô nhiễm môi sinh, thay vì tìm cách chữa trị tận gốc, sửa đổi mức sống tiêu thụ, lại tìm cách tống những phế thải nhiễm ô của mình đến các nước nghèo chậm tiến ở Phi châu hoặc Á châu. Người ta tính mỗi năm có đến khoảng 20 triệu tấn phế thải kỹ nghệ Âu Mỹ được chở đến Á Phi.

Cá tôm ở sông chết, cá tôm ở biển cũng chết. Trên quả địa cầu, 7 phần 10 là biển cả, do đó người ta vẫn thường nghĩ rằng biển là kho tàng cá tôm vô tận và có thể dư sức hấp thụ những phế thải : "cứ vứt hết ra biển rồi biển sẽ đem ra khơi hoặc đem đi chỗ khác không có hại". Nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy, các luồng sóng biển tuy có cuốn đi những phế thải, nhưng không phải đem ra khơi mà lại đẩy vào các vịnh biển lân cận.

Làm ô nhiễm biển nhiều nhất đó là dầu hỏa. Các tàu chuyên chở dầu hỏa thường bị vỡ ống và làm chảy hết số dầu hỏa ra biển. Ngoài ra, đặc biệt nước Anh và Ái Nhĩ Lan vẫn tiếp tục, mặc dù quy ước quốc tế đã cấm, chở vứt ra biển những phế thải dầu hỏa. Hiện nay tất cả bờ biển Phi châu, Đông Nam Á châu, Bắc Âu châu, Bắc Mỹ châu và Đại Tây Dương đều bị ô nhiễm dầu hỏa. Các loại thủy tộc, cá tôm, chim hải âu, v.v... đều chết vô số kể. Cá tôm chết thì dân chài lưới thất nghiệp. Buồn cười hơn nữa, các nhà ngư nghiệp như ở Anh quốc lại cho vay và khuyến khích ngư dân chế tạo hoặc mua các tàu đánh cá tối tân hơn, to lớn hơn để đánh được nhiều cá hơn. Trong khi đó thì cá chết như rạ, chài lưới không được bao nhiêu, tiền vay lời vẫn mặc tình gia tăng, đã thất nghiệp lại thêm nợ nần chồng chất. Thật đúng là vòng lẩn quẩn.

Biển không tha mà đảo cũng không chừa. Các hải đảo nhỏ cũng được con người chú ý tới khai thác tối đa. Khai thác trong chiều hướng ô nhiễm bằng cách biến những hòn đảo xinh đẹp vùng Thái Bình Dương thành những bãi thí nghiệm bom nguyên tử.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/09/2010(Xem: 4840)
Chúng tôi vô cùng vui mừng và cảm thấy vinh dự to lớn để hiện diện với quý vị ở đây. Căn bản tin tưởng của tôi là mục tiêu của đời sống của chúng ta là hạnh phúc, và hạnh phúc tùy thuộc trên nền tảng của chính nó. Chúng tôi tin tưởng nền tảng căn bản, hay nguyên nhân của hạnh phúc và mãn nguyện, là sự phát triển vật chất và tâm linh.
04/09/2010(Xem: 4707)
Hội nghị này về sinh thái học thật cực kỳ đáng giá. Chúng tôi nhận thức tính cấp bách trên vấn đề bảo tồn sự cân bằng của môi trường, và tin tưởng rằng nếu chúng ta xao lãng, toàn thể thế giới sẽ khổ đau. Do bởi sự giàu có vật chất và kết quả của những vấn đề môi trường được thấy ở Phương Tây, những ai đấy đã nói rằng chúng ta cần thu xếp lối sống hiện đại lại.
04/09/2010(Xem: 5625)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 3694)
Chúng tôi nghĩ là quý vị đến đây với một mong đợi nào đấy, nhưng thật sự chúng tôi chẳng có gì cống hiến đến quý vị. Một cách đơn giản, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ một vài kinh nghiệm và quan điểm của chúng tôi. Quý vị thấy đấy, chăm sóc hành tinh không có gì đặc biệt, không có gì thiêng liêng, và không có gì thánh thiện. Nó là những gì giống như săn sóc ngôi nhà của chính chúng ta. Chúng ta không có một hành tinh hay một căn nhà nào khác ngoại trừ ngôi nhà này, hay trái đất này.
03/09/2010(Xem: 2863)
Tây Tạng không nên được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân và sự đổ tháo chất thải hạt nhân. Người Tây Tạng có một sự tôn trọng hết sức đến tất cả mọi hình thức của sự sống. Cảm giác cố hữu này đã được để cao bởi niềm tin nơi Phật Giáo của chúng tôi. Trước khi bị xâm lược và chiếm đóng, Tây Tạng là một khu bảo tồn hoang dã tươi mát, xinh đẹp, không ô nhiễm trong một môi trường thiên nhiên đặc biệt.
03/09/2010(Xem: 5281)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
03/09/2010(Xem: 3423)
Nếu có một phạm trù nào mà cả giáo dục và truyền thông cùng có một trách nhiệm đặc biệt, chúng tôi tin tưởng, đấy là môi trường tự nhiên của chúng ta. Trách nhiệm này phải hành động với câu hỏi đúng hay sai ít hơn là với câu hỏi về sinh tồn. Thế giới tự nhiên là ngôi nhà của chúng ta. Nó không cần phải thiêng liêng hay thánh thiện. Nó chỉ đơn giản là nơi chúng ta sinh sống.
03/09/2010(Xem: 4820)
Những tiên đoán khoa học về thay đổi môi trường khó khăn cho những con người bình thường nhận thức thấu đáo một cách trọn vẹn. Chúng ta nghe về nhiệt độ nóng bức và mực nước biển dâng cao, tỉ lệ ung thư nâng cao, sự gia tăng dân số, tài nguyên cạn kiệt, sự tuyệt diệt của những chủng loại. Con người hoạt động khắp mọi nơi đang thúc đẩy nhanh chóng sự hủy diệt những yếu tố chìa khóa chính yếu của môi trường sinh thái tự nhiên mà tất cả các chủng loại phụ thuộc vào.
03/09/2010(Xem: 4699)
Khi thế kỷ hai mươi kéo màn kết thúc, chúng ta thấy rằng thế giới trở nên nhỏ hơn và loài người trên thế giới đã trở thành gần như một cộng đồng. Những liên minh quân sự và chính trị đã được tạo thành những nhóm đa quốc gia rộng lớn, công nghiệp kỷ nghệ và mậu dịch quốc tế đã sản xuất một nền kinh tế toàn cầu, và sự đối thoại toàn thế giới đang xóa đi những hàng rào cũ kỷ của khoảng cách, ngôn ngữ, và chủng tộc.
01/09/2010(Xem: 9928)
Theo dòng diễn tiến của những cuộc du hóa qua những quốc gia trên thế giới, giàu và nghèo, Đông và Tây, chúng tôi đã từng thấy con người say sưa với niềm vuisướng, và những con người khổ đau. Sự phát triển của khoa học kỷ thuật dường như có đạt được thêm một ít đường nét, một số cải tiến; phát triển thườngcó nghĩa thêm ít nhiều những tòa nhà ở thành thị.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567