Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Lại Nhiếp Hóa Bà-La-Môn Nữa

05/11/201321:37(Xem: 32840)
26. Lại Nhiếp Hóa Bà-La-Môn Nữa
mot_cuoc_doi_bia_3

Lại Nhiếp Hóa

Bà-La-Môn Nữa




Trở lại Kỳ Viên, đức Phật chưa có thì giờ nghỉ ngơi thì giới bà-la-môn xôn xao kéo đến. Tin đồn đức Phật chủ trương cả bốn giai cấp đều thanh tịnh làm họ bất mãn, phẫn nộ. Lại nữa, bà-la-môn Pokkharasāti hữu danh, uy tín cùng tất thảy đồ chúng, thuộc hạ, vợ con đều đã quy y sa-môn Gotama càng như một tiếng sấm sét vang động giữa trời mưa, ai có tai đều phải nghe.

Họ chừng khoảng năm trăm bà-la-môn từ nhiều quốc độ, đến kinh thành Sāvatthi vì một số công việc, khi nghe tin đồn như thế, suy nghĩ rằng: “Ai là người có thể tranh luận với sa-môn Gotama để lấy lại uy tín, địa vị, danh vọng cho giới cấp bà-la-môn? Ai là người không những thông hiểu ba tập Vệ-đà, lại còn quảng văn, quảng kiến, lợi khẩu, biện tài... có thể đối thoại với sa-môn Gotama với thế thượng phong?”

Sau khi tìm kiếm, lựa chọn giữa ngàn người, họ đến nhà thiếu niên Assalāyana vốn đang nổi danh bác học thần đồng ở Sāvatthi rồi nêu lên yêu cầu và sở vọng của họ.

Thiếu niên Assalāyana trẻ tuổi, đẹp trai, đầu cạo trọc, khuôn mặt sáng và dịu như trăng rằm; y trang nghiêm và kính cẩn lắng nghe tự sự, từ việc đối thoại của đức Phật với thanh niên Ambaṭṭha, chủ trương bốn giai cấp thanh tịnh đến việc bà-la-môn Pokkharasāti quy giáo như thế nào. Nghe xong, thiếu niên Assalāyana, mười sáu tuổi, thần đồng, nghiêm túc nói:

- Vậy là sa-môn Gotama đã nói rất đúng pháp, thưa các bậc trưởng thượng!

Hội chúng bà-la-môn ngỡ ngàng, tuy vậy, sau đó họ lại yêu cầu Assalāyana hãy vì danh dự của giới bà-la-môn mà ra tay tranh luận.

Thiếu niên Assalāyana lắc đầu:

- Không thể đâu, chư tôn giả! Với những ai nói đúng pháp thì ta không thể bài bác được. Lại nữa, đừng nói sa-môn Gotama, mà hằng chục đệ tử thượng thủ của vị ấy, chúng ta cũng không có khả năng tranh luận được! Vậy, tôi là ai mà lại dám thảo luận với sa-môn Gotama?

Đến khi hội chúng năn nỉ lần thứ ba, thiếu niên Assalāyana khó lòng từ chối, đành miễn cưỡng nói:

- Thật tình tôi không chấp nhận sự thỉnh cầu của chư tôn giả. Tuy nhiên, tôi sẽ đi theo yêu cầu. Nhưng tôi biết rất rõ rằng, với những bậc nói đúng pháp, có giới hạnh và trí tuệ toàn hảo như sa-môn Gotama, cuộc thảo luận ấy càng đưa ta đến chỗ thất bại thảm thương mà thôi!

Thế rồi, cuộc tranh luận xảy ra.

Thiếu niên Assalāyana với cung cách rất lễ độ, toát ra tư cách của người có học, đưa câu tiền đề:

- Thưa tôn giả Gotama! Theo truyền thống thì bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt. Vì sao vậy? Vì chỉ có bà-la-môn là nước da trắng sáng, các giai cấp khác màu da đen điu hoặc không được trắng sáng như thế! Lại nữa, chỉ có giai cấp bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp khác là bất tịnh. Tại sao vậy? Vì bà-la-môn là con chính thống của phạm thiên, được sanh ra từ miệng phạm thiên, do phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của phạm thiên! Chẳng hay tôn giả Gotama nghĩ sao về quan niệm truyền thống ấy?

Đức Phật mỉm cười:

- Này Assalāyana! Như Lai chỉ hỏi lại ngươi, ngươi thấy quan niệm ấy có đúng không?

Thấy thiếu niên im lặng, có vẻ lúng túng nên ngài nói tiếp:

- Như Lai là sát-đế-lỵ, nhưng trong giới bà-la-môn có ai có nước da trắng sáng như Như Lai không? Rồi, còn có cả hằng trăm đệ tử của Như Lai thuộc sát-đế-lỵ, thuộc vệ-xá, nước da họ cũng trắng sáng, ngời ngời không thua gì bà-la-môn đâu, có phải thế không, Assalāyana?

- Thưa, đúng vậy! Nước da của đức Thế Tôn chưa có ai trong giới bà-la-môn sánh bằng. Các tôn giả khác, rất nhiều, và tôi cũng đã từng thấy.

- Vậy thì tự hào nước da trắng sáng có thể lập được không?

- Thưa vâng, không thể lập!

- Còn nữa, các nữ bà-la-môn họ có kinh nguyệt, mang thai, sanh con và cho con bú. Các nữ sát-đế-lỵ, vệ-xá, thủ-đà-la cũng có kinh nguyệt, mang thai, sanh con và cho con bú. Vậy thì có sự khác biệt gì giữa các giới mà bà-la-môn lại thanh tịnh, các giai cấp khác là bất tịnh, ngươi xác định cho Như Lai xem với nào?

- Sự thanh tịnh kia cũng không thể lập nữa rồi!

- Con người, thuộc thai sanh, đều ở trong thai bào rồi được sinh ra từ âm căn cả thảy. Các bà-la-môn có thể chứng minh sự thực cho Như Lai thấy là họ khác, họ được sinh ra từ miệng phạm thiên? Họ là nhân vật thượng đẳng nên họ không nằm trong bọc nước ối dơ uế, bẩn thỉu và tối tăm ấy?

- Thật đúng vậy rồi! Nên sinh ra từ miệng phạm thiên cũng không thể lập!

Đến đây thì hội chúng la ó, phản đối:

- Assalāyana của chúng ta nói ăn theo!

- Y không có lập trường!

- “Miệng phạm thiên” là lập ngôn có tính chất ẩn ngữ, nghĩa bóng; là nghĩa tư tưởng và triết học!

Thiếu niên chợt nghiêm sắc mặt:

- Vậy thì chư tôn giả hãy tranh luận với sa-môn Gotama? Chư tôn giả mà có thể đặt được một bàn chân lên mặt chiếu tranh luận, có thể nhúc nhích, cựa quậy dẫu tí chút thì tôi sẽ nhường cho chư vị, và tôi sẽ xin rút lui!

Hội chúng im lặng.

Thiếu niên Assalāyana thủng thỉnh nói:

- Chư vị tôn giả tưởng tôi không hiểu nghĩa bóng, nghĩa tư tưởng, nghĩa triết học hay sao? Chỉ một thoáng sát-na tư duy, tôi thấy rõ rằng, chúng ta mà lôi nghĩa ấy ra, chúng ta lại càng thất thố, càng bị bẽ mặt, càng bị xấu hổ! Tại sao vậy? Nếu chúng ta có đời sống thanh tịnh, giới luật thanh tịnh, hành trì theo phạm hạnh thanh tịnh thì khi ấy mới dám tự hào là dòng dõi thanh tịnh, được sinh ra từ miệng phạm thiên, là con cháu thừa tự phạm thiên! Còn hiện tại, xin lỗi chư tôn giả, chúng ta có xứng như thế không? Làm sao tôi lại có thể nói sai sự thật được!

Thấy thiếu niên đã trấn áp được hội chúng, đức Phật nói tiếp:

- Có một số quốc độ ở biên địa xa xôi, chưa ảnh hưởng truyền thống và tín ngưỡng bà-la-môn, họ chỉ có hai giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ! Ai giàu là chủ nhân, ai nghèo là đầy tớ. Nếu người đầy tớ kia mà giàu liền thành chủ nhân. Nếu chủ nhân kia phá sản, nghèo đói lại trở thành đầy tớ. Vậy thì ai hơn ai? Ai thù thắng, ai hạ liệt có thể phân định được không? Hay là chúng ta lấy lúa gạo, tiền bạc để phân định giá trị một con người, hở Assalāyana?

- Không thể! Cái thước đo giá trị phải là tư cách và phẩm chất con người!

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Chẳng thể nào chỉ có những người sát-đế-lỵ, người vệ-xá, người thủ-đà-la mới sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục, nói dối láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói phù phiếm, có tâm tham, tâm sân, tà kiến... còn giới bà-la-môn thì không làm vậy, họ đều có giới hạnh trắng sạch như vỏ ốc, hở Assalāyana?

- Thưa, không thể có điều đó!

- Vì nhân xấu ác, bất thiện như thế nên ba giai cấp kia bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục còn bà-la-môn thì ngoại lệ, họ được sanh thiên, thiện thú, thiên giới?

- Thưa, không thể như vậy được!

- Vậy thì bất kể giai cấp nào, nếu làm việc lành tốt, thiện pháp thì được sanh thiện thú, thiên giới; nếu làm việc xấu ác, bất thiện thì bị đọa lạc, ác thú, địa ngục; và quả báo ấy là bình đẳng?

- Dĩ nhiên rồi, thưa sa-môn Gotama!

- Người bà-la-môn có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân thì ba giai cấp kia cũng có thể tu tập được như thế?

- Thưa vâng!

- Và nếu bà-la-môn tu tập từ tâm, không hận, không sân thì sẽ hoá sanh cộng trú với phạm thiên; ba giai cấp kia cũng tu tập từ tâm, không hận, không sân thì họ cũng được cộng trú với phạm thiên chứ?

Cả hội chúng bà-la-môn im lặng phăng phắc. Cả thiếu niên Assalāyana cũng thế. Đức Phật đã có lối lý luận vững chắc, hợp với nhân quả nhưng đưa đến sự thực như thế thì không một ai ngờ tới. Không chấp nhận, không được; và nếu chấp nhận thì sự cao thượng, thù thắng của giới bà-la-môn được vạch trần, không có một kẽ hở để xen vào!

Đức Phật biết vậy nhưng ngài cũng chưa dừng lại ở đó.

- Một người bà-la-môn cầm cái cào lưng và bột tắm ra sông, kỳ cọ mình mẩy và tẩy sạch uế bẩn thì ba giai cấp kia cũng làm được như thế chứ? Hay chỉ có bà-la-môn mới làm được như thế thôi?

- Thưa, việc ấy thì ai cũng làm được!

- Một người bà-la-môn cầm cái quay lửa bằng cây sāla hay cây sālāla. Một người sát-đế-lỵ cầm cái quay lửa bằng gỗ cây sen hay cây chiên-đàn. Một người vệ-xá cầm cái quay lửa bằng gỗ cây elanda, gỗ cây sồi. Một người đổ phân cầm cái quay lửa bằng gỗ máng heo ăn, máng chó ăn. Sau một hồi quay, gỗ khô cọ xát với gỗ khô, lửa và sức nóng hiện ra. Chẳng lẽ nào chỉ có lửa và sức nóng từ tay quay gỗ của bà-la-môn mới dùng được, mới nấu ăn được, còn lửa của ba giai cấp kia không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, không có sức nóng, hở Assalāyana?

- Tôi hiểu rồi, thưa sa-môn Gotama!

- Vậy thì từ cái gốc, cái thể cho đến cái tướng dụng thì trong bản chất, chúng là đồng đẳng, chẳng có giai cấp nào thanh tịnh, ưu thắng, cao thượng hơn giai cấp nào?

- Đúng vậy, thưa tôn giả!

- Vậy thì chúng ta hãy bỏ qua một bên về cái được gọi là dòng dõi, giai cấp được chưa?

- Thưa vâng!

- Này Assalāyana! Một nam tử sát-đế-lỵ, cưới một nữ nhân bà-la-môn, một bé trai hoặc một bé gái được sanh ra. Bé trai và bé gái ấy được gọi là sát-đế-lỵ hay bà-la-môn?

- Chúng giống cha nó mà cũng giống mẹ nó nên người thì gọi sát-đế-lỵ, người thì gọi bà-la-môn đều được cả!

- Ngược lại, một nam tử bà-la-môn cưới một nữ nhân sát-đế-lỵ, một bé trai hoặc một bé gái được sanh ra. Bé trai, bé gái ấy được gọi là bà-la-môn hay sát-đế-lỵ?

- Như trường hợp trên, gọi là bà-la-môn hay sát-đế-lỵ đều được cả!

- Này Assalāyana! Trường hợp khác. Một con ngựa cái giao phối với con lừa, một con vật được sanh ra. Con vật ấy cũng giống cha nó, cũng giống mẹ nó, sao người ta không gọi là con ngựa hay con lừa mà gọi là con la?

- Đây là trường hợp giao phối khác giống nên có sự sai khác như thế. Tuy nhiên, nếu phân tích cho kỹ - thì con la ấy chỉ là cái tên thôi, tự bản chất, nó cũng giống cha nó là con ngựa, cũng giống mẹ nó là con lừa!

- Chính xác! Đức Phật gật đầu - Tự bản chất, chẳng có sai biệt gì! Vậy chúng ta đừng bàn về huyết thống nữa nhé?

- Thưa vâng!

- Này Assalāyana! Có hai anh em bà-la-môn đồng mẹ khác cha. Một người thông hiểu Vệ-đà, đọc tụng thánh điển và chấp trì mọi nghi thức tế lễ đúng như truyền thống. Còn người kia không thông, không biết, không đọc tụng gì cả. Trong hai người ấy, người ta sẽ tiếp đón, tôn trọng, cúng dường vị nào?

- Dĩ nhiên là người thông hiểu Vệ-đà...

- Thế giả dụ người thông hiểu Vệ-đà ấy hành ác giới, ác pháp, sát sanh, trộm cắp, dối láo, bất thiện, còn người không thông hiểu Vệ-đà lại sống lành tốt, trì giới, hành thiện pháp thì người ta sẽ tiếp đón, tôn trọng, cúng dường ai?

- Dĩ nhiên là cho người lành tốt, trì giới, hành thiện pháp!

Đến đây, đức Phật kết luận:

- Thế là chúng ta đã đi từ sanh chủng, dòng dõi. Bỏ sanh chủng, dòng dõi, ta đi qua huyết thống. Bỏ huyết thống, ta đi qua thánh điển. Cuối cùng, bỏ thánh điển, chúng ta đã đi về sự thanh tịnh của bốn giai cấp như Như Lai đã từng tuyên giảng đó đây!

Cả hội chúng bà-la-môn im lặng, ủ rũ, co vai, cúi đầu, sững sờ, không ai mở miệng ra được, huống hồ là phản bác. Chỉ riêng thiếu niên Assalāyana biết sự thực là như vậy, nên chàng rất tỉnh táo, lặng lẽ gật đầu, tiếp thu sự chỉ giáo của bậc Đại Sa-môn.

Đức Phật tiếp tục nói chuyện với chàng:

- Quan niệm truyền thống ấy có gốc nguồn từ một thuở rất xa xưa, này Assalāyana! Nếu muốn nghe, Như Lai sẽ nói.

- Vâng, thưa tôn giả Gotama!

“- Thuở xưa có bảy ẩn sĩ bà-la-môn sống trong một ngôi rừng, họ có công hạnh lớn, chú thuật lớn, uy lực lớn. Hôm kia, họ cùng tự mãn, tự hào, tự tán tụng nhau rồi khởi lên ý nghĩ:“Trên đời này, chỉ có bà-la-môn là ưu thắng, cao thượng, tối thượng; là dòng dõi huyết thống thanh tịnh bảy đời, được sinh ra từ miệng phạm thiên, thừa tự phạm thiên còn các giai cấp khác là thấp thỏi, hạ liệt, chỉ là người hầu kẻ hạ bà-la-môn mà thôi!”

Tại khu rừng kế cận có bậc đại ẩn sĩ, không những công hạnh, chú thuật, uy lực là bậc thầy của bảy vị ẩn sĩ kia mà còn hiểu biết, thông tuệ nhiều lãnh vực khác nữa. Tên của bậc đại ẩn sĩ này thì tràn qua tai của mọi ẩn sĩ - đấy là Asita Devala - nhưng ai cũng nghĩ chỉ là huyền thoại hoặc là sự thêu dệt của mọi người. Biết được sự thiển cận, ngu dốt và tà kiến của bảy vị ẩn sĩ; và cũng muốn giáo hoá họ, đại ẩn sĩ Asita Devala sửa soạn râu tóc, đắp y vải màu đỏ tía, đi dép với nhiều đường viền kiên cố, cầm một cây gậy bằng vàng, với thời gian như viên lực sĩ co duỗi cánh tay, hiện ra trước những am thất của bảy vị ẩn sĩ, đi tới, đi lui, rồi đi lui, đi tới, miệng thốt lớn:

“- Ôi! Nơi này thật là ngu ngốc! Ôi! Nơi này thật là trống rỗng! Nơi này thật là tà kiến!”

Bảy vị ẩn sĩ nghe được, tự nghĩ: “Kẻ kia là ai mà cứ đi tới, đi lui như con bò đi vòng tròn, lại dám cả gan thốt lên lời bất nhã, trịch thượng, dường như là ám chỉ chúng ta?” Với hận tâm, với sân tâm, với hại tâm, họ đồng sử dụng chú thuật rồi hét to rằng: “Hãy biến thành tro tàn hạ liệt, hỡi lão già đê tiện kia!” Lạ lùng sao, chú thuật kia không đốt đại ẩn sĩ Asita Devala thành tro tàn, mà ngược lại, làm cho dung sắc ông ta sáng rực lên, chói ngời lên vô cùng đẹp đẽ, vô cùng khả ái!

Sợ hãi, hoảng hốt và cả buồn phiền, họ tự nghĩ: “Hỏng rồi! Uy lực của chúng ta mất tiêu rồi! Trước đây, chỉ cần một người đọc chú, thì hòn núi đá cũng tan tành; mà nay cả bảy người hợp lực, lại làm cho lão già kia đẹp đẽ, khả ái hơn, là nghĩa làm sao cơ chứ?”

Họ bước ra, chăm chăm nhìn vị đạo sĩ kỳ quái.

Đại ẩn sĩ Asita Devala tủm tỉm cười:

- Các bạn đã phục chưa? Đã chịu bỏ tâm hận, tâm sân đối với ta chưa?

- Vâng, chúng tôi sẽ không dám thế nữa!

- Ừ, vậy là tốt! Nhưng hãy hứa đi! Nếu còn khởi tâm giết người nữa, thì một sợi lông chân của ta cũng đưa các ngươi trở về với cát bụi!

Nhìn ánh mắt uy nghiêm, không giận mà oai, toát ra một năng lực phi phàm của vị đại ẩn sĩ, cả bảy vị co rúm người lại, lắp bắp:

- Xin hứa, chúng tôi xin hứa!

Thấy lão già lại nở nụ cười hiền hoà, họ bạo gan hỏi:

- Vậy ngài là ai? Phạm thiên chăng?

- Cũng đúng! Ta là ẩn sĩ Asita Devala, và rồi ta sẽ cộng trú với phạm thiên!

Hoảng hồn, họ sụp lạy.

Sau khi tìm kiếm chỗ ngồi thích hợp, ẩn sĩ Asita Devala tìm cách giáo giới họ.

- Ta đã nghe ý nghĩ khởi sanh trong tâm của các bạn. Bây giờ ta sẽ hỏi điều này. Các bạn có biết mẹ sanh của một bà la-môn, trước đó, bà ta giao hợp với một bà la-môn hay phi bà-la-môn?

- Thưa, thật khó biết.

- Và có chắc chắn rằng, bảy đời tổ mẫu của họ chỉ giao hợp với bà-la-môn chớ không phải phi bà-la-môn?

- Thưa, cũng thật khó biết.

- Cha sanh cũng thế, từ một đời cho đến bảy đời tổ phụ có chắc chắn là chỉ giao hợp với nữ bà-la-môn chớ không phải phi nữ bà-la-môn?

- Quả có thế, không thể xác quyết được!

- Vậy thì không thể, khó biết được, tại sao các bạn lại lấy cái huyết thống thanh tịnh bảy đời mà chủ trương? Nó từ đâu ra?

Cả bọn im lặng, cúi đầu. Họ đã biết mình sai.

Ẩn sĩ Asita Devala đi bước nữa:

- Có ai trong các bạn biết rõ chuyện nhập thai? Nó ra sao?

- Thưa, chúng tôi chỉ biết rằng, vào thời mà người nữ có điều kiện thụ thai, có người nam giao hợp và có một hương ấm (gandhabha) tìm đến. Đầy đủ ba yếu tố ấy, sự nhập thai mới thành tựu.

- Đúng vậy! Và các bạn có thể biết rằng, hương ấm này là bà-la-môn, hương ấm kia là sát-đế-lỵ, hương ấm nọ là vệ-xá, là thủ-đà-la chứ?

- Thưa, không thể!

- Các bạn lại nói đúng nữa! Nhưng mà này, đây là câu hỏi tối hậu: Ngay chính các bạn, các bạn có biết các bạn là ai không, từ hương ấm vô danh đầu tiên ấy?

Họ chợt như thấy rõ được điều gì, đồng sụp lạy bên chân vị đại ẩn sĩ:

- Quả đúng là vậy, sự tình là vậy, chúng tôi không biết chúng tôi là ai!”

Kể xong chuyện, đức Phật kết luận:

- Như thế, bảy vị ẩn sĩ kia đã bị đại ẩn sĩ Asita Devala chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng, tận cùng cho đến thức tái sanh (hương ấm) họ đã không thể ứng đáp được, cuối cùng phải thú nhận không biết mình là ai! Vậy thì nay, ngươi và cả hội chúng bà-la-môn này đều là hạng cháu chít của bảy vị ẩn sĩ lại có thể ứng đối với Như Lai, còn là bậc thầy của đại ẩn sĩ Asita Devala kia nữa!

Tâm phục, tín phục đến tận cùng, thiếu niên Assalāyana quỳ sụp dưới chân của đức Thế Tôn, xin được quy y Tam Bảo, làm một cận sự nam cho đến trọn đời!






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/10/2014(Xem: 20615)
Trong bất cứ một cộng đồng nào đều có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều chủng loại con người khác nhau sống cùng trong đó, thì chắc chắn luôn có sự hiện diện của nhiều mặt tư tưởng khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy để gìn giữ một cuộc sống yên bình cho một cộng đồng, con người phải có nhiều phương pháp để hòa giải mọi sự khác biệt. Xuyên suốt trong lịch sử của loài người, đã có rất nhiều lời đề xuất để giải quyết, thậm chí phải sử dụng đến phương sách bạo động, chẳng hạn như chiến tranh, xung đôt nhằm giải quyết sự khác biệt.
20/10/2014(Xem: 32979)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58353)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
18/03/2014(Xem: 14427)
Phật dạy bậc đại nhân có tám điều giác ngộ. Điều thứ nhất, giác ngộ cuộc đời là vô thường, vũ trụ mênh mông tạm bợ. Gốc của bốn đại vốn không thật, trống rỗng nhưng nếu chúng ta không biết, chấp nó là thật thì sẽ dẫn đến đau khổ. Tập hợp năm ấm là vô ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, không thật và không có chủ thể. Tâm này là cội nguồn phát sinh điều ác, thân này là nơi tích tụ tội lỗi. Người hay quán chiếu được như thế dần dần sẽ thoát khỏi sanh tử.
10/12/2013(Xem: 22238)
Pháp Tướng Tông (Duy Thức Tam Thập Tụng) của Bồ Tát Thế Thân, Vu Lăng Ba giảng, cư sĩ Lê Hồng Sơn dịch
03/12/2013(Xem: 57629)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23483)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19243)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
30/10/2013(Xem: 39035)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
17/10/2013(Xem: 40950)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]