Tuyển tập
Phật Thành Đạo
Phần III
Phật giáo và các vấn đề hiện tại
--- o0o ---
BỨC THÔNG ĐIỆP MUÔN ĐỜI
Nguyên tác: HT. Piyadassi
Thích Nữ Giới Hương dịch
Đức Phật là một bậc đạo sư thực tiễn. Mục tiêu duy nhất của Ngài là giải thích tất cả chi tiết trong vấn đề của khổ là thực tế phổ biến của cuộc đời, để làm cho con người cảm thấy sức mạnh lớn lao của khổ và làm cho họ nhận thức rõ về khổ. Ngài đã nói dứt khoát với chúng ta những gì cần, ngài đã giải thích và những gì không cần, ngài đã không giải thích.
Một số người thích gọi giáo lý của Đức Phật là một tôn giáo hoặc triết học; hoặc cả tôn giáo và triết học. Tuy nhiên, nói đúng hơn Phật giáo là một phương thức sống. Nhưng điều này không có nghĩa là Phật giáo không có nghĩa gì khác hơn là khuôn mẫu đạo đức. Trái lại Phật giáo chính là một đường hướng giáo dục trí thức, tinh thần và đạo đức để dẫn đến sự giải thoát tâm một cách hoàn toàn. Chính Đức Phật gọi lời dạy của Ngài là "Pháp luật" nghĩa là giáo pháp và giới luật. Trong ý nghĩa chính xác nhất, Phật giáo không thể gọi là một tôn giáo, vì nếu là tôn giáo thì có nghĩa là "Phạm vi hoạt động dựa vào niềm tin, lòng tôn kính và ứơc muốn làm vui lòng đấng quyền năng; việc thực hành các nghi lễ hoặc sự tuân thủ bao hàm điều này …, sự nhận thức về phần con người trong những năng lực siêu nhiên có thể thấy như là có quyền năng kiểm soát số phận con người, và có quyền được mọi người tuân phục, kính trọng và thờ phượng" Phật giáo dĩ nhiên không phải là một tôn giáo như vậy.
Trong tư tưởng Phật giáo, không có sự tồn tại của một đấng tạo hóa ở bất cứ hình thức nào có quyền năng thưởng phạt hành động tốt, xấu của chúng sanh do đấng thần linh tạo ra. Người Phật tử quy y với Đức Phật (Buddham saranam gacchami) thì không nghĩ rằng sẽ được Ngài cứu độ. Đức Phật chỉ là một bậc đạo sư chỉ đường và hướng dẫn cho chúng ta đi đến giải thoát. Chẳng hạn như bảng hiệu giao thông ở các ngã ba đã chỉ đường, người du lịch phải nương theo nó để đi đến đích. Dĩ nhiên những bảng hiệu này sẽ không chở vị ấy đến nơi mong muốn. Cũng như vị bác sĩ chẩn đoán, kê toa và bịnh nhân phải theo sự chỉ dẫn của toa thuốc mới hết bịnh. Thái độ của Đức Phật đối với các đệ tử của Ngài thì cũng giống như thái độ của bậc lương y hoặc bậc thầy từ bi và sáng suốt vậy.
Tôn kính những bậc giác ngộ, những bậc có tâm hồn cao thượng có thể hiểu sâu sắc về thực tại, đã xóa sạch vô minh và nhổ tận phiền não là sự tôn kính cao nhất. Người thấy được chân lý là người hộ trì chân lý nhưng Phật tử đã không để tâm đến việc này. Họ chỉ bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đã giác ngộ chân lý vì đã chỉ con đường đưa đến hạnh phúc và giải thoát chân chánh. Hạnh phúc là cái mà chính mình phải tự đạt được, không ai có thể khiến cho mình tốt hơn hoặc xấu hơn.
"Thanh tịnh hay nhiễm ô là tùy mình
Không ai có thể làm thanh tịnh hoặc nhiễm ô người khác"
1- TÌM CẦU CHÂN LÝ
Khi nằm giữa hai cây Ta-la song thọ ở Kushinagar, trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật thấy hoa rơi xuống cúng dường ngài, Ngài mới bảo tôn giả A-nan rằng:
"Này A-nan, những ai chánh hạnh, sống đúng chánh pháp, đó là những người thật xứng đáng tôn trọng cung kính Đức Như Lai với lòng tôn kính bậc nhất. Vì vậy này A-nan, hãy tu tập, hãy sống theo chánh hạnh và chánh pháp."
Lời sách tấn này của Đức Phật về việc sống đúng chánh pháp, tỏ cho thấy rằ?g điều quan trọng bậc nhất là tu tập các đức hạnh của thân khẩu ý, chớ không chỉ dâng hoa cúng dường đến các bậc giác ngộ. Sự nhấn mạnh ở đây là sống đời sống chánh hạnh.
Đối với vấn đề Phật giáo có phải là triết học hay không thì cần dựa vào định nghĩa của thuật từ này và liệu nó có thể đưa ra một định nghĩa bao quát tất cả các hệ thống tư tưởng triết học đang hiện hữu hay không, điều này đang còn đầy nghi vấn.
Theo từ nguyên học, triết học có nghĩa là yêu thích (to Love, Gr. philein) và trí tuệ (Wisdom, Gr. Sophia) "Triết học bao hàm cả việc truy tầm trí tuệ và trí tuệ đã đạt được."Trong tư tưởng Ấn Độ, triết học được gọi là darsananghĩa là quán sát chân lý. Nói tóm lại, mục đích của triết học là tìm ra chân lý tối hậu.
Phật giáo cũng chủ trương việc truy tầm chân lý, chớ không phải chỉ là ở lý thuyết suông, thuần lý và chỉ đòi hỏi và chứa đựng kiến thức. Đức Phật nhấn mạnh khía cạnh tu tập, áp dụng kiến thức vào đời sống – quán sát kỹ lưỡng đời sống.
Đối với Đức Phật, toàn bộ lời dạy của ngài chỉ là sự hiểu biết về bản chất hiện hữu của các pháp hiện tượng và sự trau dồi chánh hạnh để đưa đến trạng thái tâm hoàn thiện. Đây là triết học của Phật giáo.
Trong Phật giáo, trí tuệ là quan trọng bậc nhất, vì sự thanh tịnh đi ngang qua trí tuệ, ngang qua sự hiểu biết. Nhưng Đức Phật không bao giờ tán thán riêng về trí tuệ. Theo Ngài, trí tuệ (tri kiến) phải đi đôi với sự thanh tịnh tâm và giới hạnh (vijjacaranasam panna). Trí tuệ đạt được bởi sự hiểu biết và sự phát triển các đặc tính tâm và tâm là trí tuệ ưu việt (bhavanamaya panna). Đó chính là kiến thức tích tụ chứ không phải là lý thuyết suông. Vì vậy, rõ ràng rằng, Phật giáo không phải chỉ là tình thương, cũng không phải bao gồm tìm kiếm sau trí tuệ, cũng không phải là chỉ cầu nguyện (mặc dù chúng có ý nghĩa và liên quan tới nhân loại), mà là sự khuyến khích áp dụng thực tiển lời dạy để trở nên vô tham, giác ngộ và giải thoát.
Mặc dù chúng ta gọi lời dạy của Đức Phật là Phật giáo, vì bao gồm học thuyết "ologies" và chủ nghĩa "isms." Nó thực sự không có vấn đề những nhãn hiệu mà chúng ta dán cho nó. Đặt nó là tôn giáo, triết học, Phật giáo hay bất cứ tên gì mà ta thích, thì những nhãn hiệu này có ý nghĩa nhỏ cho những người đi tìm chân lý và giải thoát.
Khi Upatissa và Kolita (hai vị này sau đó trở thành đại đệ tử của Đức Phật là Trưởng lão Xá-lợi-phấtvà Mục-kiền-liên) đang lang thang đi tìm con đường giải thoát. Upatissa đã gặp Tỳ-kheo Assaji là một trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật đang đi khất thực. Upatissa rất ngạc nhiên trước vẻ đoan nghiêm, trầm tĩnh và đầy siêu thoát của vị tôn giả này. Nghĩ rằng chưa phải lúc để hỏi han, Upatissa liền đi theo Assaji về nơi nghỉ của ngài. Sau đó Upatissa chào ngài và hỏi về giáo lý thầy của Assaji. Tôn giả Assaji khiêm tốn nói rằng "Tôi không thể giải nghĩa nhiều về pháp và luật, nhưng tôi có thể nói cho bạn nghe ý nghĩa tóm tắt." Upatissa đã trả lời một cách thích thú "Tốt lắm, này bạn, xin hãy nói ít nhiều, những gì tôi muốn chỉ là cốt lõi, không cần nhiều lời." Rồi tôn giả Assaji đáp lại bằng một bài kệ đơn giản nhưng bao quát toàn bộ giáo lý duyên khởi của Đức Phật:
"Bất cứ cái gì do nhân duyên sanh,
cái đó Như lai giải thích là nhân,
và Như lai cũng giải thích sự đoạn diệt của chúng
Đây là lời dạy của bậc thánh tối thượng."
Upatissa ngay khi hiểu được ý nghĩa đã chứng được trạng thái giác ngộ đầu tiên (Tư-đà-hoàn), hiểu rõ rằng "bất cứ cái gì được sanh ra, thì cũng sẽ bị hoại diệt."
2- BẬC ĐẠO SƯ THỰC TIỂN
Bậc đạo sư hướng dẫn chân chánh, thì sẽ đưa chúng ta đến chân giải thoát. Điều cần thiết ở đây là chỉ đúng và hiểu đúng. Chúng ta ngay cả có thể nhận được sự hướng dẫn từ thiên nhiên, cây cỏ, núi sông, vì có nhiều trường hợp con người đạt giác ngộ và giải thoát khỏi phiền não cấu uế, chỉ do thấy lá rơi, nước chảy, lửa rừng, đèn bị gió thổi tắt … điều này như đã chạm đúng chổ ngứa (tham công án) và vị ấy như chợt đốn ngộ bản chất vô thường của vạn pháp và họ liền giải thoát. Vâng ! Cũng giống như hoa sen chỉ đợi ánh nắng mặt trời, ngay khi mặt trời chiếu thì hoa sen liền nở và mang niềm vui đến cho mọi người.
Đức Phật không có quan tâm đến các vấn đề siêu hình, vì vấn đề siêu hình này chỉ làm rối sự thăng bằng tâm lý của con người. Giải pháp của vấn đề siêu hình học chắc chắn sẽ không giải phóng con người khỏi khổ đau và bất hạnh. Đó là lý do tại sao Đức Phật do dự khi trả lời những vấn đề như vậy và nhiều lúc Ngài không giải thích những điều mà thường bị nêu ra một cách sai lầm. Đức Phật là một bậc đạo sư thực tiễn. Mục tiêu duy nhất của Ngài là giải thích tất cả chi tiết trong vấn đề của khổ là thực tế phổ biến của cuộc đời, để làm cho con người cảm thấy sức mạnh lớn lao của khổ và làm cho họ nhận thức rõ về khổ. Ngài đã nói dứt khoát với chúng ta những gì cần, ngài đã giải thích và những gì không cần, ngài đã không giải thích.
Một thời Đức Phật đang sống ở Kosambi (Allahabad) trong rừng Simsapa, Ngài cầm một ít lá trong tay và nói với các Tỳ-kheo rằng:
- "Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao cái nào nhiều hơn, lá Simsapa trong tay ta hay số lá ngoài rừng"
- "Bạch Thế Tôn, không nhiều là lá trong tay Thế Tôn và nhiều là lá ở trong rừng"
- "Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nhiều là những gì ta đã giác ngộ hoàn toàn nhưng không tuyên bố, không giảng cho các ông. Tại sao, này các Tỳ-kheo, ta đã không tuyên bố chúng, giảng dạy chúng. Này các Tỳ-kheo, những điều đó thực sự không có ích, không cần thiết cho đời sống thanh tịnh, chúng không đưa đến vô tham, đoạn diệt, định tĩnh, toàn giác và giác ngộ Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, đó là lý do tại sao ta không giảng giải pháp này và những gì, này các Tỳ-kheo, ta đã giảng gỉai?
Đây là khổ là điều ta đã giảng giải
Đây là nguyên nhân của khổ là điều ta đã giảng giải
Đây là sự chấm dứt khổ là điều ta đã giảng giải.
Đây là con đường dẫn đến sự đoạn diệt đau khổ là điều ta đã giảng giải."
- "Và tại sao, này các Tỳ-kheo, ta đã giảng giải những chân lý này? Vì chúng thực sự hữu ích, thiết thực cho đời sống thanh tịnh, chúng đưa đến vô tham, vô sân, đoạn diệt, định tĩnh, toàn giác và giác ngộ Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo đó là lý do tại sao ta đã giảng giải chúng."
Đức Phật đã tuyên bố những lời như vậy, tuy nhiên một vài học giả không đánh giá đúng thái độ này của Đức Phật, họ nghi ngờ sự giác ngộ của Ngài và gán cho Ngài là người theo thuyết bất khả tri (không thể biết). Các nhà học giả luôn tranh luận và tư biện. Và những tranh luận này không phải là những vấn đề của hôm nay và ngày mai, mà chúng đã phổ biến ngay trong thời Đức Phật, chẳng hạn Ngài Sakuludayi (bậc du hành khất sĩ) đã hỏi về quá khứ và tương lai và đã được Đức Phật trả lời minh bạch rằng:
"Hãy để quá khứ thuộc về quá khứ.
Hãy để tương lai thuộc về tương lai."
Ta sẽ dạy ông pháp này:
"Khi cái này có thì cái kia có
Khi cái này sanh thì cái kia sanh
Khi cái này không thì cái kia không
Khi cái này diệt thì cái kia diệt."
Đây là toát yếu giáo lý duyên khởi của Phật giáo (Paticca-samuppada) và điều này hình thành nền tảng của Tứ đế, khái niệm trung tâm của Phật giáo.
3- BẬC LƯƠNG Y VÔ SONG
Đức Phật được biết như là bậc lương y tuyệt vời (bhisakko), nhà phẫu thuật thượng hạng (sallakatto-anuttaro).
Đức Phật thực sự là bậc lương y vô song. Phương pháp trình bày về Tứ diệu đế của Đức Phật có thể so sánh với phương pháp của một bậc lương y. Giống như vị lương y, đầu tiên Đức Phật chẩn đoán bịnh, kế đến xét đoán nguyên nhân phát sanh ra bịnh, rồi xem xét sự chuyển biến của nó để cuối cùng áp dụng cách điều trị.
Khổ (dukkha) là bịnh. Khát ái (tanha) là nguyên nhân sâu xa của bịnh (samudaya), ngang qua việc loại bỏ khát ái thì bịnh cũng được diệt trừ và đó là hết bịnh (nirodha=Niết-bàn). Bát chánh đạo là phương thuốc chữa bịnh.
Bịnh nhân nên nhận biết sự khổ sở của mình, nên chú ý nó đừng để nó trở nên khó trị. Vị ấy nên nghĩ cách diệt trừ nguyên nhân của nó, với sự suy nghĩ này vị ấy đi tới gặp vị lương y tài giỏi để có thể chẩn đoán và điều trị. Ngang qua hiệu quả của việc chữa trị, bịnh nhân thoát khỏi đau đớn và đó là phương pháp điều trị. Vì vậy, chúng ta không nên làm lơ khổ mà chúng ta cần phải biết rõ nó, vì nó là bịnh trầm kha (abhinneyya) (Khổ đế). Khát ái là nguyên nhân phải được loại bỏ (pahafabba) (Tập đế). Bát chánh đạo phải được tu tập trau giồi (bahavetabba) vì nó là cách chữa bịnh (Đạo đế). Với sự biết rõ khổ, với sự loại bỏ khát ái ngang qua thực tập Bát chánh đạo này, sự giác ngộ Niết-bàn (saccikatabba) (Diệt đế) là chắc chắn. Đó là phương pháp điều trị hoàn toàn không chấp thủ và giải thoát khỏi khát ái.
Câu trả lời thú vị của Đức Phật cho Sela, một người Bà-la-môn đã nghi ngờ về sự giác ngộ của Đức Phật như sau:
"Ta biết những gì cần biết, những gì cần tu tập ta đã tu tập. Những gì cần từ bỏ ta đã từ bỏ. Từ đây, này Bà-la-môn, ta là Phật, là bậc thức tỉnh."
Vì những chân lý này liên quan mật thiết với nhau, cho nên thấy một hoặc nhiều về Tứ đế thì bao hàm các chân lý khác. Đối với người chối bỏ khổ đau, thì con đường đưa đến giải thoát khổ đau trở nên vô nghĩa. Tóm lại, phủ nhận một đế tức phủ nhận ba đế kia và toàn bộ lời dạy của Đức Phật.
Một nhà duy vật tín thành sẽ nói: "Tôi không muốn nuốt những điều vô nghĩa này." Lời nói này thật là không sáng suốt, và gây hoang mang. Nhưng đối với những người cố gắng trau dồi lý tưởng cuộc đời hiện thực, thì điều này không có gì hoang đường, không phải là chuyện tưởng tượng để nói với người thiếu sáng suốt.
Đối với những người mà quan niệm thế giới hữu tình từ góc độ đúng đắn, nghĩa là với sự nhận thức khách quan thì mỗi điều sẽ trở nên rất rõ ràng và sẽ biết chỉ có một vấn đề lớn trong cuộc đời đó là khổ. Như Đức Phật đã nói thế gian thiết lập trên sự khổ, được xây dựng trên sự khổ (dukke loko patithito). Nếu bất cứ điều gì trở thành vấn đề thì điều đó là khổ, là không như ý, hoặc nếu chúng ta thích thì đó là mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn giữa tham muốn của chúng ta với các sự thật khổ đau của cuộc đời.
Đối với vấn đề này, chúng ta có thể liệt kê các tên khác nhau: những vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị, tâm lý và ngay cả tôn giáo. Tất cả những vấn đề này có phải xuất phát từ một vấn đề duy nhất là khổ (dukkha) có nghĩa là bất như ý hay không? Nếu không có bất như ý tại sao chúng ta lại cố để giải quyết chúng? Việc giải quyết vấn đề có bao gồm việc giảm bớt sự bất như ý này không? Mọi vấn đề đều gây ra sự bất như ý và sự nỗ lực này là để chấm dứt chúng, nhưng chúng thường nảy sinh lẫn nhau. Nguyên nhân thường không phải từ bên ngoài mà chính trong vấn đề đó là sự chủ quan. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta đã giải quyết những vấn đề đến triệt để, nhưng chúng thường nảy ra trong những hình thức khác đa dạng hơn. Dường như chúng ta liên tục bị đối mặt với những cái mới và chúng ta cố gắng những nỗ lực mới để giải quyết chúng. Vì vậy, khổ và việc giải quyết khổ đã liên tục không ngừng. Như vậy bản chất của khổ là đặc tính phổ biến của chúng hữu tình. Các khổ nảy sinh và tiêu diệt chỉ là sự tái hiện trong những hình thức khác. Chúng vừa là thân vừa là tâm và vài người có khả năng chịu đựng cái này hơn là cái khác và ngược lại, có người chịu đựng cái khác hơn là cái này.
4- SỰ THẬT CUỘC ĐỜI
Theo Phật giáo đời sống là khổ và khổ thống trị suốt cuộc đời. Đó chính là vấn đề nền tảng của cuộc đời. Thế gian này là khổ và ưu phiền, không ai tránh khỏi sự ràng buộc này của khổ. Đây là chân lý phổ quát mà người không có nhận thức (tức thấy các pháp như thật) có thể phủ nhận. Tuy nhiên, giác ngộ sự thật phổ quát này thì không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn hạnh phúc. Đức Phật, bậc thoát khổ, không bao giờ phủ nhận hạnh phúc của cuộc đời khi Ngài nói về tính phổ quát của khổ. Trong Tăng chi bộ kinh có một bản liệt kê dài về những hạnh phúc mà chúng sanh có thể thọ hưởng.
Trả lời cho Mahali Licchavi, Đức Phật nói rằng:
Này Mahali, nếu sắc thanh hương vị xúc pháp (như ngươi đã biết những trần này là đối tượng của các căn con người) đều bị chi phối bởi khổ, bủa vây bởi khổ, hoàn toàn mất an lạc hạnh phúc thì chúng sanh sẽ không có sự thích thú trong các trần này. Nhưng này Mahali, bởi vì có dục lạc và hạnh phúc trong các trần này mà chúng sanh đã thích thú và bám chặt lấy chúng, bởi vì sự tham đắm này mà họ làm ô nhiễm chính họ.
Ngang qua các căn, con người tham đắm các trần, các dục lạc (assada) và thọ hưởng các dục lạc ấy. Đây là một sự thật không thể chối bỏ vì chúng ta là người đang trải qua nó. Tuy nhiên không có các trần vui thú, cũng không có sự cảm thọ đang diễn ra vì chúng chịu sự thay đổi liên tục. Bấy giờ khi một người không thể nắm giữ hoặc bị mất các dục lạc mà vị ấy đang thọ hưởng thì sẽ trở nên sầu bi, ưu não. Vị ấy không thích sự buồn tẻ, trong sự thiếu vắng các điều vui thích và sẽ đi tìm niề? vui mới, giống như súc vật đi tìm cỏ tươi, nhưng những niềm vui mới này cũng đang lướt qua và biến mất. Vì vậy tất cả những lạc thú, liệu chúng ta có thích thú nó hay không? Khi mà nó mở đầu và chấm dứt với khổ đau chán chường. Tất cả những lạc thú trần gian đang lướt qua như viên thuốc độc bọc đường, chúng lừa gạt và hại chúng ta.
Một món ăn không khoái khẩu, một thức uống không vừa lòng, một cử chỉ không thân thiê? và hàng trăm những chuyện khác mang khổ đau và bất như ý đến với chúng ta, dù Phật tử hay không phật tử, giàu hay nghèo, sang trọng hay thấp hèn, thông minh hay ngu dốt. Nhà đại văn hào Shakespeare chỉ nói lại những lời của Đức Phật khi ông ta viết trong tác phẩm Hamplet "Khi buồn rầu đến, chúng không đến một mình mà đến cùng với những nỗi khổ khác"(Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí).
Bấy giờ nếu con người không nhìn thấy các khía cạnh này của cuộc đời thì sự phù du của lạc thú này sẽ làm vị ấy trở nên thất vọng và thậm chí có thể hành xử một cách ngu ngốc, không có suy nghĩ và xét đoán cũng như mất thăng bằng trong tâm. Đây là sự nguy hiểm, hậu quả xấu ác (adinava). Nhân loại thường đối diện với hai mặt của cuộc đời. Nhưng con người nỗ lực để từ bỏ sự tham đắm sâu nặng đối với các pháp hữu và vô tình, nhìn cuộc sống với sự buông xả, thấy các pháp đúng như nó đang là. Việc tu tập trau giồi giúp cho vị ấy tự tại đối với các thăng trầm của đời, vị ấy có thể mỉm cười khi các pháp bất như ý đến và giữ vững tâm thoát khỏi tất cả niềm yêu ghét … vị ấy không quan tâm điều gì khác ngoại trừ sự giải thoát (nissarana). Ba điều này – lạc (assada), khổ (adinava), và giải thoát (nissarana) – là những thực tế hiện hữu, bức tranh thật của cái mà ta gọi là cuộc đời.
Đức Phật tiếp tục trả lời các câu hỏi của Mahali:
"Này Mahali, nếu sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp bị chi phối bởi lạc, bủa vây bởi lạc, không bị trói buộc với khổ, thì sẽ không bị nhàm chán với các trần. Nhưng này Mahali, vì có khổ và không có lạc thú lâu dài trong các trần này, chúng sẽ thấy nhàm chán, do bị nhàm chán nên không có niềm vui và chấp thủ trong chúng. Do không có chấp thủ thì chúng sẽ tự thanh tịnh."
Khổ có ba phương diện:
Khổ khổ (dukkha-dukkhata): là hình thức khổ thông thường dễ thấy nhất.
Hành khổ (sankhara-dukkhata): là sự không thỏa mãn đối với các pháp hữu vi.
Hoại khổ (viparinama-dukkhata) là sự khổ do vô thường.
Tất cả khổ về thân và tâm như là sanh, lão, bịnh, tử, phải tiếp xúc với những người và hoàn cảnh trái ý, phải xa lìa những người và hoàn cảnh mến yêu, không được những gì mà mình ưa muốn, buồn thương đau khổ tất cả những hình thức khổ thể xác và tinh thần. Tóm lại tám điều khổ này gọi là khổ khổ. Vì nó dễ hiểu và là kinh nghiệm thông thường trong cuộc sống hằng ngày.
Về phương diện triết lý, hành khổ là quan trọng nhất trong khổ đế. Để hiểu nó, ta cần giải thích và phân tích cái mà ta gọi là "tôi," tức là danh sắc (nama-rupa), là một sự phối hợp những năng lực hằng biến của tâm lý và vật lý được chia thành năm nhóm hay năm uẩn (panca-khandhakka). Rupa là sắc bao gồm uẩn thuộc về thân và namma là danh bao gồm 4 uẩn còn lại thuộc về tâm. Sự kết hợp năm uẩn này tạo thành một chúng hữu tình. Đức Phật dạy "Tóm lại, năm uẩn trói buộc là khổ"(Samyutta, V, PTS, p. 421).
Một chúng sanh và thế giới kinh nghiệm thì bị biến đổi liên tục. Chúng tồn tại và mất đi. Tất cả sự quay cuồng, không có một vật gì thoát khỏi sự thay đổi liên tục không ngừng nghỉ, và bởi vì bản chất tạm bợ này, thì không có gì thật sự là niềm vui mãi mãi. Có hạnh phúc nhưng chỉ trong chốc lát, nó chóng tan như bọt tuyết và tạo nên sự buồn chán.
Hoại khổ là loại khổ bất như ý do sự vô thường đem đến. Mọi cảm giác vui sướng mà con người có thể tìm thấy thì dễ mờ nhạt và biến mất. Như Đức Phật đã nói ngay cả các cảm thọ mà thiền giả đạt được do chứng đắc tứ thiền cũng thuộc về loại hoại khổ này. Bởi vì chúng vô ngã (anicca), khổ (dukkha), vô thường (viparinamadhamma). Nhưng khổ được đề cập không nhất thiết là khổ đau con người đang chịu đựng mà ý của Đức Phật ở đây là các pháp vô thường đều là khổ.
Chúng ta bị vô thường trong từng sát na và sự biến đổi này gây ra khổ; vì bất cứ cái gì vô thường đều là khổ (yadaniccam tam dukkham) đều có nghĩa là không có hạnh phúc lâu dài.
Đức Phật không tỏ lộ sự bi quan khi Ngài giải thích chân lý khổ cho các đệ tử và xem đấy là một trở ngại cho sự thực hiện chân lý. Ngược lại Ngài luôn luôn vui vẻ mỉm cười để trình bày rằng:
"Thật sự chúng ta đang sống đầy hỷ lạc,
Chúng ta không có nhiều gánh nặng.
Với hỷ lạc này, chúng ta được nuôi dưỡng,
Giống như chư thiên sáng chói."
Đức Phật khuyến khích các đệ tử không nên bi quan, buồn rầu, phiền muộn, u ám mà phải trau giồi đức tính hỷ (piti) là yếu tố chính yếu để đến đạt giác ngộ. Việc nghiên cứu đúng đắn về Phật giáo sẽ nói với chúng ta rằng đây là thông điệp lạc quan và đầy hy vọng đang chiếu sáng, chứ không phải là một triết lý bi quan yếm thế.
[Phóng dịch từ nguyên tác tiếng Anh "The Timeless Message," của HT. Piyadassi đăng trong tác phẩm "Các Viên Ngọc của Trí Tuệ Phật Giáo" (Gems of Buddhist Wisdom), CBBEF, Taiwan, 1996, trang 35-49].
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.
--- o0o ---
Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định