Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 10

16/04/201318:25(Xem: 4184)
Quyển thứ 10

ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC LUẬN

(Siksasamuccaya)

Thích Như Điển dịch

---o0o---

Quyển thứ mười
Thứ tự Kinh văn số 1636
Bắt đầu dịch từ ngày 25 tháng 11 năm 2004
Nhân kỳ nhập thất lần thứ hai tại đây.

Phẩm Hộ - Thọ Dụng Phước

(Bhogapunyarksa Sap Tamah Paricchedah)

Phẩm thứ bảy - Phần thứ hai.

Kinh Bảo Tích chép rằng: “Phật bảo nầy Ca Diếp! Nếu Bồ Tát đầy đủ bốn pháp như thế, tức chưa sanh thiện pháp làm cho diệt. Thiện pháp sanh rồi lại chẳng tăng trưởng. Thế nào là bốn? – nghĩa là đối với thế gian tham đắm, quá mạn; nói lời xảo trá, đắm trước lợi dưỡng; Thuộc mầm mống lạc quan ít tán dương Bồ Tát. Đối với việc chưa nói chưa nghe của khế kinh mà đã sanh hủy báng”.

Lại nữa Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) chép rằng: “Như thế, tóc, lông, móng tay, tháp cho đến những phần của thân thể , thấy rồi sinh lòng tin thanh tịnh phát tâm cung kính, Đại Đức Tỳ Kheo , Tỳ Kheo Ni nầy, từ mặt đất, đi quá tám vạn bốn ngàn Do tuần đến Kim Luân Tế tầng, Tỳ Kheo có gặp được trăm ngàn lần Chuyển Luân Thánh Vương thọ dụng phước báu. Cho đến vị Ưu Ba Ly hướng đến trước Như Lai chấp tay cung kính mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu Phật nói Tỳ Kheo nầy có căn lành như thế rất lớn. Bạch Thế Tôn! Vì sao lại có căn lành mà Ngài đã nói điều nầy thường có thể tan hoại?

Phật bảo: Nầy Ưu Ba Ly! Nghĩa là nhẫn với sự động loạn nầy mà tùy theo kia thấy, như kẻ phạm hạnh gần gũi phạm hạnh. Nầy Ưu Ba Ly! Do đối với thiện căn chẳng rộng rãi nên ngươi đối với việc nầy thường có thể bị hoại diệt. Nầy Ưu Ba Ly! Cho nên phải học. Lại nữa nếu tích chứa cỏ rác nơi chỗ đốt, tâm có thể không hoại; huống là thân thức kia”.

Kinh Văn Thù Thần Biến (Manjusri-Vikridita-Sutra) chép rằng:” Đối với kẻ hại kia, trong trăm kiếp tích tu điều thiện nầy; có giảm thấp gọi là đối hại”.

Kinh Hoa Nghiêm chép:”Khổ cứu chúng sanh là cái đức cao cả làm nhân duyên cho thần ban đêm như trước đã nói”

Luận rằng:

Ngay lúc đó cùng nhau hủy báng; tăng sự bất thiện căn bản, giảm thọ số lượng vô cùng, sắc lực an ổn tất cả đều giảm thiểu. Chẳng còn một phần ít nào cho thấy sự lợi ích cả. Tuy nói truy cầu danh tướng lợi dưỡng để làm việc cao ngạo.

Như Kinh Bảo Tích chép: “Phật bảo: Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát được của quý dồn lại như núi Tu Di rồi lấy đem cho người ta; hoặc được tiền bạc, lại lấy cho kia. Vì sao vậy – Vì họ suy nghĩ như thế nầy, do chúng sanh tham lam tật đố hay tranh dành vật chất giữa mình và người . Do nhân duyên đó nên bị chìm đắm trong biển sanh tử. Ta muốn giúp cho người trong đêm dài đó được lợi ích an lạc, cho nên thọ của thí mà cuối cùng chẳng cho rằng việc ấy gọi là có. Lại cũng chẳng khởi tâm tham trước, duy chỉ vì sự cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sau đem bố thí tiếp cho tất cả chúng sanh, như kẻ bần khổ được đời sống linh hoạt. Lại làm cho kẻ thí sanh nhiều hoan hỷ, giống như nói, được của thí không kiêu mạn . Người ấy lại cũng nói: Giả sử có người đến bố thí nhân duyên, ca tụng xưng tán; người nầy chẳng sanh cao hứng; cũng chẳng kiêu mạn. Lại nữa nếu đối với ta, mà ca tụng xưng tán khởi lên tức là diệt mất tức thì không còn dài lâu. Giả sử tái diễn ba lần ở nhiều nơi khác ca tụng xưng tán , thì phải nên hiểu như thế nào? Nghĩa là các pháp vô thường , vô trụ, vô lực, khiến cho tâm thấp hèn kia chớ sanh cống cao; chớ có kiêu mạn. Như thế Bồ Tát đối với danh thơm , lợi dưỡng , ca tụng, xưng tán v.v.. tất cả đều trụ nơi chánh niệm”.

Kinh cũng chép:”Giống như người Chiên Đà La du hành trong thế gian, có ý hạ tiện được lìa kiêu mạn. Tùy theo chỗ ở rồi sanh ra nhớ nghĩ việc đi xin ăn”.

Lại như Kinh chép: “Nầy Thiện nam tử! Một là Bồ Tát nếu xả tục xuất gia,, vì các thân quyến, bạn hữu ở chỗ xả bỏ. Cũng giống như tử thi, mà với nhân duyên nầy thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Hai là hủy hoại hình hài, mặc y hoại sắc, thân hình khác tục. Đây là nhân duyên để thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Ba là cạo tóc, tay mang bình bát. Ở chỗ người thân hoặc chẳng thân du hành khất thực. Đây là nhân duyên thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Bốn là như người Chiên Đà La ti tiện dụng tâm đi du hành khất thực. Đây là nhân duyên thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Năm là do khất thực mà được toại ý được sanh thành vì kia mà trói buộc. Đây là nguyên nhân thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Sáu là tuy vì kia hủy báng, vì sự khất thực mà lại thọ của thí kia. Đây là nhân duyên thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Bảy là tôn trọng cống hiến A Xà Lê, mà đây là nhân duyên thôi thúc sự ngã mạn. Tám là đi đứng uy nghi , an tường bình tĩnh;làm cho kẻ phạm hạnh thấy rồi hoan hỷ. Đây là nhân duyên điều phục thôi thúc sự ngã mạn. Chín là nơi Phật, người chưa được nguyện sẽ được. Đây là nhân duyên thôi thúc điều phục sự ngã mạn. Mười là khởi tâm sân hận loài hữu tình; lại có nhiều việc nhẫn nhục. Đây là nhân duyên thôi thúc điều phục sự ngã mạn”.

Lại nữa Kinh Hải Ý chép rằng: “Nếu Bồ Tát được thân thanh tịnh; đầy đủ trang nghiêm tay chân mềm mại; thù diệu, khả ái thành thục phước ái sanh ra nơi thân. Các căn không giảm; thân hình tròn đầy; mà đối với hình tướng đẹp đẽ đó lại chẳng làm say mê người. Chẳng phải vì thân trang nghiêm mà mong niềm vui nơi xúc chạm. Nếu chúng sanh có mỗi mỗi sắc tướng khác nhau mà Bồ Tát lúc ấy vì cầu pháp, nên khiêm hạ cung kính”.

Kinh lại chép rằng:”Giống như ở biển cả dưới đất sâu; nơi mà tất cả sông ngòi và những khe rạch đều chảy vào. Bạch Thế Tôn! Bồ Tát kính trọng Thầy Tổ tâm chẳng cao ngạo cũng lại như thế. Tất cả pháp môn sâu xa và những việc lành vi tế ở nơi nhĩ căn nầy mà mau được thâm nhập . Bạch Thế Tôn, Bồ Tát nên an trụ nơi chánh niệm như thế. Nếu cống cao ngã mạn chẳng tôn trọng sư trưởng; lại chẳng lễ bái cung kính, thì phải biết Bồ Tát đây bị ma dắt dẫn chế ngự”.

Lại nữa như Phẩm Xuất Thế Gian (Lokottaratarivarta) chép: “Hoặc bảo nầy Phật Tử! có mười loại ma sự. Thế nào là mười?

Một là đối với Hòa Thượng, A Xà Lê, Cha Mẹ, Sa-môn, Bà La Môn ở nơi chánh hạnh hướng về chánh đạo mà chẳng khởi niệm tôn trọng, đây là ma sự.

Hai là đối với Pháp Sư thuyết pháp thù thắng , với pháp Đại Thừa thậm thâm, sự liễu đạt con đường Niết Bàn, với khế kinh tổng trì vương, với sự tịch tĩnh; chẳng khởi niệm tôn trọng, chẳng chịu khéo nghe, đây là ma sự.

Thứ ba đối với chúng hội nghe thuyết pháp , đối với Pháp Sư chẳng hoan hỷ tán thán lời hay đẹp; huống nữa khởi lòng tin tưởng thanh tịnh, đây là ma sự.

Bốn là khởi lên sự ngã mạn, cố chấp nơi mình, lăng nhục người khác; Sự hiểu biết với tâm hẹp hòi, ngắn cụt, không chỗ tham khảo, đây là ma sự.

Năm là khởi tâm ngã mạn, tự mình chẳng chịu nghe lời A La Hán và Bổ Đặc Già La (chúng sanh), nhằm che đậy cái đức cao quý của họ và cho rằng chẳng như mình; Việc đáng xưng tán chẳng xưng tán, đây là ma sự.

Sáu là dù rõ biết đây là pháp, đây là luật, đây đúng là lời Phật dạy, pháp nầy vì người khiêm nhường mà diễn nói pháp khiêm nhường, nhưng lại hủy báng chánh pháp, lại thọ trì riêng, đây là ma sự.

Bảy là tự cầu chỗ ngồi cao, nghĩa là cho rằng hành đạo chẳng nên gần gũi kẻ chấp sự. Mà người kia tu phạm hạnh lâu, là bậc đại đức kỳ cựu, lại chẳng khởi sự thừa nhận cung nghinh, đây là ma sự.

Tám là dung mạo chẳng ổn thỏa có nhiều tật xấu. Lời nói cực thô với tâm ti tiện quá ác, đây là ma sự.

Chín là tăng thượng mạn ưa nghe điều hí luận, chẳng gần bậc có đức, chẳng sanh cung kính. Lại chẳng thưa hỏi ai là người lành, ai là kẻ chẳng lành. Ai là kẻ nên làm. Ai là kẻ chẳng đáng làm. Lại nữa chỗ nào làm nơi đêm tối mà được an lạc lợi ích. Lại nữa chỗ nào làm trong đêm tối mà chẳng được an lạc lợi ích. Suy ám cùng kiêu mạn giữ chỗ bất minh mà cho là đúng. Đây là ma sự.

Mười là do ngã mạn che khuất, giả sử có Phật ra đời lại cũng xa lìa. Đánh mất thiện căn chẳng khởi niệm tốt. Nói điều chẳng đáng nói, lại hay khởi lên sự đấu tranh, nghĩa là pháp hành nầy phản lại, rơi vào chỗ tà ác. Đối với Bồ Đề Tâm, căn lực thánh tài chẳng thể được. Trong trăm ngàn kiếp thường chẳng gặp Phật. Huống lại nghe pháp. Đây là mười loại ma sự. Phật bảo: Nầy Phật Tử! Bồ Tát xả bỏ mười loại ma sự nầy được mười loại sự nghiệp trí tuệ”.

Luận rằng:

Ở đây sự nghiệp của trí tuệ là nói việc hóa độ tất cả chúng sanh.

Kinh Hộ Quốc chép rằng:”Người kia đọa vào tội kéo xe ở nơi biên địa, sanh ở nơi bần cùng. Đui mù câm điếc, chẳng có uy đức, gần gũi người ngu, chấp trước ngã mạn”.

Lại như Kinh Phát Tập chép: “Nghĩa là các Bồ Tát muốn giữ lấy Phật địa; tức lấy chúng sanh làm Phật địa. Do đây mà được Phật pháp. Chẳng hoại chánh hạnh. Nghĩa là những thiện hạnh và ác hạnh chẳng nương vào nơi chúng sanh mà chuyển hóa. Do vậy kẻ ác hạnh nương vào tội ác mà khởi lên. Còn kẻ thiện hạnh thì nương vào loài người và chư Thiên”.

Kinh Bảo Quang Minh Đà La Ni (Ratnolkadharane) chép rằng: ”Phật bảo: Nầy Phật Tử! Bồ Tát sơ phát tâm trước tiên đối với tất cả chúng sanh mà phát ra mười loại tâm. Thế nào là mười? Đó là tâm lợi ích, tâm an lạc, tâm lân mẫn, tâm nhuần trạch, tâm ái lạc, tâm nhiếp thủ, tâm thủ hộ, tâm bình đẳng, tâm giáo hoá, tâm xưng tán. Đó là mười loại phát tâm để vào năng lực tin và hiểu”.

Kinh Tài Ấn chép: “Ta đã được tất cả chúng sanh làm đệ tử; lại làm cho họ đối với tất cả chúng sanh độ làm đệ tử nữa, để được an ổn. Điều quan trọng là trước tiên ta ở nơi đó cung kính lễ bái; rồi giáo hóa cho tất cả chúng sanh cũng ở nơi đó cung kính lễ bái.

Lại như Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết chép rằng: “Nếu vui nói thế gian thanh tịnh chẳng có khó khăn, tùy theo nơi giáo hóa điều phục tất cả loài hữu tình sanh về thế giới thanh tịnh của chư Phật”.

Luận rằng:

Nếu rửa chân ngồi nơi chỗ ngồi suy nghĩ; nên làm việc ái lạc tôn trọng ra sao.

Cho nên Kinh Hoa Nghiêm chép:”Lúc bấy giờ có một vị Vua tên là Pháp Âm Cái. Ở trước đại chúng ngồi trên tòa Sư Tử; có nhiều người lúc ấy đứng chắp tay ở phía trước rồi cung kính tác lễ vị Vua.

Lúc ấy vua Pháp Âm Cái, thấy các vị đến xin ăn, sanh tâm hoan hỷ rất là bi mẫn. Giả sử trong ba ngàn thế giới đều làm Chuyển Luân Vương trải qua vô số kiếp; lại được niềm vui thắng diệu hơn trước đã nói. Cho đến Tịnh Cư Thiên Vương nơi vô số kiếp, hành pháp môn tịch tĩnh giải thoát; lại nhiều hơn trước đã nói.

Nầy Thiện nam tử! Nếu có người tuy thực hành lòng yêu thương muốn cho cha mẹ huynh đệ tỷ muội bằng hữu, nam nữ vợ con, thì nên xa rời lâu dài. Sau đó ở nơi hoang dã tu tỉnh tự nhiên trực ngộ. Rồi tự hỏi việc sanh yêu thương , quán sát chiêm nghiệm chẳng có che giấu.

Nầy Thiện nam tử! Vua Pháp Âm Cái nầy lại cũng như thế. Khi thấy ai đến xin, thì thật vui vẻ. Tâm sanh hỷ lạc, phát khởi tối thượng tâm hy hữu. Cho đến nơi những vị đi xin ấy tưởng như con; tưởng như cha mẹ; tưởng là chỗ sanh ra phước điền; tưởng là thiện tri thức; tưởng là lực kiên cố; tưởng là thật khó được; tưởng là việc khó làm có thể làm; tưởng là chỗ làm nhiều; tưởng là chỗ tối thượng thành tựu biện tài; tưởng là chỗ gần gũi đạo Bồ Đề; tưởng là chỗ giáo huấn của A Xà Lê. Như thế những kẻ đến biết tánh của chúng sanh là chỗ thừa sự. Bình đẳng vô ngại xả bỏ tất cả. Ngay cả bỏ xác thân nầy như chỗ mong muốn. Lại nữa tìm chỗ thanh tịnh trang nghiêm đẹp đẽ; xả bỏ tư lợi ấy là niềm vui”.

Luận rằng:

Cho đến người chủ hoặc kẻ tịnh tín, chờ đợi từ xa lại sẽ thanh tịnh. Chỉ vẽ cho đầy đủ sự lợi lạc. Nên như thế mà nghỉ ngơi. Hướng đến thân của Tỳ Kheo có tật bệnh. Ngày xưa đức Phật Thế Tôn cũng thường làm việc ấy.

Như Luật Tỳ Kheo Tạp Tụng (Bhiksuprakirnaka) chép rằng: “Phật bảo: Nầy Phật Tử! ngươi chớ nên đối vớí Tỳ Kheo đang bị bệnh, lơ là và bỏ mặc, mà chính ta đối với Tỳ Kheo đó, còn tôn trọng, giúp đở mọi việc, như mang y đến cho Tỳ Kheo bị bệnh nầy, thậm chí tắm rửa.

Nghe thế A Nan bạch Phật rằng:

-Kính bạch đức Thế Tôn! Như Lai đừng nên tắm rửa Tỳ Kheo bị bệnh và giặt y áo che chỗ bất tịnh. Việc ấy để cho con làm.

Phật bảo A Nan! Ngươi nên giặt y cho vị Tỳ Kheo bệnh nầy. Còn Như Lai sẽ đích thân và tự tay chăm sóc tắm rửa cho ông ấy.

Lúc bấy giờ Ngài Tuệ Mệnh A Nan Đà giặt y cho vị Tỳ Kheo bệnh kia. Còn Như Lai đích thân lấy nước, tự tay tắm rửa cho vị thầy bệnh.

Lúc bấy giờ Ngài Tuệ Mệnh A Nan Đà nói với thầy Tỳ Kheo bệnh rằng: Lành thay! Ông ngồi dậy, tôi chờ ông ngoài nầy. Thầy Tỳ Kheo ấy ra ngoài, Như Lai đích thân, tự tay mình tắm rửa cho Thầy Tỳ Kheo bệnh ấy và nói với A Nan bài kệ rằng:

Ngươi nên làm nhiều việc

Hoan hỷ để cứu độ

Đừng vì chút ưu khổ

Mà xa lìa chúng sanh

Nếu ngươi tín tịnh thanh

Thành tựu ruộng phước lành

Mà ở trong thế gian

Chẳng rời bỏ chúng sanh

Ý kiên cố tu hành

Chỉ thuần là nước sữa

Tôn kính lời chư Thiên

Thường cung kính bậc trên

Giống như vợ mới cưới

Làm việc chẳng chấp nhất

Độ chúng sanh vô tận

Giải thoát rất rộng sâu

Nếu hiện tiền tôn trọng

Cao chót vót ước mong

Ngay nơi tóc chúng sanh

Một lòng lại chẳng động

Nếu đọa ngục A Tỳ

Bây giờ tạo mãi đi

Rộng vì đó giải thoát

Việc lành tu thành đạt

Tự ngã làm chủ tể

Ta thật chẳng có được

Đối với kẻ tạo ác

Chẳng bao giờ khinh mạn

Các căn đều hỷ lạc

Khổ ấy vào phiền não

Do hỷ, căn thanh tịnh

Hóa độ rộng thênh thang

Chúng sanh nếu có khổ

Xem thân như lửa cháy

Tâm dục khởi hẫy hừng

Dùng phương tiện lân mẫn

Thương kẻ tạo tội khổ

Vì thế cầu giải khổ

Nếu khổ cũng phải nhẫn

Như tội mà sám hối

Giả sử như Thế Tôn

Đầu đến chân đều hoại

Từ bỏ hết thế gian

Tiếp nối đức Như Lai

Phụng sự các chúng sanh

Lân mẫn chẳng nghi hoặc

Thấy và làm như thế

Do đâu chẳng tôn kính

Ta gần gũi Như Lai

Chí thành nơi tự lợi

Vì trừ khổ thế gian

Cho nên trì tịnh giới

Như có người sức mạnh

Đập phá chúng tu hành

Chúng sanh thấy như thế

Chẳng muốn làm người nầy

Lại nếu có người mạnh

Mỗi mỗi như sức vua

Không uy đức nào bằng

Sao có thể chinh phạt

Giả sử gặp bạo chúa

Trị quan ngục tốt kia

Có lòng thương, sức mạnh

Phổ độ nơi quần sanh

Giận vì lý do gì

Cũng giống như ngục khổ

Nếu não bức chúng sanh

Tạo ra phải thọ lấy

Vui thay chỗ bố thí

Há dễ được chánh giác

Nếu thuần thục chúng sanh

Bố thí lại cũng thọ

Người sau sẽ thành Phật

Cứu độ hết chúng sanh

Vì sao chẳng quán tưởng

Hiện tiền xưng tán Phật

Nguy nguy thân thanh tịnh

Tuổi thọ thật lâu dài

Chịu được nhẫn sanh tử

Chuyển Luân Vương vui vẻ

Nếu tâm từ cúng dường

Gọi là đại chúng sanh

Phật phước báu thanh tịnh

Vì Phật có tướng nầy.

Luận rằng:

Tu quán từ tâm như Kinh Nguyệt Đăng chép:”Cho đến cúng dường vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức bất khả xưng lượng (Ca La Tần Bà La) và chư Phật quốc độ. Sự cúng dường như thế chẳng bằng một niệm từ bi. Như thế lần lượt cung kính cúng dường, thường được xa lìa sự cống cao , như giáo pháp đã tuyên dương”.

Luận rằng:

Người nhất tâm được giải thích như trong Kinh Bảo Vân chép: “Nầy Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát chẳng như lý? – Vì Bồ Tát gặp nơi nhàn tịnh, ở chỗ không tạp loạn, phát tâm như thế. Ta do tiếp xúc chỗ nhàn tịnh, chỗ chẳng tạp loạn vậy. Tuy ta thuận theo pháp của Như Lai, còn ngươi và các Sa Môn, Bà La Môn đều ở nơi tạp loạn. Ở trong vòng luân hồi bị đắm nhiễm vào nhiều nơi, chẳng thể thuận theo pháp luật của Như Lai. Cho nên Bồ Tát được việc không như lý mà tạo tác”.

Kinh lại cũng chép: “Lúc Bồ Tát khởi tinh tấn; đối với hạnh tinh tấn, chẳng xa lìa lời dạy sai lầm; nghĩa là chẳng tự mình tạo nên cái đức của mình; lại chẳng lăng nhục người khác, cho nên gọi là Thiện Huệ phát sanh. Do đối với tự thể tu tập, cầu sám hối. Như thế Bồ Tát được khiêm hạ tinh tấn”.

Luận rằng:

Trên đây là lược nói về sự hộ thọ dụng phước báo. nếu người hướng đến Bồ Đề, như Kinh Vô Tận Ý chép:”Phật bảo nầy Xá Lợi Tử! Nếu có người ít căn lành hồi hướng đến Bồ Đề; có đến ngồi nơi đạo tràng Bồ Đề, cuối cùng không tan mất. Giống như một giọt nước rơi vào trong biển cả, ở trong kiếp biên tế, chung quy vẫn không tan hoại”.

Thanh Tịnh

(Papasodhanam Astamah Paricchedah).

Phẩm Thứ Tám. Phần một

Luận rằng:

Nói về việc hộ thân có ba loại thanh tịnh. Nay sẽ nói ý nghĩa nầy. Thế nào là thân thọ dụng thanh tịnh đầy đủ an ổn? - Nếu người nào ở nơi thân hiện thanh tịnh về sự ăn uống, thành thục Chánh Đẳng Bồ Đề; như Kinh Bí Mật Đại Thừa (Tathagataguhya-Sutra) chép rằng: “Lại nữa Bồ Tát ở trong thành ấp lớn, rộng rãi, có đầy đủ trăm ngàn vô số chúng sanh. Đại Bồ Tát hiện ra tướng chết ở cõi bàng sanh trong thân chúng sanh, cho đến việc ăn thịt, mà khi mạng chung vẫn được sanh thiên giới vào cảnh giới lành. Đây là nhân duyên mãi cho đến khi vào cảnh Niết Bàn. Vì nguyện của Bồ Tát trước đây thanh tịnh cho nên suốt thời gian dài hoàn thành hạnh nguyện Bồ Tát luôn luôn mang lại lợi lạc cho chúng sanh, thậm chí cho đến khi lâm chung cũng có thể xả bỏ thân nầy làm thịt cho chúng sanh thọ hưởng. Đây là nhân duyên được sanh thiên giới; cho đến rốt khi được vào được Niết Bàn. Nếu thành tựu việc trì giới; thành tựu việc tư duy; thành tựu sự kêu cầu; hạnh nguyện trước đây được đầy đủ như thế”.

Kinh cũng chép: “Vì mang lại an lạc cho chúng sanh cho nên Ngài hiện lên pháp thân sáng rỡ; trí tuệ tịch tịnh, giống như đời sống của vị thầy thuốc tập trung các thuốc hay, khéo hòa hợp thành tướng người nữ rất thù diệu đoan chánh, đi đứng, ngồi, nằm đều đoan trang, ai thấy cũng vui. Có các Quốc Vương, Vương tử, Đại thần, Quan trưởng, Trưởng giả, Cư sĩ, đến chỗ Y Vương mà thỉnh cầu cầu cho mạng. Lúc ấy, lấy viên thuốc linh diệu tướng người nữ đó mà cho mang đi. Do sự cho mang đi nầy mà tất cả đều được khinh an chẳng còn bệnh não nữa”.

Phật bảo Tịch Huệ! Vả lại ngươi xem đây là đời sống của Y Vương, sâu trồng những thuốc hay để trừ bệnh cho thế gian; mà trừ Y sư ra chẳng có ai có trí như thế. Nầy Tịch Huệ! Sự hiện ra ánh sáng pháp thân của Bồ Tát cũng như thế. Cho đến nam tử nữ nhơn, đồng nam đồng nữ đối với các chúng sanh , vì tham sân si thay đổi mà thân nầy bốc cháy. Nếu ở trong khoảng khảy móng tay mà tất cả phiền não xa lìa sự đốt cháy, thì thân nầy được nhẹ nhàng. Cho nên Bồ Tát nguyện trước thật được thanh tịnh vậy.

Luận rằng:

Ý nghĩa thanh tịnh của thân đây giống như cỏ bị che mà chẳng thấy; mầm Bồ Đề bị phiền não che khuất, lại chẳng tăng thắng duyên; Nếu không đối trị bằng sự tư duy và kêu cầu, làm sao có thể giải thoát và làm cho kẻ kia được tăng trưởng. Ngươi cùng thế gian nhất tâm như thế; tội nghiệp thanh tịnh tức là thần khí thanh tịnh gọi là chánh giác. Lại nữa kẻ tội, được thanh tịnh.

Như Kinh Tứ Pháp chép:”Phật bảo nầy Từ Thị! Nếu Bồ tát Ma Ha Tát thành tựu bốn pháp; trước tiên phải diệt tội đã tạo chứa trong lâu dài. Thế nào là bốn?

Nghĩa là sám hối những tội lỗi, đối trị những việc làm; dừng bỏ những việc làm và nương tựa sức mạnh vào việc hối lỗi những việc làm kia. Đối với những việc làm bất thiện nghiệp đa phần được cải hối. Hai là việc làm đối trị, khi tạo bất thiện nghiệp rồi sẽ trở thành thiện nghiệp. Phải lấy sự lợi ích mà đối đãi với nhau. Ba là dừng lại những việc làm do đọc tụng những cấm giới chẳng hủy phạm. Bốn là nương vào sức mạnh của việc làm , nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng Bảo, lại chẳng bỏ mất tâm Bồ Đề. Do đây có thể nương tựa vào một lực lớn, quyết định diệt trừ tội kia.

Phật bảo nầy Từ Thị! Đây là Đại Bồ Tát thành tựu bốn pháp diệt trừ những tội đầu tiên đã tạo ra trong lâu dài.

Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận

Hết quyển thứ mười

---o0o---

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567