Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Duy thức tông ra đời và phát triển Tại ấn độ và trung hoa

14/09/201107:19(Xem: 5338)
Duy thức tông ra đời và phát triển Tại ấn độ và trung hoa

phat thuyet phap


DUY THỨC TÔNG RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

TẠI ẤN ĐỘ VÀ TRUNG HOA

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
 

 

Đức Thích Ca Mâu Ni trải qua nhiều năm khổ tu, cuối cùng đã thành bậc Đẳng Chánh Giác, thành Đức Thế Tôn, tự mình đạt tới cảnh giới giác ngộ thực sự. Để thích ứng căn cơ của chúng sinh, Đức Thích Ca Mâu Ni đem chân lý hoàn mỹ do mình chứng ngộ biểu thị ra, Ngài đã dùng các loại phương pháp khác nhau để giác ngộ chúng sinh. Có khi Ngài giảng cho một người nghe, có khi Ngài giảng cho đông đảo đại chúng nghe, cũng có khi Ngài giảng cho chư Thiên trên trời nghe nữa. Bằng phương pháp hiệu nghiệm như thế, Đức Thích Ca Mâu Ni đã thuyết pháp trong vòng gần 49 năm. Những gì Ngài thuyết giảng trong thời gian lâu dài ấy, nhiều và đa dạng thì thử hỏi làm sao một người nào đó, dù thông minh tài trí đến mấy, có thể thuật lại lại đầy đủ và chuẩn xác toàn bộ lời giảng của thầy?

Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn thì chúng đệ tử của ngài không còn được người thầy toàn năng trực tiếp dạy dỗ, chỉ đạo nữa. Bấy giờ, đại đệ tử là Ma ha Ca Diếp đứng ra huy động 500 đệ tử khác của thầy Thích Ca mâu ni, tổ chức cuộc kết tập Phật pháp với mong muốn Phật pháp trường tồn với đời, không phải lâm vào cảnh Phật mất thì Pháp bị diệt. Công đức ấy thật là phi thường!

Song le, cuộc đại hội kết tập lần đầu ấy chỉ tập hợp có 500 đệ tử trong số hàng ngàn đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni, lại chỉ diễn ra trong vòng có ba tháng, nên thành quả của lần kết tập ấy chỉ gồm ý kiến của một số người tuy là những người nòng cốt gần gũi với thầy hơn cả, cũng không thể làm mãn ý tất cả được. Vì thế, có thể cho rằng, quan điểm của lần kết tập ấy thuộc riêng của hệ Ma ha Ca Diếp, không thể đại diện cho toàn thể Phật giáo đồ.

Nhất định là lần kết tập đầu tiên ấy còn để sót và có những chỗ chưa thật đúng những lời Phật dạy. Ngay trong thời bấy giờ, có người đã phát biểu “Chúng tôi cũng muốn kết tập”, cho thấy tình huống thực tế của việc kết tập đầu tiên là chưa thật sự hoàn chỉnh.

Trong lần kết tập đầu tiên có thể gọi là thuộc đợt kết tập Ma ha Ca Diếp ấy, kinh sách tập hợp được chỉ do một người còn nhớ đọc ra cho hội nghị nghe (A Nan), rồi mọi người trong hội nghị thẩm định. Bấy giờ cũng không có việc ghi chép, rồi trải qua nhiều lần khẩu truyền từ người trước qua người sau thì tránh sao khỏi sai sót, nhầm lẫn, tam sao thất bổn, đảo lộn thứ tự. Phải đến hơn hai trăm năm sau, vào thế kỷ thứ III trước CN, thời vua A Dục [A Dục vương (273 - 232 trước CN)] mới xuất hiện kinh Phật bằng chữ viết. Tuy nhiên, văn tự ghi chép các kinh sách thời vua A Dục còn trong tình trạng sơ khai, rất lộn xộn, khác nhau về chủng loại, thủ xả, xuất nhập thì có thể suy đoán mà biết được rằng những ghi chép kinh sách vào thời vua A Dục khó mà đảm bảo đúng hoàn toàn được. Lại nữa, trong giới Phật giáo thời bấy giờ đã đậm sắc thái tông phái, tông phái nào cũng muốn làm cho thích ứng lý luận của tông phái mình thì chẳng những thêm bớt câu chữ trong Kinh, Luật, kể cả những câu chữ chưa chắc có thật là lời Đức Thích Ca Mâu Ni giảng hay không nữa. Qua diễn trình như vậy, thì bộ phận Kinh Luật của thời ấy hiện tồn, có thể nào cho rằng Kinh, Luật ấy đã khái quát giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni hay không? Có thể nào cho rằng Kinh, Luật ấy là đại biểu nghiêm túc nhất cho Phật giáo hay không?

Nhóm Ca Diếp, A Nan, Ưu Bà Ly đứng ra chủ trì việc kết tập lần đầu. Kết quả đã được các nhà vua cùng với các đại thần thời bấy giờ bảo hộ, quảng bá rất mạnh. Giáo pháp Tiểu Thừa trở thành chủ lưu, trong khi giáo pháp Đại thừa vẫn còn tiềm ẩn.

Ba trăm năm sau nữa thì kinh điển Đại thừa mới thấy lưu hành. Những gì từ kinh Đại thừa viết ra không thể phân ra cái nào trước cái nào sau so với kinh điển Tiểu thừa. Kinh điển Đại thừa lại được nhiều lần kết tập nữa, lại sản sinh nhiều tông phái, ngày càng dùng biểu tướng sự vật mà phát triển hoành tráng, hình thành lý luận cơ bản cho học thuyết của mỗi tông phái.

o0o

Trong vòng khoảng sáu trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt thì xuất hiện Bồ tát Mã Minh, người đầu tiên tạo lập mầm mống giáo pháp Đại thừa và bắt đầu ra sức đề xướng Phật pháp Đại thừa. Sau đó, Bồ tát Long Thọ ra đời, nối tiếp Bồ tát Mã Minh. Dựa theo “Đại Bát Nhã kinh”, Long Thọ đã soạn các sách “Trung luận”, “Bách luận”, “Thập nhị môn luận”. Bồ tát Long Thọ đả phá các phái Hữu chấp, xiển dương tư tưởng Không nghĩa rốt ráo của Đại thừa. Từ đó, tư tưởng Không nghĩa của Đại thừa trở nên hưng thịnh. Tư tưởng Không nghĩa của Đại thừa chiếm thế chủ lưu, song ý nghĩa về Không rốt ráo không phải được toàn thể chúng sinh tiếp thu dễ dàng, chỉ những người thượng căn lợi trí thông giải, còn những người liệt căn độn trí thì không dễ gì.

Trong vòng khoảng chín trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt thì xuất hiện Bồ tát Vô Trước. Ban đầu, Vô Trước xuất gia tu học với phái Nhất thiết Hữu Bộ thuộc phái Phật giáo Tiểu thừa, tu tập Không quán. Tu Không quán chừng đã quá lâu mà chẳng thấy hiệu nghiệm, tinh thần bế tắc quá, Vô Trước tính tự sát, nhưng rồi chợt nhớ đến tôn giả Tân Đầu Na có lần đến giáo hóa, lý giải rất sâu sắc. Bấy giờ, trong lòng Vô Trước tuy chưa thấy thỏa mãn vì cho rằng theo đạo lý ấy thì không thể viên mãn. Thế rồi, Vô Trước chứng ngộ Đại Thừa không nghĩa. Vô Trước còn muốn cho người đời tin tưởng hơn, liền thuyết giảng các Luận của Đức Di Lặc như “Du già sư địa luận”,“Biện trung biên luận” và nhiều Luận khác nữa. Vô Trước đã ra sức hoằng dương giáo pháp thâm mật ở thời kỳ thứ ba. Vô Trước căn cứ vào các kinh luận như “Giải Thâm mật kinh”, “Du già sư địa luận”, rồi viết sách “Nhiếp Đại Thừa luận thích”, hoằng dương giáo nghĩa Tam tính Duy thức. Đến cuối đời, Vô Trước viết sách “Duy Thức tam thập luận”, trở thành khoa vàng luật ngọc của Duy Thức tông. Sau đó, lại được Thập đại luận sư quảng thích sách Luận này của Vô Trước khiến cho Duy Thức tông đại hưng thịnh, trở thành chủ lưu trong dòng chảy Phật giáo.

Phật Đà trụ thế mấy chục năm, Ngài giáo hóa chúng sinh và đi thuyết giảng nhiều nơi, mà Ngài thuyết pháp căn bản nhất là về “Vô ngã mà có nghiệp quả”, chân lý mà đích thân Phật Đà chứng ngộ, rồi Phật Đà tuyên dương rộng rãi một cách rõ ràng những gì bản thân mình phát hiện ra, đã làm một đợt càn quét những kế chấp chủ tể và thực ngã của các tôn giáo thần quyền thời bấy giờ tại Ấn Độ. Nhưng thuyết pháp của Phật Đà mang hàm nghĩa rất sâu sắc, Không là vì từ vô thủy đến nay chúng sinh quen tiếp thu vọng chấp hữu ngã, cho nên chỉ nhận thấy những biểu hiện về mặt hiện tượng của sự vật. Vô ngã mà có nghiệp quả, có vẻ rất mâu thuẫn, bởi vì không có tôi (vô ngã) thì ai chi phối nghiệp quả? Thật là khó hiểu!

Khi Đức Phật còn tại thế, các đệ tử đã từng đem vấn đề này hỏi Phật, thì tùy người hỏi, Đức Phật dùng công đức trí tuệ mà khai thị cho riêng người ấy. Mọi người đều được thông hiểu nhờ được đích thân Đức Phật giải rõ hết. Nhưng sau khi Đức Thích Ca mâu ni nhập diệt, không còn bậc đại trí tuệ dạy bảo thì chúng đệ tử đối với vấn đề “Vô ngã mà có nghiệp quả”, tuy bản thân họ có thể tiếp nhận được. nhưng không thể giải thích thật đầy đủ và rốt ráo cho những người thắc mắc hỏi mình, nhất là vấn đề về “Vô ngã mà có nghiệp quả”, mà không giải thuyết thỏa đáng thì không xong. Vì thế, các phái Phật giáo đều dựa vào Thánh giáo lý để tìm căn cứ giải quyết vấn đề trọng tâm này của Phật giáo, như các phái Phật giáo Tiểu Thừa Sa Bà Đa Bộ, Độc Tử Bộ, Đại Chúng Bộ, Hóa Địa Bộ, Chánh Lượng Bộ, Thượng Toa Bộ, Kinh Bộ đều chú trọng giải quyết vấn đề “Vô ngã mà có nghiệp quả”.

Một khi Hữu kế chấp đối với mình tức là mình đã rời quá xa giáo nghĩa “Vô ngã mà có nghiệp quả” của Phật Đà rồi đó! Vì thế mà Bồ tát Long Thọ ra đời để kế đối chấp hữu, đề xướng thuyết Đại thừa không nghĩa, đồng loạt càn quét Hữu chấp của các phái Phật giáo thời bấy giờ, làm cho tư tưởng Không tông rực sáng. Trừ bỏ kế chấp của thực hữu, chấp trước của Không lại sản sinh ra, đáng thương cho chúng sinh không chấp Không mà lại chấp Hữu..

Trong vòng khoảng chín trăm năm sau khi Đức Phật diệt độ, Bồ tát Vô Trước ra đời làm việc cải chính cái thiên lệch Chấp Hữu Chấp Không của chúng sinh.

Căn cứ vào sáu kinh, mười một luận, mà kinh “Giải Thâm mật kinh” đề xướng Trung đạo liễu nghĩa của Duy thức là “Ngoại cảnh phi hữu, nội thức phi vô”.

Nói ngoại cảnh phi hữu, không phải phủ nhân sự tồn tại khách quan của ngoại cảnh mà là phá cái Chấp trước của chúng sinh đối với chư pháp thực hữu.

Nói Nội thức phi vô cũng không phải khẳng định sự tồn tại của ngã mà là kiến lập thục chủ chân dị lưu chuyển của nghiệp quả. Theo Bồ tát Vô Trước thì đó không phải căn cứ chính đáng của việc kiến lập nghiệp quả. Bồ tát Vô Trước đã tiềm tâm nghiên cứu, tìm ra chẳng những chỉ là A Lại Da thức, mà còn tìm ra trong kinh “Tăng nhất A hàm kinh” có một đoạn kinh văn làm chứng như sau:

 “Chúng sinh trong thế gian phát A Lại Da, vui A Lại Da, hân hoan A Lại Da, vui mừng A Lại Da, vì vậy cần phải dứt bỏ A Lại Da. Cho nên khi nghe giảng Chánh pháp thì phải cung kính lắng nghe, trụ cầu giải tâm, pháp tùy pháp hạnh, Đức Như Lai ra đời là việc cực kỳ hy hữu, thì Chánh pháp mới xuất hiện trên thế gian này”.

Muốn đứt khỏi sinh tử thì phải nghe thuyết giảng Chánh pháp, dứt bỏ A Lại Da thì mới thật sự được giải thoát. Đoạn văn này bí mật khai thị tính lưu chuyển của sinh tử ở loài hữu tình liên quan đến A Lại Da Thức.

Sau khi Bồ tát Vô Trước tìm ra được căn cứ của đoạn kinh văn ấy, thì thấy rằng bản ý của Phật Đà không chỉ dừng lại ở ý thức thứ sáu hoặc ý căn mà là cái bên ngoài ý thức thứ sáu và ý căn, nó mang cái tâm thức trọng yếu - A Lại Da Thức. Đồng thời còn tìm thấy những chứng cớ đồng nghĩa dị danh với A Lại Da Thức còn có các danh xưng Tâm, A Đà Na, Chủng Tử Thức, Thăng Nhiệt Thứ...

Ví như trong kinh “Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma kinh” viết:

“Từ thời vô thủy đến giờ, nhất thiết pháp đẳng y đều có các loại thú cho đến khi chứng được niết bàn”.

Còn có tụng là:

“Do nhiếp tạng chư pháp, tất thảy Chủng Tử Thức nên có tên là A Lại Da Thức, thắng chư ngã khai thị”.

Kinh “Giải Thâm mật kinh” thì giảng:

“A Đà Na Thức rất là tế vi sâu xa, tất thảy chủng tử như dòng nước lũ... ngại rằng bị phân biệt chấp là ngã.”


Kinh “Hoa Nghiêm kinh” viết:

“Tam giới duy nhất tâm, ngoài tâm không có biệt pháp, từ tâm Phật đến tâm chúng sinh vô sai biệt”.

Căn cứ của Thánh giáo thì cả hai phái Phật giáo Đại Thừa, Tiểu Thừa nhất định là đã thành lập chủ hệ tinh thần của sinh tử lưu chuyển đích xác là A Lại Da Thức, mà A Lại Da Thức lại chuyển hóa luôn luôn như dòng nước chảy vậy, là một cá thể phi chủ tể phi thường, loại này phá thực chấp mà kiến lập nghiệp quả, một cách hiển nhiên là không làm sai làm trái với lượng thánh ngôn “Vô ngã mà có nghiệp quả” của Phật Đà. A Lại Da Thức hiển nhiên thành đối tượng của ái, lạc, hân, hỉ của loài hữu tình, có khả năng quan hệ gắn kết với nhau. Tất nhiên, có mang cái tâm thức tồn tại của A Lại Da Thức. Cái tâm thức ấy tất nhiên phải sâu xa tinh tế. Cái “ái” thường hằng bất đoạn tạo ra A Lại Da hằng trụ, có cái ngã tồn tại.

 

Với lý luận tư tưởng ấy, Bồ tát Vô Trước đã hoàn thành việc tạo nên một bộ Luận “Nhiếp Đại Thừa luận”, một khái niệm ban đầu của Duy Thức học, để rồi sau đó, Bồ tát Thế Thân tiếp bước phàt triển, viết sách chú giải tác phẩm ấy của Vô Trước, đồng thời ra sức xiển dương Duy Thức học. Đến cuối đời, Bồ tát Thế Thân viết sách  “Tam Thập Duy Thức luận”, trở thành bảo điển trong kho tàng sách quý Duy Thức học. Về sau có thập đại luận sư nổi tiếng như Hộ Pháp, Trần Na... xiển dương mạnh mẽ hai cuốn Luận ấy khiến cho Duy Thức học phát triển mạnh mẽ làm chủ lưu trong dòng học thuật Phật giáo. Hơn ba trăm năm sau nữa thì Luận sư Hộ Pháp làm cuộc tập đại thành giáo nghĩa Duy Thức tông, nhờ cuộc tập đại thành đó mà Duy Thức tông được phát huy đến cực điểm


o0o

Duy Thức tông ở Trung Hoa vốn đã được manh nha từ thời Lục Triều, đến thời nhà Đường thì Tam Tạng pháp sư Huyền Trang chính thức khai sinh Duy Thức tông. Huyền Trang sinh năm 600 CN tại huyện Trần Lưu tỉnh Hà Nam, xuất gia từ nhỏ, từng học các kinh luận như Niết bàn, Tỳ Huyền, Nhiếp luận, Thành thực, Câu xá... Bấy giờ tại Trung Hoa, người ta giải thích kinh điển Phật


giáo bất nhất, không thuyết nào hoàn toàn đáng tin khiến Huyền Trang mang trong lòng bao điều nghi ngờ. Huyền Trang ra sức đi tìm các thầy giỏi trong nước hết mấy năm trời học hỏi mà vẫn chưa thỏa mãn, nên phát tâm tìm đến tận gốc phát sinh đạo Phật  để cầu học. Vào niên hiệu Trinh Quán thứ ba triều Đường, Huyền Trang một mình Tây du, đi qua tám trăm dặm sa mạc, trải qua bao gian nan hiểm nguy, đôi khi phải đương đầu với cái chết mới tìm đến chùa Na Lạn Đà ở Ấn Độ, rồi được Đại sư Giới Hiền, một Luận sư Duy Thức học hàng đầu thời bấy giờ nhận làm đệ tử thân cận. Huyền Trang được Giới Hiền truyền cho các luận Du Già, Hiền Dương, Bà Sa... Về sau, Huyền Trang được gặp cư sĩ Huyền Giám rồi được nghe Huyền Giám nói về ý nghĩa Duy Thức học sâu sắc của Bồ tát Hộ Pháp, nên ân cần cầu học, rồi được thầy Huyền Giám tận tình truyền thụ. Niên hiệu Trinh Quán thứ mười chín nhà Đường, Huyền Trang về đến Trường An, đưa theo hai xe lớn nhỏ chứa đầy kinh luận Phật giáo. Huyền Trang dịch và chú giải sách của Thập đại luận sư có đến cả trăm quyển. Lão sư Từ Ân khảo sát rất rộng Duy Thức tông, thấy nhiều người khó thọ trì, bèn nhờ đại sư Huyền Trang thu hợp văn nghĩa của Thập luận thành một bản, dịch thành sách “Thành Duy Thức luận” 10 quyển, lưu hành đến ngày nay.

Luận sư Hộ Pháp lập nghĩa cực kỳ viên mãn. Nhiều tác giả đều lấy từ trong sách của luận sư Hộ Pháp để giảng giải, nên trên đầu sách đều có câu “Bồ tát Hộ Pháp tạo”. Sư Từ Ân theo lời truyền dạy của Huyền Trang ghi chép thành 20 quyển, phát dương ý nghĩa sâu rộng, tăng thêm giải thích kinh luận thì Duy Thức tông mới thành một tông phái độc lập không còn nhập nhằng như trước nữa. Sau khi đại sư Huyền Trang về đến Trường An, trong vòng hai mươi năm, một mặt đại sư bồi dưỡng cho đệ tử, một mặt tổ chức việc dịch kinh Phật. Đích thân đại sư Huyền Trang đã dịch tổng cộng 76 bộ kinh gồm một ngàn ba trăm bốn mươi bảy quyển, trở thành một nhà dịch kinh Phật kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Hoa. Huyền Trang là người đặt nền móng cho Duy Thức tông Trung Hoa.

Trước khi đại sư Huyền Trang lên đường về nước Trung Hoa, đại sư đã kiến lập được yếu nghĩa của Duy Thức tông, đem treo nơi ngoài cổng học viện Phật giáo tại Ấn Độ, thách thức với toàn giới học thuật nước Ấn Độ, tuyên bố rằng:

“Nếu có người luận thuyết đánh bại tôi về việc lập ra Duy Thức tông thì Huyền Trang tôi xin lấy sinh mạng ra tạ tội ”.

Bấy giờ chẳng có ai phản bác nổi lập luận của Huyền Trang, cái tâm học dưỡng của đại sư phải nói là số một. Quốc vương các nước trên toàn Ấn Độ đều thỉnh Huyền Trang đến nước mình giảng thuyết giáo nghĩa Duy Thức. Thanh danh của đại sư được truyền bá đi rất xa, cực kỳ danh giá. Còn đối với Phật giáo sử Trung Hoa thì Huyền Trang là một du học sinh cầu pháp đã làm rạng danh nước Trung Hoa trên vũ đài quốc tế. Cống hiến to lớn của đại sư Huyền Trang chẳng những về Phật giáo, mà còn tạo được ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử văn hóa Trung Hoa mà không một vị cao tăng nào sánh nổi. Thời gian mà đại sư Huyền Trang giảng thuyết, truyền bá giáo nghĩa Duy Thức thì có bốn đệ tử tài giỏi được người đời gọi là tứ triết, đó là Thần Phưởng, Gia Thượng, Phổ Quang và Khuy Cơ.

Thần Phưởng nổi tiếng trước hơn ai hết, nhưng về sau thì Viên Trắc càng nổi tiếng hơn.

Theo truyền thuyết, Viên Trắc khi tuổi đã khá cao mới theo học với vị thầy đầu tiên gần hai mươi năm, rồi một lần đại sư Huyền Trang đến giảng thuyết Duy Thức, Du Già cho Khuy Cơ, Viên Trắc nghe lỏm được, mà viết nên sách “Duy Thức sớ văn”. Viên Trắc nổi tiếng chẳng kém Khuy Cơ trong việc giảng thuyết Duy Thức. Nhưng vì Viên Trắc nằm trong số người không được chính thức được thầy Huyền Trang trực tiếp truyền thụ, nên đôi khi Viên Trắc tự phát ý riêng làm rối loạn chính tông. Đệ tử của Khuy Cơ là Tuệ Duyên viết sách “Liễu nghĩa đăng” 13 quyển để cải chính Duy Thức học. Đệ tử của Tuệ Duyên  là Châu Phúc lại tiếp tục viết sách “Diễn bí” 14 quyển để giải thích thêm. Khuy Cơ sợ người ta chưa hiểu tường tận ý nghĩa của Duy Thức nên viết sách “Khuông yếu” để bổ sung.

Muốn thông đạt được Duy Thức luận trước hết phải học tập Thuật ký. Muốn thông đạt Thuật ký thì trước đó phải học tập ba cuốn sách chú sớ là Khuông yếu, Liễu nghĩa đăng, Diễn bí. Đó là các sách chủ yếu cho người học tập Duy Thức học.

Bởi vì Viên Trắc và Khuy Cơ viết sách chú giải, giảng thuyết về Duy Thức học gần như đồng thời, nên dần dần Duy Thưc học Trung Hoa phân làm hai phái. Phái Khuy Cơ nổi tiếng nhất là có các vị Tuệ Duyên, Trí Châu, Như Lý... Phái Viên Trắc nổi tiếng nhất có các vị Đạo Chứng, Tuệ Quán, Nghĩa Tịch... Nhưng suy cho cùng thì xuất phát từ Khuy Cơ, rồi chính Viên Trắc giải rõ hơn trong sách “Thuật ký”, cho nên người đời sau xem Thuật ký của Viên Trắc là khoa vàng luật ngọc của Duy Thức tông. Duy Thức tông phát triển được là nhờ bốn người, sơ tổ Huyền Trang, nhị tổ Khuy Cơ, tam tổ Viên Trắc, tứ tổ Trí Châu. Từ tứ tổ Trí Châu trở đi, không rõ truyền thừa ra sao nữa, thế lực của Duy Thức tông suy dần.

(Dịch từ sách Duy Thức tông của Hòa thượng THÍCH NHƯ Ý do Ba Thục thư xã ấn hành)



Khuy Cơ


(窺基, Kigi, 632-682): sơ tổ của Pháp Tướng Tông Trung Quốc, xuất thân vùng Trường An (長安), Kinh Triệu (京兆) nhà Đường, họ là Úy Trì (尉遲), tự Hồng Đạo (洪道), còn được gọi là Linh Cơ (靈基), Thừa Cơ (乘基), Đại Thừa Cơ (大乘基), Cơ Pháp Sư (基法師), tục xưng là Từ Ân Đại Sư (慈恩大師), Từ Ân Pháp Sư (慈恩法師) và tông phái của ông được gọi là Từ Ân Tông (慈恩宗). Ông có tướng mạo khôi ngô, bẩm tánh thông tuệ, xuất gia lúc 15 tuổi, phụng sắc chỉ nhà vua làm đệ tử của Huyền Trang (玄奘, 602-664). Ban đầu ông đến xuất gia tại Quảng Phước Tự (廣福寺), sau chuyển đến Đại Từ Ân Tự (大慈恩寺), theo Huyền Trang học Phạn văn và kinh luận Phật Giáo. Năm 25 tuổi, ông tham gia dịch kinh, đến năm thứ 4 (659) niên hiệu Hiển Khánh (顯慶), khi Huyền Trang dịch bộ Duy Thức Luận (s: Vijñaptimātratāsiddhi-śāstra, 唯識論), ông cùng với ba vị Thần Phưởng (神昉), Gia Thượng (嘉尚), Phổ Quang (普光) cùng hiệu đính văn phong, nghĩa lý của bộ luận này. Huyền Trang còn sai ông diễn thuyết về Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận (s: Nyāya-dvāra-tarka-śāstra, 因明正理門論) và Du Già Sư Địa Luận (s: Yogacārabhūmi, 瑜伽師地論) của Trần Na (s: Dignāga, Dinnāga, 陳那), vì vậy ông rất thông đạt tông pháp của Nhân Minh và Ngũ Tánh. Vào năm đầu (661) niên hiệu Long Sóc (龍朔), những bộ luận do Huyền Trang chủ dịch như Biện Trung Biên Luận (s: Madhyānta-vibhāga-ṭīkā, 辨中邊論), Biện Trung Biên Luận Tụng (s: Madhyānta-vibhāga-kārikā, 辨中邊論頌), Nhị Thập Duy Thức Luận (s: Viṃśatikāvijñapti-mātratā-siddhiḥ, 二十唯識論), Dị Bộ Tông Luân Luận (s: Samayabhedoparacanacakra, 異部宗輪論), A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận (s: Abhidharma-dhātu-kāya-pāda, 阿毘達磨界身足論), đều được ông chấp bút; và ngoại trừ A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận ra, ông đều ghi thuật ký cho các bộ luận này. Về sau, ông ngao du Ngũ Đài Sơn (五臺山), tuyên giảng đại pháp, rồi trở về Từ Ân Tự truyền thọ giáo nghĩa của thầy mình. Trước tác của ông rất nhiều cho nên người đương thời gọi ông là Bách Bản Sớ Chủ hay Bách Bản Luận Sư. Ông lấy Duy Thức Luận làm tông chỉ, nên còn được gọi là Duy Thức Pháp Sư. Vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Thuần (永淳), ông thị tịch tại Phiên Kinh Viện (翻經院) của Từ Ân Tự, hưởng thọ 51 tuổi đời. Trước tác của ông có Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương (法苑義林章), Du Già Luận Lược Toản (瑜伽論略纂), Bách Pháp Minh Môn Giải (百法明門解), Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ (因明入正理論疏), Nhiếp Đại Thừa Luận Sao (攝大乘論鈔), Đối Pháp Luận Sao (對法論鈔), Thắng Tông Thập Cú Nghĩa Chương (勝宗十句義章), Pháp Hoa Kinh Huyền Tán (法華經玄贊), A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ (阿彌陀經通贊疏), Quán Di Lặc Thượng Sanh Kinh Sớ (觀彌勒上生經疏), Kim Cang Bát Nhã Kinh Huyền Ký (金剛般若經玄記), Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Tán (攝無垢稱經贊), v.v.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com