Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật buổi giảng " Bát Nhã Tâm Kinh" Thượng Tọa Nguyên Tạng trên zoom meeting online ban truyền bá Giáo Lý Âu Châu (tối Thứ năm ngày 23/3/2023)

31/03/202316:41(Xem: 2109)
Tường thuật buổi giảng " Bát Nhã Tâm Kinh" Thượng Tọa Nguyên Tạng trên zoom meeting online ban truyền bá Giáo Lý Âu Châu (tối Thứ năm ngày 23/3/2023)


tt nguyen tang (10)
T
ƯỜNG THUẬT
BUỔI THU
YẾT GIẢNG

" BÁT NHÃ TÂM KINH"

THƯỢNG TỌA THÍCH NGUYÊN TẠNG

Trên Zoom Meeting Online Ban Truyền Bá Giáo Lý Âu Châu

20pm (giờ Paris) :Thứ Năm ngày 23/3/2023

6am (giờ Melbourne): Thứ Sáu 24/3/2023

Phiên tả: Phật tử Diệu Danh

Sửa lỗi đánh máy: Phật tử Thanh Phi

 

 

Rồi tháng ngày mong đợi đã đến, hôm nay chúng con phật tử ở khắp năm châu đã được tham dự buổi thuyết giảng Online về đề tài "BÁT NHÃ TÂM KINH" do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chủ giảng trong chương trình tu học tháng 3. 2023 của ban Truyền Bá Giáo Lý Hội Đồng Hoằng Pháp Âu Châu.

Vì lận đận với việc vô zoom, nên mặc dù con đã chuẩn bị trước đó 20 phút, nhưng rất may, chỉ còn 5 phút thôi là đúng giờ nghe pháp, lòng con thật rộn vui khi thấy đại chúng hôm nay thật hoan hỉ, mừng vui như ngày hội để chào mừng Giảng sư, Thầy trò cùng nhau trao đổi thăm hỏi, tạo nên bầu không khí ấm áp như một Đại Gia Đình. Đại Gia Đình Quảng Đức mà Thầy đã lập ra đã thu hút không biết bao nhiêu hàng phật tử từ khắp nơi trên thế giới về đây tụ hội, vui hưởng niềm tâm linh trong sáng từ giáo lý Đức Phật trao truyền, nhất là ngôi chùa có tên một vị Bồ Tát vì Đạo pháp thiêu thân có trái tim bất diệt, với hạnh nguyện cho đạo pháp trường tồn mãi ở thế gian. Theo gương đó TT Thích Nguyên Tạng đã có lòng từ bi, và trái tim biết thương, biết hiểu, bất cứ ở đâu khi nghe tiếng kêu cầu của những cảnh đời hoạn nạn, Thầy đều có mặt, để an ủi, để tạo niềm tin và hướng dẫn đồ chúng trở về với Phật+Pháp+Tăng, ba ngôi báu mà khi con người có niềm tin, sẽ là hướng đi vững chắc trên con đường hướng về cội nguồn và tình yêu thương miên viễn.

 

Và buổi thuyết giảng đã bắt đầu:

Cư Sĩ Ngọc Sáng từ Hòa Lan làm MC, với giọng thật từ tốn và khiêm cung đã cung thỉnh Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng quang lâm đạo tràng làm lễ cầu gia bị:

Con kính bạch Giảng sư, hôm nay là ngày 23/ 3/ 2023 vào 20 giờ tại Đạo Tràng Tu Học thứ Năm hằng tuần của ban truyền bá giáo lý, Đạo tràng chúng con xin kính đảnh lễ Thầy và xin Thầy hướng dẫn cho chúng con niệm Phật để cầu gia bị.

TT Giảng Sư: Nam Mô A Di Đà Phật, kính mời đại chúng nghiêm trang chấp tay niệm Phật để cầu gia bị.

Tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật 3 lần đã làm cho bầu không khí lắng động, đầy trang nghiêm, mà con có cảm tưởng như bao nhiêu hộ pháp Già Lam đều có mặt nơi này để hộ trì chánh pháp.

MC Ngọc Sáng: Dạ, sau đây chúng con có đôi lời xin giới thiệu tiểu sử của Thầy.

TT đạo hiệu Thích Nguyên Tạng, Thầy thọ giới Sa di vào năm 1985, và thọ giới Tỳ Kheo vào năm 1988. Thầy tốt nghiệp Phật học cơ bản trường Vĩnh Nghiêm năm 1992, Cử nhân ngoại ngữ tiếng anh tại trường Sư phạm đại học Saigon năm 1995, và Cử nhân Phật học tại trường cao cấp Vạn Hạnh năm 1997. Sau khi đến Úc định cư vào năm 1998 theo diện nhà truyền giáo Minister of Religion. Thầy đã học và lấy bằng cử nhân xã hội học Bacherlor of Sociology tại Đại học La Trobe vào năm 2006. TT Thích Nguyên Tạng có người anh ruột là TT Thích Tâm Phương, Viện Chủ khai sơn Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu và một người chị ruột là Thích Nữ Tâm Vân, hiện Trụ Trì Tu Viện Như Ý tại Kentucky, USA.

Từ năm 1990 Thầy Nguyên Tạng bắt đầu viết và phụ trách trang Phật Giáo Quốc Tế cho báo Giác Ngộ, tờ báo Phật giáo duy nhất ở Việt Nam sau năm 1975, hiện nay Thầy là cộng tác viên thường trực với  Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, một tờ báo uy tín, phát hành rộng rãi trên toàn quốc Việt Nam và hải ngoại.

Định cư ở Úc được một năm thì Thầy đã sáng lập và làm chủ biên Trang Nhà Điện Tử quangduc.com vào mùa Phật Đản năm 1999, để phổ biến giáo lý của 2 truyền thống: Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển, đây là một trong số ít trang nhà Phật Giáo đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước vào cuối thập niên 90, sau khi mạng lưới internet toàn cầu chính thức phổ cập, với những đóng góp thiết thực. Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng được xem là một trong những vị Tăng trẻ Phật Giáo Việt Nam đương đại, người đầu tiên sáng lập trang báo điện tử hải ngoại và đóng góp trong việc trước tác, dịch thuật, biên khảo...Vì những đóng góp thiết thực cho Tôn Giáo, Văn Hóa, Giáo Dục, Từ Thiện mà năm 2001, Thầy được chính phủ Liên Bang Úc Đại Lợi trao tặng huy chương Thiên Niên Kỷ (Centenary Medal) nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Chính Quyền Liên Bang (1901-2001) của quốc gia này.

Hiện nay Thượng Tọa Nguyên Tạng đang là Tổng Thư Ký của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi Tân Tây Lan. Chúng con thành tâm cung thỉnh Thượng Tọa, hôm nay đạo tràng chúng con có phước báu lớn được Thầy quang lâm đạo tràng hướng dẫn tu học lần thứ hai với đề tài pháp thoại "Bát Nhã Tâm Kinh". Chúng con kính cung thỉnh Thầy bắt đầu buổi lễ thuyết giảng.

 

Cám ơn chị Ngọc Sáng đã giới thiệu Thầy với đại chúng. Đây là lần thứ hai Thầy vào sinh hoạt, chia sẻ pháp thoại với đạo tràng pháp thoại của ban Truyền Bá Giáo Lý Âu Châu.

 

Ban Truyền Bá Giáo Lý Âu Châu là một ban trong ba ban của Hội Đồng Hoằng Pháp và Thầy làm trong Ban Báo chí. Nhưng trong ba Ban Truyền Bá Giáo Lý: Âu Châu, Hoa Kỳ-Canada, và Úc Châu, thì theo như Thầy có nói chuyện với Ôn Tuệ Sỹ và Ôn Như Điển, chỉ có ban truyền bá Âu Châu là làm việc tích cực và năng nỗ trong năm qua từ khi Hội Đồng Hoằng Pháp thành lập, do công đức của TT Thích Hạnh Tấn, Ngài là Thư ký của Ban Truyền bá cũng là Trưởng Ban truyền bá Giáo Lý Âu Châu luôn, cho nên Ngài làm việc rất tuyệt vời. Cái Zoom truyền bá giáo lý Âu Châu làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Bên Hoa Kỳ và bên Úc Châu lâu lâu mới làm một lần. Thầy hy vọng rằng các Châu nhìn thấy gương sáng của Âu Châu mà tiếp tục hành trì.

Công đức của TT Hạnh Tấn rất là nhiều. TT Hạnh Tấn có qua dự lễ 32 năm ở bên tu viện Quảng Đức của Thầy, anh em lâu lắm mới gặp lại, cũng nói chuyện về chương trình hoằng pháp. Hôm ở tại tu viện Quảng Đức này, Thầy có thỉnh Ngài giảng một thời pháp, nhưng sau đó Ngài không giảng và làm phiên dịch cho vị Lạt Ma Tây Tạng ở bên Ấn Độ qua, đại chúng Úc Châu rất là hoan hỉ, Thưa với Phật tử ở trong Zoom sáng hôm nay thứ Sáu, ngày 24/3 tại Úc Châu và bên Âu Châu là tối 23/3/2023, chủ đề thuyết giảng hôm nay là Tâm Kinh Bát Nhã, được TT Hạnh Tấn gởi đề tài qua cách đây hơn một tháng.

Nói về Tâm Kinh Bát Nhã, một chủ đề, một bản kinh rất quen thuộc đối với hàng đệ tử Bắc Tông của chúng ta.

 

Bản kinh này chỉ quen thuộc với bên Bắc Tông thôi, còn ở bên Theravada thì họ không tụng bản kinh này, bản kinh này rút ngắn lại từ bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, ở trong bản mà TT Hạnh Tấn gửi ra giới thiệu cho bài giảng hôm nay viết thật là kỹ, rút ra từ bản Kinh Đại Bát Nhã 600 quyển, được HT Thích Trí Nghiêm, Việt Nam của chúng ta dịch ra từ năm 72 cho tới năm 80 gồm 5 triệu chữ, sáu trăm quyển và HT Trí Nghiêm đã dịch in ra 24 tập, mỗi tập 1000 trang  giống y như bản chữ Hán. HT Trí Nghiêm phải đặt kính lúp vô để soi từng chữ, vì chữ Hán rất nhỏ và bộ này được đưa lên trang nhà Quảng Đức từ năm 2000, và sau đó bên Mỹ HT Nguyên Siêu, HT Nguyên Trí ở tại Cali, cư sĩ Bùi Ngọc Đường đã cho ấn hành lại bản thứ 2, đã nhuận bút lại thành 11 tập, 2 bộ này đều được trang nhà Quảng Đức phổ biến lên và được cư sĩ Chánh Trí là một phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phát tâm diễn đọc ra trong băng MP3, để cống hiến cho quý phật tử lớn tuổi không có cơ hội để mà đọc. Bộ Đại Bát Nhã này bên Chùa Viên Giác của HT Như Điển đã cho chúng đệ tử thọ trì bộ kinh này vào dịp mừng Khánh tuế 70 tuổi của Hòa Thượng. Và người mà phát tâm thọ trì cũng là TT Hạnh Tấn. TT Hạnh Tấn có duyên với Kinh Đại Bát Nhã này và Ngài phát tâm bắt đầu trì tụng bộ kinh này vào dịp mừng Khánh tuế Sư Phụ và kéo dài tới bây giờ. Tất nhiên là bộ kinh này đến nay tụng cũng chưa xong. Thầy hy vọng đạo tràng Pháp hội hôm nay có quý Phật tử đã từng tham dự đạo tràng trì tụng kinh Bát Nhã trong dịp đó.

 

Kinh Bát Nhã này gồm 600 quyển, 5 triệu chữ và khi dịch xong thì Vua Lương Võ Đế mới nói là bộ kinh khổng lồ này không thể nào mà đọc cho hết được, nên xin Pháp sư Huyền Trang hoan hỉ rút ngắn lại từ từ xuống còn 3000 chữ, đó là bộ Kim Cang Bát Nhã, bộ kinh này cũng là bản kinh gối đầu giường của Phật tử Bắc Tông và bộ kinh Kim Cương Bát Nhã này đã cứu cuộc đời của anh chàng tiều phu (đó là Lục Tổ Huệ Năng sau này). Chính 3000 chữ ở trong bộ kinh Kim Cang Bát Nhã cũng không làm vừa lòng Vua Lương Võ Đế cho nên Ngài phải rút ngắn thêm nữa, còn 260 chữ  (Thầy đã đưa lên cho mọi người xem bản kinh và giới thiệu)

bat nha tam kinh



Đây là bản kinh 260 chữ viết bằng vàng 24K rất là đẹp. Các vị thấy không? Đây là bản kinh mà Thầy thỉnh trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Bản kinh này lưu lại từ thời Vua Khang Hy. Vua Khang Hy là một vị vua Phật tử trong triều đại Nhà Thanh. Từ Nhà Đường, tới Nhà Tống, Nhà Minh rồi tới Nhà Thanh, bản kinh này vẫn lưu truyền ở trong Tử Cấm Thành, các vị vua thọ trì đọc tụng bản kinh 260 chữ và truyền qua Việt Nam. Trong tất cả Chùa Bắc Tông từ Trung Hoa đến Việt Nam, cho tới Triều Tiên, Nhật Bản, trong bất cứ một thời kinh nào cũng bắt đầu đi vào là Chú Đại Bi, đi ra là bài Kinh Bát Nhã, dù tụng kinh nào đi nữa, thì hai bài kinh này không thể nào thiếu được.

 

Chư Tổ Đức cũng có nhiều vị nói rằng bài Kinh Bát Nhã 260 chữ này là bài kinh "Bổ Khuyết Tâm Kinh". Tức là khi tụng một thời kinh nào mà có bị thiếu hay vấp, trục trặc gì đó thì cuối thời kinh mình tụng bài Kinh Bát Nhã này là có thể, bổ xung vào những chỗ khiếm khuyết trong bài kinh đó. Cho nên người tụng kinh rất an tâm khi chấm dứt một thời kinh nếu đã tụng bài kinh Bát Nhã rồi; đó là quý Ngài Thầy Tổ mình dạy như vậy.

 

Đối với người Phật tử tại gia chúng ta rất là quen thuộc và thuộc lòng bản kinh này, không ai là không thuộc bản kinh. Nhưng nói về ý nghĩa của bản kinh thì chúng ta có liễu đạt được hay không? Cái đó là một vấn đề khác. Có nhiều Phật tử tụng Kinh Bát Nhã nhưng không hiểu ý nghĩa của nó.

 

Bát Nhã Tâm Kinh viết cho đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; Ma Ha là lớn; Bát Nhã là trí tuệ; Ba La Mật Đa là rốt ráo, cùng tận, cứu cánh, đến bờ kia; Tâm Kinh là kinh trọng tâm, kinh cốt lõi. Như vậy tựa đề bản kinh này là: Kinh cốt lõi về trí tuệ lớn có thể đưa hành giả qua bờ giác.

 

Ngay trong tựa đề kinh chúng ta thấy rằng: "Hành giả nương vào trí tuệ này để giúp mình đưa đi qua bên kia bờ", bởi vì mình có khái niệm rằng: Bên này bờ là sanh tử, luân hồi, khổ đau; bên kia bờ là giác ngộ, giải thoát an vui. Muốn giải thoát là phải đi qua bên kia bờ. Qua bên kia bờ thì phải làm gì?- Phải đi xuống thuyền, nhờ con thuyền Bát Nhã để đưa chúng ta đi qua bên kia bờ sông mê. Bên này là sông mê, tội lỗi, sanh tử, luân hồi, khổ đau. Bên kia là bờ giải thoát an vui. Cho nên Chư Tổ Đức vẽ ra hình ảnh "Ngồi Thuyền Bát Nhã" rất là dễ hiểu.

 

Đại Sư Thái Hư diễn tả giai trình tu tập theo Bát Nhã là trải qua 3 giai đoạn: thứ nhất là Văn tự Bát Nhã, thứ hai là Chiếu kiến Bát Nhã, thứ ba là Thật tướng Bát Nhã.

 

Thứ nhất là Văn tự Bát Nhã: Hành giả phải làu thông 600 quyển kinh Bát Nhã, 5 triệu chữ kinh Bát Nhã. Tất cả những văn tự, những ngữ nghĩa ở trong đó phải thông, và bản kinh rút gọn 260 chữ phải thuộc lòng. Nghĩa là hành giả muốn qua bên bờ kia là phải bước tới bờ và leo lên thuyền, có chèo, có cái dầm để mà bơi, gọi là thuyền.

 

Thứ hai là Chiếu kiến Bát Nhã: Hành giả phải hành trì, phải cầm cái dầm mà bơi, để thuyền di chuyển từ bên này qua bên kia là phải hành, là phải bắt tay vào thực hành gọi là chiếu kiến ngũ uẩn.

 

Thực hành cái gì? Thực hành chiếu kiến ngũ uẩn rất là rõ ràng, và khi mà chiếu kiến ngũ uẩn giai không là hành giả này đã thành tựu cái pháp tu, pháp hành của mình là đưa chiếc thuyền đi qua bên kia bờ và leo lên bờ rồi để chiếc thuyền ở lại thì lúc này mới đạt tới giai đoạn thứ ba.

 

Thứ ba là Thật tướng Bát nhã: tức là đạt tới cái chỗ tột cùng của trí tuệ, lên bờ giải thoát an vui, thong dong tự tại. Đó là quá trình tu tập của người theo Kinh Bát Nhã.

 

Cầu đầu tiên của Bát Nhã Tâm Kinh là “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.

Có nghĩa là:

“Bồ Tát Quán tự tại khi quán chiếu thâm sâu, Bát Nhã Ba La mật, bỗng soi thấy năm uẩn, đều không có tự tánh, thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát hết tất cả mọi khổ đau, ách nạn”.

 

Tâm Kinh Bát Nhã có 260 chữ, nhưng câu đầu tiên này là câu cốt tủy, cốt lõi. Còn tất cả những phần ở sau đó chỉ là phụ, chỉ là để giải thích nghĩa lý cho câu này mà thôi.

 

Các vị mà học kinh Bát Nhã chỉ học câu này là đủ. Bản kinh này nói là tự tánh không có vạn phạp, xô ngã tường thành chấp có của chúng sanh, phủ định hết mọi thứ trên trần gian này qua 7 chữ không, 5 chữ bất và 14 chữ vô.

 

Khi khởi đọc, mình có cảm giác như thế nào? Quán tự tại Bồ Tát. Mà Quán tự tại Bồ Tát là ai? – Là chỉ cho Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên bản Kinh Bát Nhã cựu dịch là do Ngài Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch (cựu dịch), Ngài dịch câu đầu tiên này như sau:

 

“ Quán Thế Âm Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ ấm giai không”.

 

Trong khi Pháp Sư Huyền Trang (tân dịch, ra đời sau Ngài Cưu Ma La Thập khoảng 250 năm) được dịch là:


“Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.

 

 Cách dịch của Ngài khác, dễ tụng hơn của Ngài Cưu Ma La Thập, chính vì thế mà bản dịch của Ngài Huyền Trang phổ biến rộng khắp hơn, còn bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập chỉ để nghiên cứu thôi.

 

Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời: Bản kinh này dành cho các vị Bồ Tát chứ không phải dành cho phàm phu tục tử như chúng mình. Tại vì phàm phu tục tử như chúng mình mà đọc bài kinh này chỉ để nghe điếc cái lỗ tai thôi, đọc không vô, không hiểu nổi! Muốn giải thoát khổ đau sanh tử là phải chiếu kiến ngũ uẩn giai không, chỉ làm một việc đó thôi. Toàn bộ giáo lý đạo Phật chỉ giải quyết trong câu kinh này thôi, không cần tu những pháp môn khác, pháp môn niệm Phật, pháp môn Thiền, pháp môn Mật tông trì chú, không cần. Tất cả những pháp môn khác cũng chỉ phục vụ cho việc là chiếu kiến ngũ uẩn giai không mà thôi. Nếu có một pháp tu nào đó ở trên cuộc đời này do một vị Phật, một vị Tổ Sư nào đó vẽ ra để hướng dẫn cho chúng ta, mà không có hướng dẫn hành giả chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì pháp môn đó được xem là đã đi lạc đường, các vị nên nhớ như vậy. Nếu có một pháp môn nào đó mà hướng dẫn chúng ta tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát rốt ráo mà không có phải hướng dẫn cho hàng đệ tử CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG thì pháp môn đó coi chừng là bị đi lạc đường. Chúng ta phải khẳng định như vậy! Chỉ có một việc là chiếu kiến ngũ uẩn giai không, nếu không quán chiếu ngũ uẩn giai không thì không có thể giải thoát được.

 

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là soi thấy, là quán chiếu, xem xét ngũ uẩn: Ngũ là năm, uẩn là một sự tích tụ, một sự chứa nhóm. Đó là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức. Ngài Cưu Ma La Thập dịch là NGŨ ẤM. Ấm có nghĩa là ngăn, là che, là chướng ngại, tức là cái ngũ ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, này ngăn che, làm chướng ngại cho chúng ta đi đến con đường giải thoát và giác ngộ. Nhưng tới Ngài Huyền Trang, Ngài dịch là NGŨ UẨN, là 5 cái tích tụ, đó là Sắc, chỉ cho sắc thân của chúng ta. Sắc thân của chúng ta tích tụ bởi tứ đại là đất, là nước, là gió, là lửa. Đất là chất cứng ở trong thân của mình chỉ cho da, thịt, gân, xương. ruột non, ruột già. Nước là chỉ cho máu, mủ, đờm, dãi. Gió là chỉ cho hơi thở. Lửa là chỉ cho hơi ấm của chúng ta.

 

Thân ngũ uẩn này tích tụ, chứa nhóm bởi bởi 4 yếu tố tứ đại này. Thứ hai là Thọ, thọ chỉ cho cảm giác của chúng ta. Cảm giác của chúng ta là khổ, là vui, là không khổ, là không vui. Lạc khổ và xả, và cái vui, cái khổ này từ đâu mà có? – Cái khổ, cái vui này cũng từ lục căn tiếp xúc với lục trần mà sanh ra. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm mới có cảm giác; cái cảm giác này nó không thật có, nó cũng do duyên hợp để mà còn, mà khi do duyên hợp để có thì nó không thật có, nó không có tự tánh, cho nên Ngũ uẩn giai không là KHÔNG CÓ TỰ TÁNH. Cái thân, sắc là đất, là nước, là gió, là lửa cũng không có tự tánh, nó kết hợp từ 4 yếu tố đó, mà 4 yếu tố này mà tan rã,    không kết dính, không hòa hợp thì chúng ta cũng đau, bệnh rồi chết. Thứ ba là Tưởng, đây là tri giác. Tri giác là cái nhận biết đối tượng, chủ thể nhận biết đối tượng. Khi mắt tiếp xúc với sắc trần thì nhận biết đối tượng này, tai nghe tiếng nhận biết âm thanh; khi mà nó cung nạp vào thì nó giữ trong tàng thức, và khi mà mình nhìn thấy cảnh vật thì mình lôi cái thu nhận trong quá khứ ra, để mà mình suy diễn, suy tưởng. Cho nên tưởng là tri giác, là suy tưởng, là hồi tưởng. Là tưởng tượng, và cái tưởng này nó cũng là không thật có. Là mượn căn và trần để có cái tưởng này, và đôi khi nó đánh lừa chúng ta, mình thấy cục đá, mình tưởng là con chó, mình thấy sợi dây thừng, mình tưởng là con rắn, cái đó nó thuộc về tưởng, và nó hay đánh lừa chúng ta. Thứ tư là Hành, hành đây có nghĩa là tư duy, là thiên lưu và tạo tác. Hành là ý chí và tạo tác, có 51 tâm sở, tất cả những cái nghiệp mà chúng ta tạo ra trong cuộc đời này là phát xuất từ hành. Hành uẩn là động cơ tạo tác ra cho tất cả mọi thứ. Sự vận hành của tâm thức. Nếu mà không có hành thì chúng ta không có luân hồi, không có sanh tử, hành quyết định tất cả mọi thứ của tâm thức. Cái thứ năm là gì? – Là Thức. Thức có trách nhiệm là phân biệt, so sánh: màu sắc, đẹp xấu, thiện ác, cái bổn phận, trách nhiệm của thức là phân biệt, là so sánh. Thức này cũng là không thật có. Nó cũng mượn căn và trần để đưa vào trong phân biệt chứ nó cũng không thật có. Cho nên nó cũng là giả duyên hợp thành để mà có thức, cho nên nó cũng có không có tự tánh. Và khi mà chúng ta quán chiếu như vậy thì ngũ uẩn này là không có tự tánh là vô ngã, không có thật thì mình thong dong, tự tại, không khổ đau, không phiền lụy bởi thân ngũ uẩn này.

Câu mà quý Ngài Pháp Sư hay xướng lên để khai thị cho chư Hương linh, khi mà vị đó vừa qua đời.

"Thân tứ đại duyên sinh giả hợp

Luật vô thường công lệ xưa nay

Nương huyễn thân ta sống tạm cõi trần

Nhân duyên mãn thì phải trở về quê cũ"

Nhưng mà quê cũ là cõi giới Tỳ Lô Giá Na, cõi giới Tây Phương Cực Lạc, cõi giới thường tại của mỗi người. Còn cõi Ta Bà này chỉ là cõi tạm thôi, nhưng mà mình không thấy thân ngũ uẩn này là không có tự tánh cho nên mình bám víu ở thân tứ đại này. Bởi vì thân tứ đại trở về cho tứ đại, còn tâm linh kia sẽ siêu thoát mà thôi, nhưng mình lại bám víu trên thân tứ đại này để rồi mình đau khổ. Mình đâu có liễu đạt được thân tứ đại này là duyên sinh giả hợp là do nhiều yếu tố hợp thành cái thân này. Nếu không thấy được duyên sinh là mình chấp cái thân này là thân của mình, cho nên kinh Tương Ưng Bộ Kinh của hệ thống Nikaya, Đức Phật dạy rằng: Thân ngũ uẩn này là do duyên sinh giả hợp cho nên nó vô thường, vì vô thường nên làm cho chúng sanh đau khổ, nhận chân ra được điều đó rồi, nhận chân ra được cái thân này là vô thường nên chúng ta không tham ái, do không tham ái nên chúng ta đạt tới ly tham, khi mà đạt tới ly tham rồi chúng ta sẽ giải thoát. Cho nên kinh Tương Ưng của Nikaya là tương hợp với Kinh Bát Nhã này. Các Ngài nương vào Kinh Nikaya để mà viết ra kinh Bát Nhã 600 quyển. Người ta nói rằng Kinh Bát Nhã này do Tổ Sư Long Thọ viết ra để mà truyền bá, điều đó bây giờ vẫn còn tranh cãi, nhưng theo giáo sử nói rằng Kinh Bát Nhã do Đức Thế Tôn thuyết ra trong 22 năm (Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm), tức là 22 năm Ngài giảng bài kinh Bát Nhã ở bốn địa điểm đó là:

1) Linh Thứu Sơn.

2) Tinh Xá Trúc Lâm

3) Tinh xá Kỳ Hoàn.

4) Cõi trời tha Hóa Tự Tại (Là cõi trời cao nhất của 6 tầng trời cõi dục. Sáu tầng trời cõi dục là trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Trời Dạ Ma, trời Đâu Xuất Đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại Thiên được gọi chung là Lục dục Thiên. Cõi trời này tuổi thọ tới 16 ngàn năm. Một ngày một đêm ở trên cõi trời Tha Hóa tự tại là 1600 năm ở cõi giới Ta Bà này. Đức Phật đã giảng kinh Bát Nhã này tại cõi Trời này và cuối cùng đúc kết lại thành bộ kinh Bát Nhã này và Ngài đã nói trong 22 năm)

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Nghe đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc còn lại 4 uẩn kia cũng đều như vậy cả. Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, còn lại 4 uẩn kia cũng đều như vậy cả.

Câu Sắc bất dị không, không bất dị sắc chúng ta rất thường nghe. Đôi khi các đệ tử không thuộc bản Kinh Bát Nhã mà chỉ nhớ có 4 chữ thôi đó là sắc bất dị không, không bất dị sắc, hoặc là sắc tức thị không, không tức thị sắc.

 Sắc bất dị không: tức là sắc chẳng khác không, bởi vì trong sắc nó có không, mà không chẳng khác sắc; rồi câu kế tiếp: sắc chính thực là không, mà không cũng chính thực là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, trong sắc có không mà trong không có sắc. Có nghĩa là sao? – Mình nhìn sắc chẳng khác không, tức là ở trong sắc nó đã có cái không rồi, bởi vì nó không có tự tánh cho nên phải quán là tánh không ở trong mọi sự vật hiện tượng, xung quanh chúng ta.

Kinh Bát Nhã dạy chúng ta quán tự tánh không trong mọi sự vật hiện tượng. Không ở đây là đương thể tức không, đương thể xứ không, ngay trong cái có nó đã có cái không rồi. Hay nói cách khác, ngay trong cái hạnh phúc xum vầy này nó đã có mầm móng của chia ly và đau khổ rồi. Nói như vậy các vị có thấy dễ hiểu không? – Ngay trong sự xum vầy này nó đã có sự chia ly đau khổ rồi chứ không phải đợi khi nào chia ly đau khổ rồi chúng ta mới thấy là không. Nhìn vào đóa hoa đã thấy một đống rác ở trong đó rồi, và khi mình nhìn vào một đống rác mình đã thấy có một cành hoa trong đó rồi, cho nên sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc là như vậy. “Tâm bất tại yên, thực nhi bất tri kỳ vị”, có nghĩa là khi mình ngồi vào một cái bàn ăn, mình ngồi trước một mâm cơm rất là ngon, nhưng vì tâm “bất tại yên”, tâm mình không có ở đó, tâm mình đang điên đảo vọng tưởng ở một nơi nào khác mà không để tâm trong bữa ăn này, bỏ thức ăn vô trong miệng mà như không có cái gì, nó không có mùi, không có vị; khi mà chúng ta đau khổ, chúng ta lo lắng, chúng ta buồn rầu, chúng ta ăn không được thì cái sắc đó cũng giống như là không. Còn khi mà chúng ta đói bụng, không có cái gì trước mặt mà cái đầu chúng ta nghĩ ra bữa ăn đủ món hết, cái đó là không tức thị sắc. Các vị suy ngẫm điều này, cho nên cái sắc và cái không này nó xuất hiện mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây trong cuộc đời này.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Xá Lợi Tử nghe đây thể mỗi pháp đều không. Thị chư pháp không tướng. Thể, cái thể là tự tánh của các pháp đều không. Không ở đây, các vị nhớ không phải là rỗng, không phải là không ngơ, mà không ở đây là không có tự tánh. Trong cái có nó đã có cái không rồi, trong một cái sự hình tượng sừng sững đó nhưng mà đã có sự tan rã ở trong đó rồi, nó là cái không. Các Vị hiểu được chữ không của Bát Nhã phải hiểu là tự tánh không, chứ không phải là không ngơ. Thị chư pháp không tướng, tức là tất cả mọi pháp ở trên cuộc đời này đều ở dạng TỰ TÁNH KHÔNG, cái tướng của nó có nhưng mà chỉ là giả có, chỉ là tạm có. Do tạm có cho nên mới gọi nó là không. Thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị: thọ, tưởng, hành, thức cũng đều giống như vậy. Cho nên khi mà liễu đạt được cái điều này thì một vị Thiền sư Việt Nam của chúng ta là Thiền sư Từ Đạo Hạnh (bây giờ ở huyện Quốc Oai, Hà Tây, ở miền Bắc Việt Nam Hà Nội, tại chùa Thiên Phúc có thờ, các vị mà về Hà Nội hỏi chùa Thiên Phúc ở đâu, thì người ta sẽ đưa các vị tới chùa này để đảnh lễ Thiền sư Từ Đạo Hạnh) đã nói lên một bài kệ rất tuyệt vời về cái chữ không này.

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy Nguyệt

Vật trước hữu không không.

****

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này đều không

Có không bóng nguyệt lòng sông

Ai hay có có không không là gì.

Thiền sư Việt Nam chúng ta để lại cho đời một bài kệ để nói lên toàn bộ cái ý nghĩa của Kinh Bát Nhã nói về chữ không. Nếu có thì một hạt bụi cũng có, và nếu không thì tất cả trên thế gian này đều không và Ngài giải thích câu thứ ba là gì? Hữu không như thủy nguyệt (Có không bóng nguyệt lòng sông), Ngài đưa ra thí dụ là ánh trăng ở dưới dòng sông, khi mà dòng sông lặng, không sóng, nó trong như đêm rằm tháng 8, chúng ta nhìn xuống dòng sông chúng ta thấy một ánh trăng tròn rất tuyệt đẹp ở dưới lòng sông. Nhìn xuống dòng sông chúng ta  thấy chắc chắn 100% là có trăng, nhưng mà đố ai xuống vớt được trăng lên? Mình nhìn mắt mình là có trăm phần trăm, nhưng mà có này chỉ là tạm có thôi chứ không phải thật có, thì tất cả mọi thứ ở trên cuộc đời này giống như là ánh trăng ở dưới lòng sông. Khi mình nhận được ra điều đó rồi là mình đạt đến chỗ ngũ uẩn giai không.

Cái thân này, cái tâm này cũng giống như ánh trăng ở dưới lòng sông, nó không có tự tánh, nó không thật có. Nhận được điều đó rồi thì chúng ta tự giải thoát và an lạc.

Thị cố không trung, vô sắc vô thọ, tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ, tỉ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nải chí vô ý thức giới (Cho nên trong tánh không không có sắc, không có thọ, không tưởng. không hành, không thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sáu trần, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có mười tám giới từ nhãn đến ý thức): Tức là xuống tới câu này Ngài phá luôn tất cả những cái thứ vặt vãnh bên ngoài, không có sắc, không có thanh, không có hương, không có vị, không có xúc pháp, không có mắt, không có tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Có nghĩa là sao? - Có nghĩa là tất cả cái này nó có nhưng chỉ là tạm có thôi, ở trên đã nói rồi. Ngài Thiền sư Động Sơn Lương Giới, Ngài là Tổ sư khai sáng ra Thiền phái Tào Động. Thiền phái Tào Động bây giờ là Thiền phái nổi tiếng của Nhật Bản, ở Việt Nam chúng ta Thiền phái Tào Động chỉ có ở miền Bắc thôi. Miền Bắc bây giờ tất cả những chùa Việt Nam chúng ta tất cả đều theo truyền thống của Thiền phái Tào Động. Mà Thiền Tào Động là do Thiền sư Động Sư Lương Giới  này khai sáng, Ngài là đệ tử của Thiền sư Vân Nham Đàm Thịnh vào thời đại nhà Đường. Lúc còn nhỏ, 7 tuổi Ngài ở gần chùa, theo mẹ đi vào chùa tụng kinh, khi tụng tới câu vô nhãn, nhĩ, tỉ... Ngài đưa tay rờ lên mặt và nghĩ: "Ủa! Mình có mắt, tai, mũi, lưỡi mà tại sao trong kinh Đức Phật lại nói không có mắt, không có tai, không có mũi  không có lưỡi? Ngài liền xuống gặp Thầy Trụ trì và hỏi: “Con tụng kinh con thấy trong kinh Đức Phật nói không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có ý mà trong khi đó con có thật đây mà, tại sao trong kinh nói không có?". Ngài Trụ trì lắc đầu, chắp tay xá nói "Ta không phải là Thầy của con, giải thích không được", rồi chỉ về phương Nam nói: “Các vị Thiền sư nổi tiếng ở miền Nam, con đi tới đó các vị Thiền sư giải thích cho con, chứ ta không phải là Thầy của con”. Do đó Ngài Động Sơn Lương Giới đi về miền Nam. Năm 21 tuổi Ngài xuất gia với Thiền sư Linh Mặc, sau đó chuyển tới đạo tràng của Ngài Văn Nha Đàm Thịnh và đắc pháp trở thành vị Tổ sư của Thiền phái Tào Động. Ngài cùng với đệ tử của Ngài là Tào Sơn Bản Tịch lập ra phái Tào Động. Ngài Trụ trì nghe câu hỏi giật mình vì không giải thích được. Ngài không nắm được nguyên lý là duyên sanh giả hợp. Mắt do duyên sinh mà không có tự tánh cho nên không có mắt, mắt là tròng trắng, tròng đen, không có gì là con mắt hết. Duyên sinh giả hợp, lỗ tai cũng là duyên sinh giả hợp cho nên không có lỗ tai. Mũi cũng là duyên sinh giả hợp, nên không có mũi, không có miệng, không có thật, tất cả đều là duyên sinh giả hợp hết, cho nên không có cái gì gọi là thật có. Thế Tôn dạy tiếp: Vô vô minh, diệc vô vô minh tận nải chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo vô trí diệc vô đắc. Không hề có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có khổ, không có tập, không có diệt, không có đạo, không trí, cũng không có đắc. Kệ qua chỗ này là chúng ta thấy sốc hơn, là Đức Phật phủi luôn cái giáo lý 12 nhân duyên và giáo lý Tứ diệu đế.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận. Móc xích 12 nhân duyên bắt đầu là vô minh tiếp theo là hành, thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Do vô minh cho nên mới dẫn tới hành, hành, đi tới thức, tới danh sắc, tới lục nhập, tới thọ, tới ái, tới thủ, tới sanh, tới lão tử (sầu bi khổ ưu não). Khi mà nhận ra được rồi thì vô minh diệt. Vô minh diệt thì minh sanh, mà minh sanh thì không dẫn chúng ta đi luân hồi và tái sanh, ngay đó chúng ta giải thoát và giác ngộ.

Nhưng ở đây kinh Bát Nhã nói rằng vô vô minh diệt, vô vô minh tận. Không có vô minh và cũng không có cái gọi là diệt vô minh. Và khổ tập diệt đạo là giáo lý tứ diệu đế, là giáo lý cốt tủy của Phật Giáo mà Đức Phật đã nói ra tại thành Ba La Nại (Varanasi) cho 5 Tỳ kheo là anh em Kiều Trần Như. Và cũng là giáo lý gối đầu giường của hàng Phật tử khắp năm châu, bốn biển, thế mà trong Tâm Kinh Bát Nhã lại nói rằng không có giáo lý Tứ Diệu Đế và không cần giáo lý Tứ Diệu Đế, có nghĩa là sao?- Vô khổ, tập, diệt đạo, không có khổ, không có tập, không có diệt, không có đạo gì hết. Tới chỗ này Đức Phật muốn giải quyết cái bám víu của hàng đệ tử Phật ở trên pháp môn tu.

 

Trong kinh Kim Cang Đức Phật đã khẳng định “Nhữ đẳng Tỳ-kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”.

 

Nghĩa là: Này các Tỳ-kheo, các ông nên biết giáo pháp của Ta giống như chiếc bè đưa người qua sông; Chánh pháp còn xả, huống gì phi pháp.”.

 

Tất cả những lời dạy của Đức Phật, tất cả các pháp môn mà Đức Phật hướng dẫn cho chúng đệ tử tu tập cũng như chiếc thuyền, chiếc bè đưa hành giả qua bên kia bờ, khi qua bên kia bờ rồi, làm ơn làm phước để lại chiếc bè đó bên bờ sông, hoặc đẩy chiếc thuyền đó cho người khác đi, đừng vác chiếc thuyền trên vai làm gì cho nó khổ!

Tất cả những lời dạy của Đức Thế Tôn là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử; và giáo lý Tứ Diệu Đế, tất cả chỉ là những phương pháp tu tập, chỉ là những viên thuốc lương dược để chữa bệnh cho chúng ta thôi.

Lục Tổ Huệ Năng nói rằng, Phật nói tất cả pháp để điều trị tất cả tâm, nếu ta không có tất cả tâm thì Phật không cần nói tất cả Pháp làm gì, tất cả những pháp môn đều là những viên thuốc để chữa bệnh mà khi lành bệnh rồi chúng ta đâu cần thuốc nữa. Khi hết bệnh rồi mà chúng ta tiếp tục uống thuốc thì chuyện gì xảy ra?- Chúng ta sẽ chết. Cho nên vô vô minh diệt, vô vô minh tận, nải chí vô khổ tập diệt đạo là phủi luôn tất cả những pháp môn chúng ta hành trì sau khi chúng ta hoàn tất rồi.

Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y Bát Nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết bàn: Vì không có chỗ đắc cho nên Bồ Tát y theo Bát Nhã ba la mật đa, tâm không ngăn ngại, mà tâm không ngăn ngại thì không có cái gì phải khủng bố, phải sợ hãi, phải điên đảo cho nên đạt tới cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật, y Bát Nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam Bồ đề: chư Phật trong ba đời cũng nương theo Bát Nhã ba la mật đa này mà đạt được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Cố tri Bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư. Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết yết đế, yết đế ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đế tát bà ha: Vậy nên phải biết rằng Bát Nhã ba la mật là linh chú đại thần, là linh chú đại minh, là linh chú vô thượng, là linh chú siêu tuyệt, chân thật không hư vọng có năng lực tiêu trừ tất cả mọi khổ nạn cho nên tôi muốn viết câu thần chú trí độ Bát Nhã ba la mật. Nói xong Đức Bồ Tát liền đọc thần chú rằng: yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha.

Đây là đoạn kết của bài kinh Bát Nhã 260 chữ. Và câu đúc kết này rất là tuyệt vời: BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỊ ĐẠI THẦN CHÚ, THỊ ĐẠI MINH CHÚ, THỊ VÔ THƯỢNG CHÚ.

Là linh chú đại thần, là linh chú vô thượng, là linh chú siêu tuyệt, chân thật không hư vọng. Là bởi vì sao?- Bởi vì Ấn Độ hồi xưa họ chỉ biết có thần chú thôi, thần chú để trị bệnh, trị tà, và trị rắn, Ấn Độ có rất nhiều rắn cho nên họ đọc thần chú  “Ohm” là con rắn sẽ nghoẻo đầu xuống, nó không tới cắn mình, nên quý Ngài gắn thêm bài thần chú này cho linh, chứ kỳ thực không cần bài thần chú này. Bát Nhã không cần bài chú này, nhưng chỉ để tạo thêm niềm tin thôi, bài chú yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha mang ý nghĩa:

Yết đế có nghĩa là đi qua

Yết đế ba la là qua bờ kia

Ba la tăng yết đế là qua đến bờ kia

Ta bà ha là vui quá!

Đã qua đến bờ kia rồi thì không có gì vui bằng, thở phào, nhẹ nhõm. Vui quá!

 

Đó là toàn bộ kinh Bát Nhã, Thầy nói tóm ý, sau đó các vị đặt câu hỏi.

Bát Nhã Ba La Mật Đa là linh đan trường sanh bất tử cho người đệ tử Phật. Người đệ tử tu tiên họ uống linh đơn trường sanh bất lão, nhưng đối với đệ tử Phật thì uống thuốc Bát Nhã ba la mật đa để trường sanh bất tử, dù là tu theo pháp môn Thiền cũng cần có Bát Nhã, tu theo pháp môn niệm Phật cũng cần tụng Bát Nhã, tu theo Mật tông trì chú cũng phải tụng kinh Bát Nhã, tu thiền Vipassana vẫn phải tụng kinh Bát Nhã, tu thiền khán thoại đầu cũng phải tụng kinh Bát Nhã, ngay cả tu niệm Phật công cứ, cũng phải tụng kinh Bát Nhã, không ai không tụng kinh Bát Nhã. Ở Việt Nam, quý Hòa Thượng mở ra thời khóa Trú Dạ Lục Thời, đêm ngày tụng 6 lần từ thời Vua Trần Thái Tông. Mỗi ngày, ban ngày tụng 3 lần, ban đêm tụng 3 lần, 6 lần phải tụng Kinh Bát Nhã, do tụng Kinh Bát Nhã này mà giúp cho chúng ta đi tới giác ngộ và giải thoát cho nên quý Phật tử trong đạo tràng Pháp thoại ngày hôm nay, chúng ta ôn lại bản Kinh Bát Nhã ba la mật đa này là phước duyên cho chúng ta.

Cầu chúc cho quý Phật tử có đủ sức mạnh để lên thuyền Bát Nhã, để chèo thuyền mà đi qua bên kia bờ giải thoát an vui tự tại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

MC NS: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, dạ thưa Thầy, trước khi bước vào những câu hỏi con kính mời Thầy dùng một miếng trà.

TT NT: Dạ, cảm ơn chị Ngọc Sáng, các vị đặt câu hỏi đi.

MC NS: Ngọc Sáng cũng xin mời quý Phật tử có những câu hỏi nào thắc mắc về đề tài vừa rồi Thầy đã giảng cho chúng ta về Bát nhã Tâm Kinh, thì quý vị dơ tay lên, Ngọc Sáng xin mời để trực tiếp với Thầy. Dạ thưa Thầy, trong khi chờ đợi những bàn tay xinh xắn của quý Phật tử thì con có một câu hỏi. Con kính bạch Thầy, Chữ không ở ngoài đời đó thưa Thầy được hiểu là không có, không hiện hữu như vậy thì cái chữ không trong Bát Nhã Tâm Kinh có cùng ý nghĩa hay là sát nghĩa, xin Thầy chia sẻ cho chúng con.

TT NT: Cảm ơn chị Ngọc Sáng, câu hỏi rất là hay. Chữ không ở ngoài đời nó mang tính phủ định, không là không có. Thí dụ: hôm nay bác có đi chùa không? – không. Không ở đây có nghĩa là không có đi chùa, chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng mà cái chữ không ở trong đạo Phật thì khác một trời, một vực, chữ không ở trong đạo Phật là không có tự tánh, không có thật tướng chứ không mang tính phủ định, nó còn hơn tính phủ định đó nữa, tức là trong cái không đó nó hiển hiện cái có cho nên Ngài Long Thọ có viết bài kệ:

Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc danh vi Giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa.

 
Có nghĩa là:

"Pháp các nhân duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo"

Bốn câu kệ này Ngài viết trong Trung Quán Luận, nghĩa là mỗi thứ ở trên cuộc đời này là do duyên mà hợp thành, tất cả mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời này đều do nhiều duyên tố để mà tạo thành, không có một cái gì tự nhiên đơn lẻ mà hình thành được. Phải nhìn thấy tất cả những sự vật hiện tượng, từ con người cho tới vũ trụ đều do nhiều duyên tố để mà tạo thành. Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thiết tất thị không. Nhưng ở đây ta nói đó là không, tất cả con người cho tới thế gian, cho tới vũ trụ đều ở cái dạng là tự tánh không, dù có đó nhưng nó liền mất đó.

Thúc hốt tức vô, ngạn thọ tỉnh đằng, nó có, giống như là cây cổ thụ bên bờ sông, giống như là dây bên miệng giếng. Nó có chứ sao không có, nhưng mà nó sẽ bị hoại diệt, nó sẽ trở về không.

Sông kia nay đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Các vị nghe bài thơ này là các vị thấy cái không, cái có, nghĩa là hồi xưa chỗ này có dòng sông, nhưng qua một cuộc sanh diệt bể dâu rồi bây giờ trở thành cánh đồng, chỗ làm nhà cửa, chỗ làm vườn trồng khoai, trồng bắp, nhưng mà đêm nghe tiếng ếch kêu họ vẫn tưởng đó là tiếng gọi đò tại bến đò năm xưa, nhưng kỳ thực bến đò đâu còn nữa, nó đã trở "chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai", nên Đức Phật nói: "Ta nói đây là không".

"Ngã thuyết tức thị Không, Diệc danh vi Giả danh", Phật dạy mọi thứ trên đời đều không có tự tánh, nên gọi là không,  ngay cái tên gọi cũng là giả, không thật có, có nhưng chỉ là giả có, nó đặt cái tên này, cái tên kia nhưng đó chỉ là tên tạm đặt thôi, chứ nó không có thật. Cái nhà, cái cửa, cái tivi, tủ lạnh... ví dụ như cái bàn, cái bàn này, tiếng anh gọi là Table, tiếng pháp là La Table, tiếng đức là der Tish, tiếng Việt Nam gọi là cái bàn, nó có gì chắc thật đâu, không có gì cố định hết, mà ngay bản thân cái bàn nó đã không cố định rồi, huống gì cái tên. Cái bàn là gì? – Cái bàn là một miếng gỗ? Hay là một chân bàn? Hay là một cạnh bàn? – Không có. Cái bàn này nó có nhiều duyên tố, nó có thợ mộc, có gỗ có đinh, có cưa, v.v... có nhiều yếu tố để tạo thành cái bàn, thì cái này nó gọi là cái giả danh thôi.

Diệc danh vi Giả danh, Diệc danh Trung đạo nghĩa, dù là giả có, nhưng tạm đặt tên để gọi, để làm quy ước trong đời sống nhưng không chấp đắm khổ đau, nhận ra được chỗ này mọi gọi là trung đạo. Cho nên cái chữ không trong đạo Phật này là chữ không của trung đạo, nói có cũng không được, mà nói không cũng không được, bởi vì nó có ở đây mà, nó có ở đây cho nên là cái trung đạo. Trung đạo ở trong Bát Nhã không giống như bên kinh nói rằng khổ hạnh hay dục lạc, mà chỉ là tạm có để nương huyễn thân để mà vượt thoát trần ải mà thôi. Mình nói thân này giả, là không có, nên mình ăn chơi, phè phỡn chết sớm đi rồi cho nó khỏe, nhưng mà không được, cái thân này nó giả nên mình phải ráng tu, nương vào huyễn thân để mà tu, chứ đừng nói giả để rồi hủy diệt nó. Mình hủy diệt nó trước khi mình tắt thở là mình càng thêm đọa lạc, là không được, cho nên ở trong chùa nói rằng: “Thà chấp có như núi Tu Di còn hơn là chấp không như hạt cải”. Ở trong chùa mình hay đứng về phe chấp có nhiều hơn vì chấp không nguy hiểm quá! Không này là không gì?

Ở Sài Gòn có 2 nhóm đệ tử: nhóm theo HT Trí Quảng là chấp có; nhóm theo HT Từ Thông là chấp không. HT Trí Quảng giảng về kinh Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang, HT Từ Thông giảng về Kinh Kim Cang ở chùa Vĩnh Nghiêm. HT Từ Thông là người chấp không, HT chỉ ở tịnh thất nhỏ, HT không cần Phật tử cúng dường, không cần Phật tử đi tới tụng kinh hay gì hết, cho nên 2 bên đệ tử kình nhau. Vì đệ tử hiểu không ở đây là không có chùa, không có cúng dường, không có làm từ thiện, không tụng kinh, không thỉnh chuông, không Thọ bát, không có khóa tu, không hết thảy. Nếu hiểu kiểu đó là chết Sư phụ, sau này HT Từ thông cũng lên trên pháp tòa của HT mà nói: "Các vị làm ơn làm phước đừng hiểu sai lời của Thầy, Thầy nói KHÔNG ở đây nghĩa là không có tự tánh, không có tự tướng, chứ không phải Thầy nói không có phước, không có tội, không có tụng kinh, không có ngồi thiền, không có cúng dường, không có Thọ bát. Thầy đâu có nói kiểu đó, nhưng các vị nghĩ không là không trơn, phải nói là không có tự tánh, không có thực thể, phải hiểu nghĩa về chữ không như vậy, cho nên nếu mà chấp không là không có tội, không có phước là chết sư phụ, thà chấp có tốt hơn. Thà chấp có như núi Tu Di, cái gì cũng có, có phước, có tội, có chùa, có ông, có bà, có cha, có mẹ thì tốt hơn, nếu mà tạo tội thì còn có phước để dẫn đường đi lên, còn không kia là chỉ rớt xuống Địa ngục thôi.

MC NS: Dạ, kính tri ân Thầy, thưa Thầy con đã nhìn thấy bàn tay của phật tử Tâm Phật Hạnh, con không biết là có đúng hay không, nếu sai thì con xin lỗi, dạ con xin mời cô Tâm Phật Hạnh.

Tâm Phật Hạnh: Dạ, cảm ơn chị nhiều, Cẩm Tú tên là Tâm Phật Hạnh đến từ Đức Quốc.

Chị Tâm Phật Hạnh kể về quá trình tu học của mình đã gặp được những vị thầy nổi tiếng trên toàn thế giới, đã nắm được tất cả quy tắc và tự học lấy, cầu nguyện, tụng chú. Sau ở nhà bắt đầu học Phật pháp trên Internet, trước khi vào học đều cầu nguyện để cho mình đạt tới cảnh giới và sự giác ngộ của

A Di Đà Phật. Và sau khi được yêu cầu đặt câu hỏi trong đề tài hôm nay Thầy giảng chứ không có thời gian. Chị đã hỏi:

 

TPH: Thầy nói cái Không của nó là giả tướng, tất cả những gì cũng gọi là không hết tất cả, thì trong cái đó khi mà cái không của nó có giống như một cái cây, một cái bàn khi mà nó sanh ra, lớn lên và nó cũng hủy hoại thì con người cũng như vậy, thì nếu như khi mình đã đi qua bờ bên kia rồi thì làm sao mình có thể cứu được những người khác, tại vì người nào cũng muốn có cái hạnh phúc, cái vui vẻ, ai sanh trong cõi đời này đều cũng có một cái khổ. Nhưng khi mình đạt tới cảnh giới đó rồi và mình làm sao để cứu được những người khác. Thầy phân tích dùm mấy câu đó thôi.

TT NT: Cảm ơn chị Cẩm Tú Tâm Phật Hạnh, đệ tử của sư ông Nhất Hạnh Làng Mai. Chị đừng sợ hãi, đừng lo lắng rằng mình qua bên bờ kia rồi mình đi tàu suốt luôn, qua bên kia bờ rồi chị vẫn có thể trở lại để cứu độ cho người khác, chị phải biết bơi rồi, chị mới hướng dẫn cho người khác bơi chứ, nếu chị đang bơi, đang tập bơi mà chị hướng dẫn cho người khác là coi chừng hai người chết đuối Cho nên là chúng ta trở lại cõi giới này là có hai cái, thứ nhất là: Ái bất động thì bất sanh Ta Bà, Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ. Ta trở lại cõi giới Ta Bà khổ đau này là vì nghiệp. Nghiệp gì?- Đó là nghiệp ái. Tham ái dẫn dắt chúng ta rơi vào cõi giới Ta Bà này để chúng ta chịu khổ, chúng ta thương chưa đủ rồi phải tái sanh trở lại thương tiếp đợt hai, luân hồi sanh tử khổ đau để mà trả nợ cũ, vay thêm nợ mới để hành hạ nhau cho khổ, đó là những người đã tạo nghiệp, còn những người đã hết nghiệp rồi, được qua bên kia bờ rồi thì chúng ta trở lại cõi giới này là vì hạnh nguyện của các vị Bồ tát, chúng ta hạnh nguyện, chúng ta phát tâm vào trong cõi giới này để chúng ta tiếp tục cứu khổ, độ sanh chứ không phải vì nghiệp báo nữa. Lúc đó chúng ta đã thong dong chúng ta đã tự tại, nơi nào cần thì chúng ta đến, Phật sự xong rồi chúng ta đi, chị nhận ra được điều đó không?

Cho nên ở trong cõi giới Ta Bà này, tại thành phố Melbourne này Thầy không phải là tù nhân nhưng Thầy cũng vào trong nhà tù, vì hạnh nguyện, Thầy cũng vào nhà tù để giúp cho những người đau khổ ở trong đó, mình có cái thẻ, mình vào, còn những người tù nhân họ phải ra tòa, họ phải bị kêu án, họ phải bị cảnh sát dẫn vào trong tù, còn mình vì hạnh nguyện thôi, mình đi tới đi lui thong dong tự tại, cho nên không có gì mà chị phải lo lắng, chị ráng tu, chị giải thoát đi, khi nào chị giải thoát rồi chị sẽ thong dong, sẽ tự tại trở lại cõi giới này để mà cứu khổ, độ sanh. A Di Đà Phật.

TPH: Nhưng cái kim chỉ nam con nói là mình phải luyện như thế nào để mà có kim cương để đi cứu người khác?

TT NT: Khi mà chị đã giải thoát rồi, đã quán ngũ uẩn là giai không rồi mình đâu có tạo nghiệp nữa - Không tạo nghiệp thì ở dạng vô nghiệp, mà vô nghiệp thì không có nghiệp nào dẫn mình đi tái sanh nữa. Nếu mình có đi chỉ vì hạnh nguyện thôi. A Di Đà Phật.

MC NS: Nam Mô A Di Đà Phật, con tri ân Thầy, Ngọc Sáng cũng xin cảm ơn câu hỏi của chị Tâm Phật Hạnh, và sau đây con thấy có bàn tay của Phật tử Minh Đạo, xin mời Phật tử Minh Đạo nêu câu hỏi.

Minh Đạo: Bạch Thầy hồi nãy con nghe Thầy giảng chấp có, chấp không thì câu hỏi của con cũng liên quan tới chấp có, chấp không. Hàng Phật tử tại gia chúng con thì thích làm tu phước, cũng có tu huệ, nhưng mà chắc rằng không bằng tu phước, đa số là như vậy, con hoang mang ở chỗ chẳng lẽ bây giờ làm phước, làm từ thiện rất nhiều mà rốt cuộc cũng không không hết làm con hoang mang, dạ, xin Thầy giải nghĩa thêm về vấn đề này.

TT NT: Phước mà anh Minh Đạo làm thì sao mà mất được, anh bố thí một bữa ăn cho một con chó đói thôi thì anh sẽ được 1000 ngày không bao giờ đói. Cúng dường cho một người mà không có tu, không biết gì hết là anh được 500 kiếp không bao giờ đói bụng, cho một người đói ăn thôi. Còn cúng dường cho một vị Tỳ Kheo thì anh được 10 ngàn kiếp không bao giờ đói. Cái phước đó, bảo đảm  được đưa vô ngân hàng phước đức của anh, tích trữ trong đó không bao giờ mất. Phật tử mà tu vượt thoát sanh tử luân hồi ở trong tam giới là có mạng lưới an toàn, cái đó là phước đức không bao giờ mất. Vậy anh Minh Đạo và quý Phật tử an tâm, tiếp tục làm phước. Phước đức lưỡng toàn phương tác Phật: Địa vị Phật được xây dựng trên nền tảng là phước và đức. Nếu chúng ta chỉ tu phước mà chấp có cũng không được, mà chấp không như đệ tử của HT Từ Thông tu theo phương pháp chấp không như Thầy đã giảng ở trên cũng không được. Chúng ta phải biết uyển chuyển, phải dung thông, phải tu phước và đức ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta để đi tới an lạc và giải thoát. A Di Đà Phật.

Minh Đạo: A Di Đà Phật, con cảm ơn Thầy, vậy phật tử chúng ta tiếp tục phước huệ, song tu.

MC NS: Con kính tri ân Thầy và cảm ơn câu hỏi của anh Minh Đạo.

Thưa Thầy, tiếp theo con thấy có một bàn tay của Phật tử Hồng Phúc, xin mời Phật tử Hồng Phúc nêu câu hỏi.

Hồng Phúc: Mô Phật bạch Thầy, trong Kinh Bát Nhã con có 2 điểm con muốn nhờ Thầy giảng giải.

1) Khi mình nói có và không, bây giờ trong cuộc sống bình thường thôi, con là một người bình thường, con nhìn một người thì con sẽ nói người này không bệnh, nhưng qua người bác sĩ thì người ta sẽ nói người này bệnh khi qua máy móc, tức là cái nhìn của con là con dựa vào ngũ uẩn của mình để nhìn thì mình sẽ nói nó là không hay là có, nhưng vị bác sĩ họ nhìn, nhưng họ sẽ dựa vào một cái hoàn toàn không phải ngũ uẩn, thì cái từ có và không của chúng sanh, và cái từ có và không của bậc thánh nhân là không giống nhau, bởi vì họ dựa vô 2 trạng thái nhìn không giống nhau, cho nên mình dùng cái của thế gian để mình luận vô cái của các vị Thánh, nên mình sẽ dễ bị mâu thuẫn, đó là cái từ không và có ở trong kinh Bát Nhã, một phần ở trong đó thôi, chứ không thể nói hoàn toàn trong đó.

2) Còn phần tâm vô ái ngại, thì trong cuộc sống con có 20 xu trước một tiệm bánh mì thì con sợ, con không dám vô, vì tâm con ái ngại không biết 20 xu này có mua được ổ bánh mì hay không, vì do mình không biết nên tâm mình mới ái ngại, nhưng khi mình biết chắc ổ bánh mì là 20 xu thì mình sẽ đi thẳng vào mua, tức là mình không ái ngại nữa, do mình biết thì mình sẽ không ái ngại, Vậy thì ở các bậc thánh nhân, họ nhìn thấy được sự thật họ biết được nhiều cho nên họ có tâm không ái ngại, nhưng chúng sanh thường không biết nên rơi vào trạng thái tâm ái ngại, lo sợ và sợ hãi. Hai điểm đó nhờ Thầy giải thích dùm cho con.
 

TT NT: Cảm ơn anh Hồng Phúc đặt câu hỏi, 2 câu này anh nói một vòng rồi tự anh trả lời, đâu cần Thầy trả lời gì đâu. Cái thứ nhất anh nói không có bệnh, bác sĩ nói là có bệnh, bác sĩ nương vào máy  móc. Ở trong cái thế giới tương đối này mình là người phàm mắt thịt, có bệnh thì phải tin bác sĩ, bác sĩ nói bệnh mình phải đi chữa bệnh. Câu thứ hai là anh thấy anh lo lắng, sợ hãi đi mua bánh mì thì cũng là giải thích luôn rồi, khi mà có đủ tiền thì mình nhẹ nhàng, mình thoải mái đi mua, đâu có gì sợ hãi. Đối với người đệ tử Phật khi quán chiếu được ngũ uẩn này là giai không thì không có cái gì phải sợ hãi, tại vì nếu mình quán ngũ uẩn này là có thật, có cái thân ngũ uẩn này, cái này là tôi, cái này là của tôi, ai đụng vào tôi, vào vong linh của tôi thì tôi sẽ nổi tam bành lục tặc, nổi phiền não khổ đau. Nếu mà mình thấy ngũ uẩn này là không thật có chỉ tạm có để mình xử dụng qua cõi tạm này thôi, thì mình nhẹ nhàng thoải mái, nếu có những trái ý nghịch lòng trong cuộc đời này, là cũng do cái nghiệp ngàn xưa mình đã tạo ra, để rồi ngày hôm nay mình gặp những cái trái ý nghịch lòng ở trong cuộc đời này. Mình quán thấy như vậy thì mình không có cái gì phải khổ đau, còn nếu không quán thấy như vậy là mình vẫn tranh hơn, tranh thua, mình vẫn dành đi trước, mình vẫn dành ngồi chỗ cao, ai nói đụng tới mình cái gì mình liền bực mình, phiền não, mình đau khổ, cho nên mình quán chiếu ngũ uẩn giai không giúp cho mình thong dong tự tại, vô quái ngại và vô hữu khủng bố ở trong cuộc đời này. Dạ, thưa anh Hồng Phúc.

Hồng Phúc: Dạ, vậy thì con có thể hỏi về ngũ uẩn giai không, không biết có phiền mọi người xung quanh không ạ?

MC NS: Thầy có đồng ý?

TT NT: Dạ được, xin anh cứ hỏi.

MC NS: xin mời anh

Hồng Phúc: Dạ bạch Thầy, cái ngũ uẩn giai không đó, ngũ uẩn bao giờ nó cũng tồn tại hết do nghiệp phước của mỗi người khác nhau, cho nên tạo thành ngũ uẩn của mỗi người khác nhau, khi mà ngũ uẩn nó sinh mà mình bị chấp vào nó thì lúc đó là nó có, nhưng ngũ uẩn mà không đủ điều kiện để sinh thì lúc đó ngũ uẩn nó ở trạng thái không, người tu tập cao thì ở trạng thái là không, ngũ uẩn không có sinh vì sinh thì phải có đủ điều kiện của nó. Thí dụ như nó phải gặp cảnh từ bên ngoài hay bên trong thì mới sinh được, và đồng thời sinh cùng lúc, 5 cái nó cộng tác với nhau, vậy khi nào mình nhìn được nhưng không cho nó sinh, khi gặp cảnh thì nó vẫn sinh, nhưng cái sinh đó không ảnh hưởng tức là nó không làm cho tâm mình rối loạn, nó có rồi nó biến mất thì trạng thái đó có được gọi là một phần hay một chút nào của ngũ uẩn giai không không ạ?

TT NT: Dạ, cái mà anh Hồng Phúc hỏi cũng là thắc mắc của mọi người, tức là ở trong quá trình tu tập từ đây cho tới ngày giác ngộ giải thoát, làm sao mình kéo dài cái khoảng khắc đó, mình kéo dài cái khoảng khắc mà vô niệm, cái ngũ uẩn giai không ở cái dạng vô niệm, nghĩa là khi mắt tiếp xúc với sắc trần là mình sẽ khởi niệm, tai mình nghe tiếng mình sẽ khởi niệm, mũi ngửi mùi mình sẽ khởi niệm, cái niệm mình nó dấy động, khi thân mình xúc chạm thì mình sẽ khởi niệm, khi mà anh nói mình đã liễu đạt cái trần cảnh này là giặc phiền não nó sẽ làm khuấy động mình thì mình không có gì phải vọng tưởng, mình không có gì phải điên đảo, mình ở trong cái dạng vô niệm. Mà vô niệm là điểm đến cuối cùng của Kinh Bát Nhã. Vô niệm là ga cuối của hành giả, tại vì khi mình khởi niệm là mình tạo nghiệp. Vô niệm là nghiệp chấm dứt. Vô niệm là chỗ đến cuối cùng của hành giả. Các vị nhớ, khi mà Đức Thế Tôn thiền định Ngài đạt tới cái chỗ diệt thọ tưởng định, không có thọ, không có tưởng... Tất cả những gì mình khởi lên là từ thọ, từ tưởng, từ hành, từ thức, mình đạt tới chỗ gọi là vô niệm, mà vô niệm thì không tạo nghiệp, mà không tạo nghiệp là điểm đến cuối cùng. Thì vấn đề ở đây của hành giả chúng ta bây giờ là làm sao chúng ta kéo dài cái khoảng khắc đó, mình chỉ có phút chốc gọi là thôi, rồi sau đó chúng ta trở lại trong cuộc đời bụi bậm này, chúng ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, không biết đường đi ra. Cầu chúc cho anh Hồng Phúc có đủ nghị lực để kéo dài cái khoảng khắc vô niệm để mà tiêu trừ nghiệp chướng, để mà sớm giác ngộ và giải thoát. 

Hồng Phúc: Dạ, con cảm ơn Thầy.

MC NS: Dạ, Nam Mô A Di Đà Phật, con kính tri ân Thầy và xin cảm ơn những câu hỏi của anh Hồng Phúc. Mô Phật, thưa Thầy con có một câu hỏi, có lẽ đây là câu hỏi cuối cùng của buổi giảng hôm nay. Thưa Thầy chúng con muốn biết là con đường đi đến trí tuệ của Bát Nhã có thứ bậc hay không? Và có thể tu từ bậc thấp lên cao hay là trí tuệ này chỉ có một bậc sẵn có những lớp vô minh che lấp nên việc cần làm là phải giải thoát khỏi những cái phiền não vô minh đó thì tự nhiên trí tuệ Bát Nhã sẽ hiển lộ, xin Thầy giải thích cho chúng con hiểu.

TT NT: Dạ, cảm ơn chị Ngọc Sáng, vị làm MC hôm nay rất tuyệt vời, chị Ngọc Sáng ở Hòa Lan, một quốc gia ở Âu Châu, chị đặt câu hỏi rất là hay. Để đạt tới trí tuệ có qua giai trình nào hay không? Có thứ bậc gì hay không? – Dạ thưa, nếu trường hợp mà phàm phu tục tử như chúng mình ở đây thì cần phải có thứ bậc, hồi nãy Thầy có nói rồi đó là Văn tự Bát Nhã, Quán chiếu Bát Nhã, rồi Thật tướng bát nhã, cái đó là dành cho các bậc cao. Văn tự Bát Nhã tức là phải làu thông hết tất cả 600 quyển kinh Bát Nhã, các vị cố gắng dành thời gian mỗi ngày nghe vài tiếng đồng hồ, vô trang nhà Quảng Đức bấm vô Link Phật Tử Chánh Trí. Phật tử Chánh Trí là phi công tác chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Sau 75 anh qua bên Úc để định cư và anh đã phát tâm đọc lại những bản kinh, anh đọc lại những sách của HT Viên Minh, HT Minh Đức Triều Tâm Ảnh và bộ kinh Bát Nhã 24 tập của HT Trí Nghiêm, trong bản Mp3 đó các vị vào nghe, đó là làu thông tất cả những văn ngôn, ngữ nghĩa của kinh Bát Nhã gọi là văn tự, liễu đạt hết; rồi quán chiếu Bát Nhã là phải thực hành, phải quán chiếu ngũ uẩn giai không và đạt tới chỗ cuối cùng là trí tuệ bừng sáng. Trí tuệ bừng sáng là thật tướng Bát Nhã. Cái đó là cái thứ nhất, cái thứ hai nữa là giai trình thứ bậc là văn huệ, tư huệ và tu huệ, cái đó dễ cho hàng đệ tử. Bây giờ văn huệ là chúng ta đang nghe, mình nghe pháp thì cái đầu mình sẽ mở ra. Thời thời văn ương vị văn, ngày ngày, giờ giờ phút phút mình nghe những điều mình chưa được nghe, Nhơn bất học, bất tri lý, ngọc bất trác, bất thành khí. Ngọc mà không mài, không dũa không trở thành ngọc, người không học thì không nắm được chân lý. Vào cửa chùa, cửa Phật là một lòng tìm chân lý, mà ra cửa chùa thì bảo dạ ráng tu hành. Các Sư phụ hay nhắc cho chúng đệ tử như vậy. Vào chùa là phải tìm học chân lý, chứ đừng bào vào chùa là kiếm bún huế để ăn cho mát cái bụng này là không có được, ăn thì có ăn nhưng phải ráng mà học để giúp cho mình, tỏ sáng cái tâm mình đi ra để biết đường mà tu, cho nên có nhiều đệ tử đi chùa đâu phải học cái gì đâu, vô chùa làm cái gì đâu không hà, tới lúc có khóa tu thì trốn ở đâu, nhưng tới lúc có ăn thì có mặt. Ăn mà không vừa lòng thì điện thoại tới phê bình, rất là khổ cho quý Thầy. Cho nên văn huệ là phải nghe pháp, phải học kinh điển để mà có huệ. Thứ hai là tư huệ, suy tư, suy ngẫm những lời Phật dạy và thứ ba là tu huệ, là phải ngồi xuống tu tập để mà phát huệ, thì khi trí tuệ chúng ta bừng sáng rồi thì chúng ta sống ở trong thong dong, tự tại mình thấy cuộc đời này là một cuộc đời đáng sống, nó quá ngắn ngủi, mình có phước duyên để được làm người, thứ hai nữa là mình gặp được pháp, gặp được quý Thầy hướng dẫn cho chúng ta tu tập là một cái điều quá tuyệt vời trong cuộc đời này. Nếu trường hợp chúng ta không chịu tu tập, không để dành thời gian để mà tu tập trong cuộc đời này thì không biết bao giờ mình mới giải thoát sanh tử được, nó quá uổng cho cuộc đời này, cuộc đời này quá ngắn, thời gian không còn bao lâu nữa trong cuộc đời của chúng ta, giống như là cây bên bờ, dây bên miệng giếng là như vậy. Có đó, nhưng mà mất đó cho nên chúng ta tranh thủ thời gian vốn có còn lại ít ỏi trong cuộc đời này, mình phải ráng mình tu, bởi vì mình thấy rằng, ngũ uẩn giai không. Mà khi ngũ uẩn giai không rồi mình liễu đạt được thì mình sẽ độ nhất thiết khổ ách. Mình sẽ vượt lên bờ giải thoát an vui. A Di Đà Phật.

MC NS: Dạ, A Di Đà Phật.

TT NT: Chị Thu Dương ở bên Houston có câu hỏi gì không?

Quảng Trinh Thu Dương: Dạ, con kính chào Sư Phụ, thưa Sư Phụ con có câu hỏi như thế này,  Con thấy Kinh Bát Nhã này nó cũng liên lết tới bên Thiền Vipassana là chúng con chỉ dùng cái tâm quan sát mà không phán xét, tức là chúng con chỉ dùng cái tâm thấy như là thôi, thì thưa Thầy, Thầy có thấy sự liên kết giữa Kinh Bát Nhã và sự tu tập Thiền Vipassana của Nguyên thủy không thưa Thầy?

TT NT: Dạ, cảm ơn chị Quảng Trinh Hồ Thu Dương là một đệ tử của tu viện Quảng Đức và bây giờ định cư ở Houston Hoa Kỳ. Kinh Bát Nhã là gắn kết với Thiền Vipassana, gắn kết từ đầu tới cuối luôn. Hồi nãy Sư Phụ nói rồi, tu Thiền quán hay là Thiền chỉ đều là phải tụng kinh Bát Nhã, thấy mọi thứ giống như nó đang là. Thấy mọi thứ như nó đang là chính là Prajna Paramita tức là Bát Nhã Ba La Mật Đa, nếu mà không có Bát Nhã Ba La Mật Đa thì không thể nào mà hành giả có thể nhìn thấy sự vật như chúng đang là, nhìn thấy con người đó như họ đang là. Nếu mà mình không có trí tuệ Bát Nhã mình nhìn con người đó là mình nhìn họ như mình đang là, chứ không phải như họ đang là, cái khổ đau của kiếp người là chúng ta nhìn họ như mình đang là. Mình nhìn mặt họ là mình nghĩ - tại sao cái mặt bà này bữa nay thấy khó ưa quá? Nhưng kỳ thực mình là cái người đang khó ưa. Đang khó ưa nên mình nghĩ tại sao bà này bữa nay gặp mình mà bả không chào? Nhưng mà kỳ thực, bà này bả đang đau bụng, bả đang khó chịu nên bả chưa kịp chào mình chứ bả đâu có mắc mớ gì đâu mà mình nghĩ cái bà này bữa nay bả khó chịu. Mình chụp cái ý nghĩ của mình lên trên người của họ, trên cái suy nghĩ của họ cho nên mình tự làm khổ mình. Mà tất cả mọi thứ trên cuộc đời là như vậy. Cho nên ở trong bài kinh Bahiya còn gọi là bài kinh Cấp Tốc là câu chuyện về Ngài Bahiya.

 Ngài Tôn giả Bahiya là một ông già ở trên một cái đảo, cách Tinh Xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc khoảng 500 dặm. Ông là một nhà thương buôn, một hôm ông đi tàu bị đắm, ông vớt được khúc gỗ trôi lên một cái đảo. Ông lấy vỏ cây làm quần áo vì áo quần rách hết rồi, dân làng ở trong đảo đó mới đem đồ cúng dường cho ông, vì thấy ông như một vị thần cây vậy đó. Bỗng nhiên có người tới dâng đồ ăn, thức uống cho mình, ông nghĩ mình có phước quá! Mình là một vị A La Hớn. Tự vỗ ngực xưng ta là một vị A La Hớn nên nhận được nhiều đồ cúng. Lúc đó có một vị trời phạm Thiên, vị Phạm Thiên này vốn là một trong bảy anh em của Ngài kiếp trước, thấy như vậy mới xuống giả làm một thường dân nói: "Thưa Ngài, Ngài chưa phải là một vị A La Hớn mà cũng chưa phải là một người trên đường đi  tới  quả vị A La Hớn, nên Ngài làm ơn làm phước đừng có nhận lầm như vậy, tội chết". Ngài Bahiya hỏi: "Muốn được làm A La Hớn thì phải làm sao đây?". Ông này chỉ đi tới Tinh Xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc gặp Đức Thích Ca Mâu Ni. Bahiya lặn lội ngày đêm đi tới Tinh xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc, tới rạng sáng thì đến nơi, lúc đó chư Tỳ Kheo mới nói Đức Thế Tôn đã đi khất thực ở ngoài thành Savatthi (Xá Vệ) rồi. Ông mới chạy ra ngoài đường thấy Đức Thế tôn đi khất thực về ông mới tới quỳ trước Đức Thế Tôn đảnh lễ: “Xin Đức Thế Tôn từ bi hoan hỉ, dạy cho con một bài pháp để con thoát khỏi sanh tử luân hồi”. Đức Thế Tôn từ chối nói: “Đây không phải là lúc mà ta nói pháp, đây là lúc ta đang đi khất thực”.

Bahiya 3 lần năn nỉ Thế tôn để được nghe thuyết pháp. Lần thứ 3 Đức Thế Tôn mới nói. "Này Bahiya, trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ có cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ có cái thức tri. Như vậy nếu mà trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ có cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ có cái thức tri, thì ông không là chỗ đó. Ông không là chỗ đó thì ông không có đời này, ông không có đời giữa, và ông không có đời sau, như vậy là ông sẽ đoạn tận khổ đau, đạt tới giác ngộ và giải thoát.” Ngay lời dạy đó của Đức Thế Tôn ông Bahiya đã chứng quả A La Hớn liền. Đức Phật tiếp tục đi khất thực và ông già đã bước ra bên ngoài thì bị con bò điên húc chết tại chỗ. Sau khi Đức Thế Tôn đi khất thực về thì cho chúng Tỳ Kheo đem thi hài của ông này về để mà trà tỳ thu xá lợi. Một ông già từ phương xa tới nghe pháp thôi mà chứng quả A La Hớn, và khi chết được thu xá lợi lại để tôn thờ Đức Phật nói rằng: Đây là một vị Tỳ Kheo ở quá khứ nhưng mà vì nghiệp báo cho nên cuối cùng phải đọa lạc nhiều đời, và đời này sanh ra gần thành Xá Vệ, để mà gặp Đức Thế Tôn, để Đức Thế Tôn nói bài pháp này "Trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe. Bởi vì sao? - Bởi vì trong cái thấy là mình có nhiều cái thấy khác của quá khứ của mình, của kinh nghiệm của mình. Trong cái nghe mình có trùm lên những cái nghe của quá khứ để mà mình phán xét cái nghe hiện tại, cho nên vọng tưởng điên đảo từ đó mà phát sanh, cho nên mình không thấy đường về.

Ngày hôm nay mà được các Sư phụ hướng dẫn thiền Vipassana là trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe thôi, thì ngay đó chúng ta sẽ có sự an lạc và giải thoát. A Di Đà Phật, cảm ơn chị Quảng Trinh.

Quảng Trinh: Con kính tri ân Sư Phụ.

MC NS: Nam Mô A Di Đà Phật, chúng con vừa rồi đã được Thầy Giảng Sư Thích Nguyên Tạng giảng cho chúng con được hiểu về Bát Nhã Tâm Kinh với 260 chữ trong bản kinh rút ngắn gọn của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Thầy đã giúp cho chúng con hiểu được ý nghĩa cao thâm vi diệu của Kinh Bát Nhã, và không những thế Thầy cũng đã cho chúng con cái nhìn sâu sắc thêm về toàn bộ, nhất là về cuộc sống tâm linh của mỗi chính con người, nếu chúng ta nhận ra được cái tánh không của ngũ uẩn cũng như là tất cả sự vật, hiện tượng của thế gian đều trống không thì không còn gì để mà đau khổ nữa. Ngoài cái tánh không đưa chúng ta đến giải thoát thì chân như cũng sẽ đưa ta đến trí tuệ siêu việt. Dạ, Mô Phật một lần nữa chúng con kính tri ân Thầy và chúng con kính chúc Thầy phước trí nhị nguyên, tứ đại thường hòa và độ nhân tự tại, và xin kính chúc quý vị Đạo hữu thân tâm luôn an lạc, tinh tấn dũng mãnh và đạo tâm kiên cố. Và để kết thúc buổi pháp thoại hôm nay con kính mời Thầy niệm Phật, hồi hướng cùng chúng con.

TT NT: A Di Đà Phật. Cảm ơn chị Ngọc Sáng có lời hồi hướng công đức cuối thời giảng. Chúc quý Phật tử sớm lên thuyền Bát Nhã để đi qua bên kia bờ giải thoát, giác ngộ an vui.  Kính mời quý vị chắp tay hồi hướng công đức.

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sanh,

Đều trọn thành Phật Đạo

Hoàng (Đức): Con kính tri ân Thầy


tt nguyen tang (10)tt nguyen tang (11)tt nguyen tang (12)tt nguyen tang (13)tt nguyen tang (14)tt nguyen tang (15)tt nguyen tang (16)




MCNS: Mô Phật, con kính tri ân Thầy, kính chúc Thầy một ngày an lạc, và kính chúc quý vị bên Châu Âu có một buổi tối thật là ngon giấc. Sẵn đây con kính mời quý đạo hữu trở lại vào thứ Năm tuần tới cũng vào lúc 20 giờ ngày 30.3.23 này với TT Thích Thông Trí "Hệ thống giới phẩm và cách xưng hô trong đạo Phật"

TT NT: Chị mở bản nhạc Thuyền Bát Nhã đi cho đại chúng nghe.

MC NS: Dạ thưa, anh Nguyên Mãn sẽ mở.

TT NT: Anh Nguyên Mãn mở đi.

MC NS: Thầy ơi qua bài giảng vừa rồi thì chúng con cũng rất mong là Thầy sẽ trở lại với chúng con nhiều lần nữa, chứ không phải lần này là lần thứ hai nha Thầy.

TT NT: Dạ, A Di Đà Phật. TT Hạnh Tấn sẽ sắp xếp và Thầy trở lại thôi.

MC NS: Dạ, cảm ơn Thầy

TTNT: Dạ, A Di Đà Phật

 

 ****

 

Kính bạch Thầy

 

Buổi thuyết giảng 2 tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh, Thầy đã cho chúng con thật nhiều niềm vui trong mái ấm gia đình tâm linh, những giờ phút vô niệm,  hình ảnh Đức Thế Tôn giảng dạy cho cư sĩ Dhammdinna cùng 500 cư sĩ tại vườn Nai lại trở về trong con, thật đẹp, thật sống động.

Con xin đảnh lễ Thế Tôn,

Con xin đảnh lễ Tăng Đoàn

Đã cho con nguồn diệu pháp

Con xin nguyện tu học theo bốn pháp căn bản, thành tựu lòng tin không thay đổi với:

- Phật: bậc giác ngộ hoàn toàn

- Pháp: chánh pháp trong sáng, lợi ích

- Tăng: những người tu hành đạo hạnh, đáng tôn kính và lợi ích cho chúng sanh

- Giới: năm giới căn bản mà chủ yếu là tôn trọng sự sống, tài sản kẻ khác, hạnh phúc gia đình. Sự thật và phát triển trí tuệ.

 

Cảm ơn các đạo hữu có mặt trong đạo tràng hôm nay

Cảm ơn các bạn đồng tu

Cùng nhau vui hưởng pháp mầu Thầy trao

Nguyện lòng một dạ sắc sao

Kính thành Tam Bảo ngày sau đáp đền

Nguyện cùng bạn học tu thêm

Tình đời nghĩa đạo kết duyên Bồ đề

 

Chúng con xin cung kính

 

Tán lễ đức Thế Tôn,

Bậc vô thượng năng nhân.

Trải vô lượng kiếp tu nhân.

Từ cung Đâu suất giáng thần.

Giã từ ngôi báu kim luân.

Ngồi gốc Bồ đề, đại phá ma quân.

Một sớm sao mai vừa mọc,

Đạo lớn viên thành,

Đại chuyển pháp luân.

Thánh chúng quy ngưỡng một lòng,

Đạo vô sinh sẽ chứng

Chúng con quy nghưỡng một lòng,

Đạo vô sinh nguyện chứng,

 Đêm nay nơi xứ trời Âu này, chúng con rất vui, Thầy đã cho chúng con niềm hỉ lạc vô biên, chị Tâm Hải Đức trong mấy ngày qua nhờ hồng ân Tam Bảo, Thầy đã giúp chị vơi đi niềm đau mất mẹ, chị cười nói với con, Thầy giảng dễ hiểu quá há em? Thầy có trí nhớ thật hay. Con trả lời: Dạ, Thầy rất hiền, luôn lắng nghe đệ tử mình nói, dù bận tới đâu, Thầy cũng để thời gian cho các đệ tử của Thầy, mà thật vậy, 2 tiếng đồng hồ trôi qua, Thầy vui vẻ, lắng nghe từng câu, từng chữ của phật tử để giải đáp, Thầy thật kiên nhẫn, mà không phải ai cũng có được.

Chị THĐ cười thật tươi, bữa nay chị vui, chị cảm ơn Thầy

con nói: Má cũng về nghe Thầy tuyết pháp, thấy chị chắc rằng má vui lắm!

 

Thong dong giữa chốn hồng trần

Con thuyền Bát Nhã bồng bềnh dạo chơi

Ngũ uẩn đã biết được rồi

Mặc cho huyễn cảnh ta thời nhận ra

Tri ân giáo pháp Thích Ca

Thầy Nguyên Tạng đã giảng ra lời vàng.

Mời người xin ghé qua ngang

Dừng chân ghé lại Thầy trao pháp hiền.

 

Kính

Diệu Danh


**********************


Bài liên quan:

1/ Đại Bát Nhã (600 quyển, 5 triệu chữ ) bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm

2/Tường thuật buổi giảng về "Bát Nhã Tâm Kinh" (Huệ Hương)

3/ Ngồi Thuyền Bát Nhã (bài viết của TT Nguyên Tạng)
4/ Ngồi Thuyền Bát Nhã (thơ của Quảng Pháp Ngôn)
5/ Bài giảng trên Youtube "Bát Nhã Tâm Kinh" (TT Nguyên Tạng)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]