NGỒI THUYỀN BÁT NHÃ
Bài của TT Thích Nguyên Tạng
Diễn đọc: Nghệ Sĩ Trọng Nghĩa - Mộng Lan
Trong bài phục nguyện cuối thời Kinh khuya có câu: “Xe Tam Thừa lộng lẫy, Thuyền Bát Nhã thênh thang, Sáu Đường dốc ngược đèo ngang, Ba Cõi sông mê lặn hụp…”; trong Đại Bi Sám Pháp có câu: “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, nguyện con mau lên Thuyền Bát Nhã” và bài thơ chúng ta hay nghe trong các bài đạo từ của quý Hòa Thượng:
Cạn với nhau một tách nước Tào Khê
Dẫn quần sanh Bảo Thành sớm quay về
Thuyền Bát Nhã dong buồm lên bến Giác...
Thật vậy, trong sinh hoạt thường nhật ở Chùa ai ai cũng từng nghe qua câu “Ăn cơm Hương Tích, uống trà Tào Khê, ngồi thuyền Bát Nhã, ngắm trăng Lăng Già “, do đó mà nhiều người thắc mắc “Thuyền Bát Nhã” là loại thuyền như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp đôi điều về nghi vấn ấy.
Nói theo Thập Nhị Bộ Kinh, Thuyền Bát Nhã là pháp dụ, tức lấy thí dụ trong thực tế đời thường để hiển bày pháp bí yếu của Phật. Thuyền là chỉ cho các loại thuyền, bè, ghe đi lại trên sông, trên biển. Còn Bát Nhã là trí tuệ, một loại trí tuệ thấu triệt cùng tận chân tướng của vạn pháp trên thế gian là không thật có, là huyền ảo không có thực thể, mà nói theo Đại Trí Độ Luận thì mọi thứ trên thế gian này như bóng trong gương, như trăng dưới nước, như mộng, như sóng nắng… để từ đó hành giả đi đến sự giác ngộ giải thoát vì giác ngộ được chân lý “Nhất thiết pháp vô ngã”. Do vậy, Thuyền Bát Nhã chính là con thuyền trí tuệ có thể chuyên chở chúng sanh vượt qua biển khổ sanh tử để đến bến bờ Niết bàn giải thoát an vui.
Là đệ tử Phật, ai ai cũng cảm thấy gần gũi với bài Bát Nhã Tâm Kinh mà ta thường trì tụng hằng ngày, không có thời kinh nào mà ta không tụng bài kinh này, mở đầu thời kinh là Chú Đại Bi, biểu trưng cho lòng từ bi, cuối thời kinh là Bát Nhã Tâm Kinh, biểu trưng cho trí tuệ. Từ bi và trí tuệ giống như đôi cánh không thể thiếu để giúp hành giả bay vào cõi giới an lạc và giải thoát. Cuối bài kinh này có câu thần chú “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”, tạm dịch là “Đi qua, đi qua, qua bờ kia, qua đến bờ kia, vui thay”. Chính do cụm từ “ba la tăng yết đế” (qua đến bờ kia) và từ “Ba La Mật Đa” là “Đáo Bỉ Ngạn”, có nghĩa là “qua đến bờ kia”. Bờ kia là cõi giới Niết Bàn, an lạc và giải thoát. Vì sông mê, biển ái làm ngăn cách giữa đôi bờ đau khổ và an vui, muốn qua bờ kia, hành giả phải bước lên thuyền Bát Nhã ngang qua pháp tu Bát Nhã Ba La Mật Đa với ba giai đoạn: Văn Tự Bát Nhã; Quán Chiếu Bát Nhã và Thật Tướng Bát Nhã. Chính vì tinh thần này mà chư Tổ Đức đã nghĩ đến pháp dụ Thuyền Bát Nhã để giúp cho hành giả dễ dàng suy gẫm và áp dụng pháp tu Bát Nhã này vào trong đời sống hằng ngày của mình để có an lạc và hạnh phúc.
Bát Nhã Tâm Kinh viết cho đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; Ma Ha là lớn; Bát Nhã là trí tuệ; Ba La Mật Đa là rốt ráo, cùng tận, cứu cánh, đến bờ kia; Tâm Kinh là kinh trọng tâm, kinh cốt lõi. Như vậy tựa đề bản kinh này là: Kinh cốt lõi về trí tuệ lớn có thể đưa hành giả qua bờ giác.
Bản Kinh ngắn này gồm có 260 chữ, cô đọng lại từ 4 triệu năm trăm ngàn chữ, 25.000 câu của Bộ Đại Bát Nhã 600 quyển. Đây là bản kinh Đại Bát Nhã khổng lồ trong kho tàng Kinh Điển của Phật Giáo. Đức Phật đã thuyết bản kinh này nhiều lần gom lại khoảng 22 năm ở tại 4 địa điểm khác nhau như:1/Linh Thứu Sơn ở Thành Vương Xá; 2. Tịnh Xá Kỳ Hoàn ở Thành Xá Vệ; 3.Cung Trời Tha Hóa Tự Tại; 4.Tịnh Xá Trúc Lâm ở nước Ma Kiệt Đà.
Trưởng Lão HT Thích Trí Nghiêm (xem)
Trưởng Lão HT Thích Thiện Siêu (xem)
Hình tác giả lúc làm thị giả hai Ôn Trí Nghiêm & Ôn Thiện Siêu (xem)
Bản Bát Nhã Tâm Kinh mà ta thường thọ trì hằng ngày tại Việt
http://quangduc.com/a3905/kinh-dai-bat-nha-ba-la-mat-da
Trang nhà Quảng Đức sau đó tiếp tục phát tâm đánh máy bộ Đại Trí Độ Luận 5 tập, sớ giải Kinh Đại Bát Nhã, bản dịch của HT Thích Thiện Siêu, xin mời xem: http://quangduc.com/a2989/dai-tri-do-luan
Chúng con ghi lại những dòng này để thành tâm tán thán công đức của nhị vị Trưởng Lão Hòa Thượng đã có công phiên dịch Kinh và Luận liên quan đến hệ tư tưởng Bát Nhã để cống hiến cho Phật tử VN lần bước lên thuyền Bát Nhã để sang bờ giác ngộ bên kia. Nhân đây xin thành tâm tán thán công đức của quý Phật tử trong ban đánh máy (có người đã qua đời), đã làm việc cấp tốc để kịp đưa bản kinh vào mạng để hồi hướng công đức đến Ôn Trí Nghiêm. Quả thật là một công đức không thể nghĩ bàn của quý vị.
Trở lại con thuyền Bát Nhã, ai muốn lên thuyền Bát Nhã vượt qua sông mê biển ái phải đi ngang qua ba tiến trình tu tập, đó là Văn tự Bát-nhã, Quán chiếu Bát Nhã và Thật tướng Bát Nhã. Văn tự Bát Nhã cũng là phương tiện Bát Nhã, là hành giả nương vào văn tự, chữ nghĩa để nhận ra chân tướng mọi thứ đều giả tạm và luôn thay đổi. Quán chiếu là xem xét, soi thấu chân tướng của vạn pháp là không có thực thể nhất định. Thật tướng Bát Nhã là nhờ hành giả quán chiếu vạn pháp là vô tướng nên phát sinh ra trí tuệ, nhờ trí tuệ này mà thấu rõ được hết thảy tự tánh, thật tướng, vô tướng của vạn pháp. Văn tự Bát Nhã có thể ví như chiếc thuyền, Quán chiếu Bát Nhã được xem như hành giả ra sức chèo, Thật tướng Bát Nhã xem như hành giả qua đến bờ bên kia. Đại Sư Thái Hư (1889-1947), một người có công chấn hưng Phật Pháp của Trung Hoa đầu thế kỷ thứ 20, từng dạy rằng: Hành giả tu đạo giải thoát ví như người muốn qua sông, vị ấy bước lên thuyền, nhưng vị ấy cứ ngồi đó chơi mà không chịu chèo thuyền, thì mãi mãi không bao giờ thuyền qua đến bờ bên kia được. Đây là sự nhắc nhở khéo léo cho người tu học Phật ngày nay, chỉ biết thích thú giai đoạn đầu là đào sâu, nghiên cứu văn tự, ngữ ngôn của kinh điển rồi ngủ quên luôn trong rừng chữ nghĩa đó mà không tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía bờ sông, để lên thuyền và chèo thuyền. Căn bệnh này về sau chính Đại Thi Hào Nguyễn Du (1765-1820) của Việt
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là soi thấy năm hợp thể ngũ uẩn đều là không. Toàn bộ hệ tư tưởng kinh điển Bát Nhã chỉ nhắm vào một chữ Không này để giúp cho hành giả nhìn thấu tận cội nguồn của vạn pháp, tất cả mọi thứ trên trần gian này đều ở trong trạng thái là tự tánh Không, không có một tự thể sẵn có, mà phải mượn các yếu tố giả duyên khác để tạo thành.
Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo thành con người gồm có thân (sắc uẩn) và tâm (thọ, tưởng, hành và thức uẩn).
1/ Sắc uẩn: Thuộc về thân, chỉ cho hình hài của con người (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân), sắc còn chỉ cho vật chất thô phù bên ngoài như đất, nước, núi sông, cây cỏ, đường xá, nhà cửa…Ở đây, sắc uẩn là chỉ thân xác của chúng ta, được kết hợp từ tinh cha huyết mẹ qua 4 yếu tố: Đất, nước, lửa, gió (địa, thủy, hỏa, phong). Thân có được từ các chất cứng (địa) như xương, thịt, răng, tóc, lông, móng…; thủy (nước) là chất lỏng như máu, mồ hôi, nước miếng…; phong (gió) là hơi thở ra vào; hỏa (lửa) là hơi ấm. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này ta sẽ chết và điều quan trọng là 4 yếu tố này không có cái nào làm chủ cả, ta không sai khiến được nó, nó ở ngoài tầm kiểm soát của ta, thân ta là do giả duyên hợp lại mà thành, không có tự thể nhất định, nên gọi đó là sắc uẩn, sắc uẩn là không.
2/ Thọ uẩn: Thuộc về tâm, là cảm giác vui, buồn, không vui không buồn. Bản thân của cảm xúc cũng không thật có, nếu ta có vui, có buồn, hoặc không vui không buồn phải đi ngang qua sự tiếp xúc của lục căn với lục trần như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý thức phân biệt. Chẳng hạn như tai ta nghe bản nhạc “Mừng Phật Đản Sanh”, ta cảm thấy vui, nhưng ta buồn khi nghe bài “Tâm sự người cài hoa trắng”, trong khi nghe bài hòa tấu Piano “Sonata 32” của Beethoven, ta có cảm xúc trung hòa, không vui, không buồn. Cái cảm giác vui, buồn và không vui, không buồn này không thật có mà phải mượn tiếng nhạc du dương kia để nó xuất hiện trong tâm ta, nên Phật dạy thọ uẩn là không.
3/ Tưởng uẩn: Thuộc về tâm, là tri giác, nhận biết mọi âm thanh, sắc tướng xung quanh, hồi tưởng về quá khứ, tưởng tượng hiện tại và tương lai…Ví dụ như đêm tối ta nhìn thấy cục đá bên lề đường mà tưởng đó là con chó. Bản thân tưởng uẩn là không thật có và luôn sai lầm vì nó bị chi phối với ký ức của quá khứ và vọng tưởng điên đảo của hiện tại và tương lai, nên tưởng uẩn là không.
4/ Hành uẩn: Thuộc về tâm, những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng, có 2 nghĩa thiên lưu và tạo tác. Thiên lưu là dòng chảy của suy tư; tạo tác ra 51 tâm sở thiện, bất thiện và vô ký, ví dụ như tâm ý vui thích, ghét bỏ, chú ý, đánh giá, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác. Hành do tưởng mà có, và cũng tùy duyên mà dấy khởi, chứ không thật có, nên hành uẩn là không.
5/ Thức uẩn: Thuộc về Tâm Vương (có 8), là sự nhận thức phân biệt, như mắt thấy sắc, phân biệt đẹp hay xấu, tai nghe tiếng, phân biệt âm thanh lớn hay nhỏ, mũi ngửi mùi, phân biệt mùi thơm hay hôi, lưỡi nếm vị, phân biệt vị mặn hay lạt, thân xúc chạm, phân biệt lạnh hay nóng. Thức tự bản thân không tự có, mà do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mới có phân biệt, nên thức uẩn là không.
Qua sự phân tích của năm uẩn như trên ta không thấy cái uẩn nào là của ta cả, và năm uẩn đều không có thực thể riêng biệt, không có chủ thể nhất định, vậy mà lâu nay ta lầm tưởng ngũ uẩn này là thật có để rồi ta tự gây đau khổ cho mình và cho người. Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật cũng dạy phương cách quán chiếu để giúp ta nhận ra các pháp là tự tánh không rằng:
“ Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán “
Ý nghĩa hàm chứa:
Các pháp thế gian thuộc hữu vi
Như đêm đông giấc mộng đông thùy
Như đồ giả dối không bền chắc
Như bọt nước tan mất cấp kỳ.
Như bóng trong gương nào phải có
Như sương giọt nắng chẳng còn chi
Như luồng điện chớp làm gì có
Quán xét như vầy mới thật tri.
Quán xét được như thế để hành giả không rơi vào đau khổ, lo âu, sợ hãi khi vô thường đến. Đặc tính chung của ngũ uẩn là sinh diệt, vô thường, vô ngã và khổ. Nên Kinh Bát Nhã được Đức Phật nói đi nói lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau chủ yếu để phá bỏ ngũ uẩn này, ngày nào chúng sinh chưa phá bỏ được bức tường thành kiên cố của ngũ uẩn này thì ngày đó chúng sanh vẫn tiếp tục luân hồi đau khổ và ngược lại, một khi thấu rõ bản chất của ngũ uẩn là không thật có, hành giả sẽ tự tại giữa đôi bờ sinh tử. Bản chất khổ, vô thường và vô ngã của ngũ uẩn là một điểm then chốt mà hành giả phải nhìn cho ra, vì sự đau khổ bắt nguồn từ sự mỏng manh của ngũ uẩn, trong khi ngũ uẩn là thành tố tạo ra con người với những giả duyên mà đã là giả duyên nên không có bất kỳ một cái "ta" nào thật sự đứng đằng sau con người đó. Liễu đạt được tính vô ngã của ngũ uẩn là hành giả đang ở trên Thuyền Bát Nhã để tiến về bờ giải thoát.
Trong bài Kinh Bát Nhã phần còn lại theo sau bức thông điệp “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách”, là sự phá bỏ, phủ nhận tất cả những quy ước về con người, về pháp môn tu tập, về các tầng bậc chứng đắc. Với 7 chữ “Không”, 5 chữ “Bất” và 14 chữ “Vô” của bản kinh này đã khẳng định tất cả mọi thứ trên trần gian đều là Không. “Không” ở đây không phải không đối với cái “có” mà “không” ngay nơi cái đang có, mắt có thể thấy, tay có thể xúc chạm nhưng chủ thể của nó vẫn là Không, nó không cố định, không thật có, nó có là do giả duyên hợp lại mà có, dù có đó nhưng duyên tan thì lập tức nó hoại diệt, nên Bát Nhã gọi là tự tánh Không. Ví dụ như ta tự hỏi chiếc xe Toyota Camry mà ta đang lái, cái gì là xe? Ai là chủ thể của chiếc xe? Vô lăng là chủ thể? 4 bánh là chủ thể của xe? Bình thùng là chủ thể của xe? Hay kỹ sư cơ khí là chủ thể của xe?...Tất cả đều không phải mà chiếc xe này là do nhiều yếu tố, nhiều duyên tổng hợp lại để thành chiếc xe, nếu thiếu một trong hằng trăm yếu tố kia, chiếc xe không bao giờ thành. Con người cũng vậy, cái gì là con người? Kỳ thực con người cũng chỉ là da bọc xương, đầu, mình, tay, chân…cùng với những tình cảm, tư tưởng… Do đó những cái mà chúng ta gọi là chiếc xe, là con người, chỉ là giả danh, không có thật, tức là “Không”. Cho nên Bồ Tát Long Thọ mới khẳng định qua bài kệ:
"Chúng nhơn duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa
Vị tằng hữu nhất pháp
Bất tùng nhân duyên sanh
Thị cố nhất thiết pháp
Vô bất thị không giả"
Nghĩa là: “Pháp do nhơn duyên sanh. Cho nên nói pháp là Không. Không cũng là giả danh. Hiểu thế là trung đạo. Chưa từng có một pháp nào, không từ nhơn duyên sanh. Thế nên tất cả pháp, không pháp nào chẳng Không”. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm cũng dạy cách để phá chấp ngũ uẩn rằng: Quán sắc như tụ mạt, thọ như phù bào, tưởng như dã mã, hành như ba tiêu, thức như huyễn pháp”, có nghĩa: “quán sắc như như hột bọt, thọ như bong bóng nước, tưởng như ngựa hoang, hành như cây chuối và thức như trò ảo thuật”. Và Đức Phật dạy tiếp trong Kinh Bát Nhã “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh…’’, nghĩa là tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch… Do không sanh, không diệt nên nó thường còn, trước sau không bao giờ đổi thay. Còn những gì sanh diệt là cái tạm có, có rồi tan biến mất.
Muốn chận đứng dòng chảy của luân hồi sinh tử, hành giả phải nhìn thấy vạn pháp là không tướng, để ta không vướng nhiễm và khổ đau. Xưa nay vì ta lầm chấp và vướng nhiễm mọi thứ là thật có, nên mới mãi lặn hụp trong ba cõi sáu đường, và khi ta bị dính kẹt trong thân ngũ uẩn này thì bị nó chi phối và đọa đày, chỉ có Chư Phật, chư Bồ Tát, Chư vị A La Hán mới không bị ngũ uẩn ràng buộc và cột trói. Vì vậy trong kinh Kim Cang Phật tuyên bố: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”, nghĩa là: “Trong đời sống này những gì có hình tướng đều là hư vọng mỏng manh. Nếu thấy các tướng không phải tướng, tức là thấy được Như Lai”. Phi tướng hay không phải tướng là chỉ cho các pháp do duyên hợp giả có, chứ không thật có, đó là thấy được thật tướng mà thấy được thật tướng là thấy được Đức Như Lai. Đức Như Lai ở đây cũng là chỉ cho bản giác của chính mình chứ không phải Đức Như Lai ở đâu xa xôi. Từ lời dạy này mà về sau, Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác đã cất lên lời ca tiếng hát khi nhận ra bên trong tấm thân ngũ uẩn còn có chân tâm thường trú, thể tánh tịnh minh, rằng:
“Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật
Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một”.
Nghĩa là:
Pháp thân giác rồi không một vật,
Bổn nguồn tự tánh thiên chân Phật.
Năm ấm ảo hư: Mây lại qua,
Ba độc huyễn hoặc: Bọt còn mất. (Bản dịch của Trúc Thiên)
Đây là lời khai thị lạc quan khác để cho hành giả an tâm lên thuyền Bát Nhã, vì một khi có tia sáng của Bát Nhã Ba La Mật rồi thì ta nhận ra được pháp thân thanh tịnh của chính mình ở ngay trong tấm thân giả tạm này, khi đó chỉ xem vạn pháp là giai không, duyên sanh là như huyễn, xem ngũ uẩn chỉ là áng mây tụ tán trên hư không và xem ba độc tham, sân, si như bọt bóng trên mặt nước. Thi Hào Nguyễn Du cũng nói lên tinh thần này như sau:
“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng “Vạn cảnh giai không”
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi …”
Còn một điểm then chốt nữa của Bát Nhã Tâm Kinh là phá bỏ kiến chấp về pháp môn tu tập và các tầng bậc chứng đắc của hành giả, rằng “Vô khổ, tập, diệt, đạo.Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố”. Theo Kinh Lăng Già Tâm Ấn thì mỗi chúng sanh đều có một Như Lai Tạng tánh, thường trụ thanh tịnh vắng lặng, bất sinh, bất diệt, đó là Phật tánh chân như, nhưng do duyên khởi với 5 uẩn, với 12 xứ, với 18 giới nên bị vô minh dẫn lối, đưa đường bởi tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, mà có luân hồi, đau khổ. Bồ Tát Mã Minh đã ví biển cả, tánh của nước là Như Lai Tạng, do vì có gió vô minh nên tâm thức vọng đọng mới nỗi sóng ba đào; một khi gió yên, sóng lặng thì biển cả mới hoàn lại như cũ.
Tóm lại, do phiền não và vô minh che lấp tâm tánh mà con người không nhận ra được tự tánh của vạn pháp là giai không, nên vướng nhiễm, chấp đắm và khổ đau. Chư Tổ Đức dạy chúng ta thọ trì Bát Nhã Tâm Kinh mỗi ngày sáu thời là để giúp cho ta huân tập chủng tử Bát Nhã, sống trong thế giới Bát Nhã, mà sống trong thế giới Bát Nhã là sống trong chánh niệm tỉnh giác với tâm rỗng rang, thanh tịnh, rõ ràng thường tri, trực nhận mỗi phút giây của đời sống này là quý báu và mầu nhiệm. Nhờ ánh sáng của Bát Nhã Ba La Mật mà đời sống của chúng ta khinh an trong từng sát na mới mẻ hiện tiền, mỗi bước đi, mỗi hơi thở, ta không rời xa chân như thật tướng, ta sống với một tinh thần vô ngã vị tha, mang tình thương đến cho người, làm vơi bớt khổ đau của người. Nhờ ánh quang minh của Bát Nhã Ba La Mật mà hành giả luôn an trụ trong “đương thể tức không”, là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức, ngay nơi đó ta nhận biết được vạn pháp là không tướng, vô tướng, không phải ngoại cảnh biến mất rồi mới là Không mà ngay khi thấy sự vật còn hiện tiền đó vốn đã Không rồi, nên hành giả luôn tỉnh giác chánh niệm, mà chánh niệm là vô niệm, mà vô niệm chính là cứu cánh Niết Bàn, đây là chỗ đến cuối cùng của người đệ tử Phật. Thành tâm chúc nguyện mọi hành giả mau lên thuyền Bát Nhã để qua đến bờ kia thông suốt và an toàn./.
*****
Nghe tiếp bài khác của anh chị Nghệ Sĩ Trọng Nghĩa - Mộng Lan
***
* Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa (Thích Nhất Hạnh dịch thơ)
* Tâm Kinh Bát Nhã (thơ, Thiện Vân Nguyễn Tân Hải)
**********
3/ Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. Cưu Ma La Thập. HT Thích Duy Lực (dịch)
7/ Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. Cưu Ma La Thập. HT Thích Nhất Hạnh (dịch)
9/Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. Cưu Ma La Thập. HT Thích Từ Thông (dịch)