Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận 01. Văn Tự, Ngôn Thuyết Trong Bát Nhã:

05/04/202108:56(Xem: 11372)
Luận 01. Văn Tự, Ngôn Thuyết Trong Bát Nhã:

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-555

 

III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:

 

TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ

(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)

 

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

LUẬN #1. VĂN TỰ, NGÔN THUYẾT TRONG BÁT NHÃ:

 

  

Nếu không thể dùng văn tự để thơ tả, nếu không thể dùng ngôn thuyết để diễn nói thì làm sao thọ dụng Bát Nhã, làm sao truyền bá Bát Nhã, làm sao đắc Nhất thiết trí trí, làm sao trở thành Vô Thượng Bồ đề để thành thục chúng sanh, thanh tịnh quốc độ?

Trải qua 26 thế kỷ Bát Nhã vẫn còn đó, và sẽ tiếp tục truyền tụng mãi cho đến thời kiếp thủy, kiếp hỏa, kiếp phong… xảy ra. Nếu còn truyền tụng mãi, thì không ai có thể chối cãi vai trò của văn tự, ngôn thuyết trong việc truyền bá, xiển dương. Đó là biện chứng hùng hồn nhất của văn tự hay ngôn thuyết trong việc duy trì sự sống còn của các tôn giáo kể cả đạo Phật.

Ngày nay, ngôn ngữ văn tự giữ một vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của nhân loại. Toán học có ngôn ngữ riêng của nó như cộng, trừ, nhân, chia, các con số, cấp số, tỷ số, căn số, lũy thừa v.v... là những ký hiệu biểu tượng của toán học mà cũng là biểu tượng của cuộc sống. Vì sao? Vì chúng tạo thành các phương trình toán học có mãnh lực phi thường giúp nhân loại trong việc tạo dựng sự sống như trong các ngành như thiên văn, năng lượng nguyên tử, kỹ nghệ hàng không hàng hải, phi thuyền hay kỹ nghệ thực dụng trong việc phục vụ tiện ích cho chúng sanh v.v... Không chỗ nào của khoa học mà không dùng toán học. Nhưng tiếc thay, nó là con dao hai lưỡi, một mặt giúp ích cho sự sống nhân loại đồng thời với sự hủy diệt ghê gớm của nó.

Trong ngành hóa học cũng có ngôn ngữ riêng của nó như ký hiệu của các nguyên tố như Oxy(ký hiệu O2), Hytrogen(ký hiệu H), ký hiệu của các hợp chất như H2O(nước), CO2(Carbon dioxit), các phương trình to lớn trong ngành không gian như E = mc2 v.v...

Trong ngành điện tử với những mật mã, ký hiệu digital tạo thành một thứ ngôn ngữ văn tự hết sức phổ thông trong mọi lãnh vực ngành nghề, có thể giúp ích cho văn minh nhân loại phát triển trong các ngành như giáo dục, truyền thông truyền hình cũng như những phương tiện thực dụng của đời sống nhân loại. Nhưng đồng thời cũng có thể hủy diệt con người hết sức nhanh chóng với những thứ gọi là tác chiến điện tử (electronic warfare) tức là dùng những siêu vi trùng điện tử đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của đối phương như hệ thống chỉ huy (Command), kiểm soát (Control), truyền tin (Communications), tình báo (Intelligence), máy tính (Computers), cảnh giới (Surveillance), trinh sát (Reconnaissance) v.v... và v.v... Và chính nhờ điện toán này(thời đại digital) mà chúng ta ngồi tại đạo tràng biết tất mười phương thế giới chẳng khác nào đắc thiên nhãn, thiên nhĩ thần thông vậy.

Âm nhạc cũng có ngôn ngữ riêng của nó, với các ký hiệu Đồ Rê Mi Pha Sol La Sí (ký hiệu tên gọi: Nốt tròn, nốt trắng, nốt đen, nốt móc đơn, nốt móc kép, nốt móc ba, nốt móc tư, nốt móc năm) v.v...

Chúng tôi không thể liệt kê hết trong việc phát triển ngôn ngữ văn tự của mỗi ngành nghề trong thời đại mới. Đó là nói về tánh cách hữu ích cũng như những nguy hại của ngôn ngữ văn tự trong thời đại mới. Còn ngôn ngữ văn tự trong tôn giáo nhất là Bát nhã Ba la mật như thế nào?

                                                                                                                          

1.Văn tự Bát Nhã:

 

Là chữ viết, chữ dùng để diễn tả mọi hình thái sinh hoạt tâm linh của con người về mọi phương diện... Nó là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất giữa con người với con người từ xưa tới nay mà không ai có thể chối cãi vai trò của nó từ khi con người phát minh ra nó. Nó chính là biểu thị nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới mặc dù có nhiều điểm tương đồng hay dị biệt trong lối diễn đạt. Cũng vậy, Đại Bát Nhã Ba La Mật có hơn 5 triệu chữ diễn tả nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như nói về:

 

 1-Danh trong nghĩa danh, tướng:

 

- Phẩm “Hiện Tướng”, quyển 567, Hội thứ VI, ĐBN, Phật bảo Thắng Thiên Vương:

“... Vì danh tự đạt được đều chẳng phải thật pháp, pháp chẳng phải danh tự, chẳng phải cảnh giới của ngôn ngữ, pháp chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải so lường của tâm. Danh tự chẳng phải pháp, pháp chẳng phải danh tự, chỉ vì thế tục hư vọng giả danh mà nói ra. Không pháp danh tự nói là danh tự, danh tự là không, không có gì cả. Không có gì cả ấy chẳng phải Đệ nhất nghĩa, chẳng phải Đệ nhất nghĩa ấy tức Pháp phàm phu hư vọng”.

Đoạn Kinh này tuy nói lên được thật nghĩa của danh tự nhưng không khỏi đượm màu bi quan. Tất cả danh tự đều là hư vọng, không phải thật, do con người đặt ra, dùng để gọi, để phân biệt vật này với vật khác. Vì vậy, nên nói pháp chẳng phải danh tự, danh tự chẳng phải thật pháp, danh tự là không, không có gì cả, chẳng phải là Đệ nhất nghĩa, chỉ là hư vọng do phàm phu tưởng tượng đặt ra.

 

- Phẩm “Khen Ngợi”, Q.545, Hội thứ IV, TBBN:

“Bát nhã Ba la mật này chỉ có danh tự. Danh tự như vậy cũng bất khả đắc, chỉ dựa vào lời nói vay mượn thi thiết mà có”.

Danh tự chẳng phải thật, chỉ là vay mượn, giả thi thiết có, nên bất khả đắc.

 

- Phẩm “Tam Giả”, quyển thứ 2, MHBNBLMĐ, La Thập dịch. Nói rằng:

“Lúc thực hành Bát nhã Ba la mật đại Bồ Tát phải biết danh tự là giả thi thiết. Đã biết danh tự là giả thi thiết rồi thời chẳng chấp trước nơi sắc, thọ tưởng, hành, thức, chẳng chấp trước nơi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng chấp trước nơi nhãn giới đến ý thức giới, chẳng chấp trước nơi nhãn xúc cùng nhơn duyên của xúc đến ý xúc cùng nhơn duyên của ý xúc sanh ra sự cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc bất khổ, bất lạc, chẳng chấp trước tánh hữu vi, tánh vô vi, chẳng chấp trước Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền na và Bát nhã Ba la mật, chẳng chấp trước ba mươi hai tướng, chẳng chấp trước thân Bồ Tát, chẳng chấp trước nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn, chẳng chấp trước trí Ba la mật, thần thông Ba la mật, chẳng chấp trước nội không nhẫn đến vô tánh tự Tánh không, chẳng chấp trước thành tựu chúng sanh, chẳng chấp trước thanh tịnh Phật độ, chẳng chấp trước pháp phương tiện.

Tại sao vậy? Vì những pháp nầy đều là rỗng không nên chẳng có người chấp trước, chẳng có pháp bị chấp trước, chẳng có chỗ để chấp”.

Vì biết danh tự là giả thi thiết đều rỗng không, nên không có chỗ chấp, không có người chấp. Đó chỉ danh giả, pháp giả. Nhờ biết như vậy mà tránh khỏi chấp trước. Đó là lý do tại sao nói danh tự là giả.

 

- Phẩm “Thiện Đạt”, quyển thứ 27, MHBNBLMĐ, nói về danh và tướng như sau:

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa thì chúng sanh an trụ tại chỗ nào để được Bồ Tát cứu độ?

- Này Tu Bồ Đề! Chúng sanh chỉ an trụ trong danh tướng, hư vọng, ức tưởng, phân biệt, vì thế nên Bồ Tát hành lục Ba la mật ở trong danh tướng, hư vọng cứu chúng sanh ra.

- Bạch đức Thế Tôn! Những gì là danh? Những gì là tướng?

- Này Tu Bồ Đề! Danh chỉ là giả lập đặt ra: Này là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức, này là nam, là nữ, là lớn, là nhỏ, này là Địa ngục, là Ngạ quỷ, là Súc sanh, Nhơn, Thiên, này là hữu vi, là vô vi, này là quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, Duyên giác đạo, này là Phật đạo.

Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp hòa hợp đều là giả danh. Dùng danh để đặt tên cho các pháp, thế nên gọi là danh. Tất cả pháp hữu vi chỉ có danh tướng. Người phàm ở trong đó sanh chấp trước.

Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, vì dùng sức phương tiện nên ở trong danh tự, dạy cho họ xa lìa mà bảo rằng: Này các chúng sanh! Danh ấy chỉ là rỗng không, phát sanh từ hư vọng, ức tưởng, phân biệt.

Các ngươi chớ chấp trước hư vọng, ức tưởng. Chúng bổn lại đều không, vì tự tánh rỗng không vậy, bậc trí giả chẳng nên chấp trước.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, dùng sức phương tiện vì chúng sanh mà thuyết pháp. Đó là danh.

Những gì là tướng?

Này Tu Bồ Đề! Có hai thứ tướng mà người phàm chấp trước: Một là sắc tướng. Hai là vô sắc tướng.

Những gì gọi là sắc tướng? Những thứ có sắc hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, đều là rỗng không. Ở trong những pháp rỗng không ấy ức tưởng, phân biệt để tâm nắm lấy tướng. Đây gọi là sắc tướng.

Những gì là vô sắc tướng?

Nơi các pháp vô sắc ức tưởng, phân biệt để tâm nắm lấy tướng nên sanh phiền não. Đây gọi là vô sắc tướng.

Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, dùng sức phương tiện dạy chúng sanh xa lìa chấp trước. Ở trong pháp vô tướng khiến họ rời lìa hai pháp, đó là tướng, là vô tướng.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật dạy chúng sanh lìa tướng khiến họ an trụ trong vô tướng”.

Danh tự dùng để phân biệt vật này với vật nọ khác biệt về danh và tướng. Và chính cái phân biệt đó giúp ta nhận biết sự vật. Như vậy, danh tự một mặt giúp ta nhận biết được sự vật, mặt khác chính vì phân biệt mà chúng ta gặp nhiều trở ngại trong vấn đề tâm linh. Để hóa giải cái hại do sự phân biệt đó, nên Bồ Tát dạy chúng sanh pháp vô tướng để chúng sanh không bám vào danh và tướng mà chìm trong khổ não. Vô tướng là vô chấp thì không còn quái ngại! Đó chỉ nói về mặt trái của danh tự.

 

2- Tự trong nghĩa văn tự, chữ nghĩa:

 

Ở đây chúng tôi không bàn đến văn tự trong văn hóa loài người mà chúng tôi chỉ bàn riêng văn tự chính yếu của Bát Nhã. Có lẽ nếu nhân loại không có những từ này, thì không biết Phật phải dùng những từ nào khác để diễn đạt Bát Nhã. Từ “Không” là văn tự chính trong Bát Nhã. Tất cả những gì mà Bát Nhã muốn diễn đạt không ngoài từ này. Nó là trung tâm, là cái rốn của Bát Nhã. Thông thường từ này được dùng để trả lời một câu hỏi có hay không. Nói theo văn hóa thế tục, “Không” chỉ là một thứ khước từ, chối bỏ suông, chẳng có một hàm ngụ nào đằng sau nó.

“Không” chỉ có nghĩa thâm áo khi theo liền bằng một tràng phủ định liên hồi: Sắc không, thọ tưởng hành thức không; mắt tai mũi lưỡi thân ý không, nhãn giới cho đến ý thức giới không; vô minh không cho đến già chết cũng không; khổ tập diệt đạo không cho đến chứng đắc cũng không. Tất cả đều không và cái không cuối cùng cũng tan biến nốt. Một tràng phủ định, từ phủ định này sang phủ định khác... cho đến khi không còn gì để phủ định nữa, trống rỗng, tan hoang... Đó chính là hàm ngụ của Bát nhã Ba la mật. Tất cả triết lý vi diệu của Phật đạo nằm đằng sau cái hàm ngụ “lạ lùng” này?

Không những Tâm Kinh dùng từ “không” này để phủ giẫm những định kiến xã hội, những thói quen, tập tục sẵn có của thế giới hiện hữu mà Tâm Kinh còn dùng từ này để phủ định luôn cả chính nó. Bát Nhã thường nói tất cả đều không và cái không cuối cùng cũng không nốt. Đó là “không không” hay “tất cánh không” trong 18 pháp không của Đại Bát Nhã mà chúng ta đã học qua.

Vậy, hãy xét từ không và những từ tương đương như bất, phi, vô, chẳng phải v.v... trong Kinh ĐBN qua các trích dẫn sau đây, để hiểu ý nghĩa thâm áo của nó:

 

- Quyển 129, phẩm “So Lường Công Đức”, Hội thứ I, ĐBN. Nói:

 “Kiều Thi Ca! Vì Bát nhã Ba la mật như thế trong tạng bí mật, đã rộng nói pháp tương ưng Ba thừa. Nhưng vì pháp đã nói là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tánh, tướng làm phương tiện, sanh, diệt làm phương tiện, vô nhiễm, vô tịnh làm phương tiện, vô tạo, vô tác làm phương tiện, vô nhập, vô xuất làm phương tiện, vô tăng, vô giảm làm phương tiện, vô thủ, vô xả làm phương tiện. Nên đã nói như vậy là do thế tục, chẳng phải thắng nghĩa. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật như thế, chẳng phải Bát Nhã, chẳng phải chẳng Bát Nhã (phi, chẳng phi), chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia, chẳng phải giữa dòng, chẳng phải đất liền, chẳng phải nước, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, chẳng phải bằng phẳng, chẳng phải chẳng bằng phẳng, chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải hữu tội, chẳng phải vô tội, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải vô ký, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải thuộc dục giới, chẳng phải thuộc sắc giới, chẳng phải thuộc vô sắc giới, chẳng phải học, chẳng phải vô học, chẳng phải chẳng học, chẳng phải chẳng vô học, chẳng phải kiến sở đoạn, chẳng phải tu sở đoạn, chẳng phải chẳng tu sở đoạn, chẳng phải hữu, chẳng phải vô, chẳng phải cảnh, chẳng phải trí”.

Tất cả đều “vô”, đều “chẳng phải”... Xin chú ý những từ này trong đoạn kinh trên.

 

- Quyển 135, phẩm “So Lường Công Đức”, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo:

“Này Kiều Thi Ca! Cái gọi là nghĩa thú của Bát nhã Ba la mật này, là Bát Nhã phi nhị phi bất nhị, phi hữu tướng phi vô tướng, phi nhập phi xuất, phi tăng phi giảm, phi nhiễm phi tịnh, phi sanh phi diệt, phi thủ phi xả, phi chấp phi bất chấp, phi trụ phi bất trụ, phi thật phi hư, phi tương ưng phi bất tương ưng, phi hòa hợp phi bất hòa hợp, phi nhân duyên phi phi nhân duyên, phi pháp phi phi pháp, phi chơn như phi phi chơn như, phi thật tế phi phi thật tế. Nghĩa thú như vậy có vô lượng pháp môn”.

Chú ý từ “phi bất phi”, “phi” “phi phi” trong đoạn kinh trên.

 

- Phẩm “Khen Ngợi”, phần giữa quyển 545, Hội thứ IV, TBBN, các Ba la mật của Bát Nhã diễn tả là:

Bất hoại, bất khứ, bất lai, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất thất, bất đáo, bất khởi, bất động, bất niệm, bất phá, bất thủ, bất hý luận, bất phân biệt, tác, vô tri, vô dục, vô sân, vô si, vô phiền não, vô đoạn, vô nhị, vô tánh, vô tướng, vô lượng, vô biên, là mộng, huyễn, ảnh, tiếng vang, quáng nắng v.v..., là bình đẳng, là tịch diệt, là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, Tánh không, chư pháp không, vô sở đắc không, tự tướng không, hữu pháp không, vô pháp không, vô pháp hữu pháp không, là chân như, là pháp giới, là pháp tánh, là bình đẳng, là thật tế, là bất khả tư nghì, là 37 pháp trợ đạo, là tam tam muội, là bát bội xả, là cửu thứ đệ định, là thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại giải v.v… là các Ba la mật của Bồ Tát hay nói khác là các pháp đưa chúng sanh sang bờ kia. Có hàng trăm pháp như thế đều thu nhiếp vào Bát nhã Ba la mật mà khắp thế gian trời người thường tán tụng…”.

 

Nếu không có những từ: Không, vô, bất, phi, phi phi, chẳng phải, rỗng không..., thì không biết phải diễn tả Bát Nhã như thế nào? Hay nói theo nghĩa “đen” nếu không có những từ đó thì không biết phải thư tả, diễn nói Bát Nhã như thế nào để dẫn dắt chúng sanh trên con đường tầm cầu giác ngộ mà sang được bờ kia!

Nhưng nói theo nghĩa “bóng” những từ này không phải chỉ là những phủ định suông hay những phản biện có tánh ôn hòa mà đôi khi những từ này chẳng khác nào tiếng la hét, mắng chửi hay những cú đấm đá thô bạo của các Thiền sư, cốt dựng dậy giác quan nội tại đang ngái ngủ trong tâm thức của Thiền sinh. “Không” đây chính là một “thủ thuật”, nhằm mở ra một viễn vọng hóa đạo mới trong việc giải phóng chúng sanh thoát khỏi những bế tắc, những ngục tù của tâm thức, khác với những giáo điều ôn hòa đã từng một thời ngự trị êm thắm trong dòng tâm thức của các tín đồ Phật giáo cổ xưa.

Những người chưa quen với Bát Nhã chắc chắn gặp trở ngại với các từ mà chúng tôi vừa dẫn chứng trên. Nhưng những người đã từng đọc tụng thọ trì Bát nhã Ba la mật nghĩ như thế nào về những từ này?

Kinh nhiều lần đã nói “danh tự chỉ là giả danh”. Nói thế nhưng không phải thế. Nếu không có giả danh thì không có Phật, không có Bồ Tát, không có Bát Nhã, không có Phật đạo... Hiểu như thế thì có thể hiểu cái hàm ngụ của những từ không, vô, chẳng, chẳng phải, phi, phi phi, bất phi...

Nhưng văn tự không bị đóng khung trong các từ rất giới hạn như không, vô, bất, phi, chẳng phải v.v... Văn tự là tất cả chữ, tất cả nghĩa, tất cả văn hóa bao gồm tôn giáo của toàn nhân loại. Vì vậy, ba pháp môn là VĂN, TƯ, TU được xem là quan trọng trong việc truyền bá và xiển dương đạo Phật. Nên phẩm “Pháp Tánh”, quyển 569, Hội thứ VI, ĐBN nói: “Thế nên văn tuệ là căn bản của các chữ. Tất cả trí tuệ được sanh ra từ đây”. Do đó, phải nói không ai có thể phủ nhận vai trò của văn tự trong việc hướng dẫn tâm linh và duy trì sự sống còn của các tôn giáo, hiến chi Bát nhã Ba la mật có hơn 5 triệu chữ với đầy nghĩa thú của nó.

 

2. Ngôn thuyết Bát Nhã:

 

- Quyển 597, phần “Bố Thí Ba La Mật”, Hội thứ XI, ĐBN. Thiện Hiện nói:

“Này, Xá Lợi Tử! Không có pháp nào vì pháp nào có hợp có tan mà hiện tiền, thì tôi làm sao tuyên nói Bát nhã Ba la mật sâu xa. Tôi xem nghĩa đây tác thuyết như vầy: Thật ra Bát nhã Ba la mật sâu xa không thể giảng nói.

Này Xá lợi Tử! Tôi hoàn toàn không thấy có pháp như thế, để gọi là người nói, pháp được nói, và có thể gọi là do đây, vì đây, nhân đây, thuộc đây, nương theo đây mà có lời lẽ để nói. Cho nên, làm sao khiến tôi vì các Bồ Tát mà thuyết Bát nhã Ba la mật”.

Có ngôn ngữ văn tự mà không thể thuyết? Không thể giảng nói? Lạ lùng lắm phải không?

 

- Phẩm “Diệu Hạnh”, quyển 539, Hội thứ IV, Tiểu Bản Bát Nhã, nói:

“... các Thiên tử bảo các thần chú, các lời nói khác nhau của Dạ xoa, tuy là ẩn mật, kín đáo nhưng chúng ta còn có thể hiểu được. Đại đức Thiện Hiện đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa tuy đã dùng nhiều lời lẽ để chỉ rõ, nhưng tất cả chúng ta vẫn không thể hiểu được gì cả”. Cụ thọ Thiện Hiện bảo: “Tôi đã từng đối với ý nghĩa tương ưng với Bát nhã Ba la mật sâu xa này không nói, không chỉ bày, các ông không nghe thì hiểu cái gì. Vì sao? Này các Thiên tử! Vì trong ý nghĩa tương ưng với Bát nhã Ba la mật sâu xa đều lìa văn tự, lời nói”.

Cụ thọ Thiện Hiện trước trăm ngàn Thiên tử thuyết giảng Bát Nhã mà nói “không nói, không chỉ”. Thiện Hiện cũng bảo: “Bát nhã Ba la mật sâu xa đều lìa văn tự, lời nói”. Chúng ta phải hiểu tại sao Thiện Hiện tuyên bố như thế?

 

- Phẩm “Các Thiên Tử”, quyển 81, Hội thứ I, ĐBN. Các Thiên Tử tự nghĩ:

“Trong pháp mà Tôn giả Thiện Hiện đã thuyết, cũng chẳng thi thiết văn tự, ngữ ngôn. Vì sao? Vì tánh của văn tự, ngữ ngôn v.v… là bất khả thuyết”.

Lúc bấy giờ, Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử liền bảo: “Đúng vậy! Như các ông nghĩ, các pháp cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, văn tự, ngữ ngôn đều chẳng đạt được. Cho nên đối với Bát nhã Ba la mật, không có người nói, không có người nghe, cũng không có người hiểu. Vì vậy, các ông ở trong các pháp nên theo điều đã nói, tu nhẫn kiên cố. Các hữu tình muốn an trụ, muốn chứng đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán cũng nương vào nhẫn này mà được cứu cánh. Các hữu tình muốn an trụ, muốn chứng Độc giác, đắc quả Giác ngộ tối cao cũng nương vào nhẫn này mà được cứu cánh. Như vậy, chư Thiên tử! Các đại Bồ Tát, từ sơ phát tâm cho đến cứu cánh, nên an trụ Bát nhã Ba la mật sâu xa vô thuyết, vô thính, vô giải, thường siêng năng tu học, chẳng nên xa lìa”.

Đại Bát Nhã chỗ nào cũng nói Bát Nhã không có thuyết, không có nghe, không có giải. Nhưng lại bảo phải thường siêng năng tu học, chẳng nên xa lìa. Thật là nghịch đời? Nhưng đó chính là giảng nói trình bày Bát Nhã. Phải nói rằng giáo nghĩa Bát Nhã dù siêu diệt cũng chỉ là lời nói từ bên ngoài, không thể chuyển được nội tâm. Chỉ có nội chứng mới chính là ý nghĩa tối cao. Đó chính là lối nói ẩn áo của Bát Nhã!

 

- Phẩm “Ma Sự”, quyển thứ 15, MHBNBLMĐ nói:

“Bát nhã Ba la mật là tướng bất khả tư nghì, là tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất loạn bất tán. Bát nhã Ba la mật là tướng không nói, không dạy, không lời, không nghĩa. Bát nhã Ba la mật là tướng vô sở đắc”.

“Bát Nhã là tướng không nói, không dạy, không lời, không nghĩa, xa lìa văn tự lời nói v.v..”. “ Bát nhã Ba la mật này chỉ có danh tự, chỉ dựa vào lời nói vay mượn thi thiết mà có” v.v... Điều đó có nghĩa là chúng sanh bất lực trong việc tu học, thọ trì Bát Nhã hay sao? Vậy, làm sao Bát nhã Ba la mật có thể tồn tại được nói chi đến việc đưa chúng sanh vào Niết bàn?

Vô thuyết, vô thính, vô giải, không nói, không chỉ, không dạy, không lời của Bát Nhã hàm ngụ là đừng nắm bắt Bát Nhã trên mặt nổi của ngôn ngữ văn tự. Bát Nhã tự biểu lộ trí năng của chính nó, và chúng ta phải tu nhẫn kiên cố tự đào xới những biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện đó để hiểu, đừng nương cậy vào ngôn ngữ văn tự! Ngôn ngữ văn tự chỉ là tấm bản chỉ chân lý, nhưng tấm bản không phải là chân lý.

Đọc kinh Phật hay nghe lời Phật Tổ dạy thay vì hiểu biết trên mặt nổi của ngôn từ, ta phải hiểu kinh hay lời Phật, Tổ dạy là “mặt trăng” chứ không phải ngón tay chỉ mặt trăng, thì mới có thể nắm đúng được những gì Phật, Tổ dạy. Nó chỉ là những biểu tượng của sự thể chứ không phải là sự thể. Văn tự ngôn thuyết không thể thay thế cho sự thể! Vì vậy, Kinh nói là bất khả thuyết, và Phật phải lập phương tiện giả nói.

 

- Phẩm “Pháp Tánh”, Q.569, cùng Hội trên, Phật bảo:

“Thiên vương nên biết! Phàm có ngôn thuyết, gọi là Thế đế, chẳng phải chân thực. Nếu không có Thế đế thì không thể thuyết Đệ nhất nghĩa đế. Bồ Tát thông suốt thì Tục đế chẳng trái với Đệ nhất nghĩa đế. Do thông suốt nên biết các pháp không sanh, không diệt, không thành, không hoại, không đây, không kia, xa lìa ngữ ngôn văn tự, bặt hý luận”.

Tìm cách thông hóa qua cái nhìn thế tục hay cái nhìn đối nghịch là chân đế giữa danh và sự là một điều nan giải. Tục đế không thể thấy biết những gì mà chân đế chứng biết và chân đế khó giảng nói những gì mà mình chứng ngộ. Nói như vậy không có nghĩa danh tự ngôn thuyết bất lực trong việc thức tỉnh giác quan nội tại hay sao? Điều đó không đúng. Tuy rằng ngôn ngữ không đủ khả năng diễn đạt những gì mà Phật muốn nói, nhưng ít nhất nó cũng là cánh cửa hé mở để ánh sáng rọi vào. Nên nói, ngôn ngữ văn tự tuy không phải là đạo, nhưng ngôn ngữ văn tự chính là vật chở đạo.

 

- Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, thuộc Hội Thứ VII với những giáo pháp gọi là “đỉnh cao trí tuệ”, khi nói về việc thuyết Bát Nhã cho chúng sanh. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

“Các thiện nam thiện nữ đi đến gặp con và thỉnh: Bát nhã Ba la mật mà Ngài và Như Lai đã từng bàn luận, xin Ngài vì chúng con mà nói, hôm nay chúng con rất muốn nghe. Con sẽ bảo họ: “Các ông muốn nghe chớ khởi tâm lắng nghe cũng đừng buộc niệm, nên khởi tâm như huyễn, như hóa. Có như vậy mới hiểu được lời ta nói. Các ông nếu muốn nghe pháp của ta phải khởi tâm thế này: Pháp hôm nay được nghe như dấu chim trên không, như thạch nữ (người nữ bằng đá không thể sanh con). Như vậy, mới nghe được lời ta nói. Nếu muốn nghe pháp của ta, các người chớ khởi lên hai tưởng. Vì sao? Vì pháp ta nói xa lìa hai tưởng. Nay các người không nên hoại ngã tưởng, chẳng khởi các kiến chấp, đối với giáo pháp của Phật không có sự mong cầu, ở trong pháp của phàm phu chẳng ưa dời động. Vì sao? Vì tướng của hai pháp là Không, không có sự lấy bỏ”.

Muốn nghe pháp chớ khởi tâm lắng nghe cũng đừng buộc niệm, nên khởi tâm như huyễn, như hóa. Pháp được nghe như dấu chim trên hư không...? Vậy, không khởi tâm lắng nghe làm sao nghe, đừng buộc niệm làm sao hiểu? Nhưng ngược đời thay, muốn nghe muốn hiểu Bát Nhã phải như thế thời mới nghe mới hiểu được. Lìa ngôn ngữ mới thấy đạo. Đó là chìa khóa để hiểu LUẬN #1 này.

Tóm lại, tất cả từ, tất cả nghĩa diễn tả bằng bút lông, bút thép hay ngôn ngữ dù xảo diệu cách mấy cũng không thể nói hết cái kỳ diệu, nhiệm mầu của các Ba la mật. Ví như một họa sĩ tài hoa, trên một khoảng đường đông người qua lại, hắn đem hết kỹ năng của mình vẽ trên một bức tường dài nào bông hoa cây cảnh. Khi hoàn tất tác phẩm, khách bộ hành đi qua ai cũng trầm trồ khen ngợi: “Đẹp quá, bông hoa trông như thật!” Phải, trông như thật chứ không phải thật. Vì nếu thật thì ong bướm, chim hút mật sẽ bay đến để hút mật hoa. Nhưng tiếc thay, bằng bút lông, họa sĩ đó chỉ có thể diễn tả được như thế là cùng! Nếu là thật thì “thịt thối ruồi bu”, ong bướm bay đến sẽ làm bức tranh thêm phần sinh động.

Cũng như vậy, trong Kinh Hoa nghiêm có một đoạn Kinh Diệu Nguyệt hỏi Thiện Tài đồng tử: “Giả sử đức Như Lai sống ở thế gian nầy thêm một kiếp nữa, Ngài dùng đủ các thứ phương tiện, và những ngôn từ thiện xảo, vì mọi người trong cõi đất nầy nói về loại mật hoa trên thế gian, với đầy đủ những phẩm tính, hương vị ngọt ngào, xúc chạm mềm dịu; ngươi nghĩ sao? Những chúng sanh kia nghe lời nói của Phật, nghĩ tưởng về mật hoa mà có thể biết hương vị của nó chăng?” Khỏi cần phải nghe câu trả lời của Thiện Tài, ai cũng có thể đoán ra câu trả lời là không thể được!

Trong Kinh Lăng Già Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ rằng: “Nầy Đại Huệ, Kinh nói ra là tùy căn cơ của chúng sanh nên không hiển thị được chân lý “như thị”; lời nói không hiển thị được cái như thực. Đó giống như những dương diễm (mirage) phỉnh gạt lũ thú khát nước vọng hướng tìm nước uống ở chỗ không hề có nước; cũng vậy, lời dạy của Kinh là nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của phàm phu nên không hiển thị được thực tại, tức cứu cánh của Thánh trí tự giác. Này Đại Huệ, nên nương theo nghĩa, chớ chấp vào ngôn từ và giáo thuyết”. 

Đối với khoa học, bằng những phương trình, công thức pha chế qua ống nghiệm người ta có thể đưa ra một giải đáp thỏa đáng. Nhưng tôn giáo luôn luôn đòi hỏi cái tuyệt đối mà trí năng thường tục không thể nào đáp ứng nổi. Vì vậy, nên nói bằng bút lông, bút thép hay ngôn từ người ta không thể diễn tả tính cách siêu hình ẩn mật được. Ngôn ngữ đối với các Thiền sư không phải là phương tiện để diễn tả cái như thật, nên các Ngài nói là “vói không tới, vẽ không nổi”! Vì vậy, Bát Nhã nói là bất khả đắc, bất khả tư nghị, bất khả thuyết, vô sở đắc, vô sở trước, vô sở y, vô đạo hành… đó là những từ ngữ dẫn xuất từ Tánh không và chỉ có trong Tánh không. Khi nào hiểu thấu chúng thì mới có thể tháo gỡ được tất cả những cái rối rắm của Bát nhã Ba la mật.

 

Kết luận chung cho LUẬN #1.

(Cho phần nói về văn tự, ngôn ngữ trong Bát Nhã)

 

Ngôn ngữ không thể diễn tả những gì Thánh giả chứng trong giờ phút giác ngộ bởi vì tương quan giữa ngôn ngữ và tư tưởng là một thứ tương quan không đồng bản chất, nên ngôn ngữ không thể diễn tả nổi tất cả quyền năng của sự chứng ngộ. Đó là cái hạn cuộc của ngôn ngữ. Nên nói phàm có danh tự ngôn thuyết ắt kẹt giữa giới hạn của ngôn từ.

Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, quyển 575, Hội thứ VII, ĐBN lột trần những nghĩ tưởng của Thế gian và Xuất thế gian hay nói khác giữa ngu phu dị sanh và Thánh giả, đáng suy gẫm.“Mạn Thù Thất Lợi bạch:

- “Bạch Thế Tôn! Pháp mà con thuyết không thể nói là có thể nghĩ bàn, cũng không thể nói không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tánh của không thể nghĩ bàn và có thể nghĩ bàn đều vô sở hữu, chỉ là lời nói diễn đạt. Tất cả tướng trạng của tiếng nói không phải là nghĩ bàn được cũng không phải là không thể nghĩ bàn được. Vì đối với tất cả pháp tự tánh đều xa lìa. Người nào nói như vậy mới gọi là nói không thể nghĩ bàn”.

Đấy chìa khóa để mở kho tàng trí tuệ. Vì vậy, Bát nhã Ba la mật lúc nào cũng nói: “Bát nhã Ba la mật như thế, chẳng phải Ba la mật-chẳng phải chẳng Ba la mật, chẳng phải bờ bên này-chẳng phải bờ bên kia, chẳng phải giữa dòng-chẳng phải đất liền-chẳng phải nước, chẳng phải cao-chẳng phải thấp, chẳng phải bằng phẳng-chẳng phải chẳng bằng phẳng, chẳng phải hữu tướng-chẳng phải vô tướng, chẳng phải thế gian-chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu-chẳng phải vô lậu, chẳng phải hữu vi-chẳng phải vô vi, chẳng phải hữu tội-chẳng phải vô tội, chẳng phải hữu sắc-chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến-chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối-chẳng phải vô đối, chẳng phải thiện-chẳng phải bất thiện, chẳng phải hữu ký-chẳng phải vô ký v.v... và v.v.... Những người nông nổi hằn học, không tự kiềm chế nổi mới hỏi rằng: “Thôi, thôi! Đủ rồi! Vậy nó là cái gì???”

Có hàng trăm, hàng hàng ngàn ngôn thuyết như vậy trong Đại Bát Nhã. Vì, ngôn ngữ văn tự dễ dẫn chúng ta rơi vào mê đồ của chúng mà lạc mất tâm đạo. Chúng cố tạo ấn tượng về Bát nhã Ba la mật, chứ không phải là Bát nhã Ba la mật. Đừng bao giờ quá coi nặng hay tùy thuộc vào chúng. Nói như vậy để cảnh tỉnh là đừng quá trông cậy, nượng tựa vào ngôn ngữ văn tự, đừng để dòng xoáy của chúng nhận chìm tâm thức. Mê đắm trau chuốt, chạy theo ngôn ngữ văn tự là khó tu, không thấy được đạo như thực!

 

Vì vậy, Bát Nhã luôn luôn nói là vô thuyết, vô thính, vô giải, không nói, không chỉ, không dạy, không lời, không nghĩa, không thể nghĩ bàn, xa lìa văn tự lời nói v.v... Nói như vậy không có nghĩa là Bát Nhã không tận dụng ngôn ngữ văn tự trong việc hóa đạo, mà nói như vậy cốt ý nhắn nhủ đừng dựa vào ngôn ngữ danh tự để nắm bắt, cất giữ mà bị trói. Một khi bị rơi vào trói buộc thì không còn tự do trong tư tưởng cũng như hành động nữa! Toàn thể đại tùng thư này nhất là trong phẩm “Kim Cương Năng Đoạn”, Phật nói rồi Phật “phủi” ngay. Phật không muốn chúng sanh nắm giữ cất giấu bất cứ thứ gì, trái lại phải xả chấp buông bỏ. Hai chữ “năng đoạn” là yếu chỉ của Kinh này, nằm trong quyển 577, Hội thứ IX, ĐBN mà chúng ta có cơ hội tụng qua.

Lại nữa, trong pháp hội cuối cùng nói về phần “Bát Nhã Ba La Mật” từ quyển 593 trở đi của Kinh Đại Bát Nhã thường lặp đi lặp lại câu nói tuy là nói thế mà không như thế hay tuy nói như vậy mà như không nói gì”. Đây không phải là một thứ ngôn ngữ có tánh cách hư cấu, ỡm ờ, mà đây là lối diễn đạt đặc biệt của Bát nhã Ba la mật. Phật chọn một thứ ngôn ngữ kỳ dị là không xác định cũng không phủ định, mà đây là lối nói nhiệm ý tùy thuận vào nhận thức của người nghe đối với vấn đề Phật phát biểu. Thuận hay nghịch đối với tâm đạo hay không là tùy thuộc ở người nghe, không phải tùy thuộc người nói.

Vì vậy, muốn hiểu Bát Nhã thì chỉ có cách là phải tự mình đào xới những biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện của nó mà thôi. Đừng hiểu Bát Nhã qua mặt nổi của ngôn từ. Phật bảo: “Nếu ngôn từ là sự thật thì khi nói lửa liền bị phỏng miệng”. Còn Cổ đức nói “đọc Kinh phải đọc chỗ không có chữ”. Ngôn ngữ văn tự chỉ là chiếc xe chở đạo, không hiểu ý cổ nhân tìm kiếm chân lý trong ngôn ngữ văn tự chỉ là việc làm vô ích.

Vì vậy, chúng ta có thể nói thêm rằng kinh nghiệm trên sách vở là cái vỏ bên ngoài, không phải là thực chứng cái ruột bên trong. Không một giải thích nào bằng sách vở có thể đưa ta vào được chân tánh của chính ta. Đây cũng không phải là câu nói tiêu cực, mà nó cốt diễn tả văn tự không thể đem đến chứng ngộ, đúng với câu nói “cái gì từ ngoài vào không phải là của báu nhà ta”.

Nói đi phải nói lại: “Đạo vốn không lời”, cổ nhân bảo thế. Ta đồng ý với câu nói này. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể khẳng định cũng nhờ đó mà chúng ta hiểu đạo. Cổ nhân cũng lại bảo“thực phi danh bất ngộ”, có nghĩa danh không phải là thực thể, nhưng rời danh thì cũng không thể biết đến thực thể. Nên nói cái danh xác định cái thực. Xác định ở đây có nghĩa là tri nhận sự hiện hữu của thực thể. Vậy, khôn khéo tùy thời tùy lúc, dọc ngang tùy tiện miễn đừng quá phóng túng mà bị đọa!

Nếu cần bàn thêm ở đây, thì chúng tôi tạm nói: Bát nhã Ba la mật lúc nào cũng nói hai chiều: Chân và tục, nhất thể và đa thù, hữu hạn và vô hạn, hữu vi và vô vi, hữu nhiễm và vô nhiễm, v.v... và v.v... Nhưng Bát nhã Ba la mật không chia thế giới làm hai. Bát Nhã muốn chỉ cho chúng sanh cái đa dạng đa thù của cuộc sống. Vì bản chất của cuộc sống là phân hai, chia chẻ, hễ nói thiện thì phải nói ác, nói mê là nói ngộ, nói vô minh thì nói đến trí tuệ... Người nghe Phật nói mới có nhận thức đầy đủ hai mặt của thực tại, rồi từ đó mới có thể chọn chỗ đứng đúng, chọn chỗ đứng đúng mới có cái nhìn đúng, cái nhìn tổng thể trên muôn sự muôn vật. Vì vậy, đôi khi chúng ta có cảm tưởng Bát Nhã tự mâu thuẫn với chính nó. Chúng ta ngạc nhiên và đôi khi ngờ vực là khác. Bát Nhã không tự mâu thuẫn, Bát Nhã lúc nào cũng nghịch dòng thế gian và chỉ chỗ nghịch đảo, văn chéo đó, chúng sanh mới tìm ra một lối lãnh hội mới mà thâm nhập được Bát Nhã. Đó là chìa khóa để mở cửa văn khố trí tuệ. Vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Phật bảo “tuy nói thế mà không như thế” hay “tuy nói như vậy mà như không nói gì”!

Pháp môn tối cao mà Phật xiển dương trong Duy Ma Cật Sở Thuyết là pháp môn bất nhị. Nhưng ngược đời thay bất cứ chỗ nào trong Đại Bát Nhã, Phật lúc nào cũng nói phân hai, hễ nói tối thì nói sáng, hễ nói vô minh điên đảo thì nói đến trí tuệ Niết bàn... Biết hết tất cả ngu si điên đảo thì hết ngu si điên đảo, biết hết tất cả trí thì được vô tận trí, biết hết bốn đức Niết bàn thì biết tất cả thường lạc ngã tịnh ở đâu. Đó là lối lãnh hội của Bát Nhã. Bát Nhã không kêu gọi, lối lãnh hội của Bát Nhã không xuyên qua ý thức và cảm quan hay nói theo ý Phật là không xuyên qua “tri giác và cảm thọ” mà phải tự mình tư duy tự tạo kinh nghiệm thực chứng để có thể tự tìm đò mà sang sông.

Một câu nói của Phật trong quyển 593, Phần “Bát Nhã Ba La Mật” có thể lưu ý chúng ta về  danh ngôn như sau:

“Nghĩa là các pháp khác nhau, nên danh ngôn cũng khác nhau, nhưng tất cả pháp không lìa danh ngôn. Nếu hiểu các pháp hoặc biết các pháp đều bất khả thuyết, nhưng theo sự hiểu biết của hữu tình mà nói, nên gọi là Bát Nhã”.

 

1. Trong nhà thiền có câu chuyện thuộc “ngôn từ” lý thú như sau:

Một hôm Lục Tổ muốn thử trong chúng, Ngài hỏi:

- Ta có một vật, không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không ở sau, không ở trước, mọi người có biết chăng?

Thần Hội liền thưa:

- Đó là cội nguồn của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Đáp hay quá, nhưng bị Tổ quở:

- Ta đã nói với ông là không tên không chữ mà ông còn nói là cội nguồn, là Phật tánh. Như vậy, về sau này có ra Trụ trì cũng chỉ thành hạng tông đồ tri giải!

Tổ đã nói là không tên, không chữ rồi mà Thần Hội nghe tới đó liền nói là “Bản nguyên, Phật tánh”. Đó là tập khí tai vừa nghe thì miệng liền nói, nó quen rồi, không kiềm chế được, cho nên Thiền sư thường ít chịu nói trắng mà các Ngài nói một cách nghịch lý, điếc lỗ tai, sợ mình biết liền chụp. Bởi vậy, có câu: “Pháp vốn không tên, ông chớ gượng đặt tên; pháp vốn không hiểu biết, ông chớ gượng hiểu biết; hiểu biết nó thì nó thành ra cái bị hiểu biết rồi”. Đó là các Ngài muốn nhắc đến cái sẵn có nơi mình(1)!

 

2. Trong một quyển sách nào đó mà lâu quá tôi không có dịp đọc lại, có thuật câu chuyện: Có một dạo Phật không thuyết pháp nữa, Phật hành động và các đệ tử quan sát và hành động theo mà tự học, tự trau giồi. Phật dùng “thân giáo” để khuyên răn dạy bảo. Không có gì tốt bằng là tự mình biết, tự mình dạy mình, tự mình phản tỉnh. Đó là lối giáo hóa im lặng, một thứ ngôn ngữ “vô ngôn” nhưng thật mầu nhiệm. Im lặng lại là pháp tối cao thay thế cho ngôn ngữ. Không có bài thuốc mầu nhiệm nào bằng im lặng! Nên nói chỉ là bạc, im lặng mới là vàng!

  

Để kết luận chúng ta có thể phát biểu: Ý nghĩa ôn hòa nhất có lẽ mọi người đều đồng ý khi nghe câu phát biểu sau đây của phẩm “Diệu Tướng”, quyển 531, Hội thứ III, ĐBN: ...Vì lìa văn tự, không có văn tự thì không có Phật pháp nhưng vượt khỏi các văn tự mới gọi là chơn Phật pháp… ” Cũng vậy, chúng ta có thể phát biểu: Không có ngôn ngữ, văn tự không có Bát nhã Ba la mật, nhưng vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự mới gọi là Bát nhã Ba la mật.

Thích nghĩa cho phần “Ngôn từ trong Bát Nhã”.

(1). Kinh Kim Cang Giảng Lục do Ngài Thích Thông Phương dẫn giải, nhà xuất bản Tôn Giáo, phát hành.

 

---o0o---

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]