Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Phẩm “Rải Hoa” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

19/06/202008:01(Xem: 9865)
25. Phẩm “Rải Hoa” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)


Pham Rai Hoa Bat Nha

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 


PHẨM “RẢI HOA”

Phần cuối quyển 84, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phần đầu phẩm “Tán Hoa” quyển 09, KinhMHBNBLM)


Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên

Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le




 

 

 

 

Tóm lược:

 

Lúc bấy giờ, Trời Đế Thích và Tam thiên đại thiên thế giới này có chúng trời Tứ đại vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ mạ, trời Đổ sử đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm, trời Quang, trời Thiểu Quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Quảng, trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện Hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh đều khởi ý nghĩ: Nay Tôn giả Thiện Hiện nương thần lực Phật vì tất cả hữu tình ban pháp vũ. Nay đây, chúng tôi vì cúng dường nên hóa ra các thứ hoa trời vi diệu, rải cúng Thích Ca Như Lai và đại Bồ Tát cùng các Tỳ kheo, Tôn giả Thiện Hiện và cũng rải cúng dường Bát nhã Ba la mật thậm thâm đã nói.

Cụ thọ Thiện Hiện thấy điều vi diệu này rồi, tác lên ý nghĩ: “Nay những hoa đã rải, ở chỗ các trời chưa từng thấy có. Hoa này cực diệu, thật chẳng phải do cỏ cây đất nước sanh ra, chắc là các trời vì cúng dường vậy, nên từ tâm hóa ra.

Khi ấy, Thiên Đế Thích đã biết chỗ tâm nghĩ của Thiện Hiện, nên bảo Thiện Hiện rằng: Hoa đã rải đây, thật chẳng phải cỏ cây đất nước sanh ra, cũng chẳng phải từ tâm hóa ra, chỉ là biến hiện.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Thiên Đế Thích rằng: Hoa này chẳng sanh thời chẳng phải là hoa vậy.

Lúc đó, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Vì chỉ hoa này chẳng sanh hay là các pháp khác cũng thế?

Thiện Hiện đáp: Chẳng những hoa này chẳng sanh mà các pháp khác cũng thế. Vì sao? Kiều Thi Ca! Sắc cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải sắc. Thọ tưởng hành thức cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải thọ tưởng hành thức. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là sắc thảy vậy.

Kiều Thi Ca! 12 xứ, 18 giới cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải 12 xứ, 18 giới. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là 12 xứ, 18 giới vậy.

Kiều Thi Ca! Địa giới cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải địa giới. Thủy hỏa phong không thức giới cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải thủy hỏa phong không thức giới. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là địa giới thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Khổ Thánh đế cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải khổ Thánh đế. Tập diệt đạo Thánh đế cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải tập diệt đạo Thánh đế. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là khổ Thánh đế vậy.

Kiều Thi Ca! 12 duyên khởi, 18 pháp không, thập nhị chân như, lục Ba la mật, bốn tinh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định... chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải 12 duyên khởi cho đến bốn định vô sắc. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là 12 duyên khởi thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Tám giải thoát cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải tám giải thoát. Tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ. Vì cớ sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là tám giải thoát thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Ba mươi bảy pháp trợ đạo, tam giải thoát môn, ngũ nhãn, lục thần thông, Phật mười lực, bốn vô sở uý, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải ba mươi bảy pháp trợ đạo cho đến  mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là ba mươi bảy trợ đạo... thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, tất cả Đà la ni môn, Tam ma địa môn. Nếu tất cả pháp môn đây đã chẳng sanh thời chẳng phải tất cả pháp vô vong thất cho đến Tam ma địa môn. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là tất cả Pháp vô vong thất... thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Dự lưu cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải Dự lưu. Nhất lai, Bất hoàn, A la hán cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải Nhất lai, Bất hoàn, A la hán. Vì cớ sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là Dự lưu thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Độc giác, cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải Độc giác. Đại Bồ Tát, Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải đại Bồ Tát, Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là pháp Độc giác thảy vậy.

Kiều Thi Ca! Thanh văn thừa cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải Thanh văn thừa. Độc giác thừa, Vô thượng thừa cũng chẳng sanh, đây đã chẳng sanh thời chẳng phải Độc giác thừa, Vô thượng thừa. Vì cớ sao? Vì pháp chẳng sanh lìa các hý luận, chẳng thể thi thiết là Thanh văn thừa thảy vậy.

(Để giải thích đoạn Kinh này, Đại Trí Độ Luận, phẩm “Tán Hoa”, tập 3, quyển 55, giải thích rằng:

Ngài Tu Bồ Đề nói: Nếu hoa này chẳng sanh thì chẳng thể gọi là hoa được. Do vậy nên biết, ở trong “vô pháp”, ngài chẳng nên phân biệt có hoa hay chẳng có hoa.

Nghe xong, ngài Thích Đề Hoàn Nhơn đã được tâm thuần thục, nên hỏi ngài Tu Bồ Đề rằng: Chỉ có hoa này là chẳng sanh, hay các pháp cũng đều là chẳng sanh cả?

Ngài Tu Bồ Đề nói: Một pháp vô sanh thì hết thảy các pháp cũng đều vô sanh cả. Nếu người tu hành ở chung một pháp mà chẳng được minh liễu, thì ở nơi hết thảy các pháp cũng đều chẳng minh liễu.

Nên biết, nếu 5 ấm là vô sanh thì chẳng có thể gọi là 5 ấm,…, dẫn đến nhất thiết chủng trí vô sanh thì chẳng gọi là nhất thiết chủng trí. 5 ấm do nhân duyên hòa hợp sanh, chỉ là giả danh, chẳng có định tướng. Thật tướng của 5 ấm là như pháp tánh thật tế, là vô tướng vậy.

 

--o0o--

 

Ở nơi “thế tục đế”, do tùy thuận chúng sanh tâm, mà lập ra danh tự để phân biệt các pháp tướng riêng khác. Thế nhưng ở nơi “Đệ nhất nghĩa đế” thì chẳng có phân biệt bỉ, thử (bên kia, bên này) nên vô tránh (chẳng có tranh cạnh) vậy. Từ sắc,… dẫn đến nhất thiết chủng trí cũng đều là như vậy, chẳng có gì phân biệt cả. Do vì ngã không và chúng sanh không, nên người thuyết pháp, người nghe pháp, người hiểu pháp, người biết pháp đều là “không” cả. Bởi vậy nên quả Tu Đà Hoàn…. dẫn đến Phật đều là giả danh, giả thi thiết cả”.

Pháp không sanh thì không phải là sắc. Tất cả pháp khác kể cả Vô Thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng đều như vậy. Giáo pháp “vô sanh-vô diệt” đã được xiển dương nhiều lần. Đó là Chân đế hay còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế).

 

Sơ giải:

 

Nhờ thần lực của Như Lai mà Thiện Hiện vì hữu tình ban trận mưa pháp. Để đền đáp ân đức này nên chư thiên các cõi trời mới hóa ra các thứ hoa trời vi diệu, rải cúng Như Lai, các đại Bồ Tát, cụ thọ Thiện Hiện và cũng rải cúng dường Bát nhã Ba la mật.

Nhưng đây là những loại hoa đặc biệt, cực vi diệu chưa từng thấy mà Thiện Hiện tự nghĩ chẳng phải do đất nước cây cỏ sanh ra, mà chỉ do tâm hóa ra.

Thiên Đế Thích đã biết chỗ nghĩ của Thiện Hiện, nên bảo Thiện Hiện rằng: “Hoa đã rải đây, thật chẳng phải cỏ cây đất nước sanh ra, cũng chẳng phải từ tâm hóa ra, chỉ là biến hiện”. Đó là duyên sự cho việc mở đầu buổi thuyết pháp của Thiện Hiện về phẩm “Rải Hoa” này.

Thiện Hiện bảo Thiên Đế Thích nếu hoa này không do đất nước cây cỏ sanh ra thì không thể gọi là hoa.

Thiên Đế Thích lại hỏi: Chỉ có hoa chẳng sanh (vô sanh) hay tất cả pháp cũng vậy?

Thiện Hiện đáp: Chẳng những hoa này chẳng sanh mà các pháp khác cũng thế. Vì sao? Kiều Thi Ca! Sắc cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải sắc.

Toàn thể mấu chốt của bài pháp này nằm ở câu trả lời của Thiện Hiện: Nếu tất cả pháp không tự sanh, nếu đã không tự sanh thì chẳng phải pháp.

Để giải thích quan điểm này, Ngài Long Thọ dùng bài kệ:

 

“Các pháp không phải tự nó sanh,

Cũng không phải từ cái khác sanh

Không cùng sanh và không phải vô nhân

Vì thế, biết nó là vô sanh”.

 

Để giải thích bài kệ này, chúng tôi nói: Từ “không phải” có nghĩa khước từ cái chẳng sanh, vô sanh hay chẳng tự sanh. Ngài Long Thọ dùng bài tụng này để phủ định. Phủ định cái gì?

1- Các pháp không sanh khởi từ nó: “Không có bột thì không gột nên hồ”. Hồ không thể tự sanh, nghĩa là một vật thể không thể sanh ra từ chính nó. Phải có điều kiện nào đó, thì hồ mới sanh.

2- Các pháp không sanh khởi từ cái khác: Hồ không thể tự sanh mặc dầu có bột. Hồ là một tự thể, bột là một tự thể khác. Do đó, có thể nói một tự thể chính nó không thể được sinh ra từ một tự thể khác nó.

3- Các pháp không cùng sanh hay sanh ra từ cả hai: Bột là bột, nước xôi là nước xôi, hai tự thể này không thể tự hòa hợp để sanh ra hồ được. Nên nói các pháp không cùng sanh hay sanh ra từ cả hai.

4- Không sinh khởi không phải vì không có nguyên nhân: Bột không thành hồ, nước xôi không thành hồ. Muốn có hồ thì phải có người bỏ bột vào nước xôi rồi khuấy lên thì bột mới thành hồ. Không có bột, không có nước xôi, không có người khuấy thì không có hồ. Vậy, nên nói bất cứ hiện hữu nào cũng là kết quả của nhiều nguyên nhân hợp lại. Vì vậy, nên nói không có kết quả nào hiện diện mà không có nguyên nhân.

Do đó có thể kết luận: Các pháp không sanh khởi từ chính nó, các pháp không sanh khởi từ cái khác, cũng không sanh khởi từ cả hai, cũng không sanh khởi không phải vì không có nguyên nhân. Cuối cùng đưa đến xác định “vì thế, biết nó là vô sanh”.

Vậy, vô sanh là cái “biến hiện” nói theo Thiên Đế Thích. Hoa không do đất nước cây cỏ sanh, hoa cũng không phải từ tâm hóa sanh, hoa sanh ra như trò biến hóa. Nhưng lạ lùng thay đó chính là cái chứng biết về vô sanh của tất cả pháp./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]