- Bài 01: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 03: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 05: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 07: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 09: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa
- Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 19: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 21: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 22: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 26. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 27. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 29. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 30. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 31. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Kinh Địa Tạng (PDF trọn quyển)
ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
2). TRỜI RỒNG HỘI HỌP
Khi Đức Phật phát ra bất khả thuyết tiếng vi diệu như thế xong, có vô lượng ức trời, rồng, qủy, thần (1) ở trong cõi Ta Bà và cõi nước phương khác cũng đến hội họp nơi cung Trời Đạo Lợi. Như Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đạo Lợi, Trời Tu Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại (2). Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Ân, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Vô vân, Trời Phúc sinh, Trời Quảng qủa, Trời Vô tưởng, Trời Vô phiền, Trời Vô nhiệt, Trời Thiện kiến, Trời Thiện hiện, Trời Sắc cứu cánh (3). Trời Không vô biên, Trời Vô .biên thức, Trời Vô sở hữu sứ, Trời Phi Phi Tưởng (4); tất cả Thiên chúng, long chúng, cùng các chúng Qủy, Thần đều đến hội họp.
Lại có những vị Thần như: Thần biển, Thần sông, Thần núi, Thần cây, Thần đất (5)..., các vị Thần như thế đều đến hội họp. Cũng có những vị đại Qủy vương như Qủy vương Ác Mục, Qủy vương Đạm Huyết, Qủy vương Đạm Tinh Khí, Qủy vương Đạm Thai Noãn, Qủy vương Hành Bệnh, Qủy vương Nhiếp Độc, Qủy vương Từ Tâm, Qủy vương Phúc Lợi, Qủy vương Đại Ái Kính (6) …; các vị Qủy vương như thế đều đến hội họp.
GIẢI NGHĨA:
(1)Trời, Rồng, Qủy, Thần: Gọi là Thiên Long Bát Bộ gồm:
1- Đề-Bà (Deva: Thiện, hưởng phúc vi diệu).
2- Càn-Thát-Bà (Grandhava: Thần hầu Đế-Thích để ca và tấu nhạc).
3- Dạ-Xoa (Yaksa: Yểm-Quỷ giữ các cửa thành cõi Đạo-Lợi).
4- Na-Dà (Naga: Rồng giữ địa luân và các cung điện cõi Trời, làm mưa v.v…).
5- A-Tu-La (A Sura: Phi Thiên, Thần).
6- Ca-Lâu-La (Garuda: Chim Súy-Điểu, Chim Cánh-Vàng, hai cánh soè ra đến 360,000 dặm (theo quyển Nhị-Khóa Hiệp-Giải trang 278). Có 4 loại chim bằng noãn, thai, hóa, thấp sinh).
7- Khẩn Na-La (Kini Nara: Nghi Nhân, Nhân Phi Nhân, giống người mà có sừng, cũng là Thần đánh nhạc cho Đế-Thích).
8- Ma-Hầu La-Già (Mahoraga: Đại Phúc-Hành, đầu Rắn mình người, Thần Rắn, Địa Long Thần, Đại Mãng Thần) đến dự.
(Ghi chú: Bát bộ kể trên, nhục nhãn loài người không thể trông thấy được. Hai bộ Thiên và Long, thần nghiệm khá nhất, nên gọi là Thiên Long Bát Bộ. Thiên Long Bát Bộ thường hầu Phật mỗi khi Phật thuyết pháp).
(2) Sáu tầng này thuộc Dục giới: Là Chư Thiên có nhiều tham dục, vô hình đối với mắt loài người.
(3) Mười tám tầng này thuộc Sắc giới: Chư Thiên tương ưng với Tứ thiền, ba tầng một cấp, cấp thấp của Phạm Thiên thuộc Sơ thiền, lần lên tới Tứ thiền, họ không còn tham dục nhưng còn tham ái sắc đẹp, đều vô hình đối với mắt loài người.
(4) Bốn tầng Vô Sắc giới: Chư Thiên không còn tham dục và sắc, họ không có hình tướng đối với cả mắt Thánh.
(5) Thần: Ở đâu cũng có Thần cai quản cả.
(6) Qủy Vương: Khắp nơi đều có Qủy Ma, họ ở trên không, trên đất, trong biển; một số làm việc cho Chư Thiên như canh gác cổng Trời Đạo Lợi, đa số sống chung với loài người, họ có thần thông khi đi nhanh như biến và thấy nghe không chướng ngại rất xa.
Đoạn 2 này nói về các thành phần Chư Thiên trong 28 tầng Trời gồn 6 tầng Dục giới, 18 tầng Sắc giới, 4 tầng Vô Sắc giới, cùng Long Thần Qủy khi thấy hào quang và nghe tiếng Phật truyền đến, họ đều đến nghe Pháp đông đủ. Giống như một người Cha kêu các con từ xa hoặc gần đều đến nghe lời dạy bảo qúy báu vậy. Thành phần đến nghe pháp không phải chỉ có Thiên Long Bát Bộ tại thế giới này, mà gồm cả những thế giới khác trong Tam Thiên Đại Thiên (cõi Phật), tức là trong giải Ngân Hà Milky Way.
3). ĐỨC PHẬT PHÁT KHỞI
1. Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử (1) rằng: “Ông xem coi tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Trời Rồng, Qủy, Thần ở trong thế giới này và cùng các thế giới khác, nay đều đến cung Đạo Lợi này, như thế ông có biết bao nhiêu chăng? Bồ Tát Văn Thù bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con để tính đếm trong nghìn kiếp cũng không biết là số bao nhiêu!”
2. Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Đến Ta dùng Phật nhãn xem còn không đếm xiết! Số Thánh Phàm này đều của Bồ Tát Địa Tạng từ kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đang độ, chưa độ, hoặc đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu”. Bồ Tát Văn Thù bạch Phật rằng: “Từ thuở lâu xa về trước, con đã tu hành chứng được trí vô ngại, nghe lời Thế Tôn nói đó thì tin nhận liền. Còn hàng Thanh Văn, Trời, Rồng tám bộ chúng và chúng sinh đời sau, dù nghe lời thật của Như Lai, nhưng chắc là sinh lòng nghi ngờ, dù cho có vâng lạy đi nữa cũng chưa khỏi phỉ báng; cúi mong Đức Thế Tôn nói rõ nhân địa của Bồ Tát Địa Tạng, Ngài tu hạnh gì, lập nguyện gì mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như thế?”
3. Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Ví như bao nhiêu cây cỏ, lùm rừng, lúa mè, tre lau, đá núi, bụi bặm trong Tam thiên đại thiên (2), cứ một vật làm một sông Hằng (3), rồi cứ mỗi cát trong mỗi sông Hằng, một hạt cát làm một cõi nước, rồi trong một cõi nước cứ một hạt bụi nhỏ làm một đại kiếp (4), rồi bao nhiêu số bụi nhỏ chứa trong một kiếp đều đem làm kiếp cả. Từ lúc ngài Địa Tạng Bồ Tát chứng qủa vị Thập địa Bồ Tát (5), nghìn lần lâu hơn số kiếp tỉ dụ trên, huống là những thuở ngài Địa Tạng Bồ Tát còn ở bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật (6)!
4. Này Văn Thù Sư Lợi! Oai thần thệ nguyện của Bồ Tát đó không thể nghĩ bàn đến được; về đời sau nếu có trang thiện nam người thiện nữ (7) nào nghe danh tự của Địa Tạng Bồ Tát, hoặc khen ngợi, hoặc chiêm ngưỡng vái lạy, hoặc xưng danh hiệu, hoặc cúng dường, nhẫn đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thì người đó sẽ được một trăm lần sinh lên cõi trời Đạo Lợi (8), vĩnh viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo (9).
GIẢI NGHĨA:
(1)Pháp Vương tử: Là con của đấng Pháp Vương, Đức Phật là đấng Pháp Vương, Pháp Vương tử là Bồ Tát đệ tử của Phật đứng đầu (thượng thủ) hàng Bồ Tát. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni đứng đầu hàng Bồ Tát; cũng như Bồ Tát Quan Thế Âm là đệ tử đứng đầu hàng Bồ Tát của Đức Phật A Di Đà.
(2) Tam thiên đại thiên: Là một cõi Phật, tức một giải Ngân hà (Milkyway), có tới cả nghìn tỉ mặt trời, các nhà khoa học cho biết họ chỉ mới nhìn thấy được 400 tỷ mặt trời thôi.
(3) Sông Hằng: Là sông Gang, một sông lớn nhất của xứ Ân Độ phát nguồn từ dãy núi Everest cao nhất thế giới khoảng 9 cây số, chảy ra biển Ấn Độ.
(4) Đại kiếp = 4 Trung kiếp = 20 x 4 = 80 Tiểu kiếp = 16,800,000 x 80 = 1,344,000,000 = một tỉ ba trăm bốn mươi bốn triệu năm.
(5) Thập địa Bồ Tát: Tu hạnh Bồ Tát có 10 bậc, gồm: 1. Sơ địa: Hoan hỉ địa, 2. Ly cấu, 3. Phát quang, 4. Diệm huệ, 5. Cực nan thắng, 6. Hiện tiền, 7. Viễn hành, 8. Bất động, 9. Thiện huệ, 10. Pháp vân địa.
(6) Thanh Văn và Bích Chi Phật: Thanh Văn là người tu theo Nguyên thủy, Nam truyền, phần lớn ở các nước phiá Nam như Lào, Cam Bốt, Miến Điện, Thái Lan v.v…Tu khi đạt qủa thứ tư gọi là A La Hán; Bích Chi Phật là người tu Mười hai nhân duyên khi đạt qủa gọi là Bích Chi Phật.
(7) Trang thiện nam người thiện nữ: Là người giữ được Ngũ giới, tức là người không còn sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, và uống rượu, mới được gọi là người Thiện.
(8) Cõi trời Đạo Lợi: Cõi trời này thấp nhất thuộc Dục giới ở trên đỉnh núi Tu Di.
(9) Ác đạo: Là ba cõi Ngạ qủy, Súc sinh, Địa ngục.
1. Tiểu đoạn 1 của đoạn 3, Đức Phật hỏi Bồ Tát Văn Thù có biết số tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Trời Rồng, Qủy, Thần ở trong thế giới này cùng các thế giới khác, đến cung Đạo Lợi là bao nhiêu không? Bồ Tát Văn Thù thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con để tính đếm trong nghìn kiếp cũng không biết là số bao nhiêu!” Ngài Văn Thù đang là Bồ Tát Đẳng giác, nghĩa là đang tu hành để chờ ngày thành Phật, Ngài đã có đủ thứ thần thông biến hóa và đã có đệ tử do Ngài giáo hóa đã thành Phật. Ngài lại được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni công nhận là Đại trí, thì biết trí huệ của Ngài như thế nào rồi, nhưng số lượng thành phần tham dự nhiều đến nỗi Ngài không thể tính đếm hết được, đủ chứng tỏ là số lượng tham dự là vô số vô lượng vậy.
2. Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Đến Ta dùng Phật nhãn xem còn không đếm xiết! Số Thánh Phàm này đều của Bồ Tát Địa Tạng từ kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đang độ, chưa độ, hoặc đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu”; nghĩa là Đức Phật xác nhận là số Thánh Phàm tham dự qúa nhiều dù dùng mắt Phật mà đếm cũng không thể đếm xuể; tại sao?
Bởi vì theo như giảng giải nơi Tựa Đề Kinh: Địa là đất là nơi chỗ, Tạng là A Lại Đa Thức, nơi Tạng thức của mỗi người; Bồ Tát Địa Tạng là biểu trưng cho A Lại Đa Thức, Tạng thức của mỗi chúng sinh. Bậc Thánh thì do tu hành Năm Căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân), không còn bị dính mắc bởi Năm Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc), nghĩa là năm thức là Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân thức khi trở thành trong sạch không còn một tí vẩn đục, gợn nhơ. Ý thức là thức thứ sáu, góp ý phân biệt cho năm thức nêu trên để nhận rõ sự vật và tưởng nhớ sự việc ngày đêm không ngưng nghỉ, khi tu hành cho đến không còn phân biệt tưởng nhớ bất cứ chuyện gì, thì tâm được yên ổn. Mạt Na thức thứ bảy không còn chấp cái ta (ngã) và cái của ta nữa, bấy giờ trong A Lại Đa thức thứ tám không còn chứa các sự điên đảo, tức sạch sẽ mọi ô nhiễm, tâm như tờ giấy trắng thì thức thành trí huệ; nghĩa là khi tu hành đạt đến địa vị vô lậu (sạch hết ô nhiễm cấu bẩn), thức này chuyển thành cái trí huệ sáng suốt trong sạch soi chiếu cùng khắp, tương ưng cho Chân Như, Phật Tính vậy.
Do đó, tất cả đều từ nơi Địa Tạng, từ Phàm cho đến Thánh đều từ nơi đó mà ra, nên Phật nói: “Số Thánh Phàm này đều của Bồ Tát Địa Tạng từ kiếp lâu xa đến nay, hoặc đã độ, đang độ, chưa độ, hoặc đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu”, là vậy. Chứ chẳng phải như một số người cho rằng Bồ Tát Địa Tạng đã giáo hóa cho vô lượng chúng sinh đã thành Phật, mà lầm lẫn, những người này bị Phật quở là đọc kinh mà không hiểu ý Phật nói, rồi thực hành sai, giảng giải sai là hại người vậy.
3. Tiểu đoạn thứ ba này, Đức Phật dùng thí dụ tất cả các vật từ cây cỏ đến tre lau v.v…, trong một cõi Phật, mỗi thứ là một sông Hằng, mỗi hạt cát trong tất cả sông Hằng là một cõi nước, mỗi hạt bụi trong tất cả các cõi nước ấy là một Đại kiếp, rồi bao nhiêu hạt bụi chứa trong một kiếp đều là một kiếp cả. Tính ra từ lúc ngài Địa Tạng Bồ Tát chứng qủa vị Thập địa Bồ Tát, nghìn lần lâu hơn số kiếp tỉ dụ trên, chứ chưa nói đến những thuở ngài Bồ Tát Địa Tạng còn ở bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật! Chúng ta thấy Đức Phật cho một thí dụ đọc mà thấy con số thật khủng khiếp, chưa có một người nào có thể tưởng tượng nổi con số vô biên như thế để chỉ thời gian Bồ Tát Địa Tạng tu hành từ lâu xa như thế! Một việc không thể nghĩ bàn được, vì không thể tính đếm được nên đây chính là “vô thủy” mà Đức Phật muốn ám chỉ vậy.
4. Tiểu đoạn thứ tư này, Đức Phật cho biết oai thần thệ nguyện của Bồ Tát Địa Tạng không thể nghĩ bàn đến được; Ngài cho biết: “về đời sau nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe danh tự của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc khen ngợi, hoặc chiêm ngưỡng vái lạy, hoặc xưng danh hiệu, hoặc cúng dường, nhẫn đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thì người đó sẽ được một trăm lần sinh lên cõi trời Đạo Lợi, vĩnh viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo”. Nghĩa là người thiện nào nghe nói đến Tâm (Địa Tạng) mà ưng thuận (khen ngợi) tôn trọng quán sát (chiêm ngưỡng vái lạy) để thấy các vọng tưởng (danh hiệu) mà xa lià (cúng dường) được. Hoặc là miệt mài chăm chỉ luôn luôn nhớ tu hành thập thiện (vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng), mà người thiện đã giữ Ngũ Giới rồi nên tiếp tục tu bỏ: nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói ác, và dứt trừ tham sân tà kiến. Thực hành như thế rồi thì khi qua đời chắc chắn 100% sẽ sinh lên cõi trời Đạo Lợi; khi sinh lên cõi Trời rồi thì tất nhiên hết bị đọa vào ba đường ác Ngạ Qủy, Súc Sinh, Địa Ngục là đương nhiên vậy.
Chứ chẳng phải với ý nghĩa hiểu theo nghĩa đen rằng: “về đời sau nếu có thiện nam thiện nữ nào nghe danh tự của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc khen ngợi, hoặc chiêm ngưỡng vái lạy, hoặc xưng danh hiệu, hoặc cúng dường, nhẫn đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thì người đó sẽ được một trăm lần sinh lên cõi trời Đạo Lợi, vĩnh viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo”, nghĩa là không cần tu hành, chỉ cần vẽ hình đắp tượng, dùng hương hoa cúng dường, rồi lễ lạy tụng danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng là được sinh lên cõi Trời đâu mà sai lầm vậy.
(Còn tiếp)