Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 9: Kinh Dược Sư giải nghĩa

21/10/201507:03(Xem: 3960)
Bài 9: Kinh Dược Sư giải nghĩa


Kinh Duuoc Su Giai Nghia

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 20:

KẺ THAM LAM TẬT ĐỐ KHEN MÌNH CHÊ

NGƯỜI NẾU NGHE DANH HIỆU PHẬT…

 

Lại nữa, Mạn Thù Sư Lợi, nếu chúng hữu tình có tánh tham lam tật đố (1), hay khen mình chê người (2) thì sẽ bị đọa địa ngục (3), ngạ quỉ, phải chịu nhiều sự đau đớn khổ sở, trải qua không biết mấy nghìn năm mới hết. Khi đã mãn sự đau khổ kia, liền từ nơi đó mạng chung sinh lại cõi người phải làm thân trâu, ngựa, lừa, lạc đà, thường bị người hành hạ, đánh đập và bị đói khát dày vò. Lại phải đi đường xa chở nặng, cực nhọc muôn phần; còn như may được làm thân người thì lại bị sinh vào hạng hạ tiện phải làm tôi tớ cho kẻ khác, mãi bị họ sai sử không khi nào được chút thong thả tự do. Nếu những nhân đạo đã từng nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thi do cái nhân lành ấy, ngày nay nhớ lại, chí tâm quy y Ngài. Nhờ thần lực của Ngài gia bị mà thoát khỏi mọi sự khổ não, các căn thông lợi, trí huệ sáng suốt. Lại thêm đa văn, hằng cầu thắng pháp (4), thường gặp bạn lành, đời đời dứt hẳn lưới ma (5), đập nát vỏ vô minh, tát cạn sông phiền não, mà được giải thoát khỏi nạn sanh, lão, bệnh, tử và những nổi đau khổ lo buồn.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Tật đố: Ghen ghét, ganh tị, đố kị, không ưa người khác, thường nghĩ và nói những lời gièm pha dè biủ khi thấy người khác bằng hay hơn mình về một phương diện nào đó.

 

(2) Khen mình chê người khác: Nói tốt về mình, nói xấu về người khác tội rất nặng, là người học Phật phải bỏ đi những thứ tánh xấu này; chúng ta nên khen ngợi người khác vì như vậy sẽ khuyến khích họ tinh tấn trong việc làm thiện, cũng nên quên đi những việc tốt đã làm, được như vậy mới là tốt thật sự.

 

(3) Địa Ngục: Chữ Phạn Sanskrit: Naraka, chữ Pàli: Niraya. Dịch âm: Nại lạc ca, Nại lạc, Nê lê da, Nê lê; cũng gọi là Không vui (Bất lạc), Khổ cùng cực (Khổ cụ), Đường Địa Ngục (Địa Ngục đạo); Địa Ngục được xem là một trong 3 đường ác (Tam ác đạo), một trong Sáu đường (Lục đạo), một trong Mười Giới (Thập Giới). Theo nghĩa đen Địa Ngục là tù ngục trong lòng đất, là nơi chịu khổ của chúng sinh tạo các nghiệp ác, như giết hại, trộm cướp, gian dâm; nơi đó tội nhân phải chịu mọi loại tra tấn do kết quả của mọi việc ác đã làm trong kiếp trước.

 

     Địa Ngục có 8 đại địa ngục là:

1      -  Đại Địa Ngục Tưởng,

2      – Đại Địa Ngục Dây Đen,

3      – Đại Địa Ngục Đá Ép,

4      – Đại Địa Ngục Kêu La,

5      – Đại Địa Ngục Kêu La Lớn,

6      – Đại Địa Ngục Thiêu Nướng,

7      – Đại Địa Ngục Thiêu Nướng Lớn,

8      – Đại Địa Ngục Vô Gián.

 

Mỗi Đại Địa Ngục nêu trên lại có 16 Địa Ngục nhỏ có tên khác nhau, như vậy tổng cộng là 136 loại Địa Ngục khác nhau.   

 

(4) Hằng cầu thắng pháp: Thắng pháp: Từ chữ Sanskit: adbhuta là vị tằng hữu, nghĩa là giáo pháp qúa hay, thù thắng chưa từng có, siêu việt trái với giáo lý thuyết suông, lý thuyết không tưởng của ngoại đạo; hằng cầu thắng pháp là thường mong được gặp Phật pháp cao siêu thù thắng.

 

(5) Lưới Ma: Là những thứ nghiệp tà ác do Tâm Ma tạo tác, chúng giống như tấm lưới bao trùm khó thoát ra được; tức là chúng sinh bị các Ma Phiền Não, Thiên Ma mê hoặc, trói buộc, cũng như chim, cá bị mắc trong lưới khó gỡ ra được.

 

     Đoạn Kinh Văn 20 nêu trên nói những người tham lam ghen tị có tính đố kỵ khen mình chê người, khi chết bị đọa vào đường dữ là Địa Ngục hoặc Ngạ Qủy. Nếu đọa Địa Ngục bị khổ tới mấy nghìn năm, nếu đọa vào Ngạ Qủy sẽ chịu khổ đói khát; khi ra khỏi Địa Ngục lại phải hoặc đọa vào Ngạ Qủy để chịu khổ đói khát. Hoặc đọa vào Súc Sanh phải chịu sự đói khát cực nhọc hành hạ giết chóc, hoặc trở lại làm người phải sinh vào nơi nghèo hèn khốn cùng và bị người sai bảo khổ cực trăm bề.

 

    Nếu làm người trong kiếp trước đã được nghe nói danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà nay nhớ lại, chí tâm quy y hướng Ngài, nhờ thần lực của Ngài gia trì. Lại thường cầu Phật pháp, làm lành tránh làm ác, tu hành nghiêm chỉnh thì sẽ thoát khỏi mọi sự khổ não, được các căn thông lợi trí tuệ sáng suốt. Lại gặp được bạn hiền, dứt hẳn những thứ nghiệp tà ác do tâm ma tạo tác (lưới ma), sạch hết ngu si của vô minh phiền não, được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử khổ ải.

 

 

KINH VĂN 21:

KẺ MƯU HẠI NGƯỜI, NẾU NGƯỜI

BỊ HẠI NGHE DANH HIỆU PHẬT…

 

Lại nữa, Mạn Thù Sư Lợi, nếu chúng hữu tình có tánh ưa sự ương ngạnh ngang trái chia lìa, tranh đấu, kiện cáo lẫn nhau, làm não loạn cho mình và người, đem thân, khẩu, ý tạo thêm mãi những ác nghiệp. Xoay qua trở lại, thường làm những việc không nhiêu ích (1) để mưu hại lẫn nhau, hoặc cáo triệu (2) những thần ở núi, rừng, cây, mả, để hại người; hoặc giết chúng sanh lấy huyết thịt cúng tế quỷ Dược xoa và quỷ La sát (3) để cậy quỷ hại người. Hoặc biên tên họ và làm hình tượng của người cừu oán rồi dùng phép chú thuật (4) tà ác mà trù ẻo (5) cho chế; hoặc theo lối ếm (6) đối với những đồ độc, hoặc dùng chú pháp hại mạng người. Nếu chúng hữu tình bị những tai nạn ấy mà nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì các thứ tà ác kia không thể hại được. Tất cả những kẻ ác tâm kia đều trở lại khởi lòng từ (7) làm việc lợi ích an vui cho kẻ khác, không còn ý tổn não vào tâm hiềm giận; hai bên hòa hảo với nhau, đối với vật thọ dụng của ai thì người ấy tự vui mừng biết đủ, không xâm lấn của nhau mà lại còn giúp đỡ lẫn nhau nữa.


GIẢI NGHĨA:

 

(1) Nhiêu ích: Hàm ý ban pháp đem lại lợi ích cho người, Bồ Tát đều làm các việc nhiêu ích cho các chúng sinh; còn ở Ta Bà này chúng sinh thường gây những sự bất lợi cho nhau, tức là không làm nhiêu ích vậy.

 

(2) Cáo triệu: Cáo là xin phép, triệu là vời gọi lại; cáo triệu là van mời vời gọi, thỉnh xin mời gọi.

 

(3) Dược Xoa, La Sát:  Phạn Sanskrit: yaksha, Pàli: yakkha: Là một trong tám bộ chúng Thiên Long Bát Bộ, cũng gọi Dạ Xoa, Duyệt Xoa, Dã Xoa. Dạ Xoa một loại quỉ thường được gọi chung với La Sát (ràkwasa, raksasa), ác quỉ mạnh nhanh khó lường, họ ở trên mặt đất, trong không gian và trên trời, họ đi trên đất bay trong không trung nhanh như biến. Có loại La Sát ăn uống máu thịt loài người. Họ hung ác đáng sợ. La Sát cũng còn chỉ cho loại Ngục Tốt ở Địa Ngục, phụ trách việc trừng phạt tội nhân.

 

(4) Chú thuật, Chú pháp: Tức là thuật của Chú, tụng Chú để giáng tai họa cho kẻ khác hoặc để trừ nạn; Chú có đủ thuật thần kì hại người, giết người hoặc để được sống lâu hơn, thì gọi là Chú thuật hay Chú pháp.

 

(5) Trù ẻo: Nguyền rủa cầu mong người bị hại.

 

(6) Ếm: Dùng ngải độc hoặc ma thuật để hại người.

 

(7) Lòng từ: Là cho sự vui, là tâm trạng muốn cho người được mọi sự tốt đẹp, là lòng thành thật mong ước tât cả chúng sinh đều được yên lành vui vẻ; tức là trước tự vui, sau phá cái độc hại của sân hận rồi thì chúng sinh được vui, nên Từ cho vui là như thế.

 

     Đoạn Kinh Văn 21 trên đại ý nói: Nếu những người ngang tàng ưa tranh cãi kiện tụng, mưu kế độc để hại người, gây phiền não cho người, dùng những lời nói ác, cho đến những hành động xấu xa xâm hại lẫn nhau. Hoặc họ cầu xin, cho đến giết súc vật lấy máu thịt làm lễ vật cúng bái qủy thần tà ma nơi núi rừng gò mả để cầu hại người; hoặc họ dùng bùa ngải độc hoặc ma thuật, cho đến dùng tên họ, làm hình nộm ngưòi oán cừu rồi dùng bùa chú tà thuật trù ếm làm cho đau đớn khổ sở; hoặc dùng tà pháp trù ẻo hại mạng người cho đến chết.

 

     Nếu những người bị những tai nạn ấy mà nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì liền khiến những người này được nghe giảng hay được đọc Phật pháp. Từ đó họ hiểu giáo lý của Phật, rồi quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Đề, giữ giới đầy đủ, xa lià việc ác, làm các hạnh lành, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, thì các thứ tà ác kia không thể hại được. Ngoài ra còn khiến cho kẻ ác kia hồi tâm bỏ ác, không còn tâm hiềm giận tổn hại nữa, mà trở lại khởi lòng làm việc lợi ích an vui, do đó hai bên trở thành hòa hảo với nhau.

 

     Chứ không phải là khi bị những tai nạn do người hiểm ác gây ra như thế và nếu người bị hại được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, rồi cầu xin Ngài dùng phép giải nạn, thì các thứ tà ác độc hại kia không thể hại được. Ngoài ra, còn khiến cho kẻ ác tâm kia trở lại khởi lòng từ làm việc lợi ích an vui cho kẻ khác, không còn tâm ý giận dữ muốn làm hại người nữa, và cuối cùng là hai bên hòa hảo với nhau. Nghĩ như vậy là sai lầm, vì đây là muốn dựa thần quyền mà không tu hành thì chẳng thể đạt được vậy.

 

(Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567