Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 7: Kinh Dược Sư giải nghĩa

07/10/201518:44(Xem: 3830)
Bài 7: Kinh Dược Sư giải nghĩa

phat duoc su 5
KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 14:

NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI MỘT:

 

Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tạo miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ. Mà hễ nghe danh hiệu ta rồi chuyên niệm thọ trì thì trước hết ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ và sau ta mới đem pháp vị (1) nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn toàn.

GIẢI NGHĨA:

(1) Pháp Vị: Tên khác của Chân Như. Chân Như là vị trí các pháp an trụ, nên gọi là Pháp vị. Tông Kính Lục quyển 7 nói: Pháp vị tức là chính vị Chân như, thế nên Luận Đại Trí Độ cho rằng Pháp tính, Pháp giới, Pháp trụ, Pháp Vị, đều là tên khác của Chân Như; cũng gọi Phật Pháp Vị, Pháp Trí Vị, Hương vị của diệu pháp. Nghĩa của các pháp môn do Đức Phật dạy rất sâu xa, phải nghiền ngẫm một cách tinh tế mới thể nhận được và sinh ra niềm vui, cho nên dùng vị ngon, để ví dụ mà gọi là Pháp Vị (Từ điển Phật Quang).

 Chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tạo miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ:

Nghĩa là người nghèo đói vì miếng ăn đã tạo nghiệp ác như giành giật, trộm cắp, lừa đảo, cướp bóc, sát hại chúng sinh, v.v…, tức là vì miếng ăn mà sinh ra đủ thứ xấu ác, gây ra bởi thân khẩu ý do tham sân si điều khiển.

 

Hễ nghe danh hiệu ta rồi: Hễ nghe danh hiệu Ngài nghĩa là được nghe giảng hay được đọc giáo lý của Phật, nhờ đó sẽ khiến cho hiểu biết nguyên nhân của sự nghèo đói là do người nào không bố thí từ tiền bạc, của cải, thực phẩm, cho đến lời chỉ bảo lợi ích. Người ấy có nghiệp keo kiết ích kỷ, người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi chết, sinh vào một trong ba cõi dữ là Ngã Qủy, Súc Sinh hoặc Địa Ngục; mãn kiếp tại nơi dữ, tái sinh vào nhân-gian, sống cuộc đời nghèo nàn thiếu thốn không của cải, không có đủ để ăn.

 

Chuyên niệm thọ trì thì trước hết ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ và sau ta mới đem pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn toàn:  Nghĩa là khi hiểu biết được Phật Pháp rồi, bằng cách quy y Tam Bảo, giữ giới đầy đủ, làm lành tránh làm ác, nhớ mãi không quên thực hành sám hối, tụng niệm, tu hành (thọ trì) nghiêm chỉnh, xuất gia.

 

Muốn tụng niệm danh hiệu cho đúng nghĩa thì 6 căn đồng tụng niệm một lượt, nghĩa là mắt nhìn Phật, tai nghe tiếng tụng niệm, mũi thở ra thở vào cùng nhịp với lời tụng niệm, ý theo dõi câu tụng niệm và toàn thân từ mỗi lỗ chân lông đều như tỏa ra lời tụng niệm. Khi tu hành kiên cố là kiến lập Pháp Vị nhiệm mầu, vì tu hành là làm giảm nghiệp sửa nghiệp thì sẽ dẫn đến tốt lành, nên được thân no đủ, được tâm an lạc do tu hành đầy đủ. Chứ chẳng phải chỉ cần niệm danh hiệu Phật Dược Sư với tính cách cầu xin ban ơn mà tự nhiên có món ăn ngon lạ và được cảnh giới thân tâm an lạc đâu mà lầm.

 

 

KINH VĂN 15:

NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI HAI:

 

Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình nào nghèo đến nổi không có áo che thân bị muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh giải dầu, ngày đêm khổ bức. Hễ nghe đến danh hiệu ta mà chuyên niệm thọ trì thì ta khiến cho được như ý muốn: nào các thứ y phục tốt đẹp, nào tất cả bảo vật trang nghiêm, nào tràng hoa, phấn sáp bát ngát mùi thơm và trống nhạc cùng những điệu ca múa tùy tâm muốn thưởng thức món nào cũng được thỏa mãn cả.


GIẢI NGHĨA:

 

     Nghĩa là người không gặp Giáo Pháp của Phật sẽ không hiểu Phật Pháp, ví như người nghèo đến độ không có áo che thân, tức là không tự biết phòng hộ thân mình. Vì không phòng hộ nên bị cái sân giận hành hạ, ví như bị muỗi mòng đốt, bị cái tham lam bám chặt, ví như nóng lạnh giãi giề, và bị cái si mê ngự trị, ví như ngày đêm khổ bức. Hễ khi nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tức là được nghe hoặc được đọc về Phật pháp thì sẽ khiến cho hiểu biết về nghiệp báo nhân qủa, hiểu biết ý khẩu thân xấu ác do tham sân si dẫn dắt sẽ sinh ra những khổ não.

 

     Hiểu rõ như thế rồi sẽ khiến chuyển đổi lối sống từ người có ý khẩu thân xấu ác đổi thành người có ý khẩu thân thiện, người có nhiều tham sân sẽ giảm dứt tham sân; người ấy luôn luôn nhớ (niệm) tu hành (thọ trì) bằng cách xuất gia quy y cửa Phật. Nương nhờ chốn Già Lam tu hành thì sẽ được mặc áo Cà Sa của người tu, biểu trưng y phục tốt đẹp, mang theo các thứ của người tu như bình bát tràng hạt v.v…, tượng trưng cho bảo vật trang nghiêm. Người ấy luôn luôn được nhìn hoa tươi đẹp, ngửi mùi hương thơm khi cúng Phật, cùng nghe âm thanh nhạc điệu biểu trưng của tiếng tụng kinh trì chú niệm Phật cùng chuông mõ, tùy theo thích hợp thứ gì thì hành trì thứ đó, nên tâm thần được thảnh thơi nhẹ nhàng.

 

     Chứ chẳng phải như có người hiểu sai lạc Kinh văn này theo nghĩa đen, cho rằng đây là người nghèo đói không có áo che thân bị ruồi bu muỗi chích, bi nóng lạnh ngày đêm, nên khổ cực trăm bề đâu. Cũng chẳng phải hễ nghe đến danh hiệu Phật Dược Sư mà chuyên niệm tên Ngài thì Ngài sẽ khiến cho được các thứ y phục tốt đẹp, bảo vật trang nghiêm, tràng hoa, mùi thơm và trống nhạc cùng những điệu ca như ý muốn đâu mà lầm to đó.

 

 

KINH VĂN 16:

PHẬT GIỚI THIỆU CÕI LƯU LY TỊNH

 

Này Mạn Thù Sư Lợi, đó là mười hai lời đại nguyện nhiệm mầu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác phát ra trong khi tu hành đạo Bồ Tát.

Này Mạn Thù Sư Lợi, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia khi còn tu hành đạo Bồ Tát (1) phát những lời nguyện rộng lớn và những công đức trang nghiêm ở cõi Ngài, dầu ta nói mãn một kiếp (2) hay hơn một kiếp cũng không thể nói ngay rằng cõi Phật kia một bề thanh tịnh không có đàn bà, cũng không có đường dữ và cả đến tiếng khổ cũng không. Ở cõi ấy đất toàn bằng chất lưu ly, đường đi có dây bằng vàng giăng làm ranh giới, còn thành quách cung điện, mái hiên cửa sổ cho đến các lớp bao phủ cũng toàn bằng đồ thất bảo làm ra; thật chẳng khác gì những công đức trang nghiêm ở cõi Tây Phương Cực Lạc.

 

GIẢI NGHĨA:

(1)Tu hành đạo Bồ Tát:  Cũng gọi là Bồ Tát Hạnh, tức là tu hành các hạnh Sáu Độ rộng lớn (Sáu Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ), Bốn Tâm Cao Cả (Từ, Bi, Hỉ, Xả), Bốn Hằng Thệ Nguyện (Nguyện độ chúng sinh, Nguyện tận phiền não, Nguyện học giáo lý, Nguyện thành Phật đạo) v.v… để cầu thành Phật. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi thành đạo, đã từng đến nơi các vị tiên tu những khổ hạnh; và ở các kiếp trước hiện các loại thân tu những hạnh như bố thí, nhẫn nhục v.v... đều gọi là Bồ Tát Hạnh. Nội dung Kinh Bản Sinh kể lại những hạnh Bồ Tát mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tu trong năm trăm thân đời trước.

 

(2) Kiếp: Tiếng Phạn là Kalpa, phiên âm: Kiếp Ba, nghĩa là thời kỳ dài. Cách tính Tiểu Kiếp: Sự sống con người bắt đầu sống thọ 84,000 tuổi, mỗi một trăm năm thì giảm đi một tuổi, giảm đến 10 tuổi thì dừng, gọi là Kiếp giảm. Rồi lại bắt đầu tăng từ 10 tuổi mỗi một trăm năm thì tăng thêm một tuổi, tăng đến 84.000 tuổi thời dừng lại gọi là Kiếp tăng; đây là chu kỳ một vòng giảm tăng gọi là một Kiếp hay Tiểu Kiếp.

 

     Như vậy, chúng ta có thể tính số năm trong một Kiếp như sau: (84,000 - 10) x 100 x 2 = 16,798,000 năm.

     Kiếp có Tiểu Kiếp, Trung Kiếp và Đại Kiếp; cứ 20 Tiểu Kiếp = Trung Kiếp = thời kỳ Thành = thời kỳ Trụ = thời kỳ Hoại = thời kỳ Không.

     Bốn Trung Kiếp = Thành + Trụ + Hoại + Không = Đại Kiếp, do đó: Đại Kiếp = 16,798,000 x 20 x 4 = 1,343,840,000 (một tỉ ba trăm bốn mươi ba triệu … năm)

 

     Câu Kinh “Dẫu ta nói mãn một Kiếp hay hơn một Kiếp cũng không thể nói ngay rằng cõi Phật kia một bề thanh tịnh không có đàn bà, cũng không có đường dữ và cả đến tiếng khổ cũng không.” Câu này có thể hiểu là: “dù ta nói lâu tới một Kiếp hay hơn một Kiếp thì cũng có thể nói ngay rằng ở cõi Phật kia một bề thanh tịnh, không có đàn bà, cũng không có đường dữ và cả đến tiếng khổ cũng không có”.

 

     Nghĩa là ở cõi ấy thanh tịnh, không có đường dữ là địa ngục ngạ qủy súc sinh, không có đàn bà biểu trưng không có nhục dục đố kỵ ghen tuông hờn giận, không có tiếng khổ do tham sân si mạn gây ra, không có bệnh khổ, đói rét, giết hại chết chóc, v.v…. Nói chung là không có mọi thói hư tật xấu như ở thế gian Sa Bà này, vì vậy mới nói là “cả đến tiếng khổ cũng không có”, mà chỉ có vui vẻ thanh tao thôi.

 

     Phần cuối của đoạn kinh trên nói: “Ở cõi ấy đất toàn bằng chất lưu ly”, nghĩa là không có đất bùn bụi bậm dơ bẩn như ở cõi Ta Bà này, mà toàn là chất lưu ly trong suốt. Về cảnh thành quách cung điện, mái hiên cửa sổ đều thù thắng như dây vàng, thất bảo; thất bảo là bảy báu gồm: Vàng, Bạc, Lưu Ly (Crystal gem), Pha Lê (Crystal), Xà Cừ (Mother of pearl), Xích Châu (Red pearl) và Mã Não (Đá qúy: Agate).

 

     Thế giới của Đức Phật Dược Sư thật trang nghiêm không thể nghĩ bàn, không muốn nói dài dòng nên Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Thật chẳng khác gì những công đức trang nghiêm ở cõi Tây Phương Cực Lạc” của Đức Phật A Di Đà, để diễn tả cõi Lưu ly Tịnh ở phương Đông. Như vậy, chúng ta thấy rõ cõi Lưu Ly Tịnh trong suốt vô cùng đẹp đẽ thanh tịnh, các cõi Trời của cõi Ta Bà, so với cõi Người thì hơn rất nhiều, nhưng so với cõi Lưu Ly Tịnh của Đức Dược Sư thì chẳng thể nào sánh được.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]