Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh bốn mươi hai chương

29/04/201102:14(Xem: 6037)
Kinh bốn mươi hai chương
buddha4541

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Hán dịch: Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc-Pháp Lan
đời Hậu-Hán đồng dịch.
Việt-dịch: Thích-Tâm-Châu




Sau khi thành đạo, đức Thế-Tôn suy nghĩ rằng: “Lìa bỏ sự ham muốn, an- trụ trong vẳng-lặng, là điều cao hơn cả!”.

Ngài an-trụ trong đại-định và hàng-phục các ma-đạo.

Trong vườn Lộc-giả, Ngài quay bánh xe pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị đồng tu như Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v..., chứng được đạo-quả.

Lại có các vị Tỳ-Khưu nói lên những điều ngờ vực của mình, xin Phật chỉ dạy cho điều gì nên tiến và điều gì nên ngưng.

Đức Thế-Tôn dạy bảo, ai cũng đều khai-ngộ. Các vị chắp tay, kính vâng và thuận theo lời Ngài chỉ dạy.

CHƯƠNG THỨ NHẤT:
XUẤT-GIA, CHỨNG QUẢ

Phật dạy: “Từ-biệt người thân đi xuất-gia, nhận-thức được tâm, thấu - suốt được cội gốc và hiểu rõ được pháp vô-vi, mới gọi là “Sa - môn”. Vị Sa - môn thường giữ hai trăm năm mươi giới, khi tiến, khi ngưng, đều ở trong niệm thanh- tịnh và thực-hành đạo-hạnh của bốn chân-đế, để thành bốn Thánh-quả như bậc A-La-Hán v.v...

A-La-Hán (Arahat) là vị tu-chứng có thể phi-hành, biến-hóa, kéo dài thọ - mệnh nhiều kiếp và khi an-trụ có thể làm rung-chuyển trời đất.

Thứ đến, A-Na-Hàm (Angàmi). A-Na-Hàm là vị tu-chứng, sau khi mất, linh-thần sinh lên cõi trời thứ mười chín, chứng quả A -La-Hán.

Thứ đến, Tư-Đà-Hàm (Sakrdàgàmi). Tư-Đà-Hàm là vị tu - chứng, chỉ còn một lần sinh lên cõi trời và một lần trở lại cõi người trong Dục-giới là chứng được quả A-La-Hán.
Thứ nữa là Tu-Đà-Hoàn (Sotàpanna-phala). Tu-Đà-Hoàn là vị tu-chứng còn phải bảy lần sinh, bảy lần tử nữa, mới chứng được quả A- La -Hán.

Chặt đứt ái-dục như chặt tứ chi, không dùng gì nữa, (tức là vượt khỏi luân-hồi)!”.

CHƯƠNG THỨ HAI:
ĐOẠN DỤC TUYỆT CHỨNG

Phật dạy: “Bậc Sa-môn xuất-gia, dứt tham-dục, bỏ ái-nhiễm, biết nguồn tâm của mình, suốt lý sâu của Phật, ngộ pháp vô-vi; bên trong, không có chỗ nào gọi là chứng-đắc bên ngoài, không có chỗ nào gọi là cầu được; tâm không hệ - thuộc với đạo và cũng không kết nghiệp, không suy-niệm, không tạo-tác, chẳng phải tu, chẳng phải chứng, không trải qua các quả-vị mà tự thể - nhập diệu - quả cao thượng, đó gọi là “đạo”.

CHƯƠNG THỨ BA:
CẮT ÁI BỎ THAM

Phật dạy: “Cắt bỏ râu tóc, làm bậc Sa-Môn lĩnh-thụ đạo - pháp, bỏ của cải thế-gian, cầu xin lấy đủ: giữa ngày một bữa ăn, một giấc ngủ dưới gốc cây, và thận-trọng, không dám ham muốn đến hai lần. Vì, ái và dục làm cho người ta ngu-mê vậy”.

CHƯƠNG THỨ TƯ:
THIỆN, ÁC ĐỀU RÕ

Phật dạy: “Chúng-sinh lấy mười việc làm thiện và, cũng lấy mười việc làm ác. Những gì là mười? - Thân ba việc. Miệng bốn việc. Ý ba việc. Ba việc của thân là: sát, đạo, dâm. Bốn việc của miệng là: hai lưỡi, ác khẩu, nói dối và nói thêu-dệt. Ba việc của ý là: tham, sân, si.

Mười việc như thế không thuận Thánh-đạo, gọi là mười hạnh ác. Việc ác ấy nếu ngưng-chỉ, thì gọi là mười hạnh thiện”.

CHƯƠNG THỨ NĂM:
CHUYỂN NẶNG THÀNH NHẸ

Phật dạy: “Người ta có những tội lỗi mà không biết tự-hối, sớm dứt tâm tội-lỗi ấy đi, thì tội lỗi sẽ tới mình, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng. Nếu người ta có tội-lỗi, tự biết là trái, đổi ác làm lành tội tự tiêu-diệt, như người đau, được mồ-hôi xuất ra, dần dần được giảm bớt”.

CHƯƠNG THỨ SÁU:
NHẪN ÁC KHÔNG GIẬN

Phật dạy: “Người ác nghe có người nào làm thiện, cố ý tới làm nhiễu - loạn. Trường hợp ấy, ông nên tự ngăn cấm, không nên giận trách. Người kia đem điều ác tới, họ tự vời lấy điều ác”.

CHƯƠNG THỨ BẢY:
ÁC LẠI BẢN THÂN

Phật dạy: “Có người nghe ta giữ đạo, làm việc rất nhân-từ, cố ý tới nhục - mạ Phật. Phật im lặng không đối đáp. Người mạ-nhục ấy ngưng, Đức Phật hỏi: “Ông đem lễ biếu người nào đó, người ấy không nhận, lễ ấy, ông đem về chứ?” Người kia đáp: “Tôi đem về!”.

Phật dạy: “Nay ông mạ-nhục tôi, tôi không nhận, ông tự mang lấy tai - họa, nó quay về thân ông. Việc làm ấy, như vang ứng tiếng, bóng theo hình, hoàn toàn không tránh khỏi được. Vậy, cẩn-thận chớ làm điều ác”.

CHƯƠNG THỨ TÁM:
TUNG, NHỔ TỰ-NHƠ

Phật dạy: “Người ác hại người hiền, như ngửa mặt lên trời mà nhổ, nước bọt, nhổ không đến trời, lại rớt xuống mình; ngược gió tung bụi, bụi không bay tới người kia, bụi cuộn lại mình. Người hiền không thể hủy hoại được mà tai - họa quyết sẽ làm hoại diệt mình”.

CHƯƠNG THỨ CHÍN:
VỀ GỐC GẶP ĐẠO

Phật dạy: “Yêu đạo bằng cách nghe nhiều thì đạo khó gặp được. Giữ chí bền chắc, vâng làm theo đạo, đạo ấy rất lớn”.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI:
HỶ-THÍ ĐƯỢC PHÚC

Phật dạy: “Thấy người ta làm đạo bố thí giúp đỡ người ta bằng sự hoan - hỷ, được phúc rất lớn”.
Có vị Sa-Môn hỏi Phật: “Bạch Thế-Tôn, phúc ấy có hết không?”

Phật dạy: “Như lửa của một bó đuốc, vài ngàn trăm người, đều đem đuốc đến lấy lửa, lấy về, nấu cơm chín, trừ nhà tối, mà lửa của bó đuốc ấy vẫn như cũ. Việc được phúc cũng thế”.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT:
CÚNG CƠM DẦN HƠN

Phật dạy: “Cho cơm một trăm người ác, không bằng đãi cơm một người thiện. Đãi cơm ngàn người thiện, không bằng đãi cơm một người giữ ngũ giới; đãi cơm vạn người giữ ngũ giới, không bằng cúng cơm một vị Tu - đà-hoàn; cúng cơm một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn không bằng cúng cơm một vị Tư-đà - hàm; cúng cơm một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm, không bằng cúng cơm một vị A -na- hàm; cúng cơm một ức vị A-na-hàm, không bằng cúng cơm một vị A-La-Hán; cúng cơm mười ức vị A-La-Hán, không bằng cúng cơm một vị Bích - chi-phật; cúng cơm trăm ức vị Bích-chi-phật, không bằng cúng cơm một vị trong tam thế chư Phật; cúng cơm ngàn ức vị trong tam thế chư Phật, không bằng cúng cơm một vị Vô-Niệm, Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng”.

CHƯƠNG MƯỜI HAI:
KHÓ, KHUYÊN GẮNG TU

Phật dạy: “Người ta có hai mươi việc khó: “Bần-cùng, bố-thí, khó. Sang - trọng, học đạo, khó. Bỏ mạng, quyết chết (cho chính-đạo), khó. Được thấy kinh Phật, khó. Sinh gặp đời Phật, khó. Nhẫn sắc, nhẫn dục, khó. Thấy tốt, không cầu, khó. Bị nhục, không giận, khó. Có thế không màng, khó. Chạm việc, vô tâm, khó. Học rộng, xét sâu, khó. Trừ-diệt ngã-mạn, khó. Không khinh người chưa học, khó. Tâm làm việc bình-đẳng, khó. Không nói thị-phi, khó. Gặp bậc thiện-tri-thức, khó. Học đạo, kiến tính, khó. Tùy căn-cơ mà hóa-độ người, khó. Thấy cảnh không động, khó. Khéo giải những phương tiện, khó.”

CHƯƠNG MƯỜI BA:
HỎI VỀ TÚC-MỆNH

Có một vị Sa-Môn hỏi Phật: “Bạch Thế-Tôn bởi nhân-duyên gì mà biết được thân-mệnh của kiếp trước và biết được chí-đạo?”
Phật dạy: “Tâm trong-sạch, chí vững-bền có thể biết được chí - đạo. Ví như, lau gương bụi sạch đi thì sáng còn lại. Dứt ham muốn, không tìm cầu, sẽ biết được thân-mệnh của kiếp trước”.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN:
HỎI VỀ THIỆN, ĐẠI

Có vị Sa-Môn hỏi Phật: “Bạch Thế-Tôn, gì là “thiện”? Gì là “tối đại” (rất lớn)?
Phật dạy: “Hành đạo, giữ được lẽ chân-thực là “thiện”, chí và đạo hợp là “đại”.

CHƯƠNG MƯỜI LĂM:
HỎI VỀ LỰC, MINH

Có vị Sa-Môn hỏi Phật: “Bạch Thế-Tôn, gì là “đa lực” (nhiều nghị-lực)? Gì là “tối minh” (rất sáng)?
Phật dạy: “Nhẫn-nhục đa lực (nhiều nghị lực), vì không ôm-ấp những điều ác, có thêm sự an vui, khang-kiện. Người chịu nhẫn-nhục, không làm điều ác, quyết được người ta tôn-kính. Tâm nhơ diệt hết, trong sạch không còn chút vết uế-nhiễm, đó là “tối minh” (rất sáng). Kể từ khi chưa có trời đất cho đến ngày nay, những gì sở-hữu trong mười phương, không có gì là không thấy, không có gì là không biết, không có gì là không nghe, được “nhất-thiết-trí”, đáng gọi là “minh” vậy.

CHƯƠNG MƯỜI SÁU:
XẢ ÁI ĐẮC ĐẠO

Phật dạy: “Người ta ôm-ấp tâm ái-dục, sẽ không thấy được đạo. Ví như nước lắng, thò tay khuấy lên, mọi người tới xem, soi hình vào nước, đều không trông thấy bóng-dáng của mình. Người ta đem ái-dục giao xen lẫn nhau, thì vẩn đục trong tâm nổi lên, nên không thấy được đạo. Sa-Môn các ông, nên bỏ ái - dục. Cấu-nhiễm của ái-dục hết, thì đạo có thể thấy được”.

CHƯƠNG MƯỜI BẢY:
SÁNG LẠI, TỐI RỜI

Phật dạy: “Người thấy được đạo, ví như người cầm bó đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, mà chỉ còn có ánh sáng. Người học đạo thấy chân - đế, vô minh liền diệt, mà chỉ “minh” (ánh sáng) thường còn”.

CHƯƠNG MƯỜI TÁM:
NIỆM... VỐN KHÔNG

Phật dạy: “Giáo-pháp của ta, tuy niệm nhưng không chấp niệm, phi- niệm, hành nhưng không chấp hành, phi-hành; ngôn nhưng không chấp ngôn, phi - ngôn; Tu nhưng không chấp tu, phi-tu. Người hiểu được thì được gần đạo, mà người mê thì bị xa đạo vậy! Đường ngôn-ngữ dứt, không thể bị bó - buộc bởi sự-vật. Thế nhưng, sai đi hào-ly thì mất đi trong giây lát”.

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN:
QUÁN GIẢ VÀ CHÂN

Phật dạy: “Xem trời đất, niệm phi thường, xem thế-giới, niệm phi thường, quán tính linh giác tức là bồ-đề. Hiểu biết như thế thì đắc đạo nhanh chóng vậy!”

CHƯƠNG HAI MƯƠI:
CÁI TA VỐN KHÔNG

Phật dạy: “Nên nghĩ, bốn đại trong thân này, mỗi đại đều tự có cái tên, nhưng chúng đều không có cái TA. Cái TA đã không, thì chúng đều là như - huyễn vậy”.

CHƯƠNG HĂM MỐT:
THANH-DANH HẠI MÌNH

Phật dạy: “Người ta hướng theo tình dục tìm cầu thanh-danh. Thanh-danh rực-rỡ thì thân đã tàn vậy! Tham-lam cái danh thường của thế-gian mà không học đạo, thực là uổng công và mệt nhọc thân-hình vậy! Ví như đốt hương, tuy người ngoài ngửi được mùi hương, nhưng hương thì tàn-lụi! Ngọn lửa dục đem lại nguy-hiểm cho thân, mà nhất là nghiệp-quả sau này vậy!”

CHƯƠNG HĂM HAI:
TÀI, SẮC VỜI KHỔ

Phật dạy: “Đối với người ta, tài và sắc không bỏ được, ví như lưỡi dao có mật, chút mật trên lưỡi dao, không đủ một bữa ăn ngon nhưng, tiểu-nhi liếm vào thì có cái tai-họa cắt lưỡi!”

CHƯƠNG HĂM BA:
CÁI NGỤC VỢ CON

Phật dạy: “người nào hệ-lụy vào vợ, con nhà cửa, còn nặng hơn bị giam trong lao ngục. Lao ngục còn có khi được phóng-thích, nhưng vợ con không có ý-niệm xa lìa được. Tình yêu đắm vào sắc dục như thế, há không sợ còn đeo đuổi mãi sao? Tuy có tai-hoạn như sao vào miệng hổ, tâm phải cố gắng gìn giữ, nén dẹp. Tự dìm ngập vào bùn nhơ là kẻ phàm-phu. Hiểu suốt được cửa ái - dục ấy, để ra khỏi, là bậc La-Hán xuất trần!”

CHƯƠNG HĂM BỐN:
SẮC DỤC CHƯỚNG ĐẠO

Phật dạy: “Về ái-dục không có gì tệ-hại hơn sắc. Sắc tạo ra sự ham muốn và, sự nguy-hiểm lớn lao của nó, không có gì vượt ngoài nó được! May nó chỉ có một, nếu có hai cùng như nó, thì khắp mọi người trong thiên hạ này không ai có thể làm đạo được!”

CHƯƠNG HĂM LĂM:
LỬA DỤC ĐỐT MÌNH

Phật dạy: “Người ham đắm ái-dục, cũng như người cầm đuốc đi ngược chiều gió thổi, quyết-định sẽ xẩy ra tại-hoạn cháy tay”.

CHƯƠNG HĂM SÁU:
THIÊN-MA QUẤY PHẬT

Thiên-thần đem dâng ngọc-nữ cho Phật, muốn làm suy-hoại tâm-ý Phật. Phật dạy: “Túi da bọc các đồ nhơ! Ngươi đến đây làm chi? Đi! Ta không dùng!”
Thiên-thần càng thêm cung-kính và nhân đó hỏi về ý đạo. Đức Phật liền vì Thiên-thần ấy giải-thuyết về đạo-lý, tức thì, Thiên-thần ấy chứng được quả Tu - Đà-Hoàn.

CHƯƠNG HĂM BẢY:
KHÔNG CHẤP, ĐẮC ĐẠO

Phật dạy: “Người làm đạo cũng như cây gỗ trôi trên mặt nước, theo dòng nước mà đi, không chạm vào hai bên bờ, không bị người ta vớt lấy, không bị quỷ-thần ngăn-trở, không bị dòng nước xoáy đứng lại, cũng không bị mục-nát. Được như thế, Ta bảo-đảm cây gỗ ấy, quyết định vào được biển”.

“Người học đạo, không bị tình dục mê-hoặc không bị mọi thứ bất chính quấy-nhiễu, tinh-tiến hướng theo đạo vô-vi, Ta bảo-đảm người ấy, quyết-định đắc-đạo vậy!”

CHƯƠNG HĂM TÁM:
ĐỪNG BUÔNG Ý-MÃ

Phật dạy: “Cẩn-thận, đừng tin ý của ngươi. Ý của ngươi không thể tin được. Cẩn-thận, đừng hội-ngộ với sắc, hội-ngộ với sắc thì họa - sinh. Khi chứng được quả A-La-Hán rồi, mới có thể tin được ý của ngươi!”

CHƯƠNG HĂM CHÍN:
CHÍNH-QUÁN NGĂN SẮC

Phật dạy: “Cẩn-thận, đừng trông nữ-sắc, và cũng không nên cùng trò chuyện. Nếu cùng nói chuyện, nên chính-tâm nhớ nghĩ: “ta là Sa - Môn, ở trong đời vẩn-đục, phải như hoa sen không nhiễm bùn nhơ. Tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, người trẻ như em và người nhỏ như con, mà sinh ra tâm độ thoát, liền diệt được ác-niệm”.

CHƯƠNG BA MƯƠI:
XA LÌA LỬA DỤC

Phật dạy: “Người làm đạo như mặc áo cỏ khô, lửa tới nên tránh. Người làm đạo thấy sắc-dục, quyết nên xa tránh!”

CHƯƠNG BĂM MỐT:
TÂM VẲNG DỤC DIỆT

Phật dạy: “Có người lo ngại không ngưng được tâm dâm-dục, muốn chặt đứt âm-bộ của mình. Phật bảo người ấy rằng: “Nếu muốn chặt đứt âm-bộ của mình, không bằng chặt đứt tâm của mình! Tâm như cơ-quan chỉ-đạo các công việc, cơ-quan này ngưng công-việc thì những người tùy tòng cũng đều nghỉ. Tâm tà không ngưng, thì chặt đứt âm-bộ có ích gì?”

Đức Phật liền vì người ấy nói bài kệ rằng:

“Dục sinh ở ý ngươi,
Ý bởi tư-tưởng sinh.
Hai tâm đều vẳng-lặng,
Chẳng sắc cũng chẳng hành”.

Đức Phật dạy tiếp: “Bài kệ ấy là do đức Phật Ca-Diếp nói ra!”

CHƯƠNG BĂM HAI:
TA KHÔNG, SỢ DIỆT

Phật dạy: “Người ta từ ái-dục sinh ra lo và từ ái-dục sinh ra sợ. Nếu lìa ái-dục, thì còn lo gì? sợ gì?”

CHƯƠNG BĂM BA:
TRÍ SÁNG PHÁ MA

Phật dạy: “Người làm đạo, ví như một người chiến-đấu cùng muôn người, mặc áo giáp ra ngoài cửa, ý hoặc khiếp-nhược, hoặc nửa đường lui về, hoặc chống-cự mà chết, hoặc thắng trận trở về. Sa-Môn học đạo, phải nên giữ vững tâm mình, tinh-tiến dũng nhuệ, không sợ cảnh trước mắt, phá diệt mọi ma, mà được đạo-quả”.

CHƯƠNG BĂM BỐN:
TRUNG-BÌNH, ĐẮC ĐẠO

Có vị Sa-Môn, ban đêm tụng kinh Di-Giáo của Đức Phật Ca - Diếp, tâm vị ấy có vẻ buồn-rầu hồi-hộp, suy nghĩ, phàn-nàn và muốn rút lui. Đức Phật hỏi vị ấy rằng: “Trước kia ông ở tại gia thường làm nghề gì?”

- Vị ấy đáp: “Con thích gảy đờn cầm.

- Đức Phật hỏi: “Dây đờn chùng thì sao?

- Vị ấy đáp: “Tiếng không kêu”.

- Đức Phật hỏi: “Dây đờn căng thì sao?”

- Vị ấy đáp: “Tiếng gắt vậy”.

- Dây đờn giữ được mức trung-bình, tức là không căng, không chùng thì sao?

- Vị ấy đáp: “Các tiếng của nó sẽ âm vang khắp vậy”.

Phật dạy: “Vị Sa-Môn học đạo cũng thế, nếu tâm điều-hợp, đạo có thể chứng được vậy. Đối với đạo, nếu quá hăng-hái, hăng-hái thì thân mệt; nếu thân mệt thì ý sinh não; nếu ý sinh não thì sự thực-hành bị lùi; sự thực-hành đã lùi thì tội ắt sẽ thêm vậy. Chỉ giữ được thanh-tịnh, an-lạc, thì đạo mới không mất vậy”.

CHƯƠNG BĂM LĂM:
NHƠ SẠCH SÁNG CÒN

Phật dạy: “Như người rèn sắt, bỏ sét đi thì thành đồ-vật, đồ - vật tinh - hảo. Người học đạo, bỏ tâm cấu-nhiễm đi thì công-hạnh liền thanh - tịnh vậy”.

CHƯƠNG BĂM SÁU:
MỞ-MANG HƠN LÊN

Phật dạy: “Con người ra khỏi đường ác, được trở lại làm người cũng khó. Đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam cũng khó. Đã được làm thân nam, nhưng được sáu căn đầy đủ cũng khó. Được sáu căn đầy đủ, nhưng được sinh nơi trung-quốc cũng khó. Được sinh nơi trung-quốc, nhưng được gặp đời có Phật cũng khó. Được gặp đời có Phật, nhưng gặp được đạo cũng khó. Đã gặp được đạo, nhưng khơi dậy được tín-tâm cũng khó. Khơi dậy được tín-tâm nhưng phát bồ-đề-tâm cũng khó. Phát được bồ-đề-tâm, nhưng đạt được bậc Vô-Tu, Vô Chứng cung khó”.

CHƯƠNG BĂM BẢY:
NIỆM GIỚI GẦN ĐẠO

Phật dậy: “Phật-tử xa Ta vài ngàn dậm, nhưng nhớ nghĩ đến giới-luật của Ta, Phật tử ấy quyết-định sẽ được đạo-quả. Phật-tử nào ở ngay bên tả bên hữu Ta, tuy thường thấy Ta, nhưng không thuận theo giới-luật Ta dạy, cuối cùng cũng không được đạo-quả gì”.

CHƯƠNG BĂM TÁM:
CÓ SINH CÓ DIỆT

Đức Phật hỏi một vị Sa-Môn: “Mệnh người ta sống trong khoảng bao lâu?”

- Vị ấy thưa: “Trong khoảng vài ngày”.

- Phật dạy: “Ông chưa biết đạo”. Ngài lại hỏi một vị Sa-Môn khác: “Mệnh người ta sống trong khoảng bao lâu?”

- Vị ấy thưa: “Vào khoảng một bữa ăn”.

- Phật dạy: “Ông chưa biết đạo”. Ngài lại hỏi một vị Sa-Môn khác: “Mệnh người ta sống trong khoảng bao lâu?”

- Vị ấy thưa: “ Trong khoảng hô-hấp”.

- Phật dạy: “Hay thay, ông biết đạo vậy”.

CHƯƠNG BĂM CHÍN:
DẠY BẢO KHÔNG SAI

Phật dạy: “Người học đạo Phật, đức Phật nói điều gì, đều nên tin thuận. Ví như ăn mật, ăn ở giữa hay ở bên cũng đều ngọt. Kinh của Ta nói ra cũng như thế!”.

CHƯƠNG BỐN MƯƠI:
HÀNH ĐẠO TẠI TÂM

Phật dạy: “Vị Sa-Môn hành đạo, đừng nên làm như con trâu kéo cối đá. Thân tuy hành đạo, nhưng tâm đạo không hành. Tâm đạo nếu hành, thì dùng hành đạo làm gì!”

CHƯƠNG BỐN MƯƠI MỐT:
TRỰC-TÂM XUẤT DỤC

Phật dạy: “Người làm đạo, ví như con trâu mang đồ nặng, lại đi vào chỗ bùn sâu rất mệt, nhưng không dám ngoái trông bên tả, bên hữu, chờ khi đi ra khỏi đám bùn lầy, mới có thể nghỉ ngơi. Vị Sa-Môn nên quán sát tình-dục, còn tệ hơn bùn lầy. Trực-tâm niệm đạo, được khỏi khổ vậy”.

CHƯƠNG BỐN HAI:
SUỐT SỰ BIẾT HUYỄN

Phật dạy: “Ta coi ngôi vị vương hầu, như hạt bụi qua kẽ hở; coi của báu vàng ngọc như ngói, sỏi; coi trang-phục lụa nõn, như giẻ rách; coi cõi đại-thiên như một hạt ha-tư; coi nước ao A-nậu như giọt dầu thoa chân; coi môn phương - tiện như đống hóa-bảo; coi vô-thượng-thừa như mơ thấy vàng, lụa; coi Phật - đạo như bông hoa trước mắt; coi thiền-định như cột núi Tu-Di; coi niết - bàn như cơn tỉnh ngủ ban ngày; coi sự xoay, thẳng như sáu con rồng múa; coi lý bình - đẳng như nơi nhất-chân pháp-giới; coi sự hưng-hóa như cây bốn mùa”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567