TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majjhima Nikàya )
Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
46. Đại Kinh PHÁP HÀNH
(Mahàdhammasamàdàna sutta)
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ trú qua
Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na
Do Cấp-Cô-Độc tín gia cúng dàng.
Thế Tôn gọi các hàng Phích-Khú :
– “ Các Phích-Khú ! Tác ý, nghe đây ! ”
Chúng Tỷ Kheo vâng lời Ngài.
Thế Tôn liền giảng vào ngay vấn đề :
– “ Các Tỷ Kheo ! Nói về một số
Loài hữu tình luôn có dục vầy,
Có ước vọng như thế này,
Có nguyện vọng như thế này, thốt ra :
‘Ôi ! mong là pháp bất khả ái,
Bất khả lạc, bất khả ý này
Đều được tiêu diệt hết ngay.
Mong rằng các pháp như vầy kể ra :
Đáng yêu, đáng vui và vừa ý
Được hoàn mỹ, tăng trưởng lâu dài’.
Các Tỷ Kheo ! Dẫu các loài
Hữu tình như vậy muốn hoài như trên,
Có ước vọng nêu lên như vậy,
Có nguyện vọng như vậy thật tình,
Sự việc trái ngược ý mình
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 126
Chỉ bất như ý, bất bình ở trong !
Các Tỷ Kheo ! Các ông có biết
Nguyên nhân gì của việc ấy không ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Đấng viên thông !
Với chúng con biết, pháp đồng thuận ngay
Dựa căn bản vào Ngài, tuần tự
Hướng đến sự lãnh đạo của Ngài,
Nương tựa, y cứ Như Lai .
Bạch Thế Tôn ! Tốt lành thay nếu Ngài
Thuyết giảng ý nghĩa này tròn đủ,
Chúng Phích-Khú (1) sẽ khéo hành trì ”.
– “ Này các Tỷ Kheo ! Vậy thì
Hãy nghe, tác ý minh tri pháp này ”.
– “ Kính bạch Ngài ! Từ bi thuyết pháp ”.
Chúng Tỷ Kheo vâng đáp Phật Đà .
Thế Tôn nghiêm tịnh thuyết ra :
– “ Này Tỷ Kheo Chúng ! ( Trải qua như vầy
Cõi trần hoàn dẫy đầy triền phược
Làm sao phân biệt được trí ngu ? )
Những kẻ vô văn phàm phu
Không đến yết kiến thuần từ Thánh nhân
Không thuần thục pháp phần bậc Thánh
Không tu tập pháp Thánh chánh chân,
Không yết kiến các Chân nhân
Không thuần thục pháp Chân nhân các phần
Không tu tập Chân nhân các pháp,
Không biết rõ các pháp nêu lên
_______________________________
(1) : Bhikkhu – Tỳ-Khưu hay Tỷ-Kheo – là hàng xuất gia thọ
Đại giới , đứng vào hàng ngũ Tăng-Già ( Sangha ).
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH* MLH – 127
Nên phục vụ hay không nên,
Không nên thân cận hay bèn cận thân.
Vì không rõ pháp cần phục vụ
Nên phục vụ các pháp không cần
Không phục vụ các pháp cần
Thân cận các pháp không cần cận thân,
Không thân cận pháp cần thân cận,
Cho nên dẫn đến sự đảo điên
Pháp bất khả ái, muộn phiền
Bất khả lạc, trái ý liền tăng nhanh.
Pháp khả ái, an lành, khả lạc
Cùng pháp khác : khả ý diệt tiêu.
Vì sao vậy ? Chính là điều
Người ấy vô trí đối điều pháp đây.
Các Tỷ Kheo ! Giới hay gìn giữ,
Đa văn Thánh đệ tử vị này
( Tâm luôn nghiêm tịnh thẳng ngay )
Đi đến yết kiến các ngài Thánh nhân,
Thuần thục các pháp phần bậc Thánh,
Tu tập pháp bậc Thánh chánh chân.
Yết kiến các bậc Chân nhân,
Thuần thục pháp bậc Chân nhân các phần,
Thường tu tập Chân nhân các pháp,
Nên biết rõ các pháp nêu lên
Nên phục vụ hay không nên
Không nên thân cận hay bèn cận thân.
Vì biết rõ pháp cần phục vụ
Nên phục vụ các pháp nào cần,
Không phục vụ pháp không cần,
Thân cận các pháp nào cần cận thân,
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 128
Không cận thân pháp không cần cận.
Cho nên dẫn đến sự an nhiên
Pháp không đáng yêu diệt liền
Không thể vui, trái ý, phiền… diệt nhanh.
Pháp khả ái, an lành, khả lạc
Cùng pháp khác : toại ý… tăng cùng.
Vì sao vậy ? Vì tựu trung
Người ấy có trí đối cùng pháp đây .
Tóm lại, pháp hành này bốn loại
Sao là bốn ? Có loại pháp hành
– Hiện tại an lạc thấy rành
Tương lai khổ báo sẵn dành cho y.
– Có pháp hành ở thì hiện tại
Đau khổ, tương lai lại khổ đau.
– Có pháp hành hiện khổ đau
Quả báo an lạc về sau sẵn dành.
– Có pháp hành hiện nay an lạc
Tương lai cũng an lạc, tốt lành.
( Kẻ vô trí )
Này các Tỷ Kheo ! Pháp hành
‘Hiện tại khổ, tương lai dành khổ đau’.
Hoặc pháp hành thuộc vào dạng khác :
‘Hiện tại lạc, tương lai khổ đau’.
Này các Tỷ Kheo ! Trước sau
Pháp hành hai dạng này mau suy bì.
Do vô trí, bất tri với pháp
Do si mê uế tạp mọi phần
Nên không tuệ tri như chân :
‘Pháp hành hiện tại muôn phần khổ đau,
Tương lai sau quả báo cũng khổ’.
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH* MLH – 129
Hoặc không có tuệ tri như vầy :
‘Pháp hành hiện tại lạc đây
Tương lai quả khổ’ sâu dày, bất dung.
Do vô trí đối cùng pháp ấy
Do si mê chẳng thấy hiểm nguy,
Cho nên phục vụ pháp ni
Cũng không tránh né mà tùy thuận ngay.
Vì cớ ấy, đêm ngày tăng trưởng
Về các pháp đem chướng ngại nhiều :
Không thể vui, không đáng yêu
Không thể vừa ý – sớm chiều tăng cao.
Các pháp nào đáng yêu, vừa ý
Đáng vui thú – sẽ bị diệt chung.
Vì sao vậy ? Vì tựu trung
Người ấy vô trí đối cùng pháp đây.
Các ông ! Pháp hành này có khác :
‘Hiện tại khổ, an lạc tương lai’.
‘Hiện tại lạc, lạc tương lai’.
Do vô trí với pháp đây mọi thì.
Si mê, không tuệ tri chân thật :
‘Đây pháp hành tính chất khổ đầy
Nhưng quả báo lạc tương lai’.
Hay : ‘Hiện tại lạc, tương lai lạc’ đồng.
Do vô trí đối trong pháp ấy
Si mê mãi, không tuệ tri ngay,
Nên không phục vụ pháp này
Cố ý tránh né pháp này, không theo.
Các Tỷ Kheo ! Pháp bất khả ái,
Bất khả lạc, bất khả ý… đều
Tăng trưởng mọi lúc, sớm chiều.
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 130
Các pháp : vui vẻ , mỹ miều đáng yêu,
Pháp vừa ý… cũng đều tiêu hủy,
Vì vô trí đối với pháp này.
( Người trí )
Các Tỷ Kheo ! Còn ở đây
Đối với các pháp vị này nghiệm ngay :
‘Pháp hành này hiện tại đau khổ,
Tương lai quả báo khổ sẵn sàng’.
Hoặc : ‘Pháp hành hiện lạc an,
Tương lai khổ báo’ mọi đàng họa thâm.
Do có trí, do tâm sáng suốt
Nên tuệ tri thông suốt như chân :
‘Pháp hành trên, cả hai phần
Không phục vụ, tránh né phần pháp đây.
Các pháp này : Không đáng yêu ấy,
Không thể vui, không toại ý điều
Các pháp ấy bị diệt tiêu.
Còn các pháp khác : Đáng yêu, hài lòng,
Và đáng vui – thì đồng tăng trưởng.
Vì sao vậy ? Tư tưởng vị này
Có trí đối với pháp đây.
Này các Phích-Khú ! Như vầy hiểu nhanh :
Có ‘pháp hành hiện tại khổ não,
Nhưng quả báo tương lai lạc an’.
Hoặc : ‘Pháp hành hiện lạc an,
Tương lai quả báo lạc an’ cũng vầy.
Do vị này có trí với pháp,
Tâm sáng suốt hiểu pháp chánh chân,
Vị này tuệ tri như chân
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH* MLH – 131
Pháp hành của cả hai phần như trên.
Vì thế nên phục vụ pháp ấy,
Không tránh né pháp ấy mảy may,
Cho nên các pháp như vầy :
Không thể vui vẻ, không rày đáng yêu,
Không vừa ý – thảy đều tiêu diệt.
Các pháp thiệt đáng vui, đáng yêu,
Và vừa ý – tăng trưởng nhiều.
Vì sao vậy ? Vì chính điều ở đây
Là vị này có trí với pháp,
Tâm sáng suốt hiểu pháp thẳng ngay.
( Bốn pháp )
Các Tỷ Kheo ! Thế nào đây ?
* ‘Pháp hành hiện khổ, tương lai khổ’ đời ?
Các Tỷ Kheo ! Có người được thấy
Với khổ & ưu – kẻ ấy sát sanh
Thọ khổ ưu do sát sanh.
Với ưu, với khổ – y sanh gian tà
Của không cho, cố mà cướp lấy,
Do duyên ấy cảm thọ khổ ưu.
Lại có người, với khổ & ưu
Sống theo tà hạnh, lòng cưu dục đầy
Do duyên này, khổ ưu cảm thọ.
Với khổ & ưu , lại có dối lời,
Nói hai lưỡi, phù phiếm chơi,
Nói lời ác ngữ chẳng ngơi đêm ngày,
Do duyên này, khổ ưu cảm thọ.
Với khổ & ưu, tâm có ái tham
Tâm có sân hận ngập tràn,
Tâm có tà kiến do đang si đầy,
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 132
Do duyên này, khổ ưu cảm thọ.
Nên vị đó sau khi mạng chung
Sinh vào cõi dữ khốn cùng,
Đọa xứ, địa ngục muôn trùng khổ đau.
Còn thế nào pháp hành dạng khác :
* ‘Hiện tại lạc, tương lai khổ đau’ ?
Có người với lạc, hỷ nào
Sát sanh, trộm cướp, phạm vào tà dâm,
Hoặc nói láo, ác tâm mà nói,
Phù phiếm, nói hai lưỡi điêu ngoa.
Do duyên như vừa kể ra
Cảm thọ lạc, hỷ trải qua âm thầm.
Hoặc do duyên có tâm tham ái,
Có tà kiến, tâm mãi hận sân
Cảm thọ lạc, hỷ lâng lâng,
Sau khi thân hoại, muôn phần khổ đau
Sinh ác thú, sinh vào cõi dữ
Cõi đọa xứ, địa ngục… dài lâu.
Các Tỷ Kheo ! Pháp hành nào
* ‘Hiện tại đau khổ, về sau vui lành’ ?
Với khổ & ưu sẵn dành, người đó
Đã từ bỏ trộm cướp, sát sanh
Từ bỏ tà hạnh nhơ danh
Bỏ nói láo, nói chẳng lành, nói chơi,
Từ bỏ lời điêu ngoa hai lưỡi
Từ bỏ lời mắng chưởi bất nhân.
Từ bỏ tà kiến, tham, sân
Do duyên như vậy, cảm phần khổ ưu,
Sau khi chết, phước lưu sinh tới
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH* MLH – 133
Vào thiện thú, Thiên giới, đời này.
Còn thế nào pháp hành đây
‘Hiện tại an lạc, sau này lạc an’ ?
Có người đang với lạc & hỷ đó,
Đã từ bỏ sát sanh bợn nhơ,
Từ bỏ lấy của không cho,
Từ bỏ tà hạnh làm do dục tà.
Do duyên mà từ bỏ như vậy
Nên người ấy cảm thọ lạc an.
Tiếp đó,người ấy sẵn sàng
Từ bỏ nói dối, nói gian hai lời,
Từ bỏ lời ác ngữ, phù phiếm,
Từ bỏ tham, độc hiểm hận sân,
Luôn có chánh kiến như chân.
Do duyên các thứ kể phần trên đây
Cảm thọ ngay lạc và hỷ đấy.
Khi vị ấy thân hoại mạng chung
Sinh lên thiện thú, Thiên cung
Hoặc tái sinh lại, vô cùng sướng thay !
( Ví dụ )
Các ông này ! Ví như trái bí
Đắng, lại bị tẩm thuốc độc vào
Một người muốn sống xiết bao !
Không muốn bị chết, luôn cầu vui an,
Hiềm ghét khổ vô vàn vô hạn.
Một người bạn nói với người này :
– “ Này bạn ! Trái bí đắng đây
Có tẩm thuốc độc, chết ngay nếu dùng
Nếu bạn muốn, hãy dùng bí đó
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 134
Trong khi ăn, đừng có suy lường
Không thích thú sắc, vị, hương
Ăn xong có thể có đường mạng vong,
Hay đau khổ cũng đồng như chết ”.
Không từ bỏ, chẳng mệt nghĩ suy
Y có thể ăn tức thì
Dù ăn không thích thú chi mọi bề
Phương diện về sắc, hương và vị.
Ăn xong bí, đau khổ tột cùng
Hay là lập tức mạng chung.
Pháp hành Ta bảo giống cùng dụ đây :
‘Hiện tại khổ, tương lai cũng khổ’.
Ví dụ khác, như có bình đồng
Chiếc bình đựng nước ở trong
Có sắc, hương, vị ; nhưng không an toàn
Vì nước đang tẩm đầy độc dược.
Có người luôn muốn được thọ tràng
Không muốn chết, muốn lạc an
Lại hiềm ghét khổ vô vàn, ghét cay !
Có người gặp người này, nói trước :
“ Này ông bạn ! Bình nước bằng đồng
Đựng nước thơm, ngọt, màu hồng
Có tẩm thuốc độc vào trong bình này.
Nếu muốn, hãy uống ngay nước đó
Khi uống nó, sẽ thích thú nhiều
Đẹp, thơm, ngọt biết bao nhiêu !
Nhưng sẽ trúng độc mà tiêu mạng liền,
Hoặc đau đớn vô biên vô độ ”.
Người đó uống, không bỏ, không gờm
Khi uống, thích thú hương thơm,
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH * MLH – 135
Vị ngọt, màu đẹp, đả cơn khát này.
Các Tỷ Kheo ! Pháp đây giống với
Như ví dụ nói tới trên đây :
‘Hiện tại lạc, khổ tương lai’.
Còn ví dụ khác trình bày rõ vô :
Nước đái quỷ – A-mô-ni-ắc (1)
Được trộn thật nhiều thuốc trong này
Trị bệnh hoàng đản (2) thật hay
Có kẻ mắc bệnh, gặp may có người
Chỉ tức thời : “ Bạn này ! Hãy uống
Nước đái quỷ trộn thuốc vào chung
Mùi nó khai thối vô cùng
Khi uống, chẳng thích thú dùng nó đâu !
Nhưng an lạc ngay sau khi uống,
Nếu bạn muốn dứt bệnh, uống đi ! ”.
Không từ bỏ, không nghĩ suy
Người ấy đã uống đến khi bệnh lành.
Các Tỷ Kheo ! Pháp hành giống với
Như ví dụ vừa mới trình bày :
‘Hiện tại khổ, lạc tương lai’.
Còn ví dụ khác : Lấy rày thục tô
Lạc, mật, đường trộn vô cho kỹ
Có thể trị bệnh kiết lỵ mau
Có người kiết lỵ bị đau
Gặp một người tốt hiểu sâu, nói là :
“ Này ông bạn ! Đây là lạc, mật,
Thục tô, đường trộn lẫn với nhau
_______________________________
(1) : Amoniac – NH3 : gọi là nước đái quỷ , mùi rất khai nồng.
(2) : Hoàng đản là chứng bệnh vàng da, nước tiểu vàng sậm , do
tăng lượng bilirubin ở máu ( do gan hay do hệ thống dẫn mật ).
Trung Bộ (Tập 2) Đại Kinh 46 : PHÁP HÀNH* MLH – 136
Nếu bạn muốn, hãy uống mau
Ngọt ngon với vị, sắc màu, mùi hương
Thích thú dường cam lồ khi uống,
Sau khi uống, hiệu quả tức thì ”.
Không từ bỏ, có nghĩ suy
Người ấy đã uống tức thì thuốc đây,
Bịnh kiết lỵ người này dứt khỏi.
Các Tỷ Kheo ! Ta nói pháp hành
Giống với ví dụ giải rành :
‘Hiện tại an lạc, an lành tương lai’.
Tăng Chúng này ! Có ví dụ khác :
Trời bàng bạc vào cuối mùa mưa
Vào thu, gặt hái đúng mùa
Khí trời quang đãng, gió đùa không mây,
Mặt trời mọc lên ngay, rực rỡ
Giữa bầu trời, phá vỡ đêm đen
Phá sạch hắc ám tối hèn
Cả hư không như rực đèn sáng trưng.
Rực sáng, phá sạch rừng dị thuyết
Của cá biệt Phạm-chí, Sa-môn,
Tầm thưởng ( sử dụng ngụy ngôn ).
Pháp hành tiêu biểu đáng tôn quý này :
‘Hiện tại lạc, tương lai cũng lạc’.
Rực sáng chói, phá các tà gian ”.
Nghe Phật thuyết, đều hân hoan
Chư Tăng tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
* * *
(Chấm dứt Kinh số 46 : Đại Kinh PHÁP HÀNH – MAHÀDHAMMASAMÀDÀNA Sutta )
Gửi ý kiến của bạn