Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3

17/04/201313:00(Xem: 9280)
Chương 3

Bát Thức Quy Củ Tụng

Thích Thắng Hoan

---o0o---

ĐỆ TAM CHƯƠNG

(Chương thứ ba)

ĐỆ THẤT THỨC TỤNG

DỊCH: Bài Tụng giảng về Tâm Thức thứ bảy.

23.- ĐỚI CHẤT HỮU PHÚ THÔNG TÌNH BỔN:

DỊCH: Cảnh là Cảnh Đới Chất, tánh là tánh Hữu Phú Vô Ký, thông cả bên tình và bên Bổn.

GIẢI: Tâm Thức thứ bảy tức là chỉ cho Tâm Thức Mạt na. Trong ba Cảnh, Thức Mạt Na thứ bảy chỉ duyên với cảnh Đới Chất bên ngoài (Cause’s Images of Illusions) do Ý Thức thứ sáu mang vào. Hơn nữa Thức Mạt Na thứ bảy chỉ duyên với Kiến Phần Thức Alaya thứ tám khi Kiến Phần này biến ra Ngã Tướng của vạn pháp để làm cảnh Sở Duyên (Cảnh trí đối tượng để duyên đến) cho nó chấp trước, nên gọi là Chấp Ngã.

Thí dụ: Thích Thắng Hoan là Ngã Tướng do Kiến Phần Thức Alaya biến ra để làm cảnh Sở Duyên cho Thức Mạt Na thứ bảy của Thích Thắng Hoan tác dụng duyên đến để chấp trước nên gọi là chấp ngã.

Ngã Tướng đây gọi là Ngoại Ngã (Cái Ngã hiện bày ra ngoài) do Kiến Phần Thức Alaya thứ tám biến hiện thành. Nhưng thật ra, Thức Mạt Na thứ bảy không thể duyên thẳng đến Thức Thể Alaya thứ tám nêu như Tâm Thức Alaya này không tác dụng thành Kiến Phần. Ngã Tướng mà Thức Mạt Na thứ bảy chấp làm Ngã chính là Tướng giả dối, gọi là Giả Tướng và cũng gọi là Giả Ngã do bởi Kiến Phần Thức Alaya thứ tám biến hiện mà thôi.

Đi sâu hơn nữa, Nhứt Thiết Chủng (Tất cả Hạt Giống) của Thức Thể Alaya thứ tám tức là bối cảnh sở duyên thuộc về Tâm Thức của Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước với tính cách quản lý. Mỗi khi tác dụng duyên cảnh để quản lý, Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy nhờ Kiến Phần Thức Alaya thứ tám nương nơi bối cảnh Nhứt Thiết Chủng trong nội Tâm của Thức Thể Alaya biến hiện ra Tướng Phần để làm Cảnh Sở Duyên cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước quản lý. Cảnh Sở Duyên của Thức Mạt Na thứ bảy để chấp trước quản lý chính là Chân Đới Chất Cảnh của Nhứt Thiết Chủng trong nội Tâm do Kiến Phần Thức Alaya biến hiện.

Thí dụ: Chúng ta mộng (dream) thấy thành phố Sài Gòn. Thành phố Saì Gòn trong mộng là bối cảnh sở duyên của Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước và quản lý. Thành phố Sài Gòn trong mộng chính là thế giới Đới Chất Cảnh của Nhứt Thiết Chủng trong nội tâm.

Nói cách khác, Thức Thể Alaya là Tâm Thức thuộc về bản chất và Tướng Phần của Thức Mạt Na thứ bảy phát sanh từ nơi bản chất Thức Thể Alaya nên gọi là Chân Đới Chất Cảnh. Chân Đới Chất Cảnh mà Kiến Phần Thức Alaya biến hiện chỉ là Nội Cảnh để cho Thức Mạt Na chấp trước quản lý. Nói cách khác, Tướng Phần của Kiến Phần Thức Mạt Na thứ tám cũng là Tướng Phần của Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy được phát sanh từ nơi Nhứt Thiết Chủng (tất cả hạt giống) của Thức Thể Alaya do Kiến Phần của hai Tâm Thức này cùng nhau biến hiện. Tướng Phần cũng gọi là Chân Đới Chất Cảnh của Nhứt Thiết Chủng (tất cả hạt giống) do Kiến Phần hai Tâm Thức Mạt Na và Alaya biến ra (Dĩ Tâm duyên Tâm chân Đới Chất). Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy chấp Kiến Phần Thức Alaya thứ tám qua hình thức Nội Cảnh Chân Đới Chất gọi là Chấp Nội Ngã.

Thí dụ: Những hình ảnh trên màn ảnh chính là Tướng Phần của Tiềm Năng Nhứt Thiết Chủng Tử (Memories) được chiếu hiện mà chúng nó không phải là Tiềm Năng (Memories). Những hình ảnh trên màn ảnh chỉ là Đới Chất Cảnh của Tiềm Năng Nhứt Thiết Chủng Tử (Memories) do dòng điện chiếu soi.

Nội cảnh của Nhứt Thiết Chủng (Tất cả Hạt Giống) mà Thức Mạt Na thứ bảy duyên đến để chấp trước quản lý đều thuộc về tính chất Vô Ký (Không phải Thiện tánh và cũng không phải Ác tánh). Tất cả hạt giống (Nhứt Thiết Chủng) trong Thức Thể Alaya đều mang tính chất Thiện Ác. Nhưng những hạt giống này mỗi khi ảnh hiện thành thế giới Nội Cảnh để cho Kiến Phần Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước quản lý thì lại thuộc về tính chất Vô Ký. Thế giới Nội Cảnh này khi nào có mặt Ý Thức thứ sáu sinh hoạt trong đó thì trở thành tính chất Thiện Ác trong sự cảm thọ. Tánh Chất Vô Ký của thế giới Nội Cảnh trong Thức Thể Alaya thì thuộc về Hữu Phú Vô Ký. Hữu Phú nghĩa là có bị ngăn che, còn tánh Vô Ký của Thức Mạt Na thứ bảy thì cũng thuộc về loại Hữu Phú Vô Ký. Nguyên do Thức Mạt Na thứ bảy một mặt duyên bên trong nội Tâm để quản lý vạn pháp và mặc khác thường chấp Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Nội Ngã cho là Thật Tướng, nên gọi là Hữu Phú.

Thức Mạt Na thứ bảy thì thông cả bên tình và bên Bổn. Bên Tình là chỉ cho Ý Thức thứ sáu và bên Bổn là chỉ cho Thức Alaya thứ tám. Thức Mạt Na thứ bảy thường liên lạc với Ý Thức thứ sáu và cũng thường liên lạc với Thức Alaya thứ tám (thông cả bên Tình và bên Bổn), vì thông cả Ý Thức thứ sáu (bên Tình) và thông cả Thức Alaya thứ tám (bên Bổn), Thức Mạt Na thứ bảy được gọi là Thức Truyền Tống. Thức Truyền Tống nghĩa là Thức Mạt Na thứ bảy thường thu nhận những ảnh tượng của thế giới vật chất bên ngoài mang vào trong nội Tâm để tồn trữ nơi Thức Thể Alaya sau khi những ảnh tượng này được Ý Thức thứ sáu nhận thức và biến thành những hạt giống ảnh tử, nên gọi là TRUYỀN. Chẳng những thế, Thức Mạt Na thứ bảy cũng thường mang những hạt giống ảnh tử ấy từ trong kho tàng thế giới nội Tâm của Thức Thể Alaya đưa lên trình diện cho Ý Thức thứ sáu nhớ lại, nên gọi là TỐNG. Ngoài ra, Thức Mạt Na thứ bảy còn có nhiệm vụ quản lý những hạt giống ảnh tượng ấy trong thế giới nội Tâm của Thức Thể Alaya để làm môi trường cho sự thành hình thế giới kiếp sau, nên gọi là THỨC TRUYỀN TỐNG. Hơn nữa, bản chất của Thức Mạt Na thứ bảy thường chấp Ngã nên gọi là thông về Tình và Tâm Thức này cũng thường tác dụng liên tục không gián đoạn nên gọi là thông cả Bổn.

24. TUỲ DUYÊN CHẤP NGÃ LƯỢNG VI PHI:
DỊCH: Thức Mạt Na thứ bảy tùy nơi Thức Alaya thứ tám sanh ở đâu thì theo đến đó để chấp Ngã và trong ba Lượng, Thức Mạt Na thứ bảy này thuộc về Phi Lượng.

GIẢI: Tùy theo Vọng Nghiệp của chúng sanh lôi kéo, Kiến Phần Thức Alaya thứ tám phải bị luân hồi trong ba cõi (Tam Giới). Kiến Phần Thức Alaya thứ tám sanh vào cõi nào thì Thức Mạt Na thứ bảy cũng theo đó để chấp Ngã và chấp Pháp. Do bởi sanh theo Kiến Phần Thức Alaya thứ tám để chấp Ngã và chấp Pháp nơi đó, Thức Mạt Na thứ bảy được gọi là Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp. Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp nghĩa là Thức Mạt Na thứ bảy cùng sanh theo một lượt với Kiến Phần Thức Alaya thứ tám để chấp Ngã và chấp Pháp, nên gọi là Câu Sanh Ngã Chấp và Pháp Chấp, nhưng trên thực tế, Kiến Phần Thức Alaya thứ tám không phải là Thật Ngã, nguyên vì Tâm Thức này tác dụng chuyển biến liên tục không gián đoạn. Thế mà Thức Mạt Na cứ lầm lẫn chấp trước Kiến Phần Thức Alaya thứ tám cho là Thật Ngã. Đối với Kiến Phần Thức Alaya thứ tám, sự chấp Ngã của Thức Mạt Na thứ bảy thì hoàn toàn sai lầm về Thức Mạt Na thứ bảy chấp ngã như thế không đúng cái Ngã chân thật, nên gọi là Phi Lượng, nghĩa là sự lượng xét về Bản Ngã nơi Kiến Phần Thức Alaya thứ tám của Thức Mạt Na thứ bảy đều hoàn toàn phi lý và lượng xét đó không đúng chân giá trị của cái Ngã chân thật, nên gọi là Phi Lượng.

25.- BÁT ĐẠI, BIẾN HÀNH, BIỆT CẢNH HUỆ, THAM, SI, NGÃ KIẾN, MẠN, TƯƠNG TÙY:

DỊCH: Thức Mạt Na thứ bảy tương ưng với 8 Tâm Sở Đại Tùy, 5 Tâm Sở Biến Hành, một Tâm Sở Huệ trong 5 Tâm Sở Biệt Cảnh và 4 Căn Bản Phiền Não là: Tham, Si, Mạn, Ngã Kiến, cộng chung là 18 Tâm Sở tương ưng.

GIẢI: Thức Mạt Na thứ bảy thì tương ưng (kết hợp) với năm Tâm Sở Biến Hành. Nguyên vì năm Tâm Sở này sinh hoạt liên hệ khắp tất cả Tâm Thức. Về năm Tâm Sở Biệt Cảnh Thức Mạt Na thứ bảy không thể tương ưng với Tâm Sở Dục. Nguyên do Thức Mạt Na này chỉ duyên và chấp lấy Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Nội Ngã, nhưng Kiến Phần Thức Alaya thứ tám thường xuyên biến hiện liên tục để cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp Ngã. Cho nên Thức Mạt Na thứ bảy không cần đến Tâm Sở Dục giúp đỡ. Thức Mạt Na thứ bảy thường chấp Kiến Phần Thức thứ tám cho là thật Ngã, thế nên không cần đến Tâm Sở Thắng Giải giúp đỡ. Thức Mạt Na thứ bảy hiện đang liên tục tác dụng duyên với Ngã Tướng của Kiến Phần thức Alaya thứ tám mà không cần phải ghi nhớ, nên không kết hợp với Tâm Sở Niệm. Hơn nữa, Thức Mạt Na thứ bảy chấp Ngã một cách si mê mà không có vấn đề ăn năn đối với kẻ khác và cũng không cần phải định tâm chuyên nhất, nên không kết hợp với Tâm Sở Định, nhưng Thức Mạt Na thứ bảy có ý lựa chọn là chỉ chấp Kiến Phần thức Alaya thứ tám làm Ngã của mình, cho nên phải nhờ đến Tâm Sở Huệ giúp đỡ để quyết định.

Trong 11 Tâm Sở Thiện, Thức Mạt Na thứ bảy không thể tương ưng với bất cứ Tâm Sở nào, nguyên vì Thức Mạt Na này thuộc về Tâm Thức ô nhiễm.

Trong 6 Tâm Sở Căn BẢn Phiền Não, Thức Mạt Na thứ bảy thường quyết định chấp Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Ngã không chút nghi ngờ, cho nên không tương ưng với Tâm Sở Nghi. Hơn nữa, Thức Mạt Na thứ bảy say mê Nội Ngã một cách đắm đuối nên không kết hợp với Tâm Sở Sân, nhưng Thức Mạt Na thứ bảy vì tham đắm chấp Ngã cho nên thường kết hợp với Tâm Sở Tham. Thức Mạt Na thứ bảy rất quý trọng Bản Ngã và đặt Bản Ngã lên trên tất cả các pháp cho nên thường sanh ra Ngã Mạn. Do đó Thức Mạt Na này lại tương ưng với Tâm Sở Mạn. Thức Mạt Na thứ bảy thường Chấp Ngã một cách xấu ác nơi Kiến Phần Thức Alaya thứ tám, nên sanh ra bệnh Ngã Kiến. Do đó, Thức Mạt Na này lại tương ưng với Tâm Sở Ác Kiến. Thức Mạt Na thứ bảy si mê chấp Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Ngã cho nên tương ưng với Tâm Sở Si.

Hành tướng của các Tiểu Tùy Phiền Não thì thô kệch và di động, còn Hành Tướng của Thức Mạt Na thứ bảy thì vi tế và nhỏ nhiệm. Cho nên Thức Mạt Na thứ bảy không thể tương ưng với các Tâm Sở Tiểu Tùy. Các Tâm Sở Trung Tùy Phiền Não đều thuộc về tánh bất thiện, nhưng Thức Mạt Na thứ bảy thì thuộc về tánh Vô Ký (không phải Thiện mà cũng không phải Ác). Cho nên Thức Mạt Na thứ bảy không thể tương ưng với các Tâm Sở Trung Tùy. Trái lại, Thức Mạt Na thứ bảy thì thuộc về loại ô nhiễm, cho nên thường tương ưng với tám Tâm Sở Đại Tùy Phiền Não.

Về bốn Tâm Sở Bất Định, Thức Mạt Na thứ bảy mặc nhiên luôn luôn duyên với hiện cảnh mà không có chút nhớ nghĩ nghiệp trước cho nên không hề ăn năn. Do đó Thức Mạt Na thứ bảy không cần tương ưng với Tâm Sở Hối (Ố Tác). Thức Mạt Na thứ bảy chỉ thuần sinh hoạt chấp trước phía bên trong Nội Ngã và không bao giờ duyên ra ngoại cảnh. Do đó, Thức Mạt Na thứ bảy không cần phải tìm cầu, không cần phải quán sát và cũng không cần phải ngủ nghỉ, nguyên vì Thức Mạt Na thứ bảy sinh hoạt không có bị mệt nhọc. Cho nên Thức Mạt Na này không tương ưng với các Tâm Sở Tầm, Tư và Thùy Miên.

26.- HẰNG THẨM TƯ LƯƠNG NGÃ TƯỚNG TUỲ:

DỊCH: Theo chỗ hằng thẩm tư lương về Ngã Tướng của Thức Mạt Na thứ bảy.

GIẢI: Thức Mạt Na thứ bảy thường chấp Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Ngã bằng cách suy xét, nghĩ tưởng và so đo một cách liên tục không ngừng nghỉ, nên gọi là hằng thẩm tư lương Ngã Tướng. Kiến Phần Thức Alaya thứ tám thì sinh hoạt thường hằng và liên tục không ngừng nghỉ, Tâm Thức này chẳng bao giờ thẩm xét sự việc, nghĩa là nó sinh hoạt một cách tự nhiên và không bao giờ suy xét sự việc để xác định giá trị của sự việc đó, còn Ý Thức thứ sáu thì luôn luôn thẩm xét sự việc, nhưng nó sinh hoạt không thường hằng và cũng không liên tục như Kiến Phần Thức Alaya thứ tám, nghĩa là Tâm Thức này sinh hoạt thì con người tĩnh thức và nó không sinh hoạt thì con người ngủ nghỉ. Nói một cách khác Ý Thức thứ sáu chỉ sinh hoạt về ban ngày và nó không sinh hoạt về ban đêm, trừ trường hợp Tâm Thức này sinh hoạt trong mộng.

Riêng 5 Tâm Thức ở trước thì sinh hoạt cũng không thường hằng và cũng không liên tục như Kiến Phần Thức Alaya thứ tám. Chẳng những thế, năm Tâm Thức ở trước cũng không có vấn đề thẩm xét xự việc. Chỉ Thức Mạt Na thứ bảy thì gồm cả hai: sinh hoạt thường hằng một cách liên tục và thẩm xét sự việc một cách tỉ mỉ. Nguyên do, Thức Mạt Na thứ bảy thường suy xét và chấp trước Kiến Phần Thức Alaya thứ tám làm Ngã một cách không gián đoạn. Bởi thế, chúng sanh hữu tình thường bị Thức Mạt Na thứ bảy mê lầm chấp trước không buông tha.

27.- HỮU TÌNH NHỰT DẠ TRẤN HÔN MÊ:

DỊCH: Cho nên loài hữu tình thường bị hôn mê che lấp ngày đêm.

GIẢI: Hữu Tình chúng sanh sở dĩ không được tự giác ngộ để phải bị sinh tử lưu chuyển mãi trong sáu cõi (Thiên, Nhân, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh) chính là do bởi sự chấp Ngã của Thức Mạt Na thứ bảy. Thức Mạt Na thứ bảy chấp ngã kiên cố khiến cho vô số chúng sanh hữu tình bị si mê lầm lạc và gây tạo không biết bao nhiêu nghiệp nhân tội lỗi sinh tử trong sáu cõi. Muốn thoát khỏi vòng sinh tử lưu chuyển trong sáu cõi, chúng sanh hữu tình trước hết phải tu tập Duy Thức Quán để hóa giải sự chấp Ngã của Thức Mạt Na thứ bảy. Khi hóa giải được sự chấp Ngã kiên cố của Thức Mạt Na thứ bảy, chúng sanh hữu tình đó mới thoát khỏi vòng sinh tử lưu chuyển trong ba cõi.

28.- TỨ HOẶC BÁT ĐẠI TƯƠNG ƯNG KHỞI:

DỊCH: Bốn Hoặc và Tám Đại Tùy Phiền Não thường tương ưng với Bảy Tâm Thức để cùng hiện khởi.

GIẢI: Bốn Hoặc tức là chỉ cho Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn và Ngã Ái. Tám Đại Tùy Phiền Não tức là chỉ cho Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giãi Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn và Bất Chính Tri. Bốn Hoặc và tám Đại Tùy Phiền Não thường hiện khởi cùng một lúc và cùng kết hợp (tương ưng) với bảy Tâm Thức ở trước. Bảy Tâm Thức ở trước tức là chỉ cho Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức và Mạt Na Thức. Nguyên vì so sánh với Thức Alaya thứ tám là Tâm Thức sau cùng, nhà Duy Thức gọi bảy Tâm Thức nói trên là bảy Tâm Thức ở trước.

29.- LỤC CHUYỀN HÔ VI NHIỄM TỊNH Y:

DỊCH: Chuyển Thức thứ sáu gọi Thức Mạt Na thứ bảy là Nhiễm Tịnh Y.

GIẢI: Chuyển Thức thứ sáu tức là chỉ cho Ý Thức thứ sáu. Chuyển Thức nghĩa là Ý Thức thứ sáu vì chạy theo mê vọng nên bị chuyển biến. Do đó Ý Thức thứ sáu được gọi là Chuyển Thức. Ngoại trừ Thức Alaya thứ tám ra, bảy Tâm Thức ở trước đều gọi chung là Chuyển Thức. Thức Mạt Na thứ bảy thì còn trong vòng hữu lậu (còn bị sa rớt trong vòng luân hồi sinh tử nơi ba cõi), nghĩa là Thức Mạt Na này còn chấp Ngã kiên cố thì tất nhiên Ý Thức thứ sáu vẫn còn bị ô nhiễm và còn bị si mê che lấp. Thức Mạt Na thứ bảy mỗi khi trở nên vô lậu thanh tịnh và kết hợp (tương ưng) được Trí Vô Ngã thì lúc đó Ý Thức thứ sáu trong mỗi niệm mới có thể thanh tịnh sáng suốt. Ý Thức thứ sáu do bởi nương tựa theo Thức Mạt Na thứ bảy để tác dụng, cho nên sinh hoạt không nhất định, có lúc bị ô nhiễm và có khi trở nên thanh tịnh. Thành thử căn cứ nơi sự sinh hoạt nhiễm tịnh của Ý Thức thứ sáu, Thức Mạt Na thứ bảy được gọi là Nhiễm Tịnh Y.

30.- CỰC HỶ SƠ TÂM BÌNH ĐẲNG TÁNH:

DỊCH: Đến bậc Sơ Tâm của Cực Hỷ Địa, Thức Mạt Na thứ bảy thì mới tương ưng được với tánh tợ bình đẳng.

GIẢI: Cực Hỷ Diạ là bậc Sơ Địa của Bồ Tát. Các vị Bồ Tát khi mới chúng vào bậc Sơ Địa thì Ý Thức thứ sáu của họ đã đạt đến phương pháp quán chiếu Ngã Pháp Nhị Không, nghĩa là Ý Thức thứ sáu đã ngộ được nguyên lý Ngã Pháp cả hai đều là không thật thể. Nhờ Pháp Quán này, Ý Thức thứ sáu mới ngăn chận được và không cho hạt giống Ngã Pháp của Thức Mạt Na thứ bảy sanh khởi. Cũng nhờ đó Thức Mạt Na thứ bảy bắt đầu có thể kết hợp với Trí Tánh tợ bình đẳng. Thức Mạt Na thứ bảy vì bản tánh vẫn còn mê muội và yếu hèn cho nên không đủ sức đoạn trừ con bệnh mê hoặc để được chứng ngộ chân lý. Do đó Thức Mạt Na thứ bảy phải nhờ đến Ý Thức thứ sáu ra tay tu tập thế cho mình để đoạn hoặc chứng lý.

31.- VÔ CÔNG DỤNG HẠNH NGÃ HẰNG TỒI:
DỊCH: Đến đức hạnh vô công dụng mới phá được cái Ngã.

GIẢI: Địa vị thứ bảy của Thập Địa Bồ Tát trở lên, sáu Tâm Thức ở trước vẫn chưa được an trụ thường xuyên nơi Nhị Không. Nhị Không nghĩa là Ngã Không và Pháp Không. Cho nên Thức Mạt Na này vẫn chưa thật sự dứt hẳn bệnh chấp trước về Nhân Ngã. Khi đạt đến địa vị thứ tám của Thập Địa Bồ Tát, Thức Mạt Na thứ bảy lúc đó mới không còn dụng công trong vấn đề diệt Ngã, nghĩa là Tâm Thức này đã hoàn toàn dứt hẳn bệnh chấp trước về Nhân Ngã, nên gọi là Vô Công Dụng Hạnh. Tâm Thức này chỉ còn lại căn bệnh chấp Pháp rất vi tế mà thôi.

32.- NHƯ LAI HIỆN KHỞI THA THỌ DỤNG, THẬP ĐỊA BỒ TÁT SỞ BỈ CƠ:

DỊCH: Các vị Bồ Tát vì trình độ khác nhau nên thấy thân Phật không giống nhau. Đức Như Lai hiện ra Thân Thọ Dụng để hóa độ các trình độ Thập Địa Bồ Tát.

GIẢI: Thân Tha Thọ Dụng là Thân Tướng để cho người khác sử dụng thọ nhận, nghĩa là Thân Tướng thị hiện để cho người khác nương tựa quy ngưỡng và tu tập, tức là chỉ cho Thân Tướng ứng hiện để hóa độ chúng sanh, Đứ Như Lai (đức Phật) tùy theo trình độ cảm ứng của mọi loài chúng sanh thường hiện nhiều loại Thân Tướng để hóa độ họ. Khi đạt đến quả vị Phật, Tánh Trí bình đẳng của Thức Mạt Na thứ bảy liền hiện ra mười loại Thân Tướng Tha Thọ Dụng để hóa độ và thâu nhận các vị Thập Địa Bồ Tát. Tánh Trí bình đẳng của Thức Mạt Na thứ bảy đứng về phương diện thù thắng thì có khả năng hiện ra Thân Tướng Tha Thọ Dụng. Không những chỉ một mình Tánh Trí Bình Đẳng của Thức Mạt Na thứ bảy mới có khả năng nói trên, cho đến bốn Trí (Trí Thành Sở Tác, Trí Diệu Quan Sát, Trí Bình Đẳng Tánh và Trí Viên Thành Thật) của đức Như Lai cũng đều có khả năng hiện ra Thân TướngTha Thọ Dụng một cách mầu nhiệm nhằm mục đích tùy duyên hóa độ vạn loại hữu tình.

---o0o---


---o0o---

Đánh máy: Cao Thân.

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]