Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 20: Pháp hệ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch

01/11/202121:41(Xem: 6742)
Quyển 20: Pháp hệ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 20

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

 

 

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

A- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ ĐẠO ƯNG núi VÂN CƯ HỒNG CHÂU: 19 người được ghi chép.

1- Hòa thượng Phật Nhật Hàng Châu

2- Thiền sư Chân viện Vĩnh Quang Tô Châu

3- Thiền sư Phi Đồng An Hồng Châu

4- Thiền sư Đạm Quyền Qui Tông Lô Sơn

5- Hòa thượng Quảng Tế Trì Châu

6- Hòa thượng Nam Đài Thủy Tây Đàm Châu

7- Thiền sư Khiêm Chu Khê Thiệp Châu

8- Hòa thượng Phong Hóa Dương Châu

9- Hòa thượng Đạo Giản núi Vân Cư

10- Thiền sư Hoài Huy Qui Tông Lô Sơn

11- Thiền sư Tuệ Hải Đại Thiện Hồng Châu

12- Hòa thượng Đức Sơn Lãng Châu (Đời thứ bảy)

13- Hòa thượng Nam Đài Nam Nhạc

14- Thiền sư Xương núi Vân Cư

15- Thiền sư Chương Kê Sơn Trì Châu

16- Hòa thượng Đại Phạm Tân Châu

17- Hòa thượng Vân Trụ nước Triều Tiên

18- Thiền sư Hoài Nhạc núi Vân Cư

19- Hòa thượng Linh Giác

B- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TÀO SƠN BỔN TỊCH PHỦ CHÂU:

12 người được ghi chép.

1- Thiền sư Hà Ngọc Quang Tuệ Phủ Châu

2- Thiền sư Đạo Diên Đồng An Quân Châu

3- Thiền sư Hoằng Thông núi Dục vương Hành Châu

4- Thiền sư Tùng Chí Kim Phong Phủ Châu

5- Thiền sư Lộc Môn Xử Chân Tương Châu

6- Thiền sư Tào Sơn Tuệ Hà Phủ Châu

7- Thiền sư Phạm Hoa Quang Hành Châu

8- Thiền sư Dung Quảng Lợi Xử Châu

9- Thiền sư Hành Truyền viện Tiểu Khê Lô Sơn Tuyền Châu

10- Hòa thượng Bố Thủy Nham Tây Xuyên

11- Hòa thượng Tây Thiền Thục Xuyên

12- Hòa thượng Thảo Am Pháp Nghĩa Hoa Châu

C- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ CƯ ĐỘN núi LONG NHA ĐÀM CHÂU: 2 người được ghi chép.

1- Thiền sư Báo Từ Tạng Tự Đàm Châu

2- Thiền sư Thẩm Triết núi Hàm Châu Tương Châu

D- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HƯU TỊNH chùa HOA NGHIÊM KINH TRIỆU: 1 người được ghi chép:

- Thiền sư Tử Lăng Khuông Nhất phủ Phụng Tường

E- PHÁP TỰ của ĐẠI SƯ CỬU PHONG PHỔ MÃN QUÂN CHÂU: 1 người được ghi chép:

- Thiền sư Đồng An Uy Hồng Châu

F- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ THANH LÂM SƯ KIỀN: 5 người được ghi chép.

1- Hòa thượng Long Quang ở Thiều Châu

2- Thiền sư chùa Thạch Môn Tương Châu

3- Hòa thượng Quảng Đức Tương Châu

4- Hòa thượng Ba Tiêu Dĩnh Châu

5- Thiền sư Thạch Tạng Tuệ Cự Định Châu

G- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BẠCH MÃ ĐỘN NHO LẠC KINH: 1 người được ghi chép:

- Hòa thượng núi Thanh Tỏa phủ Hưng Nguyên

H- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ THÔNG viện BẮC ÍCH CHÂU: 1 người được ghi chép:

- Hòa thượng Hương Thành Kinh Triệu

I- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BẠCH THỦY BỔN NHÂN CAO AN: 2 người được hai chép.

1- Thiền sư Trùng Vân Trí Huy Kinh Triệu

2- Thiền sư Thụy Long Ẩn Chương Hàng Châu

J- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN PHỦ CHÂU: 12 người được ghi chép.

1- Thiền sư Sơ Sơn Chứng

2- Thiền sư Bách Trượng An Hồng Châu

3- Thiền sư Hoàng Bá Tuệ Quân Châu

4- Thiền sư Linh Tuyền Qui Nhân Lạc Kinh

5- Thiền sư Hộ Quốc Thủ Trừng núi Tùy Thành

6- Thiền sư Diên Khánh Phụng Lân Diên Châu

7- Thiền sư Tỉnh núi Đại An An Châu

8- Thiền sư Bách Trượng Siêu Hồng Châu

9- Hòa thượng viện Thiên Vương Hồng Châu

10- Thiền sư Uẩn viện Chính Cần Thường Châu

11- Hòa thượng Hậu Động Sơn Tương Châu

12- Hòa thượng Tam Tướng Kinh Triệu

K- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ VĂN THÚY núi KHÂM SƠN LỄ CHÂU: 2 người không được ghi chép.

L- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ NGUYÊN AN núi LẠC PHỔ: 6 người được ghi chép.

1- Thiền sư Thiện Tịnh Vĩnh An Kinh Triệu

2- Thiền sư Ngạn Tân núi Ô Nha Kỳ Châu

3- Thiền sư Thanh Phong Truyền Sở phủ Phụng Tường

4- Hòa thượng Trung Độ Đặng Châu

5- Hòa thượng Động Khê Gia Châu

6- Hòa thượng Ngọa Long Kinh Triệu

M- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI TRUNG núi TIÊU DAO GIANG TÂY: 2 người được ghi chép.

1- Thiền sư Sư Nguy Phước Thanh Tuyền Châu

2- Thiền sư Bạch Vân Vô Hưu Kinh Triệu

N- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ KHẢ VĂN núi BÀN LONG VIÊN CHÂU: 3 người được ghi chép.

1- Thiền sư Vĩnh An Tịnh Ngộ Lô Sơn Giang Châu

2- Thiền sư Thiện Đạo núi Mộc Bình Viên Châu

3- Hòa thượng Long Khê Thiểm Châu

O- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOẰNG SƠN NGUYỆT LUÂN PHỦ CHÂU: 1 người được ghi chép:

- Hòa thượng núi Đồng Tuyền

P- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ THIỀU SƠN HOÀN PHỔ LẠC KINH: 1 người được ghi chép:

- Hòa thượng Văn Thù Đàm Châu

Q- PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LINH SIÊU viện THƯỢNG LAM HỒNG CHÂU: 2 người không được ghi chép.

 

  

 

HÒA THƯỢNG PHẬT NHẬT HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THÚ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ ĐẠO ƯNG núi VÂN CƯ

 

Ban sơ, sư du ngoạn núi Thiên Thai. Sư từng nói:

- Như có ai đoạt được cơ phong của ta thì đó là thầy ta.

Sau đó, sư đến Giang Tây tham yết Hòa thượng Vân Cư Ưng, tác lễ mà hỏi rằng:

- Hai rồng tranh trái châu, con nào được?

Vân Cư nói:

- Hãy trút bỏ thân mang nghiệp rồi mới đến đây gặp nhau !

Sư nói:

- Thân mang nghiệp đã trút bỏ rồi.

Vân Cư nói:

- Trái châu ở nơi nào?

Sư không lời đối đáp.

(Đồng An nói thay:

- Hồi đầu tức không dính dáng gì.)

Sư bèn đầu bôn thành khẩn vào thất, nhân lễ Vân Cư làm thầy.

***

Sau sư đến tham yết Giáp Sơn, vừa mới vào cửa gặp duy-na.

Duy-na nói:

- Nơi đây không nhận hậu sinh !

Sư nói:

- Mỗ đây chỉ tạm đến tham yết Hòa thượng, không ở qua đêm.

Duy-na bạch lại Giáp Sơn, Sơn hứa cho gặp mặt. Sư chưa kịp lên thềm thì Giáp Sơn đã hỏi:

- Từ đâu tới?

Sư đáp:

- Từ núi Vân Cư đến.

Giáp Sơn nói:

- Tức nay đây đang ở chỗ nào?

Sư nói:

- Tại trên đỉnh trán Giáp Sơn.

Giáp Sơn nói:

- Ta năm nay, mạng thuộc cung Khảm, có năm con ma nhập thân mình.

Sư bèn lên thềm lễ bái, Giáp Sơn lại hỏi:

- Xà-lê với ai là bạn cùng đi?

Sư đáp:

- Cùng thượng tọa Gỗ.

Sơn hỏi:

- Ông la sao lại không đến gặp mặt ta?

Sư nói:

- Hòa thượng gặp ông ta thì phải hơn.

Giáp Sơn hỏi:

- Ông ta ở tại nơi nào?

Sư đáp:

- Ở trong tăng đường.

Giáp Sơn bèn cùng sư xuống tăng đường, sư bèn đi lấy cây gậy ném trước mặt Giáp Sơn. Giáp Sơn nói:

- Há phải chăng đem được từ Thiên Thai đến?

Sư nói:

- Vốn chẳng phải Ngũ Nhạc sanh ra.

Giáp Sơn nói:

- Há phải chăng đem được từ núi Tu-di đến?

Sư nói:

- Trên cung trăng cũng không gặp được.

Giáp Sơn nói:

- Nêu thế thì từ người khác mà được vậy?

Sư nói:

- Tự mình còn là oan gia, huống hồ từ người khác mà được thì làm được cái gì ?

Giáp Sơn nói:

- Trong tro lạnh còn sót lại một hạt đậu cháy nổ, gọi duy-na đến bảo an bài hướng dưới cửa sổ sáng !

Sư lại hỏi:

- Đèn lồng có biết nói không vậy?

Giáp Sơn nói:

- Đợi đèn lồng biết nói sẽ nói cho ông nghe.

***

Qua ngày hôm sau, Giáp Sơn vào tăng đường hỏi:

- Vị thượng tọa mới đến ngày hôm qua có còn đó không?

Sư bước ra ứng tiếng dạ, Giáp Sơn hỏi:

- Ông trước khi đến Vân Cư thì ở nơi nào?

Đáp:

- Ở Quốc Thanh trên Thiên Thai.

Giáp Sơn nói:

Trên Thiên Thai có thác nước đổ ào ào, có sóng vỗ ì ầm. Cám ơn ông từ xa đến, ý ông như thế nào?

Sư đáp:

- Đã ở lâu trong hang núi, không quen rủ tòng la.

Chú: Tòng la, còn gọi là nữ la, là một loại địa y, bám trên thân cây từ ngọn thòng xuống như tơ, chỉ có nơi núi sâu.

Giáp Sơn nói:

- Đây là ý xuân, còn ý thu thì thế nào?

Sư lặng thinh hồi lâu, Giáp Sơn nói:

- Xem ra ông chỉ là kẻ chống thuyền thôi, rốt lại không phải là kẻ hí lộng giang hồ.

***

Ngày nọ lao động tập thể lớn, duy-na phân công sư đem trà. Sư nói:

- Mỗ đây vì Phật pháp mà tới, không phải vì đem trà mà tới.

Duy-na nói:

- Hòa thượng bảo thượng tọa đem trà.

Sư nói:

- Tôn mệnh của Hòa thượng thì được.

Nói đoạn đem trà tới chỗ đang làm công việc, lắc chén trà phát ra tiếng. Giáp Sơn quay lại nhìn sư nói:

- Trà đặc năm ba chén, ý tại bên cái cày.

Giáp Sơn nói:

- Bình có ý rót trà, trong giỏ vài cái chén.

Sư nói:

- Bình có ý rót trà, trong giỏ không có đến một chén.

Nói đoạn liền trút hết trà bỏ rồi đi. Lúc bấy giờ, đại chúng đều lõ mắt. Sư lại hỏi rằng:

- Đại chúng hạc vọng, xin sư một lời !

Giáp Sơn nói:

- Trên đường gặp rắn chết chớ có đập chết. Hãy bỏ vào cái giỏ không đáy mà mang về.

Sư nói:

- Tay cầm dạ minh phù, mấy ai biết trời sáng.

Giáp Sơn nói:

- Này đại chúng ! Có người, về thôi, về thôi !

Từ chỗ lao động tập thể về viện, chúng đều khâm ngưỡng.

Sư sau về Chiết Tây, trụ Phật Nhật mà qua đời.

 

 

THIỀN SƯ CHÂN viện VĨNH QUANG TÔ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Sư thượng đường nói với đại chúng rằng:

- Mũi nhọn lời nói nếu sai trật thì hương quan (bản tâm) xa muôn dặm. Phải nên nơi mỏm núi cheo leo thỏng tay, tự khẳng thừa đương, chết rồi sống lại, dối ông cũng không được. Chỉ ý phi thường, người làm sao tính toán được ?

Hỏi:

- Đường không ngang dọc, kẻ đứng đều nguy. Làm thế nào để không bị dọc ngang xâm hại mình?

Sư dùng gậy bịt lấy miệng người hỏi.

Nói:

- Đó cũng còn là ngang dọc.

Sư nói:

- Hiệp thủ.

 

 

THIỀN SƯ PHI - ĐỒNG AN

núi PHỤNG THÊ HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Thế nào là cái tháp không lằn hồ?

Sư nói:

- Hừm ! Hừm ! (Hồng ! Hồng !)

Hỏi:

- Thế nào là người trong tháp?

Sư nói:

- Hôm nay có rất nhiều người từ Kiến Xương lại.

Hỏi:

- Một khi thấy là thôi đi là thế nào?

Sư nói:

- Đúng đấy, mà đến trong ấy để làm gì?

Hỏi:

- Thế nào là con cá chép bị điểm trán?

Sư đáp:

- Không vượt qua nổi sóng to.

Hỏi:

- Hổ thẹn thì thế nào?

Chú: Cá chép nhảy không khỏi Vũ môn bị điểm trán cho hổ thẹn khi trở lại sông.

Sư nói:

- Mãi mãi không dám ngửng mặt.

Hỏi:

- Thế nào là không thay đổi thân hình? (Tức không từ cá thay hình thành rồng)

Sư nói:

- Trái vàng sớm vượn đã hái đi, hoa ngọc tối đến phụng ngậm về.

Hỏi:

- Trên đường gặp người đạt đạo, không dùng nói nín để đối đáp. Xin hỏi dùng cái gì để đối đáp?

Sư nói:

- Cần đá, cần đấm.

Hỏi:

- Không tổn thương vương đạo thì thế nào?

Sư nói:

- Ăn cháo, ăn cơm.

Hỏi:

- Há điều đó có phải là không tổn thương vương đạo không vậy?

Sư nói:

- Thiên lưu tả giáng.

Hỏi:

- Lúc ấn ngọc mở ra, ai là người thọ tín?

Sư nói:

- Không phải người như thế.

Hỏi:

- Chuyện thân cung như thế nào?

Sư hỏi:

- Nói cái gì?

Hỏi:

- Thế nào là Tì Lô sư?

Sư nói:

- Xà-lê xuất gia tại nơi nào?

Hỏi:

- Thế nào là nơi đâu cũng là Bồ-đề?

Sư nói:

- Điện Phật trước mặt.

Nói:

- Một miếng ngọc không tì vết, thỉnh sư đừng đụng chạm đến !

Sư nói:

- Rơi vào phía sau ông.

Hỏi:

- Lúc ấn ngọc mở ra, ai là người thọ tín?

Sư nói:

- Không phải nhỏ nhỏ.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý huyền diệu?

Sư nói:

- Tốt đấy.

Hỏi:

- Mê đầu nhận ảnh, dừng lại cách nào?

Sư nói:

- Cáo báo cho ai vậy?

Hỏi:

- Thế nào mới phải?

Sư nói:

- Từ nơi người khác mà tìm kiếm, càng hóa ra thật xa đạo.

Hỏi:

- Không từ nơi người khác mà tìm kiếm thì thế nào?

Sư hỏi:

- Đầu ở nơi nào vậy?

Hỏi:

- Thế nào là một mũi tên Đồng An?

Sư nói:

- Nhìn bằng sau ót.

Hỏi:

- Chuyện sau ót thế nào?

Sư nói:

- Đã qua rồi.

Hỏi:

- Chiêc y của ông tăng qua đời mọi người xướng, y của Tổ người nào xướng?

Sư nói:

- Đánh.

Hỏi:

- Đem đến thì chẳng giống nhau, không đem đến thì thế nào?

Sư nói:

- Làm ở nơi nào vậy?

Hỏi:

- Lúc không có cái đó thì làm sao hành động?

Sư nói:

- Tầm thường thì lại thế nào?

Hỏi:

- Nếu thế thì không sửa lại người xưa vậy?

Sư nói:

- Làm hành động gì?

 

 

THIỀN SƯ ĐẠM QUYỀN chùa QUI TÔNG LÔ SƠN

(ĐỜI THỨ HAI)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Gà vàng chưa gáy thì thế nào?

Sư nói:

- Mất Uy Âm vương.

Hỏi:

- Sau khi gáy thì thế nào?

Sư đáp:

- Ba giới chìm lỉm.

***

Tăng hỏi:

- Đem toàn thân cúng dường thì thế nào?

Sư hỏi lại:

- Đem cái gì đến?

Tăng nói:

- Chỉ cần cái gì mình có, không hề tiếc xẻn.

Sư lại hỏi:

- Cúng dường ai vậy?

Tăng không lời đối đáp.

***

Tăng hỏi:

- Kẻ học này vì Phật pháp mà đến đây, thế nào là Phật pháp?

Sư đáp:

- Chính đang lúc rảnh rỗi.

Tăng nói:

- Thỉnh sư bàn bạc.

Sư nói:

- Đầy đủ mà dư thừa.

***

Hỏi:

- Mọi người tụ tập đông đủ, nên bàn việc gì?

Sư đáp:

- Ba ba, hai hai.

Hỏi:

- Trên đường gặp người thông đạt, không dùng nói nín đối đáp, dùng cái gì đối đáp?

Sư đáp:

- Làm sao được người?

Sư lại hỏi:

- Lãnh hội không?

Đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Hố xí trên đường Trường An.

Tăng nói:

- Kẻ học này không hỏi điều dư thừa, thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư đáp:

- Ba cùm, năm gậy.

***

Tăng hỏi:

- Người tỉnh ngộ triệt để thì bàn nói cái gì?

Sư hỏi lại:

- Như ông hiện nay là thế nào?

Tăng đáp:

- Tùy duyên nhiệm tiện.

Sư nói:

- Nếu không như thế thì làm sao mà triệt để lãnh hội?

 

 

HÒA THƯỢNG QUẢNG TẾ TRÌ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Tăng hỏi:

- Một ngựa, một thương thì thế nào?

Sưđáp:

- Thì rơi đầu thôi.

Hỏi:

- Thế nào là lời đàm luận phương ngoài?

Sư hỏi lại:

- Ông nói cái gì?

Hỏi:

- Thế nào là lời đàm luận của cõi ngoài?

Sư hỏi:

- Ông nói cái gì?

. ***

Hỏi:

- Nước vùng Quảng Tế thì thế nào?

Sư đáp:

- Người uống có thể trừ đói khát.

Tăng nói:

- Nếu mà như thế thì kẻ học này không uổng công đến đây !

Sư nói:

- Biết rõ ông nhận sự an bài của người khác.

***

Tăng nói:

- Từ phương xa tới đầu bôn, thỉnh lão sư chi thị !

Sư nói:

- Có miệng chỉ biết ăn cơm.

***

Hỏi:

- Ôn Bá Tuyết cùng với đức Trọng Ni gặp nhau thì thế nào?

Sư đáp:

- Nơi đây không có người như thế.

Hỏi:

- Không thấy, không biết thỉnh sư nói ra !

Sư nói:

- Không muội.

Hỏi:

- Không muội thì thế nào?

Sư nói:

- Ông gọi là cái gì?

Phần phụ lục:

Có người hỏi:

- Thế nào là việc kỳ lạ?

Sư đáp:

- Hoa mẫu đơn trong lò lửa dữ.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguvên quyển 13)

***

Có người hỏi:

- Thế nào là đạo nhân vô tâm?

Sư đáp:

- Thiền sư Đan Hà nổi lửa đốt tượng Phật gỗ.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

 

 

HÒA THƯỢNG NAM ĐÀI THỦY TÂY ĐÀM CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là một giọt nước ở chỗ này?

Sư nói:

- Vào miệng tức móc ra.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Đường thêu đầu giày ủng.

Hỏi:

- Tổ Tổ truyền nhau, xin hỏi truyền cái gì?

Sư nói:

- Nếu không nhân Xà-lê hỏi, lão tăng đây cũng không biết có chuyện đó.

 

 

THIỀN SƯ CHÂU KHÊ KHIÊM THIỆP CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Quan Thứ Sử Nhiêu Châu xây điện Đại Tạng cho sư, sư đang cùng một ông tăng ngắm xem điện. Sư gọi:

- Ông mỗ !

Tăng ứng tiếng dạ, sư nói:

- Điện này đặt bày trí được Phật nhiều ít?

Tăng nói:

- Đặt bày thì chẳng không, nhưng có người không khẳng nhận.

Sư nói:

- Ta không hỏi người đó.

Tăng nói:

- Nếu thế thì mỗ đây chưa từng đối đáp. Tạm biệt !

Sư về sau trụ Đâu Suất và mất tại đấy.

 

 

HÒA THƯỢNG PHONG HÓA DƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Thế nào là nước thù địch bày một ván cờ?

Sư nói:- Xuống đi !

Hỏi:

- Một gậy đả phá hư không thì thế nào?

Sư nói:

- Cầm lấy một mảnh vỡ hư không lại.

Hỏi:

- Trên không miếng ngói che đầu, dưới chẳng mảnh đất cắm dùi, kẻ học này hướng về đâu mà đứng?

Sư nói:

- Đừng có phiêu lộ mà !

 

 

THIỀN SƯ CHIÊU HÓA ĐẠO GIẢN núi VÂN CƯ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Sư người Phạm Dương, là trụ trì đời thứ hai Vân Cư. Sư vào thất Vân Cư từ lâu, mật thọ chân ấn, được phân công chấp chưởng trong chùa. Điển ty Tiều Thoán vì tuổi lạp cao nên cư cương vị đệ nhất tọa trong tăng đường. Nhằm lúc Hòa thượng Vân Cư Ưng sắp qua đời tăng chủ sự hỏi ai là người kế tự, Ưng đáp là chủ sự Giản trong tăng đường. Tăng tuy vâng theo nhưng chưa hiểu ý chỉ của thầy nên phải chọn lựa, bèn cùng chúng tăng thương nghị, cử đệ nhị tọa làm hóa chủ (tức trụ trì), nhưng cũng cụ bị lễ trước thỉnh mời đệ nhất tọa, nếu mà khiêm nhường từ chối thì kiên quyết thỉnh đệ nhị tọa. Lúc bấy giờ, sư Giản đã mật nhận lời dặn của thầy nên chẳng chối từ, tức tự mang đạo cụ vào phương trượng, nhiếp chúng diễn hóa. Các chủ sự tăng không được thỏa chí đã định trước nên không tuân qui thức. Sư biết tình hình như thế, bèn bỏ viện lén hạ sơn. Đêm đó, sơn thần gào khóc. Đến sáng ra, các chủ sự cùng tăng chúng chạy đến trang trại ruộng lúa mạch sám hối lỗi lầm, ai thỉnh sư trở về viện. Mọi người đều nghe sơn thần liền tiếng nói: ‘Hòa thượng về rồi’

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Tùy xứ mà được tự tại.

Hỏi:

- Duy Ma há chẳng phải là Như Lai Kim Túc sao?

Sư nói:

- Đúng là Như Lai Kim Túc.

Hỏi:

- Thế tại sao còn dự vào trong hội cứa đức Thích Ca mà nghe pháp?

Sư nói:

- Bởi Ngài không tranh ta người.

Hỏi:

- Hoành thân che đậy thì thế nào?

Sư nói:

- Có còn che đậy được sao?

Hỏi:

- Con rắn vì sao lại nuốt thầy rắn?

Sư nói:

- Tại trong đó không làm thương hại.

Hỏi:

- Chỗ chư Thánh nói không được, Hòa thượng có nói được không?

Sư nói:

- Ông nói chỗ nào mà chư Thánh nói không được?

Hỏi:

- Trên đường gặp cọp mạnh thì làm thế nào?

Sư nói:

- Ngàn người, muôn người không ai gặp, riêng ông gặp thôi.

Hỏi:

- Ở một mình trên đỉnh núi chơ vơ thì thế nào?

Sư nói:

- Có bảy gian nhà trống tại tăng đường sao không ở, ai bảo ông ở một mình trên đỉnh núi chơ vơ?

Sau khi sư thị diệt, quan Thứ sử Lô Châu Trương Sùng thí tư tài xây tháp đá tại bổn sơn, đến nay hãy còn.

 

 

THIỀN SƯ HOÀI HUY chùa QUI TÔNG LÔ SƠN

(ĐỜI THỨ BA)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Không Phật, không chúng sanh thì thế nào?

Sư nói:

- Người nào mà như thế?

Hỏi:

- Nước trong, cá hiện thì thế nào?

Sư nói:

- Đem một con lại coi nào !

Tăng không lời đối đáp.

Đồng An nói thay:

- Động tức thất. 

***

Hỏi:

- Thế nào là ngọn núi Ngũ Lão?

Sư nói:

- Chần vần đấy !

Hỏi:

- Dứt nước, dừng bánh xe quay thì thế nào?

Sư nói:

- Mài không chuyển.

Hỏi:

- Thế nào là mài không chuyển?

Sư nói:

- Không dừng bánh xe quay.

Hỏi:

- Thế nào là kẻ trong bụi bặm?

Sư nói:

- Đầu vấy tro, mặt lắm đất.

Đồng An nói thay:

- Không lau chùi.

***

Hỏi:

- Thế Tôn không nói cái nói, Ca Diếp không nghe cái nghe, chuyện thế nào?

Sư nói:

- Chính ngay lúc đó thì thế nào?

Nói:

- Chẳng giống như chẳng nghe, chẳng nói.

Sư nói:

- Là người nào vậy?

Hỏi:

- Kẻ học này không đến chỗ khác, thỉnh sư nói!

Sư nói:

- Ông không đến nơi nào vậy?

 

 

THIỀN SƯ ĐẠI THIỆN TUỆ HẢI HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Không ngồi ở núi xanh thì thế nào?

Sư nói:

- Là người nào vậy?

Hỏi:

- Thế nào là người biết làm khách?

Sư nói:

- Chẳng chiêm thượng.

Hỏi:

- Linh tuyền bỗng gặp nhau thì thế nào?

Sư nói:

- Từ nơi nào đến vậy?

Hỏi:

- Thế nào là nói mà không trái với sư?

Sư nói:

- Đừng có tiếc miệng.

Hỏi:

- Sau khi nói thì thế nào?

Sư nói:

- Nói cái gì?

Hỏi:

- Thế nào là nói được tương thân?

Sư nói:

- Nói mau lên !

Nói:

- Nếu thế thì không nói vậy.

Sư nói:

- Dùng miệng để làm gì?

Sau sư trụ núi Bách Trượng mà qua đời.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐỨC SƠN ở LÃNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Trên đường gặp người đạt đạo, không dùng nói nín để đối đáp, xin hỏi dùng gì để đối đáp?

Sư nói:

- Chỉ như thế.

Tăng nín lặng hồi lâu, sư nói:

- Ông cứ hỏi !

Tăng hỏi lại lần nữa, sư bèn nạt đuổi ra.

 

 

HÒA THƯỢNG NAM ĐÀI NAM NHẠC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Lên thẳng ngọn núi Dung thì thế nào?

Sư nói:

- Thấy chăng?

 

 

THIỀN SƯ XƯƠNG núi VÂN CƯ

(ĐỜI THỨ BA)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Gặp nhau mà không biết nhau thì thế nào?

Sư nói:

- Đã gặp nhau thì sao lại không biết nhau?

Hỏi:

- Lò hồng lửa dữ thì thế nào?

Sư nói:

- Đút đầu vô đó để mà chi.

Hỏi:

- Không nhận thương lượng thì thế nào?

Sư nói:

- Đến để mà làm gì?

Nói:

- Đến cũng chẳng thương lượng.

Sư nói:

- Luống đến có ích gì.

Hỏi:

- Trong phương trượng dung thân thì thế nào?

Sư nói:

- Cái đó còn tùy thân hình ông to hay nhỏ đấy.

 

 

THIỀN SƯ CHƯƠNG KÊ SƠN TRÌ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Sư từng nơi Đầu Tử phụ trách công việc củi đóm. Ngày kia, Đầu Tử đang uống trà nói với sư:

- Sum la vạn tượng đều ở trong chèn trà này.

Sư liền đổ bỏ chén trà nói:

- Sum la vạn tượng ở tại chỗ nào?

Đầu Tử nói:

- Khá tiếc một chén trà.

Về sau, sư yết kiến Hòa thượng Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:

- Há có phải ông Chương phụ trách củi đóm đó không?

Sư làm thế kéo củi, Tuyết Phong khẳng nhận.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐẠI PHẠM TẤN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Thế nào là chỗ học nhân đoái nhìn?

Sư nói:

- Đáy giếng xây lầu cao.

Hỏi:

- Thế nào là siêu nhiên?

Sư nói:

- Sao không mở tay ra?

 

 

HÒA THƯỢNG VÂN TRỤ nước TRIỀU TIÊN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Chư Phật nói không được, ai là người nói được?

Sư nói:

- Lão tăng ta nói được.

Hỏi:

- Chư Phật nói không được, Hòa thượng làm sao nói?

Sư nói:

- Chư Phật là đệ tử của ta.

Nói:

- Thỉnh sư nói !

Sư nói:

- Chẳng dối với quân vương, đáng ăn 20 gậy !

 

 

THIỀN SƯ HOÀI NHẠC hiệu ĐẠT KHÔNG núi VÂN CƯ

(ĐỜI THỨ TƯ)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Thế nào là tấm kiếng tròn lớn?

Sư nói:

- Không dám chiếu.

Hỏi:

- Nếu bỗng gặp bốn phương, tám mặt cùng đến thì làm thế nào?

Sư nói:

- Hồ tới hiện Hồ.

Hỏi:

- Thật đúng là không dám chiếu.

Sư liền đánh.

Hỏi:

- Thế nào là thuốc chỉ một hoàn mà trị muôn bệnh?

Sư nói:

- Ông bệnh gì vậy?

 

 

HÒA THƯỢNG LINH GIÁC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của VÂN CƯ ĐẠO ƯNG

 

Hỏi:

- Kẻ học này không phụ cơ duyên của sư, vậy có khỏi mang lông dội sừng không?

Sư nói:

- Xà-lê cũng đáng sợ lắm đấy, giáp mặt mà không hiểu nhau.

Hỏi:

- Thế nào là uống trọn nước trăm sông mới sáng một điểm tâm ?

Sư nói:

- Tuy thoát mang lông nhưng vẫn phải mặc vẩy.

Nói:

- Tốt thay Hòa thượng, đầy đủ từ bi !

Sư nói:      

- Dù cho có nói hết sức cũng không thoát khỏi cung cách của lão tăng ta.

 

 

THIỀN SƯ QUANG TUỆ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Quang Tuệ, pháp hiệu là Huyền Ngộ, ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10, tự pháp của Thiền sư Tào Sơn Bổn Tịch, ban sơ trụ Long Tuyền, sau kế thừa pháp tịch núi Hà Ngọc của Thiền sư Tào Sơn Bổn Tịch (nay là dãy Phủ Châu Giang Tây).

B- Trích ngữ lục:

Sư ban sơ trụ Long Tuyền, thượng đường nói với đại chúng:

- Hòa thượng Tuyết Phong tiếp dẫn học nhân giống như chim cánh vàng (Kim xí điểu) (1) lặn xuống biển bắt rồng mà ăn vậy.

Lúc ấy, có tăng hỏi:

- Còn Hòa thượng thì tiếp dẫn thế nào?

Sư hỏi:

- Từ đầu đến vậy?

Chú (1): Kim xí điểu, là chim cánh vàng cực to trong thần thoại Ấn độ, hay lặn xuống biển bắt rồng mà ăn.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Thiền tông (Tổ sư Tây lai ý)?

Sư đáp:

- Còn không lễ bái đợi đến bao giờ?

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là tâm mật truyền?

Sư lặng thinh không đáp, tăng nói:

- Nếu thế là nhọc công vô ích lắng tai nghe.

Sư gọi thị giả:

- Đốt lửa đi !

***

Tăng nói:

Người xưa nói: ‘Nếu ghi nhớ một câu thì mấy kiếp đọa làm chồn rừng’, không hiểu ý người xưa là thế nào?

Sư nói:

- Tăng đường chùa Long Tuyền chưa từng trấn khởi.

Tăng hỏi:

- Còn ý Hòa thượng thế nào?

Sư nói:

- Gió thổi ngoài vành tai.

***

Hỏi:

- Trên đường gặp mãnh thú thì làm sao?

Sư nói:

- Khù khờ mà làm gì?

Hỏi:

- Thế nào là một câu trước khi nghe?

Sư nói:

- Vừa hay như không nói.

Hỏi:

- Người xưa nói: ‘Như một đốm tuyết trong lò hồng’, ý chỉ như thế nào?

Sư nói:

- Nên tiếc uổng lông mày là hơn.

Hỏi:

- Chỉ thị thế nào để chẳng muội trong thời?

Sư nói:

- Không thể trên tuyết mà còn thêm sương.

Hỏi:

- Thế nào là toàn nhân Hòa thượng?

Sư hỏi:

- Nhân cái gì?

Hỏi:

- Đi đứng thế nào cho khỏi muội Tông phong?

Sư nói:

- Nên nói Long Tuyền là hảo thủ.

Nói:

- Thỉnh Hòa thượng hảo thủ !

Sư nói:

- Chợt nhớ Chung Tử Kỳ.

Hỏi:

- Người xưa nói: ‘Sống cũng không nói, chết cũng không nói’, là ý thế nào?

Sư lặng thinh hồi lâu, tăng lễ bái. Sư hỏi:

- Lãnh hội không?

Đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Đúng là nhà bếp nguội lạnh, chân nồi nấu cơm đầy bụi.

***

Sư có lúc đưa gậy lên thị chúng rằng:

- Từ xưa đều một con đường phương tiện tiếp độ người.

Lúc ấy, có ông tăng bước ra nói:

- Hòa thương cũng là người khởi từ đầu.

Sư nói:

- Tạ ông tương tất.

Hỏi:

- Cơ quan không chuyển, thỉnh sư thương lượng !

Sư nói:

- Làm câm họng ta rồi.

Hỏi:

- Thế nào là Văn Thù?

Sư nói:

- Không thể có mặt trăng thứ hai (1).

Tăng hỏi:

- Như hiện tại thì lý giải thế nào?

Sư đáp:

- Chính là mặt trăng thứ hai đây.

Hỏi:

- Thế nào là lời Như Lai?

Sư nói:

- Gió to có thể buộc ràng.

Hỏi:

- Thế nào là chân tánh diệu minh?

Sư nói:

- Hãy khoan khoan đừng tổn hại !

***

Sư thượng đường lặng thinh hồi lâu, có ông tăng bước ra hỏi:

- Vì mọi người kiệt lực, họa riêng nhà mình, xin hỏi bỏ qua hay không bỏ qua?

Sư nín thinh.

Hỏi:

- Thế nào là một câu Hòa thượng dạy người?

Sư nói:

- Ông là con nai chín màu.

***

Hỏi:

- Ôm ngọc chưa mài đầu bôn sư thì thế nào?

Sư nói:

- Không phải của trân quý nhà mình.

Hỏi:

- Thế nào là vật trân quý của chính nhà mình?

Sư nói:

- Không mài giũa không thành khí dụng được.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO DIÊN ĐỘNG SƠN QUÂN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Sư là trụ thế đời thứ tư, đời gọi là Thiền sư Lộc Đầu (Đầu Nai) Nhân Hòa thượng Tào Sơn Bổn Tịch thùy ngữ rằng:

- Có một người đứng trên mỏm núi cao muôn trượng gieo mình xuống dưới, đó là người gì vậy?

Chúng đều không lời đối đáp, sư bước ra nói:

- Chẳng còn.

Tào Sơn hỏi:

- Chẳng còn cái gì?

Đáp:

- Mới đúng là bóp không nát.

Tào Sơn rất khẳng nhận.

***

Tăng hỏi:

- Thỉnh Hòa thượng ngầm phó chân tâm !

Sư nói:

- Coi thường nơi đây không người mà chi ?

 

 

THIỀN SƯ HOẰNG THÔNG núi DỤC VƯƠNG

huyện THƯỜNG NINH HÀNH CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Hoằng Thông, ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10, đắc pháp với Thiền sư Tào Sơn Bổn Tịch trụ núi Dục Vương huyện Thường Ninh Hành Châu (nay nằm trong tỉnh Hồ Nam).

B- Trích ngữ lục:

Tăng hỏi:

- Lúc còn hỗn độn chưa phân minh thì thế nào?

Sư đáp:

- Thì hỗn độn.

Tăng lại hỏi:

- Sau khi phân minh thì thế nào?

Sư đáp:

- Hỗn độn.

Sư thượng đường nói cùng đại chúng:

- Đức Thích Ca Như Lai tại thế giáo hóa trong 49 năm mà còn chẳng nói lời đáo để, đêm nay ta không biết xấu hổ cùng chư vị tôn kính cùng nhau bàn luận.

Sư lặng thinh hồi lâu nói:

- Đừng có nhầm lẫn, tạm biệt !

***

Tăng nói:

- Kẻ học này có bệnh, thỉnh lão sư trị liệu !

Sư nói:

- Đem bệnh tới đây ta trị cho !

Tăng nói:

- Thỉnh lão sư trị liệu mà?!

Sư nói:

- Hãy trả tiền trị bệnh cho lão tăng ta !

***

Tăng hỏi:

- Một con đường Tào Khê không hỏi chi, xin hỏi chuyện bên bờ sông Hành Dương là thế nào?

Sư đáp:

- Cỏ không rễ trên lửa dữ trong lò hồng, đáy sâu đầm biếc không gặp cá.

Hỏi:

- Tâm, pháp đều quên hết thì thế nào?

Sư đáp:

- Con ễnh ương ba giò cõng con voi to.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Lão tăng đây lông dựng lên.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư nói:

- Hãy chờ Văn Thù qua sẽ nói ông nghe.

Tăng nói:

- Văn Thù qua rồi kìa, thỉnh Hòa thượng nói.

Sư liền đánh.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư đáp:

- Toàn thân không đáng giá năm phân tiền.

Tăng nói:

- Nghèo nàn quá vậy?

Sư nói:

- Đời xưa cũng như vậy.

Tăng hỏi:

- Vậy tiếp dẫn học nhân cách nào?

Sư đáp:

- Xem gia cảnh họ nghèo nàn hay giàu có.

Gợi ý: Gia cảnh hàm ý chỉ căn cơ.

 

 

ĐẠI SƯ TÙNG CHÍ hiệu HUYỀN MINH KIM PHONG

PHỦ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Có thượng tọa Tấn hỏi:

- Thế nào là chính chủ của Kim Phong?

Sư nói:

- Từ đây đi đến trấn huyện chẳng xa gì, Xà-lê đừng đường đột.

Tấn nói:

- Sao không nói?

Sư nói:

- Miệng như phiến đá.

Hỏi:

- Ngàn phong, muôn phong, cái nào là Kim Phong.

Sư chỉ chặt tay vô trán mà thôi.

Hỏi:

- Nếu ngàn núi không mây, muôn dặm không ráng thì thế nào?

Sư đáp:

- Chuyện Thiền lý huyền diệu (Phi viên lãnh nạ biên) sao không gắng sức thốt ra vậy?

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Thiền tông?

Sư nói:

- Bên tường có lỗ tai chuột.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Trước cửa Kim Phong không có tấm bài vị dài năm dặm.

Sư sau trụ chùa Báo Ân ở Kim Lăng mà qua đời thụy Viên Quảng Thiền Sư, tháp tên Qui Tịch.

PHẦN PHỤ LỤC:

Sư đưa cái gối lên nói với đại chúng:

- Cái mà ai ai cũng gọi là cái gối, ta lại nói không phải.

Tăng hỏi:

- Chẳng biết Hòa thượng kêu bằng cái gì?

Sư đưa cái gối lên, tăng nói:

- Nếu thế thì y theo biện thuyết của Hòa thượng.

Sư hỏi:

- Theo ông thì gọi là cái gì?

Tăng đáp:

- Cái gối.

Sư nói:

- Rơi vào hang ổ của Kim Phong rồi.

 (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

Sư hỏi tăng:

- Từ đâu đến?

Đáp:

- Từ Lạc Dương đến.

Sư hỏi:

- Làm thế nào qua được cửa ải Kim Phong.

Tăng đáp:

- Có giấy tờ (độ điệp) công khai.

Sư nói:

- Hãy lấy đưa ta coi coi !

Tăng đưa thẳng hai tay ra, sư nói:

- Cửa ải Kim Phong từ trước giờ không ai qua lọt.

Tăng hỏi:

- Hòa thượng có thể qua lọt không?

Sư đáp:

- Người Ba Tư ăn hồ tiêu.

Chú: ‘Ba Tư nhân khất hồ tiêu’.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

***

Sư hỏi ông tăng:

- Họ gì?

Đáp:

- Họ Hà (Hà tính).

Sư nói:

- Rốt lại cũng còn chưa thoát tục.

Tăng nói:

- Đó là do lão sư hỏi mà tạo thành đây.

Sư nói:

- Nếu thế thì phần lỗi ở nơi ta.

Tăng nói:

- Không dám.

Sư nói:

- Đúng là ta có lỗi thật.

Chú: ‘Hà tính’ vừa có nghĩa ‘họ Hà’ vừa có nghĩa hỏi ‘Họ gì?’

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

***

Tăng hỏi:

- ‘Thân này vô tri đồng như đất, cây, ngói, đá’, câu này ý tứ thế nào?

Sư bước xuống Thiền tòa xách lỗ tai ông tăng, tăng đau đớn kêu thét lên. Sư nói:

- Cho đến hôm nay mới chộp được gã vô tri.

Tăng nhân kính lễ rồi tháo lui, sư gọi giật lại:

- Xà-lê !

Tăng quày đầu, sư nói:

- Xuống dưới tăng đường không được nói cho ai biết nhé !

Tăng hỏi:

- Tại sao vậy?

Sư đáp:

- Bởi nếu kể lại, sẽ có nhiều người cười ta tận tâm dạy dỗ phiền toái, rườm rà.

 (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

***

Sư thượng đường nói:

- Lão tăng ta 20 năm trước có lòng tận tâm dạy dỗ, 20 năm sau không có lòng tận tâm dạy dỗ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là 20 năm trước có lòng tận tâm dạy dỗ?

Sư nói:      

- Hỏi phàm không đáp phàm, hỏi Thánh không đáp Thánh.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13)

 

 

THIỂN SƯ TRÍ CHÂN viện HOA NGHIÊM

núi LỘC MÔN TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Có muối không giấm.

Hỏi:

- Thế nào là đạo nhân?

Sư nói:

- Có miệng như lỗ mũi.

Hỏi:

- Bỗng gặp khách đến lấy gì đối đáp?

Sư nói:

- Cửa que, phên cỏ, cám ơn ông đã đi qua.

Hỏi:

- Tổ tổ truyền nhau là truyền vật gì ?

Sư nói:

- Truyền nhau cà-sa Kim Lan.

Chú: ‘Kim Lan cà-sa’ còn gọi là ‘Kim Lan y’ là chiếc cà-sa dệt hằng sợi vàng do người dì của Như Lai dệt để tặng Thế Tôn. Tương truyền cà-sa Kim Lan này được các Tổ truyền nhau làm pháp tín.

***

Hỏi:

- Thế nào là Bát nhã trong hộp?

Sư nói:

- Điện Phật hiệp đầu 600 quyển.

Hỏi:

- Hòa thượng sau trăm tuổi đi về đâu?

Sư nói:

- Làm con bò nhà họ Lý dưới núi.

Hỏi:

- Có cho kẻ học này theo không?

Sư nói:

- Ông có theo thì đừng cùng giống đầu có sừng.

Tăng nói:

- Vâng ạ !

Sư hỏi:

- Nên đến nơi nào?

Đáp:

- Mắt Phật còn biện biệt không được.

Sư nói:

- Nếu không buông qua thì cũng ngơ ngác thôi.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ cao chót vót của Lộc Môn?

Sư hỏi:

- Ông có từng lên làm chủ núi chưa vậy?

Hỏi:

- Thế nào là Thiền?

Sư nói:

- Loan phượng vào chuồng gà.

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Tơ ngó sen cột voi to.

Hỏi:

- Lúc kiếp hoại thì cái đó có hoại không?

Sư nói:

- Lên đỉnh núi nhìn mắt hổ, đặc địa một khối sầu.

Hỏi :

- Thế nào là chỗ Hòa thượng chuyển thân?

Sư nói:

- Canh ba đêm qua mất cái gối.

Hỏi:

- Một câu không khoát nhiên thì thế nào?

Sư nói:

- Ông sanh ra từ nhà nào vậy?

Sư có một bài kệ thị chúng rằng:

Nguyên văn:

 一 片 凝 然 光 燦 爛

擬 意 追 尋 卒 難 見

柄 然 擲 著 豁 人 情

大 事 分 明 皆 總 辦

是 快 活

無 繫 絆

萬 量 黄 今 終 不 換

任 他 千 聖 出 頭 來

從 是 向 渠 影 中 現

Phiên âm:

Nhất phiến ngưng nhiên quang xán lạn

Nghĩ ý truy tầm tốt nan kiến

Bính nhiên trịch trước khoát nhân tình

Đại sự phân minh giai tổng biện

Thị khoái hoạt

Vô hệ bạn

Vạn lượng hoàng kim chung bất hoán

Nhiệm tha thiên Thánh xuất đầu lai

Tùng thị hướng cừ ảnh trung hiện

Tạm dịch:

Một miếng ngưng nhiên sáng rỡ ràng

Nghĩ ý đuổi tìm chỉ lan man

Tinh người bỗng nhiên đều lộ rõ

Đại sự rõ ra chẳng mơ màng

Thật khoái hoạt

Chẳng buộc ràng

Muôn lượng vàng ròng cũng không đổi

Mặc Thánh xuất đầu cả số ngàn

Chỉ có hướng va trong ảnh hiện

 

 

ĐẠI SƯ LIỄU NGỘ HÀ TÀO SƠN PHỦ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Sư là trụ thế đời thứ hai, trước trụ núi Hà Ngọc.

Hỏi:

- Phật chưa xuất thế thì thế nào?

Sư nói:

- Tào Sơn không như.

Hỏi:

- Sau khi xuất thế thì thế nào?

Sư nói:

- Không như Tào Sơn.

Hỏi:

- Bốn núi bức ngặt thì thế nào?

Chú: Bốn núi tức đất, nước, gió, lửa thường gọi là bốn đại.

Sư nói:

- Tào Sơn trụ được trong đó.

Hỏi:

- Có còn cầu ra khỏi không?

Sư nói:

- Nếu ở trong đó thì cầu ra khỏi.

Tăng đứng hầu, sư nói:

- Đạo giả nóng quá đây !

Tăng nói:

- Vâng ạ.

Sư hỏi:

- Như nóng bức đó thì tránh né nơi nào được?

Tăng nói:

- Hướng về chảo nước sôi và trong lò than mà tránh né.

Sư nói:

- Như chảo nước sôi và lò than kia thì tránh né thế nào được?

Tăng nói:

- Vì nơi đó các thứ khổ không thể đến.

Sư mặc nhiên hứa khả.

 

 

THIỀN SƯ PHẠM HOA QUANG HÀNH CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Thế nào là cái tháp không lằn hồ?

Sư chỉ tăng đường nói:

- Chỗ gian tăng đường này không có cửa nẻo.

***

Sư hỏi tăng:

- Có từng đến Tử Lăng không vậy?

Tăng đáp:

- Từng đến.

Sư hỏi:

- Có từng đến Lộc Môn chưa vậy?

Tăng đáp:

- Từng đến.

Sư hỏi:

- Nối tự Tử Lăng là đúng hay nối tự Lộc Môn là đúng?

Hỏi:

- Như nay đây nối tự Hòa thượng được không vậy?

Sư nói:

- Nhân tình không đánh tức không được.

Hỏi:

- Không ẩn hiện là kẻ học này, còn ai là Hòa thượng?

Sư nói:

- Trọn trời đất.

Tăng nói:

- Đó vẫn còn là kẻ học này, kẻ nào là Hòa thượng?

Sư nói:

- Vừa rồi nói không lầm.

 

 

THIỀN SƯ DUNG QUẢNG LỢI XỨ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Trước trụ ở Trinh Khê.

Có ông tăng mới đến, sư đưa cây xơ quất lên nói:

- Lão sư ở Trinh Khê có đầy đủ pháp nhãn không?

Chú: Nguyên văn ‘Cụ nhãn’ chỉ người có pháp nhãn triệt kiến mọi pháp.

Tăng nói:

- Mỗ giáp đây không dám nhìn lỗi người.

Sư nói:

- Chết trong tay Xà-lê đây.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Tạ ơn Xà-lê nói phá !

Hỏi:

- Viện bên tây vỗ tay cười khà khà ý thế nào?

Sư nói:

- Hãy cuốn tấm rèm lên !

Hỏi: 

- Tự mình không sáng thì làm thế nào mà rõ được?

Sư nói:

- Không rõ.

Hỏi:

- Tại vì sao mà không rõ?

Sư nói:

- Không nghe nói chuyện tự mình.

Hỏi:

- Lỗ Tổ nhìn vách ý thế nào?

Sư nín lặng hồi lâu rồi hỏi:

- Lãnh hội không?

Đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Lỗ Tổ nhìn vách.

***

Quan quận thú đổi đi, sư theo đưa tiễn. Đang cùng nhau trò chuyện, quận thú bỗng hỏi:

- Hòa thượng rời xa cổng chùa, đem vật gì đến?

Sư đáp:

- Vật báu vô cùng, xin trình hiến Thái thú !

Thái thú không lời đối đáp, sau có người tấn ngữ rằng:

- Xin mời !

Sư nói:

- Thái thú tôn nghiêm.

***

Hỏi:

- Ngàn đường lộ cùng, lời nghĩ không thông thì thế nào?

Sư nói:

- Cũng chỉ là gã dưới thềm.

***

Sư nói với chúng rằng:

- Nếu đến dưới cửa Quảng Lợi, phải nói được đệ nhất cú, chừng đó mới mở một con dường cùng các anh em thương lượng.

Lúc ấy, có ông tăng bước ra lễ bái, sư nói:

- Tưởng đâu là chủ tàu buôn to nước ngoài, dè đâu là người buôn bán nhỏ tại quận nhà.

 

 

THIỀN SƯ HÀNH TRUYỀN viện TIỂU KHÊ LÔ SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Sư họ Chu, người Thanh Nguyên, xuất gia tại viện Thạch Chung ở bổn châu, thọ giới cụ túc tại chùa Thái Bình Phước Châu. Từ khi được Tào Sơn ấn khả, sư trụ Tiểu Khê. Hỏi:

- Từ lâu ngưỡng mộ Thạch Môn Lô Sơn nhưng sao không vào được?

Sư nói:

- Gã si độn.

Hỏi:

- Nêu bỗng gặp kẻ mạnh tợn, lanh lẹ, có hứa khả không vậy?

Sư nói:

- Uống trà đi !

 

 

HÒA THƯỢNG BỐ THỦY NHAM ở TÂY XUYÊN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Mỗi lần nghĩ đến lại càng thêm thương tâm.

Hỏi:

- Kiếm báu chưa mài thì thế nào?

Sư đáp:

- Dùng không được.

Hỏi:

- Sau khi mài rồi thì thế nào?

Sư nói:

- Đụng tới không được.

 

 

HÒA THƯỢNG TÂY THIỀN ở THỤC XUYÊN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi :

- Phật từ bà Ma Da mà giáng sanh, xin hỏi Hòa thượng là con nhà ai?

Sư nói:

- Trên nước nâng cây cờ hồng.

Hỏi:

- Trong 36 đường thì đường nào là tối diệu?

Sư nói:

- Không ngoài đệ nhất thủ.

Hỏi:

- Nếu bỗng bị lộ đầu thì thế nào?

Sư nói:

- Xương sống chạm đất cùng không khó.

 

 

THIỀN SƯ THẢO am PHÁP NGHĨA HOA CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Bọt nước rang xào ăn ngon miệng.

Hỏi:

- Nghĩ tâm tức sai, động niệm tức quai. Kẻ học này làm sao tấn đạo?

Sư nói:

- Có người thường nghĩ tâm, sao lại không sai?

Hỏi:

- Tức nay chuyện như thế nào?

Sư nói:

- Đã sớm thành sai rồi

 

 

HÒA THƯỢNG HOA NGHIÊM ở THIỀU CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Đã là Hoa Nghiêm vậy có đem đến được không?

Sư nói:

- Trên đỉnh cô phong ngàn hoa đẹp, một câu đương cơ trình Thánh minh.

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Cây linh không có nhánh đâm ngang, thiên cơ đạo hiệp đồng.

 

 

ĐẠI SƯ KHUÔNG HÓA TẠNG DỰ BÁO TỪ ĐÀM CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TÀO SƠN BỔN TỊCH

 

Hỏi:

- Tâm mắt tương kiến thì thế nào?

Sư nói:

- Hướng về ông nói cái gì?

Hỏi:

- Thế nào là chỗ thấy Phật?

Sư nói:

- Tơ hào cũng không cách nhau.

Nói:

- Nếu thế thì là thấy rồi.

Sư nói:

- Chỗ đi đến thật tốt của Nam Tuyền.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Canh ba đêm qua đưa qua sông.

Hỏi:

- Đụng cơ liền dùng thì thế nào?

Sư nói:

- Nước Triều Tiên có trái cây ăn quả Đầu tâm.

Hỏi:

- Thế nào là Phật tánh chân như?

Sư nói:

- Ai mà không có.

Hỏi:

- Thế nào là một con đường hướng thượng?

Sư nói:

- Sâm Liên đạo vĩnh.

Chú: Sâm Liên lừ tên một châu.

Hỏi:

- Hòa thượng tuổi bao nhiêu?

Sư nói:

- Thu đến lá vàng rơi, xuân sang hoa liền trổ.

Sư từng trước tác Chân tán rằng:

Nguyên văn:     

日 出 联 山

月 圓 當 户

不 是 無 身

不 欲 全 路

Phiên âm:

Nhật xuất liên sơn

Nguyệt viên đương hộ

Bất thị vô thân

Bất dục toàn lộ

Tạm dịch:

Mặt trời lên liền núi

Mặt trăng tròn khắp nhà

Không phải thân chẳng có

Chẳng muốn lộ hết ra.

***

Một ngày nọ, sư đang ngồi trong màn thì tăng hỏi:

- Thừa nghe sư nói: ‘Chẳng phải không có thân, chỉ muốn không lộ hết’. Thỉnh sư lộ hết !

Sư bèn vén màn.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh ở Hồ Nam?

Sư nói:

- Thuyền lầu, mái chèo tàu chiến.

Hỏi:

- Có cho học nhân du ngoạn với không?

Sư nói:

- Mặc tình Xà-lê tham dự.

Hỏi:

- Sau khi Hòa thượng trăm năm rồi, thảng hoặc có người hỏi thì đối đáp thế nào?

Sư nói:

- Hãy nhớ cho rõ ràng.

Hỏi:

- Thế nào là núi Long Sơn?

Sư nói:

- Càng sáng bên kia.

Hỏi:

- Thế nào mới đúng?

Sư nói:

- Không nghĩ ngợi.

Hỏi:

- Thế nào là không nghĩ ngợi?

Sư nói:

- Nếu thế thì không đúng.

Hỏi:

- Người xưa nhìn vách, ý thế nào?

Sư nín lặng hồi lâu, đoạn gọi:

- Ông kia !

Tăng lên tiếng dạ, sư nói:

- Ông hãy đi đi, lúc khác hãy đến

***

Sư thùy ngữ rằng:

- Một câu khắp đại địa, một câu vừa hỏi liền nói. Một câu hỏi cũng chẵng nói.

Hỏi:

- Thế nào là một câu khắp đại địa?

Sư nói:

- Chắng trống, không sứt mẻ.

Hỏi:

- Thế nào là câu vừa hỏi liền nói?

Sư nói:

- Nói nhỏ một chút! Nói nhỏ một chút !

Hỏi:

- Thế nào là hỏi cũng không nói?

Sư nói:

- Là lúc nên biết đây.

 

 

THIỀN SƯ THẨM TRIẾT

núi HÀM CHÂU TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ CƯ ĐỘN núi LONG NHA

 

Hỏi:

- Thê nào là chỗ sâu sâu?

Sư nói:

- Một tấc đinh đóng vô cây, tám con bò kéo không ra.

Hỏi:

- Thê nào là con mắt Chánh pháp?

Sư nói:

- Ông thần trước cổng.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư nói:

- Cô gái nghèo dắt bồng con cái qua đông, ân ái tranh theo dòng.

***

Sư hỏi tăng:

- Có cũng không phải, không cũng không phải, không có không không cũng không phải. Ông vốn tên là gì?

Nói:

- Kẻ học này đã có tên rồi.

Sư nói:

- Tên tức chẳng không, gọi tên là gì?

Nói:

- Chỉ cái đó há có phải không?

Sư nói:

- Cũng mừng là chẳng dính dáng đến.

Hỏi:

- Thế nào là đúng?     

Sư nói:

- Chỗ thân thiết xin hỏi một câu !

Nói:

- Kẻ học này nói không được, thỉnh Hòa thượng nói.

Sư nói:

- Hôm khác đến đây sẽ nói cho ông nghe.

Hỏi:

- Vậy hôm nay sao không nói?

Sư nói:

- Tìm một người lãnh hội lời lẽ mà không có.

Sư lại hỏi ông tăng rằng:

- Họ vương, họ Trương, họ Lý đều không phải, ông xưa giờ họ gì? 

Tăng đáp:

- Cùng một họ với Hòa thượng.

Sư nói:

- Cùng một họ hãy tạm để đó, xưa giờ vốn họ gì?

Tăng nói:

- Đợi chừng nào nước sông Hán Thủy chảy ngược sẽ nói cho Hòa thượng nghe.

Sư hỏi:

- Thế hiện nay sao lại không nói?

Tăng hỏi:

- Sông Hán Thủy chảy ngược chưa vậy?

Sư liền thôi.

 

 

ĐẠI SƯ TƯ LANG KHUÔNG NHỨT phủ PHỤNG TƯỜNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HƯU TỊNH chùa HOA NGHIÊM KINH TRIỆU

 

Sư đến pháp hội Bàn Long, thấy tăng hỏi Bàn Long:

- Đầm biếc trong tợ gương, Bàn Long nơi nào yên được?

Long nói:

- Cát chìm không thấy đáy, sóng nổi đủ chênh vênh.

Sư không khẳng nhận, tự đáp rằng:

- Rồng vàng vượt ngoài mây xanh, trong đầm há biết cơ Ngọc Luân.

Long khẳng nhận.

Sau khi sư làm trụ trì, có ông tăng hỏi :

- Trước khi làm thân người, làm cái gì mà đến?

Sư nói:

- Bò đá từng bước đi trong lửa, ngoảnh lại thôi nhai cỏ mặt trời.

 

 

THIỂN SƯ UY viện ĐỒNG AN

núi PHỤNG THÊ HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ CỬU PHONG PHỔ MÃN

 

Hỏi:

- Ngưu Đầu Pháp Dung khi chưa gặp tứ Tổ Đạo Tín thì thế nào?

Sư nói:

- Trên đường gặp miễu thờ thần, người thấy đều vung nắm đấm.

Hỏi:

- Sau khi gặp Tứ Tổ thì thế nào?

Sư nói:

- Trong phòng chẳng có linh sàng (quan tài), cả nhà không mặc đồ tang.

Hỏi:

- Tổ ý và Giáo ý giống khác thế nào?

Sư nói:      

- Thỏ ngọc (mặt trăng) chưa từng biết ý ngày sáng, gà vàng (mặt trời) chẳng chịu chiếu sáng ban đêm.

Hỏi:

- Thế nào là một khúc điệu của Đồng An?

Sư nói:

- Đàn linh không dẫn trần gian vận, tri âm đồng ý đến nhà Bá Nha.

Hỏi:

- Ai người biết được?

Sư nói:

- Ngựa gỗ hí vang người khác nghe, người đá vỗ tav ai là người nghe?    

Hỏi:

- Còn tri âm thì thế nào?

Sư nói:

- Tri âm không cần tai, kẻ ngộ đạt há cùng nghe?

 

 

HÒA THƯỢNG LONG QUANG THlỀU CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ THANH LÂM SƯ KIỀN

 

Hỏi:

- Bậc nhân vương và đấng Pháp vương gặp nhau thì thế nào?

Sư nói:

- Quân vương nước Việt không vỗ kiếm, một câu Long Quang chưa từng thiếu.

Sư thượng đường nín lặng hồi lâu nói: 

- Chẳng phiền nói tạm biệt.

***

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Gió Hồ một phẩy quạt, đất Hán thành Thiền cơ.

Hỏi:

- Bới bụi tìm Phật thì thế nào?

Sư vỗ tay nhìn ngó.

Hỏi:

- Thế nào là một câu Long Quang?

Sư nói:

- Chẳng không luống chăn bẩy.

Nói:

- Học nhân không lãnh hội.

Sư nói:

- Úm (Uam).

Hỏi:

- Thế nào là chỗ cứu cánh dạy người?

Sư nói:

- Ân cần giao phó cho người đời sau xem.

Hỏi:

- Một thân Tân Đầu Lô (một đệ tử Phật) tại sao phó tứ thiên hạ cúng dường?

Sư nói:

- Ngàn sông cùng một mặt trăng, muôn nhà đều đón xuân.

Sư có kệ rằng:

Nguyên văn:

龍 光 山 頂 宝 月 輪

照 耀 乾 坤 灼 暗 雲

尊 者 不 移 元 一 質

千 江 影 現 萬 家 春

Phiên âm:

Long Quang sơn đỉnh bảo nguyệt luân

Chiếu diệu càn khôn chước ám vân

Tôn giả bất di nguyên nhất chất

Thiên giang ảnh hiện vạn gia xuân

Tạm dịch:

Đỉnh núi Long Quang một vành trăng

Chiếu diệu đất trời rạng mây giăng

Tôn giả chẳng dời nguyên một chất

Ngàn sông ảnh hiện nhà nhà trăng.

 

 

THIỀN SƯ HIẾN chùa THẠCH MÔN

núi PHỤNG HOÀNG TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THANH LÂM SƯ KIỀN

 

Sư người Kinh Triệu. Từ khi thọ ký nơi Thanh Lâm Sư Kiền, khai pháp hai nơi. Phàm gặp kẻ đối cơ sư thường hay gọi ‘Hảo hảo đại ca’, cho nên người thời đó gọi sư là hòa thượng ‘Đại ca’.

Ban sơ, sư cư Hành Nhạc, ngồi yên trong nham thất. Gặp nhằm lúc Hòa thượng Giáp Sơn thị tịch, chúng thỉnh sư tiếp nối trụ trì, sư bèn đi đến Đàm Châu. Lúc đó, Sở vương họ Mã ra khỏi thành nghinh tiếp. Vương hỏi :

- Thế nào là đạo lớn của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư nói:

- Hảo hảo đại ca ! Ngự giá sáu rồng ngàn xưa tốt, thềm ngọc bày trượng ra cửa vàng.

Vương càng ngưỡng trọng, mời vào phủ Thiên Sách cúng dường. Sau mấy ngày sư mới trở về Giáp Sơn.

***

Tăng hỏi:

- Hôm nay một hội nào khác Linh Sơn?

Sư nói:

- Trời thòng lọng báu trùng trùng khác, đất phọt sen vàng lá lá mới.

Hỏi:

- Xin hỏi đem pháp gì để dạy người?

Sư nói:

- Âm vận đàn không dây lưu bố sa giới, Thanh Hòa phổ ứng đại thiên cơ.

Hỏi:

- Sư hát khúc ca nhà nào? Nối tiếp Tông phong của ai?

Sư nói:

- Một khúc cung thương xem phẩm lộng. Biện biệt báu vật nên biết ông Ấn độ mắt xanh (chỉ Tổ Đạt Ma).

Nói:

- Nếu thế thì dòng nước trong chảy dưới động, trăng đầy chiếu rừng xanh.

Sư nói:

- Lắm người trước tháp phân đích ý, đến nay đời khác độ hồng âm.

Sư từ Giáp Sơn dời đến Thạch Môn khai sơn, xây chùa, đại xiển huyền phong.

***

Sư thượng đường nói với chúng rằng:

- Mặt trời rạng rỡ trên điện lưu ly, mặt trời vô tư. Đầu xán lạn trong núi bảy báu, đầu có căn cứ. Trâu bùn cất bước, ngựa gỗ hí vang. Dã lão âu ca, tiều phu múa tay áo. Mặt trời vừa lên, âm huyền khúc xưa. Dưới rừng gặp nhau, lại có chuyện gì?

***

Hỏi:

- Mặt trăng sinh ra bên vầng mây thì thế nào?

Sư nói:

- Ba đứa con nít ôm trống bỏi, Hảo hảo đại ca chớ có đến ngăn ta ló ra cầu môn.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Cưỡi ngựa giỏi, lên lầu cao, roi sắt chỉ trọn đường người Hồ.

Hỏi: 

- Thế nào là cảnh của Thạch Môn?

Sư nói:

- Khắp đại thiên giới vàng ròng không màu khác, du tử tới lui chớ tìm cầu.

Hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Vô tướng chẳng cư cương vị phàm Thánh, đi trên đường chim bay chẳng có tung tích.

Hỏi:

- Nhiều người đào vàng, ai là người được vàng?

Sư nói:

- Thằng Mít, thằng Xoài ra khỏi Kim môn. Nắm cả đất trời là người đá.

Nói:

- Nêu thế thì không từ người khác mà được.

Sư nói:

- Tam công, cửu khanh bài ban vị. Xem coi gà vàng đứng dậy chưa?

Hỏi:

- Đạo giới không ngằn mé, toàn thân chẳng điểm theo thì thế nào?

Sư nói:

- Mịt mờ mây trắng vờn núi tuyết, chuyển thân huyền lộ chớ chần chừ.

Hỏi:

- Xin hỏi đường chuyển thân ở nơi đâu?

Sư nói:

- Người đá đưa tay phân minh ký, xương khô ngàn năm cười thời xuân.

Hỏi:

- Như như chẳng động thì thế nào?

Sư nói:

- Có ngày giờ gì đâu.

Hỏi:

- Thế nào mới đúng?

Sư nói:

- Cửa đá không cần khóa.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Thạch Môn?

Sư nói:

- Diều quạ bay kêu vang.

Hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Gió thổi rèm cũ.

***

Nhân chùa Bát Nhã bị thiêu rụi, có người hỏi sư:

- Đã là Bát Nhã sao còn bị lửa thiêu rụi?

Sư nói:

- Muôn dặm một khúc sắt.

 

 

HÒA THƯỢNG QUẢNG ĐỨC

núi VẠN ĐỒNG TƯƠNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THANH LÂM SƯ KIỀN

 

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Trước núi người không trụ, sau núi lại ngơ ngác.

Hỏi:

- Thế nào là câu thấu Pháp thân?

Sư nói:

- Không đủ sức leo non nước, cửa trang chẳng tri âm.

Hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư nói:

- Vừa mới than lá vàng rơi, lại nhìn dương liễu xanh.

Hỏi:

- Trọn đại địa đều là thây chết, hướng về nơi nào mà chôn cất đây?

Sư nói:

- Dưới chân núi Bắc Mang có muôn ngàn nấm mồ. (Đề từ sách Đông Chu Liệt Quốc: ‘Bắc Mang vô số hoang khâu…)

***

Sư nhân trong mình khó ở, tăng hỏi:

- Hòa thượng bị bệnh gì mà gầy như thế?

Sư nói:

- Không nghĩ suy thì chẳng đọa.

Nói:

- Nêu thế thì biết căn nguyên bệnh của Hòa thượng rồi?

Sư nói:

- Ông nói lão tăng bệnh gì?

Tăng nói:

- Hòa thượng kỵ miệng mà thôi.

Sư liền đánh.

 

 

HÒA THƯỢNG BA TIÊU ở DĨNH CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THANH LÂM SƯ KIỀN

 

Tăng hỏi:

- Trong 12 thời thìn, dụng tâm thế nào?

Sư nói:

- Khuân một cái chậu bằng gỗ.

Chú: Người Hoa khi xưa có kỹ thuật đóng cái chậu bằng gỗ rất xít xao không bao giờ rỉ nước và dùng rất lâu, tốt hơn chậu thau hay chậu mủ đời nay.

 

 

HÒA THƯỢNG TUỆ CỰ THẠCH TẠNG ĐỊNH CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THANH LÂM SƯ KIỀN

 

Hỏi:

- Thế nào là Già lam?

Sư nói:

- Chỉ là cái đó.

Hỏi:

- Thế nào là người trong Già lam?

Sư nói:

- Như thế, như thế !

Hỏi:

- Nếu bỗng gặp khách đến thì lấy gì đối đãi?

Sư nói:

- Uống trà đi !

 

 

HÒA THƯỢNG núi THANH TỎA phủ HƯNG HÓA

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỂN SƯ BẠCH MÃ ĐỘN NHO

 

Hỏi:

- Thế nào là gia phong (thói nhà) của Hòa thượng?

Sư nói:

- Cái giỏ không đáy đựng rau cải sống.

Hỏi:

-Thế nào là cảnh của Bạch Mã (Độn Nho)?

Sư nói:

- Ba đông cây, hoa tốt. Chín hạ, sương tuyết bay.

 

 

HÒA THƯỢNG HƯƠNG THÀNH KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ THÔNG BẮC VIỆN

 

Ban sơ, sư tham yết Hòa thượng Thông hỏi:

- Một tợ hai cái thì thế nào?

Tăng đáp:

- Một cái gạt ông.

Sư liền tỉnh ngộ.

Hỏi:

- Cảnh dắc tam quan tạ đuốc chiếu chuyện thế nào?

Sư nói:

- Trước ngọn Triêu Ấp nhuốm năm màu.

Hỏi:

- Chẳng nhuốm màu mè chuyện thế nào?

Sư nói:

- Như nay đặc địa qua sông lại.

Hỏi:

- Con đường hướng thượng, thỉnh sứ cử xướng !

Sư nói:

- Nhợ câu, lưỡi chẳng ló ra.

Hỏi:

- Ngưu Đầu có được ý pháp của Tứ Tổ Đạo Tín không?

Sư nói:

- Sách cát điểm xuống lạc ngàn chữ.

Hỏi:

- Sau khi điểm thì thế nào?

Sư nói:

- Chẳng đem một dúm nương trời, người.

Hỏi :

- Túi không tơ buộc kiến, bếp chẳng cơm quyến ruồi thì thế nào?

Sư nói:

- Ngày bỏ chẳng cầu, lo nghĩ từ vọng mà có.

 

 

THIỀN SƯ TRÙNG VÂN TRÍ HUY KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BẠCH THỦY BỔN NHÂN CAO AN

 

Sư họ Cao, người Hàm Tần, lúc tuổi còn thơ hay chu du các chùa Phật, quyết chí xuất gia. Cha không ngăn được, đành cho sư lễ Hòa thượng Ôn ở Khoa Phong xuống tóc. Sau sư tham yết Hòa thượng Bổn Nhân ở Cao An, riêng lãnh hội lời huyền vi, ngầm thông khóa bí tàng. Sau sư về vùng Lạc, chọn đất Trung Thán cất viện Ôn Thất. Sư thường thí thuốc cho người nghèo. Có ông tỷ-kheo mang bệnh hủi, mọi người đều ghê tởm, riêng sư đón nhận cúng dường, rửa ráy chỗ mủ máu dơ uế. Trong chốc lát có mùi thơm cùng ánh sáng thần. Sau đó, tỷ-kheo từ giã, liền vụt biến mất. Máu mủ để lại có mùí thơm sực nức. Sư liền thu lượm các thứ đó đắp thành tượng Quán Âm cất đi. Năm thứ năm niên hiệu Khai Bình nhà Lương, sư bỗng nhớ suối rừng, bèn quay về chỗ ở cũ là ngọn Khoa Phong núi Chung Nam. Một hôm, sư đang tản bộ ở hang núi bỗng thấy áo ma nạp, xâu chuỗi hột, bình bằng đồng và nón mê, mà vừa đụng đến là tan hoại ngay. Sư nói với thị giả:

- Đây là đạo cụ của tiền thân ta, ta muốn đến nơi này cất chùa để đền đáp nhân duyên kiếp trước.

Đang khi giẫy cỏ khai nền, bỗng có mây lành che kín mặt trời, quấn trên đỉnh núi rất lâu không tan, nên sư gọi núi này là núi Trùng Vân. Nguyên núi này có rất nhiều thú dữ, nhưng sau đó chúng tự dẫn nhau đi chỗ khác. Đến khi lắp Long Đàm để thông đường tắt thì rồng trong đầm cũng dời đi nơi khác. Sau vua Đường Minh Tông ban tứ bảng hiệu là Trường Hưng. Học lữ đến rất đông.

Sư thượng đường, có tăng hỏi:

- Thế nào là quay trở về gốc rễ được chỉ ý?

Sư nói:

- Một đống bùn đất.

Hỏi:

- Thế nào là tên gọi Trùng Vân?

Sư nói:

- Mặc cho thiên hạ khám biện.

Hỏi:

- Thế nào là một lời chặt sắt?

Sư nói:

- Thà chịu chết chứ không dám phạm.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Trùng Vân?

Sư nói:

- Bốn mùa chẳng trổ hoa, ba đông đầy cỏ thơm.

Sư quay về núi cũ cất chùa, tựu đồ chúng trải qua 45 mùa nóng lạnh, khi rỗi rảnh chuyện dạy người, sư soạn ca tụng có hơn ngàn bài, độ đệ tử 1.500 người.

***

Quan Tiết độ sứ đất Vĩnh Hưng là Vương Ngạn Siêu sớm tới pháp tịch của sư, từng có lần muốn xuất gia. Sư ngăn lại bảo:

- Ngài sau này vinh hiển, nên làm người ngoại hộ cho đạo pháp là tốt hơn cả.

Về sau, đúng như lời sư nói. Khi công trấn nhậm Vĩnh Hưng lại cùng sư tái hội, càng thêm tôn kính.

Tháng 6 mùa hạ năm Bính Thìn, nhằm năm thứ ba đời Chu Hiển Đức, sư đến phủ vệ giã từ Vương công dặn dò chuyện của sơn môn. Đến ngày 24 tháng 7, trong người chẳng có bệnh hoạn gì, giảng dạy môn nhân rồi khai thị một bài kệ:

Nguyên văn:

我 有 一 間 舍

父 母 為 修 蓋

往 來 八 十 年

近 來 覺 損 壞

早 擬 移 他 處

事 涉 有 憎 愛

待 他 推 毀 時

彼 此 無 相 礙

Phiên âm:

Ngã hữu nhất gian xá

Phụ mẫu vi tu cái

Vãng lai bát thập niên

Cận lai giác tổn hoại

Tảo nghĩ di tha xứ

Sự thiệp hữu tắng ái

Đãi tha suy hủy thời

Bỉ thử vô tương ngại

Tạm dịch:

Ta có một căn nhà

Do cha mẹ tiếp tay

Tới lui tám mươi năm

Gần đây thấy hư hoại

Định dời đi nơi khác

Do kẹt chuyện tắng ái

Đợi khi hắn suy hủy

Đó đây không tương ngại.

Nói xong ngồi kiết già mà hóa, thọ 84 tuổi, tuổi lạp thọ 64, tháp xây tại bổn sơn.  

 

 

THIỀN SƯ ẤU CHƯƠNG viện THỤY LONG HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của BẠCH THỦY BỔN NHÂN CAO AN

 

Sư là cháu con chú bác (Do tử) của quan tướng quốc Hạ Hầu Tư nhà Đường. Đầu đời Đường Đại Trung, bác của sư là quan Tư Không trấn nhậm Quảng Lăng. Lúc đó, sư mới 7 tuổi, du ngoạn chùa Tuệ Chiếu, nghe chúng tăng tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, liền quyết chí cầu xuất gia. Người bác ban đầu không chịu, nhưng do sư tuyệt ăn uống, nên bất đắc dĩ phải chấp thuận cho sư lễ Tuệ Viễn làm thầy. Sư thọ giới cụ túc vào năm 17 tuổi. Năm 25 tuổi, sư chu du khắp các Thiền hội, Thự Sơn, Bạch Thủy đều thọ tâm quyết. Hai bậc tông tợ đó đều rất khí trọng sư. Năm Hàm Thông thứ 13, sư đến Giang Lăng gặp Hòa thượng Đằng Đằng dặn dò rằng:

- Ông nên đến Thiên Thai tìm ‘Tịnh’ mà ở, gặp ‘An’ thì dừng.

Lại gặp Hòa thượng Ham Ham vỗ vai mà huyền ký rằng:

- Ông 40 năm sau này có Bồ-tát đội khăn dưới chân núi, làm vua nơi Giang Nam. Lúc đó, đạo ta sẽ xương thịnh vậy !

Cả hai vị dật sĩ, người nào cũng có mật ngôn trao dặn. Sau đó, sư đến núi Thiên Thai, cất viện Phước Đương ở làng Tỉnh An, khế hiệp lời Hòa thượng Đằng Đằng. Lại nhân chúng thỉnh trụ viện An Long. Năm thứ tư niên hiệu Trung Hòa, vùng Chiết Đông lâm nạn đói và bệnh dịch. Sư tại ba quận Ôn, Thai và Minh thu nhặt chôn thây chết có hơn ngàn người. Người đương thời gọi sư là Bi Tăng Đại Sĩ.

Trong khoảng niên hiệu Càn Ninh, Hòa thượng Tuyết Phong đi chu du ngang qua, tặng sư cây xơ quât bằng gỗ gụ rồi đi.

Năm thứ ba niên hiệu Thiên Hựu, Tiền Thượng Phụ sai sứ Đồng Kiên mang y phục, thuốc men, hương liệu vào núi trí thỉnh. Sư dẫn đồ chúng đến sân phủ vệ. Thượng Phụ ban hiệu Chí Đức Đại Sư, tựu công thần tại sảnh thự Đường An, ngày ngày nghe thuyết pháp yếu. Sư thỉnh cầu mỗi năm thiết lập đạo tràng Kim Quang Minh tại chư quận, tăng tục đại hội, kéo dài cả tháng mới tan. (Đại hội Quang Minh của Thiên Thai bắt đầu từ sư vậy). Sư sắp từ giã trở về núi, vương càng thêm luyến mộ, xây viện Thụy Long tại phủ thành (Văn Mục vương đổi lại là viện Bảo Sơn), diên thỉnh sư khai pháp... Lúc đó, Thiền môn hưng thịnh, ứng với lời huyền ký của Hòa thượng Ham Ham vậy.

Sư thượng đường nói với đại chúng:

- Lão tăng ta mấy năm gần đây du lịch ngoài Giang Nam, Lĩnh Nam, Kinh Hồ, chỉ cần có tự viện Thiền tông là chẳng khỏi đến tham yết hỏi đạo, ấy chẳng qua là lo cho hôm nay đây cùng chư vị tựu hội, mọi người cũng nên biết qua chuyện trước. Tuy nhiên Thiền sư các nơi rốt lại chẳng có nói điều gì đặc biệt ngoài việc chỉ dạy mọi người tự mình bình định cái tâm cuồng loạn, đừng hướng về người ngoài mà tìm cầu, chỉ cần y theo hoàn cảnh, tuân theo thiên tánh, mà cũng chẳng có thiên tánh nào để y theo, y theo thời thế, nắm bắt sử dụng mà cũng chẳng có thời thế nào để sử dụng, tức dù cho lấy từ bi làm mối quan hoài, tận tâm dạy dỗ, thì cũng chẳng có thể lấy ngày trắng làm đêm đen, dẫu có tiếp dẫn xảo diệu cũng không thể chỉ Đông bảo là Tây. Thảng hoặc được như thế thì cũng là thần thông quái lạ, với ta không tương can. Nếu như là bọn bắt chước lời lẽ người khác, chẳng thể phản tỉnh tự mình, nhận thức sai lầm giản dị là vọng tưởng hái hoa trên không trung, mò trăng dưới nước. Có thể hạ công phu chăng? Hiện tại các vị cứ thử tự mình khảo lự. Như quả đồng ý lời nói của ta, thì mới biết lão già Thụy Long ta đây bất đắc dĩ phải rườm lời như thế. Đồng ý hay không đồng ý vậy?

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Thụy Long?

Sư đáp:

- Ông nói là không thấy được à.

Hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh?

Sư nói:

- Hậu sanh đáng sợ thật.

Hỏi:

- Trông không chẳng có mây, thế nào là trăng trung thu?

Sư đáp:

- Tốt nhất là không mây đấy.

Hỏi:

- Thế nào là một bánh xe treo trên cao, muôn nước cùng nhìn xem?

Sư nói:

- Đứa nặn mắt không thể cùng nói chuyện được.

Đến tháng 4, mùa hạ năm Đinh Hợi, là năm Thiên Thành thứ hai, sư yêu cầu xây tháp mộ. Thượng Phụ sai Lục nhân Chương chọn đất ở Tây Quan, xây tháp, dựng viện, ban tên biển ngạch, bảo tăng trông coi. Lại đổi tên Ân Long ở Thiên Thai thành Ẩn Tích. Tháp xây xong, sư vào trong phủ từ biệt Thượng Phụ, dặn dò hộ pháp, thương dân xong là thuận tịch.

Thượng Phụ đau xót, khiến tăng chủ tập họp tại thành các bậc túc đức, nghinh dẫn quan tài vào tháp. Sư thọ 87 tuổi, lạp 70.

 

 

THIỀN SƯ CHỨNG - SƠ SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN PHỦ CHÂU

 

Ban sơ, sư tham yết Hòa thượng Khuông Nhân mà đắc pháp. Sau đó, sư đi du lịch chư phương yết kiến Thiền sư Đại Đồng Đầu Tử. Đầu Tử hỏi:

- Gần đây rời nơi đâu?

Sư nói:

- Rời Diên Bình tới đây.

Đầu Tử hỏi:

- Có đem được kiếm lại không?

Sư nói:

- Đem lại được.

Đầu Tử nói:

- Hãy trình lão tăng xem nào !

Sư bèn chỉ trên đất trước mặt, Đầu Tử liền thôi, sư liền bỏ đi. Ba ngày sau, Đầu Tử hỏi chủ sự:

- Ông tăng mới đến, đang ở đâu vậy?

Chủ sự đáp:

- Giờ đã bỏ đi rồi.

Đầu Tử nói:

- Ba mươi năm học nghề cưỡi ngựa, hôm kia lại bị ngựa hất té !

***

Sau khi sư làm trụ trì, có ông tăng hỏi:

- Thế nào là tựu vào sự mà học?

Sư nói:

- Mặc áo, quét tước sân.

Hỏi:

- Thế nào là tựu vào lý mà học?

Sư nói:

- Cưỡi bò khứ uế.

Hỏi:

- Chuyện hướng thượng như thế nào?

Sư nói:

- Phổ Tế chẳng thu.

Hỏi:

- Thế nào là một câu hỗn dung ngoài thanh sắc?

Sư nói:

- Chẳng biện tiêu chẳng kịp.

Hỏi:

- Thế nào là một câu biệt hành ngoài thanh sắc?

Sư nói:

- Khó gặp chẳng thể được.

 

 

HÒA THƯỢNG BÁCH TRƯỢNG AN HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Sư hiệu Minh Chiếu Thiền Sư.

Hỏi:

- Một tạng tròn sáng, thế nào là thể?

Sư nói:

- Nhọc ông từ xa tới.

Hỏi:

- Há có phải một tạng tròn sáng đó không?

Sư nói:

- Thì hãy uống một chén trà cái đã !

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Khăn tay một tấc rưỡi vải.

Hỏi:

- Muôn pháp qui về một, một qui về đâu?

Sư nói:

- Chưa từng có một cái không hỏi.

Hỏi:

- Thế nào là chuyện cứu cánh?

Sư nói:

- Vua Không (Phật) trên điện lên ngôi vua. Lão nhà quê trước cửa chẳng lập nhân.

Hỏi:

- Tùy duyên nhận được thì thế nào?

Sư nói:

- Lúc chưa nhận được thì làm thế nào?

Sư vốn là người nước Triều Tiên. Từ thống chúng ở Bách Trượng, đệ tử mà sư độ có nhóm Đạo Tuyên bảy người, mỗi người đều nối pháp, nghiệm hóa một phương.

Sau khi sư thị diệt, môn nhân họa di ảnh. Pháp Nhãn khen rằng:

Nguyên văn:

對 目 誰 寫

蟾 輝 碧 池

日 面 月 面

輪 圓 須 彌

須 彌 一止

月 面 毫 芒

明 照 禪 師

詎 曰 違 方

方 塵 不 指

大 悲 何 起

我 謂 玄 功

胡 是 非 是

Phiên âm:

Đối mục thùy tả

Thiềm huy bích trì

Nhật Diện nguyệt Diện

Luân viên Tu-di

Tu-di nhất chỉ

Nguyệt Diện hào mang

Minh Chiếu Thiền Sư

Cự viết vi phương

Phương trần bất chỉ

Đại bi hà khởi

Ngã vị huyền công

Hồ thị phi thị

Tạm dịch:

Giáp mặt ai vẽ

Trăng sáng ao biếc

Nhật Diện nguyệt

Diện Vành tròn Tu-di

Tu-di một chỉ

Nguyệt Diện hào mang

Thiền sư Minh Chiếu

Há gọi trái phương

Phương trần chẳng chỉ

Đại bi há khởi

Ta nói huyền công

Như phải chẳng phải

 

 

THIỀN SƯ TUỆ núi HOÀNG BÁ QUÂN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG CHÂN

 

Sư người Lạc Dương, xuất gia từ thuở nhỏ, thọ nghiệp kinh, luận. Nhân tăng thêm việc thọ giới Bồ-tát mà than rằng:

- Bồ-tát nhiếp luật nghi, cùng ta vốn thọ giới Thanh văn, đều chỉ trì tác phạm, nhưng nơi các thiên mà tăng giảm. Chi bổn thông biệt nhưng chế ý cũng khác. Đã nhỏ nhiệm khó đề phòng, lại trong nhiếp thiện vị thường hành nơi thiếu phận, huống nhiêu ích hữu tình ru? Vả thế gian thân mạng như bọt ảo, há khá lưu luyến sao?

Do đó, bỏ giảng khóa định đâm đầu xuống nước mà chết cho loài cá tôm ăn thịt. Nghĩ xong vừa định thi hành, ngẫu nhiên có hai Thiền giả tiếp lấy mà nói lời khẩn khoản, cho rằng phương Nam có nhiều bậc thiện tri thức, sư sao lại kẹt cứng ở góc xó này. Sư từ đó hồi ý tham tầm. Gặp nhằm lúc bến đò, cửa ải phép tắc rất nghiêm ngặt, nên sư nói với quan coi giữ các nơi ấy rằng:

- Tôi đây không phải người đi du ngoạn sơn thủy, mà là người thề cầu đạo của Tổ, ngày sau tất không quên ơn ngài.

Quan coi giữ ải xét ý chí sư, liền không cầm giữ gắt gao, mà chỉ nói với sư rằng:

- Sư nếu đã vì pháp quên mình, khi quay lại xin đừng tiếc sẻn điều nghe được nhé.

Sư hân hoan trí tạ, đến thẳng Sơ Sơn. Lúc đó, Hòa thượng Khuông Nhân đang ngồi ở pháp đường tiếp nhận người tham yết. Sư trước nhìn đại chúng, sau đó mới trí vấn rằng:

- Trong một sát-na liền đi là thế nào?

Sơ Sơn nói:

- Ép nghẹt hư không, ông làm sao đi?

Sư nói:

- Ép nghẹt hư không thì chi bằng không đi.

Sơ Sơn liền thôi. Sư bước xuống Thiền đường, tham yết đệ nhất tọa. Nhất tòa nói:

- Vừa rồi nhìn tọa chủ đối đáp với Hòa thượng lời lẽ rất kỳ quặc.

Sư nói:

- Đó chỉ là đại khái, thật do ngẫu nhiên, dám mong từ bi, khai thị ngu mê.

Đệ nhất tọa hỏi:

- Trong khoảng một sát-na, còn có nghĩ suy không?

Sư ngay lời nói, chợt tỉnh ngộ, lễ tạ lui về trà đường mà mừng lo lẫn lộn trong 3 ngày.

Sau sư trụ núi Hoàng Bá, tựu chúng khai pháp (đời thứ hai) qua đời ở núi này. Nay trong tháp toàn thân như lúc sống.

 

 

ĐẠI SƯ THỦ TRỪNG TỊNH QUẢ viện HỘ QUỐC

núi TÙY THÀNH TÙY CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Thế nào là Phật?

Sư nói:

- Gã con lừa này !

Hỏi:

- Tận đại địa là người có con mắt pháp đến, sư thì thế nào?

Sư nói:

- Cái gã dưới thềm kia !

Hỏi:

- Chỗ chư Phật không đến, người nào giẫm đạp được?

Sư nói:

- Gã tai bẹp, đầu rối bù !

Hỏi:

- Người nào thông được tin tức của hắn?

Sư nói:

- Gã mặt lừa, má thú !

Hỏi:

- Tùy duyên nhận được thì thế nào?

Sư nói:

- Lầm.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Một người truyền dối, muôn người truyền thật.

Hỏi:

- Không rơi vào tay Can Tương, thế nào là Thái A?

Chú: Trung Quốc có 4 thanh kiếm báu lừng danh là Can Tương, Mạc Da, Long Tuyền, Thái A.

Sư nói:

- Kiếm Thất Tinh sáng loáng chiếu diệu, sáu nước dừng khói lửa.

 

 

THIỀN SƯ LINH TUYỀN QUI NHÂN

TRƯỜNG THỦY LẠC KINH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Ngửng mặt tự giương mày, quay đầu tự vỗ tay.

Hỏi:

- Thế nào là ý chỉ đích thực của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Nước sông Lạc Hà chảy ngược.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Cởi bỏ đội mão, lội qua nước mang giày hoa.

 

 

THIỀN SƯ PHỤNG LÂN viện DIÊN KHÁNH

núi PHỤC LONG DIÊN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Ngã ngang thân nằm trên biển, khêu đèn trong mặt trời.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Phục Long?

Sư nói:

- Núi chót vót, nước chảy xiết. Ba xuân đủ thứ hoa.

Hỏi:

- Hòa thượng có còn ham tiền tài và sắc đẹp không vậy?

Sư nói:

- Ham.

Hỏi:

- Đã là bậc thiện tri thức, sao lại còn ham tài sắc?

Sư nói:

- Kẻ biết ơn thì ít, kẻ phụ ơn thì nhiều.

***

Sư hỏi tăng coi bếp:

- Thêm lửa nhiều chưa vậy?

Hỏa đầu nói:

- Không cần nhiều lời.

Sư nói:

- Tằn tiện tiền thì dễ no, ăn xong vẫn đói.

Hỏi:

- Thế nào là thói nhà của Hòa thượng?

Sư nói:

- Rau dưa, cơm nguội.

Nói:

- Cũng lại quá tịch mịch đấy !

Sư nói:

- Nhà tăng phải như thế !

 

 

THIỀN SƯ TỈNH núi ĐẠI AN AN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Kẻ lầm đường mê muội, thỉnh sư chỉ thị thẳng !

Sư nói:

- Đi ra ngoài cổng chùa đi !

Hỏi:

- Cử bộ lâm nguy, thỉnh sư chỉ mặt trăng !

Sư nói:

- Không chỉ mặt trăng.

Hỏi:

- Tại làm sao mà không chỉ mặt trăng?

Sư nói:

- Ngay miệng hố không xô người.

Hỏi:

- Rời tứ cú, xa bách phi, thỉnh Hòa thượng nói !

Sư nói:

- Trong kho của vua ta không có thứ dao đó.

Hỏi:

- Trùng trùng cửa quan khóa, tin tức chẳng thông thì thế nào?

Sư nói:

- Làm sao đến được chỗ ấy?

Hỏi:

- Sau khi đến thì thế nào?

Sư nói:

- Chuyện bên trong của hắn như thế nào?

Hỏi:

- Thế nào là chân trong chân?

Sư nói:

- Tượng Phật bùn ở ngã tư đường.

 

 

THIỀN SƯ BÁCH TRƯỢNG SIÊU

núi ĐẠI HÙNG HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Sư người Hải Đông (tức Triều Tiên).

Hỏi:

- Tổ ý và Giáo ý giống khác nhau thế nào?

Sư nói:

- Gà vàng, thỏ ngọc, quanh núi Tu-di.

Hỏi:

- Mặt trời lặn núi Tây rồi, chuyện trong rừng ra sao?

Sư nói:

- Hang sâu mây ra muộn, khe quanh co nước chảy chậm.

Tăng từ giã hỏi:

- Hôm nay xuống núi, thảng hoặc có người hỏi Hòa thượng nói pháp gì thì hướng về họ đáp thế nào?

Sư nói:

- Chỉ cần nói với họ, trên núi Đại Hùng cọp đẻ ra sư tử con.

 

 

HÒA THƯỢNG viện THIÊN VƯƠNG HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Người trong nước vỗ kiếm là ai vậy?

Sư nói:

- Thiên vương.

Hỏi:

- Trăm hài cốt đều vỡ tan, một vật trấn trường linh thì thế nào?

Sư nói:

- Không đọa vào vô hoại lạn.

Hỏi:

- Thế nào là Phật?

Sư nói:

- Lầm.

 

 

THIỂN SƯ UẨN viện CHÍNH CẦN THƯỜNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Sư họ Hàn, người Ngụy Phủ, xuất gia từ thuở còn nhỏ, đến già vẫn có nét mặt của trẻ thơ. Sư đắc pháp nơi pháp tịch của Sơ Sơn.

Hỏi:

- Sư xướng khúc điệu nhà nào, nối tự Tông phong ai?

Sư nói:

- Bỗng nhiên tiếng tiêu ngoài, sáu luật chẳng thể qua.

Hỏi:

- Chuyện chẳng qua thì làm sao?

Sư nói:

- Trước tiếng vỗ không tan. Sau câu kiếm không ra tung tích.

Hỏi:

- Thế nào là một con đường của Chính Cần?

Sư nói:

- Bùn sâu ba thước.

Hỏi:

- Làm sao đến được?

Sư hỏi:

- Xà-lê từ đâu lại?

Hỏi:

- Thế nào là thiền?

Sư nói:

- Hoa sen trong đá, suối trong lữa.

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Một cọng cỏ trên núi Lăng Già.

Hỏi:

- Thiền và Đạo cách nhau bao xa?

Sư nói:

- Người bùn rơi xuống nước, người gỗ lặn mò.

Sư vào khoảng niên hiệu Tấn Thiên Phước sắp thị tịch, báo trước với đại chúng. Tới kỳ hạn, cả thành nam nữ đều kéo đến viện. Sư dặn dò xong, tươi cười mà tọa hóa. Môn nhân an táng sau viện. Trải 2 năm, mở tháp ra, tóc và móng tay đều dài thêm, bèn hỏa thiêu nơi phía Đông thành, thu xá-lợi chân cốt, xây lại tháp.

 

 

HÒA THƯỢNG HẬU ĐỘNG SƠN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Nói có rồi lại không thì thế nào?

Sư nói:

- Đầu rồng, đuôi rắn. Chém một nhát ngang lưng.

 

 

HÒA THƯỢNG TAM TƯỚNG KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của SƠ SƠN KHUÔNG NHÂN

 

Hỏi:

- Thế nào là cái tháp không lằn hồ?

Sư nói:

- Tìm lằn hồ mà không thấy.

Hỏi:

- Thế nào là người trong tháp?

Sư nói:

- Giáp mặt mà không thấy nhau.

 

 

THIỀN SƯ THIỆN TĨNH viện VĨNH AN KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Sư họ vương, người Kinh Triệu. Cha làm quan mục thú. Mẹ nhân nằm mộng thấy tượng Phật vàng, tỉnh dậy có mang. Sư hồi nhỏ tập nghiệp Nho, bác thông các sách. Năm 27 tuổi, bỗng nhiên chán chuyện trần thế hư ảo phù phiếm, ngầm đến núi Chung Nam lễ Thiền sư Quảng Độ mà xuống tóc, rồi thọ giới cụ túc.

Đời Đường Thiên Phục (901-903), sư xuôi Nam tham yết Thiền sư Lạc Phổ Nguyên An, được Lạc Phổ rất khí trọng liệt vào hàng đệ tử ruột được vào thất thưa thỉnh, nhưng chỉ giao cho công việc coi vườn chùa. Sư nỗ lực cùng đại chúng làm việc. Có ông tăng định từ biệt Lạc Phổ, Lạc Phổ hỏi:

- Bốn bên là núi, ông đi đàng nào? (Ý nói tứ đại phủ vây)

Tăng không lời ứng đối, Lạc Phổ nói:

- Hạn ông 10 ngày phải có lời đáp, Nếu nói trúng chỉ ý thì để mặc ông ra đi.

Tăng hết sức suy nghĩ mà không tìm ra câu đối đáp. Hôm nọ, tản bộ vô tình đi vào vườn sau. Thiện Tĩnh kinh ngạc hỏi:

- Thượng tọa há chẳng phải đã cáo từ rồi mà, sao bây giờ lại còn ở đây?

Tăng nhân đem nguyên nhân chưa đi được kể lại với sư, đồng thời nhất định xin sư tìm lời ứng đối hộ. Bất đắc dĩ, sư phải nghĩ giùm tăng nhân lời đối đáp là:

Nguyên văn:     

竹 密 豈 妨 流 水 過

山 高 那 阻 野 雲 飛

Phiên âm:

Trúc mật khởi phương lưu thủy quá

Sơn cao na trở dã vân phi

Tạm dịch:

Trúc đầy há ngăn dòng nước chảy

Núi cao nào cản đám mây bay.

Ông tăng mừng rỡ, nhảy cỡn lên. Sư dặn ông tăng:

- Khi ứng đối với Hòa thượng, không được nói là lời của tôi nhé!

Ông tăng đến ứng đối cùng Lạc Phổ, Lạc Phổ hỏi:

- Lời đối đáp của ai vậy?

Tăng đáp:

- Của con.

Lạc Phổ nói:

- Không phải lời của ông.

Ông tăng đành phải đem việc tăng coi vườn nghĩ giùm câu ứng đối nói lại với Lạc Phổ. Tối đến lúc thượng đường, Lạc Phổ nói với đại chúng:

- Đừng có coi thường tăng coi vườn ! Ngày sau sẽ làm trụ trì chùa ở kinh đô, có 500 tăng dưới pháp tịch.

Sư sau đó từ giã Lạc Phổ, trở về cố hương ở phương Bắc, kết nhà tranh mà ở, đạo tục theo về rất đông. Sau đó, sư lại chu du núi Nga Mi, rồi quay về trụ Hưng Nguyên.

Liên súy Vương công lễ trọng. Sau đó, sư lại quay về cố hương lần nữa. Gặp lúc sau cơn binh lửa, chùa cũ hoang phế. Tiết súy cất Thiền uyển Vĩnh An để sư ở, đồ chúng hơn năm trăm. Tăng hỏi:

- Biết mà nói không được thì thế nào?

Sư nói:

- Biết cái gì?

Nói:

- Không thể không vậy.

Sư nói:

- Nếu thế thì hợp nói rồi đấy.

Nói:

- Nói tức chẳng không, nhưng ngặt cái là lời lệch đi.

Sư nói:

- Nước đông cá khó nhảy, núi lạnh hoa trổ muộn.

Hỏi:

- Thế nào là chuyện hướng thượng của nạp y?

Sư nói:

- Cá, rồng không ra khỏi biển. Trăng dưới nước không nuốt ánh sáng.

Hỏi:

- Không thể dùng trí để biết, không thể dùng thức để hiểu thì thế nào?

Sư nói:

- Hạc, cò châu đầu nhau đứng trên tuyết mà ngủ. Trăng sáng giật mình thức dậy, cả hai con đều nghi ngờ.

Hỏi: 

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:      

- Trên tường vẽ cây tòng khô, con ong bay đến không thấy nhụy.

Hỏi:

- Ngưu Đầu Pháp Dung khi chưa gặp Tứ Tổ Đạo Tín thì thế nào?

Sư nói:

- Cây tòng linh ở chốn lạ, người xem đều khen.

Hỏi:

- Sau khi nhìn thì thế nào?

Sư nói:

- Lá rụng cành xơ xác, gió tới không thành âm vận.

Hỏi:

- Thế nào là được sanh vào nhà Như Lai?

Sư nói:

- Mặc áo vô chờ sáng, bao kiếp cũng không thấy sáng.

Hỏi:

- Sau bao kiếp thì sáng thế nào?

Sư nói:

- Một câu cũng không thể được.

Cuối đời, sư chu du vùng Bắc Đạo (Bắc Đạo: Tên một nước man di bên Trung Quốc), tị loạn lúc Chiêu Tông lúc còn mông trần (1). Vào mùa đông năm Bính Ngọ, nhằm năm Khai vận nhà Tấn, sư bảo đánh kẻng triệu tập tăng chúc lụy (2). Rồi vào phương trượng hướng đầu về phía Đông, nằm nghiêng bên phải mà qua đời, thọ 89 tuổi, thọ lạp 60, sắc thụy Tịnh Ngộ Thiền Sư.

Chú (1): ‘Mông trần’ Lúc vua còn đang trong tình thế bôn ba, gian khổ giành nước.

(2): ‘Chúc lụy’ nghĩa đen là giao cho gánh vác chuyện khó nhọc, hàm ý chỉ kẻ được tiếp nối làm trụ trì.      

 

 

THIỀN SƯ NGẠN BẢO núi LONG NHA KỲ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Hỏi:

- Trước khi làm thân người thì làm sao đến?

Sư nói:

- Bò đá ba chân bước trên sườn núi, một cành khí lành trước trăng phân.

Hỏi:

- Một ngựa, một thương xông vào chỗ giặc thì thế nào?

Sư nói:

- Tha cho ông tính khí anh hùng biết đề thương, vẫn sánh cùng vua Tần một bước.

Hỏi:

- Chinh chiến lâu năm ngoài sa trường mà sao công danh không thành tựu?

Sư nói:

- Hai con chim điêu theo một mũi tên rơi xuống, mà Lý Ọuảng còn không nổi danh.

Hỏi:

- Cách một trăm bộ mà bắn cung xuyên lá dương, ai người bắn trúng đích?

Sư nói:

- Tướng quân không lên Tiện Kiều, Kim Nha đồ lao vô ích nêu chuôi tên.

Hỏi:

- Cầu vồng nuốt gốc mây là thế nào?

Sư nói:

- Ngài vua Trời xuống cõi Diêm-phù, trên đầu Thiết Man kim hoa kỳ dị.

 

 

THIỀN SƯ TRUYỀN SỞ

núi THANH LONG phủ PHỤNG TƯỜNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Sư người Kinh Châu, tính thuần hậu, vẻ mặt già cổ, mắt có ba góc. Sư thừa mong Lạc Phổ tâm địa, giao cho cai quản tất cả chúng trong chùa.

Một hôm, Lạc Phổ hỏi:

- Này viện chủ ! Ông từ đâu lại?

Sư đáp:

- Từ chỗ quét tuyết lại.

Lạc Phổ:

- Tuyết dày bao nhiêu?

Sư đáp:

- Dày tới trên cây.

Lạc Phổ nói:

- Hồi đáp là đúng đấy, nhưng ông về sau làm trụ trì sẽ trụ trong hang tuyết.

Chú: Nhiều người lầm viện chủ là chủ chùa tức trụ trì. Thật ra, viện chủ chỉ là chức vụ tổng quản trong chùa, coi như phụ tá cho trụ trì.

Từ khi thọ lời huyền ký, sư bèn tham phỏng Bạch Thủy. Bạch Thủy hỏi:

- Nghe nói Lạc Phổ có một con đường sanh cơ phải không?

Sư đáp:

- Thưa phải.

Bạch Thủy nói:

- Ngăn chặn con đường sống (sanh cơ), thì hướng theo con đường chín mà lại (chơi chữ).

Chú: Chữ ‘sanh’ có nghĩa song quan, vừa là con đường sống (trái với chết) vừa là con đường sống (trái với chín).

Sư nói :

- Trên đường sống có vô số người chết, trên đường chín chẳng nhận kẻ sống.

Bạch Thủy nói :

- Không chỉ riêng Lạc Phổ mà ngay cả Giáp Sơn cũng chẳng biết làm sao.

Bạch Thủy nói :

- Vì sao mà Giáp Sơn cũng chẳng biết làm sao ?

Sư nói :

- Há không nghe nói : ‘Một con đường sanh cơ ?’

***

Sau khi sư làm trụ trì, có ông tăng hỏi:

- Phật, ma chưa hiện ra. Hướng đến nơi nào mà ứng?

Sư nói:

- Chư thượng tọa biết đối đáp.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là một câu nói đối mặt Thiền cơ?

Sư đáp:

- Thử nói ra xem !

Tăng nói:

- Thỉnh Hòa thượng nói cho !

Sư nói:

- Đâm xuyên qua đầu lâu, chẳng biết chỗ nào đau đớn.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là một câu nói của người minh liễu?

Sư đáp:

- Tuấn mã một tấc chẳng dời chân, chim mệt đừ bay cao.

Phần phụ lục:

Tăng hỏi:

- Chuyện đại sự đã rành rõ rồi, tại sao lại cú xụ như chết cả cha lẫn mẹ vậy?

Sư đáp:

- Không có gió xuân hoa chẳng nở, tới lúc hoa nở gió thổi rụng rơi.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 6)

***

Có người hỏi:

- Thế nào là cùng một màu?

Sư đáp:

- Tuy không có lấy một giọt nước, nhưng sóng to vỗ giập trắng xóa như núi bạc.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 6)

 

 

HÒA THƯỢNG TRUNG ĐỘ ĐẶNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Hỏi:

- Trong nước không gặp được thầy, thế nào là chúa trong triều đường?

Sư nói:

- Gà vàng thường báo sáng, người đời tự chẳng hay.

Hỏi:

- Thế nào là chiếu sáng trong chỗ tối om?

Sư nói:

- Muôn cơ làm mờ không được.

Nói:

- Xin hỏi chiếu vật gì?

Sư nói:

- Có vật nào mà không chiếu?

Hỏi:

- Thế nào là trong chỗ thực tế chẳng nhận một hạt bụi? Phật sự trong cửa không bỏ một pháp?

Sư nói:

- Chân thường bụi không lấm, trong nước trăm sông chảy.

Nói:

- Thỉnh Hòa thượng rời ngoài hình tiếng mà nói !

Sư nói:      

- Người gỗ thường trò chuyện, có tính chẳng thể nói.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐỘNG KHÊ GIA CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Ban sơ, sư hỏi Lạc Phổ:

- Cây trên cung trăng không có gốc rễ mà cành che phủ bóng. Thỉnh Hòa thượng chỉ thẳng chỗ u huyền, vi diệu !

Lạc Phổ nói:

- Chỗ tốt của sum la vạn tượng, sự bất tương y. Ngàn sóng nước biếc cô phong tự khác.

Sư nhân đó lãnh chỉ thừa tự.

Hỏi:

- Thấy rắn tại sao lại bị rắn nuốt?

Sư nói:

- Mấy phen thưa hỏi, nêu không ra.

 

 

HÒA THƯỢNG NGỌA LONG KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ PHÁP TỰ của LẠC PHỔ NGUYÊN AN

 

Ban sơ khai đường, có ông tăng hỏi:

- Mặt trời sáng phù thiên tế, ánh sáng trái châu chiếu kinh đô cũ. Bên nước thông biển pháp, hôm nay ý thế nào?

Sư đáp:

- Kiếm báu lúc khua, há kể gì sáng tối?

 

 

HÒA THƯỢNG SƯ NGUY hiệu THÔNG HUYỀN THIỀN SƯ

viện PHƯỚC THANH TUYỀN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HOÀI TRUNG núi TIÊU DIÊU GIANG TÂY

 

Tăng hỏi:

- Cành phân đỉnh núi hẹp, đích thiệu Tiêu Diêu. Tòa báu đã bước lên rồi, pháp lôi thỉnh chấn động.

Sư đáp:

- Tiêu Diêu xa vật ngoại, vật ngoại ráng không sanh.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý đích thực của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Đứng lút trong tuyết chưa gọi là nhọc, chặt tay mới gọi là đích truyền.

Chú: Nêu lại chuyện Huệ Khả đứng trong tuyết chặt tay cầu pháp với Đạt Ma.

Nói:

- Nếu thế thì một hoa sanh năm cánh, thơm tho cho đến tận hôm nay.

Sư nói:

- Nhân tròn ngoài ba giới, quả đầy mười phương biết

 

 

THIỀN SƯ BẠCH VÂN VÔ HƯU KINH TRIỆU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HOÀI TRUNG núi TIÊU DIÊU GIANG TÂY

 

Hỏi:

- Trên đường gặp cọp mạnh, làm sao hàng phục nó?

Sư nói:

- Qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.

Hỏi:

- Thế nào là cảnh của Bạch Vân?

Sư nói:

- Đêm trăng bên lầu, hải khách sầu.

 

 

THIỀN SƯ VĨNH AN TỊNH NGỘ LÔ SƠN GIANG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của BÀN LONG KHẢ VĂN VIÊN CHÂU

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện của người xuất gia?

Sư nói:

- Trên mỏm núi treo muôn trượng thỏng tay đi.

Hỏi:

- Thế nào là chuyện của người không xuất gia?

Sư nói:

- Khác xa trên đỉnh tuyết an khí tiết Sào Phủ, chẳng giống Hứa Do quảy một bầu.

Hỏi:

- Sáu cửa chẳng thông, làm thế nào thông tin?

Sư hỏi:

- Xà-lê bên mé ngoài cùng ai quen biết?

Hỏi:

- Tháo củi xổ lồng, cởi bỏ sừng thì thế nào?

Sư nói:

- Đổi xương, rửa ruột đầu tử tắc, Hồng môn rất kỵ ngậm cỏ lau.

Hỏi:

- Các Thánh từ xưa lấy gì chỉ thị người?

Sư nói:

- Có khác Tổ long hành hóa tiết, khác xa phụng đậu vượt dương trần.

Hỏi:

- Thế nào là người biết làm khách?

Sư nói:

- Xe báu, giường trân còn bỏ mặc. Ai hay nhiều kiếp tựa nương họ.

Hỏi:

- Nhiều tay bòn vàng, ai người gặp được?

Sư nói:      

- Hoàng Đế chưa từng du Xích Thủy, Châu Thừa lưới tượng cũng hư nhiên.

Hỏi:

- Tuyết phủ hoa lau thì thế nào?

Sư nói:

- Tuy là đông ngưng như trình sắc lành, ánh sáng mặt trời sau đó lại làm mê người.

 

 

THIỀN SƯ THIỆN ĐẠO núi MỘC BÌNH VIÊN CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BÀN LONG KHẢ VĂN

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Thiện Đạo, ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10. Ban đầu, sư tham yết Thiền sư Lạc Phổ Nguyên An nhưng chưa kế hiệp chỉ ý. Kế sư tham yết Thiền sư Bàn Long Khả Văn mà đắc pháp, trụ núi Mộc Bình Viên Châu (nay là dãy Nghi Xuân Giang Tây). Quốc Quân Nam Đường từng nghinh tiếp sư theo nghi lễ thầy trò. Qui tịch thụy hiệu Chân Tịch Thiền Sư.

B- Trích ngữ lục:

Ban sơ, sư tham yết Thiền sư Lạc Phổ Nguyên An hỏi:

- Trước khi một cái bọt nước hình thành, thì làm sao biện biệt được mạch nước cùng hướng chảy?

Lạc Phổ đáp:

- Di động thuyền là biết thế nước, cử mái chèo là biết hướng sóng vỗ.

Sư thấy chưa khế hiệp nên đến tham yết Thiền sư Bàn Long Khả Văn, rồi cũng đưa ra câu hỏi lúc trước. Bàn Long đáp:

- Di động thuyền không biết thế nước, cử mái chèo mê nguồn nước.

Sư từ đó tỉnh ngộ ra.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư đáp:

- Đầu dê đá nhìn hướng Đông.

***

Hỏi:

- Thế nào là con mắt Chánh pháp?

Sư đáp:

- Cái lỗ trên đầu gậy.

***

Hỏi:

- Thế nào là bất động tôn?

Sư nói:

- Ngang ngang, bướng bướng (Lãng lãng, đãng đãng).

Hỏi:

- Thế nào là một câu của Mộc Bình?

Sư nói:

- Nghẹt lấp hư không.

Nói:

- Nghẹt lấp hư không thôi không hỏi, thế nào là một câu?

Sư liền đánh.

Sư phàm có tăng mới đến đều không cho tham kiến ngay mà trước hết bắt phải gánh 3 gánh đất mà thị kệ rằng:

Nguyên văn:

南 山 路 厂 東 山 低

新 到 莫 辭 三 擔 泥

嗟 汝 在 途 徑 日 久

明 明 不 曉 却 成 迷

Phiên âm:

Nam sơn lộ hán đông sơn đê

Tân đáo mạc từ tam đảm nê

Ta nhữ tại đồ kinh nhật cửu

Minh minh bất hiểu khước thành mê

Tạm dịch:

Sườn núi bên Nam, Đông sơn đê

Mới đến chớ từ ba gánh nê

Bởi ông trên đường bao ngày tháng

Minh minh không hiểu trở thành mê

Trên đầu sư thịt gồ xoắn Ốc. Quốc Quân Nam Đường ngưỡng một thanh danh, cung thỉnh sư đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh) cúng dường, tiếp đãi theo lễ thầy trò.

Chú: Kim Lăng Lý thị chỉ Quốc Quân Nam Đường họ Lý, đóng đô ở Kim Lăng.

Quốc quân từng hỏi:

- Thế nào là Mộc Bình?

Sư đáp:

- Không cần dùng búa đẽo gọt.

Lại hỏi:

- Vì sao lại không dùng búa đẽo gọt?

Sư đáp:

- Mộc Bình.

Lúc đó, đại Thiền sư Pháp Nhãn có kệ rằng:

Nguyên văn:

木 平 山 表 人

貌 古 年 復 少

相 看 陌 路 同

論 心 秋 月 皓

壞 衲 線 非 蠶

助 歌 聲 有 烏

城 闕 今 曰 來

一 沤 曾 以 曉

Phiên âm:

Mộc Bình sơn lý nhân

Mạo cổ niên phục thiểu

Tương khan mạch lộ đồng

Luận tâm thu nguyệt hạo

Hoại nạp tuyến phi tàm

Trợ ca thanh hữu điểu

Thành khuyết kim nhật lai

Nhất âu tằng dĩ hiểu

Tạm dịch:

Người trong núi Mộc Bình

Mặt già tuổi lại nhỏ

Nhìn nhau mạch lộ đồng

Luận tâm trăng thu sáng

Áo củ chẳng phải tơ

Giúp tiếng ca có chim

Thành quyết hôm nay lại

Một bọt từng biết rõ

Sự tích kỳ lạ của sư rất nhiều, nơi đây không phiền thuật lại bộn bề. Sau khi sư thị diệt, môn nhân xây tháp điêu khắc tượng đá. Sắc thụy Chân Tịch Thiền Sư, tháp tên Phổ Tuệ.

 

 

THIỀN SƯ LONG KHÊ THIỂM PHỦ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của BÀN LONG KHẢ VĂN

 

A- Tiểu sử tối lược giản:

Thiền sư Long Khê, ước tại thế khoảng nửa sau thế kỷ thứ 9 và nửa đầu thế kỷ thứ 10, đắc pháp với Thiền sư Bàn Long Khả Văn, trụ Thiễm Phủ.

B- Trích ngữ lục:

Sư thượng đường nói với đại chúng:

- Dẫu cho có nói được trơn bén miên mật không sơ hở thì cũng không tránh được lão tăng ta bổ một gậy, làm thế nào mới tránh khỏi ăn gậy đây?

Chúng tăng không lời ứng đối, sư tự mình ra câu đáp thay:

- Xuống thôi !

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là cái tháp không lằn hồ (1)?

Sư đáp:

- Trăm thứ trân báu đã trang trí xong, bốn cửa mở toang đã lâu rồi.

Chú (1): Qua câu hỏi đáp của ông tăng và Thiền sư Long Khê thì ‘Vô phùng tháp’ trong ngữ cảnh này có nghĩa là cái tháp không lằn hồ. Vì phải là cái tháp mới có 4 cửa mở toang. Trong trước tác Thiền lâm ở một số ngữ cảnh khác, dụng ngữ ‘Vô phùng tháp’ phải đọc ‘Vô phùng đáp’ có nghĩa là cái áo cộc không lằn may. Trong trường hợp này, chữ Tháp là cái tháp đã được dùng thay cho chữ Đáp là cái áo cộc. Vậy tùy ngữ cảnh mà dịch ‘Cái tháp không lằn hồ’ hay ‘Cái áo cộc không lằn may’, nhưng cả hai đều chung một ý nghĩa.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐỒNG - TUYỀN SƠN DĨNH CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HÒA THƯỢNG NGUYỆT LUÂN HOÀNG SƠN PHỦ CHÂU

 

Buổi ban sơ, sư tham yết Hòa thượng Hoàng Sơn. Sơn hỏi:

- Cửa trời nhất hiệp, mười phương không đường. Có người nói được, bãi thủ ra Chương Giang.

Sư đáp rằng:

- Cửa đóng không mở, rồng không có câu rồng.

Hoàng Sơn nói:

- Ấy là tự ông nói như thế.

Sư nói:

- Đúng thì nói thẳng là đúng, nếu không đúng thì nói thẳng là không đúng.         

Hoàng Sơn nói:

- Bãi thủ ra Chương Giang.

Hoàng Sơn lại hỏi:

- Biện Hòa đến chỗ, núi Kinh đẹp. Ngọc Ấn từ người khác thiên tử truyền thì thế nào?

Sư nói:

- Ông già nhà quê không trọng năm thái bình.

Hoàng Sơn rất khẳng nhận.

***

Sau khi sư làm trụ trì, có tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện tương truyền?

Sư nói:

- Rồng phun nước trường sanh, cá nuốt bọt vô tận.

Tăng nói:

- Thỉnh sư khơi bày !

Sư nói:

- Đánh trống chuyển đầu thuyền, chèo khuấy trăng trong sóng.

 

 

HÒA THƯỢNG VĂN THÙ ĐÀM CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của HOÀN PHỔ THIỀU SƠN LẠC KINH

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện trước ngọn núi Chúc Dung?

Sư nói:

- Trước hang cỏ lành sanh.

Hỏi:

- Đấng nhân vương lên ngôi, muốn họ gội nhuần ân đức. Hòa thượng xuất thế dạy người thì thế nào?

Sư nói:

- Muôn dặm cát dài cưỡi thuyền sắt.

Hỏi:

- Thế nào là bổn nhĩ trang nghiêm?

Sư nói:

- Hoa cúc nguyên thượng cảnh, hành nhân khước lộ trường./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]