Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 09: Gồm 30 vị nối pháp Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải

01/11/202120:58(Xem: 5730)
Quyển 09: Gồm 30 vị nối pháp Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 09

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

 

 

A- Pháp Tự Đời Thứ Ba Của Hoài Nhượng: 56 người.

B- Pháp Tự Của Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải: 38 người, 13 người được ghi chép:

01- Thiền sư Linh Hựu núi Qui Sơn Đàm Châu

02- Thiền sư Hy Vận núi Hoàng Bá Hồng Châu

03- Thiền sư Hoàn Trung, Đại Từ Hàng Châu

04- Thiền sư Phổ Ngạn núi Thiên Thai

05- Thiền sư Thường Quan, Quân Châu

06- Thiền sư Tính Không, Thạch Sương Đàm Châu

07- Thiền sư Đại An, Phước Châu

08- Thiền sư Thần Tảng Cổ Linh

09- Thiền sư Thông, Hòa An Quảng Châu

10- Thiền sư Long, Vân Đài Giang Châu

11- Thiền sư Đạo, Vệ Quốc Lạc Kinh

12- Hòa thượng Vạn Tuế, Trấn Châu

13- Hòa thượng Đông Sơn, Hồng Châu

C- Pháp Tự Của Thiền Sư Tây Tạng Đường Kiền Châu: 4 người, 1 người được ghi chép: Thiền sư Xứ Triệt Kiền Châu.

D- Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Triệt Núi Ma Cốc Bồ Châu: 2 người, 1 người được ghi chép: Thiền sư Lương Toại Lãng Châu

Đ- Pháp Tự Của Thiền Sư Như Hội Đông Tự Hồ Nam: 4 người, 1 người được ghi chép: Thiền sư Tuệ Siêu Thụ Sơn Cát Châu.

E- Pháp Tự Của Thiền Sư Hoài Huy Chùa Chương Kính Kinh Triệu: 16 người, 6 người được ghi chép:

1- Thiền sư Hoằng Biện Tiến Phước Kinh Triệu

2- Thiền sư Trí Chân Qui Sơn Phước Châu

3- Thiền sư Hoài Chính Lãng Châu

4- Thiền sư Tháo, Kim Châu

5- Hòa thượng Cổ Đê Lãng Châu

6- Hòa thượng Công Kỳ.

 

 

THIỀN SƯ QUI SƠN LINH HỰU (771 - 853)

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu ở Đàm Châu là người Trường Khê Phước Châu, họ Triệu. Năm 15 tuổi, Sư từ giã cha mẹ xuất gia, xuống tóc nương học với luật sư Pháp Thường ở chùa Kiến Thiện tại bổn quận, sau đó thọ cụ túc giới tại chùa Long Hưng ở Hàng Châu, nghiên cứu kinh luật đại tiểu thừa. Năm 23 tuổi, sư du hành Giang Tây tham vấn Thiền sư Bách Trượng Đại Trí. Bách Trượng vừa thấy sư liền cho vào hàng đệ tử ruột, đứng đầu các người tham học.

Một ngày kia, sư đang đứng hầu, Bách Trượng hỏi:

- Ai đó ?

Sư đáp:

- Linh Hựu.

Bách Trượng bảo:

- Ông hãy khều trong lò coi còn lửa không ?

Sư khều rồi đáp:

- Không còn lửa.

Bách Trượng đứng dậy khều sâu còn chút lửa, gắp đưa sư coi nói:

- Cái này không phải lửa thì là gì ?

Sư bỗng ngộ, bèn lễ tạ thầy, rồi nêu kiến giải của mình. Bách Trượng nói:

- Đây là đường lộ khúc khuỷu tạm thời. Trong Kinh có ghi: Muốn thấy Phật tánh nên quán sát thời tiết nhân duyên. Thời tiết đã đến như mê vụt tỉnh, như quên vụt nhớ, tỉnh ngộ tự thân, không từ cái gì khác mà có được, cho nên Tổ sư mới nói: Khi ngộ rồi cũng giống như chưa ngộ, vô tâm đắc vô pháp. Vô tâm đó là cái tâm không hư vọng phân biệt phàm thánh, bổn lai tâm và pháp vốn cụ bị đầy đủ. Ông nay được ngộ như thế, phải khéo mà hộ trì.

Lúc ấy có Tư Mã đầu-đà (giỏi phong thủy và tướng pháp) từ Hồ Nam đến, Bách Trượng bèn nói với ông ta:

Lão tăng muốn dời về Qui Sơn được chăng ?

Đầu-đà đáp:

- Núi Qui kỳ tuyệt có thể chứa được 1.500 người, nhưng không phải chỗ mà Hòa thượng trụ được.

Bách Trượng hỏi:

- Sao vậy ?

Đầu-đà đáp:

- Hòa thượng là người xương, còn núi ấy là núi thịt, nếu trụ thì đồ chúng không quá một ngàn người.

Bách Trượng nói:

- Trong đồ chúng của ta đây há chẳng có người trụ được sao ?

Đầu-đà nói:

- Xin để xem xét cái đã.

Bách Trượng bèn bảo thị giả gọi đệ nhất tòa Hoa Lâm đến rồi hỏi:

- Người này được chăng ?

Đầu-đà bảo đệ nhất tòa dặng hắng một tiếng, đoạn đi vài bước rồi đáp:

- Người này không được.

Lại gọi điển tòa đến. Linh Hựu đến. Đầu-đà bảo:

- Người này đích thị là chủ núi Qui.

Ngay đêm đó, Bách Trượng triệu sư vào thất dặn dò:

- Ta từng hóa duyên nơi đó, Qui Sơn đúng là thắng cảnh, ông nên đến ở đó, nối dõi pháp ta, độ rộng người học.

Lúc đó Hoa Lâm nghe được nói:

- Con đây ở ngôi thượng thủ, ông Hựu sao lại được chọn làm trụ trì núi Qui ?

Bách Trượng nói:

- Nếu ông có thể trước đại chúng hạ một câu xuất cách thì ta sẽ cho ông làm trụ trì.

Nói đoạn chỉ tịnh bình nói:

- Không được gọi là tịnh bình thì ông gọi là gì ?

Thủ tòa Hoa Lâm nói:

- Cũng không thể gọi là mộc đốt.

Bách Trượng không đồng ý, bèn hỏi sư, sư liền đạp đổ tịnh bình. Bách Trượng cười nói:

- Đệ nhất tòa thua mất trái núi rồi.

Nói đoạn khiến sư đến trụ núi Qui.

Núi Qui cao chớn chở, vách núi sừng sững, mịt mù chẳng có khói người nấu cơm. Lúc sư đến núi chỉ làm bạn với khỉ vượn, hái trái giẻ, trái lật ăn đỡ lòng, sau đó dần dần mới được cư dân dưới chân núi biết đến. Cư dân dưới núi tánh tình chất phác, hè nhau lên núi cùng sư cất Thiền tự. Quan Liên súy Lý Cảnh Nhượng tâu lên vua, tứ hiệu chùa Đồng Khánh. Quan tướng quốc Bùi Hưu cũng từng đến chùa tham vấn Thiền lý áo diệu. Do đó mà tên Qui Sơn Linh Hựu vang rền khắp thiên hạ, người học Thiền bốn phương ùn ùn kéo đến đạo tràng như mây tụ. Sư thượng đường khai thị Thiền chúng:

- Tâm người tu đạo, chất phác không hoa hòe, ngay thẳng không gian trá, đã không phân biệt trước sau, mà cũng không trá vọng tâm hạnh. Tất cả mọi giờ trong ngày, nghe nhìn bình thường, tâm không quanh quẹo, mà cũng chẳng cần nhắm mắt bịt tai, tình bất nương gá vật. Chư thánh từ xưa đến giờ chỉ nói đến những chỗ dơ bẩn tai hại, chí tại tiêu diệt những vọng niệm ác tri, ác giác vô cùng tận. Ta nay nói thanh tịnh vô vi, bình thường vô sự, như nước thu trong vắt, điềm đạm vô ngại, ta gọi dạng đó là người đắc đạo, cũng gọi là người vô sự.

Lúc ấy, có ông tăng hỏi:

- Người đốn ngộ có cần tu đạo hay chăng ?

Sư đáp:

- Nếu chân ngộ được bổn tâm thì người đó tự biết đạo, tu với chẳng tu chỉ là lời nói hai đầu. Còn đối với kẻ mới sơ tâm đốn ngộ mà nói, thì cái tâm sơ khởi của y ta nương theo một loại nhân duyên nào đó mà một niệm đốn ngộ, mà từ vô thỉ cho đến nay, trong muôn ngàn kiếp vẫn còn tích tụ một số tập khí chưa thể thanh tịnh trong phút chốc, thì cần dạy y ta tại thế hiện tiền dần dần tịnh trừ những hành nghiệp và lưu động trong ý thức tư tưởng. Theo điểm đó mà suy xét, kẻ sau khi sơ tâm đốn ngộ, không nên quăng bỏ tu hành, chọn đường lối và chứng ngộ mà chỉ nói là theo nghe nhập lý, nghe lý thâm diệu, tâm tự tròn sáng, không rơi chỗ nghi hoặc. Cho dù có trăm ngàn diệu lý, phô ra trong nhất thời thì cũng đều là để học nhân tự tâm lãnh ngộ, tự mình đứng lên khoác áo sinh hoạt. Nói một cách giản đơn, cần ngộ nhập chân như thật tướng, chẳng chứa một điểm bụi nhơ, mà trong tu hành cụ thể lại cũng nên chẳng bỏ một pháp nào. Cũng cần nói là nếu đơn đao trực nhập tự tâm thì tuy siêu phàm vượt thánh, chân tánh lưu lộ, nhưng hành động ngày thường vẫn nên lý sự không hai, có như vậy mới có thể gọi là Phật Như Như.

***

Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch hỏi Sư:

- Tổ sư Đạt Ma từ Tây thiên đến Đông độ truyền dương chỉ ý gì ?

Qui Sơn nói:

- Như cái lồng đèn.

Ngưỡng Sơn nói:

- Phải chăng chỉ có cái đó thôi sao ?

Sư hỏi:

- Cái đó là cái gì ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Như cái lồng đèn.

Sư nói:

- Quả nhiên không biết.

***

Ngày nọ, sư nói với đồ chúng rằng:

- Như nay đây có rất nhiều người chỉ có đại cơ mà chẳng có đại dụng.

Ngưỡng Sơn đem lời ấy hỏi chủ am dưới chân núi:

- Hòa thượng nói như thế là ý chỉ gì ?

Chủ am nói:

- Nói lại xem.

Ngưỡng Sơn vừa định nói bị chủ am đạp nhào. Ngưỡng Sơn về chùa thuật tự sự cùng sư, sư cười to.

***

Sư đang ngồi tại pháp đường thì người coi kho gõ mỏ, còn người nấu bếp thì nhịp cây gắp lửa. Vỗ tay cười lớn, sư nói:

- Trong chúng cũng có người như thế.

Đoạn gọi họ đến hỏi:

- Các ông làm gì thế ?

Người nấu bếp thưa:

- Con đây không ăn cháo bụng đói nên vui mừng.

Sư bèn gật đầu đồng tình.

***

Có một lần đang lao động tập thể hái trà, Qui Sơn nói Ngưỡng Sơn:

- Suốt ngày hái trà, chỉ nghe tiếng ông nói mà không thấy hình dáng ông. Xin hiện hình ra để ta xem qua.

Ngưỡng Sơn rung lắc cây trà. Qui Sơn nói:

- Ông chỉ được cái dụng mà không được cái thể.

Ngưỡng Sơn nói:

- Chẳng hiểu Hòa thượng thì thế nào ?

Qui Sơn nín lặng hồi lâu. Ngưỡng Sơn nói:

- Hòa thượng chỉ được cái thể mà không được cái dụng.

Qui Sơn nói:

- Ta tha ông hai chục hèo.

***

Sư thượng đường, có ông tăng bước ra nói:

- Thỉnh Hòa thượng vì chúng nói pháp.

Sư nói:

- Ta vì ông mà nhọc mệt quá chừng.

Lại có một lần, Qui Sơn nói cùng Ngưỡng Sơn:

- Tuệ Tịch nói chớ vào cõi âm.

Ngưỡng Sơn nói:

- Tuệ Tịch con tín chưa lập.

Qui Sơn nói:

- Ông đã tín chưa lập; hay không tín chưa lập ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Con trừ Tuệ Tịch mình ra còn tin ai đây ?

Qui Sơn nói:

- Nếu mà như vậy thì cùng lắm là ông chỉ định tánh Thanh văn mà thôi.

Ngưỡng Sơn nói:

- Tuệ Tịch con đến Phật còn chẳng thấy.

Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

- Kinh Niết-bàn 40 quyển, bao nhiêu phần Phật nói, bao nhiêu phần ma nói ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Tất cả đều là ma nói.

Qui Sơn cho rằng đúng nhưng nói:

- Chỉ sợ về sau chẳng có ai đối phó nổi ông.

Ngưỡng Sơn nói:

- Tuệ Tịch con chỉ là người khách ghé qua nhất thời, xin hỏi con đang hành hóa tại đâu ?

Qui Sơn nói:

- Ta chỉ quan tâm ông pháp nhãn có chánh hay không thôi mà chẳng để ý gì đến chuyện ông đang hành hóa tại nơi nào.

***

Ngưỡng Sơn đang giặt giũ quần áo đưa quần áo đang giặt giũ lên hỏi Qui Sơn:

- Chính tại lúc này đây thì Hòa thượng làm cái gì ?

Sư đáp:

- Chính tại lúc này đây thì ta không làm cái gì cả.

Ngưỡng Sơn nói:

- Hòa thượng có thân mà vô dụng.

Một lát sau, sư hỏi Ngưỡng Sơn:

- Chính ngay tại lúc này đây ông làm cái gì ?

Ngưỡng Sơn hỏi:

- Chính tại lúc này đây Hòa thượng thấy hay không thấy cái kia ?

Sư nói:

- Ông hữu dụng nhưng không có thân.

***

Sư một hôm gọi viện chủ. Sau khi viện chủ tới sư lại nói:

- Ta gọi viện chủ, ông đến để làm gì ?

Viện chủ cảm thấy không có từ nào để gọi điều kỳ diệu ấy. Sư lại bảo thị giả đi kêu đệ nhất tòa. Sau khi đệ nhất tòa đến sư cũng nói như trước:

- Người mà ta gọi là đệ nhất tòa, ông đến để làm gì ?

Đệ nhất tòa cũng không biết phải đối đáp như thế nào.

***

Sư hỏi tăng vừa mới đến:

- Ông tên là gì ?

Ông ây đáp:

- Tên Minh Luân.

Sư vẽ một vòng tròn hỏi ông ta:

- Phải hay không phải giống cái này ?

Ông tăng ấy nói:

- Hòa thượng thuyết pháp như kiểu này, người nghiên cứu Thiền các nơi phần đông đều không cho là phải.

Sư nói:

- Bần đạo thì như thế, chẳng biết xà-lê thì thế nào ?

Ông tăng ấy nói:

- Có thấy vầng trăng tròn hay không ?

Sư nói:

- Xà-lê nói như thế, người ở đây cũng đa phần không chấp nhận các nơi.

***

Sư hỏi Vân Nham:

- Nghe nói ông trụ lâu ở Dược Sơn phải không ?

Vân Nham đáp:

- Thưa phải.

Sư nói:

- Tướng Dược Sơn đại nhân như thế nào ?

Vân Nham đáp:

- Sau Niết-bàn có.

Sư hỏi:

- Cái gì là sau Niết-bàn có ?

Vân Nham đáp:

- Nước rảy không thấm.

Vân Nham lại hỏi sư:

- Tướng Bách Trượng đại nhân như thế nào ?

Sư đáp:

- Cao lớn ngay ngắn; rực rỡ sáng láng, thanh tiền không thanh, sắc hậu không sắc. Con ruồi đậu trâu sắt.

***

Có lần nọ, sư cầm tịnh bình trao cho Ngưỡng Sơn. Lúc Ngưỡng Sơn đưa tay định nhận thì sư rụt tay lại hỏi:

- Ông thấy được cái gì ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Hòa thượng thấy được cái gì ?

Sư nói:

- Như quả ta nói được thì ta cần gì hỏi ông ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Tuy là như vậy, nhưng trong đạo nhân nghĩa, đệ tử cầm bình múc nước cho thầy là bổn phận thôi.

Sư liền cầm bình đưa cho Ngưỡng Sơn.

***

Sư cùng Ngưỡng Sơn đang đi tản bộ. Sư chỉ cây bá thọ tử trước mặt hỏi:

- Phía trước mặt là cái gì vậy ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Đó là cây bá thọ tử.

Sư bỗng chỉ ông nông phu phía sau ruộng nói:

- Ông nông phu này về sau cũng có 500 đồ chúng.

Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

- Từ đâu về đây ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Từ trong ruộng về.

Sư hỏi:

- Trong đồng, lúa cắt chưa vậy ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Đã cắt xong rồi.

Sư hỏi:

- Vừa rồi ông thấy lúa trong đồng xanh hay vàng, hay là không xanh không vàng ?

Ngưỡng Sơn hỏi lại:

- Sau lưng Hòa thượng là cái gì ?

Sư hỏi:

- Ông thấy cái gì rồi ?

Ngưỡng sơn tước một gié lúa hỏi:

- Có phải Hòa thượng hỏi cái này đây không ?

Sư nói:

- Đó chỉ là ngỗng chúa tìm vú.

***

Một ngày đông lạnh tháng chạp, sư hỏi Ngưỡng Sơn:

- Là trời lạnh hay là người lạnh ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Mọi người đều ở nơi đó.

Sư hỏi:

- Vì sao lại không trả lời thẳng ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Vừa rồi cũng chẳng phải đáp vòng vo.

Sư nói:

- Nên theo dòng đời.

***

Có ông tăng đến lễ bái Qui Sơn. Sư ra dáng đứng lên đáp lễ. Ông tăng nói:

- Xin Hòa thượng chớ đứng dậy.

Sư nói:

- Lão tăng chưa từng ngồi.

Tăng nói:

- Con cũng chưa từng thi lễ.

Sư nói:

- Ông vì sao mà lại vô lễ ?

Ông tăng đớ lưỡi không đối đáp được.

***

Trong hội của thiền sư Thạch Sương, có hai thiền khách đến chỗ Qui Sơn, trong mắt coi chẳng có ai nói:

- Nơi đây chẳng có một mống nào hiểu thiền cả.

Sau đó trong buổi lao động tập thể dọn củi, Ngưỡng Sơn thấy hai thiền khách đang nghỉ ngơi bên cạnh đó liền chỉ một bó củi hỏi:

- Hai vị thiền khách đây đối với bó củi này phát biểu cao kiến thế nào ?

Hai vị thiền khách đỏ mặt tía tai, há hốc miệng chẳng nói nên lời.

Ngưỡng Sơn nói:

- Từ rày về sau chớ có nói nơi đây không ai hiểu thiền nữa nhé.

Ngưỡng Sơn sau đó trở về thuật lại sự việc cho sư nghe mà có vẻ đắc ý:

- Hôm nay hai thiền khách bị Tuệ Tịch này vấn nạn nhào tiều.

Sư hỏi:

- Bọn họ bị ông vấn nạn nhào tiều ở điểm nào ?

Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch bèn thuật lại những lời lẽ vặn nài lúc nãy.

Qui Sơn cười ngất bảo:

- Tịch tử lại bị ta vặn nhào rồi.

***

Qui Sơn đang nằm ngủ trên giường, Ngưỡng Sơn bước đến vấn an, Qui Sơn quay mặt vô vách tường mà ngủ. Ngưỡng Sơn nói:

- Hòa thượng sao lại đối xử với con như thế ?

Qui Sơn nói:

- Vừa rồi ta nằm mộng, vậy ông hãy đoán mộng cho ta.

Ngưỡng Sơn bưng lại một thau nước mời Hòa thượng rửa mặt. Lát sau đó Hương Nghiêm cũng đến vấn an. Qui Sơn nói:

- Vừa rồi ta nằm mộng. Tịch tử đã đoán cho ta rồi, nay ông cũng thử đoán xem. 

- Hương Nghiêm bưng lại một chén trà mời Hòa thượng uống trà. Qui Sơn nói:

Hai người các ông kiến giải hơn cả chim Thu (tức Xá-lợi-phất).

***

Tăng nói:

- Chẳng làm một chiếc nón mê Qui Sơn thì không đến được thôn Mặc Diêu. Thế nào là một chiếc nón mê Qui Sơn ?

Qui Sơn thượng đường khai thị Thiền chúng:

- Lão tăng sau khi qua đời sẽ xuống dưới chân núi làm con trâu tơ, bên hông trái có viết năm chữ ‘Qui Sơn tăng mỗ giáp’ (tăng Qui Sơn kia). Lúc bấy giờ nếu cho là con trâu tơ thì lại là Linh Hựu, mà nếu cho là Linh Hựu thì lại là con trâu tơ. Cuối cùng thì gọi là gì mới ổn ?

Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu hoằng dương Thiền tông khoảng 40 năm, trong hội của ngài người thông đạt Thiền lý không kể xiết, riêng đệ tử ruột có 41 người. Năm thứ bảy đời Đường Đại Trung (853) ngày mùng 9 tháng giêng, sư tắm gội sạch sẽ, ngồi kiết già an nhiên mà qua đời, thọ 83 tuổi, tuổi lạp là 64, thụy hiệu Đại Viên Thiền Sư, tháp tên Thanh Tịnh.

Phần phụ lục:

Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm đang thị lập, sư nói:

- Quá khứ, hiện tại và vị lai, đạo pháp các đức Phật đều giống nhau, người người đều tìm thấy con đường giải thoát.

Ngưỡng Sơn nói:

- Thế nào là con đường giải thoát của mọi người ?

Sư quay qua nhìn Hương Nghiêm nói:

- Tịch tử nêu câu hỏi, sao ông không hồi đáp va ?

Hương Nghiêm nói:

- Như quả nói về quá khứ, vị lai và hiện tại thì con có câu trả lời.

Sư hỏi:

- Ông trả lời như thế nào ?

Hương Nghiêm thốt lời cáo biệt rồi đi ra. Sư lại hỏi Ngưỡng Sơn:

- Trí Nhàn (Hương Nghiêm) đối đáp như thế có hợp với tư tưởng Tịch tử (Ngưỡng Sơn) ông không ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Không khế hợp.

Sư hỏi:

- Nếu theo ý ông thì đối đáp thế nào ?

Ngưỡng Sơn cũng thốt lời cáo biệt rồi đi ra. Sư cười ha hả nói:

- Như nước và sữa dung hợp nhau vậy.

(Theo Linh Hựu Ngữ Lục)

 

 

THIỀN SƯ HOÀNG BÁ HY VẬN (? - 850)

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận ở Hồng Châu, là người đất Mân (Phước Kiến), xuất gia từ thuở còn thơ ở núi Hoàng Bá châu này. Sư nơi trán nổi lên gò cao như ngọc thịt, tiếng nói thanh tao trơn bén, chí ý điềm đạm mà cao xa. Sau sư chu du Thiên Thai, gặp một ông tăng, cùng nhau chuyện vãn cười đùa như người quen biết cũ. Nhưng nhìn kỹ, ánh mắt ông ta sáng ngời chiếu dọi người đối diện (1). Bèn cùng đi, nhưng gặp lúc nước khe dâng tràn dữ dội, sư bèn dở nón nang, máng đầu gậy dừng nghỉ. Ông tăng nọ rủ sư cùng qua khe, sư nói:

- Huynh cần qua thì cứ qua đi.

Ông tăng vén áo đạp trên sóng mà qua như đi trên đất bằng, ngoái đầu gọi:

- Qua đi, qua đi mà. 

Sư nói:

- Hứ, cái gã tự liễu kia, nếu sớm biết thì ta đã chặt chân ông rồi.

Ông tăng nọ than:

- Đúng là bậc pháp khí của Đại thừa ! Ta không bằng được.

Nói xong biến mất.

(Chú (1): Nguyên văn “mục quang” có người dịch là mắt người chết. Chúng tôi tra khắp các từ điển chẳng thấy đâu có nghĩa này)

***

Sư sau đó chu du chốn kinh sư, nhân người khải phát, đến tham yết Bách Trượng hỏi:

- Thiền pháp từ xưa Phật Phật, Tổ Tổ tương truyền như thế nào ?

Bách Trượng lặng thinh hồi lâu, sư gấp không chờ được liền nói:

- Huệ mệnh dài lâu không dứt là chuyện lớn lao, không thể dạy người sau đoạn tuyệt được.

Lúc bấy giờ Bách Trượng mới nói:

- Xem ra có phải ông là người đủ sức thừa đương việc lớn không ?

Bách Trượng nói xong đứng dậy đi về phương trượng. Sư theo vào nói:

- Con mà đến chính là để thừa thụ tông chỉ.

Bách Trượng nói:

- Nếu đúng như vậy thì về sau muôn ngàn lần không được cô phụ ta nhé !

***

Có một hôm, Bách Trượng hỏi Hoàng Bá:

- Ông từ đâu về ?

Sư đáp:

- Từ chân núi Đại Hùng hái nấm về.

Bách Trượng nói:

- Có thấy cọp to lớn không ?

Sư bèn làm tiếng cọp gầm gừ. Bách Trượng thuận tay nhặt cây búa ra bộ dạng chém hổ. Sư tiến tới dộng Bách Trượng một thoi, Bách Trượng không lộ vẻ nổi giận mà trái lại cười ha hả, hí hửng quay về. Bách Trượng về đến Thiền đường nói với đại chúng:

- Ở dưới chân núi Đại Hùng có một con cọp to lớn đang rình rập vồ người. Các người phải chú tâm đề phòng. Bách Trượng ta hôm nay đã bị nó quập một vố.

***

Sư hồi ở núi Nam Tuyền, có lần lao động tập thể đang cắt rau thì Nam Tuyền hỏi:

- Ông đi đâu đó ?

Sư đáp:

- Đi cắt rau.

Nam Tuyền hỏi:

- Cắt cách nào ?

Sư bèn đưa dao lên quơ quơ. Nam Tuyền nói:

- Mọi người cắt rau đi!

***

Lại có một hôm, Nam Tuyền nói với Hoàng Bá:

- Lão tăng ta lúc rảnh rỗi có tùy hứng làm một bài Mục ngưu ca nhờ trưởng lão họa cho.

Sư nói:

- Tôi tự có thầy của mình.

Nói đoạn sư từ giã Nam Tuyền ra đi. Nam Tuyền đưa ra tới cổng chùa, chỉ chiếc nón nang Hoàng Bá đang đội nói:

- Thân hình trưởng lão to lớn như thế, e chiếc nón quá nhỏ chăng ?

Sư nói:

- Nón nang tuy nhỏ nhưng có thể bọc đựng đại thiên thế giới.

Nam Tuyền nói:

- Vương lão sư chăng ?

Sư bèn đội nón nang, rồi ung dung rời khỏi.

***

Sư về sau cư trú ở chùa Đại An Hồng Châu, thiền chúng bốn bể ùn ùn tới. Tướng quốc Bùi Hưu lúc ấy đang trấn nhậm Uyển Lăng, xây cất đại Thiền uyển, thỉnh sư đến thuyết pháp. Nhân vì sư rất yêu thích núi Hoàng Bá mà mình trụ trước kia nên Bùi Hưu đem Thiền uyển vừa mới tu sửa đặt tên là Thiền Uyển Hoàng Bá. Bùi Hưu lại mời sư đến quận phủ của mình, đem một thiên văn chương thể hội Thiền lý do mình sáng tác nhờ sư chỉ giáo. Sư sau khi tiếp lấy thiên văn chương đặt qua một bên mà không lật xem. Sau đó một lúc sư hỏi Bùi Hưu:

- Ông có lãnh hội không ?

Bùi Hưu nói:

- Sâu không thể lường được.

Sư nói:

- Như quả chuyện này mà hiểu dễ dàng thì cũng là tạm được. Còn nếu hình thành từ giấy mực thì nơi nào còn có Thiền tông hôm nay của ta ?

Bùi Hưu bèn nhân đó tặng một thủ thi kệ để làm kỷ niệm. Thơ rằng:

Tự tùng Đại sĩ truyền tâm ấn

Ngạch hữu viên châu thất xích thân

Quải tích thập niên thê Thục thủy

Phù bôi kim nhật độ Chương tân

Nhất thiên long tượng tùy cao bộ

Vạn lý hương hoa kết thắng nhân

Nghĩ dục sự sư vi đệ tử

Bất tri tương pháp phó hà phân.

Tạm dịch:

Từ khi Đại sĩ truyền tâm ấn 

Trán có ngọc tròn bảy thước thân (thước Tàu)

Chống gậy mười phương nương Thục thủy

Nâng chén ngày nay vượt Chương tân

Một ngàn voi quí theo chân bước

Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân

Nghĩ muốn thờ sư làm đệ tử

Biết đem Chánh pháp phó hà nhân ?

Sư cũng không lộ vẻ vui. Từ đó Thiền phong của sư thạnh hành trọn dãy Giang Biểu.

***

Ngày kia sư thượng đường thuyết pháp, đại chúng tụ tập đông dầy dưới tòa. Sư hỏi:

- Chư vị các ông đến đây tìm cầu cái gì ?

Sư nói xong lấy gậy xua đuổi họ tan tác mắng:

- Đều là một lũ uống rượu, ăn hèm. Kiểu hành cước cầu đạo như các vị chỉ khiến cho người ta cười thúi mũi thôi. Chỉ cần thấy nơi đây có năm bảy trăm, một ngàn người là nhào vô cho huyên náo. Cái kiểu tham Thiền hỏi đạo như thế là không đúng, bởi đâu chỉ ham chuộng huyên náo là được. Lão tăng ta khi xưa lúc đi hành cước thấy ở dưới bụi cỏ có một anh chàng nằm dài, liền nhắm ngay đầu anh ta đâm một cây dùi để xem hắn ta có biết đau ngứa không. Nếu biết đau ngứa thì lão tăng đây đem gạo trong bị cúng dường anh ta. Nếu hành cước mà dễ dàng như các vị tưởng tượng, thì làm sao mà có được sự tình như lão tăng ta ngày nay ? Các vị đều xưng là hành cước thì cũng nên phấn chấn tinh thần mới được. Các vị có biết trong nước Đại Đường của chúng ta không có Thiền sư chăng ?

Lúc ấy, có ông tăng bước ra hỏi:

- Bậc tôn túc Thiền lâm các nơi đều ở chốn núi rừng hoằng pháp diễn hóa, sao lại nói là không có Thiền sư ?

Sư nói:

- Ta không nói không Thiền mà chỉ nói không có sư. Xà-lê há không thấy trong hội của đại sư Mã Tổ có 88 người ngồi đạo tràng nhưng trong đám người đó, được Chánh pháp nhãn tạng của Mã đại sư chỉ vài ba người mà thôi. Hòa thượng Lư Sơn là một người trong đám lẻ tẻ đó. Làm người xuất gia nên biết có bổn phần sự từ xưa. Như người nối tự của tứ Tổ Đạo Tín là đại sư Ngưu Đầu Pháp Dung dầu có nói ngang, nói dọc nhưng chưa thấu triệt để chỗ khai ngộ rốt ráo (Hướng thượng quan liệt tử). Phải có con mắt cùng đầu óc như thế mới biện biệt được Tông đảnh chánh tà. Vả sự thật của đương nhân không thể thể hội được, mà chỉ biết học lời lẽ rồi dồn vào cái bị da, đến các nơi xưng là ta đã lãnh hội Thiền. Những kẻ đó có thế chuyện sanh tử cho các ông ru ? Các vị lão túc hời hợt đó sẽ mau vào địa ngục như tên xẹt. Ta vừa thấy các ông qua khỏi cổng là đã biết ngay. Có biết không vậy ? Phải cần nỗ lực, đừng coi thường sự việc chỉ mang tấm áo miếng ăn, luống uổng một đời qua đi. Điều này sẽ làm cho bậc minh nhãn cười chế nhạo mình, mà rốt lại các vị cũng không vượt khỏi mệnh vận của kẻ dung tục. Chẳng có hại gì để các vị nhìn xa, xem gần, rốt cuộc sự tình ấy trên mặt mày ai. Các vị nếu lãnh hội thì lãnh hội ngay đi, còn như không lãnh hội thì hãy giải tán.

Lúc ấy, lại có ông tăng bước ra hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Thiền tông ?

Sư liền giơ tay lên đánh. Thiền sư Hoàng Bá thị thiền tiếp dẫn người học như thế là chỉ dành cho bậc thượng cơ. Hàng trung hạ đều chẳng được nếm đến.

Năm Đại Trung nhà Đường, sư viên tịch ở núi này, sắc thụy Đoạn Tế Thiền Sư, tháp tên Quảng Nghiệp.

PHẦN PHỤ LỤC:

I- Tướng quốc Bùi Hưu hỏi Sư:

- Trong hội ở núi có năm bảy trăm người, ai là kẻ được pháp của Hòa thượng ?

Sư đáp:

- Số người được pháp không thể tính toán được. Tại sao vậy ? Là vì đạo tại tâm ngộ, há tại ngôn thuyết. Ngôn thuyết chỉ dùng dạy dỗ trẻ con mà thôi.

(Theo Hoàng Bá Uyển Lăng Lục)

II- Hỏi:

- Thánh nhân vô tâm thì là Phật, còn phàm nhân vô tâm há có phải là chìm đắm trong không tịch ru ?

Sư đáp:

- Vạn vật vốn không phân biệt phàm thánh, cũng không chìm đắm vào không tịch. Vạn vật vốn không có, vậy chẳng nên nhìn thành không. Vạn vật vốn chẳng không, vậy chẳng nên nhìn thành có. Có và không đều vọng tình mà thấy nên coi như ảo ảnh. Sở dĩ nói: Cái thấy, cái nghe như đồng ảo ảnh, có tri có giác chính là chúng sanh. Tổ sư trong pháp môn chỉ yêu cầu ngừng dứt cơ duyên, quên bẳng kiến thức. Cho nên quên bẳng kiến thức thì đạo Phật long thạnh, còn phân chiết biện biệt thì quân ma dấy lên.

(Theo Hoàng Bá Uyển Lăng Lục)

III- Một hôm sư thượng đường khai thị đại chúng rằng:

... Khuyên các anh em, nhân lúc thân thể còn khỏe mạnh, đem đại sự tìm hiểu rõ ràng, đừng để người ta dối gạt. Cái khóa rốt ráo cũng dễ thôi, chỉ tại các ông không chịu hạ thủ công phu, cái mà các ông cho là khó thật ra không khó. Nói các ông nghe, trên cây phông phải xuất hiện ngay mộc tiêu. Các ông phải tự mình động thủ gia công thì mới được. Giả như mình là nam tử hán xem đến công án: Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu con chó có Phật tánh không, Triệu Châu đáp không; rồi là thời thời, khắc khắc lưu tâm chăm bẳm hỏi vì sao lại đáp chữ không đó, ban ngày tham cứu, ban đêm tham cứu, đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, tiêu tiểu đều chuyên tâm trí ý, phấn chấn tinh thần, ôm ấp… Ngày rộng tháng dài, dung hiệp thành một thể không còn đối đãi, rồi bỗng nhiên tâm hoa bừng nở, tỉnh ngộ cơ duyên Phật cùng Tổ, không còn bị miệng lưỡi mấy lão Hòa thượng trong đời dối gạt, có thể nói lớn lối: Tổ sư Đạt-ma từ Tây lại chỉ là mặt nước không gió mà nổi sóng to, Thế Tôn nâng hoa chỉ là một trường thua bại. Đến trình độ đó thì đừng nói cỡ Diêm vương, ngay cả ngàn thánh cũng không có biện pháp nào bắt các ông. Không tin phải không, vì chuyện đó kỳ lạ quá, làm sao mà được như thế. Sự ngại người hữu tâm. Hãy nghe bài thơ:

Thoát khỏi trần lao chuyện phi thường

Mau lấy đầu dây làm một phương

Nếu chẳng một phen lạnh thấu cốt

Làm sao mũi ngửi được mai hương.

(Theo Hoàng Bá Uyển Lăng Lục)

IV- Sư đang lễ Phật trên điện chỗ Diêm Quan. Lúc đó Đường Tuyên Tông đang làm sa-di hỏi:

- Không hướng Phật cầu, không hướng pháp cầu, không hướng tăng cầu, trưởng lão lễ bái là mong cầu cái gì ?

Sư đáp:

- Không hướng hướng Phật cầu, không hướng pháp cầu, không hướng tăng cầu, chỉ thông thường lễ bái như thế.

Sa-di hỏi:

- Dùng lễ bái để mà chi ?

Sư liền tát. Sa-di nói:

- Thô lỗ quá !

Sư nói:

- Nơi đây là đâu mà nói thô nói tế.

Nói xong lại tát nữa.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

V- Sư nhân có sáu ông tăng mới đến, trong đó năm ông lễ bái, còn một ông quơ tọa cụ vẽ một vòng tròn. Sư nói:

- Ta nghe có một con chó săn rất hung ác.

Tăng nói:

- Tìm tiếng linh dương mà đến đây.

Sư nói:

- Linh dương không lên tiếng để ông tìm đâu.

Tăng nói:

- Tìm dấu chân linh dương mà đến.

Sư nói:

- Linh dương không lộ dấu chân cho ông tìm đâu.

Tăng nói:

- Tìm hành tung của linh dương mà đến.

Sư nói:

- Linh dương không để lộ hành tung cho ông tìm đâu.

Tăng nói:

- Nếu như thế thì chỉ là linh dương chết mà thôi.

Sư bèn dừng không nói nữa.

Ngày hôm sau, sư thăng đường nói:

- Ông tăng tìm linh dương hôm qua bước ra coi.

Tăng liền bước ra. Sư nói:

- Hôm qua công án chưa dứt mà ta ngừng lại, ông làm gì nào ?

Tăng không lời đối đáp. Sư nói:

- Những tưởng là thiền tăng đầy bản sắc, hóa ra chỉ là gã sa-môn ôm chết nghĩa lý.

Nói xong đánh đuổi ra khỏi Pháp đường.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

 

Truyền Tâm Pháp Yếu

Của Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vận

Hà Đông Bùi Hưu tập soạn

 

Có vị đại Thiền sư hiệu Hy Vận, trụ dưới ngọn Thứu Phong núi Hoàng Bá ở Cao An Hồng Châu, là đích tôn của Lục Tổ Tào Khê, đích tử của Bách Trượng Hoài Hải, cháu của Tây Đường, riêng đeo ấn tối thượng thừa, rời xa văn tự, chỉ truyền nhất tâm, chớ không pháp nào khác. Tâm thể cũng không, muôn duyên đều rỗng lặng, giống như bánh xe mặt trời to trên hư không, chiếu diệu thanh tịnh, chẳng chút bụi dơ. Chứng ngộ không mới cũ, không cạn sâu. Thuyết giáo không lập nghĩa giải, không lập Tông chỉ, chẳng khai môn phái. Nói ngay là đúng, động niệm tức kẹt, sau đó mới là căn bản của Phật. Cho nên lời nói của sư giản dị, lý lẽ của sư thẳng ngay, đạo của sư cao chót vót, hạnh của sư cô kết. Học đồ bốn phương, nhắm núi mà xông lên, nhìn tướng mà ngộ. Hải chúng tới lui, thường hơn ngàn người. Bùi Hưu tôi vào năm Hội Xương thứ hai làm liêm sứ ở Chung Lăng, nghinh sư từ núi đến phủ châu, nghỉ ở chùa Long Hưng, sớm hôm hỏi đạo. Năm Đại Trung thứ hai, Bùi Hưu tôi làm liêm sứ ở Uyển Lăng, lại kính lễ nghinh sư đến sở bộ, ngụ chùa Khai Nguyên, sớm hôm thọ pháp. Lui ra cố nhớ, mười phần được một hai, đeo làm tâm ấn, nhưng không dám phát dương ra. Nay vì sợ nghĩa thần tinh không truyền nghe tới đời sau, nên xin nêu ra, đưa cho tăng môn hạ của sư là Thái Châu Pháp Kiến, đem về chùa Quảng Đường nơi núi cũ, thỉnh cầu Trưởng Lão Pháp Chúng, hỏi cùng với những điều mà ngày xưa Trưởng Lão đích thân được nghe, giống khác thế nào.

Ngày mùng 8, tháng 10, năm Đường Đại Trung thứ mười một.

- Chư Phật và tất cả chúng sanh, duy chỉ một tâm, chớ không có pháp nào khác. Tâm này từ vô thỉ đến nay, không từng sanh không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc Có Không, không kể mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, vượt qua mọi dấu tích đối đãi về hạn lượng, tên gọi, lời nói, dấu tích. Đương thể là đúng, động niệm tức sai. Giống như hư không, chẳng có ngằn mé, không thể đo đạc. Duy chỉ một tâm ấy là Phật. Phật cùng chúng sanh, chẳng có gì sai khác. Nhưng bởi chúng sanh trước tướng, tìm cầu bên ngoài thành thất bại. Khiến Phật tìm Phật, đem tâm nắm bắt tâm, hết kiếp trọn hình, rốt lại cũng không được. Chẳng biết dứt niệm quên lự, Phật liền hiện tiền. Tâm ấy là Phật. Phật là chúng sanh. Chúng sanh tức Phật. Phật là tâm ấy. Khi là chúng sanh, tâm ấy chẳng giảm. Lúc làm chư Phật, tâm ấy không thêm. Cho đến lục độ muôn hạnh, hà sa công đức, vốn tự đầy đủ, không cần tu thêm. Gặp duyên thì thi thố, duyên dừng thì tịch diệt. Nếu không quyết định tin như thế, mà muốn trước tướng tu hành để cầu công dụng, đều là vọng tưởng, cùng đạo trái nghịch. Tâm ấy là Phật, mà cũng không có Phật nào khác, mà cũng không có tâm nào khác. Tâm ấy tịnh minh, giống như hư không, chẳng có một điểm tướng mạo gì. Cử tâm động niệm tức trái nghịch với pháp thể, ấy là trước tướng. Từ vô thỉ đến nay, chẳng có Phật do trước tướng. Tu lục độ muôn hạnh, mong cầu thành Phật, ấy là hạng thứ. Từ vô thỉ đến nay, chẳng có Phật hạng thứ. Chỉ cần ngộ nhất tâm, chớ không có chút pháp nào có thể đắc. Đó là chân Phật. Phật với chúng sanh, một tâm không khác, giống như hư không, không tạp, không hoại, như bánh xe mặt trời to lớn, chiếu khắp thiên hạ. Lúc mặt trời chiếu, ánh sáng trùm thiên hạ, thì hư không cũng chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn, tối khắp thiên hạ, hư không cũng chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự đun đẩy lấn chiếm nhau, nhưng tánh của hư không vẫn khuyếch nhiên không biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế. Nếu quán Phật là tướng quang minh, giải thoát, quán chúng sanh là tướng dơ bẩn, đen tối, sanh tử thì người có kiến giải như thế, trải qua hà sa kiếp, rốt lại cũng không đắc Bồ-đề, vì do trước tướng. Duy chỉ một tâm, chứ không có một chút xíu như bụi nhỏ pháp nào có thể đắc, đó là Phật. Ngày nay người học đạo không ngộ tâm thể ấy, liền ngay tâm sinh tâm, hướng ngoài cầu Phật trước tướng tu hành, đều là pháp xấu, không phải đạo Bồ-đề. Cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường người không có một tâm nào có thể đắc. Người vô tâm là người không có bất cứ một tâm nào, thể như như, trong ngoài như cây đá, không động, không chuyển, trong ngoài như hư không, không ngăn, không trái, không năng, không sở, không phương sở, không tướng mạo, không được mất. Thú giả không dám vào pháp ấy sợ rơi vào không, chẳng chỗ nương đậu, cho nên hướng bờ mà lui. Văn Thù đương lý, Phổ Hiền đương hạnh. Lý là lý chân không vô ngại. Hạnh là hạnh rời tướng không cùng. Quán Âm đương đại từ. Thế Chí đương đại trí. Duy-ma là Tịnh Danh. Tịnh ấy là tánh. Danh ấy là tướng. Tánh tướng không khác, gọi là Tịnh Danh.

Biểu hiện của chư đại Bồ-tát, mọi người đều có cả. Không rời một tâm, ngộ ấy là phải. Người học đạo ngày nay không hướng về trong tự tâm ngộ mà tìm ngoài tâm, trước tướng thủ cảnh, đều trái với đạo. Số cát sông Hằng, Phật thuyết là cát. Chư Phật, Bồ-tát, Thích Phạm, chư Thiên đi bộ mà qua, cát cũng không vui. Bò dê, sâu kiến, giẫm đạp mà qua, cát cũng chẳng giận. Châu báu, hương thơm, cát cũng không ham. Phân, nước tiểu dơ bẩn hôi hám, cát cũng không ghét. Tâm ấy là tâm vô tâm. khỏi mọi tướng, thì Phật và chúng sanh đều không sai khác. Vậy nên vô tâm thì là cứu cánh. Người học đạo nếu không vô tâm ngay, bao kiếp tu hành rốt lại cũng không thành đạo, bị công hạnh tam thừa trói buộc, chẳng được giải thoát. Nhưng chứng tâm ấy thì có mau chậm. Có người nghe pháp chỉ một niệm là vô tâm ngay. Có người phải qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập quá, rồi mới được vô tâm. Có người lại phải đến thập địa mới được vô tâm. Mau chậm gì được vô tâm là trụ, lại chẳng thể tu cũng không thể chứng, thật chẳng có chỗ đắc, chân thật không hư dối. Một niệm mà cùng thập địa đắc vậy. Công dụng vừa khớp, cũng chẳng cạn sâu, chỉ là bao kiếp luống nhận cần khổ thôi. Làm ác, làm lành, đều là trước tướng. Trước tướng tạo ác, luống chịu luân hồi. Trước tướng tạo thiện, luống chịu lao khổ. Tất cả đều không bằng ngay lời nói tự nhận thủ bổn pháp. Pháp đó là tâm. Ngoài tâm không pháp, tâm ấy là pháp, trong pháp không tâm, tâm tự không tâm mà cũng không không tâm vậy. Đem tâm không tâm, tâm tức thành có vậy. Mặc khế mà thôi, dứt mọi tư lường, cho nên mới nói ngôn ngữ dừng bặt, tâm hành xứ diệt. Tâm ấy là nguồn gốc Phật thanh tịnh, mọi người đều có cả. Loài súc sanh xuẩn động cùng với chư Phật Bồ-tát đều một thể không khác. Chỉ vì vọng tưởng phân biệt, tạo bao nhiêu là nghiệp. Quả nơi bổn Phật, thật không một vật, chỉ hư thông rỗng rang sáng diệu an lạc mà thôi. Hết sức ngộ nhẫn, ngay đó liền đúng. Tròn đầy đủ cả, chẳng thiếu thứ chi. Dầu cho tam tằng kiếp tu hành, trải qua các địa vị, cho đến lúc chứng thì chỉ chứng Phật nguyên lai tự có, hướng thượng lại cũng không thêm được một vật. Quán công dụng bao kiếp, đều là việc làm mê vọng trong mộng. Cho nên Như Lai mới nói: Ta nơi A-nậu Bồ-đề thật chẳng có đắc gì cả. Nếu vọng thấy có gì đắc, Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho. Lại nói: Pháp này bình đẳng chẳng có thấp cao, gọi là Bồ-đề. Tức tâm thanh tịnh bổn nguyên. Cùng chúng sanh, chư Phật thế giới, sơn hà hữu tướng, vô tướng, trùm thập phương giới, nhất thiết đều bình đẳng, chẳng có tướng ta người. Tâm thanh tịnh bổn nguyên này thường tự tròn sáng, chiếu khắp. Người đời chẳng ngộ, chỉ nhận kiến văn giác tri làm tâm, bị kiến văn giác tri che phủ, vì thế mà đại đố tinh minh bản thể, chỉ trực hạ vô tâm. Bản thể tự hiện, giống như bánh xe mặt trời to lên trên hư không, chiếu khắp mười phương mà không chút trở ngại. Cho nên người học đạo duy nhẫn kiến văn giác tri làm động tác, không rỗng kiến văn giác tri thì tâm lộ tuyệt không chỗ không người. Nếu ở kiến văn giác tri mà nhận bản tâm, nhưng bản tâm không thuộc kiến văn giác tri, mà cũng không rời kiến văn giác tri, nhưng không nên nơi kiến văn giác tri mà khởi kiến giải, không nên nơi kiến văn giác tri cần niệm, cũng đừng rời kiến văn giác tri tìm tâm, cũng đừng bỏ kiến văn giác tri để thủ pháp. Không tức không rời, không trụ, không trước, tung hoành tự tại, không đâu là không phải đạo tràng.

Người đời nghe nói chư Phật đều truyền tâm pháp thì cho rằng nơi tâm riêng có một pháp khả chứng, khả thủ, bèn đem tâm tìm pháp mà không biết tâm tức là pháp, pháp tức là tâm. Không thể đem tâm mà cầu tâm, trải ngàn muôn kiếp, rốt lại cũng không có ngày được. Không bằng đương hạ vô tâm, đó tức là bổn pháp. Như viên ngọc trên trán lực sĩ, ẩn giấu trong trán, rồi hướng ngoài tìm cầu trọn mười năm rốt lại cũng không tìm được. Trí giả chỉ cho, bấy giờ mới tự thấy viên ngọc cũ còn như trước. Người học đạo mê bổn tâm mình, không nhận là Phật, liền hướng ngoài tìm cầu, khởi công hành y trước sau, chứng quả vị, bao kiếp cần cầu, nguyên không thành đạo. Không bằng ngay đó vô tâm, quyết định biết nhất thiết pháp vốn không sở hữu, cũng không sở đắc, không trụ, không nương, không năng, không sở, không động vọng niệm, liền chứng Bồ-đề. Đến khi chứng đạo, chứng Phật bổn tâm, bao kiếp công dụng đều là tu hành hư luống. Như lực sĩ lúc được châu, chỉ được hột châu nơi trán mình, chẳng liên quan đến sức lực hướng ngoài tìm cầu, nên Phật mới nói: Ta nơi A-nậu Bồ-đề không có gì đắc cả. Sợ người không tin, nên mới dẫn năm nhãn để nhìn, năm lời để nói, chân thật không hư dối, đó là đệ nhất nghĩa đế vậy.

Người học đạo chớ nghi bốn đại là thân. Bốn đại không ngã. Ngã cũng không chủ. Cho nên biết thân này không ngã cũng không chủ. Năm ấm không ngã, cũng không chủ, cho nên biết tâm này không ngã cũng không chủ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức hòa hợp sanh diệt, cũng lại như vậy. Mười tám giới đã không nhất thiết đều không. Chỉ có bản tâm thản nhiên thanh tịnh. Có thức thực, có trí thực. Thân bốn đại đói khát thì bịnh, tùy sự kết dưỡng, không sanh tham trước, gọi là trí thực. Tư tình thủ vị, vọng sanh phân biệt, chỉ cần khoái miệng, không sanh nhàm bỏ, gọi là thức thực. Bậc Thanh văn, nhân nghe mà được độ, gọi là Thanh văn. Nhưng không hiểu tự tâm, ngay nơi thanh giáo mà khởi kiến giải hoặc nhân thần thông, hoặc nhân tướng tốt nói năng vận động nghe có Bồ-đề Niết-bàn, trải ba a-tăng-kỳ kiếp tu thành đạo Phật đều thuộc đạo Thanh văn, gọi là Thanh văn. Phật duy ngay đó đốn liễu tự tâm, bổn lai là Phật, chẳng có pháp nào có thể đắc, không một hạnh nào có thể tu, đó là đạo vô thượng. Đó là Phật chân như. Người học đạo chỉ sợ có một niệm, tức cùng đạo cách xa vậy. Niệm niệm vô tướng, niệm niệm vô vi, tức là Phật. Người học đạo nếu muốn thành Phật thì nhất thiết Phật pháp đều không cần học, chỉ học không cầu, không trước. Không cầu thì tâm không sanh, không trước thì tâm không nhiễm. Không sanh, không nhiễm, ấy là Phật vậy. Tám muôn bốn ngàn pháp môn để đối trị lại tám muôn bốn ngàn phiền não, đó là pháp môn giáo hóa, tiếp dẫn, vốn không một pháp. Rời tức là pháp. Biết rời là Phật vậy. Nhưng chỉ nên rời tất cả mọi phiền não, không có pháp nào đắc cả.

Người học đạo muốn biết yếu quyết, thì chớ nơi tâm trước một vật nào cả. Nói Pháp thân Phật như hư không, đó là ví dụ Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân vậy. Người thường cho rằng Pháp thân trùm khắp chốn hư không. Trong hư không ngậm chứa Pháp thân, mà không biết hư không tức Pháp thân, vì hư không tức Pháp thân vậy. Nếu xác định lời nói có hư không thì hư không chẳng phải Pháp thân. Xác định lời nói có Pháp thân thì Pháp thân không phải hư không. Nhưng nếu không dùng kiến giải hư không, hư không tức Pháp thân. Không dùng kiến giải Pháp thân, thì Pháp thân tức hư không. Hư không và Pháp thân không có tướng khác nhau. Phật cùng chúng sanh không có tướng khác nhau. Sanh tử và Niết-bàn không có tướng khác nhau. Phiền não và Bồ-đề không có tướng khác nhau. Rời tất cả mọi tướng ấy là Phật. Phàm phu thủ cảnh, đạo nhân thủ tâm. Tâm cảnh cùng quên bỏ, ấy là chân pháp. Quên cảnh còn dễ, quên tâm khó vô cùng. Người không dám quên tâm vì sợ rơi vào không, chẳng có nơi lặn mò. Không biết không bổn chẳng không, chỉ là một giới chân thật thôi.

Tánh linh giác ấy, từ vô thỉ đến nay, thọ cùng không hư, chưa từng sanh mà cũng chưa từng diệt. Chưa từng có, mà cũng chưa từng không. Chưa từng nhơ, mà cũng chưa từng sạch. Chưa từng ồn ào mà cũng chưa từng tịch lặng. Chưa từng trẻ mà cũng chưa từng già. Không phương hướng, chỗ nơi. Không trong ngoài. Không số lượng. Không hình tướng. Không sắc tượng, không âm thanh. Không thể tìm, không thể cầu. Không thể dùng trí tri thức giải thích, không thể lấy lời lẽ chỉ ra, không thể dùng cảnh vật miêu tả, không thể dùng công dụng mà đạt đến. Chư Phật và tất cả mọi loài xuẩn động chúng sanh đồng tánh đại Niết-bàn. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật. Phật tức là pháp. Một niệm ly chân, đều là vọng tưởng. Không thể lấy tâm mà cầu nơi tâm. Không thể lấy Phật mà cầu nơi Phật. Không thể lấy pháp mà cầu nơi pháp. Cho nên người tu đạo ngay nơi đó vô tâm mặc khế. Còn nếu nghĩ ngợi dụng tâm là sai. Lấy tâm truyền tâm, ấy là chánh kiến. Xin đừng hướng bên ngoài đuổi theo cảnh làm tâm, đó là nhận giặc làm con. Do có tham, sân, si mà lập giới, định, tuệ. Nếu vốn không phiền não thì sao lại có Bồ-đề. Cho nên Tổ sư nói: Phật nói tất cả mọi pháp đều trừ tất cả mọi tâm. Ta không có nhất thiết tâm, thì dùng nhất thiết pháp mà chi. Nơi Phật bổn nguyên thanh tịnh, không nên chấp trước bất cứ một vật nào. Thí như hư không tuy dùng vô lượng trân bảo mà trang sức, rốt lại cũng không thể trụ được. Phật tánh cũng giống như hư không, tuy lấy vô lượng trí tuệ, công đức mà trang sức, rốt lại cũng không thể trụ được. Nhưng kẻ mê bản tánh thì lại không thể thấy được.

Cái gọi là pháp môn tâm địa, muôn pháp đều nương theo tâm ấy mà kiến lập. Ngộ cảnh tức có, không cảnh tức không. Không thể nơi tánh thanh tịnh mà lấy cảnh kiến giải. Vì vậy mới nói gượng định tuệ một mình tịch tịnh lặng lờ kiến văn giác tri, đều là nơi cảnh tác giải. Tạm nói cho bậc trung hạ thì được, còn nếu muốn thân chứng, đều không thể dùng kiến giải như thế. Tất cả đều là cảnh trói buộc. Pháp cũng có chỗ có và không. Không nơi chỗ có, nhưng nơi tất cả mọi pháp không không tác hữu kiến, tức kiến pháp.

Từ Tổ sư Đạt-ma đến Trung Quốc, duy nói một tánh, duy truyền một pháp. Lấy Phật truyền Phật, không nói Phật nào khác. Lấy pháp truyền pháp, không truyền pháp nào khác. Pháp tức là pháp không thể nói. Phật tức là Phật không thể thủ. Ấy là tâm bổn nguyên thanh tịnh vậy. Duy có sự thật ấy, cái gì khác tức không phải chân. Lấy Bát-nhã là tuệ. Tuệ ấy tức là gốc của vô tướng.

Phàm phu không biết thú hướng đạo, chỉ buông thả lục tình, bèn thi hành lục đạo. Tức sau khi học đạo, một niệm kể sanh tử, tức rơi vào chư ma đạo. Một niệm khởi các kiến, tức rơi vào ngoại đạo. Kiến có sanh, thú có diệt, tức rơi vào đạo Thanh văn. Không kiến có sanh, chỉ kiến có diệt, tức đạo Duyên Giác. Pháp vốn không sanh, nay cũng không diệt. Chẳng khỏi nhị kiến. Không ghét, không thích. Tất cả mọi pháp đều là một tâm, sau đó mới là Phật thừa.

Người phàm đều đuổi theo cảnh mà sanh tâm. Tâm theo ưa ghét. Nếu muốn không cảnh nên quên tâm ấy. Tâm quên tức cảnh không. Cảnh không tức tâm diệt. Không quên tâm mà trừ cảnh, cảnh không thể trừ, chỉ làm cho nhiễu loạn thêm. Cho nên muôn pháp duy tâm, tâm cũng không thể đắc, há lại cần cầu sao ?

Người học pháp Bát-nhã, không thấy một pháp nào có thể đắc, tuyệt ý tam thừa. Chỉ nhất chân thật, không thể chứng đắc. Nói ta có thể chứng, có thể đắc, đều là kẻ tăng thượng mạn. Nơi hội Pháp Hoa, phất tay áo mà ra đi, đều là bọn người ấy. Cho nên Phật mới nói: Ta nơi Bồ-đề thật không có gì đắc cả, chỉ mặc khế mà thôi.

Kẻ phàm phu muốn tu chứng, lại quán năm uẩn đều không, bốn đại không ngã, chân tâm vô tướng, không tới, không lui. Lúc chết tánh không đi, trạm nhiên tròn lặng, tâm cảnh nhất như. Nếu ngay được ngay đó hiểu liền, không bị tam thế trói buộc, liền ra khỏi thế nhân, nhất thiết không được có chút xíu thú hướng nào. Nếu thấy tướng lành của chư Phật đến đón tiếp, cùng đủ thứ hiện tiền, cũng không tâm nương theo. Nếu thấy tướng ác đủ thứ hiện tiền, cũng không có tâm kinh sợ, mà phải tự quên tâm đồng với pháp giới, liền được tự tại.

Phàm nói tới Hóa Thành, nhị thừa cùng thập địa cho đến đẳng giác, diệu giác, đều là giáo pháp tạm thời lập ra để tiếp dẫn, đều là Hóa Thành cả. Nói đến Bảo Sở là bảo tự tánh chân tâm bổn Phật. Báu này không thuộc tình lượng, không thể kiến lập, không Phật, không chúng sanh, không năng không sở, nơi nào mà có thành ? Nếu hỏi ra đó đã là Hóa Thành thì còn chỗ nào là Bảo Sở. Bảo sở không thể chỉ ra. Chỉ ra tức không có Bảo Sở, là sở không chân thật. Cho nên mới nói: Chỉ gần đây thôi, tại gần đây không thể lấy định lượng mà nói, mà chỉ đương thể khế hội mới đúng. Còn xiển-đề tin không đầy đủ. Tất cả chúng sanh trong lục đạo, cho đến nhị thừa, không tin có quả Phật, đều cho là xiển-đề đứt gốc rễ. Bồ-tát tin sâu một pháp Phật không thấy có đại thừa hay tiểu thừa. Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh, nên mới cho đó là xiển-đề gốc rễ lành. Đại để nhân nghe giáo pháp mà ngộ gọi là Thanh văn. Quán nhân duyên mà ngộ gọi là Duyên giác. Nếu không hướng trong tâm mà ngộ, tuy đến thành Phật cũng chỉ là Phật Thanh văn. Người học đạo nơi pháp mà ngộ chứ không ngộ nơi tâm, tuy tu hành trong bao kiếp, rốt lại cũng không phải là bổn Phật. Nếu không tâm ngộ, mà là pháp ngộ, tức khinh tâm mà coi trọng pháp, liền thành rượt đuổi khối, quên mất bản tâm. Cho nên chỉ cần khế ngộ bản tâm, chẳng cần cầu pháp, bởi tâm là pháp vậy.

Người phàm phần nhiều cho cảnh ngăn chặn tâm, sự ngăn chặn lý, thường muốn trốn cảnh để an tâm, gạt bỏ sự, giữ lấy lý, mà không biết chính tâm ngăn trở cảnh, lý ngăn trở sự. Chỉ cần khiến tâm không là cảnh tự không, lý tịch là sự tự tịch, không nên trái lại dụng tâm.

Người phàm phần nhiều không chịu không tâm vì sợ rơi vào không, mà chẳng biết tự tâm vốn không. Kẻ ngu trừ bỏ sự, không trừ tâm. Kẻ trí trừ tâm, không trừ sự. Tâm Bồ-tát như hư không, tất cả đều buông bỏ. Chuyện làm phước đức, đều không tham trước. Nhưng buông bỏ có ba hạng: Trong ngoài thân tâm tất cả đều buông bỏ, giống như hư không, chẳng có gì thủ trước, sau đó mới tùy phương mà ứng vật, năng và sở đều quên, gọi là buông bỏ lớn. Còn nếu một bên hành đạo bố đức, một bên lại buông bỏ chẳng hy vọng ở tâm, gọi là buông bỏ hạng trung. Nếu rộng tu các thứ thiện, có điều hy vọng, nghe pháp biết lẽ không, liền không tham trước, gọi là buông bỏ nhỏ. Buông bỏ lớn như lửa đuốc phía trước mặt, chẳng có mê ngộ. Buông bỏ hạng trung như lửa đuốc bên hông, lúc sáng, lúc tối. Buông bỏ nhỏ như lửa đuốc ở phía sau, không thấy hầm hố. Cho nên tâm Bồ-tát như hư không, tất cả đều buông bỏ. Tâm quá khứ không thể đắc, là buông bỏ ở quá khứ. Tâm hiện tại không thể đắc, là buông bỏ ở hiện tại. Vị lai tâm không thể đắc, ấy là buông bỏ ở vị lai. Đó gọi là ba đời đều buông bỏ. Từ Như Lai phó pháp cho Ca Diếp đến nay, lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Năng ấn, sở ấn, thì đều khó khế hội. Cho nên người đắc ít lắm. Nhưng tâm tức vô tâm, đắc tức chẳng đắc.

Phật có ba thân. Pháp thân nói pháp tự tánh linh thông. Báo thân nói pháp nhất thiết thanh tịnh. Hóa thân nói pháp lục độ vạn hạnh. Pháp thân thuyết pháp không dùng lời lẽ, âm thanh, hình tượng, chữ nghĩa. Không chỗ nói, không chỗ chứng, tự tánh linh thông mà thôi. Cho nên mới nói: Chẳng có pháp nào để nói, ấy là thuyết pháp. Báo thân, hóa thân đều tùy cơ mà cảm hiện. Cái gọi là thuyết pháp, cũng tùy sự, ứng căn cho là nhiếp hóa, đều không phải chân pháp. Cho nên mới nói: Báo hóa không phải chân Phật, cũng không phải là người thuyết pháp.

Cái gọi là đồng, là một tinh minh phân thành sáu hòa hợp. Một tinh minh là một tâm. Sáu hòa hợp là sáu căn, mỗi căn đều cùng với trần hợp. Mắt cùng sắc hợp, tai cùng thanh hợp, mũi cùng mùi hợp, lưỡi cùng vị hợp, thân cùng xúc hợp, ý cùng pháp hợp. Khoảng giữa sanh sáu thức làm thành mười tám giới. Nếu hiểu rành mười tám giới đều không, chẳng có gì là sở hữu, trói sáu hòa hợp lại thành một tinh minh. Một tinh minh ấy là tâm vậy. Người học đạo đều biết việc đó nhưng chớ có miễn cưỡng kiến giải nhất tinh minh, sáu hòa hợp mà bị pháp trói, chẳng khế hợp bản tâm.

Như Lai hiện đời, muốn nói chân pháp một thừa, nhưng như thế thì chúng sanh chẳng tin sanh ra hủy báng, đắm chìm vào biển khổ. Còn nếu tất cả đều không nói thì Phật đọa tiếc sẻn, không vì chúng sanh mà phổ xá đạo mầu, mới phương tiện nói ba thừa. Thừa có lớn nhỏ, đắc có cạn sâu, đều không phải bổn pháp. Cho nên nói: Chỉ nhất thừa đó mà nói, mọi cái khác đều chẳng phải chân. Nhưng rốt lại cũng chưa có thể hiển dương pháp nhất tâm. Cho nên mới triệu Ca Diếp đến cùng pháp tòa, riêng trao pháp nhất tâm rời xa lời lẽ. Pháp nhất chi đó nay biệt hành. Nếu ai có thể khế hiệp thì đến được đất Phật.

CHÚ: Trong bài Truyền Tâm Pháp Yếu này có sửa 11 chỗ bỏ đi 3 chữ, thêm vào 9 chữ. Căn cứ theo Tứ gia lục và biệt lục.

Kệ truyền tâm của tướng quốc Bùi Hưu :

Tôi ở Uyển Lăng và Chung Lăng đều được thân gần thiền sư Hoàng Bá Hy Vận, được ngài truyền trọn tâm yếu, bèn làm bài kệ Truyền tâm vậy:

Tâm không thể truyền

Khế hợp làm truyền

Tâm không thể thấy

Lấy vô làm thấy

Khế cũng không khế

Vô cũng chẳng vô

Hóa thành chẳng trụ

Trán mê có châu

Châu là cưỡng gọi

Thành há có hình

Tâm ấy là Phật

Phật tức chẳng sanh

Ngay đó là đúng

Đừng cầu, đừng tìm

Khiến Phật tìm Phật

Hao phí công trình

Tùy pháp sanh giải

Tức rơi giới ma

Phàm thánh chẳng phân

Liền rời thấy nghe

Vô tâm như gương

Cùng vật không tranh

Vô niệm như không

Chẳng vật không chứa

Pháp ngoài tam thừa

Bao kiếp chẳng gặp

Nếu được như thế

Vị hung xuất thế.

Từng nghe Đại sĩ Hà Đông đích thân gặp đạo sư Cao An truyền cho tâm yếu năm xưa, trước tác kệ để chỉ dạy đời sau, đốn khai kẻ mù điếc, chiếu diệu đan thanh. Tôi tiếc chỗ bỏ sót, nên thêm vào vậy. Năm Mậu Tý Khánh Lịch, Nam Tông tự Thiên chân đề.

 

 

THIỀN SƯ HOÀN TRUNG (780 - 862)

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Hoàn Trung núi Đại Từ Hàng Châu, họ Lư, người Bồ Châu. Sư xương trán gồ cao lên, tiếng nói như chuông. Tuổi còn thơ chịu tang mẹ, sư dựng chòi bên mộ bầu bạn với mẹ. Mãn tang, nghĩ báo công ơn sâu nặng khó đền, sư xuất gia tại chùa Đồng Tử ở Tính Châu, sau lên Tung Nhạc thọ giới cụ túc, nghiên tập luật học.

Về sau, Hoàn Trung đến tham kiến Bách Trượng và lãnh hội được Thiền chỉ, cáo từ đến chùa Trường Lạc ở Nam Nhạc, tại đỉnh núi dựng am tranh. Có một hôm, Nam Tuyền đến hỏi:

- Thế nào mới là chủ nhân trong am ?

Hoàn Trung kêu:

- Ối trời ôi! Ối trời ôi!

Nam Tuyền nói:

- Ối trời ôi hãy tạm gác qua bên không nói, thế nào là chủ nhân trong am ?

Hoàn Trung đáp:

- Nếu lãnh hội được thì lãnh hội ngay, đừng ở đó mà lo đau đáu.

Nam Tuyền phất tay áo đi thẳng.

***

Sư trụ núi Đại Từ Chiết Giang, thượng đường nói:

- Sơn tăng ta không biết đáp lời, chỉ hay biết bệnh.

Lúc đó có ông tăng bước ra đứng trước sư. Sư liền bước xuống tòa về phương trượng. Triệu Châu hỏi:

- Bát-nhã lấy gì làm thể ?

Sư đáp:

- Bát-nhã lấy gì làm thể ?

Triệu Châu cả cười đi ra. Hôm sau sư thấy Triệu Châu quét sân, hỏi:

- Bát-nhã lấy gì làm thể ?

Triệu Châu dừng chổi, vỗ tay cả cười. Sư liền quay về phương trượng.

***

Có ông tăng từ giã, sư hỏi:

- Đi về đâu ?

Tăng đáp:

- Tạm đi về Giang Tây.

Sư nói:

- Ta nhờ ông một việc nặng nhọc được không ?

Tăng hỏi:

- Hòa thượng có chuyện gì ?

Sư nói:

- Mang lão tăng theo với.

Tăng nói:

- Dù cho lỗi với Hòa thượng, nhưng thật là không thể làm được.

Sư bèn thôi.

Sau đó, ông tăng này thuật tự sự với Động Sơn. Động Sơn nói:

- Xà-lê sao lại nói thế ?

Tăng nói:

- Hòa thượng thì thế nào ?

Động Sơn nói:

- Được.

Động Sơn lại hỏi ông tăng:

- Thiền sư Đại Từ Hoàn Trung ngoài ra còn có ngôn cú gì ?

Tăng đáp:

- Thiền sư Đại Từ có lúc nói với đại chúng: Nói được một trượng, không bằng làm một thước. Nói được một thước, không bằng làm một tấc.

Động Sơn nói:

- Ta không nói như vậy.

Tăng hỏi:

- Thế nói làm sao ?

Động Sơn nói:

- Hãy nói cái không thể làm, hãy làm cái không thể nói.

Sau gặp lúc Đường Vũ Tông phế Phật giáo, sư mặc áo cộc ẩn cư. Năm Nhâm Thân đời Đại Trung lại xuống tóc mặc nâu sòng, đại xiển dương Tông chỉ.

Ngày rằm tháng 2 năm thứ 3 đời Hàm Thông, không bịnh mà qua đời, thọ 83 tuổi, tuổi lạp 54. Hy Tông thụy phong Tính Không Đại Sư, tháp hiệu Định Tuệ.

 

 

THIỀN SƯ PHỔ NGẠN

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Phổ Ngạn Bình Điền Thiên Thai là người Hồng Châu. Sau khi đắc pháp dưới cửa Bách Trượng Hoài Hải, nghe núi Thiên Thai cảnh đẹp, Thánh hiền thỉnh thoảng xuất hiện, sư nghĩ muốn cao đạp cõi ngoài, xa tìm dấu vết, bèn kết am tranh dưới rừng án tịch. Ngày lại tháng qua bị tứ chứng biết được, xây dựng tinh xá tên là Thiền viện Bình Điền.

Sư có lúc nói với đại chúng rằng:

- Thần quang chẳng mờ, vạn cổ đạo huyền. Vào cửa đó đừng giữ lại tri giải.

Có tăng đến tham yết, sư đánh một gậy. Tăng ấy bước tới chộp lấy gậy. Sư nói:

- Lão tăng vừa rồi đường đột.

Tăng ấy bèn đập sư một gậy. Sư nói:

- Thiền sư thứ cừ ! Thiền sư thứ cừ !

Tăng lễ bái. Sư cầm lại gậy nói:

- Chính xà-lê mới đường đột.

Tăng cả cười. Sư nói:

- Ông tăng này hôm nay đại bại.

Sư có kệ thị chúng rằng:

Đại đạo hư khoáng

Thường nhất chân tâm

Thiện ác vật tư

Thần thanh vật biểu

Tùy duyên ẩm trác

Cánh phục hà vi.

Tạm dịch:

Đạo lớn trống rỗng

Luôn một chân tâm

Đừng nghĩ lành dữ

Đừng lộ tiếng tăm

Theo duyên ăn uống

Chẳng có ăn nhằm.

Về sau qua đời tại bổn viện. Nay tại sơn môn, tháp vẫn còn. Hoàng Triều (Tống) ta càng ra công trùng tu, trang sức, ban cho biển ngạch hai chữ Thọ Xương. Thiền sư Ngạn là Hòa thượng khai sơn của Thọ Xương vậy.

 

 

THIỀN SƯ THƯỜNG QUAN

 PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Thường Quan núi Ngũ Phong Quân Châu. Có tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Ngũ Phong ?

Sư đáp:

- Hiểm trở.

Tăng hỏi:

- Thế nào là người trong cảnh ?

Sư đáp:

- Ách tắt.

***

Có tăng từ giã, sư nói:

- Xà-lê định đi về đâu ?

Tăng nói:

- Đi về Ngũ Đài Sơn.

Sư đưa một ngón tay lên nói:

- Nếu có gặp Văn Thù thì hãy trở lại đây, cùng ông gặp mặt.

Tăng không lời đối đáp.

***

Sư hỏi một ông tăng:

- Ông có thấy bò không ?

Tăng nói:

- Thấy.

Sư hỏi:

- Thấy sừng trái hay thấy sừng phải ?

Tăng không lời đối đáp. Sư tự mình đáp thay:

- Thấy không phải trái.

***

Lại có một ông tăng từ giã, sư nói:

- Ông đi các nơi chớ chê bai lão tăng nơi đây.

Tăng nói:

- Mỗ đây không nói Hòa thượng ở tại chỗ này.

Sư hỏi:

- Ông nói lão tăng ta ở nơi đâu ?

Tăng đưa lên một ngón tay, sư nói:

- Đã sớm chê bai lão tăng rồi.

 

 

THIỀN SƯ TÍNH KHÔNG

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Tính Không núi Thạch Sương Đàm Châu. Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư Tây lại ?

Sư đáp:

- Chừng nào có người dưới giếng sâu ngàn thước, không dùng dây mà đem y lên được thì sẽ hồi đáp ý chỉ Tây lại.

Tăng hỏi:

- Gần đây ở Hồ Nam có Hòa thượng Sướng xuất thế, nói này, nói nọ.

Sư liền gọi chú sa-di:

- Hãy lôi cái thây chết khỏi đây. (Sa-di đó chính là Ngưỡng Sơn).

Về sau, sa-di đem chuyện đó nói lại với Đam Nguyên và hỏi:

- Làm sao đem người dưới giếng lên ?

Đam Nguyên nói:

- Hừm ! Cái gã ngốc này, có ai ở giếng đâu ?

Sa-di sau đó lại hỏi Qui Sơn. Qui Sơn gọi:

- Tuệ Tịch (Ngưỡng Sơn).

Ngưỡng Sơn ứng tiếng dạ. Qui Sơn nói:

- Đem lên rồi đấy !

Về sau, khi trụ trì Ngưỡng Sơn sư thường thuật lại lời lẽ khi xưa nói với đại chúng rằng:

- Ta tại nơi Đam Nguyên đắc danh, tại nơi Qui Sơn đắc địa.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠI AN

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Đại An ở Phước Châu, họ Trần là người châu này. Thuở nhỏ sư thụ nghiệp tại núi Hoàng Bá, tu tập luật thừa, thường tự niệm rằng: Ta tuy cần khổ, nhưng chưa được nghe lý huyền cực, bèn một gậy du phương, định đến Hồng Tỉnh, lộ ra Thượng Nguyên, gặp một ông lão nói với sư rằng:

- Sư tới Nam Xương sẽ có chỗ đắc.

Sư đến chỗ thiền sư Bách Trượng, lễ bái xong hỏi:

- Kẻ học này hy vọng cầu nhận thức Phật, vậy thế nào mới là Phật ?

Bách Trượng đáp:

- Đúng là đang cưỡi bò mà tìm con bò.

Sư hỏi:

- Sau khi nhận thức được Phật rồi thì thế nào ?

Bách Trượng đáp:

- Như người cưỡi bò về đến nhà.

Sư lại hỏi:

- Không biết sau đó thì hộ trì, củng cố thế nào ?

Bách Trượng đáp:

- Giống như người chăn bò, tay cầm roi trông bò, không cho nó giẫm đạp ruộng mạ nhà người.

Sư từ đó lãnh hội chỉ ý, không còn lặn lội khắp nơi tìm cầu.

***

Sư tham gia cùng thiền sư Linh Hựu xây dựng Qui Sơn. Sư cày sâu, cuốc bẳm trợ đạo. Đến khi thiền sư Linh Hựu qui tịch, chúng thỉnh sư nối bước trụ trì.

Sư thượng đường nói:

- Tất cả các vị đến chỗ An này để cầu cái gì ? Nếu muốn làm Phật thì các vị chính là Phật, thế mà lại đi từng nhà xớn xơ xớn xác như bầy nai khát nước chạy theo sóng nắng, biết bao giờ mới tương ưng đây ? Các vị muốn làm Phật, chỉ cần đừng có cái tâm bất tịnh, dơ bẩn, ác giác, vọng tưởng, phan duyên, điên đảo của phần lớn chúng sanh, tức là phải có cái sơ tâm chánh giác. Phật làm sao hướng về nơi nào mà tìm được. Do đó mà An này ở tại núi Qui 30 năm, ăn cơm núi Qui, tiêu tiểu núi Qui, không học Thiền núi Qui, chỉ chăn một con bò tơ, nếu nó đi lạc vào cỏ rậm thì lôi kéo ra. Nếu giẫm đạp mạ lúa của người thì quất roi điều phục nó. Từ lâu thương thay nhận ngôn ngữ của người, như giờ đây biến thành một con bò trắng lộ địa, thường ở trước mặt, suốt ngày lồ lộ, đánh đuổi cũng không chịu đi. Các vị ai cũng có kho báu vô giá, từ cửa mắt phóng quang, chiếu khắp sơn hà, đại địa, từ cửa tai phóng quang, nghe rõ mọi âm thanh tốt xấu, sáu cửa ngày đêm thường phóng quang, cũng còn gọi là phóng quang tam-muội. Các vị không biết nhận ảnh trong thân tứ đại, trong ngoài phù trì, không cho nghiêng ngả, như người gánh nặng đi qua cầu một cây, không được sẩy chân. Mà vật gì nhiệm trì đây để được như vậy. Nếu các vị tìm kiếm tơ tóc thôi thì cũng không thấy được. Cho nên Hòa thượng Chí Công mới nói:

Nội ngoại truy tầm mịch tổng vô

Cảnh thượng thi vi hồn đại hữu.

Tạm dịch:

Trong ngoài tìm kiếm rốt cũng không

Trên cảnh thiết thi toàn có cả.

***

Tăng hỏi:

- Mọi thứ thi vi đều là dụng của Pháp thân, thế nào là Pháp thân ?

Sư nói:

- Tất cả thi vi đều là dụng của Pháp thân.

Tăng hỏi:

- Rời xa năm uẩn, thế nào là bổn lai thân ?

Sư nói:

- Đất, nước, gió, lửa, thọ, tưởng, hành, thức.

Tăng nói:

- Các cái đó là năm uẩn mà.

Sư nói:

- Các cái đó khác năm uẩn.

Hỏi:

- Ấm này vừa tàn, ấm kia chưa sanh thì thế nào ?

Sư nói:

- Ấm này chưa tàn thì cái nào là đại đức ?

Tăng nói:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Nếu lãnh hội ấm này, thì sẽ rõ ấm kia.

Hỏi:

- Đại dụng hiện tiền, không theo nguyên tắc thì thế nào ?

Sư nói:

- Ông nếu dùng được thì cứ dùng.

Tăng liền bỏ hành lý trên vai xuống, đi quanh sư ba vòng. Sư nói:

- Hướng thượng sự, sao không nói ra ?

Tăng ngần ngừ định mở miệng, sư liền đánh và nói rằng:

- Con chồn rừng kia, đi ra đi.

***

Có ông tăng lên pháp đường, nhìn đông, nhìn tây mà không thấy sư, bèn nói:

- Pháp đường đẹp thay, tiếc là không có người.

Sư từ bên trong cửa bước ra nói:

- Cái gì đây ?

Tăng đớ lưỡi.

***

Hòa thượng Tuyết Phong nhân vào núi nhặt được một nhánh cây, hình thù trông như con rắn, liền viết trên lưng con rắn cây:

- Vốn tự thiên nhiên, không cần gọt giũa, rồi gửi cho sư.

Sư nói:

- Bản sắc người ở núi. Chẳng có thẹo dao búa.

***

Có người hỏi Sư:

- Phật ở tại đâu ?

Sư đáp:

- Không rời khỏi tâm.

Lại hỏi:

- Người trên ngọn Song Phong được gì ?

Sư đáp:

- Pháp chẳng có chi được. Dầu cho được đi nữa, được vốn không được.

***

Có ông tăng hỏi:

- Quân giặc Hoàng Sào đến, Hòa thượng trốn lánh nơi nào ?

Sư đáp:

- Trong núi năm uẩn.

Tăng hỏi:

- Nếu bị chúng bắt được thì thế nào ?

Sư đáp:

- Tướng quân não loạn.

Sư đại hóa Mân thành hơn 20 năm. Ngày 22 tháng 10 năm Đường Trung Hòa thứ ba, sư tại chùa Hoàng Bá bịnh nặng mà qua đời. Tháp dựng tại núi Lăng Già, thụy hiệu Viên Trí Thiền Sư, tháp hiệu Chứng Chân.

 

 

THIỀN SƯ THẦN TẢN (TÁN)

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Thần Tản chùa cổ Linh Phước Châu. Ban sơ, sư tu tập Phật pháp tại chùa Đại Trung Phước Châu. Sau đi hành cước gặp Bách Trượng mà đắc pháp, bèn quay lại chùa cũ. Thầy thụ nghiệp hỏi:

- Ông rời ta đi ra ngoài được sự nghiệp gì ?

Sư đáp:

- Không có sự nghiệp gì cả.

Thầy truyền nghiệp bèn giao sư làm tạp dịch. Lần nọ đang tắm rửa, thầy bảo sư kỳ hờm lưng. Thần Tản vỗ lưng thầy nói:

- Một tòa điện Phật đồ sộ như thế này, chỉ tiếc là Phật chẳng thánh minh.

Thầy sư quay đầu nhìn lại, sư nói:

- Tuy không Thánh minh nhưng lại có thể phóng ánh sáng.

***

Lại lần khác, thầy đang xem kinh dưới cửa sổ thì có một con ong đâm đầu vào giấy dán cửa định bay ra ngoài. Sư thấy thế bèn nói:

- Thế giới rộng thênh thang lại không chịu theo đó mà ra, cứ lo dùi giấy cũ, biết đến đời nào mới ra được ?

Thầy bỏ quyển kinh xuống hỏi:

- Ông đi hành cước gặp được ai ? Đã mấy lần ta nghe ông nói lời dị thường.

Sư đáp:

- Con từng được hòa thượng Bách Trượng chỉ cho con đường ngộ nhập, nay quay về định báo ơn đức của sư phụ.

Thầy bèn bảo đại chúng chuẩn bị tiệc chay, mời Thần Tản thuyết pháp.

Sư đăng tòa cử xướng môn phong của Bách Trượng, nói:

- Linh quang độc diệu, hồi thoát căn trần, thể lộ chân thường, không câu nệ chữ nghĩa, tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành. Chỉ cần rời khỏi vọng duyên là Như Như Phật,

Sư thầy ngay lời nói cảm ngộ nói:

- Ngờ đâu lão tăng ta cũng nghe được chuyện cực tắc.

***

Về sau, sư trụ Cổ Linh tựu chúng thuyết pháp. Mấy năm sau lúc sắp qui tịch, một hôm sư cạo sạch tóc, tắm gội, sau đó dộng chuông cáo thị đại chúng:

- Chư vị có biết vô thanh tam-muội không ?

Đại chúng đáp:

- Không biết.

Sư nói:

- Mọi người hãy lắng tai nghe, đừng nghĩ đến điều gì khác.

Mọi người cùng lắng tai nghe thì sư an nhiên qui tịch. Ngày nay tháp còn tại bổn sơn.

 

 

THIỀN SƯ THÔNG

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Thông chùa Hòa An, thụ nghiệp tại chùa Song Lâm Vụ Châu. Từ nhỏ sư ít nói năng nên người thời đó gọi sư là Bất Ngữ Thông (Ông Thông Không Nói).

Sư đang lạy Phật. Có Thiền giả hỏi:

- Cái mà tòa chủ lạy đó là cái gì vậy ?

Sư đáp:

- Là Phật.

Thiền giả bèn chỉ tượng hỏi:

- Cái này là cái gì ?

Sư không lời đối đáp. Đến đêm, sư cụ oai nghi lễ bái hỏi Thiền giả:

- Câu hỏi hôm nay, mỗ đây không hiểu ý chỉ thế nào ?

Thiền giả hỏi:

- Tòa chủ trải qua mấy hạ an cư rồi ?

Đáp:

- Đã mười hạ.

Thiền giả hỏi:

- Có từng xuất gia chưa vậy ?

Sư đâm ra ngớ ngẩn. Thiền giả nói:

- Nếu không lãnh hội thì dù cho có trải qua trăm hạ, cũng chẳng ăn thua gì.

Thiền giả bèn bảo sư cùng mình đến tham yết Mã Tổ, nhưng khi đến Giang Tây thì Mã Tổ đã viên tịch, bèn đến tham yết Bách Trượng, tức khắc vỡ vạc nghi tình.

***

Có người hỏi:

- Sư phải là Thiền sư không ?

Sư đáp:

- Bần đạo chưa từng học Thiền.

Một lát sau, sư gọi người đó. Người đó ứng thanh dạ, sư chỉ cây thung lư. Người đó không lời đối đáp.

***

Có một hôm, sư bảo Ngưỡng Sơn mang chiếc giường tới. Ngưỡng Sơn mang đến. Sư nói:

- Hãy đem trở về chỗ cũ.

Ngưỡng Sơn làm theo lời. Sư hỏi:

- Bên kia giường là vật gì ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Không có vật gì.

Sư hỏi:

- Bên này giường là vật gì ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Không có vật gì.

Sư gọi:

- Tuệ Tịch.

Ngưỡng Sơn ứng tiếng Dạ. Sư bảo:

- Đi đi.

 

 

THIỀN SƯ LONG VÂN ĐÀI

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Thiền sư Long Vân Đài Giang Châu

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Sư nói:

- Lão tăng đêm qua mất một con bò trong chuồng.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO VIỆN VỆ QUỐC KINH TRIỆU

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Có ông tăng đến tham yết, sư hỏi:

- Từ nơi nào đến ?

Tăng đáp:

- Từ Tương Nam lại.

Sư hỏi:

- Nước sông Hoàng Hà trong chưa vậy ?

Tăng không lời đối đáp.

***

Sư nhân bịnh. Có người đến thăm bịnh sư không ra tiếp. Người ấy nói:

- Bấy nay nghe đại đức của Hòa thượng, nay nhân Hòa thượng pháp thể khó ở, thỉnh Hòa thượng cho gặp.

Sư lấy sắt vụn bỏ đầy bình bát bảo thị giả bưng ra đưa. Người đó không lời đối đáp.

 

 

HÒA THƯỢNG VẠN TUẾ Ở TRẤN CHÂU

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Tăng hỏi:

- Đại chúng đã tụ tập đông đủ nên bàn nói điều gì ?

Sư đáp:

- Tự phẩm đệ nhất.

(Qui Tông nói:

- Lễ bái rồi mà).

 

 

HÒA THƯỢNG TUỆ ĐÔNG SƠN HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ của BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI

 

Sư du sơn thấy một hang núi. Tăng hỏi:

- Hang núi này có chủ chưa ?

Sư đáp:

- Có.

Tăng hỏi:

- Là ai vậy ?

Sư nói:

- Trong xóm nhỏ tìm cái gì ?

Tăng hỏi:

- Thế nào là chủ trong hang ?

Sư nói:

- Còn thở hì hụt không ?

Có ông tăng nhỏ đi hành cước trở về, sư hỏi:

- Ông rời xa ta bao lâu rồi ?

Tăng nhỏ đáp:

- Mười năm rồi.

Sư nói:

- Không cần nói đông nói tây gì cả, hãy nói thẳng xem.

Tăng nhỏ nói:

- Đối Hòa thượng không dám nói dối.

Sư hét lên nói:

- Cái gã ồn ào này.

***

Ngày nọ, Hòa thượng Thanh Điền và thượng tọa Thao đang nấu trà. Sư gõ giường dây ba lần. Thao cũng gõ ba lần. Sư nói:

- Lão tăng ta gõ có chỗ thiện xảo, thượng tọa gõ có đạo lý gì ?

Thượng tọa Thao nói:

- Mỗ đây gõ có chỗ phương tiện, còn hòa thượng gõ thì thế nào ?

Sư đưa chén trà lên. Thao nói:

- Bậc thiện tri thức con mắt nên như thế.

Nấu trà xong, Thao bỗng hỏi:

- Hòa thượng vừa rồi đưa chén trà lên là có ý chỉ gì ?

Sư nói:

- Cũng chẳng có ý gì.

***

Hòa thượng Đại Vu và Nam Dụng đến trà đường thấy một ông tăng bước đến gần hỏi chào. Dụng nói:

- Ta không thu nạp ông, mà ông cũng chẳng thấy ta. Chào hỏi ai đây ?    

Tăng không lời đối đáp.

Sư nói:

- Không nên hỏi y bạch địa như thế.

Dụng nói:

- Đại Vu cũng không lời đối đáp.

Sư bèn nắm ông tăng ấy nói:

- Bị ông như thế mà lụy đến ta.

Nói đoạn đánh một bạt tai. Dụng bèn cười nói rằng:

- Trăng sáng cùng trời xanh.

Thị giả đến xem, sư hỏi:

- Kim cang chánh định tất cả đều thế. Thu qua đông lại thì làm thế nào ?

Thị giả đáp:

- Không phương hại Hòa thượng hỏi.

Sư nói:

- Cho là nay thì được đấy, nhưng sau này thì thế nào ?

Thị giả nói:

- Ai dám hỏi tới mỗ đây.

Sư hỏi:

- Đại Vu có được không ?

Thị giả nói:

- Cần phải người khác kiểm điểm mới được.

Sư nói:

- Kẻ phò giúp Tôn sư, chẳng phế bỏ rạng rỡ.

Thị giả lễ bái.

 

 

THIỀN SƯ XỨ TRIỆT KIỀN CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TÂY TẠNG ĐƯỜNG

 

Tăng hỏi:

- Thể lý đắc diệu của ba thừa, mười hai phần giáo, cùng chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại, giống hay là khác nhau ?

Sư nói:

- Như thế tức nên hướng ngoài sáu câu mà giám sát, không nên theo nó để thanh sắc chuyển.

Tăng hỏi:

- Thế nào là sáu câu ?

Sư đáp:

- Nói đấy, lặng đấy, chẳng nói đấy, chẳng lặng đấy, tất cả đều đúng, tất cả đều không đúng đấy, ông nên thế nào ? Tăng không lời đối đáp.

***

Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

- Ông tên gì ?

Đáp:

- Tuệ Tịch.

Sư hỏi:

- Cái nào là Tuệ, cái nào là Tịch ?

Tịch nói:

- Chỉ tại trước mắt.

Sư nói:

- Vẫn còn có trước sau đấy.

Tuệ Tịch nói:

- Trước sau hãy tạm gác qua, xin hỏi Hòa thượng thấy thế nào ?

Sư nói:

- Uống trà đi.

 

 

THIỀN SƯ LƯƠNG TOẠI THỌ CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BẢO TRIỆT núi MA CỐC

 

Ban đầu, sư tham yết Ma Cốc. Ma Cốc triệu gọi:

- Lương Toại.

Sư ứng tiếng dạ. Như vậy ba lần gọi, ba lần dạ. Ma Cốc nói:

- Ông sư độn căn này.

Sư vừa tỉnh ngộ nói:

- Hòa thượng chớ nói dối. Lương Toại này nếu không tới đây lễ bái Hòa thượng thì luống qua một đời.

Ma Cốc ấn khả.

 

 

THIỀN SƯ TUỆ SIÊU núi THỰ CÁT CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ NHƯ HỘI ĐÔNG TỰ HỒ NAM

 

Động Sơn đang đến lễ bái, sư nói:

- Ông đã trụ một phương rồi, còn đến đây làm gì ?

Động Sơn đáp:

- Lương Giới còn kẹt nghi ngờ nên đặc biệt đến đây hỏi Hòa thượng.

Sư triệu gọi:

- Lương Giới !

Động Sơn lớn tiếng dạ, sư hỏi:

- Là cái gì ?

Giới không lời đối đáp. Sư nói:

- Đúng là một vị Phật, tiếc chỉ thiếu hào quang.

 

 

THIỀN SƯ HOẰNG BIỆN KINH TRỆU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY

 

Vua Đường Tuyên Tông hỏi:

- Thiền tông sao lại có tên gọi Nam, Bắc ?

Sư đáp:

- Thiền tông vốn không Nam, Bắc. Khi xưa Như Lai lấy Chánh pháp nhãn trao lại cho Ca Diếp, truyền nhau dần hồi đến Tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma du hóa xứ này, làm sơ Tổ. Kịp tới lúc Ngũ Tổ đại sư Hoằng Nhẫn tại Đông Sơn Kỳ Châu khai Thiền pháp thì có hai người đệ tử, một người tên là Huệ Năng thọ nhận y pháp, trụ tại Lĩnh Nam làm Tổ thứ sáu. Một người tên Thần Tú xiển hóa tại phương Bắc. Sau môn nhân của Thần Tú là Phổ Tịch lập thầy mình làm Tổ thứ sáu, còn mình tự xưng Tổ thứ bảy. Chỗ đắc pháp của hai người là một, nhưng cách vận dụng, khai đạo, phát ngộ, có mau chậm khác nhau, cho nên mới có câu nói Nam mau, Bắc chậm, chớ thật ra không do Thiền tông vốn có Nam, Bắc.

Đế hỏi:

- Thế nào là giới ?

Sư tâu:

- Phòng ngừa điều sai trái, ngăn chặn điều ác xấu gọi là giới.

Đế hỏi:

- Thế nào là định ?

Sư tâu rằng:

- Sáu căn thiệp cảnh mà tâm không theo duyên gọi là định.

Đế hỏi:

- Thế nào là tuệ ?

Sư tâu rằng:

- Tâm cảnh đều không, thoát khỏi giác, không còn hoặc gọi là tuệ.

Đế hỏi:

- Thế nào là phương tiện ?

Sư tâu:

- Phương tiện là pháp môn ẩn thật, che tướng, tạm dùng quyền xảo, bị tiếp căn giữa dưới, luồn lách thiết thi, khéo nói mà dẫn dụ, gọi là phương tiện. Nếu vì người thượng căn nói: Xả bỏ phương tiện là đạo vô thượng, đó cũng là cách nói phương tiện, cho đến lời huyền của Tổ sư, quên công, tuyệt ngữ, cũng là không ra khỏi dấu tích của phương tiện.

Đế hỏi:

- Thế nào là tâm Phật ?

Sư tâu rằng:

- Phật là lời nói của Tây thiên, tiếng Hoa (Đường) gọi là Giác, nghĩa là người có trí tuệ giác chiếu là tâm Phật. Tâm ấy là tên khác của Phật. Tuy có trăm ngàn tên gọi, nhưng thể duy chỉ có một. Thể không hình trạng, không tướng xanh vàng đỏ trắng, nam nữ. Tại trời không phải trời, tại người không phải người, nhưng hiện trời, hiện người, có thể là nam, có thể là nữ, không khởi đầu, không chấm dứt, không sanh ra và mất đi, cho nên gọi là tánh linh giác. Như bệ hạ mỗi ngày phải ứng đối muôn cơ, ấy là tâm Phật của bệ hạ. Giả như ngàn Phật cộng truyền mà không niệm thì cũng chẳng có chỗ sở đắc.

Đế hỏi:

- Như nay đây có người niệm Phật thì thế nào ?

Sư tâu rằng:

- Như Lai xuất thế làm thiện tri thức của trời người, tùy căn khí mà thuyết pháp. Đối với người thiện căn khai chí lý đốn ngộ tối thượng thừa. Đối với bậc trung, hạ, chưa hiểu ngay, thì như Phật đối với hoàng hậu Vi Đề Hi tạm thời khai mười sáu quán môn. Nay niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc vậy. Cho nên kinh nói: Tâm ấy là Phật, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không tâm.

Đế hỏi:

- Nay có người trì kinh, niệm Phật, trì chú, cầu Phật thì thế nào ?

Sư tâu rằng:

- Như Lai có vô số khai tán, đều vì chúng sanh nhất thừa, như trăm sông cùng mọi dòng chảy đều không khỏi đổ về biển. Như vậy con số sai biệt đều qui về Tát Bà như biển.

Đế hỏi:

- Tổ sư nếu đã khế hội tâm ấn, nhưng kinh Kim Cang nói: Không có pháp nào đắc cả thì thế nào ?

Sư tâu:

- Toàn thể pháp hóa của Phật, thật ra không có một pháp nào cho người. Nhưng do khải thị chúng sanh ai ai cũng tự tánh đồng nhất pháp bảo tạng. Thuở ấy Phật Nhiên Đăng ấn khả Thích-ca bổn pháp nhưng không có gì để đắc, mới khế hiệp với bổn ý của Nhiên Đăng. Cho nên kinh mới nói: Không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Pháp ấy bình đẳng. Tu nhất thiết thiện pháp mà không trụ ở tướng.

Đế hỏi:

- Thiền sư đã lãnh hội ý chỉ của Tổ, có còn lạy Phật, chuyển kinh không ?

Sư tâu rằng:

- Sa-môn con Phật lạy Phật, chuyển kinh là pháp thường lệ trụ trì, có bốn báo vậy. Nhưng y theo giới của Phật mà tu thân, tham tầm tri thức, tạm tu phạm hạnh, giẫm bước lên dấu tích Như Lai đã đi qua mà đi.

Đế hỏi:

- Thế nào là thấy nhanh, thế nào là tu chậm ?

Sư tâu rằng:

- Đốn minh tự tánh cùng với Phật đồng loại, nhưng do nhiễm tập từ vô thỉ, nên cần tiệm tu để đối trị, khiến thuận tánh khởi dụng như người ăn cơm, không thể và một miếng mà no ngay được.

Ngày đó, sư Hoằng Biện đối đáp với đế trong vòng bảy khắc. Đế ban tứ cà-sa tím, ban hiệu Viên Trí Thiền Sư, sắc sửa sang Tổ tháp khắp thiên hạ, bảo phải thủ hộ.

 

 

THIỀN SƯ TRÍ CHÂN QUI SƠN PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY KINH TRỆU

 

Sư họ Liễu, người Dương Châu, thụ nghiệp ở chùa Huê Lâm tại bổn châu. Năm đầu đời Đường Nguyên Hòa, sư tại chùa Thiên Hương Đan Hồ Nhuận Châu thọ giới cụ túc, nhưng không học tập kinh luận, chỉ mộ Thiền-na.

Ban đầu, sư tham yết thiền sư Hoài Huy. Huy hỏi:

- Từ đâu tới ?

Sư đáp:

- Đến nơi không chỗ đến, lại chỗ không nơi lại.

Huy tuy nín lặng nhưng sư cũng tự ngộ. Sau đến núi Ngũ Tiết Vụ Châu, quen biết thiền bá Chính Nguyên. Năm Trường Khánh thứ hai cùng Chính Nguyên tham du Kiến Dương, nhận lời người dân trong quận tên Diệp Bân thỉnh cư Đông Thiền. Đến năm thứ nhất đời Khai Thành, đến Trường Khê Phước Châu. Hai người dân trong huyện là Trần Lượng và Hoàng Du thỉnh tại Qui Sơn khai sáng đạo tràng. Ngày nọ, sư khai thị đồ chúng rằng:

- Nhếch mặt, chớp mắt, chẳng xuất đương nhân, một niệm tịnh tâm, bổn lai là Phật.

Rồi nói kệ rằng:

Tâm bổn tuyệt trần hà dụng tẩy

Thân trung vô bịnh khởi cầu y

Dục tri thị Phật phi thân xứ

Minh giám cao huyền vị chiếu thì.

Tạm dịch:

Tâm vốn sạch làu cần rửa sao

Trong mình không bịnh há cần coi

Muốn biết Phật à, ngay thân đó

Gương sáng treo cao chưa chiếu soi.

Sau gặp lúc Vũ Tông trừng thải Phật giáo, sư có hai bài kệ thị chúng rằng:

A- Minh nguyệt phân hình xứ xứ tân

Bạch y ninh đọa giải không nhân

Thùy ngôn tại tục phương tu đạo

Kim Túc tằng vi trưởng giả thân.

Tạm dịch:

Trăng sáng phân hình chốn chốn tân

Áo trắng há dìm kẻ hiểu chân

Ai bảo ra đời hại tu đạo

Kim Túc từng là trưởng giả thân.

B- Nhẫn Tiên lâm hạ tọa Thiền thời

Tằng bị Ca Vương cát tiệt chi

Hướng ngã thánh triều vô thử sự

Chỉ linh hưu đạo diệc hà bi.

Tạm dịch:

Nhẫn Tiên nơi rừng lúc tọa thiền

Từng bị Ca Vương chặt tứ chi

Huống thánh triều ta không chuyện ấy

Chỉ kêu thôi đạo chớ sầu bi.

Kịp khi Tuyên Tông trung hưng Phật giáo, sư cũng không mặc lại áo nâu sồng. Năm thứ sáu đời Đường Hàm Thông, qui tịch tại núi này, thọ 84 tuổi, tuổi lạp 60, sắc thụy Qui Tịch Thiền Sư tháp hiệu Bí Chân.

 

 

THIỀN SƯ HOÀI CHÍNH ĐÔNG ẤP LÃNG CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY chùa CHƯƠNG KÍNH

 

Ngưỡng Sơn đến tham yết, sư hỏi:

- Ông người nơi nào ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Người Quảng Nam.

Sư nói:

- Ta nghe nói ở Quảng Nam có viên ngọc dằn rún biển phải không ?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Đúng vậy.

Sư hỏi:

- Châu ấy hình trạng như thế nào ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Hễ trăng sáng là hiện.

Sư hỏi:

- Ông mang đến đây được không ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Đem đến được chớ.

Sư nói:

- Sao không đưa cho lão tăng đây xem ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Hôm qua đến Qui Sơn, cũng bị Tuệ Tịch đòi hỏi châu ấy, cho đến nỗi không lời để đối đáp, không lý lẽ để nêu ra.

Sư nói:

- Đúng là sư tử con lại rống tiếng sư tử lớn.

 

 

THIỀN SƯ THÁO Ở KIM CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY chùa CHƯƠNG KÍNH

 

Ngày kia, sư mời Hòa thượng Mễ độ trai mà không bày chỗ ngồi. Mễ đến, trải tọa cụ lễ bái. Sư bước xuống giường Thiền, Mễ bèn ngồi lên chỗ của sư. Sư bèn trải chiếu dưới đất mà ngồi. Độ trai xong Mễ liền ra đi. Thị giả nói:

- Hòa thượng được tất cả mọi người khâm ngưỡng, hôm nay chỗ ngồi bị người đoạt mất rồi.

Sư nói:

- Ba ngày nữa trở lại, tức nhờ cứu giúp.

Mễ qua ba ngày sau lại đến nói:

- Hôm qua bị trộm cướp.

(Tăng hỏi Cảnh Thanh:

- Người xưa gặp trộm cướp, ý ấy thế nào ?

Thanh đáp:

- Chỉ thấy đầu chùy nhọn, không thấy đầu đục vuông).

 

 

HÒA THƯỢNG CỔ ĐÊ LÃNG CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY chùa CHƯƠNG KÍNH

 

Bình thường thấy tăng đến sư thường nói:

- Đi đi, ông không có Phật tánh.

Tăng không lời đối đáp. Thảng hoặc có người đối đáp lại thì cũng không khế hiệp chỉ ý của sư.

Ngày kia, Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch đến tham yết, sư nói:

- Đi đi, ông không có Phật tánh.

Tuệ Tịch chấp tay bước đến gần ứng tiếng dạ. Sư cười nói:

- Ông học ở đâu mà được tam-muội này vậy ?

Tịch đáp:

- Con từ Qui Sơn mà được.

Tịch lại hỏi:

- Hòa thượng từ đâu mà được vậy ?

Sư nói:

- Ta từ Chương Kính mà được.

 

 

HÒA THƯỢNG CÔNG KỲ HÀ TRUNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ HOÀI HUY chùa CHƯƠNG KÍNH

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo ? Thế nào là Thiền ?

Sư nói:

- Có tên không phải đạo. Phải trái đều không phải Thiền. Muốn hiểu ý trong đó. Lá dương vàng làm tiền dỗ con nít nín khóc./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]