- Quyển 01: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
- Quyển 02: Tổ thứ 15 đến Tổ thứ 27
- Quyển 03: Năm Vị Tổ Trung Quốc:
- Quyển 04: Pháp hệ chi nhánh của Tứ tổ Đạo Tín và Ngũ tổ Hoằng Nhẫn
- Quyển 05: Lục tổ Huệ Năng (慧能) và pháp hệ
- Quyển 06: Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) và Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海).
- Quyển 07: Nga Hồ Đại Nghĩa (鵝湖大義) và Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹)
- Quyển 08: Gồm 54 vị như: Nam Tuyền Phổ Nguyện
- Quyển 09: Gồm 30 vị nối pháp Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải
- Quyển 10: Gồm các vị nối pháp Thiền sư Nam Tuyền như: Triệu Châu Tòng Thẩm
- Quyển 11: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, Tổ của Quy Ngưỡng tông
- Quyển 12: Lâm Tế Nghĩa Huyền, vị Tổ của Lâm Tế tông.
- Quyển 13: Pháp hệ của Hà Trạch tông. Truyện ký về hai vị Trừng Quán và Tông Mật thuộc Hoa Nghiêm tông.
- Quyển 14: Thạch Đầu Hi Thiên (石頭希遷) và pháp hệ.
- Quyển 15: Động Sơn Lương Giới (洞山良价)
- Quyển 16: Các đệ tử nối pháp của Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám
- Quyển 17: Pháp hệ của Tào Động tông
- Quyển 18: Pháp hệ của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn - 1
- Quyển 19: Pháp hệ của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn - 2
- Quyển 20: Pháp hệ của Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch
- Quyển 21: Pháp hệ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị
- Quyển 22: Pháp hệ của Vân Môn tông - 1
- Quyển 23: Pháp hệ của Vân Môn tông - 2
- Quyển 24: Pháp hệ của Pháp Nhãn tông - 1
- Quyển 25: Pháp hệ của Pháp Nhãn tông - 2
- Quyển 26: Pháp hệ của Pháp Nhãn tông - 3
- Quyển 27: Các Thiền sư nổi tiếng không thuộc bất cứ tông phái nào
- Quyển 28: Các ngữ lục đặc biệt của 11 vị Thiền sư
- Quyển 29: Tán tụng kệ thi của 17 vị
- Quyển 30: 13 loại Minh, ký, châm, ca
QUYỂN 06
Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn
Việt dịch: Lý Việt Dũng
Pháp Tự Của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Đời Thứ Nhất: 9 người, một người được ghi chép:
- Thiền sư Đạo Nhất Mã Tổ ở Giang Tây
Đời Thứ Hai: 37 người, trong đó pháp tự của Mã Tổ 14 người được ghi chép:
1- Thiền sư Đại Châu Tuệ Hải Việt Châu
2- Thiền sư Pháp Hội Lặc Đàm Hồng Châu
3- Thiền sư Trí Kiên Sam Sơn Trì Châu
4- Thiền sư Duy Kiến Lặc Đàm Hồng Châu
5- Thiền sư Đạo Hạnh Minh Khê Lễ Châu
6- Thiền sư Tuệ Tạng Thạch Củng Phủ Châu
7- Thiền sư Đạo Thông núi Tử Ngọc Đường Châu
8- Thiền sư Nhượng Bắc Lan Giang Tây
9- Thiền sư Như Mãn Phật Quang Lạc Kinh
10- Thiền sư Đạo Minh Nam Nguyên Viên Châu
11- Thiền sư Tự Mãn Phu Thôn Hân Châu
12- Thiền sư Hồng Ân Trung ấp Lãng Châu
13- Thiền sư Hoài Hải núi Bách Trượng Hồng Châu
14- Thiền sư Duy Chính núi Bách Trượng Hồng Châu
THIỀN SƯ MÃ TỔ ĐẠO NHẤT Ở GIANG TÂY
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ NHẤT CỦA NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
Giang Tây thiền sư Đạo Nhất người huyện Thập Phương, Hán Châu, họ Mã, xuất gia tại chùa La Hán ở huyện nhà, dung mạo kỳ dị, tướng đi như trâu, cách nhìn như hổ, lưỡi le ra dài huốt mũi, dưới chân có vân hình hai bánh xe, lúc nhỏ theo hòa thượng Đường ở Tư Châu xuống tóc, thọ cụ túc giới với Luật sư họ Viên ở Luân Châu. Trong thời Đường Khai Nguyên, tập thiền định trong núi Hành Nhạc. Gặp Hoài Nhượng, cùng tham vấn có 6 người, riêng sư được truyền tâm ấn. (Đạo Nhất của Hoài Nhượng như Hy Thiên của Hành Tư, đồng nguồn nhưng khác phái. Nên sự hưng thịnh của đạo Thiền, khởi đầu là hai sư Nhất, Thiên vậy. Lưu Kha nói:.
Người đứng đầu Giang Tây là Đại Tịch, người đứng đầu Hồ Nam là Thạch Đầu. Kẻ đi lại lông bông, không thấy hai đại sĩ là không biết vậy.
Tây Thiên Bát-nhã Đa-la huyền ký với Đạt-ma rằng:
- Chấn Đán (Trung Hoa) tuy rộng nhưng không có đường riêng, cần mượn đường dưới chân con cháu mà đi. Vàng khó mở miệng một hạt thóc. Cùng bồi dưỡng La-hán tăng ở mười phương.
Lại Lục Tổ nói với hòa thượng Hoài Nhượng rằng:
- Về sau Phật pháp do bên ông đấy. Ngựa non đạp chết người thiên hạ.
Quả về sau Thiền pháp Giang Tây truyền khắp thiên hạ, lúc bấy giờ người đời gọi là Mã Tổ). Bắt đầu từ núi Phật Tích ở Kiến Dương, dời đến Lâm Xuyên, kế đến là Cung Công sơn ở Nam Khang. Trong thời Đại Tịch, trụ ở chùa Khai Nguyên tại Chung Lăng. Lúc ấy ngay cả nguyên súy Lộ tự Cung nghe nói đến cũng mến mộ, tự mình thọ tông chỉ, do đó học giả bốn phương, tụ hội dưới tòa. Một ngày kia, sư gọi chúng nói:
- Các ông mỗi người hãy tự tin tâm là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Đạt-ma đại sư từ Nam Thiên Trúc đến Trung Hoa truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo không tự tin vào pháp của tâm này, mỗi người đều có. Vì vậy kinh Lăng Già lấy lời nói về tâm của Phật làm tông chỉ, lấy vô môn làm pháp môn. Phàm người cầu pháp nên vô sở cầu, ngoài tâm không có Phật nào khác, ngoài Phật không có tâm nào khác, không thủ thiện, không xả ác, hai bên dơ sạch đều không dựa vào. Tánh của tội là không, niệm niệm không thể được, đều không có tự tánh. Do vậy tam giới duy tâm, vô số hiện tượng chỉ là một pháp sở ấn. Phàm sắc (vật chất) thấy được đều là thấy tâm cả. Tâm không tự là tâm, nhân vì có sắc cho nên có tâm. Các ông chỉ cần tùy thời mà thuyết, sự tức là lý, đều không trở ngại, nếu đề cập đạo quả cũng lại như vậy. Cái sanh nơi tâm tức gọi là sắc, vậy biết sắc là không, sinh tức là bất sanh. Nếu rõ được ý đó thì có thể tùy thời mặc áo ăn cơm, tùy nghi vận dụng, chẳng có việc gì. Các ông tiếp nhận lời dạy của ta, hãy nghe bài kệ của ta:
Tâm địa tùy thời nói
Bồ-đề cũng thế thôi
Sự lý đều vô ngại
Đương sanh tức chẳng sanh.
***
Có tăng hỏi:
- Hòa thượng vì sao nói tâm ấy là Phật ?
Sư nói:
- Để dỗ trẻ nhỏ nín khóc.
Tăng nói:
- Lúc tiếng khóc dừng thì như thế nào ?
Sư nói:
- Không phải tâm, không phải Phật.
Tăng nói:
- Trừ hai loại người đó, tông chỉ thế nào ?
Sư nói:
- Nói với y không phải vật.
Tăng hỏi:
- Bỗng gặp người trong đó đến thì thế nào ?
- Thì dạy cho y hiểu được đạo lớn.
Tăng hỏi:
- Ý Tổ sư từ bên Tây qua là thế nào ?
Sư nói:
- Tức nay là ý gì ?
***
Bàng cư sĩ hỏi:
- Không nhận lầm người xưa nay, xin sư mở to mắt.
Sư nhìn thẳng xuống, cư sĩ nói:
- Một loại đàn không dây, chỉ có sư đàn mới kỳ diệu.
Sư nhìn thẳng lên, cư sĩ lễ bái. Sư trở về phương trượng, cư sĩ theo sau, nói:
- Vừa mới nãy làm khéo thành vụng.
(Chú: Từ đoạn ‘Bàng cư sĩ hỏi’... đến ‘khéo thành vụng’ là lấy dùng từ Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 2).
Lại hỏi:
- Như nước không có gân xương nhưng lại nâng được chiếc thuyền vạn hộc, lý đó thế nào ?
Sư nói:
- Nơi chỗ ta đây không có nước, cũng không có thuyền thì nói gân xương gì ?
***
Một buổi tối, Tây Đường Trí Tạng, Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện theo hầu đi ngắm trăng. Sư hỏi:
- Đúng lúc này là lúc nào ?
Đường nói:
- Chính là lúc cúng dường.
Bá Trượng nói:
- Chính là lúc tu hành.
Tuyền vẫy tay áo đi tới. Sư nói:
- Kinh vào tạng (Trí Tạng), Thiền về biển (Hoài Hải) chỉ có Phổ Nguyện một mình vượt ngoài vật.
(Chú: Từ đoạn ‘Một buổi tối... tới ‘vượt ngoài vật’ là lấy dùng của Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 3).
Một hôm, Sư thượng đường lặng thinh hồi lâu. Bách Trượng cuốn chiếu trước mặt, sư liền xuống tòa. Bách Trượng hỏi:
- Thế nào là chỉ thú của Phật pháp ?
Sư nói:
- Chính là lúc ông buông bỏ thân mạng đó.
Sư hỏi Bách Trượng:
- Ông lấy pháp gì dạy người ?
Trượng đưa cây xơ quất lên. Sư nói:
- Chỉ có thế hay có gì khác nữa ?
Trượng ném cây xơ quất. Tăng hỏi:
- Thế nào mới hợp đạo ?
Sư nói:
- Ta từ sớm không nghĩ tới hợp mối đạo.
***
Tăng hỏi:
- Ý Tổ sư từ Tây qua là thế nào ?
Sư bèn đánh và nói:
- Nếu ta không đánh ông, các nơi cười ta mất.
Có chú tiểu (Đam Nguyên) hành cước trở về, vẽ một vòng tròn trước mặt sư, lễ bái rồi đứng trên đó. Sư nói:
- Ông há không muốn làm Phật sao ?
Tiểu sư nói:
- Con đây không biết nặn mắt.
Sư nói:
- Ta không bằng ông.
Tiểu sư không nói thêm nữa.
***
Đặng Ẩn Phong từ giã sư. Sư nói:
- Đi đến nơi đâu ?
Đáp:
- Đi đến chỗ Thạch Đầu.
Sư nói:
- Chỗ Thạch Đầu đường trơn lắm đấy.
Đáp:
- Đem theo gậy. Gặp nơi thuận tiện thì diễn trò.
Rồi đi. Vừa đến Thạch Đầu, liền đi quanh thiền sàng một vòng, khua gậy một tiếng, hỏi:
- Tông chỉ gì đây ?
Thạch Đầu nói:
- Ối trời ơi ! Ối trời ơi !
Phong không đáp được trở về thuật lại cho sư. Sư nói:
- Ông lại cứ đi mà hỏi. Đợi ông ta nói ‘ối trời ơi! ối trời ơi!’ thì ông “hừ, hừ” hai tiếng.
Phong lại đi, hỏi như lần trước. Thạch Đầu lại hừ hừ hai liếng. Phong lại không có lời đáp. Trở về kể lại cho sư. Sư nói:
- Đã nói với ông, Thạch Đầu đường trơn rồi mà.
***
Có vị tăng vẽ bốn vạch trước mặt sư. Vạch thứ nhất dài, ba vạch sau ngắn, nói:
- Không được nói một vạch dài ba vạch ngắn, ngoài bốn chữ này, thỉnh Hòa thượng đáp.
Sư bèn vẽ xuống đất một vạch, nói:
- Không nói được là dài hay ngắn, đáp lời ông rồi đó.
(Tuệ Trung Quốc sư nghe nói, than rằng:
- Sao không hỏi lão tăng ?)
***
Có một giảng sư hỏi rằng:
- Xin hỏi Thiền tông truyền giữ pháp gì ?
Sư hỏi lại:
- Tọa chủ truyền giữ pháp gì ?
Giảng sư nói:
- Kẻ hèn này giảng Kinh Luận hơn hai chục quyển.
Sư nói:
- Không phải là sư tử chứ ?
Giảng sư nói:
- Không dám.
Sư hừ hừ. Giảng sư nói:
- Đó là pháp.
Sư nói:
- Là pháp gì ?
Giảng sư nói:
- Đó là pháp sư tử ra khỏi hang.
Sư bèn im lặng. Giảng sư nói:
- Đó cũng là pháp.
Sư nói:
- Pháp gì ?
Giảng sư nói:
- Đó là pháp sư tử ở trong hang.
Sư nói:
- Không ra không vào, đó là pháp gì ?
Giảng sư không có lời đáp.
(Bách Trượng nói thay:
- Thấy không ?)
Rồi Giảng sư từ giã vừa ra khỏi cửa. Sư gọi lại nói:
- Tọa chủ !
Giảng sư quay đầu lại. Sư nói:
- Là cái gì ?
Giảng sư cũng không có lời đáp. Sư nói:
- Gã sư chậm lụt này.
***
Liêm sứ ở Hồng Châu hỏi rằng:
- Đệ tử dùng rượu thịt là đúng hay không dùng rượu thịt là đúng ?
Sư nói:
- Nếu dùng là lộc của ông, không dùng là phúc của ông.
***
Đệ tử ruột của sư có 139 người, mỗi người đều là tông chủ của một phương, chuyển hóa vô cùng. Trong tháng giêng năm Trinh Nguyên thứ tư, sư lên núi Thạch Môn ở Kiến xương, đi kinh hành, thấy hang hốc bằng phẳng, gọi thị giả nói rằng:
- Thân hư hoại của ta tháng tới sẽ về chỗ này.
Nói xong thì về. Rồi đó có bịnh nặng. Viện chủ hỏi:
- Hòa thượng gần ngày, sức khỏe như thế nào ?
Sư nói:
- Mặt trời đối diện Phật, mặt trăng đối diện Phật.
(Chú: Từ doạn ‘Viện chủ hỏi..’ đến ‘đối diện Phật’ là thái dụng của Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 3).
Ngày mùng 1 tháng 2, tắm rửa, ngồi kiết già nhập diệt. Trong năm Nguyên Hòa được ban tên thụy là Đại Tịch Thiền sư. Tháp thờ ghi là Đại Trang Nghiêm.
PHẦN PHỤ LỤC
Hỏi:
- Thế nào là tu đạo ?
Sư nói:
- Đạo không thuộc tu, nếu nói tu đắc, tu thành rồi cũng hoại, giống như Thanh văn, còn nếu không tu thì giống như phàm phu.
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
***
Hỏi:
- Lý giải thế nào thì đạt được đạo ?
Sư đáp:
- Tự tánh từ xưa giờ vốn đầy đủ đạo, nhưng chỉ cần chẳng vướng mắc ở hai phương diện thiện ác, là có thể gọi đó là người tu đạo. Như quả giữ thiện bỏ ác, tâm quán không tịch, thần nhập chuyên định, đó là đặc ý tạo tác, lại hướng bên ngoài chạy vạy tìm cầu, thì xa đạo lắm vậy !
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
***
Sư hỏi ông tăng:
- Từ nơi nào đến ?
Tăng đáp:
- Từ Hồ Nam đến.
Sư hỏi:
- Nước Đông Hồ đầy chưa vậy ?
Tăng đáp:
- Chưa đầy.
Sư nói:
- Mưa biết bao lâu rồi mà nước vẫn chưa đầy ?
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
***
Hòa thượng Phần Châu lúc làm tọa chủ từng giảng 42 bổn kinh luận đến hỏi Mã Tổ:
- Tam thừa, Thập nhị phần giáo (12 bộ kinh) tôi đây tạm biết sơ lược, xin hỏi chỉ ý Thiền trong tông môn như thế nào ?
Sư nhìn Phần Châu nói:
- Nơi đây đông người, hãy tạm lui ra.
Phần Châu lui ra, chân vừa bước trên ngạch cửa, sư bèn triệu gọi
- Tọa chủ !
Phần Châu quay đầu ứng tiếng dạ. Sư nói:
- Đó là cái gì ?
Phần Châu ngay đó tỉnh ngộ, liền lễ bái rồi đứng dậy nói:
- Phần Châu tôi từng giảng 42 bổn kinh luận, tự cho là không ai hơn mình được. Hôm nay nếu không gặp được Hòa thượng thì kể như luống uổng một đời.
(Theo Tổ Đường Tập quyển 14)
THIỀN SƯ ĐẠI CHÂU TUỆ HẢI
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Đại Châu Tuệ Hải ở Việt Châu là người Kiến Châu, họ Chu, từ thuở bé đã theo Hòa thượng Đạo Trí chùa Đại Vân ở Việt Châu tu học Phật nghiệp, về sau đến Giang Tây tham kiến Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Từ nơi nào đến ?
Sư đáp:
- Từ chùa Đại Vân Việt Châu đến.
Mã Tổ hỏi:
- Đến đây định làm việc gì ?
Sư đáp:
- Đến cầu pháp Phật.
Mã Tổ nói:
- Tự mình trong nhà có kho báu mà không trân quí lại bỏ nhà đi lang thang khắp xứ bên ngoài kiếm tìm, thế là thế nào ? Ta nơi đây bất cứ vật gì cũng không có, có đâu pháp Phật mà ông đến tìm.
Sư bèn hướng Mã Tổ hành lễ hỏi:
- Thưa sư phụ, cái gì là kho báu của nhà con ?
Mã Tổ đáp:
- Cái kẻ đang đứng trước ta hỏi han chính là kho báu của nhà ông đó. Nó vốn tự có đầy đủ, muốn có là có, lại tự tại vô ngại, ông cần gì phải khốn khổ tìm cầu bên ngoài.
Sư nghe Mã Tổ khai thị đốn ngộ tự tâm vốn có kho báu vô cùng, bèn vui mừng nhảy cửng lễ tạ Mã Tổ.
Sư tại Giang Tây thờ Mã Tổ làm thầy trong 6 năm. Sau đó nhân vì ân sư mà mình thụ nghiệp trước đây đã già cần phải về phụng dưỡng nên chẳng thể chẳng từ biệt Mã Tổ. Sau khi trở về Việt Châu, sư che giấu tung tích, khả năng, bề ngoài si ngốc, tự soạn sách “Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận” một quyển, bị sư cháu trong pháp môn là Huyền Yến trộm lấy đem qua Giang Tây trình cho Mã Tổ. Mã Tổ đọc xong nói với đại chúng rằng:
- Việt Châu có viên châu lớn tròn sáng chiếu diệu, pháp nhãn tự tại, chẳng che lấp, chẳng ngăn ngại.
Trong chúng có người biết sư họ Châu, do vậy nức lòng muốn biết, kết bạn đến Việt Châu tìm Tuệ Hải, theo sư mà tham Thiền. Sư đối với các người tìm đến tham Thiền nói:
- Này các vị Thiền khách, ta không rành Thiền, lại cũng chẳng có pháp gì để chỉ dạy cho các vị, cho nên các vị không cần phải lưu lại lâu chốn này làm chi cho hao tâm tổn thần, các vị nên đi về nghỉ thôi.
Tuy sư buông lời nói như thế, nhưng thấy kẻ đến học càng lúc càng nhiều nên bất đắc dĩ phải đại khai Thiền môn. Người học ngày đêm tìm hiểu chỗ rốt ráo, sư tùy theo chỗ hỏi mà trả lời, biện tài vô ngại.
Lúc ấy có vài vị pháp sư đến tham yết thiền sư Tuệ Hải hỏi rằng:
- Chúng tôi nghĩ đưa ra một vài vấn đề, thiền sư có rộng lòng chỉ giáo chăng?
Sư đáp:
- Bóng trăng dưới đầm sâu mặc tình cho người vờn nắm.
Pháp sư hỏi:
- Cái gì là Phật ?
Sư đáp:
- Đầm trong đối mặt, không phải Phật thì là ai ?
Thiền chúng nghe vậy đều hoang mang không biết đâu mà rờ. Sau đó một lúc, Pháp sư kia lại hỏi:
- Thiền sư dùng pháp môn nào để độ người ?
Sư đáp:
- Bần tăng chưa từng dùng một pháp môn nào để mà độ người.
Pháp sư kia lại nói:
- Các Thiền sư đều như thế cả.
Sư hỏi lại:
- Đại đức thuyết pháp môn gì để độ người ?
Pháp sư ấy đáp:
- Giảng kinh Kim Cang Bát Nhã.
Sư hỏi:
- Giảng được bao nhiêu tòa rồi ?
Pháp sư nọ đáp:
- Giảng hơn hai mươi tòa.
Sư hỏi:
- Kinh ấy nguyên do ai nói vậy ?
Pháp sư nọ có phần bất mãn to tiếng nói:
- Thiền sư đừng có đùa bởn. Ngài há chẳng biết kinh này vốn do Như Lai nói đó sao ?
Sư nói:
- Nếu giảng Như Lai có nói pháp nào thì là phỉ báng Phật cùng là chẳng lý giải chân đế mà Phật đã thuyết pháp. Còn nếu nói kinh này không phải do Như Lai nói thì lại là phỉ báng kinh. Xin đại đức người hãy giải thích xem nào !
Pháp sư kia không thể giải thích. Lát sau, sư lại hỏi:
- Trong kinh nói “Nếu kẻ nào lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh tìm ta, thì kẻ đó đã đi chệch đường không thể thấy Như Lai” ông thử nói xem cái gì là Như Lai ?
Pháp sư đó nói:
- Tới lúc này, tôi bỗng mê lầm rồi.
Sư nói:
- Từ trước đến giờ có khi nào ông giác ngộ đâu mà nay bảo là giờ bỗng mê lầm ?
Pháp sư nọ nói:
- Xin thiền sư chỉ cho bến mê.
Sư nói:
- Ông có thể giảng hơn 20 tòa kinh mà không thể biết mặt mũi của Như Lai.
Pháp sư ấy lại lễ bái thiền sư Tuệ Hải nói:
- Khẩn cầu thiền sư khai thị cho.
Sư nói:
- Cái gọi là Như Lai tức ý nghĩa như như của các pháp, tại sao lại quên mất không nhớ ?
Pháp sư nọ nói:
- Không sai, đúng là ý nghĩa như như của các pháp.
Sư nói:
- Cái mà ông nói là đúng lại cũng không đúng,
Pháp sư nói:
- Kinh văn rành rành như thế, sao lại là không đúng ?
Sư hỏi:
- Ông như như chăng ?
Pháp sư đáp:
- Như như.
Sư lại hỏi:
- Cây đá như như chăng ?
Pháp sư đáp:
- Cũng như như.
Sư hỏi:
- Cái như như của ông có giống với cái như như của cây đá chăng ?
Pháp sư đáp:
- Không có hai dạng.
Sư nói:
- Vậy thì đại đức cùng với cục đá, khúc cây có gì khác nhau đâu ?
Pháp sư đớ lưỡi không nói nên lời. Lát sau đó pháp sư lại hỏi:
- Phải tu hành như thế nào mới đắc đại Niết-bàn ?
Sư đáp:
- Không tạo nghiệp sanh tử.
Pháp sư hỏi:
- Thế nào là nghiệp sanh tử ?
- Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ dơ chọn sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng cũng là nghiệp sanh tử, không siêu thoát pháp môn nhị nguyên đối đãi cũng là nghiệp sanh tử.
Pháp sư lại hỏi:
- Phải tu hành như thế nào mới được giải thoát ?
Sư nói:
- Vốn không trói buộc, cần gì cầu giải thoát. Trong cuộc sống bình thường, cứ làm ngay nói thẳng, tự nhiên chẳng có gì trói buộc cả.
Tới đây pháp sư nói:
- Như hòa thượng Thiền sư đây mới gọi là hiếm có.
Nói đoạn lễ tạ ra đi.
***
Có hành giả hỏi:
- Tâm ấy là Phật, cái nào là Phật ?
- Ông nghĩ cái nào không phải là Phật chỉ ra coi.
Hành giả tắt họng. Sư nói:
- Hễ đạt thì toàn cảnh đều đúng, còn không ngộ thì mãi mãi ngăn ngại.
***
Có Luật sư Pháp Minh nói với sư rằng:
- Các thiền sư phần nhiều rơi vào chấp không,
Sư nói:
- Chính tọa chủ các ông mới phần nhiều rơi vào chấp không.
Pháp Minh kinh ngạc quá đỗi nói:
- Sao mà phải rơi vào chấp không ?
Sư nói:
- Kinh luận là giấy mực chữ nghĩa. Giấy mực chữ nghĩa đều không. Nếu căn cứ nơi âm thanh mà kiến lập danh cú các pháp thì chẳng khỏi chẳng không. Tọa chủ chấp trước nơi giấy mực chữ nghĩa của giáo thể mà không ngộ tự tánh thì há chẳng rơi vào chấp không ru ?
Pháp Minh nói:
- Thiền sư có rơi vào chấp không chăng ?
Sư nói:
- Không rơi vào chấp không.
Tọa chủ Pháp Minh nói:
- Vì sao mà không rơi vào không ? Sư nói:
- Chữ nghĩa đều do từ trí tuệ mà sinh ra. (Thiền sư) chỉ đắc cơ mà đại hiển dụng hiện tiền thì làm sao mà rơi vào chấp không được ?
Pháp Minh nói:
- Cho nên mới biết một pháp chẳng đạt thì không gọi là tất đạt.
Sư nói:
- Luật sư không chỉ rơi vào không mà còn dùng lầm cả lời lẽ.
Pháp Minh nghiêm mặt nói:
- Lầm chỗ nào đâu ?
Luật sư chưa rành tiếng Hoa và Tây Trúc thì giảng nói thế nào được ?
Pháp Minh nói:
- Xin sư chỉ ra chỗ nhầm lẫn của Pháp Minh.
Sư nói:
- Há không biết “Tất đạt” là tiếng Phạn sao ?
Luật sư tuy có tỉnh ra nhưng lòng còn nóng giận nên lại hỏi:
- Này Kinh, Luật, Luận đều là lời Phật. Đọc tụng, y theo giáo nghĩa rồi phụng hành sao lại chẳng thấy tánh ?
Sư nói:
- Kinh, Luật, Luận bất quá là hiển dụng của tự tánh, còn đọc tụng, y giáo mà phụng hành là pháp của tự tánh, như con chó điên chạy theo cục thịt, con sư tử gầm ghè người thường, ấy là bỏ gốc mà chạy theo ngọn vậy.
Sư lại nói:
- Như con chó điên chạy theo cục thịt, như con sư tử gầm ghè người. Kinh, luật, luận là dụng của tự tánh. Kẻ đọc tụng là pháp của tự tánh.
Pháp Minh lại hỏi:
- Phật A-di-đà có cha mẹ cùng họ không ?
Sư nói:
- Đức A-di-đà họ Kiều Thi Ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.
Pháp Minh hỏi:
- Điều này rút ra từ sách vở nào vậy ?
Sư nói:
- Rút ra từ Đà-ra-ni tập.
Pháp Minh lễ tạ tán thán mà lui ra.
***
Có Pháp sư Tam Tạng đến hỏi:
- Chân như Phật tánh có biến đổi chăng ?
Sư đáp:
- Có biến đổi đấy !
Tam Tạng nói:
- Thiền sư ngài lầm rồi !
Sư bèn hỏi Tam Tạng:
- Có chân như không ?
Đáp:
- Có.
Sư nói:
- Như quả nói không có biến đổi chấp kẹt nơi Phật pháp thì đúng là phàm tăng tầm thường không còn nghi ngờ gì nữa. Tam tạng há chẳng nghe bậc thiện tri thức có thể khiến ba độc biến thành tam tựu tịnh giới, có thể khiến lục thức của người phàm biến thành lục thần thông, có thể biến phiền não thành Bồ-đề, có thể khiến vô minh biến thành đại trí chân như. Nếu quả không có biến đổi thì Tam Tạng đây chính thị là tự nhiên ngoại đạo.
Tam Tạng nói:
- Nếu quả như lời ngài nói thì chân như có biến đổi vậy !
Sư nói:
- Nếu như ông chấp ở điểm chân như có biến đổi thì đó cũng lại là ngoại đạo.
Tam Tạng nói:
- Thiền sư vừa mới bảo chân như có biến đổi, giờ đây lại nói không biến đổi thì có tiêu chuẩn đúng sai gì đâu, thế thì dạy người làm sao theo đây ?
- Nếu quả như hiểu rành ý kiến tánh thì giống như ánh sáng chiếu xuyên suốt của ngọc báu ma-ni, nói thay đổi cũng được, mà nói không biến đổi cũng được. Như quả ông là người không có kiến tánh thì khi nghe nói chân như có biến đổi liền đem biến đổi để giải lý, còn nghe nói không biến đổi thì đem không biến đổi mà lý giải.
Tam Tạng tán thán nói:
- Tông chỉ của Nam Tông đúng là biến ảo khôn lường, chẳng thể nghĩ bàn.
***
Có đạo sĩ hỏi:
- Thế gian còn có pháp nào vượt qua tự nhiên không ?
Sư đáp:
- Có chứ.
Đạo sĩ hỏi:
- Đó là pháp gì vậy ?
Sư nói:
- Đó là người có thể biết được tự nhiên.
Đạo sĩ lại hỏi:
- Nguyên khí có phải là đạo chăng ?
Sư đáp:
- Nguyên khí là nguyên khí, còn đạo là đạo.
Đạo sĩ nói:
- Nếu như thế thì nên có hai.
Sư nói:
- Nếu biết thì không có hai người.
Đạo sĩ lại hỏi:
- Thế nào là tà, thế nào là chánh ?
Sư đáp:
- Tâm chạy theo vật mà tìm kiếm là tà, vật theo tâm mà chuyển gọi là chánh.
***
Có Luật sư Nguyên cũng đến tham kiến sư hỏi:
- Hòa thượng tu đạo, nên hay không nên dụng công ?
Sư đáp:
- Dĩ nhiên là cần dụng công.
Luật sư hỏi:
- Dụng công như thế nào ?
Sư đáp:
- Hễ đói thì ăn uống, còn mệt thì ngủ nghỉ.
Luật sư Nguyên không hiểu hỏi:
- Ai cũng đều đói ăn, mệt ngủ. Họ cũng giống như Hòa thượng thôi, và như vậy là cũng dụng công tu hành đó sao ?
Sư nói:
- Không giống. Tình huống của người bình thường là khi ăn cơm chẳng chịu ăn cơm vì bận suy nghĩ trăm mối, khi ngủ không chuyên tâm ngủ vì còn tính toán trăm việc.
Luật sư tắt họng không còn hỏi nữa.
***
Có vị đại đức tên Uẩn Quang hỏi thiền sư Tuệ Hải:
- Thiền sư có biết nơi mình sinh ra không ?
Sư đáp:
- Chưa từng chết thì cần gì luận sanh. Biết sanh tức là biết vô sanh. Không có pháp ly khai sanh để mà nói có hay không sanh. Tổ sư nói: “Đương sanh tức không sanh”.
Đại đức lại hỏi:
- Người không có kiến tánh lại cũng có thể như thế chăng ?
Sư đáp:
- Tự mình không kiến tánh, chớ không phải chẳng có tánh. Tại sao vậy ? Kiến đó là tánh, vô tánh thì không thể kiến. Thức tức là tánh cho nên gọi là thức tánh. Liễu tức là tánh cho nên gọi là liễu tánh. Có thể sanh vạn pháp, gọi là pháp tánh, cũng còn gọi là Pháp thân. Tổ sư Mã Minh nói: “Cái gọi là pháp, chính là tâm chúng sanh. Nếu tâm sanh thì nhất thiết pháp sanh. Nếu tâm không sanh thì các pháp không nương theo mà sanh, cũng không có danh tự”. Người mê không biết Pháp thân vô tướng, ứng theo vật mà hiện hình, bèn cho rằng: “Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân; rỡ rỡ cúc vàng chẳng phải chẳng Bồ-đề”. Cúc vàng nếu là Bát-nhã thì Bát-nhã đồng với vô tình. Trúc biếc nếu là Pháp thân thì Pháp thân tức cây cỏ. Nếu thế thì người ta ăn măng tức là ăn Pháp thân rồi vậy. Lời lẽ như thế há đáng nói năng, ghi chép sao ? Giáp mặt mà mê Phật, bao kiếp hy cầu. Trong toàn thể pháp, mê mà tìm ngoài. Cho nên người hiểu đạo thì đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng không là đạo. Người ngộ pháp ngang dọc tự tại mà không chẳng là pháp.
Đại đức lại hỏi:
- Thái hư có thể sanh được linh trí không ? Chân tâm phan duyên nơi lành dữ chăng ? Kẻ xúc cảnh sanh tâm có định không ? Người trụ chốn tịch mịch có huệ không ? Kẻ hoài ngạo vật có ngã không ? Kẻ chấp có, chấp không có trí không ? Kẻ tìm văn thủ chứng, kẻ khổ hạnh cầu Phật, kẻ rời tâm cầu Phật, kẻ chấp tâm là Phật, các loại người như thế có xứng với đạo không ? Thỉnh thiền sư nhất nhất nói giảng cho.
Sư nói:
- Thái hư không sanh linh trí. Chân tâm không phan duyên lành dữ. Người tham dục quá đáng thì căn cơ nông cạn. Kẻ phải trái giao tranh thì chưa thông. Kẻ gặp cảnh sanh tâm kém định. Kẻ tịch mịch vong cơ thì huệ trầm. Kẻ ngạo vật cống cao thì cái ngã mạnh tợn. Kẻ chấp có, chấp không đều là ngu. Kẻ tìm văn, thủ chứng càng thêm trệ kẹt. Kẻ khổ hạnh cầu Phật càng thêm mê. Kẻ rời tâm cầu Phật thì là ngoại đạo. Kẻ chấp tâm là Phật ấy là ma vậy.
Đại đức nói:
- Nếu mà như thế thì rốt lại chẳng có gì cả ?
Sư nói:
- Rốt lại là đại đức đó, chứ không phải rốt lại không có gì cả.
Đại đức hồ hởi nhảy cỡn ra đi.
THIỀN SƯ LẶC ĐÀM PHÁP HỘI
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Lặc Đàm Pháp Hội ở Hồng Châu.
Sư hỏi Mã Tổ:
- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?
Tổ nói:
- Nói khẽ, hãy bước lại gần đây.
Sư liền bước đến gần bị Tổ vả một bạt tai nói:
- Đông người không thể cùng mưu tính công việc được, hôm sau hãy tới.
Qua hôm sau sư lại vào pháp đường nói:
- Thỉnh Hòa thượng nói.
Tổ nói:
- Hãy lui ra đợi khi ta thượng đường sẽ chứng minh cho ông.
Sư liền tỉnh ngộ nói:
- Cảm tạ đại chúng chứng minh.
Đoạn đi quanh pháp đường một vòng rồi lùi ra.
THIỀN SƯ SAM SƠN TRÍ KIÊN
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Sam Sơn Trí Kiên ở Trì Châu.
Ban đầu, sư cùng Qui Tông và Nam Tuyền hành cước, giữa đường gặp một con hổ. Cả ba người đều né qua khỏi nó mà đi. Nam Tuyền hỏi Qui Tông:
- Mới vừa rồi thấy hổ giống như con gì ?
Qui Tông nói:
- Giống như con mèo.
Qui Tông lại hỏi sư, sư nói:
- Giống như con chó.
Qui Tông lại hỏi Nam Tuyền. Nam Tuyền nói:
- Mỗ thấy đó là con hổ.
***
Sư đang ăn cơm, Nam Tuyền dọn dẹp hết cơm thừa nói:
- Thừa đấy !
Sư nói:
- Không thừa.
Nam Tuyền nói:
- Không thừa vẫn là ngọn đấy.
Nam Tuyền đi được mấy bước, sư gọi giật lại:
- Trưởng lão ! Trưởng lão !
Nam Tuyền quay đầu lại, sư hỏi:
- Thế nào ?
Sư nói:
- Đừng có nói đó là ngọn nhé !
***
Ngày kia lao động tập thể nhổ rau quyết. Nam Tuyền đưa một cọng rau lên nói:
- Cái này cúng dường tốt lắm.
Sư nói:
- Chẳng riêng cái này mà trăm vị trân quí khác cũng chẳng đoái tới.
Nam Tuyền nói:
- Tuy là như vậy, nhưng mọi người đều phải thưởng thức mới được.
***
Tăng hỏi:
- Thế nào là bổn lai thân ?
Sư đáp:
- Cả thế giới đều không có gì tương tự.
THIỀN SƯ LẶC ĐÀM DUY KIẾN
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Duy Kiến ở Lặc Đàm Hồng Châu.
Ngày nọ, sư tọa Thiền phía sau pháp đường của Mã Tổ. Tổ trông thấy liền thổi lỗ tai của sư hai cái. Sư ra khỏi định thấy đó là Hòa thượng lại nhập định nữa. Tổ quay về phương trượng bảo thị giả bưng đến một chén nước trà cho sư. Sư chẳng đoái tới, liền quay về tăng đường.
THIỀN SƯ MINH KHÊ ĐẠO HẠNH
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Đạo Hạnh ở Minh Khê Lễ Châu.
Sư có lúc nói:
- Ta có bịnh nặng, không phải thế gian có thể trị đươc.
Về sau có tăng hỏi Tào Sơn:
- Nghe người xưa có nói, ta có bịnh nặng, không phải do thế gian có thể trị được. Hòa thượng có bị loại bịnh ấy không ?
Tào đáp:
- Chính đang tìm khởi xứ mà chưa được.
Tăng nói:
- Tất cả chúng sanh vì sao mà không bịnh ?
Tào nói:
- Chúng sanh mà bịnh thì đâu phải chúng sanh.
Tăng hỏi:
- Xin hỏi chư Phật còn có bịnh đó chăng ?
Tào đáp:
- Có chứ.
Tăng hỏi:
- Nếu có thì sao lại không bịnh ?
Tào đáp:
- Vì y tỉnh ngộ.
***
Tăng hỏi:
- Tu hành thế nào ?
Sư đáp:
- Là ông thầy tốt, đừng làm khách.
Tăng hỏi:
- Rốt lại thì thế nào ?
Sư đáp:
- An trí mà không kham.
Lại có tăng hỏi:
- Thế nào là con đường tu hành chân chánh ?
Sư nói:
- Sau Niết-bàn có.
Tăng hỏi:
- Thế nào là sau Niết-bàn có ?
Sư nói:
- Không rửa mặt.
Tăng nói:
- Kẻ học này không lãnh hội.
Sư nói:
- Không có mặt để rửa.
THIỀN SƯ THẠCH CỦNG TUỆ TẠNG
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Thạch Củng Tuệ Tạng ở Phủ Châu, vốn là người thợ săn, ghét thấy thầy tu. Ngày nọ nhân rượt bầy nai, chạy ngang qua trước am của Mã Tổ. Tổ bèn đón đầu sư. Tạng hỏi:
- Hòa thượng có thấy bầy nai chạy qua không ?
Tổ đáp:
- Ông làm nghề gì ?
Đáp:
- Thợ săn.
Tổ hỏi:
- Ông biết bắn không ?
Đáp:
- Biết bắn.
Tổ hỏi:
- Ông một mũi tên bắn được mấy con ?
Đáp:
- Một mũi tên bắn một con.
Tổ nói:
- Ông không biết bắn.
Hỏi:
- Hòa thượng biết bắn không ?
Tổ đáp:
- Biết bắn.
Hỏi:
- Hòa thượng một mũi tên bắn được mấy con ?
Tổ nói:
- Một mũi tên bắn cả bầy.
Hỏi:
- Đây đó đều là mạng sống, sao lại cần phải bắn chúng cả bầy?
Tổ nói:
- Ông đã biết như thế, sao không tự bắn mình đi.
Nói:
- Nếu bảo mỗ đây tự bắn thì không có chỗ hạ thủ.
Tổ nói:
- Gã vô minh phiền não bao đời kiếp hôm nay đốn ngộ.
Lúc đó Sư bẻ bỏ cung tên, dùng dao tự cắt tóc, nương Tổ xuất gia.
***
Ngày kia đang làm công việc trong bếp, Tổ hỏi sư:
- Làm gì đó ?
Sư đáp:
- Chăn bò.
Tổ hỏi:
- Làm sao chăn ?
Đáp:
- Nếu chạy vào trong cỏ thì nắm mũi kéo lại.
Tổ nói:
- Ông đúng là kẻ chăn bò.
Sư liền thôi.
***
Sau, khi Sư trụ trì thường dùng cung tên để tiếp dẫn Thiền cơ. Sư hỏi Tây Đường Trí Tạng:
- Ông có biết bắt hư không chăng ?
Tây Đường đáp:
- Bắt được.
Sư hỏi:
- Bắt thế nào ?
Tây Đường dùng tay chộp hư không. Sư nói:
- Nếu làm như thế thì làm sao bắt hư không được.
Đường hỏi:
- Sư huynh làm sao bắt được ?
Sư nắm mũi Tây Đường nhéo một cái thật mạnh. Tây Đường tỏ ra ráng chịu đau kêu:
- Nhéo mũi người ta đau điếng, thiếu điều muốn sứt ra rồi nè.
Sư nói:
- Phải như thế mới bắt được hư không.
***
Chúng tăng đang tham vấn, sư nói:
- Mới vừa lại là từ đâu đến đây ?
Có tăng đáp:
-Tại.
Sư hỏi:
- Tại nơi đâu ?
Tăng ấy bún ngón tay một tiếng.
Tăng đến tham bái, sư nói:
- Có đem cái kia lại không ?
Tăng đáp:
- Đem lại được.
Sư hỏi:
- Để tại đâu ?
Tăng bún ngón tay ba tiếng.
***
Tăng hỏi:
- Làm sao miễn được chết sống ?
Sư đáp:
- Miễn để mà làm gì ?
Tăng hỏi:
- Làm sao miễn được ?
Sư nói:
- Đó là không sanh tử mà.
THIỀN SƯ TỬ NGỌC ĐẠO THÔNG
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Đạo Thông ở núi Tử Ngọc Đường Châu, họ Hà, người Lư Lăng. Lúc trẻ thơ sư theo cha đi trấn nhậm huyện Nam An Tuyền Châu, nhân đó mà xuất gia. Năm đầu đời Đường Thiên Bảo, Mã Tổ xiển hóa ở Kiến Dương, trụ tại hang Phật Tích. Sư đến tham yết. Sau Tổ dời tới núi Cung công Nam Khang, sư cũng đi theo. Tháng 2 năm Trinh Nguyên thứ tư, Mã Tổ sắp thị tịch nói với sư:
- Này, đá ngọc nhuận sắc núi thật đẹp, tăng ích đạo nghiệp của ông, gặp thì nên ở.
Sư không hiểu lời ấy là gì. Mùa thu năm ấy, sư cùng thiền sư Tự Tại núi Phục Ngưu đồng du lãm Lạc Dương. Khi quay về đến Đường Châu, thấy ở phía tây một ngọn núi, bốn mặt thẳng tắp, ngọn uốn cong rất đẹp đẽ, nhân hỏi dân làng, đáp là núi Tử Ngọc. Sư bèn trèo lên đỉnh núi, thấy đá vuông vức trơn láng, màu tím, bèn than rằng: “Đây chính là Tử Ngọc rồi”. Chừng đó mới nhớ lại lời thầy thì đúng là huyền ký vậy. Bèn cắt tranh dựng am mà ở. Về sau học đồ tụ tập đông đảo.
Có ông tăng hỏi:
- Làm thế nào ra khỏi ba giới ?
Sư hỏi:
- Ông ở trong đó được bao lâu rồi ?
Tăng hỏi:
- Làm thế nào rời khỏi ?
Sư đáp:
- Núi xanh không ngăn mây trắng bay.
***
Vu tướng công hỏi:
- Thế nào là gió đen thổi thuyền bè trôi giạt vào nước quỷ La-sát (Câu trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa) ?
Sư đáp:
- Gã Vu làm khách, hỏi thế để làm chi vậy ?
Vu công thất sắc, sư bèn chỉ nói:
- Cái đó mới là trôi giạt vào nước quỷ La-sát.
Vu Công lại hỏi:
- Thế nào là Phật ?
Sư gọi Vu công, công ứng tiếng dạ. Sư nói:
- Chẳng cần phải tìm nơi đâu nữa.
Năm Nguyên Hòa thứ tám, đệ tử Kim Tạng đi tham yết Bách Trượng về, lễ bái hầu cận. Sư nói:
- Ông về rồi đó à, thế là núi này có chủ rồi.
Thế là chúc phó lại cho Kim Tạng xong đâu đó, chống gậy ra đi. Đạo tục ở Tương Châu đều nghinh đón, tới ngày rằm tháng bảy, không bịnh mà mất, thọ 83 tuổi.
THIỀN SƯ NHƯỢNG
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Nhượng, Bắc Lan Giang Tây.
Lượng trưởng lão ở Hồ Đường hỏi:
- Phục thừa sư huynh vẽ được chân dung của tiên sư, thỉnh tạm cho chiêm ngưỡng.
Sư lấy hai tay đấm ngực khai thị. Lượng liền lễ bái. Sư nói:
- Đừng lạy ! Đừng lạy !
Lượng nói:
- Sư huynh lầm rồi, mổ đây đâu có lạy sư huynh.
Sư nói:
- Ông lạy chân dung tiên sư chớ gì ?
Lượng nói:
- Đã vậy thì tại sao lại bảo mỗ đừng lạy.
Sư nói:
- Có từng lầm bao giờ.
THIỀN SƯ PHẬT QUANG NHƯ MÃN
(Từng trụ chùa Kim Cái núi Ngũ Đài)
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Phật Quang Như Mãn ở Lạc Kinh.
Vua Đường Thuận Tông hỏi:
- Phật từ đâu lại ? Diệt rồi đi về đâu ? Đã nói thường trụ thế, thì Phật hiện nay ở tại đâu ?
Sư tâu:
- Phật từ vô vi đến. Diệt rồi đi về vô vi. Pháp thân như hư không, ở tại chỗ vô tâm. Hữu niệm qui vô niệm. Hữu trụ qui vô trụ. Đến vì chúng sanh mà đến, đi vì chúng sanh mà đi. Biển chân như thanh tịnh. Thể trạm nhiên thường trụ. Người trí khéo tư duy, nên chẳng khá nghi lự.
Đế lại hỏi:
- Phật hướng cung vua sanh, diệt hướng Song Lâm diệt. Trụ thế 49 năm, lại bảo không có nói pháp nào. Non sông cùng biển cả. Trời đất cùng nhựt nguyệt. Thời đến đều qui tận. Ai bảo không sanh diệt. Nghi tình là như thế. Người trí khéo phân biệt.
Sư đáp rằng:
- Phật thể bổn vô vi. Mê tình lầm phân biệt. Pháp thân như hư không. Chưa từng có sanh diệt. Có duyên Phật ra đời. Vô duyên Phật nhập diệt. Nơi nơi giáo hóa chúng sanh. Giống như mặt trăng trong nước. Không hằng thường mà cũng không đứt đoạn. Không sanh mà cũng không diệt. Sanh mà chưa từng sanh. Diệt mà chưa từng diệt. Thấy rõ được chỗ vô tâm. Tự nhiên không có pháp nào nói.
Đế nghe rất đẹp lòng, càng thêm kính trọng Thiền tông.
THIỀN SƯ NAM NGUYÊN ĐẠO MINH
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Nam Nguyên Đạo Minh ở Viên Châu thượng đường nói:
- Ngựa lanh một roi, người lanh một lời. Có chuyện gì sao lại không xuất đầu lộ diện, không có chuyện thì xin tạm biệt.
Nói xong bước xuống tòa.
Có tăng hỏi:
- Một lời là thế nào ?
Sư bèn lè lưỡi nói:
- Đợi lão tăng có tướng lưỡi rộng dài, sẽ nói cho ông nghe.
***
Động Sơn đến tham yết, vừa mới bước lên pháp đường, sư liền nói:
- Đã thấy nhau rồi mà.
Động Sơn bèn bước xuống pháp đường. Qua hôm sau, Động Sơn lại lên pháp đường hỏi:
- Hôm qua đã hân hạnh được Hòa thượng từ bi, nhưng chẳng hiểu chỗ nào là nơi đã cùng mỗ đây gặp nhau ?
Sư nói:
- Tâm tâm không đứt đoạn, cùng chảy vào biển tánh.
Động Sơn nói:
- Cơ hồ bỏ qua.
Động Sơn từ giã ra đi, sư nói:
- Học nhiều Phật pháp, rộng làm lợi ích.
Động Sơn nói:
- Học nhiều Phật pháp tức không hỏi, thế nào là rộng làm lợi ích ?
Sư đáp:
- Một vật cũng không trái nghịch.
***
Tăng hỏi:
- Thế nào là Phật ?
Sư đáp:
- Không thể nói đó là ông rồi.
THIỀN SƯ PHU THÔN TỰ MÃN
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Phu Thôn Tự Mãn ở Hân Châu thượng đường nói:
- Xưa nay không khác, pháp nhĩ như nhiên, có thế nào đâu. Tuy là như vậy, chuyện ấy có rất nhiều người không biết làm thế nào.
Lúc đó có ông tăng hỏi:
- Không rơi vào xưa nay, thỉnh sư nói thẳng.
Sư nói:
- Hiểu ngay ông chẳng biết thi thố thế nào.
Tăng định nói nữa, sư nói:
- Cho là lão tăng rơi vào xưa nay đi.
Tăng hỏi:
- Thế nào mới là đúng ?
Sư đáp:
- Cá lội đầy khung trời xanh, thềm bậc khó bay.
Tăng hỏi:
- Làm thế nào miễn được lỗi xấu đó ?
Sư nói:
- Nếu khéo hình dung, ai luận cao thấp được.
Tăng ấy lễ bái, sư nói:
- Khổ thay, khuất tất thay ! Ai người giống ta.
***
Sư ngày nọ, nói cùng đại chúng rằng:
- Trừ chuyện ngày sáng, đêm tối, còn nói gì nữa đâu, chỉ nên tạm biệt.
Lúc ấy có tăng hỏi:
- Thế nào là một câu không can ngăn ?
Sư nói:
- Rung trời, động đất.
THIỀN SƯ TRUNG ẤP HỒNG ÂN
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Trung Ấp Hồng Ân ở Lãng Châu.
Ban đầu Ngưỡng Sơn mới thọ giới cụ túc đến tạ tân giới. Sư thấy Ngưỡng Sơn đến, từ trên giường thiền vỗ tay nói:
- Hòa thượng.
Ngưỡng Sơn bèn đứng bên phía đông, rồi lại đứng bên phía tây, sau đó lại đứng ở khoảng giữa, cuối cùng mới tạ giới xong, liền lui ra phía sau đứng. Sư nói:
- Từ nơi đâu mà được Tam-muội đó ?
Ngưỡng Sơn nói:
- Ở Tào Khê thoát ấn tử lại.
Sư nói:
- Ông nói là Tào Khê dùng Tam-muội này để tiếp dẫn người nào ?
Ngưỡng Sơn nói:
- Tiếp dẫn ông “Giác một đêm” dùng Tam-muội này.
Ngưỡng lại hỏi:
- Còn Hòa thượng được Tam-muội này ở đâu ?
Sư nói:
- Ta ở nơi Mã đại sư học được Tam-muội này.
Ngưỡng hỏi:
- Làm thế nào được kiến tánh ?
Sư nói:
- Giả tỷ như có căn nhà. Căn nhà có sáu cửa sổ. Trong nhà có một con khỉ nhĩ hầu, góc đông kêu chóe chóe, bên ngoài cửa sổ kêu chóe chóe ứng như thế. Sáu cửa sổ đều kêu, đều ứng như thế.
Ngưỡng Sơn lễ tạ rồi đứng dậy nói:
- Mong ơn Hòa thượng thí dụ, chẳng có gì là không hiểu biết. Nhưng có một chuyện là nếu như con nhĩ hầu bên trong mệt mỏi ngủ, nhĩ hầu bên ngoài muốn nhìn thấy thì làm sao đây ?
Sư bước xuống giường dây, nắm tay Ngưỡng Sơn múa nói:
- Chóe chóe cùng ông nhìn thấy nhau rồi. Giống như con sâu tiêu minh nhỏ xíu làm ổ trên lông mi con ruồi, đi ra phía ngã tư đường cái kêu gọi rằng đất rộng, người thưa, gặp nhau hiếm lắm.
THIỀN SƯ BÁCH TRƯỢNG HOÀI HẢI
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Thiền sư Hoài Hải núi Bách Trượng ở Hồng Châu là người quê ở Trường Lạc, Phúc Châu, họ Vương, lúc nhỏ tuổi đã xa rời thế tục, học tập kỹ về tam học (Giới, Định, Tuệ). Lúc Đại Tịch Đạo Nhất xiển hóa Giang Tây, sư chuyên tâm theo học Tây Đường Trí Tạng, Nam Tuyền Phổ Nguyện được coi là đệ tử ruột. Thời đó, ba vị đại sĩ giống như ba chân vạc. Sư theo hầu Mã Tổ đi đường thấy một bầy vịt trời bay qua. Tổ nói:
- Đó là gì ?
Sư nói:
- Vịt trời.
Tổ nói:
- Bay về đâu vậy ?
Sư nói:
- Bay qua đi rồi.
Tổ bèn bóp mũi sư đau đến mức phải la lên. Tổ nói:
- Lại nói bay qua nè.
Vừa nghe lời nói đó sư chợt tỉnh. Thế là sư trở về liêu của thị giả, khóc lớn ưng ức. Đồng sự hỏi rằng:
- Ông nhớ cha mẹ chăng ?
Sư nói:
- Không.
Lại hỏi:
- Bị người ta chửi chăng ?
Sư nói:
- Không.
Hỏi:
- Thế khóc chi vậy ?
Sư nói:
- Lỗ mũi tôi bị sư phụ nhéo đau quá cỡ.
Đồng sự nói:
- Có duyên cớ gì không khế hợp chăng ?
Sư nói:
- Ông hỏi Hòa thượng đi.
Đồng sự hỏi đại sư rằng:
- Hoài Hải thị giả có việc gì không khế hợp đang khóc trong liêu, xin Hòa thượng nói cho tôi rõ.
Đại sư nói:
- Đó là y đã hiểu ra. Ông hãy đi hỏi y.
Đồng sự trở lại liêu hỏi:
- Hòa thượng nói ông hiểu rồi, bảo ta tự đi hỏi ông.
Sư bèn ha hả cười lớn. Đồng sự hỏi:
- Mới vừa rồi khóc, bây giờ sao lại cười ?
Sư nói:
- Vừa mới nãy thì khóc bây giờ cười.
Đồng sự hoang mang chả hiểu gì cả. Hôm sau Mã Tổ thăng đường, chúng vừa tụ tập, sư liền bước ra cuốn chiếu, Tổ liền xuống tòa. Sư theo đến phương trượng. Tổ nói: Mới vừa rồi ta chưa kịp nói, ông vì sao lại cuốn chiếu ?
- Hôm qua bị Hòa thượng nhéo đau cả mũi.
Tổ nói:
- Hôm qua ông để tâm vào việc gì ?
Sư nói:
- Mũi hôm nay không đau nữa.
Tổ nói:
- Ông đã biết rõ việc hôm qua.
Sư làm lễ rồi lui.
(Từ đoạn ‘Sau sư theo hầu Mã Tổ’... đến ‘lễ rồi lui ra’ là lấy dùng của Ngũ Đăng Hội Nguyên).
***
Mã Tổ thượng đường, đại chúng vân tập. Tổ vừa mới thăng tòa nín lặng giây lâu thì sư cuốn chiếu trước mặt. Tổ liền hạ đường. Sư tái tham Mã Tổ, Tổ thấy sư lại, dựng cây xơ quất ở góc giường dây. Sư nói:
- Là cái dụng này hay rời cái dụng này ?
Tổ nói:
- Ông về sau khai mở miệng nói pháp, lấy gì để làm thầy người ?
Sư lấy cây xơ quất chống đứng lên. Tổ nói:
- Là cái dụng này hay rời cái dụng này ?
Sư treo cây xơ quất vào chỗ cũ. Tổ ra oai quát một tiếng lớn, sư bị ù tai 3 ngày. Từ đó tiếng tăm của sư chấn động, đàn-na tín thí thỉnh sư đến Tân Ngô Giới ở Hồng Châu, lấy Đại Hùng sơn làm nơi cư trú, núi non quanh co cao vút, do đó có tên là Bách Trượng. Vừa ở đó chưa được bao lâu, khách từ bốn phương đến tham vấn rất đông, đứng đầu là Qui Sơn và Hoàng Bá. Một ngày kia, sư gọi chúng nói:
- Phật pháp không phải việc nhỏ. Xưa ta bị Mã đại sư quát một tiếng, bị ù tai liền ba ngày.
Hoàng Bá nghe kể lại, bất giác lè lưỡi. Sư nói:
- Ông sau này bộ chẳng nối pháp Mã Tổ sao ?
Bá nói:
- Không phải vậy. Hôm nay nhân nghe Hòa thượng kể lại được thấy cái dụng đại cơ của Mã Tổ, nhưng vẫn chưa hiểu Mã Tổ. Nếu nối pháp Mã Tổ, về sau sẽ làm hư hoại con cháu ta.
Sư nói:
- Đúng vậy, Đúng vậy! Thấy cùng thầy bằng là làm giảm phân nửa đức của thầy. Thấy hơn hẳn thầy, mới nên truyền trao, ông khá có cái thấy hơn thầy.
Bá liền lễ bái.
(Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
- Bách Trượng lại tham vấn Mã Tổ nhân duyên, ý chỉ của hai vị tôn túc thế nào ?
Ngưỡng Sơn nói:
- Đó là hiểu đại cơ, đại dụng.
Qui Sơn nói:
- Mã Tổ sản xuất 84 vị đại đệ tử. Trong hàng thiện tri thức đó, ai là người được đại cơ, ai là người được đại dụng ?
Ngưỡng Sơn nói:
- Bách Trượng được đại cơ, Hoàng Bá được đại dụng, còn kỳ dư đều là thiền sư xướng đạo.
Qui Sơn nói:
- Đúng thế, đúng thế).
***
Có ông tăng khóc bước vào pháp đường. Sư hỏi:
- Chuyện gì vậy ?
Tăng đáp:
- Cha mẹ đều cùng qua đời, xin sư coi ngày giùm.
Sư nói:
- Ngày mai này, cả hai cùng chôn cất cả.
***
Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nhạc đang đứng hầu, sư hỏi Qui Sơn:
- Gom bịt một lượt yết hầu, môi mép, làm sao nói được ?
Sơn nói:
- Xin Hòa thượng nói cho.
Sư nói:
- Chẳng từ chối nói cho ông, chỉ sợ sau này làm hại đến con cháu ta.
Sư lại hỏi Ngũ Phong câu đó. Phong đáp:
- Hòa thượng cũng nên gom bịt một lượt đi.
Sư nói:
- Chốn không người che trán trông nhìn ông.
Lại hỏi đến Vân Nham. Nham nói:
- Hòa thượng có chưa vậy ?
Sư nói:
- Làm hại con cháu ta.
Sư nói với mọi người:
- Ta cần một người truyền lời cho Tây Đường, ai đi được ?
Ngũ Phong nói:
- Con đây đi cho.
Sư nói:
- Ông truyền lời như thế nào ?
Phong nói:
- Đợi đến lúc gặp Tây Đường rồi hẳn nói.
Sư nói:
- Sau khi gặp nói cái gì ?
Phong nói:
- Để khi trở lại sẽ thuật cùng Hòa thượng.
***
Mỗi lần sư thượng đường đều có một ông lão trà trộn trong chúng nghe pháp. Ngày kia mọi người lui ra cả chỉ còn ông lão nán lại không đi. Sư hỏi:
- Ông là ai ?
Ông lão nói:
- Con đây không phải người ta. Vào thời quá khứ Phật Ca Diếp con từng trụ ở núi này. Nhân người học hỏi: “Kẻ đại tu hành có còn rơi vào nhân quả không ?”, con đáp là “không rơi vào nhân quả” liền bị đọa thân chồn năm trăm đời rồi. Nay xin Hòa thượng nói thay cho một chuyển ngữ để thoát khỏi thân chồn rừng.
Sư nói:
- Ông hỏi đi.
Ông lão nói:
- Người đại tu hành còn rơi vào nhân quả nữa không ?
Sư nói:
- Không mờ mất nhân quả.
Lão nhân vừa nghe là ngộ ngay, vái lạy nói:
- Con đã thoát khỏi kiếp chồn trụ sau núi, dám xin đưa giùm kẻ vong tăng.
Sư bảo duy-na đánh chùy báo cho chúng biết sau giờ ăn đưa tiễn ông tăng qua đời. Mọi người tụ tập lại bàn tán, tất cả đều mạnh khỏe, tại Niết-bàn đường cũng không có bịnh nhân nặng nằm chờ chết thì tại sao lại lệnh như vậy ? Ăn cơm xong sư dẫn chúng đến hang sau húi, lấy gậy khều xác một con chồn chết, rồi theo phép hỏa táng. Đến tối sư thượng đường, nói rõ nhân duyên đời trước. Hoàng Bá liền hỏi:
- Người xưa chỉ đáp sai có một câu chuyển ngữ mà phải đọa thân chồn năm trăm kiếp. Nếu chuyển ngữ mà không sai thì sẽ thành cái gì ?
Sư bảo:
- Xích lại gần đây, ta sẽ nói cho ông nghe.
Hoàng Bá tiến đến gần đánh sư một cái tát. Sư vỗ tay cười:
- Tưởng đâu chỉ có ông chà-và râu đỏ, nào hay lại có ông Ấn Độ đỏ râu.
(Qui Sơn đem việc này hỏi Ngưõng Sơn, Ngưỡng đáp:
- Hoàng Bá thường dùng cơ phong đó.
Qui nói:
- Ông nói xem đó là trời sanh thế, hay do người mà được thế ?
Ngưỡng nói:
- Đó cũng là do bẩm thụ sư thừa, mà cũng là do tự tánh tông thông.
Qui nói:
- Đúng vậy, đúng vậy).
Lúc bấy giờ, Qui Sơn làm điển tòa trong hội. Tư Mã đầu-đà đem lời dã hồ hỏi điển tòa:
- Làm thế nào ?
Điển tòa lay cánh cửa ba lần. Tư Mã nói:
- Thô quá tay.
Điển tòa nói:
- Phật pháp không phải đạo lý này.
Sư nói:
- Ngồi một mình trên ngọn Đại hùng phong.
Tăng lễ bái, sư liền đánh. Sư thượng đường nói:
- Linh quang chiếu soi một mình, lìa xa căn trần. Chân thường thể lộ, chẳng liên quan văn tự. Tâm tánh không nhiễm, vốn tự tròn đầy. Chỉ cần lìa vọng duyên là Phật như như.
(Chú: Từ đoạn ‘Mỗi lần sư thượng đường’ tới ‘là Phật như như’ là thái dụng của “Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 3”).
***
Sư đang cùng Qui Sơn làm công việc. Sư hỏi:
- Có lửa không vậy ?
Qui Sơn đáp:
- Có ạ.
Sư nói:
- Ở chỗ nào đâu ?
Qui Sơn lấy một nhánh cây thổi hai ba hơi rồi đưa qua sư. Sư nói:
- Như côn trùng cạp cây.
Hỏi:
- Thế nào là Phật ?
Sư nói:
- Vậy chớ ông là ai ?
Đáp:
- Là con đây.
Sư hỏi:
- Ông có biết kẻ “con đây” đó không ?
Đáp:
- Biết rõ ràng ạ.
Sư bèn cất cây xơ quất lên nói:
- Ông có thấy không ?
Đáp:
- Thưa thấy ạ.
Sư bèn im lời.
***
Trong lao động tập thể lúc đang cuốc đất bỗng có ông tăng nghe tiếng trống đánh hiệu giờ cơm bèn cất cuốc lên vai, cười mà về. Sư bảo:
- Hay thay ! Đây chính là cửa nhập lý của Quán Âm.
Sư về đến Viện bèn gọi ông tăng kia đến hỏi:
- Vừa rồi ông thấy đạo lý gì mà cười như thế ?
Tăng ấy đáp:
- Vừa khi nãy bụng đói, nghe tiếng trống hiệu, quay về ăn cơm.
Sư bèn cười.
***
Hỏi:
- ‘Theo kinh giải nghĩa, Phật ba đời oán trách. Rời kinh một chữ, như đồng ma nói’ là thế nào ?
Sư nói:
- Cố thủ động tĩnh, Phật ba đời oán trách. Hướng ngoài riêng cầu, tức như ma nói.
***
Nhân tăng hỏi Tây Đường:
- Có hỏi, có đáp thôi dẹp qua, không hỏi không đáp thì thế nào ?
Đường đáp:
- Sợ cháy để làm gì ?
Sư nghe thuật lại bèn nói:
- Từ trước nghi ông anh già này đấy.
Nói:
- Xin Hòa thượng nói cho.
Sư đáp:
- Một hiệp tưởng cũng không được.
***
Sư nói với chúng:
- Có một người lâu ngày không ăn cơm mà chẳng nghe nói đói, còn có người suốt ngày ăn mãi mà cũng không nói no.
Mọi người tắt họng. Vân Nham hỏi:
- Hòa thượng mỗi ngày lui cui như thế là vì ai ?
Sư đáp:
- Có một người cần.
Vân Nham hỏi:
- Vì sao không để y tự làm ?
Sư nói:
- Hắn không có sinh hoạt gia đình.
***
Hỏi:
- Thế nào là pháp yếu của đốn ngộ Đại thừa ?
Sư nói:
- Các ông trước hết phải dứt các duyên, ngừng nghỉ mọi việc, Thiện và bất thiện, thế gian và xuất thế gian, nhất thiết các pháp đừng nghĩ nhớ, đừng niệm duyên mà hãy buông bỏ thân tâm, để cho được tự tại. Tâm như gỗ đá, không có cách nào biện biệt được Tâm không có chỗ hành, tâm địa trống trơn thì mặt trời tuệ tự hiện ra giống như mây hé thì mặt trời ló ra vậy. Chỉ cần chấm dứt mọi phan duyên cùng tham sân ái thủ, cấu tịnh tình tận, đối với ngũ dục bát phong đều không động, không bị nghe thấy hiểu biết ràng buộc, không bị cái cảnh mê hoặc thì tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng là người giải thoát. Đối với mọi cảnh, tâm chẳng tịnh loạn không thâu nắm không buông bỏ, xuyên thấu mọi thanh sắc, chẳng có vướng kẹt, gọi là đạo nhân. Lành dữ, phải trái đều chẳng vận dụng, lại cũng chẳng ái một pháp nào mà cũng chẳng buông bỏ một pháp nào, gọi là người Đại thừa. Không bị trói buộc bởi tất cả lành dữ, có không, dơ sạch, hữu vi vô vi, thế gian và xuất thế, phước đức trí huệ, gọi là Phật huệ. Phải trái, xấu tốt, điều phải, điều quấy, các tri kiến tình tận, chẳng thể trói buộc, xứ xứ tự tại, gọi là Bồ-tát sơ phát tâm, liền lên Phật địa.
***
Hỏi:
- Đối mọi cảnh, làm sao được tâm như gỗ đá ?
Sư nói:
- Tất cả mọi pháp, vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc (có), lại cũng chẳng nói phải trái, dơ sạch, lại cũng chẳng có tâm trói buộc người. Nhưng do con người tự hư vọng tính toán, làm ra bao nhiêu là thứ hiểu biết, khởi biết bao là tri kiến, sanh ra biết bao là thương, sợ. Chỉ cần hiểu chư pháp không tự sanh ra, tất cả đều từ một niệm của mình, vọng tưởng điên đảo, giữ tướng mà có biết. Tâm và cảnh vốn không đến, đương xứ mà giải thoát. Tất cả mọi pháp đương xứ mà tịch diệt, đương xứ đạo tràng vả tính bổn hữu không thể gọi tên, xếp thứ, bổn lai chẳng phải phàm mà cũng chẳng phải Thánh, chẳng phải dơ sạch mà cũng chẳng có không, lại cũng chẳng lành dữ, cùng các nhiễm pháp tương ưng, gọi là nhân thiên Nhị thừa giới. Nếu tâm chấp nhơ sạch chấm dứt, không trụ trói buộc, không trụ cởi mở, không có mọi hữu vi vô vi trói buộc thoát tâm xứ, tại sanh tử mà tâm ấy tự tại, rốt cùng không cùng với các vọng hư huyễn, trần lao uẩn giới, sanh tử chư nhân hòa hợp, thong dong chẳng nương gá, tất cả không câu thúc, tới ở chẳng ngăn ngại, tới lui sanh tử, như cổng mở một thứ. Phàm người học đạo, nếu gặp mọi thứ buồn vui, vừa lòng hay trái ý, tâm chẳng so rụt, không nghĩ đến danh văn lợi dưỡng, y thực, không tham công đức lợi ích, không bị vướng kẹt bởi các pháp thế gian, không thân không thương, buồn vui thấy bình thường, mặc đồ thô để che lạnh, ăn cơm hẩm để cầu sống, ngố ngố như ngây như điếc mới có chút phần tương ưng. Nếu tại tâm học rộng chuyện hiểu biết, cầu phước cầu trí thì đều là sanh tử, đối với đạo lý nào có ích gì, bị gió cảnh thổi bay nhận chìm, quày trở lại trong biển sanh tử. Phật là người không cầu, hễ cầu là trái lý. Đó là lý không cầu, hễ cầu là thất mát. Nếu nắm bắt vô cầu thì lại đồng như hữu cầu. Nếu nắm bắt trước vô vi thì cũng giống như hữu vi. Cho nên kinh nói: “Không thủ ở pháp, mà cũng không thủ ở chẳng phải pháp, cũng không thủ nơi chẳng phải chẳng phải pháp”. Lại nói: “Pháp mà Như Lai đắc, pháp này không thật không hư”. Nếu làm được một đời tâm như gỗ đá một thứ, không bị bát phong, ngũ dục của ấm giới nhập thổi đùa nhận chìm thì dứt được nhân sanh tử, pháp trụ tự do. Không bị nhân giải của tất cả hữu vô trói buộc, không bị hữu lậu câu thúc. Lúc khác lại lấy không bị nhân trói buộc làm nhân, đồng sự lợi ích. Lấy tâm vô trước ứng với mọi vật, lấy tuệ vô ngại mở tất cả trói buộc. Cũng gọi là theo bệnh mà cho thuốc vậy.
***
Hỏi:
- Như nay thọ giới thân miệng thanh tịnh, đã đầy đủ cái thiện, vậy được giải thoát không ?
Sư nói:
- Giải thoát phần nhỏ thôi, chưa được tâm giải thoát, cũng chưa được tất cả mọi nơi giải thoát.
Hỏi:
- Thế nào là tâm giải thoát và tất cả mọi nơi giải thoát ?
Sư nói:
- Không cầu Phật, Pháp, Tăng cho đến cả không cầu các món phước trí, tri giải. Dơ sạch đều tình tận, lại cũng không thủ cái vô cầu này, mà vậy cũng chưa trụ chỗ tận cùng, lại cũng chẳng hân hoan thiên đường, không e sợ địa ngục, cởi khỏi trói chẳng vướng kẹt, tức thân tâm và tất cả mọi nơi đều gọi là giải thoát. Người đừng nói có chút đỉnh giới thì thân, khẩu, ý đã tịnh và thế là xong rồi mà không Hằng hà sa số môn giới, định, tuệ và vô lậu giải thoát đều không đạt đến mảy may tự tại. Hãy nỗ lực hướng về trước, nên dũng mãnh cứu thủ, đừng đợi đến khi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn, tóc bạc, cái khổ vì già đeo đẳng bên mình, bi ái triền miên, trong mắt trào lệ, trong tâm lo âu, chẳng biết tựa vào đâu, chẳng biết đi về đâu. Đến thời tiết đó, sửa soạn tay chân không còn kịp nữa. Dẫu có phước trí, danh tiếng, lợi dưỡng, cũng không thể cứu nhau được. Vì tâm và mắt chưa mở, chỉ niệm các cảnh, chẳng biết phản chiếu, lại cũng không thấy Phật đạo. Tất cả nghiệp duyên thiện ác sở hữu một đời đều hiện phía trước, hoặc vui hoặc lo sợ, lục đạo, năm uẩn, đồng thời hiện trước mắt. Nhà cửa đẹp sang, tàu bè xe cộ, sáng rỡ hiển hách, đều do nơi tự tâm tham ái mà hiện ra. Tất cả cảnh xấu đều biến thành cảnh đẹp đẽ. Nhưng theo tham ái chập chùng, nghiệp thức dẫn đưa, tùy chấp trước mà thọ sinh, đều là phần không tự do. Rồng thú, tốt xấu, đều cả thảy chưa định.
***
Hỏi:
- Làm sao được phần tự do ?
Sư nói:
- Như nay tuy cũng được đấy, nhưng hoặc đối ngũ dục, bát phong, tình không thủ xả, keo lận ganh tỵ, tham ái, ngã sở tình tận, cấu tịnh đều mất. Như mặt trăng mặt trời trên không, chẳng duyên mà chiếu tâm, tâm như gỗ đá, giây giây như cứu lửa cháy đầu. Nhưng lại cũng như voi thiêng qua sông, cắt dòng nước mà qua, rốt lại chẳng ngăn ngại vướng kẹt. Người đó cả thiên đường, địa ngục đều không thể nhiếp được. Phàm đọc kinh xem giáo lý, lời lẽ đều nên uyển chuyển qui về tự kỷ. Nhưng tất cả ngôn giáo chỉ sáng như gương giác tự tín, mà không bị nhất thiết các cảnh hữu vô lay chuyển, thì đó là đạo sư của ông, có thể chiếu phá mọi thứ cảnh hữu vô, đó là tuệ kim cương. Tức là có được phần độc lập tự do. Nếu mà không hiểu được như thế thì cho dù có đọc hết kinh điển, chỉ thành Tăng thượng mạn, thành ra hủy báng Phật không phải người tu hành. Chỉ cần rời tất cả mọi thanh sắc, mà cũng không trụ ở rời, lại cũng chẳng trụ ở hiểu biết, thì đó mới là tu hành, đọc kinh, xem giáo lý. Nếu chọn thế gian toàn chuyện tốt, đứng về phía những người sáng đạo lý, thì đó là kẻ bị ứ nghẹt. Người của thật địa cũng không thoát nổi phải tuôn chảy vào sông sinh tử. Bởi tam thừa giáo đều trị các bịnh tham sân, còn như nay đây niệm niệm nếu còn các bịnh tham sân, thì trước phải lo trị nó mà không cần phải cầu kiếm hiểu biết nghĩa câu. Hiểu biết thuộc tham, tham biến thành bệnh. Như nay đây chỉ cần rời xa các pháp hữu vô, mà cũng rời chuyện rời, thấu quá ngoài ba cú, tự nhiên cùng Phật không khác. Khi đã tự là Phật, thì lo gì Phật không hiểu lời lẽ. Chỉ e không phải là Phật, bị các pháp hữu vô trói buộc, không được tự do. Do lý chưa lập mà trước lo phước trí, bị phước trí cuốn phăng đi, như kẻ hạ tiện sai khiến người cao quí. Không như nước biển cả đổ vào lỗ chân lông. Từ một nghĩa làm ra vô lượng nghĩa, từ vô lượng nghĩa làm một nghĩa. Mong người cẩn trọng!
Sư có lúc nói pháp xong, đại chúng hạ đường bèn gọi lại. Đại chúng quay đầu lại thì sư nói:
- Đó là cái gì ?
(Dược Sơn thấy điều này cho là “Bách Trượng hạ đường cú”)
***
Sư lúc còn bé theo mẹ vào chùa lạy Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ:
- Đây là giống gì ?
Mẹ đáp:
- Là Phật đấy con.
Hình dung giống người không khác, sau này con cũng sẽ làm Phật.
Sư phàm làm công việc, nhận chuyện nặng nhọc tất trước mọi người. Chủ sự tăng không đành lòng, lén giấu dụng cụ mời sư nghỉ ngơi. Sư nói:
- Ta vô đức sao lại làm lao nhọc người khác ?
Đoạn tìm dụng cụ khắp nơi mà không gặp thì cũng không ăn. Do đó mà có câu nói của sư “Ngày nào không làm, ngày đó không ăn” lưu truyền khắp nơi. Ngày 17 tháng giêng năm thứ chín niên hiệu Nguyên Hòa nhà Đường sư qui tịch, được thụy hiệu là Đại Trí Thiền Sư, tháp gọi Đại Bảo Thắng Luân.
(Chú: Từ đoạn ‘Sư lúc còn bé...’ cho đến ‘lưu truyền khắp nơi’ là lấy dụng của Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 3).
Thiền Môn Qui Thức
Thiền sư Bách Trượng Đại Trí cho rằng từ khi Thiền tông khải phát ở Thiếu Lâm kế đến là Tào Khê cho đến nay phần nhiều ở trong chùa Luật. Tuy là có viện riêng nhưng về khoản thuyết pháp trụ trì, cũng không hợp qui củ. Cho nên ngài thường lưu tâm đến việc này mới nói rằng:
- Đạo của Tổ muốn bố hóa rộng rãi ở Trung Nguyên, hầu mong chỗ bến bờ đạt đến không cùng tận, há lại cùng chư bộ Tiểu thừa giáo sánh vai sao ?
Có người nói:
- Kinh Du-già Anh Lạc là giới luật của Đại thừa, thế sao lại không nương theo ?
Sư nói:
- Tông môn của ta không giống Đại Tiểu thừa mà cũng khác Đại Tiểu thừa, nên cần phải rộng cân nhắc chiết trung lập nơi chế phạm, nhằm vào chuyện thích nghi mà thôi.
Thế là sáng ý, biệt lập Thiền cư. Phàm có kẻ có đạo đức gồm đủ đạo nhãn đáng tôn kính gọi là Trưởng lão, giống như bên Tây Vực người đạo cao lạp trưởng được gọi là Tu-bồ-đề vậy. Đã là Hóa chủ thì ở nơi phương trượng, cùng trượng thất với Tịnh Danh, không phải là chỗ ngủ riêng. Không lập Chánh điện, chỉ thọ Pháp đường mà thôi, biểu trưng sự thân phó chúc của Phật, Tổ, được đời nay tôn kính, về phần học chúng thì không kể nhiều ít, cao thấp, đều phải ở tại tăng đường, y theo thứ lớp tuổi hạ mà an bày. Thiết lập giường Thiền dài, có móc bình bát cùng đạo cụ. Nằm tất nghiêng bên hông phải theo thế cát tường mà ngủ, ấy là do ngồi Thiền đã lâu cần phải ngơi nghỉ mà thôi.
Về phần bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ngoại trừ khi vào thất thưa hỏi, mặc cho người học hoặc cần kíp hoặc huỡn đãi, hoặc trên hoặc dưới, không theo tiêu chuẩn thường lệ nào, còn kỳ dư đại chúng trong viện, tùy theo sớm tham, tối tựu. Trưởng lão thăng đường lên tòa Chủ sự. Đồ chúng đứng co theo kiểu cách của chim hạc, lắng tai mà nghe. Chủ khách hỏi đáp, kích dương Tông chỉ, y theo pháp mà trụ. Trai trưa, cháo sớm hai bữa tùy nghi đều khắp, chỉ nhằm tiết kiệm, biểu pháp thực song vận mà thôi. Khi thi hành lao động tập thể, cả kẻ trên người dưới đều phải nỗ lực, trí thập vụ gọi là liêu xá, thường dùng một người cầm đầu, quản lý nhiều người làm công việc, khiến mỗi người đều lo chỉ huy thuộc viên của mình.
Nếu có kẻ giả hiệu, trộm hình trà trộn trong thanh chúng, cùng tạo ra tình hình huyên náo rối rắm, tức tăng duy-na kiểm nghiệm, đuổi ra khỏi tự viện, để an thanh chúng. Hoặc có tăng phạm lỗi nặng thì dùng gậy mà đánh phạt, rồi sau đó tập hợp tăng chúng lại, đốt bỏ y bát và đạo cụ, mục đích là sỉ nhục cho thẹn. Lại chế ra bốn ích là:
1- Chẳng làm ô uế thanh chúng, sanh cung kính.
2- Chẳng hủy tăng hình, làm vững vàng Phật chế.
3- Chẳng phiền nhiễu công môn, tránh xa việc tụng hình nơi nhà ngục.
4- Chẳng tiết lậu chuyện nội bộ ra ngoài, bảo hộ cương lĩnh tông môn.
Thiền môn đi riêng một đường bắt đầu từ Bách Trượng vậy. Nay xin nêu đại lược ít điều cương yếu, bày tỏ khắp học giả đời sau, khiến chẳng quên gốc vậy. Còn các quy định khác, nhà Thiền đều gồm đủ cả.
PHẦN PHỤ LỤC
Sư thượng đường nói:
- Ánh sáng linh ngộ tự chiếu diệu, thoát ly căn trần tục thế. Bổn tính hiển lộ chân thật vĩnh hằng, không cần câu nệ chữ nghĩa, lời lẽ. Tâm tính trong sạch không nhiễm dơ bẩn, bổn lai đã viên mãn hoàn thành. Chỉ cần xa lìa hư vọng trần duyên, lập tức giác ngộ như Phật thôi.
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục)
***
Sư thượng đường, đại chúng vừa tụ tập, sư liền lấy gậy đánh đuổi mọi người, rồi lại gọi mọi người. Mọi người quay đầu lại, sư nói:
- Là cái gì vậy ?
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục)
Bách Trượng Thanh Quy
Bách Trượng Thanh Quy gồm 2 quyển, cũng còn gọi là Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, thu vào quyển 48 Đại Chánh Tạng, do Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720 - 814) chế đính từ quyển Thanh Quy.
Lúc đầu, khi Thiền tông vừa mới hình thành, chốn Thiền lâm Trung Quốc vẫn chưa có chế độ, nghi thức, cho nên quyển Cổ Thanh Quy đặt ra chế độ nào là Pháp đường, Tăng đường và Phương trượng. Lại qui định chúng tăng phân biệt, đảm nhiệm các chức vụ như Đông tự, Đường chủ, Hóa chủ, Liêu nguyên, do từ thế kỷ thứ 8 cho đến thứ 9, Thiền tông Trung Quốc thoái ly khỏi chùa Luật, duy trì quy phạm độc đặc của sinh hoạt giáo đoàn mình.
Sách này phân ra thượng và hạ hai quyển, gồm có chín chương. Quyển thượng có chương Chúc Ly đệ nhất, chương Báo Ân đệ nhị, chương Báo Bổn đệ tam, chương Tôn Tổ đệ tứ, chương Trụ Trì đệ ngũ. Quyển hạ có chương Lưỡng Tự đệ lục, chương Đại Chúng đệ thất, chương Tiết Lạp đệ bát và chương Pháp Khí đệ cửu.
Trong chín chương này, chương Chúc Ly ghi chép các ngày vía chư Thánh, ngày chúc tán cảnh mệnh tứ thai, chú tán đán vọng tạng điện, chúc tán mỗi ngày, hoặc đối với các ngày thiện thu, thiện nguyệt, chúc nhà vua Thánh thọ vạn tuế.
Đó là nghi lệ giáo đoàn dưới sự khống chế của quyền lực quốc gia. Chương Tôn Tổ tập thuật ngày kỵ trai của chư Tổ. Chương Đại Chúng thu lục phương thức tọa Thiền, quy phạm Thiền viện tu tập sinh hoạt cùng với những sửa đổi do Bách Trượng Thanh Quy chế định. Nguyên hình quyển Thanh Quy do Hoài Hải chế định ở đời đã thất lạc. Cho đến năm đầu niên hiệu Chí Nguyên đời vua Thuận Đế nhà Nguyên (1335), Đông Dương Đức Huy vâng sắc mệnh vua Thuận Đế lấy quyển Thiền Uyển Thanh Quy của Tông Trách và Tùng Lâm Hiệu Đính Thanh Quy hiệu chính lại, đó tức là bộ hai quyển Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy vậy.
THIỀN SƯ DUY CHÍNH NÚI BÁCH TRƯỢNG
PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT
Ngày kia, sư nói cùng đại chúng:
- Các ông khai ruộng giùm ta, ta sẽ nói cho các ông nghe đại nghĩa.
Chúng tăng khai ruộng rồi, tối đến sư thượng đường, tăng chúng nói:
- Khai ruộng rồi, thỉnh Hòa thượng nói đại nghĩa.
Sư bước xuống giường Thiền, bước ba bước, dang tay hai bên, lấy mắt nhìn trời, đất nói:
- Ruộng đại nghĩa hôm nay còn vậy.
***
Có vị lão túc thấy ánh nắng xuyên qua cửa sổ hỏi Sư:
- Rốt lại thì mặt trời hướng về cửa sổ, hay cửa sổ hướng về mặt trời ?
Sư nói:
- Này trưởng lão, trong phòng ông có khách, về đi thôi.
***
Sư hỏi Nam Tuyền:
- Thiện tri thức các nơi có thuật lại pháp của người khác không ?
Nam Tuyền nói:
- Có.
Sư nói:
- Thế nào là không nói lại pháp của người khác ?
Nam Tuyền đáp:
- Không phải tâm, mà cũng không phải Phật, không phải vật.
Sư nói:
- Thế nào là nói lại pháp của người khác ?
Nam Tuyền nói:
- Mỗ đây là như thế đấy.
Sư nói:
- Sư bá thì thế nào ?
Đáp:
- Ta lại không phải thiện tri thức thì làm sao biết có nói hay không nói pháp.
Sư nói:
- Mỗ đây không lãnh hội, thỉnh sư bá nói cho.
Đáp:
- Ta đã hết sức nói cho ông rồi mà.
***
Tăng hỏi:
- Thế nào là Phật đạo bằng nhau ?
Sư nói:
- Định vậy.
***
Sư nhân vào kinh đô trên đường gặp vị quan mời cơm. Bỗng nghe lừa hí, vị quan gọi:
- Đầu-đà !
Sư ngửng đầu. Vị quan lại chỉ con lừa. Sư bèn chỉ vị quan./.