Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Phẩm "Hiện Tướng"

28/01/202109:34(Xem: 7975)
08. Phẩm "Hiện Tướng"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-538

 

VIII. PHẨM "HIỆN TƯỚNG"

Phần sau quyển 570, Hội thứ VI, ĐBN.

(Tương đương với phẩm 7: Hiện Tướng, Kinh TTVBN)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

  

  Tóm lược:

 

Bấy giờ, Xá lợi tử hỏi Tối Thắng:

- Bồ Tát tu hành Bát Nhã sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo thông đạt pháp tánh. Khi ấy, tức liền ngồi tòa Bồ đề, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chuyển bánh xe pháp vi diệu, độ chúng hữu tình. Vậy vì nhân duyên gì mà trước phải hiện tướng khổ hạnh sáu năm, hàng phục thiên ma, sau mới thành Chánh giác?

Tối Thắng đáp:

- Đại đức nên biết! Bồ Tát tu hành Bát Nhã sâu xa, bằng phương tiện thiện xảo thông đạt pháp tánh, thật không có khổ hạnh, vì điều phục ngoại đạo nên thị hiện đó thôi. Lại nữa, Thiên ma kia là vua cõi Dục, bẩm tánh hiền hòa, thật chẳng đáng ngại, nhưng vì giáo hóa hữu tình nên thị hiện hàng phục. Vì các ngoại đạo tự xưng là mình tu khổ hạnh bậc nhất, nên Bồ Tát thị hiện tu khổ hạnh hơn các vị khổ hạnh ấy. Nghĩa là có các hữu tình thấy Bồ Tát đứng một chân, hoặc thấy Bồ Tát đứng giơ hai tay, hoặc thấy Bồ Tát đứng nhìn mặt trời, hoặc thấy Bồ Tát phơi thân dưới mặt trời, bốn bên đốt lửa chịu nóng (ngũ nhiệt chích thân), hoặc thấy Bồ Tát treo ngược thân, hoặc thấy Bồ Tát nằm trên gai gốc, hoặc nằm trên phân bò, hoặc ngồi trên đá, hoặc nằm trên đất, hoặc nằm trên ván mỏng, hoặc nằm trên cái chày, hoặc nằm trên tro đất, hoặc thấy Bồ Tát chỉ mặt áo bằng ván cây, hoặc mặc áo cỏ gai, hoặc mặc áo cỏ rơm, hoặc mặc áo vỏ cây, hoặc mặc áo cỏ tranh, hoặc lộ hình, hoặc hướng mặt về phía mặt trời, xoay chuyển theo mặt trời, hoặc thấy Bồ Tát chỉ ăn cây cỏ, hoặc ăn lúa mạch, hoặc ăn rễ cây, hoặc ăn lá cây, hoặc ăn hoa quả, hoặc ăn hoài sơn (vị thuốc đông y màu trắng), hoặc ăn khoai sọ, hoặc ăn ngó sen, hoặc ăn đậu, hoặc ăn ngũ cốc, hoặc ăn mè, hoặc ăn gạo, hoặc sáu ngày ăn một bữa, hoặc uống nước qua ngày, hoặc trong một ngày chỉ ăn một chút bơ, hoặc một giọt mật, hoặc một giọt sữa, hoặc không ăn gì, hoặc thường ngủ say. Bồ Tát thị hiện đủ loại khổ hạnh như vậy, hơn sáu năm trường mà không thiếu sót buông bỏ tí nào. Nhưng thật ra, Bồ Tát không có hành khổ hạnh ấy. Với những hữu tình đáng độ, tự thấy có Bồ Tát hành khổ hạnh như vậy. Có 60 muôn ức các chúng trời, người do thấy việc này mà an trụ nơi Tam thừa.

Lại có trời, người đời trước đã trồng thiện căn tín lực thâm sâu ưa thích Đại thừa, nên khi thấy đài bảy báu của Bồ Tát ngồi, thấy Bồ Tát thân tâm bất động, nét mặt tươi vui mỉm cười, nhập vào đẳng trì tối thắng. Trải qua 6 năm, Bồ Tát mới từ định khởi xuất, có các trời, lại có chúng sinh vui sâu Đại thừa, nếu muốn nghe pháp, liền thấy Bồ Tát ngồi ngay ngắn thuyết pháp.

Đại đức nên biết! Bằng phương tiện thiện xảo như vậy, Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, chế phục thiên ma, ngoại đạo, đại bi hóa độ hết thảy hữu tình. Đã trải qua sáu năm, từ định khởi xuất, Bồ Tát tùy thuận thế pháp, đến sông Vô cấu tẩy rửa. Sau khi tắm rửa xong, Bồ Tát lên đứng trên bờ. Tại đây, có một người nữ chăn bò lấy sữa của trăm con bò hòa chung cho một con bò uống. Sau đó, nàng ta lấy sữa của con bò này nấu thành cháo sữa, dâng cho Bồ Tát.

Lại có sáu ức trời, rồng, Dược xoa, Kiện đạt phược… đều đem đủ loại hương thơm, đồ ăn thức uống mĩ vị đến dâng cho Bồ Tát, thưa rằng: “Thưa Đại sĩ! Thưa Chánh sĩ! Cúi xin Ngài thọ nhận đồ ăn thức uống của con cúng dường”. Bồ Tát thương họ mà thọ nhận tất cả.

Khi ấy, nàng mục đồng và các trời, rồng, Kiện đạt phược… ai cũng cảm thấy như Bồ Tát chỉ nhận đồ cúng của mình thôi.

Lúc đó, có vô lượng các trời, người… do thấy Bồ Tát nhận đồ cúng mà được ngộ đạo. Cho nên Bồ Tát vì họ mà thị hiện việc ấy. Thật ra, lúc bấy giờ, Bồ Tát không có tắm rửa, cũng không có thọ nhận của trời, người… cúng dường.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, thị hiện đi đến tòa Bồ đề. Khi ấy, trời Địa cư tên là Diệu Địa cùng với các thiên thần quét dọn, trang hoàng, rưới nước hương, rải hoa thơm vi diệu khắp cả khu vực ấy.

Khắp ba ngàn đại thiên thế giới ấy, Tứ đại thiên vương thống lãnh chúng trời của mình tuôn trận mưa hoa vi diệu cúng dường Bồ Tát. Thiên chủ Đế Thích phân các Thiên vương thống lãnh chúng trời của mình, trụ giữa hư không tấu âm nhạc trời, tán thán Bồ Tát. Thiên vương Hỷ Túc thống lãnh chúng trời của mình, đem lưới bảy báu phủ khắp cả thế giới, bốn góc lưới ấy được treo các linh vàng, tím và phun mưa các báu cúng dường Bồ Tát. Thiên vương Thiện Hóa thống lãnh chúng trời của mình, dùng lưới vàng, tím giăng khắp cả thế giới, đánh các loại nhạc trời, làm các loại mưa hoa cúng dường Bồ Tát. Thiên vương Tự Tại thống lãnh chúng trời của mình, như các rồng, Dược xoa, Kiện đạt phược… đem đủ các loại phẩm vật thượng diệu cúng dường Bồ Tát. Đại Phạm Thiên Vương, chủ thế giới Kham Nhẫn thấy Bồ Tát đến tòa Bồ đề, liền bảo tất cả chúng Phạm thiên rằng:

“Các ông nên biết! Nay Bồ Tát này, giáp trụ kiên cố, tự trang nghiêm mình, chẳng trái với thệ nguyện xưa, tâm không biếng nhác, các hạnh Bồ Tát đều đã đầy đủ viên mãn, thông đạt vô lượng pháp hóa độ hữu tình, đều được tự tại nơi các địa Bồ Tát. Tâm Ngài thanh tịnh, khéo biết hết thảy căn tánh khác nhau của các hữu tình, thông đạt tạng bí mật sâu xa của Như Lai, giác ngộ siêu tuyệt tất cả sự nghiệp của ma, tập hợp các thiện căn chẳng dựa vào ngoại duyên, được hết thảy các đức Như Lai hộ niệm, rộng vì hàm thức(1) mà khai mở môn giải thoát, là đại tướng Đạo sư đánh tan quân ma, dũng mãnh độc nhất trong đại thiên giới, là đại Y vương khéo cho thuốc pháp. Ngài từ bỏ sự quán đảnh, nhận ngôi vị pháp vương, phóng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp các cõi, tám pháp thế gian chẳng nhiễm ví như hoa sen, thông đạt trọn vẹn các môn tổng trì, sâu xa khó lường giống như biển lớn, an định bất động như núi Diệu Cao, trí tuệ thanh tịnh không chút cấu nhiễm, trong ngoài tinh khiết như châu Mạc ni, với các pháp tướng đều được tự tại, phạm hạnh thanh bạch đạt đến tuyệt đối. Bồ Tát hành sâu Bát Nhã như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, vì độ hữu tình mà đến tòa Bồ đề, trải tòa, ngồi kiết già, hàng phục ma oán, thành tựu vô lượng vô biên công đức của chư Phật như: Mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt và mười tám pháp Phật bất cộng…, chuyển đại pháp luân, rống tiếng Sư tử, dùng pháp thí cho khắp tất cả hữu tình được đầy đủ như sở thích của họ, làm cho các hữu tình đều được pháp nhãn thanh tịnh, hàng phục ngoại đạo bằng pháp Vô thượng. Vì muốn nêu bày sự thành tựu bổn nguyện của chư Phật nên đối với các pháp, Ngài đều được tự tại. Các ông nên đến cúng dường Bồ Tát”.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành sâu Bát Nhã như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, thị hiện đi đến tòa Bồ đề. Khi ấy, tướng Bức luân ở dưới hai bàn chân đều phóng ra vô lượng ánh sáng vi diệu, chiếu khắp các cõi địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ. Hữu tình trong các cõi này thấy ánh sáng đó đều lìa khổ, thân tâm an lạc. Cũng lúc ấy, trong cung rồng, Đại long vương tên Ca lý ca thấy ánh hào quang kia vô cùng vui mừng phấn khởi, liền bảo các rồng:

“Ánh sáng vi diệu này chiếu đến chỗ chúng ta, làm cho thân tâm chúng ta an lạc. Xưa kia, khi ta thấy ánh sáng này, thời có đức Như Lai xuất hiện ở thế gian. Nay lại thấy ánh sáng vi diệu này, nhất định ta biết thế gian có đức Phật xuất hiện. Các ông nên chuẩn bị các loại hương hoa, trân bảo, cờ phướn, lộng hoa thù diệu và các loại âm nhạc để đến cúng dường Ngài”. Tức thời, long vương dẫn các quyến thuộc đem đủ các đồ cúng, cưỡi trên các đám mây lớn, rải xuống loại mưa hương, rồi đến chỗ Bồ Tát, tấu các loại nhạc, bày các đồ cúng dường, đi nhiễu bên phải Bồ Tát, tán thán rằng:

“Ánh sáng vi diệu khiến cho tất cả an lạc, quyết định Phật tối thắng suất hiện không nghi. Đủ loại trân bảo trang nghiêm đại địa, tất cả cỏ cây đều biến thành cây báu, các dòng sông đều lặng yên, không một gợn sóng, do đây nhất định biết được Phật xuất hiện ở thế gian. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, Phạm Thiên, Đế Thích đều không thể chiếu đến cõi ác, nhưng ánh sáng của Phật thì chiếu suốt không nghi. Thí như có người thất lạc cha mẹ, năm tháng trôi qua, người ấy lớn dần, bỗng gặp lại cha mẹ mình, vô cùng vui mừng phấn khởi, không sao kiềm chế được. Tất cả thế gian thấy Phật xuất hiện, đều cùng vui mừng cũng lại như vậy. Trong quá khứ, chúng ta đã từng cúng dường chư Phật, nên nay mới được gặp đấng Pháp vương, thầy của trời người. Chúng ta sanh ra thật là không uổng”.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành sâu Bát Nhã như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, ở dưới gốc cây Bồ đề, nhận tòa ngồi bằng thảm cỏ, nhiễu phải bảy vòng, chánh niệm ngồi ngay. Các hữu tình hạ liệt thì thấy tướng như vậy. Nhưng các Bồ Tát thì thấy có tám vạn bốn ngàn Thiên tử, mỗi vị đều trải một tòa Sư tử lớn. Các tòa Sư tử này được làm bằng các báu, lưới bảy báu bao phủ trên ấy. Tại bốn góc tòa đều treo linh vàng vi diệu; cờ, phướn, kim tuyến, lọng báu giăng đầy khắp nơi. Bồ Tát biến hình, an tọa trên tám vạn bốn ngàn tòa Sư tử này, nhưng các Thiên tử đều không thấy như vậy, nên cho rằng Bồ Tát chỉ ngồi trên tòa của ta mà chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì nhân duyên đây nên họ rất vui mừng, đối với Vô thượng Bồ đề đều được Bất thối chuyển.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, phóng ánh sáng lớn giữa đôi chân mày, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, các cung điện ma đều mất ánh sáng. Khi ấy, các ma vương đều nghĩ: Vì nhân duyên gì mà có ánh sáng đây, che phủ cả cung điện uy quang của chúng ta, trừ phi Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề sắp chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nghĩ vậy, họ cùng quán sát, thấy Bồ Tát ngồi trên tòa Kim cương, dưới cội Bồ đề. Thấy vậy, ma liền kinh sợ, triệu tập ma quân, vô lượng trăm ngàn đủ loại hình dạng, dẫn nhiều kỹ nữ, đem cờ phướn, phát ra đủ các loại âm thanh, nếu có người nghe thấy thì trong tai, mũi, miệng đều bị chảy máu.

Bấy giờ, Bồ Tát dùng lực đại bi khiến cho chúng ma quân không thể phát ra âm thanh. Đó gọi là Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát như vậy, nhớ nghĩ vô lượng ức kiếp quá khứ, đã tinh tấn tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật, từ, bi, hỷ, xả, niệm trụ chánh đoạn, thần túc căn lực, giác chi, đạo chi, tịch chỉ, diệu quán, tam minh, 8 giải thoát đều được viên mãn. Sau khi nhớ nghĩ xong, Ngài liền đưa cánh tay kim sắc xoa đảnh đầu mình cho đến khắp toàn thân, rồi nói như vầy: “Ta muốn cứu vớt các khổ của hữu tình, mà khởi tâm đại bi”.

Khi ấy, các ma vương và quyến thuộc của ma nghe Bồ Tát nói như vậy đều kinh sợ, ngã lăn xuống đất.

Bấy giờ, Bồ Tát dùng lực đại bi làm cho các chúng ma nghe âm thanh phát ra từ trong hư không rằng: “Các ngươi nên qui y đấng Đại tiên tịnh giới, người hay bố thí úy, cứu hộ cho tất cả”.

Toàn thể quyến thuộc ma phủ phục lạy sát đất thưa như vầy: “Cúi xin đấng Đại tiên cứu hộ mạng chúng con”.

Bồ Tát nương vào phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa, phóng ánh sáng lớn. Ai gặp ánh sáng ấy đều lìa xa sự sợ hãi. Ma và quyến thuộc thấy thần biến ấy vừa kinh sợ vừa vui mừng.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, khiến cho các hữu tình đều thấy khác nhau: Có hữu tình thì thấy việc hàng ma như vậy, có hữu tình thì không thấy việc ấy, hoặc thấy Bồ Tát chỉ ngồi ở tòa cỏ, hoặc thấy Bồ Tát ngồi tòa Sư tử, hoặc thấy Bồ Tát ngồi trên đất, hoặc thấy Bồ Tát ngồi tòa Sư tử giữa hư không. Ngay cả tướng cây bồ đề, hữu tình cũng thấy khác nhau: Như có người thì thấy đó là cây Tất bát la, có người thấy đó là cây Thiên Viên Thải, hoặc thấy cây ấy do các báu hợp thành, hoặc thấy cây ấy cao bằng bảy cây Đa la, hoặc thấy cây ấy cao khoảng tám vạn bốn ngàn du thiện na, có tòa Sư tử cao bốn vạn hai ngàn du thiện na, Bồ Tát ngồi trên toà ấy, ở dưới gốc cây này. Hoặc thấy Bồ Tát đi dạo giữa hư không, hoặc thấy Bồ Tát ngồi dưới cội Bồ đề. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, thị hiện đủ loại thần thông biến hóa, độ các hữu tình.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, ngồi tòa Bồ đề, có vô lượng, vô số, vô biên Bồ Tát khắp mười phương thế giới như cát sông Hằng đều vân tập về, trụ giữa hư không, phát ra nhiều loại âm thanh khích lệ Bồ Tát, khiến cho thân Bồ Tát an lạc, tâm sanh hoan hỷ, bằng những lời như vầy: “Lành thay Đại sĩ! Tinh tấn dũng mãnh, mau chóng thành tựu kiết tường rộng lớn, tâm như kim cương chớ sanh kinh sợ, thần thông du hý lợi lạc hữu tình, có thể trong một sát na chứng Nhất thiết trí”.

Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề ma đến nhiễu loạn đều không kinh sợ. Trong một sát na tâm, phương tiện thiện xảo, khéo tương ưng với lý thú Bát nhã Ba la mật, thông đạt rốt ráo tất cả sở tri, kiến, giác.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã như vậy, ngồi tòa Bồ đề, chư Phật khắp 10 phương thế giới như cát sông Hằng đồng thanh tán thán: “Lành thay! Lành thay! Chỉ có Đại sĩ mới thông đạt tự nhiên trí, vô ngại trí, bình đẳng trí, vô sư trí đại bi trang nghiêm”.

Đại đức nên biết! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, khéo thị hiện đủ các việc, làm cho các loài hữu tình, hoặc thấy Bồ Tát nay được Bồ đề, hoặc thấy Bồ Tát từ lâu đã thành Phật, hoặc chỉ thấy bốn Đại thiên vương trong một thế giới đều dâng hiến bát, hoặc lại thấy bốn Đại thiên vương khắp cả mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng đều dâng hiến bát. Bấy giờ, Bồ Tát vì hữu tình nên nhận hết tất cả bát, chồng lên nhau trong lòng bàn tay, lấy tay ấn xuống hóa thành một bát. Các vị Tứ đại thiên vương đều không thấy, nên cho rằng đức Thế Tôn chỉ nhận bát của ta. Khi ấy liền có sáu vạn Thiên tử nương nguyện lực đời trước đến cúng Bồ Tát trước nhất. Trong đời quá khứ họ phát nguyện rằng: “Nếu khi Bồ Tát này thành Phật, mong Ngài nhận đồ cúng dường của chúng con đầu tiên”.

Lúc Phật nói pháp này, có ba vạn Bồ Tát đắc vô sanh pháp nhẫn, lại có ba vạn sáu ngàn Bồ Tát đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề được Bất thối chuyển; tám vạn trời, người lìa xa trần cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh; vô lượng vô biên các loài hữu tình đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác.

Đại đức nên biết! Lúc bấy giời, Bồ Tát nương vào phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, sắp thị hiện chuyển bánh xe pháp lớn thì Phạm vương Trì Kết chủ thế giới Kham nhẫn, liền cùng sáu mươi tám vạn các chúng Phạm thiên, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, chắp tay cung kính, đi nhiễu quanh bên phải bảy vòng, rồi thỉnh Phật ba lần: “Cúi xin đức Đại Bi thương xót chúng con mà chuyển bánh xe pháp lớn. Cúi xin đức Đại Bi thương xót chúng con mà chuyển bánh xe pháp lớn. Cúi xin đức Đại Bi thương xót chúng con mà chuyển bánh xe pháp lớn”. Sau khi thỉnh ba lần như vậy, Phạm thiên liền hóa làm tòa đại Sư tử cao rộng bốn vạn hai ngàn du thiện na, kiên cố an ổn, trang nghiêm bằng đủ loại báu. Khi ấy, vô lượng thiên chủ Đế Thích khắp mười phương thế giới, đều đến trải tòa Sư tử cho Như Lai, và số lượng chư thiên đến trang nghiêm tòa Sư tử cũng lại như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát hiện sức thần thông làm cho chư thiên đều thấy Bồ Tát ngồi trên tòa ấy mà chuyển pháp luân. Sau khi ngồi trên tòa Sư tử ấy, Bồ Tát nhập vào vô biên cảnh giới Tam ma địa, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng v.v…, làm cho các thế giới ấy chấn động sáu cách. Trong các thế giới ấy, các khổ của hữu tình tạm ngưng, thân tâm an lạc, cũng tạm lìa xa pháp ác bất thiện, tham, sân, si... Tâm từ cùng hướng về nhau như mẹ với con. Khi đó, ba ngàn đại thiên thế giới đầy kín người, không có khe hở nào dù bằng một lỗ chân lông. Trời, rồng, Dạ xoa, Kiện đạt phược, A tu la, Yết lộ trà, Khẩn nại lạc, Mạc hô lạc già, nhơn phi nhơn… đầy đủ trong ấy. Nếu các hữu tình cần nghe pháp khổ mà được thọ hóa thì nghe Phật nói khổ; cần nghe pháp vô ngã, tịch tĩnh, viễn ly, vô thường mà được thọ hóa thì cũng như vậy; cần nghe pháp như huyễn mà được thọ hóa thì nghe pháp như huyễn; cần nghe pháp như mộng, như tiếng vang, như ảnh tượng, như ánh sáng, như quáng nắng, như biến hóa, như thành Tầm hương mà được thọ hóa thì cũng lại như vậy; cần nghe pháp giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện mà được thọ hóa thì nghe Phật nói không, vô tướng, vô nguyện.

Khi ấy, có các hữu tình nghe Như Lai nói, tất cả các pháp từ nhân duyên sanh, hoặc nghe nói uẩn, hoặc nghe nói xứ, hoặc nghe nói giới, hoặc nghe nói khổ, hoặc nghe nói tập, diệt, đạo, hoặc nghe nói bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, sáu thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi Thánh đạo, hoặc nghe nói pháp tịch chỉ diệu quán, hoặc nghe nói các pháp Thanh văn, hoặc nghe nói các pháp Độc giác, hoặc nghe nói các pháp Bồ Tát. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã như vậy, thị hiện đủ loại tướng chuyển pháp luân, tùy theo căn tánh sai biệt của các hữu tình mà được lợi lạc, thân tâm hoan hỷ.

Khi ấy, Xá lợi tử nói với Tối Thắng:

- Này Thiên vương! Cảnh giới mà Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa thật là quá thậm thâm, khó nghĩ, khó bàn, khó biết, khó nhập.

Tối Thắng đáp:

- Thưa Đại đức! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, việc ấy thù thắng, công đức vô lượng vô biên, nay tôi có nói trăm phần, ngàn phần cho đến cực số phần cũng chẳng hết. Chỉ có đức Như Lai mới có thể nói trọn vẹn. Nay một ít phần ấy của tôi nói đều là nương vào sức oai thần của đức Như Lai. Vì sao? Vì cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, các chúng Bồ Tát chỉ còn một lần sanh nói công đức ấy còn chẳng thể hết, huống nữa là các vị Bồ Tát khác.

Đại đức nên biết! Cảnh giới của chư Phật tịch tĩnh, lìa ngôn thuyết, chỉ có trí vô phân biệt và trí hậu đắc mới có thể hiểu được.

Đại đức nên biết! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng nhập cảnh giới của chư Phật thì phải học phương tiện thiện xảo Bát Nhã, mới thông đạt rốt ráo Tam ma địa kiện hành, Tam ma địa như huyễn, Tam ma địa kim cương dụ, Tam ma địa kim cương luân, Tam ma địa vô động tuệ, Tam ma địa thông đạt khắp, Tam ma địa không duyên cảnh giới, Tam ma địa sư tử tự tại, Tam ma địa vua Tam ma địa, Tam ma địa công đức trang nghiêm, Tam ma địa tuệ tịch tĩnh, Tam ma địa siêu việt khắp, Tam ma địa vô nhiễm trước, Tam ma địa tuệ trang nghiêm vương, Tam ma địa vô đẳng đẳng, Tam ma địa đẳng giác, Tam ma địa chánh giác, Tam ma địa ý vui, Tam ma địa hoan hỷ, Tam ma địa thanh tịnh, Tam ma địa hỏa diệm, Tam ma địa quang minh, Tam ma địa nan thắng, Tam ma địa thường hiện tiền, Tam ma địa không hòa hợp, Tam ma địa vô sanh, Tam ma địa thông đạt, Tam ma địa tối thắng, Tam ma địa vượt qua cảnh giới ma, Tam ma địa nhất thiết trí tuệ, Tam ma địa tràng tướng, Tam ma địa đại bi, Tam ma địa an lạc, Tam ma địa ái niệm và Tam ma địa pháp bất kiến…

Đại đức nên biết! Nếu đại Bồ Tát học phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật thì có thể thông đạt rốt ráo vô lượng, vô biên hằng hà sa số môn Tam ma địa này, mới có khả năng chứng nhập cảnh giới của chư Phật, thân tâm an ổn, không có kinh sợ, như sư tử chúa không sợ cầm thú. Vì sao? Vì nếu các đại Bồ Tát tu các Tam ma địa bình đẳng như vậy thì hành động gì đều không kinh sợ, không thấy trước mặt mình có oán địch nào. Vì sao?

Thưa Xá lợi tử! Vì đại Bồ Tát này hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, tâm không có chỗ duyên cũng không có chỗ trụ. Thí như có người sanh cõi Vô sắc, trong tám vạn đại kiếp chỉ có một thức, không có chỗ trụ cũng không có chỗ duyên. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, tâm không có chỗ duyên cũng không có chỗ trụ. Vì sao? Vì các Bồ Tát này, tâm không hành cũng không có chỗ hành, tâm không tưởng cũng không có chỗ tưởng, tâm không duyên cũng không có chỗ duyên, tâm không dính mắc cũng không có chỗ dính mắc, tâm không loạn cũng không có chỗ loạn, tâm không cao thấp, tâm không thuận nghịch, tâm không buồn, không vui, không phân biệt, lìa phân biệt, lìa Xa ma tha, Tỳ bát xá na, tâm chẳng theo trí, tâm chẳng trụ nơi mình cũng chẳng trụ nơi khác, chẳng nương vào mắt mà trụ, chẳng nương vào tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà trụ, chẳng nương vào sắc mà trụ, chẳng nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà trụ. Tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở hai bên. Tâm chẳng duyên pháp cũng chẳng duyên trí, chẳng trụ 3 đời cũng chẳng lìa 3 đời.

Đại đức nên biết! Các đại Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa ấy, chẳng giữ một pháp, nhưng đối với các pháp, trí thấy biết vô ngại, tâm hành thanh tịnh, thấy tất cả pháp đều không cấu nhiễm, không nắm bắt tướng thấy, thấy không phân biệt, lìa các hí luận.

Đại đức nên biết! Các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa ấy, chẳng cùng với nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng; cũng lại chẳng cùng với tất cả thiên nhĩ, tha tâm, túc trụ, thần cảnh, các trí lậu tận tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.

Đại đức nên biết! Phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa cùng với tất cả pháp, đều chẳng tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Các đại Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, đối với tất cả pháp được trí bình đẳng, khéo quán tâm hành của tất cả hữu tình, đều như thật biết tất cả nhiễm tịnh, cũng không quên mất mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng… và vô lượng, vô biên công đức của chư Phật. Các đại Bồ Tát này hành sâu Bát nhã Ba la mật phương tiện thiện xảo, không công dụng hạnh, đạt tất cả pháp không tâm ý thức, thường ở trong tam muội tịch tĩnh, không bỏ tam muội mà giáo hóa hữu tình, làm Phật sự thường chẳng nghỉ ngưng. Đối các Phật pháp được trí vô ngại, tâm không nhiễm đắm, ví như hóa Phật hóa làm Như Lai. Như Lai hóa ra vô thức, không thân không thân nghiệp, không ngữ không ngữ nghiệp, không ý không ý nghiệp mà năng thi tác được tất cả Phật sự nhiêu ích hữu tình. Vì sao? Vì là thần lực của Phật.

Bồ Tát như thế hành Bát Nhã sâu thẳm phương tiện thiện xảo hóa làm ra đó, không thân không thân nghiệp, không ngữ không ngữ nghiệp, không ý không ý nghiệp, tâm không công dụng, thường làm Phật sự nhiêu ích hữu tình. Vì sao?

Thưa Xá lợi tử! Vì các đại Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, thông đạt các pháp đều như huyễn…, tâm không phân biệt, nhưng các hữu tình luôn nghe thuyết pháp.

Đại đức nên biết! Trí tuệ của các Bồ Tát này không trụ hữu vi, không trụ vô vi; không trụ các uẩn và các xứ, các giới, không trụ trong, ngoài và hai bên; không trụ thiện, ác và thế gian hay xuất thế gian; không trụ nhiễm-tịnh, hữu lậu-vô lậu, hữu vi-vô vi; không trụ ba đời và lìa ba đời; không trụ hư không, trạch diệt, phi trạch diệt. Các Bồ Tát này hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, tuy tâm thường vô trụ như vậy, nhưng thông đạt tánh tướng các pháp; dùng trí vô ngại, vô công dung hạnh, tuyên thuyết các pháp thường tại tịch tĩnh, làm việc giáo hóa không có ngừng nghỉ. Nguyện lực đời trước của các Bồ Tát ấy vững mạnh, vô công dụng hạnh, vì người khác mà nói pháp. Các Bồ Tát ấy nhờ phương tiện thiện xảo Bát Nhã nên thường không kinh sợ. Vì sao? Vì hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm có thần Chấp Kim Cang thường luôn đi theo bảo vệ.

Đại đức nên biết! Nếu đại Bồ Tát nghe nói Bát Nhã sâu xa như vậy mà tâm không kinh sợ, không mê hoặc, không nghi ngờ thì nên biết vị ấy đã được thọ ký Bồ đề. Vì sao? Vì người tin nhận phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật là gần cảnh giới Phật. Dùng nhất tâm này thì có thể thông đạt tất cả Phật pháp. Thông đạt Phật pháp nên lợi lạc hữu tình, nhưng không thấy hữu tình và Phật khác nhau. Vì sao? Vì lý không hai.

 

Thích nghĩa:

(1). Hàm thức: (含識) Phạm: Sattva. Pàli: Satta. Dịch âm: Tát đóa. Dịch ý: Hữu tình, Chúng sinh. Cũng gọi Hàm linh, Hàm sinh, Hàm loại, Hàm tình, Bẩm thức. Chỉ chung tất cả chúng sinh hữu tình tức loài có tâm thức, trong 6 đường.

 

Sơ giải:

 

1. Phẩm này nói về hiện tướng của một Bồ Tát trở thành một vị Phật, giống như trường hợp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Thái tử Tất Đạt Đa bỏ vợ con, bỏ ngai vàng, bỏ cung điện vào núi tuyết tu khổ hạnh sáu năm, nhưng không tìm thấy Chánh giác. Nên rời núi tuyết vì thấy tu hành xác không mang lại lợi ích gì, mới đến sông Nairanjana (Ni Liên Thiền) tắm gội, nhưng khi lên bờ thì kiệt lực, bất tỉnh. May nhờ cô gái chăn bò tên Nanda (nandàbàla) đội bình sữa đi qua, nàng thấy Thái tử bất tỉnh vì quá suy nhược, nên mở bình sữa đổ ra một bát cho Thái tử uống. Bát sữa do cô gái dâng cho thanh khiết như nước Cam lồ, mang lại khí lực, nhờ đó thái tử mới có đủ sức, vượt sông Ni Liên Thiền đi về hướng núi Gaga. Tại đây, Thái tử tìm thấy một tảng đá như cái nôi dưới cội bồ đề to lớn và quyết định ở lại đây tiếp tục thiền định, tìm Chánh giác. Có một chú bé cắt cỏ đi ngang qua, thấy dung mạo phi phàm của Thái tử, liền tặng tất cả cỏ do mình thu hoạch cho Thái tử dùng làm nệm ngồi.

Rồi sau 49 ngày thiền định, chế phục thiên ma, ngoại đạo. Khi sao Mai vừa ló dạng, Thái tử Tất Đạt Đa chứng tam minh, ngũ nhãn, lục thần thông và trong một sát na tương ưng với diệu tuệ diệt trừ được tất cả phiền não tương tục, trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau đó, Phật Thế Tôn chu du khắp châu thổ sông Hằng và vùng Trung Bắc Ấn độ, hóa độ chúng sanh hết 49 năm, rồi nhập diệt tại rừng cây Tha la.

 Đó là lịch sử hiện tướng của một Bồ Tát biến thành một vị Phật, gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni tương tự như phẩm“Hiện Tướng” của Hội thứ VI này. Nhưng Phẩm “Hiện Tướng” có tính cách thần bí không giống những gì mô tả trong thực tế.

Phật tích của Đức Thích Ca là một câu chuyện rất bình dị nhân bản. Vì bình dị nhân bản, nên gần gũi, đáng yêu, đáng ngưỡng mộ hơn bao giờ hết! Giống như câu chuyện động tâm của một vì vua, là Sơ Tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam chúng ta. (xem Phụ đính) 

2. Còn các hiện tướng khác miêu tả trong phẩm này có tánh “thần thông”, không thuộc nhãn căn cảnh giới của chúng ta, nên không dám lạm bàn. Xá Lợi Tử nói với Thắng Thiên vương:

- “Này Thiên vương! Cảnh giới mà Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa thật là quá thậm thâm, khó nghĩ, khó bàn, khó biết, khó nhập”.

Xá Lợi Tử, Ngài là bậc Thanh văn trí tuệ nhất trong hàng Thanh văn đã nói như thế. Nên chúng ta không bàn đến nữa. Ai muốn tin hiểu... thì tự mình thọ trì đọc tụng thôi.

 

3. Các giáo pháp đáng ghi nhớ ở đây là: Tâm không trụ bất cứ nơi nào, hành nhưng xem như vô hành, vô công dụng hạnh:

 

1- “(...)Vì đại Bồ Tát này hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, tâm không có chỗ duyên cũng không có chỗ trụ. Thí như có người sanh cõi Vô sắc, trong tám vạn đại kiếp chỉ có một thức, không có chỗ trụ cũng không có chỗ duyên. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, tâm không có chỗ duyên cũng không có chỗ trụ. Vì sao? Vì các Bồ Tát này, tâm không hành cũng không có chỗ hành, tâm không tưởng cũng không có chỗ tưởng, tâm không duyên cũng không có chỗ duyên, tâm không dính mắc cũng không có chỗ dính mắc, tâm không loạn cũng không có chỗ loạn, tâm không cao thấp, tâm không thuận nghịch, tâm không buồn, không vui, không phân biệt, lìa phân biệt, lìa Xa ma tha, Tỳ bát xá na, tâm chẳng theo trí, tâm chẳng trụ nơi mình cũng chẳng trụ nơi khác, chẳng nương vào mắt mà trụ, chẳng nương vào tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà trụ, chẳng nương vào sắc mà trụ, chẳng nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà trụ. Tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở hai bên. Tâm chẳng duyên pháp cũng chẳng duyên trí, chẳng trụ 3 đời cũng chẳng lìa 3 đời”.

Làm sao đạt được tâm không chỗ duyên? Làm sao đạt được vô sở trụ? Muốn thế thì phải “…tâm không hành cũng không có chỗ hành, tâm không tưởng cũng không có chỗ tưởng, tâm không duyên cũng không có chỗ duyên, tâm không dính mắc cũng không có chỗ dính mắc, tâm không loạn cũng không có chỗ loạn, tâm không cao thấp, tâm không thuận nghịch, tâm không buồn, không vui, không phân biệt, lìa phân biệt...” Đó là đỉnh cao của tu hành. Muốn được như vậy thì phải gia công tập luyện thôi.

 

2- “(...)Trí tuệ của các Bồ Tát này không trụ hữu vi, không trụ vô vi; không trụ các uẩn và các xứ, các giới, không trụ trong, ngoài và hai bên; không trụ thiện, ác và thế gian hay xuất thế gian; không trụ nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi; không trụ ba đời và lìa ba đời; không trụ hư không, trạch diệt, phi trạch diệt. Các Bồ Tát này hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, tuy tâm thường vô trụ như vậy, nhưng thông đạt tánh tướng các pháp; dùng trí vô ngại, vô công dung hạnh, tuyên thuyết các pháp thường tại tịch tĩnh, làm việc giáo hóa không ngừng nghỉ. Nguyện lực đời trước của các Bồ Tát ấy vững mạnh, vô công dụng hạnh, vì người khác mà nói pháp. Các Bồ Tát ấy nhờ phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật nên thường không kinh sợ. Vì sao? Vì hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm có thần Chấp Kim Cang thường luôn đi theo bảo vệ”.

 

Phụ đính:

 

(Phật Hoàng Trần Nhân Tông: Vị Phật Việt Nam của thời cận đại)

 

      Một nhân vật được lịch sử Phật giáo Việt Nam tôn sùng, đó là Vua Trần Nhân Tông, Ngài là Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam và hầu như đa số Phật tử Việt Nam đều biết đến Ngài với tên gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Từ nhỏ có tướng đặc biệt là thân màu vàng, nên vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật kim.

Khi lên 16 tuổi Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm đó Ngài kết hôn với Công chúa Quyên Khánh trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương. Năm 21 tuổi Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi trị vì thiên hạ nước Đại Việt, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Với tài kinh ban tế thế Ngài mang lại an cư lạc nghiệp cho toàn thể dân chúng sau hai lần chiến thắng quân ngoại xăm Nguyên - Mông. Năm lên 41 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng.

Ngài rất sùng đạo khi còn thiếu thời, thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy để học đạo và Thiền. Ngài thường viếng chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo.

Sau khi nhường ngôi cho con xong Ngài quyết định thọ giáo qui y. Nên, đến Hành cung Vũ Lâm - Ninh Bình cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Ngài quyết tâm trở lại thăm kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.

Đến năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Sau đó, Ngài thường chống gậy lui tới các chùa để giảng kinh, bốc thuốc, thí phát qui y cho dân chúng. Đến năm 1308 Ngài thị tịch tại am Ngọa Vân Đông triều - Tỉnh Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc táng. Sau đó, Vua, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành lễ Trà tỳ.

Xá lợi của Ngài được chia làm hai phần, một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng - Thái Bình; một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên - Yên Tử, Quảng Ninh, lấy hiệu là Huệ Quang Kim Tháp.

Các tác phẩm Phật học của Ngài còn lưu truyền như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục trong đó có một số kệ nổi tiếng như Sơn Phòng Mạn Hứng, Cư Trần Lạc Đạo, Mười bài thơ Xuân, v.v...

Ngài sống cảnh thanh bần trong khoảng đời cuối cùng, luôn luôn gần gũi, chia vui sẻ buồn với muôn dân trong cảnh bần hàn nghèo khổ. Ngài thường chống gậy xuống núi thí phát qui y, giảng đạo, bốc thuốc cho dân... cho đến khi viên tịch. Ngài xứng đáng là Phật Tâm Thiên tử của muôn dân. Nên được tấn phong là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.

Đó là Hiện Tướng của một vị Phật Việt Nam! Một câu chuyện thật động tâm không những đối với người xưa mà cả hôm nay. Một người đầy uy quyền, giàu sang tột đỉnh, phú quý vinh quang... lại mặc áo vá quàng, cơm dưa canh đậu qua ngày, sớm hôm vui buồn cùng đạo, bầu bạn với đám dân đen, thật hiếm có lắm thay./.

 

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]